XÂY DỰNG ĐỜI SAU

Hiển Mật Đỗ Hữu Trạch

 

Hiển Mật, viết ngày 15 tháng 11 năm 2017

Tôi có một ông bạn già. Lâu lâu gọi điện thoại thăm hỏi nhau. Nhân dịp đó, tôi thường khuyên anh nên dành chút thời gian để lo cho đời sau. Nhưng mỗi khi bàn đến chuyện ấy, anh đều trả lời: “Bây giờ tôi đã ngoài 90 tuổi rồi. Trong đời tôi, tôi không hề làm một chuyện gì trái với lương tâm.  Vì vậy, lúc nào tâm hồn tôi cũng thảnh thơi và nghĩ rằng cứ có phúc thì sẽ có phần. Bởi nghĩ có phúc sẽ có phần, nên tôi thấy không cần chuẩn bị cho đời sau!”

Thấy nói chuyện qua điện thoại không có tác dụng, nên tôi mới viết cho anh lá thư sau:

“Ăn hiền, ở lành thì được phúc. Em mừng cho anh. Cũng như khi xưa, anh em mình may mắn vượt biên được, nên không khốn khổ như những người còn bị kẹt lại ở quê nhà. Nhưng vì anh biết trước và sửa soạn sớm, nên không phải nếm mùi bo bo. Còn chúng em đợi nước đến chân mới nhẩy, nên phải sống vất vả hơn 4 năm trời.

Lại nữa, mỗi năm đi nghỉ hè, anh đều lo sửa soạn từ nhiều ngày trước, nào chọn chỗ đến, nào mua vé tầu, nào đặt hotel. Vậy sao khi đi tái sinh, anh lại phó mặc cho hên sui, may rủi?

Theo những người có thiên nhãn, nhìn rõ địa ngục, nhân gian và thiên đường thì vào lúc lâm chung, thần hồn của người có một tâm nguyện thiết tha sẽ theo nguyện lực thọ sinh vào nơi mình muốn, thần hồn của người đang nghĩ đến một việc thiện sẽ sinh vào cảnh giới tốt đẹp và sung sướng gọi là thiên đường. Thần hồn của người đang nghĩ đến một việc ác sẽ sinh vào cảnh giới xấu xa và khốn khổ gọi là địa ngục. Thần hồn của những người đang nghĩ vẩn vơ, không thiện cũng nghĩ ác sẽ lạc vào Trung giới.

Vào Trung giới giống như lên xe bus, trong một chuyến du ngoạn dài 49 ngày, băng qua rất nhìều trạm (bus-stops) và mỗi người khách trên xe đều có thể xuống bất cứ trạm nào họ muốn. Nhưng nếu vì một lý do nào đó, họ không chọn trạm để rời xe, mà cứ an nhiên ngồi trên xe rong ruổi chỗ này, chỗ nọ thì khi xe đến bến (terminus), họ sẽ bị đuổi xuống!

Xuống xe ở terminus là sinh vào cảnh giới của cô hồn, anh có biết không?

Mong anh nghĩ lại.

Em T.

TÁI BÚT: Thông thường, khi thấy một hiện tượng hợp với tâm tính của mình, chúng ta sẽ chụp bắt. Do đó, người nghiện rượu thấy quán nhậu sẽ xuống xe. Kẻ mê bạc thấy sòng bài sẽ xuống xe. Lão già dê thấy gái đẹp cũng xuống xe…. Còn anh thì khi nào mới xuống xe?

 

Hiển Mật viết ngày 1 tháng 12 năm 2017

Cũng như ông bạn già của tôi, có nhiều người nghĩ chẳng cần học Đạo, chỉ cần sống sao cho không thẹn với lương tâm của mình! Sống mà không thẹn với lương tâm của mình là việc rất tốt, rất đáng khen. Tuy nói rất tốt, rất đáng khen, nhưng vẫn chưa đủ! Ngoài việc sống sao cho không thẹn với lương tâm của mình, chúng ta nên dành chút thì giờ để lo xây dựng đời sau.

Muốn xây dựng đời sau, chúng ta phải biết mình muốn gì sau khi thân hoại mạng chung? Có người muốn sau khi thân hoại mạng chung sẽ được tái sinh làm người để hoàn tất một việc còn đang dang dở. Có người muốn sau khi thân hoại mạng chung sẽ được hóa sinh lên trời để hưởng phúc. Có người muốn sau khi thân hoại mạng chung sẽ được vãng sinh Cực Lạc để tu học.”

TÁI SINH LÀM NGƯỜI

Cõi người có nhiều giới như: giới quan lại (sát đế lỵ), giới trí thức, giới y sĩ, giới nghệ sĩ, … giới thương gia, … giới tu sĩ (bà la môn) v.v… Do đó, muốn tái sinh làm người, trước hết chúng ta phải xác định nơi mình muốn sinh vào. Sau đó, mới theo lời Phật dậy để tu tập.

Trong phẩm Hành sinh (Sankhararupa patti Sutta), tức là phẩm 120 của Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya), đức Phật giảng cho các tỳ kheo rằng: “Có vị tỳ kheo đầy đủ tín, đầy đủ giới, đầy đủ văn, đầy đủ thí, đầy đủ tuệ. Vị ấy nghĩ: “Mong rằng sau khi thân hoại, mạng chung, ta sẽ được tái sinh trong giới tu sĩ.”  Rồi, vị ấy chuyên định tâm ấy, an trú tâm ấy, tu tập tâm ấy.

Những hành ấy của vị tỳ kheo ấy được an trú, được tu tập làm cho sung mãn sẽ đưa vị ấy thọ sinh trong giới tu sĩ.”

GIẢI NGHĨA: Nói như vậy có nghĩa là, muốn chắc chắn được tái sinh làm người, chúng ta phải hội đủ 6 điều kiện sau:

a. Tín: Tin có đời sau và sau khi thân hoại, mạng chung, ta sẽ được tái sinh làm người. Tín là động lực thúc đẩy chúng ta phát tâm tu học.

b. Giới: Giữ gìn giới luật, mà đặc biệt là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu để tránh tạo nghịch duyên ngăn cản chúng ta hoàn thành tâm nguyện.

c.  Văn: Đọc kinh và nghe giảng để biết rõ điều kiện cần và đủ để sau khi thân hoại, mạng chung sẽ được tái sinh làm người.

d. Thí: Thường làm từ thiện, vận dụng tài vật, thân mạng, sức lực và kiến thức của mình để giúp đỡ chúng sinh và hộ trì Tam Bảo, hầu tạo thuận duyên hỗ trợ chúng ta hoàn thành tâm nguyện.

e. Hành: Bao gồm tất cả mọi động tác của thân, miệng và ý. Trong đó, có giới, văn, thí và định.  

f. Tuệ: Thấy rõ ràng rằng “Nỗ lực an trú, tu tập làm cho các hành: giới, văn, thí và định trở nên sung mãn sẽ đưa ta thọ sinh vào nơi mình muốn.” Tuệ là động lực thúc đẩy chúng ta quyết tâm tu học, không ngại khó khăn.

g. Định: Chuyên định, an trú, tu tập làm cho sung mãn cái tâm mong rằng: “Sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ được tái sinh trong giới tu sĩ.” Việc chuyên định tâm nguyện này rất quan trọng, đặc biệt là vào lúc lâm chung. Tại sao? Vì nếu vào lúc lâm chung, thay vì chuyên định tâm nguyện của mình, chúng ta lại nghĩ đến hoặc chồng, hoặc vợ, hoặc con, hoặc cháu, hoặc danh, hoặc lợi …v..v… thì sẽ lạc vào Trung giới!

HOÁ SINH LÊN TRỜI

Cõi người có rất nhiều nước, như: Việt Nam, Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Iran, Irak, Congo v.v… Cõi trời cũng có rất nhiều tầng, như: Tam Thập Tam Thiên (Đạo Lợi Thiên,) … Đâu Xuất Thiên, … Đại Phạm Thiên, Sơ Thiền Thiên, Nhị Thiền Thiên, Tam Thiền Thiên, Tứ Thiền Thiên v.v… Do đó, muốn hóa sinh lên trời, trước hết chúng ta phải chọn tầng trời mà mình muốn sinh về. Sau đó, mới theo lời Phật dạy để tu tập.

Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu xem phải làm gì để được sinh về Đâu Xuất Thiên?

Cũng trong phẩm Hành sinh nói trên, đức Phật giảng cho các tỳ kheo rằng:  Này các Tỳ kheo! Có tỳ kheo đầy đủ tín, đầy đủ giới, đầy đủ văn, đầy đủ thí, đầy đủ tuệ, nghe nói: “Chư thiên ở tầng trời Đâu Xuất sống lâu, xinh đẹp, yên vui. Vị ấy nghĩ: “Mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ được sinh cộng trú với chư thiên ở tầng trời Đâu Xuất!” Rồi, vị ấy chuyên định tâm ấy, an trú tâm ấy, tu tập tâm ấy.

Những hành ấy của vị tỳ kheo ấy được an trú, được tu tập làm cho sung mãn sẽ đưa vị ấy thọ sinh vào Đâu Xuất Thiên.”

GIẢI NGHĨA: Nói như vậy có nghĩa là, muốn chắc chắn được hóa sinh lên trời, chúng ta phải hội đủ 6 điều kiện sau:

a. Tín: Tin có đời sau và sau khi thân hoại, mạng chung, ta sẽ được hóa sinh lên trời. Tín là động lực thúc đẩy chúng ta phát tâm tu học.

b.  Giới: Giữ gìn giới luật, mà đặc biệt là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không ác miệng, không súi siểm, không nịnh hót, không tham lam, không sân giận và không ngu si để tránh tạo nghịch duyên, ngăn cản chúng ta hoàn thành tâm nguyện.

c. Văn: Đọc kinh và nghe giảng để biết rõ những điều kiện cần và đủ để sau khi thân hoại, mạng chung sẽ được hóa sinh lên tầng trời mà mình đã chọn, là Đâu Xuất Thiên.

d. Thí: Thường làm từ thiện, vận dụng tài vật, thân mạng, sức lực và kiến thức của mình để giúp đỡ chúng sinh và hộ trì Tam Bảo, hầu tạo thuận duyên, hỗ trợ chúng ta hoàn thành tâm nguyện.

e. Hành: Bao gồm tất cả mọi động tác của thân, miệng và ý. Trong đó, có giới, văn, thí và định.  

f.  Tuệ: Thấy rõ ràng rằng “Nỗ lực an trú, tu tập làm cho các hành: giới, văn, thí và định trở nên sung mãn sẽ đưa ta thọ sinh vào nơi mình muốn.” Tuệ là động lực thúc đẩy chúng ta quyết tâm tu học, không ngại khó khăn.

g. Định: Chuyên định, an trú, tu tập làm cho sung mãn cái tâm mong rằng: “Sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ được sinh cộng trú với chư thiên ở tầng trời Đâu Xuất!” Việc chuyên định tâm nguyện này rất quan trọng, đặc biệt là vào lúc lâm chung. Tại sao? Vì nếu vào lúc lâm chung, thay vì chuyên định tâm nguyện của mình, chúng ta lại nghĩ đến hoặc chồng, hoặc vợ, hoặc con, hoặc cháu, hoặc danh, hoặc lợi …v..v… thì sẽ lạc vào Trung giới!

VÃNG SINH CỰC LẠC

Cực Lạc là một thế giới ở phương Tây, do Phật A Di Đà sáng lập ra, nhằm đón nhận hàng trời và người muốn sinh về đó để tịnh hóa tam nghiệp, viên thành Phật đạo, phổ độ chúng sinh.  Muốn được sinh về Cực Lạc, chúng ta phải hội đủ 3 điều kiện là: Tín, Nguyện và Hạnh.

a. Tín là tin tưởng mãnh liệt rằng có Phật A Di Đà, có thế giới Cực Lạc ở phương Tây, có 48 đại nguyện độ sinh của Phật (Xem kinh VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT) và tất cả chúng ta, dầu có tội hay không tội, cũng đều có thể được sinh về đó!

b. Nguyện là tha thiết mong rằng: “Sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ được vãng sinh Cực Lạc, tịnh hóa tam nghiệp, viên thành Phật đạo, phổ độ chúng sinh.”

c. Hạnh là vun trồng công đức, mà đặc biệt là chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Nếu có thể niệm Phật đến độ nhất tâm bất loạn thì chắc chắn sẽ được sinh về thượng phẩm. Còn nếu chỉ niệm được từ 1 cho đến 10 câu Phật hiệu vào lúc lâm chung thì cũng được sinh về hạ phẩm.

Tóm lại, ngoài việc phải củng cố niềm tin, chúng ta còn phải tu cả hạnh và nguyện. Để kết hợp hạnh và nguyện với nhau, chúng ta nên chuyên tâm niệm: “Nam mô A Di Đà Phật! A Di Đà Phật nhớ đón chúng con vào lúc lâm chung.”