thành duy thức luận thuật kí

Phật Quang Đại Từ Điển

(成唯識論述記) Cũng gọi Thành duy thức luận sớ, Duy thức luận thuật kí, Duy thức thuật kí, Thuật kí. Tác phẩm, 10 quyển, hoặc 20 quyển, do ngài Khuy cơ (632-682) soạn vào đời Đường, được thu vào Đại chính tạng tập 43. Đây là sách chú thích luận Thành duy thức. Soạn giả là Sơ tổ của tông Pháp tướng, Trung quốc. Trong sách dùng Luận lí học (Nhân minh) của Phật giáo để phê bình, phản bác Tiểu thừa, ngoại đạo, đồng thời thuyết minh vạn pháp do thức A lại da hiển hiện, dùng thức này để tổ chức nền giáo học Phật giáo. Từ khi xuất hiện về sau, sách này đã trở thành Thánh điển căn bản của Duy thức học ở Trung quốc, đồng thời, tại Nhật bản sách này cũng rất được xem trọng và là yếu điển của tông Pháp tướng và các tông khác. Nội dung sách được chia làm 5 môn: 1. Giáo thời cơ: Chia làm 2 thứ là Thuyết giáo thời hội và Giáo sở bị cơ. 2. Luận tông thể: Lấy Duy thức làm tông và chủ trương thể của Duy thức có 4 lớp.3. Tạng thừa sở nhiếp: Luận Thành duy thức thuộc pháp Nhất thừa và trong 3 tạng thuộc tạng Bồ tát. 4. Thuyết giáo niên chủ: Dùng bài tựa luận Câu xá của ngài Tuệ khải để bàn về niên đại ngài Thế thân và 10 vị đại Luận sư. 5. Bản văn phán thích: Tức theo chính văn mà giải thích ý nghĩa. Về sách chú thích tác phẩm này thì có: Thành duy thức luận nghĩa uẩn 5 quyển của ngài Đạo ấp, Thành duy thức luận nghĩa sớ diễn 26 quyển của ngài Như lí, Thành duy thức luận nghĩa sớ sao 18 quyển của ngài Linh phong… Sách này còn có bản lưu hành đơn gồm 26 quyển. Vì từ đời Nguyên về sau, sách này bị thất truyền, nên sau khi ông Dương văn hội cuối đời Thanh tìm được sách này ở Nhật bản, liền kêu gọi tăng tục góp sức khắc bản in để lưu hành.