thác thai

Phật Quang Đại Từ Điển

(托胎) Phạm:Garbhàvakrànti. Pàli: Gabbhàvakkanti. Cũng gọi Thác sinh, Nhập thai. Thác sinh vào thai mẹ. Hữu tình thai sinh (từ trong thai mẹ sinh ra)gá vào thai mẹ là khởi đầu cho việc thụ sinh đời này. Thác thai cũng chỉ cho việc thác sinh trong hoa sen ở thế giới Cực lạc; hoặc chỉ riêng cho việc thác thai, 1 trong 8 tướng hóa nghi của 1 đời đức Thích tôn, tức việc đức Thích tôn cỡi voi trắng 6 ngà từ cung trời Đâu suất xuống đi vào sườn bên phải của Ma da phu nhân. Truyền thuyết này trong các kinh điển Đại thừa, Tiểu thừa đều có ghi chép, như phẩm Bồ tát giáng thần trong kinh Tu hành bản khởi quyển thượng, kinh Quá khứ hiện tại nhân quả quyển 1… đều nói Bồ tát cỡi voi trắng vào thai mẹ; kinh Phổ diệu quyển 2 và luận Di bộ tông luân thì nói tất cả Bồ tát khi vào thai mẹ đều mang hình tướng voi. Hiện nay,Viện Bảo tàng Calcutta của Ấn độ có lưu giữ 3 bức vẽ đức Thích tôn thác thai, là các tác phẩm khoảng thế kỉ II Tây lịch. Trong các chùa viện ở Trung quốc cũng khắc tượng Thích tôn nhập thai, tương đối nổi tiếng thì có tượng khắc trên mặt phía nam của tháp xá lợi ở chùa Thê hà ở tỉnh Giang tô, miêu tả quá trình thác thai của đức Thích tôn được ghi trong kinh Quá khứ hiện tại nhân quả như sau: Trong cung điện, phu nhân nằm nghiêng một bên, ở đầu hiên có voi trắng cỡi mây bay đến, Bồ tát ngồi xếp bằng trên lưng voi, phóng ra 1 luồng ánh sáng tròn lớn. [X. kinh Phật bản hạnh Q.1; kinh Thái tử thụy ứng bản khởi Q.thượng; luận Đại tì bà sa Q.70]. (xt. Bát Tướng).