Ýnghĩa đón Xuân Di Lặc
Ni sư Như Đức

 

1- Mùa xuân Di Lặc

Ngày Tết Nguyên Đán theo truyền thống văn hóa Việt Nam, Trung Quốc hay các nước Á Đông nói chung là ngày Mùng Một Tháng Giêng âm lịch, trùng hợp với ngày vía của Đức Di Lặc đản sanh. Mùa xuân gắn liền với đức hạnh từ bi và trí tuệ của một vị Bồ Tát có hiệu là Di Lặc – vị Phật tương lai xuất hiện trong cõi đời này. Di Lặc có nghĩa Từ Thị, là lòng từ bi rộng lớn, đem đến nguồn hạnh phúc cho chúng sanh. Ngài đã trải qua nhiều kiếp hóa hiện muôn vàn thân tướng trong đời sống con người để truyền đạo giải thoát. Hạnh nguyện của Đức Di Lặc là biến thế gian đau khổ và đầy tội ác thành cảnh sống an lạc; biến thế giới hỗn loạn thành thế giới đại đồng; biến thế gian ô trược thành cõi Tịnh Độ. Lý tưởng của Đức Di Lặc là cứu khổ ban vui, luôn hướng cho nhân loại đến một tương lai tuyệt đẹp, xây dựng nếp sống hạnh phúc chân thật. Vì lẽ đó, mùa xuân được mang tên là Xuân Di Lặc là tâm nguyện chung của mọi người.

2- Mẫu tượng Đức Di Lặc

Mẫu tượng Phật Di Lặc được phổ biến khắp nơi là chân dung của Bố Đại Hòa Thượng, có hiệu là Khế Thử – một trong những hóa thân của Bồ Tát Di Lặc xuất hiện tại chùa Nhạc Lâm, huyện Phụng Hóa, tỉnh Triết Giang – Trung Quốc. Nét mặt Ngài luôn luôn nở nụ cười bao dung, lỗ tai dài, bụng to và phanh ngực, tay cầm thiền trượng và túi vải. Đức Phật Di Lặc trong ký ức mọi người là Đức Phật hoan hỉ, hình ảnh này toát lên niềm hạnh phúc và sự may mắn, rất xứng đáng cho biểu tượng mùa xuân.

Tướng nụ cười trên gương mặt Phật Di Lặc biểu hiện vô lượng từ tâm, bất luận già trẻ gái trai, mọi người thấy gương mặt này đều muốn mỉm cười theo. Tướng lỗ tai dài biểu hiện lòng từ ái khắp cả mọi người, lỗ tai khéo biết nghe, hoan hỉ với mọi âm thanh, ai tán dương cũng cười, ai chỉ trích la mắng cũng cười, tự tại với mọi thái độ người đời. Tướng bụng to biểu hiện Phật Di Lặc có lòng từ bi rộng lớn, dung chứa mọi chuyện trong thiên hạ. Đối với kẻ trí người ngu, người giàu kẻ nghèo, người sang kẻ hèn, Ngài đều có tâm bình đẳng không chấp trước. Tướng ngực phanh ra, biểu hiện sức mạnh của lòng dạ can đảm chân thành, bình đẳng không hai. Túi vải biểu hiện sự chứa đựng vô lượng diệu pháp, bố thí những gì có được cho chúng sanh. Sử truyện chép rằng: Mỗi khi khất thực được vật gì Ngài thường phân phát lại cho người khác. Do vậy, trẻ con mỗi lúc thấy Ngài là xúm lại nhận thức ăn và chơi rất vui vẻ. Hình ảnh đó về sau được phác họa lại qua mẫu tượng Ngài ngồi cười tự tại có sáu trẻ con trèo lên trên thân mình đùa giỡn rất hồn nhiên.

3- Bố Đại Hòa Thượng

Căn cứ “Đường Minh Châu Phụng Hóa huyện Khế Thử” truyện có chép lại rằng:

Sự xuất hiện của vị Hòa Thượng thường mang túi vải dạo khắp thiên hạ, người đời quen gọi là Bố Đại Hòa Thượng. Ngài tự xưng hiệu là Khế Thử, người Minh Châu, huyện Phụng Hóa, Trung Quốc. Vị Tăng Nhân kỳ lạ này, miệng thường nở nụ cười, bụng rất to, nói năng hoạt bát, đi tới đâu lấy đất làm nhà ngủ nghỉ. Ngài đi đây đó vô định, tùy chốn mà an, có lúc vùi thân trong tuyết mà ngủ, tuyết không bám vào thân, sống đời rất tiêu diêu tự tại. Thuở ấy có người cư sĩ họ Trần hỏi Ngài rằng: Hòa Thượng có Pháp hiệu là gì? Ngài liền đáp rằng:

“Ngã hữu nhất bố đại, hư không vô quái ngại.
Đã khai biến thập phương, nhập thời quán tự tại.”

Nghĩa là:

“Ta chỉ có túi vải, như hư không vô ngại.
Mở ra trùm khắp mười phương, nhập vào thấy tự tại.”

Cái túi vải thần kỳ này được gọi là “Bách bảo càn khôn đại.” – túi chứa đựng tất cả bảo vật trong trời đất. Ngài thường mang túi vải này, tất cả sở hữu cá nhân hay vật thực kiếm được đều bỏ cả thảy chung trong đó, vì vậy Ngài có tên gọi là Bố Đại Hòa Thượng.

Trần cư sĩ lại hỏi: Hòa Thượng có hành trang gì không ?. Ngài nói kệ đáp rằng:

“Nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du.
Thanh mục đỗ nhân thiểu, vấn lộ bạch vân đầu.”

Tạm dịch:

“Bát cơm chung ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa.
Mắt xanh trông người thế, mây trắng hỏi đường qua.”

Hành trạng của Bố Đại Hòa Thượng vô cùng khoáng đạt, đời sống không có sự ràng buộc, hòa mình với thiên nhiên trời đất, hòa mình vào mọi người với lòng từ bi mà không dính mắc.

Bố Đại Hòa Thượng, tùy thời độ người, gặp người có duyên với Phật Pháp thì khai thị đạo lý Thiền. “Ảnh Đức Truyền Đăng Lục” – quyển 27 có chép: Có một lần Hòa Thượng đi sau lưng một vị tăng, vỗ vai mà nói rằng: “ Cho ta một đồng bạc”. Vị thiền tăng nói rằng: “Nói ra đạo lý, tôi sẽ cho tiền.” Ngài liền buông túi vải, xoa tay mà đứng. Một hôm khác, có một vị Hòa Thượng hiệu là Bạch Lục hỏi rằng: “Thế nào là Bố Đại.”

Ngài liền buông túi vải. Lại hỏi Bố Đại Hòa Thượng: “Ngài làm vậy có ý nghĩa gì?”. Ngài liền mang túi vải lên mà đi. Hành trạng buông và mang túi vải là khai thị thiền pháp của bậc đại trí đã ngộ đạo lý, buông xả và nắm bắt đều tự tại, không dính mắc vào tướng hai bên: Có và Không, Sanh tử và Niết bàn v.v. Hành giả đạt được cái tâm như như, hội nhập lý trung đạo thật tướng, nhập thế cứu đời một cách tự tại.

Có một lần Bố Đại Hòa Thượng đối với một Thiền Tăng thuyết kệ khai thị yếu chỉ của Phật Pháp là trực nhận được chân tâm, kệ rằng:

“Chỉ có Tâm Tâm Tâm thị Phật
Thập phương thế giới tối linh vật
Tung hoành dụng khả lân sanh
Nhất thiết bất như tâm chân thật…”

Tạm dịch:
“Tâm, Tâm, Tâm là Phật.
Linh diệu khắp mười phương giới.
Năng dung tất cả vạn vật,
Tất cả không ngoài chơn tâm…”

Năm thứ ba Lương Trinh Minh(917), Khế Thử Hòa Thượng thị tịch tại chùa Nhạc Lâm, Ngài ngồi trên tảng đá an nhiên thị tịch. Lúc sắp thị tịch nói kệ rằng:

“Di Lặc Chân Di Lặc, Phân thân thiên bách ức.

Thời thời thị thời nhơn, thời nhân tự bất thức.”

Tạm dịch:

“Ta chính là Di Lặc, thị hiện muôn ngàn thân.

Thường giáo hóa cho người, người đời lại không biết.”

Nói xong Ngài thị tịch, người ta mới biết vị Hòa Thượng lang thang này chính là hóa thân của Di Lặc Bồ Tát. Về sau, ở các nơi khác người ta vẫn thấy có vị Tăng có dáng dấp như Bố Đại Hòa Thượng, vai mang túi vải, thong dong trên đường. Ở chùa Nhạc Lâm, xá lợi của nhục thân Bố Đại Hòa Thượng hiệu Khế Thử vẫn còn được bảo tồn.

4- Tín ngưỡng Di Lặc

Phật Di Lặc là vị Bồ Tát được sự sùng kính của nhiều dân tộc, tín ngưỡng Di Lặc được phổ biến không chỉ ở Trung Quốc, Ấn Độ mà tất cả các quốc gia khác. Di Lặc là vị Phật tương lai, có căn nguyên từ Ấn Độ, từ kinh điển huyền ký về sự xuất hiện của một vị Phật cứu thế trong tương lai. Kỳ thật, trên phương diện thực tế của Phật Giáo sử, tín ngưỡng đầu tiên của Trung Quốc không phải là Quán Thế Âm, hay Di Đà mà là tín ngưỡng Phật Di Lặc. Đầu niên đại Nhà Hán ở Trung Quốc, kinh điển liên quan đến Phật Di Lặc được phiên dịch rất nhiều. Tư tưởng cầu sanh Di Lặc Tịnh Độ đã xuất hiện ở thời kỳ này. Tín ngưỡng Di Lặc được người Trung Hoa tiếp nhận vô cùng sùng kính, điều này được ghi rõ trong bản kinh khắc: “Di Lặc Hội Kiến Kỷ” ở tại Tân Cương Trung Quốc.

Căn cứ «Tư Trị Thông Giám» – thuộc sử bản, có ghi lại rằng: Những năm đầu thời Đường, tín ngưỡng này rất thịnh hành, Huyền Trang Pháp sư là một nhân vật đầu tiên sùng kính về tín ngưỡng Di Lặc, đây cũng là động cơ thôi thúc Huyền Trang đến Ấn Độ du học và nghiên cứu nội dung tác phẩm “Du Già Sư Địa Luận” một cách thấu đáo. Bạch Cư Dị (772-846), một thi nhân đời Đường, tổ chức học hội, gọi là “Nhất Thời Thượng Thăng Hội”, mục đích là cầu vãng sanh cảnh giới Di Lặc. Bạch Cư Dị viết trong quyết tâm thư: “Ngưỡng Từ Thị hình, xưng Từ Thị danh, nguyện ngã lai thế, nhất thời thượng sanh.” Nghĩa là: “Chiêm bái tượng đức Di Lặc, niệm danh hiệu đức Di Lặc, nguyện tôi mãn kiếp, được sanh Di Lặc Tịnh Độ”. Theo Pháp sư Huyền Trang, Di Lặc tức là Từ Thị; Nhưng Di Lặc là dịch theo âm, Từ Thị là dịch theo nghĩa của một từ Maitreya (Phạn ngữ).

Ở trước đời Đường, tín ngưỡng Di Lặc rất đuợc phổ biến, nhưng vào khoảng giữa thời đại nhà Đường trở về sau dần dần phai mờ. Vì tín ngưỡng ấy cho người Trung Quốc một khát vọng hướng tới tương lai với ý thức tự do và hạnh phúc, phản đối sự tàn bạo của chế độ đương thời. Do vậy, giai cấp thống trị Trung Quốc lúc bấy giờ không chấp nhận sự ảnh hưởng tư tưởng đó. Đường Huyền Tông đã hạ lệnh cấm truyền bá tín ngưỡng Di Lặc. Đến ngày nay, tín ngưỡng Di Lặc phổ cập trên mọi quốc gia vì đức Phật này biểu trưng cho tư tưởng hòa bình, Ngài phát đại nguyện thành Phật ở thế giới này trong tương lai để đem giải thoát đến cho nhân loại.

5- Đón xuân Di Lặc

Từ sự nhận thức về hành trạng và đạo lý của Đức Di Lặc, tín đồ Phật giáo đón xuân, đến chùa lễ Phật, làm các hạnh lành, phát nguyện tu tập, tiêu trừ phiền não, tai ương hoạn nạn cá nhân, gia đình và cầu quốc thái dân an. Đây là quan niệm lành mạnh phù hợp với con đường xây dựng hạnh phúc của nhân loại.

Ở trong thời đại mà khoa học thịnh hành, con người xu hướng vật chất mãnh liệt, giá trị đạo lý bị vùi dập bởi lương tâm ô nhiễm của chúng sanh. Từ đó giữa người với người, đoàn thể với đoàn thể, tôn giáo với tôn giáo, quốc gia này với quốc gia khác phát sanh mâu thuẫn và oan trái dẫn đến sự đấu tranh kiên cố. Người học Phật phải nhận thức rằng Phật Giáo luôn lấy từ bi và trí tuệ để giải hóa sầu hận trong nhân gian.

Đón Xuân Di Lặc, người học Phật không phải đến chùa chỉ cầu sự phúc lộc cho đời sống cá nhân, như cầu về tiền tài, danh vọng mà phải phát tâm rộng lớn học theo hạnh nguyện của Đức Phật Di Lặc. Đó là tấm lòng gắn bó với tha nhân, nuôi lớn lòng từ tâm và sự nhẫn nại, nỗ lực rèn luyện tâm linh, truyền bá giáo lý cho vào lòng nhân loại, giúp đời bớt khổ. Mọi người phải hằng phát tâm kết duyên lành với Tam Bảo, nuôi lớn chí nguyện Cầu Giác Ngộ. Đón xuân Di Lặc như thế mới tiếp nhận được nguồn Pháp lạc trong giáo lý Phật.

Chùa Tam Bảo, Tulsa-Oklahoma
Xuân Mậu Tý – 2008