nhị giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(二教) Hai loại giáo pháp. Sự phân loại này được căn cứ vào sự sai khác về ý nghĩa nội dung, phương pháp thực hành, hình thức thuyết pháp, người thuyết giáo (tức giáo chủ) và đối tượng thụ giáo. Sự phân loại đó như sau: 1. Tiểu thừa giáo và Đại thừa giáo: Tiểu thừa giáo chỉ cho giáo pháp nhân không (ngã không), tự lợi… đưa hàng Thanh văn, Duyên giác đến Tiểu quả Khôi diệt (tức khôi thân diệt trí–thân tro, trí diệt); còn Đại thừa giáo thì chỉ cho giáo pháp nhị không (ngã không, pháp không), nhị lợi(tự lợi, lợi tha), đưa hàng Bồ tát đến đại quả Niết bàn. 2. Bán tự giáo và Mãn tự giáo: Bán tự giáo chỉ cho Thanh văn tạng, nghĩa lí chưa rộng khắp; còn Mãn tự giáo chỉ cho Bồ tát tạng, nghĩa lí đã đầy đủ. Thuyết này do ngài Đàm vô sám thành lập. 3. Sinh không giáo và Pháp không giáo: Sinh không giáo chỉ cho giáo pháp nói về lí nhân vô ngã; còn Pháp không giáo là giáo pháp nói về lí pháp vô ngã. 4. Đốn giáo và Tiệm giáo: Đốn giáo chỉ cho giáo pháp đối với hàng đại cơ thượng trí, trong nhất thời tuyên thuyết ngay Đại thừa; còn Tiệm giáo là giáo pháp tùy theo căn cơ tiệm ngộ, theo thứ lớp giảng nói từ A hàm cho đến Niết bàn, lần lượt trải qua 5 thời, 7 bậc… Thuyết này là chủ trương của các vị Lưu cầu đời Tề và Tuệ đản đầu đời Đường… 5. Tam thừa giáo và Nhất thừa giáo: Tam thừa giáo chỉ cho giáo pháp khu biệt Tam thừa: Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát; hoặc mới đầu tu tập Tiểu thừa, sau hướng tới Đại thừa; còn Nhất thừa giáo chỉ cho pháp môn Hoa nghiêm Nhất Phật thừa, hoặc chỉ cho giáo pháp trực chỉ. Thuyết này do ngài Tín hành thành lập vào đời Tùy. 6. Quyền giáo và Thực giáo: Quyền giáo chỉ cho giáo pháp quyền biến phương tiện chưa liễu nghĩa; còn Thực giáo là giáo pháp chân thực rốt ráo liễu nghĩa. 7. Xứng tính bản giáo và Trục cơ mạt giáo: Xứng tính bản giáo chỉ cho pháp môn Biệt giáo nhất thừa của Hoa nghiêm; còn Trục cơ mạt giáo là giáo pháp từ Biệt giáo nhất thừa lưu xuất ra, tức chỉ cho Tam thừa và Tiểu thừa. 8. Hữu tướng Đại thừa giáo và Vô tướng Đại thừa giáo: Hữu tướng Đại thừa giáo chỉ cho kinh Hoa nghiêm, kinh Anh lạc, kinh Đại phẩm bát nhã… là các kinh nói về công đức và hành tướng của bồ tát Thập địa; còn Vô tướng Đại thừa chỉ cho kinh Lăng già, kinh Tư ích… là các kinh nói tất cả chúng sinh tức là tướng Niết bàn.9. Hóa giáo và Chế giáo: Hóa giáo chỉ cho pháp môn định tuệ được giải thích rõ trong kinh luận, tức chỉ cho các kinh luận Đại, Tiểu thừa; còn Chế giáo là pháp môn giới học được giải thích trong luật giáo, tức chỉ cho luật Tứ phần… 10. Giáo và Thiền: Giáo chỉ cho các kinh luận, còn Thiền thì không lập văn tự. 11. Hiển giáo và Mật giáo: Hiển giáo chỉ cho giáo pháp hiển lộ rõ ràng, còn Mật giáo là giáo pháp bí mật kín đáo. Tông Chân ngôn tự nhận là Mật giáo mà cho các tông khác là Hiển giáo. 12. Khuất khúc giáo và Bình đạo giáo, cũng gọi Ấn giáo và Sư giáo: Khuất khúc giáo chỉ cho kinh do đức Phật Thích ca nói, phương tiện uyển chuyển, là giáo pháp thuận theo tính chất năng lực của chúng sinh, như kinh Niết bàn…; còn Bình đạo giáo thì chỉ cho kinh do đức Phật Tì lô giá na tuyên thuyết, là giáo pháp tùy thuận pháp tính, tự tại nói ra, cũng tức là nói lí pháp tính bình đẳng, như kinh Hoa nghiêm… Thuyết này do Ấn pháp sư thành lập vào đầu đời Đường. 13. Thích ca kinh và Lô giá na kinh: Thích ca kinh chỉ cho các kinh điển Khuất khúc giáo do đức Thích tôn tuyên thuyết, như kinh Niết bàn…; còn Lô giá na kinh là các kinh điển Bình đẳng đạo giáo do đức Phật Tì lô giá na nói ra, như kinh Hoa nghiêm… Thuyết này do Mẫn pháp sư ở Giang nam lập ra. 14. Đồng giáo nhất thừa và Biệt giáo nhất thừa: Đồng giáo nhất thừa chỉ cho nghĩa chung của cả Tam thừa và Nhất thừa, còn Biệt giáo nhất thừa là tư tưởng đặc biệt của Hoa nghiêm nhất thừa hoàn toàn khác với giáo nghĩa Tam thừa. Đây là giáo phán của tông Hoa nghiêm. 15. Thích ca giáo và Di đà giáo, cũng gọi Nhị tôn giáo: Thích ca giáo chỉ cho yếu môn, còn Di đà giáo là chỉ cho hoằng nguyện. Thuyết này có xuất xứ từ Quán kinh sớ huyền nghĩa phần của Đại sư Thiện đạo, về sau trở thành 1 trong các giáo nghĩa quan trọng của tông Tịnh độ Nhật bản. 16. Yếu môn giáo và Hoằng nguyện giáo: Yếu môn giáo chỉ cho giáo pháp định tán tự lực, còn Hoằng nguyện giáo thì chỉ cho giáo pháp niệm Phật tha lực. Thuyết này do Tịnh độ chân tông của Nhật bản thành lập. 17. Tướng đốn giáo và Tính đốn giáo: Do phái Trấn tây thuộc tông Tịnh độ thành lập. Ngoài ra, Nhị giáo cũng có khi được chỉ cho Phật giáo và Đạo giáo. [X. chương Tổng liệu giản trong Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.1; Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh sớ Q.1; Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao Q.thượng, phần 1; Hoa nghiêm huyền đàm Q.4; Pháp hoa huyền nghĩa Q.10; Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.1; Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.1].