Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Giảng Lục

XI/ Vô Tận Ý Bồ tát Tát Nói Kệ Hỏi Đức Phật

Chánh văn:

Lúc đó Ngài Vô Tận Ý Bồ tát nói kệ hỏi Phật rằng:

Giải:

Thể của kệ và thi giống nhau. Hoặc kép thời thuật lại những ý tứ sâu sắc nơi văn trường hàng trước, hoặc bổ thêm những nghĩa và văn trường hàng chẳng đề cập đến. Bản dịch của Ngài La Thập vốn chẳng có văn kệ này. Về sau có Ngài Xà Na Cấp Đa mới dịch có kệ. Các Ngài hậu tiến sau này mới đem kệ đây bổ thêm vào văn sau ở trường hàng Phẩm Phổ môn do Ngài La Thập dịch hợp thành một Phẩm.

Chánh văn:

Thế Tôn đủ tướng tốt!

Con nay lại hỏi kia

Phật tử nhân duyên gì

Tên là Quán Thế Âm?

Giải:

Bốn câu này là lời hỏi của Vô Tận Ý. Đức Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, đầy đủ tướng hảo nên gọi là Diệu tướng Cụ. Trước lời hỏi, Vô Tận Ý trước phải ngợi khen Diệu tướng của Đức Phật. Cho nên sơ khởi nói: “Thế Tôn đủ tướng tốt “Kia” là chỉ Đức Quán Âm. Tôi xin thưa hỏi lại lần nữa, Phật tử Quán Thế Âm. này bởi nhân duyên gì mà gọi là Quán Thế Âm? Phật tử, là Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di thảy bốn chúng đều là Phật môn đệ tử. Đức Phật xem bốn loại chúng sanh như xem con đỏ, tất cả chúng sanh đều là Phật tử, cho nên đều được xưng là Phật tử. Nhưng Đức Phật lấy hoằng pháp làm sự nghiệp, lấy độ sanh làm công việc thường trực gọi là gia vụ. Vậy mà đời nay có lắm đông nhiều Tăng, Ni xem những chùa chiền, điền sản, vàng của, tài vật làm gia vụ, và lo việc ứng đáp thù tạc Phật sự cho là sự nghiệp, thật chẳng phải chơn Phật tử chút nào cả.

Đức Phật Thích Ca thuyết pháp 49 năm với lòng Đại từ Đại bi, khai thị cho chúng sanh, hoàn toàn lấy hoằng pháp độ sanh làm gia vụ sự nghiệp. Bọn chúng ta đã là Phật tử, có trách nhiệm đảm đương sự nghiệp của Đức Phật, cần phải một mẫu như Phật là giáo hóa chúng sanh giống như đạo làm con, có trách nhiệm thừa kế bảo trì gia nghiệp của cha mẹ lưu truyền lại vậy. Nếu chẳng phải như vậy, thời đấy là những đồ bất trung bất hiếu chẳng có chút gì là trường cửu và tiến viễn cả, đâu phải đấy là chân Phật tử ư?.

Nhị thừa La hán chỉ biết tư lợi chẳng chịu làm lợi tha, cũng chẳng phải chân Phật tử. Cứ thẳng thắn mà nói: Duy có Bồ tát năng tự lợi tự tha: Đến đâu là hoằng dương Phật pháp, cứu độ chúng sanh đến đấy, gánh vác gia nghiệp Như Lai, nối thịnh lòng Phật hóa, mới gọi là Chân nhi tử của Đức Phật vậy thôi! Đấy cũng thường gọi là Pháp Vương Tử. Có người muốn hoằng pháp độ sanh để làm chân Phật tử nhưng ngặt nỗi tự mình, chẳng thông hiểu Phật pháp thời làm thế nào đây! Này đây, chỉ nên cứ một lòng trì niệm A Di Đà Phật, rồi cũng khuyên mọi người xưng niệm “A Di Đà Phật” và bảo họ tu thêm giới sát, Phóng sanh, Bố thí v.v… Đấy là tâm địa Bồ tát rồi, mà cũng là hoằng pháp độ sanh và chân Phật tử nữa vậy. Cho nên Kinh nói: Nhất xưng Nam Mô Phật, giai cộng thành Phật Đạo.

Chánh văn:

Đấng đầy đủ tướng tốt

Kệ đáp vô tận ý:

Giải:

Câu “Đấng đầy đủ tướng tốt” là chỉ về Đức Phật. Lời hỏi của Vô Tận Ý bằng kệ, Đức Phật cũng dùng kệ mà đáp nên gọi là “Kệ đáp Vô Tận Ý”.

Chánh văn:

Ông nghe hạnh Quán Âm

Khéo ứng các nơi chỗ

Thệ rộng sâu như biển

Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn

Hầu nhiều nghìn Đức Phật

Phát nguyện thanh tịnh lớn.

Ta vì ông lược nói

Nghe tên cùng thấy thân

Tâm niệm chẳng luống qua

Hay diệt khổ các cõi.

Giải:

Ngươi cần phải nhất tâm nghe hạnh môn của Quán Thế Âm Bồ tát, là bất khả tư nghì. Bởi vì Quán Thế Âm dùng trí nhất tâm tam quán soi thấu cả tiếng tăm mười pháp thế giới gian là cảnh sở quán nhất cảnh tam đế. Năng quán, Sở quán chẳng hai. Chứng trung đạo Diệu thể, khởi trung đạo Diệu dụng, khéo khắp ứng thị hiện. Cho nên mười phương thế giới không một nơi chỗ nào mà chẳng thị hiện được cả. Dùng 32 ứng thân để ứng hiện, giống như bức gương soi vật đồng thời hiện xuất chẳng trước, chẳng sau: Ngang khắp mười phương thế giới, chẳng một thế giới nào mà không hiện; đứng tột ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, không một thời gian nào chẳng hiện. Do đó nên gọi là Phổ môn Đại Sĩ.

Hoằng thệ là lời thệ nguyện rộng lớn và thiết yếu. Quán Thế Âm Bồ tát, khi xưa làm kẻ phàm phu, đã từng phát 12 đại hoằng thệ nguyện rộng rãi vô biên, sâu thẳm vô cùng như đại dương biển cả vậy. Vả lại từ vô lượng kiếp đến nay, cũng đã từng tu đạo Bồ tát đều là bất khả tư nghì: Như đã hầu hạ, phụng sự, gần gũi cúng dường các Đức Phật quá khứ nhiều ngàn ngàn vạn vạn, để vun trồng cội phước huệ, thường phát thanh tịnh, đạ nguyện chẳng chấp đắm “không và hữu”. Nguyện đại, hạnh đại, cúng Phật đa: Nguồn dài giòng xa, rễ sâu cội vững, cho nên mới có đủ ứng hóa thân Phổ môn thị hiện như thế ấy.

Ban thí đại Vô úy là Diệu lực bất khả tư nghì. Dường như nước nhảy thuyền nổi lên cao, nguyên liệu nhiều đắp tượng Phật lớn. Đấy là lời Phật Thích Ca khen ngợi Quán Thế Âm Bồ tát Diệu lực bất khả tư nghì, chẳng phải một thời có thể nói hết được. Nay chỉ nói ước lược mà thôi, cho nên gọi là “Ta vì ông lược nói”. Chúng sanh, nếu nghe danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, hoặc xem Thánh tượng Quán Thế Âm Bồ tát: Cung kính, lễ bái, nhất tâm xưng niệm, quyết định chẳng luống công. Nghe danh: là ý nghiệp; xưng niệm: là khẩu nghiệp; lễ bái: là thân nghiệp. Ba nghiệp cung kính, nhất tâm bất loạn, năng diệt được tất cả khổ nạn.

Các cõi: Chỉ có ba cõi, chín cõi, 25 cõi. Ba cõi: Cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc. Chín cõi: Dục có một, Sắc có bốn, Vô sắc cũng có bốn, cộng lại là chín cõi. 25 cõi: Tức bốn châu, bốn ác thú, sáu cõi trời Dục và một Phạm Thiên, bốn thiền, bốn Vô sắc, hai cõi Vô tưởng và Ngũ na hàm, cộng là 25 cõi. Nói rộng là 25 cõi, nói hẹp là ba cõi, nói trung là 9 cõi. Bởi vì nhân quả chẳng sai mất, có nhân tất có quả, cho nên nguyên văn dùng chữ hữu là “có” cũng là cõi. Chúng sanh có 25 cõi đồng đang ở trong sanh tử phiền não khổ hải, nếu có thể thu nhiếp tam nghiệp, nhất tâm thân lễ, khẩu xưng, tâm niệm thời tiêu trừ tất cả các khổ và những ách nạn trong 25 cõi vậy. Nhưng, chẳng những tiêu trừ bảy nạn ba độc trong cõi Đồng cư mà chúng sanh trong hai cõi Phương tiện và Thật báo cũng đều được như thế cả.

Chánh văn:

Giả sử sanh lòng hại

Xô rớt hầm lửa lớn

Do sức niệm Quán Âm

Hầm lửa biến thành ao.

Hoặc trôi giạt biển lớn

Các nạn Quỷ, Cá, Rồng

Do đức niệm Quán Âm

Sóng mòi chẳng chìm đặng.

Giải:

Giả sử gặp kẻ ác, khởi ý muốn sát hại đem người xô cho rơi trong hầm lửa lớn, tánh mạng chẳng còn bảo đảm nữa. Hoặc giả có người vượt qua sông biển, thuyền bè bị nghiêng úp, lại có các tai nạn Rồng, Cá, các Quỷ La sát. Người đang lúc gặp phải tai nạn nước lửa, năng đem lòng chân thành xưng danh, nhờ sức oai thần Đức Quán Âm thời hầm lửa biến thành ao nước mát mẻ, ngàn vạn sóng mòi trong biển cả kia cũng chẳng làm chìm người được.

Chánh văn:

Hoặc ở chót Tu Di

Bị người xô rớt xuống

Do sức niệm Quán Âm

Như mặt nhựt treo không.

Hoặc bị người dữ rượt

Rớt xuống núi Kim Cang

Do sức niệm Quán Âm

Chẳng tốn đến mảy lông.

Hoặc gặp oán tặc vây

Đều cầm dao làm hại

Do sức niệm Quán Âm

Đều liền sanh lòng lành.

Giải:

Các kệ tụng này đều là tụng lại văn trường hàng trên. Nên chỉ có nói lược bất tất giải thích tường tận. Hoặc giả có người ở trên chót núi Tu Di, bị kẻ oán gia xô rơi trên tầm mủi nhọn sa xuống gọp đá, quyết bị thân tan xương nát. Nhờ sức niệm Quán Âm gia hộ, thời như mặt nhựt đứng giữa hư không, chẳng đến nỗi sa rơi xuống. Hoặc giả bị kẻ ác đuổi theo sa rơi dưới núi Kim Cương. Nhờ sức niệm Quán Âm gia bị, thời chẳng tổn hại một mảy sợi lông. Hoặc giả bị kẻ oán tặc giặc cướp sắp bao vây người, mỗi đứa nó cầm dao bén gươm nhọn, đến ngay trước người quyết làm hại. Người năng niệm Quán Âm thì nhờ sức oai thần Bồ tát gia bị, bọn giặc cướp kia tự nhiên đều khởi lòng từ, bao tâm ác độc kia lắng dịu xuống hết.

Trước đây ba năm khi tôi (Bảo Tịnh) giảng Kinh Địa Tạng tại Tô Châu, có Bào Thánh Vân Cư sĩ, ông rất nhiệt tâm hộ giúp cho Pháp hội giảng Kinh. Ngày giảng toàn mãn, Bào Cư sĩ cùng tôi lên ghe máy trở về lại Thanh Đảo. Sau khi ghe vừa ra khỏi cửa biển Ngô Công bị bọn cao bồi lưu manh nó uy hiếp ghe phải đổi hướng đi về phương Nam. Tôi xem thấy tình hình hơi khốn nạn, lòng chẳng yên, liền vì cả ghe, khởi niệm Quán Âm tiếp theo mọi người trong ghe đều gia trì niệm tụng Thánh hiệu Đức Quán Thế Âm. Nhờ đó mà được trọn thoát hiểm nạn. Sau khi hành trình một ngày đêm mới về đến chùa Quán Tôn, tôi có soạn một bài ký, nhan đề là “Bào Cư sĩ thoát hiểm” ghi rõ đủ sự việc vừa đã xảy ra từ đầu chí cuối.

Chánh văn:

Hoặc bị khổ nạn vua

Khi hành hình sắp chết

Do sức niệm Quán Âm

Dao liền gãy từng đoạn.

Hoặc tù cấm xiềng xích

Tay chân bị gông cùm

Do sức niệm Quán Âm

Tháo rã đặng giải thoát.

Giải:

Hoặc gặp Quốc pháp vương nạn, đến nỗi phải bị chém đầu. Khi mà thọ mạng sắp cuối cùng, năng niệm Quán Âm Thánh hiệu, thời cái dao hành quyết kia, tự nhiên gãy khúc rời từng đoạn một. Hoặc bị phạm Quốc pháp, hoặc bị bọn giặc cướp bắt nhốt tù, tay chân đều bị trói còng. Năng trì niệm Quán Âm tức nhờ sức oai thần Bồ tát có thể trong vô hình được giải thoát. Xưa có một vị Tăng đi vào trong núi sâu để tìm cây thuốc, bị giống người Mọi Mán bắt trói nhốt tù. Khi chúng trói buộc cả hai tay chân sắp đem làm thịt ăn, vị Tăng nhất tâm kiền thành niệm Quán Thế Âm Bồ tát. Bỗng nhiên có con cọp chạy đến phá tan rọ chúng nhốt Ngài, Ngài được cứu thoát.

Chánh văn:

Nguyền rủa các thuốc độc

Muốn hại đến thân đó

Do sức niệm Quán Âm

Trở hại nơi bổn nhơn.

Giải:

Hoặc giả gặp kẻ ác nhân dùng ác chú nguyền rủa người, hoặc nó dùng độc dược hại người cho chết. Ở địa phương biên giới các tỉnh: Quảng Đông, Phước Kiến, Vân Nam, Tứ Xuyên thường có chỗ gọi là Hắc Điếm. Nếu ai bất phước lầm vào trúng đích của họ tức bị độc chết ngay. Hoặc bị rủa chết đoạt lấy tiền của. Năng niệm Quán Âm tức có thể khỏi ách nạn ấy. Ngược lại, kẻ cố ý làm hại người ta bị cái hại ấy nó hại trở lại nơi bản thân mình. Ông Tô Đông Pha cho là (trở hại nơi bản nhân) chẳng bằng cái là “hai bên đều vô sự” thời có lẽ Từ bi hơn, vì như thế này khả dĩ chẳng gây hại cho người mà cũng chẳng gây hại cho mình vậy.

Đây vì ông Tô Đông Pha chẳng hiểu hai Pháp môn chiết nhục và thu nhiếp trong Phật pháp. Phật pháp nên Từ bi thì Từ bi, nên chiết phục tức chiết phục. Tức đè bẻ như hàng phục vậy. Nếu chỉ một mặt Từ bi, mà chẳng chiết phục thời những kẻ ác không do đâu họ cải đổi tội lỗi được. Ví như sát sanh, với trong Phật pháp cố nhiên nên răn, nhưng mà với trường hợp cần khai phóng thời khai phóng. Nhưng cần phải xuất phát nơi thiện tâm, Từ bi tâm và Vô ký tâm (vô ký là chẳng thiện chẳng ác). Rất sanh lòng hổ trẽn. Tuyệt đối chẳng nên có chút lòng giận hờn tức ghét.

Như người Phật tử, thấy giữa đường có con rắn độc, đã cắn chết nhiều người, nhân đấy liền giết chết rắn, khỏi cắn người khác nữa. Thứ sát sanh này có hai phương diện: Một vì cứu người, một vì khiến rắn: với hiện tại giảm bớt ác nghiệp, với tương lai chịu ít ác báo. Giết mà như thế hai phương diện đều có lợi ích. Bởi vì thứ sát sanh này gồm có lòng thương xót và vì bảo hộ bao chúng sanh khác nữa. Thà tự mình nên phạm giới, đọa Địa ngục, trọn chẳng để kẻ khác phải chịu khổ trong vô gián Địa ngục vậy. Do nhân duyên ấy, đối với giới pháp không phạm, gọi là vong phạm cứu vật.

Cho nên giới pháp trong Phật pháp, tuy làm quan tòa, quan quân ngũ đều có thể thọ trì giới pháp được cả. Đối với những kẻ gây họa cho quốc gia, làm tai hại dân chúng, giết người, đốt xóm làng, gian tặc, giặc giả v.v… chiếu theo Quốc pháp mà xử chúng nó đến tội tử hình, mới có thể khiến dân chúng an cư lạc nghiệp ăn ngon ngủ yên gọi là cao gối không lo. Đấy là Bồ tát giới đó, cũng không có phạm chi hết. Nếu chẳng phải như vậy, mà xuất phát nơi tâm giận dữ, thời bị tội ác rất lớn là quyết sẽ bị đọa vào tam đồ Địa ngục chịu khổ báo. Về sau người ta cho sự cải đổi của Tô Tiên Sanh là chẳng nhằm, cho nên vẫn dùng nguyên câu.

Từ thuở trước đã có một ông Thầy bói tên là Lại Tỉnh Cán, lối dụng tâm của ông bất chính: Trong nhà có thờ một yêu quái vật để khiến nghề Thầy bói được Thần linh ứng quẻ, cứ mỗi năm ông đến tỉnh Triết Giang, đánh cắp một đứa đồng nam, hay đồng nữ cũng được, về cúng tế cho yêu quái. Một lần, có một em nữ hài bị ông dụ dẫn về nhốt kín trong một nhà riêng. Sau mấy hôm ông khiến em tắm rửa sạch sẽ, thay áo quần để đợi yêu quái đến ăn. Nguyên em bé này, ngày bình thường, biết niệm Quán Thế Âm Bồ tát, lúc ấy em nhất tâm xưng niệm danh hiệu Bồ tát. Đến nửa đêm cánh cửa song bỗng trống, đôi mắt của yêu quái từ ngoài cửa song chiếu vào sáng như đèn điện soi. Em bé tuy sợ hãi, nhưng vẫn nhất tâm xưng danh, thời từ trong miệng em bỗng nhiên bay ra một tia sáng bắn đến trên thân con yêu vật. Thình lình ở trên cửa song rơi xuống một vật, em bé cấp hô: Cứu tôi chết. Vừa chính lúc đó bên ngoài vách nhà có mấy viên lính tuần đang đi qua, họ vừa nghe tiếng, tức thì vào nhà, đèn soi thấy bên em bé là một con rắn độc rất lớn, đã chết rồi nằm đó. Sau mấy lời gạn hỏi em bé thời lính tuần liền bắt Thầy bói Lại Tỉnh Cán đem nạp về quan Nha, để biện phán về tội trạng của y. Đấy tức cố hại người mà phản lại hại mình, trở hại nơi bản nhơn vậy.

Chánh văn:

Hoặc gặp La sát dữ

Rồng độ các loài Quỷ

Do sức niệm Quán Âm

Liền đều không dám hại.

Giải:

Nếu ngươi gặp Quỷ La sát hung ác và Rồng độc long cùng tất cả các thứ Quỷ làm làm tai hại muốn đến làm hại ngươi. Nếu ngươi nhất tâm niệm Quán Âm Bồ tát, tức bọn La sát, Rồng, Quỷ thảy, chính lúc đó đều chẳng dám đến làm hại ngươi. Cho nên gọi là liền đều không dám hại. Quỷ sợ ánh sáng, mà thích mừng bóng tối. Nếu người năng nhất tâm bất loạn xưng niệm Thánh hiệu, thời thiên tánh sáng láng, tức hiển hiện Đại Quang Minh, cho nên La sát, ác Quỷ chẳng dám đến hại.

Thuở xưa có một người ưa thích hay hỏi gặp ai cũng hỏi. Một hôm đi đường gặp một Quỷ La sát, anh ta tự biết nguy hiểm cho tính mạng mình lắm rồi. Nhưng với tánh háo kỳ sẵn có, anh liền hỏi La sát: Này, tại sao bụng nhà ngươi trắng mà lưng lại đen? Quỷ đáp: Tính tôi sợ ánh sáng mặt trời, nên khi đi chạy quay lưng về trước bị nắng dọi cho nên lưng đen mà bụng trắng. Lúc đó anh liền kéo Quỷ La sát đến chỗ ánh sáng mặt trời, Quỷ tức thì tiêu tan. Trong tự tâm chúng ta vọng tưởng bất tuyệt, tức là nhiều lớp màng đen cho nên Quỷ thường đến làm họa hại. Nếu được chánh đại quang minh nhất niệm bất tà, thời những La sát Quỷ quái, làm gì hại ta được.

Chánh văn:

Hoặc thú dữ vây quanh

Nanh vuốt nhọn đáng sợ

Do sức niệm Quán Âm

Vôi vàng bỏ chạy thẳng

Rắn độc cùng bò cạp

Hơi độc khói lửa đốt

Do sức niệm Quán Âm

Theo tiếng tự bỏ đi.

Giải:

Trên rừng núi, ngoài đồng nội có những ác thú như chó sói, cọp, beo, nó nha nanh múa vuốt, hùng mạnh đáng sợ cực kỳ. Ở trung châu bình địa chẳng dễ gì thấy nó. Trong núi sâu rừng rậm, thường có những ác thú xuất hiện, nếu khi người gặp phải, năng nhất tâm xưng niệm Đức Quán Thế Âm dù cho bốn bề đều có ác thú bao vây đi nữa, tức liền vội vàng tuôn chạy trốn vô phương hướng.

Tại tỉnh Phước Kiến có người tên Lôi Pháp Chấn, sanh sống bằng nghề đốt than. Một hôm ông đi vào trong núi sâu để làm nghề. Vừa chẳng may gặp một con hổ già, nhe năng ló móng dựng gáy nghinh mặt chạy sấn tới ông, hình thù rất dễ sợ Kinh. Chính đang lúc nguy cấp này, bỗng nhiên có một nàng mỹ nữ hiện đến và hét “cọp” một tiếng, hổ liền quỳ xuống cúi đầu mà bỏ đi. Ông Chấn may mắn được cứu sống. Và ông mừng quá vòng tay xin hỏi danh tánh nàng. Nàng nói: Ta là khúc gỗ áp lan ở trong nhà ngươi. Nói xong ẩn mất, chẳng thấy nàng đâu nữa. Ông Chấn nhân đấy mới nhớ lại trong nhà mình có cây áp lan mộc, thớ thịt nó rắn chắc và mịn láng, ông đã có ý định chạm tượng Đức Quán Thế Âm để thờ, nhưng ngặt vì công việc làm ăn bận rộn, nên chưa chạm xong được.

Mới chỉ sanh một niệm nghĩ đến, mà đã được nhờ cảm ứng như thế. Cho nên chúng ta sanh một thiên nhiệm, thời hoa quý ở cung điện trên trời đã thành. Sanh manh một niệm ác là chảo nước sôi ở Địa ngục dưới đất cũng đã bày ra. Cho nên tâm móng khởi, niệm máy động, rất cần loại trừ điều ác mà tòng theo điều thiện vậy. Ông Lôi Pháp Chấn, sau khi thoát nạn trở về nhà liền đem khúc gỗ áp lan ra chạm thành Thánh tượng Đức Quán Thế Âm Bồ tát, trọn năm suốt tháng phụng thờ hương khói rất trang nghiêm. Đấy, tức là dẫn chứng “ác thú bỏ chạy” vậy. Loại rắn đen độc lắm, cắn người chết đứng không kịp ngã. Bò cạp là loại trùng có bốn chân, phun hơi độc như khói lửa đốt. Cũng nhờ sức niệm Quán Âm theo tiếng bỏ chạy.

Chánh văn:

Mây sấm sét nổ đánh

Tuôn giá xối, mưa rơi

Do sức niệm Quán Âm

Liền đặng tiêu tan cả.

Giải:

Khi trời nổi mây đặc, gió mưa cùng lúc, lửa điện chớp nhoáng bốn phương, tiếng sấm sét đùng đùng chấn động và băng khối rơi xuống, hoặc lớn nhỏ ít nhiều bất nhất định, có thể làm hư hao mùa màng hay thương hại người vật. Những trận mưa lớn như thùng nước từ trên đổ xuống. Hễ gặp những điều chẳng lành như thế, đều là hiện tượng tai hoang hung hiểm. Nếu người đang đi dưới những: Gió, mưa, sấm, điển, băng thời thế nào cũng bị nguy hiểm cho sanh mạng. Nếu gấp gấp hồi đầu, xưng niệm danh hiệu Đức Quán Âm thì tức khắc có thể mây tiêu, mưa tán, gió ngưng, sấm ngừng và băng tuyết cũng hết, bầu trời quang đãng.

Chánh văn:

Chúng sanh bị khổ ách

Vô lượng khổ bức thân

Quán Âm sức trí diệu

Hay cứu khổ thế gian.

Giải:

Trong tâm chúng sanh bị: Tham, sân, si, mạn các phiền não đó bức ép; Ngoài thân bị: Nước lửa, đao binh, đói khát, tam tai, bát nạn các khổ ấy thay phiên nhau thường trực hoành hành dữ dội. Khốn ngặt ở trong thống khổ vô lượng vô biên. Quán Thế Âm Bồ tát, Đại từ Đại bi, có đủ thần lực trí huệ Diệu quan sát, không nạn nào chẳng cứu, không khổ nào chẳng vớt. Thậm chí chúng sanh ở ba cõi: Đồng cư, Phương tiện, Thật báo, tất cả sanh tử phiền não khổ ách thảy đều năng cứu tế, khiến được giải thoát.

Chánh văn:

Đầy đủ sức Thần thông

Rộng tu trí phương tiện

Các cõi nào chẳng hiện.

Các loài trong đường dữ:

Địa ngục, Quỷ, Súc sanh

Sanh, già, bệnh, chết, khổ

Lần đều khiến dứt hết.

Giải:

Quán Thế Âm Bồ tát đầy đủ Thần thông diệu lực. Thần là thiên tánh chẳng đo lường được; Thông tức là huệ tâm. Dùng tánh thiên nhiên thấu soi vô ngại gọi là Thần thông. Chúng sanh vốn sẵn đủ Thần thông diệu dụng, ngặt vì bị phiền não vọng tưởng che lấp chẳng hay hiển hiện được. Nếu có thể buông thả muôn duyên, Thần thông tức hiện liền ngay.

Bồ tát, La Hán, Thiên, Tiên, Quỷ, Thần đều có Thần thông. Thần thông của Quỷ Thần gọi là Quỷ thông. Nhỏ bé lắm, chỉ thấy được phần ít hai đạo. Người và Quỷ mà thôi. Thiên Tiên tuy có thiên nhãn, thiên nhĩ, nha tâm, túc mạng và thần túc năm thông. Nhưng cũng đều là nhỏ hẹp, vả lại thiếu vô lậu thông, cho nên gọi là hữu lậu Thần thông, vì phiền não vẫn hoàn toàn tồn tại vậy. Cho nên có khi động đến sát cơ, tức là giết hại.

La Hán, thêm đủ vô lậu thông. Nhờ có đủ sức Thần thông, cho nên mới vượt khỏi ba cõi. Tuy vượt khỏi hơn vạn vạn lần hữu lậu Thần thông của Thiên, Tiên nhưng hãy chưa hoàn toàn rốt ráo. Cho nên thiên nhãn thiên nhĩ của la hán chỉ thấy nghe trong phạm vi tam thiên đại thiên thế giới mà thôi. Thần túc, chỉ năng du hành tự tại trong tam giới. Túc mạng, chỉ biết sự tình tám vạn kiếp dĩ nội. Tha tâm, chỉ biết tâm niệm của sáu loại phàm phu mà thôi.

Bồ tát phá được một phần vô minh. Thiên nhãn, thiên nhĩ tức có thể thấy nghe đến một trăm cái tam thiên đại thiên thế giới. Phạm vi ấy so sánh với La Hán cả một trăm lần hơn. Nhưng mà cũng chưa hoàn toàn là đầy đủ vậy. Duy Phật năng kiến văn đến vô số lượng, vô cùng tận tam thiên đại thiên thế giới. Xem lâu xa về kiếp trước như một ngày nay, suốt nguồn tận đáy, rốt ráo đầy đủ.

Quán Thế Âm Bồ tát sớm đã thành Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Đã chứng được thể tự tâm Thật tướng, đầy đủ sức đại Thần thông bất khả tư nghì. Cho nên cùng với các vị mới thành Bồ tát chẳng đồng. Bởi thế nên gọi là “Đầy đủ sức Thần thông”. Lại nữa, rộng tu đại trí huệ, đại phương tiện. Trí, tức thật trí, soi lý. Phương tiện là quyền trí, hiểu sự ứng căn cơ thuyết pháp. Hai trí Quyền và Thật đều đầy đủ gọi là rộng tu. Có Thật trí mới ngang các Đức Phật, có Quyền trí là không sanh nào chẳng độ được. Cho nên mười phương thế giới, tất cả cõi nước, không một xứ nào chẳng thị hiện các loại ứng hóa thân mà rộng độ chúng sanh tức các loại ác thú như: Tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh và nhận đạo chúng ta sanh, già đau, chết, những bao thứ khổ nhiều vô lượng vô biên, chỉ cần xưng niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm tức nhờ ánh từ quang gia bị, năng khiến những khổ thống dần dần đều tiêu diệt.

Địa ngục có tám sở lạnh, tám sở nóng là Đại ngục. Chúng sanh gây tội ngũ nghịch, thập ác tức bị đọa vào trong ngục này chịu khổ báo. Quán Thế Âm Bồ tát thấy chúng sanh chịu khổ nơi Địa ngục, thường đi đến giáo hóa độ giải thoát. Kinh nói: Ta chẳng vào Địa ngục còn ai vào đấy? Ngạ quỷ đạo là trăm ngàn vạn năm vẫn chẳng nghe danh tự của nước uống huống là các thức uống ăn. Đức Quán Thế Âm Bồ tát biến làm vị Quỷ chúa Diện Nhiên Đại Sĩ. Nhân đấy mới dẫn khởi cho Đức Phật nói Chú Pháp Diệm Khẩu để đem phổ cứu tế độ cho tất cả Ngạ quỷ. Súc sanh đạo là chim bay thú chạy, vảy lông cánh sừng đều bởi mắc quả báo nghiệp chướng đời trước đã gây nên. Hễ người mà dối gạt gian trá tức đọa vào loài này. Hoặc trả nợ, hoặc đền mạng mà sanh ra để chịu khổ báo chẳng thể kể xiết. Đức Quán Thế Âm Bồ tát hay hiện thân Súc sanh để giáo hóa chúng. Còn về khổ, sanh, lão, bệnh tử tại nơi nhân đạo thời bất luận nghèo giàu sang hèn đều chẳng tránh khỏi được. Tức như Thiên đường, Tiên đạo, vẫn chẳng tránh khỏi được. Kinh nói: “Nhân gian khó tránh khổ bốn tướng, Thiên thượng tài gì khỏi năm suy.” Quán Thế Âm Bồ tát vì thương xót chúng sanh chịu khổ. Chúng chỉ cần năng xưng danh, tức dần dần khiến chúng tiêu diệt nỗi thống khổ, thường được an vui.

Chánh văn:

Chơn quán, thanh tịnh quán

Trí huệ quán rộng lớn

Bi quán và Từ quán

Thường nguyện thường chiêm ngưỡng.

Giải:

Chơn quán tức chơn không quán. Xét soi tất cả các khổ thảy đều chơn không. Chúng ta trong thâm tâm, ngoài có thế giới, đều bởi vọng niệm vọng kiến phân biệt mà có, kỳ thật đều là hư vọng chẳng thật. Cái có của vọng kiến, giống như trong mộng thấy có cái gì, nhưng vốn chẳng phải chân thật. Lại đồng như mắt bị lòa thấy đèn sáng có bóng tròn năm sắc, thấy giữa không trung có những cuồng hoa múa lăng xăng. Kỳ thật là đèn sáng vốn không có bóng tròn, không trung đâu có cuồng hoa. Bất quá vì mắt có bịnh lòa, nhân đấy mà thấy có vậy thôi. Giống như thế giới quốc độ, người ta, chàng trai nàng gái, kẻ lớn người nhỏ, bên nội bên ngoại, giàu sang nghèo hèn, đều là vọng kiến mà có. Khi chứng đến địa vị Phật mới thấy rõ ràng không có một vật gì cả. Như khi mắt lành bệnh, trên đèn không có bóng tròn, cuồng hoa giữa không trung tự nhiên cũng biến đâu mất. Duy là thanh tịnh, một mảy bụi vẫn chẳng dính nhớp. Cho nên biết tất cả cảnh giới đều bởi vọng kiến mà có. Bởi chấp cho là có, mới khởi ra phân biệt. Đã sanh khởi phân biệt thời: Có yêu mến, có giận hờn, có khổ vui, có tốt xấu đủ thứ đủ điều nói chi cho hết. Ngược lại, nhất niệm bất sanh, thân tâm trở về “không” muôn vật đâu có nữa. Mới soi thấy năm “uẩn” đều không, tất cả cũng đều không, chứ chẳng phải làm tiêu diệt cái “có” mới là không. Đấy gọi là Chơn không quán.

Giữa đời không có người ngàn tuổi, ngôi nhà muôn năm, đều là sanh diệt đổi đời đâu có thật tại. Kinh dạy: Không những gì đã có. Nhưng Không là bất Không là Diệu hữu. Trong Không ấy vốn sẵn đủ tất cả Pháp chứ chẳng phải là cái đoạn diệt Không. Cho nên phải gấp tu thiện tích đức, tổn mình lợi người, rộng độ chúng sanh. Đấy tức là Diệu hữu quán.

Nói sao, gọi là Thanh tịnh quán? Nguyên là người đời làm sự nghiệp từ thiện công đức, hợp ý ta thời làm, mà trái lại là bỏ, thuận đưa đến vui thích, nghịch xảy ra giận dữ. Sẵn có tâm lý tốt, xấu, ưa, ghét, hoài tồn tri kiến nên, hư, đặng, mất. Chỉ biết thật có, mà chẳng biết bản thể nó vốn là không. Rồi đụng đâu cũng vẫn dính chấp đắm, nhiễm ô như mủ mít, chẳng thể thanh toán cho trong sạch được. Đức Quán Thế Âm Bồ tát trọn ngày ở trong trần lao độ sanh, mà thật không có tướng trần lao. Tâm lợi sanh chẳng phải có mà có, có mà chẳng phải có. Như trăng dưới nước, hoa giữa hư không. Không chấp đắm gì, không an trụ vào đâu. Cho nên tuy tích cực cứu đời vào cõi độ sanh, mà vẫn thanh tịnh không nhơ bẩn, như Hoa sen vượt trên bùn trên nước vậy. Lại như câu: “Dạo vườn hoa trăm thứ, thân chẳng động một cành”. (Bá hoa tòng ly quá, nhất diệp bất triêm thân). Nhưng là vô tâm với vạn vật, ngại vì vạn vật thường đanh vây. Cho nên mới gọi là Thanh tịnh quán.

Chơn không quán là ra khỏi đời, Thanh tịnh quán là vào trong đời. Do ra đời mà vào đời là Chơn lợi nhân. Do vào đời mà ra khỏi đời là Chơn tự lợi. Chơn và Tịnh đều viên thông. Tức Không tức Có. Không và Có chẳng hai vào nơi Trung đạo. Mà Trung đạo quán trí chẳng đình trệ nơi hai bên Không và Có. Cho nên mới dạo khắp cả pháp giới, rộng lớn không vì chướng ngại. Cho nên mới gọi Trí huệ quán rộng lớn.

Tu chơn không quán, phá được kiến tư phiền não, chứng minh được Bát nhã đức. Tu Diệu hữu Thanh tịnh quán, phá được trần sa phiền não, chừng được Giải thoát đức. Tu Quảng đại trí huệ quán, phá được vô minh phiền não, chứng được Pháp thân đức. Ba pháp quán này, cử một tức đủ ba, nói ba tức là một. Chẳng phải trước sau, chẳng phải chung riêng. Vì ba pháp quán này là tuyệt đãi viên dung. Tức là ý nghĩa chữ Quán của Quán Thế Âm. Đấy, ba pháp quán tự lợi, cũng tức là căn bản lợi tha vậy.

Từ quán và Bi quán là hai quán lợi tha, mà cũng là dụng tự lợi vậy. Quán Thế Âm Bồ tát là Quán Thế Âm trong tâm chúng sanh. Vì với chúng sanh đồng thể chẳng hai. Cứu khổ chúng sanh tức là cứu khổ tự mình, tuy khiến chúng sanh thoát ly tất cả các thống khổ ngũ trụ, nhị tử; giải trừ tất cả các tai nạn lục phàm, tam thừa. Không một hạng nào chẳng phải là nhiếp tha về tự, để làm việc cần thiết nơi thân mình. Cho nên gọi là đồng thể Đại bi quán.

Từ, năng khiến chúng sanh được vui Chơn không, vui Diệu hữu, cho đến vui Trung đạo Vô thượng Niết bàn bất sanh bất diệt. Tịch diệt là Vui, và cái vui Vô thượng Bồ đề, bất cấu bất tịnh: giác pháp lạc. Trọn ngày cho vui mà không có tướng cho vui. Không có Bồ tát là Năng duyên, cũng không có chúng sanh là Sở duyên. Năng với Sở duy là nhất tâm. Nên gọi là Vô duyên Đại từ. Cho nên bọn chúng ta là chúng sanh thường nguyện Quán Thế Âm Bồ tát Từ bi cứu vớt cho; thường mong Phổ môn Đại Sĩ Diệu Tướng Trang Nghiêm đảnh lễ ngửa trông cầu xin soi nhiếp.

Chánh văn:

Sáng thanh tịnh không nhơ

Tuệ nhựt phá các tối

Hay tiêu tai khói lửa

Khắp soi sáng thế gian.

Giải:

Quán Thế Âm Bồ tát với ba quán Pháp trước đã đầy đủ, phá trừ tất cả phiền não được trong sạch, không còn nhơ bẩn nên gọi là Không nhơ. Tâm chúng ta vốn là thanh tịnh, như gương sáng trong sạch không nhơ. Đức Lục Tổ đã nói: Xưa nay không một vật. Chỉ vì tham, sân, si ba độc nhơ bẩn ngăn ngại, như bụi bẩn che gương sáng nên lu mất dụng sáng trong. Bởi đấy, chúng sanh sở dĩ là chúng sanh muôn đời! Quán Thế Âm Bồ tát, khi ban sơ cũng là phàm phu, nhờ dùng công phu tam quán, mới đem nhơ bẩn chà rửa làm trong sạch; suốt đến trong sạch rốt ráo là bất sanh bất diệt. Sạch cùng cực, là sáng thông suốt. Hết nhơ hiện sáng. Cho nên đấy trong ngoài thấu suốt sáng rực rỡ, nên gọi là sáng thanh tịnh không nhơ. Cái sáng như thế, tức là Đại trí huệ quang. Huệ quang chiếu sáng, giống như sáng bạch nhựt giữa thanh thiên không năng phá tất cả màn đen tối. Chúng ta tuy đội dưới ánh sáng của bạch Nhựt thanh thiên, nhưng cả bọn đều mờ mịt bởi tự tâm ác liệt. Thiện thời cũng như đang ở trong thế giới tối đen mù mịt vậy. Nhưng ngày hôm nay, quí vị đến đây nghe Kinh, hiểu rõ đạo lý, mở mang trí huệ. Niệm Phật tức thanh tâm, chuyển đổi thế giới đen tối, biến thành thế giới quang minh.

Bồ tát dùng Chơn không quán, chứng Nhất thiết trí quang, đem phá tối tăm kiến tư phiền não cho chúng sanh. Dùng Thanh tịnh quán chứng Đạo chủng trí Quang, đem phá tối tăm trần sa phiền não cho chúng sanh. Dùng Quảng đại trí huệ quán, chứng Nhất thiết Chủng trí, đem phá tối tăm vô minh phiền não cho chúng sanh. Cho nên gọi là Phá Các Tối. Phiền não tối tăm là nhân khổ của chúng sanh đã bị phá hết, thời tất cả các tai nạn là quả khổ cũng phải bị tiêu diệt theo, cho nên gọi là: Hay tiêu ba tai bảy nạn, tất cả các gió, nước, lửa, đao binh, tai kiếp mênh mông và giặc cướp các nạn, cho đến tiêu diệt trong âm thầm vô hình.

Đức Quán Thế Âm Bồ tát dùng Huệ nhật ba Quán pháp, ba Trí quang, phóng bủa Đại quang minh khắp soi cả thế gian đều khiến lìa khổ được vui; dùng Huệ nhật Nhất thiết trí quang phóng bủa Chơn không quang minh, khắp soi cõi luc phàm đồng cư thế gian; dùng Huệ Nhật Đạo chủng trí Quang, phóng bủa Diệu hữu quang minh, khắp soi cõi Nhị thừa phương tiện thế gian; dùng Huệ nhật Nhất thiết chủng trí quang, phóng bủa Trung đạo quang minh, khắp soi cõi Bồ tát thật báo thế gian. Cho nên gọi là khắp soi sáng thế gian.

Chánh văn:

Lòng bi răn như sấm

Ý từ diệu dường mây

Xối mưa pháp cam lồ

Dứt trừ lửa phiền não.

Giải:

Bốn câu này là khen ngợi ba luân bất khả tư nghì của Quán Âm Bồ tát. Câu đầu, khen ngợi thân luân là thể Pháp thân Đại Từ bi. Đại Bi pháp thể do Trì giới mà chứng được. Quán Thế Âm Bồ tát mới dùng Đại Từ bi giới thể, thân luân hiện thông, thị hiện 32 ứng hóa thân, để diễn ra Đại Thần thông, làm Kinh động cả cõi đại thiên thế giới như sấm sét để cảnh tỉnh những người mê mộng. Cho nên gọi là “Lòng bi răn như sấm”.

Câu hai, khen ý luân. Dụng tâm của Bồ tát, không đâu chẳng phải là lòng dạ Đại Từ Đại Bi để soi xét các cơ nghi, dùng các thứ phương tiện, với mục đích là hy vọng cả chúng sanh đều được lợi ích. Lối dụng ý thâm diệu như đám mây lớn che khuất nắng mặt trời, tiêu diệt nóng bức mà được mát mẻ. Cho nên gọi là “Ý từ diệu dường mây”.

Ba, bốn hai câu, khen khẩu luân Cam lồ, là thuốc trường sanh bất tử trên trời, dụ cho Diệu pháp bất sanh bất diệt. Bồ tát dùng khẩu luân thuyết pháp, pháp nào cũng đều thấm nhuần vào chúng sanh tam thảo nhị mộc đều được sanh trưởng, thảy đều diệt trừ lửa hừng phiền não, mới chứng được đất mát mẻ là Niết bàn bất sanh bất diệt vậy.

Chánh văn:

Cãi kiện qua chỗ quan

Trong quân trận sợ sệt

Do sức niệm Quán Âm

Cừu oán đều tiêu tan.

Giải:

Nếu gặp phải việc tranh chấp, kiện cáo mà đến Quan nha nguy hiểm. Hoặc bị binh tai chiến họa, Kinh khủng nguy nan, niệm danh Quán Âm tất cả oan gia đối đầu đều có thể hư tan. Như Phi Phạm Cửu Cư sĩ ở huyện Bình Hồ này. Trước đây chiến cuộc đương diễn, chính lúc đó Cư sĩ đang ở tại Thượng Hải phục vụ cho thương vụ ấn thư quán. Chiến cuộc dữ dội tại đây. Một sáng sớm ông phải bỏ sở ra đi. Sau năm ngày đến thôn Kiệm Đức Tân, thời chiến cuộc lại lan dần đến đấy, và Kiệm Đức Tân lại là trung tâm của pháo hỏa. Khi đó ông quyết chí định đi ngang qua Tô giới công cộng để tránh chiến nạn. Nhưng ngặt nỗi vượt qua sông Tô Châu không được, vì chiến binh bố phòng quá nghiêm mật. Đang lúc Phí Cư sĩ lưỡng lự chưa biết nên đi về hướng nào, thời bỗng thấy một em bé đến nói với ông rằng: Cứ đi tới đi, đằng sau có người đuổi bắt. Cư sĩ vội vàng dắt bà nhạc mẫu, phu nhân và một con tất cả bốn người sắp chạy, thời thấy hàng rào dây kẽm gai vừa mở trống chừng vừa người chui qua lọt. Cả gia đình vừa chạy qua xong là gặp liền hai người lính ngoại quốc. Đến đấy ông mới ngó lại thời chẳng thấy em khi nảy đâu cả. Mới dìu dắt nhau đến nương ở xóm Nguyên Nguyên lý một thời gian, chiến sự mới cáo chung. Bốn phía xóm nhà ông đều biến thành gạch vụn, duy có căn nhà ông ở còn nguyên vẹn mà thôi. Đấy là nhờ Phí Cư sĩ và toàn gia đình đã hàng ngày thành kính tu niệm Đức Quán Thế Âm Bồ tát mới được nhờ gia hộ bất khả tư nghì như vậy.

Chánh văn:

Diệu Âm Quán Thế Âm

Phạm âm, hải triều âm

Tiếng hơn thế gian kia

Cho nên thường phải niệm.

Giải:

Văn trước nói Chơn quán, Thanh tịnh quán, Quảng đại trí huệ quán, Bi quán và Từ quán là giải thích chữ Quán của Quán Thế Âm. Văn đây là giải thích chữ Âm. Do đấy hợp lại để giải thích lý do lập Hồng danh Quán Âm Bồ tát. Chữ Diệu là Diệu âm tức là ý nghĩa bất khả tư nghì. Tuy Bồ tát đến đâu cũng tùy duyên giáo hóa, thi thiết Pháp âm quyền mưu phương tiện, nhưng tức nơi Quyền là Thật. Nguyên lai chẳng đổi dời, chẳng lay động. Cho nên là tùy duyên mà thường bất biến. Tức nơi Dụng là Thể, nên gọi Diệu Âm. Xét soi tất cả tiếng tăm trì danh cầu cứu, tức là không cõi nào chẳng hiện thân để tìm tiếng tăm ấy đến mà cứu khổ. Trăng trời chẳng động khắp hiện nghìn sông. Chẳng khởi khỏi Bản diệu mà khắp cửa cứu nạn cứu tai. Tức nơi Thực mà thi thiết Quyền mưu; bất biến mà vẫn tùy duyên, phát khởi các Diệu Dụng, nên gọi Quán Thế Âm, Diệu Âm là Quán Thế Âm bất biến thường tùy duyên; cũng có thể, Quán Thế Âm là Diệu âm, tùy duyên tức bất biến.

Chữ Phạm, là nghĩa thanh tịnh khiết bạch. Tiếng Quán Âm chẳng rơi vào “không và hữu” không ô nhiễm hai bên. Bên trên hợp lý trung đạo thật tướng với mười phương chư Phật. Nên gọi Phạm âm. Diệu Âm Bồ tát thuyết pháp phổ biến mà lại chẳng mất thời cơ nữa. Dưới mỗi lời nói là hợp với cơ duyên chúng sanh. Chúng sanh nào được nghe trọn Pháp âm không một ai chẳng vui sướng, có như tiếng hải triều khắp cả mà lại lui ra, nhảy vào có thời khắc nhất định. Khi mà cơ duyên chúng sanh đã thuần thục và thời đến là Bồ tát tức thì hiện thân thuyết pháp hóa độ. Cơ nghi đã xong, thời ứng tích chẳng ẩn mà ẩn, nên gọi là Hải triều âm. Phạm âm, trên cầu Phật đạo. Hải triều âm, dưới hợp cơ nghi chúng sanh. Cho nên vượt khỏi tất cả các tiếng thế gian là đồng cư, phương tiện, thật báo. Bởi duyên cớ này, nên chúng sanh ta phải cần thường thường xưng niệm mới được thật ích.

Chánh văn:

Niệm niệm chớ sanh nghi

Quán Âm bậc Tịnh Thánh

Nơi khổ não nạn chết

Hay vì làm nương cậy.

Đủ tất cả công đức

Mắt lành trông chúng sanh

Biển phước lớn không lường

Cho nên phải đảnh lễ.

Giải:

Chúng ta trì niệm Thánh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ tát, tuyệt đối chẳng nên mống sanh mảy may nghi ngờ. Nghi là rất chướng ngại lớn lao cho lòng tin, khó được cảm ứng. Cho nên với trong mỗi mỗi niệm đừng nên sanh nghi ngờ, ngay thẳng mà niệm đi tự được lợi ích. Vả lại Quán Thế Âm Bồ tát đã dứt hết phiền não, chẳng đồng như những vị Bồ tát chưa dứt hết vô minh phiền nào, cũng như chẳng đồng với La Hán, vì La Hán chưa dứt hết được trần sa phiền não huống là vô minh ư? Cho nên Quyền thừa Bồ tát và La Hán tuy là Thánh nhân, nhưng là bậc hiền trong Thánh. Duy có Quán Thế Âm Bồ tát là Thánh trong bậc Thánh. Bởi vì ngũ trụ phiền não đã dứt rốt ráo, hai thứ chết đã hẳn tiêu vong, thanh tịnh rốt ráo nên gọi là Tịnh Thánh.

Phải biết chúng ta hiện đang còn ở trong sanh tử khổ não, gặp lúc ách nạn, năng nhất tâm bất loạn xưng niệm Quán Thế Âm thời Bồ tát năng làm vị Từ Phụ cho chúng ta nương dựa, làm vị Từ Mẫu chúng ta cậy nhờ. Bởi vì Quán Thế Âm Bồ tát đầy đủ tất cả các công đức nhiều vô lượng, đem con mắt Đại Từ bi bình đẳng xem tất cả đại chúng sanh không có sai khác, đồng như cha mẹ ái hộ các con gái trai với tấm lòng phi thường nồng nhiệt. Cho nên khi mà đại nạn đến đầu, khả dĩ làm chỗ nương cậy nhờ. Đức Quán Thế Âm Bồ tát đã dồn công chứa đức, phước lớn như một đống ngọc báu, rộng như bể cả không ngằn. Bởi những cớ ấy, nên chúng sanh cần phải lễ bái cúng dường.