tam luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(三論) Chỉ cho luận Trung quán 4 quyển, luận Thập nhị môn 1 quyển của ngài Long thụ và Bách luận 2 quyển của ngài Đề bà. Ba bộ luận này đều là điển tịch trọng yếu của tông Tam luận và đều do ngài Cưu ma la thập dịch. 1. Luận Trung quán: Trung quán là quán chiếu sự thực; Luận là tận cùng lời nói. Vì nội tâm người tu hành bị dính mắc mê hoặc mà sinh ra tà kiến điên đảo, hoặc chấp thiên ngộ, phải dùng lí trung đạo để chiết phục, khiến họ lìa bỏ tướng 2 bên, cho nên gọi là Trung quán. 2. Bách luận: Sau Phật nhập diệt hơn 800 năm, ngoại đạo rối ren, dị đoan tranh nhau nổi dậy, tà biện bức ngặt, làm loạn chính đạo, cho nên ngài Đề bà làm ra luận này, nêu rõ tông nghĩa để chặn đứng tà bậy. Bộ luận này có 100 bài kệ, vì thế gọi là Bách luận. 3. Thập nhị môn luận: Môn là mở rộng thông thoáng, Luận là cùng nguồn hết lí. Bắt đầu bằng Quán nhân duyên môn và kết thúc với Sinh môn, tất cả gồm 12 môn, nên gọi là Thập nhị môn luận. Về lí do tại sao gọi chung là Tam Luận thì trong Tam luận huyền nghĩa có nêu ra 8 nghĩa để nói rõ như sau: 1. Mỗi luận đều có 3 nghĩa: Phá tà, hiển chính và ngôn giáo. 2. Ba luận hợp chung lại mới đủ 3 nghĩa: Như Trung luận nói rõ về lí được hiển bày, Bách luận phá dẹp tà chấp, còn Thập nhị môn luận là ngôn giáo. Vì 3 nghĩa này bổ xung cho nhau mà được thành tựu nên gọi là Tam luận. 3. Ba bộ gồm đủ ba phẩm thượng, trung, hạ: Tức Trung luận là quảng luận, Bách luận là thứ luận và Thập nhị môn luận là lược luận. 4. Tất cả kinh luận có 3 hình thức: Một là luận chỉ có kệ tụng(văn vần), hai là luận chỉ có trường hàng(văn xuôi), ba là luận vừa có kệ tụng vừa có trường hàng. Trong ba loại này thì Trung luận thuộc loại thứ nhất, Bách luận thuộc loại thứ hai và Thập nhị môn luận thuộc loại thứ ba. Ba luận này tuy mỗi luận đều khai diễn thuyết của riêng mình, nhưng lại cũng hoàn thành lẫn nhau. 5. Cùng là Đại thừa thông luận: Ba luận đều phá sự mê chấp của các bộ phái Tiểu thừa, thuyết minh cả Đại thừa giáo và Tiểu thừa giáo. 6. Ba luận đều hiển bày thực tướng bất nhị để giải thích rõ diệu lí Trung đạo. 7. Đều là trứ tác của Bồ tát. 8. Đều được soạn thuật vào thời đại tượng, mạt nhằm duy trì đại pháp và diễn giải nghĩa của các kinh. Tông Tứ luận (chi phái của tông Tam luận) thêm luận Đại trí độ vào ba luận nói trên hợp chung làm 4 luận và lấy đó làm yếu điểm y cứ. Có rất nhiều sách chú thích các luận trên đây, nhưng chỉ có bộ Tam luận sớ (16 quyển) của ngài Cát tạng là nổi tiếng hơn cả. [X. Tam luận huyền nghĩa]. (xt. Thập Nhị Môn Luận, Trung Luận, Tứ Luận Tông, Bách Luận).