thụy đức cung phật tháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(瑞德宮佛塔) Cũng gọi Ngưỡng quang đại kim tháp, Đại kim ngõa tự. Tòa tháp ở phía bắc thành phố Ngưỡng quang (Rangoon), Miến điện. Tên tháp bao hàm ý nghĩa ngôi tháp bằng vàng ròng, tượng trưng cho điềm lành, là tòa tháp lớn nhất tại nước Miến điện. Cứ theo lịch sử Phật giáo Miến điện thì lúc đức Phật mới thành đạo, 2 anh em ông Đề vị (Pàli: Tapussa) và Ba lợi (Pàli: Bhallixa), người Miến điện, xuất thân ở Tháp lạp nhân (Talaing) là 2 người đầu tiên được đức Phật giáo hóa. Sau đó đức Phật ban cho 2 người này 8 sợi tóc của Ngài, đồng thời dạy bảo 2 người hãy cất giữ 8 sợi tóc ấy ở gò núi Tiên Ca đa la (Seingouttara) nơi đang bảo tồn di vật của 3 đức Phật đời quá khứ. Sau khi trở về nước, 2 anh em Đề vị và Ba lợi được chư thiên Để cân (Deckima)… chỉ dẫn mới xác định được vị trí của gò núi, lại được sự giúp đỡ của dân trong nước nên đã xây dựng 1 tòa tháp để an trí tóc Phật, đó chính là nguồn gốc tòa tháp này. Về sau, vương triều Bồ cam (849-1287) có sửa chữa thêm nhiều lần. Đến thời vua Tí cổ Tần da vũ (Binngau, ở ngôi 1353-1385) có trùng tu vào năm 1362, chiều cao từ 9m được thêm lên tới hơn 20m. đến sau khi Tì cổ nữ vương Tín tu phù (Shinsawbu, ở ngôi 1453-1472) thoái vị thì tháp này lại được sửa thêm,đỉnh tháp được đúc bằng vàng ròng, chung quanh kiến trúc lộ đài cao khoảng 15m, rộng tới 270m, được bảo vệ bởi một lan can bằng đá và các bậc thềm cũng bằng đá, 4 chung quanh có trồng cây cọ. Đến đời sau, tháp lại được tu bổ thêm nhiều lần.Tháp này dựa vào địa hình tự nhiên của gò núi mà kiến trúc làm 2 đoạn: Đoạn trên khoảng 50m, mỗi bên và chính giữa là các bậc thềm, phía dưới đặt một cặp tượng sư tử lớn. Trên thềm đài có mái nhà, trên xà ngang và vách ván đều có vẽ tranh truyện Phật, truyện các đệ tử Phật, tranh các ác ma… Ở chính giữa đoạn trên có xây 1 ngôi tháp lớn, bên cạnh có 4 điện Phật, vô số tháp nhỏ, Phật thất nhỏ, cao trụ (Tagundaing), chuông, phần mộ… Toàn tháp cao khoảng 111m, thân tháp và lọng, tàn đều được mạ vàng, đỉnh tháp được đúc bằng vàng ròng, trang sức bằng hơn 5000 viên đá mài, hơn 1000 viên đá quí, 4 chung quanh treo các chuông nhỏ bằng vàng, bạc, rực rỡ, chói lọi dưới ánh chiều tà và những đêm trăng sáng. Trong 4 điện Phật đều có tượng Phật Thích ca ngồi mạ vàng rất lớn, chung quanh còn có mấy trăm tượng Phật Thích ca đứng, ngồi, nằm lớn nhỏ được làm bằng thạch cao, đất nung và gỗ. Ở góc tây tháp có 1 quả chuông xưa, nặng 25 tấn, do vua Tân cố đúc vào năm 1778 mà người Miến điện xem là tượng trưng cho hạnh phúc. Phía nam Đại tháp có chỗ nghỉ ngơi do quốc vương Thái lan xây dựng cho nhân dân mình. Tháp này chẳng những là trung tâm của Phật giáo Miến điện, mà còn là nơi hành hương hằng năm của vô số người đến từ các nước Thái lan, Tích lan,Cao miên… Trong đại chiến lần thứ 2 (tháng 2 năm 1943), tháp này từng bị oanh tạc. [X. History of Burma by G.E.Harvey; Hand Book India Burma anh Ceylon by Marray; Ấn Độ cổ Phật quốc du kí (Lítuấn thừa)].