Ý Nghĩa Phật Đi Bảy Bước

 

Hỏi: Tuần trước (17/1/18) con có nghe một clip trực tiếp (trên facebook) Vấn đáp do thầy Thích Pháp Hòa, về vấn đề Đức Phật đản sanh và đi bảy bước, trong phần vấn đáp thầy có nói là nếu nói đức Phật vừa sinh ra mà đi bảy bước thì phi thường quá, ai có thể thành Phật. Còn phàm phu chúng ta trong có khả năng như vậy nên khó thể thành Phật. Cốt yếu này ý thầy là không tin vào sự đi bảy bước khi thái tử đản sinh.

Và thầy có nói là Phật không chỉ có con là La Hầu La mà còn một người con gái nữa, nhưng vì không nhắc đến. Con có hỏi vài vị thầy quen thì được trả lời là chỉ có La Hầu La. Thật hư không biết thế nào, ngưỡng mong chư vị từ bi chỉ giúp.

Cũng như chỉ cho con được hiểu là Phật đi 7 bước có ý nghĩa gì? Vì một số người con quen biết, thầy lẫn người tại gia. Chỉ trả lời là con số 7 là tượng trưng cho bảy giác chi chứ không ý nghĩa gì. Thành kính biết ơn. A Di Đà Phật.

Đáp: Đức Phật vốn là phi thường rồi, có gì đâu mà tin hay không tin. Quả vị Phật là viên mãn và rốt ráo, nghiệp hết tình không, vắng lặng như hư không. Muốn thành Phật phải trãi qua ba đại A tăng Kỳ kiếp, một kiếp số lâu xa mới trở thành Diệu Giác tức là thành Phật. Ngài Hộ Minh Bồ tát (trước khi thành Phật, Bồ tát ở cung trời Đâu Suất giáo hóa chúng sinh rồi mới đản sanh xuống cõi này, giống như Bồ tát Di Lặc hiện cũng đang ở cõi trời Đâu Suất, chờ nhân duyên đến thị hiện Đản sanh tiếp nối mạch truyền của đức Phật Thích Ca) thị hiện ở cõi trời Đâu Suất tu tập giáo hóa, rồi Đản sanh vào cõi Nam Diêm Phù Đề của chúng ta chỉ là một ứng thân Phật, không phải là thân thật của Ngài (Báo Thân Phật). Lại trong Kinh dạy, Ngài đã thành Phật trong vô lượng kiếp, và cõi trang nghiêm của Ngài chính là Hoa Tạng thế giới, một cõi Phật trang nghiêm hơn cả cõi Cực Lạc của đức từ phụ A Di Đà. Chúng sinh lấy tư tưởng sinh tử mà muốn hiểu và đo lường biển Phật pháp thật là đáng thương. Những căn bản đó chỉ nên trao đổi tùy theo căn cơ của chúng sanh sinh tử. Chúng ta chưa là gì hết thì nên theo các Pháp cơ bản mà tu tập. Giáo lý đại thừa là từng bậc thang bước lên quả vị Phật. Cứ mỗi bước thang chính là trăm mỗi thử thách khó khăn, và ngoài sức của hành giả đang tu tập. Bồ tát cần phải phá trừ mỗi vô minh ấy để chứng vào từng bậc thang của một hành giả muốn trở thành Phật.

Đức Phật thị hiện từ bên hông phải của thánh mẫu Ma Gia để chào đời. Sau khi chân Ngài gần chạm đất thì hoa sen nở ra đỡ gót chân Ngài và đi bảy bước về Phương Nam, Đông, Tây và Bắc. Chứ không chỉ có đi Bảy bước cùng một hướng thôi. Tại sao như vậy? Muốn hiểu phải học, giáo lý của Phật đà dạy là để thực hành, trãi nghiệm và chứng đắc, không phải để bàn luận cho vui tai, sướng miệng. Kỳ thật sau đó lại là quả phỉ báng Ngài, nhưng không hề biết. Sau khi Ngài từ hông phải của thánh mẫu sinh ra, thì có chín con Rồng hiện phun nước tắm Ngài, và hoa trời rải cúng dường, địa cầu chấn động sáu cách. Nếu như người có được Thiên nhãn sẽ nhìn thấy cảnh tượng chấn động này. Con người mê muội đấm chìm trong dục lạc nên không thể thấy nghe sức chấn động của đại địa. Người tu tiên thời đó, cũng chứng kiến và thấy oai thần của Bồ tát Đản sinh, vì họ cũng có thiên nhãn.

Nếu muốn biết rõ ràng hãy đọc các bộ Kinh trong Bộ Bản Duyên, đều có ghi chép rõ ràng tường tận, từ khi thọ thai cho đến đản sanh, Bồ tát đã thuyết pháp độ vô số trời, quỷ thần v.v… tượng trưng như Kinh Phật Bản Hạnh Tập, Kinh Phổ Diệu v.v….

Tại sao đức Phật phải thị hiện đi bảy bước? Thị hiện đi bảy bước là biểu hiện cho mười ý nghĩa như sau:

1. Vì thị hiện sức đại hùng đại lực đại từ bi của Bồ tát, mà đi bảy bước

2. Vì thị hiện xả thí thất thánh tài, mà đi bảy bước

3. Vì thị hiện cho Địa thần mãn nguyện, mà đi bảy bước

4. Vì thị hiện tướng vượt ra khỏi sinh tử, mà đi bảy bước

5. Vì thị hiện bước đi tối thắng của Bồ tát hơn hẳn Tam thừa, nên đi bảy bước (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát)

6. Vì thị hiện tướng Kim Cang Địa, mà đi bảy bước

7. Vì muốn ban cho chúng sanh sức lực dõng mãnh, mà thị hiện đi bảy bước

8. Vì muốn tu hành thất giác chi cho được quả vị Bồ Đề (tối thượng Bồ đề tức là quả vị của Phật, khác hẳn với Thanh Văn Bồ Đề, Duyên Giác và Bồ tát Bồ đề), nên thị hiện đi bảy bước

9. Vì muốn thị hiện Pháp chứng được không do người khác chỉ dạy, nên thị hiện đi bảy bước

10. Vì thị hiện bậc tối thắng trong ba cõi, nên đi bảy bước (Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới)

Phật Đản sinh đi bảy bước chính là vì thị hiện mười ý nghĩa này mà đi bảy bước, không một ai có thể thị hiện như vậy, ngay cả hàng Đẳng Giác Bồ tát (Nhất sanh bổ xứ – còn một đời nữa sẽ thành Phật). Cho nên, bạn có quyền tin và không tin, nhưng nếu nói sai tức là mang tội phỉ báng Phật.

Bước cuối cùng Ngài nói” Thiên thượng thiên hạ, duy Ngã độc tôn” Câu nói này chính là nói trong Phàm, Thánh của mười pháp giới, thánh có 4, phàm có sáu. Thánh 4 là: Phật, Bồ tát, Duyên Giác, Thanh Văn, Phàm có 6 là: Trời, Người, A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc sinh, thì quả vị Phật là tôn quý và trên hết. Ý nghĩa của Ngã ở đây là Đại Ngã tức là Phật tánh chứ không phải ngã của chúng sinh sinh tử.

Trong 49 năm độ sinh của Ngài đã mở ra nhiều phương tiện, dẫn dắt theo mỗi căn cơ của từng người mà được độ. Nhưng sau cùng Ngài nói ” Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh” và sẽ thành Phật như Phật đà không khác. Vì chúng sinh đều có đủ đức tướng của Như Lai, chỉ vì vọng niệm vọng khởi nên che lắp Phật tánh của mình, Giữa chúng sinh và Phật không gì khác, chỉ khác ở chỗ MÊ và GIÁC. Nếu chúng sinh theo đó tu tập sẽ thành Phật như Phật đà đã thành. Nhưng phải trãi qua một thời gian ba đại A Tăng Kỳ kiếp giáo hóa chúng sinh, chứ làm gì có chuyện tu hành thành Phật ở ngay trong một vị Phật đã thành. Ứng thân của đức Từ phụ Thích Tôn phạm vi giáo hóa của Ngài là Tam Thiên Đại Thiên thế giới.

Một tiểu thế giới gồm có một núi Tu Di, một mặt trời, bốn châu Thiên hạ (1. Bắc Câu Lô Châu (Uttara-kura), 2. Nam Thiệm Bộ Châu (Jambudvipa) (hành tinh chúng ta đang sống)3. Đông Thắng Thần châu (Purva-Videha), 4.Tây Ngưu Hóa Châu (Godana) và sáu cõi Trời Dục giới; 1. Trời Tứ Thiên Vương, 2. Trời Đạo Lợi, 3. Trời Dạ Ma, 4. Trời Đâu Suất, 5. Trời Hóa Lạc, 6. Trời Tha Hóa Tự Tại (Nơi ở của Thiên Ma)

Ở trung ương là núi Tu Di, xuyên suốt qua biển lớn, đứng sừng sững trên địa luân. Dưới địa luân là kim luân. Dưới nữa là thủy luân. Dưới thủy luân là phong luân. Bên ngoài phong luân thuộc về hư không.

Núi Tu Di, phần giữa thì nhỏ, phần trên và phần dưới đều lớn; cõi trời Tứ Thiên Vương ở bốn mặt sườn núi; cõi trời Đao Lợi ở trên đỉnh núi. Chung quanh chân núi được bao bọc bởi bảy lớp núi vàng và bảy lớp biển nước thơm, cứ một lớp biển thì một lớp núi, xen kẽ nhau. Ngoài lớp núi vàng có biển mặn. Ngoài biển mặn có núi Đại thiết vi, vây tròn như lan can, hình trạng gần giống như phần dưới của cái cối xay.

Tầng hư không ở phía trên các cõi trời Tứ Thiên Vương và Đao Lợi, có các cõi trời Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc và Tha Hóa Tự Tại; đó là sáu cõi trời Dục giới. Trên nữa là mười tám cõi trời Sắc giới và bốn cõi trời Vô sắc giới. Trên không của biển mặn, ở mỗi phương Đông, Nam, Tây, Bắc, đều có vô số tinh vân, trong đó có vô số thái dương hệ, vô số thế giới. Tinh vân ở trên không phía Đông của biển mặn được gọi là Đông Thắng Thần Châu; phía Nam gọi là Nam Thiệm Bộ Châu; phía Tây gọi là Tây Ngưu Hóa Châu; phía Bắc gọi là Bắc Câu Lô Châu. Cả thảy chín núi, tám biển, bốn châu, sáu cõi trời Dục giới như thế, lại thêm ba tầng trời của cõi Sơ Thiền bao trùm ở trên nữa, là một tiểu thế giới. Hợp lại một ngàn (1.000) tiểu thế giới như thế, với 3 tầng trời của cõi Nhị Thiền bao trùm ở trên, là một tiểu thiên thế giới. Hợp lại một ngàn (1.000) tiểu thiên thế giới, với 3 tầng trời của cõi Tam Thiền bao trùm ở trên, là một trung thiên thế giới. Hợp lại một ngàn (1.000) trung thiên thế giới, với 9 tầng trời của cõi Tứ thiền và bốn cõi trời Không bao trùm ở trên, là một đại thiên thế giới.

Đại thiên thế giới, trong đó có ba lần số ngàn, cho nên cũng được gọi là “ba ngàn đại thiên thế giới” (tam thiên đại thiên thế giới), hay ngắn gọn hơn là “ba ngàn thế giới” (tam thiên thế giới).
Như vậy, tam thiên thế giới hay tam thiên đại thiên thế giới, không phải gồm có 3.000 thế giới, mà là: (1.000 x 1.000 x 1.000 =) 1.000.000.000, tức một tỉ thế giới.

Phạm vị giáo hóa của đức bổn sư chúng ta, thật quá rộng, nhưng đó chỉ là ứng thân Phật. Khoa học ngày nay chỉ tìm ra dải ngân hà với các hành tinh xoay quanh mặt trời mà chưa thể thấy các hành tinh khác. Trong dải Thiên hà đó có vô số hàng tỷ tỷ ngôi sao, mỗi ngôi sao đó chính mỗi quốc độ, nhưng vì khả năng của chúng ta chưa thể thấy biết được.

Do đó, chúng ta tu tập theo lời dạy của Phật là để tiến vào bờ giải thoát chân chánh, chứ không phải là tu theo rồi thành Phật ngay trong kiếp này. Vì không một ai có thể thành Phật ngay trong thời giáo hóa của một đức Phật, cho nên có câu: ” Nhất Phật xuất thế, Thiên Phật hộ trì”. Nghĩa là một vị Phật ra đời, thì ngàn Phật khác ẩn Đại bày tiểu hoặc hiện thân là Bồ tát, là trời, thần v.v… để hộ trì cho chánh Pháp của vị Phật đương thời vậy.

Thường thì chúng ta chỉ nghe nói con của Phật tức là tôn giả La Hầu La (Phú Chướng), đệ nhất mật hạnh. Nhưng ngoài La Hầu La thái tử còn có đứa con nữa đó là Thiện Tinh Tỳ kheo (một tỳ kheo ác, chống trái với Phật, nên bị đọa vào địa ngục, muốn rõ ràng xin đọc Kinh Đại Bát Niết Bàn – Phẩm Bồ Tát Ca Diếp). Thiện Tinh là con của bà Cù Đàm Di (Minh nữ) còn La Hầu La là con của bà Da Du Đà La. Thái tử có bốn người vợ chính đó là:

  1. Bảo Nữ
  2. Da Du Đà La
  3. Minh Nữ (Cù Đàm Di)
  4. Lộc Nữ

Chúng ta chớ đem con mắt phàm tục sinh tử mà võ đoán, vì Phật đã lìa khỏi ái dục nên không có chuyện dục niệm như chúng sinh bạt địa. Trước khi sanh La Hầu La, Thái tử đã chỉ vào bụng của Da Du Đà La và bảo, sau 6 năm nàng sẽ sinh. Quả thật La Hầu La ở trong bụng mẹ sáu năm (nên gọi là La Hầu La dịch là Phú Chướng), khi sinh ra đem đến bao cay đắng cho bà và đứa con thơ, vì thái tử đi tu 6 năm, mà sao lại sinh con, nên trong hoàng tộc cho rằng, bà đã ngoại tình không giữ trinh tiết, muốn đem thiêu sống mẹ con của bà. Họ đào một hố sâu rồi châm lửa vào đó, bắt bà và con phải nhảy vào. Trước khi nhảy vào hố lửa, bà phát đại nguyện ” Nếu như La Hầu La là con của Thái tử thì khi tôi nhảy vào lửa, lửa sẽ không thiêu đốt tôi được, còn nếu như không phải là con của Thái tử thì hãy thiêu chết mẹ con tôi”. Phát nguyện xong, bà ẳm đứa con nhảy vào hố lửa, lúc bà nhảy vào lửa, lửa biến thành ao nước, trong đó có một hoa sen lớn mọc lên đỡ mẹ con bà. Do đó, mà người trong hoàng tộc tin rằng La Hầu La là con của Thái tử Tất Đạt Đa. 

Tại sao La Hầu La phải ở trong bụng mẹ sáu năm? Vì phải trả nhân mà ông đã tạo trong tiền kiếp, khi là một nông phu, ông đã bít hang chuột trong 6 ngày, do nhân quả này mà chiêu cảm lấy quả báo. Có người sẽ bảo, thật khó tin. Nhưng trên đời này còn rất nhiều kỳ bí khó tin hơn trăm ngàn lần mà ngoài sức hiểu biết của chúng ta, nhưng không vì ngoài sự hiểu biết của bản thân mình rồi cho là không có. Chỉ vì bản thân chưa rõ ràng vậy thôi. Lão tử trước khi sinh phải trong bụng mẹ 81 năm, bên tiên đạo còn có những chuyện kỳ bí vậy rồi, huống gì là một điều kỳ diệu của một vị Phật.

Có ai tin là bành tổ sống đến 800 tuổi không? Nhưng sách sử lưu truyền Bành tổ đã sống đến 700 năm, trong khi con người chỉ thọ không quá 100 tuổi. Cho nên gì cũng có thể xảy ra, một khi duyên đủ thì sẽ hội. Không thể nói, tôi không thấy, và ngoài hiểu biết thì không có. Tuy nhiên với sức hiểu biết của bản thân chúng ta còn quá hạng hẹp, chỉ nên truy tìm, nghiên cứu những giáo lý cơ bản rồi thực hành theo đó để được lợi ích cho hiện tại và trồng sâu nhân giải thoát, giác ngộ cho ở kiếp này và mãi về sau.

Trước khi Phật đà Đại Bát Niết Bàn, Phật đà dạy: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi” cũng không ngoài ý nghĩa này.

Chúc bạn luôn tinh tấn.

Nam mô A Di Đà Phật.

Trân trọng