thánh ngữ

Phật Quang Đại Từ Điển

(聖語) Phạm: Àryabhasa. Cũng gọi Thánh ngôn. I. Thánh Ngữ. Tiếng nói của Ấn Độ đời xưa, là ngôn ngữ chính thức của Trung thiên trúc. Luận Đại tì bà sa quyển 79 (Đại 27, 410 thượng) nói: Có lần đức Thế tôn vì Tứ thiên vương trước dùng Thánh ngữ để giảng nói Tứ thánh đế. Trong 4 vị Thiên vương, có 2 vị nhận hiểu được, còn 2 vị kia không nhận hiểu được. Đức Thế Tôn thương xót muốn đem lại lợi ích cho 2 vị Thiên vương ấy, nên dùng tục ngữ (Cựu bà sa gọi là Tì đà la ngữ) của các nước thuộc biên thùy miền Nam Ấn độ để giảng nói Tứ thánh đế: Hề nê (Khổ đế), Mê nê (Tập đế), Đạp bộ đạt (Diệt đế) và Diệp bộ (Đạo đế). Trong 2 vị Thiên vương ấy, 1 vị lãnh giải được, còn 1 vị thì không. Đức Thế tôn thương xót muốn làm lợi ích cho vị Thiên vương ấy, nên đức Thế tôn lại dùng một thứ ngôn ngữ khác là Miệt lệ xa (Bà sa cũ gọi là Di li xa ngữ) để giảng nói Tứ thánh đế, đó là: Ma xa, Đổ xa, Tăng nhiếp và Ma tát phược đát tì lạt trì. Bấy giờ cả 4 Thiên vương đều hiểu được. Bởi thế nên biết đức Phật dùng Thánh ngữ giảng nói Tứ đế chỉ là trường hợp đặc biệt đối với Tứ thiên vương mà thôi chứ không phải là ngôn ngữ mà đức Phật thường dùng. Đức Phật dùng tục ngữ của nước Ma yết đà đương thời làm Phật ngữ, những kinh văn được ghi chép bằng thứ ngôn ngữ này hiện nay không còn. Loại kinh văn do đức Phật giảng nói bằng A lợi da ngữ (Aryan) ở miền Nam Ấn độ được lưu truyền tại đảo Tích lan chính là Pàli ngữ hiện nay. Bởi thế, tín đồ Phật giáo nước Xiêm la (Thái lan) gọi Phật ngữ Pàli là Ma hô. Trong các luật, Phật từng quở trách việc sử dụng Thánh ngữ, như luật Tứ phần quyển 52 (Đại 22, 955 thượng) nói: Bấy giờ, có tỉ khưu, tự là Dũng mãnh, thuộc dòng Bà la môn xuất gia, đến chỗ đức Thế tôn (…) bạch rằng: Bạch Đại đức! Các tỉ khưu này từ nhiều dòng họ xuất gia, tên gọi cũng khác, phá nghĩa kinh của Phật, xin đức Thế tôn cho phép chúng con dùng ngôn luận mà thế gian ưa thích để sửa chữa kinh Phật. Phật dạy: Các ông là người si mê! Đó chính là điều hủy tổn, dùng ngôn luận ngoại đạo muốnxen lẫn vào kinh Phật. [X. luật Ngũ phần Q.26; luận Thập tụng Q.38]. II. Thánh Ngữ. Chỉ cho ngôn ngữ do bậc Thánh nói ra.