Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá
Chú Giải Giảng Nghĩa
無量壽經優婆提舍註解講義
Ấn Độ Thế Thân Bồ Tát tạo luận
印度世親菩薩造論
Nguyên Ngụy Thiên Trúc Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chi dịch luận
元魏天竺三藏菩提流支譯論
Nguyên Ngụy Huyền Trung Tự sa-môn Đàm Loan chú giải
元魏玄中寺沙門曇鸞註解
Dân Quốc Tịnh Luật Tự sa-môn Tánh Phạm giảng nghĩa
民國淨律寺沙門性梵講義
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo bản in của Tam Huệ Học Xứ, ngày 1 tháng 1 năm 1999)
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang
2.2.1.2.3.1.2. Tiểu kết thành phát nguyện vãng sanh
(Luận) Thị cố nguyện sanh bỉ, A Di Đà Phật quốc.
(Chú) Thử nhị cú, kết thành thượng quán sát thập thất chủng trang nghiêm quốc độ thành tựu, sở dĩ nguyện sanh, thích khí thế gian thanh tịnh, ngật chi ư thượng.
(論)是故願生彼。阿彌陀佛國。
(註)此二句。結成上觀察十七種莊嚴國土成就。所以願生。釋器世間清淨。訖之於上。
(Luận: Vì thế nguyện vãng sanh, cõi A Di Đà Phật.
Chú: Hai câu này để tổng kết sự quán sát các thành tựu nơi mười bảy thứ trang nghiêm quốc độ trên đây, cho nên nguyện sanh [về cõi An Lạc]. Trên đây là phần giải thích về khí thế gian thanh tịnh đã xong).
Luận Chủ dùng hai câu Kệ Tụng này để biểu thị: Do Ngài (vị Luận Chủ) quan sát, thấy quốc độ An Lạc có mười bảy loại công đức thành tựu trang nghiêm như đã nói trên, cho nên bèn phát nguyện mong vãng sanh thế giới (“quốc”) thanh tịnh của A Di Đà Phật. Các thứ trang nghiêm trong thế giới ấy chính là cảnh giới Lý Sự vô ngại chẳng thể nghĩ bàn thuộc về Đệ Nhất Nghĩa Đế (Thắng Nghĩa Đế), vọng thức của phàm phu chẳng thể biết rõ được! Ắt cần phải có Bát Nhã thì mới có thể quan sát, cũng ắt cần phải có tín nguyện thì mới có thể vãng sanh cõi ấy. Do vậy, sau phần Kệ Tụng về mười bảy thứ trang nghiêm, vị Luận Chủ đã phát nguyện quyết định muốn sanh về cõi đó. Phần Kệ Tụng về khí thế gian thanh tịnh trong bộ luận này cũng đến đây là hết; vì thế nói là “ngật chi ư thượng” (đã xong trong phần trên đây), chẳng cần phải nói thêm nữa!
2.2.1.2.3.1.3. Quan sát công đức thanh tịnh của chúng sanh thế gian
2.2.1.2.3.1.3.1. Hai môn quán sát của chúng sanh thế gian
(Chú) Thứ quán chúng sanh thế gian thanh tịnh. Thử môn trung phân vi nhị biệt: Nhất giả, quán sát A Di Đà Như Lai trang nghiêm công đức; nhị giả, quán sát bỉ chư Bồ Tát trang nghiêm công đức. Quán sát Như Lai trang nghiêm công đức trung, hữu bát chủng, chí văn đương mục.
(註)次觀眾生世間清淨。此門中分為二別。一者觀察阿彌陀如來莊嚴功德。二者觀察彼諸菩薩莊嚴功德。觀察如來莊嚴功德中。有八種。至文當目。
(Chú: Kế đó, quán chúng sanh thế gian thanh tịnh. Trong môn này, chia thành hai môn riêng biệt: Một là quan sát công đức trang nghiêm của A Di Đà Như Lai; hai là quan sát công đức trang nghiêm của các vị Bồ Tát trong cõi ấy. Trong phần quan sát công đức trang nghiêm của Như Lai có tám loại, đến phần kinh văn sẽ nêu rõ từng mục).
Ngài Đàm Loan sẽ giải thích tiếp, vị Luận Chủ đã nêu ra sự quan sát chúng sanh thế gian của quốc độ An Lạc có mười hai loại trang nghiêm thanh tịnh. Trước hết, [ngài Đàm Loan] chia chúng thành hai môn, cũng tức là hai loại. Loại thứ nhất thuộc về công đức trang nghiêm của A Di Đà Phật, loại thứ hai thuộc về công đức trang nghiêm của hàng Bồ Tát sanh trong cõi ấy. Trong loại thứ nhất, có tất cả tám thứ công đức trang nghiêm. Khi tới phần giải thích Kệ Tụng, sẽ tự đối với từng món mà nêu ra tên gọi của tám thứ ấy.
2.2.1.2.3.1.3.2. Giải thích về chúng sanh
(Chú) Vấn viết: Hữu luận sư phiếm giải “chúng sanh” danh nghĩa, dĩ kỳ luân chuyển tam hữu, thọ chúng đa sanh tử, cố danh “chúng sanh”. Kim danh Phật, Bồ Tát vi “chúng sanh”, thị nghĩa vân hà?
(註)問曰。有論師汎解眾生名義。以其輪轉三有。受眾多生死。故名眾生。今名佛菩薩為眾生。是義云何。
(Chú: Hỏi: Đối với danh nghĩa của [từ ngữ] “chúng sanh”, theo cách giải thích chung của các luận sư thì do [hữu tình] luân chuyển trong ba cõi, hứng chịu khá nhiều sanh tử; cho nên gọi là “chúng sanh”. Nay gọi Phật, Bồ Tát là “chúng sanh”, nghĩa ấy là như thế nào?)
Đã muốn quan sát chúng sanh thế gian; trước hết, phải biết định nghĩa của “chúng sanh”. Vì thế, Ngài (Đàm Loan đại sư) giả lập [một đoạn] vấn đáp để thuyết minh. Có người hỏi: Có những vị luận sư (người có thể hiểu pháp nghĩa thì được gọi là Luận Sư). “Phiếm giải” (汎解, tức là luận định chung, tức là cách giải nói phổ biến) danh nghĩa của chúng sanh, chính là nói: Hễ thuộc trong tam hữu (tam giới), nhận lấy khá nhiều sanh mạng thể sanh tử luân hồi thì gọi là “chúng sanh”, nhưng nay luận này lại gọi A Di Đà Phật và hàng Bồ Tát trong cõi Ngài là “chúng sanh”. Nói theo Lý, Phật, Bồ Tát đã thoát tam giới, liễu thoát sanh tử, cớ sao vẫn có thể gọi là “chúng sanh”? Ý nghĩa được bao hàm trong ấy là như thế nào?
(Chú) Đáp viết: Kinh ngôn, nhất pháp hữu vô lượng danh, nhất danh hữu vô lượng nghĩa, như dĩ thọ chúng đa sanh tử cố, danh vi “chúng sanh” dã. Thử thị Tiểu Thừa gia thích tam giới trung “chúng sanh” danh nghĩa, phi Đại Thừa gia “chúng sanh” danh nghĩa dã. Đại Thừa gia sở ngôn “chúng sanh” giả, như Bất Tăng Bất Giảm kinh ngôn: “Ngôn chúng sanh giả, tức thị bất sanh bất diệt nghĩa. Hà dĩ cố? Nhược hữu sanh, sanh dĩ phục sanh, hữu vô cùng quá cố, hữu bất sanh nhi sanh quá cố. Thị cố vô sanh. Nhược hữu sanh, khả hữu diệt. Ký vô sanh, hà đắc hữu diệt? Thị cố vô sanh vô diệt thị chúng sanh nghĩa”. Như kinh trung ngôn: “Ngũ Thọ Ấm thông đạt Không, Vô Sở Hữu, thị Khổ nghĩa”. Tư kỳ loại dã.
(註)答曰。經言。一法有無量名。一名有無量義。如以受眾多生死故名為眾生者。此是小乘家釋三界中眾生名義。非大乘家眾生名義也。大乘家所言眾生者。如不增不減經言。言眾生者即是不生不滅義。何以故。若有生。生已復生有無窮過故。有不生而生過故。是故無生。若有生。可有滅。既無生。何得有滅。是故無生無滅是眾生義。如經中言。五受陰通達空無所有是苦義。斯其類也。
(Chú: Đáp: Kinh dạy, một pháp có vô lượng tên, một tên có vô lượng nghĩa. Nếu coi “do chịu nhiều lần sanh tử nên gọi là chúng sanh” thì đấy chính là cách giải nghĩa danh xưng “chúng sanh trong tam giới” của các vị Tiểu Thừa, chẳng phải là cách giải thích ý nghĩa danh xưng “chúng sanh” của các vị Đại Thừa. Đại Thừa nói đến “chúng sanh” thì như kinh Bất Tăng Bất Giảm đã dạy: “Nói đến chúng sanh thì chính là theo nghĩa bất sanh bất diệt. Vì cớ sao vậy? Nếu là có sanh, thì do đã sanh rồi lại sanh nữa, cho nên mắc lỗi ‘vô cùng’, mắc lỗi ‘có chẳng sanh mà sanh’, cho nên là vô sanh. Nếu có sanh, thì sẽ có diệt. Đã là vô sanh thì làm sao có diệt cho được? Do vậy, vô sanh vô diệt là nghĩa của chúng sanh”. Như trong kinh đã nói: “Thông đạt Ngũ Thọ Ấm không, vô sở hữu chính là nghĩa của Khổ”. [Những pháp khác] đều giống như điều này vậy).
Trong lời đáp của đoạn này, trước hết nêu ra điều được nói trong pháp Đại Thừa, “một pháp có nhiều tên, một tên có nhiều nghĩa”. Chẳng hạn như “tâm” là một pháp, gồm có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, và sáu thức, bảy thức, tám thức, chín thức khác nhau. Lại có nhục đoàn tâm (trái tim bằng máu thịt), duyên lự tâm (cái tâm do suy nghĩ, vọng tưởng, tức vọng tâm gồm tám thức), tập khởi tâm (集起心, chỉ riêng cho A Lại Da Thức), Chân Như tâm v.v… khác nhau. Lại tách ra bèn có năm mươi mốt loại Tâm Sở Pháp; đều là các tên khác nhau của tâm, mỗi tên đều bao hàm ý nghĩa khác nhau. “Sách” là một pháp, bèn có vô lượng tên sách khác nhau, và vô lượng nghĩa lý khác nhau trong mỗi sách. “Xe” là một pháp, có rất nhiều tên chủng loại xe khác nhau, và các loại hình thể xe, dáng xe, công dụng v.v… khác nhau. Vì các pháp không gì chẳng phải là do nhân duyên hòa hợp mà có, chẳng có tánh độc lập, chẳng có tánh bất biến, [mỗi pháp] đều có mười Như Thị, cho đến ba ngàn tánh tướng. Do vậy, tất nhiên là một pháp có nhiều tên, một tên có nhiều nghĩa.
Ý nghĩa được bao hàm trong từ ngữ “chúng sanh” cũng giống như thế. Nhận lãnh khá nhiều sanh tử thì gọi là “chúng sanh”. Đấy là nói theo pháp Tiểu Thừa. Nếu nói theo Đại Thừa Phật pháp, ngài Đàm Loan dẫn ý “bất sanh bất diệt là ý nghĩa của chúng sanh” từ kinh Bất Tăng Bất Giảm của Đại Thừa để giải thích [từ ngữ] “chúng sanh thế gian” được nói trong bộ luận này. Vì sao bất sanh bất diệt được gọi là chúng sanh? Vì vô sanh vô diệt mới là Thật Tướng của chúng sanh. Nếu có sanh, có diệt, đấy là “giả danh chúng sanh”, cũng được gọi là “giả thi thiết” (假施設, giả đặt bày ra), tức là Thế Tục Đế. Như kinh Kim Cang nói: “Chúng sanh tức phi chúng sanh, giả danh chúng sanh” (Chúng sanh tức chẳng phải là chúng sanh, giả gọi là chúng sanh). Có sanh có diệt thì là Tâm Sanh Diệt Môn, vô sanh vô diệt là Tâm Chân Như Môn. Nhất tâm nhị môn, chẳng một, chẳng khác, pháp vốn là như thế đấy. Đấy là tướng chân thật và nghĩa chân thật của các pháp. Do vậy, nói theo pháp Tiểu Thừa, có khá nhiều sanh tử thì gọi là “chúng sanh”, tức là nói theo Sanh Diệt Môn, chỉ nói đến tâm một nửa, cho nên gọi là Bán Tự Giáo. Đại Thừa nói vô sanh vô diệt, đấy mới là khế hợp tướng chân thật của nhất tâm nhị môn, được gọi là Mãn Tự Giáo.
Tâm tánh tự thanh tịnh (vô sanh, vô diệt), các pháp chỉ là nhất tâm (duy tâm sở hiện). Tâm này làm chúng sanh, tâm này là Bồ Tát, Phật. Lục phàm tứ thánh đều do tâm tạo, tam đồ lục đạo do tâm tạo. Hết thảy mọi sự trong thế gian do tâm vẽ, chân tâm rốt ráo không tạo tác. Do vậy, tuy tâm này làm chúng sanh; thật ra, tâm này là chúng sanh. Đấy là ý nghĩa chân thật của “chúng sanh”. Chín câu từ “nhược hữu sanh” (nếu có sanh) cho đến “hà đắc hữu diệt” (làm sao có diệt cho được) nhằm thuyết minh đạo lý bất sanh bất diệt, lời văn dễ hiểu.
“Như kinh ngôn” (Như kinh nói), câu này nhằm nói kinh Bất Tăng Bất Giảm đã dạy: Ngũ Thọ Ấm (Ngũ Ấm tiếp nhận ngoại cảnh, bèn gọi là Ngũ Thọ Ấm), có thể thông đạt chúng đều là Không, vô sở hữu, đấy là hàm nghĩa của Khổ. Đấy là nói có thể liễu giải cảm thọ khổ hay lạc của mỗi cá nhân đều là do nhân duyên sanh ra, chẳng có thể tánh khổ hay lạc thực tại; vậy thì người ấy có thể thông đạt chân nghĩa của Khổ Thánh Đế. Cảm thọ Ngũ Ấm của chúng sanh là Tâm Sanh Diệt Môn. “Không, vô sở hữu” là Tâm Chân Như Môn. Nhất tâm nhị môn chẳng một, chẳng khác. Đấy là tướng chân thật của Khổ. “Tư kỳ loại dã”, câu này chính là đem Ngũ Thọ Ấm so sánh với chúng sanh, suy rộng ra cho đến hết thảy các pháp, [sẽ thấy] không gì chẳng phải là như vậy. Vì thế nói “tư kỳ loại dã”.
2.2.1.2.3.1.3.3. Quan sát công đức trang nghiêm của A Di Đà Như Lai
2.2.1.2.3.1.3.3.1. Công đức của hoa tòa
(Luận) Vô lượng đại bảo vương, vi diệu tịnh hoa đài.
(Chú) Thử nhị cú, danh “trang nghiêm tòa công đức thành tựu”. Phật bổn hà cố trang nghiêm thử tòa? Kiến hữu Bồ Tát, ư mạt hậu thân, phu thảo nhi tọa, thành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Nhân thiên kiến giả, bất sanh tăng thượng tín, tăng thượng cung kính, tăng thượng ái nhạo, tăng thượng tu hành.
(論)無量大寶王。微妙淨華臺。 (註)此二句。名莊嚴座功德成就。佛本何故莊嚴此座。見有菩薩。於末後身。敷草而坐。成阿耨多羅三藐三菩提。人天見者。不生增上信。增上恭敬。增上愛樂。增上修行。
(Luận: Vô lượng đại bảo vương, đài hoa tịnh, vi diệu.
Chú: Hai câu này được gọi là “trang nghiêm tòa công đức thành tựu”. Vốn vì lẽ nào mà Phật trang nghiêm tòa ấy? Do Ngài thấy có Bồ Tát nơi thân sau cùng, trải cỏ mà ngồi để thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. [Do vậy] người, trời trông thấy, chẳng sanh lòng tin tăng thượng, lòng cung kính tăng thượng, lòng yêu thích tăng thượng, tu hành tăng thượng).
Mười bảy thứ trang nghiêm được thành tựu bởi công đức như đã nói trong phần trước chính là quán sự trang nghiêm nơi y báo của quốc độ An Lạc. Từ chỗ này trở đi là quán sự trang nghiêm nơi chánh báo của cõi nước ấy. Trong việc quán chánh báo thì trước hết là quán Phật, có tất cả tám thứ trang nghiêm. Hai câu kệ này là món thứ nhất, được gọi là “trang nghiêm tòa công đức”. Trong pháp Tiểu Thừa, tòa ngồi của đức Phật [khi Ngài chứng đạo] chỉ là cỏ Cát Tường, thân Phật cao một trượng sáu thước, có hình tướng của một vị lão tỳ-kheo. Trong pháp Đại Thừa thì khác hẳn: Tòa ngồi của đức Phật bằng bảy báu, cho đến vô lượng thứ báu trang nghiêm. Thân Phật cao ngàn trượng, cho đến cao lớn vô lượng. Các căn, tướng hảo, mỗi mỗi đều vô lượng. Vì sao có sự sai biệt ấy? Thuận theo tâm chúng sanh, ứng theo khả năng nhận biết của họ. Do tâm lượng của chúng sanh [khác nhau] mà cảnh giới bất đồng. Vì thế, trông thấy khác nhau. Chẳng hạn như cùng là nước sạch, cá thấy là nhà cửa, người thấy là nước, chư thiên thấy là chất báu lưu ly. Trông thấy tòa của đức Phật khác nhau cũng giống như thế đó.
A Di Đà Phật khi Ngài còn đang tu nhân (đó là “bổn”), trông thấy Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát vào đời cuối cùng (“mạt hậu thân” tức là từ đấy trở đi chẳng còn thọ thân sanh tử nữa) ngồi trên cỏ Cát Tường mà thành Phật. Như Bổn Sư Thích Ca Thế Tôn chính là như vậy đấy. A Nậu Đa La (Anuttarā) dịch là Vô Thượng, Tam Miệu (Samyak) dịch là Chánh Đẳng, Tam Bồ Đề (Saṃbodhi) dịch là Chánh Giác. Thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác tức là thành Phật. Tòa của đức Phật chỉ là cỏ Cát Tường thông thường, thân Phật lại là hình tướng lão tỳ-kheo; như vậy thì sẽ khiến cho khi trời người nhìn vào, chẳng thể sanh khởi lòng tin tăng thượng và lòng cung kính tăng thượng. Đấy là thiếu khuyết Tín môn. Chẳng sanh lòng yêu thích tăng thượng; đấy là thiếu khuyết Nguyện môn. Chẳng sanh tâm tu hành tăng thượng; đấy là khuyết thiếu hai môn Hành và Niệm. Bốn môn như thế đều chẳng viên mãn, nói theo phía chúng sanh, sẽ là tổn thất lớn nhất, mà cũng là chướng ngại lớn nhất để thành Phật. Do vậy, đức Di Đà phát nguyện khi Ngài thành Phật, tòa của Ngài sẽ chẳng phải là cỏ Cát Tường thông thường. Đấy là dựa theo nhu cầu của chúng sanh, mà phát Bồ Đề tâm (nguyện), nương theo tâm Bồ Đề mà thành Phật.
(Chú) Thị cố nguyện ngôn, ngã thành Phật thời, sử vô lượng đại bảo vương, vi diệu tịnh hoa đài dĩ vi Phật tòa.
(註)是故願言。我成佛時。使無量大寶王。微妙淨華臺。以為佛座。
(Chú: Vì thế, nguyện rằng: Khi tôi thành Phật, khiến cho vô lượng đại bảo vương, hoa đài thanh tịnh vi diệu làm tòa của đức Phật).
Phật Di Đà phát nguyện, Ngài thành Phật, tòa của Ngài sẽ do vô lượng đại bảo tạo thành, đài hoa sen vi diệu thanh tịnh làm tòa. Hoa sen mọc từ bùn lầy mà chẳng bị nhuốm bẩn, ví như Phật từ phàm phu tu hành thành Phật. Hoa sen là hoa quả đồng thời, ví như Phật tu nhân Nhất Thừa (nhất tâm vạn hạnh), chứng quả Nhất Thừa (vạn hạnh nhất tâm). Nhân bao trùm biển quả, quả thấu triệt nguồn nhân, nhân và quả cùng ở trong một tâm. Pháp vốn là “bất tức, bất ly” (chẳng chính là, chẳng lìa). “Bất tức” là vô tướng, “bất ly” chính là “vô bất tướng” (chẳng phải là không có tướng). Vô tướng, vô bất tướng; đấy là Thật Tướng của các pháp. Rốt ráo chứng đắc Thật Tướng của các pháp thì gọi là “thành Phật”. Như kinh Quán Phật Tam Muội đã dạy: “Phật tòa thị đại hồng bảo liên hoa vương” (Tòa của Phật là đại hồng bảo liên hoa vương). Đấy chính là dùng hoa sen để tượng trưng cho tâm người. Phật là do tu tâm mà thành; tâm chúng sanh tuy là cái tâm hư vọng, phân biệt, nhưng tu hành trọn chẳng thể lìa vọng tâm này. Do vậy, Thiên Thai Chỉ Quán chính là dốc sức nơi Ý Thức, tức thức thứ sáu (vọng tâm) mà tu tập. Chỉ Quán viên thành, chính là lìa vọng tâm, hiển lộ chân tâm. Điều này được gọi là “hiển tâm thành trí”. Cái tâm Chân Như hiển lộ ấy được gọi là “như như Phật”. Tứ Trí Bồ Đề được thành tựu thì gọi là “trí huệ Phật”. Điều ấy được gọi là “thành Đẳng Chánh Giác”.
Trong phần sau, ngài Đàm Loan dẫn kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật để giải thích lời kệ. Đấy là phù hợp thích đáng nhất; vì Luận Chủ soạn luận này, đã dựa trên kinh Vô Lượng Thọ và Quán Kinh, dùng kinh để dung hội luận thì mới là khít khao, không sai sót!
(Chú) Vô lượng giả, như Quán Vô Lượng Thọ Kinh ngôn: “Thất bảo địa thượng, hữu đại bảo liên hoa vương tòa. Liên hoa nhất nhất diệp, tác bách bảo sắc, hữu bát vạn tứ thiên mạch, do như thiên họa. Mạch hữu bát vạn tứ thiên quang. Hoa diệp tiểu giả, tung quảng nhị bách ngũ thập do-tuần. Như thị liên hoa cụ hữu bát vạn tứ thiên diệp (dĩ thượng tổng minh hoa tòa). Nhất nhất diệp gian, hữu bách ức ma-ni châu vương, dĩ vi ánh sức. Nhất nhất ma-ni, phóng thiên quang minh. Kỳ quang như cái, thất bảo hợp thành, biến phú địa thượng (dĩ thượng thị minh hoa diệp trang nghiêm). Thích Ca Tỳ Lăng Già bảo, dĩ vi kỳ đài. Thử liên hoa đài, bát vạn kim cang, Chân Thúc Ca bảo, Phạm ma-ni bảo, diệu chân châu võng, dĩ vi hiệu sức (dĩ thượng minh hoa đài trang nghiêm). Ư kỳ đài thượng, tự nhiên nhi hữu tứ trụ bảo tràng. Nhất nhất bảo tràng, như bách thiên vạn ức Tu Di sơn. Tràng thượng bảo mạn, như Dạ Ma thiên cung. Hữu ngũ bách ức vi diệu bảo châu, dĩ vi ánh sức. Nhất nhất bảo châu, hữu bát vạn tứ thiên quang. Nhất nhất quang, tác bát vạn tứ thiên dị chủng kim sắc (dĩ thượng minh hoa tràng trang nghiêm). Nhất nhất kim quang, biến An Lạc bảo độ, xứ xứ biến hóa, các tác dị tướng. Hoặc vi kim cang đài, hoặc tác chân châu võng, hoặc tác tạp hoa vân. Ư thập phương diện, tùy ý biến hiện, thi tác Phật sự” (dĩ thượng minh hoa tòa hữu bất khả tư nghị đức dụng). Như thị đẳng sự, xuất quá số lượng. Thị cố ngôn: “Vô lượng đại bảo vương, vi diệu tịnh hoa đài”. (註)無量者。如觀無量壽經言。七寶地上。有大寶蓮華王座。蓮華一一葉。作百寶色。有八萬四千脈。猶如天畫。脈有八萬四千光。華葉小者。縱廣二百五十由旬。如是蓮華具有八萬四千葉 (以上總明華座)。一一葉間。有百億摩尼珠王。以為映飾。一一摩尼。放千光明。其光如蓋。七寶合成。遍覆地上(以上是明華葉莊嚴)。釋迦毘楞伽寶。以為其臺。此蓮華臺。八萬金剛。甄叔迦寶。梵摩尼寶。妙真珠網。以為校飾(以上明華臺莊嚴)。於其臺上。自然而有四柱寶幢。一一寶幢。如百千萬億須彌山。幢上寶幔。如夜摩天宮。有五百億微妙寶珠以為映飾。一一寶珠。有八萬四千光。一一光。作八萬四千異種金色(以上明華幢莊嚴)。一一金光。遍安樂寶土。處處變化。各作異相。或為金剛臺。或作真珠網。或作雜華雲。於十方面。隨意變現。施作佛事(以上明華座有不可思議德用)。如是等事。出過數量。是故言無量大寶王。微妙淨華臺。
(Chú: “Vô lượng” là như kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã nói: “Trên đất bảy báu, có tòa đại bảo liên hoa vương. Mỗi cánh hoa sen có màu của trăm thứ báu, có tám vạn bốn ngàn đường gân như nét vẽ cõi trời. Mỗi đường gân có tám vạn bốn ngàn quang minh. Cánh hoa nhỏ có kích thước là hai trăm năm mươi do-tuần. Hoa sen như thế có đủ tám vạn bốn ngàn cánh (trên đây là nói tổng quát về hoa tòa). Giữa mỗi cánh hoa, có trăm ức ma-ni châu vương để tô điểm chói ngời. Mỗi viên ma-ni tỏa ra một ngàn tia quang minh. Quang minh ấy như cái lọng, do bảy báu hợp thành, che rợp trên đất (trên đây là nói về sự trang nghiêm nơi cánh hoa). Chất báu Thích Ca Tỳ Lăng Già dùng làm đài hoa. Đài hoa sen ấy có tám vạn kim cang, chất báu Chân Thúc Ca, báu Phạm ma-ni, lưới chân châu mầu nhiệm dùng để trang hoàng (trên đây là nói về sự trang nghiêm của đài hoa). Ở trên đài ấy, tự nhiên có bốn trụ tràng báu. Mỗi tràng báu như trăm ngàn vạn ức núi Tu Di. Mành báu trên tràng như cung trời Dạ Ma. Có năm trăm ức bảo châu vi diệu để tô điểm chói ngời. Mỗi viên bảo châu có tám vạn bốn ngàn tia quang minh. Mỗi quang minh có tám vạn bốn ngàn sắc vàng khác loại (trên đây là nói về sự trang nghiêm nơi tràng hoa). Mỗi sắc vàng trọn khắp cõi báu An Lạc, biến hóa khắp nơi. Mỗi sắc biến hóa các tướng khác nhau. Hoặc là đài kim cang, hoặc là lưới chân châu, hoặc là mây các thứ hoa khác nhau. Trong mười phương, tùy ý biến hiện, thực hiện Phật sự” (trên đây là nói rõ hoa tòa có đức dụng chẳng thể nghĩ bàn). Những chuyện như vậy đều vượt khỏi số lượng. Vì thế nói: “Vô lượng đại bảo vương, đài hoa tịnh vi diệu”).
“Thích Ca Tỳ Lăng Già” (Śakrābhi lagna-mani-ratna) là tiếng Phạn, là tên của bảo châu, dịch là Năng Thắng (能勝), do loại chất báu này có thể vượt trỗi hết thảy các thứ báu trong thế gian. Chân Thúc Ca (Kimśuka) là tiếng Phạn, dịch nghĩa là Xích Sắc Bảo (chất báu có màu đỏ). “Vô lượng đại bảo vương” là nói theo kiểu biểu thị pháp, tức là nhất tâm vi diệu hiện tiền của chúng ta trọn đủ ba ngàn tánh tướng. Do trọn đủ về Lý, bèn có vô lượng công dụng về mặt Sự. Làm chúng sanh hay làm Phật, đều do cái tâm này, nên gọi là “đại bảo”. Nương theo tâm mà hiện cảnh, hoa tòa trang nghiêm, chẳng hiện mà hiện, tự tại vô ngại, nên gọi là Vương (王). “Hoa diệp” (華葉) chính là cánh hoa. “Mạch” (脈) chính là đường gân trên cánh hoa, giống như vân tay, cũng giống như đường gân, dường như nét vẽ khéo léo của thiên nhiên. Trên mỗi đường gân, đều tỏa ra tám vạn bốn ngàn tia quang minh. Mỗi cánh hoa to hai trăm năm mươi do-tuần, một do-tuần là bốn mươi dặm, tức là to chừng một vạn dặm. Cánh hoa to ngần ấy, lại nhiều đến tám vạn bốn ngàn cánh. Đấy là nói tổng quát hình dáng và kích thước của tòa hoa sen do A Di Đà Phật ngồi khi Ngài đã thành Phật.
Giữa cánh hoa này và cánh hoa kia, có rất nhiều Như Ý bảo châu để trang nghiêm (kinh văn ghi là “ánh sức”). Mỗi viên châu lại phóng rất nhiều quang minh, giống như dù, lọng, che khắp hoa tòa và đại địa. Đấy là thuyết minh về sự trang nghiêm nơi cánh hoa. Chính giữa hoa sen, có một đài sen rất đẹp đẽ, rất lớn, có rất nhiều trân bảo nổi tiếng nhất, quý nhất để trang nghiêm (kinh văn ghi là “hiệu sức”). Đấy là nói về sự trang nghiêm nơi hoa đài.
Bốn phía của đài hoa sen ấy, tự nhiên có bốn nhánh, tức bốn tràng báu giống như những cái trụ của đài hoa, hết sức cao lớn, khó thể hình dung, [cho nên] miễn cưỡng dùng núi Tu Di để sánh ví. Núi Tu Di dịch nghĩa là núi Diệu Cao. Do bốn báu hợp thành, nên gọi là Diệu (妙); do vượt trỗi bảy tầng kim sơn, nên là Cao (高). “Mạn” (幔) tức là màn vải. [“Bảo mạn”] là màn vải do châu báu dệt thành, giăng phủ trên bốn trụ hoa tràng. Mỗi một bảo châu đều phóng tám vạn bốn ngàn tia sáng, mỗi một tia sáng lại tỏa ra các thứ sắc vàng khác nhau. Đấy là nói về sự trang nghiêm nơi hoa tràng.
Vô lượng quang minh kim sắc, mỗi kim sắc đều là chiếu rực trọn khắp quốc độ Cực Lạc. Tùy theo căn cơ của chúng sanh trong cõi ấy mà biến hiện các thứ tướng trang nghiêm hy hữu, lạ lùng: Hoặc hiện đài sen bằng chất báu kim cang, hoặc hiện lưới chân châu, mây các thứ hoa, che phủ hoa tòa và toàn thể mặt đất. Lại còn từ bốn phương tám hướng của hoa tòa, tùy ý biến hiện các thứ Phật sự, chẳng hạn như: Tu Lục Độ, hành Tứ Nhiếp, niệm Phật, Pháp, Tăng, giảng kinh, tụng kinh, tọa Thiền, lạy Phật, kinh hành, khất thực v.v… Phàm là những chuyện có thể lợi ích chúng sanh, thuận theo căn tánh, mong muốn, ước nguyện của chúng sanh, xứng hợp những chỗ tốt đẹp, mà hóa hiện những chuyện ấy, khiến cho chúng sanh ngay khi đó đạt được lợi ích. Đấy là nói rõ hoa tòa có đức dụng chẳng thể nghĩ bàn, được gọi là “thi tác Phật sự” (thực hiện Phật sự). Ngài Đàm Loan trích dẫn kinh văn của Quán Kinh, tôi đã giảng giải giản lược.
“Như thị đẳng sự, xuất quá số lượng” (những chuyện như vậy đều vượt khỏi số lượng): Hai câu này nhằm tổng kết phần quan sát hoa tòa [được nói] trong phần trước, mỗi thứ đều có sự trang nghiêm vượt trỗi số lượng. Do vậy, lời Kệ ghi là: “Vô lượng đại bảo vương, vi diệu tịnh hoa đài” (Vô lượng đại bảo vương, đài hoa tịnh, vi diệu).
Kế đó, Quán Kinh còn nói: “Như thử diệu hoa, thị bổn Pháp Tạng tỳ-kheo nguyện lực sở thành. Nhược dục niệm bỉ Phật giả, đương tiên tác thử hoa tòa tưởng. Tác thử tưởng thời, bất đắc tạp quán… Thử tưởng thành giả, diệt trừ ngũ vạn ức kiếp sanh tử chi tội, tất định đương sanh Cực Lạc thế giới” (Hoa mầu nhiệm như thế vốn do nguyện lực của tỳ-kheo Pháp Tạng tạo thành. Nếu là người muốn niệm Phật, trước hết hãy nên tưởng hoa tòa này. Khi quán tưởng điều này, đừng nên quán xen tạp… Phép quán tưởng này thành tựu, sẽ diệt trừ tội trong năm vạn ức kiếp sanh tử, nhất định sẽ sanh về thế giới Cực Lạc). Này các vị thượng thiện nhân! Hoa tòa của Phật Di Đà có sự trang nghiêm vi diệu như thế. Từ cái quả mà suy ra cái nhân, có thể biết bổn nguyện công đức của Phật Di Đà xác thực là chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy, hãy nên tin sâu: Nếu có chúng sanh chí tâm tin ưa, mười niệm thành công, quyết định được sanh về Cực Lạc.
2.2.1.2.3.1.3.3.2. Công đức nơi thân nghiệp
(Luận) Tướng hảo quang nhất tầm, sắc tượng siêu quần sanh.
(Chú) Thử nhị cú, danh “trang nghiêm thân nghiệp công đức thành tựu”. Phật bổn hà cố trang nghiêm như thử thân nghiệp? Kiến hữu Phật thân, thọ nhất trượng quang minh, ư nhân thân quang, bất thậm siêu tuyệt. Như Chuyển Luân Vương tướng hảo diệc đại đồng, Đề Bà Đạt Đa sở giảm duy nhị, trí linh A Xà Thế vương dĩ tư hoặc loạn, San Xà Da đẳng cảm như đang lang, hoặc như thử loại dã. Thị cố trang nghiêm như thử thân nghiệp.
(論)相好光一尋。色像超群生。 (註)此二句。名莊嚴身業功德成就。佛本何故莊嚴如此身業。見有佛身。受一丈光明。於人身光。不甚超絕。如轉輪王相好亦大同。提婆達多所減唯二。致令阿闍世王以茲惑亂。刪闍耶等敢如蟷蜋。或如此類也。是故莊嚴如此身業。
(Luận: Tướng hảo quang một tầm, hình sắc trỗi quần sanh.
Chú: Hai câu này gọi là “trang nghiêm thân nghiệp công đức thành tựu”. Vốn vì lẽ nào mà Phật trang nghiêm thân nghiệp như thế? Do Ngài thấy có những vị Phật thân có quang minh [chiếu xa] một trượng, đối với quang minh nơi thân con người thì chẳng vượt trỗi cho lắm! Như [đem tướng hảo của Phật so sánh với] tướng hảo của vua Chuyển Luân thì cũng gần giống như nhau. Đề Bà Đạt Đa chỉ ít hơn hai tướng, [thế mà ông ta có thể] dùng [những tướng] đó khiến cho vua A Xà Thế bị mê hoặc. Những kẻ như San Xà Da v.v… dám [vênh váo] như bọ ngựa, hoặc là các sự việc giống như vậy. Vì thế, trang nghiêm thân nghiệp như thế).
Vì sao A Di Đà Phật phải trang nghiêm thân Phật? Theo lời giải thích của ngài Đàm Loan, vì khi Phật Di Đà còn thuộc địa vị Bồ Tát, trông thấy có vị Phật, thân quang (quang minh nơi thân) là một trong ba mươi hai tướng, còn gọi là “thường quang”, hoặc “viên quang” chỉ có (lời chú giải dùng chữ Thọ, 受) một trượng. So sánh với người thế gian, sẽ chẳng có sự thù thắng vượt trỗi (lời chú giải dùng chữ Tuyệt (絕) để diễn tả điều này) rất lớn. Chẳng hạn như: Chuyển Luân thánh vương trong thế gian cũng có ba mươi hai tướng giống như vậy, bất quá chẳng rõ ràng như Phật mà thôi! Lại như em họ của Thích Ca Thế Tôn là Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), [tên vị này] dịch là Thiên Nhiệt, cũng có ba mươi tướng, chỉ giảm bớt hai tướng là tướng nhục kế trên đỉnh đầu và tướng bạch hào giữa hai mày. Do vậy, khiến cho vua A Xà Thế (Ajātaśatru) nước Ma Kiệt Đà (Magadha) thuở đó tâm thần mê hoặc, lầm lộn, kính phụng Đề Bà Đạt Đa như Phật. Lại như ông San Xà Da (Saṃjaya Vairāṣṭrikaputra), dịch nghĩa là Đẳng Thắng, là một ngoại đạo chủ trương tự nhiên trong lục sư ngoại đạo1
, cho rằng chẳng cần tu hành, tròn tám vạn kiếp sẽ tự nhiên đắc đạo. Những kẻ theo lục sư ngoại đạo rất đông, vì thế nói là “San Xà Da đẳng” (San Xà Da v.v…) “Cảm như đang lang” (dám [vênh váo] như con bọ ngựa), chính là nói lục sư ngoại đạo coi thường đức Bổn Sư, chẳng sanh lòng tôn kính, chẳng tự lượng sức, công khai dám đối kháng đức Phật, giống như con bọ ngựa lại dám giương càng ngăn xe, đúng là ngu si không chi hơn.
“Hoặc như thử loại dã”: Câu này nhằm nói, hoặc là có những kẻ khác, trông thấy tướng hảo của Phật trọn chẳng đặc biệt siêu tuyệt, cho nên chẳng sanh lòng kính trọng, chẳng có lòng quy ngưỡng, tin tưởng, những kẻ như San Xà Da đáng thương, đáng tiếc quá! Do có các nguyên nhân như vừa nói trên đây; cho nên Phật Di Đà trong lúc tu nhân, phát nguyện sẽ trang nghiêm thân nghiệp chẳng thể nghĩ bàn, khiến cho hết thảy chúng sanh tin kính, tôn trọng, quy hướng đức Phật bèn được liễu sanh thoát tử, cùng thành Phật đạo. Đấy cũng là hoàn toàn phát xuất từ tâm đại từ bi đồng thể.
(Chú) Án thử gian hỗ huấn, lục xích viết Tầm. Như Quán Vô Lượng Thọ Kinh ngôn: “A Di Đà Như Lai, thân cao lục thập vạn ức na-do-tha Hằng hà sa do-tuần, Phật viên quang như bách ức tam thiên đại thiên thế giới”. Dịch giả dĩ Tầm nhi ngôn, hà kỳ hối hồ? Lý xá gian nhân, bất giản tung hoành, trường đoản, hàm vị hoành thư lưỡng thủ tý vi Tầm. Nhược dịch giả hoặc thủ thử loại, dụng chuẩn A Di Đà Như Lai thư tý vi ngôn, cố xưng “nhất tầm” giả, viên quang diệc ưng kính lục thập vạn ức na-do-tha Hằng hà sa do-tuần. Thị cố ngôn “tướng hảo quang nhất tầm, sắc tượng siêu quần sanh”.
(註)案此間詁訓。六尺曰尋。如觀無量壽經言。阿彌陀如來。身高六十萬億那由他恒河沙由旬。佛圓光如百億三千大千世界。譯者以尋而言。何其晦乎。里舍間人。不簡縱橫長短。咸謂橫舒兩手臂為尋。若譯者或取此類。用準阿彌陀如來舒臂為言。故稱一尋者。圓光亦應徑六十萬億那由他恒河沙由旬。是故言相好光一尋。色像超群生。
(Chú: Xét theo cách giảng giải trong thế gian này thì sáu thước gọi là một Tầm. Như kinh Quán Vô Lượng Thọ có nói: “Thân của A Di Đà Như Lai cao sáu mươi vạn ức na-do-tha Hằng hà sa do-tuần, viên quang của Phật như trăm ức tam thiên đại thiên thế giới”. Dịch giả dùng chữ Tầm để nói mới mờ mịt làm sao? Người ở chốn quê mùa không phân biệt ngang, dọc, dài, ngắn, đều nói hễ giang hai cánh tay ngang ra thì gọi là một Tầm. Nếu dịch giả dùng kiểu nói ấy, chuẩn theo A Di Đà Như Lai giang tay để nói, cho nên bảo là “một tầm” thì viên quang [của Ngài] cũng phải rộng đến sáu mươi vạn ức na-do-tha Hằng hà sa do-tuần. Vì thế nói là “tướng hảo quang một tầm, hình sắc trỗi quần sanh”).
Đối với lời Kệ “tướng hảo quang nhất tầm”, chiếu theo cách “hỗ huấn” của Trung Hoa, tức là dùng ngôn ngữ đã biết trong hiện thời để giải thích các từ ngữ chưa biết thời cổ, [điều ấy] được gọi là Hỗ Huấn (詁訓), thì chỉ có sáu thước là một Tầm. Nói theo kiểu ấy thì thân quang của Phật Di Đà chỉ có sáu thước, thật sự là quá nhỏ! Như Quán Kinh có nói: “Thân A Di Đà Như Lai cao sáu mươi vạn ức na-do-tha Hằng hà sa do-tuần, viên quang của Phật như trăm ức tam thiên đại thiên thế giới”. Na-do-tha (Nayutaḥ) là tiếng Phạn, dịch là Ức. Cát trong một sông Hằng đã là Vô Ương Số (無央數, dịch nghĩa của chữ A-tăng-kỳ), huống hồ là sáu mươi vạn ức sông Hằng. Cát trong các sông Hằng nhiều ngần ấy, chẳng có cách nào tính toán được! Coi một hạt cát là một do-tuần, một do-tuần (Yojanā) là bốn mươi dặm. Vì thế, thân quang của Phật Di Đà rộng lớn vô lượng, chẳng thể tính toán. Nhưng vị đại đức phiên dịch bộ luận này dùng một Tầm để nói, “hà kỳ hối hồ”? Chữ Hối (晦) đọc là Hối (誨). Mỗi tháng có ba mươi ngày; [ngày cuối tháng], đêm đen không có trăng được gọi là Hối. Dịch thân quang của Phật Di Đà là [to rộng] “một Tầm”, sao mà lại tối tăm, chẳng trong sáng ngần ấy, khiến cho người ta mê hoặc, chẳng hiểu như vậy?
Thường là những người sống ở nông thôn (lý xá gian, 里舍間), chẳng có kiến thức để phân biệt độ rộng ngang, dọc, dài, ngắn, chỉ gọi [khoảng cách giữa] hai cánh tay duỗi thẳng sang hai bên là một Tầm để tính toán dài ngắn. Nếu như vị đại đức phiên dịch có thể cũng dùng [khoảng cách khi] Phật Di Đà duỗi ngang hai tay để hình dung thân quang của Ngài là [chiếu xa] một Tầm, vậy thì viên quang (thân quang) cũng phải nên có độ lớn với đường kính là sáu mươi vạn ức hằng hà sa do-tuần; sự to lớn ấy đúng là chẳng thể nghĩ bàn! Nói theo ý nghĩa ấy: Phật Di Đà có vô lượng tướng, vô lượng hảo, viên quang của Ngài là một Tầm, thân thể sắc tượng ấy đích xác là vượt trỗi hết thảy quần sanh, vậy thì vẫn có thể nói suông sẻ được!
(Chú) Vấn viết: – Quán Vô Lượng Thọ kinh ngôn, “chư Phật Như Lai thị pháp giới thân, nhập nhất thiết chúng sanh tâm tưởng trung. Thị cố nhữ đẳng tâm tưởng Phật thời, thị tâm tức thị tam thập nhị tướng, bát thập tùy hình hảo. Thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật, chư Phật Chánh Biến Tri hải tùng tâm tưởng sanh”. Thị nghĩa vân hà?
(註)問曰。觀無量壽經言。諸佛如來是法界身。入一切眾生心想中。是故汝等。心想佛時。是心即是三十二相。八十隨形好。是心作佛。是心是佛。諸佛正遍知海從心想生。是義云何。
(Chú: Hỏi: – Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Chư Phật Như Lai là thân pháp giới, vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh. Vì thế, khi tâm các ông tưởng Phật, tâm này chính là ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo. Tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Biển Chánh Biến Tri của chư Phật sanh từ tâm tưởng”. Nghĩa ấy là như thế nào?)
Đoạn này dựa theo [những điều] kinh [Quán Vô Lượng Thọ Phật] đã nói để lập ra lời hỏi, nghĩa ấy rất sâu; nay sẽ giải thích đơn giản, trọng yếu như sau: Chư Phật dùng gì làm thân thể? Chính là dùng pháp giới làm Thể. Pháp giới là gì? Chính là cái tâm thanh tịnh mà chư Phật và chúng sanh có cùng một Thể, còn gọi là Pháp Thân, hoặc Pháp Tánh. Tâm ấy tạo đủ hết thảy các pháp y báo và chánh báo thuộc mười pháp giới (lục phàm tứ thánh). “Tâm trọn đủ” là Thể, là Chân Như Môn. “Tâm tạo” là Dụng, là Sanh Diệt Môn. Nhất tâm nhị môn, Thể và Dụng chẳng tách lìa, Thể là Tổng Tướng chẳng khác, đều gọi là “pháp”. Dụng là Biệt Tướng chẳng một, mỗi mỗi đều có giới hạn. Pháp nào cũng đều có Tổng, Biệt, Thể, Dụng, chẳng khác, chẳng một, thường giống như nhau mà thường khác. Vì thế gọi là “pháp giới”. Đã là chúng sanh và Phật đồng thể, chẳng khác, chẳng một, cho nên chúng sanh và Phật trọn khắp lẫn nhau, thân Phật vào trong tâm chúng sanh, tâm chúng sanh cũng nhập vào tâm của chư Phật. Do vậy, kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm, Phật và chúng sanh, ba điều ấy chẳng sai khác”. Có thể liễu giải các pháp trong mười giới chẳng ra ngoài nhất tâm nhị môn. Vậy thì trong lúc quý vị dùng tâm thanh tịnh để quán tưởng thân Phật, đấy là Tâm Sanh Diệt Môn, thuận theo tịnh duyên mà khởi tác dụng. Tâm sanh thì pháp sanh; cái tâm ấy ngay lập tức bèn có tướng hảo nơi thân Phật hiển hiện.
Ví như một người, trong khi người ấy chuyên nhất cái tâm, nghĩ nhớ cha mẹ của mình, hình tượng của cha mẹ tất nhiên sẽ xuất hiện trong tâm người ấy. [Hình dáng] cha mẹ xuất hiện chẳng phải là giả, mà là thật. Phật hiện trong tâm cũng giống như vậy. Đức Phật được hiện chính là chân Phật. Điều này gọi là “thị tâm tác Phật” (tâm này làm Phật). “Tác” chính là quán tưởng. Quán tưởng thì mới có, chẳng quán tưởng sẽ không có. Thế nhưng, các pháp trong mười giới hoàn toàn do nhất tâm hiển hiện, lìa cái tâm thì chắc chắn chẳng có các pháp. Đó gọi là “thị tâm thị Phật” (tâm này là tâm Phật); tâm này là hết thảy các pháp. Do vậy có thể biết, chư Phật và muôn pháp hết thảy hữu tình, vô tình, đều từ nhất tâm có cùng một Thể mà duyên khởi xuất sanh. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm nói: “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (Nên quán tánh pháp giới, hết thảy chỉ tâm tạo). Sách Đại Thừa Chỉ Quán cũng nói: “Tâm tánh tự thanh tịnh, các pháp chỉ một tâm, tâm này là chúng sanh. Tâm này, Bồ Tát, Phật, ví như nước biển cả, trọn đủ các kho báu”.
Nếu có thể khôi phục tâm tánh vốn sẵn thanh tịnh, chẳng có phiền não, vọng tưởng, chấp trước, tự tại vô ngại của chúng ta, chứng nhập biển tánh Chân Như. Đấy gọi là “Phật” (giác), cũng có thể tùy theo duyên khởi khác nhau, mà hoặc gọi nó là “người”, hoặc gọi bằng những danh tướng khác đều được, vì là đồng thể, chẳng có gì bất đồng. Do vậy, tổ sư Thiền Tông có nói: “Lư cước thân thời, Phật thủ khai” (Khi lừa duỗi chân, Phật xòe tay ra). Khi quý vị đã khai ngộ, đích thân chứng các pháp đồng thể, bình đẳng bất nhị, tùy duyên dấy lên tác dụng, hoặc làm tay Phật, hoặc là chân lừa v.v… đều có thể được. Phàm là hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, đều thuận theo tâm chúng sanh, thích ứng với các danh tướng mà chúng sanh đã biết để gọi nó. Một pháp có ngàn tên gọi, tùy duyên mà đặt tên, nhưng thể tánh của nó chẳng có gì bất đồng.
Nếu có thể thông đạt hết thảy các pháp, đều là “tâm tác”, chẳng bỗng dưng [mà có], Sanh Diệt Môn đấy nhé. “Tâm thị” (Tâm là) chẳng phải là nhân duyên, Chân Như Môn đấy nhé. Nhất tâm nhị môn, Chân Tục nhị đế viên dung vô ngại. Chính từ “tâm thị” (tâm là) mà “tâm tác” (tâm làm); cho nên chẳng phải là một. Đó gọi là “toàn tánh khởi tu”. Ngay từ “tâm tác” mà là “tâm thị”, cho nên chẳng khác. Đó gọi là “toàn tu tại tánh”. Như thế thì sẽ có thể lìa lỗi chấp trước “nhị biên” (hai bên) của ngoại đạo, tức là [chấp trước] Đoạn, Thường, sanh, diệt, một, khác, đến, đi v.v… Đấy là Chánh Đẳng Chánh Giác của Phật, còn gọi là “biển Chánh Biến Tri của chư Phật”. Chánh Biến Tri ấy ở trong nhất tâm nhị môn thanh tịnh của mỗi người, viên mãn trọn đủ, xuất sanh ngay từ đó. Vì thế, Quán Kinh nói: “Biển Chánh Biến Tri của chư Phật sanh từ tâm tưởng”. Ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo của Phật, xin hãy tra trong Phật Học Từ Điển, chẳng cần phải nói nhiều!
(Chú) Đáp viết: Thân danh tập thành, giới danh Sự biệt. Như Nhãn Giới duyên Căn, Sắc, Không, Minh, Tác Ý, ngũ nhân duyên sanh, danh vi Nhãn Giới. Thị Nhãn đản tự hành kỷ duyên, bất hành tha duyên, dĩ Sự biệt cố. Nhĩ, Tỵ đẳng giới diệc như thị. Ngôn “chư Phật Như Lai thị pháp giới thân” giả, pháp giới thị chúng sanh tâm pháp dã. Dĩ tâm năng sanh thế gian xuất thế gian nhất thiết chư pháp, cố danh tâm vi pháp giới. Pháp giới năng sanh chư Như Lai tướng hảo thân, diệc như Sắc đẳng năng sanh Nhãn Thức. Thị cố Phật thân danh pháp giới thân. Thị thân bất hành tha duyên, thị cố nhập nhất thiết chúng sanh tâm tưởng trung. Tâm tưởng Phật thời, thị tâm tức thị tam thập nhị tướng, bát thập tùy hình hảo giả. Đương chúng sanh tâm tưởng Phật thời, Phật thân, tướng hảo, hiển hiện chúng sanh tâm trung dã. Thí như thủy thanh tắc sắc tượng hiện. Thủy chi dữ tượng, bất nhất, bất dị, cố ngôn “Phật tướng hảo thân tức thị tâm tưởng dã”. Thị tâm tác Phật giả, ngôn tâm năng tác Phật dã. Thị tâm thị Phật giả, tâm ngoại vô Phật dã. Thí như hỏa tùng mộc xuất, hỏa bất năng ly mộc dã. Dĩ bất ly mộc cố, tắc năng thiêu mộc. Mộc vị hỏa thiêu, mộc tức vi hỏa dã. Chư Phật Chánh Biến Tri hải tùng tâm tưởng sanh giả, Chánh Biến Tri giả, chân chánh như pháp giới nhi tri dã. Pháp giới vô tướng, cố chư Phật vô tri dã. Dĩ vô tri, cố vô bất tri dã. Vô tri nhi tri giả, thị Chánh Biến Tri dã. Thị tri thâm quảng bất khả trắc lượng, cố thí hải dã.
(註)答曰。身名集成。界名事別。如眼界。緣根。色。空。明。作意。五因緣生。名為眼界。是眼但自行己緣。不行他緣。以事別故。耳鼻等界亦如是。言諸佛如來是法界身者。法界是眾生心法也。以心能生世間出世間一切諸法。故名心為法界。法界能生諸如來相好身。亦如色等能生眼識。是故佛身名法界身。是身不行他緣。是故入一切眾生心想中。心想佛時。是心即是三十二。相八十隨形好者。當眾生心想佛時。佛身相好。顯現眾生心中也。譬如水清則色像現。水之與像。不一。不異。故言佛相好身即是心想也。是心作佛者。言心能作佛也。是心是佛者。心外無佛也。譬如火從木出。火不能離木也。以不離木故。則能燒木。木為火燒。木即為火也。諸佛正遍知海從心想生者。正遍知者。真正如法界而知也。法界無相。故諸佛無知也。以無知。故無不知也。無知而知者。是正遍知也。是知深廣不可測量。故譬海也。
(Chú: Đáp: Thân là do [các duyên] tập hợp thành, Giới là do các sự khác biệt [mà chia riêng thành từng nhóm]. Như Nhãn Giới duyên theo năm nhân duyên là Căn, Sắc, Không, Minh, và Tác Ý mà sanh ra, bèn gọi là Nhãn Giới. Nhãn ấy chỉ tự hành theo duyên của chính mình, chẳng hiện hành theo các duyên khác, bởi các sự khác biệt. Các giới như Nhĩ Giới, Tỵ Giới v.v… cũng giống như vậy. Nói “chư Phật Như Lai là thân pháp giới” vì pháp giới là tâm pháp của chúng sanh vậy. Do tâm có thể sanh hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, nên gọi tâm là “pháp giới”. Pháp giới có thể sanh ra thân và tướng hảo của chư Như Lai, cũng như Sắc v.v… có thể sanh ra Nhãn Thức. Vì thế, thân Phật được gọi là “pháp giới thân”. Thân ấy chẳng hành theo các duyên khác. Vì thế, vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh. Khi tâm tưởng Phật, tâm này chính là ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo, tức là ngay trong khi tâm chúng sanh tưởng [Phật], thân và tướng hảo của Phật hiển hiện trong tâm chúng sanh. Ví như nước trong thì hình sắc hiện. Nước và hình sắc chẳng một, chẳng khác. Vì thế nói thân và tướng hảo của Phật chính là tâm tưởng. “Tâm này làm Phật” là nói “tâm có thể làm Phật”. “Tâm này là Phật”: Ngoài tâm không có Phật. Ví như lửa từ gỗ mà ra, lửa chẳng thể lìa gỗ. Do chẳng thể lìa gỗ, nên có thể đốt gỗ. Gỗ bị lửa thiêu, gỗ chính là lửa. “Biển Chánh Biến Tri của Phật sanh từ tâm tưởng”: Chánh Biến Tri là thật sự biết đúng như pháp giới. Pháp giới vô tướng; vì thế, chư Phật vô tri. Do vô tri, cho nên không gì chẳng biết. Không biết mà biết thì là Chánh Biến Tri. Cái biết ấy sâu rộng chẳng thể lường, cho nên sánh ví như biển).
Đoạn giải đáp này của ngài Đàm Loan phần lớn là theo sự tướng để giải thích lời văn trong Quán Kinh. Những điều tôi đã nói trong phần trước phần nhiều là dựa theo sự liễu đạt lý tánh. Lý do Sự hiển, Sự do Lý thành. Lý và Sự viên dung vô ngại thì mới có thể gọi là “đại khai viên giải”. Ngài Đàm Loan giải thích Chánh Biến Tri là “chư Phật vô tri; do vô tri nên không gì chẳng biết”. [Ngài cho rằng] “vô tri mà tri” là Chánh Biến Tri. Đấy là vì Ngài đã từng học Lão Trang, nên đã dùng cách nói của Đạo gia: “Vô tri nhi vô sở bất tri, vô vi nhi vô sở bất vi” (Không biết mà không điều gì chẳng biết, không làm mà không điều gì chẳng làm), dùng điều này để mô tả Chánh Biến Tri của chư Phật là “vô tri nhi tri”. Điều này chỉ có thể coi là cách nói theo Tỷ Lượng, chẳng thể coi là cảnh Hiện Lượng được!
Tam Miệu Tam Phật Đà (Samyak Sambuddha) trong tiếng Phạn dịch là Chánh Biến Trí, Chánh Biến Giác, hoặc Chánh Biến Tri. Như quyển thứ hai của Đại Trí Độ Luận có nói: “Cớ sao gọi là Tam Miệu Tam Phật Đà? Tam Miệu (Samyak) là Chánh, Tam (Sam) là Biến (trọn khắp), Phật (Buddha) là Tri. Do vậy nói là Chánh Biến Tri hết thảy các pháp”. Kinh Đại Niết Bàn, quyển thứ mười tám nói: “Vân hà Chánh Biến Tri? Chánh danh bất điên đảo, Biến Tri giả ư tứ điên đảo vô bất thông đạt” (Thế nào là Chánh Biến Tri? Chánh là chẳng điên đảo, Biến Tri là đối với bốn món điên đảo2
không gì chẳng thông đạt). Sách Danh Nghĩa Tập, quyển thứ nhất ghi: “Tam Miệu Tam Phật Đà, ngài La Thập dịch là Chánh Biến Giác. Ý nói: Do pháp không sai lạc nên bảo là Chánh. Trí không gì chẳng trọn khắp nên gọi là Biến. Do thoát khỏi giấc mộng sanh tử nên gọi là Giác”. Dựa theo những điều kinh luận đã nói thì chẳng phải là “không biết mà biết” bèn gọi là Chánh Biến Tri được! Phải nên là: Tịnh tâm Chân Như Môn của chư Phật có Như Lý Trí, chứng Chân Đế, chẳng phạm lỗi điên đảo, tà kiến, thì gọi là Chánh Tri. Tịnh tâm Sanh Diệt Môn của chư Phật có Như Lượng Trí, chứng Tục Đế, biết trọn các pháp và nhân quả, thường nói là “bách giới thiên như”. Đấy gọi là Biến Tri. Chánh Biến Tri chính là “nhất tâm nhị môn, nhị trí”. Trung Đạo Trí viên dung Nhị Đế (Chân Đế và Tục Đế) thì gọi là Nhất Thiết Chủng Trí, nhiếp trọn hết tất cả trí huệ nơi Phật quả. Do vậy, giác tri linh thông, Bổn Giác tịnh trí viên diệu làm Thể, chẳng thể coi giống như “vô biết mà biết” hỗn độn của Đạo gia được!
Do vậy, bộ Quán Kinh Sớ Diệu Tông Sao của tông Thiên Thai có nói: “Tam trí viên dung mầu nhiệm thì gọi là Chánh Biến Tri. Do vô lượng rất sâu, nên ví như biển. Đấy chính là đại giác viên minh rốt ráo, chẳng hai, chẳng khác với cái Thể của tâm ta (Bổn Giác). Nay dựa theo Đốn giáo (Thập Lục Quán Kinh), từ ngay tam Hoặc nhiễm (Kiến Tư, Trần Sa, Vô Minh) mà tu cái tâm viên tịnh để quán Phật (nhất tâm tam quán chẳng thể nghĩ bàn), có thể sanh ra biển Chánh Biến Tri của chư Phật. Đấy chính là dựa theo Tha Phật (vị Phật ở ngoài tự tâm) để giải thích ‘tâm sanh’. Nếu dựa theo cái tâm này (nhất tâm tam quán) sẽ có thể thành cái quả ngay trong hiện tại (Phật). Đấy chính là ước theo vị Phật của chính mình (tự Phật) để giải thích tâm sanh”.
2.2.1.2.3.1.3.3.3. Công đức nơi khẩu nghiệp
(Luận) Như Lai vi diệu thanh, phạm hưởng văn thập phương.
(Chú) Thử nhị cú, danh “trang nghiêm khẩu nghiệp công đức thành tựu”. Phật bổn hà cố hưng thử trang nghiêm? Kiến hữu Như Lai, danh tự bất tôn. Như ngoại đạo nhung nhân xưng Cù Đàm tánh, thành đạo nhật thanh duy triệt Phạm Thiên.
(論)如來微妙聲。梵響聞十方。 (註)此二句。名莊嚴口業功德成就。佛本何故興此莊嚴。見有如來。名似不尊。如外道軵人。稱瞿曇姓。成道日聲。唯徹梵天。
(Luận: Tiếng Như Lai vi diệu, âm phạm rền mười phương.
Chú: Hai câu này được gọi là “trang nghiêm khẩu nghiệp công đức thành tựu”. Vốn vì lẽ nào mà đức Phật dấy lên sự trang nghiêm này? Do Ngài thấy có Như Lai, danh tự dường như chẳng tôn quý. Như kẻ ngoại đạo đẩy xe gọi [đức Phật] bằng họ là Cù Đàm, âm thanh ngày thành đạo chỉ thấu tới Phạm Thiên).
Do trong lúc tu nhân, Phật Di Đà thấy có những vị Phật mà danh hiệu khi các Ngài thành Phật dường như chẳng tôn quý cho lắm. Chẳng hạn như đức Bổn Sư của chúng ta, khi Ngài thành Phật chẳng bao lâu, một hôm, tĩnh tọa dưới cội cây, bèn có một vị Bà La Môn đang đẩy xe, kẻ ấy được gọi là “nhung nhân” (軵人), đến trước đức Phật bèn réo họ của Ngài là Cù Đàm (Gautama), ngay cả tên cũng chẳng gọi! Kiểu thái độ khinh thường ấy hết sức vô phép. Lại nữa, khi đức Bổn Sư vừa mới thành Chánh Giác dưới cội Bồ Đề, chư thiên hoan hỷ, lần lượt bảo ban nhau, nhưng cũng chỉ hạn cuộc trong vòng tam thiên đại thiên thế giới, hoàn toàn chẳng thể danh vang trọn khắp mười phương thế giới; [vì thế nói là “thành đạo nhật thanh, duy triệt Phạm thiên” (âm thanh ngày thành đạo chỉ thấu tới trời Phạm Thiên)].
Nói theo đạo Bà La Môn của Ấn Độ, từ Vy Nữu Thiên (Vishnu) sanh ra Phạm Thiên (Brahma), từ Phạm Thiên sanh ra tám đứa con3. Đó là khởi nguồn của muôn vật, sanh ra trời đất, nhân dân. Vì thế, Phạm Thiên Vương là chủ của đại thiên thế giới. Do vậy, “duy triệt Phạm Thiên” tức chỉ là danh xưng lan truyền trong một đại thiên thế giới.
(Chú) Thị cố nguyện ngôn, sử ngã thành Phật, diệu thanh hà bố, văn giả ngộ Nhẫn. Thị cố ngôn: “Như Lai vi diệu thanh, Phạm hưởng văn thập phương”.
(註)是故願言。使我成佛。妙聲遐布。聞者悟忍。是故言如來微妙聲。梵響聞十方。
(Chú: Vì thế, nguyện rằng: Nếu tôi thành Phật, diệu thanh sẽ lan xa, người nghe [danh hiệu ấy], sẽ ngộ pháp Nhẫn. Vì thế nói: “Tiếng Như Lai vi diệu, âm Phạm rền mười phương”).
Ngài Đàm Loan giải thích: Do vậy, Phật Di Đà bèn phát ra nguyện như sau. Nếu như khi Ngài thành Phật, tiếng tăm vi diệu sẽ có thể truyền xa lan rộng (lời chú giải dùng chữ “hà bố” (遐布) để diễn tả ý này) thấu tới mười phương vô lượng thế giới, lại còn sẽ khiến cho chúng sanh được nghe danh hiệu Phật, đều có thể ngộ chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn. Đấy chính là điều được thành tựu bởi công đức của nguyện thứ mười bảy và nguyện thứ bốn mươi tám trong bốn mươi tám nguyện. Do vậy nói: “Như Lai vi diệu thanh, Phạm hưởng văn thập phương” (Tiếng Như Lai vi diệu, âm Phạm rền mười phương).
Bất quá, phần Kệ này cũng có thể giải thích theo cách khác, tức là tiếng nói từ miệng A Di Đà Phật thốt ra có trọn đủ tám loại phạm âm vi diệu, có thể nghe thấu suốt trọn khắp mười phương thế giới. Như vậy thì mới là công đức nơi khẩu nghiệp của A Di Đà Như Lai. Tám loại phạm âm của đức Phật chính là cực hảo âm (tiếng tột bậc hay đẹp), nhu nhuyễn âm (tiếng êm dịu, không thô ráp), hòa thích âm (tiếng hòa nhã, khiến người nghe thoải mái), tôn huệ âm (tiếng tôn quý, tràn đầy trí huệ), bất nữ âm (tiếng không có cách nói ẻo lả, nũng nịu của giọng nữ), bất ngộ âm (tiếng nói chẳng sai lầm), thâm viễn âm (tiếng nói thẳm sâu), bất kiệt âm (âm thanh hùng hồn, không bao giờ hụt hơi, rè đục, hay tắt tiếng), khiến cho người nghe bất luận xa hay gần, âm thanh ấy đều có thể phân minh như ở sát bên tai. Lại có thể khiến cho người nghe tùy theo từng loài đều được liễu giải, ở nhân gian thì [người nghe cảm nhận] là tiếng của loài người, ở loài chim thì là tiếng chim, hoặc nghe nói là Không, hoặc nghe nói là Hữu. Tác dụng của âm thanh ấy vi diệu bí mật chẳng thể nghĩ bàn.
2.2.1.2.3.1.3.3.4. Công đức nơi tâm nghiệp
(Luận) Đồng địa, thủy, hỏa, phong, hư không vô phân biệt.
(Chú) Thử nhị cú, danh “trang nghiêm tâm nghiệp công đức thành tựu”. Phật bổn hà cố hưng thử trang nghiêm? Kiến hữu Như Lai thuyết pháp vân thử hắc, thử bạch, thử bất hắc bất bạch, hạ pháp, trung pháp, thượng pháp, thượng thượng pháp. Hữu như thị đẳng vô lượng sai biệt phẩm, tự hữu phân biệt.
(論)同地水火風。虛空無分別。
(註)此二句。名莊嚴心業功德成就。佛本何故興此莊嚴。見有如來說法云此黑。此白。此不黑不白。下法。中法。上法。上上法。有如是等無量差別品。似有分別。
(Luận: Như đất, nước, lửa, gió, hư không chẳng phân biệt.
Chú: Hai câu này được gọi là “trang nghiêm tâm nghiệp công đức thành tựu”. Vốn vì lẽ nào mà đức Phật dấy lên sự trang nghiêm này? Do Ngài thấy có Như Lai thuyết pháp nói pháp này là đen, pháp này là trắng, pháp này chẳng đen chẳng trắng, hạ pháp, trung pháp, thượng pháp, thượng thượng pháp. Do có vô lượng phẩm loại sai biệt như thế, cho nên dường như là có phân biệt).
Tâm nghiệp (ý nghiệp) của Phật Di Đà có sự trang nghiêm như thế nào? Như Quán Kinh nói: “Phật tâm giả, đại từ bi thị” (Tâm Phật là đại từ bi). Tâm đại từ bi chính là tâm rốt ráo bình đẳng. Lời kệ viết: “Đồng địa thủy hỏa phong, hư không vô phân biệt” (Như đất, nước, lửa, gió, hư không chẳng phân biệt). Hai câu này nói theo sự tướng bình đẳng. Thật ra, tâm Phật là linh linh giác giác, chẳng giống như Ngũ Đại, tức địa, thủy v.v… tối tăm, trơ trơ, vô tri. Phật là chẳng suy nghĩ mà biết, chẳng suy nghĩ mà ứng [khi chúng sanh cảm], giống như trống trời [không ai gõ] mà tự vang ra tiếng. Đó gọi là “bất động đạo tràng, phổ ứng thập phương” (chẳng rời đạo tràng mà ứng hiện khắp mười phương), lại còn có thể liễu đạt tướng chân thật của các pháp, tức là “như thị tướng” (tướng như thế) cho đến “như thị bổn mạt cứu cánh” (gốc và ngọn rốt ráo là như thế). Ví như gương sáng đặt trên đài, khi cảnh tượng đưa đến, [gương bèn soi bóng] rành rẽ, phân minh. Khi cảnh tượng qua đi, gương chẳng giữ lại dấu vết. Không lúc nào chẳng chiếu, không vật gì chẳng chiếu. Tâm Phật vô phân biệt, gọi là Vô Phân Biệt Trí. Đấy là dựa theo tánh phân biệt của các pháp, tánh Y Tha, tánh chân thật mà tu Đại Thừa Chỉ Quán thành tựu, đích thân chứng “tâm, Phật, chúng sanh cả ba chẳng sai biệt”, cùng dùng một tịnh tâm làm Thể, ngoài tâm không có pháp, không có người!
Khi Chỉ hạnh thành tựu, sẽ khế hợp tánh vô nhị của tịnh tâm, [tuy khởi] Dụng mà thường tịch. Chư Phật và chúng sanh cùng viên mãn thân nhất tướng. Tam Bảo vì thế mà đồng thể, chẳng sai biệt; Nhị Đế vì lẽ này mà tĩnh lặng bất nhị. Lặng lẽ lắng trong mà chiếu, bát ngát trong lặng mà tịch. Dụng mà không có tướng của Dụng, Động mà không có tướng động. Do Quán hạnh thành tựu thì tâm hiển lộ tác dụng (Dụng) “pháp giới vô ngại”, tịch mà thường dụng, xuất sanh công năng duyên khởi rất sâu. Điều này được diễn tả là “quang chiếu đại thiên, lục chủng động địa” (quang minh chiếu khắp tam thiên đại thiên, sáu thứ chấn động đại địa), kéo dài một niệm thành dài cả kiếp, rút gọn cả kiếp lâu dài thành một niệm. Tùy loại hiện thân, phân thân ứng hóa mười phương, thị hiện Ngũ Thông, tam luân thí hóa4, gởi hình bóng nơi môn Trí Huyễn, thông linh nơi đạo phương tiện, cho đến tám tướng thành đạo, viên mãn Bồ Đề, trở về cái “không có gì để đạt được”. Những điều ấy đều là đại bi, đại trí, đại nguyện, đại hạnh của Phật, pháp vốn là như thế đó.
Ngài Đàm Loan giải thích vì sao Phật Di Đà phải trang nghiêm tâm nghiệp? Đấy là vì khi Ngài làm Bồ Tát, do thấy có những vị Phật thuyết pháp, phân biệt nhiều thứ: Đây là hắc nghiệp (tức ác nghiệp), kia là bạch nghiệp (tức thiện nghiệp), đây là nghiệp bất hắc bất bạch (tức là nghiệp có tánh chất vô ký). Những pháp kia là hạ pháp (tức pháp thuộc về Thanh Văn Thừa), những pháp này là trung pháp (tức pháp thuộc Duyên Giác Thừa), những pháp này là thượng pháp (tức pháp Bồ Tát), những pháp kia là thượng thượng pháp (tức Nhất Thừa Phật pháp). Dường như là có vô lượng phẩm loại sai biệt như thế, tợ hồ là có tâm phân biệt giống như người đời!
(Chú) Thị cố nguyện ngôn: Sử ngã thành Phật, như địa hà phụ, vô khinh trọng chi thù. Như thủy nhuận trưởng, vô sao quát chi dị. Như hỏa thành thục, vô phương xú chi biệt. Như phong khởi phát, vô miên ngụ chi sai. Như không bao thọ, vô khai tắc chi niệm, đắc chi ư nội, vật an ư ngoại. Hư vãng thật quy, ư thị hồ tức. Thị cố ngôn: “Đồng địa, thủy, hỏa, phong, hư không vô phân biệt”.
(註)是故願言。使我成佛。如地荷負。無輕重之殊。如水潤長。無莦葀之異。如火成熟。無芳臭之別。如風起發。無眠寤之差。如空苞受。無開塞之念。得之於內。物安於外。虛往實歸。於是乎息。是故言。同地水火風。虛空無分別。
(Chú: Vì thế nguyện rằng: Nếu tôi thành Phật, như đất gánh vác, không có nặng nhẹ khác biệt. Như nước nhuần thấm, sanh trưởng, không có cỏ dại hay cỏ tốt sai khác. Như lửa nấu chín, không có thơm thối sai biệt. Như gió trỗi lên, chẳng màng ngủ thức sai khác. Như không trung chứa đựng, không có ý niệm thông hay tắc. Được [vô phân biệt như thế] ở bên trong thì mọi vật ở bên ngoài sẽ an vui. Rỗng rang ra đi, chân thật trở về, do vậy bèn dứt. Vì thế nói: “Giống địa, thủy, hỏa, phong, hư không chẳng phân biệt”).
Trong đoạn này, ngài Đàm Loan phần lớn dựa theo sự tướng của Ngũ Đại để giải thích sự trang nghiêm nơi tâm nghiệp của A Di Đà Phật. Như có đại địa, “hà phụ” (荷負, gánh vác) hết thảy muôn vật, nhưng chẳng phân biệt là nặng hay nhẹ. Tâm như nước mưa, nhuần thấm, sanh trưởng cỏ cây, nhưng chẳng phân biệt là cỏ dại (sao, 莦) hay cỏ tốt (quát, 葀). Tâm như lửa ấm, có thể làm chín hết thảy, nhưng chẳng phân biệt thứ này là thơm, thứ kia là thối. Tâm như gió mát, lùa qua thân người, chẳng phân biệt [người ấy] đang ngủ say hay tỉnh táo, đều có thể khiến cho người ấy cảm giác thoải mái. Tâm như hư không, bao dung, dung nạp vạn hữu, chẳng có ý niệm thông thoáng hay bế tắc.
Phàm là khởi tâm động niệm, đều có thể trong là chẳng có phân biệt, ngoài thì khiến cho hết thảy hữu tình và vô tình đều “chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng các niềm vui”. “Hư vãng thật quy” là nói tâm Phật rỗng rang mà đi, đắc đạo bèn trở về. Lại nữa, tâm Phật chẳng chấp trước nơi danh tướng hư vọng của các pháp, mỗi mỗi đều quy vào tự tánh bình đẳng của các pháp, tức là Thật Tế. “Ư thị hồ tức” (Do vậy bèn dứt): “Tức” là “hưu tức” (休息, nghỉ ngơi). Tâm Phật đã là vô tướng, vô công dụng; do vậy, ngưng dứt hết thảy niệm lự, phân biệt, nhưng hoàn toàn chẳng giống như Ngũ Đại vô tâm. Cổ đức nói: “Mạc thuyết vô tâm tiện thị đạo, vô tâm do cách nhất trùng quan” (Đừng bảo vô tâm là lẽ đạo, vô tâm còn cách một tầng xa).
2.2.1.2.3.1.3.3.5. Công đức của đại chúng
(Luận) Thiên nhân bất động chúng, thanh tịnh trí hải sanh.
(Chú) Thử nhị cú, danh “trang nghiêm đại chúng công đức thành tựu”. Phật bổn hà cố khởi thử trang nghiêm? Kiến hữu Như Lai thuyết pháp luân hạ, sở hữu đại chúng, chư căn tánh dục chủng chủng bất đồng, ư Phật trí huệ, nhược thoái, nhược một, dĩ bất đẳng cố, chúng bất thuần tịnh.
(論)天人不動眾。清淨智海生。 (註)此二句。名莊嚴大眾功德成就。佛本何故起此莊嚴。見有如來。說法輪下。所有大眾。諸根性欲種種不同。於佛智慧。若退。若沒。以不等故。眾不純淨。
(Luận: Chúng trời người bất động, biển trí thanh tịnh sanh.
Chú: Hai câu này gọi là “trang nghiêm đại chúng công đức thành tựu”. Vốn vì lẽ nào mà đức Phật dấy lên sự trang nghiêm này? Do vì Ngài thấy có Như Lai khi chuyển pháp luân, tất cả đại chúng có các căn tánh và ưa muốn đủ loại bất đồng, đối với trí huệ của Phật, hoặc thoái thất, hoặc chìm mất. Do chẳng giống như nhau, đại chúng chẳng thuần tịnh).
Trước hết, nêu ra nguyên nhân khiến cho đại chúng trang nghiêm là vì lẽ nào? Chính là vì Ngài trông thấy có những vị Như Lai khi chuyển pháp luân, tất cả loài người và chư thiên nghe pháp trong hội ấy, kể cả thất chúng đệ tử5bao gồm tại gia và xuất gia, căn tánh, ước nguyện và dục lạc của mỗi người có đủ loại khác nhau. Có người cầu phước báo nhân thiên, có người cầu tự liễu thoát sanh tử, có người chẳng cầu tự độ mà mong độ người khác trước, có người thẳng thừng bỏ pháp phương tiện, chỉ cầu Vô Thượng Đạo. Đại chúng như vậy đối với trí huệ sẵn có của chư Phật như Vô Sư Trí, Tự Nhiên Trí, Nhất Thiết Chủng Trí, Quyền Trí, Thật Trí, thường là có kẻ chưa đắc mà nói là đã đắc, chưa chứng mà khoe là đã chứng, trở thành đại vọng ngữ, đọa lạc địa ngục Vô Gián, như Đề Bà Đạt Đa chẳng hạn. Đó gọi là “một” (沒, chìm đắm). Hoặc đạt được chút ít đã cho là đủ, hoặc gặp duyên bèn thoái chuyển, giống như các vị Thanh Văn như ngài Xá Lợi Phất v.v… Đó gọi là “thoái” (退, thoái chuyển, lui sụt). Lại có chánh định, tà định, và bất định ba loại khác nhau. Do trong các vị đệ tử của đức Phật đã chẳng “thuần nhất không tạp”, nên cũng sẽ chẳng có sự trang nghiêm nơi thanh tịnh hải chúng được! Như thế là chẳng lý tưởng!
(Chú) Sở dĩ hưng nguyện, nguyện ngã thành Phật, sở hữu thiên nhân, giai tùng Như Lai trí huệ thanh tịnh hải sanh. Hải giả, ngôn Phật Nhất Thiết Chủng Trí thâm quảng vô nhai, bất túc Nhị Thừa tạp thiện trung hạ tử thi, dụ chi như hải. Thị cố ngôn: “Thiên nhân bất động chúng, thanh tịnh trí hải sanh”. Bất động giả, ngôn bỉ thiên nhân thành tựu Đại Thừa căn, bất khả khuynh động dã.
(註)所以興願。願我成佛。所有天人。皆從如來智慧清淨海生。海者。言佛一切種智深廣無涯。不宿二乘雜善中下死屍。喻之如海。是故言。天人不動眾。清淨智海生。不動者。言彼天人成就大乘根。不可傾動也。
(Chú: Do vậy, dấy lên nguyện khi tôi thành Phật, tất cả trời người đều sanh từ biển trí huệ thanh tịnh của Như Lai. “Biển” nhằm nói Nhất Thiết Chủng Trí của Phật sâu rộng không bờ bến, chẳng chứa đựng xác chết của Nhị Thừa, tạp thiện, trung hạ căn, nên sánh ví như biển. Vì thế nói: “Chúng trời người bất động, biển trí thanh tịnh sanh”. “Bất động” là nói những hàng trời người ấy thành tựu căn tánh Đại Thừa, chẳng thể khuynh đảo, lay động được).
Đã có Phật là vị giáo hóa chủ, ắt phải có đại chúng tiếp nhận sự giáo hóa. Tuy Phật phổ độ chúng sanh trong chín pháp giới, nhưng thân ứng hóa của chư Phật đều thị hiện xuất sanh trong nhân gian. Vì thế, đối tượng hóa độ của chư Phật lấy người và trời làm chánh. Đệ tử Phật thuộc ngũ thừa luôn bao gồm chúng trời người. Đấy chính là quyến thuộc Bồ Đề của Phật.
Trong lúc tu nhân, Phật Di Đà phát nguyện, giả sử khi Ngài thành Phật thì quyến thuộc Bồ Đề đều là các vị Bồ Tát thuần nhất, không xen tạp, thấu hiểu thông suốt thần thông, trí huệ thanh tịnh. Trong bốn mươi tám nguyện, nguyện thứ mười một là nguyện “chánh định, ắt đạt đến Niết Bàn”, nguyện thứ hai mươi mốt là nguyện “đều trọn đủ ba mươi hai tướng”, nguyện thứ hai mươi hai là nguyện “rốt ráo Nhất Sanh Bổ Xứ”. Lại còn được thành tựu bởi công đức của các nguyện thứ hai mươi lăm, hai mươi sáu, hai mươi chín, ba mươi v.v… “Thiên nhân bất động chúng” tức là trong cõi nước Phật ấy, hết thảy đại chúng trời người đều là Chánh Định Tụ Bất Thoái Chuyển Bồ Tát, chẳng có Tà Định và Bất Định Tụ, hoặc đại chúng thoái chuyển Bồ Tát đạo. Như kinh Vô Lượng Thọ quyển hạ có chép: “Chư Phật cáo Bồ Tát, linh cận An Dưỡng Phật, văn pháp nhạo thọ hành, tật đắc thanh tịnh xứ, chí bỉ nghiêm tịnh quốc, tiện tốc đắc thần thông, tất ư Vô Lượng Tôn, thọ ký thành Đẳng Giác. Kỳ Phật bổn nguyện lực, văn danh dục vãng sanh, giai tất đáo bỉ quốc, tự trí bất thoái chuyển” (Chư Phật bảo Bồ Tát, hãy quán An Dưỡng Phật, nghe pháp, thích nhận, hành, mau đạt chỗ thanh tịnh, đến cõi nghiêm tịnh ấy, nhanh chóng đắc thần thông, ắt Vô Lượng Thọ Phật, thọ ký thành Đẳng Giác. Do sức bổn nguyện Phật, nghe tên mong vãng sanh, thảy đều đến cõi ấy, tự đạt bất thoái chuyển). Đối với Tam Tụ Giới (“tụ” là loại), trong bộ Vô Lượng Thọ Kinh Giảng Nghĩa, nơi trang hai trăm hai mươi lăm và hai trăm hai mươi sáu, tôi đã giảng giải cặn kẽ, xin hãy tự tra duyệt.
“Thanh tịnh trí hải sanh”, điều này có hai thuyết:
1) Sanh từ biển trí thanh tịnh của A Di Đà Phật.
2) Từ trong cái tâm tự tánh thanh tịnh vốn sẵn có của chúng sanh mà xuất sanh. Trí thanh tịnh tâm ấy ví như hoa sen, cho nên chúng sanh trong cõi Cực Lạc đều là hoa sen hóa sanh.
Lại sánh ví Nhất Thiết Chủng Trí của Phật như biển rộng sâu không bến bờ, trọn đủ hết thảy các món báu thần thông, trí huệ, công đức Đại Thừa. Ở trong biển Nhất Thiết Chủng Trí, chẳng lưu giữ xác chết của Nhị Thừa và trung hạ căn tạp thiện của trời người. Vì thế nói “thiên nhân bất động chúng, thanh tịnh trí hải sanh” (chúng trời người bất động, biển trí thanh tịnh sanh).
Hỏi: Thiên nhân thuộc loại phàm phu sanh tử ô trược, cớ sao lại sanh từ tâm trí thanh tịnh? Ví như nói lửa từ nước mà ra, há chẳng phải là lời nói dối trá ư?
Đáp: Câu này có thể chia thành hai phương diện để nói.
1) Nói theo sự tướng, tất cả danh tướng trong quốc độ An Lạc chẳng thể xem giống như những danh tướng trong thế giới này của chúng ta. Tuy đức Bổn Sư đã vì chúng ta giới thiệu tất cả sự trang nghiêm thanh tịnh trong thế giới Cực Lạc như thế nào, nhưng những thứ ấy đều là nói theo các danh tướng mà chúng ta biết, như cây báu, ao sen, giảng đường, tinh xá, y phục, thức ăn, Thanh Văn, Bồ Tát, đại chúng trời người, bạch hạc, khổng tước v.v… Những thứ ấy là những danh tướng mà chúng ta có thể liễu giải. Thật ra, những sự vật được bao hàm trong các danh tướng ấy tuyệt nhiên bất đồng giữa Sa Bà và Cực Lạc! Như kinh A Di Đà nói: “Kỳ Phật quốc độ, thượng vô ác đạo chi danh, hà huống hữu thật! Thị chư chúng điểu, giai thị A Di Đà Phật dục linh pháp âm tuyên lưu biến hóa sở tác” (Cõi nước Phật ấy còn không có cái tên ác đạo, huống là thật sự có! Những loài chim ấy đều do A Di Đà Phật muốn cho pháp âm tuyên dương, lưu truyền mà biến hóa ra). Lại như trong quyển thượng của kinh Vô Lượng Thọ có chép: “Kỳ chư Thanh Văn, Bồ Tát, thiên, nhân trí huệ cao minh, thần thông đỗng đạt, hàm đồng nhất loại, hình vô dị trạng, đản nhân thuận dư phương (kỳ tha thế giới), cố hữu thiên nhân chi danh. Nhan mạo đoan chánh, siêu thế hy hữu, dung sắc vi diệu, phi thiên, phi nhân, giai thọ tự nhiên hư vô chi thân, vô cực chi thể” (Các vị Thanh Văn, Bồ Tát, trời, người trí huệ cao minh, thấu suốt thần thông, đều là cùng một loại, hình dạng chẳng khác nhau, chỉ vì thuận theo phương khác (các thế giới khác) mà có tên gọi là trời hay người. Dung mạo của họ đoan chánh, trỗi vượt hơn đời, hiếm có, dung sắc vi diệu, chẳng phải trời, chẳng phải người, đều nhận lãnh cái thân hư vô, bản thể vô cực).
2) Nói theo sự biểu thị pháp, quốc độ An Lạc là cảnh giới Viên Giáo Nhất Thừa, mà cũng là cảnh giới Sự Sự vô ngại, điều này được diễn tả là: “Khi mê thì toàn thể chân trở thành vọng, hễ giác thì toàn thể vọng chính là chân”, hoặc “tâm, Phật, và chúng sanh là ba thứ không sai biệt”. Tự tánh thanh tịnh tâm, ai nấy vốn sẵn có, chúng sanh và Phật đồng thể. Tâm này là chúng sanh (trời, người), tâm này là Bồ Tát, Phật. Toàn thể chân trở thành vọng, giả danh là trời, người, phàm phu. Toàn thể vọng chính là chân, thì gọi là chư Phật, Bồ Tát. Chân và vọng bất nhị, chúng sanh và Phật cùng nguồn. Do vậy, trong kinh có nói: “Phiền não chính là Bồ Đề, sanh tử chính là Niết Bàn. Chúng sanh chính là Phật”. Vĩnh Gia đại sư cũng viết trong bài Chứng Đạo Ca như sau: “Vô minh thật tánh tức Phật tánh, huyễn hóa không thân tức Pháp Thân”. Nếu có thể liễu đạt như thế, vậy thì chúng trời người bất động được sanh từ biển trí thanh tịnh chính là biểu thị “toàn thể vọng tức là chân, từ ngay nơi mê mà giác, cùng viên thành Chủng Trí”. Giơ tay, cúi đầu, đều đã thành Phật. Đó gọi là pháp tánh bình đẳng, cũng gọi là Nhất Chân pháp giới, là pháp môn Bất Nhị. Đấy chẳng phải là cảnh giới mà hàng phàm phu Nhị Thừa cho đến Quyền Giáo Bồ Tát có thể thấu hiểu được.
Lại nói, “thanh tịnh trí hải” chính là Tâm Chân Như Môn, “thiên nhân bất động chúng” chính là Tâm Sanh Diệt Môn. Do Chân Như mà có sanh diệt, tuy sanh diệt mà chẳng lìa Chân Như. Nhất tâm nhị môn, chúng sanh và Phật bình đẳng trọn đủ, thường sai biệt mà thường tương đồng, pháp vốn là như thế đó. Vì thế nói “thiên nhân bất động chúng, thanh tịnh trí hải sanh” (chúng trời người bất động, biển trí thanh tịnh sanh).
2.2.1.2.3.1.3.3.6. Công đức của thượng thủ
(Luận) Như Tu Di sơn vương, thắng diệu vô quá giả.
(Chú) Thử nhị cú, danh “trang nghiêm thượng thủ công đức thành tựu”. Phật bổn hà cố khởi thử nguyện? Kiến hữu Như Lai chúng trung, hoặc hữu cường lương giả, như Đề Bà Đạt Đa lưu tỷ. Hoặc hữu quốc vương dữ Phật tịnh trị, bất tri thậm thôi Phật. Hoặc hữu thỉnh Phật, dĩ tha duyên phế vong. Hữu như thị đẳng, tự thượng thủ lực bất thành tựu.
(論)如須彌山王。勝妙無過者。
(註)此二句。名莊嚴上首功德成就。佛本何故起此願。見有如來眾中。或有強梁者。如提婆達多流比。或有國王與佛並治。不知甚推佛。或有請佛。以他緣廢忘。有如是等。似上首力不成就。
(Luận: Như núi chúa Tu Di, thắng diệu không chi hơn.
Chú: Hai câu này gọi là “trang nghiêm thượng thủ công đức thành tựu”. Vốn vì lẽ nào mà đức Phật dấy lên nguyện này? Do Ngài thấy trong đại chúng của Như Lai, hoặc là có kẻ ương ngạnh giống như hạng người Đề Bà Đạt Đa. Hoặc là có quốc vương cùng Phật trị vì, chẳng biết nhún nhường đối với Phật. Hoặc là có kẻ thỉnh Phật, nhưng vì duyên cớ khác bèn quên bẵng. Có những [khuyết điểm] như thế ấy, cho nên sức thượng thủ dường như chẳng thành tựu).
Chư Phật xuất hiện trong nhân gian, đấy là chuyện hiếm có, khó được! Như trong phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương của kinh Pháp Hoa có chép: “Thiện tai phụ mẫu! Nguyện thời vãng nghệ Phật sở, thân cận cúng dường. Sở dĩ giả hà? Phật nan đắc trị, như Ưu Đàm Bát La hoa. Hựu như nhất nhãn chi quy, trị phù mộc khổng… Chư Phật nan trị, thời diệc nan ngộ… Kỳ vương tức thời dĩ quốc phó đệ, dữ phu nhân nhị tử, tịnh chư quyến thuộc, ư Phật pháp trung, xuất gia tu đạo… đắc Nhất Thiết Tịnh Công Đức Trang Nghiêm tam-muội” (Lành thay, thưa cha mẹ! Xin hãy ngay lập tức đi đến chỗ đức Phật để thân cận, cúng dường. Vì lẽ nào vậy? Phật khó gặp gỡ, như hoa Ưu Đàm Bát La. Lại như con rùa một mắt gặp bộng cây nổi… Chư Phật khó gặp, thời cũng khó gặp… Vị vua ấy ngay lập tức giao đất nước cho em trai, cùng phu nhân và hai con với các quyến thuộc, xuất gia tu đạo trong Phật pháp… đắc Nhất Thiết Tịnh Công Đức Trang Nghiêm tam-muội). Đấy là tấm gương gặp Phật xuất gia, trở thành đệ tử thượng thủ. Được gọi là “thượng thủ” thì là vua của một nước, hoặc là bậc đức cao vọng trọng trong đại chúng, như các vị Xá Lợi Phất, Đại Ca Diếp dưới tòa của đức Bổn Sư, hoặc Quán Âm, Thế Chí dưới tòa của A Di Đà Phật. Như núi Diệu Cao (núi Tu Di) đã cao lớn thù thắng, nhiệm mầu, lại vòi vọi bất động, chẳng có gì có thể vượt trỗi nó được!
Ngài Đàm Loan chỉ ra: Trong lúc tu nhân, Phật Di Đà đã thấy có những vị Như Lai mà trong đại chúng có kẻ hiền, người dữ chẳng giống nhau. Chẳng hạn trong các đệ tử môn hạ của đức Bổn Sư, trong số ấy có những kẻ chống trái đức Phật, chẳng tuân hành luật nghi đạo đức, chẳng tin theo kinh giáo, tôn sùng thế lực, ương ngạnh chẳng thể điều phục được. Những kẻ đó được gọi là “cường lương” (強梁), giống như hạng người Đề Bà Đạt Đa, vốn cũng là đệ tử thượng thủ của đức Phật, nhưng làm nhiều chuyện bất nghĩa, ắt có ác báo. Vì thế, đọa vào địa ngục Vô Gián ngay trong khi còn sống. Lão Tử của Trung Hoa cũng nói: “Cường lương giả, bất đắc kỳ tử” (Kẻ ương ngạnh sẽ chẳng chết yên lành). Hoặc có quốc vương muốn cùng đức Phật cai trị đất nước, chẳng biết dốc hết lòng thành, vét cạn lòng kính tôn trọng đức Phật, như vua Tần Bà Sa La (Bimbisāra)6 chẳng hạn. Hoặc có kẻ thỉnh Phật kết hạ an cư trong đất nước của họ, sẽ hằng ngày đem thức ăn đến cúng dường, nhưng quốc vương A Kỳ Đạt Bà La Môn do vì có chuyện nhân duyên khác, rốt cuộc quên bẵng chẳng nhớ, chẳng cúng dường, khiến cho đức Phật và năm trăm vị tỳ-kheo suốt ba tháng chỉ ăn lúa mạch dành cho ngựa cho qua ngày. Những loại đệ tử thượng thủ của đức Phật giống như vậy, tuy thuộc địa vị đứng đầu trong đại chúng, nhưng chẳng có đức hạnh và công sức đáng nên có của một vị Thượng Thủ, chẳng thể giúp Phật giáo hóa. Vì thế nói là “tự Thượng Thủ lực bất thành tựu” (dường như là sức Thượng Thủ chẳng thành tựu).
(Chú) Thị cố nguyện ngôn: Ngã vi Phật thời, nguyện nhất thiết đại chúng, vô năng sanh tâm cảm dữ ngã đẳng, duy nhất pháp vương, cánh vô tục vương. Thị cố ngôn: “Như Tu Di sơn vương, thắng diệu vô quá giả”.
(註)是故願言。我為佛時。願一切大眾。無能生心敢與我等。唯一法王。更無俗王。是故言。如須彌山王。勝妙無過者。
(Chú: Vì thế, nguyện rằng: Khi tôi làm Phật, nguyện hết thảy đại chúng chẳng ai có thể sanh tâm dám bằng tôi, duy nhất một vị pháp vương, chẳng có vua thế tục. Vì thế nói: “Như núi chúa Tu Di, thắng diệu không chi hơn”).
Vì thế, Phật Di Đà phát nguyện: Trong thế giới Cực Lạc khi tôi thành Phật, chỉ có Phật làm pháp vương, chẳng có hết thảy thiên vương và nhân vương của thế tục. Hết thảy đại chúng ai nấy đều ngưỡng vọng đức Phật, rốt ráo hoàn thành đức học, rốt ráo đạt thành Nhất Sanh Bổ Xứ như núi Tu Di cao lớn vòi vọi, nên nói “như Tu Di sơn vương, thắng diệu vô quá giả” (như núi chúa Tu Di, thắng diệu không chi hơn). Tuy ai nấy đều là như thế, nhưng lại có thể trống lòng mà ra đi, đắc đạo bèn trở lại, quyết định chẳng có kẻ nào sanh tâm dám sánh bằng đức Phật.
2.2.1.2.3.1.3.3.7. Chủ công đức
(Luận) Thiên nhân trượng phu chúng, cung kính nhiễu chiêm ngưỡng.
(Chú) Thử nhị cú, danh “trang nghiêm chủ công đức thành tựu”. Phật bổn hà cố khởi thử trang nghiêm? Kiến hữu Phật Như Lai, tuy hữu đại chúng, chúng trung diệc hữu bất thậm cung kính. Như nhất tỳ-kheo ngữ Thích Ca Mâu Ni Phật: “Nhược bất dữ ngã giải thập tứ nạn, ngã đương cánh học dư đạo”. Diệc như Cư Ca Ly báng Xá Lợi Phất, Phật tam ngữ nhi tam bất thọ. Hựu như chư ngoại đạo bối, giả nhập Phật chúng, nhi thường ty cầu Phật đoản. Hựu như Đệ Lục Thiên Ma thường ư Phật sở tác chư lưu nạn. Hữu như thị đẳng chủng chủng bất cung kính tướng.
(論)天人丈夫眾。恭敬繞瞻仰。
(註)此二句。名莊嚴主功德成就。佛本何故起此莊嚴。見有佛如來。雖有大眾。眾中亦有不甚恭敬。如一比丘語釋迦牟尼佛。若不與我解十四難。我當更學餘道。亦如居迦離謗舍利弗。佛三語而三不受。又如諸外道輩。假入佛眾。而常伺求佛短。又如第六天魔。常於佛所。作諸留難。有如是等種種不恭敬相。
(Luận: Chúng trượng phu trời người, cung kính nhiễu chiêm ngưỡng.
Chú: Hai câu này gọi là “trang nghiêm chủ công đức thành tựu”. Phật vốn vì lẽ nào mà dấy lên sự trang nghiêm này? Do Ngài thấy có Phật Như Lai, tuy có đại chúng, nhưng trong đại chúng cũng có kẻ chẳng cung kính cho lắm. Như một tỳ-kheo nói với Thích Ca Mâu Ni Phật: “Nếu Ngài chẳng giải đáp cho tôi mười bốn điều vấn nạn, tôi sẽ học theo đạo khác”. Cũng như Cư Ca Ly báng bổ ngài Xá Lợi Phất, đức Phật nói ba lần mà cả ba lượt ông ta đều chẳng nghe theo. Lại như phường ngoại đạo giả vờ theo làm đệ tử Phật mà thường bới tìm những khuyết điểm của đức Phật. Hoặc như Đệ Lục Thiên Ma thường gây nên các chướng nạn cho đức Phật. Có đủ mọi tướng chẳng cung kính như thế đó”).
Chữ Chủ (主) được nói ở đây tức là “Phật là giáo chủ”. Trong lúc tu nhân, Phật Di Đà thấy có những quốc độ trong ấy vị giáo chủ tuy có đại chúng đệ tử, nhưng trong đại chúng đó thường có những chuyện chẳng cung kính đối với vị giáo chủ. Đối với vị giáo chủ là bậc “tam giới đạo sư, tứ sanh từ phụ” như thế [mà chẳng cung kính như vậy] thì đó là một thứ sai trái, cũng là một kiểu khinh mạn đối với Phật. Chẳng hạn như có một lần đức Bổn Sư đang thuyết pháp, có một tỳ-kheo vốn từ ngoại đạo đi theo Phật môn liền đứng dậy, hướng về đức Phật, nêu ra mười bốn điều cật vấn, lại còn thưa với Phật: “Nếu Ngài chẳng giải đáp cho tôi, tôi sẽ rời bỏ Tăng đoàn, đi học với những giáo môn khác”. Do mười bốn câu cật vấn ấy chính là tà kiến, tà chấp của ngoại đạo, chẳng phải là chánh kiến, chẳng có sự thật, cho nên đức Phật chẳng giải đáp. Ông tỳ-kheo ấy bèn xả giới, hoàn tục, trở về ngoại đạo. Nói về mười bốn điều cật vấn ấy của ngoại đạo thì có hai thuyết:
1) Theo quyển thứ mười chín trong bộ Câu Xá Luận thì:
a) Một là thế giới và Ngã là thường ư? b) Là vô thường ư? c) Là cũng hữu thường mà cũng vô thường ư? d) Chẳng phải là hữu thường mà cũng chẳng phải là vô thường ư? e) Là hữu biên ư? f) Là vô biên ư? g) Vừa là hữu biên vừa là vô biên ư? h) Chẳng phải là hữu biên, chẳng phải là vô biên ư? i) Chết rồi có thần thức ra đi ư? j) Chẳng có thần thức ra đi ư? k) Vừa là có thần thức vừa là vô thần thức ra đi ư? l) Vừa chẳng phải là thần thức vừa chẳng phải là không thần thức ra đi ư? m) Thân đời sau và thần (thần thức) là một hay chăng? n) Thân và thần là khác ư?
Mười bốn câu hỏi này đều thuộc về Thân Kiến và Biên Kiến. Phật pháp nói “các pháp do nhân duyên mà sanh, các pháp do nhân duyên mà diệt”, nói là [các pháp] thường trụ bất biến thì chẳng có lẽ ấy! Nói nó là “đoạn diệt, không, vô” thì cũng chẳng hợp lý. Do vậy, đức Phật chẳng giải đáp cho ông ta. Ví như có người hỏi: “Từ sừng trâu có thể vắt ra bao nhiêu sữa?” Về căn bản là chẳng hề có chuyện ấy, chẳng thể đáp được!
2) Theo phẩm Phật Mẫu trong kinh Đại Phẩm Bát Nhã, từ mười bốn điều vấn nạn mà triển khai thành sáu mươi hai thứ tà kiến của ngoại đạo.
– Một là Sắc (tức thế giới) và Ngã (Ngã chính là thần thức, tách ra thành bốn Uẩn là Thọ, Tưởng, Hành, Thức) là thường hay vô thường v.v… bốn câu, [do từ Sắc cho đến Thức là năm câu, mỗi câu phối ứng với bốn câu “thường, vô thường…”] mà hợp thành hai mươi câu. Đấy là đối với Ngũ Uẩn trong quá khứ mà dấy lên sự so đo tà vạy.
– Hai là Sắc và Ngã là “hữu biên, vô biên” v.v… bốn câu, hợp thành hai mươi câu. Đấy là chấp trước đối với Ngũ Uẩn trong hiện tại.
– Ba là Sắc và Ngã “như khứ”, “bất như khứ” v.v… bốn câu, hợp thành hai mươi câu. Đấy là đối với Ngũ Uẩn trong vị lai mà dấy lên tà kiến. “Như khứ” là như người sanh trong thế gian, [sau đó chết đi], tuy đã đi rồi nhưng đến đời sau thì vẫn giống như vậy [đó gọi là “như khứ”, tức là đã đi rồi (đã chết rồi), đời sau lại sanh ra giống như đời này]. Chấp trước ấy chính là Thường Kiến. “Bất như khứ” là quá khứ chẳng từ đâu đến, mà vị lai cũng chẳng đi về đâu. Đấy chính là chấp tướng đoạn diệt (Đoạn Kiến). “Như khứ bất như khứ” nghĩa là thân và thần thức hòa hợp thành người; chết rồi, thần thức ra đi, thân chẳng đi. Đấy chính là tà kiến chấp trước “Sắc và Tâm chắc chắn là khác”. “Phi như khứ phi bất như khứ” là do thấy lỗi của ba câu trên đây bèn chuyển sang chấp trước câu này. Đấy chính là cách luận định vặn vẹo loạn xạ. Do ba đời mà dấy lên mười hai câu ([tách cái tâm thành ra bốn Uẩn cùng với Sắc thành năm món tức Ngũ Uẩn. Mười hai câu nhân với Ngũ Uẩn], sẽ thành sáu mươi câu), lại thêm hai kiến chấp “thần thức và thân là một” hay [“thần thức và thân”] là khác, sẽ thành mười bốn câu vấn nạn, triển khai ra sẽ thành sáu mươi hai thứ tà kiến của ngoại đạo. Những điều ấy đều là Biên Kiến “đoạn, thường, hữu, vô”.
Lại như quyển thứ mười ba của Đại Trí Độ Luận có chép: Có lần, hai vị Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên trên đường gặp phải trận mưa to, đêm ngủ tại nhà một người thợ làm gốm. Trong buồng tối, trước đó đã có một người nữ, nhưng hai vị Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên không biết. Người nữ đó đêm nằm mộng mơ tưởng, tiết dâm dịch, sáng sớm bèn trở dậy tắm rửa, bị đại đệ tử của Đề Bà Đạt Đa là tỳ-kheo Cù Già Ly (Kokālika, còn phiên âm là Cư Ca Ly) trông thấy, liền báng bổ hai vị Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và người nữ ấy làm chuyện bất tịnh. Đức Phật ba lượt quở trách ông ta đừng phỉ báng ngài Xá Lợi Phất, nhưng Cù Già Ly cả ba lượt đều không tiếp nhận lời quở trách của đức Phật, bèn nổi ghẻ độc mà chết, đọa vào địa ngục Đại Liên Hoa. Thập Tụng Luật quyển ba mươi bảy cũng chép chuyện này.
Lại như thuở đức Phật tại thế, có những kẻ ngoại đạo chẳng phải là hạng chân thành tín ngưỡng Phật giáo, họ giả vờ tin Phật, xuất gia, dự vào Tăng đoàn, trở thành chúng tỳ-kheo của đức Phật, thường xuyên bươi móc những khuyết điểm của Phật và các vị đệ tử, mong phá hoại Tăng đoàn, hủy diệt Phật giáo. Đối với đức Phật, căn bản là chẳng có nửa điểm cung kính, tín phụng.
Lại còn có Đệ Lục Thiên thuộc Dục Giới trong cõi này, có tên là Tha Hóa Tự Tại Thiên (Parinirmita-vaśavartin), còn gọi là Ma Vương Thiên. Những thiên ma ấy thường gây ra đủ mọi chuyện khó khăn, chướng ngại đức Phật. Như khi đức Bổn Sư thành đạo, thiên ma trước hết liền sai ma nữ đến chướng nạn đủ mọi cách; sau đấy, lại suất lãnh ma binh, ma tướng, tạo đủ mọi thứ khủng bố uy hiếp. Những điều này được chép tường tận trong kinh Giáng Ma thuộc bộ Trung A Hàm, và khá nhiều loại ma chướng được nói trong kinh Hư Không Tạng Bồ Tát Sở Vấn đều thuộc loại này. Cổ đức gọi thế giới này là Ma Hương (quê ma), lại còn viết một bài Quy Khứ Lai Từ (quay về đi thôi): “Quy khứ lai, ma hương bất khả đình, khoáng kiếp lai lưu chuyển, lục đạo tận giai kinh, đáo xứ vô dư lạc, duy văn sầu thán thanh, tất thử sanh bình hậu nhập Niết Bàn thành!” (Quay về thôi! Quê ma chẳng thể ở lâu dài, lưu chuyển bao kiếp đã lâu rồi, sáu nẻo đều trải qua hết cả, nơi nào cũng chẳng có yên vui. Chỉ nghe tiếng sầu than, xong một đời này hãy vào thành Niết Bàn). Tốt nhất là khi xả báo thân này, bèn vãng sanh Tịnh Độ, tiến nhập thành trì An Lạc!
“Hữu như thị đẳng, chủng chủng bất cung kính tướng” (Có đủ loại tướng chẳng cung kính như thế): Đấy chính là ngài Đàm Loan tổng kết về vị giáo chủ cõi này, ma và ngoại đạo chẳng cung kính Ngài đủ mọi sự tướng như đã kể trên đây, cho nên mới khiến cho đức Di Đà trong khi tu nhân bèn phát nguyện. Trong thế giới mà Ngài sẽ làm giáo chủ khi thành Phật, trọn chẳng có các tình huống tà ma, ngoại đạo chẳng cung kính Ngài. Đấy gọi là “trang nghiêm chủ công đức thành tựu”.
(Chú) Thị cố nguyện ngôn: Sử ngã thành Phật, thiên nhân đại chúng, cung kính vô quyện. Sở dĩ đản ngôn thiên nhân giả, Tịnh Độ vô nữ nhân, cập bát bộ quỷ thần cố dã. Thị cố ngôn: “Thiên nhân trượng phu chúng, Cực Lạc nhiễu chiêm ngưỡng”.
(註)是故願言。使我成佛。天人大眾。恭敬無倦。所以但言天人者。淨土無女人及八部鬼神故也。是故言。天人丈夫眾。恭敬繞瞻仰。
(Chú: Vì thế, nguyện rằng: Nếu tôi thành Phật, đại chúng trời người cung kính chẳng mệt mỏi. Sở dĩ chỉ nói đến trời người là vì Tịnh Độ không có nữ nhân và tám bộ quỷ thần. Do vậy nói: “Chúng trượng phu trời người, cung kính vây quanh chiêm ngưỡng”).
Hết thảy đại chúng trời người trong quốc độ An Lạc đều là bậc đại trượng phu có đủ ba mươi hai tướng, hoàn toàn chẳng có nữ nhân, họ đều có thể cung kính, chầu hầu đấng giáo chủ, chẳng có tâm chán mệt. Đấy chính là sự trang nghiêm được thành tựu bởi nguyện thứ hai mươi mốt trong bốn mươi tám nguyện: “Thiết ngã đắc Phật, quốc trung thiên nhân, bất tất thành mãn tam thập nhị đại trượng phu tướng giả, bất thủ Chánh Giác” (Nếu tôi thành Phật mà trời, người trong nước chẳng đều thành tựu viên mãn ba mươi hai tướng đại trượng phu thì tôi chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác). Lại như quyển hạ kinh Vô Lượng Thọ có chép: “Nhất thiết chư Bồ Tát, các tê thiên diệu hoa, bảo hương, vô giá y, cúng dường Vô Lượng Giác. Hàm nhiên tấu thiên nhạc, sướng phát hòa nhã âm, ca thán tối thắng tôn, cúng dường Vô Lượng Giác. Cung kính nhiễu tam táp, khể thủ Vô Thượng Tôn” (Hết thảy các Bồ Tát, đều cầm hoa trời đẹp, hương báu, áo vô giá, cúng dường Vô Lượng Giác. Thảy đều tấu nhạc trời, thánh thót tiếng hòa nhã, ca ngợi đấng tối thắng, cúng dường Vô Lượng Giác. Cung kính nhiễu ba vòng, kính lễ đấng Vô Thượng). “Nhiễu” (繞) là chắp tay đi vòng quanh Phật, hoặc một vòng, hoặc ba vòng, là lễ tiết thuở ấy tại Ấn Độ, biểu thị sự cung kính nhất. “Khể thủ” (稽首, dập đầu lễ sát đất) là sự lễ kính [trân trọng] nhất bằng cách gieo năm vóc xuống đất. Vô Lượng Giác, Vô Thượng Tôn đều là A Di Đà Phật.
2.2.1.2.3.1.3.3.8. Bất hư tác trụ trì công đức
(Luận) Quán Phật bổn nguyện lực, ngộ vô không quá giả, năng linh tốc mãn túc, công đức đại bảo hải.
(Chú) Thử tứ cú, danh “trang nghiêm bất hư tác trụ trì công đức thành tựu”. Phật bổn hà cố khởi thử trang nghiêm? Kiến hữu Như Lai, đản dĩ Thanh Văn vi Tăng, vô cầu Phật đạo giả. Hoặc hữu trị Phật, nhi bất miễn tam đồ. Thiện Tinh, Đề Bà Đạt Đa, Cư Ca Ly đẳng thị dã. Hựu nhân văn Phật danh hiệu, phát vô thượng đạo tâm, ngộ ác nhân duyên, thoái nhập Thanh Văn, Bích Chi Phật địa giả. Hữu như thị đẳng không quá giả, thoái một giả.
(論)觀佛本願力。遇無空過者。能令速滿足。功德大寶海。 (註)此四句。名莊嚴不虛作住持功德成就。佛本何故起此莊嚴。見有如來。但以聲聞為僧。無求佛道者。或有值佛而不免三塗。善星。提婆遮多。居迦離等是也。又人聞佛名號。發無上道心。遇惡因緣。退入聲聞。辟支佛地者。有如是等空過者。退沒者。
(Luận: Quán sức bổn nguyện Phật, gặp gỡ chẳng luống uổng, hay nhanh chóng thỏa nguyện, biển công đức báu lớn.
Chú: Bốn câu này gọi là “sự trang nghiêm được thành tựu bởi công đức chẳng uổng công trụ trì”. Vốn vì lẽ nào mà đức Phật dấy lên sự trang nghiêm này? Do Ngài thấy có Như Lai chỉ dùng Thanh Văn làm Tăng, chẳng có người cầu Phật đạo. Hoặc có kẻ gặp Phật mà chẳng tránh khỏi tam đồ; Thiện Tinh, Đề Bà Đạt Đa, Cư Ca Ly v.v… là hạng người ấy! Lại có người nghe danh hiệu Phật, do gặp nhân duyên ác, bèn lui sụt trở lại địa vị Thanh Văn, Bích Chi Phật. Có những kẻ luống uổng và lui sụt như thế đó).
Vì sao gọi là “trụ trì”? “Trụ” là an trụ thế gian, nhưng bất động. “Trì” là chấp trì (nắm giữ) chánh pháp bất biến. Quyển thứ hai mươi bảy của Lục Thập Hoa Nghiêm, trong phần nói về mười thân của Như Lai, có nhắc đến Trụ Trì Thân và Trụ Trì Phật. Đấy là do sau khi Ứng Hóa Thân của Phật đã diệt độ, lưu lại xá-lợi trong nhân gian, hoặc vẽ, đắp thành tượng Phật, có thể khiến cho Phật pháp tồn tại lâu dài trong thế gian, thuộc về Phật Bảo trong Trụ Trì Tam Bảo. Trong chương Trụ Trì của Bách Trượng Thanh Quy có nói: “Chẳng đề cao địa vị của vị ấy thì khuôn phép sẽ chẳng nghiêm. Thoạt đầu mời vị sư ấy làm Trụ Trì, do tôn trọng nên gọi là Trưởng Lão”. Lại theo Thiền Uyển Thanh Quy7 nói: “Mỗi vị ở một phương, tiếp nối huệ mạng của Phật, vị ấy được gọi là Trụ Trì”. Ba loại Trụ Trì như đã nói trên đây đều chẳng phải là ý nghĩa của từ ngữ Trụ Trì trong bộ luận này. Phải như kinh Viên Giác đã nói: “Nhất thiết Như Lai, quang nghiêm trụ trì” (Hết thảy Như Lai dùng báo thân trụ trì thế gian). Lại như Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận đã nói: “Do Phật lực trụ trì liền thuộc vào Chánh Định Tụ của Đại Thừa”. “Quang nghiêm trụ trì” (光嚴住持) là Báo Thân của Phật trụ trì thế gian. “Phật lực trụ trì” chính là nói sức bổn nguyện của Phật trụ trì. Đấy mới là ý nghĩa bao hàm trong từ ngữ “trụ trì” của bộ luận này.
Thế nào là trụ trì chẳng uổng công thực hiện? Chính là Báo Thân của Phật Di Đà trụ trì thế giới Cực Lạc, lại có sức công đức của bốn mươi tám nguyện nhiếp thọ chúng sanh, như nam châm hút sắt, quyết định chẳng bị thất lạc, có thể khiến cho chúng sanh nghe danh Ngài rồi xưng niệm, vãng sanh Cực Lạc, nghe pháp, được thọ ký, đều có thể đạt được đại lợi ích “lìa khổ được vui, liễu sanh thoát tử, thành Phật, làm Tổ”. Đấy gọi là “bất hư tác trụ trì” (sức trụ trì chẳng luống công thực hiện). Sức công đức bổn nguyện của Phật Di Đà có thể quy nạp thành hai loại, gọi là lực dụng của “bất hư tác trụ trì”:
1) Phàm là chúng sanh đã vãng sanh An Lạc quốc, ai nấy đều thành tựu công đức lợi ích đúng như bốn mươi tám nguyện đã nói, tuyệt đối chẳng có một điều nào luống qua, chẳng đạt được lợi ích như thế.
2) Chúng sanh thuộc ba bậc chín phẩm trong mười phương thế giới chỉ cần được nghe danh hiệu Di Đà, muốn sanh về cõi ấy, chí tâm tin ưa, cho đến niệm A Di Đà Phật mười niệm, khi lâm chung liền được A Di Đà Phật xòe tay tiếp dẫn, vãng sanh cõi ấy. Bất luận công hạnh cạn hay sâu, bất luận có đoạn Hoặc hay không, đã đạt được nhất tâm hay chưa, cũng chẳng cần biết là nam, nữ, già, trẻ, xuất gia, tại gia, nghèo, giàu, sang, hèn, chỉ trừ kẻ Ngũ Nghịch và phỉ báng chánh pháp, đều có thể được bổn nguyện của Phật Di Đà nhiếp thọ, từ bi tiếp dẫn, được sanh về Tịnh Độ. Tuyệt đối chẳng bỏ sót một người nào không được vãng sanh. Phật lực [của Phật A Di Đà] có thể gia trì vô lượng, chúng sanh được gia trì bèn đạt lợi ích cũng vô lượng (vãng sanh thành Phật) như hộp to thì nắp to; đó gọi là “bất hư tác trụ trì”.
Ngài Đàm Loan giải thích vì sao Phật Di Đà phải có sự trang nghiêm “bất hư tác trụ trì” này? Đấy là vì Ngài trông thấy có vị Phật chỉ có Thanh Văn Tăng, chẳng có Bồ Tát Tăng, cũng chính là chẳng có chúng sanh đại tâm cầu vô thượng Phật đạo. Đấy là chẳng viên mãn, chẳng rốt ráo. Như trong giáo pháp của đức Thích Ca, tín đồ Phật giáo Nam Truyền là như thế đó. Họ chỉ có Tiểu Thừa Thanh Văn Tăng, chỉ cầu chứng quả A La Hán, cho đó là mục đích học Phật đã đạt được rồi. Như thế là đã đánh mất ý nghĩa chân thật của chuyện Phật pháp trụ trì thế gian, đáng gọi là “hư tác trụ trì”.
Lại có kẻ gặp Phật xuất thế, theo Phật xuất gia, thế nhưng không chỉ là chẳng chứng quả liễu sanh tử, mà còn ngược ngạo đọa lạc tam đồ. Đấy chẳng phải là quá oan uổng ư? Như con trai của đức Bổn Sư khi Ngài làm Thái Tử tên là Thiện Tinh (Sunakṣatra). Sau khi xuất gia, vị này chứng đắc Tứ Thiền; do thân cận bạn ác, bèn thoái thất Tứ Thiền, dấy lên tà kiến bài bác cho là không có nhân quả, còn khởi ác tâm đối với đức Phật, bị đọa vào địa ngục Vô Gián ngay trong khi còn sống. Theo như Khuy Cơ đại sư đời Đường đã viết trong bộ Pháp Hoa Huyền Tán thì đức Phật có ba con trai, một là Thiện Tinh, hai là Ưu Bà Ma Da (Upamaana), ba là La Hầu La (Rahula). Lại như Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), dịch nghĩa là Thiên Nhiệt, hoặc là Thiên Thọ, là con của Hộc Phạn Vương (Dronodana)8, là anh ruột của A Nan, là em họ của đức Phật, thân có đủ ba mươi tướng. Sau khi xuất gia, ông có thể tụng sáu vạn pháp tạng, vì lợi dưỡng mà tạo tội Ngũ Nghịch. Theo Pháp Hoa Văn Cú, quyển thứ tám [thì Đề Bà Đạt Đa đã tạo những tội như sau]:
1) Dụ dỗ năm trăm vị tỳ-kheo, lập riêng năm pháp để phá hòa hợp Tăng. Năm pháp là (1) Chẳng ăn năm vị (2) Không ăn thịt (3) Không ăn muối (4) Chẳng nhận y do cắt xén (5) Chẳng ở trong chùa bên cạnh xóm làng.
2) Quăng đá lớn làm thân Phật chảy máu.
3) Bảo vua A Xà Thế thả voi say giẫm Phật.
4) Đấm chết tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc.
5) Bỏ chất độc trong mười móng tay, muốn do lễ dưới chân Phật bèn [cào chân Phật để chất độc] tổn thương Phật.
Do vậy, ông ta cũng đọa vào địa ngục trong khi còn sống. Lại còn có tỳ-kheo Cư (Câu) Ca Ly như đã nói trong phần trước, do phỉ báng ngài Xá Lợi Phất mà đọa vào địa ngục. Ba người như thế thật sự là quá đáng buồn, đáng than!
Lại có vị như ngài Xá Lợi Phất, trong đời quá khứ nghe danh hiệu Phật, phát vô thượng Bồ Đề tâm, trong sáu mươi kiếp hành Bồ Tát đạo. Về sau, do nhân duyên gặp phải một Bà La Môn hướng về Ngài xin mắt, ngài Xá Lợi Phất liền móc một mắt cho. Người xin nhận lấy con mắt, chê là hôi thối, vứt xuống đất, lại còn giày xéo. Do vậy, ngài Xá Lợi Phất thoái thất Bồ Tát đạo, hồi Đại hướng Tiểu, trở thành hàng Thanh Văn, liễu thoát sanh tử cho riêng mình. Những trường hợp như vậy đều là có Phật trụ thế, chúng sanh có thể gặp Phật, thậm chí theo Phật xuất gia tu đạo, kết quả là luống uổng một đời, thậm chí đọa lạc trong tam đồ. Đấy chính là Phật hư tác trụ trì. Phật Di Đà thấy trong sự thị hiện giáo hóa suốt một đời của đức Bổn Sư có những khuyết điểm ấy; do vậy, Ngài phát nguyện sẽ trang nghiêm công đức bất hư tác trụ trì để đạt thành nguyện vọng tối cao “hễ có ai thấy nghe, không một ai chẳng thành Phật”.
(Chú) Thị cố nguyện ngôn: Sử ngã thành Phật thời, trị ngộ ngã giả, giai tốc tật mãn túc vô thượng đại bảo. Thị cố ngôn: “Quán Phật bổn nguyện lực, ngộ vô không quá giả, năng linh tốc mãn túc, công đức đại bảo hải”. Trụ trì nghĩa như thượng, quán Phật trang nghiêm bát chủng công đức, ngật chi ư thượng.
(註)是故願言。使我成佛時。值遇我者。皆速疾滿足無上大寶。是故言。觀佛本願力。遇無空過者。能令速滿足。功德大寶海。住持義如上。觀佛莊嚴八種功德。訖之於上。
(Chú: Vì thế, nguyện rằng: “Nếu khi tôi thành Phật, người gặp gỡ tôi sẽ đều nhanh chóng đầy đủ của báu lớn vô thượng”. Vì thế nói: “Quán sức bổn nguyện Phật, gặp gỡ chẳng luống uổng, hay nhanh chóng thỏa nguyện, biển công đức báu lớn”. Nghĩa trụ trì như trên đây, phần quán tám thứ công đức trang nghiêm của Phật đến đây là xong).
“Giai tốc tật mãn túc vô thượng đại bảo” (Đều nhanh chóng đầy đủ của báu lớn vô thượng): Câu này nói rõ nguyên do vì sao pháp môn Tịnh Độ là Dị Hành Đạo hoàn toàn là do sức bổn nguyện của Phật Di Đà có thể nhiếp thọ hết thảy chúng sanh phàm phu nghiệp chướng nặng nề đới nghiệp vãng sanh, vượt khỏi tam giới theo chiều ngang, liễu sanh thoát tử, viên mãn Bồ Đề trong một đời, thành tựu hết thảy công đức đại bảo nơi Phật quả. Cũng chỉ có như vậy thì mới là “bất hư tác trụ trì” của chư Phật. “Trụ trì nghĩa như thượng” là nói ý nghĩa của Trụ Trì như đã được giảng giải trong phần trên. Bất quá, dựa theo lời giải thích nơi đoạn văn Trường Hàng thuộc phần sau luận này thì “tức kiến bỉ Phật, vị chứng tịnh tâm Bồ Tát, tất cánh đắc chứng bình đẳng Pháp Thân, dữ tịnh tâm Bồ Tát vô dị; dữ Thượng Địa chư Bồ Tát tất cánh đồng đắc tịch diệt bình đẳng cố” (tức là thấy đức Phật ấy thì hàng Bồ Tát chưa chứng tịnh tâm sẽ rốt ráo chứng đắc Pháp Thân bình đẳng, chẳng khác tịnh tâm Bồ Tát, vì cùng với các vị Bồ Tát thượng địa rốt ráo cùng đắc tịch diệt bình đẳng). Đó gọi là “bất hư tác trụ trì”. Đợi đến khi giảng giải phần văn Trường Hàng, tôi sẽ nói lại đoạn văn này. Luận này nói quan sát A Di Đà Phật có tám loại công đức trang nghiêm tự lợi và lợi tha, trước là tự lợi, sau là lợi tha, đến đây đã kết thúc viên mãn.
2.2.1.2.3.1.3.4. Quan sát công đức trang nghiêm của các vị Bồ Tát trong cõi ấy
2.2.1.2.3.1.3.4.1. Nêu chung bốn loại công đức
(Chú) Thứ quán An Lạc quốc chư đại Bồ Tát tứ chủng trang nghiêm công đức thành tựu.
(註)次觀安樂國諸大菩薩四種莊嚴功德成就。
(Chú: Kế đó là quan sát bốn thứ công đức trang nghiêm thành tựu của hàng Bồ Tát trong cõi An Lạc).
2.2.1.2.3.1.3.4.2. Vấn đáp trừ nghi
(Chú) Vấn viết: Quán Như Lai trang nghiêm công đức, hà sở khuyết thiếu, phục tu quán Bồ Tát công đức da?
(註)問曰。觀如來莊嚴功德。何所闕少。復須觀菩薩功德耶。
(Chú: Hỏi: Quán công đức trang nghiêm của Như Lai có chỗ nào thiếu sót mà lại cần phải quan sát công đức của Bồ Tát vậy?)
Có lẽ, sẽ có người hỏi: Trong phần trên là quan sát công đức của A Di Đà Như Lai chính là quan sát công đức của Chúng Sanh Thế Gian trong quốc độ An Lạc, có thể nói là đã rất viên mãn, chẳng khuyết thiếu tí nào, lại cần gì phải quan sát công đức của hàng Bồ Tát nữa ư?
(Chú) Đáp viết: Như hữu minh quân, tắc hữu hiền thần, Nghiêu Thuấn chi xưng vô vi, thị kỳ tỷ dã. Nhược tiện đản hữu Như Lai pháp vương, nhi vô đại Bồ Tát pháp thần, ư dực tán đạo, khởi túc vân mãn? Diệc như tân tích tiểu, tắc hỏa bất đại.
(註)答曰。如有明君。則有賢臣。堯舜之稱無為。是其比也。若便但有如來法王。而無大菩薩法臣。於翼讚道。豈足云滿。亦如薪?小則火不大。
(Chú: Đáp: Như có các vị vua sáng, ắt có tôi hiền. Vua Nghiêu, vua Thuấn được xưng tụng là vô vi, đó là do so sánh [với quần thần] mà ra. Giả sử chỉ có đấng Như Lai pháp vương, không có hàng Bồ Tát là bầy tôi nơi chánh pháp để giúp đỡ, tán trợ đạo thì sao đáng nói là viên mãn cho được? Cũng như chất chứa ít củi thì lửa chẳng lớn).
Ngài Đàm Loan giải đáp: Ví như một quốc gia trong thế gian, đã có vị quân chủ thánh minh, ắt phải có quần thần phụ tá hiền năng. Chẳng hạn, thánh vương thời cổ Trung Hoa như vua Nghiêu, vua Thuấn, trong lịch sử họ đều được ca ngợi “vô vi nhi trị”, quốc thái dân an, thiên hạ hòa thuận. Đấy là vì vua Nghiêu, vua Thuấn có bầy tôi hiền năng phù tá, cho nên đạt được quốc gia bình trị, chẳng loạn, chính trị thuận lợi, không có thói tệ, nhân dân thì vui sướng, không lo âu. Có thể so sánh điều này với sự giáo hóa cõi đời, độ người của Phật, Bồ Tát cũng giống như thế. Giả sử chỉ có Phật là đấng pháp vương, chẳng có các vị đại Bồ Tát giúp Phật giáo hóa, thì cũng giống như chỉ có minh quân, mà chẳng có bầy tôi hiền năng thì đối với sự phù tá (lời chú giải dùng chữ Dực (翼) để diễn tả ý này), tán trợ đạo giáo hóa, sẽ chẳng viên mãn, chẳng lý tưởng. Lại giống như chất chứa củi rất ít, chỉ có một hai que, vậy thì lửa đốt lên sẽ chẳng thể rất lớn được! Do vậy, đức Phật có nói: “Một vị Phật xuất thế, ngàn vị Phật hộ trì”, tất nhiên là sẽ có rất nhiều vị đại Bồ Tát đồng thời ứng thế (xuất hiện trong cõi đời) giúp Phật giáo hóa.
(Chú) Như kinh ngôn: A Di Đà Phật quốc, hữu vô lượng vô biên chư đại Bồ Tát, như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí đẳng, giai đương nhất sanh ư tha phương thứ bổ Phật xứ. Nhược nhân xưng danh ức niệm giả, quy y giả, quán sát giả, như Pháp Hoa Kinh Phổ Môn phẩm thuyết, vô nguyện bất mãn. Nhiên Bồ Tát ái nhạo công đức, như hải thôn lưu, vô chỉ túc tình.
(註)如經言。阿彌陀佛國。有無量無邊諸大菩薩。如觀世音。大勢至等。皆當一生於他方次補佛處。若人稱名憶念者。歸依者。觀察者。如法華經普門品說。無願不滿。然菩薩愛樂功德。如海吞流。無止足情。
(Chú: Như kinh nói cõi A Di Đà Phật có vô lượng vô biên các vị đại Bồ Tát, như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí v.v… đều sẽ trong một đời sẽ được bổ làm Phật kế tiếp nơi phương khác. Nếu có người nghĩ nhớ, quy y, quan sát họ, sẽ như trong phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa Kinh Phổ Môn đã nói, không nguyện nào chẳng được thỏa. Nhưng Bồ Tát yêu thích công đức, như biển nuốt các giòng nước, chẳng cảm thấy là đủ).
“Như kinh ngôn” (Như kinh nói) được nhắc đến ở đây chính là như kinh Vô Lượng Thọ đã nói: “Phật cáo A Nan: ‘Bỉ quốc Bồ Tát giai đương cứu cánh Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát (tức thị giai đương nhất sanh ư tha phương thứ bổ Phật xứ). Hữu nhị Bồ Tát, tối tôn đệ nhất, oai thần quang minh, phổ chiếu tam thiên đại thiên thế giới’. A Nan bạch Phật: ‘Bỉ nhị Bồ Tát, kỳ hiệu vân hà?’ Phật cáo: – Nhất danh Quán Thế Âm, nhị danh Đại Thế Chí. Thử nhị Bồ Tát, ư thử quốc độ tu Bồ Tát hạnh, mạng chung chuyển hóa, sanh bỉ Phật quốc. Bỉ quốc Bồ Tát, giai tất cụ túc tam thập nhị tướng, trí huệ thành mãn, thâm nhập chư pháp, cứu sướng yếu diệu, thần thông vô ngại, chư căn minh lợi, đắc bất khả kế Vô Sanh Pháp Nhẫn… cứu cánh nhất thiết Bồ Tát sở hành, cụ túc thành tựu vô lượng công đức” (Đức Phật bảo ngài A Nan: ‘Bồ Tát trong cõi ấy đều sẽ rốt ráo là Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát (tức là sẽ đều ở phương khác, kế tiếp thành Phật). Có hai vị Bồ Tát tôn quý bậc nhất, oai thần, quang minh chiếu trọn khắp tam thiên đại thiên thế giới’. Ngài A Nan bạch Phật: ‘Hai vị Bồ Tát ấy danh hiệu như thế nào?’ Đức Phật bảo: ‘Vị thứ nhất tên là Quán Thế Âm, vị thứ hai tên là Đại Thế Chí. Hai vị Bồ Tát ấy tu Bồ Tát hạnh trong quốc độ này, sau khi mạng chung, chuyển hóa, sanh về cõi Phật kia. Hàng Bồ Tát trong cõi ấy thảy đều trọn đủ ba mươi hai tướng, trí huệ thành tựu viên mãn, thâm nhập các pháp, hiểu thông suốt rốt ráo những điều trọng yếu, huyền nhiệm, thần thông vô ngại, các căn sáng suốt nhạy bén, đạt được chẳng thể tính toán Vô Sanh Pháp Nhẫn… rốt ráo hết thảy sở hành của Bồ Tát, thành tựu trọn đủ vô lượng công đức’).
Thế giới Cực Lạc có vô lượng vô biên đại Bồ Tát đều là bậc Bổ Xứ Bồ Tát giống như Quán Âm, Thế Chí, đều có lục thông tự tại, Ngũ Nhãn viên minh, tứ trí trọn đủ. Kinh Vô Lượng Thọ còn nói hai mươi thí dụ để hình dung sự thù thắng nhiệm mầu của bậc Bổ Xứ Bồ Tát. Do vậy, kinh Di Đà cũng có nói: “Cực Lạc quốc độ, chúng sanh sanh giả, giai thị A Bệ Bạt Trí, kỳ trung đa hữu Nhất Sanh Bổ Xứ, kỳ số thậm đa, phi thị toán số sở năng tri chi, đản khả dĩ vô lượng vô biên A-tăng-kỳ (Vô Ương Số) thuyết” (Chúng sanh sanh về quốc độ Cực Lạc đều là A Bệ Bạt Trí, trong ấy có nhiều vị là Nhất Sanh Bổ Xứ. Số ấy rất nhiều, chẳng thể dùng toán số mà hòng biết được, chỉ có thể dùng vô lượng vô biên A-tăng kỳ (Vô Ương Số) để nói). Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật bảo ngài A Nan: “Bỉ chư Bồ Tát, thành tựu như thị vô lượng công đức, ngã đản vị nhữ lược ngôn chi nhĩ. Nhược quảng thuyết giả, bách thiên vạn kiếp bất năng cùng tận” (Các vị Bồ Tát ấy thành tựu vô lượng công đức như thế, ta chỉ vì ông nói đại lược đó thôi. Nếu nói rộng ra thì trăm ngàn vạn kiếp vẫn chẳng thể nói hết được).
“Nhược nhân ức niệm giả, quy y giả, quán sát giả, như Pháp Hoa kinh Phổ Môn phẩm thuyết, vô nguyện bất mãn” (Nếu có người nghĩ nhớ, quy y, quán sát thì như phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa đã nói, không nguyện gì chẳng được thỏa mãn): Mấy câu văn này đã trích dẫn phẩm Phổ Môn để chứng minh.
Lại còn như kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã nói: “Quán Âm Bồ Tát thủ chưởng hữu vô lượng quang sắc, phổ chiếu nhất thiết. Dĩ thử bảo thủ, tiếp dẫn chúng sanh (vãng sanh Cực Lạc). Tác thị quán giả, bất ngộ chư họa, tịnh trừ nghiệp chướng. Như thử Bồ Tát, đản văn kỳ danh, hoạch phước vô lượng, hà huống đế quán… Đản văn Phật danh, nhị Bồ Tát danh, trừ vô lượng kiếp sanh tử chi tội, hà huống ức niệm. Đương tri thử nhân tắc thị nhân trung Phân Đà Lợi Hoa (bạch liên hoa), Quán Âm, Thế Chí vi kỳ thắng hữu, đương tọa đạo tràng, sanh chư Phật gia” (Bàn tay của Quán Âm Bồ Tát có vô lượng quang minh và màu sắc, chiếu trọn khắp hết thảy. Ngài dùng tay báu ấy để tiếp dẫn chúng sanh (vãng sanh Cực Lạc). Tu phép Quán này, sẽ chẳng gặp các tai họa, trừ sạch nghiệp chướng. Bậc Bồ Tát như vậy, chỉ nghe danh hiệu Ngài, sẽ được vô lượng phước, huống hồ là quán chắc thật… Chỉ nghe danh hiệu của Phật, danh hiệu của hai vị Bồ Tát, sẽ trừ tội trong vô lượng kiếp sanh tử, huống hồ là nghĩ nhớ. Hãy nên biết người ấy chính là hoa Phân Đà Lợi (hoa sen trắng) trong loài người, Quán Âm, Thế Chí là bạn thù thắng của người ấy, người ấy sẽ ngồi đạo tràng (thành Chánh Giác), sanh trong nhà chư Phật). [Những điều này] có thể dùng để chứng minh, để có thể quan sát công đức trang nghiêm của các vị đại Bồ Tát trong quốc độ An Lạc [hòng nhận biết] lợi ích lớn nhất là “sẽ được thành Phật”.
“Nhiên Bồ Tát ái nhạo công đức, như hải thôn lưu, vô chỉ túc tình” (Nhưng Bồ Tát yêu thích công đức như biển nuốt các giòng chảy, chẳng cảm thấy ngưng đủ): Đây là nói các vị đại Bồ Tát trong cõi ấy đều trọn đủ hạnh Phổ Hiền, đức Phổ Hiền, có thể trong thời gian và không gian vô tận mà yêu thích, tu tập hết thảy công đức, giống như biển cả dung nạp các giòng nước, vĩnh viễn chẳng có ngày trọn đủ. Những điều nói trong phẩm Phổ Môn và Quán Kinh chỉ nhằm tán thán chút ít phần công đức của các Ngài mà thôi!
(Chú) Diệc như Thích Ca Mâu Ni Như Lai văn nhất mục ám tỳ-kheo hu ngôn: “Thùy ái công đức, vị ngã duy châm”. Nhĩ thời, Như Lai tùng Thiền Định khởi, lai đáo kỳ sở, ngữ ngôn: “Ngã ái phước đức”, toại vị kỳ duy châm. Nhĩ thời, thất minh tỳ-kheo ám văn Phật ngữ thanh, kinh hỷ giao tập, bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Thế Tôn công đức do vị mãn da?” Phật báo ngôn: “Ngã công đức viên mãn, vô sở phục tu, đản ngã thử thân tùng công đức sanh, tri công đức ân phần cố. Thị cố ngôn ái”. Như sở vấn quán Phật công đức, thật vô nguyện bất sung. Sở dĩ phục quán Bồ Tát công đức giả, hữu như thượng chủng chủng nghĩa cố nhĩ.
(註)亦如釋迦牟尼如來。聞一目闇比丘吁言。誰愛功德。為我維鍼。爾時如來從禪定起。來到其所。語言。我愛福德。遂為其維鍼。爾時失明比丘。暗聞佛語聲。驚喜交集。白佛言。世尊。世尊功德猶未滿耶。佛報言。我功德圓滿。無所復須。但我此身從功德生。知功德恩分故。是故言愛。如所問觀佛功德。實無願不充。所以復觀菩薩功德者。有如上種種義故耳。
(Chú: Cũng như Thích Ca Mâu Ni Như Lai nghe một vị tỳ-kheo mù mắt than thở: “Ai yêu công đức hãy xỏ kim giùm tôi”. Lúc bấy giờ, đức Như Lai từ Thiền Định khởi, đến chỗ vị ấy, bảo rằng: “Ta yêu phước đức”, liền vì vị ấy xỏ kim. Khi đó, vị tỳ-kheo mù ấy nghe ra tiếng nói của đức Phật, vui sợ lẫn lộn, bạch đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Công đức của Thế Tôn còn chưa viên mãn ư?” Đức Phật đáp: “Công đức của ta viên mãn, chẳng còn gì phải tu nữa, chỉ vì thân này của ta sanh từ công đức, do biết ơn công đức, cho nên nói là Yêu”. Như trong câu hỏi thuộc phần trên, quán công đức của Phật thì quả thật không nguyện nào chẳng thỏa. Sở dĩ lại quán công đức của Bồ Tát là do có các thứ nghĩa như trên đây vậy).
Ngài Đàm Loan trích dẫn chuyện đức Thích Ca xâu kim, mọi người đều biết rành chuyện này. “Mục ám tỳ-kheo” tức là một vị xuất gia cả hai mắt đều mù. “Duy châm” (維鍼) là dùng chỉ xuyên qua cái lỗ nhỏ ở trên kim. Đức Phật nói “chỉ vì thân này của ta sanh từ công đức”. Đấy là như Đại Trí Luận đã nói: “Pháp Thân của Phật là lý pháp tụ, Báo Thân của Phật là trí pháp tụ, Hóa Thân của Phật là công đức pháp tụ”. Thích Ca Thế Tôn thị hiện thành Phật tại Ấn Độ là Hóa Thân Phật. Tuy là do nhân duyên cha mẹ mà sanh ra, nhưng chủng tử thật sự có thể sanh ra [Hóa Thân Phật] thì chính là công đức vô lậu do đức Phật đã tu, mà cũng là chủng tử vô lậu thanh tịnh pháp vốn là như thế, và cũng là chủng tử công đức do trí huệ huân tập vừa mới sanh, hòa hợp lại mà sanh ra Hóa Thân Phật. Vì thế nói là “sanh từ công đức”. Những điều khác dễ hiểu!
2.2.1.2.3.1.3.4.3. Nói riêng bốn loại công đức
2.2.1.2.3.1.3.4.3.1. Công đức ứng hóa bất động
(Luận) An Lạc quốc thanh tịnh, thường chuyển vô cấu luân, hóa Phật, Bồ Tát nhật, như Tu Di trụ trì.
(Chú) Phật bổn hà cố khởi thử trang nghiêm? Kiến hữu Phật độ, đản thị tiểu Bồ Tát, bất năng ư thập phương thế giới quảng tác Phật sự, hoặc đản Thanh Văn nhân thiên, sở lợi hiệp tiểu.
(論)安樂國清淨。常轉無垢輪。化佛菩薩日。如須彌住持。 (註)佛本何故起此莊嚴。見有佛土。但是小菩薩。不能於十方世界廣作佛事。或但聲聞人天。所利狹小。
(Luận: Cõi An Lạc thanh tịnh, thường chuyển vô cấu luân, hóa Phật, Bồ Tát nhật, như Tu Di trụ trì.
Chú: Vốn vì lẽ nào mà đức Phật ấy lên sự trang nghiêm này? Do Ngài thấy có cõi Phật chỉ là tiểu Bồ Tát, chẳng thể rộng làm Phật sự trong mười phương pháp giới, hoặc chỉ là Thanh Văn, người, trời, lợi ích hẹp nhỏ).
Bốn tiết (tiểu mục) từ đây trở đi đều là Luận Chủ bảo chúng ta phải quan sát công đức chánh hạnh tu hành “tự lợi, lợi tha” của các vị đại Bồ Tát trong thế giới Cực Lạc như thế nào? Phẩm đức thuộc loại thứ nhất là bất động bổn xứ (chẳng rời khỏi chỗ mình) mà ứng hóa trong mười phương. Vì sao A Di Đà Phật phải có loại công đức trang nghiêm dành cho hàng Bồ Tát này? Vì trong khi tu nhân, Ngài thấy có những cõi Phật chỉ có tiểu Bồ Tát, tức là phàm phu Bồ Tát, hoặc chỉ có nhân thiên Nhị Thừa, căn bản là chẳng có Bồ Tát. Như vậy thì tất nhiên là đã đánh mất đại lợi ích “phổ độ chúng sanh trong vô lượng thế giới” của Phật pháp, đấy cũng chẳng phải là bổn hoài xuất thế của chư Phật!
(Chú) Thị cố hưng nguyện, nguyện ngã quốc trung, hữu vô lượng đại Bồ Tát chúng, bất động bổn xứ, biến chí thập phương, chủng chủng ứng hóa, như thật tu hành, thường tác Phật sự. Thí như nhật tại thiên thượng, nhi ảnh hiện bách xuyên, nhật khởi lai da? Khởi bất lai da? Như Đại Tập Kinh ngôn: “Thí như hữu nhân thiện trị đê đường, lượng kỳ sở nghi, cập phóng thủy thời, bất gia tâm lực. Bồ Tát diệc như thị, tiên trị nhất thiết chư Phật cập chúng sanh ưng cúng dường, ưng giáo hóa chủng chủng đê đường, cập nhập tam-muội thân tâm bất động, như thật tu hành, thường tác Phật sự. Như thật tu hành giả, tuy thường tu hành, thật vô sở tu hành dã. Thị cố ngôn: “An Lạc quốc thanh tịnh, thường chuyển vô cấu luân, hóa Phật, Bồ Tát nhật, như Tu Di trụ trì”.
(註)是故興願。願我國中。有無量大菩薩眾。不動本處。遍至十方。種種應化。如實修行。常作佛事。譬如日在天上。而影現百川。日豈來耶。豈不來耶。如大集經言。譬如有人善治堤塘。量其所宜。及放水時。不加心力。菩薩亦如是。先治一切諸佛及眾生應供養。應教化種種堤塘。及入三昧。身心不動。如實修行。常作佛事。如實修行者。雖常修行。實無所修行也。是故言。安樂國清淨。常轉無垢輪。化佛菩薩日。如須彌住持。
(Chú: Vì thế, dấy lên nguyện: Nguyện trong nước của tôi có vô lượng các vị đại Bồ Tát, chẳng rời chỗ mình mà đến khắp mười phương, đủ mọi cách ứng hóa, tu hành như thật, thường làm Phật sự. Ví như mặt trời ở trên bầu trời, mà hiện bóng nơi trăm sông, há mặt trời có đến đó hay không? Há mặt trời chẳng đến đó hay chăng? Như kinh Đại Tập nói: “Ví như có người giỏi đắp bờ đê, ước lượng thích đáng, đến khi tháo nước vào, chẳng mất công suy nghĩ thêm. Bồ Tát cũng giống như vậy, trước hết khéo đắp cho xong các thứ bờ đê ‘đáng nên cúng dường’ chư Phật, ‘đáng nên giáo hóa’ chúng sanh, và nhập tam-muội, thân tâm bất động, như thật tu hành, thường làm Phật sự”. “Như thật tu hành” là tuy thường tu hành, nhưng thật sự chẳng có gì để tu hành. Vì thế nói: “Cõi An Lạc thanh tịnh, thường chuyển pháp luân vô cấu, vầng mặt trời hóa Phật, Bồ Tát, như núi Tu Di trụ trì”).
Trong đoạn văn này, trước hết ngài Đàm Loan nêu ra pháp để nói, sau đó, dùng thí dụ để chỉ rõ, lại nêu lên những điều được nói trong kinh; cuối cùng là kết hợp với pháp. Khi tu nhân, Phật Di Đà đã phát nguyện, nguyện quốc độ khi Ngài thành Phật, có vô lượng các vị đại Bồ Tát. “Đại” ở đây chẳng phải là do đối với Tiểu mà nói là Đại, mà là Đại do tương xứng với pháp giới, như sự to lớn của hư không trọn khắp hết thảy mọi nơi, là chúng sanh và Phật, tâm và cảnh, y báo và chánh báo, tánh và tướng, Lý và Sự, nhân và quả, Bi và Trí, nguyện và hạnh, tự lợi và lợi tha, đều là sự to lớn rốt ráo bình đẳng bất nhị, là sự to lớn do thanh tịnh vô ngại, viên mãn chẳng khuyết, thường trụ bất biến, là sự to lớn của thời gian và không gian vô tận, là sự to lớn của Phổ Hiền hạnh. Tức là sự to lớn “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” (tâm bao trùm hư không, lượng trọn khắp các cõi có số lượng nhiều như cát). Chẳng phải là sự to lớn mà hàng nhân thiên, Nhị Thừa, Quyền Tiểu Bồ Tát có thể tưởng tượng được. Như nguyện thứ hai mươi hai trong bốn mươi tám nguyện có nói: “Thiết ngã đắc Phật, tha phương Phật độ chư Bồ Tát chúng, lai sanh ngã quốc, cứu cánh tất chí Nhất Sanh Bổ Xứ, trừ kỳ bổn nguyện, tự tại sở hóa. Vị chúng sanh cố, bị hoằng thệ khải, tích lũy đức bổn, độ thoát nhất thiết, du chư Phật quốc, tu Bồ Tát hạnh, cúng dường tha phương chư Phật Như Lai, khai hóa hằng sa vô lượng chúng sanh, sử lập vô thượng chánh chân chi đạo, siêu xuất thường luân chư địa chi hạnh, hiện tiền tu tập Phổ Hiền chi đức. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác” (Nếu tôi được thành Phật, các vị Bồ Tát trong các cõi Phật ở phương khác sanh vào nước tôi, rốt ráo ắt đạt đến Nhất Sanh Bổ Xứ, trừ khi họ có nguyện riêng tự tại giáo hóa. Do vì chúng sanh mà mặc áo giáp hoằng thệ, tích lũy cội đức, độ thoát hết thảy, dạo chơi các cõi Phật, tu hạnh Bồ Tát, cúng dường chư Phật Như Lai trong mười phương, khai hóa hằng sa vô lượng chúng sanh, khiến cho họ an trụ nơi đạo vô thượng chánh chân, vượt trỗi các hạnh thuộc những địa vị thông thường, hiện tiền tu tập phẩm đức Phổ Hiền. Nếu chẳng như vậy, tôi sẽ chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác). Lại còn có nguyện thứ hai mươi ba, tức là “nguyện cùng lúc cúng dường trọn khắp chư Phật”, nguyện thứ hai mươi bốn tức là nguyện “những thứ vật cúng đều đúng như ý nguyện”, nguyện thứ hai mươi lăm là nguyện “Bồ Tát diễn Nhất Thiết Trí”, nguyện thứ ba mươi là nguyện “trí huệ biện tài chẳng có hạn lượng”, nguyện thứ bốn mươi là nguyện “tùy ý thấy các cõi Phật”. Do công đức của các nguyện như thế, chúng đại Bồ Tát được trang nghiêm thành tựu, đương nhiên là có thể bất động trong cõi Cực Lạc, mà phân thân vô số, đến trọn khắp mười phương thế giới, làm các thứ sự nghiệp giáo hóa chúng sanh thích ứng với căn cơ, như núi Tu Di vòi vọi bất động, quang minh chiếu trọn khắp bốn phương, bốn châu. Các vị đại Bồ Tát trong cõi ấy từ trong lợi tha mà thành tựu tự lợi, từ trong tùy thuận hết thảy mà vượt trỗi hết thảy. Điều này được gọi là “như thật tu hành, thường làm Phật sự”.
Tất cả những Phật sự ứng hóa của các vị đại Bồ Tát ấy ví như mặt trăng (hoặc mặt trời) in bóng trong ngàn sông, [mặt trời, mặt trăng] không đến [các giòng sông] mà cũng chẳng không đến, như kinh Hoa Nghiêm đã dạy: “Bồ Tát thanh lương nguyệt, thường du tất cánh không, chúng sanh tâm cấu tịnh, Bồ Tát ảnh hiện trung” (Vầng trăng trong mát của Bồ Tát thường dạo trong cái Không rốt ráo. Tâm chúng sanh hết sạch phiền não thì hình bóng Bồ Tát thường hiện trong ấy).
Lại như có một người rất thiện xảo đắp một cái ao có đập ngăn kiên cố để trữ nước cần dùng. Khi người ấy cần dùng nước, sẽ chẳng cần phải lo không có nước để dùng. Giống như tại Đài Loan trong hiện thời, trên đỉnh những cao ốc ở khắp mọi nơi đều có những tháp nước lớn nhỏ khác nhau, thường tích trữ những khối nước cần dùng, lại còn lắp đặt những chốt bơm nước tự động, có thể tùy tâm dùng nước, lấy mãi chẳng hết, dùng mà chẳng cạn kiệt. Các vị đại Bồ Tát trong thế giới Cực Lạc cũng giống như thế. Họ trước hết tu bổ hết thảy bờ đê tam-muội (chánh định) thế gian và xuất thế gian. Sau đấy, nhập vào tam-muội, có thể trên là cúng dường vô lượng chư Phật, dưới là hóa độ vô lượng chúng sanh, tự tại vô ngại, thời gian và không gian vô tận, giống như vầng thái dương bất động trên hư không mà có thể chiếu sáng đại địa, hết thảy chúng sanh đều cùng thấy mặt trời.
“Như thật tu hành” tức là xứng hợp Thật Tướng nhất tâm nhị môn để tu hành. Tuy nương theo Tâm Sanh Diệt Môn, thường xuyên duyên khởi Lục Độ vạn hạnh, nhưng lại chẳng lìa Tâm Chân Như Môn, vô trí mà cũng vô đắc, nhưng chẳng chấp trước những gì đã tu, đã hành. Như trong phẩm An Lạc Hạnh của kinh Pháp Hoa có nói: “Nhu hòa thiện thuận nhi bất tốt bạo, tâm diệc bất kinh, hựu phục ư pháp vô sở hành, nhi quán chư pháp như Thật Tướng, diệc bất hành, bất phân biệt. Thị danh Bồ Tát Ma Ha Tát hành xứ” (Nhu hòa, khéo tùy thuận, chẳng bộp chộp, tâm cũng chẳng kinh sợ, lại còn đối với các pháp [tuy hành mà thấy] chẳng có pháp gì để hành, quán các pháp đúng như Thật Tướng, cũng chẳng hành, chẳng phân biệt. Đó gọi là hành xứ của Bồ Tát Ma Ha Tát). Lại như trong phẩm Pháp Sư có nói: “Nhược nhân thuyết thử kinh, ưng nhập Như Lai thất, trước ư Như Lai y, nhi tọa Như Lai tòa, xử chúng vô sở úy, quảng vị phân biệt thuyết. Đại từ bi vi thất, nhu hòa nhẫn nhục y, chư pháp không vi tòa, xử thử vị thuyết pháp” (Nếu ai nói kinh này, nên vào nhà Như Lai, khoác mặc y Như Lai, ngồi trên tòa Như Lai, trong đại chúng chẳng sợ, rộng vì họ phân biệt. Đại từ bi làm nhà, áo nhu hòa nhẫn nhục, các pháp không làm tòa, ở nơi đó thuyết pháp). Lại như kinh Vô Lượng Thọ nói: “Bỉ quốc Bồ Tát ư kỳ quốc độ, sở hữu vạn vật, vô ngã sở tâm, vô nhiễm trước tâm, khứ lai tấn chỉ, tình vô sở hệ, tùy ý tự tại, vô sở thích mạc, vô bỉ, vô ngã, vô cạnh, vô tụng, ư chư chúng sanh, đắc đại từ bi nhiêu ích chi tâm” (Hàng Bồ Tát trong cõi ấy đối với tất cả muôn vật trong cõi nước ấy, không có tâm “của ta”, tâm không đắm nhiễm, đến, đi, tiến, dừng, không bị vướng mắc trong tình kiến, tùy ý tự tại, không có yêu, ghét, không người, không ta, không cạnh tranh, không tranh cãi, đối với chúng sanh, đạt được cái tâm đại từ bi tạo lợi ích). Những điều ấy đều là sự tu hành “tự lợi, lợi tha” như thật của các vị đại Bồ Tát trong cõi ấy, nếu chúng ta quán sát như thật thì sẽ có thể phát khởi đạo tâm “kiến hiền tư tề” (thấy người hiền bèn mong được bằng), sanh khởi nguyện tâm “ham [Tịnh Độ], chán [Sa Bà]” thiết thực. Như kinh Di Đà nói: “Chúng sanh văn giả, ưng đương phát nguyện, nguyện sanh bỉ quốc. Sở dĩ giả hà? Đắc dữ như thị chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ” (Chúng sanh được nghe, hãy nên phát nguyện, nguyện sanh về cõi ấy. Vì cớ sao vậy? Được cùng các vị thượng thiện nhân như thế nhóm họp một chỗ). Đấy mới là ý thú chân thật của việc quán công đức trang nghiêm của các vị Bồ Tát ấy.
Nếu dựa theo lời giải thích trong phần văn Trường Hàng ở phía sau bộ luận này, còn có một câu “khai chư chúng sanh ứ nê hoa cố” (vì nở hoa từ trong bùn lầy cho chúng sanh). Đấy là nói các vị đại Bồ Tát trong cõi ấy đều như Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc, Địa Tạng v.v… đều có thể tùy loại hiện thân, ứng hóa làm Phật, hoặc làm Bồ Tát, đồng thời đến mười phương vô lượng thế giới phổ độ chúng sanh. Bồ Tát giống như ánh mặt trời chiếu trọn khắp trên không trung, chúng sanh giống như hoa sen mọc trong bùn lầy hôi thối được ánh mặt trời chiếu đến, bèn có thể vượt khỏi bùn lầy mà nở hoa, kết quả. Do vậy, Báo Thân của các vị đại Bồ Tát trong cõi ấy vẫn ở trong cõi đó, như núi chúa Tu Di thường trụ bất động, mà hóa thân thị hiện mười phương, ứng theo căn cơ mà giáo hóa, độ hết thảy chúng sanh, cùng sanh về cõi An Lạc, cùng được liên hoa hóa sanh, cùng thân cận Phật Di Đà, cùng được thọ ký, cùng thành Phật đạo, lại cùng độ chúng sanh. Như thế lần lượt hóa độ vô tận, đèn nối tiếp đèn, có lực dụng và lợi ích chẳng thể nghĩ bàn như thế ấy. Vì thế, kệ tụng ghi là: “An Lạc quốc thanh tịnh, thường chuyển vô cấu luân (thanh tịnh Đại Thừa pháp luân), hóa Phật Bồ Tát nhật, như Tu Di trụ trì” (Cõi An Lạc thanh tịnh, thường chuyển pháp luân vô cấu (pháp luân thanh tịnh Đại Thừa), vầng mặt trời hóa Phật, Bồ Tát, như núi Tu Di trụ trì).
2.2.1.2.3.1.3.4.3.2. Công đức đồng thời đến trọn khắp
(Luận) Vô cấu trang nghiêm quang, nhất niệm cập nhất thời, phổ chiếu chư Phật hội, lợi ích chư quần sanh.
(Chú) Phật bổn hà cố khởi thử trang nghiêm? Kiến hữu Như Lai quyến thuộc, dục cúng dường tha phương vô lượng chư Phật, hoặc dục giáo hóa vô lượng chúng sanh, thử một, bỉ xuất, tiên Nam, hậu Bắc, bất năng dĩ nhất niệm, nhất thời phóng quang phổ chiếu, biến chí thập phương thế giới, giáo hóa chúng sanh, hữu xuất một tiền hậu tướng cố.
(論)無垢莊嚴光。一念及一時。普照諸佛會。利益諸群生。 (註)佛本何故起此莊嚴。見有如來眷屬。欲供養他方無量諸佛。或欲教化無量眾生。此沒彼出。先南後北。不能以一念。一時。放光普照。遍至十方世界。教化眾生。有出沒前後相故。
(Luận: Sáng trang nghiêm không nhơ, một niệm và một thời, chiếu khắp các Phật hội, lợi ích các quần sanh.
Chú: Vốn vì lẽ nào mà đức Phật dấy lên sự trang nghiêm này? Do Ngài thấy có Như Lai mà quyến thuộc muốn cúng dường vô lượng chư Phật ở phương khác, hoặc muốn giáo hóa vô lượng chúng sanh, biến mất nơi đây, xuất hiện ở nơi kia, trước Nam, sau Bắc, chẳng thể trong một niệm hoặc một thời phóng quang chiếu trọn khắp, đến trọn khắp mười phương thế giới giáo hóa chúng sanh, cho nên có tướng hiện ra, mất đi, trước, sau).
Đây là loại công đức trang nghiêm thứ hai của các vị đại Bồ Tát trong quốc độ An Lạc: Thân ứng hóa của các Ngài có thể trong hết thảy các thời, dùng một niệm tâm phóng đại quang minh, chiếu trọn khắp mười phương lợi ích quần sanh. Đó gọi là công đức “đồng thời đến trọn khắp”.
Vì sao A Di Đà Phật phải có công đức trang nghiêm này? Chính là vì trong khi tu nhân, Ngài trông thấy có những vị Như Lai, mà các vị Bồ Tát là pháp quyến của các Ngài, trước khi đăng địa (trước khi chứng Sơ Địa), muốn cúng dường vô lượng chư Phật ở những thế giới khác, hoặc là muốn đến những cõi Phật khác giúp Phật giáo hóa chúng sanh, thân nghiệp báo hoặc là ý sanh thân9 của họ tất nhiên là có tướng sai biệt hiện ra, biến mất, trước, sau, đến, đi, chẳng thể đồng thời đến trọn khắp, công dụng chẳng lớn. Không chỉ là chẳng khế hợp tâm đại từ bi độ chúng sanh của Bồ Tát, mà cũng chẳng thể thuận hợp Chân Như pháp tánh tột cùng theo chiều dọc, trọn khắp theo chiều ngang. Đấy là chẳng đủ lý tưởng, chẳng rất viên mãn!
(Chú) Thị cố hưng nguyện, nguyện ngã Phật độ chư đại Bồ Tát, ư nhất niệm, thời khoảnh, biến chí thập phương, tác chủng chủng Phật sự, thị cố ngôn: “Vô cấu trang nghiêm quang, nhất niệm cập nhất thời, phổ chiếu chư Phật hội, lợi ích chư quần sanh”.
(註)是故興願。願我佛土諸大菩薩。於一念時頃。遍至十方。作種種佛事。是故言。無垢莊嚴光。一念及一時。普照諸佛會。利益諸群生。
(Chú: Vì thế, phát nguyện, nguyện các vị đại Bồ Tát trong cõi Phật của tôi trong khoảng thời gian một niệm đến trọn khắp mười phương, làm các thứ Phật sự. Vì thế nói: “Sáng trang nghiêm không nhơ, một niệm và một thời, chiếu khắp các Phật hội, lợi ích các quần sanh”).
Đã có những nguyên nhân chẳng viên mãn như vừa nói trên đây, trong khi tu nhân, A Di Đà Phật bèn phát nguyện, trong thế giới khi Ngài thành Phật, tất cả chúng sanh vãng sanh cõi ấy, ai nấy đều “hoa nở thấy Phật, ngộ Vô Sanh”, đều đã phá vô minh, đã phần chứng Pháp Thân, cho đến bậc đại Bồ Tát Nhất Sanh Bổ Xứ đều có thể cùng lúc cúng dường trọn khắp vô lượng chư Phật, đều có thể diễn nói Nhất Thiết Trí Trí, đều có tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông. Chỉ có như vậy thì mới có thể trong hết thảy thời, trong khoảng một niệm, thị hiện thân ứng hóa của Phật, trong mười phương thế giới làm đủ mọi Phật sự độ sanh. Đấy chính là những điều được thành tựu bởi công đức của các nguyện từ nguyện thứ hai mươi hai cho đến nguyện thứ hai mươi lăm trong bổn nguyện của Phật Di Đà.
“Vô cấu trang nghiêm quang” (Quang minh trang nghiêm vô cấu): Đấy là nói về quang minh nơi Báo Thân thanh tịnh viên mãn. Chúng sanh trong chín pháp giới chẳng thể thấy Tự Thọ Dụng Báo Thân của Phật. Phàm phu, Nhị Thừa và Địa Tiền Bồ Tát (các địa vị Bồ Tát trước khi chứng Sơ Địa) cũng chẳng thể thấy Tha Thọ Dụng Báo Thân! Chỉ có bậc Địa Thượng Bồ Tát đã phá vô minh, phần chứng Pháp Thân và Báo Thân là có thể thấy, và cũng có thể do phần chứng Báo Thân mà dấy lên Ứng Hóa Thân, thị hiện Ứng Hóa Phật. Do vậy, có thể trong “nhất niệm cập nhất thời” (một niệm và một thời), tỏa ra quang minh trang nghiêm vô cấu, đồng thời chiếu trọn khắp trăm, ngàn, vạn, ức đại hội của ứng hóa Phật. Như trong phẩm Như Lai Thọ Lượng kinh Pháp Hoa có nói: “Ngã thường tại thử Sa Bà thuyết pháp giáo hóa, diệc ư dư xứ bách thiên vạn ức na-do-tha A-tăng-kỳ quốc đạo lợi chúng sanh” (Ta thường ở trong cõi Sa Bà này thuyết pháp giáo hóa, cũng ở trong trăm ngàn vạn ức na-do-tha A-tăng-kỳ cõi ở những nơi khác để hướng dẫn, lợi lạc chúng sanh). Ứng Hóa Phật không chỉ là thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh, mà cũng có thể phóng quang, hiện thần thông, dùng đủ mọi phương tiện diệt trừ hết thảy sự khổ ách của chúng sanh, khiến cho chúng sanh liễu sanh thoát tử, đều được thành Phật. Vì thế nói: “Lợi ích chư quần sanh”.
(Chú) Vấn viết: Thượng chương vân “thân bất động dao, nhi biến chí thập phương, bất động nhi chí”, khởi phi thị “nhất thời” nghĩa da? Dữ thử nhược vi sai biệt? Đáp viết: Thượng đản ngôn “bất động nhi chí”, hoặc dung hữu tiền hậu. Thử ngôn “vô tiền, vô hậu”, thị vi sai biệt, diệc thị thành thượng bất động nghĩa. Nhược bất nhất thời, tắc thị vãng lai; nhược hữu vãng lai, tắc phi bất động. Thị cố vi thành thượng bất động nghĩa cố, tu quán nhất thời.
(註)問曰。上章云。身不動搖。而遍至十方。不動而至。豈非是一時義耶。與此若為差別。答曰。上但言不動而至。或容有前後。此言無前無後。是為差別。亦是成上不動義。若不一時。則是往來。若有往來。則非不動。是故為成上不動義故。須觀一時。
(Chú: Hỏi: Chương trước nói “thân chẳng lay động mà đến trọn khắp mười phương”, “bất động mà đến”, há chẳng phải là ý nghĩa “nhất thời” ư? Có gì khác biệt với chỗ này? Đáp: Phần trước chỉ nói “bất động mà đến”, có thể là có trước sau. Ở đây nói là “chẳng trước, chẳng sau”, đó là chỗ sai biệt, mà cũng là để thành tựu ý nghĩa “bất động” trong phần trước. Nếu chẳng phải là một thời, sẽ là đến, đi, tức là chẳng phải bất động. Vì thế, để thành tựu ý nghĩa “bất động” trong phần trên thì cần phải quán “nhất thời”).
Trong đoạn văn này, ngài Đàm Loan giả lập một đoạn vấn đáp để giải thích sự khác biệt giữa “bất động” và “nhất thời”, lời văn dễ hiểu. Nay tôi nêu ra hai thí dụ:
1) Như là một khối vàng ròng chẳng biến động, nhưng tùy thuộc người thợ kim hoàn có thể chế thành các đồ vật. Những món đồ vật được chế tạo ra, tất nhiên là có thứ tự trước sau bất đồng, chẳng thể đồng thời cùng trên một khối vàng mà chế thành rất nhiều món đồ.
2) Như một tấm gương sáng cũng chẳng biến động, có thể tùy thuộc các đồ vật soi vào mà hiện ra các hình ảnh. Các hình ảnh không có trước sau, cùng một lúc hiển hiện trong tấm gương sáng.
Vàng ròng và gương sáng đều bất động, nhưng có “trước sau” và “chẳng trước, chẳng sau” sai biệt. Các vị đại Bồ Tát trong cõi ấy làm Phật sự cũng giống như thế. Nói theo địa vị thì từ Sơ Địa cho đến những địa vị Bồ Tát cao hơn đều có phẩm đức “bất động mà ứng hóa”, nhưng từ Bát Địa Bồ Tát trở lên và hóa thân của Phật thì mới có phẩm đức “đồng thời đến trọn khắp”.