nghĩa ấp

Phật Quang Đại Từ Điển

(義邑) Cũng gọi Pháp nghĩa, Ấp nghĩa, Ấp hội, Xã ấp, Nghĩa xã. Tổ chức tín ngưỡng lấy tín đồ Phật giáo tại gia làm trung tâm, hoạt động ở vùng Giang bắc, Trung quốc vào khoảng đầu thời Bắc Ngụy đến Tùy, Đường. Danh xưng này thường được thấy trong các bài minh khắc trên bia ghi công đức tạo tượng Phật. Công cuộc tạo tượng đầu tiên ở các hang đá nổi tiếng như: Vân cương, Long môn, Thiên long v.v… đều do tổ chức đoàn thể tín ngưỡng Nghĩa ấp xuất tiền của để chi dụng. Họ lấy sự nghiệp tạo tượng làm trung tâm tín ngưỡng, các hoạt động chủ yếu khác gồm có trai hội, tụng kinh, chép kinh v.v… Đây là 1 loại đoàn thể tín ngưỡng tại gia có tính tổ chức sớm nhất. Tạo tượng kí ở Long môn trong thời Bắc Ngụy ghi: Ngày 30 tháng 5 năm Cảnh hưng thứ 3 (502), chủ ấp là Cao thụ đứng đầu 100 người tạo 1 khu tượng đá. Các bia còn ghi: Năm Cảnh hưng thứ 4 (503), chủ ấp là Mã chấn bái cùng với 34 người tạo tượng. Năm Chính quang thứ 6 (525) chủ ấp là Tô hồ nhân cùng với 19 người tạo tượng Thích ca. Năm Vĩnh hi thứ 2 (533), hơn 20 người trong Nghĩa ấp tạo tượng Phật ngồi v.v… Như vậy, ta có thể biết thường có mấy mươi hoặc mấy trăm người góp sức cùng nhau tạo tượng. Còn trong mục Ngưng thích tự tam cấp phù đồ bi (bia tháp 3 cấp ở chùa Ngưng thích) trong Kim thạch tục biên quyển 2 ghi rằng: Bài minh (trong bia tháp) khắc vào năm Nguyên tượng thứ 2 (535) đời Đông Ngụy cho biết, con số thành viên của Nghĩa ấp lên tới hơn 2 nghìn người. Ngoài ra, trong nhiều bài minh ghi công đức tạo tượng có những danh xưng như: Ấp nghĩa chủ, Pháp nghĩa chủ, Ấp chủ, Ấp trưởng v.v… Còn trước các chức vụ như Hội trưởng, Ấp duy na v.v… đều có đặt hình dung từ như Đại đô, Đại, Đô, Phó, Tả sương, Hữu sương v.v… rất giống với tên chức sự trong các chùa viện. Vị tăng chỉ đạo giáo hóa đoàn thể Nghĩa ấp này gọi là Ấp sư. Như trong bài minh tạo tượng được khắc vào năm Thái hòa thứ 7 (483) tại hang đá Vân cương có ghi: Ấp nghĩa tín sĩ và tín nữ gồm 54 người trong đó có khắc tên các Ấp sư như: Ấp sư Phổ minh, Ấp sư Đàm tú, Ấp sư Pháp tông v.v… [X. Xuất Tam tạng kí tập Q.12; Kim thạch tụy biên Q.27, 38, 39; Toàn Đường văn Q.988; Trung quốc Phật giáo di vật (Tùng bản văn Tam lang); Thiên Bắc Ngụy trong Trung quốc Phật giáo sử nghiên cứu (Trủng bản Thiện long)].