nghĩa tịnh

Phật Quang Đại Từ Điển

(義淨) Cao tăng Trung quốc sống vào đời Đường, người huyện Trác, tỉnh Hà bắc, có thuyết nói là người Tề châu (Lịch thành, Sơn đông), họ Trương, tự Văn minh. Sư bẩm tính thông minh, xuất gia từ nhỏ, tham học các bậc danh đức khắp nơi, nghe nhiều, đọc rộng. Sư rất ngưỡng mộ cuộc hành trình cầu pháp của các ngài Pháp hiển và Huyền trang. Năm 20 tuổi, sư thụ giới Cụ túc. Năm Hàm hanh thứ 2 (671), từ Quảng châu, sư vượt biển đến Thất lợi phật thệ (đảo Sumatra ở phía bắc Indonesia hiện nay), rồi từ đó sư qua Ấn độ. Sau khi chiêm bái các nơi Thánh tích của Phật giáo như: Núi Linh thứu, núi Kê túc, vườn Lộc dã, tinh xá Kì viên v.v… sư đến chùa Na lan đà lưu lại cầu học trong 10 năm. Sau đó, sư lại trở về Thất lợi Phật thệ học thêm 7 năm nữa. Khi trở về Trung quốc, sư mang theo khoảng 400 bộ kinh luận bằng tiếng Phạm và 300 viên ngọc Xá lợi. Lúc sư đến thành Lạc dương, Vũ hậu Tắc thiên đích thân ra ngoài cửa Đông nghinh đón và thỉnh sư về trụ ở chùa Phật thụ kí, chuyên việc dịch kinh.Trong khoảng thời gian 12 năm (699-711), sư dịch được 56 bộ 230 quyển kinh, luật, luận, trong đó, Luật bộ chiếm số nhiều, như Hữu bộ tì nại da v.v… Lưu hành hiện nay là do sư dịch. Sư cùng với các ngài Cưu ma la thập, Chân đế và Huyền trang được tôn xưng là Tứ đại dịch kinh gia của Phật giáo Trung quốc. Ngoài việc dịch thuật, sư cũng dành thời gian để giảng dạy giới luật cho hàng hậu học. Trong thời gian du học, sư đã đi qua hơn 30 nước và đều có ghi lại trong các trứ tác của sư về sự sinh hoạt và phong tục, tập quán của mỗi nước. Đây là tư liệu quí báu giúp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu Ấn độ cũng như các nước ở vùng Nam hải đương thời. Năm Tiên thiên thứ 2 (713) sư thị tịch, hưởng thọ 79 tuổi. Sư có các tác phẩm: Nam hải kí qui nội pháp truyện 4 quyển; Đại đường tây vực cầu pháp cao tăng truyện 2 quyển. [X. Tống cao tăng truyện Q.1; Khai nguyên thích giáo lục Q.9; Phật tổ thống kỉ Q.39].