Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Giảng Lục
X/ Vô Tận Ý Bồ tát Cúng Dường Quán Thế Âm Bồ tát
Chánh văn:
Vô Tận Ý Bồ tát bạch Phật: “Thế Tôn! Con nay phải cúng dường Quán Thế Âm Bồ tát”, liền mở chuỗi ngọc bằng các châu báu nơi cổ giá trị trăm nghìn lượng vàng, đem trao Ngài Quán Thế Âm mà nói rằng: “Xin Ngài nhận chuỗi trân bảo pháp thí này”.
Khi ấy Quán Thế Âm Bồ tát chẳng chịu nhận chuỗi.
Giải:
Đoạn văn này là Vô Tận Ý Bồ tát phát tâm cúng dường Quán Thế Âm Bồ tát. Đức Phật giảng thị hiện 32 ứng hóa thân của Quán Thế Âm Bồ tát, không một thân nào mà chẳng vì độ chúng sanh: Cứu bảy nạn, giải ba độc và làm thỏa mãn hai nguyện cầu v.v… là cứu khổ cứu nạn. Đều dùng bản thể trung đạo phát khởi Diệu dụng trung đạo mà làm con thuyền Đại từ để qua lại trong bể khổ mênh mông, và trong khi gặp gấp nạn hay ban cho sức Vô úy. Cho nên cần nên nhất tâm cúng dường. Vô Tận Ý Bồ tát liền thưa Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Tôi xin tuân Tôn Mệnh, nhất tâm cúng dường. Rồi tức thì tháo gỡ một tràng chuỗi ngọc Anh lạc báu quý mà mình đang đeo nơi cổ xuống mới dâng cúng qua Đức Quán Thế Âm Bồ tát”.
Tràng chuỗi Anh lạc này dùng nhiều các viên bảo châu xỏ xâu lại nhau mà thành, thật là báu quý trang nghiêm dị thường; giá trị nó đáng mười vạn lạng vàng, tức là nhiều đến một trăm cái một ngàn lượng vàng ròng vậy. La Hán chỉ biết tự lợi, chẳng chịu đi làm việc cầu phước, cho nên thân thể ốm o tiều tụy, không có oai đức. Không có chuỗi Anh lạc trang nghiêm tức là không thị hiện oai đức. Bồ tát tích cực cứu thế, nơi nào cũng làm lợi cho mọi người, cho nên có phước bảo lớn, đầy đủ công đức pháp tài và có Đại trang nghiêm. Vô Tận Ý là một vị Bồ tát, phước báo cũng rất lớn lao, cho nên có chuỗi bảo châu Anh lạc. Độc một tràng chuỗi bảo châu Anh lạc có giá đến trăm ngàn lượng vàng, huống là còn bao nhiêu vật kiện khác nữa biết bao mà kể. Cúng dường bảo châu Anh lạc là sự. Nhưng, trong ấy có hàm ẩn một ý nghĩa thật rất sâu xa.
Nơi trước sau cổ Vô Tận Ý là tiêu biểu Diệu thể trung đạo thật tướng, tức là trung đạo chân không Diệu hữu. Bảo châu Anh lạc dụ cho Giới – Định – Huệ, Đà la ni và các pháp môn khác nữa, để trang nghiêm cho trung đạo thật tướng ấy. Chúng ta vẫn có thể có thật tướng ấy, nhưng chưa có Giới – Định – Huệ, các Đà la ni để trang nghiêm. Cho nên chúng ta cần phải Trì giới, tập Định, học Huệ và tu các pháp môn Đà la ni để tự trang nghiêm lấy Pháp thân của mình, kẻo uổng! Cởi tràng chuỗi Anh lạc bảo châu nơi cổ, là tiêu biểu đã chứng được trung đạo pháp môn, mà chẳng an trụ tất cả pháp môn để tỏ ra tu hạnh thường xả vậy, đấy là tiêu biểu cho pháp.
Vô Tận Ý cởi Anh lạc hạ xuống, đem cúng dường qua Quán Thế Âm Bồ tát, nơi miệng xưng rằng: “Nhân giả! Mời Ngài nhận lãnh chuỗi Anh lạc pháp thí của tôi đây!”. Hai chữ Nhân giả là Bồ tát với Bồ tát bình đẳng xưng hô với nhau. Quán Thế Âm Bồ tát đủ đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, cho nên xưng là Nhân giả. Cúng dường bảo châu Anh lạc, nguyên thuộc về tài Bố thí, mà sao gọi là pháp Bố thí? Phải biết tràng chuỗi ấy là tràng chuỗi bảo châu Anh lạc ở trong tự tâm. Vì ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp cũng không tâm. Bảo châu Anh lạc tức tâm, tâm tức bảo châu Anh lạc. Tâm tức pháp, pháp tức tâm. Mắt thấy tai nghe, tất cả muôn vật, không một sự vật nào chẳng thuộc về nơi tự tâm. Toàn vật tức tâm, toàn sự tức lý. Cho nên tức tài Bố thí mà chuyển làm pháp Bố thí vậy. Nhưng với bọn ta là chúng sanh chưa có thể như thế được: Lấy pháp ở ngoài tâm, chấp đắm sự vật là thật có. Cho nên tâm với pháp cách ngại nhau, Tài với Pháp đều khác hẳn.
Có những người đem của cứu nạn, tận lực thi hành. Rồi nhân đấy mà tự cho công đức mà mình đã làm được là to lớn lắm. Thế là gặp một vụ bị hủy báng, liền sanh lòng buồn rầu, tức khắc hiện sắc mặt chẳng vui. Đấy gọi là chấp tướng Bố thí. Và đấy cũng là nhân hữu lậu của người và trời. Nhân vì chẳng thấu rõ Phật pháp, chẳng biết chúng sanh là ở trong tự tâm của ta; cứu người tức cứu ta, cho nên không công đức khả cư, thời đâu còn có những lời phỉ báng nữa. Được như thế thì trọn ngày làm công đức mà chẳng cư nơi công đức. Vả lại làm việc ta và người là bổn phận vậy, thời tuy là tài Bố thí cũng tức là pháp Bố thí. Nếu thí mà chẳng vong, ba luân chẳng không, tức là có ý thức tác dụng, thời đối với Phật pháp chẳng thích hợp một chút nào cả.
Ngày xưa, khi Đức Lạt Ma Tổ Sư mới đến Trung Quốc. Lương Võ Đế hỏi Tổ: Trẫm ưa làm công đức, đi đến đâu tạo lập chùa chiền nơi đó, đắp Tượng, xây Tháp, in Kinh ấn tống và độ vô số tăng chúng. Những công đức ấy sẽ như thế nào? Đạt Ma trả lời: Không có công đức gì hết! Bởi vì ngươi chấp tướng Bố thí, bất quá hưởng được phước báo người trời mà thôi. Một khi phước báo ấy hết, cũng y nhiên phải đọa lạc. Vì hữu lậu Bố thí là hữu lậu công đức vậy. Võ Đế hỏi: Chân công đức là thế nào? Tổ đáp: Tịnh trí diệu viên, thể tự trống lặng, phải nương theo thể ấy mà Bố thí, và tất cả các hạnh nghiệp khác nữa, cũng đều nương nơi đó, mới gọi là vô lậu công đức. Tức pháp Bố thí, tức gọi chân công đức vậy.
Tịnh trí diệu viên thể tự trống lặng là nghĩa thế nào? Có thể khẳng khái Bố thí, tức là đem tiền của là cái mà mọi người đều nặng lòng yêu tiếc đi cứu tai cứu nạn. Pháp Bố thí này mới là có đủ trí huệ. Nếu chẳng trí huệ là đâu chịu Bố thí như thế ấy? Tuy nhiên có trí huệ Bố thí, nếu một phen chấp tướng, bèn sa vào nhiễm hữu vi hữu lậu, thời trí huệ ấy tức là bất tịnh vậy. Nếu được ba luân thể chống không, chẳng chấp đắm có tướng người Bố thí, chỗ sở an của hành tâm không công đức khả cư, nếu trí huệ Bố thí như thế là thanh tịnh thời không ô nhiễm, mới được gọi là tịnh trí vậy. Được như thế chẳng có tâm phân biệt năng thi và sở thi và chẳng có tâm tư lường, trọn đầy nhẩy khắp thanh tịnh bản nhiên châu biến cả pháp giới. Do đó nên mới gọi là Diệu viên.
Vô sở trụ mà sanh tâm Bố thí, chẳng rơi vào tâm – ý – thức mà tu Bố thí; năng thi sở thí đều tiêu vong, trọn chẳng khá được, vì là Thể nó không tịch tức trống lặng vậy. Vô trụ mà sanh tâm, gọi là Tịnh trí Diệu viên, sanh tâm mà vô trụ, tức gọi Thể tự trống lặng. Được như thế đấy mới gọi là pháp cúng dường và pháp bố thí. Tóm lại mà nói: Chẳng chấp tướng Bố thí phước bằng hư không, lượng khắp pháp giới. Trái lại chấp tướng phân biệt thời có hạn lượng tức thành hữu lậu công đức vậy.
Vô Tận Ý là bực đại Bồ tát, tức tài thí mà làm Pháp thí. Tài thí Pháp thí ngang bằng không sai khác. Nhưng Vô Tận Ý đem Anh lạc cúng dường Quán Thế Âm Bồ tát. Quán Âm chẳng chịu nhận là vì Vô Tận Ý tuân lời Phật dạy mà phát tâm cúng dường, chưa thấy Đức Phật dạy nhận, cho nên chẳng dám thọ lãnh.
Chánh văn:
Ngài Vô Tận Ý lại thưa cùng Quán Thế Âm Bồ tát rằng: “Xin Ngài vì thương chúng tôi mà nhận chuỗi ngọc này”.
Bấy giờ Phật bảo Quan Thế Âm Bồ tát: “Ông nên thương Vô Tận Ý Bồ tát này và hàng tứ chúng cùng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lầu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, nhơn va phi nhơn v.v… mà nhận chuỗi ngọc đó”.
Giải:
Ngài Vô Tận Ý thấy Quán Thế Âm Bồ tát chẳng chịu nhận chuỗi cúng dường nên lại mời thêm một lần nữa rằng: “Thưa Nhân giả! Tôi phát tâm cúng dường Anh lạc là vì chúng sanh vậy. Nhân thấy chúng sanh chịu bao khổ nạn, thật chẳng nỡ nói ra cho hết trạng thái ấy được. Xin Ngài đem lòng đại từ đại bi thương xót bọn chúng sanh này mà nhận phần chuỗi Anh lạc cúng dường này cho”. Vô Tận Ý Bồ tát vì một hạng chúng sanh mà phát tâm cúng dường là vì quần chúng mưu cầu phước lợi. Đấy mới thật là chân tâm cúng dường. Chính lúc ấy Đức Phật bảo Thế Âm Bồ tát rằng: “Ngươi nên sẵn lòng đại từ đại bi mà nghĩ đến sự hảo tâm của Vô Tận Ý và bốn chúng cùng tám bộ Thiên, Long, Nhân, phi nhân thảy đang trên hội Pháp Hoa này mà nhận phần chuỗi Anh lạc này đi!”.
Chánh văn:
Tức thời Quán Thế Âm Bồ tát thương hàng tứ chúng và Trời, Rồng, nhơn, phi nhơn v.v… mà nhận chuỗi ngọc đó chia làm hai phần: Một phần dâng Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, một phần dâng tháp của Phật Đa Bảo.
Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ tát có sức thần tự tại như thế, dạo nơi cõi Ta bà.
Giải:
Tức thời, là chính lúc Vô Tận Ý khẩn thỉnh Quán Âm nên đem lòng từ mẫn mà nạp nhận mà Đức Phật cũng dạy Quán Âm phải nhận chuỗi ngọc cúng dường đi. Đức Quán Thế Âm Bồ tát vì lòng thương xót bốn chúng và tám bộ, cho nên chẳng nhận mà phải nhận. Nhận xong, đem phân chuỗi ấy ra làm hai phần: một phần cúng Phật Thích Ca, một phần cúng Phật tháp Ba Đảo. Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Giáo chủ Ta bà thế giới.
Thích Ca là họ, dịch là Năng Nhân, Mâu Ni là tên dịch là Tịch Mặc. Năng nhân tiêu biểu lòng Từ bị lợi tha. Năng, là tài năng lực lượng tức là tài năng tích cực lợi nhân. Nhân, tức là nhân từ cứu khổ cho vui. Tịch Mặc, tiêu biểu trí huệ tư lợi: Yên vắng, lặng soi, tức đem huệ soi phá vô minh nơi mình là tự lợi. Đời cũng có những người vì chúng sanh làm sự nghiệp từ thiện. Cái dụng tâm ấy cố nhiên là chẳng phải dễ, nhưng đáng tiếc thay là họ chỉ biết tích cực cho công việc mà chẳng đem lý trí để quan sát để làm trống không những gì đã có, cho nên khó được kết quả tốt đẹp mỹ mãn. Nay, quyết phải dùng công phu Tịch Mặc làm cho chết cái tâm sanh manh, rồi một lòng dạ nhớ Phật, nhớ đến khi nào mà thân và tâm đều tiêu vong, mới đánh đổ cái chấp nhân ngã, bứt dứt cho hết các thứ dây phiền não. Thản nhiên: Nghịch cảnh đến chẳng giận, thuận cảnh về cũng chẳng mừng. Thế, tức là đã làm chết hết cái trộm cắp.
Nhiên hậu mới phát tâm ra làm những việc thay thế dân chúng mà mưu đồ hạnh phúc cho nhau, vì nhân quần làm lợi ích cho đa số! Được như thế là ta và người đều đạt được đến kết quả mỹ mãn vậy. Đã chẳng có lo nghĩ thành bại hay đắc thất, lại cũng không một vật gì dung tình. Đến đấy tức xả kỷ tùng nhân, tổn mình lợi người, gọi là do tiêu cực mà tích cực, tức xuất thế mà nhập thế. Thích Ca tức Diệu hữu nhập thế, Mâu Ni tức chân không xuất thế. Chỗ gọi là Thế, xuất thế gian, nhất dĩ quán chi. Cố nghĩ danh nghĩa thời có thể biết Đức Phật chẳng phải là một mùi tiêu cực vậy. Thấu rõ được những lẽ trên mới ra làm sự nghiệp lợi sanh dân chúng, tức là cùng với những người làm thông thường cùng nhau làm những việc lành, chắc chắn thu được hiệu quả vĩ đại vô cùng vậy. Cho nên chúng ta là những người học Phật nên lấy bốn chữ Thích Ca Mâu Ni để làm khuôn thước.
Đương khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng Kinh Pháp Hoa, ở ngay trước giảng đường, bỗng nhiên từ dưới đất vọt lên một ngôi Tháp báu, trong đó Đức Phật Đa Bảo. Đức Đa Bảo Phật, là vị Cổ Phật đã thành Phật đạo từ vô lượng kiếp về trước và đã nhập diệt lâu rồi, nhân nay Phật Thích Ca thuyết Kinh Pháp Hoa là việc nan đắc hy hữu, cho nên từ trong lòng đất vọt lên ngôi Tháp báu để làm chứng minh công đức.
Quán Thế Âm Bồ tát, ban đầu chẳng nhận chuỗi Anh lạc, sau mới chịu nhận. Nhận xong chia làm hai phần, rồi dâng lên hai vị Phật Thích Ca và Đa Bảo Tháp, là thọ nhận mà chẳng thọ nhận. Chẳng thọ mà thọ gọi là Diệu hữu, tức Thích Ca. Thọ mà chẳng thọ gọi là Chân không, tức Mâu Ni. Họp lại mà nói: Đạo ở trong ấy đủ rồi vậy.
Đức Phật bảo Vô Tận Ý rằng: “Quán Thế Âm Bồ tát này có oai đức Thần thông như thế ấy, mới đến Ta bà thế giới này có công đức cao độ thật là bất khả tư nghì”.
Giảng Phẩm Phổ môn Quán Thế Âm Bồ tát, do bổn môn và tích môn thị hiện 32 ứng thân dạo khắp cõi Ta bà, đến đây là xong.