NHÁT KIẾM SAU CÙNG
(Ngụ Ngôn Phật Giáo Tập 2)
Hạnh Đoan
THUẬT DẠY NGƯỜI CỦA LÃO LÁI ĐÒ
Có một quốc vương cho Hoàng tử đi du lịch bằng thuyền.
Ông dẫn con ra biển. Hoàng tử nhìn thấy biển rộng mênh mông mà thuyền thì nhỏ xíu nên đâm sợ, nắm cứng áo cha, nhất quyết không bước lên thuyền.
Vua dỗ dành cách nào Hoàng tử cũng không nghe, càng ra sức kéo con lên thuyền thì Hoàng tử càng trì lại, cuối cùng vua phải bế xốc cậu ném lên thuyền.
Hoàng tử giẫy giụa khóc to, làm ầm, khiến thuyền chòng chành lắc lư tợn. Vua bóp trán, suy nghĩ mãi mà chẳng nghĩ ra cách chiêu an cậu bé. Lão chèo đò thấy thế, thưa:
– Nếu Bệ hạ muốn Hoàng tử nghe theo xin hãy giao cho thần, thần có cách giúp ngài. Nhưng Bệ hạ phải chấp nhận cho Hoàng tử nếm chút khổ và đừng can thiệp vào…
Vua ưng thuận, giao lái đò dạy Hoàng tử.
Nhanh như chớp, lão lái đò bồng hoàng tử ném thẳng xuống biển.
Hoàng tử ngó cha la thất thanh, vừa giẫy đạp vừa kêu cứu. Lão lái đò chẳng thèm đếm xỉa tới. Đợi hoàng tử kêu mệt, đuối sức, buông xuôi; lão mới nhảy xuống vớt cậu lên. Cho thay y phục, quấn chăn bông, ngồi phơi nắng ở đầu thuyền.
Lúc này Hoàng tử hết còn làm dữ, ngồi im ru. Bấy giờ lão chèo đò ôn tồn nói:
– Thuyền tuy nhỏ, song được ở trên thuyền vẫn tốt hơn. Hoàng tử hãy ngồi sưởi ấm nhé, để lão bảo gia nhân dâng cháo nóng cho ngài ăn.
Hoàng tử ngồi trước thuyền, lim dim mắt ra vẻ hài lòng.
Vua thấy con thay đổi, bảo lái đò:
– Cách thức của lão vậy là sao?
Lão chèo đò thưa:
– Chỉ có những ai từng trải qua hoạn nạn, mới biết trân trọng và hiểu giá trị của bình an, Hoàng tử thân phận tôn quý, chưa từng nếm mùi khổ, do quen được nuông chiều, muốn gì được nấy nên tánh khí kiêu mạn khó uốn. Lão ném cậu vào biển cho biết mùi khổ, thì yêu cầu tất nhiên phải hạ thấp. Giờ cậu đã hiểu ở trên thuyền là sướng, có được chén cháo nóng lót lòng trong lúc này là mỹ vị ngon nhất đời. Thế nên, thưa Đại vương! Nếu ngài muốn đào luyện Hoàng tử thành bậc kỳ tài vĩ đại thì phải để Hoàng tử trải qua vài khổ nạn, đấy là phương pháp đào luyện tốt nhất đấy ạ!
(Kể theo Nhân Sinh Chân Vị của Lâm Thanh Huyền)
BÌNH:
Hình như thuật dạy người này không dành riêng cho các bậc con vua cháu chúa, mà dành cho tất cả phàm nhân chúng ta. Đành là khố không đem tới hạnh phúc, không dễ chịu, nhưng là phương thuốc đào luyện con người kỳ diệu nhất.
Nếu ta đi tới đâu cũng được hoan nghênh đón chào, được bước trên đường lót thảm nhung, trải đầy hoa hồng; thì chắc chắn ta cũng biến thành Hoàng tử kiêu căng khó dạy
Nhưng may mắn thay, khổ đau và hạnh phúc luôn được chia đồng cho mọi người, kẻ chưa nếm khổ chẳng phải là không bao giờ nếm – mà là họ sẽ nếm sau!
Hương vị khổ đau rất khó ưa, khó nuốt, song nó bào mòn kiêu khí, bồi thêm sức chịu đựng, giúp con người trưởng thành hơn… Trong cuộc đời, những khi giao tiếp, ta rất ngại thân cận với những người quen được nuông chiu, quen sống nhung gấm lụa là. Không phải vô lý khi người ta ví von: “Gần vua như gần hổ”, tại sao vua được ví như hổ? Bởi vì vua quen được nuông chiu, vua thường chịu đựng rất dở, không kham nổi tí ti trái ý – “Vua muốn là Trời muốn!”…
Nhưng, Trời còn hiền hơn vua, nếu Trời mưa hay nắng, người thích thì mừng, không ưa thì trách, thậm chí trời còn bị nhân gian rủa là “không có mắt”… vào những khi họ bất bình phẫn uất. Rủa trời dễ – vì trời làm thinh. Còn vua thì không, Vua có quyền trong tay, trái ý là “trảm”, là hạ ngục đóng gông liền, bất kể đối phương đúng hay sai.
Nếu đời ta toàn gấm nhung – không! – Cho dẫu thiếu gấm nhung mà cuộc sống luôn được nuông chiu – thì ta cũng là vua! Một vị vua không ngai sẽ có tính cách dữ như hổ!- Bởi ta sẵn sàng giáng đòn xuống đối phương, bung hết oai lực mình đang có bằng những ngôn ngữ, hành vi, tư tưởng thịnh nộ cực kỳ… mà nếu ta hành xử như vậy, thì dù tuổi già hay trẻ, ta vẫn mãi là một kẻ chưa thành nhân và ấu trĩ hệt Hoàng tử trong truyện.
– Những bậc vĩ nhân đều trưởng thành trong cảnh khổ – Những danh hài đem đến nụ cười cho nhân gian thường thú nhận rằng – họ làm được như vậy, vì họ từng nếm khổ đau nhiều – Ai từng khổ mà không muốn người ta khổ như mình; nghĩa là sau khi chạm trán với bao giông gió, bao khổ đau mài luyện của cuộc đời, mà có được trí tuệ sắc bén, đức khiêm cung, lòng nhẫn nhịn giỏi và trái tim từ ái bất tuyệt, thì họ đã trưởng thành – Có thể gọi là kỳ nhân, vì họ biết biến những khổ đau của mình thành kinh nghiệm bôi xóa bất hạnh cho kẻ khác. “Khổ là nấc thang cho bậc anh tài, là vực thẳm cho kẻ yếu đuối” (danh ngôn). Thực sự, là thánh hay phàm, khác nhau ở phong cách đón khổ mà thôi.