Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Giảng Lục
VIII/ Niệm Quán Thế Âm Bồ tát Để Được Vô Lượng Vô Biên Phước Đức
Chánh văn:
Vô Tận Ý! Nếu có người thọ trì danh tự của sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ tát, lại trọn đời cúng dường đồ ăn uống, y phục, giường nằm, thuốc thang. Ý ông nghĩ sao? Công đức của người Thiện nam tử, Thiện nữ nhơn đó có nhiều chăng?
Vô Tận Ý thưa: “Bạch Thế Tôn! Rất nhiều”. Phật nói: “Nếu lại có người thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát nhẫn đến một thời lễ lạy cúng dường thời phước của hai người đó bằng nhau không khác, trong trăm nghìn muôn ức kiếp không thể cùng tận.
Vô Tận Ý! Thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát đặng vô lượng vô biên phước đức lợi ích như thế”.
Giải:
Đoạn văn này so lường công đức niệm danh hiệu Quán Âm. Hằng ngày chúng ta trì niệm danh hiệu Quán Âm đáo để có những bao nhiêu công đức? Đức Phật bảo Ngài Vô Tận Ý rằng: Thoảng hoặc nếu có người đại trí huệ năng đơn niệm một danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát so sánh với danh hiệu sáu mươi hai ức hằng ha sa Bồ tát, thì công đức ấy đồng đều ngang nhau.
Sáu mươi hai ức hằng ha sa là số mục, nói những vị Bồ tát bị niệm lắm nhiều. Hằng hà là tên một con sông ở Ấn Độ, phát nguyên từ trên núi Tuyết, tại nơi ao A Nậu Đạt. Núi Tuyết rất cao, tức là núi Hy Mã Lạp Nhã ngày nay. Do từ trên đỉnh núi chảy xuống một đường thẳng như từ trên thiên đường chảy đến, nên lại còn có tên là Thiên Đường Lai Hà. Sông Hằng bề dài ngàn trăm dặm, bề rộng bốn mươi dặm, mà nước rất cạn. Đáy sông có kim sa, cát vàng, lại có bùn cát. Cát nó sáng lóng lánh và mịn như bột phấn. So với cát các sông ở nước ta rất là khác nhau. Bốc một bốc cát ấy hãy chẳng khá đếm biết được, huống là cát của nó dài ngàn trăm dặm, rộng bốn mươi dặm thời còn nói gì nữa? Mỗi khi Phật giảng đến số mục nhiều chẳng khá tính toán được liền nói hằng hà sa. Trong cõi Ta bà thế giới, có bao nhiêu Bồ tát, hoặc hiển hoặc ẩn, hoặc quyền hoặc thật, có như số cát sáu mươi hai ức con sông Hằng.
Uống ăn, áo mặc, thuốc men, đồ nằm gọi là bốn món cúng dường. La Hán tuy liễu sanh tử, nhưng cũng có khi sanh tiểu bệnh, vì xác thân này là ái thể do cha mẹ để lại. Đã có quả báo sanh thân, cho nên cũng phải có bệnh. Ngoại trừ các vị quyền thật Bồ tát thị hiện, kỳ dư như thật hành Bồ tát thời cũng có tiểu bệnh như cảm gió, ho, khạc nhổ, chứ chẳng phải đại bệnh nghiệp chướng. Phật Thích Ca cũng có việc đau lưng, cho nên dùng thuốc men cúng dường chữa cho lành bệnh. Phải biết Phật, Bồ tát, La Hán, đã có thân thể (ứng hóa thân chẳng phải hai thân Pháp, Báo) tức có quả báo, vì muốn thị hiện ra bệnh tướng để giáo hóa chúng sanh cho nó biết rằng nghiệp báo chẳng bao giờ mất. Nên đã nói: Tuy không tạo nghiệp và kẻ chịu quả báo, nhưng nghiệp đã gây ra quyết định chẳng mất. Một khi nhân duyên hội ngộ, tự chịu lấy quả báo mà mình đã gây.
Cúng dường người xuất gia không ngoài bốn thứ vừa kể trên. Nhưng đến địa vị Bồ tát tài bảo đầy đủ, vốn chẳng cần dùng uống ăn, áo mặc, thuốc men, của thế gian nữa, nhưng chẳng qua người có thể phát tâm cúng dường, khả dĩ để cầu phước mà thôi. Bởi vì hằng tu tâm Bố thí quyết cảm thọ được phước báo phong phú giàu dư vậy. Cúng dường có chia ra nội ngoại hai phần: tứ cúng, ngũ cúng hoặc thập cúng dường v.v… đều là ngoại cúng dường; cung kính lễ bái, khẩu niệm danh hiệu, tâm quán tưởng Thánh dung, đấy gọi là thân, khẩu, ý, ba nghiệp là nội cúng dường. Nếu được khẩn thiết chí thành, công đức thật bất khả tư nghì.
Nếu có người khắp trì danh hiệu của sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ tát và lại do thân này chuyên môn cúng dường cho đến chết mới thôi. Người này thọ trì danh hiệu nhiều như thế, đấy là Đại công đức thứ nhất. Sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ tát, như thế là Phước điền rất nhiều, đấy là Đại công đức thứ hai. Lại cúng dường rộng lớn như thế, đấy là Đại công đức thứ ba. Phát tâm cúng dường đến cả trọn một đời sống, thời gian lâu dài, đấy là Đại công đức thứ tư. Vô Tận Ý! Này ngươi xem công đức của người ấy chừng nhiều hay ít? Ngài Vô Tận Ý thưa: Bạch Thế Tôn! Công đức ấy nhiều lắm nhiều lắm, thật nói không thể hết được.
Đức Phật giảng: Công đức của người này cố nhiên là nhiều lắm đấy. Nhưng lại là nếu có một người chỉ đơn trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát mà chẳng thọ trì danh hiệu sáu mươi hai hằng hà sa Bồ tát, và cũng chẳng tứ sự cúng dường trọc cả một đời người, mà chỉ bái lễ cúng dường nhất thời mà thôi. Vậy thời công đức của người này đã làm được đem mà so sánh là như thế nào? Người đời lễ bái đầu trán chẳng đến đất, lạy xuống ngốc lên, là tâm gián đoạn khinh dễ, không được lợi ích. Cần phải như quả núi lớn sập đổ: Năm vóc gieo xuống đất, cốt là để bẻ gãy tâm cống cao ngã mạn. Lại còn cần phải buông thả muôn duyên, nhất tâm đảnh lễ. Tuyệt đối chẳng nên tham khoái tham nhiều là vọng tưởng, có tư lường phân biệt, thời tâm bị rối loạn ngay.
Vả lại, Bồ tát là Bồ tát ở trong tâm chúng sanh, tức là lễ bái Bồ tát nơi tự tánh; chúng sanh là chúng sanh ở trong tâm Bồ tát. Đem chúng sanh ở trong tâm Bồ tát mà đảnh lễ Bồ tát ở trong chúng sanh. Nên phải quán sát “Năng lễ Sở lễ tánh đều vắng lặng, trọn chẳng khá được”. Được như thế mới là đem chân tâm lễ bái, chân thật cúng dường Bồ tát, tự có cảm ứng bất khả tư nghì. Đấy là điều mà những người học Phật chẳng khá chẳng biết vậy.
Cho nên nói người này ở trong một ngày 24 giờ đồng hồ, dành riêng một giờ lễ bái, thời gian chẳng lâu như trọn cả đời sống, đấy là thời gian ít. Chỉ đơn hướng về một Đức Quán Âm đấy là phước điền ít. Chỉ trì một danh hiệu Quán Âm mà chẳng thọ trì nhiều danh hiệu sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ tát, đấy là trì danh ít. Cũng không có tứ sự cúng dường cho đầy đủ, đấy là cúng dường ít. Thói quen của người đời căn cứ theo mặt nổi ở bên ngoài mà đem so sánh cho kẻ trước là có công đức lớn lao, nhưng kỳ thật, phước của hai người ấy kia, đây ngang nhau sít soát chẳng ai hơn kém hào ly nào cả.
Nhân vì Quán Thế Âm Bồ tát, từ vô lượng kiếp đến nay, đã sớm thành Phật.
Mà hiện tại thị hiện Bồ tát mục đích để độ người, cho nên công đức cao cả đồ sộ bất khả tư nghì. Cho nên ai thường hay lễ bái cúng dường, cũng chính như lễ bái cúng dường mười phương Chư Phật Như Lai. Hy sinh thời gian chỉ một tiếng đồng hồ trong mỗi ngày để lễ bái cúng dường Quán Thế Âm được công đức ngang bằng với công đức của mọi người trọn đời trì niệm, tứ sự cúng dường sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ tát. Trì danh hiệu Quán Thế Âm có phước đức lợi ích vô lượng vô biên như thế, cho nên công đức Quán Thế Âm Bồ tát chừng một mảy lông mà Ngài Phổ Hiền Bồ tát chẳng lường biết cho rốt ráo được.
Ví như một lượng vàng ròng giá trị quá hơn một trăm ký lô bông dệt vải. Chỉ đơn trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm như trì một lượng vàng ròng. Thọ trì danh hiệu sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ tát, giống như một bao bông dệt vải hai trăm kí lô, tính số tuy nhiều, mà giá trị trọn chẳng thể cao hơn một lượng vàng ròng được. Lại như ngọc Ma ni bửu châu một viên giá trị quá hơn ngàn vạn thứ ngọc hải bửu như ngọc Xa cừ, San hô. Lại như việc Bố thí: Bố thí ngàn vạn người ác, chẳng bằng Bố thí một người thiện. Cúng dường ngàn ông Tăng phàm phu, chẳng bằng cúng dường một vị Bồ tát. Bởi vì Tăng phàm phu chưa xong sanh tử, A la hán chẳng chịu độ sanh, cho nên công đức có lớn nhỏ chẳng đồng đều được vậy.
Thuở xưa đã từng có một La Hán đi ra ngoài, trao cho tên đệ tử vai mang khăn gói theo sau, đồng đi. Đệ tử đi giữa đường, xem thấy những người nông phu trong những đám ruộng đang làm lụng lam lũ, khổ nhọc, ta bèn phát Bồ tát tâm, muốn rộng độ bọn người ấy. Vị La Hán đã chứng được Tha tâm thông, nên biết trò mình đã phát tâm Bồ tát, Ngài khiến đệ tử phải đi trước, và lấy khăn gói lại tự mang đi theo sau. Một lần phát tâm. Thầy trò đi chưa lâu đệ tử nghĩ: Tu Bồ tát Đạo, phải chịu bao khổ nhọc, bị bao oán thù, đâu phải dễ gì mà mình kham gánh vác sao nổi? Nghĩ vậy bè thối lui phát tâm Tiểu thừa. Lại bị Thầy biết được. Khiến trò mang gói đi theo sau. Một lần thối tâm. Thầy trò đi chừng hai ba dặm, đệ tử lại nghĩ rằng: Tu Bồ tát tuy khó tu, nhưng mà sẽ được thành Phật. Vậy thì ta nên quyết phát phải Bồ tát tâm, rồi sẽ gắng sức tu cho kỳ được. Hai lần phát tâm. Lại được Thầy mời đi trước và cũng khỏi mang khăn gói. Thầy cứ khiến trò hoặc đi trước, hoặc đi sau, nên làm cho kẻ đệ tử mù mịt chẳng hiểu Ngài muốn làm diệu thuật gì đây, mà khiến mìng rắc rối tráo trở như thế, nên mới bạo dạng thưa hỏi. Thầy giảng: Khi người phát tâm Bồ tát là cao hơn La Hán nên Thầy dạy ngươi đi trước. Rồi khi ngươi thối lui tâm Bồ tát xuống nơi La Hán là ngươi đi sau mang gói. Ngươi đối với tâm Bồ tát, khi phát ra hoặc lui về, cho nên trên đường đi, ngươi hoặc được đi trước thong thả, khi phải đi sau và mang gói gọi là phục kỳ lao, chớ sao?
Cho nên Bồ tát tâm chẳng nên chẳng phát. Vả lại phát được càng lớn càng tốt. Rất chẳng nên cho là sức của mình chẳng làm nổi chẳng đủ sức, rồi nhân đấy mà tự khinh tự tiện. Đức Phật A Di Đà, ban sơ, khi còn là Pháp Tạng Tỳ kheo. Phát 48 lời thệ nguyện, bị người thời bấy giờ cho là điên là cuồng. Cuối cùng vẫn nhờ phát nguyện chẳng lui mà được thành Phật đạo. Quý vị đem công đức nghe Kinh hồi hướng phổ lợi chúng sanh, nguyện đồng chúng sanh cộng thành Phật đạo. Đến nơi nào cũng lấy chúng sanh làm tiền đề. Bởi vì chúng sanh là chúng sanh ở trong tâm của ta, niệm niệm phát nguyện như thế tức là âm thầm un đúc trong pháp giới vô hình để kết pháp duyên cùng với chúng sanh. Quán Thế Âm Bồ tát, có tinh thần cứu thế Từ bi độ nhân hoằng đại này. Cho nên công đức của Ngài chính như công đức mười phương chư Phật. Cho nên đơn độc lễ bái cúng dường Quán Thế Âm Bồ tát cũng như đã lễ bái cúng dường sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ tát. Hơn nữa, Quán Thế Âm Bồ tát lại còn xưng là Phổ môn Đại Sĩ, xưng là Pháp Giới Tánh. Cho nên sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ tát cũng chẳng phải là chẳng bao gồm nơi trong.
Công phu tu hành của chúng ta nhiều niệm đầu tức là nhiều vọng tưởng. Quý vị cho là niệm được càng nhiều càng hay. Kỳ thật chẳng phải vậy. Phật pháp duy giản chuyên, duy hằng cần, tâm một chẳng hai, tức là khắp cùng Pháp giới, cho nên bất tất phải tham nhiều: Khi thì tụng Kinh này, lúc lại đọc Kinh kia, lúc thì lễ sám, khi lại trì chú, bận rộn lăng xăng chẳng lúc nào rảnh; tuy chẳng phải không có công đức, nhưng có thể làm cho tâm dễ bị tán loạn bất định. Lại có một hạng người, mai ba chiều bốn, ưa mới chán cũ tự mình chẳng có bản lãnh gì cả. Chẳng bằng chí thành khẩn thiết, chuyên một chẳng hai trì tụng phẩm Phổ môn, hoặc chuyên niệm Quán Thế Âm Bồ tát thời chắc được lợi ích nhiều đến vô lượng vô biên vậy.
Thuở trước có người tên là Cao Phiền, tư chất thông minh có thiên tài học giỏi, mới lên mười bốn tuổi đã đậu Tú tài. Anh Tú lấy người vợ họ Phàn, tự là Giang Thành. Người vợ có nhan sắc đẹp đẽ, nhưng bị phải tính tình bạo ác bướng bỉnh. Thế là Cao tú tài gặp phải sự đau khổ thầm kín bên trong là cô vợ hà đông sư tử như con thú dữ ở xứ Hà Đông. Gây đau khổ cho anh ta đến nỗi thân thể gầy mòn ốm như khúc củi khô. Bà nhạc mẫu lại là người rất hiền lành, nhân thấy con mình đối đãi với chồng nó chẳng được tử tế lành đẹp lắm, nên bà lấy làm lo âu. Rồi bà mới thiết lễ cầu nguyện Đức Quán Thế Âm Bồ tát xin gia hộ. Đêm bà mộng thấy nói rằng: Con gái của ngươi kiếp đời trước là một con chuột trường sanh đã sống ở trong một ngôi chùa lâu năm, do vị Hòa Thượng chùa ấy nuôi dưỡng. Kiếp trước Tú tài còn là tên học trò đã từng ở nhờ trong ngôi chùa ấy để đọc sách, y đã làm chết chuột kia. Với hiện tại tức một quả báo trả lại đền một quả báo, cho đến khi nào chết mới xong. Nhưng nếu niệm phẩm Phổ môn, có thể cứu được. Bà nhạc mẫu liền bảo cho con rể và anh với chị nhà bển hay việc mình đã vừa mộng thấy. Sau đó toàn gia trì niệm hơn vài tháng nhưng chưa thấy có hiệu quả gì. Họ mới bảo anh Tú, khiến anh cũng phải cùng nhau phát tâm hằng thường, đồng tâm trì niệm. Bỗng nhiên có một vị lão Tăng đến. Lão Tăng này lại kiêm chuyên môn tướng thuật rất tinh tường và minh đạt lẽ nhân quả nữa. Bấy giờ dân làng tranh nhau đến cầu hỏi những việc cát hung đủ thứ. Phàn thị vợ Thầy Tú cũng cùng đi đến Thầy lão như mọi người. Khi lão Tăng thấy cô, Ngài liền trực thị lên mặt cô và đọc một kệ sáu câu. Rồi Tăng lại dùng một chén nước và ngậm phun lên cả mặt cô. Chính lúc ấy mọi người lấy làm ngạc nhiên đều cho là “khốn rồi” lão Tăng này chắc là sẽ bị Phàn thị nó hành hung cho mà biết, vì bình nhật tính nó nóng nảy, hễ trái ý nó thì phải biết. Nhưng trái lại, ai ngờ cô Tú vẫn điềm nhiên, mặc cho lão Tăng phun nước làm phép tắc gì thì làm chẳng ai thấy cô có chút giận dữ gì hết. Sáu câu của Ngài nói: Này, đừng nên giận, đừng nên giận nữa. Kiếp trước cũng chẳng giả, kiếp này cũng chẳng thật. Khốn nạn, chuột mi cắm đầu chạy đừng cho mèo đuổi bắt. Cô Tú nghe xong tức thì tỉnh ngộ, và cũng từ đấy về sau cải đổi hoàn toàn tì khí. Cô gắng sức ăn năn thay đổi những lỗi lầm ngày trước, dĩ nhiên là trở thành một người vợ hiền lương, người dâu hiếu thuận. Đức Quán Thế Âm Bồ tát thật bất khả tư nghì, vô lượng vô biên phước đức lợi ích vậy. Thường thường có như thế.