ngạch nhĩ đức phái

Phật Quang Đại Từ Điển

(額爾德派) Tạng: Dge-lugs-Pa. Cũng gọi Đâu suất giáo phái, Đức hạnh phái, Cách lỗ phái, Tân cam đan phái (Tạng: Bka-gdams gsar-ma-pa, Hoàng mạo phái, Hoàng giáo. Tông phái Phật giáo Tây tạng do ngài Tông khách ba sáng lập vào thế kỉ XV, phái này đội mũ vàng nên gọi là phái Hoàng mạo (Hoàng giáo) để phân biệt với phái đội mũ đỏ là phái Hồng mạo (Hồng giáo). Thánh điển căn bản của phái này là 2 tác phẩm quan trọng của ngài Tông khách ba, đó là: Luận Bồ đề đạo thứ đệ (Tạng: Lam-rim chen-pô) và luận Bí mật đạo thứ đệ (Tạng: Síags-rim chen-pô). Phái này chủ trương nghiêm trì giới luật, tôn trọng nghi quĩ pháp tắc và thực hành chủ nghĩa độc thân. Lúc đầu, phái này được gọi là phái Cách lỗ, nhưng sau đổi thành Ngạch nhĩ đức là do chuyển âm từ tên của chùa trung tâm là Cát lặc đan (Tạng:Dga- ldan) do ngài Tông khách ba sáng lập. Sau khi ngài Tông khách ba thị tịch (1478), đệ tử là Đạt nhĩ ba nhân khâm (Tạng: Darma rin-po-chen, 1364-1432) thừa kế pháp tịch, tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và phát triển rất mạnh. Ngoài chùa Cát lặc đan nói trên, phái này còn xây dựng nhiều chùa lớn như chùa Biệt bạng (Tạng: Fbras-spuís), chùa Sắc lạp (Tạng: Se-ra), chùa Trát thập luân bố (Tạng: Bkra-zis lhun-po) v.v… đều là những chùa trung tâm quan trọng của phái này. Từ nửa sau thế kỉ XVII đến thế kỉ XVIII, phái Hoàng mạo đã nắm giữ trọn chủ quyền trên toàn cõi Tây tạng và bành trướng thế lực đến các vùng Mông cổ, Đông bắc, Hoa bắc v.v… để củng cố địa vị. [X. Mông tạng Phật giáo sử; Mông cổ Phật giáo sử; Tây tạng (Đa điền Đẳng quan); Tây tạng Phật giáo nghiên cứu; The Buddhism of Tibet by L. A. Waddell; The Religion of Tibet by Ch.Bell]. (xt. Tông Khách Ba).