Vãng Sinh Tập

Nguyên tác Hán văn: Đất Cổ Hàng, sa-môn Châu Hoằng ở chùa Vân Thê biên tập.
Việt dịch: Nguyên Lộc-Thọ Phước
Hiệu đính: Định Huệ

Quyển 2

II. VUA QUAN VÃNG SINH

  1. Vua Nước Ô Trành

Những lúc rảnh rỗi việc triều chính, vua thường thích nghiên cứu Phật pháp. Vua từng nói với các cận thần: “Trẫm là vua của một nước, tuy hưởng phúc lạc nhưng cũng không tránh khỏi vô thường, nghe nói cõi Tịnh độ ở Tây phương có thể An Dưỡng tinh thần; trẫm phải phát nguyện sinh về nước ấy”. Từ đó, ngày đêm sáu thời, vua chuyên tâm niệm Phật. Vua cũng thường xuyên cúng Phật và thiết trai cúng dường chư tăng; đích thân vua và hoàng hậu dâng cúng thức ăn cho chư tăng. Vua làm như vậy suốt ba mươi năm mà không bỏ một ngày nào. Khi vua thăng hà sắc mặt rất tươi tỉnh và có hóa Phật đến đón. Những điềm lành lúc vua thăng hà rất nhiều.

Ghi chú:

Vào đời mạt pháp, người không có địa vị nghe pháp mà tin nhận, hành trì thì nhiều; ngược lại, người có địa vị nghe pháp mà phát khởi lòng tin, thực hành thì rất ít. Người có địa vị cực kì tôn quý như vua chúa, quan lại nghe pháp mà phát lòng tin, thực hành lại càng ít hơn. Vì sao? Vì địa vị càng cao thì tham dục càng lớn, tham dục càng lớn thì sự đắm nhiễm càng nặng. Đời nay, hiếm có người quyền cao chức lớn mà tránh được sự cám dỗ của tham vọng. Vì thế, người hưởng thụ dục lạc của hàng vua chúa mà không quên niệm Phật cầu sinh Tây phương, nếu chẳng phải nhiều đời đã gieo trồng duyên lành thì làm sao làm được như vậy! Mặc dù từ xưa đến nay những bậc vua chúa để tâm nghiên cứu kinh điển Phật giáo rất nhiều, nhưng vì sao không thấy ghi chép lại? Bởi vì, ở đây chỉ nói về chuyện vãng sinh Tịnh độ, cho nên không ghi chép lại.

  1. Đời Tống, Thế Tử

Cả ba cha con Thế Tử đều tu pháp môn niệm Phật, chỉ có người vợ không chịu tu. Em gái của Thế Tử qua đời năm lên mười bốn tuổi. Qua đời được bảy ngày thì bỗng nhiên cô sống lại nói với mẹ: “Con thấy trong ao bảy báu ở Tây phương đã có hoa sen của cha và hai anh em con, sau khi cha và hai anh em con qua đời sẽ sinh vào đó, chỉ riêng mẹ chưa có hoa sen; vì thế con mới trở về báo cho mẹ biết, mong mẹ để ý”. Nghe con gái nói như thế, bà vô cùng cảm động, liền phát khởi lòng tin niệm Phật không từ mệt nhọc. Sau khi qua đời, bà cũng được vãng sinh Cực lạc.

Ghi chú:

Người mẹ ban đầu thiếu duyên ở Tịnh độ, nhưng cuối cùng cũng được sinh về Cực lạc. Như thế, vãng sinh hay không là do tin hay không tin mà thôi. Trong Kinh ghi: “Chỉ trừ những người nào không có lòng tin thì không được vãng sinh”.

  1. Đời Tấn, Tham quân Lưu Di Dân

Ôngngười Bành Thành, là hậu duệ của Sở Nguyên Vương nhà Hán. Ông mồ côi cha từ thuở nhỏ, một lòng lo lắng phụng dưỡng mẹ, ông nổi tiếng là người có hiếu. Ông tự phụ cho mình tài ba nên không giao du với bọn người tầm thường. Ông làm Tham quân ở phủ, chẳng được bao lâu lại vội lui về ở ẩn. Tạ An, Lưu Dụ nhiều lần tiến cử ông, nhưng ông cự tuyệt không vào triều. Vì thế, ông được vua ban tấm biển hiệu là “Di Dân”. Sau đó, ông vào Lô Sơn tham dự đạo tràng Bạch Liên xã của ngài Huệ Viễn. Ông trứ tác “Niệm Phật tam-muội thi” để bày tỏ lòng chí thành của mình. Nhiều lần ở trong định, ông thấy hào quang của Đức Phật chiếu xuống đất và làm cho đất có màu vàng. Mười lăm năm sau, cũng tại Lô Sơn, ông lại thấy Phật A-di-đà phóng hào quang giữa hai chặng lông mày, rồi duỗi tay xuống vỗ về ông. Lúc ấy, Di Dân cầu nguyện: “Làm sao để được đức Như Lai xoa đầu và lấy y trùm cho con!”. Cầu nguyện vừa dứt lời, bỗng chốc Phật duỗi tay xoa đầu và lấy y trùm lên người ông.

Vào một ngày khác, ông lại thấy mình vào ao bảy báu[1], trong ao có hoa sen xanh, sen trắng, nước ao trong suốt. Lúc ấy, bỗng xuất hiện một người, trên đầu có vòng hào quang, giữa ngực có chữ 卍 chỉ nước trong ao và nói: “Đây là nước đủ tám công đức[2], ông có thể uống”. Di Dân liền múc uống, nước mát và ngọt. Sau khi tỉnh dậy, ông vẫn còn nhớ rất rõ và có hương thơm lạ phát ra từ các lỗ chân lông. Ông nói với mọi người: “Đã đến lúc tôi về Tịnh độ rồi”. Nói xong, ông đến trước tượng đốt hương, lễ Phật và khấn nguyện: “Con nhờ Đức Thích-ca chỉ dạy, mới biết có Phật A-di-đà; hương thơm này trước hết con dâng cúng dường Đức Thích-ca Như Lai, sau là cúng dường Phật A-di-đà và kinh Diệu Pháp liên hoa, nguyện cho tất cả chúng sinh đều được sinh về Tịnh độ!”. Khấn nguyện xong, ông ngồi xoay mặt về hướng tây, chắp tay qua đời. Lúc ấy, nhằm niên hiệu Nghĩa Hy thứ sáu (410).

Ghi chú:

Lời tựa của kinh Quán vô lượng thọ ghi: “Chính nhân của tịnh nghiệp là lấy việc hiếu dưỡng cha mẹ làm đầu”. Vì thế nên biết, người bất hiếu dù niệm Phật suốt ngày, Phật cũng không hoan nghinh. Nay Di Dân ngay từ lúc còn rất nhỏ đã biết hiếu dưỡng mẹ; chẳng những thế, ông còn trụ sâu trong thiền định và nhiều lần cảm ứng hiện điềm lành. Do đó, có thể biết ông ta nhất định sẽ được vãng sinh vào phẩm vị cao. Người tại gia tu tịnh nghiệp phần đông đều cho ông là gương sáng của muôn đời.

  1. Đời Tấn, Nhung tài[3] Trương Dã

Ông người Tầm Dương, thông thạo cả tiếng Trung Quốc lẫn tiếng Phạn. Ông giỏi văn chương, thi đổ tú tài, triều đình nhiều lần mời ông vào giữ chức “Tán kị thường thị”, nhưng ông đều từ chối. Về sau, ông vào Lô Sơn tu tịnh nghiệp trong đạo tràng Bạch Liên xã của ngài Huệ Viễn. Niên hiệu Nghĩa Hi thứ 14 (418), ông từ biệt mọi người, vào tịnh thất ngồi ngay thẳng và qua đời.

  1. Đời Tống, Học sĩ[4] Trương Kháng

Hễ ông làm được bất cứ việc thiện gì đều hồi hướng lên Đức Phật. Ông phát nguyện tụng mười vạn biến Đại bi đà-la-ni để cầu sinh Tịnh độ. Năm 60 tuổi, ông mắc bệnh nặng, nhất tâm niệm Phật. Một hôm, ông gọi người nhà đến nói: “Tây phương Tịnh độ đang ở trước nhà; Phật A-di-đà ngồi trên hoa sen, có đứa bé đứng trên đất vàng lễ Phật”. Nói xong, ông niệm Phật rồi qua đời. Đứa bé là cháu của Trương Kháng đã qua đời năm ba tuổi.

Ghi chú:

Tâm tịnh thì Tây phương hiện ra trước mắt; tâm uế thì địa ngục theo bên mình. Tâm của Trương Kháng đã hoàn toàn thanh tịnh nên thấy Phật ở trước nhà, sao lại còn nghi ngờ!

  1. Đời Tống, Tư sĩ Vương Trọng Hồi

Ônglàm quan đến chức Tư sĩ Tham quân ở Quang Châu. Một hôm, ông hỏi Vô Vi Tử Dương Kiệt: Vì sao trong kinh dạy người cầu sinh Tịnh độ, nhưng Tổ sư lại dạy tâm là Tịnh độ, không nhất định phải cầu?

Dương Kiệt đáp: “Ông thử tự suy nghĩ, nếu ở cõi Phật thì không có tịnh, không có uế, cần gì phải cầu sinh! Còn ngược lại, nếu chưa thoát khỏi cảnh chúng sinh, đâu thể không chí tâm niệm Phật để xa lìa cõi uế mà cầu sinh về cõi tịnh!”. Tư Sĩ vỡ lẽ vui vẻ cáo từ.

Hai năm sau, lúc Dương Kiệt làm Thái thú ở quận Đan Dương, bỗng một hôm, ông nằm mộng thấy Tư sĩ Vương Trọng Hồi nói: “Trước kia nhờ ông chỉ bảo, nên tôi đã được vãng sinh, hôm nay đặc biệt đến tạ ơn ông”. Vài ngày sau có tin báo tang đến, nội dung nói: “Tư sĩ Vương Trọng Hồi biết trước bảy ngày nữa sẽ mạng chung nên ông từ biệt bà con họ hàng rồi qua đời”. Quả thật, đúng như những gì Dương Kiệt mộng thấy!

  1. Đời Đường, Huyện úy Mã Tử Vân

Ông sống vào , thi đổ Hiếu Liêm, được tiến cử làm chức Huyện úy ở Kinh Ấp. Sau đó, ông áp tải tiền của, châu báu về kinh đô, trên đường đi gặp bão, tàu bị chìm nên ông bị bắt giam. Trong thời gian bị giam giữ, ông chuyên tâm niệm Phật. Năm năm sau, ông được trả tự do. Từ đó, ông vào chùa Nam Lăng Sơn ở ẩn. Một hôm, ông nói với mọi người: “Tôi một đời siêng năng niệm Phật, nay duyên lành ở Tây phương đã chín muồi, nhất định vãng sinh về nước An Dưỡng”.

Sáng hôm sau, ông tắm gội sạch sẽ, mặc đồ mới, ngồi ngay thẳng chắp tay niệm Phật, có hương thơm lạ phảng phất khắp phòng. Ông mỉm cười và nói: “Phật đến rước tôi”. Nói vừa dứt lời, ông qua đời.

Ghi chú:

Thân bị giam cầm, tâm chuyên niệm Phật, cuối cùng được ân xá. Cũng giống như trong phẩm Phổ môn của kinh Pháp hoa ghi: “Người bị giam cầm, xiềng xích niệm danh hiệu bồ-tát Quán Âm thì liền được thả ra”. Nay năm dục trói buộc, thế chẳng phải đang bị giam cầm sao! Niệm Phật một tiếng diệt trừ được tội nặng sinh tử trong tám mươi ức kiếp, lẽ nào đó chẳng phải là bí quyết để thoát tội sao! Người đắm đuối trong năm dục, không biết niệm Phật thì mãi mãi chịu tội không có thời hạn ân xá. Thật đáng thương xót!

  1. đời Tống, Quận thối Cổ Thuần Nhân

Ông người Hiệp Xuyên, làm quan phó quận Dĩnh Châu. Ông chuyên tâm tu tịnh nghiệp, trường trai niệm Phật. Sau đó, chỉ bị bệnh nhẹ, ông ngồi ngay thẳng xoay mặt về hướng tây mà qua đời. Lúc ông qua đời, trên đỉnh đầu có vòng tròn sáng và hương thơm lạ phảng phất khắp phòng.

  1. Đời Tống, Trợ giáo Trương Địch

Ông người Tiền Đường, làm quan đến chức Trợ giáo. Ông thụ giới bồ-tát và cầu học pháp môn Tịnh độ với luật sư Viên Tịnh. Từ đó, ông dốc lòng niệm Phật, nguyện sinh về cõi An Dưỡng. Cứ mỗi lần niệm Phật, ông niệm thật lớn, đến khàn tiếng vẫn không thôi. Một hôm, ông thưa với luật sư Viên Tịnh: “Trong định con thấy chim tần-già trắng bay lượn trước mặt”. Ba năm sau, ông xoay mặt về hướng tây, ngồi ngay thẳng niệm Phật và qua đời.

Ghi chú:

Vì sao chỉ thấy chim tần-già mà không thấy Phật? Bởi vì, ban đầu chỉ tạm thấy thế thôi, cuối cùng rồi sẽ thấy Phật! Đó chẳng phải dần dần đi vào cảnh giới tốt đẹp hay sao!

  1. Đời Tống, Quốc học Vương Long Thư

Ông tên thật làVương Nhật Hưu, người Long Thư, ông thanh liêm, chính trực và thông hiểu kinh sử. Một hôm, ông vứt bỏ tất cả và nói: “Những gì mà tôi học đây đều không phải là pháp cứu cánh, mục đích của tôi là cầu sinh Tây phương”. Từ đó, suốt mười sáu năm liền ông siêng năng niệm Phật, ăn mặc thô sơ đạm bạc; mỗi ngày lễ Phật một nghìn lạy đến nửa đêm mới ngủ. Ông có viết Long thư Tịnh độ văn[5] để khuyên người đời niệm Phật.

Ba ngày trước khi chết, ông đi từ biệt tất cả mọi người và nói: “Chẳng còn gặp nhau nữa”. Đến kì hạn, sau khi đọc sách xong, như thường lệ ông đỉnh lễ và niệm Phật; bỗng nhiên ông niệm A-di-đà Phật thật lớn và nói: “Phật đến rước tôi”. Nói vừa dứt lời, ông đứng thẳng mà qua đời, giống như cây trồng. Người trong làng nằm mộng thấy có hai người mặc đồ xanh đến dẫn ông đi về hướng tây. Từ đó, nhà nhà đều thờ cúng ông”.

Ghi chú:

Ở Long Thư, ông khuyên mọi người phát tâm niệm Phật cầu sinh Tây phương. Ông là người cương trực, thành khẩn bậc nhất, chẳng phải nói suông mà luôn làm đúng như lời nói. Đến lúc lâm chung có những điều kì đặc, ông là gương sáng cho muôn đời. Than ôi! Há chẳng phải những bậc thánh nhân Tịnh độ vào chợ duỗi tay cứu người sao!

  1. Đời Tống, Tư gián Giang Công Vọng

Ông người Điếu Đài, làm quan đến chức Gián nghị, ông chỉ ăn rau quả và chuyên tu. Ông soạn Bồ-đề vănNiệm Phật phương tiện văn để khuyến khích người xuất gia và tại gia tu tập.

Ông có một người con nhưng chẳng may chết sớm. Một hôm, nó hiện về báo mộng: “Đại nhân tu tập đã có kết quả, ở âm phủ có một bức hoành chữ vàng ghi rằng: Quan tri phủ Nghiêm Châu là Giang Công Vọng, giữ chức Tư gián, khát ngưỡng giáo lý khổ, không của đạo Phật, nên siêng năng tu tập, tâm không đắm nhiễm, mọi cử chỉ đều đúng với Phật pháp, nói năng như chính pháp, im lặng như chính pháp, sau khi xả báo thân, nhất định vãng sinh Tịnh độ”. Cuối niên hiệu Tuyên Hòa (1125), ông đang giữ chức quan Tham tri cho Quảng Đức quân. Một hôm, ông không bệnh, ngồi ngay thẳng xoay mặt về hướng tây mà qua đời.

Ghi chú:

Có người cho rằng: “Việc đề bức hoành dưới âm phủ, e là không có thật!”. Ôi! Tượng của ngài Vĩnh Minh thường được vẽ dưới âm phủ, như vậy, chuyện vị tăng nhiễu quanh tháp kể lại là có thật, đâu riêng gì Giang Công Vọng mà nghi ngờ!

  1. Đời Tống, Đại phu Cát Phồn

Ông người Trừng Giang, lúc nhỏ đã thi đậu khoa cử, làm quan đến chức Triều Tán[6]. Phàm chốn công đường hay nhà riêng, ông đều xây dựng tịnh thất, thiết trí bàn Phật. Ông thường vào thất tụng kinh, lễ Phật, cảm ứng xá-lợi từ trên không trung rơi xuống. Thường ngày, ông đem pháp tu tịnh nghiệp khuyên khắp người xuất gia hay tại gia tu tập; mọi người tin và thực hành theo rất đông. Một hôm, có vị tăng nhập định xuất thần đến cõi Tịnh độ, thấy ông Cát Phồn ở đó. Sau này, ông không có bệnh, ngồi xoay mặt về hướng tây mà qua đời.

Ghi chú:

Những vị quan tin Phật thì rất nhiều, nhưng phần đông chỉ vì tránh sự hiềm khích của thế gian nên họ không để lộ ra bên ngoài. Trái lại, Cát Phồn thì ở chốn công đường mà vẫn không quên thiết trí tượng Phật; đó là thể hiện lòng tin chân thật với Phật pháp của Cát Phồn! Sau này, ông ta ngồi ngay thẳng mà qua đời, đây không phải là ngẫu nhiên vậy.

  1. Đời Tống, Trung quan Lí Bỉnh

Ông làm Trung quan ở Thiệu Hưng, quản lý Viện Ngự Dược. Lúc đầu, ông học thiền với ngài Tịnh Từ Huy, có chút tỉnh ngộ. Đến già, tình cờ ông đọc được bộ Long thư Tịnh độ văn, từ đó phát tâm mỗi ngày niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Ông cùng các vị như: Các Trường Nguyên, Mỹ Điện Trường, Lâm Sư Văn v.v… khoảng vài chục người lập hội tu Tịnh độ tại chùa Truyền Pháp. Bỗng một hôm ông bệnh, nằm mộng thấy Đức Phật A-di-đà đem viên quang màu vàng ròng đội lên đầu ông. Bảy ngày sau, ông lại thấy hoa vàng khắp phòng. Rồi ông dặn dò, từ biệt người thân và ngồi ngay thẳng kiết ấn mà qua đời.

  1. Đời Tống, Tuyên nghĩa Hồ Nhân

Ônglàm quan đến chức Tuyên Nghĩa. Hằng ngày, tuy tin tưởng Phật pháp, nhưng chưa hiểu rõ về pháp môn Tịnh độ. Năm tám mươi bốn tuổi, ông bị bệnh nặng, người con đến mời thiền sư Thanh Chiếu đến chỉ dạy. Ngài Thanh Chiếu hỏi Hồ Nhân:

– Ông biết an thân lập mạng ở đâu không?

Hồ Nhân đáp:

– Tâm tịnh tức Phật độ tịnh.

Ngài Thanh Chiếu hỏi:

– Từ xưa đến nay ông có vọng tưởng nhiễm ô không?

Hồ Nhân đáp:

– Đã ở tại thế gian ai mà không có tạp niệm.

Ngài Thanh Chiếu nói:

– Như vậy thì làm sao đạt được tâm tịnh tức Phật độ tịnh?

Hồ Nhân nói:

– Niệm một câu danh hiệu Phật, làm sao có thể diệt được tội nặng sinh tử trong tám mươi ức kiếp?

Ngài Thanh Chiếu nói:

– Đức Phật A-di-đà phát thệ nguyện tu hành trong vô lượng kiếp, uy đức rộng lớn, ánh sáng và thần lực không thể nghĩ bàn; do đó, niệm một câu danh hiệu Phật thì diệt được vô lượng tội, giống như ánh nắng mặt trời làm tan sương tuyết. Như thế, còn nghi ngờ nữa sao!

Hồ Nhân liền tỉnh ngộ. Trong ngày đó, ông thỉnh chư tăng đến nhà niệm Phật. Ngày hôm sau, ngài Thanh Chiếu lại đến. Ông ta hỏi: “Sao Ngài đến muộn thế?” Hai vị đại sĩ đến từ lâu rồi.

Bấy giờ, ngài Thanh Chiếu bảo đại chúng niệm Phật lớn tiếng, Hồ Nhân chắp tay mà qua đời.

Ghi chú:

Hồ Nhân được vãng sinh là nhờ gặp ngài Thanh Chiếu. Người con đến mời ngài Thanh Chiếu, việc này đáng cho là đại hiếu! Ở đời có người chấp vào sự yêu thương nhỏ nhặt mà phá trai giới của cha mẹ, thật là sai lầm vậy.

  1. Đời Tống, Đề hình Dương Vô Vi

Ông tên thật là Dương Kiệt, người ở châu Vô Vi, hiệu Vô Vi Tử. Lúc trẻ đã thi đổ, làm quan đến chức Thượng thư Chủ khách lang, coi về hình ngục ở Lưỡng Chiết. Ông rất tôn sùng Phật pháp, tỏ ngộ thiền tông. Ông nói: “Căn cơ của chúng sinh có cao thấp, chỉ có pháp môn Tịnh độ Tây phương là dễ hiểu dễ tu, chỉ cần nhất tâm quán niệm thâu nhiếp vọng tâm và nương vào nguyện lực của Phật thì nhất định sẽ vãng sinh nước An Dưỡng”. Ông từng viết bài tựa Thiên Thai thập nghi luận[7]A-di bảo các kí, An Dưỡng tam thập tán, lời tựa Tịnh độ quyết nghi tập để hoằng truyền giáo quán Tây phương, dìu dắt chúng sinh đời sau. Đến lúc tuổi già, ông vẽ tôn tượng Phật A-di-đà cao một trượng sáu để quán tưởng. Đến ngày sắp mạng chung, Phật A-di-đà đến rước, ông ngồi ngay thẳng mà qua đời. Ông có nói bài tụng:

Sống cũng không có gì để lưu luyến,

Chết cũng không có gì để buông bỏ,

Chi hồ giả dã trong hư không mênh mông,

Đem cái lầm đến với cái lầm Tây phương Cực lạc.

Ghi chú:

Đọc bài tụng của Vô Vi Tử, có người cho rằng: “Vô Vi Tử tham thiền thấy được chân tính mà lại lấy cõi Tịnh độ làm chỗ quay về”. Đến ngay một lời nói “Đem cái lầm đến với cái lầm” hàm chứa không ít ý nghĩa. Than ôi! Đâu có được mấy bậc tài ba ở nhân gian đều đạt đến cái lầm này!

  1. Đời Tống, Quan sát Vi Văn Tấn

Tính tình thanh cao, chân thật, ông lập đạo tràng Tịnh Nghiệp hóa độ mọi người. Một hôm, vào tháng 6, ông ngồi kiết-già xoay mặt về hướng tây, chắp tay niệm Phật mà qua đời. Lúc ông qua đời, có hương thơm lạ lan tỏa khắp nơi, mọi người đều nghe biết.

  1.  Đời Tống, Lộ công Văn Ngạn Bác

Ông và pháp sư Tịnh Nghiêm nhóm họp mười vạn người rồi lập hội Tịnh Độ ở Kinh thành. Lúc sắp mạng chung, ông ngồi niệm Phật an nhiên qua đời.

  1. Đời Tống, Thị lang Mã Vu

Ông nội của Mã Vu là Trung Túc công. Khi còn làm thái thú ở Hàng Châu, ông nội của Mã Vu được Từ Vân sám chủ dạy niệm Phật; vì thế tất cả mọi người trong gia đình đều tôn sùng, kính ngưỡng Phật. Mã Vu chí tâm niệm Phật suốt hai mươi lăm năm. Đến niên hiệu Sùng Ninh (1102) bị bệnh nhẹ, ông tắm rửa thay y phục ngồi ngay thẳng và qua đời. Lúc ông qua đời có làn khí như chiếc dù màu xanh từ cửa phòng bay vào hư không và biến mất. Tất cả mọi người trong nhà đều mộng thấy ông vãng sinh thượng phẩm.

  1. Đời Tống, Thiếu sư Chung Li

Khi ông còn làm quan Đề hình ở Chiết Tây, gặp được ngài Từ Vân sám chủ thì hết lòng tin về Tịnh độ. Sau đó, ông giữ chức Tri phủ ở Khai Phong, khi ra ngoài thì hết lòng tận tụy phụng sự đất nước, lúc về nhà thì không quên niệm Phật. Bỗng một hôm, ông thúc giục người nhà đỡ ông dậy, tắm rửa, thay y phục rồi ngồi ngay thẳng mà qua đời. Cả nhà thấy ông ngồi trên hoa sen xanh, thiên nhạc đón rước đưa về phương tây.

  1. Đời Tống, Thừa vụ Diêm Bang Vinh

Ông  người Trì Châu, suốt hai mươi năm trì chú Vãng Sinh và niệm Phật. Lúc sắp mạng chung, người trong nhà mộng thấy Đức Phật phóng quang đến rước Diêm Bang Vinh. Sáng hôm sau, thấy ông ngồi kiết-già quay mặt về hướng tây, bỗng đứng dậy đi vài bước rồi đứng lại mà qua đời.

  1. Đời Tống, Triều tán Vương Trung

Ông người Gia Hòa, lập Bạch Liên xã ở Tây Hồ, không luận hiền ngu, giàu nghèo, tăng tục; những người nguyện vãng sinh, ông đều mời tham dự Bạch Liên xã. Ông có soạn bản văn Khuyến tu lưu hành ở đời. Sau này, ông không bệnh, ngồi xoay mặt về hướng tây mà qua đời.

  1. Đời Tống, Đại phu Chung Li Cảnh Dung

Ông làm quan đến chức Triều thỉnh đại phu, thường tụng kinh Quán vô lượng thọ, niệm Phật mãi không thôi. Khi về hưu, ông làm một am tranh bên cạnh vườn Nghi Chân Đông. Ông từng nói: “Không biết Di-đà thì Di-đà ở Tây phương bên ngoài; biết được Di-đà thì Di-đà ở tại nhà mình”. Một hôm, ông mời vị tăng tên Diệu Ứng tụng phẩm Phổ hiền hạnh nguyện, ông đốt hương cung kính lắng nghe, hai tay kiết ấn mà qua đời.

  1. Đời Tống, Quận thú Tiền Tượng Tổ

Ông hiệu Chỉ Am, lúc trấn giữ ở Kim Lăng, lấy việc tu Tịnh độ làm tâm niệm. Ở quê nhà, ông từng xây dựng mười nơi tiếp đãi khách đều đặt tên Tịnh Độ Cực Lạc, đồng thời xây liêu phòng Chỉ Am Cao Tăng để mời các vị tăng đến đàm đạo. Từ khi từ chức Tả thừa tướng trở về, ông siêng năng tu tịnh nghiệp.

Đến tháng 2 niên hiệu Gia Định thứ tư (1211), ông bị bệnh nhẹ, có viết bài kệ:

Hoa sen thơm từ cõi Phật đến

Trên đất lưu li màu trong suốt

Tâm ta thanh tịnh hơn như thế

Hôm nay xa thấy hoa sen nở.

Ba ngày sau, có vị tăng đến thăm bệnh, ông nói: “Tôi không tham sống, không sợ chết, không sinh lên trời, không sinh làm người, chỉ cầu sinh về Tịnh độ”. Nói xong, ông ngồi kiết-già mà qua đời. Sau đó, có người nằm mộng nghe trên không trung có tiếng nói rằng: “Tiền thừa tướng đã vãng sinh Tây phương!. Trong hoa sen với danh hiệu là Bồ-tát Từ Tế”.

  1. Đời Tống, Huyện lệnh Mai Nhữ Năng

Ôngngười Thường Thục, làm quan đến chức Huyện lệnh, chuyên tu tịnh nghiệp. Bỗng một hôm, ông nằm mộng thấy có một vị tăng trao cho một trăm tờ giấy có viết hai chữ “nhị bát”. Ông đem việc này đến hỏi thầy Đông Linh Chiếu. Đông Linh Chiếu nói: “Nhị bát” tức là “thập lục”. Há chẳng phải ám chỉ kinh Thập lục quán ư!

Ngay lúc ấy, có một vị tì-kheo đem quyển kinh trao cho ông, rồi biến mất. Từ đó, ông siêng năng tụng kinh, niệm Phật và ông tự lấy tên là Vãng Sinh, để tỏ bày chí nguyện. Bấy giờ, trong ấp có tượng đức Phật A-di-đà cao một trượng sáu do ngài Đạo Sinh dựng đã lâu, ông cúng một vạn tiền để tô vẽ, tu sửa lại pho tượng.

Lúc ấy, trong cái ao trước chùa bỗng mọc lên hai hoa sen trắng, mỗi hoa có một trăm cánh. Mùa đông năm ấy, ông không bệnh mà qua đời.

  1. Đời Tống, Học dụ Tảm Định Quốc

Ônghiệu Tỉnh Trai, làm quan đến chức Học dụ ở châu. Ông thường niệm Phật và đọc các kinh Tịnh độ. Mỗi tháng vào ngày mùng 3 và 8, ông nhóm họp người xuất gia, tại gia lại tụng kinh niệm Phật.

Đến niên hiệu Gia Định thứ tư (1211), ông nằm mộng thấy một đứa trẻ mặc áo xanh nói: “Đức Phật bảo tôi đến đón ông, ba ngày nữa ông sẽ vãng sinh về Tịnh độ”. Đến ngày thứ ba, ông tắm rửa thay y phục, ngồi ngay thẳng niệm Phật và qua đời.

  1. Đời Tống, Gián nghị Phùng Tế Xuyên

Ông hiệu Tế Xuyên, người ở Toại Ninh, thi đỗ Thái học ra làm quan. Ban đầu, ông học đạo ở chốn thiền lâm, đến già chuyên tu tịnh nghiệp. Ông soạn Tây phương vănDi-đà sám nghi. Sau này ông làm quan đến chức Cấp sự trung thống lĩnh quân đóng tại bên sông Lô, tỉnh Vân Nam. Ở đó, ông tập hợp kẻ tăng người tục lập hội Hệ Niệm[8] và cuối cùng là ông làm quan Tri châu tại Cung Châu.

Về sau, ông thiết lập một cái tòa cao ở trong sảnh đường hướng về cung vua kính cẩn lễ bái. Rồi ông mặc tăng y, bước lên tòa từ tạ tất cả vị quan lại xong, đặt cây gậy ngang đầu gối mà qua đời.

Ghi chú:

Theo Truyền đăng lục[9] ghi: “Ban đầu ông tham vấn với ngài Long Môn Viễn, sau đó lại tham vấn ngài Diệu Hỉ, hai ngài ấy đều là bậc đã chứng ngộ”. Ông biết trước giờ chết nên lên tòa giả từ các quan lại và cầm cây gậy đặt ngang đầu gối mà qua đời.

Ông được tự tại, nổi tiếng, rõ ràng có bản lĩnh như các bậc đại lão của Tông môn. Nhưng vì sao đều không nói đến việc niệm Phật vãng sinh? Bởi vì các nhà trước thuật lập ra nhiều giáo nghĩa khác nhau, mỗi người lại thuộc tông môn khác nhau; vì thế, họ chỉ chú trọng đến tông môn của mình mà thôi. Như người chú trọng về pháp môn “Trực chỉ nhân tâm” thì tự nhiên họ chỉ chọn lấy pháp môn “Liễu minh tâm địa” mà lược bỏ pháp môn Tịnh độ.

Cũng giống như ngài Hoài Ngọc quyết lấy đài vàng, đến khi ngài Viên Chiếu được ghi tên trên hoa đài, nhưng những vị ấy vẫn không được ghi lại trong bộ Truyền đăng lục này. Vì những vị này chỉ chú trọng cầu sinh Tịnh độ.

Cho nên biết, người nào khi sống chuyên niệm Phật cầu sinh Tịnh độ thì khi qua đời nhất định sẽ được vãng sinh. Nhưng những người mà đã thấy rõ bản tâm, đạt được tự tại thì càng tự tại trong việc vãng sinh.

Giống như nói, người đã thấy được Phật A-di-đà thì sao còn lo không được khai ngộ!

Thí dụ như, nếu nói trọng về đức thì Nhan Hồi là người đứng đầu về những người có đức, nhưng lại chẳng được kể vào những người tham gia chính trị. Còn nói trọng về tài thì Nhan Hồi cũng thuộc vào hàng những người tài giỏi đủ sức phò tá cho vua, nhưng lại cũng không kể vào hàng những người có đức. Sở dĩ có sự khác biệt này cũng vì không cùng hàng ngũ vậy.

Vì thế, người tu tịnh nghiệp xin hãy giữ vững lòng tin chớ có hoang mang!

  1. Đời Tống, Thị lang Vương Mẫn Trọng

Ông tên thật làVương Cổ, tự Mẫn Trọng, người Đông Đô, làm quan đến chức Lễ bộ thị lang. Ông là người có lòng nhân từ đôn hậu thương người thương vật. Ban đầu ông theo học thiền và thấu tỏ được yếu chỉ thiền tông. Sau đó, ông lại tỏ ngộ được sự thù thắng của pháp môn Tịnh độ. Ông soạn ra bộ Trực chỉ Tịnh độ quyết nghi tập, 3 quyển. Thường ngày ông siêng năng niệm Phật, xâu chuỗi không khi nào rời khỏi tay; những khi đi đứng ngồi nằm, ông đều lấy việc quán tưởng Tây phương Tịnh độ làm Phật sự.

Một hôm, có vị tăng xuất thần đến Tịnh độ thấy Vương Cổ và Cát Hệ cùng ở đó. Như vậy, việc vãng sinh của ông ta là có chứng cứ rõ ràng.

  1. Đời Tống, tiến sĩ Ngô Tín Tẩu

Ông tên thật làNgô Tử Tài sống vào đời Tống, tự là Tín Tẩu. Sau khi từ quan ông làm sẵn một cái quan tài, ban đêm vào nằm trong đó và bảo đồng tử gõ lên quan tài hát rằng: “Ngô Tín Tẩu! Hãy quay về! Ba cõi chẳng an, không nên ở lâu, tây phương Tịnh độ có đài sen. Hãy quay về!”. Rồi ông tự họa theo đồng tử. Về sau ông không bệnh mà qua đời.

  1. Đời Đường, thiếu phó Bạch Cư Dị

Ông làm quan đến chức Trung đại phu thái tử thiếu phó. Ông sửa nhà ông lại thành chùa lấy tên là chùa Hương Sơn; vì thế mà ông có hiệu là Hương Sơn cư sĩ. Về già, ông mắc chứng bệnh phong thấp, ông bỏ ra ba vạn tiền lương hưu của mình để vẽ toàn bộ cảnh y báo chính báo trang nghiêm ở thế giới Tây phương Cực lạc theo sự mô tả trong kinh Vô lượng thọ. Người nào trông thấy cũng đều đỉnh lễ phát nguyện. Ông có làm bài kệ tán như sau:

Thế giới Cực lạc cõi thanh tịnh

Không có đường ác và các khổ

Nguyện như thân con, người già bệnh

Cùng sinh chỗ Phật Vô Lượng Thọ.

Ghi chú:

Có người kể lại rằng: “Bấy giờ, ở núi Bồng Lai có người tên Lạc Thiên. Lạc Thiên giả từ bằng bài kệ:

Sông núi không phải ta quay về

Nếu về, ta về  trời Đâu-suất.

Nhưng nay ta đã bỏ cõi trời Đâu-suất chỉ cầu sinh Tịnh độ Tây phương. Đâu cho rằng đãi cát tìm vàng, càng đãi thì càng tinh sao!

  1. Đời Tống, Đô tổng Trương Luân

Ông làm quan Đô tổng quản ở Chiết Giang. Đến giờ vãng sinh Tịnh độ, ông niệm Phật thật lớn. Cả nhà từ lớn đến nhỏ đều được ông chỉ dạy niệm Phật. Ông cho người đào ao trồng sen, mỗi ngày tất cả vợ con niệm Phật một vạn biến. Hoàng đế Hiếu Tông đích thân viết hai chữ “Liên Xã” ban tặng cho ông.

  1. Đời Tống, học sĩ Tô Thức

Ông hiệu là Đông Pha, làm quan đến chức Hàn Lâm học sĩ. Sau ngày rời kinh đô xuống phía nam, ông có vẽ một bức tượng Phật A-di-đà, đi đâu cũng đeo theo bên mình. Có người hỏi. Ông đáp: “Đây là công cứ vãng sinh Tây phương của Tô Thức! Vì mẹ tôi là Trình thị đã qua đời, nên tôi lấy cây trâm, bông tai, tiền của bà để lại nhờ họa sĩ Hồ Tích vẽ tượng Phật A-di-đà để cầu cho bà được sinh về Tịnh độ”.

Ghi chú:

Lão Tuyền vì cầu cho vong linh mẹ từng tạo tượng sáu vị bồ-tát ở viện Cực Lạc, vì ông ấy qua lại với pháp môn rất mật thiết. Bởi vì tâm hướng về Tam bảo của Tô Thức rất chân thực. Về sau, có người khắc Tây phương công cứ lại thêm vào những lời lẽ không trang nhã và cho rằng tự Tô Thức nói ra; đây là lời vu khống. Vì thế, những người có hiểu biết phải biết phân biệt chớ vì những chuyện ngụy tạo ấy mà bỏ luôn những việc có thật.

  1. Đời Tống, Thừa tướng Trương Vô Tận

Ông tên thật làTrương Thương Anh, nhờ vợ là Hướng thị khuyến khích nên ông mới chú ý đến kinh điển Phật giáo. Ông có hiệu là Vô Tận cư sĩ. Ông có soạn Phát nguyện văn, trong đó có ghi: “Nghĩ về thế giới này, năm thứ nhơ uế làm loạn tâm, nếu không có năng lực nhận thức đúng đắn, thấy rõ nguyên nhân và không thể tỏ ngộ được tự tính duy tâm thì phải kính cẩn tuân theo lời đức Thích-ca Mâu-ni dạy, chuyên tâm niệm Phật A-di-đà, cầu Ngài dùng nguyện lực tiếp rước, khi qua đời được vãng sinh Cực Lạc. Giống như thuyền xuôi theo dòng chảy, chẳng tốn sức chèo mà vẫn cập bến vậy!”

Ghi chú:

Vô Tận theo học và ngộ lý Thiền với ngài Đâu-suất Duyệt, nhưng lại chuyên tâm niệm Phật cầu sinh An Dưỡng. Việc này cần phải suy xét lại cho kĩ lưỡng.

Bốn người từ ông Bạch Cư Dị cho đến ông Vô Tận này, mặc dù đều có hiện điềm vãng sinh Tây phương, nhưng chưa thấy sử sách ghi chép rõ ràng. Thế nhưng, xét nhân suy ra quả, nếu họ không sinh về Tịnh độ thì sinh về đâu!

Tổng Luận

Tôi nghe người xưa có nói: “Hàng quan lại, học sĩ là những người thông minh, tài giỏi hơn người, phần đông là những vị tì-kheo tái sinh”.

Mặc dù vậy, đã có sự nghi ngờ về việc tái sinh của những vị này. Nhưng số người mê không trở lại với đạo thì rất nhiều, những người không quên nhân đời trước thì rất ít. Vì sao như vậy? Vì trong đời ác năm trược có quá nhiều điều kiện làm cho con người thoái tâm, các hiền giả cũng khó mà thoát khỏi. Chẳng hạn như, Tô Đông Pha là thân sau của Giới thiền sư. Tăng Lỗ Công là thân sau của Thanh thiền sư. Như hậu thân của Triết thiền sư là một người tham đắm giàu sang, đến nổi phải âu sầu khổ não.

Tô Đông Pha được gần gũi Phật pháp mà Tăng Lỗ Công không bằng ông ta. Hậu thân của Triết thiền sư càng mê muội hơn. Vì thế, xưa nay những bậc tri thức thường khuyên mọi người bỏ năm thứ nhơ uế cầu sinh Tịnh độ. Vậy thì, từ Lưu Di Dân trở xuống các bậc quân tử đều được vãng sinh là không nhiều sao?

III. NHỮNG XỬ SĨ VÃNG SINH

  1. Đời Tống, Chu Tục Chi

Ông người Nhạn Môn, mới mười hai tuổi đã thuộc năm kinh[10], rành ngũ vĩ[11], nên có hiệu là Thập Kinh Đồng Tử. Công danh, quyền cao chức trọng ông đều chẳng màng đến, chỉ thích ở nơi thanh vắng. Ông thờ ngài Huệ Viễn ở Lô Sơn làm thầy và tham gia vào đạo tràng Bạch Liên xã.

Khi Văn Đế lên ngôi có mời ông đến đàm đạo, thảo luận. Vua rất vui khi bàn luận với ông. Có người hỏi:

– Ông là xử sĩ, sao còn lui tới trong cung?

Ông nói:

– Người có chí theo đuổi chốn quan trường thì dù trời đất, sông nước thênh thang đối với họ cũng như gông cùm, xiềng xích; trái lại, kẻ chẳng màng quyền lợi, công danh thì dù ở giữa triều đình hay phố chợ  đối với họ cũng như đang ở chốn núi non hoang vắng, u nhàn.

Vì thế, người thuở ấy gọi ông là Thông Ẩn tiên sinh. Về sau, ông đến cư trú tại Chung sơn, chuyên tâm niệm Phật. Càng về già ông càng siêng năng niệm Phật hơn. Bỗng một hôm, ông ngước mặt lên trời nói rằng: “Phật đến rước tôi!”. Nói rồi, ông chắp tay và qua đời.

Ghi chú:

Chu Tục Chi đã xem chốn triều đình, phố chợ giống như núi non, thì cũng có thể xem Ta-bà giống như Tịnh độ. Thế nhưng, ông vẫn siêng năng niệm Phật cầu sinh Tịnh độ; ông đích thực là người biết cân nhắc lợi hại.

Người xưa có câu: “Núi non, đồng bằng đều là Tây phương, ai chưa đến nhà, xin chớ hí luận”.

  1. Đời Đường, Trịnh Mục Khanh

Ông người Vinh Dương, cả nhà đều tu niệm Phật. Khoảng niên hiệu Khai Nguyên (713), ông bị bệnh nặng, có người khuyên nên ăn cá, thịt cho mau khỏe, nhưng ông kiên quyết không ăn. Biết mình không sống nữa, ông đốt hương cầu vãng sinh thì bỗng có hương thơm lạ xông lên ngào ngạt, ông an nhiên qua đời. Cậu ông là thượng thư Tô Đĩnh nằm mộng thấy trong ao báu có hoa sen nở và thấy Trịnh Mục Khanh ngồi trên đó.

  1. Đời Đường, Trương Nguyên Tường

Thường ngày ông chuyên tâm niệm Phật mãi không dứt. Một hôm, ông vội nói với người nhà: “Đức Phật A-di-đà đang đợi, sau bữa ăn trưa xong, tôi sẽ đi với Ngài!”. Ăn trưa xong, ông đốt hương ngồi kiết-già xoay mặt về hướng tây mà qua đời.

  1. Đời Tống, Tôn Lương

Ông người Tiền Đường, sống ẩn dật để xem Đại tạng. Đặc biệt, ông rất thông thạo ý nghĩa của kinh Hoa nghiêm. Ông thụ giới bồ-tát với luật sư Đại Trí và mỗi ngày niệm Phật đến vạn tiếng. Ông niệm như vậy suốt hai mươi năm mà không lúc nào ngừng nghỉ. Bỗng một hôm, ông bảo người nhà thỉnh chư tăng đến niệm Phật để trợ giúp cho ông vãng sinh. Chư tăng đến niệm Phật chưa được bao lâu thì ông nhìn lên trời nói rằng: “Phật và Bồ-tát mang hoa sen đến rồi!”. Nói dứt lời, ông nằm xuống và qua đời.

Ghi chú:

Hoa nghiêm hiệp luận ghi:

Bồ-tát cầu sinh Tịnh độ vẫn chưa thông suốt được đại đạo Nhất thừa. Thế thì, Tôn Lương đã nắm được nghĩa lý cốt tủy của kinh Hoa nghiêm, vì sao còn cầu sinh Tịnh độ?

Bởi vì, trong bộ Hoa nghiêm hiệp luận nói cốt để phá trừ chấp kiến cho hàng phàm phu chấp tướng. Đây là người mới thông hiểu sự Tịnh độ mà chưa thấu tỏ được lý Tịnh độ. Còn Tôn Lương thì cả sự lẫn lý đều đã thông suốt; nghĩa là đối với ông thế giới hoa tạng và Cực lạc Tây phương chỉ có một chứ chẳng phải hai. Cho nên, Tôn Lương cầu sinh về đó là sự thật, chẳng có gì phải nghi ngờ. Những ai luận bàn về việc vãng sinh Tịnh độ phải lấy phẩm Hạnh nguyện của kinh Hoa nghiêm làm cơ sở, và dùng bộ Hiệp luận để tham khảo.

  1. Đời Đường, Nguyên Tử Bình

Ông ở chùa Quan Âm, Kinh Khẩu, chuyên tâm niệm Phật. Bỗng một hôm, nghe trên hư không có tiếng nhạc, ông liền ngồi xoay mặt về hướng tây và qua đời. Lúc ấy, có hương thơm lạ ngào ngạt suốt mấy ngày không hết.

  1. Đời Lương, Dữu Tiển

Ông người Tân Dã, vua Lương Vũ cho gọi ông vào cung làm chức Hoàng môn thị lang nhưng ông không vào. Ngày đêm sáu thời ông chuyên tâm niệm Phật. Một đêm nọ, ông thấy vị đạo nhân tự xưng là Nguyện Công, gọi Dữu Tiển là Thượng Hạnh tiên sinh và trao cho ông một nén hương rồi bỏ đi. Bốn năm sau, Nguyện Công lại đến, ông liền qua đời. Bấy giờ, trong không trung có tiếng bảo rằng: “Thượng Hạnh tiên sinh đã sinh về An Dưỡng!”.

  1. Đời Tùy, Tống Mãn

Ông người Thường Châu, dùng đậu để đếm số lần niệm Phật. Số đậu mà ông tích chứa được qua ngày tháng niệm Phật là ba mươi thạch[12]. Vào tháng 9, niên hiệu Khai Hoàng thứ tám (588), sau khi thiết trai cúng dường chư Tăng xong, ông ngồi ngay thẳng qua đời. Lúc ấy, mọi người thấy hoa trời rải xuống và mùi hương thơm lạ, thấy ông nương hư không bay về hướng tây.

  1. Đời Đường, Phần Dương lão nhân

Ông đến núi Pháp Nhẫn và ở nhờ trong một căn phòng trống, ngày đêm chuyên tâm niệm Phật. Niên hiệu Trinh Quán thứ năm (631), lúc ông sắp qua đời, có ánh sáng chiếu soi khắp nơi, ông ngồi xoay mặt về hướng tây qua đời. Có người thấy ông ngồi trên đài hoa bay đi.

  1. Đời Đường, Nguyên Tử Tài

Ông sống trong chùa Quán Âm ở Nhuận Châu, chuyên tụng kinh A-di-đà và niệm Phật. Bỗng một hôm, ông mắc bệnh nhẹ, ban đêm nghe trên hư không có hương thơm và tiếng nhạc; và thoáng nghe như có tiếng người nói rằng: “Nhạc thô đã qua, nhạc tế sẽ đến, ông nên chuẩn bị đi!”. Ông vừa nghe xong, niệm Phật và qua đời. Lúc ông qua đời, có hương thơm lạ phảng phất liên tục suốt mấy ngày không dứt.

  1. Đời Nguyên, Ngô Tử Chương

Ông người Tô Châu, gia đình ông nhiều đời làm nghề thuốc. Ông cùng với anh là Tử Tài theo học với hòa thượng Vân Ốc, siêng năng niệm Phật. Cả nhà của ông rất tôn sùng Phật pháp. Đến niên hiệu Chính Gian, ông không bị bệnh, ngồi chắp tay niệm Phật và qua đời.

  1. Đời Nguyên, Hà Đàm Tích

Năm ông lên mười tám tuổi thụ giới bồ-tát và chuyên tâm niệm Phật. Một đêm nọ, vào lúc canh tư, ông nghe tiếng trống lập tức ngồi dậy tụng kinh, niệm Phật. Có người bảo:

– Còn sớm quá!

Ông nói:

– Tôi thấy Phật đem phướn và hoa đến rước.

Nói dứt lời, ông nhắm mắt qua đời.

  1. Đời Tống, Vương Điền

Ông hiệu là Vô Công Tẩu, người ở Tứ Minh, dù là yếu chỉ Thiền tông hay giáo môn của Thiên Thai ông đều thông suốt cả. Ông có soạn bộ Tịnh Độ tự tín lục. Những ngày cuối đời, ông chuyên tâm niệm Phật và ngồi xoay mặt về hướng tây mà qua đời. Lúc ấy, có hương thơm lạ xông lên ngào ngạt. Sau khi hỏa thiêu xong, thâu được một trăm lẻ tám viên xá-lợi lớn như hạt đậu.

  1. Đời Tống, Phạm Nghiễm

Ông người Nhân Hòa, không màng đến việc thế gian. Con của ông không gánh vác nổi chuyện gia đình, nhưng ông vẫn không quan tâm đến mà chỉ nói: “Từ nay ta chỉ là khách trong gia đình này thôi!”. Hằng ngày, ông tụng kinh Pháp hoa, niệm Phật A-di-đà không chút xao lãng. Bỗng một hôm, ông nằm mộng thấy bồ-tát Phổ Hiền cỡi voi trắng sáu ngà phóng ánh sáng màu vàng đến và bảo ông rằng: “Sáng mai vào giờ Mão, ông sẽ mạng chung!”. Sáng hôm sau, Phật và bồ-tát đến rước, ông ngồi ngay thẳng chắp tay qua đời.

  1. Đời Tống, Lục Nguyên Đạo

Ông hiệu là Tỉnh Am cư sĩ, cư ngụ tại Hoành Khê, Minh Chi. Sáng sớm thức dậy, ông đốt hương ngồi thiền, mắt không nhìn chỗ nào khác. Trước khi lễ Phật, tụng niệm ông tự đọc bài kệ:

Sáng sớm rửa tay mở kinh ra

Không cầu nhiều phước và trừ tai

Việc đời chấm dứt không lưu luyến

Kiếp hỏa sáng soi múa một hồi.

Sau này, ông niệm Phật, tụng kinh không nhanh không chậm, âm thanh nối nhau như xâu tràng hạt, mỗi ngày tụng một biến kinh Pháp hoa và niệm danh hiệu Phật A-di-đà một vạn tiếng, một lòng cầu sinh Tây phương. Ngày mùng 6 tháng 4, ông tắm rửa, thay y phục xong liền qua đời. Hưởng thọ tám mươi lăm tuổi. Khi tẩm liệm bỗng nghe có hương thơm của hoa sen xông lên ngào ngạt, mọi người đều không biết hương thơm ấy từ đâu bay lại. Lúc đến gần để đậy nắp quan tài thì biết là hương thơm từ trong miệng của ông bay ra.

  1. Đời Tống, Tôn Trung

Ông người Tứ Minh, sớm ưa thích cõi Tây phương. Ông xây một cái am ở phía đông Quận Thành để niệm Phật. Một thời gian sau, ông bị bệnh, thỉnh một trăm vị tăng đến niệm Phật liên tục; bỗng ông nhìn lên hư không chắp tay kiết Song ấn, rồi an nhiên qua đời. Tất cả người trong thành đều nghe có tiếng nhạc và hương thơm lạ, dần dần bay về hướng tây rồi biến mất. Ba người con của ông bắt chước theo ông niệm Phật và cũng ngồi vãng sinh.

  1. Đời Tống, Thẩm Thuyên

Ông người Tiền Đường, cùng với vợ tên Thi Thị chuyên tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh độ. Thường ngày nếu làm được việc lành gì đều hồi hướng cầu sinh Tịnh độ. Về sau, hai vợ chồng lần lượt qua đời đều cảm ứng hóa Phật cầm tích trượng[13] tiếp dẫn đi.

  1. Đời Tống, Đường Thế Lương

Ông người Cối Kê, giữ giới nghiêm cẩn, siêng năng niệm Phật. Về già, ông bị bệnh nhưng vẫn không dừng niệm Phật. Ông tụng kinh A-di-đà hơn mười vạn lần. Một hôm, ông nói với người trong nhà: “Phật đến rước tôi!”. Nói xong, ông lễ Phật và ngồi ngay thẳng qua đời.

Bấy giờ, có một người tên Lợi Hành nghỉ qua đêm trong núi Đạo Vị, nằm mộng thấy phía tây có ánh sáng lạ và tràng phan, hoa đẹp, nhạc trời; đồng thời nghe trên hư không có tiếng bảo rằng: “Đường Thế Lương đã vãng sinh Tịnh độ!”.

  1. Đời Tống,  Kế Công

Ông là một thợ rèn ở Đào Nguyên, Tứ Minh. Năm bảy mươi tuổi thì hai mắt ông bị mờ. Bấy giờ, trong làng có ông Học dụ Tảm Định Quốc ấn thí tấm Phách khòa đồ để khuyên người niệm Phật. Lúc đầu, Kế Công nhận được một tấm, ông niệm ba mươi sáu vạn câu, khi niệm đến tấm thứ tư thì hai mắt sáng lại. Ông niệm suốt ba năm được mười bảy bản. Một hôm, ông đang niệm Phật thì đột ngột qua đời. Trải qua nửa ngày, ông sống lại và nói: “Đức Phật dạy chia sáu bản cho Học dụ Tảm Định Quốc là người đầu tiên khuyến đạo; một tấm biếu cho ông Lí Nhị là người in ấn”. Ông dặn con đến cám ơn họ. Nói xong, ông tắm rửa, thay y phục xoay mặt về hướng tây mà qua đời.

  1. Đời Nguyên, Trần Quân Chương

Ông người Hoàng Nham, hiền từ ít nói. Năm bốn mươi tuổi, ông cùng với Thất Diệp Thị tụng kinh Pháp hoa và chuyên tâm niệm Phật. Năm sáu mươi tuổi, ông bị bệnh nặng. Một đêm, ông bảo người con tên Cảnh Tinh đỡ ngồi dậy, ông nói:

– Cha đi đây.

Người con hỏi:

– Cha đi đâu?

Ông đáp:

– Chẳng có chỗ nào để đi. Ông lại nói: “Sau khi cha chết nên thiêu theo cách người xuất gia”. Nói xong, ông chắp tay niệm “Nam mô A-di-đà Phật” và qua đời.

  1. Đời Tấn, Trương Thuyên

Ông là anh em bà con của Trương Dã. Ông có phẩm chất thanh cao, tinh thần thoát tục. Trong lúc cày, bừa ông luôn mang kinh theo bên mình không tạm rời. Nhiều lần ông được mời ra làm quan nhưng đều từ chối. Ông chỉ vui với cái nghèo của mình. Về sau, ông được đề cử giữ chức Huyện lệnh huyện Tầm Dương, ông cười nói: “Người xưa chọn những nơi vắng vẻ để an thân; bỏ cái khí tiết của mình để nhận lãnh bổng lộc, vậy thì có gì là vinh quang!”.

Rồi ông vào Lô Sơn, tham gia đạo tràng Bạch Liên xã của ngài Huệ Viễn và chuyên tâm nghiên cứu kinh điển, thông hiểu rất nhiều kinh luận. Đến niên hiệu Cảnh Bình thứ nhất (423), đời Tống, ông không bệnh, nằm xoay về hướng tây niệm Phật và qua đời.

  1. Khuyết Công Tắc

Ông vào đạo tràng Bạch Liên xã ở Lô Sơn và qua đời ở đó. Có người bạn của ông cư trú tại chùa Bạch Mã ở Lạc Dương, làm lễ cúng giỗ cho ông, nửa đêm bỗng toàn bộ chính điện chùa Lâm Mộc đều biến thành màu vàng ròng và trên hư không có tiếng bảo: “Tôi là Khuyết Công Tắc. Tôi cầu sinh về Cực lạc nay đã được vãng sinh rồi”. Nói dứt lời, ông liền biến mất.

Ghi chú:

Những người lúc lâm chung hiện điềm lành rất nhiều. Nhưng người qua đời rồi sau đó mới hiện ánh sáng màu vàng ở nơi khác; trong không trung báo mộng đã vãng sinh như trường hợp của ông Quyết Công Tắc thì thật là hiếm có.

  1. Đời Đường, Lý Tri Dao

Ông rất giỏi về giáo lý Tịnh độ. Ông tập họp được nhiều người mở Ngũ hội niệm Phật. Sau đó, ông mắc bệnh, bỗng nói: “Phật đến rước tôi”. Rồi ông tắm rửa, thay y phục và bảo người mang lò hương ra sảnh đường để ông lễ Phật. Bỗng ông nghe trên hư không có tiếng nói: “Có người dẫn ông về Tịnh độ, người đó dắt ông đi trên cầu vàng”. Nghe xong, ông lên giường ngồi ngay thẳng và qua đời. Lúc ấy,  mọi người nghe có hương thơm lạ.

  1. Đời Lương, Cao Hạo Tượng

Ông quê ở Đông Bình, đóng cửa tĩnh tọa chuyên tụng kinh Vô lượng thọ. Một hôm, trong khi thiền định, ông thấy thân mình ngồi trên hoa sen hồng ở trong hồ. Ban đầu chưa thấy Đức Phật, nhưng sau đó không lâu thấy mình đứng trên hoa sen thành tâm lễ Phật. Rồi quán tưởng Phật có ánh sáng màu vàng từ xa chiếu lại.

Vào một đêm nọ, ông thấy chúng bồ-tát đến rước và ngay lúc đó ông qua đời.

Ghi chú:

Ngày xưa có hai vị tăng quán tưởng hoa sen nở và búp, về sau cả hai đều được vãng sinh Tịnh độ. Hạo Tượng thấy mình ngồi trên hoa sen hồng, đó cũng là vì thành tâm quán tưởng nên mới được như vậy!

  1. Đời Tống, Từ Lục Công

Ông người Gia Hưng, làm nghề nông. Hai vợ chồng ông ăn uống đạm bạc, chuyên tâm niệm Phật. Năm bốn mươi tuổi, biết trước mình sắp chết nên làm sẵn cái khám. Sau khi ông thay y phục, mang giày cỏ vào ngồi ngay thẳng trong khám. Bỗng chốc ông nói: “Phật đến rước tôi”. Nói dứt lời, ông qua đời.

  1. Đời Tống, Lục Tuấn

Ông người Tiền Đường, lúc trẻ phục vụ cửa quan một thời gian khá lâu, sau đó ông bỏ đi và chuyên tu pháp môn Tịnh độ. Mỗi ngày ông đến trước Phật đỉnh lễ sám hối, nước mắt lăn dài trên má. Có người bạn đồng tu đến nói cho ông nghe điều kiện để được sinh về Tịnh độ. Mới nói được hơn mười câu, ông nghẹn ngào rơi lệ. Khi sắp lâm chung, ông mời luật sư Viên Tịnh đến giảng về Tây phương Tịnh độ và tụng kinh Quán vô lượng thọ. Khi tụng đến Thượng phẩm[14], bỗng luật sư Viên Tịnh nói:

– Ông có thể đi được rồi!

Lục Tuấn nói:

– Phật và bồ-tát chưa đến, tôi phải đợi các Ngài.

Một lát sau, bỗng nhiên ông đứng dậy đến chiếc giường trúc rồi ông ngồi ngay thẳng xoay mặt về hướng tây và qua đời.

Ghi chú:

Kinh Vô lượng thọ ghi: “Người nào nghe nói về Đức Phật A-di-đà, cảm động rơi lệ, ấy là thiện căn đời trước của người đó đã chín muồi”. Sự rung động, nghẹn ngào rơi lệ của Lục Tuấn vốn xuất phát tự đáy lòng rồi thể hiện ra ngoài mặt mũi, chắc chắn ông sẽ được vãng sinh. Nay đâu thể cười cợt mà bàn luận về Tịnh độ.

  1. Đời Tống, Hoàng Đả Thiết

Ông người Đàm Châu, xuất thân từ quân ngũ. Ông sống bằng nghề thợ rèn. Trong khi trui rèn, ông luôn miệng niệm Phật không dứt. Một hôm, không bị bệnh, ông nhờ người hàng xóm viết giúp bài tụng:

Chập chập cheng cheng,

Luyện lâu thành cứng

Thái bình sắp đến

Tôi về Tây phương.

Nói vừa dứt lời, ông qua đời. Bài tụng ấy được lưu truyền khắp Hồ Nam và từ đó có rất nhiều người niệm Phật.

Ghi chú:

Hoàng Công là một trường hợp đặc biệt không người nào có thể làm như ông ta. Chỉ là niệm Phật không ngớt bằng cách miệng niệm tai nghe, đơn giản như vậy, nhưng ở đời có mấy ai chịu làm như ông; nói gì đến việc đòi hỏi cầu kì, cao siêu. Việc niệm Phật của ông chóng thành phương cách cho mọi người noi theo. Ôi! Chẳng phải cho rằng, cho đó là điều đơn giản rồi từ bỏ, lại đi tìm phương pháp khó hơn.

  1. Đời Minh, Liên Hoa Thái Công

Ông người ở đất Việt, cả đời sống hiền lành, chất phác; ngày đêm chuyên tâm niệm Phật không chút xao lãng. Sau khi qua đời, trên nắp quan tài bỗng mọc lên một đóa hoa sen. Bà con thân thuộc trong làng đều rất ngạc nhiên. Vì thế, ông có hiệu là Liên Hoa Thái Công.

  1. Đời Minh, Hoa Cư Sĩ

Ông người Giang Can, tính tình nhân hậu, chất phác, thật thà và ngay thẳng. Khi còn ở tuổi trung niên, được giao làm chức Chư tử, về già ông ở một mình không màng thế sự, sáng tối chỉ chuyên tâm niệm Phật. Đến lúc sắp lâm chung, ông biết trước giờ chết, liền tắm rửa, thay đổi y phục, đến chỗ làm việc, chỉnh lại áo mão, ngồi ngay thẳng, từ biệt mọi người rồi qua đời. Trước đó, con ông đã chuẩn bị sẵn một cổ quan tài, nhưng đến khi ông chết thì đổi lại cái khám, giống như cái khám thường dùng để tẩm liệm các sa-môn. Ngày đưa tiễn ông đi an táng, người đến xem rất đông, kẻ xa người gần đều ngưỡng mộ ông.

Tổng Luận

Có người hỏi:

– Vì sao không nghe nói Tịnh Danh và Bàng Long Uẩn cầu vãng sinh Tịnh độ?

Đáp:

– Ông hãy tự đánh giá, nếu thấy mình không bằng hai người đó thì cầu vãng sinh là chuyện tất nhiên, không cần phải bàn luận. Giả sử Đức Kim Túc Như Lai tái lại cũng đâu ngại gì không gặp được Phật A-di-đà! Nếu không được như vậy thì Tịnh Danh đâu thể hầu cận Đức Phật Thích-ca, và Bàng Long Uẩn cũng không cần tham kiến Mã Tổ. Vả lại, chẳng phải Tịnh Danh đã nói “Tâm tịnh thì cõi nước tịnh” sao! Chẳng phải Bàng Long Uẩn nói “Không làm bạn với vạn pháp” sao! Một mai ông đặt chân lên tịnh địa, ông sẽ tự nghĩ không ngờ “Tự mình vốn thanh tịnh”; và ông tự nghĩ không ngờ “Mình không làm bạn với vạn pháp”; không ngờ Tịnh Danh và Bàng Long Uẩn thường ở Tịnh độ. Đâu còn gì để nghi ngờ!

-Hết quyển 2-

[1] Bảy báu七寶(S: sapta ratnāni): bảy thứ ngọc báu ở thế gian. Các kinh nói bảy thứ báu khác nhau, theo kinh A-di-đà và luận Đại Trí Độ 10 thì bảy thứ báu là: Vàng, bạc, lưu li, pha-lê, xa cừ, xích châu, mã não.

[2] Nước tám công đức八功德水: nước có tám đặc tính thù thắng. Ở cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà có ao thù thắng, nước trong ao có tám thứ công đức.Tám đặc tính đó là: Trong trẻo, mát mẻ, ngọt ngon, mềm nhẹ, thấm nhuần, an hòa, trừ đói khát, nuôi lớn các căn.

[3] Nhung tài 茂才, Cg: Tú tai: danh vị khoa bảng dành cho người thi đậu kì thi Hương, nhưng ở bậc dưới.

[4] Học sĩ 學士: tên một chức quan về văn học thời xưa.

[5] Long Thư Tịnh Độ Văn 龍舒淨土文: tác phẩm, 12 quyển, do ông Vương Nhật Hưu người đất Long Thư (Thư Thành, An Huy) soạn vào năm 1160, đời Nam Tống, được xếp vào Đại chính tạng, tập 47. Nội dung sách này ghi chép những kinh luận, truyện kí có liên quan đến việc vãng sinh Tây phương Tịnh độ.

[6] Triều Tán 朝散: chức quan từ ngũ phẩm trở xuống gọi là Triều Tán đại phu.

[7] Luận Thiên Thai Thập Nghi天台十疑論: Cg: Thập nghi luận: luận 1 quyển, do ngài Trí Khải soạn vào đời Tùy, được xếp vào Đại chính tạng, tập 47. Nội dung tác phẩm y cứ vào pháp môn vãng sinh Tịnh độ A-di-đà mà nêu ra 10 câu hỏi, sau đó theo thứ tự giải đáp.

[8] Hệ niệm 繫念: chuyên tâm niệm Phật.

[9] Truyền đăng lục 傳燈錄: gồm 30 quyển, do sa-môn Đạo Ngạn soạn vào đời Ngô, nhằm thời vua Tống Chân Tông, niên hiệu Cảnh Đức thứ nhất. Nội dung là truyền thừa pháp từ Đức Thích-ca đến các vị tổ.

[10] Năm kinh五經: năm bộ kinh của Nho giáo là Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu.

[11] Ngũ vĩ 五緯, Cg Ngũ tinh: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

[12] Ba mươi thạch 三十石: thạch là đơn vị cân đo thời xưa. Một thạch bằng 120 cân. Vậy 30 thạch là bằng 3600 cân, số lượng không phải ít.

[13] Tích trượng 錫杖 (S: khakkhara, khakharaka): chiếc gậy mà vị tì-kheo mang theo khi đi đường. Đây vốn là vật dùng để xua đuổi rắn độc, trùng độc hoặc rung lên khi khất thực, khiến cho thí chủ nghe biết. Đời sau, tích trượng trở thành một trong các pháp khí của thiền lâm.

[14] Thượng phẩm 上品: pháp quán thứ 14 trong Thập lục quan.

Pages: 1 2 3