ngưỡng sơn thập cửu môn

Phật Quang Đại Từ Điển

(仰山十九門) Mười chín pháp môn do ngài Ngưỡng sơn Tuệ tịch đặt ra để dắt dẫn người học. Đó là: 1. Thùy thị tam muội môn: Chỉ dạy người học tu tập Tam muội (Thiền định). 2. Vấn đáp hỗ hoán môn: Chỉ dạy người học hỏi đáp, ứng đối. 3. Tính khởi vô tác môn: Chỉ dạy người học chân như pháp tính (tính Phật) mọi người đều đã sẵn có, không đợi tạo tác mới có. 4. Duyên khởi vô ngại môn: Chỉ dạy pháp lí duyên khởi vốn tự tại vô ngại. 5. Minh cơ phổ hỗ môn: Biết rõ căn cơ của người học để tiếp hóa. 6. Ám hợp tân chủ môn: Tân chỉ cho người học; Chủ chỉ cho người thầy. Tức người dạy và người học căn cơ thầm khế hợp nhau. 7. Tam sinh bất cách môn: Chỉ bảo người học dứt hết mọi sự phân biệt ngăn cách quá khứ, hiện tại, vị lai và nêu tỏ cái lí tất cả đều thành Phật, bất luận thuộc căn cơ nào. 8. Tức huyễn minh chân môn: Nhờ vào sự biến đổi hư huyễn của thế giới hiện tượng để dạy người học thấy rõ chân lí pháp tính như như thường trụ tức huyễn. 9. Dụng liễu sinh duyên môn: Đối với các duyên hòa hợp mà người tu hành gặp, mỗi mỗi đều phân tích biện biệt, thấy rõ chỗ sâu kín vi diệu, để làm cho người học khế hợp chân lí. 10. Tựu sinh hiển pháp môn: Chỉ bày cho người học thấy rõ 1 cách triệt để cái diệu lí Tự thân tức pháp. 11. Minh phù sinh duyên môn: Chỉ dẫn cho người học tự biết cơ duyên, hoàn cảnh xảo diệu thích đáng mà thầm hợp chân lí. 12. Tam cảnh thuận chân môn: Chỉ rõ cho người học biết rằng tùy thuận 3 loại cảnh (tính cảnh, độc ảnh cảnh, đới chất cảnh) tức là chân lí. 13. Tùy cơ thức sinh môn: Vì thích ứng với căn cơ người học mà dùng nhiều phương pháp để cứu xét rõ. 14. Hải ấn thu sinh môn: Dùng sự lắng trong sâu rộng của Hải ấn tam muội để thu nhiếp người học. Hải ấn tam muội giống như biển cả sâu rộng, dung chứa muôn vật, ánh hiện vạn tượng; thường được dùng để diễn tả pháp nghĩa sâu xa thù thắng, hoặc ví dụ Phật trí không thể nghĩ bàn. 15. Mật dụng linh cơ môn: Người thầy sử dụng căn cơ bén nhạy của người học một cách kín đáo. 16. Thốt trác đồng thời môn: Khi thấy cơ duyên khai ngộ của người học đã chin mùi, người thầy nhân đó hướng dẫn, nắm lấy thời cơ mà giúp duyên khai ngộ; giống như gà mẹ khi nghe gà con ở trong trứng kêu(thốt)thì gà mẹ liền mổ(trác)bể vỏ trứng khiến gà con chui ra. 17. Tùy thu tùy phóng môn: Người thầy xem xét cơ nghi để tùy duyên tiếp hóa, hoặc dùng biện pháp nghiêm khắc, cứng rắn, phủ định những cái thấy sai lầm của người học, khiến họ không còn chấp trước; hoặc dùng thái độ khoan hòa khẳng định quan điểm của người học, để mặc người học tự do phát triển. Như vậy, nắm bắt hay buông lơi, tùy duyên thu phát đều tự tại vô ngại. 18. Quyển thư vô nhập môn: Người thầy tùy cơ duyên chỉ dạy người học, hoặc nắm bắt hoặc buông thả, hoặc đoạt lấy hoặc ban cho, mà co hay duỗi đều không trở ngại. 19. Nhất đa tự tại môn: Mối quan hệ giữa thầy và trò dung thông vi diệu, dứt hẳn mọi tình chấp đối đãi như: Một nhiều, lớn nhỏ, tôn ti, tinh thô… mà nhậm vận tự như, hòa hài không gián cách, tự tại vô ngại mà diễn bày đại pháp. [X. Ngũ gia tông chỉ toản yếu Q.hạ].