XUÂN AN LẠC
Vũ Đình Lâm
Trước đây, mỗi Tết đến, tôi cũng như đa phần người Việt, vẫn hoan hỉ với việc mua gà, cá, lợn… về giết thịt để “cúng các cụ ăn tất niên, để ăn Tết”. Những ngày cận tết vô cùng bận rộn cả về phần đời và phần tâm linh, tôi và vợ bận rộn đi mua bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá… để biếu và thết đãi khách đến chúc Tết. Bên cạnh đó là việc đi mua các bộ vàng mã, tiền giấy, hương vòng, hương nén… để về cúng tất niên, cúng giao thừa và cúng trong 3 ngày Tết. Rồi bắt đầu giết gà, mổ cá, băm chặt thật tất bật và rộn rã.
Thời gian của ngày 30 Tết trôi thật nhanh, vèo một cái đã đến chiều 30, nào thì tất bật làm mâm cơm tất niên để cúng tổ tiên ông bà, nào là sắm mâm vàng lễ để hóa tiễn ông thần của năm cũ, chuẩn bị đón ông của năm mới, rồi cuống lên: “Bài khấn đâu? Mũ ông này, hia ông kia, tiền vàng đâu, rót rượu nước ra chén, cắm bông hồng vào mỏ con gà cúng đi, gạo muối để rắc đâu?…”. Vã mồ hôi với những thủ tục được truyền từ đời cụ kỵ ông bà…
Cúng xong bữa tất niên, cả nhà mệt nhoài ngồi ăn bữa cơm cuối năm, chén tạc chén thù, ai uống được rượu thì rượu, không thì bia chảy tràn mâm… Rồi nhanh nhanh lại chuẩn bị cho lúc cúng giao thừa, nào mâm trong nhà, mâm ngoài sân la liệt bày biện, rồi thắp hương thành kính khấn vái tất cả các vị thần Phật, Bồ tát để mong các ngài ban cho một năm mới nhiều tiền bạc, hạnh phúc… Rồi tiền lẻ, tiền chẵn đâu? Sau giao thừa sang bên đền để lễ đầu năm, phải mang tiền lẻ đi rải các ban, tiền chẵn bỏ thùng giọt dầu cho nhà đền chứ. Sang đền lại được các vãi lại quả cho 1 bông hoa trên ban thờ và 3 nén nhang để mang về cắm vào bát nhang ở nhà để khởi đầu một mùa lễ bái tất bật như thế. Tất nhiên là không thể thiếu túi lộc đầu năm của nhà đền gồm bia, coca cola, hoặc một chai rượu, một cái bật lửa hoặc bao diêm để “cho năm mới đỏ”.
Rồi 3 ngày Tết lại mệt nhoài trong cúng bái, lễ hội, đón tiếp người thân và bạn hữu và với vô số những lần say mèm vì rượu bia với bạn bè…
Tất cả tưởng như cứ tiếp tục kéo dài liên miên bất tận, từ đời cụ kỵ ông bà cha mẹ đến đời tôi, rồi đời con, đời cháu kế tiếp… Cho đến một ngày tháng 3 năm 2011, cuộc sống của tôi đã bước sang một trang mới hoàn toàn khi tôi được tiếp cận với giáo lý của Phật giáo.
Như một kẻ đang đi trong đêm đen mịt mùng của vô minh, của tà kiến và mê mờ bỗng thấy ngọn lửa của Giáo pháp đang soi tỏ con đường trước mặt, tôi đã đến để được nghe, được hiểu, được thấy những gì là rõ ràng và lành thiện. Để được hiểu rõ là:
– KHÔNG THỂ có được sự an vui và hạnh phúc khi mình ra tay sát hại chúng sinh khác để làm vật tế lễ, làm vật thực cho mình!
– KHÔNG THỂ có được sự an vui và lành thiện khi mình phạm vào giới uống rượu bia và các chất say – là nhân sinh sự phóng tâm, dể duôi.
– KHÔNG THỂ có được sự hoan hỉ kính ngưỡng khi mình hành lễ những vị mà mình biết là các vị đấy không phải là Đấng Tam bảo. Thậm chí mình còn chả biết các vị đó là ai vì không thấy đề cập trong Tam Tạng Kinh Điển Pāḷi.
– KHÔNG THỂ hoan hỉ khi mình dâng cúng các vị đó những con vật do tay mình giết, những món vàng mã giả dối thấp hèn, những chén rượu độc là nhân sinh của bất thiện… Ngày 29 và 30 hàng tháng là những ngày thuộc ít nhất là 8 ngày thọ bát quan trai giới với lời nguyện là không ăn phi thời. Đến phàm nhân như mình khi nguyện rồi còn gắng giữ không ăn sái giờ. Vậy nếu phàm nhân không ăn sau 12g trưa thì các bậc thánh thần có ăn không mà lại “làm mâm cơm cúng chiều tất niên” với những món vật thực phạm giới như vậy?
– KHÔNG THỂ hành lễ theo quan điểm u mê rằng chỉ có 3 cõi là cõi trời, cõi người và cõi âm phủ, rằng ở cõi đó thì trần sao âm vậy nên phải đốt nhà, xe, trạm xăng, ôsin, kem đánh răng, nước xả comfort… được. Ta phải học để hiểu về ba giới bốn loài là gì, hiểu về 31 cõi ra sao, hiểu nghiệp và quả của nghiệp để quán xem liệu ai sẽ nhận đồ minh dâng cúng, hiểu về cách cúng dường và hồi hướng đúng đắn thế nào để thân nhân có thể được hưởng phần phước đó, để từ đó dứt bỏ tà kiến và mê tín, làm đúng theo kim ngôn mà Đấng Đạo sư đã dạy.
– KHÔNG THỂ khởi đầu một năm mới lành thiện và may mắn khi vào đúng thời khắc giao thừa, ta và người thân đã cũng nhau nâng cốc rượu, châm điếu thuốc để cùng nhau phạm giới, cũng tạo sự BẤT THIỆN ngay thời khắc chuyển giao một năm mới.
Tất cả những điều đó cần phải được hiểu rõ ràng quy luật NHÂN – QUẢ để thấy ĐÓ LÀ NHỮNG THỨ TA PHẢI KIÊNG KỴ KHÔNG ĐƯỢC LÀM.
Vậy sau khi hiểu ra thì tôi đã làm thế nào? Từ năm đó đến nay, gia đình bé nhỏ của tôi đã thật sự hoan hỉ với Tết theo đúng nghĩa nhàn nhã và an lạc. Chúng tôi nói KHÔNG với tất cả những hủ tục mê tín, những sự giết chóc, say sưa, phóng dật… Xin hoan hỉ chia sẻ chương trình đón xuân của gia đình tôi nhé:
Ngày cuối năm cũng chính là ngày thọ Bát quan trai nên từ sáng sớm tôi đã dậy để xông trầm, đảnh lễ Tam bảo, tụng kinh và xin thọ trì Bát giới. Ngày hôm đó việc bật Kinh tụng sẽ duy trì cả ngày để cúng dường chư Thiên. Do các con còn nhỏ nên chỉ hướng dẫn cho vợ con xin thọ trì ngũ giới, vợ và các con vẫn ăn bữa chiều như thường nhật. Buổi tối, trước khi giao thừa, cả nhà sẽ cùng nhau quỳ trước ban thờ để sám hối Tam Bảo những tội lỗi do vô minh hoặc do tà kiến mà trót phạm trong năm cũ, để thân khẩu ý được thanh sạch bước sang năm mới, để tụng niệm Ân đức Tam bảo, xin quy y và thọ trì ngũ giới. Khi tôi tụng kinh thì vợ con sẽ chắp tay thành kính nhiếp tâm nghe Kinh, sau đó tôi sẽ tìm 1 bài Pháp nào phù hợp với khung cảnh và thời gian để chia sẻ với vợ con (Những bài liên quan đến hiếu thuận, từ hòa bác ái, lành thiện, nuôi dưỡng tâm đạo…). Sau đó, cả nhà sẽ cùng đi kinh hành khoảng 10 phút và cùng nhau hành thiền quán niệm hơi thở hoặc phồng xẹp trong khoảng 15 phút. Lễ giao thừa sẽ kết thúc bằng việc hồi hướng và chia phước, phát nguyện. Mọi người sẽ đi ngủ, còn tôi tiếp tục xuất hành đến văn phòng làm việc để tụng kinh cúng dường chư Thiên và các hạng chúng sinh. Suốt dọc đường đi, các chúng sinh sẽ được nghe Kinh từ Ipod trên xe máy của tôi với ước nguyện cầu cho tất cả một năm mới an vui và hạnh phúc.
Ngày đầu năm mới chúng ta sẽ băn khoăn và tìm hiểu xem nên xuất hành giờ nào, hướng nào…? Tôi cũng đã từng thế đến khi ngộ ra rằng hướng xuất hành tốt nhất cho mỗi chúng ta là hướng về nơi cha mẹ ta, thầy tổ ta đang sống. Hãy để ta được sống những thời khắc đầu tiên của năm mới trong tâm lành thiện và hoan hỉ bằng cách tìm về nguồn cội của ta để tri ân, báo hiếu cha mẹ và thầy tổ, để đem những nụ cười và không khí đoàn tụ ấm áp ngập tràn xung quanh cha mẹ ta, thầy tổ ta. Bạn đã bao giờ hoan hỉ rưng rưng quỳ xuống đảnh lễ cha mẹ ta – những bậc đại ân nhân đã cho ta cả cuộc sống này chưa? Từ thuở được nương nhờ mẹ cha mà nên hình hài này, ta đã làm rất nhiều lỗi lầm, làm cha mẹ ta phiền muộn và đau khổ. Nên ngay khi có thể, bạn hãy về nép vào lòng cha mẹ để tri ân và nói lời sám hối đến các đấng sinh thành. Tôi tin chắc lúc đó trong mái ấm gia đình đó sẽ chỉ có một thứ hiện hữu, đó là: HẠNH PHÚC VÀ HOAN HỈ. Với tôi, xuất hành hướng đó chính là hướng đại cát. Còn giờ? Chúng ta hãy xuất hành khi ăn no, mặc ấm, khi làm xong những việc cần thiết, hãy chánh niệm và tỉnh giác để cài chốt khóa cửa, tắt hết các thiết bị điện và bếp, nước trước khi xuất hành. Yên tâm rời nhà chính là giờ hoàng đạo cho bạn. Trên đường đi, hãy luôn giữ được nụ cười và thái độ vui vẻ với mọi người. Hãy sống chậm lại 1 chút, nhường nhịn và kham nhẫn một chút để đem lại cho chính mình và những người xung quanh mình sự an vui lành thiện. Đó chính là lúc ta được hưởng một cái Tết thật sự an vui và ý nghĩa, phải không các bạn?
Xin kính chúc tất cả mọi người xuân mới an vui lành thiện, tâm đạo tăng tiến và thành tựu mọi ước nguyện.