ngu nhạc

Phật Quang Đại Từ Điển

(娛樂) Ca nhạc vui thú. Ở Ấn độ từ khi đức Phật còn tại thế cho đến ngày nay, giáo đoàn Tỉ khưu phải tuân theo giới cấm không được xem, nghe múa hát, hòa nhạc, diễn kịch v.v… mà chỉ được phép tán tụng theo nhịp, phối hợp với câu văn dạy đạo. Cho mãi đến khoảng trước sau Tây lịch kỉ nguyên, khi Phật giáo Đại thừa hưng khởi thì mới cho sử dụng những phương thức âm nhạc, hợp xướng, kịch nghệ v.v… để cúng dường, lễ bái tháp Phật. Ngài Mã minh (Phạm: Azvaghowa), 1 thi nhân của Phật giáo Đại thừa, là người giỏi cả thơ và nhạc, ngài từng soạn vở kịch Lại tra hòa la (Phạm:Rawỉrapàla) rất nổi tiếng. Tương truyền, sau khi xem diễn vở kịch này, có 500 vương tử thế phát xuất gia. Tại Trung quốc, vào đời Đường, chùa viện đã là trung tâm văn hóa, đồng thời, cũng là nơi vui chơi của dân chúng. Trong tác phẩm Nam bộ tân thư của mình, ông Tiền hi bạch nói rằng nơi vui chơi phần nhiều tập trung ở chùa Từ ân, một bộ phận nhỏ ở chùa Thanh long, kế đến là chùa Phúc tiến và chùa Vĩnh thọ. Hơn nữa, chùa viện thường được xây cất ở những nơi danh thắng, có vườn hoa, cảnh đẹp, cây cối um tùm nên thu hút rất đông khách du ngoạn, như các chùa Từ ân, Hưng đường, Hưng thiện… nhờ có trồng hoa mẫu đơn, mà danh tiếng vang xa. Đến đời Tống, hàng năm, các chùa viện đều có các cuộc lễ lớn, dân chúng thôn quê cũng như thành thị thường tập trung rất đông để lễ bái tụng kinh mà cũng để vui chơi. Trong những dịp như thế, phương thức bàn về truyện cổ, trong đó có diễn nói Phật pháp, thường được sử dụng để giáo hóa dân chúng về mặt đạo đức. Tại Nhật bản, vào năm Thiên bình thắng bảo thứ 4 (752), nhân dịp cử hành lễ cúng dường khai nhãn Đại Phật ở chùa Đông đại, có diễn vở kịch đeo mặt nạ (kĩ nhạc)từ Ấn độ truyền đến. Các chùa khác cũng thường tấu nhạc Cao li, nhạc Bột hải để giúp vui dân chúng. Niệm Phật dũng (vừa niệm Phật vừa nhún nhảy theo nhịp điệu) do Không dã thượng nhân sáng chế, về sau diễn biến thành Dũng niệm Phật của Nhất biến thượng nhân và được phổ cập toàn quốc. Niệm dũng có tính chất tông giáo này về sau lại sinh ra những hình thức Lục trai niệm Phật, Đăng lung dũng, Bào trai niệm Phật, Cát tây niệm Phật, Lộc đảo dũng v.v… trong đó, một vài loại vẫn còn tồn tại đến nay. Ngoài ra, Niệm Phật dũng đại thành là nhờ ca vũ kĩ nước Xuất vân a sáng chế, là 1 trong những hình thức vui chơi của dân chúng ở thời đại Giang hộ. Niệm Phật dũng bắt đầu từ thời Thất đinh và thịnh hành vào thời đại Giang hộ, là hình thức âm nhạc rất được các vũ sĩ cũng như dân chúng thành thị đương thời xem trọng. Về chủ đề cũng như lời nhạc phần lớn là lấy tài liệu trong Phật giáo; âm điệu, tiết tấu cũng lấy Phạm bái và thanh minh của Phật giáo làm cơ sở. Các hình thức Ngu nhạc như Bồn dũng, Phật giáo song lục… thịnh hành trong dân gian vào thời đại Giang hộ, đều lấy nội dung giáo pháp Phật giáo làm nền tảng.