CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

17. Lão Cư Sĩ Lư Nhiên Phú (1929 – 2000)

Lão Cư Sĩ Lư Nhiên Phú, pháp danh là Chúc Quý, người Việt gốc Hoa, sinh năm 1929, tại Trung Quốc. Năm 17 tuổi, ông sang Việt Nam sinh sống rồi lập gia đình và định cư ở Sài Gòn.

Vì gia cảnh nghèo khó nên ông không được ăn học, nhưng bản tính lại chất phác lương thiện. Ông có hết thảy tám người con, bốn trai, bốn gái. Vợ chồng ông ăn hiền ở lành, thỉnh thoảng đi chùa. Các con ông thì đến chùa nhiều hơn và cũng có người đã quy y Tam Bảo.

Đến năm 1991, ông sang Mỹ. Sau đó, quy y tại chùa Phật Bảo, được thượng tọa Thích Thanh An đặt cho pháp danh là Chúc Quý.

Ông thường đến chùa nghe pháp và dự các buổi Bát Quan Trai. Ông tu tinh tấn hơn nhiều người. Bất kể mọi khó khăn của thời tiết, dù mưa gió, dù trời lạnh đến đóng băng, ông cũng đến chùa Quang Minh mỗi sáng Chủ Nhật để dự khóa Hồng Danh Sám Hối. Nhờ đó, những tập khí của ông từ từ rơi rụng, nhất là tánh nóng nảy và tính nguyên tắc. Trước kia trong nhà, ai làm điều gì trái ý là ông la hét ngay, hoặc đến giờ dùng cơm thì mọi người phải đủ mặt, cùng ngồi vào bàn. Nhưng, từ lúc thấm nhuần Phật pháp thì ông trở nên dễ dãi, hiền hòa, hiền như ông Phật; dứt hết tất cả mọi thông lệ. Ông thường lặng lẽ ngồi riêng một mình, khi ăn ông cũng ăn riêng; ai làm gì thì làm, ông đều không quan tâm gì hết; cả đến vật cứng rớt trúng chân mà ông cũng không phản ứng kêu đau. Và ông thường hay đem những điều đã học ở chùa về giảng giải cho vợ con nghe.

Có lần ông hỏi người bạn đạo, là liên hữu Minh Hiền:

– “Niệm Phật cách nào mới thực sự vãng sanh, hầu thoát khỏi luân hồi sanh tử?”

Liên hữu đáp:

– “Niệm Phật phải thật tha thiết, phải quên hết tất cả lục dục tầm thường hàng ngày, như cảnh tình vợ con hãy ráng bỏ, đừng để bị ràng buộc, phải sửa đổi tánh cho được nhu hòa, hiền hậu. Thì ngày ra đi chắc chắn chúng ta sẽ được như ý”.

Ông trầm ngâm suy nghĩ giây lâu rồi nói:

– “Ngộ sẽ cố gắng thực hiện để được vãng sanh!”

Cứ thế, mỗi lần gặp bạn đạo là ông gợi chuyện về niệm Phật và vãng sanh. Hôm nọ, ông than với bạn:

– “Ngộ (tôi) niệm Phật sao còn nhiều vọng tưởng quá!”

Minh Hiền giải bày:

– “Anh nên dùng cách niệm Phật “công cứ”, nghĩa là tự qui định mỗi ngày mình sẽ phải niệm bao nhiêu lần danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật.

Như vậy, mình sẽ diệt được vọng tưởng và không lơ là trong việc niệm Phật”.

Mặc dù kém về chữ nghĩa, nhưng ông là người có ý chí “Lão thật niệm Phật” cầu sanh Tây Phương.

Công phu thường nhật của ông là mỗi tối và khuya tụng kinh A Di Đà và Bát Nhã Tâm Kinh, niệm Phật mỗi ngày 6 tiếng đồng hồ 300 xâu chuỗi, đồng thời quán tưởng Phật A Di Đà. Lúc ông niệm Phật, nhiều khi ai hỏi gì ông đều chẳng nghe, chẳng thấy, chẳng hiểu gì cả.

Ông là người mộc mạc, thật thà. Đối với Phật pháp điều nào không biết thì ông đem hỏi ngay, không do dự, không sợ xấu hổ. Có hôm ở giữa pháp hội, ông hỏi Đại Đức Minh Chí, trụ trì chùa Quang Minh:

– “Thưa Thầy, đang ngồi tụng kinh hoặc nghe pháp mà lỡ bị đau bụng thình lình, phải “đánh rấm”, như thế có tội không?”

Cả đại chúng ai cũng ôm bụng cười, Thầy cũng cười trả lời:

– “Trường hợp bất khả kháng thì Phật tha, nhưng mà ráng tránh thì tốt hơn”

Ông lại hỏi tiếp:

– “Lỡ tránh không nổi thì sao Thầy?”

Hội trường phát lên một trận cười lớn hơn!

Lần khác, cũng tại chùa Quang Minh, ông cũng hỏi Thầy:

– “Kính bạch Thầy! Chân con đau không ngồi kiết già và bán già được.

Xin Thầy chỉ cho con cách ngồi niệm Phật thoải mái?”

Thầy Minh Trí trả lời ba cách ngồi niệm Phật theo sự chỉ dẫn của Hòa Thượng Thích Đức Niệm:

– “Bác đau chân không có ngồi kiết già và bán già được, thì bác cứ việc ngồi duỗi chân ra cho thoải mái để niệm Phật, đó gọi là “Tự do già”.

Ai cũng cười “Cái già tự do” của Thầy!

Từ sự rụt rè, lẻ loi của buổi ban đầu mới đến chùa, ông dần dần trở thành một “học viên xuất sắc” trong các khóa học và các buổi hoạt động cúng dường Tam Bảo, in kinh ấn tống, bố thí, phóng sanh…

Bằng tiếng Việt lơ lớ của người Hoa:

– “Để tui mở hàng, đắt lắm!”

Thế là, ông đã gây hào hứng cho mọi người, ai cũng nương theo phước đức của ông mà hoan hỉ phát tâm.

Vài tuần trước khi vãng sanh, ông nói với con trai Út của ông là Thanh Trí:

– “Ngộ thấy Phật A Di Đà.”

Một hôm, ông tâm sự với liên hữu Minh Hiền:

– “Chắc ngộ không còn dịp trồng cây cho chùa nữa!”

Liên hữu hỏi:

– “Tại sao vậy?”

Ông bình thản đáp:

– “Tự nhiên tôi linh cảm như vậy!”

Đêm 15 tháng 5 năm 2000, khoảng 3 giờ khuya, ông dậy nấu cháo, rồi tụng kinh như thường lệ. Nhưng khác lạ hơn bình thường là ông tụng đến hai lần. Huệ An (cô con gái thứ Năm của ông), không hiểu sao trọn đêm đó không ngủ được; lắng nghe ông tụng trong lòng sinh nghi, linh cảm rằng sẽ có chuyện gì.

Sáng ngày 16 tháng 5 năm 2000, theo công khóa ông đi kinh hành, đột nhiên dừng chân lại một chậu kiểng, rồi nói:

– “Bà ơi! Uổng quá, mấy cây khổ qua trồng tới bây giờ, bỗng chết hết rồi”.

Vợ ông nghe nói, định lên tiếng nhắc ông hãy lo niệm Phật. Nhưng chưa kịp nói thì ông đã tiếp tục kinh hành và niệm Phật.
Một lát sau, ông kêu lên:

– “Bà ơi! Ngộ đau một bên mặt…”

Rồi sau đó:

– “Bây giờ nó đau xuống ngực”

Bà vợ vội chạy vô nhà lấy một viên Tylenol và nước đem ra cho ông uống, khi đưa thuốc cho ông thì ông hãy còn niệm Phật, nhưng khi bà trở vào trong nhà thì một thoáng sau, ông gục đầu xuống và thanh thản ra đi. Ông hưởng thọ 71 tuổi. Điều đặc biệt là gương mặt trẻ đẹp lại hơn.

******

Một ngày trước khi mất, ông Chúc Quý có ghé chùa thăm liên hữu Minh Hiền. Minh Hiền mới mua ở Việt Nam về hai xâu chuỗi kim sa bằng cát vàng nấu lại. Minh Hiền hứa tặng ông một xâu, vì lúc đó không có mang theo. Ông Chúc Quý đòi trả tiền lại nhưng Minh Hiền không chịu. Hôm sau khi hay tin ông mất, Minh Hiền liền đem đến nhà quàn trao xâu chuỗi tận tay ông. Lúc Minh Hiền cúi xuống, đặt xâu chuỗi vào tay ông, Minh Hiền nhìn mặt ông bỗng thấy mặt rạng rỡ hơn ngày thường, như trẻ hẳn lại. Do đó, ông tin chắc rằng bạn mình đã được vãng sanh, nên mới gọi riêng cháu Huệ An lại dặn nhỏ:

– “Khi thiêu xong hãy lưu ý tìm Xá Lợi!”

Nhiều bà con đến viếng cũng tấm tắc khen rằng:

– “Sao trông ông mặt mày rạng rỡ quá!”

******

Trong thời gian chờ đợi thiêu hóa, cô con gái của ông là Huệ An đã nằm mộng thấy gia đình nhặt được nhiều kim cương trong tro cốt của Ba mình.

Quả đúng như thế, sau khi hỏa táng đã thu được:

1. 20 viên Xá Lợi tròn vo, to bằng đầu đũa ăn cơm, màu xanh đậm.
2. Khoảng 50 viên Xá Lợi nhỏ bằng đầu viết bích, có viên màu xanh đậm, có viên màu hồng sáng lấp lánh.
3. Hơn 300 mảnh xương nhỏ và dẹp có màu xanh nhạt pha trộn vân sáng trắng và một mảnh xương có 3, 4 màu sáng lấp lánh như xà cừ.
4. 60 hoa Xá Lợi có vòng tròn giữa có nhiều lỗ nhỏ, đủ các màu rất đẹp mắt.

Đặc biệt là có một viên xá lợi to bằng giọt nước và hình dạng giống như giọt nước, màu trắng tinh tuyệt đẹp.

Trước kia bình bông cúng Phật trong nhà, chỉ để hai tuần là héo. Vậy mà khi ông Chúc Quý mất, bình bông trải qua sáu tuần mà vẫn chưa héo.