Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá
Nguyện Sanh Kệ Giảng Ký
無量壽經優婆提舍願生偈講記
Giảng thuật: Trưởng lão Đạo Nguyên
道源長老 講述
Bút ký: Cư sĩ Thí Vượng Khôn
施旺坤敬記
Thời gian: Tháng Tư năm Dân Quốc 61 (1972)
Địa điểm: Chí Liên Tinh Xá tại Đài Bắc
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang
(dịch theo bản in của Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội)

4.1.4.1.8. Trang nghiêm ba thứ công đức thành tựu

4.1.4.1.8.1.Trang nghiêm thủy công đức thành tựu

          (Luận) Bảo hoa thiên vạn chủng, di phú trì lưu tuyền, vi phong động hoa diệp, giao thác quang loạn chuyển.

          ()寶華千萬種,彌覆池流泉,微風動華葉,交錯光亂轉。

          (Luận: Ngàn vạn loại hoa báu, phủ kín ao, suối chảy, gió nhẹ lay cánh hoa, ánh sáng xen tạp chuyển).

          Đây là loại thứ tám, tán thán ba thứ trang nghiêm: Thủy trang nghiêm, địa trang nghiêm, và hư không trang nghiêm. Trước hết, nói về điều thứ nhất, tức thủy trang nghiêm (sự trang nghiêm của nước). Trong ao hoa sen của Tây Phương Cực Lạc thế giới, có nước tám công đức. “Bảo hoa thiên vạn chủng” (Ngàn vạn loài hoa báu): Trong ao hoa sen có hoa sen, kinh A Di Đà chép: “Thanh sắc thanh quang, hoàng sắc hoàng quang, xích sắc xích quang, bạch sắc bạch quang” (Màu xanh ánh sáng xanh, màu vàng ánh sáng vàng, màu đỏ ánh sáng đỏ, màu trắng ánh sáng trắng). Chỉ nói bốn loại hoa sen, thật ra, hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới nhiều đến ngàn vạn chủng loại. “Di phú trì lưu tuyền” (Phủ rợp kín ao, suối chảy): “Di” (彌) là đầy kín, “phú” (覆) là che phủ. Hoa sen phủ kín trọn khắp phía trên ao và suối. “Vi phong động hoa diệp” [nghĩa là] gió nhè nhẹ thổi động những cánh hoa. “Giao thác quang loạn chuyển” [nghĩa là] mỗi hoa sen đều tỏa ra quang minh; bốn loại hoa sen bèn có bốn loại quang minh, ngàn vạn loài hoa báu bèn có ngàn vạn loại quang minh. Gió nhẹ thổi lay động cánh hoa, quang minh xen lẫn vào nhau, xoay tròn, hết sức trang nghiêm!

4.1.4.1.8.2. Trang nghiêm địa công đức thành tựu

          (Luận) Cung điện chư lâu các, quán thập phương vô ngại, tạp thụ dị quang sắc, bảo lan biến vi nhiễu.

          ()宮殿諸樓閣,觀十方無礙,雜樹異光色,寶欄遍圍繞。

          (Luận: Cung điện, các lầu, gác, quán mười phương vô ngại. Mỗi cây quang sắc khác, lan can báu vây khắp).

          Đây là loại thứ hai, tức tán thán địa trang nghiêm (tán thán sự trang nghiêm trên mặt đất) [trong môn tán thán thứ tám]. “Cung điện chư lâu các, quán thập phương vô ngại” (Cung điện, các lầu gác; quán mười phương vô ngại): Cung, điện, lầu, gác là sự trang nghiêm trên mặt đất, đều do trân bảo thành tựu. Quý vị ở trong lầu, gác, muốn thấy mười phương thế giới, giống như xem phim ảnh trong hiện thời, nó đều có thể hiện hình ảnh cho quý vị trông thấy rõ ràng, rành rẽ, chẳng bị chướng ngại.

          “Tạp thụ dị quang sắc” (Các loại cây có ánh sáng và màu sắc khác nhau): Đấy là sự trang nghiêm của cây cối trên mặt đất. Cây cối do các chất báu xen kẽ hợp thành. Thân cây là vàng ròng, cành cây là bạc trắng, nở hoa, kết quả bằng lưu ly. Thân cây, cành cây, đơm hoa, kết quả, quang minh và màu sắc đều khác nhau.

          “Bảo lan biến vi nhiễu” (Lan can báu vây quanh trọn khắp): “Bảo lan” (寶欄) là lan can do bảy báu kết thành. Mỗi tòa cung điện đều do bảy báu hợp thành, có lan can vây quanh.

4.1.4.1.8.2. Trang nghiêm hư không công đức thành tựu

          (Luận) Vô lượng bảo giao lạc, la võng biến hư không, chủng chủng linh phát hưởng, tuyên thổ diệu pháp âm.

          ()無量寶交絡,羅網遍虛空,種種鈴發響,宣吐妙法音。

          (Luận: Vô lượng báu giăng xen, lưới mành khắp hư không, các thứ linh vang tiếng, tuyên nói diệu pháp âm).

          Đây là loại thứ ba, tán thán hư không trang nghiêm [trong môn tán thán thứ tám]. “Vô lượng bảo giao lạc” (Vô lượng chất báu giăng xen): Các sợi dây bằng bảy chất báu đan xen với nhau, tạo thành lưới mành. “La võng biến hư không” (Lưới mành trọn khắp hư không): Hư không được trang nghiêm trọn khắp bằng các lưới mành. “Chủng chủng linh phát hưởng” (Các thứ linh vang tiếng): Trên lưới mành treo các thứ linh báu trang nghiêm, phát ra âm thanh vi diệu. “Tuyên thổ diệu pháp âm” (Tuyên nói pháp âm mầu nhiệm): Hễ gió thổi lay động, các linh báu trên lưới mành vang ra tiếng leng keng, tinh tang, phát ra âm thanh thuyết pháp. Chúng sanh nghe tiếng, sẽ có thể dấy lên đạo tâm, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

          Đấy là linh báu trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, là vật vô tình mà có thể thuyết pháp. Quý vị sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thường xuyên thấy A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát thuyết pháp cho quý vị. Còn có các vị đại Bồ Tát cũng thuyết pháp cho quý vị; làm sao quý vị thoái chuyển cho được? Các vị đại Bồ Tát, các vị thượng thiện nhân là hữu tình, ngay cả vô tình cũng có thể thuyết pháp. Tiếng gió lùa qua các cành cây, gió lay linh báu vang ra tiếng, không chỗ nào chẳng nói Phật pháp cho quý vị. Vì thế, quý vị chỉ có tiến bộ, chẳng có nhân duyên lui sụt.

* Giải trừ nghi hoặc

          Hỏi: Vì sao vô tình có thể thuyết pháp?

          Đáp: Hữu tình và vô tình có cùng một thể tánh. Trong hết thảy các pháp, [thể tánh ấy] được gọi là Pháp Tánh, nơi hữu tình thì gọi là Phật Tánh. Phật là Giác. [Pháp Tánh] là giác tánh. Phật Tánh và Pháp Tánh chẳng hai, chẳng khác, chẳng phải là hai Lý Thể, chỉ có một Lý Thể! Chẳng hạn như chúng ta giác ngộ thành Phật, bản thể của hết thảy các Pháp Tánh quý vị thảy đều chứng đắc, hết thảy các Pháp Tánh cũng thuận theo đó mà biến thành giác tánh. Nói theo chánh báo và y báo, thì y báo chuyển theo chánh báo. Phật giáo cho rằng hữu tình và vô tình bình đẳng, nhưng có một sai biệt: Hữu tình có Phật Tánh. Sau khi kẻ ấy giác ngộ, sẽ dẫn dắt vô tình chuyển thành có giác tánh. Thế giới y báo, chẳng hạn như lầu, gác, lan can, cây cối thuộc về vô tình, những thứ vô tình ấy đều chuyển theo chánh báo. Lấy thế giới Sa Bà làm tỷ dụ, quý vị là chánh báo hữu tình có phước báo, thì nhà cửa quý vị đang ở sẽ thuận theo quý vị mà biến thành rất trang nghiêm. Quý vị là chánh báo hữu tình chẳng có phước báo, nhà cửa quý vị sẽ thuận theo quý vị mà biến thành rất luộm thuộm. Chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới là Phật, cho nên y báo là thế giới Cực Lạc đều thuận theo, chuyển biến thành cảnh giới của Phật. Chánh báo đã giác thì y báo cũng giác theo, hữu tình và vô tình cùng viên thành Chủng Trí. Chủng Trí là trí huệ của Phật, hữu tình và vô tình đều viên mãn Chủng Trí của Phật.

          Nếu chẳng hiểu rõ đạo lý này, quý vị hãy xem kinh A Di Đà có nói: “Bỉ quốc thường hữu chủng chủng kỳ diệu tạp sắc chi điểu, bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá-lợi, ca-lăng-tần-già, cộng mạng chi điểu. Thị chư chúng điểu, trú dạ lục thời, xuất hòa nhã âm. Kỳ âm diễn sướng Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, như thị đẳng pháp. Kỳ độ chúng sanh, văn thị âm dĩ, giai tất niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng” (Cõi ấy thường có các loại chim kỳ diệu, nhiều màu, như các thứ chim bạch hạc, chim công, chim két, xá-lợi, ca-lăng-tần-già, cộng mạng. Những con chim ấy ngày đêm sáu thời, hót tiếng hòa nhã. Âm thanh ấy diễn nói thông suốt Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, các pháp như thế đó. Chúng sanh trong cõi ấy, nghe âm thanh đó, thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng). Những con chim kỳ diệu nhiều màu ấy đều có thể thuyết pháp. Đấy chính là lời giải thích do đích thân Thích Ca Mâu Ni Phật [đã nói ra].

          Hỏi: Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có ba ác đạo, chim là súc sanh. Lẽ đâu lại có các thứ chim thuyết pháp?

          Đáp: Kinh A Di Đà đã giải thích: “Kỳ Phật quốc độ, thượng vô ác đạo chi danh, hà huống hữu thật? Thị chư chúng điểu, giai thị A Di Đà Phật, dục linh pháp âm tuyên lưu, biến hóa sở tác” (Cõi nước Phật ấy còn chẳng có danh xưng ác đạo, huống hồ là thật sự có. Những con chim ấy đều do A Di Đà Phật muốn cho pháp âm được tuyên nói, lưu thông, bèn biến hóa ra). Những con chim ấy chẳng phải là chim do quả báo trong súc sanh đạo! Chúng đều là do sức thần thông của A Di Đà biến hóa ra. Vì thế, chim có thể thuyết pháp.

          Hỏi: Chim coi như là hữu tình, vì sao linh báu là vô tình mà có thể thuyết pháp?

          Đáp: Đấy cũng là do A Di Đà Phật biến hóa ra.

          Hỏi: A Di Đà Phật, chư đại Bồ Tát thuyết pháp đủ rồi, vì sao còn phải có những vật vô tình như linh báu thuyết pháp?

          Đáp: Người sanh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là do niệm Phật mà sanh về. Thế nhưng các chúng sanh tuy đã sanh trong Tây Phương, vẫn là phàm phu, mỗi người có sự ưa thích riêng biệt. Có chúng sanh yêu thích chim, A Di Đà Phật bèn biến ra chim để thuyết pháp cho họ, khiến cho họ đạt được lợi ích nơi Phật pháp. Có chúng sanh thích nghe tiếng linh báu, âm thanh gió lùa qua cành cây, A Di Đà Phật bèn biến thành âm thanh vô tình thuyết pháp, khiến cho kẻ ấy đạt được lợi ích nơi Phật pháp, nhằm đạt được mục đích độ chúng sanh!

          Ở đây chứa đựng một đạo lý khẩn yếu nhất: Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, A Di Đà Phật, các vị đại Bồ Tát, và các vị thượng thiện nhân thuyết pháp, ngay cả những thứ vô tình như tiếng gió, tiếng cây [rung xào xạc], linh báu đều thuyết pháp cho quý vị. Đấy là A Di Đà đã tạo trợ duyên để chúng ta đạt được lợi ích nơi Phật pháp. Quý vị có cái tâm cầu pháp, gặp trợ duyên của A Di Đà Phật thì mới có thể được giúp đỡ, mới có thể nghe Phật, Bồ Tát thuyết pháp, cho đến nghe vô tình thuyết pháp. Nếu quý vị chẳng có tâm cầu pháp, dẫu hữu tình và vô tình đều thuyết pháp cho quý vị, quý vị cũng chẳng thể nghe!

          Chẳng hạn như Chí Liên tinh xá muốn mời pháp sư đến giảng kinh là tạo trợ duyên cho mọi người. Trong giảng đường, tận hết sức sắp đặt đầy đủ các thiết bị. Sợ ánh sáng không đủ, còn gắn thêm đèn điện. Khí trời quá nóng, ngoài quạt điện ra, còn gắn thêm máy lạnh. Kết quả là không chỉ người từ thành phố Đài Bắc đến nghe kinh, mà người thuộc huyện Đài Bắc1 cũng đến nghe kinh. Đấy là quý vị có tâm cầu pháp, [Chí Liên tinh xá] vừa phát tờ thông cáo là quý vị đến ngay. Quý vị chẳng có tâm cầu pháp, dẫu phát tờ thông cáo, quý vị cũng sẽ chẳng đến. Vì thế, hễ có tâm cầu pháp, sẽ có thể gặp nhân duyên thuyết pháp, sẽ gặp gỡ pháp sư thuyết pháp cho quý vị, khiến cho quý vị đạt được lợi ích nơi Phật pháp.

          Chỉ cần quý vị có tâm cầu pháp, ở trong thế giới Sa Bà, quý vị cũng có thể gặp vô tình thuyết pháp. Cư sĩ Tô Đông Pha đã gặp vô tình thuyết pháp. Ông ta thấy sắc núi là màu thanh tịnh, nghe âm thanh nước chảy chốn núi cao, bỗng giác ngộ, soạn một bài kệ, [trong ấy có hai câu] như sau: “Khê thanh tận thị quảng trường thiệt, sơn sắc vô phi thanh tịnh thân”. [Ý nói]: Âm thanh của tiếng suối từ trên núi chảy xuống chính là tướng lưỡi rộng dài của Phật đang thuyết pháp; sắc núi xanh biêng biếc toàn là Pháp Thân thanh tịnh của Như Lai. Vì ông ta có tâm cầu pháp, [cho nên] nhìn núi, nhìn nước, bèn có thể đạt được lợi ích nơi Phật pháp. Huyện Phước Châu của tỉnh Phước Kiến có Cổ Sơn là một đạo tràng hữu danh. Có một vị cư sĩ từ Nam Dương đến Cổ Sơn du ngoạn, trèo lên núi, tại một chỗ có nước chảy, ông ta ngồi đó nghỉ ngơi, nghe tiếng nước chảy róc rách, bỗng dưng khai ngộ. Nhằm báo ân con suối, ông ta bèn tạo dựng một ngôi lầu, kỷ niệm nơi ông ta nghe tiếng nước chảy tại đó mà khai ngộ. Đấy là vô tình thuyết pháp.

4.1.4.1.9. Trang nghiêm vũ công đức thành tựu

          (Luận) Vũ hoa y trang nghiêm, vô lượng hương phổ huân.

          ()雨華衣莊嚴,無量香普熏。

          (Luận: Mưa áo hoa trang nghiêm, vô lượng hương xông khắp).

          Đây là loại thứ chín, tán thán vũ trang nghiêm. “Vũ hoa y trang nghiêm”: “Vũ” (雨) chẳng phải là tuôn nước mưa, mà là từ không trung rơi xuống hoa trời, áo trời trang nghiêm. Tuôn xuống hoa trời, áo trời để trang nghiêm Tây Phương Cực Lạc thế giới. Hoa trời đương nhiên là màu sắc đẹp đẽ, áo trời cũng là màu sắc đẹp đẽ. “Vô lượng hương phổ huân”, [ý nói] còn có vô lượng mùi thơm xông khắp thế giới Cực Lạc.

           Kinh A Di Đà chép “thiên vũ Mạn-đà-la hoa” (trời tuôn mưa hoa Mạn-đà-la) chính là mưa hoa trời để trang nghiêm. Hoa Mạn-đà-la (曼陀羅, Mandarava) là Thích Ý Hoa (適意花), [ngụ ý] “phù hợp ý thích của quý vị”. Quý vị thích loại hoa gì, bèn tuôn xuống loại hoa đó, có thể mãn ý của mỗi chúng sanh. Theo kinh Vô Lượng Thọ, không chỉ là mưa hoa trời, mà còn mưa áo trời. Có hai cách giải thích chữ “thiên y”. Một cách giải thích [“thiên y”] là y phục để mặc. Chẳng cần thợ may giúp quý vị may quần áo, từ trên trời rơi xuống quần áo tự nhiên, quý vị cứ mặc vào là được rồi. Theo cách giải thích thứ hai [thì “thiên y”] là một thứ phẩm vật trang nghiêm. Kinh A Di Đà chép: “Các dĩ y kích, thịnh chúng diệu hoa” (Ai nấy đều dùng lẵng hoa để đựng các hoa mầu nhiệm). “Y” (衣) trong tiếng Phạn của Ấn Độ có nghĩa là vải vóc, giống như trải thảm để trang hoàng trong hiện thời. Đó là loại thảm trải tốt nhất từ cõi trời phủ lên mặt đất để trang nghiêm, màu sắc đương nhiên là đẹp mắt. Bất luận là mưa hoa trời hay áo trời đều có thể vừa ý quý vị, khiến cho quý vị trông thấy, cảm thấy rất đẹp, lại còn có mùi thơm. Đấy là loại thứ chín, tức vũ trang nghiêm. Hoa trời rơi xuống trang nghiêm, áo trời rơi xuống trang nghiêm, rơi trên mặt đất rất mềm mại. Người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đi lại, đạp lên các hoa trời, [thảm hoa ấy] có thể lún xuống bốn tấc, giở chân lên, nó lại phục hồi như cũ, giống như dùng thảm lông dày trong hiện thời vậy!

* Giải trừ nghi hoặc

          Hỏi: Ngày đêm sáu thời, trong hư không tuôn xuống nhiều hoa trời và áo trời ngần ấy, Tây Phương Cực Lạc thế giới làm sao chứa hết cho được?

          Đáp: Sự trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là diệu trang nghiêm. “Diệu” là chẳng thể nghĩ bàn! Hoa đã rơi xuống từ trước, đợt hoa ấy bị gió cuốn đi, chẳng còn nữa. Đợt hoa sau rơi xuống lại tươi mới. Kinh Vô Lượng Thọ chép: “Hoa dụng dĩ ngật, địa triếp khai liệt” (Hoa dùng xong, đất liền nứt ra): Dùng chữ Liệt (裂, nứt) rất thô vụng! Chẳng cần đất phải nứt ra, nó tự nhiên chẳng còn nữa! Chẳng cần quý vị phải sanh phiền não, lo lắng hoa rơi xuống quá nhiều khiến cho Tây Phương Cực Lạc thế giới phải chứa đầy nghẹt!

4.1.4.1.10. Trang nghiêm quang minh công đức thành tựu

          (Luận) Phật huệ minh tịnh nhật, trừ thế si ám minh.

          ()佛慧明淨日,除世癡闇冥。

          (Luận: Phật huệ nhật sáng sạch, trừ si tối cõi đời).

          Đây là loại thứ mười, tán thán quang minh trang nghiêm. “Phật huệ minh tịnh nhật” (Trí huệ của đức Phật như vầng mặt trời sáng sạch): Quang minh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là trí huệ quang, giống như ánh sáng mặt trời. Đức Phật thành Phật, là đấng phước huệ Lưỡng Túc Tôn, nhưng phước báo và trí huệ là một, không hai. Do vậy, trong phước báo trang nghiêm có trí huệ trang nghiêm. Đấy là nói A Di Đà Phật có hết thảy các quang minh trí huệ.

          “Trừ thế si ám minh” (Trừ sự tối tăm vì ngu si cho cõi đời): Chúng ta niệm A Di Đà Phật, được nguyện lực của A Di Đà Phật nhiếp trì, sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới, vẫn là một phàm phu, gọi là “đới nghiệp vãng sanh”. Tuy chẳng đoạn trừ phiền não, nhưng quý vị vừa đến Tây Phương, gặp quang minh trí huệ của Phật, [quang minh ấy] sẽ có thể giúp quý vị đoạn trừ ngu si phiền não trong thế gian.

          Tán thán quang minh trang nghiêm trong phần trước có hai loại. Một loại là “tịnh quang minh mãn túc, như kính, nhật, nguyệt luân” (quang minh thanh tịnh mãn nguyện, như gương, vầng mặt trời, mặt trăng), đấy là tán thán tướng mạo của quang minh. Loại thứ hai là “vô cấu quang diễm xí, minh tịnh diệu thế gian” (quang minh vô cấu tỏa rực, sáng sạch chói ngời thế gian), nhằm tán thán các diệu đức hiện ra từ tướng mạo của quang minh. Ví như chúng ta trông thấy một bóng đèn điện rất sáng, bèn tán thán tướng mạo của quang minh. Lại thấy bóng đèn rất ưa nhìn, lại tán thán diệu đức của nó. “Phật huệ minh tịnh nhật, trừ thế si ám minh” (Trí huệ của Phật như vầng mặt trời sáng sạch, trừ sự tối tăm do ngu si của thế gian) là tán thán diệu dụng của quang minh. Quang minh rất sáng, đó là tướng mạo của nó. Quang minh rất đẹp đẽ, tức là diệu đức. Nó có thể trừ khử sự tối tăm do ngu si, tức là tán thán diệu dụng của Phật trí huệ đức. Chỉ cần quý vị trông thấy quang minh của Phật, sẽ diệt trừ toàn bộ phiền não ngu si của quý vị.

4.1.4.1.11. Trang nghiêm diệu thanh công đức thành tựu

          (Luận) Phạm thanh ngộ thâm viễn, vi diệu văn thập phương.

          ()梵聲悟深遠,微妙聞十方。

          (Luận: Tiếng phạm ngộ sâu xa, vi diệu thấu mười phương).

          Đây là loại thứ mười một, tán thán sự trang nghiêm nơi âm thanh mầu nhiệm. “Phạm thanh ngộ thâm viễn” (Tiếng Phạm [khiến cho hành giả nghe thấy] sẽ ngộ sâu xa): Trong phần trước đã nói các linh báu trên lưới mành phát âm thanh diệu pháp, đó là thuyết pháp. Ở đây chẳng phải là âm thanh thuyết pháp, mà là âm thanh trong thế giới nơi A Di Đà Phật ngự. Tây Phương Cực Lạc thế giới có kinh dịch là An Lạc Quốc, có kinh dịch là thế giới An Dưỡng. Nói chung, Tây Phương Cực Lạc thế giới là một thế giới rất thanh tịnh. “Phạm thanh” là âm thanh của thế giới thanh tịnh. “Ngộ thâm viễn”: Quý vị có thể nghe thấy âm thanh của A Di Đà Phật thuyết pháp cho quý vị nghe, vừa nghe bèn khai ngộ. Quý vị có thể nghe danh hiệu của Tây Phương Cực Lạc thế giới, cũng có thể khiến cho quý vị ngộ đạo lý sâu xa.

          “Vi diệu văn thập phương”: Danh hiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới có thể lan truyền khắp mười phương thế giới. Vì A Di Đà Phật đã phát đại nguyện, nguyện cho danh hiệu thế giới của Ngài có thể nổi tiếng khắp mười phương. Do đó, danh hiệu chẳng thể nghĩ bàn của Tây Phương Cực Lạc thế giới có thể lan truyền khắp mười phương thế giới.

4.1.4.1.12. Trang nghiêm chủ công đức thành tựu

          (Luận) Chánh Giác A Di Đà, Pháp Vương thiện trụ trì.

          ()正覺阿彌陀,法王善住持。

          (Luận: Chánh Giác A Di Đà, Pháp Vương khéo trụ trì).

          Đây là loại thứ mười hai, tán thán chủ trang nghiêm. Tây Phương Cực Lạc thế giới có một vị chủ nhân, “Chánh Giác A Di Đà”: “Chánh Giác”: Chẳng lệch, chẳng tà thì là Chánh. Chẳng ngu, chẳng mê hoặc thì là Giác. Lục đạo phàm phu tà chứ chẳng chánh. Thánh nhân Nhị Thừa thiên lệch, chẳng chánh. Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật tu hành thành Phật, vừa chẳng phải là tà như lục đạo phàm phu, mà cũng chẳng lệch lạc như thánh nhân Nhị Thừa, nên gọi là Chánh Giác, chẳng lệch, chẳng tà, chẳng ngu, chẳng mê hoặc! Lục đạo phàm phu ngu muội vì phiền não trong tam giới, thánh nhân Nhị Thừa mê hoặc vì phiền não ngoài tam giới. Phiền não trong tam giới là Kiến Hoặc và Tư Hoặc. Phiền não ngoài tam giới là Trần Sa Hoặc và Vô Minh Hoặc. “Giác” là đã giác ngộ Kiến Hoặc và Tư Hoặc trong tam giới, mà đối với Trần Sa Hoặc và Vô Minh Hoặc ở bên ngoài tam giới vẫn giác. Vì thế, hễ giác một điều thì sẽ giác hết thảy, trọn đủ viên mãn. Đấy là chủ nhân của Tây Phương Cực Lạc thế giới, tức A Di Đà Phật.

          “Pháp vương”: Ngài là quốc vương của Tây Phương Cực Lạc thế giới, tức là đấng pháp vương của Phật pháp. “Thiện trụ tr씓Trụ” (住) là an trụ, “trì” (持) là gìn giữ. [“Thiện trụ trì”] là khéo có thể an trụ, gìn giữ thế giới Cực Lạc. Giống như một vị quốc vương sẵn có quyền lực, Ngài có thể an trụ, gìn giữ thế giới ấy. Trụ trì của Tây Phương Cực Lạc thế giới tương đương với nguyên thủ của quốc gia trong hiện tại. Nguyên thủ là người thống trị nhân dân, nhưng Tây Phương Cực Lạc thế giới dựa trên Phật pháp để giáo hóa nhân dân, chẳng cần dùng vũ lực để thống trị; do vậy, gọi là Pháp Vương.

          Vị Pháp Vương ấy làm như thế nào để có thể khéo an trụ, gìn giữ thế giới này? Phật giáo Trung Hoa có chế độ tùng lâm; tùng lâm (叢林) là tự viện để đại chúng xuất gia cư trụ. Người nào đã khởi nguồn khai sáng tùng lâm? Thường nói là “Mã Tổ kiến tùng lâm, Bách Trượng lập Thanh Quy” (ngài Mã Tổ Đạo Nhất sáng lập tùng lâm, ngài Bách Trượng Hoài Hải lập Thanh Quy). Tùng lâm do ngài Mã Tổ khởi đầu sáng lập. Sau khi tùng lâm đã kiến lập, người kiến lập quy củ [trong tùng lâm] là học trò của Mã Tổ, tức Bách Trượng đại sư. Sau khi Phật giáo Trung Hoa kiến lập chế độ tùng lâm, trong một đại tự viện có một người có thể gìn giữ đại tự viện, có thể an trụ đại chúng, [vị ấy] được gọi là Trụ Trì. Hiện thời, có người cho rằng danh xưng Trụ Trì chẳng thể biểu hiện ý nghĩa “chủ nhân”, bèn đổi thành Chủ Tịch, nhưng chẳng hay như chữ Trụ Trì! Tùng lâm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có tên gọi là Tịnh Độ, hết thảy chúng sanh sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới, A Di Đà Phật có thể an trụ, gìn giữ đại chúng.

4.1.4.1.13. Trang nghiêm quyến thuộc công đức thành tựu

         (Luận) Như Lai tịnh hoa chúng, Chánh Giác hoa hóa sanh.

          ()如來淨華眾,正覺華化生。

          (Luận: Tịnh hoa chúng Như Lai, hoa Chánh Giác hóa sanh).

          Đây là loại thứ mười ba, tán thán sự trang nghiêm của quyến thuộc. Có chủ nhân bèn có quyến thuộc. “Như Lai tịnh hoa chúng” (Hoa chúng thanh tịnh của Như Lai): A Di Đà Như Lai là chủ nhân, là Pháp Vương. Ngài có đại chúng, các vị đại Bồ Tát đều là pháp chúng thanh tịnh. Vì sao pháp chúng thanh tịnh được gọi là Hoa? “Hoa” biểu thị địa vị tu nhân, Phật biểu thị quả vị. Thành Phật được gọi là “Phật quả”. Bồ Tát vừa mới nở hoa Chánh Giác, còn chưa kết thành quả Chánh Giác, nên gọi là “hoa chúng”, tức Thanh Tịnh Pháp Thân đại Bồ Tát.

          “Chánh Giác hoa hóa sanh”: Chúng sanh sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là liên hoa hóa sanh. Chúng sanh trong Dục Giới của thế giới Sa Bà có bốn phương pháp thọ sanh: Thai Sanh, Noãn Sanh, Thấp Sanh, và Hóa Sanh. Người, trâu, ngựa, dê là Thai Sanh. Gà, vịt… do trứng ấp nở ra, tức Noãn Sanh. Chúng sanh trong nước như cá, tôm, cua v.v… là Thấp Sanh. Ve trên cây mùa Hè và muỗi là Hóa Sanh. Hai giới phía trên là Sắc Giới và Vô Sắc Giới đều là Hóa Sanh, chẳng cần phải kết hôn, cũng chẳng cần phải thai nghén, đẻ trứng. Họ do Thiền Định mà sanh lên đó, nên gọi là Hóa Sanh.

          Toàn bộ chúng sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là Hóa Sanh. Chúng sanh muốn sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhất định phải niệm danh hiệu của A Di Đà Phật. Tới khi quý vị lâm chung, A Di Đà Phật, Quán Âm Bồ Tát, và Đại Thế Chí Bồ Tát sẽ đến tiếp dẫn quý vị. Quý vị thấy A Di Đà Phật tay cầm một cái đài hoa sen, tay phải duỗi ra, tức là muốn tiếp dẫn chúng sanh. Vì thế, Trung Hoa tạo tượng Tây Phương Tam Thánh đều là tượng đứng. Các Ngài đến phương Đông tiếp dẫn chúng sanh, biểu thị tướng mạo đại từ đại bi tiếp dẫn chúng sanh.

          “Hoa hóa sanh” là hóa sanh trong hoa sen. Thông thường, chúng ta niệm bài kệ Hồi Hướng: “Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ trung, cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu, hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh, bất thoái Bồ Tát vi bạn lữ” (Nguyện sanh vào cõi Tây Phương, hoa sen chín phẩm là cha mẹ mình, hoa nở thấy Phật ngộ Vô Sanh, bất thoái Bồ Tát bạn lành với ta). Chúng sanh trong thế giới Sa Bà nhất định phải tìm được cha mẹ thì mới có thể đầu thai, sanh ra. Hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chính là cha mẹ của chúng ta. Trong đời này, quý vị đáng nên sống đến tám mươi tuổi, chín mươi tuổi, niệm Phật thành công, đến lúc quả báo đã tận, Tây Phương Tam Thánh cầm hoa sen tới tiếp dẫn quý vị. Quý vị thấy chính mình ngồi trong hoa sen, các Ngài bèn đem quý vị sang Tây Phương. Đã tới Tây Phương, hoa sen vừa nở, sẽ thấy A Di Đà Phật thuyết pháp cho quý vị. Quý vị khai đại trí huệ, bèn chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Vốn là phàm phu lè tè sát đất, lập tức vượt trỗi, sanh vào địa vị Bồ Tát, tức là chẳng bị thoái chuyển, chẳng còn phải luân hồi, lưu chuyển sanh tử trong lục đạo nữa! Đã tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ thường thấy Phật, nghe pháp, toàn thể thế giới đều là các vị thượng thiện nhân, cho đến các loài chim, tiếng gió, tiếng cây, tiếng nước chảy, hữu tình lẫn vô tình đều có thể thuyết pháp, [do vậy], chỉ có tiến bộ, chẳng có nhân duyên gây lui sụt. Do đó, hễ sanh về Tây Phương, tu tập trong một đời bèn có thể thành Phật. Do quý vị phát đại nguyện Bồ Đề, sanh về Tây Phương là vì muốn học bản lãnh độ chúng sanh; quý vị chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, có trí huệ, thần thông, biện tài, sẽ trở lại thế giới Sa Bà để độ chúng sanh, gọi là “thừa nguyện tái lai” (nương theo nguyện mà trở lại).

          Trong phần trước, tán thán công đức của nước có câu bảo hoa thiên vạn chủng” (ngàn vạn loại hoa báu), vì hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là do bảy báu hợp thành, đều là hoa sen thành tựu bởi các thứ trân bảo rất mềm mại, cho nên gọi là “bảo hoa” (寶華, hoa báu). Vì sao ở đây gọi là “Chánh Giác hoa”? Vì A Di Đà Phật đã chứng đắc quả vị Phật, các hoa sen đều do thần thông của A Di Đà Phật biến hóa ra, nên gọi là Chánh Giác Hoa.

          Ở đây, vẫn phải biện định đôi chút. “Như Lai tịnh hoa chúng, Chánh Giác hoa hóa sanh” chẳng phải là tán thán chánh báo, mà vẫn là tán thán công đức của y báo, vì những vị đại Bồ Tát ấy đều là liên hoa hóa sanh.

4.1.4.1.14. Trang nghiêm thọ dụng công đức thành tựu

          (Luận) Ái nhạo Phật pháp vị, Thiền tam-muội vi thực.

          ()愛樂佛法味,禪三昧為食。

          (Luận: Yêu thích vị Phật pháp, Thiền tam-muội thức ăn).

          Đây là loại thứ mười bốn, tán thán sự trang nghiêm nơi thọ dụng. Chúng ta sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ thọ dụng như thế nào? Tức là hưởng thụ như thế nào? “Ái nhạo Phật pháp vị” (Yêu thích mùi vị Phật pháp): “Nhạo” (樂) là ưa thích. Chúng sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, thứ gì cũng đều chẳng yêu mến, chỉ ưa thích pháp vị của Phật pháp. Đấy là sự hưởng thụ cao cấp. “Thiền tam-muội vi thực” (Thiền tam-muội dùng làm thức ăn): “Thiền” là Thiền lạc. “Tam-muội” dịch sang tiếng Hán là Chánh Định. “Thiền tam-muội” là Thiền Định. Chữ Thực (食) và chữ Vị (味) giống nhau, tức là quý vị nếm pháp vị Thiền lạc, đấy là một thứ hưởng thụ. Thông thường, chúng ta niệm chú Cúng Dường: “Nhược phạn thực thời, đương nguyện chúng sanh, Thiền lạc vi thực, pháp hỷ sung mãn” (Nếu khi ăn cơm, nguyện cho chúng sanh, ăn món Thiền lạc, pháp hỷ tràn trề). Các vị đại Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng cần ăn uống, các Ngài nghe Phật pháp liền sanh khởi một loại pháp lạc. Các Ngài tĩnh tọa, nhập Thiền Định, đắc một loại pháp hỷ, chẳng cần ăn thứ gì mà vẫn chẳng đói!

          Tây Phương Cực Lạc thế giới, ngoại trừ “ái nhạo Phật pháp vị, Thiền tam-muội vi thực”, còn có các thức ăn, nhưng chẳng cần ăn, nhìn thấy liền no. Chúng sanh đới nghiệp vãng sanh, vừa sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới, vẫn muốn ăn thứ này, thứ nọ. Kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất rõ ràng: “Bỉ Phật quốc độ, chư vãng sanh giả, cụ túc như thị thanh tịnh sắc thân, chư diệu âm thanh, thần thông công đức. Sở xử cung điện, y phục, ẩm thực, chúng diệu hoa hương, trang nghiêm chi cụ, do Đệ Lục Thiên tự nhiên chi vật. Nhược dục thực thời, thất bảo bát khí, tự nhiên tại tiền. Kim, ngân, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, minh nguyệt, chân châu, như thị chư bát, tùy ý nhi chí. Bách vị ẩm thực, tự nhiên doanh mãn. Tuy hữu thử thực, thật vô thực giả, đản kiến sắc, văn hương, ý dĩ vi thực, tự nhiên bão túc, thân tâm nhu nhuyễn, vô sở vị trước. Sự dĩ hóa khứ, thời chí phục hiện” (Những người sanh vào cõi nước Phật ấy trọn đủ sắc thân thanh tịnh, các âm thanh mầu nhiệm, thần thông, công đức như thế. Cung điện để ở, quần áo, thức ăn, các thứ hoa hương mầu nhiệm, vật trang nghiêm giống như những vật tự nhiên trong tầng trời thứ sáu. Nếu lúc muốn ăn, chén bát bằng bảy báu tự nhiên hiện ra trước. Vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, minh nguyệt, chân châu, các thứ bát như thế tùy ý hiện đến. Thức ăn trăm vị, tự nhiên đầy ắp. Tuy có những món ăn ấy, chẳng thật sự ăn, chỉ thấy sắc, ngửi mùi, bèn nghĩ là đã ăn, tự nhiên no đủ, thân tâm mềm mại, chẳng tham đắm mùi vị. Xong chuyện, những thứ ấy bèn biến mất, đến thời lại hiện ra). Quý vị muốn ăn thứ gì ư? Tùy thời đều có. Quý vị muốn dùng chén bát gì ư? Chén bát liền hiện ra trước mặt quý vị. Nhưng chúng sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là liên hoa hóa sanh, thân thể thanh tịnh, chẳng cần phải ăn uống để bồi bổ. Quý vị có vọng tưởng, muốn ăn món gì đó, nó liền hiện ra, mắt trông thấy màu sắc, mũi vừa ngửi mùi hương liền no, chẳng cần thật sự ăn uống! Đã ăn no, những thức ăn biến hiện ấy tự nhiên biến mất. Quý vị lại dấy vọng tưởng, muốn ăn những thứ thức ăn khác, những thứ ấy lại hiện ra trước mặt quý vị.

          Chúng sanh trong thế giới Sa Bà do quả báo xen tạp khổ lạc, khổ nhiều, lạc ít. Lạc là cái nhân gây ra khổ, nỗi khổ quá nhiều, vui sướng quá ít, chẳng có niềm vui sướng thật sự! Vì chẳng có sự vui sướng, bèn biến thành nỗi thống khổ! Khổ theo kiểu nào? Chẳng hạn như chúng sanh trong thế giới Sa Bà tưởng ăn uống là sự hưởng thụ bậc nhất. Chỉ cần là chúng sanh, đều mong ăn chi đó. Do vì hết thảy chúng sanh đều yêu tiếc thân mạng, ắt cần phải ăn uống thì sanh mạng mới có thể tiếp tục duy trì. Bất quá quý vị đừng nên tham ăn. Như thường nói: “Hạ hầu tam thốn thành hà vật? Bất dụng tương tâm tế giảo lượng” (Xuống khỏi cổ họng ba tấc thành vật gì vậy? Đừng nên bận tâm so đo chi ly). Quý vị hãy ngẫm xem: Quý vị ăn thứ chi đó ngon lành, lọt vào cổ họng xuống đến dạ dày, lại tiêu hóa nơi ruột, sẽ biến thành đại tiện. Tới khi đó, đều biến thành những thứ gớm tởm. Vì thế, quý vị tham ăn, ăn càng ngon, càng cảm thấy hưởng thụ. Thật ra, vào cổ họng, đều biến thành thứ thối tha, đấy chẳng phải là tội lỗi ư? Tham ăn vẫn chưa phải là tội lỗi lớn, nhưng do quý vị tham ăn, cái tâm tham sẽ phát triển. Hễ phát triển, sẽ chẳng chán đủ. Muốn ăn ngon thì phải ăn thịt chúng sanh. Có loài chúng sanh nào chẳng sợ chết, chẳng yêu mến mạng sống? Vì muốn bảo dưỡng sanh mạng của quý vị mà giết chết sanh mạng của chúng nó, đấy chẳng phải là tội lỗi to lớn ư?

          Sát hại mạng của chúng sanh, đương nhiên là chẳng hợp đạo lý; nhưng nếu chẳng ăn thịt chúng sanh, chẳng thể sống sót, thì xét theo tình người, vẫn còn tạm chấp nhận được. Bởi lẽ, quý vị chẳng ăn thịt chúng sanh, sẽ không thể sống nổi. Chẳng hạn như tại Mông Cổ hay Tây Tạng, ngũ cốc, các loại lương thực chẳng sanh trưởng, phải ăn thịt chúng sanh. Đó là tình huống đặc thù, còn như nội địa của chúng ta thì có gạo, bột mì, rau dưa, cớ gì cứ phải ăn thịt chúng sanh?

* Giải trừ nghi hoặc

          Hỏi: Có kẻ ngoài những thực phẩm thông thường ra, nhất định phải ăn thịt chúng sanh, cho là những thứ ấy cần thiết để bổ dưỡng thân thể?

          Đáp: Thời cổ, y dược chẳng phát triển. Nếu ai sanh bệnh, ăn uống không nổi, không dùng đôi chút thuốc bổ thì làm sao được? Hiện thời, y dược phát triển, thân thể thiếu thốn loại vitamin nào, đều có thể mua được, quý vị cần gì phải ăn thịt chúng sanh để bổ dưỡng thân thể? Thật ra, quý vị ăn thịt chúng sanh là vì cái tâm tham ăn, vì nghĩ thịt chúng sanh ăn ngon miệng. Nếu chúng ta chẳng học Phật pháp, chẳng phát tâm từ bi, tôi chẳng bàn những đạo lý này cùng quý vị. Nếu quý vị học Phật pháp, phát tâm từ bi, nhất định chẳng ăn thịt chúng sanh. Chúng ta hưởng thụ những thứ ngon lành, ăn thịt chúng sanh, chạm vào đầu lưỡi sanh ra vị ngon, ngỡ đó là một loại hưởng thụ. Nếu chẳng ăn thịt chúng sanh, chẳng thể duy trì sanh mạng thì còn có thể tha thứ được, vì phải ăn để cứu tánh mạng của quý vị. Do quý vị tham ăn thịt chúng sanh, chúng sanh hứng chịu đau khổ quá lớn, quý vị đạt được sự hưởng thụ quá ít. Nếu quý vị có tâm từ bi thương yêu, bảo vệ chúng sanh thì phải nên ăn chay.

          Hỏi: Có kẻ tham ăn thịt chúng sanh, cho rằng thịt có hương vị rất thơm, ăn vào miệng mùi vị rất ngon?

          Đáp: Thịt chúng sanh hoàn toàn chẳng phải là thật sự thơm tho. Ăn vào miệng thì hương vị cũng chẳng thật sự ngon lành! Phật giáo nói theo Lý, chẳng phải là đoán mò. Khi quý vị ăn mặn, ăn cải trắng, đậu hũ, vẫn là hương vị của cải trắng, đậu hũ. Tới khi quý vị ăn chay trường, lại ăn cải trắng, đậu hũ, hương vị vẫn chẳng thay đổi. Có thể thấy đó là chánh vị. Quý vị cảm giác đồ mặn có hương vị rất ngon, đấy là một thứ cảm giác sai lầm do thói quen. Quý vị vừa ăn chay, có người đút cho quý vị một miếng đồ mặn, vừa ngửi, sẽ cảm thấy tanh hôi, nhưng vẫn ăn được. Quý vị ăn chay ba tháng, lại bảo quý vị ăn thịt, ăn vào miệng, nuốt xuống chẳng nổi! Quý vị ăn chay hơn sáu tháng, trước kia ngửi đồ mặn, cảm thấy rất thơm, nay ngửi đồ mặn, sẽ là vị tanh hôi, cảm thấy muốn ọe ra, có thể thấy đó chẳng phải là hương vị tốt đẹp. Vì thế, hiện thời quý vị ăn mặn, ngỡ là hương vị thơm ngon, [thật ra] là cái tâm tham dục của quý vị làm hại quý vị dấy lên quan niệm sai lầm!

          Hỏi: Có một thứ lý luận: “Tâm tốt cần gì phải ăn chay?”

          Đáp: Điều này không chỉ là mê nơi Sự, mà còn mê nơi Lý. Kẻ chẳng phát tâm ăn chay, tâm chẳng kiên cố. Thoạt nghe lý luận “tưởng như là đúng, thật ra sai bét” ấy, ngỡ là đúng, trên thực tế, đó là một thứ tà tri kiến. Thương thiên, hại lý, không gì hơn chuyện muốn đòi mạng của chúng sanh. Mạng của chúng sanh duy nhất, chẳng hai; [mỗi chúng sanh] chỉ có một cái mạng, quý vị ham muốn cái mạng tôn quý nhất của chúng nó, ăn thịt chúng nó, cứ nói là tâm quý vị tốt lành! Phải như thế nào thì mới là cái tâm xấu xa vậy nhỉ?

          Hỏi: Có kẻ biết ăn chay là tốt, cũng biết ăn mặn chẳng đúng, nhưng [cảm thấy] ăn chay thì quá đáng tiếc?

          Đáp: Phải biết đấy là thói quen. Nay quý vị không ăn chay nổi là vì quý vị chẳng quan sát nỗi đau khổ của chúng sanh. Nếu quý vị nghĩ chúng sanh bị giết chóc rất đau khổ, sẽ chẳng nhẫn tâm ăn! Dần dần, quý vị sẽ dưỡng thành thói quen ăn chay, lại bảo quý vị ăn mặn, quý vị sẽ nuốt chẳng nổi!

          Hỏi: Tôi đã sớm muốn phát tâm ăn chay, bất quá khó tránh khỏi chuyện thù tạc trong xã hội. Chẳng uống chút rượu, chẳng ăn chút thịt, làm việc trong xã hội chẳng phải là sẽ không làm nổi ư?

          Đáp: Nhất định cần phải thù tạc thì trước đó, quý vị có thể cho đối phương biết quý vị ăn chay. Trong mâm cỗ, bày một ít rau dưa, trong chén rượu của quý vị, hãy rót trà vào. Khi thù tạc, họ ăn thịt của họ, quý vị ăn đồ chay của chính mình, họ uống rượu của họ, quý vị uống trà của chính mình. Đấy là phương tiện quyền xảo trong thù tạc, quý vị đừng biến nó thành chuyện thật. Quý vị phải nên biết: Thù tạc nhằm đôi bên đều đạt được lợi ích. Chỉ cần họ có thể đạt được lợi ích từ bản thân quý vị, quý vị chẳng bồi tiếp họ uống rượu, ăn thịt vẫn được. Do vậy, cổ nhân nói: “Bần cư náo thị vô nhân vấn, phú tại thâm sơn hữu viễn thân” (Nghèo giữa chợ đông, chẳng ai hỏi, giàu lánh núi sâu, có khách xa). Quý vị có chuyện thù tạc là vì hiện thời quý vị có của cải, có địa vị, mọi người bận lòng toan tính, mong tìm được lợi ích từ bản thân quý vị. Nếu quý vị nghèo túng, chẳng có địa vị, mọi người chẳng đạt được lợi ích từ trên thân quý vị, quý vị đứng giữa ngã tư cũng chẳng có ai hỏi đến. Ai còn bồi tiếp quý vị ăn thịt, uống rượu nữa ư? Một khi quý vị giàu có, không chỉ là ở tại đô thị có nhiều thân thích bằng hữu, mà ở trong núi thẳm, họ hàng xa lắc xa lơ đều tìm đến thăm hỏi. Vì mọi người đều mong đạt được lợi ích từ nơi thân quý vị.

          Quý vị tham ăn thịt chúng sanh, một người sát hại sanh mạng, tội lỗi vẫn chưa kể là lớn nhất, nhưng vì quý vị muốn thù tạc, thân thích bằng hữu đông đảo, mọi người đều muốn ăn thịt chúng sanh, hôm nay quý vị mời năm bảy bàn tiệc. Hãy xem đi, quý vị đã sát hại bao nhiêu sanh mạng? Đấy mới là tội lỗi to lớn. Tu hành phải đoạn phiền não, phiền não do ăn uống khó đoạn nhất. Vì chẳng ăn, sẽ chẳng thể sống sót. Trước hết, đừng nên sát hại sanh mạng, quý vị hãy ăn chay, từ từ tu hành. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, ngay cả đồ chay cũng chẳng cần ăn, mắt nhìn, mũi ngửi, liền no nê. Lại tiến thêm bước nữa, nghe Phật pháp, pháp hỷ làm thức ăn; tĩnh tọa thì Thiền duyệt làm thức ăn, ngay cả nhìn cũng chẳng cần phải nhìn, ngửi cũng chẳng cần phải ngửi, vẫn có thể sống y hệt.

          Hỏi: “Thiền duyệt làm thức ăn, pháp hỷ ngập tràn”, nói như vậy quá cao, chúng tôi còn chưa sanh về Tây Phương, còn chưa đạt đến cảnh giới ấy! Có thể nêu ra một trường hợp nhằm chứng tỏ cảnh giới ấy là như thế nào hay chăng?

          Đáp: Nay tôi chứng minh đôi chút. Quý vị mong đến nghe Vãng Sanh Luận, ban ngày phải đi làm; nếu tan sở, về nhà ăn tối rồi mới tới đây nghe kinh, sẽ chẳng kịp thời gian. Quý vị ôm bụng đói đến nghe kinh, do có tâm ưa thích cầu pháp mà đến. Nếu quý vị nghe nội dung lời giảng của tôi, cảm thấy chẳng thể nào hoan hỷ nổi, vọng tưởng dấy lên, nghĩ buổi tối còn chưa ăn tối, ngồi chẳng yên, càng nghe càng đói nẫu ruột, dẫu nghe pháp mà chẳng đạt được pháp hỷ. Trái lại, nếu quý vị cảm thấy tôi giảng rất hay, nghe hết sức hoan hỷ, sẽ nghĩ thầm: “Pháp sư Đạo Nguyên giảng hay quá, giảng đã quá”. Đạt được pháp hỷ, chẳng đói bụng, đến khi về nhà, quên khuấy bữa tối, vì quý vị đã dùng pháp hỷ làm thức ăn.

          Thiền duyệt làm thức ăn là chẳng hạn như sáng sớm mỗi ngày quý vị có công khóa nhất định, phải tĩnh tọa một giờ hoặc nửa giờ. Tĩnh tọa xong, ăn điểm tâm rồi đi làm. Nếu hôm nay quý vị chẳng tĩnh tọa tốt đẹp, dấy vọng tưởng, vọng tưởng dẫn dắt vọng tưởng, tâm chẳng tĩnh được. Thân thể ngồi chẳng nổi, đùi đau, eo nhức, toàn thân khó chịu, cảm thấy bụng đói, vốn dự định tĩnh tọa nửa tiếng rồi mới đứng dậy ăn sáng. Khi ấy, ngồi mấy phút vẫn chẳng được, nhất định phải đứng lên ăn gì đó. Đấy là quý vị chẳng đạt được Thiền duyệt. Nếu hôm nay quý vị tĩnh tọa bèn nhập Định, thông thường ngồi một tiếng đồng hồ cảm thấy thời gian rất dài. Hôm nay, cả tiếng đồng hồ mà giống như một sát-na trôi qua, toàn thân thoải mái, chẳng ăn sáng, cũng chẳng cảm thấy đói. Đấy là đạt được một loại pháp hỷ trong Thiền Định, [dùng] Thiền duyệt làm thức ăn. Thế giới Sa Bà có pháp hỷ là trùng hợp mà gặp, chẳng phải là công phu dài lâu. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, hằng ngày đều có pháp hỷ và Thiền duyệt. Đấy là chỗ tốt đẹp do sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới.

4.1.4.1.15. Trang nghiêm vô chư nạn công đức thành tựu

          (Luận) Vĩnh ly thân tâm não, thọ lạc thường vô gián.

          ()永離身心惱,受樂常無間。

          (Luận: Mãi lìa thân tâm khổ, hưởng vui thường chẳng ngớt).

          Đây là loại thứ mười lăm, tán thán sự trang nghiêm không có các nạn. “Vĩnh ly thân tâm não” (Vĩnh viễn xa lìa nỗi khổ não nơi thân, nơi tâm): Chịu lạnh, chịu nóng, ngã bệnh; đấy là phiền não nơi thân. Bị người khác ganh tỵ, chướng ngại, tự mình sanh tham, sân, si; đấy là phiền não trong tâm. Sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới, những nỗi phiền não nơi thân thể và cái tâm đều xa lìa, vĩnh viễn chẳng chịu khổ, mắc nạn. “Thọ lạc thường vô gián” (Thường hưởng vui, chẳng gián đoạn): Lạc trong thế giới Sa Bà có gián đoạn, lạc ít, khổ nhiều. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, lạc dài lâu, trong ấy chẳng có các thứ khổ nạn. Đấy là sự thành tựu công đức “không có các nạn”.

4.1.4.1.16. Trang nghiêm đại nghĩa môn công đức thành tựu

          (Luận) Đại Thừa thiện căn giới, đẳng vô cơ hiềm danh. Nữ nhân cập căn khuyết, Nhị Thừa chủng bất sanh.

          ()大乘善根界,等無譏嫌名。女人及根缺,二乘種不生。

          (Luận: Cõi Đại Thừa thiện căn, trọn không tên cơ hiềm. Nữ nhân và căn khuyết, giống Nhị Thừa chẳng sanh).

          Đây là loại thứ mười sáu, tán thán sự trang nghiêm của pháp môn nghĩa lý Đại Thừa. Tây Phương Cực Lạc thế giới toàn là tu pháp môn Đại Thừa. “Đại Thừa thiện căn giới” (Cõi thiện căn Đại Thừa): Tây Phương Cực Lạc thế giới toàn nói đến nghĩa lý Đại Thừa, là một thế giới theo thiện căn Đại Thừa. “Đẳng vô cơ hiềm danh” [nghĩa là] chẳng cần nói có sự thật phát sanh, ngay cả những danh xưng gây nên sự chê gièm, ghét bỏ đều chẳng nghe thấy. “Nữ nhân” là danh xưng tỵ hiềm, Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có nữ nhân. “Cập căn khuyết” (Và kẻ thiếu căn): Kẻ sáu căn chẳng đầy đủ, hoặc là mắt đui, tai điếc, hoặc thiếu một tay, một chân, sáu căn bị tàn khuyết. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có kẻ sáu căn không đầy đủ. “Nhị Thừa chủng bất sanh” (Chủng tánh Nhị Thừa chẳng sanh vào Cực Lạc): Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có hàng Nhị Thừa. Quả vị cao nhất của hàng Nhị Thừa là chỉ có thể thành A La Hán, chẳng thể thành Phật quả.

          Có người nghe tới đây bèn nói “nữ nhân chẳng thể sanh về Tây Phương” ư? Chẳng phải như vậy! Nữ nhân niệm Phật sanh về Tây Phương, sẽ biến thành nam nhân. Kẻ sáu căn không đầy đủ, niệm Phật sanh về Tây Phương, sẽ biến thành sáu căn trọn đủ. Hàng Nhị Thừa hồi Tiểu hướng Đại, niệm Phật sanh về Tây Phương, sẽ biến thành bậc Đại Thừa. [Vì lẽ này], Tây Phương chẳng có nữ nhân, chẳng có kẻ sáu căn không đầy đủ và hàng Nhị Thừa. Chẳng phải là nữ nhân, kẻ sáu căn chẳng trọn đủ và hàng Nhị Thừa không thể sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới!

          Kinh A Di Đà tán thán Tây Phương Cực Lạc thế giới toàn là bậc Đại A La Hán, vô lượng vô biên. Kinh Vô Lượng Thọ cũng nói Tây Phương Cực Lạc thế giới có Thanh Văn chúng. Đấy là các vị Thanh Văn khi ở thế giới Sa Bà, trước đó, đã tu theo Thanh Văn Thừa, hồi Tiểu hướng Đại, niệm Phật sanh về Tây Phương, bèn dùng danh xưng vốn sẵn có của họ, vẫn gọi là Thanh Văn. Các vị ấy trước đó đã chứng đắc A La Hán, sau đấy mới lại chuyển thành chủng tánh Đại Thừa.

4.1.4.1.17. Trang nghiêm công đức thành tựu thỏa mãn hết thảy những điều mong cầu

          (Luận) Chúng sanh sở nguyện nhạo, nhất thiết năng mãn túc. Thị cố nguyện sanh bỉ, A Di Đà Phật quốc.

          ()眾生所願樂,一切能滿足。是故願生彼,阿彌陀佛國。

          (Luận: Điều chúng sanh mong thích, hết thảy đều thỏa mãn. Do vậy, nguyện sanh về, cõi A Di Đà Phật).

          Đây là loại thứ mười bảy, tán thán sự trang nghiêm “thỏa mãn hết thảy những điều mong cầu”. Trong thế giới Sa Bà, cầu điều gì cũng đều chẳng thể mãn nguyện; sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, những điều mong cầu đều có thể mãn nguyện. “Chúng sanh sở nguyện nhạo, nhất thiết năng mãn túc” (Những điều mong muốn, ưa thích của chúng sanh, hết thảy đều có thể thỏa mãn): Quý vị ưa thích, mong muốn gì, hết thảy đều có thể thỏa mãn nguyện của quý vị. “Thị cố nguyện sanh bỉ, A Di Đà Phật quốc” (Do vậy, nguyện sanh về cõi nước của A Di Đà Phật): Quan sát Tây Phương Cực Lạc thế giới có các thứ trang nghiêm, cho nên tôi là Thiên Thân mới nguyện sanh vào nước An Lạc của A Di Đà Phật.

          Thiên Thân Bồ Tát dùng ba môn quan sát để quan sát hai thứ y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới; trước hết là quan sát sự trang nghiêm nơi y báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới, tổng cộng có mười bảy loại sự tướng trang nghiêm, trên đây đã giảng xong rồi. Nay lại quan sát chánh báo, tức là sự trang nghiêm của Phật và Bồ Tát. Trước hết, quan sát sự trang nghiêm của Phật gồm tám thứ. Đầu tiên, nói về loại thứ nhất, tức quan sát sự trang nghiêm nơi tòa hoa sen của A Di Đà Phật.

4.1.4.2. Quan sát sự trang nghiêm do công đức thành tựu của đức Phật ấy (chia thành tám đoạn)

4.1.4.2.1. Sự trang nghiêm do công đức thành tựu nơi bảo tòa

          (Luận) Vô lượng đại bảo vương, vi diệu tịnh hoa đài.

          ()無量大寶王,微妙淨華臺。

          (Luận: Vô lượng đại bảo vương, đài hoa tịnh, vi diệu).

          Đây là loại thứ nhất, tán thán công đức của tòa hoa sen. “Vô lượng đại bảo vương”: Theo cách giải thích thứ nhất, “đại bảo vương” là chất báu Thích Ca Tỳ Lăng Già (釋迦毗楞伽, Śakrābhilagna-maṇi-ratna). Chất báu Thích Ca Tỳ Lăng Già to lớn chẳng thể nghĩ bàn, là vua của các thứ báu. Bảo châu to lớn, chẳng có kích thước, trang nghiêm vượt trỗi sự tưởng tượng của phàm phu. Dẫu dùng con số trăm ngàn vạn ức [để sánh ví], vẫn chẳng thể tính toán được, nên gọi là “vô lượng”. Theo cách giải thích thứ hai, chẳng phải là một đại bảo vương, mà là vô lượng vô số đại bảo vương để trang nghiêm một pháp tòa.

          “Vi diệu tịnh hoa đài” tức là đài hoa sen thanh tịnh, đều được trang nghiêm bởi vô lượng số bảo vương chẳng thể nghĩ bàn để trang nghiêm. A Di Đà Phật ngồi trên đài hoa sen, chính giữa có một đài gương sen. Đấy là loại trang nghiêm thứ nhất của A Di Đà Phật. Tiếp đó, tán thán sự trang nghiêm nơi ba nghiệp thân, miệng, ý của A Di Đà Phật.

4.1.4.2.2. Trang nghiêm thân nghiệp công đức thành tựu

          (Luận) Tướng hảo quang nhất tầm, sắc tượng siêu quần sanh.

          ()相好光一尋,色像超群生。

          (Luận: Tướng hảo quang một tầm, hình sắc trỗi muôn loài).

          Đây là loại [trang nghiêm] thứ hai [nơi chánh báo của Phật]; trước hết là tán thán công đức nơi thân nghiệp của A Di Đà Phật. “Tướng hảo quang nhất tầm” (Quang minh nơi tướng hảo [trên thân Phật] chiếu xa một tầm): Tướng hảo trên thân thể [đức Phật] có quang minh, như Thích Ca Mâu Ni Phật là Ứng Thân Phật, có ba mươi hai thứ tướng, tám mươi thứ hảo, trên thân có quang minh, [thân Ngài] cao chừng một trượng. A Di Đà Phật ở Tây Phương Cực Lạc thế giới, hiện tướng Báo Thân Phật, thân có vô lượng tướng, mỗi tướng có vô lượng hảo, mỗi thứ hảo có vô lượng quang minh.

          Đức Phật tỏa ra quang minh, có phóng quang và thường quang. “Phóng quang” (放光) là quang minh tỏa ra khi Ngài thuyết pháp độ chúng sanh. “Thường quang” (常光) là quang minh thường chiếu ra xa. Ở đây, [Vãng Sanh Luận] nói đến thường quang, tức là quang minh vĩnh viễn nơi thân thể của Ngài. “Thường quang nhất tầm”: Tại Trung Hoa, cứ sáu thước gọi là một Tầm (尋). Ở đây, chẳng thể giải thích như vậy. Vì Báo Thân Phật phải dùng vô lượng để giải thích. Quý vị thấy kinh Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật đã miêu tả thân lượng của A Di Đà Phật [như sau]: “Sáu mươi vạn ức na-do-tha hằng hà sa do-tuần”. Ấn Độ có con sông Hằng, trong sông Hằng có rất nhiều hạt cát rất mịn. Mỗi hạt cát coi như là một do-tuần. “Do-tuần” (Yojana) dịch sang tiếng Hán là Dịch Trạm (驛站). Dịch (驛) là ruổi ngựa. Chánh phủ muốn truyền công văn khẩn cấp nhất, [bèn lập ra các dịch trạm, phu đưa công văn thúc ngựa chạy từ trạm này sang trạm khác sẽ đổi ngựa], khoảng cách giữa mỗi trạm chính là một do-tuần. Hiện thời, có thể nói là khoảng cách giữa hai trạm xe lửa là một do-tuần, mọi người sẽ dễ hiểu. Theo cách đo lường của Ấn Độ, tiểu do-tuần là bốn mươi dặm, trung do-tuần là sáu mươi dặm, đại do-tuần là tám mươi dặm. [Thân lượng của A Di Đà Phật] là sáu mươi vạn ức na-do-tha hằng hà sa số do-tuần. Tuy có một con số, nhưng con số ấy là vô lượng.

          “Sắc tượng siêu quần sanh”: Đây là tán thán tướng mạo nơi thân nghiệp của đức Phật đặc biệt trang nghiêm, không chỉ vượt trỗi lục phàm pháp giới, mà còn vượi trỗi tam thừa thánh nhân pháp giới, vượt trỗi hết thảy chúng sanh trong chín pháp giới!

4.1.4.2.3. Trang nghiêm khẩu nghiệp công đức thành tựu

          (Luận) Như Lai vi diệu thanh, phạm hưởng văn thập phương.

          ()如來微妙聲,梵響聞十方。

          (Luận: Như Lai tiếng vi diệu, âm Phạm vọng mười phương).

          Đây là loại thứ ba, tán thán công đức nơi khẩu nghiệp của A Di Đà Phật. “Như Lai vi diệu thanh” (Âm thanh vi diệu của Như Lai): A Di Đà Phật thuyết pháp là pháp âm vi diệu chẳng thể nghĩ bàn. “Phạm hưởng”: Phạm (梵) là thanh tịnh, Hưởng (響) là âm thanh. A Di Đà Phật thuyết pháp là âm thanh thanh tịnh. Quý vị nghe A Di Đà Phật thuyết pháp, có thể trừ khử hết thảy ô nhiễm phiền não. “Văn thập phương” (Nghe thấu mười phương): Mười phương thế giới chúng sanh, chỉ cần niệm danh hiệu của A Di Đà Phật, phát nguyện sanh về Tây Phương, đều có thể trông thấy tướng của A Di Đà Phật, mà cũng có thể nghe A Di Đà Phật thuyết pháp.

          Có người hỏi: “Mười phương thế giới chúng sanh đều có thể thấy, nghe. Vì sao tôi chẳng thấy tướng của A Di Đà Phật, chẳng nghe pháp âm của A Di Đà Phật?” [Đáp]: Chướng ngại không ở nơi A Di Đà Phật, mà ở chính quý vị. Nếu quý vị nhất tâm quy mạng A Di Đà Phật, dùng sanh mạng để chí tâm kiền thành lễ bái, chẳng có hai niệm. Quý vị lễ bái Phật như vậy, sẽ có thể thấy thân tướng của A Di Đà Phật. Quý vị niệm danh hiệu của Phật, có thể niệm đến mức nhất tâm bất loạn. Không chỉ là có thể thấy thân tướng của A Di Đà Phật, mà còn có thể nghe A Di Đà Phật thuyết pháp cho quý vị.

          Thành Phật, chứng đắc bản tánh của hết thảy các pháp, chứng đắc Pháp Tánh Thân, gọi là Pháp Thân Phật. Bồ Tát tu hành, nơi sự tướng thì phải tu Lục Độ vạn hạnh, tu nhân hạnh trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp để trang nghiêm quả đức, tức Báo Thân Phật. Nhân quả phải tương ứng, Báo Thân Phật và Pháp Thân Phật chẳng thể nói là một, vì Báo Thân Phật từ Pháp Thân Phật hiện ra. Do đó, Báo Thân Phật chẳng phải là Pháp Thân Phật. Nhưng cũng chẳng thể nói là hai thứ, vì Pháp Thân Phật không có tướng. Chúng ta thấy tướng Ứng Thân Phật, còn gọi là Hóa Thân Phật, hoặc Ứng Hóa Thân Phật. Ứng Hóa Thân Phật chia thành ba loại: Đại Hóa Thân Phật, tiểu Hóa Thân Phật, và tùy loại Hóa Thân Phật. Đại Hóa Thân Phật giáo hóa một tam thiên thế giới. Một tam thiên thế giới có một trăm ức tiểu thế giới. Mỗi tiểu thế giới đều có tiểu Hóa Thân Phật. Đại Hóa Thân Phật giáo hóa một tam thiên đại thiên thế giới, [thân ấy] cao một ngàn trượng. Tiểu Hóa Thân Phật giáo hóa một tiểu thế giới, [thân tướng giống] như đức Phật Thích Ca thị hiện tại Ấn Độ, cao một trượng sáu thước.

          Có thể thấy Phật tướng bằng cách nào? Quý vị nghiêm túc tu hành, thiện căn chín muồi, quý vị đáng nên thấy tiểu Hóa Thân Phật, bèn thấy tiểu Hóa Thân Phật; đáng nên thấy đại Hóa Thân Phật, sẽ thấy đại Hóa Thân Phật. Phật chẳng có thân nào là thấy, thân nào là không thấy! Tùy thuộc công phu tu hành của quý vị như thế nào, sẽ thấy tướng Phật bất đồng. Chúng ta chẳng đủ thiện căn, chẳng thấy đại Hóa Thân Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật đã nhập Niết Bàn hơn hai ngàn năm, chúng ta mới xuất thế, tiểu Hóa Thân Phật cũng chẳng thấy. Đức Phật thường độ chúng sanh trên thế giới, Ngài dùng tùy loại Hóa Thân để xuất hiện. Quý vị đáng nên thấy nam cư sĩ mà đắc độ, Ngài sẽ hiện thành nam cư sĩ. Quý vị đáng nên thấy nữ cư sĩ bèn đắc độ, Ngài bèn hiện thành nữ cư sĩ. Quý vị đáng nên đối trước tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni mà đắc độ, Ngài bèn hiện thành một vị tỳ-kheo hoặc tỳ-kheo-ni. Quý vị thấy trong phẩm Phổ Môn, Quán Thế Âm Bồ Tát có ba mươi ba Ứng Thân. Theo kinh Lăng Nghiêm, Quán Thế Âm Bồ Tát có ba mươi hai Ứng Thân, [những thân ấy] đều gọi là “tùy loại Hóa Thân”.

          Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, A Di Đà Phật thành Phật đã mười kiếp. Vì sao biết ngày Mười Bảy tháng Mười Một âm lịch là sinh nhật của A Di Đà Phật? Ngày Mười Bảy tháng Mười Một âm lịch vốn là sinh nhật của thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ. Vì sao coi sinh nhật của Thiền sư Diên Thọ là sinh nhật của đức Di Đà? Vì vào cuối thời Ngũ Đại2, A Di Đà Phật ứng hóa làm Thiền sư Diên Thọ. Ngài được Ngô Việt Vương Tiền Thục hết sức lễ kính, tôn trọng. Ngô Việt Vương thường thiết trai cúng Tăng. Có một hôm, Ngô Việt Vương hỏi Thiền sư Diên Thọ: “Trong công án nhà Phật có nói, khi trai tăng, sẽ có Phật, Bồ Tát, A La Hán đến ứng cúng. Cớ sao chẳng thấy có một vị nào đến ứng cúng, có phải là vì chúng ta chẳng đủ kiền thành nên chẳng có cảm ứng?” Thiền sư Diên Thọ đáp: “Cao tăng đông lắm, đáng tiếc là chẳng có ai nhận ra! Tại Hàng Châu có một vị Trường Nhĩ hòa thượng (hòa thượng có trái tai rất dài), chính là Định Quang Phật tái lai thị hiện. Nếu bệ hạ có thể cúng dường Ngài, ắt được đại phước báo”. Ngô Việt Vương nói: “Nếu Trường Nhĩ hòa thượng là Định Quang Phật tái lai thị hiện, ta ngay lập tức trai tăng cúng dường Ngài!” Ngày hôm đó, Trường Nhĩ hòa thượng cũng đến tham dự pháp hội trai tăng, nhưng các cư sĩ thấy Ngài lôi thôi, nhếch nhác, áo ca-sa rách rưới, bẩn thỉu, tướng mạo chẳng trang nghiêm, nói năng khật khà khật khùng, chẳng tôn trọng Ngài cho lắm. Trường Nhĩ hòa thượng cảm thấy mọi người chẳng hoan nghênh Ngài, đang chuẩn bị rời đi. Khi ấy, Ngô Việt Vương trông thấy Trường Nhĩ hòa thượng, cung kính lễ bái Ngài, nhất định muốn mời Ngài ngồi vào vị trí bậc nhất. Trường Nhĩ hòa thượng hỏi: “Sao hôm nay nhà vua đối xử lễ độ với tôi như vậy?” “Nghe nói Ngài là Định Quang Phật hiện thân” “Làm sao bệ hạ biết tôi là Định Quang Phật?” “Do Thiền sư Diên Thọ bảo trẫm”. “Di Đà lắm mồm!” Trường Nhĩ hòa thượng nói câu ấy xong, bèn ngồi ở ghế trên, đợi tới khi cơm nước chuẩn bị xong xuôi, Trường Nhĩ hòa thượng vẫn ngồi bất động, Ngài đã tọa hóa rồi!

          Ngô Việt Vương nhớ lại Trường Nhĩ hòa thượng đã nói: “Di Đà lắm mồm!” “Lắm mồm” là thích nói, [câu ấy có nghĩa là] A Di Đà Phật ưa nói. Bỗng nhiên, vua ngộ ra: Thiền sư Diên Thọ nhất định là A Di Đà Phật tái lai! Nếu không, làm sao Ngài biết Trường Nhĩ hòa thượng là Định Quang Phật? Do vậy, vua ngay lập tức sang đạo tràng Vĩnh Minh Tự của Thiền sư Diên Thọ, tới khi vua đến nơi thì Thiền sư Diên Thọ cũng tọa hóa rồi!

          Trường Nhĩ hòa thượng và Thiền sư Diên Thọ như vừa nói trên đây, đều là tùy loại Hóa Thân. Do vậy, chúng ta phải biết: Chẳng thấy Phật là do thiện căn của chúng ta không đủ. Chúng ta phải đối trước thiện tri thức, gieo thiện căn nơi Phật pháp, giữ lòng cung kính, tôn trọng các vị ấy như Phật, Bồ Tát. Mật Tông Tây Tạng so với Hiển Giáo của Trung Hoa thì càng tôn trọng người xuất gia. Mật Tông Tây Tạng nói đến Tứ Y, trước hết là quy y Kim Cang Thượng Sư, sau đó là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, vì Kim Cang Thượng Sư là vị sư phụ mà ta quy y trong hiện tại. Chẳng có Kim Cang Thượng Sư giảng Phật pháp, làm sao có thể biết đến Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo? Chúng ta chẳng thấy Ứng Thân Phật, chẳng thể trách Phật, chỉ trách chúng ta chẳng đủ thiện căn.

          Còn có một kiến thức thông thường trong Phật giáo, mọi người cần phải biết: Phật giáo chẳng phải là tà ma ngoại đạo, mà là một loại chánh đạo, là giáo lý chánh thống để giáo hóa chúng sanh. Trước tiên, giảng giải đạo lý cho quý vị, khiến cho quý vị nẩy sanh tín tâm, có thể khai ngộ, có thể tu hành, có thể chứng quả, dùng từ bi để giáo hóa chúng sanh. Có thần thông chẳng được phép nói ra! Vì có quy định như vậy, cho nên Phật, Bồ Tát thị hiện, chẳng được nói ra. Nay quý vị là một kẻ phàm phu, dụng công tu hành chứng thánh quả, cũng chẳng được phép nói với chúng sanh. Sắp đến lúc lâm chung, sắp ra đi, như tôi vừa mới nói, Trường Nhĩ hòa thượng là Định Quang Phật thị hiện, Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ là A Di Đà Phật thị hiện, [các Ngài] nói rồi bèn ra đi, vì đã tới lúc hóa duyên (duyên giáo hóa) đã tận. Quý vị tu hành chứng đắc quả vị, đến khi lâm chung, nói với các đệ tử rồi ra đi. Đấy là chỗ cao minh của Phật, dùng chánh đạo, chánh pháp để giáo hóa chúng sanh.

          Thân nghiệp, tướng hảo, quang minh của A Di Đà Phật, khẩu nghiệp là phạm âm vi diệu, nay chúng ta chẳng thấy, chẳng nghe, là do nghiệp chướng của chúng ta ngăn trở. Quý vị hãy tinh tấn tu hành. Pháp môn Tịnh Độ là niệm A Di Đà Phật, quý vị có thể niệm đến mức nhất tâm bất loạn, chứng đắc Niệm Phật tam-muội, sẽ thường xuyên thấy Phật, thường xuyên nghe Phật thuyết pháp, giống như chuyện ăn uống thường ngày. Khi chưa đắc Niệm Phật tam-muội, quý vị dụng công tu hành trong một khoảng thời gian, bỗng dưng thấy Phật tướng, hoặc thấy Phật phóng quang; nhìn lại thì chẳng có, tức là một lần cảm ứng. Trong lần ấy, quý vị dụng công tu hành, dứt hết vọng tưởng, tương thông với đức Phật, quý vị sẽ thấy Phật, nghe đức Phật thuyết pháp cho quý vị, hoặc mộng thấy đức Phật đang thuyết pháp, đều là chẳng thể nghĩ bàn.

          Nếu quý vị chẳng thấy đức Phật hiện tướng, chẳng thấy Phật phóng quang, quý vị bèn nói mình trông thấy. Quý vị chẳng nghe đức Phật thuyết pháp, bèn nói quý vị đã nghe. Quý vị chẳng chứng đắc cảnh giới của bậc thánh nhân, quý vị bảo chính mình đã chứng đạt. Quý vị chẳng chứng đắc quả vị thánh nhân, mà nói là quý vị đã chứng đắc. Chưa thấy mà nói là thấy, chưa đắc mà nói là đã đắc, chưa chứng mà nói là đã chứng, tức là phạm giới đại vọng ngữ, tội lỗi rất nặng!

          Thật sự trông thấy Phật tướng, Phật quang, nghe đức Phật thuyết pháp cho quý vị, chớ nên tùy tiện nói lung tung. Chỉ có cầu thiện tri thức ấn chứng cho quý vị là Phật hay là ma thì mới có thể nói! Còn có đồng tham đạo hữu, tin tưởng, ngưỡng mộ lẫn nhau, sẽ ấn chứng đạo lý. Trừ điều này ra, chẳng cho phép nói bừa bãi cùng người khác!

* Giải trừ nghi hoặc

          Hỏi: Vì sao thấy Phật tướng, Phật quang, nghe âm thanh thuyết pháp của đức Phật lại chẳng thể nói với người khác?

          Đáp: Có hai thứ nguyên nhân:

          1) Thứ nhất là chỉ sợ khiến cho kẻ khác tạo khẩu nghiệp. Vì quý vị nói quá trực tiếp, kẻ đó chẳng phải là căn cơ [thích hợp] nghe lời quý vị nói. Quý vị nói quý vị đã thấy Phật, kẻ đó chẳng tin tưởng, sẽ hủy báng quý vị. Kẻ đó tạo khẩu nghiệp là do quý vị dẫn dụ kẻ đó gây tạo.

          2) Thứ hai, quý vị tùy tiện nói, sẽ chuốc lấy ma! Quý vị hoàn toàn chẳng đạt được Niệm Phật tam-muội, chỉ là nhất thời vọng tưởng ngưng lặng, thấy Phật tướng, thấy Phật phóng quang, nhìn lại bèn chẳng có. Đấy chẳng phải là công phu thật sự của chính mình, chỉ là công phu vận dụng tốt đẹp trong một lần, đạt được một chút cảnh giới. Hễ quý vị sanh lòng hoan hỷ, sẽ chiêu cảm ma tìm đến. Trong đạo tâm của quý vị có kẽ hở, ma sẽ theo kẽ hở đó mà vào. Hằng ngày quý vị kể với người khác quý vị thấy Phật, ma biết quý vị thích thấy Phật, sẽ khiến cho quý vị mỗi ngày đều thấy, kết quả là ma hiện, quý vị bèn bị ma dựa!

4.1.4.2.4. Trang nghiêm tâm nghiệp công đức thành tựu

          (Luận) Đồng địa, thủy, hỏa, phong, hư không vô phân biệt.

          (同地水火風,虛空無分別。

          (Luận: Như đất, nước, lửa, gió, hư không chẳng phân biệt).

          Đây là loại thứ tư, tán thán sự trang nghiêm nơi tâm nghiệp của A Di Đà Phật. Tâm A Di Đà Phật là tâm vô phân biệt, giống như Ngũ Đại, tức đất, nước, lửa, gió, và hư không. Chúng ta đều biết Tứ Đại là đất, nước, lửa, gió. Phải hiểu chữ Đại (大) trong Tứ Đại (四大) như thế nào? Đại có nghĩa là “trọn khắp”, trọn khắp hết thảy các vật chất. Hết thảy vật chất đều từ bốn thứ này mà ra; vì thế, gọi là Tứ Đại, còn gọi là Tứ Đại Chủng. Chủng (種) có nghĩa là “có thể sanh ra”. Chúng có thể sanh ra hết thảy vạn vật, trong là căn thân, ngoài là thế giới. Bên trong có năm căn thân, tức mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân, đều do Tứ Đại Chủng tạo ra, được gọi là Nội Tứ Đại. Thế giới, núi, sông, đại địa bên ngoài cũng do Tứ Đại Chủng tạo ra, được gọi là Ngoại Tứ Đại. Ở đây, kể thêm Không Đại, vì Tứ Đại Chủng thành tựu hết thảy các vật chất. Nếu chẳng có hư không, hết thảy các vật chất ấy sẽ chẳng thể thành tựu. Tứ Đại Chủng và Không Đại được gọi gộp chung là Ngũ Đại. Hết thảy các vật chất đều do Ngũ Đại thành tựu.

          Địa, thủy, hỏa, phong, và hư không là bản thể của hết thảy các pháp, có thể tạo ra hết thảy muôn vật, chẳng có tâm phân biệt. “Đồng địa, thủy, hỏa, phong, hư không vô phân biệt” [ý nói] tâm A Di Đà Phật giống như Địa, Thủy, Hỏa, Phong, và hư không, chẳng có phân biệt. Tâm A Di Đà Phật chẳng có phân biệt, làm sao có thể thuyết pháp độ chúng sanh? Đấy là tùy ý tự nhiên. Tuy chẳng có phân biệt, cái tâm ấy có tác dụng chẳng thể nghĩ bàn, giống như Địa, Thủy, Hỏa, Phong và hư không. Ví như đại địa có thể chuyên chở vạn vật, bất luận thứ nặng hay vật nhẹ, đại địa đều có thể chuyên chở. Thủy Đại có thể chuyên chở hết thảy vạn vật, người, động vật, gỗ, thuyền v.v… đều có thể chuyên chở. Hỏa Đại: Chẳng có nhiệt độ của ánh sáng mặt trời, hết thảy vạn vật đều chẳng thể sanh tồn. Phong Đại, bất luận ban ngày hoặc ban đêm, đều có thể thổi qua đại địa, trưởng dưỡng hết thảy vạn vật. Hư không, có thể bao dung hết thảy vạn vật. Ngũ Đại mỗi thứ đều có công năng [chuyên biệt], tâm A Di Đà Phật cũng giống như vậy. Tuy Ngài chẳng có phân biệt, nhưng mặc sức tự nhiên bèn có thể thuyết pháp lợi ích hết thảy chúng sanh.

4.1.4.2.5. Trang nghiêm đại chúng công đức thành tựu

          (Luận) Thiên nhân bất động chúng, thanh tịnh trí hải sanh.

          (天人不動眾,清淨智海生。

          (Luận: Chúng trời người bất động, biển thanh tịnh trí sanh).

          Đây là loại thứ năm, tán thán công đức của đại chúng. Thế giới Sa Bà chia thành lục đạo chúng sanh, Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ chia thành thiên đạo và nhân đạo, chỉ có đại chúng trời, người. Trong thế giới Sa Bà, hai giới trên chẳng có Sân, tức là Sắc Giới và Vô Sắc Giới chẳng có tâm sân hận. A Tu La thích đánh nhau với trời Đao Lợi, bèn đánh nhau ngay trên trời Đao Lợi, chẳng đánh tới Sắc Giới và Vô Sắc Giới Thiên. Do vậy, Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có bốn ác đạo, chỉ có thiên đạo và nhân đạo.

          Chúng sanh có ba loại là Chánh Định Tụ, Tà Định Tụ, và Bất Định Tụ. Chúng sanh Chánh Định Tụ trong thế giới Sa Bà tu pháp Đại Thừa, tu đến khi viên mãn Thập Tín, dự vào địa vị Thập Trụ thì mới chẳng còn bị thoái chuyển nữa. Chúng sanh thuộc Tà Định Tụ quyết định là tà. Họ chẳng tin tưởng niệm Phật, làm sao có thể sanh về Tây Phương cho được? Chúng sanh thuộc Bất Định Tụ có lúc tiến, có khi lùi. Họ nghe thấy pháp môn Niệm Phật, nhập chánh đạo bèn tinh tấn, nhưng ở lâu dài trong thế giới Sa Bà, có thể lại thoái chuyển, trở thành Tà Định Tụ. Nhưng chúng sanh Bất Định Tụ niệm Phật sanh về Tây Phương, đới nghiệp vãng sanh, sẽ đắc Bất Thoái Chuyển. Vì thế, niệm Phật sanh về Tây Phương, bất luận là thiên đạo hay nhân đạo, sẽ đều là đại chúng bất động, là thiện căn Đại Thừa kiên cố bất động, đều trở thành chúng sanh Chánh Định Tụ.

          “Thiên nhân bất động chúng, thanh tịnh trí hải sanh (chúng trời người bất động, sanh từ biển trí huệ thanh tịnh): Đấy là công đức của A Di Đà Phật, quý vị biết niệm Phật như thế nào? Do dựa theo nguyện lực của A Di Đà Phật mà niệm. Quý vị sanh về Tây Phương như thế nào? Chính là do A Di Đà Phật tiếp dẫn quý vị ra đi. Vì sao quý vị có thể hóa sanh trong hoa sen? Cũng là do A Di Đà Phật gia bị quý vị. Vì đều là từ biển trí huệ thanh tịnh của A Di Đà Phật mà sanh ra đại chúng trời, người, cho nên [những người] được sanh ra đều là thiện căn Đại Thừa, đều nhập Chánh Định Tụ, chẳng thoái chuyển. Tuy văn tự ở đây nhằm tán thán đại chúng trời, người, nhưng thật ra là tán thán A Di Đà Phật.

4.1.4.2.6. Trang nghiêm thượng thủ công đức thành tựu

          (Luận) Như Tu Di sơn vương, thắng diệu vô quá giả.

          (如須彌山王,勝妙無過者。

          (Luận: Như núi chúa Tu Di, thắng diệu không chi hơn).

          Đây là loại thứ sáu, tán thán công đức của bậc thượng thủ. “Thượng thủ” (上首) là thủ lãnh. “Như Tu Di sơn vương” (Như núi chúa Tu Di): Đại chúng trời người đều giống như những quả núi, nhưng trong các quả núi, có một quả núi chúa, gọi là “Tu Di Sơn”. Tu Di Sơn (Sumeru) dịch sang tiếng Hán là Diệu Cao Sơn (妙高山). Thượng thủ trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát, giống như núi Diệu Cao trong các quả núi, hết thảy đại chúng trời người đều chẳng thể trỗi vượt bậc thượng thủ được.

4.1.4.2.7. Trang nghiêm chủ công đức thành tựu

          (Luận) Thiên nhân trượng phu chúng, cung kính nhiễu chiêm ngưỡng.

          ()天人丈夫眾,恭敬繞瞻仰。

          (Luận: Chúng trượng phu trời người, cung kính, vây chiêm ngưỡng).

          Đây là loại thứ bảy, tán thán công đức của bậc chủ. Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ có A Di Đà Phật, sẽ chẳng hiển lộ sự trang nghiêm của Ngài. Phải có đại chúng trời người thì mới có thể hiển lộ sự trang nghiêm của Ngài. “Thiên nhân trượng phu chúng”, [ý nói] đại chúng trời người đều có tướng trượng phu. “Cung kính nhiễu chiêm ngưỡng” (Cung kính đi vòng quanh, chiêm ngưỡng): “Cung kính” là lễ bái, “nhiễu” (繞) là đi vòng quanh. Hiện thời, chúng ta niệm Phật đều phải nhiễu Phật, đó là một thứ lễ tiết biểu lộ sự cung kính lễ bái. “Chiêm ngưỡng”: Ôm lòng cung kính ngưỡng vọng tướng mạo của đức Phật. Đấy cũng là một thứ lễ tiết, biểu lộ lòng kính ngưỡng sự trang nghiêm của đấng pháp chủ A Di Đà Phật.

4.1.4.2.8. Trang nghiêm công đức thành tựu trụ trì chẳng uổng công thực hiện

          (Luận) Quán Phật bổn nguyện lực, ngộ vô không quá giả, năng linh tốc mãn túc, công đức đại bảo hải.

          ()觀佛本願力,遇無空過者,能令速滿足,功德大寶海。

          (Luận: Quán sức bổn nguyện Phật, người gặp chẳng luống uổng, có thể mau thỏa nguyện, biển công đức báu lớn).

          Đây là loại thứ tám, tán thán công đức “trụ trì, chẳng uổng công thực hiện”. Trong những phần trước là quán tòa hoa sen, quán thân nghiệp, quán khẩu nghiệp thuyết pháp, và quán tâm nghiệp của Phật. Ở đây là quan sát sức bổn nguyện của Phật. A Di Đà Phật phát ra bốn mươi tám đại nguyện, nguyện nào cũng đều nhằm độ chúng sanh. Chúng ta phải học theo Phật phát nguyện, vì Niệm Phật là pháp môn Đại Thừa, chẳng phải vì để chính mình liễu sanh tử, mà là do ta nhằm độ hết thảy chúng sanh liễu sanh tử bèn sanh về Tây Phương. Để độ hết thảy chúng sanh, quý vị ở trong thế giới Sa Bà độ họ là được rồi, đến Tây Phương để làm gì? Trong thế giới Sa Bà, chẳng có trí huệ, biện tài, và thần thông, bản lãnh độ chúng sanh chẳng đủ dùng! Có người nói: “Bản lãnh độ chúng sanh chẳng đủ, [vậy thì] đời sau, đời kế tiếp tục tu là được rồi, cần gì phải sanh sang Tây Phương?” Vì đời sau, đời kế, chính mình chẳng thể làm chủ được, sẽ theo nghiệp lưu chuyển, đọa trong ba ác đạo, thời gian chịu khổ rất dài, chẳng biết đến kiếp nào mới có thể thoát ra! Đời sau, đời kế, sanh làm người, bị mê khi cách ấm, chẳng thể tiếp tục tu, sẽ thoái chuyển. Sanh về Tây Phương, do thường xuyên thấy Phật, nghe pháp, chỉ có tiến bộ, chẳng bị lui sụt, sẽ chẳng bị thoái chuyển. Do vậy, sanh về Tây Phương, đạt được bản lãnh độ chúng sanh, lại trở về thế giới Sa Bà độ chúng sanh, gọi là “thừa nguyện tái lai”, thỏa mãn Bồ Đề nguyện. Quý vị quan sát, [sẽ thấy] A Di Đà Phật thoạt đầu cũng là phàm phu. Ngài do phát nguyện độ chúng sanh, nên mới thành Phật. Chúng ta học theo Ngài, cũng phải phát nguyện độ chúng sanh, học được bản lãnh độ chúng sanh, sẽ trở về độ chúng sanh.

          Nếu quý vị có thể quan sát sức bổn nguyện của A Di Đà Phật, cũng sẽ học theo A Di Đà Phật phát nguyện. “Quán Phật bổn nguyện lực, ngộ vô không quá giả” (Quán sức bổn nguyện Phật, kẻ đã gặp sẽ chẳng luống uổng): Quý vị gặp pháp môn Niệm Phật, gặp danh hiệu A Di Đà Phật, thấy Phật tướng của A Di Đà Phật, sẽ chẳng luống uổng, cũng có thể mãn nguyện. Pháp môn Tịnh Độ thích hợp trọn khắp ba căn, vạn người tu, vạn người về. Quý vị là bậc thượng căn, quý vị niệm Phật sanh về Tây Phương. Quý vị là hàng trung căn, cũng niệm Phật sanh về Tây Phương. Quý vị là phường hạ căn, vẫn có thể niệm Phật sanh về Tây Phương. Chỉ cần quý vị tương ứng với bổn nguyện của A Di Đà Phật. A Di Đà Phật phát nguyện độ chúng sanh, quý vị cũng phát nguyện độ chúng sanh. Niệm Phật như thế thì quý vị sẽ có thể sanh về Tây Phương, tuyệt đối chẳng khiến cho quý vị uổng công.

          “Năng linh tốc mãn túc” [nghĩa là] có thể thỏa nguyện của quý vị rất nhanh chóng. “Công đức đại bảo hải” (Biển báu công đức lớn): Danh hiệu của A Di Đà Phật trọn đủ vô lượng công đức. Quý vị gặp pháp môn Tịnh Độ, nghe danh hiệu A Di Đà Phật, quý vị bèn niệm danh hiệu A Di Đà Phật, giống như có được một viên Như Ý bảo châu! Quý vị có Như Ý bảo châu, mong cầu thứ gì ư? Nó sẽ ban cho quý vị thứ ấy. Như Ý bảo châu là tỷ dụ. Quý vị có thể niệm danh hiệu A Di Đà Phật, sẽ giống như có được Như Ý bảo châu, quý vị cầu nguyện điều gì, nó đều có thể mãn nguyện của quý vị. Vì công đức của A Di Đà Phật quá rộng, quá sâu, giống như biển cả!

          Tám thứ tán thán trên đây đều nhằm tán thán công đức của A Di Đà Phật. Dưới đây là tán tán các vị đại Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có bốn loại công đức.

4.1.4.3. Quan sát công đức chánh tu hành thành tựu của các vị Bồ Tát trong cõi ấy (chia thành bốn đoạn)

4.1.4.3.1. Trang nghiêm công đức thành tựu “chẳng tu mà tu”

          (Luận) An Lạc quốc thanh tịnh, thường chuyển vô cấu luân, hóa Phật, Bồ Tát nhật, như Tu Di trụ trì.

          ()安樂國清淨,常轉無垢輪,化佛菩薩日,如須彌住持。

          (Luận: Cõi An Lạc thanh tịnh, thường chuyển vô cấu luân, hóa Phật, Bồ Tát nhật, như Tu Di trụ trì).

          Đây là loại thứ nhất, tán thán công đức “chẳng tu mà tu”. “An Lạc quốc thanh tịnh”: Kinh A Di Đà dịch Tây Phương Cực Lạc thế giới là thế giới Cực Lạc, kinh Vô Lượng Thọ dịch là An Lạc quốc. Thông thường, chúng ta niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, và Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát; đấy là các vị Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Thường chuyển vô cấu luân” (Thường xoay pháp luân vô cấu): “Thường chuyển” là thường chuyển pháp luân, [tức là] thường xuyên thuyết pháp. “Vô cấu” có nghĩa là “thanh tịnh”. Vì Bồ Tát chứng đắc thanh tịnh Pháp Thân, trọn đủ viên mãn tịnh đức, toàn nói các pháp thanh tịnh. Thuyết pháp được gọi là “chuyển pháp luân”, có hai ý nghĩa:

          1) Một ý nghĩa là “chuyên chở”. Giống như một cỗ xe lớn có thể chuyên chở chúng sanh từ trên đường sanh tử phàm phu tới chỗ kho báu Niết Bàn, tức là có thể chuyên chở quý vị đến thế giới Cực Lạc.

          2) Ý nghĩa thứ hai là “nghiền nát”. Trên mặt đất có rác rưởi, bánh xe có thể nghiền nát, tức là có thể nghiền nát phiền não.

          Bồ Tát thuyết pháp cho quý vị, một loại là có thể chở quý vị sang Tây Phương, loại thứ hai là có thể đoạn trừ phiền não của quý vị.

          “Hóa Phật, Bồ Tát nhật” (Vầng mặt trời hóa Phật, Bồ Tát): Thanh Tịnh Đại Hải Chúng của Tây Phương Cực Lạc thế giới không chỉ chuyển pháp luân trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, mà các Ngài có thể chuyển pháp luân trong mười phương thế giới. Chúng sanh trong mười phương thế giới cần thấy Phật để đắc độ, các Ngài liền hóa hiện Phật tướng. Đáng nên thấy Bồ Tát để đắc độ, các Ngài liền thị hiện tướng Bồ Tát, giống như ánh sáng mặt trời chiếu trọn khắp. “Như Tu Di trụ trì”: Tuy Bồ Tát phân thân ứng hóa trong mười phương thế giới, nhưng thân thể các Ngài ở Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng lay động như núi Tu Di.

* Giải trừ nghi hoặc

          Hỏi: Vì sao Bồ Tát bất động trong Tây Phương Cực Lạc thế giới mà có thể phân thân thuyết pháp trong mười phương thế giới?

          Đáp: Bồ Tát là nương vào lý Pháp Không “vô tu mà tu” để tu hành, chẳng chấp hết thảy tướng tu hành. Sau khi Ngài đã sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới thành Bồ Tát, thân thể trong Tây Phương bất động, có thể phân thân trọn khắp mười phương. Đấy gọi là “bất động mà phân thân”.

4.1.4.3.2. Trang nghiêm công đức thành tựu đồng thời lợi sanh

          (Luận) Vô cấu trang nghiêm quang, nhất niệm cập nhất thời, phổ chiếu chư Phật hội, lợi ích chư quần sanh.

          ()無垢莊嚴光,一念及一時,普照諸佛會,利益諸群生。

          (Luận: Vô cấu trang nghiêm quang, một niệm và một thời, chiếu khắp các Phật hội, lợi ích các quần sanh).

          Đây là loại thứ hai, tán thán công đức “đồng thời lợi lạc chúng sanh”. Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật phóng quang minh, đó là quang minh trí huệ thanh tịnh. Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát tỏa quang minh, cũng là quang minh trí huệ thanh tịnh. Quang minh trí huệ thanh tịnh vô cấu, vô nhiễm thì gọi là “vô cấu trang nghiêm quang”.

          “Nhất niệm cập nhất thời”: Bồ Tát trong một niệm, gọi là “nhất niệm”, trong một khoảng thời gian rất ngắn thì gọi là “nhất thời”“phổ chiếu chư Phật hội” (chiếu khắp các Phật hội). “Chư Phật hội” là pháp hội của mười phương thế giới chư Phật. Thế giới nào trong mười phương có Phật mở pháp hội, các vị Bồ Tát ấy sẽ đến đó. “Lợi ích chư quần sanh”: Bồ Tát đến lợi ích chúng sanh, giống như khi Thích Ca Mâu Ni Phật mở pháp hội trong thế giới Sa Bà, Quán Thế Âm Bồ Tát đến, Đại Thế Chí cũng đến, vì thế giới Sa Bà có kẻ thấy Quán Thế Âm Bồ Tát bèn đắc độ, có kẻ thấy Đại Thế Chí Bồ Tát mà đắc độ. Các Ngài đến thế giới Sa Bà nhằm lợi ích chúng sanh. Nhưng chúng sanh trong mười phương thế giới đáng nên thấy Bồ Tát của Tây Phương Cực Lạc thế giới mà đắc độ, Bồ Tát sẽ thị hiện, chẳng có trước hay sau sai khác, đồng thời thị hiện.

* Giải trừ nghi hoặc

          Hỏi: Chúng ta niệm Phật phát nguyện sanh về Tây Phương, tới lúc lâm chung, A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, và Đại Thế Chí Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta. Giả sử số người niệm Phật ít, Phật, Bồ Tát còn tới tiếp dẫn kịp. Nếu chúng sanh trong mười phương thế giới đều niệm Phật vãng sanh, ắt cần phải tiếp dẫn từng người một, làm sao tiếp dẫn cho kịp?

          Đáp: Đấy là chẳng hiểu thần thông diệu dụng của Phật, Bồ Tát [cho nên ngờ vực như vậy]. Thân thể các Ngài chẳng cần dao động, mà có thể đến trọn khắp mười phương. Lại còn chẳng trước, chẳng sau, xét theo mặt thời gian, sẽ là chẳng sai khác! Báo thân của quý vị đã tận, đáng nên sanh về Tây Phương, đến lúc sẽ đi. Chúng sanh nào đáng nên sanh về Tây Phương, Phật, Bồ Tát bèn đến tiếp dẫn quý vị, giống như [trong khoảng] một niệm, hoặc một thời, chẳng có trước hay sau sai khác, đều có thể trọn khắp mười phương, chẳng bị sai sót!

          Cổ nhân đã sánh ví Phật, Bồ Tát của Tây Phương Cực Lạc thế giới bất động tại Tây Phương mà có thể phân thân trọn khắp các cõi nước như số vi trần, tiếp dẫn lợi lạc hết thảy chúng sanh bằng hai câu tỷ dụ như sau: “Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt, vạn lý vô vân vạn lý thiên” (Ngàn sông in bóng ngàn trăng, vạn dặm không mây vạn dặm trời). Mặt trăng trên bầu trời bất động, soi bóng trong nước sông. Trong nước của ngàn con sông, trăng đều soi bóng, đồng thời, chẳng có trước, sau. Chỉ cần có nước, nước nơi ngàn con sông bèn hiện bóng, thậm chí một chậu nước nhỏ, cũng hiện bóng trăng. Đấy là tỷ dụ sự bất động, cũng như sánh ví sự kịp thời.

          Trời xanh chiếu khắp đại địa, chiếu khắp hết thảy chúng sanh. Quý vị chẳng trông thấy trời xanh, chẳng thể trách trời xanh không gặp gỡ quý vị. Đấy là do quý vị gặp phải lúc âm u. “Trời âm u” ví như tự tánh thanh tịnh của chúng ta, bị phiền não che lấp. Chẳng trông thấy trời xanh là vì không trung bị mây che phủ. “Vạn lý vô vân vạn lý thiên” (Vạn dặm không mây, vạn dặm trời): Chỉ cần quý vị có thể nhất tâm niệm Phật, sẽ tương ứng với tâm của A Di Đà Phật.

4.1.4.3.3. Trang nghiêm bình đẳng cúng dường công đức thành tựu

          (Luận) Vũ thiên nhạc, hoa y, diệu hương đẳng cúng dường, tán chư Phật công đức, vô hữu phân biệt tâm.

          ()雨天樂華衣,妙香等供養,讚諸佛功德,無有分別心。

          (Luận: Mưa nhạc trời, áo hoa, hương mầu thảy cúng dường, khen công đức chư Phật, chẳng có tâm phân biệt).

          Đây là loại thứ ba, tán thán công đức bình đẳng cúng dường. Các vị đại Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đến mười phương thế giới để tham dự pháp hội của chư Phật, đến để lợi ích chúng sanh. [Các Ngài] đến những thế giới ấy để cúng dường chư Phật, sẽ mang theo các vật phẩm cúng dường, giống như trời tuôn mưa vậy.

          “Vũ thiên nhạc, hoa y” (Mưa nhạc trời, áo hoa): “Thiên” có nghĩa là tự nhiên. Từ trời rơi xuống, tự nhiên có âm nhạc, hoa tươi, y phục. Vì sao có vật phẩm cúng dường nhiều ngần ấy? Do được thành tựu bởi công đức của A Di Đà Phật. “Diệu hương đẳng cúng dường” (Cúng dường những thứ như hương mầu nhiệm v.v…): Hương mầu nhiệm chẳng thể nghĩ bàn. Từ trên trời rơi xuống, không chỉ là hương cúng dường, mà còn có các loại thức ăn để cúng dường. “Tán chư Phật công đức” (Khen ngợi công đức của chư Phật): Dâng lên vật cúng để cúng dường chư Phật, lại còn tán thán công đức của chư Phật. “Vô hữu phân biệt tâm” (Chẳng có tâm phân biệt): Tâm nghiệp của A Di Đà Phật lợi ích hết thảy chúng sanh, chẳng có tâm phân biệt. Những vị Pháp Thân đại sĩ ấy cúng dường mười phương chư Phật, cũng chẳng khởi tâm phân biệt, bình đẳng cúng dường.

4.1.4.3.4. Trang nghiêm kiến lập Phật pháp công đức thành tựu

          (Luận) Hà đẳng thế giới vô, Phật pháp công đức bảo, ngã nguyện giai vãng sanh, thị Phật pháp như Phật.

          ()何等世界無,佛法功德寶,我願皆往生,示佛法如佛。

          (Luận: Thế giới nào chẳng có, báu Phật pháp công đức, tôi đều nguyện vãng sanh, dạy Phật pháp như Phật).

          Đây là loại thứ tư, tán thán công đức kiến lập Phật pháp. “Hà đẳng thế giới vô, Phật pháp công đức bảo” [có nghĩa là] thế giới nào chẳng có Phật thì Bồ Tát bèn nguyện sanh về thế giới ấy để trụ trì trang nghiêm Phật Pháp Tăng Tam Bảo, khiến cho Phật chủng nơi nơi chẳng đoạn. “Ngã nguyện giai vãng sanh” (Tôi đều nguyện vãng sanh): Ngã (tôi) là nói tới các vị đại Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tôi sẽ sanh vào thế giới chẳng có Phật, “thị Phật pháp như Phật” [nghĩa là] thị hiện thuyết pháp giống như Phật vậy.

          Đối với loại công đức này, gộp cả bốn thứ công đức của Bồ Tát để nói, chúng ta hãy biện định một phen. Kinh Phật nói trong hư không có vô lượng vô biên thế giới Tịnh Độ của Phật, mười phương đều có cõi nước thanh tịnh. Quý vị mong sanh về phương Tây, sẽ sanh về phương Tây. Quý vị mong sanh về phương Đông, sẽ sanh về phương Đông. Quý vị mong sanh về phương Nam, sẽ sanh về phương Nam. Quý vị mong sanh về phương Bắc, sẽ sanh về phương Bắc, đều có thể lập nguyện vãng sanh quốc độ thanh tịnh. Vậy thì vì sao chỉ muốn sanh về Tây Phương?

          Là vì dựa theo nguyện lực của Phật để so sánh, [sẽ thấy] nguyện lực của A Di Đà Phật đặc biệt thù thắng. Chúng sanh dụng công, tâm lực phải chuyên nhất. Trước hết, quý vị lập nguyện vãng sanh Tây Phương, sanh về Tây Phương hòng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, trí huệ, biện tài, thần thông thảy đều có, mười phương thế giới quý vị đều có thể đến. Tới mười phương thế giới cúng dường mười phương chư Phật, lợi ích mười phương thế giới chúng sanh. Thế giới nào chẳng có Phật, quý vị bèn sanh vào thế giới đó [để chỉ dạy Phật pháp], đều có thể vừa lòng mãn nguyện, tự do tự tại. Quý vị là chúng sanh trong thế giới Sa Bà, Hoặc nghiệp chưa đoạn, thế giới nào chẳng có Phật, quý vị có muốn đến đó, cũng chẳng đến được! Quý vị muốn cúng dường một vị Phật trong thế giới nào đó, trọn chẳng cúng dường được! Quý vị mong lợi ích chúng sanh trong một thế giới nào đó, cũng chẳng lợi ích được. Vì thế, trước hết, hãy nhất tâm nhất ý nương cậy đại nguyện lực của A Di Đà Phật sanh về Tây Phương. Sau khi đã sanh về Tây Phương, quý vị có thần thông, đối với mười phương thế giới, quý vị thích sanh vào thế giới nào, sẽ sanh vào thế giới đó, tự do tự tại.

          Sự cúng dường của chư đại Bồ Tát đều là học theo Phật. Nay chúng ta học theo A Di Đà Phật, học theo các vị đại Bồ Tát. Chúng ta dâng cúng chư Phật, bất luận đến một tự viện nào, sẽ tùy sức tùy phần cúng dường, nương theo tâm lực và tài lực của quý vị để cúng dường, đừng nên dấy lòng phân biệt. Quý vị đừng nên suy xét Phật trong tự viện nào có duyên với ta, ta cúng dường nhiều hơn một tí. Phật trong tự viện nào chẳng có duyên với ta, ta cúng dường ít một chút. Đấy đều là cái tâm phân biệt của phàm phu. Vì phát tâm bình đẳng thì công đức sẽ bình đẳng. Lợi ích chúng sanh tùy duyên, tùy phận, đừng nên dấy lòng phân biệt. Chúng sanh này có duyên với ta, ta bèn giảng cho người ấy nhiều hơn đôi câu. Chúng sanh kia chẳng có duyên với ta, ta giảng cho họ ít hơn một đôi câu. Đấy đều là tâm phân biệt, phải bình đẳng lợi ích chúng sanh.

          Nói đến chỗ này thì Quan Sát Môn trong Ngũ Niệm Môn của phần Kệ Tụng đã giảng xong. Tiếp đó là niệm môn thứ năm, tức Hồi Hướng Môn. Hồi (迴) là xoay chuyển, Hướng (向) là hướng đến.

4.1.5. Hồi Hướng Môn

          (Luận) Ngã tác luận thuyết kệ, nguyện kiến Di Đà Phật, phổ cộng chư chúng sanh, vãng sanh An Lạc quốc.

          ()我作論說偈,願見彌陀佛,普共諸眾生,往生安樂國。

          (Luận: Tôi soạn luận, nói kệ, nguyện thấy Di Đà Phật, cùng khắp các chúng sanh, vãng sanh cõi An Lạc).

          “Ngã tác luận thuyết kệ” (Tôi làm luận, nói kệ): Tôi là Thiên Thân soạn Vãng Sanh Luận, trong phần đầu, viết bài Nguyện Sanh Kệ. Do công đức này, tôi “nguyện kiến A Di Đà Phật” (nguyện thấy A Di Đà Phật). Tôi chẳng cầu phước báo nhân thiên, tôi bằng lòng đem công đức của tôi hồi hướng Tây Phương, nguyện sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân cận A Di Đà Phật, đồng thời hồi hướng công đức của tôi cho hết thảy chúng sanh. “Phổ cộng chư chúng sanh, vãng sanh An Lạc quốc”: Thiên Thân tôi đây chẳng phải vì liễu sanh tử cho cá nhân tôi, mà tôi nguyện cùng hết thảy chúng sanh đều vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.

          (Luận) Vô Lượng Thọ Tu Đa La chương cú, ngã dĩ kệ tụng tổng thuyết cánh.

          ()無量壽修多羅章句,我以偈頌總說竟。

          (Luận: Đối với ý nghĩa của kinh văn trong kinh Vô Lượng Thọtôi dùng kệ tụng để nói đại ý đã xong).

          Tu Đa La (Sūtra) là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Khế Kinh, dịch đơn giản là Kinh. Vô Lượng Thọ Tu Đa La là kinh Vô Lượng Thọ. “Chương cú” (章句) là ý nghĩa của một chương, một đoạn kinh Vô Lượng Thọ. “Ngã dĩ kệ tụng tổng thuyết cánh” [ý nói] tôi là Thiên Thân đã dùng kệ tụng để nói tổng quát, đã nói xong rồi.

4.2. Phần giải thích (chia làm mười đoạn)

4.2.1. Đại ý của bài Nguyện Sanh Kệ

          (Luận) Luận viết: Thử nguyện kệ minh hà nghĩa? Thị hiện quán bỉ An Lạc thế giới, kiến A Di Đà Phật, nguyện sanh bỉ quốc cố.

          ()論曰:此願偈明何義?示現觀彼安樂世界,見阿彌陀佛,願生彼國故。

          (Luận: Luận rằng: “Bài Nguyện Sanh Kệ này nêu rõ những ý nghĩa nào? Nhằm chỉ rõ: Quán thế giới An Lạc, thấy A Di Đà Phật, nguyện sanh về cõi ấy).

          Toàn bộ Vãng Sanh Luận chia làm hai khoa lớn, Kệ Tụng trong phần đầu là phần Tổng Thuyết, đã giải thích xong. Phần luận văn Trường Hàng kế đó là phần Giải Thích, nhằm giải thích phần Kệ Tụng trước đó. Dựa theo ý nghĩa của lời văn để chia thành các tiểu đoạn. Phần luận văn Trường Hàng chia thành mười khoa. Khoa thứ nhất là “nguyện kệ đại ý” (願偈大意), nêu rõ đại ý của bài kệ tụng Nguyện Sanh, tức là nêu ra tổng cương lãnh.

          “Luận viết” (Luận rằng), Luận (論) là nghị luận, tức là phần luận văn Trường Hàng. “Thử nguyện kệ minh hà nghĩa” (Bài kệ nguyện vãng sanh này nêu rõ những ý nghĩa gì): Quý vị viết bài kệ tụng nguyện sanh Tây Phương có những nghĩa lý như thế nào? Tiếp đó, bắt đầu giải thích: “Thị hiện quán bỉ An Lạc thế giới” (Khai thị, hiển hiện, quán thế giới An Lạc): “Thị” (示) là khai thị, “hiện” (現) là hiển hiện. Khai thị, hiển hiện bài Kệ Tụng trong phần trước để cho chúng ta quan sát cặn kẽ y báo trang nghiêm trong thế giới Cực Lạc.

          “Kiến A Di Đà Phật” (Thấy A Di Đà Phật): Đấy là chánh báo trang nghiêm. “Kiến” (見) có hai cách giải thích:

          1) Một là dựa theo kệ tụng, thấy tám thứ công đức của A Di Đà Phật.

          2) Khi tùy văn tác quán (隨文作觀, thuận theo lời văn mà quán tưởng), sẽ có thể thấy A Di Đà Phật.

          “Nguyện sanh bỉ quốc cố” (Do nguyện sanh vào cõi ấy): Tôi dựa theo phần Kệ Tụng trên đây, có thể quan sát các thứ trang nghiêm nơi y báo trong thế giới An Lạc, quan sát chánh báo của A Di Đà Phật, cùng với sự trang nghiêm của các vị đại Bồ Tát. Do vậy, nguyện sanh về cõi An Lạc. Quý vị có thể tùy văn tác quán, thấy A Di Đà Phật, hoặc là khi nằm mộng thấy A Di Đà Phật, hoặc là lúc nhập Định trông thấy A Di Đà Phật, quý vị càng có thể tăng thêm tín tâm, nguyện sanh về nước An Lạc. Soạn Nguyện Sanh Kệ nhằm quan sát rõ ràng y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị sẽ phát nguyện sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới.

4.2.2. Khởi quán, sanh lòng tin (chia làm hai đoạn)

4.2.2.1. Chỉ bày Ngũ Niệm Lực

          (Luận) Vân hà quán? Vân hà sanh tín tâm? Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân, tu ngũ niệm môn hạnh thành tựu, tất cánh đắc sanh An Lạc quốc độ, kiến bỉ A Di Đà Phật.

          ()云何觀?云何生信心?若善男子善女人,修五念門行成就,畢竟得生安樂國土,見彼阿彌陀佛。

          (Luận: Quán như thế nào? Sanh tín tâm như thế nào? Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân tu hạnh ngũ niệm môn thành tựu, rốt ráo sẽ được sanh về cõi nước An Lạc, thấy đức A Di Đà Phật).

          Khoa thứ hai là “khởi quán, sanh lòng tin”. Quán (觀) là quan sát, quán tưởng, là một loại công phu tu hành. “Vân hà quán? Vân hà sanh tín tâm?” (Quán như thế nào? Sanh tín tâm như thế nào?) Quý vị soạn Nguyện Sanh Kệ, bảo chúng tôi hãy quán tưởng thế giới An Lạc hòng thấy A Di Đà Phật, vậy thì hãy nên quán tưởng như thế nào để chúng tôi có thể sanh khởi tín tâm? Tiếp đó, bèn giải thích thêm: “Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân tu ngũ niệm môn hạnh thành tựu” (Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân tu hạnh năm niệm môn thành tựu): Niệm là quán niệm. Tôi soạn bài kệ tụng này, trong ấy bao hàm năm thứ Quán Niệm Môn. Đấy là một thứ công hạnh. Thành tựu công hạnh ấy, “tất cánh đắc sanh An Lạc quốc độ, kiến bỉ A Di Đà Phật” (rốt ráo được sanh vào cõi nước An Lạc, thấy A Di Đà Phật).

          Ngũ Niệm Môn là cái nhân để sanh về Tây Phương, sanh về Tây Phương là quả. Làm thế nào để có thể sanh về Tây Phương An Lạc thế giới, thấy A Di Đà Phật? Nhất định phải tu năm loại niệm môn này; vì thế, năm thứ niệm môn hết sức quan trọng.

4.2.2.2. Nêu ra ngũ niệm môn

          (Luận) Hà đẳng ngũ niệm môn? Nhất giả, lễ bái môn; nhị giả, tán thán môn; tam giả, tác nguyện môn; tứ giả, quan sát môn; ngũ giả, hồi hướng môn.

          ()何等五念門?一者禮拜門,二者讚歎門,三者作願門,四者觀察門,五者迴向門。

          (Luận: Những gì là ngũ niệm môn? Một là lễ bái môn; hai là tán thán môn; ba là tác nguyện môn; bốn là quan sát môn; năm là hồi hướng môn).

          “Hà đẳng ngũ niệm môn?”: Những gì là ngũ niệm môn? Năm niệm môn nào vậy? “Nhất giả, lễ bái môn; nhị giả, tán thán môn; tam giả, tác nguyện môn; tứ giả, quan sát môn; ngũ giả, hồi hướng môn” (Một là lễ bái môn; hai là tán thán môn; ba là tác nguyện môn; bốn là quan sát môn; năm là hồi hướng môn). Ở đây, nêu ra thứ năm thứ tên gọi. Năm thứ ấy đều là công phu tu hành quán niệm, quán niệm thành tựu, sẽ là Pháp Vương. Tu quán niệm là tu quán tưởng. “Môn” (門) là pháp môn, tu hành một thứ công hạnh trong Phật pháp. Vì sao gọi là Môn? Có nghĩa là ra vào thông suốt. Giống như giảng đường này có một cái cửa, có thể tiến vào, có thể bước ra. Trong năm thứ niệm môn, bốn loại đầu là “nhập môn” (入門), tức là nhập môn An Lạc Tịnh Độ. Quý vị làm thế nào để có thể vào ở trong An Lạc Tịnh Độ? Một là lễ bái môn, hai là tán thán môn, ba là tác nguyện môn, bốn là quan sát môn, tu bốn món quán tưởng. Món cuối cùng là hồi hướng môn, là “xuất môn”, tức là ra khỏi cửa nhằm từ bi giáo hóa. Vì sao ta phải sanh về Tây Phương? Ta vì độ chúng sanh mà sanh về đó, học hiểu bản lãnh xong, ta nhất định quay lại thế giới Sa Bà để giáo hóa hết thảy chúng sanh. Do vậy, nay trước khi ta chưa sanh về Tây Phương, hết thảy các công đức đã làm đều hồi hướng cho hết thảy chúng sanh. Đã nêu ra danh tướng của Ngũ Niệm Môn; kế đó bèn giải thích.

          (Luận) Vân hà lễ bái? Thân nghiệp lễ bái A Di Đà Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, vị sanh bỉ quốc ý cố.

          ()云何禮拜?身業禮拜阿彌陀如來應正偏知,為生彼國意故。

          (Luận: Lễ bái là như thế nào? Thân nghiệp lễ bái A Di Đà Như Lai Ứng Chánh Biến Tri do ý nghĩa “vì sanh về cõi ấy”).

          Thứ nhất, Lễ Bái Môn. “Vân hà lễ bái?”: Lễ bái là như thế nào? “Thân nghiệp lễ bái A Di Đà Như Lai Ứng Chánh Biến Tri”: Dùng thân nghiệp của chúng ta để lễ bái A Di Đà Phật. Câu “nhất tâm quy mạng” trong phần trước (phần Kệ Tụng) chính là quy mạng A Di Đà Phật. Mỗi vị Phật đều có mười đức hiệu, biểu thị công đức của Phật vô cùng vô tận. Mỗi món trong mười món ấy lại sanh ra mười món, thành một trăm món. Mỗi món trong một trăm món lại sanh ra mười món, thành một ngàn món. Do đó, “mười” biểu thị “Sự Sự vô tận. Căn tánh của người Hoa chuộng đơn giản, một người có tối đa ba tên gọi. Ở đây, thuận theo căn tánh của người Hoa, đại tổ sư chỉ phiên dịch ba đức hiệu: A Di Đà Như Lai, A Di Đà Ứng Cúng, và A Di Đà Chánh Biến Tri.

          Vì sao gọi là Như Lai (如來, Tathāgata)? Nương vào đạo như thật để thành Chánh Giác. Một người muốn thành Phật, phải nương theo lý Chân Như Thật Tướng để tu hành, chứng đắc đạo Chân Như Thật Tướng mà thành Phật; do vậy, gọi là Như Lai. Một cách giải thích khác, “đến” giống như chư Phật, nên gọi là Như Lai. Quá khứ chư Phật đến hóa độ chúng sanh đều đến như vậy, A Di Đà Phật cũng đến như vậy, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng đến như vậy, cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật được gọi là Như Lai, A Di Đà Phật cũng gọi là Như Lai.

          Ứng Cúng (應供, Arhat) [nghĩa là] đáng nên nhận sự cúng dường. Đã thành Phật thì do trí huệ trọn đủ, phước báo cũng trọn đủ, đáng nên nhận sự cúng dường của chúng sanh. [Trong danh xưng] A La Hán có một thứ ý nghĩa là Ứng Cúng. Ứng Cúng của Phật và [Ứng Cúng của] A La Hán có gì khác biệt? A La Hán ứng cúng là được trời người cúng dường. Ngài đã vượt thoát ra ngoài tam giới, cao hơn lục đạo phàm phu, đại chúng trời người đều phải nên cúng dường Ngài. Phật không chỉ đáng được trời người cúng dường, lại còn được tam thừa thánh nhân, tức Thanh Văn, Duyên Giác, và chư đại Bồ Tát cúng dường. Hiện thời, cư sĩ thỉnh pháp sư thọ trai, coi người xuất gia như thánh nhân để cúng dường, “thỉnh vị đại đức X… đến nhà con ứng cúng”. Người xuất gia chẳng dám đảm nhận, bèn nói: “Tôi đến nhà quý vị cản trai (趕齋, đến thọ trai)”, chẳng dám nói là Ứng Cúng. Đấy là kiến thức thông thường trong Phật giáo.

          Chánh Biến Tri (正偏知, Samyak-saṃbuddha): Dựa theo trí huệ để nói, ngoại đạo là tà tri tà kiến, chẳng phải là trí huệ chân chánh. Hàng Nhị Thừa tri kiến tuy chẳng tà, nhưng chấp trước lý Thiên Không, chẳng thể viên dung Diệu Hữu. Trí huệ của Phật chẳng lệch lạc, nên gọi là chánh trí huệ, chánh tri chánh kiến, trọn đủ hết thảy trí huệ, chẳng có pháp nào không biết, lại còn là Chánh Giác. Do vậy, gọi là Chánh Biến Tri.

          Trong phần Kệ Tụng trên đây, “nhất tâm quy mạng” là Lễ Bái Môn, lễ bái A Di Đà Như Lai để làm gì? “Vị sanh bỉ quốc ý cố”: Vì sanh vào cõi An Lạc; đấy là tâm ý của Thiên Thân tôi.

          (Luận) Vân hà tán thán? Khẩu nghiệp tán thán, xưng bỉ Như Lai danh, như bỉ Như Lai quang minh trí tướng, như bỉ danh nghĩa, dục như thật tu hành tương ứng cố.

          ()云何讚歎?口業讚歎,稱彼如來名,如彼如來光明智相,如彼名義,欲如實修行相應故。

          (Luận: Tán thán là như thế nào? Khẩu nghiệp tán thán, xưng danh hiệu của đức Như Lai ấy, tướng quang minh và trí huệ của đức Như Lai ấy; đúng như danh nghĩa của Ngài, vì muốn như thật tu hành hòng tương ứng).

          Thứ hai là Tán Thán Môn. “Vân hà tán thán?”: Tán thán như thế nào? “Khẩu nghiệp tán thán”: Chúng ta tán thán công đức thành tựu của A Di Đà Phật, bèn dùng khẩu nghiệp để tán thán. Trong phần Kệ Tụng trên đây, “tận thập phương Vô Ngại Quang Như Lai” chính là tán thán. “Xưng bỉ Như Lai danh” (Xưng niệm danh hiệu đức Phật ấy): Tán thán Vô Ngại Quang Như Lai, cũng chính là [tán thán] Vô Lượng Quang Phật, tán thán danh hiệu của Ngài. “Như bỉ Như Lai quang minh trí tướng” (Như quang minh, trí tướng của đức Phật ấy): A Di Đà Phật trong tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Vô Lượng Thọ, còn dịch là Vô Lượng Quang. Ở đây là nói đến ý nghĩa Vô Lượng Quang, tán thán quang minh của A Di Đà Như Lai vô lượng, chiếu trọn khắp mười phương thế giới chẳng bị chướng ngại. Quang minh của A Di Đà Phật từ đâu mà có? Chính là tướng trạng trí huệ của Ngài. Quang minh của Như Lai được gọi là “trí huệ quang”. Trí huệ của Ngài thanh tịnh, tùy ý tự nhiên có quang minh.

          “Như bỉ danh nghĩa, dục như thật tu hành tương ứng cố” (Như danh nghĩa của đức Phật ấy, muốn tu hành như thật hòng tương ứng): Tán thán “như thật”, phù hợp khít khao với nghĩa lý được bao hàm trong danh hiệu Như Lai. Danh hiệu Vô Lượng Quang của A Di Đà Phật là tướng trí huệ. Tôi tán thán tướng trí huệ của Ngài, xưng niệm danh hiệu A Di Đà Phật; đấy là như thật tu hành, vì tương ứng với tướng quang minh trí huệ của A Di Đà Phật. Nếu dựa theo Vô Lượng Thọ để giải thích, thọ mạng của A Di Đà Phật là vô lượng, tôi bèn tán thán Ngài có thọ mạng vô lượng. Ngẫu Ích đại sư giải thích, danh hiệu A Di Đà Phật có hai thứ vô lượng: Một là Vô Lượng Thọ, hai là Vô Lượng Quang. Thật ra, hết thảy đều vô lượng. Trí huệ của Ngài vô lượng, biện tài vô lượng, thần thông vô lượng. Vô lượng thọ, vô lượng quang, bao gồm hết thảy vô lượng công đức trong ấy.

          Thật Tướng vô tướng, chẳng có tướng hư vọng, nó là Lý Thể chân thật. Nhưng Thật Tướng chẳng phải là không có tướng; nó chẳng rơi vào Đoạn Diệt Không. Sau khi quý vị thật sự chứng đắc Thật Tướng Lý Thể, hết thảy trí huệ, công đức, thảy đều thành tựu. Tướng quang minh trí huệ ấy đều là tướng Thật Tướng, nhưng quý vị nhất định phải trừ sạch tướng hư vọng thì mới có thể chứng đắc Thật Tướng. Chứng đắc Thật Tướng, đắc hết thảy trí huệ, mới có thể thấy vô lượng quang minh của Như Lai.

          Đấy là dựa theo danh nghĩa Vô Lượng Quang của A Di Đà Phật để tu hành, chứng đắc Thật Tướng Lý Thể rồi mới chứng đắc hết thảy trí huệ. Đã chứng đắc hết thảy trí huệ thì mới có vô lượng quang minh. Thật Tướng Lý Thể vô tướng, vô bất tướng. Quý vị tận hết sức tu hành, nhưng chớ nên chấp tướng. Hễ quý vị chấp tướng, sẽ rơi vào pháp hữu lậu. Do vậy, quý vị hằng ngày niệm danh hiệu A Di Đà Phật, lễ bái A Di Đà Phật, tán thán A Di Đà Phật. Những điều ấy đều là tu hành, nhưng chớ nên chấp tướng. Hễ chấp tướng, sẽ chẳng tương ứng với Thật Tướng; do vậy, những gì đã tu nhất định phải ly tướng. Trong phần trước đã nói, Bồ Tát tu hành là “chẳng tu mà tu”, chẳng chấp trước tướng tu hành để tu thì mới có thể tương ứng với Thật Tướng.

* Giải trừ nghi hoặc

          Hỏi: Bọn phàm phu chúng ta chẳng tu hành thì thôi, hễ tu hành bèn chấp tướng. “Chẳng tu mà tu”, há dễ dàng ư?

          Đáp: Có phương tiện để thực hiện, dùng tín tâm để hàng phục hết thảy vọng tưởng. Trước hết, hãy kiến lập tín tâm, phải tin tưởng công đức của A Di Đà Phật, phải tin tưởng A Di Đà Phật phát nguyện tiếp dẫn chúng sanh. Ta tin tưởng, lễ bái A Di Đà Phật, tán thán A Di Đà Phật, nhất định có thể sanh về Tây Phương. Trước hết là có tín tâm ấy, tín tâm tương ứng với Thật Tướng, như vậy thì quý vị chắc chắn sẽ sanh về Tây Phương.

          Hỏi: Pháp môn Niệm Phật nếu tu hành nơi Thật Tướng, do người tương ứng với Thật Tướng rất ít, [vậy thì] người trong tương lai có thể sanh về Tây Phương cũng rất ít?

          Đáp: Niệm Phật chẳng tương ứng với Thật Tướng là do ba loại nguyên nhân:

          1) Do tín tâm chẳng thuần, lúc còn, lúc mất: Tín tâm chẳng thuần tịnh, chẳng nhất tâm hướng về Tây Phương, có lúc tin tưởng, có lúc chẳng tin!

          2) Do tín tâm bất nhất, chẳng quyết định: Tín tâm chẳng chuyên nhất, vừa niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương, vừa xen tạp danh lợi, nhân ngã, thị phi. Đối với chuyện trong thế giới Sa Bà vẫn chẳng buông xuống được. Vì thế, cái tâm “chán lìa thế giới Sa Bà, ưa cầu thế giới Cực Lạc” nhất định phải trọn đủ thì mới có thể tương ứng với Thật Tướng.

          3) Do tín tâm chẳng liên tục, xen lẫn những ý niệm khác: Tín tâm chẳng thể liên tục. Hôm nay quý vị tin tưởng, rất thuần tịnh, rất chuyên nhất, nói là đối với thế giới Sa Bà, quý vị đều buông xuống, nhưng ngày mai lại biến đổi, tín tâm chẳng thể kiên cố. Như vậy thì tới khi lâm chung, sẽ chẳng tương ứng với A Di Đà Phật.

          Do vậy, người niệm Phật rất nhiều, người sanh về Tây Phương rất ít, [nguyên nhân là vì] tín tâm chẳng chuyên nhất, chẳng thuần tịnh, chẳng thể liên tục.

          Đệ tử Phật có hai hạng người:

          1) Hạng thứ nhất, chẳng phát tâm tu hành. Dẫu đối với tu hành bèn tận lực tu, niệm Phật bèn tận lực niệm, nhưng hoàn toàn chẳng tin tưởng “niệm A Di Đà Phật có thể liễu sanh tử, sanh về Tây Phương”. Đấy là tuy phát đạo tâm tu hành, nhưng niệm Phật ơ hờ, qua quít, chẳng phát nguyện trong tương lai sẽ chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn rồi quay lại độ chúng sanh. Vì thế, niệm Phật chẳng đắc lực, giống như chẳng tu hành.

          2) Hạng thứ hai thì chân thật phát tâm tu hành, nghiêm túc niệm Phật mong sanh về Tây Phương. Lại còn muốn thừa nguyện tái lai, nhưng chẳng hiểu rõ đạo lý “không chấp tướng”, đối với những gì đã tu tập đều chẳng thể lìa tướng. Pháp môn tu hành rất nhiều, bất luận pháp môn nào cũng đều có thể dùng để phá chấp trước. Phân biệt đại lược, chúng ta có hai thứ chấp trước: Một thứ là Ngã Chấp, thứ kia là Pháp Chấp. Nếu quý vị là bậc thượng căn, tu tập chẳng chấp tướng, sẽ lập tức phá trừ Ngã Chấp và Pháp Chấp. Chẳng phải là căn cơ cao nhất, trước hết, hãy nên biết “tu hành đừng nên chấp tướng”, cứ thong thả mà hành thì cũng có thể phá trừ Ngã Chấp và Pháp Chấp. Quý vị chẳng thể đi theo con đường “chẳng chấp tướng” thì phiền não chấp trước vốn có đã chẳng bị phá trừ, do tu hành Phật pháp, lại tăng thêm những phiền não chấp trước mới, làm sao có thể đạt được lợi ích chân thật trong Phật pháp?

          Ví như hàng xuất gia có giới xuất gia, kẻ tại gia có giới tại gia. Quý vị vừa mới thọ giới, tự cho là mình ghê gớm lắm, đấy là Ngã Chấp; ngỡ chính mình trì giới thanh tịnh, đấy là Pháp Chấp:

          1) Một là xem thường kẻ khác. Kẻ khác chẳng thọ giới, chính mình thọ giới, ngỡ là mình cao hơn kẻ khác. Đấy là dấy lòng ngã mạn.

          2) Hai là hủy báng người khác. Cho rằng kẻ khác không thọ giới, chẳng hiểu giới luật! Quý vị đã thọ giới, thấy các tật xấu của người ta, trước hết là phê bình vị cư sĩ này phạm giới, vị cư sĩ kia phạm giới. Sau đó, phê bình vị xuất gia này phạm giới, vị xuất gia kia phạm giới, chỉ có quý vị không phạm giới! Hằng ngày tạo khẩu nghiệp; đấy là trì giới chấp tướng. Tu Định thì vừa mới biết tĩnh tọa, đã ngỡ chính mình công phu cao lắm, kẻ khác đều chẳng biết tĩnh tọa, chỉ có quý vị biết tĩnh tọa! Phê bình người này chẳng dụng công tu hành, tạo khẩu nghiệp hủy báng người khác. Nghe kinh thì mới vừa nghe đôi câu danh tướng, bèn ngỡ chính mình hiểu biết rất nhiều Phật lý. Do vậy bèn phê bình kẻ khác đều chẳng hiểu Phật lý, ngỡ trí huệ của chính mình đặc biệt cao. Đấy là tu hành chấp tướng, chẳng phá phiền não vốn có, do chấp tướng tu hành, lại tăng thêm một số phiền não mới, tạo khẩu nghiệp mới! Niệm A Di Đà Phật, tu Giới, Định, Huệ, công khóa bình thường thì mỗi ngày quý vị phải niệm ba ngàn, năm ngàn, hoặc một vạn câu Phật hiệu, [do chấp vào số lượng câu niệm Phật, cảm thấy ta niệm Phật rất siêng năng], thấy người khác đều chẳng tu hành, thậm chí hủy báng người khác! Căn bệnh nẩy sanh do chấp tướng.

          Niệm Phật thì phải tu hành nơi Thật Tướng, vì tương ứng với Thật Tướng thì sẽ tương ứng với quang minh trí tướng của A Di Đà Phật, nhất định có thể sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới.

          (Luận) Vân hà tác nguyện? Tâm thường tác nguyện, nhất tâm chuyên niệm, tất cánh vãng sanh An Lạc quốc độ, dục như thật tu hành Xa-ma-tha cố.

          ()云何作願?心常作願,一心專念,畢竟往生安樂國土,欲如實修行奢摩他故。

          (Luận: Tác nguyện là như thế nào? Tâm thường phát nguyện, nhất tâm chuyên niệm, rốt cuộc vãng sanh cõi nước An Lạc, vì muốn như thật tu hành Chỉ).

          Thứ ba là Tác Nguyện Môn. “Vân hà tác nguyện? Tâm thường tác nguyện” (Tác nguyện là như thế nào? Tâm thường phát nguyện). “Tác” (作) là phát, phát nguyện như thế nào? Ta thường phát nguyện, nguyện sanh về Tây Phương An Lạc quốc. Hãy chú ý chữ Thường. Hôm nay, quý vị phát nguyện, ngày mai quên khuấy, nguyện ấy chẳng có sức mạnh! Phải thường xuyên phát nguyện. “Nhất tâm chuyên niệm”: Ta phát nguyện, phải nhất tâm chuyên niệm sanh về Tây Phương, chẳng có hai niệm. Trong phần trước, tôi đã nói, Phật pháp rất dễ học, chỉ có sáu chữ: “Nhìn thấu, buông xuống, tự tại”. Quý vị phát nguyện sanh về Tây Phương, đối với danh lợi và niềm vui ngũ dục trong thế giới Sa Bà, hãy triệt để thấy thấu suốt, buông xuống. Quý vị không buông xuống được, sẽ sanh vọng tưởng, chẳng thể nhất tâm chuyên niệm Tây Phương A Di Đà Phật. Vì thế, nếu quý vị không buông xuống được, nhìn thấu (thấy thấu suốt) trở thành một câu Khẩu Đầu Thiền: “Ta luôn thấy thấu suốt, ta phải phát nguyện sanh về Tây Phương”. Kết quả là thật ra chẳng buông xuống, há “thấy thấu suốt” chẳng phải là giống như nói suông hay chăng? Vì thế, có thể buông xuống thế giới Sa Bà, bất luận danh vọng to lớn cỡ nào đi nữa, ta chẳng tham. Bất luận mối lợi to lớn cỡ nào đi nữa, ta chẳng tham. Bất luận niềm vui ngũ dục nào đi nữa, ta chẳng tham. Đấy là nhất tâm chuyên niệm phát nguyện, chẳng có nguyện tâm thứ hai thì mới gọi là “nguyện lực thật sự”.

          “Tất cánh vãng sanh An Lạc quốc độ” (Rốt ráo vãng sanh cõi nước An Lạc): Quyết định phải vãng sanh An Lạc quốc. Muốn vãng sanh ngay trong đời này, phải có nguyện lực kiên cố. Cổ nhân nói: “Thử thân bất hướng kim sanh độ, cánh hướng hà sanh độ thử thân?” (Đời này chẳng độ thân này, đời nào mới độ được thân thể này?): Đời này ta chẳng độ thoát thân thể này, phải chờ tới đời nào thì mới có thể độ thoát sanh tử? Do vậy, quyết định phải làm được trong đời này. Các vị đang hiện diện đều có thiện căn, tin tưởng pháp môn Tịnh Độ, đời trước đã đều niệm Phật, vì sao chẳng sanh về Tây Phương? Nguyện lực chẳng khẩn thiết! Đời này, quý vị muốn quyết định vãng sanh, nguyện lực phải khẩn thiết, nguyện lực có thể dẫn dắt quý vị. Nguyện lực của quý vị chẳng khẩn thiết, sẽ khiến cho quý vị ở lại thế giới Sa Bà. Vì thế, phát nguyện phải khẩn thiết, đời này nhất định phải sanh về An Lạc quốc, đừng nên đợi đến đời thứ hai.

          “Dục như thật tu hành Xa-ma-tha cố” (Muốn như thật tu hành Chỉ): Xa-ma-tha (Śamatha) trong tiếng Phạn dịch sang tiếng Hán là Chỉ (止). Ngưng tâm một chỗ, chẳng khởi ác, nhất định phải ngưng dứt hết thảy các ác pháp. Chúng ta ở trong thế giới Sa Bà, sẽ làm các ác nghiệp, nhất định phải tu pháp môn Xa-ma-tha, ngưng dứt các ác nghiệp, chẳng làm hết thảy các điều ác. Trong thế giới Sa Bà có thiện nghiệp và ác nghiệp. Ác nghiệp là giết, trộm, dâm, dối; thiện nghiệp là chẳng giết, chẳng trộm, chẳng dâm, chẳng dối. Nhưng nói theo Thật Tướng Lý Thể, trong tam giới có hữu lậu thiện nghiệp chẳng rốt ráo. Vì nếu đời này quý vị làm ác nghiệp, sẽ đọa lạc vào ba ác đạo. Nếu đời này quý vị làm thiện nghiệp, đời sau chuyển sanh làm người đại phú đại quý, hoặc sanh lên trời hưởng phước trời, đời thứ hai tốt đẹp, đời thứ ba vẫn phải đọa lạc. Do vậy, tôi một lần nữa khuyên quý vị niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Đấy là “vô lậu thiện nghiệp”.

          Trong phần trước đã nói tín tâm của chúng ta chẳng thuần tịnh, chẳng chuyên nhất, chẳng thể liên tục, coi Phật pháp là điều kém quan trọng, coi pháp thế gian mới là khẩn yếu nhất, đặt nó vào địa vị đầu tiên, sai lầm ở ngay chỗ này! Giảng kinh, thuyết pháp, chẳng thể lệch về pháp xuất thế gian. Pháp xuất thế gian là Chân Đế, vẫn phải quan tâm đến Tục Đế, vì chúng ta là phàm phu trong thế gian, vẫn phải sống, phải ăn uống, mặc quần áo, ở trong nhà. Là cư sĩ tại gia thì phải nương theo người nhà, quyến thuộc. Do đó, quý vị tu hành dụng công, chẳng thể lìa khỏi pháp thế gian. Quý vị hiểu rõ những chuyện thuộc pháp thế gian chính là nghiệp hữu lậu đã làm trong đời trước, kiếp trước, [do vậy], đời này, kiếp này ở nơi đây, bất đắc dĩ phải hứng chịu quả báo khổ nhiều, lạc ít. Trong nhân gian, thọ báo đã khổ não lắm rồi, lại đọa vào ba ác đạo, chẳng phải là càng khổ hơn ư? Do vậy, quý vị phải phát nguyện niệm Phật sanh Tây Phương, xếp liễu sanh tử thành bậc nhất, xếp chuyện nhân gian vào hàng thứ hai thì mới là chẳng điên đảo.

          Đối với hết thảy các pháp thế gian, quý vị cứ nghĩ đến khi lâm chung, bèn có thể thấy thấu suốt, buông xuống. Tham danh, tham lợi, một khi quý vị một hơi không thở ra không hít vào được nữa, danh lợi có thể đi theo quý vị hay chăng? Danh chẳng có, mà lợi cũng chẳng có! Quý vị làm quan to, danh vọng to cỡ nào, đến lúc một hơi chẳng hít vào được nữa, [danh vọng] sẽ chẳng có nữa! Quý vị có bao nhiêu sản nghiệp, bao nhiêu tiền bạc, đến khi quý vị một hơi chẳng hít vào được nữa, toàn bộ chẳng còn! Người nhà, quyến thuộc, đến khi quý vị chẳng hít vào được nữa, ai cũng chẳng thể cứu quý vị! Vì thế, hễ nghĩ đến lúc chết, thứ gì cũng đều là giả trất, quý vị cần gì cứ phải riết róng? Nhưng quả báo của chúng ta là sống ở nơi đây, chẳng thể không chăm sóc người nhà, quyến thuộc, đấy là chuyện bất đắc dĩ, bất quá đừng nên coi nó là chân thật! Hễ coi nó là chân thật thì đã sai lầm mất rồi!

          “Dục như thật tu hành Xa-ma-tha cố” (Do muốn tu hành Chỉ đúng như thật): Nếu như tu hành nơi Thật Tướng thì phải tu hành nơi Thật Tướng như thế nào? Chính là trong Thật Tướng chẳng có hết thảy các ác pháp. Nếu quý vị tu hành nơi Thật Tướng, phải dứt hết thảy các điều ác thì mới có thể ứng hợp hạnh Xa-ma-tha.

          (Luận) Vân hà quan sát? Trí huệ quan sát. Chánh niệm quán bỉ, dục như thật tu hành Tỳ-bà-xá-na cố. Bỉ quan sát hữu tam chủng. Hà đẳng tam chủng? Nhất giả, quan sát bỉ Phật quốc độ trang nghiêm công đức; nhị giả, quan sát A Di Đà Phật trang nghiêm công đức; tam giả, quan sát bỉ chư Bồ Tát trang nghiêm công đức.

          ()云何觀察?智慧觀察。正念觀彼,欲如實修行毗婆舍那故。彼觀察有三種。何等三種?一者觀察彼佛國土莊嚴功德,二者觀察阿彌陀佛莊嚴功德,三者觀察彼諸菩薩莊嚴功德。

          (Luận: Quan sát như thế nào? Trí huệ quan sát. Chánh niệm quán cõi kia vì muốn như thật tu hành Quán. Sự quan sát ấy có ba loại, những gì là ba loại? Một là quan sát công đức trang nghiêm của cõi Phật ấy, hai là quan sát công đức trang nghiêm của A Di Đà Phật, ba là quan sát công đức trang nghiêm của các vị Bồ Tát trong cõi ấy).

          Thứ tư là Quan Sát Môn, “vân hà quan sát? Trí huệ quan sát”: Quan sát như thế nào? Người học Phật pháp bèn dùng trí huệ để quan sát. Có những kẻ chẳng hiểu Phật pháp chửi chúng ta là ngu si, hằng ngày tạo khẩu nghiệp. Phật giáo không nói theo kiểu mê tín. Quý vị muốn sanh về Tây Phương, phải dùng trí huệ để quan sát xem nơi ấy có đáng để đến đó hay chăng? Chẳng thể hồ đồ sanh về Tây Phương. Trước hết, phải dùng trí huệ để quan sát. “Chánh niệm quán bỉ”: Quan sát bằng trí huệ thì chẳng thể dùng tà niệm, phải dùng chánh niệm của chúng ta để quan sát. “Dục như thật tu hành Tỳ-bà-xá-na cố” (Vì muốn như thật tu hành Quán): Tỳ-bà-xá-na (毗婆舍那, Vipassanā) trong tiếng Phạn dịch sang tiếng Hán là Quán. Trong cặp Chỉ Quán thì phải tu Quán để quan sát công đức nơi y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới.

          “Bỉ quan sát hữu tam chủng”: Quan sát y báo và chánh báo của Tây Phương thì có ba thứ quan sát. “Hà đẳng tam chủng? Nhất giả quan sát Tây Phương Cực Lạc thế giới y báo trang nghiêm công đức”. Ba thứ gì vậy? Thứ nhất là quan sát công đức trang nghiêm nơi y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Nhị giả, quan sát A Di Đà Phật trang nghiêm công đức”: Thứ hai, quan sát chủ nhân của Tây Phương Cực Lạc thế giới, [quan sát] tám thứ công đức trang nghiêm của A Di Đà Phật. “Tam giả, quan sát bỉ chư Bồ Tát trang nghiêm công đức”: Thứ ba, quan sát các thứ công đức trang nghiêm của các vị đại Bồ Tát.

          (Luận) Vân hà hồi hướng? Bất xả nhất thiết khổ não chúng sanh, tâm thường tác nguyện hồi hướng vi thủ, đắc thành tựu đại bi tâm cố.

          ()云何迴向?不捨一切苦惱眾生,心常作願迴向為首,得成就大悲心故。

          (Luận: Hồi hướng là như thế nào? Chẳng bỏ hết thảy chúng sanh khổ não, tâm thường phát nguyện hồi hướng làm đầu, vì để thành tựu tâm đại bi).

          Thứ năm là Hồi Hướng Môn. “Vân hà hồi hướng?” Hồi hướng như thế nào? “Bất xả nhất thiết chúng sanh khổ não” (Chẳng bỏ hết thảy chúng sanh khổ não): Vì sao phải tu hành hòng liễu sanh tử? Vì hết thảy chúng sanh chịu đựng sanh tử luân hồi quá khổ, chết chết, sống sống, thoạt chìm, thoạt nổi, vĩnh viễn chẳng được ngơi nghỉ. Đời này làm người đã khổ, đọa vào ba ác đạo càng khổ hơn! Dẫu đời sau, đời kế, chuyển sanh làm người, vẫn là khổ sở vô cùng vô tận. Đấy là lại dùng trí huệ để quan sát, hết thảy chúng sanh đều chịu khổ não ở nơi đây, ta chẳng thể một mình liễu sanh thoát tử, ta phải sanh về Tây Phương, nguyện độ hết thảy chúng sanh thoát khỏi biển khổ. Do vậy, phải thường xuyên quán niệm hết thảy chúng sanh đều là chúng sanh khổ não. “Tâm thường tác nguyện hồi hướng vi thủ” (Tâm thường phát nguyện hồi hướng làm đầu): Vì hết thảy chúng sanh đều đang chịu khổ não ở nơi đây, ta phát nguyện độ chúng sanh, đem các công đức đã tu đều hồi hướng cho hết thảy chúng sanh.

          “Đắc thành tựu đại bi tâm cố” (Vì để thành tựu tâm đại bi): Pháp môn Đại Thừa coi lợi tha là tự lợi. Các công đức do ta đã tu đều mong hồi hướng cho chúng sanh, tức là nguyện cho hết thảy chúng sanh đạt được công đức của ta, đều sanh về Tây Phương. Điều này giống như chính mình bị thua thiệt, thật ra lợi tha là tự lợi, vì đã thành tựu cái tâm đại bi của chính mình.

          Thoạt đầu, phát tâm đại bi, trước hết, phải quan sát nỗi khổ của chúng sanh, trông thấy chúng sanh đang chịu khổ, cái tâm đại bi của quý vị bèn phát khởi. Đã sanh khởi tâm đại bi, lại còn phải trưởng dưỡng tâm đại bi. Tâm đại bi giống như một cái mầm cây Bồ Đề vừa mới nẩy sanh. Quý vị tưới nước, mầm cây mới có thể tăng trưởng thành cây to. Phải thường xuyên phát nguyện, ta phải độ hết thảy chúng sanh, tâm Bồ Đề sẽ càng dưỡng càng lớn. Vì thế, thoạt đầu tu hành, nhất định hồi hướng tất cả công đức cho hết thảy chúng sanh, đừng nên quên bẵng các chúng sanh khổ não. Từ từ làm, từ từ tu, tu viên mãn, đợi đến khi dưỡng thành công, sẽ thành tựu tâm đại bi.

          Pháp môn Đại Thừa như một cỗ xe lớn, có thể chuyên chở hết thảy chúng sanh từ địa vị phàm phu đến chỗ có kho báu Niết Bàn, chở đến nơi thành Phật. Xe lớn có hai bánh xe, một là bi luân, hai là trí luân. Muốn chuyển động cỗ xe Đại Thừa, phải vận chuyển cả hai bánh xe Bi và Trí cùng lúc. Nếu như có Bi mà không có Trí, hoặc có Trí mà không có Bi, sẽ chẳng xoay chuyển xe được! Nhất định là Bi và Trí phải cùng vận dụng, cỗ xe Đại Thừa mới có thể chuyên chở hết thảy chúng sanh tới đích.

          Như tu hành nơi Thật Tướng thì phải dùng trí huệ để quan sát, tức là quan sát sự trang nghiêm nơi y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới, phải học theo A Di Đà Phật tu lục độ vạn hạnh, trang nghiêm Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhưng quý vị đừng nên chấp tướng. Quý vị phát tâm độ các chúng sanh khổ não, nhất định phải dùng trí huệ chẳng chấp tướng áp dụng vào tâm đại bi, dùng từ bi cứu độ các chúng sanh khổ não. Đấy mới là tâm Đại Thừa.

          Phàm phu hành tà đạo, Nhị Thừa hành thiên đạo (偏道, đạo lệch lạc), Phật là Chánh Giác, sở hành của Ngài là chánh đạo. Nay chúng ta đang tu pháp Đại Thừa, tu chánh đạo, nhưng Bi lẫn Trí đều phải coi trọng, chẳng thể lệch về một bên. Nếu quý vị thiên về trí huệ, hằng ngày quán Không, [do thấy] hết thảy chúng sanh là Không, chúng sanh hứng chịu khổ não, quý vị chẳng động tâm, quý vị còn có thể độ chúng sanh hay không? Như thế là lệch về trí huệ, rơi vào đạo Nhị Thừa. Nếu quý vị lệch về bi tâm, chấp tướng cứu độ chúng sanh, trông thấy chúng sanh có khổ não, họ còn chưa khó chịu, quý vị đã khó thể chịu đựng. Quý vị có Bi mà không có Trí, sẽ bị cảnh giới xoay chuyển, chẳng thể cứu độ chúng sanh. Quý vị phải phối hợp với trí huệ, tuy cứu độ chúng sanh khổ não, nhưng chẳng chấp tướng. Tuy chẳng chấp tướng, vẫn cứu độ chúng sanh như cũ. Đấy mới là chánh đạo.

          Phần luận văn Trường Hàng chia thành mười khoa, thứ nhất là đại ý của kệ nguyện sanh. Thứ hai là khởi quán sanh lòng tin, dạy chúng ta hãy khởi lên sự quan sát, sanh khởi tín tâm. Hai khoa trên đây đã giảng xong. Nay giảng vào khoa thứ ba, tức là thể tướng của Quán Hạnh. Quan Sát Môn là tu quán hạnh, giống như trong Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh [đức Phật đã dạy] quan sát Tây Phương Cực Lạc thế giới trang nghiêm như thế nào? Tùy văn tác quán, tức là dụng công tu hành. Quan sát chia thành ba loại, trước hết là quan sát sự trang nghiêm nơi y báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới.

4.2.3. Thể tướng của Quán Hạnh (chia thành hai phần)

4.2.3.1. Khí thể (thể tướng của khí thế giới)

4.2.3.1.1. Thể tướng của quốc độ

          (Luận) Vân hà quan sát bỉ Phật quốc độ trang nghiêm công đức? Bỉ Phật quốc độ trang nghiêm công đức giả, thành tựu bất khả tư nghị lực cố, như bỉ ma-ni như ý bảo tánh, tương tự tương đối pháp cố.

          ()云何觀察彼佛國土莊嚴功德?彼佛國土莊嚴功德者,成就不可思議力故。如彼摩尼如意寶性,相似相對法故。

          (Luận: Quan sát công đức trang nghiêm của cõi nước Phật ấy như thế nào? Công đức trang nghiêm nơi cõi nước Phật ấy là do thành tựu sức chẳng thể nghĩ bàn, như tánh của chất báu ma-ni như ý vì pháp tương tự, tương đối).

          “Vân hà quan sát bỉ Phật quốc độ trang nghiêm công đức?” Quan sát công đức trang nghiêm của quốc độ Tây Phương Cực Lạc thế giới như thế nào? “Bỉ Phật quốc độ trang nghiêm công đức giả, thành tựu bất khả tư nghị lực cố” (Công đức trang nghiêm nơi cõi nước Phật ấy là do thành tựu sức chẳng thể nghĩ bàn): Trước hết, hãy quan sát các thứ công đức trang nghiêm nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới được thành tựu bởi sức chẳng thể nghĩ bàn. “Bất khả tư nghị”“Tư” (思) là tâm suy nghĩ, “nghị” (議, bàn luận) là ngôn ngữ. Chẳng phải là phàm phu chúng ta dùng tâm suy nghĩ, hay dùng ngôn ngữ mà thảo luận được, nên gọi là “bất khả tư nghị lực” (sức chẳng thể nghĩ bàn).

          Kinh Phật nói pháp thế gian và xuất thế gian có năm thứ chẳng thể nghĩ bàn:

          1) Chúng sanh số lượng bao nhiêu chẳng thể nghĩ bàn. Trong hư không, thế giới vô lượng vô biên, số lượng của chúng sanh cũng là vô lượng. Rốt cuộc có bao nhiêu chúng sanh, tâm tư của lũ phàm phu chúng ta chẳng tính đếm được, ngôn ngữ cũng chẳng thể bàn nổi.

          2) Nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn. Quý vị tạo thiện nghiệp, nó lôi dẫn quý vị vào thiện đạo. Quý vị tạo ác nghiệp, nó lôi dẫn quý vị vào ác đạo.

          3) Sức của rồng chẳng thể nghĩ bàn. Rồng là chúng sanh trong súc sanh đạo, nó có các thứ biến hóa. Sức mạnh của nó chẳng thể nghĩ bàn.

          4) Sức Thiền Định chẳng thể nghĩ bàn. Vì đã nhập Thiền Định, sẽ có sức mạnh đặc biệt.

          5) Sức Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn. Phật có pháp lực, pháp lực chẳng thể nghĩ bàn.

          Hiện thời, quan sát sự trang nghiêm được thành tựu bởi công đức trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có hai loại sức mạnh chẳng thể nghĩ bàn:

          1) Một loại là nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn. [Nghiệp lực trong Tây Phương Cực Lạc thế giới] chẳng phải là nghiệp hữu lậu tức thiện nghiệp hoặc ác nghiệp trong tam giới. Đấy là nguyện lực vô lậu chẳng thể nghĩ bàn từ bốn mươi tám đại nguyện của A Di Đà Phật.

          2) Loại thứ hai là Phật pháp lực chẳng thể nghĩ bàn. Đức Phật đã thành Phật, pháp lực của Ngài chẳng thể nghĩ bàn.

          “Như bỉ ma-ni như ý bảo tánh” (Như tánh chất báu Ma-ni như ý): Ma-ni như ý bảo (Cintā-maṇi) trong tiếng Phạn dịch sang tiếng Hán là “như ý bảo” vì nó có thể vừa lòng, mãn nguyện. Tây Phương Cực Lạc thế giới được trang nghiêm bởi vô lượng trân bảo, do đâu mà có? [Để dễ giảng giải, Thiên Thân Bồ Tát đã] dùng ma-ni như ý bảo châu để tỷ dụ. Chư Phật quá khứ nhập Niết Bàn, biến thân thể thành các hạt xá-lợi, lưu lại trong thế gian để cho chúng sanh gieo phước. Chúng sanh gieo phước đã hết, hạt xá-lợi biến thành Như Ý Châu, bị giấu trong cung rồng nơi biển cả. Nếu trong thế gian có Chuyển Luân Thánh Vương là người có phước báo xuất thế thống trị thiên hạ, ông ta có thể đạt được như ý bảo châu, treo như ý bảo châu trên sào cao, tùy thời cầu nguyện: “Tôi là Chuyển Luân Thánh Vương, tôi muốn tạo lợi ích cho nhân dân trong thiên hạ, hy vọng ngươi sẽ giống như trời mưa, ban cho tôi hết thảy các thứ châu bảo mà tôi mong cầu”. Nếu chúng sanh của ông ta cầu mưa, ma-ni bảo châu sẽ ngay lập tức tuôn mưa. Nếu chúng sanh của ông ta mong mặc quần áo mới, ma-ni bảo châu sẽ giống như trời đổ mưa, tuôn xuống quần áo mới, khiến cho chúng sanh đều có thể vừa lòng, thỏa ý.

          “Tương tự tương đối pháp cố”: Các thứ trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới; ơng tự” là phảng phất, từa tựa như tánh chất của ma-ni bảo châu bảo có thể xứng lòng, như nguyện, cầu gì được nấy. “Tương đối pháp”: Tương đối thì chẳng phải là tuyệt đối. Dùng ma-ni bảo châu để sánh ví, nhằm dạy chúng ta hiểu các thứ trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới giống như ma-ni bảo châu, cầu gì được nấy! Ma-ni bảo châu cầu gì được nấy, đó là [mong cầu những] pháp thế gian; chứ quý vị cầu Phật pháp, nó sẽ chẳng thực hiện được. Nó có thể nuôi sống quý vị về cuộc sống kinh tế, chẳng thể giúp quý vị liễu sanh thoát tử, chẳng thể khiến cho quý vị thành Phật, mà cũng chẳng thể thỏa mãn nguyện cứu độ chúng sanh của quý vị. Tây Phương Cực Lạc thế giới như ma-ni bảo châu, cầu gì được nấy, A Di Đà Phật thành tựu công đức trang nghiêm thanh tịnh, điều gì cũng đều có thể khiến cho quý vị xứng tâm, vừa ý.

          (Luận) Quan sát bỉ Phật quốc độ trang nghiêm công đức thành tựu giả, hữu thập thất chủng ưng tri. Hà đẳng thập thất? Nhất giả, trang nghiêm thanh tịnh công đức thành tựu. Nhị giả, trang nghiêm lượng công đức thành tựu. Tam giả, trang nghiêm tánh công đức thành tựu. Tứ giả, trang nghiêm hình tướng công đức thành tựu. Ngũ giả, trang nghiêm chủng chủng sự công đức thành tựu. Lục giả, trang nghiêm diệu sắc công đức thành tựu. Thất giả, trang nghiêm xúc công đức thành tựu. Bát giả, trang nghiêm tam chủng công đức thành tựu. Cửu giả, trang nghiêm vũ công đức thành tựu. Thập giả, trang nghiêm quang minh công đức thành tựu. Thập nhất giả, trang nghiêm diệu thanh công đức thành tựu. Thập nhị giả, trang nghiêm chủ công đức thành tựu. Thập tam giả, trang nghiêm quyến thuộc công đức thành tựu. Thập tứ giả, trang nghiêm thọ dụng công đức thành tựu. Thập ngũ giả, trang nghiêm vô chư nạn công đức thành tựu. Thập lục giả, trang nghiêm đại nghĩa môn công đức thành tựu. Thập thất giả, trang nghiêm nhất thiết sở cầu mãn túc công đức thành tựu.

          ()觀察彼佛國土莊嚴功德成就者,有十七種應知。何等十七?一者莊嚴清淨功德成就,二者莊嚴量功德成就,三者莊嚴性功德成就,四者莊嚴形相功德成就,五者莊嚴種種事功德成就,六者莊嚴妙色功德成就,七者莊嚴觸功德成就,八者莊嚴三種功德成就,九者莊嚴雨功德成就,十者莊嚴光明功德成就,十一者莊嚴妙聲功德成就,十二者莊嚴主功德成就,十三者莊嚴眷屬功德成就,十四者莊嚴受用功德成就,十五者莊嚴無諸難功德成就,十六者莊嚴大義門功德成就,十七者莊嚴一切所求滿足功德成就。

          (Luận: Quan sát trang nghiêm công đức thành tựu nơi cõi nước Phật ấy, hãy nên biết là có mười bảy thứ. Những gì là mười bảy? Một là trang nghiêm công đức thanh tịnh thành tựu. Hai là trang nghiêm lượng công đức thành tựu. Ba là trang nghiêm tánh công đức thành tựu. Bốn là trang nghiêm hình tướng công đức thành tựu. Năm là trang nghiêm các thứ sự công đức thành tựu. Sáu là trang nghiêm diệu sắc công đức thành tựu. Bảy là trang nghiêm xúc công đức thành tựu. Tám là trang nghiêm ba thứ công đức thành tựu. Chín là trang nghiêm mưa công đức thành tựu. Mười là trang nghiêm quang minh công đức thành tựu. Mười một là trang nghiêm âm thanh mầu nhiệm công đức thành tựu. Mười hai là trang nghiêm chủ công đức thành tựu. Mười ba là trang nghiêm quyến thuộc công đức thành tựu. Mười bốn là trang nghiêm thọ dụng công đức thành tựu. Mười lăm là trang nghiêm không có các nạn công đức thành tựu. Mười sáu là trang nghiêm đại nghĩa môn công đức thành tựu. Mười bảy là trang nghiêm những điều mong cầu đều được thỏa mãn công đức thành tựu).

          Quan sát các thứ trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới, đều là sự trang nghiêm được thành tựu bởi công đức, hãy nên biết là tổng cộng có mười bảy thứ. Kế đó, nêu bày mười bảy thứ trang nghiêm, dưới đây sẽ phân biệt giải thích.

          (Luận) Trang nghiêm thanh tịnh công đức thành tựu giả. Kệ ngôn: “Quán bỉ thế giới tướng, thắng quá tam giới đạo” cố.

          ()莊嚴清淨功德成就者。偈言:觀彼世界相,勝過三界道故。

          (Luận: Trang nghiêm thanh tịnh công đức thành tựu. Kệ viết: “Quán tướng thế giới ấy, vượt trỗi tam giới đạo”).

          “Trang nghiêm thanh tịnh công đức thành tựu giả” (Trang nghiêm thanh tịnh công đức thành tựu): Loại trang nghiêm thanh tịnh thứ nhất là Tổng Tướng. Tây Phương Cực Lạc thế giới là thế giới thanh tịnh, nói đối chiếu thì thế giới Sa Bà là thế giới ô nhiễm. Tiếp đó, [lời luận] giải thích Kệ Tụng: “Kệ ngôn: Quán bỉ thế giới tướng, thắng quá tam giới đạo cố” (Kệ rằng: “Quán tướng thế giới ấy, trỗi vượt tam giới đạo”). Quan sát tướng trạng của Tây Phương Cực Lạc thế giới, [sẽ thấy] vượt trỗi tam giới đạo của thế giới Sa Bà. Thế giới Sa Bà nói chung có tam giới, tức Dục Giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới. Hết thảy chúng sanh có lục đạo, ở trong ba ác đạo đương nhiên là khổ, chẳng thể sánh bằng thế giới Cực Lạc. A Tu La đạo coi như thuộc về ác đạo thứ tư, cũng chẳng thể sánh bằng thế giới Cực Lạc. Nhân gian và cõi trời là thiện đạo, có trang nghiêm, có thọ dụng, vẫn chẳng thể sánh bằng thế giới Cực Lạc.

          Vì sao tam giới của thế giới Sa Bà chẳng thể sánh bằng thế giới Cực Lạc? Tướng tam giới của thế giới Sa Bà đều là hư ngụy, Tây Phương Cực Lạc thế giới mới là chân thật. Nhân đạo và thiên đạo trong thế giới Sa Bà có vui sướng, nhưng đấy là một thứ vui sướng hư ngụy. Lạc là Hoại Khổ, vui sướng có lúc hư hoại. Hễ hư hoại, sẽ đau khổ, nó chẳng phải là thường trụ. Sanh lên trời hưởng thụ niềm vui diệu dục, vui sướng hơn nhân gian khá nhiều, nhân gian chẳng thể nghĩ tưởng nổi, nhưng hưởng hết phước trời lại phải đọa lạc, vì sự vui ấy vẫn là giả. Do vậy, sáu tầng trời trong Dục Giới đều là hư ngụy, chẳng thật. Hai giới trên, tức Sắc Giới và Vô Sắc Giới do tu Tứ Thiền Bát Định mà sanh lên đó. Tu Tứ Thiền Định, sẽ sanh vào Sắc Giới Thiên. Tu Tứ Không Định, sanh vào Vô Sắc Giới Thiên, Định ấy vẫn là tạm thời. Hễ Định tán thất, vẫn phải rơi xuống dưới. Vì thế, tam giới trong thế giới Sa Bà đều là hư ngụy, chẳng thật.

          Tây Phương Cực Lạc thế giới thành tựu bởi công đức thanh tịnh của A Di Đà Phật, cho nên là an lạc chân thật. Sự vui sướng trong thế giới Sa Bà có lúc hư hoại, cho nên thế giới Sa Bà là biển khổ. Khổ có ba thứ khổ là Khổ Khổ (苦苦, Dukkha-dukkha), Hoại Khổ (壞苦, Viparinama-dukkha), và Hành Khổ (行苦, Sankhara-dukkha). Một phàm phu đã hứng chịu quả báo khổ, lại còn chẳng có cơm ăn, chẳng có quần áo để mặc, chẳng có nhà cửa để ở; áo, cơm, chỗ ở chẳng thể đầy đủ, đã khổ càng thêm khổ, gọi là Khổ Khổ. Người đại phú đại quý trong nhân gian, có kẻ tiền dùng chẳng hết, có kẻ còn làm quan lớn, loại người ấy đang cao cao tại thượng trong nhân gian, nhưng có khi bị hư hoại, đang có tiền biến thành bần cùng, quan to bị mất chức, chuyện vui đã hư mất, càng khổ sở hơn! Kẻ bần cùng rất khổ não, nhưng kẻ đã từng giàu sụ biến thành bần cùng còn khổ dữ dội hơn người bần cùng. Cho nên là Hoại Khổ. Còn có một loại người, họ cũng chẳng sướng lắm, mà cũng chẳng rất khổ, rất đỗi bình thường, nhưng bình thường cũng chẳng thể thường trụ. Đó gọi là Hành Khổ. Hành (行) là đổi dời không ngớt. Quý vị cảm thấy cuộc sống rất bình thường, chẳng khổ mà cũng chẳng sướng, nhưng sanh mạng đổi dời chẳng ngừng, tự nhiên quý vị từ trẻ khỏe thành già cả, từ già cả cho đến chết đi, đó là Hành Khổ.

          Trong Phật giáo, có sáu món thần thông. Một là Thiên Nhãn Thông (Dibba-cakkhu), hai là Thiên Nhĩ Thông (Dibba-sota), ba là Tha Tâm Thông (Ceto-pariya-ñāṇa), bốn là Thần Túc Thông (Iddhi-vidhā), năm là Túc Mạng Thông (Pubbe-nivāsanussati), sáu là Lậu Tận Thông (Āsavakkhaya). Chư thiên có năm loại [thần thông] đầu, chẳng có Lậu Tận Thông. Chư thiên có Thiên Nhãn, có thể thấy chính mình khi quả báo [trong cõi trời] đã hết, đọa xuống thấp hơn, sẽ sanh trong đường nào. Kinh Phật nói: Có một vị trời, thấy chính mình phải đọa vào bụng một con lợn sề già, chuyển sanh làm một con lợn con. Con lợn sề ấy khắp thân lở loét! Nỗi đau khổ ấy [của vị trời ấy] còn đau khổ hơn khi chẳng được sanh lên trời. Vì thế, có người sanh lên trời, hưởng phước trời, đã hưởng hết phước trời, lại đọa lạc, có một khoảng thời gian vui sướng, qua khỏi thời gian ấy thì lại khổ sở. Vì thế, Thích Ca Mâu Ni Phật thừa nhận nhân thiên có vui sướng, nhưng lạc là Hoại Khổ.

          Quan sát thêm một bước nữa, niềm vui được hưởng thụ trong cõi trời và nhân gian đều là giả trất, chẳng phải là chân lạc, vì chẳng đạt được gì! Ví như làm phàm phu trong nhân gian, niềm vui sướng lớn nhất trong đời người không gì hơn nam nữ kết hôn. Rất nhiều vị cư sĩ đang hiện diện đã kết hôn, đều là người đã từng trải. Khi quý vị chưa kết hôn, cứ ngỡ kết hôn là sự vui sướng to bậc nhất. Cho đến khi quý vị kết hôn, đạt được niềm vui sướng gì vậy? Chẳng đạt được gì, toàn là giả trất, hư ngụy, chẳng thật. Quan sát cao hơn một bước nữa, lạc là khổ nhân (cái nhân gây ra khổ). Kết hôn có nỗi khổ não do kết hôn. Khổ não lại còn càng ngày càng nhiều. Vì quý vị đã kết hôn, sẽ sanh con, con càng ngày càng nhiều, gánh nặng càng ngày càng nặng, phiền não càng lắm. Vì thế, lạc là khổ nhân. Đối với những niềm vui sướng khác trong thế gian, cứ lấy chuyện này mà suy, chẳng hạn như quý vị ngỡ phát tài sẽ vui sướng, nhưng sau khi đã phát tài rồi, lại khổ não do phải sử dụng tiền tài ấy [như thế nào để khỏi bị mất đi]. Cho nên so với lúc bần cùng, càng khổ dữ dội hơn!

          Phàm phu trong tam giới đều là tướng điên đảo, chẳng có Tứ Đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của Niết Bàn. Tam giới là vô thường, loài người chúng ta chấp trước nó là vô thường. Thường nói: “Nhân sanh bất mãn bách, thường hoài thiên tuế ưu” (Người đời thọ chẳng đầy trăm, mà ôm ưu lự ngàn năm là thường). Người sống đến trăm tuổi rất ít, nhưng con người thường lo âu chuyện thuộc ngàn năm sau. Đấy chính là ngỡ vô thường là thường. Trong tam giới đều là khổ, họ ngỡ có một niềm vui. Vốn chẳng có Ngã, họ chấp trước có một cái Ngã. Trong tam giới toàn là ô nhiễm, không thanh tịnh, họ ngỡ là thanh tịnh. Đấy đều là tướng điên đảo. Tây Phương Cực Lạc thế giới là do A Di Đà Phật chứng đắc Tứ Đức “chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh” của Niết Bàn; cho nên nó vượt trỗi tam giới đạo.

          Khổ tướng trong tam giới của thế giới Sa Bà là luân hồi sanh tử trong lục đạo, sanh rồi tử, tử rồi sanh. Lấy ngay nhân đạo để nói, một người sống đến trăm tuổi bèn chết ngắc, vẫn chưa xong, vì quý vị lại tạo nghiệp mới, vẫn phải tiếp tục luân chuyển. Quý vị tạo thiện nghiệp, chuyển sanh trong ba thiện đạo; đã tạo ác nghiệp thì chuyển vào ba ác đạo. Quý vị chịu khổ trong ba ác đạo xong, lại chuyển sanh vào ba thiện đạo. Thọ khổ trong ba thiện đạo xong, lại chuyển vào ba ác đạo, sanh sanh tử tử, tử tử sanh sanh như thế đó. Chuyển tới, chuyển lui, chịu khổ vô cùng!

          Thích Ca Mâu Ni Phật đã vì chúng ta chọn lựa dứt khoát. Chúng sanh trong ba thiện đạo có thể nghe hiểu Phật pháp, phát đạo tâm tu hành, nhưng nếu đọa vào ba ác đạo thì làm như thế nào đây? Dẫu sanh lên trời, [tới khi] hưởng hết phước trời, vẫn phải đọa xuống. Vì thế, sanh tử luân hồi, chịu khổ vĩnh viễn chẳng hết, chẳng xong. Sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ chẳng thoái chuyển, chỉ có tinh tấn, chẳng có lui sụt, chắc chắn sẽ thành Phật ngay trong một đời, sẽ chẳng hứng chịu nỗi khổ luân hồi. Do vậy, Tây Phương Cực Lạc thế giới vượt trỗi tam giới đạo.

          Trong phần trước là nói về Quan Sát Môn. Vãng Sanh Luận dạy chúng ta phương pháp tu hành, tức là quý vị quán tưởng Tây Phương Cực Lạc thế giới là một thế giới an lạc, thanh tịnh; thế giới Sa Bà là một thế giới khổ não, hư ngụy, điên đảo, sanh tử luân hồi.

          Pháp môn Tịnh Độ là hai môn Hân và Yếm, Hân (欣) là yêu chuộng, ưa thích, Yếm (厭) là chán ngán, ghét bỏ. Quý vị quan sát niềm vui trong Tây Phương Cực Lạc thế giới và nỗi khổ trong thế giới Sa Bà, so sánh giữa khổ và lạc, [nhận biết] thế giới Cực Lạc vượt trỗi thế giới Sa Bà, quý vị mới có thể phát tâm hoan hỷ, mong muốn sanh về thế giới Cực Lạc. Quý vị quan sát nỗi khổ trong thế giới Sa Bà, phải nên chán ngán, ghét bỏ nó, giống như chúng ta rơi vào hầm phân, phải ngay lập tức nhảy ra, một khắc cũng chẳng thể nấn ná trong đó. Như vậy thì mới có thể lìa khỏi thế giới Sa Bà. Quý vị học Phật pháp, biết nỗi khổ sanh tử, thật sự phát Bồ Đề tâm, bằng lòng sanh về Tây Phương rồi trở về độ chúng sanh. Đấy là nhập Hân môn, ưa thích sanh vào thế giới Cực Lạc. Nhưng đối với Yếm môn, quý vị chẳng đổ công dốc sức, chẳng chán nhàm thế giới Sa Bà, cho nên tới khi quý vị lâm chung, chẳng buông bên này xuống được, sẽ chẳng sanh vào thế giới Cực Lạc. Vì sao chẳng sanh về? Vì sức niệm Phật là trong đời này, kiếp này mới dụng công, còn tập khí trong thế giới Sa Bà là tập khí trong nhiều đời, nhiều kiếp; sức mạnh của tập khí ấy hết sức mạnh mẽ! Sức mạnh để sanh về Tây Phương chẳng chống nổi tập khí của thế giới Sa Bà, kềm hãm khiến quý vị chẳng đi được! Do vậy, quý vị không chỉ cần phải Hân, mà còn phải Yếm, phải trọn đủ hai môn Hân và Yếm thì mới có thể vãng sanh. Phải nhất tâm quan sát thế giới Sa Bà thật sự đáng chán nhàm, thế giới Cực Lạc thật sự tốt đẹp. Hằng ngày suy tưởng như vậy thì mới có thể phát sanh một thứ sức mạnh.

          Chúng ta lại quan sát các đệ tử Phật trong hiện thời, đã học Phật nhiều năm, thật sự phát tâm tu hành, niệm A Di Đà Phật mong sanh về Tây Phương. Nhưng trong hành vi thường nhật của họ, danh chẳng buông xuống được, lợi cũng chẳng buông xuống được, vì mong tranh danh đoạt lợi, bèn có nhân ngã thị phi và ganh tỵ gây chướng ngại. Họ phát đạo tâm sanh về Tây Phương, chỉ có Hân môn, chẳng thực hiện công phu Yếm môn, cho nên chẳng thấy thấu suốt chuyện trong thế giới Sa Bà, người ấy lâm chung chẳng sanh về Tây Phương! Vì thế, quý vị phải vui thích sanh về Tây Phương, đồng thời còn phải chán lìa thế giới Sa Bà.

          (Luận) Trang nghiêm lượng công đức thành tựu giả, kệ ngôn: “Cứu cánh như hư không, quảng đại vô biên tế” cố.

          ()莊嚴量功德成就者。偈言:究竟如虛空,廣大無邊際故。

          (Luận: Trang nghiêm lượng công đức thành tựu là như kệ nói: “Rốt ráo như hư không, rộng lớn, không ngằn mé”).

          “Trang nghiêm lượng công đức thành tựu giả” là loại trang nghiêm thứ hai, Tây Phương Cực Lạc thế giới to cỡ nào, rộng cỡ nào, dài cỡ nào? “Kệ ngôn: Cứu cánh như hư không, quảng đại vô biên tế cố” (Kệ rằng: “Rốt ráo như hư không, rộng lớn không ngằn mé”): Tây Phương Cực Lạc thế giới là thế giới Diệu Hữu, Diệu Hữu tức là Chân Không, giống như hư không; vì thế, rộng lớn chẳng có ngằn mé. Đấy là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Chúng sanh trong mười phương thế giới có bao nhiêu người niệm Phật sanh về Tây Phương đều có thể sanh về đó.

          Vì sao A Di Đà Phật phải phát ra những nguyện này, tạo ra các thứ trang nghiêm? Vì chúng sanh có những nỗi khổ não ấy, Ngài mới thực hiện những sự trang nghiêm ấy. Hiện thời, đối với phàm phu, chỗ ở là một vấn đề lớn. Càng tiến vào thời đại công nghiệp, đất đai càng là “tấc đất, tấc vàng”. Quý vị vất vả suốt cả một đời, vẫn chẳng mua nổi một căn nhà. Giá nhà chỉ tăng vùn vụt, chẳng hề giảm xuống. Dân cư càng ngày càng nhiều, nhà cửa càng ngày càng hẹp, cư trụ là một nỗi khổ não to lớn. Chư vị cư sĩ mong lập một Phật đường tại gia, chẳng thể vừa lòng mãn nguyện, vì nhà đông người, hiềm rằng nhà cửa chật hẹp, làm sao có thể dành ra một căn phòng để làm Phật đường cho nổi? Nếu xuất gia, mở đạo tràng, một ngôi chùa phải tốn bao nhiêu kinh phí? Phải hóa duyên bao nhiêu? Xây một ngôi đại điện vẫn chẳng đủ dùng. A Di Đà Phật đã trông thấy cư trụ là một vấn đề lớn, cho nên Ngài mới thành tựu Tây Phương Cực Lạc thế giới, cung, điện, lầu, gác đều rộng lớn, ranh giới của quốc độ cũng rộng lớn. Rộng lớn cỡ nào? Giống như hư không vô lượng vô biên. Quý vị niệm Phật sanh về đó, chắc chắn sẽ chẳng nẩy sanh vấn đề về cư trụ.

          (Luận) Trang nghiêm tánh công đức thành tựu giả, kệ ngôn: “Chánh đạo đại từ bi, xuất thế thiện căn sanh” cố.

          ()莊嚴性功德成就者。偈言:正道大慈悲,出世善根生故。

          (Luận: Trang nghiêm tánh công đức thành tựu là như kệ nói: “Chánh đạo đại từ bi, sanh thiện căn xuất thế”).

          “Trang nghiêm tánh công đức thành tựu giả” là loại trang nghiêm thứ ba. “Kệ ngôn: Chánh đạo đại từ bi, xuất thế thiện căn sanh cố” (Kệ rằng: “Chánh đạo đại từ bi, sanh thiện căn xuất thế”): “Tánh” là vốn có. Bản tánh, bản thể của Tây Phương Cực Lạc thế giới là gì? Bản thể là đại từ bi, do thiện căn xuất thế sanh ra. Vì thế, Tây Phương Cực Lạc thế giới mới có các thứ thanh tịnh trang nghiêm. Tây Phương Cực Lạc thế giới được thành tựu bởi công đức vô lậu do A Di Đà Phật đã tu. Vì sao thế giới Sa Bà chẳng thanh tịnh, trang nghiêm? Vì nó là một thứ nghiệp hữu lậu. Tạo thiện nghiệp hay ác nghiệp đều là hữu lậu. Y báo trong thế giới Sa Bà dùng bụi đất làm bản thể; đại địa dựa trên sự tích tụ của vi trần mà thành, cho nên thành tựu một thế giới ô nhiễm. Chánh báo là loài người chúng ta, lấy vô minh nghiệp làm bản thể, con người được thành tựu bởi vô minh nghiệp. Vô minh nghiệp là ô nhiễm, thân thể làm sao thanh tịnh cho nổi? Do đó, thế giới Sa Bà là một thế giới khổ não. Tây Phương Cực Lạc thế giới là do chánh đạo đại từ bi, do thiện căn xuất thế sanh ra, cho nên thanh tịnh, trang nghiêm.

          (Luận) Trang nghiêm hình tướng công đức thành tựu giả, kệ ngôn: “Tịnh quang minh mãn túc, như kính, nhật, nguyệt luân” cố.

          ()莊嚴形相功德成就者。偈言:淨光明滿足,如鏡日月輪故。

          (Luận: Trang nghiêm hình tướng công đức thành tựu là như kệ nói: “Quang minh tịnh mãn nguyện, như gương, vầng nhật, nguyệt”).

          “Trang nghiêm hình tượng công đức thành tựu giả” là loại trang nghiêm thứ tư. “Kệ ngôn: Tịnh quang minh mãn túc, như kính nhật nguyệt luân cố” (Kệ rằng: “Quang minh thanh tịnh mãn nguyện, như gương, vầng mặt trời, mặt trăng”). Dùng bản tánh của Tây Phương Cực Lạc thế giới để tạo thành tướng mạo bên ngoài. Tướng mạo bên ngoài là tướng quang minh thanh tịnh trọn đủ. Quang minh thanh tịnh tràn trề trọn đủ, giống như tấm gương thanh tịnh, hoặc như vầng mặt trời, vầng trăng.

          (Luận) Trang nghiêm chủng chủng sự công đức thành tựu giả, kệ ngôn:
“Bị chư trân bảo tánh, cụ túc diệu trang nghiêm” cố.

          ()莊嚴種種事功德成就者。偈言:備諸珍寶性,具足妙莊嚴故。

          (Luận: Trang nghiêm các thứ sự công đức thành tựu là như kệ nói: “Đủ tánh các trân bảo, trọn đủ diệu trang nghiêm”).

          “Trang nghiêm chủng chủng sự công đức thành tựu giả” là loại trang nghiêm thứ năm. Nói y báo có mười bảy loại là nêu ra số mục đại lược; thật ra, các thứ trang nghiêm đều được gộp trong ấy. Có các thứ sự tướng trang nghiêm, chẳng phải là nói theo Lý tánh, mà là nói theo sự tướng. “Kệ ngôn: Bị chư trân bảo tánh, cụ túc diệu trang nghiêm cố” (kệ rằng: “Đủ tánh các trân bảo, trọn đủ diệu trang nghiêm”). Sự trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới là do các thứ vật quý báu thành tựu. Các thứ vật trân quý do đâu mà có? Do A Di Đà Phật đã chứng đắc bản tánh Niết Bàn, tự nhiên bèn có các thứ quả báo trang nghiêm. Đã có tánh của các thứ trân bảo, sẽ sanh ra các thứ trân bảo, hết thảy sự trang nghiêm tự nhiên trọn đủ, lại còn vi diệu chẳng thể nghĩ bàn.

          (Luận) Trang nghiêm diệu sắc công đức thành tựu giả, kệ ngôn: “Vô cấu quang diễm xí, minh tịnh diệu thế gian” cố.

          ()莊嚴妙色功德成就者。偈言:無垢光燄熾,明淨曜世間故。

          (Luận: Trang nghiêm diệu sắc công đức thành tựu là như kệ nói: “Vô cấu quang chói rực, sáng sạch rạng thế gian”).

          “Trang nghiêm diệu sắc công đức thành tựu giả” là loại trang nghiêm thứ sáu. Trong phần trước là công đức hình tượng trang nghiêm, “tịnh quang minh mãn túc” (quang minh thanh tịnh mãn nguyện). Chẳng hạn như quý vị đến giảng đường mà xem, sẽ thấy quang minh thanh tịnh. Vì sao quang minh thanh tịnh? Vì có các thứ trân bảo, đại địa toàn là hoàng kim trân bảo, lầu gác cũng là trân bảo, thứ gì cũng đều là trân bảo, [quang minh thanh tịnh là do] trân bảo phóng quang. Từ các thứ trân bảo, lại xem sắc thái của chúng: Món trân bảo này trang nghiêm như thế nào? Món trân bảo kia trang nghiêm như thế nào? Những thứ trân bảo ấy thoạt nhìn đều có sắc thái kỳ diệu. “Kệ ngôn: Vô cấu quang diễm xí”, [nghĩa là] quang minh rất rực rỡ, tỏa ra những tia sáng rất đẹp đẽ. “Minh tịnh diệu thế gian” (Sáng sạch rạng ngời thế gian), tỏ lộ một loại quang minh thanh tịnh chiếu rọi thế gian, thâu nhiếp trọn khắp hết thảy chúng sanh.

          (Luận) Trang nghiêm xúc công đức thành tựu giả, kệ ngôn: “Bảo tánh công đức thảo, nhu nhuyễn tả hữu toàn, xúc giả sanh thắng lạc, quá Ca Chiên Lân Đà” cố.

          ()莊嚴觸功德成就者。偈言:寶性功德草,柔軟左右旋,觸者生勝樂,過迦旃鄰陀故。

          (Luận: Trang nghiêm xúc công đức thành tựu là như kệ nói: “Cỏ báu tánh công đức, mềm mại, trái phải xoay, chạm vào vui thù thắng, hơn Ca Chiên Lân Đà”).

          “Trang nghiêm xúc công đức thành tựu giả” là loại trang nghiêm thứ bảy. “Kệ ngôn: Bảo tánh công đức thảo” (kệ rằng: “Cỏ báu tánh công đức”). Thấy các thứ trân bảo, nếu chạm vào, sẽ có cảm giác gì vậy? Bản tánh của các thứ trân bảo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là do công đức của A Di Đà Phật thành tựu, ngay cả cỏ công đức cũng mềm mại. “Nhu nhuyễn tả hữu toàn” (Mềm mại, xoay sang trái và phải): Cỏ công đức mềm mại như thế nào? Xoay chuyển cả hai bên trái và phải. “Xúc giả sanh thắng lạc” [nghĩa là] quý vị chỉ cần tiếp xúc trân bảo, sẽ sanh ra một niềm vui sướng thù thắng. “Quá Ca Chiên Lân Đà” (vượt trỗi [cảm giác] vui sướng khi chạm vào Ca Chiên Lân Đà): Ca Chiên Lân Đà là tên một loại cỏ mềm mại ở Ấn Độ. Nếu quý vị chạm vào nó, sẽ có cảm giác rất thoải mái. Đó là niềm vui sướng trong thế gian. Nếu quý vị tiếp xúc trân bảo của Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ sanh ra một thứ pháp lạc. Vì thế, nó vượt trỗi cảm giác do chạm vào cỏ Ca Chiên Lân Đà.

          Tây Phương Cực Lạc thế giới có hàng cây bảy báu, hoa sen bảy báu, há có cỏ bảy báu ư? Cỏ là một thứ trang nghiêm. Các thứ trân bảo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới mềm mại giống như cỏ Ca Chiên Lân Đà. Nếu nó chẳng mềm mại, chúng sanh sẽ chẳng thể sanh ra niềm vui thù thắng được. Tây Phương Cực Lạc thế giới vàng ròng làm đất. Nếu vàng ròng hết sức cứng chắc, chúng sanh đi trên mặt đất vàng ròng sẽ hết sức đau khổ. Còn nữa, nếu chúng sanh muốn tĩnh tọa, nếu chỗ ngồi là bảy báu cứng còng thì ngồi lên đó sẽ rất khó chịu. Vì thế, bảy báu mềm mại thì mới có thể sanh ra [cảm giác] hưởng thụ. Bảy báu trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là do công đức nơi tâm đại từ bi nhu nhuyễn của A Di Đà Phật thành tựu.

          Bảy báu trong thế giới Sa Bà cứng còng, vì chúng sanh trong thế giới Sa Bà ương bướng thành tánh. Quý vị thấy kinh Địa Tạng chép: “Các các ngục trung, hữu bách thiên chủng nghiệp đạo chi khí, vô phi thị đồng, thị thiết, thị thạch, thị hỏa, thử tứ chủng vật, chúng nghiệp hạnh cảm” (Trong mỗi ngục có trăm ngàn thứ khí cụ thuộc về nghiệp đạo, không gì chẳng phải là bằng đồng, bằng sắt, bằng đá, hay bằng lửa, bốn loại vật ấy do các nghiệp hạnh cảm vời). Chúng sanh thuộc chủng tánh địa ngục, những thứ trong địa ngục đều làm bằng đồng, sắt, đá, lửa. Vì sao là do nghiệp cảm của chúng sanh tạo thành? Vì nếu họ chẳng làm ác dữ dội, sẽ chẳng đọa địa ngục. Tánh cách của hạng người ấy đặc biệt ương bướng, [cho nên] cảm vời quả báo [như thế ấy]. Vì sao bảy báu trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có tánh chất mềm mại? Do vì cái tâm đại từ bi, tâm nhu nhuyễn của A Di Đà Phật chiêu cảm.

          (Luận) Trang nghiêm tam chủng công đức thành tựu giả, hữu tam chủng sự, ưng tri, hà đẳng tam chủng? Nhất giả thủy, nhị giả địa, tam giả hư không.

          ()莊嚴三種功德成就者。有三種事,應知。何等三種?一者水,二者地,三者虛空。

          (Luận: Trang nghiêm ba thứ công đức thành tựu bèn có ba loại sự, hãy nên biết. Những gì là ba thứ? Một là nước, hai là đất, ba là hư không).

          “Trang nghiêm tam chủng công đức thành tựu giả, hữu tam chủng sự, ưng tri” (Trang nghiêm ba thứ công đức thành tựu. Có ba loại sự vãng sanh, hãy nên biết) chính là loại trang nghiêm thứ tám. Trong loại trang nghiêm này bao gồm ba loại trang nghiêm. “Hà đẳng tam chủng? Nhất giả thủy, nhị giả địa, tam giả hư không” (Những gì là ba loại? Một là nước, hai là đất, ba là hư không): Trong phần trên đã nói đến Ngũ Đại, tức đất, nước, lửa, gió, và hư không, thành tựu hết thảy vật chất nơi báo thân. Tây Phương Cực Lạc thế giới là do ba thứ nguyên tố, tức nước, đất, và hư không trang nghiêm thành tựu, chẳng có Hỏa Đại và Phong Đại. Vì sao Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có lửa? Vì chẳng cần dùng lửa. Loài người có quả báo của nhân loại: Thức ăn sống sít, cần dùng lửa để nấu chín. Tây Phương Cực Lạc thế giới thì bát hiện ra trước mặt, chẳng cần ăn uống, vừa ngửi mùi hương liền no. Nếu tiến hơn bước nữa, Thiền duyệt làm thức ăn, pháp hỷ ngập tràn, chẳng cần nấu chín thức ăn, cho nên chẳng cần tới lửa. Lửa trong thế giới Sa Bà còn có tác dụng chiếu sáng, chỗ tối tăm bèn dùng lửa để chiếu sáng. Trọn khắp Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là quang minh, chẳng cần lửa chiếu soi, cho nên Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có Hỏa Đại. Gió là thứ để giúp trang nghiêm: Gió nhẹ lay động hàng cây bảy báu lẫn lưới mành bảy báu, phát ra âm thanh vi diệu. Bản thân nó chẳng phải là vật phẩm để trang nghiêm, cho nên Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có Hỏa Đại và Phong Đại, chỉ có Thủy Đại, Địa Đại, và Không Đại.

          (Luận) Trang nghiêm thủy công đức thành tựu giả, kệ ngôn: “Bảo hoa thiên vạn chủng, di phú trì lưu tuyền, vi phong động hoa diệp, giao thác quang loạn chuyển” cố.

          ()莊嚴水功德成就者。偈言:寶華千萬種,彌覆池流泉,微風動華葉,交錯光亂轉故。

          (Luận: Trang nghiêm nước công đức thành tựu là như kệ nói: “Ngàn vạn loại hoa báu, phủ rợp ao, suối chảy, gió nhẹ lay cánh hoa, quang minh xen tạp chuyển”).

          “Trang nghiêm thủy công đức thành tựu giả”: Loại trang nghiêm thứ nhất [trong ba thứ trang nghiêm] là thủy trang nghiêm. “Kệ rằng: Bảo hoa thiên vạn chủng” (Kệ rằng: “Ngàn vạn các loại hoa báu”): Trong kinh A Di Đà có bốn thứ hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng; trên thực tế, hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới nhiều đến ngàn vạn thứ, đều do bảy báu thành tựu. “Di phú trì lưu tuyền”: Ngàn vạn thứ hoa sen phủ rợp kín mặt ao sen và suối chảy. “Vi phong động hoa diệp, giao thác quang loạn chuyển cố”, nghĩa là gió nhè nhẹ lay động cánh hoa sen, quang minh trên những đóa sen xoay tròn, đan chéo vào nhau hết sức trang nghiêm.

          (Luận) Trang nghiêm địa công đức thành tựu giả, kệ ngôn: “Cung điện, chư lâu các, quán thập phương vô ngại. Tạp thụ dị quang sắc, bảo lan biến vi nhiễu” cố.       

          ()莊嚴地功德成就者。偈言:宮殿諸樓閣,觀十方無礙,雜樹異光色,寶欄遍圍繞故。

          (Luận: Trang nghiêm địa công đức thành tựu là như kệ nói: “Cung, điện, các lầu gác, quán mười phương vô ngại. Cây cối quang sắc lạ, lan can báu vây khắp”).

          “Trang nghiêm địa công đức thành tựu giả” là loại trang nghiêm thứ hai. “Kệ ngôn: Cung điện chư lâu các, quán thập phương vô ngại” (Kệ rằng: “Cung, điện, các lầu, gác, quán mười phương vô ngại”): Cung điện, lầu, gác trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều do bảy báu tạo thành. Trong lầu gác bảy báu, có thể xem thấy mười phương thế giới chẳng bị chướng ngại, giống như chúng ta ở trong lầu gác xem phim ảnh, quý vị muốn thấy thế giới nào, sẽ trông thấy thế giới ấy.

          Còn có cây cối trang nghiêm. “Tạp thụ dị quang sắc” [nghĩa là] cây cối bằng các thứ báu khác nhau, hoặc do các thứ báu xen lẫn hợp thành. Chẳng hạn như cây bằng vàng ròng, cành cây bằng bạch lưu ly, nở hoa bằng pha lê, kết quả bằng mã não. Xen kẽ lẫn nhau, hiện ra quang minh và màu sắc khác nhau. “Bảo lan biến vi nhiễu” (Lan can báu vây quanh trọn khắp): Còn có lan can báu, dùng trân bảo làm thành lan can. Kinh A Di Đà chép: “Thất trùng lan thuẫn, thất trùng la võng, thất trùng hàng thụ, giai thị tứ bảo, châu táp vi nhiễu” (Bảy tầng lan can, bảy tầng lưới mành, bảy tầng hàng cây, đều là bốn báu vây quanh trọn khắp). Phía ngoài mỗi tòa lầu gác có bảy tầng lan can vây quanh trọn khắp. Lầu gác, cây báu, lan can báu đều là những thứ trang nghiêm trên mặt đất; đấy là trang nghiêm địa công đức.

          (Luận) Trang nghiêm hư không công đức thành tựu giả, kệ ngôn: “Vô lượng bảo giao lạc, la võng biến hư không, chủng chủng linh phát hưởng, tuyên thổ diệu pháp âm” cố.

          ()莊嚴虛空功德成就者。偈言:無量寶交絡,羅網遍虛空,種種鈴發響,宣吐妙法音故。

          (Luận: Trang nghiêm hư không công đức thành tựu là như kệ nói: “Vô lượng báu giăng xen, lưới mành khắp hư không, các thứ linh vang tiếng, tuyên diễn pháp âm mầu”).

          “Trang nghiêm hư không công đức thành tựu giả”: Loại thứ ba là trang nghiêm hư không. “Kệ ngôn: Vô lượng bảo giao lạc, la võng biến hư không” (Kệ rằng: “Vô lượng báu giăng xen, lưới mành khắp hư không”): Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, vô lượng bảy báu giăng xen hợp thành lưới mành, trọn khắp hư không. “Chủng chủng linh phát hưởng, tuyên thổ diệu pháp âm cố” (Các thứ linh phát ra tiếng vang, tuyên nói pháp âm mầu nhiệm): Trên lưới mành treo các thứ linh báu, phát ra âm thanh leng keng, tinh tang, đều là vô tình thuyết pháp âm thanh vi diệu.

          Trong Kệ Tụng phần trước có nói: Hữu tình và vô tình trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có thể thuyết pháp, đều là do công đức của A Di Đà Phật thành tựu. Tây Phương Cực Lạc thế giới không chỉ là người có thể thuyết pháp, mà các loài chim thuộc loại hữu tình cũng có thể thuyết pháp. Các loài chim do đâu mà có? Do thần thông của A Di Đà Phật biến hóa ra. Linh báu là vật vô tình, cớ sao có thể thuyết pháp? Cũng do thần thông của A Di Đà Phật biến hóa. Chẳng có ai gõ, đánh, tự nó có thể vang ra tiếng nhạc trời, có thể diễn nói pháp âm.

* Giải trừ nghi hoặc

          Hỏi: A Di Đà Phật tự mình thuyết pháp là được rồi, vì sao còn phải có các loài chim, linh báu thuyết pháp?

          Đáp: Căn cơ của chúng sanh bất đồng, có đủ loại ưa thích riêng. Có chúng sanh thích nghe tiếng chim hót, có chúng sanh thích nghe tiếng linh báu, có chúng sanh thích nghe tiếng âm nhạc. A Di Đà Phật thuận ứng căn cơ của chúng sanh, thị hiện [ứng hợp] sự ưa chuộng của họ. Chúng sanh nghe pháp âm, tự nhiên sẽ khai ngộ. Đấy đều là diệu dụng ứng cơ thuyết pháp của A Di Đà Phật.

          (Luận) Trang nghiêm vũ công đức thành tựu giả, kệ ngôn: “Vũ hoa y trang nghiêm, vô lượng hương phổ huân” cố.

          ()莊嚴雨功德成就者。偈言:雨華衣莊嚴,無量香普熏故。

          (Luận: Trang nghiêm mưa công đức thành tựu là như kệ nói: “Mưa áo hoa trang nghiêm, vô lượng hương xông khắp”).

          “Trang nghiêm vũ công đức thành tựu giả” là loại trang nghiêm thứ chín. “Kệ ngôn: Vũ hoa y trang nghiêm” (Kệ rằng: “Mưa áo hoa trang nghiêm”). “Vũ” (雨) là từ không trung rơi xuống. “Hoa” (華) là hoa (花)3. Từ không trung, tự nhiên rơi xuống hoa trời, thiên y; không chỉ là một thứ, đều là hoa khiến cho quý vị thỏa lòng, vừa ý. Quý vị thích thấy loại hoa nào, sẽ rơi xuống loại hoa đó. “Y” (衣) là một thứ trang nghiêm bằng vải, giống như thảm trong hiện thời. Từ trên trời của Tây Phương Cực Lạc thế giới rơi xuống thiên y, giống như tràng phan, lọng báu, các thứ trang nghiêm. “Vô lượng hương phổ huân cố” (Vô lượng mùi hương xông khắp): Thiên hoa, thiên y màu sắc rất xinh đẹp, lại còn có vô lượng mùi hương xông khắp thế giới Cực Lạc. Hễ ngửi thấy, sẽ đều sanh tâm hoan hỷ.

          (Luận) Trang nghiêm quang minh công đức thành tựu giả, kệ ngôn: “Phật huệ minh tịnh nhật, trừ thế si ám minh” cố.

          ()莊嚴光明功德成就者。偈言:佛慧明淨日,除世癡闇冥故。

          (Luận: Trang nghiêm quang minh công đức thành tựu là như kệ nói: “Phật huệ nhật sáng sạch, trừ si tối thế gian”).

          “Trang nghiêm quang minh công đức thành tựu giả” là loại trang nghiêm thứ mười. Trong phần trước có nói công đức quang minh gồm hai loại:

          1) Một loại là hình tướng quang minh. Quý vị thấy thế giới Cực Lạc một mực là quang minh.

          2) Loại thứ hai là diệu sắc quang minh. Trong mỗi thứ trân bảo đều có một loại quang minh.

          “Kệ ngôn: Phật huệ minh tịnh nhật” (Kệ nói: “Trí huệ của Phật như vầng mặt trời sáng sạch”); đấy là diệu dụng của quang minh. Quang minh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới toàn là trí huệ quang của A Di Đà Phật, quang minh thanh tịnh giống như mặt trời. “Trừ thế si ám minh cố” (Trừ sự tối tăm do ngu si trong thế gian): Trong thế giới Sa Bà, mặt trời vừa mọc lên, hết thảy hắc ám đều bị trừ sạch. Quý vị chỉ cần trông thấy quang minh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thì sẽ có thể trừ diệt phiền não ngu si của quý vị.

          (Luận) Trang nghiêm diệu thanh công đức thành tựu giả, kệ ngôn: “Phạm thanh ngộ thâm viễn, vi diệu văn thập phương” cố.

          ()莊嚴妙聲功德成就者。偈言:梵聲悟深遠,微妙聞十方故

          (Luận: Trang nghiêm diệu thanh công đức thành tựu là như kệ nói: “Tiếng Phạm ngộ sâu xa, vi diệu rền mười phương”).

          “Trang nghiêm diệu thanh công đức thành tựu giả” (Trang nghiêm thành tựu công đức âm thanh vi diệu) là loại trang nghiêm thứ mười một. “Kệ ngôn: Phạm thanh”“Phạm thanh”, Tây Phương Cực Lạc thế giới thanh danh lừng lẫy, là một thứ âm thanh thanh tịnh. “Ngộ thâm viễn”: Quý vị nghe thanh danh của Tây Phương Cực Lạc thế giới, có thể ngộ Thật Tướng Lý Thể. “Vi diệu văn thập phương cố” (Vi diệu, nghe thấu mười phương): Mười phương thế giới đều có thể nghe thấy thanh danh của Tây Phương Cực Lạc thế giới; điều này vi diệu chẳng thể nghĩ bàn.

          (Luận) Trang nghiêm chủ công đức thành tựu giả, kệ ngôn: “Chánh giác A Di Đà, pháp vương thiện trụ trì” cố.

          ()莊嚴主功德成就者。偈言:正覺阿彌陀,法王善住持故。

          (Luận: Trang nghiêm chủ công đức thành tựu là như kệ nói: “Chánh giác A Di Đà, pháp vương khéo trụ trì”).

          “Trang nghiêm chủ công đức thành tựu giả” là loại trang nghiêm thứ mười hai. “Kệ ngôn: Chánh giác A Di Đà, pháp vương thiện trụ trì cố” (Kệ rằng: “Chánh giác A Di Đà, pháp vương khéo trụ trì”): Tây Phương Cực Lạc thế giới có một đấng pháp vương, chính là Chánh Giác A Di Đà Phật, Ngài khéo có thể trụ trì thế giới Cực Lạc. Đây chẳng phải là tán thán chánh báo, mà vẫn là tán thán y báo. Vì sao Tây Phương Cực Lạc thế giới tốt đẹp? Vì có một đấng pháp vương tốt đẹp trụ trì, cho nên Tây Phương Cực Lạc thế giới tốt đẹp. Giống như trong hiện thời một đại tự viện nào đó tốt đẹp, là vì có một vị đại hòa thượng làm Trụ Trì, lãnh đạo đúng cách. Chẳng phải là tán thán chánh báo, tức [tán thán] đại hòa thượng, mà là tán thán đại tự viện tốt đẹp.

          (Luận) Trang nghiêm quyến thuộc công đức thành tựu giả, kệ ngôn: “Như Lai tịnh hoa chúng, Chánh Giác hoa hóa sanh” cố.

          ()莊嚴眷屬功德成就者。偈言:如來淨華眾,正覺華化生故。

          (Luận: Trang nghiêm quyến thuộc công đức thành tựu là như kệ nói: “Chúng Như Lai tịnh hoa, hoa Chánh Giác hóa sanh”).

          “Trang nghiêm quyến thuộc công đức thành tựu giả” là loại trang nghiêm thứ mười ba. “Kệ ngôn: Như Lai tịnh hoa chúng, chánh giác hoa hóa sanh cố” (Kệ rằng: “Hoa chúng thanh tịnh của Như Lai, hoa Chánh Giác hóa sanh”): Hễ có pháp vương, sẽ có nhân dân. Nhân dân là quyến thuộc của Ngài, đều là đại chúng thanh tịnh hóa sanh từ hoa sen Chánh Giác của A Di Đà Như Lai. Chúng ta thường niệm Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát là do ý nghĩa này. Đây là tán thán dân chúng trong quốc gia của đấng pháp vương, đấy vẫn là tán thán Tây Phương Cực Lạc thế giới.

 

Nguồn: Di Đà Nguyện Hải

Pages: 1 2 3