Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá
Nguyện Sanh Kệ Giảng Ký
無量壽經優婆提舍願生偈講記
Giảng thuật: Trưởng lão Đạo Nguyên
道源長老 講述
Bút ký: Cư sĩ Thí Vượng Khôn
施旺坤敬記
Thời gian: Tháng Tư năm Dân Quốc 61 (1972)
Địa điểm: Chí Liên Tinh Xá tại Đài Bắc
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang
(dịch theo bản in của Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội)

Hết thảy kinh Phật và các sách xiển dương Phật pháp không gì chẳng nhằm khiến cho kẻ khác hướng lành, tránh dữ, sửa lỗi, chuyển lành, hiểu rõ nhân quả ba đời, nhận biết Phật Tánh vốn sẵn có, vượt khỏi biển khổ sanh tử, sanh về Cực Lạc liên bang. Người đọc ắt phải sanh tâm cảm ơn, tưởng là khó gặp gỡ. Tay sạch, bàn sạch, chú trọng lòng kính, giữ lòng thành, như đối trước Phật, trời, như gặp thầy dạy, ắt sẽ lợi ích vô biên. Nếu buông lung, chẳng kiêng dè, mặc tình khinh nhờn, và cố chấp kiến giải hẹp hòi, sanh lòng hủy báng xằng bậy thì tội lỗi ngập trời, khổ báo vô tận. Kính khuyên người đời hãy nên xa lánh tội, cầu lợi ích, lìa khổ, được vui!

          (Trích từ quyển bốn của bộ Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tam Biên – Đề từ cho Linh Nham Tự Niệm Tụng Nghi Quy)

Dẫn nhập

          Hôm nay, tôi sẽ giảng cho quý vị bộ Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá Nguyện Sanh Kệ, còn gọi là Vãng Sanh Luận. Trước khi khai giảng, trước hết hãy nói rõ nhân duyên giảng bộ luận này. Năm ngoái, Chí Liên tinh xá xây dựng xong, đã thỉnh một bức tượng A Di Đà Phật từ Hương Cảng về; [giảng kinh trong dịp ấy] là do Đạo Nguyên giảng kinh Kim Cang. Vì Tịnh Độ Tông chúng ta thì phải thờ phụng Tây Phương Tam Thánh, năm nay, lại thỉnh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và tượng Đại Thế Chí Bồ Tát từ Hương Cảng. Thỉnh tượng Tây Phương Tam Thánh viên mãn, đều rất trang nghiêm, họ lại muốn Đạo Nguyên giảng một bộ kinh để kết duyên với mọi người. Tôi cảm thấy mọi người đều rất bận rộn, chẳng dám phát tâm giảng kinh dài, suy nghĩ mấy lượt, năm nay tôi chọn giảng Vãng Sanh Luận. Bộ luận này rất ngắn, có thể giảng xong trong khoảng mười ngày, hy vọng mọi người đều có thể phát tâm nghe giảng đến khi viên mãn.

          Năm ngoái, tôi giảng kinh Kim Cang thuộc về Bát Nhã Bộ, giảng lý Không của Bát Nhã; năm nay, giảng Vãng Sanh Luận thuộc về Hữu Bộ, là kinh điển của Tịnh Độ Tông. Một bộ giảng về Không, một bộ giảng về Hữu, có mâu thuẫn hay chăng? Hoàn toàn chẳng mâu thuẫn! Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp, thường nói là “tám vạn bốn ngàn pháp môn”, đại thể chia thành hai môn: Một là Không Môn, hai là Hữu Môn. Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh thuộc về Không Tông thì Không là Chân Không. Chân Không chẳng không, tức là Diệu Hữu. Ngài giảng kinh thuộc về Hữu Môn, thì Hữu là Diệu Hữu. Diệu Hữu chẳng hữu, tức là Chân Không. Do đó, nếu quý vị nghĩ kinh luận Tịnh Độ Tông và kinh Kim Cang của Bát Nhã Tông có mâu thuẫn, đó là vì nghe Phật pháp quá ít. Quý vị phải hiểu: Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp, pháp nào cũng đều viên dung vô ngại. Chân Không và Diệu Hữu vốn bất nhị! Đức Phật nói kinh điển Không Tông chính là “Chân Không bất không”, “không” có nghĩa là “rỗng rang, chẳng có vọng nhiễm”, mong sao sau khi đã trừ sạch pháp ô nhiễm, cái Thể của Chân Không sẽ hiện ra. “Chân Không bất không” tức là Diệu Hữu, chính là Hữu Môn niệm A Di Đà Phật của chúng ta. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, [sẽ thấy] kinh Kim Cang không chỉ chẳng mâu thuẫn Vãng Sanh Luận mà còn giúp chúng ta thấu hiểu Vãng Sanh Luận.

          Ai nấy đều biết pháp môn Niệm Phật là “vạn người tu, vạn người đến”. Một vạn người niệm Phật thì một vạn người có thể sanh về Tây Phương, nhưng vì sao có rất nhiều người niệm Phật khi lâm chung chẳng thấy thụy tướng, dường như chẳng sanh về Tây Phương? Đấy là vì chẳng trải qua công phu “rỗng rang, chẳng có vọng nhiễm”. Nếu quý vị nghe kinh Không Môn trước, các pháp hư vọng ô nhiễm phiền não đều trừ sạch; sau đấy, niệm A Di Đà Phật, chỉ cần niệm một câu bèn niệm đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do đó, kinh điển Không Tông không chỉ chẳng trở ngại niệm Phật, mà còn giúp ích cho niệm Phật. Đấy là nói theo Lý. Tu hành dụng công, ngay lập tức sẽ vận dụng đạo lý này. Chúng ta niệm Phật chẳng đạt đến nhất tâm bất loạn, chẳng đạt được công phu niệm Phật, chính là do vừa niệm Phật, vừa dấy vọng tưởng. Dấy vọng tưởng thì chẳng phải là chúng ta muốn dấy vọng tưởng, mà là vọng tưởng tùy ý dấy lên. Chúng ta chẳng phải là phàm phu trong hiện thời, mà từ vô thỉ kiếp đến nay, đã là phàm phu. Tâm của phàm phu chính là cái tâm vọng tưởng; từ vô thỉ kiếp đến nay, dấy vọng tưởng đã thành thói quen. Quý vị chẳng muốn dấy vọng tưởng, càng khiến cho vọng tưởng dấy lên. Sức mạnh của vọng tưởng rất lớn, chúng ta chẳng thể làm chủ được! Nay nghe Phật pháp, muốn niệm A Di Đà Phật, công phu niệm Phật ngắn ngủi, công phu vọng tưởng sâu đậm. Do vậy, công phu niệm Phật chẳng thể đối phó vọng tưởng. Vừa niệm Phật, vừa dấy vọng tưởng, niệm Phật chẳng đắc lực!

          Làm thế nào để công phu niệm Phật đắc lực? Tĩnh tọa thì cứ tĩnh tọa, chẳng dừng vọng tưởng được. Trước hết, hãy lắng cái tâm, đừng suy tưởng nữa, đợi cho đến khi cái tâm đã tĩnh lặng rồi mới niệm A Di Đà Phật. Tâm tĩnh lặng chính là đã vận dụng đạo lý của Không Tông. Rỗng không các pháp vọng tưởng ô nhiễm rồi mới niệm Phật tức là vận dụng đạo lý của Hữu Môn. Vì chẳng có vọng tưởng xen tạp vào đó, niệm một câu bèn niệm đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Niệm hai câu, bèn niệm đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì thế, kinh điển của Không Tông không chỉ chẳng trở ngại, mà còn bổ trợ kinh điển của Hữu Môn. Hôm nay quý vị nghe tôi nói, trở về niệm Phật thử xem, sẽ lập tức có thể đạt được công phu. Do vậy, giảng Vãng Sanh Luận lần này chẳng trở ngại kinh Kim Cang đã giảng trong năm ngoái. Nay tôi bắt đầu giải thích đề mục:

  1. Thích luận đề(giải thích tựa đề của bộ luận này)

          Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá Nguyện Sanh Kệ (thử quyển y Đông Doanh bổn, dữ Tạng nội sảo biệt)

          無量壽經優婆提舍願生偈 (此卷依東瀛本,與藏內稍別)

          (Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá Nguyện Sanh Kệ – bản này dựa theo bản của Nhật Bản, hơi khác với bản chép trong Đại Tạng Kinh)

          Đại Thừa Phật giáo Trung Hoa có tám tông phái, tám tông phái ấy đều chiếu theo kinh điển do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói thì mới có thể thành lập. Tịnh Độ Tông là một tông phái trong đó, kinh điển để căn cứ chính là ba kinh một luận, tức Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Kinh, Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, Phật Thuyết A Di Đà Kinh, và Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá Nguyện Sanh Kệ.

          Bộ luận này có đề mục (tựa đề) là Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá Nguyện Sanh Kệ. Kinh Vô Lượng Thọ là một trong ba kinh. Vô Lượng Thọ (Amitāyus) là đức hiệu của A Di Đà Phật, tiếng Phạn là A Di Đà Phật, dịch sang tiếng Hán là Vô Lượng Quang (Amitābha), hoặc Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ tức là dịch theo ý nghĩa Vô Lượng Thọ [trong danh hiệu A Di Đà Phật]. Trong kinh A Di Đà, tức một kinh trong ba kinh Tịnh Độ, Phật Thích Ca đã giải thích A Di Đà Phật có ý nghĩa là vô lượng quang và vô lượng thọ. Kinh văn của kinh Vô Lượng Thọ khá dài, thường được gọi là Đại Bổn A Di Đà Kinh. Kinh văn của kinh A Di Đà khá ngắn, thường gọi là Tiểu Bổn A Di Đà Kinh.

          Ưu Ba Đề Xá (Upadeśa)1 dịch sang tiếng Hán là Luận. Phật giáo nói đến Tam Tạng, tức Kinh, Luật, Luận, ở đây là Luận. “Nguyện Sanh Kệ”: “Nguyện sanh” là nguyện sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, Kệ là Kệ Tụng (Gāthā). Kệ Tụng chẳng khác thơ của Trung Hoa cho lắm, nhưng không gieo vần. Thơ của Trung Hoa chú trọng gieo vần, lại còn có số chữ nhất định trong mỗi câu, hoặc là mỗi câu năm chữ, hoặc mỗi câu bảy chữ. Kệ Tụng nhằm tán tụng công đức của kinh Vô Lượng Thọ. [Thiên Thân Bồ Tát] sợ chúng ta chẳng thấu hiểu, lại soạn một bài luận để giải thích Kệ Tụng.

          Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá Nguyện Sanh Kệ là đề mục được dịch dựa theo tiếng Phạn, đem chữ Ưu Ba Đề Xá trong tiếng Phạn đặt ra trước, đem từ ngữ đã dịch sang tiếng Hán là Nguyện Sanh Kệ đặt ở đằng sau. Trên thực tế, Vãng Sanh Luận thì trước là Kệ Tụng, phần sau là phần luận. Nếu dựa theo văn tự Trung Hoa thì Nguyện Sanh Kệ phải đặt trước, đặt Ưu Ba Đề Xá ra đằng sau vì ngữ pháp của Ấn Độ trái ngược ngữ pháp tiếng Hán.

          Người Hoa chuộng đơn giản, đề mục của bộ luận này quá dài, đọc lên sẽ chẳng thuận miệng. Do vậy, cổ nhân đã dựa theo thói quen của người Hoa, gọi bằng một danh xưng khác là Vãng Sanh Luận, lại còn gọi là Tịnh Độ Luận. Vãng Sanh là vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tịnh Độ là quốc độ thanh tịnh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Cũng có thể gộp chung hai tên ấy để gọi, tức là Vãng Sanh Tịnh Độ Luận.

          Bên cạnh tựa đề của bộ luận hiện thời, có một hàng chữ nhỏ: “Thử quyển y Đông Doanh2 bổn, dữ Tạng nội sảo biệt”. Đấy là biện định đôi chút về văn bản. Bản chúng ta dùng trong hiện thời là phiên bản do Kim Lăng Khắc Kinh Xứ3 ấn hành. Cư sĩ Dương Nhân Sơn sang Nhật Bản, đã phục chế rất nhiều bản kinh điển thất truyền [tại Trung Hoa]. Ông ta đối chiếu, nghiên cứu, cho là văn tự trong kinh bổn của Nhật Bản khá hay, bèn chiếu theo bản [do chính mình] đã thỉnh về để khắc ván lưu thông. Do đó, văn tự trong bộ Vãng Sanh Luận này hơi khác với phiên bản trong Trung Hoa Đại Tạng Kinh. Tiếp đó là nói đến người tạo luận.

  1. Thích luận chủ(giải thích về người soạn luận)

          Bà Tẩu Bàn Đầu Bồ Tát tạo.

          婆藪槃頭菩薩造。

          Bà Tẩu Bàn Đầu (Vasubandhu)4 dịch sang tiếng Hán là Thiên Thân (天親). Ba anh em của Ngài đều xuất gia, anh cả là Vô Trước Bồ Tát (無著, Asaṅga), vừa bắt đầu [học Phật, ngài Vô Trước] bèn học Đại Thừa. Thiên Thân Bồ Tát có trí huệ rất cao. Sau khi Ngài xuất gia bèn học pháp Tiểu Thừa rất thông thạo, liền tạo luận hoằng dương Tiểu Thừa Tông, hủy báng Đại Thừa Tông. Ngài đã soạn hơn năm trăm bộ luận Tiểu Thừa.

          Vô Trước Bồ Tát thấy Thiên Thân Bồ Tát tạo tội hủy báng Đại Thừa, trong tương lai nhất định phải đọa địa ngục, xót tình ruột thịt, chẳng nỡ nhìn em trai đọa địa ngục. Ngài lại biết Thiên Thân có đại trí huệ, chẳng hoằng dương Đại Thừa thì quá đáng tiếc! Do vậy, Ngài giả vờ mượn cớ ngã bệnh, sai người đến báo với Thiên Thân: “Anh cả bị bệnh nặng, sắp mất, mong gặp mặt ông lần cuối”. Thiên Thân vội vàng quay về, thấy Vô Trước Bồ Tát rất tươi tỉnh, bèn hỏi: “Anh cả chẳng ngã bệnh, sao lại muốn em trở về?” “Thân thể ta chẳng có bệnh, thật ra, trong tâm bệnh rất nặng”. “Tâm anh mắc bệnh gì thế?” “Anh lo sầu trong tương lai em sẽ đọa địa ngục!” “Em đang hoằng dương Phật pháp, lẽ nào sẽ đọa địa ngục cho được?” “Em hoằng dương Tiểu Thừa Phật pháp, soạn năm trăm bộ luận đều nhằm hủy báng Đại Thừa Phật pháp, sao chẳng đọa địa ngục cho được?” Ngài Thiên Thân nghe nói, chẳng phục: “Phật pháp đều do đức Phật nói, hoằng dương pháp Tiểu Thừa làm sao có thể nói là hủy báng cho được?” Do vậy, hai anh em bắt đầu biện luận. Ngài Vô Trước giảng giải đạo lý Đại Thừa, kết quả là hàng phục ngài Thiên Thân. Trước kia, ngài Thiên Thân chẳng hiểu giáo lý Đại Thừa, nay giác ngộ chính mình đã hủy báng pháp Đại Thừa, tạo tội đọa địa ngục, liền hướng về Vô Trước Bồ Tát thưa: “Em dùng cái lưỡi hủy báng Đại Thừa, nay muốn cắt cụt lưỡi để tỏ lòng sám hối”. Vô Trước Bồ Tát ngay lập tức ngăn cản: “Em cắt cả ngàn cái lưỡi cũng chẳng sám hối nổi nghiệp do chính mình đã tạo. Vì em đã soạn năm trăm bộ luận Tiểu Thừa, rất nhiều người chịu ảnh hưởng không tốt. Người xem luận Tiểu Thừa, sẽ bắt chước em hủy báng Đại Thừa. Do vậy, em có cắt lưỡi cũng chẳng thể sám hối tội lỗi!” “Vậy thì em có cách nào sám hối hay không?” Vô Trước Bồ Tát bảo: “Trong quá khứ, em đã dựa vào cái lưỡi tạo tội hủy báng Đại Thừa, nay em đã hiểu rõ đạo lý Đại Thừa, lại soạn luận hoằng dương Đại Thừa. Mọi người xem luận Đại Thừa do em soạn, sẽ sanh khởi thiện căn Đại Thừa, chẳng phải là sẽ tiêu tội ư?” Từ đấy trở đi, Thiên Thân Bồ Tát lại tạo năm trăm bộ luận Đại Thừa, tính gộp chung là đã tạo một ngàn bộ luận. Ở Ấn Độ, Ngài được tôn xưng là Thiên Bộ Luận Sư (vị luận sư đã tạo một ngàn bộ luận).

          Vãng Sanh Luận đang được giảng hiện thời chính là một trong số năm trăm bộ luận Đại Thừa. Thiên Thân Bồ Tát xem kinh Vô Lượng Thọ liền phát nguyện, nguyện sanh Tây Phương. Do vậy, Ngài soạn Kệ Tụng tán thán kinh Vô Lượng Thọ. Đại Thừa Phật pháp thì phải tự lợi, lợi lạc người khác, nguyện cho hết thảy chúng sanh đều sanh về Tây Phương. Do vậy. Ngài làm Kệ Tụng, lại còn soạn một bài luận để giải thích thêm, khiến cho mọi người hiểu rõ công đức của kinh Vô Lượng Thọ, ai nấy đều phát nguyện sanh về Tây Phương.

          Nói đến đây, chúng ta hãy nghiên cứu: Vì sao Thiên Thân Bồ Tát phải phát nguyện sanh về Tây Phương? Đấy chính là vấn đề căn bản trong việc học Phật pháp. Tôi vừa mới nói Phật pháp có Tiểu Thừa và Đại Thừa. Tiểu Thừa ví như một cỗ xe nhỏ, nó có thể đoạn phiền não của chính mình, thoát khỏi tam giới, liễu sanh tử, chỉ có thể chuyên chở chính mình, chẳng thể chuyên chở người khác. Đại Thừa là một cỗ xe lớn, không chỉ chuyên chở chính mình, mà còn có thể chuyên chở hết thảy chúng sanh liễu sanh tử. Vì thế, bất luận Đại Thừa Phật pháp hay Tiểu Thừa Phật pháp, đều lấy liễu sanh tử làm mục đích. Nếu như quý vị hằng ngày giảng kinh, thuyết pháp, hằng ngày viết văn chương hoằng dương Phật pháp, nhưng quý vị chẳng biết nỗi khổ sanh tử, chẳng phát nguyện liễu sanh tử, [vậy là] quý vị chẳng học Phật pháp!

          Các triết gia trong thế gian có thể trở thành đại triết gia, đều có thể nói ra những lý luận được công nhận, khoa học gia thuộc bất cứ môn khoa học nào đều có thể nổi danh, đều có thể nghiên cứu tìm được một loại đạo lý nào đó, nhưng chỗ khác biệt giữa học vấn cao sâu trong thế gian và Phật pháp là họ (các vị triết gia, khoa học gia) chẳng hiểu rõ đạo lý của nỗi khổ sanh tử. Những vị [nghiên cứu, giảng dạy, hoặc giáo sĩ thuộc] các tôn giáo khác biết sanh tử là khổ, nhưng chẳng biết phạm vi của nỗi khổ sanh tử to cỡ nào? Có phương pháp gì để có thể thật sự liễu sanh tử? Do vậy, cần đến Phật pháp.

          Thích Ca Mâu Ni Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên độ năm vị tỳ-kheo, hoằng dương pháp Tứ Đế, tức Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Đức Phật dạy chúng ta, chúng sanh trong lục đạo sanh tử thì có một phạm vi, [bao gồm] ba ác đạo, tức địa ngục đạo, ngạ quỷ đạo, súc sanh đạo, và ba thiện đạo, tức nhân đạo, A Tu La, thiên đạo. Chúng sanh gặp phải quả báo khổ, cái nhân gây ra khổ là Tập, tức là do đã dấy lên phiền não, tạo rất nhiều nghiệp, cho nên mới chiêu cảm quả khổ. Trước hết, quý vị phải biết cái nhân của khổ là Tập thì mới có thể đoạn Tập. Đoạn trừ cái nhân, thì khổ quả sẽ chẳng còn. Thích Ca Mâu Ni Phật là bậc từng trải, Ngài biết Khổ, đoạn Tập, cho nên mới chứng đắc Niết Bàn. Niết Bàn dịch sang tiếng Hán là Tịch Diệt. Chúng ta ngưỡng mộ Tịch Diệt, làm như thế nào thì sẽ có thể chứng đắc Tịch Diệt? Đức Phật dạy chúng ta phương pháp tu hành hòng tu Đạo, đó là “biết Khổ đoạn Tập, hâm mộ Diệt bèn tu Đạo”.

          Chúng ta học Phật pháp, thứ nhất là trước hết phải biết Khổ. Nếu quý vị ngỡ đời người rất sung sướng, quý vị chẳng học Phật pháp được! Dẫu đã biết Phật pháp, cũng chẳng phát tâm tu hành. Tu hành là mong liễu sanh tử, nhất định phải biết quả báo của loài người chúng ta là khổ quả. Vì thế đời người được gọi là “bát khổ giao tiên” (八苦交煎, tám sự khổ chen nhau nung nấu). Có tám thứ khổ: Sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, oán tắng hội khổ (khổ vì oán ghét mà cứ phải gặp gỡ), ái biệt ly khổ (khổ vì yêu thương mà bị chia lìa), cầu bất đắc khổ (khổ vì cầu chẳng được), và Ngũ Ấm xí thịnh khổ (khổ vì Ngũ Ấm lừng lẫy). Bốn thứ khổ sanh, lão, bệnh tử, vừa sanh ra bèn khổ, đã già bèn có lão khổ, sanh bệnh bèn có bệnh khổ, chết đi bèn có tử khổ. Trong khoảng giữa, bèn xen tạp bốn thứ khổ:

          – Khổ vì oán ghét mà phải gặp gỡ. Kẻ quý vị chán ghét cứ khăng khăng tụ hội một chỗ.

          – Khổ vì yêu thương mà bị chia lìa. Người quý vị yêu thích luôn là sanh ly tử biệt!

          – Khổ vì cầu chẳng được, điều quý vị mong cầu đều chẳng thể mãn nguyện.

          – Khổ vì Ngũ Ấm lừng lẫy. Ngũ Ấm là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, tức là nỗi khổ nơi thân và nỗi khổ nơi tâm.

          Tám thứ khổ như trên là cương yếu. Trong ấy, phân biệt ra, sẽ là vô lượng nỗi khổ. Kẻ chẳng có cơm để ăn khổ nhất, chẳng có quần áo mặc, chẳng có nhà cửa để ở rất khổ. Những thứ ấy được gọi là ba yếu tố trong đời người. Kẻ chẳng có áo, cơm, chỗ ở đương nhiên là khổ, nhưng quý vị hỏi kẻ có tiền, cơm ăn, áo mặc, nhà ở đều chẳng thành vấn đề, họ vẫn khổ! Mỗi người đều có nỗi khổ riêng, mỗi nhà đều có nỗi khổ riêng. Đó gọi là: Nhà nào cũng đều có một bản kinh khó niệm”. “Kinh khó niệm” chính là khổ kinh; chẳng có nhà nào không khổ, [mỗi nhà hứng chịu nỗi] khổ khác nhau mà thôi!

          Đời người đau khổ, khổ đến cuối cùng là tử khổ. Nếu như đã chết bèn hết chuyện thì rất đơn giản, cùng lắm là khổ sở mấy chục năm, khổ đến chết rồi thì chẳng còn khổ nữa! Kẻ chẳng hiểu rõ lý nhân quả báo ứng, có tri kiến Đoạn Diệt, cứ ngỡ người ta chết rồi là chẳng còn gì nữa. Hiểu lý nhân quả báo ứng trong Phật pháp, sẽ biết người chết rồi chẳng hề đoạn diệt; vì quá khứ quý vị đã tạo nghiệp nhân, đời này có quả báo. Đời này lại tạo nghiệp nhân mới. Tạo thiện nghiệp thì đời sau gặp thiện quả. Tạo ác nghiệp thì đời sau bị ác quả. Quý vị muốn khiến cho nó chẳng kết quả, sẽ chẳng thể được, vì đã tạo nghiệp, nhất định có quả báo. Quý vị tưởng chết rồi thì sẽ đoạn diệt ư? Chẳng thể đoạn diệt!

          Hiểu đạo lý này, đời này quý vị khổ sở vài chục năm, khổ đến cuối cùng chết đi, vẫn phải sanh, sanh ra vẫn là đau khổ! Dẫu đời sau quý vị sanh làm thân người, vẫn chịu khổ giống như hiện thời. Dẫu quý vị tạo thiện nghiệp sanh lên cõi trời, hưởng xong phước báo cõi trời, vẫn phải luân hồi đọa xuống. Quý vị tạo ác nghiệp, đọa lạc trong ba ác đạo, khổ càng thảm hơn! Chẳng biết phải trải qua bao nhiêu kiếp lâu dài mới có thể thoát ly ba ác đạo. Đấy chính là sanh tử luân hồi, sanh rồi tử, tử rồi sanh, luân hồi chẳng dứt. Học Phật pháp thì nhất định phải hiểu đạo lý này, quý vị mới chịu phát tâm tu hành.

          Chúng ta mong liễu sanh tử, thoát luân hồi, phải tu hành, Thích Ca Mâu Ni Phật nói rất nhiều phương pháp tu hành. Trong Đại Thừa Phật giáo Trung Hoa có tám tông phái, trong đó, có một tông phái là Tịnh Độ Tông dạy phải phát nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, vì chỉ có cậy vào pháp môn Tịnh Độ thì mới dễ tu hành hòng liễu sanh tử.

          Ấn Độ có một vị đại Bồ Tát tên là Long Thọ Bồ Tát, Ngài soạn Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận (十住毗婆沙論, Daśa-bhūmika-vibhāśa-śāstra). Trong ấy, đã nói rất rõ ràng: Bồ Tát cầu A Bệ Bạt Trí (Avaivarti, bất thoái chuyển), có hai loại đạo. Một thứ là Nan Hành Đạo (難行道, đạo khó hành), thứ kia là Dị Hành Đạo (易行道, đạo dễ hành). Nan Hành Đạo là đường lối tu hành rất khó, tức là ở trong ngũ trược ác thế, nhằm thời đại chẳng có Phật, phải tu hành chẳng thoái chuyển, một mực tinh tấn thì mới có thể đoạn phiền não, liễu sanh tử, thoát luân hồi, nhưng tu hành rất khó đạt được Bất Thoái Chuyển. Long Thọ Bồ Tát nói có năm thứ Nan Hành Đạo:

          1) “Ngoại đạo tương thiện, loạn Bồ Tát pháp” (Ngoại đạo đem những điều lành [theo tri kiến tà vạy của họ] làm loạn pháp của Bồ Tát): Chúng sanh rất khó có kẻ phát tâm mong tu hành nhằm liễu sanh tử. Chúng ta học Đại Thừa Phật pháp, muốn tu Đại Thừa Bồ Tát đạo, nhưng quý vị chẳng gặp thiện tri thức, mà gặp phải ngoại đạo. Họ nói các thứ phương pháp tu hành rất tương tự thiện pháp của Bồ Tát, quý vị cảm thấy rất cao minh, nhưng [những pháp ấy] đã thật sự nhiễu loạn Bồ Tát pháp.

          2) “Thanh Văn tự lợi, chướng đại từ bi”: Quý học Đại Thừa Phật pháp, phải có tâm đại từ bi, nguyện bình đẳng. Quý vị gặp một vị thầy Tiểu Thừa, ông ta nói: “Ngươi còn chưa độ được sanh tử của chính mình, làm sao có thể độ chúng sanh được chớ? Ngươi chẳng thể tự lợi, làm sao có thể độ kẻ khác? Hãy ngay lập tức liễu sanh tử của chính mình đi đã”. Đấy chính là hàng Thanh Văn tự lợi. Bọn phàm phu chúng ta vốn có căn tánh ích kỷ, lại nghe vị thầy Tiểu Thừa nói rất hữu lý, [vị ấy] bảo quý vị hãy độ chính mình trước đã, thoát tam giới, liễu sanh tử, mặc kệ chúng sanh, khiến cho cái tâm đại từ bi bị chướng ngại.

          3) “Vô lại ác nhân, phá tha thắng đức” (Kẻ ác vô lại phá hoại đức thù thắng của người khác): Quý vị tu Đại Thừa Bồ Tát đạo là công đức thù thắng, nhưng trong xã hội, bọn vô lại ác nhân rất nhiều. Chính họ chẳng tu hành, thấy quý vị đang làm công đức, họ sẽ phá hoại, khiến cho quý vị chẳng thực hiện thành công. Do thế giới Sa Bà này có rất nhiều kẻ ác, quý vị mong tu Bồ Tát đạo sẽ chẳng thành công. Đấy là một thứ nạn, chính là Chúng Sanh Trược.

          4) “Điên đảo thiện quả, năng hoại phạm hạnh” (Điên đảo thiện quả, có thể làm hư hoại phạm hạnh): “Phạm” (梵) có nghĩa là thanh tịnh. Quý vị tu hạnh môn của Đại Thừa Bồ Tát đừng nên chấp tướng, nhưng lũ phàm phu chúng ta kể từ vô thỉ đến nay, quen thói chấp tướng. Do vì quý vị tu hành chấp tướng, hết thảy công đức Đại Thừa đã tu đều rơi vào thiện quả nhân thiên hữu lậu. Đời này, kiếp này tu hành, đời thứ hai chuyển sanh thành kẻ đại phú đại quý, đời thứ ba sẽ phải đọa lạc! Đời này, kiếp này tu hành, đời thứ hai sanh lên trời hưởng phước trời. Quý vị hưởng hết phước trời, vẫn phải đọa lạc xuống dưới. Vì thế, hữu lậu thiện quả của trời người được gọi là “thiện quả điên đảo”. Chúng sanh chẳng hiểu rõ đạo lý thiện quả Đại Thừa, coi quả báo nhân thiên như quả báo tốt lành, cầu còn chẳng được, chẳng biết đấy là tu hành điên đảo. Sanh lên trời rồi đọa xuống, kinh Phật đã nói rất nhiều, chúng tôi chẳng nói cặn kẽ. Sanh vào nhân gian, chuyển thành người đại phú đại quý, một mai làm quan lớn, giàu sụ, nhưng quý vị chẳng tu. Do giàu có khó tu đạo, lại muốn tiếp tục tu hành sẽ chẳng dễ dàng, toàn là tạo các ác nghiệp, nhất định sẽ bị đọa lạc. Vì thế, thiện quả trong nhân gian và trên cõi trời đều là thiện quả điên đảo, sẽ phá hoại cái tâm thanh tịnh của quý vị.

          5) “Duy thị tự lực, vô tha lực trì” (Chỉ là tự lực, chẳng có tha lực duy trì): Nếu tu hành các pháp môn khác, hoàn toàn cậy vào sức của chính mình, đoạn phiền não thì mới có thể đắc thiện quả. Chẳng có sức gia trì của Phật, Bồ Tát, hoàn toàn cậy vào sức của chính mình. Chuyện này rất khó!

          Đối với năm thứ Nan Hành Đạo vừa nói trên đây, quý vị hãy nhìn xem, rất nhiều kẻ hằng ngày học Phật pháp tu hành, nhưng toàn là tu pháp ngoại đạo, hoặc pháp Tiểu Thừa; hoặc là quý vị làm một tí công đức, bị kẻ ác phá hoại. Tu hành chấp tướng như thế đó, toàn là tu quả nhân thiên! Giống như người đi đường bộ, phải đi từng bước một, rất tốn hơi sức. Đấy là Nan Hành Đạo.

          Còn có một thứ Dị Hành Đạo, tức là đạo rất dễ tu hành. Quý vị chỉ cần niệm danh hiệu A Di Đà Phật, tu thiện căn làm duyên, sẽ có thể sanh sang Tây Phương. Pháp môn Tịnh Độ cậy vào tín tâm, nguyện sanh là cậy vào nguyện lực. Đã có tín tâm, đã có nguyện lực, nương theo sức mạnh của bốn mươi tám đại nguyện của A Di Đà Phật, bèn có thể sanh về cõi nước thanh tịnh. Vì có sức gia trì của A Di Đà Phật, sanh về Tây Phương, bèn thuộc vào loại chúng sanh Chánh Định Tụ, sẽ chẳng bị thoái chuyển. Giống như chúng ta đi theo đường bộ sẽ rất chậm, quý vị ngồi thuyền theo đường thủy, chẳng tốn sức, đạt tới đích rất nhanh, tức là nương vào chiếc thuyền đại nguyện của Phật sanh về Tây Phương. Đây là pháp môn rất dễ tu hành.

          Pháp môn Tịnh Độ tu hành dễ dàng. Thứ nhất, phải có tín tâm. Thứ hai, phải phát nguyện. Thứ ba, nếu niệm danh hiệu A Di Đà Phật bèn có thể sanh về Tây Phương. Hễ sanh về Tây Phương, sẽ chẳng thoái chuyển. Nếu muốn liễu sanh thoát tử, chỉ có tin tưởng pháp môn Tịnh Độ, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Có người cho rằng đây là pháp môn để hàng ngu phu ngu phụ tu tập, quý vị phải nên tu một loại pháp môn đặc biệt cao siêu thì mới có thể phù hợp căn cơ của quý vị. Hôm nay, giảng Vãng Sanh Luận nhằm khuyên chư vị: Trí huệ thông minh của quý vị có thể vượt trỗi Thiên Thân Bồ Tát hay không? Thiên Thân Bồ Tát là Thiên Bộ Luận Sư mà luôn phát nguyện vãng sanh Tây Phương. Ngay cả Ngài mà còn tu, vì lẽ nào chúng ta chẳng chịu tu? Trong phần trước, tôi đã dẫn chứng Nan Hành Đạo và Dị Hành Đạo của Long Thọ Bồ Tát, cũng là không gì chẳng nhằm khuyên bảo quý vị: Trí huệ của chúng ta có thể theo kịp Long Thọ Bồ Tát hay không? Long Thọ Bồ Tát đã thay chúng ta chọn lựa rất rõ ràng, pháp môn Tịnh Độ là pháp môn tu hành dễ dàng, sanh về Tây Phương sẽ chẳng thoái chuyển, vì sao chúng ta chẳng sanh về Tây Phương vậy?

  1. Thích dịch sư(giải thích về người dịch)

          Nguyên Ngụy Bồ Đề Lưu Chi dịch.

          元魏菩提留支譯。

          Nguyên Ngụy là vương triều thứ nhất ở phương Bắc vào thời Nam Bắc Triều5

. Do hoàng đế họ Nguyên nên [triều đại này] gọi là Nguyên Ngụy6. Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruci)7 là một vị đại pháp sư Ấn Độ. Ngài đến Trung Hoa phiên dịch bộ luận này. [Tên Ngài] dịch sang tiếng Hán là Đạo Hy (道希); đấy là pháp danh đức hiệu của Ngài, [ngụ ý] Ngài có thể tu Phật đạo hy hữu. “Dịch” (譯) là phiên dịch. Bộ luận này được pháp sư Bồ Đề Lưu Chi phiên dịch vào thời đại Nguyên Ngụy của Trung Hoa.

          Luận có hai loại, một loại gọi là Tông Kinh Luận (宗經論), Tông (宗) là “gốc”, [hàm nghĩa] vốn dựa theo kinh để tạo luận. Loại kia gọi là Thích Kinh Luận (釋經論), Thích (釋) là giải thích, [tức là] giải thích từng câu kinh văn một. [Những trước tác do] Bồ Tát tạo ra đều gọi là Luận. Nếu đức Phật tại thế, [những trước tác nào] được đức Phật ấn chứng thì cũng có thể gọi là Kinh. Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, chẳng có đức Phật ấn chứng, nếu người nào cũng có thể soạn kinh, e rằng kinh Phật sẽ rối ren, nát bét. Vì thế, sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, những trước tác của hàng Bồ Tát được gọi là Luận. Nay chúng tôi giảng Vãng Sanh Luận thuộc loại Tông Kinh Luận, vì tác phẩm này vốn dựa theo nghĩa lý của kinh Vô Lượng Thọ để tạo luận. Mọi người không biết quy củ này, mãi cho đến hiện thời, vẫn còn có những kẻ thích sửa kinh. Kinh văn đều là dựa trên Phạn bản của Ấn Độ để dịch sang tiếng Hán, có những chỗ dịch không suông sẻ cho lắm, thoạt nhìn có đôi chút trúc trắc. Hơn nữa, một bộ kinh điển không chỉ là có một bản dịch, mà có đến mấy bản dịch, đối chiếu [các bản dịch] thì không khác biệt cho lắm, bèn sửa đổi. Hễ mở ra lệ này, sẽ biến thành ai nấy đều có thể sửa kinh! Quý vị chê kinh Kim Cang dịch không hay cho lắm, bèn sửa kinh Kim Cang. Kẻ khác hiềm kinh A Di Đà dịch không hay, bèn sửa kinh A Di Đà. Như thế là sửa nát bét. Hậu quả là người học Phật đánh mất niềm tin tưởng, ngưỡng mộ đối với kinh điển, mọi người tranh luận không ngớt. Người này nói bộ kinh này là thật, do Thích Ca Mâu Ni Phật nói. Kẻ kia nói bộ kinh này là giả, là do kẻ nào đó ngụy tạo. Đấy là tổn thất to lớn cho Phật giáo. Do vậy, quý vị mong phát nguyện hoằng dương Phật pháp, nếu nghĩ kinh văn dịch không đủ hay, quý vị có thể soạn Tông Kinh Luận, tức là chiếu theo ý nghĩa của kinh văn để tạo ra một bộ luận. Nếu nghĩa lý của kinh văn không rõ ràng, sáng tỏ, quý vị có thể tạo Thích Kinh Luận để giải thích thêm, khiến cho mọi người dễ dàng thấu hiểu. Như thế thì sẽ chẳng đến nỗi hỗn loạn!

  1. Thích luận văn(giải thích chánh văn trong bộ luận)

4.1. Tổng Thuyết Phần (phần luận định tổng quát)

          Bộ luận này, phần trước là Kệ Tụng, sau đó là lời luận, chia thành hai khoa lớn. Phần Kệ Tụng phía trước gọi là Tổng Thuyết Phần, nói tổng quát các thứ công đức của kinh Vô Lượng Thọ. Phần luận văn trường hàng sau đó được gọi là Giải Thích Phần, nhằm giải thích Kệ Tụng.

          Kệ Tụng thuộc Tổng Thuyết Phần chia tổng cộng thành ngũ niệm môn. “Niệm” (念) là quán niệm, quán tưởng, tức là trong tâm suy niệm. “Môn” (門) là pháp môn, hạnh môn. Đức Như Lai nói kinh, Bồ Tát tạo luận, chẳng phải văn chương thế gian, mà nhằm dạy chúng ta phương pháp tu hành, tức pháp môn. Dạy chúng ta công hạnh để dụng công thì gọi là Hạnh Môn (行門). Bộ Vãng Sanh Luận này có tổng cộng năm thứ Niệm Môn, tức là năm thứ phương pháp tu hành. “Pháp” (法) là phương pháp, pháp tắc, Hạnh (行) là công phu. Môn (門) là thí dụ, mang ý nghĩa “thông qua để ra vào”, tức là có thể tiến vào, mà cũng có thể đi ra. Thông thường, chúng ta nói “tiến nhập Phật môn”, tức là nhập môn này, chính mình đạt được lợi ích; xuất môn này, có thể khiến cho chúng sanh đạt được lợi ích. Vì nhập môn này, có thể tự lợi, xuất môn này, có thể lợi tha (lợi ích người khác); cho nên gọi là Pháp Môn, là Hạnh Môn.

          Đệ tử học Phật, làm thế nào để có thể đạt được lợi ích “tự lợi, lợi tha”? Chính là phải Giải lẫn Hạnh đều coi trọng, phải hiểu: Kinh do đức Phật đã nói, luận do Bồ Tát đã tạo đều nhằm dạy chúng ta phương pháp tu hành, chẳng phải là văn chương thế gian, mà cũng chẳng phải là học vấn thế gian. Đệ tử Phật chẳng thể đạt được sự lợi ích “tự lợi, lợi tha”, có hạng người thiên trọng Hạnh, coi nhẹ Giải, cho rằng học Phật thì phải tu hành, chẳng nghiên cứu rành rẽ phương pháp tu hành. Kết quả là tu mù, luyện đui, chính mình chẳng nhập pháp môn, chẳng thể tự lợi. Muốn giảng cho kẻ khác nghe, giảng không nổi, tức là cũng chẳng thể lợi tha. Đấy chính là “chẳng nhập môn”. Nhất định là trước hết phải cầu Giải, đã thấu hiểu rồi mới tu hành. Nếu làm như vậy chưa xuể thì vừa giải vừa hành, quyết chẳng thể “không có Giải, chỉ có Hạnh!” Kết quả là sụp hào sa hố, chính mình chẳng biết đường đến nỗi sụp hố. Đấy chính là căn bệnh chỉ trọng Hạnh, chẳng trọng Giải!

          Có hạng người thiên trọng Giải, xem nhẹ Hạnh, biến “kinh do Phật thuyết, luận do Bồ Tát tạo” đều trở thành học vấn thế gian để nghiên cứu. Nghiên cứu đã hiểu rồi, chẳng tu hành. Họ cho rằng chỉ cần thông hiểu văn tự là hiểu Phật pháp, chẳng biết [kinh luận nhà Phật] chính là phương pháp để tu hành, chẳng nhằm bảo quý vị nghiên cứu học vấn. Tu hành thì phải đoạn phiền não. Quý vị xem nhẹ tu hành, cứ nghĩ kinh luận gì cũng đều hiểu, nói ra chỗ nào cũng hợp đạo, liền tự cao tự đại, bất cứ ai cũng đều bị quý vị coi thường, luôn cảm thấy kẻ khác chẳng có học vấn to bằng quý vị. Quý vị không chỉ có học vấn thế gian, mà còn có học vấn Phật giáo, tự nghĩ chính mình rất lỗi lạc. Đấy chính là tăng thêm phiền não mới! Học Phật pháp vốn vì mong đoạn phiền não, kết quả là phiền não vốn sẵn có chẳng đoạn, lại tăng thêm phiền não kiêu căng ngã mạn, kẻ ấy quá đáng tiếc! Vì thiên trọng Giải mà đi sai đường!

          Quý vị chẳng hiểu Phật thuyết kinh, Bồ Tát tạo luận là vì muốn cho chúng ta liễu sanh thoát tử. Vãng Sanh Luận mà nay tôi đang giảng thuộc về pháp môn Tịnh Độ Tông, tức là muốn dạy chúng ta hãy niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tây Phương. Quý vị hiểu đạo lý này, sanh khởi tín tâm, phát khởi nguyện lực “nhất định phải sanh về Tây Phương”, niệm danh hiệu A Di Đà Phật. Đấy chính là tu hành. Đợi đến lúc quý vị lâm chung, Tây Phương Tam Thánh (A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, và Đại Thế Chí Bồ Tát) cầm đài hoa sen đến tiếp dẫn quý vị. Nhưng nếu quý vị chẳng tu hành, hoàn toàn coi Phật pháp như học vấn để nghiên cứu, tới khi quý vị lâm chung, A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, và Đại Thế Chí Bồ Tát chẳng đến tiếp dẫn quý vị. Quý vị chẳng vượt khỏi phạm vi của vua Diêm La, sẽ đến chỗ vua Diêm La, giảng cho họ nghe một đoạn kinh, vua Diêm La nghe không hiểu, vẫn muốn bắt quý vị! Bởi lẽ, quý vị chỉ biết giảng, chẳng thể liễu sanh tử! Nhất định là phải tu hành xác thực, chớ nên thiên về Giải, vẫn chẳng được!

          Kệ Tụng nói về năm loại pháp môn tu hành:

          1) Lễ Bái Môn: Trước hết phải lễ Phật, dập đầu lễ bái.

          2) Tán Thán Môn: Tán thán công đức của Phật.

          3) Tác Nguyện Môn: “Tác” (作) là phát nguyện. Quý vị phải phát nguyện sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới.

          4) Quán Sát Môn: Quý vị dùng trí huệ để quan sát vì sao ta phải sanh về Tây Phương? Quan sát công đức nơi y báo và chánh báo của Tây Phương. Quan sát rành rẽ, tự nhiên là quý vị sẽ phát nguyện.

          5) Hồi Hướng Môn: Tất cả công đức do quý vị đã tu đều hồi hướng Tây Phương Cực Lạc thế giới.

          Kệ Tụng chia thành năm thứ pháp môn này, phần kinh văn Trường Hàng sau đó nhằm giải thích Kệ Tụng, cũng là giải thích năm loại pháp môn này. Dưới đây, dựa theo năm thứ pháp môn ấy để giải thích, nhằm dạy chúng ta năm thứ phương pháp tu hành.

4.1.1. Lễ Bái Môn (禮拜門)

          (Luận) Thế Tôn ngã nhất tâm quy mạng.

          ()世尊我一心歸命,

          (Luận: Thế Tôn, con nhất tâm quy mạng).

          Dựa trên năm thứ Hạnh Môn, mà chia thành năm đoạn. “Thế Tôn, ngã nhất tâm quy mạng” là môn thứ nhất, tức Lễ Bái Môn.

          Trước hết, nói về hai chữ Thế Tôn (Baghavan, Lokanatha). Thế Tôn chính là từ ngữ để gọi Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Vì Thiên Thân Bồ Tát là đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài tạo luận, trước hết phải quy y Thích Ca Mâu Ni Phật. Cho nên trước hết gọi một tiếng Thế Tôn. Như tôi lúc mới bắt đầu giảng, vì sao trước hết phải niệm Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ba lượt? Vì chúng ta đều là đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật. Vì sao chúng ta có thể biết “có Tây Phương Cực Lạc thế giới, có A Di Đà Phật?” Đều là do Thích Ca Mâu Ni Phật nói ra. Thích Ca Mâu Ni Phật là vị thầy căn bản, đừng nên quên bẵng vị thầy cội gốc.

          Chữ Thế (世) trong Thế Tôn bao hàm thế gian và xuất thế gian. Hết thảy thánh nhân và phàm phu tổng cộng có mười loại lớn, gọi là “tứ thánh lục phàm”. Thánh nhân Phật giáo chẳng giống thánh nhân thế gian. Theo Phật giáo, thánh nhân thuộc pháp thế gian đều thuộc về phàm phu. Phàm phu có sáu đường: Thiên đạo, nhân đạo, A Tu La đạo, gọi chung là ba thiện đạo; địa ngục đạo, ngạ quỷ đạo, súc sanh đạo, được gọi là ba ác đạo. Gọi gộp chung là “lục đạo phàm phu” đều sanh tử, luân chuyển trong phạm vi tam giới. Có thể vượt thoát luân hồi, liễu thoát sanh tử, vượt ra ngoài tam giới thì mới gọi là “thánh nhân”. Thánh nhân trong Phật giáo bao gồm bốn loại:

          1) Tiểu Thừa có hai loại thánh nhân là Thanh Văn và Duyên Giác.

          2) Đại Thừa có hai loại thánh nhân là Bồ Tát và Phật.

          “Thế Tôn” là thánh nhân cao nhất. Phật cũng chính là Phật pháp giới cao nhất trong mười pháp giới. Gọi Ngài là Thế Tôn, tức là đấng được cõi đời tôn trọng, Tôn (尊) là tôn trọng. Không chỉ là trong tam giới, tức chúng sanh thuộc lục phàm pháp giới thế gian tôn trọng Ngài, mà tam thừa thánh nhân xuất thế gian vượt ngoài tam giới là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát cũng đều tôn trọng Ngài. Ngài được thế gian lẫn xuất thế gian đều tôn kính, nên gọi là Thế Tôn.

          Vì sao đức Phật được thế gian lẫn xuất thế gian tôn trọng? Vì đức Phật trọn đủ ba loại đức:

          1) Trí Đức: Đức Phật trọn đủ hết thảy trí huệ. Không chỉ vượt trỗi lục đạo phàm phu, mà còn vượt trỗi tam thừa thánh nhân. Ngài có đức tánh đại trí huệ, cho nên được thế gian lẫn xuất thế gian đều tôn trọng.

          2) Đoạn Đức: “Đoạn” (斷) là đoạn trừ phiền não. Phàm phu chẳng thể vượt thoát lục đạo vì có phiền não trong tam giới, tức Kiến Hoặc và Tư Hoặc. Tam thừa thánh nhân có phiền não ngoài tam giới, tức Trần Sa Hoặc và Vô Minh Hoặc. Đức Phật không chỉ đoạn trừ phiền não trong tam giới, mà phiền não ngoài tam giới cũng thảy đều đoạn sạch. Vì thế, chúng sanh thuộc chín pháp giới đều tôn trọng Ngài.

          3) Ân Đức: Vì sao chúng sanh thuộc chín pháp giới tôn trọng đức Phật? Vì đức Phật có ân đức đối với chúng ta. Chúng ta có thể nghiên cứu kinh Phật, hiểu rõ đạo lý; đấy là phẩm đức trí huệ của Phật gia bị chúng ta. Tuy chúng ta còn chưa đoạn phiền não, nhưng có thể phân biệt rành rẽ những gì là phiền não? Ít tạo ác nghiệp. Đấy là đức Phật có ân huệ đối với chúng ta. Do vậy, chúng ta tôn trọng Ngài.

          Vừa rồi là dựa theo ba loại đức để giải thích công đức; thật ra, đức hạnh của Phật quá nhiều. Đối với hết thảy chúng sanh, đức Phật hành bố thí, bố thí chia thành ba loại là Tài Thí, Pháp Thí, và Vô Úy Thí.

          1) Tài Thí: Có đệ tử đức Phật trước khi tin Phật, cuộc sống gian nan, khốn khổ, sau khi đã tin Phật, cuộc sống chuyển biến tốt hơn. Xác thực là đức Phật đã ban cho kẻ ấy lợi ích. Đó là ân huệ Tài Thí.

          2) Pháp Thí: Đức Phật thường thuyết pháp bố thí. Trước khi chúng ta học Phật, rất ngu si. Cho đến sau khi đã học Phật, trí huệ mở mang, những đạo lý trước kia chẳng hiểu nay đều đã hiểu. Trước kia chẳng phát đạo tâm tu hành, nay phát đạo tâm tu hành. Đấy đều là do đức Phật gia bị chúng ta, ban ân huệ Pháp Bố Thí.

          3) Vô Úy Bố Thí, chính là cứu tai cứu nạn, nhất là trong hiện thời lại còn thường gặp các thứ kiếp nạn. Kết quả là chúng ta luôn ở trong tai nạn mà được thái bình. Đấy là ân huệ Vô Úy Bố Thí do đức Phật đã ban cho chúng ta.

          Mỗi người đạt được lợi ích khác nhau. Quý vị học Phật rất lâu, nhất định được hưởng ân huệ của đức Phật, cho nên tín tâm mới có thể kiên cố. Đấy chính là ân đức của Phật. Vì sao chúng ta phải tin Phật? Đối với chúng ta, Phật có những điều tốt đẹp gì vậy? Vì quý vị chẳng tin Phật, quý vị chẳng biết điều tốt đẹp của Phật. Hễ quý vị tin Phật, sẽ tự nhiên biết. Đức Phật có ân đức đối với hết thảy chúng sanh, quý vị đạt được ân huệ từ Phật, sẽ thật sự biết chỗ tốt đẹp của đức Phật đối với quý vị. Tôi vừa mới nói, kinh của Phật, luận của Bồ Tát, đều nhằm dạy chúng ta phương pháp tu hành, chẳng phải là văn tự thế gian. Giảng về danh nghĩa của chữ Thế Tôn thì cũng nhằm dạy chúng ta phương pháp tu hành.

          Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh, đều sẽ thành Phật”. Đấy là giáo lý đặc thù nhất của Phật giáo, những tôn giáo khác trên thế giới chẳng có đạo lý này. Quý vị tin bất cứ loại tôn giáo nào, nó chỉ có thể cho quý vị làm giáo đồ, chẳng thể cho quý vị làm giáo chủ. Trong Phật giáo thì bình đẳng, Thích Ca Mâu Ni Phật nói các vị đều có Phật Tánh, chẳng khác Thích Ca Mâu Ni Phật; ai nấy đều có thể thành Phật, ai nấy đều có thể xưng là Thế Tôn. Chúng ta làm thế nào để có thể khiến cho chúng sanh gọi chúng ta là Thế Tôn? Hãy học theo đức Phật, đi theo con đường của đức Thế Tôn. Nguyện thứ tám trong mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát là “thường tùy Phật học”, tức là thường học theo Phật, sẽ tự nhiên trở thành Thế Tôn. Nay chúng ta là phàm phu thì phải học như thế nào?

          1) Học theo Trí Đức của Phật: Dùng Văn, Tư, Tu để học. Chẳng có trí huệ, quý vị cầu đắc trí huệ. Nghe kinh nhiều bèn khai trí huệ thì gọi là Văn Huệ. Dùng nhiều tâm tư suy nghĩ đạo lý nhà Phật, một khi đã rỗng rang thông suốt, từ trong tâm hiểu rõ Phật lý, thì gọi là Tư Huệ. Quý vị đã hiểu rõ Phật lý, thực tiễn dụng công tu hành. Trong khi tu hành, lại khai trí huệ, thì gọi là Tu Huệ. Từ ba thứ trí huệ là Văn, Tư, Tu mà khơi gợi, mở mang trí huệ Bát Nhã vốn sẵn có, trọn đủ hết thảy trí huệ thì [trí huệ của chính mình] sẽ giống như trí huệ của Phật.

          2) Học theo Đoạn Đức của Phật: Quý vị đoạn hết phiền não, đoạn hết phiền não há dễ dàng ư? Nhưng quý vị chẳng đoạn, sẽ vĩnh viễn chẳng thể đoạn. Phải tùy thuộc căn cơ! Quý vị là căn cơ đốn siêu, sẽ lập tức đoạn trừ, nhưng người thuộc loại căn cơ ấy hiếm lắm! Quý vị thuộc căn cơ [tăng tấn] từ từ, sẽ đoạn dần dần. Chẳng đoạn, quý vị sẽ vĩnh viễn làm phàm phu. Quý vị đoạn phiền não, đắc Đoạn Đức, chẳng phải là giống như đức Thế Tôn ư? Đoạn phiền não bằng cách nào? Trì giới. Tại gia có giới của hàng đệ tử tại gia, xuất gia thì có giới của đệ tử xuất gia. Đức Phật có ân đức đối với chúng ta, Ngài dạy chúng ta phải trì giới. Trì giới chính là “phòng phi, chỉ ác” (防非止惡, ngăn ngừa sai quấy, dứt điều ác). Trước hết, chẳng làm hết thảy các chuyện ác, không tăng thêm phiền não mới. Sau đấy, tu Định khiến cho cái tâm an định, tâm vọng tưởng chẳng dấy lên, dần dần hàng phục các phiền não cũ, khơi mở trí huệ Bát Nhã rồi sẽ đoạn trừ phiền não cũ. Dựa theo ba pháp Giới, Định, Huệ do đức Phật đã dạy, trước hết là trì giới, rồi tu Thiền Định, rồi khơi mở trí huệ Bát Nhã của chính mình, nhất định có thể đoạn hết phiền não.

          3) Học theo Ân Đức của Phật: Quý vị đã có trí huệ, đoạn sạch phiền não. Do đối với chúng sanh, [quý vị] chẳng có ân đức, chẳng thể gọi là Thế Tôn. Thế Tôn là do người khác tôn trọng quý vị, gọi quý vị là Thế Tôn, chẳng phải là quý vị tự xưng là Thế Tôn. Thế Tôn là đấng có ân huệ đối với chúng sanh thế gian và xuất thế gian trong chín pháp giới, Ngài được tôn trọng là vì ân đức. Quý vị phải học theo ân đức của Phật như thế nào? Chúng sanh chẳng hiểu rõ Phật lý, quý vị học theo Trí Đức của Phật, giảng cho chúng sanh nghe, khiến cho họ hiểu rõ Phật lý. Chẳng phải là họ sẽ cảm niệm ân của quý vị ư? Học theo Đoạn Đức của Phật, quý vị dạy chúng sanh trì giới như thế nào, tu Thiền Định như thế nào? Họ đoạn trừ phiền não, chẳng phải là sẽ cảm niệm ân của quý vị ư? Do vậy, quý vị có trí huệ, đã đoạn phiền não, mà chẳng có ân đức đối với chúng sanh, vẫn chẳng thể xưng là Thế Tôn.

          Vì rất nhiều nhân duyên, Phật giáo Trung Hoa hiện thời đang xuống dốc. Có một duyên khiến cho [Phật giáo Trung Hoa] suy sụp là người xuất gia đóng cửa tu hành tại chùa miếu, tại gia cư sĩ đóng cửa nhà mình tu hành, mới khiến cho Phật giáo suy vi. Hiện thời, tại Đài Loan có khá nhiều vị tại gia cư sĩ. Quý vị thấy những vị lão cư sĩ, họ chẳng phát tâm tu hành thì quý vị còn có thể thảo luận Phật pháp với họ. Hễ họ phát tâm tu hành, sợ gặp khách, quý vị muốn hỏi họ về đạo lý Phật pháp, họ sợ bị phiền nhiễu, bèn ở nhà đóng cửa tu hành trong tiểu Phật đường tại gia. Như vậy thì chẳng có ân đối với chúng sanh, chẳng thể tiếp dẫn chúng sanh. Tuy Phật giáo tốt đẹp, có liên quan gì với chúng sanh? Chúng sanh chẳng đạt được điều tốt đẹp nào từ quý vị, chẳng biết quý vị là người tốt, ngược lại còn ngỡ quý vị là kẻ xấu, là ký sinh trùng ăn bám trong xã hội, tội danh gì cũng đều gán cho, muốn đả đảo đệ tử Phật, tức là đả đảo toàn thể Phật giáo. Vì thế, Phật giáo vì đóng cửa tu hành mà suy yếu!

          Đại Thừa Phật pháp phải tự lợi, lợi tha, Phật có ba loại đức: Trí Đức, đắc hết thảy trí huệ; Đoạn Đức, đoạn hết thảy phiền não. Hai loại đức này đều thuộc tự lợi. Ân Đức là lợi tha. Quý vị chẳng thể lợi ích hết thảy chúng sanh, lẽ đâu chúng sanh gọi quý vị là Thế Tôn cho được? Do vậy, phải chú trọng Ân Đức. Chúng ta học Phật, phải tự lợi, lợi tha, tu ba loại đức ấy, tu bao nhiêu hay bấy nhiêu. Tu viên mãn sẽ thành Phật. Phật Thích Ca được gọi là Thế Tôn, chúng ta cũng thành Thế Tôn. Trước khi thành Thế Tôn, chúng ta phải chiếu theo đường lối “tự lợi, lợi tha” của Đại Thừa để thực hiện, tu ba loại đức ấy, vừa cầu trí huệ, vừa đoạn phiền não, vừa lợi ích chúng sanh, ban ân huệ cho chúng sanh, người trong xã hội sẽ đều tôn trọng chúng ta, sẽ chẳng tròng các tội danh lên đầu chúng ta.

          Thiên Thân Bồ Tát tạo Vãng Sanh Luận, vì sao trước hết phải gọi một tiếng Thế Tôn? Có hai thứ ý nghĩa:

          1) Một là tôn sư trọng đạo. Thiên Thân tôi học Phật pháp thì mới trở thành Bồ Tát. Phật pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật nói, hôm nay tôi tạo luận, chẳng thể quên bẵng đức Bổn Sư của tôi, tôi phải tôn trọng vị thầy của tôi, tôi trước hết bẩm bạch với thầy: “Thưa thầy! Con hôm nay sẽ tạo luận”.

          2) Hai là thỉnh Phật gia bị. Tôi là một Bồ Tát, còn chưa thành Phật, trí huệ chẳng trọn đủ, nhất định phải thỉnh đức Thế Tôn gia bị tôi, khiến cho Thiên Thân tôi tạo luận hay đẹp, chẳng phạm sai lầm, có thể lợi ích chúng sanh.

          “Ngã nhất tâm quy mạng”“Ngã” là Thiên Thân Bồ Tát tự xưng, có nghĩa là “đệ tử”. Đệ tử hôm nay mong nhất tâm quy mạng Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật. Nói “Thế Tôn” chẳng phải là nên quy mạng Phật Thích Ca ư? Vì hôm nay tôi tạo luận, dựa trên kinh Vô Lượng Thọ do Thích Ca Thế Tôn đã nói, Thích Ca Thế Tôn dạy chúng ta quy mạng A Di Đà Phật, cho nên tôi kính vâng theo mạng lệnh của Phật Thích Ca mà quy y. “Nhất tâm” chính là kiền thành, cung kính, chẳng có hai niệm. Nếu lúc chúng ta quy mạng, đảnh lễ mà dấy lên vọng tưởng, tức là cái tâm của chính mình chẳng đủ kiền thành. Chính mình phải kiền thành, chỉ có cái tâm quy mạng, chẳng có niệm thứ hai, thì gọi là “nhất tâm”.

          “Quy mạng” (歸命) là dịch nghĩa của chữ Nam-mô trong tiếng Phạn. Nam-mô dịch sang tiếng Hán sẽ là “quy y, quy kính, quy mạng”. Đây là Lễ Bái Môn. Vốn là dập đầu đảnh lễ, đáng nên dịch thành “đảnh lễ”, vì sao dịch thành “quy mạng”? Vì ba nghiệp thân, khẩu, ý đều phải kiền thành. Lễ bái thuộc thân nghiệp. Khi thân thể lễ bái, trong tâm chẳng kiền thành, chẳng đạt được nhất tâm. Trong tâm kiền thành đến cực điểm, dùng sanh mạng của chính mình để quy y. Đấy là cái tâm kiền thành không gì hơn được nữa! Khi ấy, quyết chẳng dấy vọng tưởng, sanh mạng tôn quý nhất của ta cũng chẳng cần, thảy đều quy y A Di Đà Phật. Như vậy thì tự nhiên sẽ biến thành nhất tâm.

          Chúng ta thường là vừa lạy Phật, vừa dấy vọng tưởng, tức là cái tâm kiền thành chẳng đủ. Nêu một trường hợp dễ hiểu, dễ thấy, chẳng hạn như quý vị tin tưởng pháp môn Tịnh Độ, ấn định công khóa hằng ngày có lễ Phật, liền noi theo bốn mươi tám nguyện do A Di Đà Phật đã phát mà lễ bốn mươi tám lạy. Hôm nay, khí trời quá nóng, công khóa do chính mình ước định, chẳng lạy tâm sẽ chẳng yên. Vừa lạy, vừa nghĩ cách trừ nhiệt! Hoặc là hôm nay quý vị đã làm công chuyện rất mệt mỏi, rã rời, nhưng chưa lạy bốn mươi tám nguyện, vẫn là rất miễn cưỡng lạy. Vì có cái tâm sợ nóng, hay mong nghỉ ngơi, bị vọng tưởng chướng ngại, lại lễ A Di Đà Phật, càng lạy, vọng tưởng càng nhiều. Đấy là cái tâm kiền thành chẳng đủ! Nếu quý vị có tâm quy mạng, sanh mạng đã sớm giao cho A Di Đà Phật, chết cũng chẳng màng, còn sợ nóng nữa hay sao? Bèn hàng phục vọng tưởng sợ nóng. Tuy làm việc mệt mỏi, rã rời, nhưng sanh mạng đã sớm giao cho A Di Đà Phật, dẫu chết vẫn phải lạy, tự nhiên sẽ chẳng dấy vọng tưởng.

          Lại nêu một tấm gương trong kinh Địa Tạng. Mẹ của cô gái Bà La Môn lúc còn sống chẳng tin nhân quả, gièm chê, hủy báng Tam Bảo. Cô Bà La Môn vì tìm hỏi mẹ sau khi chết sẽ sanh về đâu, bèn bố thí, cúng dường chùa, tháp của Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Vì cô ta chiêm lễ từ dung của đức Phật, tâm cúng dường Phật kiền thành đến tột bậc, ngay lập tức được cảm ứng. Cô ta nghe trên hư không có tiếng bảo: “Ta là Giác Hoa Định Tự Tại Vương, thấy thân tâm của con nhớ nghĩ mẹ vượt trỗi chúng sanh thường tình, cho nên ta đến bảo cho con biết chỗ mẹ con đã sanh về”. Cô Bà La Môn nghe đức Phật nói xong, hăng hái chẳng màng tấm thân, chỉ biết phải nên dập đầu lễ bái. “Cử thân tự phác” (Khắp thân tự gieo xuống) là giống như các lạt-ma lễ bái, rạp thân người xuống mà lễ, quăng thân thể xuống đất. Vì gieo thân quá mạnh, “chi tiết giai tổn” (tay chân đều bị tổn thương), tay chân đều nứt toác, đó là “quy mạng đảnh lễ”. Chúng ta thường xuyên lạy Phật, vì sao đức Phật chẳng nói gì với chúng ta? Vì chúng ta vừa lạy Phật, vừa dấy vọng tưởng, chẳng thể cùng Phật cảm ứng đạo giao.

          “Nhất tâm quy mạng” giải thích theo cách thứ nhất thì là đem sanh mạng tôn quý nhất, duy nhất không hai của chính mình để quy y, đảnh lễ. Theo cách giải thích thứ hai thì “mạng” là mạng lệnh hay giáo mạng của Phật. “Nhất tâm quy mạng” là ta chẳng có hai niệm, quy y lời dạy bảo, giáo mạng của đức Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật nói pháp môn Tịnh Độ, dạy ta tin tưởng Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, dạy ta phát nguyện vãng sanh Tây Phương, dạy ta trì niệm danh hiệu A Di Đà Phật, ta chẳng có ý niệm thứ hai, nhất tâm quy y mạng lệnh của đức Phật, thì gọi là “nhất tâm quy mạng”. Cách giải thích thứ ba là “quy mạng nhất tâm”, nhất tâm là cái tâm chẳng có vọng tưởng, chẳng có hai niệm. Nhất tâm chính là chân tâm, tự tánh. “Quy mạng” là đem sanh mạng của chính mình, hồi quang phản chiếu quy vào chân tâm, tự tánh của chúng ta. Quý vị có thể hiểu loại đạo lý này, quý vị quy mạng nhất tâm sẽ có thể ngộ Tự Tánh Di Đà.

          Hai cách giải thích trước chú trọng nơi sự tướng, cách giải thích thứ ba chú trọng lý tánh. Quý vị chú trọng sự tướng, không nói đến lý tánh, tức là cầu Phật ngoài tâm. Quý vị nhất tâm quy y giáo mạng của đức Phật, dùng sanh mạng kiền thành nhất, tôn quý nhất của chính mình để đảnh lễ, quy y. Đức Phật dạy quý vị tu hành như thế nào, quý vị bèn tu hành như thế đó. Khi ấy, quý vị là quý vị, Phật là Phật, Phật vẫn ở ngoài tâm của quý vị. Cách giải thích thứ ba đã quy Phật vào nhất tâm của chính mình. Nhất tâm của quý vị to lớn không gì ra ngoài được, A Di Đà Phật chẳng ở ngoài nhất tâm của quý vị, Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng chẳng ra ngoài nhất tâm của quý vị. Khi đó, quý vị quy y A Di Đà Phật, tức là quy y Tự Tánh Di Đà; quý vị cầu sanh Tịnh Độ chính là duy tâm Tịnh Độ. Đấy chính là đạo lý “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”. Quý vị hiểu cách giải thích thứ ba theo lý tánh, chớ nên chấp Lý phế Sự, vì quý vị có thể ngộ “Tự Tánh Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ” thì vẫn là do chí tâm kiền thành, nhất tâm quy mạng giáo mạng của đức Phật mà ra. Hai cách giải thích trước là sự tướng. Chẳng thể rời khỏi sự tướng! Quý vị hãy khéo kiền thành, cung kính, dập đầu lễ bái, thì mới có một ngày hồi quang phản chiếu, ngộ Tự Tánh Di Đà.

4.1.2. Tán Thán Môn (讚歎門)

          (Luận) Tận thập phương Vô Ngại Quang Như Lai.

          ()盡十方無礙光如來

          (Luận: Tột mười phương Vô Ngại Quang Như Lai).

          Tám chữ “tận thập phương Vô Ngại Quang Như Lai” là môn thứ hai, tức Tán Thán Môn, tán thán công đức của A Di Đà Phật. “Tận thập phương Vô Ngại Quang Như Lai” [thì Vô Ngại Quang] là dịch nghĩa đức hiệu của A Di Đà Phật. Kinh A Di Đà chép: “Bỉ Phật hà cố hiệu A Di Đà? Bỉ Phật quang minh vô lượng, chiếu thập phương quốc, vô sở chướng ngại, thị cố hiệu vi A Di Đà” (Cớ sao đức Phật ấy hiệu là A Di Đà? Đức Phật ấy quang minh vô lượng, chiếu mười phương cõi, chẳng bị chướng ngại, cho nên hiệu là A Di Đà). Đấy là lời giải thích cho câu này. Vì A Di Đà Phật vô lượng quang minh, có thể chiếu trọn khắp các quốc độ trong mười phương, cho nên mới gọi là A Di Đà.

          “Thập phương” là mười phương thế giới, phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, lại còn bốn góc, tức Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, lại còn phương trên và phương dưới, mỗi phương đều có vô lượng thế giới. Đại Thừa Khởi Tín Luận nói: “Hư không vô biên, cố thế giới vô biên. Thế giới vô biên, cố chúng sanh vô biên” (Do hư không vô biên nên thế giới vô biên. Do thế giới vô biên, nên chúng sanh vô biên). Đấy là vũ trụ quan Phật giáo. Vũ trụ quan của Phật giáo phù hợp [vũ trụ quan của] các nhà khoa học. Hư không trong kinh Phật là hư không vô lượng vô biên, các thế giới trong hư không là vô lượng vô biên thế giới. Khoa học hiện thời đã chứng minh, xác thực thế giới là vô lượng vô biên. “Tận thập phương Vô Ngại Quang Như Lai” tức là quang minh của A Di Đà Phật vô lượng, chiếu trọn khắp mười phương thế giới, chẳng bị chướng ngại, không phải chỉ là chiếu thấu thế giới này, còn thế giới kia chẳng chiếu tới!

* Giải trừ nghi hoặc

          Hỏi: Quang minh của A Di Đà Phật chẳng bị chướng ngại. Đã là chiếu trọn khắp mười phương thế giới, đương nhiên là sẽ chiếu thấu thế giới Sa Bà. Cớ sao chúng ta chẳng trông thấy?

          Đáp: Chướng ngại chẳng ở nơi Phật, mà thuộc về phía chúng ta. Cổ nhân có nêu một thí dụ: “Ánh mặt trời trọn khắp thiên hạ, nhưng kẻ mù chẳng thấy, chẳng phải là ánh mặt trời không trọn khắp”. Giống như ánh sáng mặt trời chiếu trọn khắp địa cầu, nhưng kẻ “sanh manh” chẳng trông thấy. “Sanh manh” (生盲) là người mù từ lúc lọt lòng, chưa từng thấy ánh sáng mặt trời, vậy thì có thể trách móc ánh nắng mặt trời chẳng chiếu đến kẻ ấy hay sao? Vì mắt kẻ ấy chẳng thấy, do vậy, chướng ngại thuộc về phía người sanh manh, chẳng phải do nơi mặt trời! Trong kinh Phật còn có một thí dụ: “Dương quang biến chiếu, bất chiếu phúc bồn” (ánh sáng mặt trời chiếu trọn khắp, chẳng chiếu chậu úp), [nghĩa là] cái chậu úp xuống, ánh sáng mặt trời chẳng thể soi thấu. Đó là vì quý vị đã úp chụp cái chậu xuống đất, ánh sáng mặt trời mới chẳng chiếu thấu. Trong thí dụ về kẻ sanh manh, chính là chúng sanh chẳng có con mắt trí huệ, chẳng trông thấy quang minh của đức Phật. Chúng ta có tròng mắt là nhục nhãn của phàm phu, bị nghiệp chướng ngăn ngại, chẳng thể khải phát trí huệ được. Vì thế, Phật có quang minh mà quý vị chẳng trông thấy. “Chẳng chiếu vào cái chậu úp” có nghĩa là trái nghịch giác, xuôi theo trần lao. Quý vị chẳng thấy quang minh của Phật, tức là quý vị đã trái nghịch giác quang của đức Phật, thuận theo trần lao, tâm của quý vị chẳng ứng hợp tâm Phật, cho nên chẳng trông thấy quang minh.

          Nói đến quang minh của Phật, giống như nói chuyện thần thoại, có chứng nghiệm. Quý vị hỏi đệ tử Phật tu hành, chỉ cần thiết thực dụng công tu hành, đã mở mắt trí huệ, sẽ đều có thể thấy quang minh của Phật. Chẳng phải là con mắt “ngũ nhãn viên minh” của đức Phật, mà là mắt của lũ phàm phu chúng ta, hễ quý vị khai trí huệ Phật được nhiều hay ít, sẽ đều có thể thấy quang minh của Phật. Tuy trí huệ chẳng khai tí nào, nhưng quý vị nghiêm túc, thiết thực tu hành, tâm của quý vị luôn trái nghịch trần lao, ứng hợp giác, ứng hợp với sự giác ngộ của Phật, quý vị sẽ trông thấy quang minh của Phật.

          Đây là Thiên Thân Bồ Tát mong nhất tâm quy mạng đảnh lễ, cho nên mới tán thán quang minh của A Di Đà Phật chiếu trọn khắp mười phương thế giới chẳng bị chướng ngại, chiếu trọn khắp mười phương thế giới chúng sanh. Vì A Di Đà Phật có đại trí huệ, cho nên mới có thể phóng đại quang minh cứu độ hết thảy chúng sanh, có ân đức đối với chúng sanh. Vì thế, chúng ta phải nên quy y Ngài.

4.1.3. Tác Nguyện Môn (作願門)

          (Luận) Nguyện sanh An Lạc quốc.

          ()願生安樂國。

          (Luận: Nguyện sanh cõi An Lạc).

          “Thế Tôn, ngã nhất tâm quy mạng” là Lễ Bái Môn, tức môn thứ nhất. “Tận thập phương Vô Ngại Quang Như Lai” nhằm tán thán quang minh, trí huệ và công đức của A Di Đà Phật là Tán Thán Môn, tức môn thứ hai. “Nguyện sanh An Lạc quốc” là môn thứ ba, tức Tác Nguyện Môn, Tác (作) là phát nguyện. Tôi quy mạng đảnh lễ Vô Ngại Quang Như Lai, tôi tán thán quang minh, trí huệ và công đức của A Di Đà Phật, tôi phát nguyện mong sanh về cõi An Lạc. Vì sao phải sanh về cõi An Lạc? Đó là một quốc gia rất bình an. Chúng ta ở trong thế giới Sa Bà, là một thế giới chẳng bình an, khổ não. Kinh Pháp Hoa nói: “Tam giới vô an, do như hỏa trạch” (Ba cõi chẳng yên, ví như nhà lửa). Giống như một căn nhà lớn bị hỏa hoạn; trẻ nhỏ chẳng biết, vẫn chơi đùa trong ấy. Quý vị gọi nó kiểu nào đi nữa, nó vẫn chẳng muốn đi ra. Lũ chúng sanh chúng ta ở trong thế giới Sa Bà đều là như vậy, cứ ngỡ cõi này rất an lạc, chẳng biết nơi đây là một thế giới rất nguy hiểm, rất đau khổ. Nói theo địa cầu của chúng ta, nó là Thành, Trụ, Hoại, Không. Địa cầu được thành lập thì gọi là Thành Kiếp. Hiện thời, [địa cầu] có thể an trụ, nên gọi là Trụ Kiếp. Trong tương lai, nó sẽ dần dần hư hoại, nên gọi là Hoại Kiếp. Đã hư hoại, chẳng có gì nữa, thì gọi là Không Kiếp. Trong tương lai, sẽ hư hoại như thế nào? Có tiểu tam tai và đại tam tai. Tiểu tam tai là:

          1) Đao binh tai: Ngươi giết ta, ta giết ngươi.

          2) Cơ cẩn tai: Mọi người chẳng có cơm ăn, chịu nỗi khổ đói kém.

          3) Dịch bệnh tai: Mọi người đều ngã bệnh, sanh ra các bệnh dịch.

          Đại tam tai là hỏa tai, thủy tai, và phong tai; kết quả là quả địa cầu bị hư hoại, tới khi đó, thảy đều mắc phải tai ương. Hiện thời tiểu tam tai và đại tam tai có thể phát khởi bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào. Đao binh tai thì như quý vị thấy thế giới đại chiến lần thứ hai (đệ nhị thế chiến) đã kết thúc, thế giới đại chiến lần thứ ba luôn có cơ hội để bộc phát bất cứ lúc nào. Chúng ta xem báo chí, thấy nhân dân Việt Nam đang hứng chịu tai ương chiến tranh, chẳng phải là rất đau khổ ư? Đã có đao binh tai, chiến tranh đã chết mấy chục vạn người, khắp nơi đều đầy dẫy tử thi, nhất định sẽ phát sanh ôn dịch. Chiến tranh thì vật chất, của cải đều bị phá hoại, nhất định sẽ gặp cơ cẩn tai (tai ương đói kém). Do vậy, bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào, cũng đều có thể phát sanh tai nạn.

          Ở đây, phải chú ý: Thiên Thân Bồ Tát phát nguyện sanh về An Lạc quốc chẳng phải là đi lánh nạn! Ngài đến thân cận A Di Đà Phật nhằm học bản lãnh cứu độ chúng sanh. Vì thấy chúng sanh gặp tai, gặp nạn, chính mình mong cứu độ hết thảy chúng sanh, nhưng do trí huệ và thần thông chẳng đủ, phải sanh về Tây Phương, thân cận A Di Đà Phật, hòng đạt được trí huệ và thần thông, [có thể] phân thân trọn khắp các cõi nhiều như vi trần. Không chỉ là chúng sanh trong thế giới Sa Bà phải hộ trì, mà chúng sanh trong mười phương thế giới cũng đều phải hộ trì. Do đó, Ngài phát ra đại tâm nguyện, nguyện sanh vào An Lạc quốc.

          Trong phần Kệ Tụng này, “Thế Tôn, ngã nhất tâm quy mạng” là môn thứ nhất, tức Lễ Bái Môn, lễ bái A Di Đà Phật. “Tận thập phương Vô Ngại Quang Như Lai” là môn thứ hai, tức Tán Thán Môn, tán thán Tây Phương giáo chủ A Di Đà Phật. Ở đây là dựa theo ý nghĩa Vô Lượng Quang để tán thán quang minh của A Di Đà Phật chiếu trọn khắp mười phương thế giới, chẳng bị chướng ngại. “Nguyện sanh An Lạc quốc” là môn thứ ba, tức Tác Nguyện Môn, phát nguyện sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trong phần Kệ Tụng này đã bao gồm ba Niệm Môn.

          (Luận) Ngã y Tu Đa La, chân thật công đức tướng, thuyết nguyện kệ tổng trì, dữ Phật giáo tương ứng.

          ()我依修多羅,真實功德相,說願偈總持,與佛教相應。

          (Luận: Con nương theo Khế Kinh, tướng công đức chân thật, nói nguyện kệ tổng trì, tương ứng lời Phật dạy).

          Bốn câu này nhằm tiếp nối phần trước, dẫn khởi phần sau, trần thuật ý chỉ tạo luận. Trong phần Kệ Tụng trên đây đã nói: Con đảnh lễ, tán thán, lại phát nguyện. Nay con muốn tạo Vãng Sanh Luận thì dựa vào kinh gì để tạo? “Ngã y Tu Đa La” (Con nương theo Khế Kinh). Tu Đa La (Sūtra) là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Khế Kinh (契經). “Khế giả hợp dã, thượng hợp chư Phật chi lý, hạ hợp chúng sanh chi cơ” (“Khế” là phù hợp, trên là hợp với lý của chư Phật, dưới là hợp căn cơ của chúng sanh). Phía trên là khế hợp với Lý của chư Phật, phía dưới phải ứng hợp căn cơ của chúng sanh. Đức Phật nói kinh đều luôn ứng hợp với Lý của chư Phật. Lý của chư Phật chính là lý Chân Như Thật Tướng. Vì thế, nếu chẳng ứng hợp đạo lý Chân Như Thật Tướng, sẽ chẳng phải là kinh điển Đại Thừa do đức Phật đã nói.

          Kinh điển Đại Thừa dùng Thật Tướng để ấn chứng, phù hợp lý Thật Tướng thì chính là kinh do đức Phật đã nói. Nếu không, chẳng phải là kinh Tiểu Thừa, mà là kinh của ngoại đạo. Lý Thật Tướng cao sâu, huyền diệu, nhưng đức Phật thuyết pháp “thâm nhập, thiển xuất” (chứng nhập sâu xa, nhưng diễn tả nông cạn), nói sao cho chúng sanh thấu hiểu. Nếu không, đức Phật nói kinh mà chúng sanh nghe chẳng hiểu, sẽ chẳng thể đạt được lợi ích. Vì thế, đức Phật nói kinh, quý vị đừng nên sợ [kinh Phật] quá cao sâu; hễ nghiên cứu, sẽ nhất định thấu hiểu. Vì kinh do đức Phật nói luôn khế hợp căn cơ của chúng sanh. Đức Phật nói kinh, có khi nói trên cõi trời, có lúc nói trong nhân gian. Kinh nói trên cõi trời phù hợp ứng hợp với căn cơ của chúng sanh trên cõi trời. Kinh nói trong nhân gian sẽ ứng hợp căn cơ của chúng sanh trong nhân gian. Chẳng có bộ kinh nào mà chúng ta chẳng thể thông hiểu. Quý vị nói “chẳng thông hiểu” là vì quý vị chẳng nghe, chẳng nghiên cứu!

          “Tu Đa La” tức là kinh Đại Thừa do đức Thích Ca Như Lai đã nói, ở đây là nói tới kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ nói về các thứ trang nghiêm nơi y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Y báo là sự trang nghiêm nơi quốc độ Tây Phương Cực Lạc thế giới; chánh báo là sự trang nghiêm của A Di Đà Phật và chư đại Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới.

          “Chân thật công đức tướng”: Nói tổng quát thì tướng công đức trang nghiêm nơi y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới như kinh Vô Lượng Thọ đã nói đều được thành tựu bởi công đức chân thật. “Chân thật” là chẳng hư dối, chẳng trá ngụy, là tướng công đức chân thật. Tây Phương Cực Lạc thế giới là do A Di Đà Phật sau khi đã xuất gia nơi Thế Tự Tại Vương Như Lai, đã phát nguyện muốn tạo lập một thế giới thanh tịnh trang nghiêm. Do vậy, Ngài trải qua vô lượng A-tăng-kỳ kiếp tu hành các thứ công đức thành tựu. Ngài luôn dựa trên Chân Như Thật Tướng để tu hành công đức, những công đức đã tu đều là công đức vô lậu. Vì thế, công đức sau khi thành tựu sẽ chẳng bị hư hoại.

          “Hữu lậu” (有漏) và “vô lậu” (無漏) là danh từ chuyên môn trong Phật giáo. “Lậu” (漏, Āśraya) là danh xưng khác của phiền não. Chúng sanh trong tam giới đều có phiền não. Những công đức dựa trên phiền não để làm sẽ đều bị hư hoại. Vì thế, gọi là Lậu. Giống như ở trong căn nhà bị dột, hoặc đồ vật bị rò rỉ. Nhà ở bị mưa dột thì gọi là “lậu lạc” (漏落). Nồi nấu cơm bị rỉ nước, rò rỉ đến cuối cùng chẳng còn nước, thì gọi là “lậu thất” (漏失, rỉ mất). Đối chiếu với công đức chúng ta đã làm trong tam giới thì chúng đều là công đức hữu lậu, đều là hư ngụy, chẳng chân thật, tức là công đức bị rò rỉ, chảy mất.

          Quý vị dựa trên cái tâm phiền não, gây tạo ác nghiệp, nhất định sẽ đọa vào ba ác đạo; quý vị tạo thiện nghiệp, quả báo vẫn chẳng thoát khỏi tam giới. Quý vị làm công đức ít, đời sau, đời kế, chuyển thành một người phú quý. Quý vị làm công đức to lớn, sanh lên cõi trời hưởng phước trời, đạt được quả báo nhân thiên. Quý vị làm công đức là nhân, sanh lên cõi trời hưởng phước trời là quả. Quý vị làm bao nhiêu công đức, sẽ đáng nên hưởng bấy nhiêu quả, có hạn độ nhất định. Kinh Địa Tạng đã nói rõ ràng: “Xả nhất đắc vạn báo” (Xả một, được báo cả vạn). Quý vị bố thí một đồng tiền, có thể hưởng thụ quả báo một vạn đồng. Do đó, quý vị sanh lên cõi trời, hưởng hết phước trời sẽ đọa xuống, đó gọi là “lậu lạc”. Vì quý vị dùng cái tâm phàm phu hữu lậu, cho nên công đức đã làm sẽ chẳng phải là vô lượng vô biên, quý vị đạt được quả báo cũng chẳng thể là vô lượng vô biên. Vì thế, phước trời khiến cho quý vị “xả một, đắc cả vạn, vẫn là có một hạn độ nhất định. Ví như quý vị làm công đức trên thế gian, đời sau, đời kế, chuyển sanh làm một người đại phú đại quý, cuộc sống hưởng quả báo tốt đẹp. Hưởng hết phước báo trong nhân gian, đời thứ ba có thể là ngay cả thân người còn chưa thể làm, lại còn phải đọa lạc trong ba ác đạo. Vì lúc quý vị đang hưởng phước phú quý, nếu bị hoàn cảnh phú quý mê hoặc, ngay cả công đức hữu lậu cũng chẳng làm, còn tạo các ác nghiệp, đời thứ ba nhất định đọa lạc. Đấy chính là “lậu lạc”. Quý vị sanh lên cõi trời, hưởng hết phước trời, quả báo công đức đã xong, quý vị tu công đức trong nhân gian, hễ hưởng hết phước báo trong nhân gian thì công đức bị mất đi, cho nên gọi là “lậu thất”.

          Tu hành trong thế giới Sa Bà, phải là sau khi đã chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn thì công đức đã làm mới thuộc loại vô lậu, thuận theo Pháp Tánh, hợp Thật Tướng. Trong phần trước, đã có nói Nan Hành Đạo và Dị Hành Đạo, tu hành trong thế giới Sa Bà, mong chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn đã khó lại càng khó hơn! Nếu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, do được nhiễm quang minh của A Di Đà Phật, sẽ chẳng thoái chuyển. Các thứ trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là do sau khi A Di Đà Phật chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, tu vô lượng A-tăng-kỳ kiếp công đức mà thành tựu. Vì Ngài đã tu công đức vô lậu chân thật, [những công đức ấy] sẽ không bị dột nát, rỉ mất.

          “Thuyết nguyện kệ tổng trì” (Nói nguyện kệ tổng trì): “Thuyết” là Thiên Thân Bồ Tát thuyết, tức là Ngài viết ra. “Nguyện kệ” là Nguyện Sanh Kệ; Ngài đã tạo Vãng Sanh An Lạc Quốc Kệ Tụng. “Tổng” là “tổng nhiếp” (總攝, thâu tóm chung lại). “Trì” là “nhậm trì” (任持, gìn giữ, duy trì). Kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất nhiều tướng công đức chân thật của y báo và chánh báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, chỉ sợ chúng sanh chẳng dễ ghi nhớ. Vì thế, đệ tử con là Thiên Thân nay dựa theo kinh Vô Lượng Thọ, lại nói Nguyện Sanh Kệ để thâu tóm tổng quát, giữ lấy tướng công đức chân thật, khiến cho chúng sanh xem bài Kệ Tụng do con viết, sẽ chẳng quên mất, dễ dàng phát nguyện tu hành. Vì sao con phải soạn Nguyện Sanh Kệ? Chính là nhằm chọn lựa các tướng công đức trong kinh Vô Lượng Thọ để nói tổng quát.

          “Dữ Phật giáo tương ứng” (Tương ứng với lời Phật dạy): “Phật” là nói tới Thích Ca Mâu Ni Phật. “Giáo” là những ngôn giáo do Như Lai đã nói, tức là những lời thuyết pháp của đức Phật. Kệ Tụng do con là Thiên Thân đã tạo, ứng hợp với ngôn giáo do đức Phật đã nói, chẳng trái nghịch những lời dạy bảo của đức Phật.

          Vừa mở đầu Phần Kệ Tụng, trước hết đã gọi “Thế Tôn”, tôi đã nói [danh xưng ấy] có hai thứ ý nghĩa:

          1) Một là tôn sư trọng đạo. Con làm đệ tử muốn tạo Vãng Sanh Luận, dựa theo kinh Phật để tạo. Trước hết, con phải bẩm cáo với thầy, giống như chúng ta làm chuyện gì, trước hết, phải hướng về cha mẹ thưa một tiếng.

          2) Hai là cầu Phật gia bị, tức là muốn “dữ Phật giáo tương ứng”. Chỉ sợ trí huệ của con chẳng đủ, cầu đức Thế Tôn gia bị con [khiến cho] Vãng Sanh Luận do con soạn sẽ ứng hợp nghĩa lý của kinh Vô Lượng Thọ.

          Còn có một thứ ý nghĩa nữa là cầu Phật ấn chứng, Vãng Sanh Luận do con soạn ra, thỉnh đức Thế Tôn chứng minh [những điều con đã viết] tương ứng với ngôn giáo do đức Phật đã nói.

          “Ngã y Tu Đa La, chân thật công đức tướng, thuyết nguyện kệ tổng trì, dữ Phật giáo tương ứng”: Phần Kệ Tụng này nhằm thừa tiếp phần kinh văn trước đó, con muốn nhất tâm quy mạng, tán thán Vô Ngại Quang Như Lai, con nguyện sanh trong An Lạc quốc, con muốn dựa theo kinh Vô Lượng Thọ để tạo luận, dùng những phần kinh văn kế tiếp để xiển dương, phát khởi.

          Trong năm Niệm Môn, phần kế tiếp thuộc môn thứ tư, tức Quán Sát Môn, [tức là] quan sát tướng công đức của y báo và chánh báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Kinh văn của phần Quán Sát Môn rất dài, chia thành ba đoạn lớn:

          1) Quan sát sự trang nghiêm được thành tựu bởi công đức nơi quốc độ của đức Phật ấy.

          2) Quan sát công đức thành tựu của chính đức Phật ấy.

          3) Quan sát sự trang nghiêm do thành tựu bởi công đức của các vị Bồ Tát trong cõi ấy.

          Tôi giảng trước về đoạn thứ nhất, tức sự trang nghiêm được thành tựu bởi công đức nơi quốc độ của đức Phật ấy, tức là phần quan sát y báo trang nghiêm (sự trang nghiêm nơi y báo). Y báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới bao gồm tất cả mười bảy loại trang nghiêm; dưới đây, sẽ giải thích từng điều một.

4.1.4. Quán sát môn (觀察門) (chia thành ba đoạn)

4.1.4.1. Quan sát sự trang nghiêm được thành tựu bởi công đức nơi quốc độ của đức Phật ấy (chia thành mười bảy tiểu đoạn)

4.1.4.1.1. Sự trang nghiêm được thành tựu bởi công đức thanh tịnh (tổng tướng)

          (Luận) Quán bỉ thế giới tướng, thắng quá tam giới đạo.

          ()觀彼世界相,勝過三界道。

          (Luận: Quán tướng thế giới ấy, vượt trỗi đạo tam giới).

          Hai câu này là quan sát loại thứ nhất trong mười bảy loại trang nghiêm nơi y báo, tán thán sự trang nghiêm thanh tịnh. “Quán bỉ thế giới tướng” tức là quan sát tổng tướng của Tây Phương Cực Lạc thế giới được thành tựu bởi công đức thanh tịnh. Thanh tịnh như thế nào? “Thắng quá tam giới đạo”, chúng ta chưa đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, hãy so sánh đôi chút để quý vị thấu hiểu cõi ấy vượt trỗi tam giới lục đạo của thế giới Sa Bà.

          Thế giới Sa Bà chia thành tam giới là Dục Giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới. Lại chia cặn kẽ hơn thì là sáu đường, gồm ba thiện đạo, tức thiên đạo, nhân đạo, A Tu La đạo; ba ác đạo là địa ngục đạo, ngạ quỷ đạo, và súc sanh đạo. Sáu đường ấy đều thuộc vào Dục Giới, vì chúng sanh trong lục đạo đều có tâm dâm dục. Vì thế, gọi chung là Dục Giới. Chư thiên trong sáu tầng trời của Dục Giới9

, thân thể của chúng sanh trong Sắc Giới rất thanh tịnh. Lên cao hơn nữa là Vô Sắc Giới. Chúng sanh trong giới này tu Tứ Không Định, xóa sạch thân tướng, chẳng có thân thể, bên trong chỉ có một tâm tư. Tam giới đều ở trong thế giới Sa Bà, gọi là “tam giới đạo”.

          Tam giới đạo bao gồm lục đạo. Ba ác đạo chẳng thể so sánh với Tây Phương Cực Lạc thế giới, vì ba ác đạo chẳng có bất cứ thứ trang nghiêm gì, chỉ có đau khổ. A Tu La đạo cũng chẳng thể đem ra so sánh, vì A Tu La đạo vẫn coi như là thuộc về tứ ác đạo. Chỉ so sánh với nhân đạo và thiên đạo, tức là đem so sánh sự trang nghiêm trong nhân gian và trên cõi trời thì [cả hai cõi ấy] đều thua kém sự trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Thắng quá tam giới đạo” thật ra là vượt trỗi nhân đạo và thiên đạo trong thế giới Sa Bà.

          “Tam giới đạo” là nói nhân thiên đạo có sự trang nghiêm, có vui sướng, nhưng chẳng thể sánh bằng Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì trong tam giới, tất cả sự trang nghiêm và phước báo hưởng thụ trong đường nhân thiên đều là tướng điên đảo, bất tịnh:

          1) Điên đảo: Hết thảy các pháp vô thường, nhưng họ chấp trước là thường. Hết thảy các pháp là khổ, họ chấp trước là vui. Hết thảy các pháp vô ngã, họ chấp trước là có một cái Ngã. Hết thảy các pháp bất tịnh, họ chấp trước là tịnh. Đấy đều là điên đảo.

          2) Bất tịnh: Tất cả các thứ trang nghiêm đều mang tánh chất ô nhiễm, họ ngỡ là thanh tịnh. Đấy gọi là tướng bất tịnh, điên đảo. Chẳng hạn như bảy báu trong thế gian, tức vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não, chúng ta chẳng có phước báo thì sẽ chẳng có được. Có phước báo thì đạt được. Hễ chấp trước bèn bị bảy báu xoay chuyển, khiến cho tự tánh thanh tịnh của chúng ta bị nhuốm bẩn. Do đó, bảy báu trong nhân gian chẳng phải là bảy báu thanh tịnh, nó sẽ ô nhiễm con người. Bảy báu trang nghiêm trên cõi trời, so với [bảy báu trong] nhân gian càng tốt, càng đẹp hơn, nhưng chúng nó ô nhiễm con người càng dữ dội hơn nữa. Quý vị sanh lên cõi trời, bất luận ai bảo quý vị tu hành, quý vị đều chẳng muốn tu hành. Vì thế, bảy báu trang nghiêm trong tam giới chẳng thể sánh bằng Tây Phương Cực Lạc thế giới. Bảy báu trong Tây Phương Cực Lạc thế giới toàn là tướng công đức thanh tịnh.

          Mọi người đều nói Phật pháp khó hiểu. Lão pháp sư Đàm Hư bảo: “Phật pháp rất dễ hiểu, tu hành rất dễ dàng, chứng quả cũng dễ dàng. Phật pháp chỉ có sáu chữ: Nhìn thấu, buông xuống, tự tại”. Quý vị đối với niềm vui ngũ dục trong thế gian đều nhìn thấu, chúng đều là những thứ chẳng thanh tịnh, nhuốm bẩn con người. Đã nhìn thấu bèn buông xuống, thảy đều trừ bỏ chúng, quý vị sẽ đạt được tự tại. Như vậy thì Phật pháp chẳng phải là rất dễ thấu hiểu, rất dễ tu hành, rất dễ đạt được lợi ích ư? “Nhìn thấu” thuộc về phương diện đạo lý. “Buông xuống” thuộc về phương diện tu hành. “Tự tại” là đạt được kết quả. Quý vị có thể tự tại hay không, tùy thuộc quý vị có nhìn thấu và buông xuống hay không? Kẻ chẳng hiểu Phật pháp đương nhiên là chẳng nhìn thấu! Chúng ta hằng ngày nghe kinh, thậm chí nghiên cứu đạo lý Phật giáo rất nhiều năm, nơi đạo lý đều hiểu rõ “chớ nên dấy động tâm tham bảy báu; đối với người nhà, quyến thuộc, niềm vui ngũ dục cũng đều chẳng nên tham”, tức là đã thấy thấu suốt nơi đạo lý, nhưng trên thực tế, quý vị chẳng buông xuống, là vì quý vị không chỉ chẳng buông xuống gia sản, quyến thuộc, vàng, bạc, của cải, mà ngay cả những thứ ham mê tầm thường, vẫn chẳng thể buông xuống được!

          Có một vị lão cư sĩ là một nhà đại tài chủ, đã học Phật rất nhiều năm, sống rất đạm bạc, nhưng chẳng thể buông xuống tiền tài nổi! Khi ấy đã phát hành tiền giấy, nhưng ông ta cho rằng: Hễ ngân hàng bị đóng cửa, tiền giấy sẽ vô dụng. Vì thế, ông ta chẳng tin tưởng tiền giấy, cho rằng tiền đúc bằng bạc mới là chân thật. Tiền bằng bạc trong nhà ông ta dùng chẳng hết, số tiền còn thừa đó chất chứa lại. Ông ta làm rất nhiều cái rương nhỏ để đựng bạc. Trong phòng ông ta để mấy chục cái rương nhỏ. Vị lão cư sĩ ấy hết tuổi thọ, đáng lẽ sanh về Tây Phương, người nhà quyến thuộc rất hiếu thuận, đều giúp trợ niệm A Di Đà Phật. Đến lúc đã sắp ra đi, ông ta chẳng thể nói năng, nhưng mắt chẳng ngớt ngó những cái rương nhỏ ấy. Con cái ông ta bỗng hiểu rõ: “Chắc là cha chẳng thể buông xuống những cái rương nhỏ ấy”. Con cái ngay lập tức làm những giải niêm phong, đem ấn chương của vị lão cư sĩ ấy đóng lên, dán các giải niêm phong lên những cái rương nhỏ đó, thưa với vị lão cư sĩ: “Cha ơi! Cha phải sanh về Tây Phương nhanh lên nhé! Trên những cái rương này của cha đều viết là đã niêm phong vào tháng đó, năm đó, người nào cũng đều chẳng thể động đến được!” Vị lão cư sĩ ấy mới nhắm mắt, thở hắt ra một hơi rồi qua đời. Con cái đều rất hoan hỷ, vì con cái đều hiểu Phật pháp, do giúp cha trợ niệm, cha nhất định sanh về Tây Phương.

          Chúng ta hãy nghiên cứu sâu hơn một bước nữa: Vị lão cư sĩ ấy có sanh về Tây Phương hay không? Bình thời, ông ta sống rất đạm bạc. Đấy chính là thấy thấu suốt, nhưng chẳng buông xuống tiền bạc được! Nếu buông xuống, lúc bình thời [đối với số bạc] chẳng dùng đến, phải nên đem làm công đức bố thí hết, tới khi lâm chung, sẽ chẳng bị vướng mắc, trở ngại, nhất định sẽ có thể sanh về Tây Phương. Khi lâm chung, ông ta chẳng thể nói năng, mắt vẫn cứ nhìn đi ngó lại những cái rương ấy. Con cái ông ta niêm phong rương, đóng ấn chương lên, ông ta mới nhắm mắt. Có thể thấy là ông ta chẳng buông tiền bạc xuống được, vướng mắc đầy bụng, làm sao có thể sanh về Tây Phương cho nổi?

          Đấy chính là trong đường nhân thiên của thế giới Sa Bà, những thứ bảy báu ấy chẳng phải là thứ thanh tịnh, chúng nhuốm bẩn tự tánh của chúng ta, nhuốm bẩn dữ dội! Thật ra, không chỉ là tiền bạc nhuốm bẩn con người, mà mỗi thứ ham mê đều có thể ô nhiễm con người, khiến cho quý vị trầm trệ, khiến cho quý vị chẳng sanh về Tây Phương. Chẳng hạn như quý vị học Phật đã rất nhiều năm, điều gì cũng đều thấy thấu suốt, đáng lẽ phải ăn chay trường, cớ sao còn phạm giới uống rượu? Đấy là một thứ ham mê, quý vị ngỡ chuyện này chẳng có gì đáng kể, kẻ uống rượu trong xã hội cả đống, nhưng đối với chuyện sanh về Tây Phương, nó trở thành vấn đề. Vì quý vị có một thứ tham đắm, còn có một thứ ô nhiễm. Nếu đến khi lâm chung, hãy còn có ý niệm muốn uống hai chén rượu; như vậy là đã bị một chút ham mê gây trở ngại, chẳng sanh về Tây Phương được! Nghĩ sâu hơn chút nữa: Quý vị chỉ cần có một thứ ham mê, chẳng hạn như không cai thuốc lá được. Tới khi mạng chung, sắp sanh về Tây Phương, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn quý vị, cơn ghiền thuốc nổi lên, [Phật và chư thánh] có thể đợi cho quý vị hút xong một điếu thuốc rồi mới sanh về Tây Phương hay không? Đấy là lời nói đùa, thật ra, đúng là một vướng mắc! Vì thế, đừng nên tham cầu niềm vui ngũ dục trong thế giới Sa Bà.

* Giải trừ nghi hoặc

          Hỏi: Có kẻ chẳng nương theo Phật Thích Ca và Thiên Thân Bồ Tát làm thầy, mà noi theo sự hướng dẫn của cái tâm vọng tưởng. Kẻ ấy thấy kinh Vô Lượng Thọ nói các thứ trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều do bảy báu thành tựu. Lại thấy kinh A Di Đà và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật cũng nói như vậy, bèn cho rằng: Ở trong thế giới Sa Bà, chúng ta dấy động tâm tham, sanh phiền não. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới toàn là bảy báu, chẳng phải là đã dẫn dụ chúng ta sanh tâm tham, sanh phiền não càng dữ dội hơn, làm sao có thể thành Phật cho được? Vì thế, người ta đừng nên sanh về Tây Phương. Vì hễ sanh về Tây Phương, [bảy báu[ sẽ làm hại họ, dẫn khởi sanh ra tâm tham!

          Đáp: Đấy chính là tự ngỡ chính mình thông minh, tưởng là trí huệ của chính mình cao minh hơn Phật Thích Ca và Thiên Thân Bồ Tát! Kẻ ấy chẳng hiểu Tây Phương Cực Lạc thế giới bảy báu trang nghiêm được thành tựu bởi công đức thanh tịnh, sẽ chẳng ô nhiễm con người. Bảy báu trong thế giới Sa Bà là thứ chẳng thanh tịnh, sẽ ô nhiễm con người, giống như vị lão cư sĩ tôi vừa mới nhắc đến, chẳng buông tiền bạc xuống được. Vì thế giới Sa Bà quá ít vàng ròng, ông ta mới chấp trước. Hễ chấp trước, sẽ chẳng buông xuống được, sẽ càng ngày càng tham, càng ngày càng chấp trước. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, toàn là bảy báu, đại địa toàn là vàng ròng, giống như xi-măng (cement) trong hiện tại, ai cũng chẳng đem cement bỏ vào rương khóa lại, vì cement chẳng đáng giá, chẳng phải là thứ hiếm thấy. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, vàng, bạc, lưu ly, pha lê v.v… là những vật liệu để xây dựng nhà ở, giống như gỗ, ngói ở nơi đây. Do vì bảy báu rất nhiều, không chỉ là chẳng tăng thêm tâm tham, mà còn sẽ trừ bỏ cái tâm tham nơi thế giới Sa Bà, bởi chẳng cần phải tham. Đấy là phương pháp vi diệu nhất để đoạn trừ tham phiền não.

          Ba tư lương trong pháp môn Tịnh Độ là Tín, Nguyện, Hạnh. Thứ nhất là phải tin, thứ hai là phải phát nguyện, thứ ba là phải tu hành. Tín là chẳng nghi. Hễ sanh nghi hoặc, tức là chẳng tin. Nếu quý vị có nỗi nghi hoặc ấy, hôm nay nghe tôi nói, hãy nên phá trừ nghi hoặc, sanh khởi tín tâm. Tây Phương Cực Lạc thế giới bảy báu trang nghiêm sẽ chẳng dẫn khởi cái tâm tham của quý vị. Đó là diệu dụng của A Di Đà Phật, đúng là diệu pháp để trừ khử cái tâm tham của chúng ta.

          Mười bảy loại trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới, loại thứ nhất là tổng trang nghiêm, tức tướng thành tựu, giống như chúng ta đến giảng đường của Chí Liên tinh xá, cảm giác thật sự thanh tịnh.

4.1.4.1.2. Trang nghiêm lượng công đức thành tựu

          (Luận) Cứu cánh như hư không, quảng đại vô biên tế.

          ()究竟如虛空,廣大無邊際。

          (Luận: Rốt ráo như hư không, rộng lớn không ngằn mé).

          Đây là loại thứ hai, tán thán sự trang nghiêm về lượng. Tây Phương Cực Lạc thế giới là thế giới to cỡ nào? “Cứu cánh như hư không, quảng đại vô biên tế” (Rốt ráo như hư không, rộng lớn không ngằn mé). Thật sự giống như hư không, hư không chẳng tìm thấy ngằn mé, Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng chẳng tìm thấy ngằn mé. Chúng sanh trong mười phương thế giới chỉ cần phát nguyện sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, bất luận bao nhiêu chúng sanh đều có thể sanh về. Vì quốc độ ấy chẳng có kích thước, không có cách nào tính toán nó rộng bao nhiêu cây số, cõi ấy vô lượng vô biên như hư không; chỉ cần quý vị phát nguyện sanh về đó, cõi ấy đều có thể dung nạp.

          Tôi bế quan tại chùa Bảo Thông thuộc Hồng Sơn, huyện Vũ Xương (tỉnh Hồ Bắc) bên Đại Lục. Phía sau quan phòng có một cái sân nhỏ để thoáng khí. Khi tôi ở ngoài sân, thường nghe thấy bên ngoài có một người đang ca hát, chẳng biết là ai đang ca hát? Chẳng biết hát bài gì? Tường vây quanh sân chẳng cao, tôi bèn bắc ghế tìm thử, trông thấy một vị sư phụ xuất gia. Ngôi chùa ấy có một đám trâu phóng sanh giao cho vị ấy trông nom, [vị ấy] được gọi là Ngưu Đầu Sư. Ông ta dắt trâu lên núi, thả cho trâu ăn cỏ, không có chuyện gì bèn ca hát. Tôi gọi ông ta: “Sư phụ ơi! Thầy đang hát bài gì vậy?” “Tôi hát lung tung đó mà”. “Thầy hát lung tung, sao có thể hát thành công đức gì cho được? Vì sao thầy không niệm A Di Đà Phật, trong tương lai có thể sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới liễu sanh thoát tử, chẳng uổng phí công sức xuất gia một phen? Vì sao cứ phải ca hát loạn cào cào?” Ông ta biết tôi là pháp sư bế quan, bèn đáp ứng: “Được rồi!”

          Ngày hôm sau, tôi vẫn nghe thấy ông ta ca hát, trong tâm tôi không buông xuống được, lại bắc ghế dòm xem, tôi nói: “Ngưu Đầu Sư, hôm qua tôi khuyên thầy niệm Phật, đừng nên ca hát, cớ sao thầy vẫn ca hát?” Hôm qua ông ta nói “được”, vì tôi là pháp sư, ông ta chẳng muốn cùng tôi biện luận. Hôm nay, tôi lại khuyên ổng, ổng nổi cáu: “Sanh hết về Tây Phương thì chỗ đâu mà ngồi?” (khi ấy, thính chúng cười ầm lên). Tôi lại khuyên ông ta: “Đấy là do thầy tự mình phân biệt! Tây Phương Cực Lạc thế giới là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, đó là do vô lượng công đức của A Di Đà Phật thành tựu, chẳng thể giống như thầy nghĩ là không dung nạp được! Thầy chẳng sanh về, làm sao biết [cõi ấy] sẽ chẳng dung nạp được? Thầy hãy thử niệm A Di Đà Phật trước xem. Thầy sanh về Tây Phương, nhất định là có chỗ ổn thỏa cho thầy. Thầy vẫn nên gắng niệm Phật đi”. Dường như ông ta chẳng muốn biện luận với tôi, bèn đáp: “Được! Được!” Ngày thứ ba, chẳng còn nghe ông ta ca hát nữa. Đại khái là ông ta vẫn chẳng chấp nhận lời tôi nói, đi qua chỗ khác để ca hát.

          Ở đây, Thiên Thân Bồ Tát tán thán Tây Phương Cực Lạc thế giới giống như hư không, là quốc độ được thành tựu bởi công đức chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật. Nhân chẳng thể nghĩ bàn, quả cũng chẳng thể nghĩ bàn, lũ phàm phu chúng ta chẳng thể suy tưởng nổi. Đấy là “rộng lớn, không ngằn mé”. Chúng sanh trong mười phương thế giới sanh về, cõi ấy đều có thể dung nạp!

4.1.4.1.3. Trang nghiêm tánh công đức thành tựu

          (Luận) Chánh đạo đại từ bi, xuất thế thiện căn sanh.

          ()正道大慈悲,出世善根生。

          (Luận: Chánh đạo đại từ bi, sanh thiện căn xuất thế).

          Đây là loại thứ ba, tán thán tánh trang nghiêm. “Tánh” là tự tánh, đây là nói Tây Phương Cực Lạc thế giới được thành tựu như thế nào? Tây Phương Cực Lạc thế giới được thành tựu bởi “chánh đạo đại từ bi, xuất thế thiện căn sanh”. Do vậy, thể tánh của Tây Phương Cực Lạc thế giới là chủng tánh Đại Thừa.

          Trước hết, giải thích hai chữ “chánh đạo”. Chẳng tà, chẳng lệch, thì gọi là Chánh Đạo. Trong phần trên, tôi đã thưa cùng quý vị, thánh nhân và phàm phu chia thành tổng cộng mười pháp giới. Đạo được hành bởi lục đạo phàm phu gọi là tà đạo. Thánh nhân Tiểu Thừa, tức Thanh Văn, Duyên Giác, tu đạo chẳng tà, nhưng thiên về tự lợi, cho nên là “thiên đạo” (偏道, đạo thiên vị, lệch lạc). Phật, Bồ Tát là thánh nhân Đại Thừa, tu đạo trung gian, tức là chánh đạo. Nhân là Bồ Tát, quả là Phật. “Chánh đạo” là chẳng tà nơi lục đạo, mà cũng chẳng lệch lạc nơi Nhị Thừa.

          Đạo tu bởi lục đạo phàm phu thì chúng sanh trong ba ác đạo đã tạo ác nghiệp, phải chịu khổ. Chúng sanh trong ba thiện đạo tu hữu lậu thiện nghiệp, đối với những thiện pháp đã tu đều chấp tướng. Do vậy, thiện pháp do lục đạo phàm phu tu tập đều là tà, chẳng chánh, chẳng ra khỏi tam giới, chẳng thoát khỏi luân hồi! Hàng Nhị Thừa vượt thoát tam giới, thoát khỏi luân hồi, chỉ biết tự lợi, chẳng chịu tạo lợi ích cho chúng sanh, họ chứng đắc Thiên Không Niết Bàn, chẳng thể phát sanh công đức Diệu Hữu, chẳng thể lợi ích chúng sanh. Vì thế, họ chẳng tà, nhưng lệch lạc. Chánh đạo Đại Thừa coi lợi tha là tự lợi. Khi lợi ích chúng sanh, chính mình đã đạt được lợi ích. Chẳng hạn như hành bố thí, dùng pháp để bố thí là tốt nhất. Quý vị phát tâm giảng kinh, thuyết pháp cho chúng sanh nghe, nhất định là chính mình trước hết phải nghiên cứu, mục đích là tạo lợi ích cho người khác, trên thực tế, chính mình đã đạt được lợi ích trước. Đạo lý khẩn yếu nhất ở đây là chớ nên chấp tướng. Hễ chấp tướng, sẽ sai lầm. Chúng ta độ chúng sanh, phải phát tâm giảng kinh, thuyết pháp. Hễ quý vị chấp trước, tất cả công đức giảng kinh, hoằng pháp thanh tịnh đều biến thành công đức hữu lậu, tức là rơi vào phía tà của phàm phu. Nhưng quý vị bỗng dưng phát đạo tâm, chính mình mong liễu sanh thoát tử, bèn đóng cửa tu hành, muốn xa lìa hết thảy chúng sanh, chẳng muốn lợi ích chúng sanh nữa, thì lại lệch về Nhị Thừa mất rồi! Do đó, người học Phật rất nhiều, người đạt được lợi ích nơi Đại Thừa rất ít, [bởi lẽ], suốt ngày từ sáng đến tối bận bịu gây tạo lợi ích cho chúng sanh, nhưng đều là thực hiện công đức hữu lậu của phàm phu, chẳng phải là rơi vào tà của phàm phu lục đạo, thì cũng là lệch về Nhị Thừa. Chẳng đi theo chánh đạo Đại Thừa, làm sao có thể thành Phật cho được? Vì thế, A Di Đà Phật thành tựu Tây Phương Cực Lạc thế giới, lợi ích hết thảy chúng sanh mà chẳng chấp tướng, Ngài đi theo chánh đạo.

          “Chánh đạo đại từ bi”: “Từ bi” thì Từ là có thể ban vui, Bi là có thể dẹp khổ. Ban sự vui sướng cho chúng sanh thì là từ tâm; dẹp trừ nỗi khổ não cho chúng sanh thì là bi tâm. Cái tâm ấy giống như cha mẹ thương con đau đáu. Con cái chẳng vui sướng, [cha mẹ] nhất định sẽ ban cho con sự vui sướng, sẽ cho con cái ăn ngon. Thấy con cái ăn rất vui vẻ, cha mẹ cũng rất hoan hỷ. Sự vui sướng của con cái là do cha mẹ ban cho, đấy gọi là Từ Tâm. Con cái sanh bệnh, cha mẹ ngay lập tức kiếm bác sĩ, cho con uống thuốc, dẹp trừ nỗi đau khổ cho con. Đó là Bi Tâm.

          Nhưng cha mẹ ban vui, dẹp khổ, chẳng thể ban cho niềm vui xuất thế, chẳng thể dẹp nỗi khổ sanh tử luân hồi. Vì thế, lòng từ bi của cha mẹ chẳng phải là là lòng từ bi của Phật. Lòng từ bi của Phật thì “ban vui” sẽ là ban cho niềm vui xuất thế gian, niềm vui Bồ Đề, niềm vui Niết Bàn, khiến cho hết thảy chúng sanh đều thành Phật. Dẹp khổ thì sẽ dẹp trừ hết thảy phiền não của chúng sanh, khiến cho họ vượt thoát tam giới, thoát khỏi luân hồi. Dẹp trừ nỗi khổ Phần Đoạn sanh tử trong tam giới, dẹp trừ nỗi khổ Biến Dịch sanh tử ngoài tam giới, đấy mới là lòng từ bi của Phật. Lòng từ bi của cha mẹ chỉ là đau đáu yêu thương con cái của chính mình, chẳng thể đau đáu yêu thương con cái của kẻ khác, chỉ có thể biểu lộ lòng từ bi theo pháp thế gian, chẳng biết pháp xuất thế gian. Do đó, lòng từ bi của cha mẹ có tâm lượng quá nhỏ, chẳng thể gọi là đại từ bi!

          Đại từ bi là không chỉ ban cho niềm vui thế gian, dẹp trừ nỗi khổ thế gian, mà còn phải ban cho niềm vui xuất thế gian, phải dẹp trừ sanh tử ở ngoài tam giới, lại còn chẳng phải là vì quyến thuộc của một cá nhân, mà là ban vui cho hết thảy chúng sanh, dẹp khổ cho hết thảy chúng sanh. Đấy mới là đại từ bi.

          Theo Phật lý, từ bi sẽ do mức độ sâu hay cạn khác nhau, mà có ba loại:

          1) Chúng Sanh Duyên Từ Bi (眾生緣慈悲): Tức là khuếch đại cái tâm yêu thương con cái của cha mẹ. Đối với hết thảy chúng sanh, hễ người già thì ta đều coi họ như cha mẹ của chính mình. Kẻ tuổi tác không sai khác chúng ta cho mấy, coi họ là anh chị em của ta. Kẻ trẻ tuổi hơn chúng ta, ta coi họ như con cái của chính mình. Khuếch đại cái tâm từ bi đối với người nhà quyến thuộc của chính mình, coi hết thảy chúng sanh đều là người nhà quyến thuộc của chính mình. Đấy là Chúng Sanh Duyên Từ Bi, vì chúng sanh đều sanh tử luân hồi trong lục đạo. Đời này có cha mẹ, anh em trai, chị em gái của ta trong đời này. Đời trước cũng có cha mẹ, anh em trai, chị em gái và con cái của ta trong đời trước; đời trước nữa cũng thế. Sống sống, chết chết như thế, trong cái nhìn của đức Phật, mọi người đây kia đều đã từng là người nhà, quyến thuộc. Quý vị suy nghĩ như vậy, ta muốn ban vui, hãy ban vui cho hết thảy chúng sanh. Ta muốn dẹp khổ thì dẹp khổ cho hết thảy chúng sanh. Đấy là Chúng Sanh Duyên Từ Bi. Đệ tử Phật sơ phát tâm đều là phàm phu, quán tưởng như vậy, dùng lòng từ bi như vậy để độ chúng sanh thì là Chúng Sanh Duyên Từ Bi.

          2) Pháp Duyên Từ Bi (法緣慈悲): Hàng Nhị Thừa chứng đắc Ngã Không, Bồ Tát chứng đắc Pháp Không. Bồ Tát hiểu hết thảy các pháp đều là Không, thoát ly hết thảy các khổ, thương xót hết thảy chúng sanh, nương theo lý Pháp Không để độ chúng sanh, nhưng chẳng chấp trước tướng chúng sanh, thì gọi là Pháp Duyên Từ Bi.

          3) Vô Duyên Từ Bi (無緣慈悲): Đức Phật tùy ý tự nhiên có một loại từ bi, chẳng hạn như: “Hồng chung tại giá, hữu khấu tắc minh” (Hồng chung treo trên giá, hễ đánh bèn kêu). Ví như ở đại điện của chùa miếu có treo một quả hồng chung, quý vị gõ nhẹ, nó sẽ kêu khẽ, gõ mạnh bèn kêu to. Sức gõ nhỏ thì âm thanh nhỏ, sức gõ mạnh thì âm thanh to, nhưng chuông trọn chẳng động niệm, nghĩ sẽ ban cho quý vị tiếng nhỏ, hay ban cho tiếng lớn. Nó tự nhiên có thể phát ra âm thanh; đó gọi là Vô Duyên. Đức Phật là như thế đó, Ngài chẳng động niệm “ban cho quý vị một niềm vui, dẹp một nỗi khổ cho quý vị”, nhưng chỉ cần quý vị thân cận Phật, tự nhiên sẽ được lợi ích “ban vui, dẹp khổ”. Đó gọi là Vô Duyên Từ Bi.

          Hàng Sơ Phát Tâm Bồ Tát chúng ta đều là phàm phu; chúng ta mong lợi ích chúng sanh, đó là Chúng Sanh Duyên Từ Bi, nhưng nhất định phải quán tưởng Pháp Duyên Từ Bi và Vô Duyên Từ Bi. Nay chúng ta chẳng chứng Pháp Không của Bồ Tát, mà cũng chưa thành Phật, nhất định phải hướng theo đó mà dụng công. Quý vị chẳng hiểu đạo lý Pháp Không và Vô Duyên, chỉ dùng Chúng Sanh Duyên Từ Bi, kết pháp duyên chẳng thanh tịnh với chúng sanh, sẽ sanh ra ái kiến phiền não. Như tôi vừa mới nói, “chúng ta lợi ích chúng sanh chớ nên chấp tướng”. Đấy gọi là “chánh đạo đại từ bi”. Khi quý vị từ bi với chúng sanh, ban vui, dẹp khổ, quý vị chẳng biết đạo lý Pháp Không và Vô Duyên, hễ quý vị chấp tướng bèn dấy tâm tham ái. Chúng sanh này có duyên với quý vị, tiếp nhận sự hóa độ của quý vị, quý vị cảm thấy chúng sanh ấy tốt lắm, bèn tham ái kẻ đó, dấy lên một thứ tri kiến gọi là “ái kiến”, tăng thêm ái kiến phiền não. Kẻ kia chẳng nghe quý vị giáo hóa, quý vị bèn sanh lòng ghét bỏ, căm hận. Kết quả là chẳng đáng nên tham mà lại tham, chẳng đáng nên sân mà lại sân. Quý vị chẳng quán Không, nên sanh ngu si. Chúng ta vốn lợi ích chúng sanh, tức là ban vui, dẹp khổ, kết quả là chẳng dẹp trừ phiền não của chính mình, từ ái kiến phiền não mà sanh ra sân, từ sân mà sanh ra si. Tham, sân, si phát sanh, vì độ chúng sanh mà tăng thêm những phiền não mới. Do vậy, phải từ bi, nhưng đừng nên chấp tướng, hiểu đạo lý Pháp Duyên Từ Bi thì sẽ là Pháp Không, hiểu đạo lý Vô Duyên Từ Bi thì đừng nên dấy động cái tâm duyên lự.

          “Chánh đạo đại từ bi, xuất thế thiện căn sanh”: Trong lúc tu nhân, A Di Đà Phật hành Bồ Tát đạo, đấy là chánh đạo, lợi ích chúng sanh, nhưng chẳng chấp tướng, chẳng lệch về phàm phu, chẳng lệch về Nhị Thừa. Đi theo chánh đạo là đạo Đại Thừa, tức là Pháp Duyên Từ và Vô Duyên Từ. Tuy Từ có thể ban vui, Bi là có thể dẹp khổ, nhưng chẳng chấp tướng; đấy chính là thiện căn xuất thế. Nếu không, hễ chấp tướng, công đức sẽ biến thành hữu lậu, rơi vào pháp thế gian. Từ thiện căn xuất thế gian, sanh ra Tây Phương Cực Lạc thế giới; do đó, bản tánh của Tây Phương Cực Lạc thế giới là chánh đạo đại từ bi, là tâm thiện căn xuất thế.

4.1.4.1.4. Trang nghiêm hình tướng công đức thành tựu

          (Luận) Tịnh quang minh mãn túc, như kính nhật nguyệt luân.

          ()淨光明滿足,如鏡日月輪。

          (Luận: Quang minh sạch trọn đủ, như gương, vầng nhật nguyệt).

          Đây là loại thứ tư, tán thán sự trang nghiêm nơi hình tướng, ý nói diện mạo bên ngoài của Tây Phương Cực Lạc thế giới là như thế nào? “Tịnh quang minh mãn túc”: Quang minh thanh tịnh sung mãn trọn đủ, đầy khắp thế giới đều là quang minh thanh tịnh, nhưng chúng ta chẳng thấy, [cho nên] có thể dùng tỷ dụ [để dễ hình dung hơn]. “Như kính, nhật, nguyệt luân” (như gương, như mặt trời, mặt trăng): “Như” là giống như. Quang minh thanh tịnh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới giống như gương, vầng mặt trời, vầng mặt trăng trong thế giới Sa Bà. Thật ra, gương trong thế giới Sa Bà chẳng thanh tịnh bằng sự thanh tịnh của Tây Phương Cực Lạc thế giới, vầng mặt trời, mặt trăng trong thế giới Sa Bà đều chẳng bằng quang minh thanh tịnh của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì sao biết là chẳng sánh bằng? Vì trong phần trước, đã có một câu tán thán chung: “Quán bỉ thế giới tướng, thắng quá tam giới đạo” (Quán tướng thế giới ấy, vượt trỗi tam giới đạo). Tướng công đức thanh tịnh của Tây Phương Cực Lạc thế giới vượt trỗi thế giới Sa Bà. Tỷ dụ này khiến cho chúng ta biết Tây Phương Cực Lạc thế giới trọn đủ quang minh thanh tịnh.

4.1.4.1.5. Trang nghiêm các thứ sự công đức thành tựu

          (Luận) Bị chư trân bảo tánh, cụ túc diệu trang nghiêm.

          ()備諸珍寶性,具足妙莊嚴。

          (Luận: Đủ tánh các trân bảo, đầy đủ diệu trang nghiêm).

          Đây là loại thứ năm, tán thán các thứ trang nghiêm nơi Sự. “Bị chư trân bảo tánh” (đầy đủ tánh chất của các thứ trân bảo): “Bị” (備) là đầy đủ, “chư” (諸) là rất nhiều, công đức kiểu nào cũng đều có. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, hết thảy các món quý báu không gì chẳng trọn đủ. Chẳng hạn như trong kinh Di Đà nói bảy báu, tức vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não, chính là thuận theo những thứ mà mọi người trong thế giới Sa Bà đều biết. Thật ra, Tây Phương Cực Lạc thế giới có vô lượng món trân bảo. “Cụ túc diệu trang nghiêm” (Trang nghiêm mầu nhiệm trọn đủ): Trân bảo là những vật phẩm trang hoàng, hết thảy các vật trang nghiêm đều do trân bảo hợp thành. Tây Phương Cực Lạc thế giới, bất luận là cỏ trên mặt đất, cây bên đường, lầu gác, ao hoa sen, thảy đều là do các món trân bảo thành tựu. “Diệu” (妙) là chẳng thể nghĩ bàn. Tây Phương Cực Lạc thế giới trọn đủ các thứ trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn!

          “Bị chư trân bảo tánh” (trọn đủ tánh trân bảo): Chữ Tánh (性) rất quan trọng. Cớ sao Tây Phương Cực Lạc thế giới có trân bảo nhiều ngần ấy? “Tánh” là “vốn có”. Bản tánh của Tây Phương Cực Lạc thế giới trọn đủ trân bảo, cho nên mới có thể có trân bảo nhiều ngần ấy. Bản tánh do A Di Đà Phật chứng đắc, nơi phía chúng sanh chúng ta thì gọi là Phật Tánh, nơi hết thảy các pháp thì gọi là Pháp Tánh. Tánh được chứng đắc khi thành Phật thì gọi là Niết Bàn. Tức là Ngài đã chứng đắc diệu tánh Niết Bàn, trong ấy, tự nhiên trọn đủ vô lượng trân bảo. Niết Bàn (Nirvāṇa) là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán, dịch theo lối cũ (trước thời ngài Huyền Trang) là Tịch Diệt (寂滅), dịch theo lối mới là Viên Tịch (圓寂).

          Tịch Diệt có nghĩa là tịch tĩnh. Không chỉ là hết thảy các pháp hữu vi là tịch tĩnh, ngay cả pháp vô vi cũng tịch tĩnh thì mới gọi là Niết Bàn. Chúng sanh từ vô thỉ kiếp tới nay, một mực luân hồi trong lục đạo, lưu chuyển sanh tử. Tịch Diệt nghĩa là diệt trừ nỗi khổ sanh tử, đấy là cách giải thích theo Niết Bàn chứng đắc bởi hàng Tiểu Thừa, tức là Niết Bàn chứng đắc bởi Tứ Quả A La Hán. Cho đến khi quả báo của người ấy đã tận, người ấy nhập Niết Bàn, sẽ “hôi thân mẫn trí” (灰身泯智). “Hôi thân” (Thân hóa thành tro) là chẳng cần thân thể nữa, dùng lửa tam-muội thiêu thân thể thành tro. “Mẫn trí”: “Mẫn” là “mẫn diệt” (泯滅, diệt mất), [“mẫn trí” là] trí huệ cũng chẳng cần, dùng Diệt Tận Định để diệt trừ nó, tức là từ đấy trở đi, chẳng còn thọ thân hậu hữu (thân trong đời sau), chẳng còn thọ sanh trong tam giới nữa, bèn gọi là Tịch Diệt. Do Niết Bàn chứng đắc bởi hàng Tiểu Thừa có nghĩa là Tịch Diệt, hết thảy các pháp hữu vi và pháp vô vi thảy đều vắng lặng, hết thảy sanh tử đều diệt trừ. Khi ấy, bèn “hôi thân, mẫn trí”, trong thế giới chẳng có chúng sanh ấy nữa. Họ chứng đắc Thiên Không Niết Bàn, trọn đủ công đức thì là tịch diệt.

          Đại Thừa Niết Bàn viên tịch, Viên là viên mãn, Tịch là tịch diệt. Dịch theo lối cũ [thì Niết Bàn] được dịch là Tịch Diệt, chỉ có Tịch, chẳng có ý nghĩa Viên. “Viên Tịch, đức vô bất bị, viết Viên; chướng vô bất tận, viết Tịch” (Viên Tịch: Không đức nào chẳng đủ là Viên, không chướng nào chẳng tận là Tịch). “Đức vô bất bị”: Hết thảy công đức đều viên mãn thì gọi là Viên. “Chướng vô bất tận”: Hết thảy các chướng ngại chia thành hai loại lớn, tức là Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng thảy đều đoạn hết, thì gọi là Tịch. Như thế bèn chứng đắc Đại Thừa Niết Bàn. Niết Bàn do Đại Thừa chứng đắc trọn đủ hết thảy công đức; nói tổng quát thì có ba đức:

          1) Pháp Thân Đức: Phật chứng đắc Niết Bàn, thành Pháp Thân Phật. Pháp Thân Phật tức là lấy tánh của hết thảy các pháp làm thân. Cái được Pháp Tánh thành tựu chính là Lý Thể. Hết thảy các pháp đều có một chân lý. Hết thảy các pháp là tướng sai biệt, nhưng chân lý chẳng hai! Chứng đắc chân lý duy nhất, sẽ chứng đắc bản tánh của hết thảy các pháp. Khi ấy bèn chứng đắc Pháp Thân. Đại Thừa Niết Bàn trọn đủ Pháp Thân Đức.

          2) Bát Nhã Đức: Bát Nhã (Prajñā) dịch sang tiếng Hán là trí huệ. Hàng Tiểu Thừa chứng đắc trí huệ, họ nhập Niết Bàn “mẫn diệt” bèn chẳng cần [đến trí huệ ấy] nữa. Trong Đại Thừa Niết Bàn vốn trọn đủ trí huệ Bát Nhã, có thể như thật liễu tri tướng của hết thảy các pháp. Đối với lý Chân Như Thật Tướng của các pháp tướng sai biệt đều thấu hiểu rốt ráo viên mãn, nên gọi là trí huệ Bát Nhã.

          3) Giải Thoát Đức: Sau khi đã tự mình giải ngộ chân lý, thoát khỏi hết thảy sanh tử, thì gọi là Giải Thoát. Hàng Tiểu Thừa diệt trừ sanh tử, bèn nhập Thiên Không Niết Bàn. Hàng Đại Thừa trừ diệt sanh tử, xa lìa hết thảy các phiền não, đạt được đại tự tại thì gọi là Giải Thoát Đức.

          Pháp Thân Đức, Bát Nhã Đức, và Giải Thoát Đức là ba thứ công đức trọn đủ trong Đại Niết Bàn. Mỗi loại công đức ấy đều trọn đủ bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

          1) Thường Đức: Nói theo Thể, quý vị chứng đắc bản tánh Lý Thể của Đại Niết Bàn thường trụ bất biến, tức là vĩnh hằng chẳng thay đổi, chẳng còn sanh diệt nữa. Đấy là Thường. Nói theo Dụng thì tùy duyên hóa dụng, vĩnh viễn chẳng ngưng dứt. Quý vị chứng đắc Đại Niết Bàn thành Phật, trọn đủ lâu xa hết thảy các công đức, có Thường Đức tùy duyên hóa độ chẳng đoạn tuyệt.

          2) Lạc Đức: Nói theo Thể, sau khi quý vị đã thành Phật, chứng đắc bản thể của Đại Niết Bàn là tịch diệt, vĩnh viễn an ổn, chẳng còn sanh diệt nữa, bèn có một loại Thiền lạc vĩnh viễn. Nói theo Dụng, vị ấy giáo hóa chúng sanh, vận dụng tự tại, việc làm thuận lòng. Quý vị có thể ứng cơ thuyết pháp, tùy loại giáo hóa hết thảy chúng sanh, hành động đều vừa lòng thỏa ý, đắc một loại pháp lạc [như thế đó].

          3) Ngã Đức: Phàm phu chấp trước một cái Ngã. Ngã ắt cần có một tự thể. Ngã ắt cần phải tự mình có thể làm chủ, có thể tự tại. Phàm phu chẳng có tự thể, có gì để gọi là Ngã? Bên ngoài có một thân thể, trong là một cái tâm, hợp lại thì gọi là Ngã. Nhưng thân thể là do Địa, Thủy, Hỏa, Phong giả hợp, chẳng thể gọi là Ngã. Trong thì có tâm vọng tưởng, tức là Thọ, Tưởng, Hành, Thức, bốn thứ tác dụng hợp thành, cũng chẳng có một cái Thể chân thật. Chính mình chẳng thể làm chủ, chẳng được tự tại, chẳng thể gọi là Ngã. Quý vị chứng đắc bản thể Đại Niết Bàn, là bản thể chân thật, mặc tình tự tại, có phẩm đức tự tại, nên gọi là Ngã.

          4) Tịnh Đức: Nói theo Thể, bản thể của Niết Bàn giải thoát hết thảy cấu nhiễm, chẳng có pháp ô nhiễm; vì thế, bản thể là thanh tịnh. Nói theo Dụng, nó tùy duyên giáo hóa hết thảy chúng sanh, độ chúng sanh mà chẳng bị chúng sanh ô nhiễm. Do vậy, gọi là Tịnh Đức.

          Đấy là giải thích theo lý luận, thuộc về thuật ngữ chuyên môn, chẳng dễ hiểu cho lắm! Nêu một thí dụ về chứng đắc Lý Thể của Niết Bàn là như thế nào? Chúng tôi chỉ nói về Tịnh Đức, giống như bản thể của vàng ròng trong thế gian có phẩm đức thanh tịnh, xa lìa hết thảy các ô nhiễm. Nói theo Dụng, nó tùy duyên mà chẳng bị nhiễm duyên. Dùng vàng tạo thành tượng Phật thì là tịnh duyên, nó chẳng bị nhiễm bởi tịnh duyên. Đem vàng chế thành ống nhổ thì là nhiễm duyên, vẫn chẳng bị nhiễm duyên nhuốm bẩn. Nó chẳng bị nhiễm bởi tịnh duyên, mà cũng chẳng bị nhiễm bởi sở duyên; do vậy, bản thể của vàng ròng có Tịnh Đức.

          Niết Bàn có đức thanh tịnh, chẳng bị ô nhiễm, giống như Thích Ca Mâu Ni Phật giáng hạ nhân gian, thị hiện tám tướng thành đạo. Ngài nhập thai trong bụng phu nhân Ma Da, đó là chỗ nhơ bẩn nhất, nhưng Ngài chẳng bị nhuốm bẩn. Trong tám tướng thành đạo của Đại Thừa, có một tướng là Trụ Thai. Ở trong bụng mẹ, Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng rảnh rỗi, vẫn là giống hệt như mở đạo tràng, chuyển pháp luân, độ chúng sanh, vì Niết Bàn do Ngài chứng đắc vốn có Tịnh Đức. Nói ra những công đức và diệu dụng của Phật, nhằm bảo chúng ta hãy học theo. Công đức của Phật cao vòi vọi, đều là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn! Vì sao mà ở trong bụng mẹ vẫn chuyển pháp luân? Trong tương lai, chúng ta thành Phật, cũng sẽ giống như vậy, chúng ta phải học theo.

          Dùng Bồ Tát làm thí dụ, Lục Tổ đại sư sau khi được Ngũ Tổ truyền y bát, vì nhân duyên hoằng pháp còn chưa chín muồi, Ngài ẩn thân trong đội thợ săn suốt mười lăm năm. Thợ săn ở trên núi săn dã thú và chim chóc, là nơi chốn tạo ác nghiệp, nhưng Lục Tổ đại sư chẳng bị ô nhiễm. Đấy là Ngài học theo Tịnh Đức của Phật. Thợ săn thì phải sát sanh, Lục Tổ ở trong đội thợ săn, đương nhiên là bị giao phó công việc sát sanh. Người ta bảo Ngài đi săn cọp, sói, Ngài giả vờ chẳng biết săn. Họ thấy Ngài vô dụng, sai Ngài trông lưới. Bẫy chim chóc và các loài thú thì phải dùng lưới. Chim chóc đụng phải lưới, bị mắc lưới, chẳng cần Ngài đến bắt. Động vật sa vào lưới, Ngài báo cho họ biết là được rồi. Nếu chẳng có thợ săn bên cạnh, Ngài liền thả những con vật bị mắc lưới. Người ta hỏi Ngài vì sao suốt ngày chẳng có thu hoạch gì? Ngài nói: “Động vật chẳng sa vào lưới, làm sao tôi bắt nổi!” Ở trong ác nghiệp sát sanh ô nhiễm, mà Ngài chẳng bị ô nhiễm. Ăn cơm thì thợ săn đều dùng thịt làm thức ăn, Ngài không ăn thịt chúng sanh, tự mình lên núi kiếm chút rau dại. Người ta hỏi Ngài: “Vì sao không ăn thịt?” Ngài nói: “Dạ dày của tôi chẳng tốt, ăn thịt sẽ bị tiêu chảy”. Do đó, Ngài ăn rau bên cạnh thịt, vẫn chẳng bị hoàn cảnh xấu hèn nhuốm bẩn. Đấy chính là tâm gương khéo học đức Tịch Tĩnh của Niết Bàn. Chúng ta học Phật chưa được, trước hết hãy học theo tổ sư, ở trong cảnh giới ô nhiễm mà chẳng bị ô nhiễm, sẽ ứng hợp với Tịnh Đức của Niết Bàn.

          “Bị chư trân bảo tánh”: “Tánh” là tánh Niết Bàn. Thành Phật bèn chứng đắc hai thứ quả, một là Bồ Đề quả, hai là Niết Bàn quả. Bồ Đề quả tức là trí huệ quả; Niết Bàn quả là lý tánh quả, thật ra, vẫn là một quả! Vì sao thành Phật có hai quả? Nói theo phương diện trí huệ, Ngài trọn đủ hết thảy trí huệ, nên gọi là Bồ Đề quả. Nói theo phương diện lý tánh, Ngài chứng đắc viên mãn Lý Thể của Niết Bàn, nên gọi là Niết Bàn quả.

          Tánh trong “bị chư trân bảo tánh” chính là nói tới Đại Niết Bàn của Phật mà A Di Đà Phật đã chứng đắc, nó trọn đủ hết thảy công đức, trọn đủ hết thảy các thứ trân bảo trang nghiêm. Nơi Lý Thể bèn trọn đủ hết thảy công đức, nên gọi là “lý cụ” (理具, đầy đủ về Lý). Làm thế nào để có thể chứng đắc Lý Thể của Niết Bàn? Quý vị tu hành thì gọi là Sự Tu (事修, tu nơi mặt Sự). Ai nấy đều có Phật Tánh, tức là nói theo đạo lý, chứ trên sự thật, chúng ta vẫn là phàm phu. Chẳng tu hành, hết thảy các công đức sẽ chẳng thể hiện tiền. A Di Đà Phật đối trước Thế Tự Tại Vương Phật, phát ra bốn mươi tám đại nguyện, nương vào nguyện mà dẫn khởi hạnh, dẫn khởi Hạnh Môn của Bồ Tát, tu hành Lục Độ. Lục Độ triển khai rộng ra sẽ là muôn loại Hạnh Môn, tức là vô lượng Hạnh Môn, không điều thiện nào chẳng tu, tu trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp. Lợi ích chúng sanh, kết quả là tự lợi. Ngài tu viên mãn công đức nơi sự tướng, chứng đắc Niết Bàn, bản tánh trọn đủ các thứ trang nghiêm.

          Tịnh Độ Tông của Phật giáo niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới; Gia Tô Giáo cầu nguyện thượng đế, cầu sanh thiên quốc, thoạt nghe thì ý nghĩa chẳng sai khác cho mấy, nhưng đạo lý khẩn yếu nhất trong ấy khác nhau. Trong lý luận của Phật giáo, bất cứ đạo lý nào cũng đều có nhân và quả. Nhân quả là tổng cương (cương lãnh tổng quát) của mười hai bộ loại trong Tam Tạng. Chẳng có nhân quả, sẽ không thể thuyết pháp được. Nhất định phải là nhân như thế nào thì mới có thể đạt được cái quả như thế ấy. Phàm phu là như thế, mà thánh nhân cũng là như thế. Vì sao phàm phu đọa vào ba ác đạo? Vì đã tạo cái nhân của ác đạo. Quý vị tạo cái nhân địa ngục, đọa vào địa ngục đạo. Tạo cái nhân ngạ quỷ, đọa vào ngạ quỷ đạo. Tạo cái nhân súc sanh, đọa vào súc sanh đạo. Vì sao quý vị chuyển sanh trong ba thiện đạo? Vì quý vị đã tạo cái nhân của ba thiện đạo. Quý vị tạo cái nhân làm người, bèn chuyển vào nhân đạo. Quý vị tạo cái nhân trời, sẽ chuyển vào thiên đạo. Quý vị tạo cái nhân A Tu La, sẽ chuyển sanh trong A Tu La đạo. Nhân như thế nào, đạt được cái quả như thế ấy. Thánh nhân Phật giáo có bốn loại; quý vị làm thế nào để trở thành hàng Tiểu Thừa, tức là làm Thanh Văn, Duyên Giác? Quý vị tu cái nhân Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên; tu đạo Tiểu Thừa, sẽ đắc quả Tiểu Thừa. Quý vị làm thế nào để thành Bồ Tát, thành Phật? Quý vị tu cái nhân Đại Thừa, sẽ đắc quả Đại Thừa. Nghiệp nhân quả báo là tổng cương của hết thảy các pháp môn trong Phật giáo. Đức Phật thành Phật, thuyết pháp vẫn là “có nhân, có quả”.

          Ở Ấn Độ, có một thứ là Nhân Minh Học (因明學, Hetuvidyā), hiện thời gọi là La Tập (logic). Thuở đó, Phật giáo đã từng mở hội biện luận với ngoại đạo, có một quy tắc: Quý vị nói đạo lý gì mà trên thế gian chẳng có, sẽ không nhắc tới. Vì trong thế gian chẳng có, quý vị nói ra, làm sao có thể [khiến cho] thính chúng tin tưởng nổi? Nói theo thế gian thì có nhân, có quả, vì “trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Ắt cần phải có nhân, có quả thì đạo lý thế gian mới nói thông suốt được, mới tiếp tục nói ra đạo lý xuất thế gian. Nếu đạo lý thế gian nói không suông, chẳng cho phép quý vị tiếp tục nói đạo lý ấy. Thượng Đế được nói trong Gia Tô Giáo là chánh báo, thiên quốc là y báo, y báo lẫn chánh báo đều chẳng có nhân, chẳng có quả! Thượng Đế từ đâu ra? Chẳng có cái nhân! Ông ta là chân thần, quý vị chẳng được phép thắc mắc. Y báo thiên quốc do đâu mà có? Do Thượng Đế sáng tạo ra, chẳng cho phép quý vị thắc mắc. Nhưng hễ biện luận thì chẳng có pháp nào trong thế gian là không có nhân mà sanh ra quả. Nói theo đạo lý thế gian chẳng suông, những gì quý vị đã nói chính là thần thoại, chẳng có sự thật! Tịnh Độ Tông có nhân, có quả, Tây Phương Cực Lạc thế giới từ đâu ra? Do A Di Đà Phật trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, đã tu Lục Độ, vạn hạnh, vô lượng công đức trang nghiêm. Chánh báo A Di Đà Phật từ đâu mà có? Quá khứ Ngài là một vị quốc vương, xuất gia trước mặt Thế Tự Tại Vương Như Lai, tên là tỳ-kheo Pháp Tạng. Ngài phát ra bốn mươi tám đại nguyện mà tu hành, nên mới thành tựu Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chánh báo có nhân thì mới có thể kết thành quả; y báo cũng có nhân thì mới có thể kết thành quả.

          Lấy pháp thế gian để sánh ví, hiện thời, [quý vị] mời tôi là Đạo Nguyên đến giảng kinh, coi như pháp sư Đạo Nguyên là pháp chủ. Pháp sư tôi đây do đâu mà có? Tôi thoạt đầu xuất gia, chẳng biết giảng kinh, thuyết pháp. Tôi theo học với lão pháp sư, học vài chục năm bèn học được, có nhân, có quả! Chí Liên tinh xá do đâu mà có? Giảng đường này của Chí Liên tinh xá là do vợ chồng Tào cư sĩ phát tâm. Nhà ông ta ở trên phố Nam Dương đối diện trạm xe Đài Bắc. Vốn là trên lầu bốn của nhà ông ta có mở giảng đường, vì chỉ có thể ngồi được ba mươi người, không gian chẳng đủ lớn. Do vậy, phát tâm dựng một cao ốc ở Trùng Khánh Nam Lộ, thiết kế thành giảng đường gồm bốn tầng lầu. Vì thế, mới có thể dung nạp hơn một trăm người, chẳng phải là từ trên trời rớt xuống, cũng chẳng phải là từ dưới đất trồi lên. Đấy là nói hai chữ Nhân Quả, có nhân thì mới có thể chứng quả.

          Lại nói đến “Lý cụ, Sự tu”, lấy chuyện Chí Liên tinh xá xây giảng đường để làm tỷ dụ. Phát tâm muốn tạo giảng đường cho pháp sư giảng kinh, dựa theo sự tướng để nỗ lực tu. Kết quả, tạo thành một giảng đường. Nói “lý cụ” (lý sẵn đủ), tức là trong bản tánh của nó đã có đầy đủ. “Lý cụ” là trong đó ngầm ẩn công năng. Không chỉ là bản tánh của vợ chồng Tào cư sĩ trọn đủ giảng đường, mà mỗi cá nhân đều có. Quý vị chẳng phát tâm, quý vị có năng tiềm ẩn, nhưng chưa phát lộ. Do vậy chẳng tạo giảng đường. Nếu quý vị phát tâm, cũng có thể tạo một giảng đường. Nếu quý vị phát tâm lớn, còn tạo giảng đường to hơn giảng đường của Chí Liên tinh xá. Nếu quý vị phát tâm giống như A Di Đà Phật, cũng có thể tạo ra thế giới Cực Lạc. Vì mỗi người chúng ta đều trọn đủ bản tánh Niết Bàn, nó vốn đầy đủ vô lượng vô biên công đức; đấy là nói theo Lý Thể. Quý vị và tôi đều trọn đủ, nhân to cỡ nào, quả sẽ to ngần ấy!

          Đây là khuyên chư vị phát tâm, trong bản tánh của quý vị có sẵn đủ giảng đường, bất quá quý vị chẳng phát tâm nơi sự tướng; cho nên chẳng tạo ra giảng đường. Có người nói: “Tào tiên sinh có tiền, chúng tôi chẳng có tiền”. Đấy chỉ là một nguyên nhân. Kẻ có tiền rất nhiều, họ chẳng tạo giảng đường, chẳng phải là hễ có tiền thì sẽ có thể tạo giảng đường. Quý vị phát tâm chánh đáng thì mới có thể tạo nên giảng đường. Lại có người nói: “Tôi đã sớm phát tâm chánh đáng. Hễ có tiền thì tôi sẽ tạo giảng đường, nhưng tôi đâu có tiền!” Điều đó cho thấy quý vị đã phát tâm mà chẳng có sức; hễ có sức thì sẽ có thể mãn nguyện. Quý vị phát tâm thì Tam Bảo sẽ gia bị quý vị, tín đồ sẽ giúp đỡ quý vị, cũng có thể tạo giảng đường giống như vậy.

          Hiện thời, chúng ta thấy người nghe kinh rất nhiều, giảng đường ngồi không đủ chỗ; nhưng thành phố Đài Bắc có hơn một trăm vạn người, đây chỉ là một phần vạn. Những giảng đường giống như giảng đường của Chí Liên tinh xá có thêm mấy chục cái vẫn chẳng tính là nhiều! Hy vọng mọi người đều phát tâm, nhất định sẽ đều có thể mãn nguyện, vì bản tánh của quý vị vốn sẵn có. Công đức của thế giới Cực Lạc chúng ta đều trọn đủ, huống hồ một giảng đường ư? Quý vị chẳng có tiền, hãy liên lạc mọi người để cùng nhau làm, cũng có thể mãn nguyện của quý vị. Chư vị có thể phát tâm vì Tam Bảo mà làm chuyện này, tôi sẽ được hưởng ké [công đức] của quý vị,

          Bây giờ quay lại đề tài đang giảng, A Di Đà Phật phát tâm, muốn tạo thành Tây Phương Cực Lạc thế giới, khiến cho mỗi chúng sanh đến đó sẽ an tâm tu đạo. Ngài phát tâm tu hành, đó là Sự tu (tu nơi mặt Sự). Bản tánh của Ngài trọn đủ hết thảy công đức, hết thảy trân bảo. “Bị chư trân bảo tánh, cụ túc diệu trang nghiêm” ý nói: Tây Phương Cực Lạc thế giới có trân bảo nhiều ngần ấy là do bản tánh Niết Bàn đã trọn đủ.

4.1.4.1.6. Trang nghiêm diệu sắc công đức thành tựu

          (Luận) Vô cấu quang diễm xí, minh tịnh diệu thế gian.

          ()無垢光燄熾,明淨曜世間。

          (Luận: Vô cấu quang hừng hực, sáng sạch rạng thế gian).

          Đây là loại thứ sáu, tán thán sự trang nghiêm nơi diệu sắc. Các thứ trân bảo hiện ra đức tướng của chúng, đấy là diệu đức chẳng thể nghĩ bàn. “Vô cấu quang diễm xí” (quang minh không nhơ chói rực sáng ngời): “Vô cấu” là thanh tịnh, “quang diễm” (光燄) là quang minh, “xí” (熾) là rất đông nhiều, rực rỡ. [Cả câu có ý nói] quang minh thanh tịnh của các thứ trân bảo rất nhiều, rất rực rỡ. “Minh tịnh diệu thế gian” (Sáng, sạch, chói rạng thế gian): Chữ “thế gian” [trong bài kệ này] là nói về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Kinh Vô Lượng Thọ dịch tên [quốc độ ấy] thành An Lạc Quốc. Quang minh thanh tịnh chiếu rạng ngời cõi An Lạc.

4.1.4.1.7. Trang nghiêm xúc công đức thành tựu

          (Luận) Bảo tánh công đức thảo, nhu nhuyễn tả hữu toàn, xúc giả sanh thắng lạc, quá Ca Chiên Lân Đà.

          ()寶性功德草,柔軟左右旋,觸者生勝樂,過迦旃鄰陀。

          (Luận: Cỏ công đức tánh báu, mềm mại, trái phải chuyển, chạm vào vui thù thắng, hơn Ca Chiên Lân Đà).

          Đây là loại thứ bảy, tán thán sự trang nghiêm nơi Xúc (sự đụng chạm, tiếp xúc). “Bảo tánh công đức thảo”: Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, các thứ trân bảo như vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não; những thứ trân bảo ấy đều do công đức thành tựu. Nói theo lý tánh thì Niết Bàn trọn đủ công đức. Nói theo sự tướng thì là do công đức tu hành trong vô lượng kiếp của A Di Đà Phật thành tựu. Vì Tây Phương Cực Lạc thế giới có cung điện, lầu, gác trang nghiêm, có hàng cây bảy báu trang nghiêm, nhất định là có cỏ trang nghiêm. Vì những thứ trang nghiêm ấy đều là những thứ phàm phu ưa thích nhất. Quý vị ưa thích món trang nghiêm nào, bèn hiện cho quý vị sự trang nghiêm ấy. Cây cối trong Tây Phương Cực Lạc thế giới do trân bảo thành tựu, hoa sen do trân bảo thành tựu, cỏ cũng do trân bảo thành tựu. “Nhu nhuyễn tả hữu toàn” (Mềm mại, xoay về bên trái và bên phải): Cỏ công đức rất mềm mịn, xoay quanh bên trái bên phải. “Xúc giả sanh thắng lạc” nghĩa là: Nếu tay quý vị chạm vào cỏ, hoặc chân đạp lên cỏ, đều nẩy sanh niềm vui mầu nhiệm.

          “Quá Ca Chiên Lân Đà” (vượt trỗi Ca Chiên Lân Đà): Ca Chiên Lân Đà10 là tên một loại cỏ tại Ấn Độ. Vì Trung Hoa chẳng có loại cỏ ấy, chẳng thể dịch được, nên giữ nguyên âm tiếng Phạn. Có hai cách giải thích:

          1) Ca Chiên Lân Đà là một loài cỏ mềm mịn. Nếu quý vị chạm vào cỏ Ca Chiên Lân Đà, sẽ hết sức thoải mái, vui sướng. Đó là niềm vui thế gian. Cỏ công đức trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, hễ quý vị chạm vào, sẽ sanh ra một loại pháp lạc thù thắng, vượt trỗi [niềm vui sướng do chạm vào cỏ Ca Chiên Lân Đà]. Ở đây là giải thích sự trang nghiêm của cỏ trong Tây Phương Cực Lạc thế giới.

          2) Cỏ là do bản tánh của chúng ta chiêu cảm. Các thứ trân bảo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có tánh chất nhu nhuyễn, còn tánh chất của các thứ trân bảo trong thế giới Sa Bà là cứng chắc, hoàn toàn tương phản. Vì sao trân bảo trong thế giới Sa Bà có tánh chất cứng chắc? Do quả báo của chúng sanh cảm vời. Kinh Địa Tạng đã dạy rõ ràng: “Giáo hóa như thị cang cường chúng sanh, linh tâm điều phục, xả tà quy chánh” (Giáo hóa chúng sanh ương ngạnh như thế, khiến cho tâm họ điều phục, bỏ tà, trở về chánh). Vì chúng sanh trong thế giới Sa Bà có tánh chất ương ngạnh, [cho nên] cảm vời quả báo mang tánh chất cứng chắc. Vàng ròng rất kiên cố, kim cương còn cứng hơn vàng. Bảo vật trong thế giới Sa Bà có tánh chất cứng chắc là do bản tánh [ương ngạnh] của chúng ta chiêu cảm. Chúng sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới toàn là do niệm Phật mà sanh về đó, do chúng sanh [trong cõi Cực Lạc] chẳng có phiền não, cho nên cảm vời y báo trang nghiêm đều rất nhu hòa. Hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới do bảy báu thành tựu. Nếu chẳng mềm mại, làm sao hoa sen nở xòe, cụp lại cho được? Bảo vật trong thế giới Sa Bà có tánh chất cứng chắc. Quý vị dùng vàng ròng, bạc trắng làm thành hoa sen, sẽ chẳng thù thắng. Cành cây, lá cây trong thế giới Sa Bà có thể động, là vì tánh chất cứng cỏi. Cây cối trong Tây Phương Cực Lạc thế giới do bảy báu hợp thành, gió nhẹ thổi qua, phát ra âm thanh vi diệu, còn có thể thuyết pháp. Nếu chúng chẳng mềm mại, khi bị lay động, làm sao có thể phát ra các âm thanh vi diệu tinh tinh tang tang được?

* Giải trừ nghi hoặc

          Hỏi: Tánh của chất báu trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đã là nhu nhuyễn thì làm sao có thể kiến tạo cung điện, lầu, gác?

          Đáp: Đấy là vì nhìn theo nhà cửa trong thế giới Sa Bà, cho nên mới nẩy sanh nghi vấn này, chẳng biết nhà cửa trong Tây Phương Cực Lạc thế giới và nhà cửa của thế giới Sa Bà khác nhau! Tây Phương Cực Lạc thế giới không chỉ là dựng cung điện, lầu, gác trên mặt đất vàng ròng, mà trong hư không cũng có cung điện, lầu, gác. Nếu cung điện lầu gác có trọng lượng, làm sao nó lơ lửng trên hư không? Do vậy biết chúng là do các thứ trân bảo mềm mại thành tựu. Đấy là một thứ quả báo chẳng thể nghĩ bàn.

          Phần Kệ Tụng này nói về Xúc công đức. Cỏ công đức rất mềm mại, chỉ cần quý vị chạm vào, sẽ sanh pháp lạc thù thắng.

 

Nguồn: Di Đà Nguyện Hải

Trang: 1 2 3