XIN ĐỪNG HÁI LỘC CHỐN TÔN NGHIÊM
Nguyễn Hoàng Duy
Theo phong tục dân gian, người Việt (nhất là những người lớn tuổi) hay có thói quen hái lộc mỗi khi lên chùa đốt nhang vào dịp đầu năm mới. Quang cảnh ở chùa vào những ngày Tết phải nói rất đẹp, trong lành và nhộn nhịp. Những cội mai vàng sau một năm dài mặc chiếc áo già nua cũ kỹ, giờ được thay bằng chiếc áo mới non tơ, kèm theo những nụ hoa đài các khoe mình trong nắng mới. Từng khóm hoa cúc vạn thọ, cúc đồng tiền, thủy tiên, hoa đại… dường như sợ mất phần nên cũng tranh nhau khoe sắc. Tranh thủ viếng chùa, Phật tử đã không bỏ lỡ cơ hội vãn cảnh, chụp vài tám hình và… hái lộc.
Lộc người ta hái thường là những chồi non của hoa đào, hoa mai, cũng có khi là cúc vạn thọ hay mai chiếu thủy… Nhưng người ta vẫn thích chọn hoa mai, hoa đào hơn vì nó tượng trưng cho mùa xuân, cho những điều tốt lành. Thế là biết bao chồi non đã bị những con người xấu xí thay phiên nhau hái, rồi nhét vào cái bao lộc, bao lì xì và mang về nhà cất giữ. Họ cho đó là cái may mắn, cái hên vào đầu năm mới. Hên thì chưa thấy nhưng điều thấy trước mắt là có rất nhiều cây cảnh trong chùa, đặc biệt là hoa mai bị người ta vặt trụi lá chỉ vì cái chữ “lộc”. Thương nhất là nhiều sư trong chùa, qua Tết họ phải chỉnh trang, trồng lại nhiều cây cảnh mới một cách vất vả.
Tôi từng chứng kiến cảnh một nhóm quý bà, quý cô đi chùa và hái lộc cho vào bao lì xì đỏ. Họ không dừng ở một lá non mà cố tước nhiều lá ở nhiều loại cây khác nhau. Kết quả là cành cây trơ trọi lá, chỉ còn lèo tèo vài bông hoa trên cành chơ vơ. Đã thế họ còn cười nói ồn ã, thốt ra một câu làm người ta không khỏi ngán ngẫm: “Cứ hái đi, lá non mà, không sao đâu”. Đáng trách hơn là họ còn khuyến khích con mình hái lộc và xem như đó là chuyện bình thường. Trẻ con vốn ngây thơ, có biết gì đâu, nghe mẹ nói “hái lộc” nên trẻ cũng ra sức tước lá cho thỏa thích. Thế là lá thừa cứ vương vãi khắp nơi. Dòng người qua lại nhộn nhịp giẫm lên đó thật tội. Ai cũng biết, cây trở nên cứng cáp, mạnh mẽ và trường thọ là nhờ cành, mà cành thì từ chồi non mà ra. Mặt khác, việc phá hoại tài sản công cộng là hành vi kém văn hóa, đáng chê trách.
Hái lộc là phong tục lâu đời của người Việt mỗi dịp xuân về. Thường thì thế hệ hậu bối luôn được khuyến khích là cần phải giữ gìn phải sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên trường hợp này nên suy nghĩ lại. Đây là hình ảnh không đẹp ở nơi công cộng nên chúng ta phải biết chọn lọc và loại bỏ. Điều gì đẹp thì cần phải bảo tồn và phát huy, điều gì xấu thì nên xếp vào quá khứ. Hy vọng những ai viếng chùa (hoặc ở những nơi công cộng khác) có hành vi không đẹp đó phải ngưng ngay việc hái lộc nhằm duy trì sự yên ả, trong lành, xanh đẹp nơi chốn tôn nghiêm.