nam thiền tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(南禪寺) I. Nam Thiền Tự. Chùa ở núi Ngũ đài, tỉnh Sơn tây, Trung quốc, được xây cất vào năm Kiến trung thứ 3 (782) đời vua Đức tông nhà Đường, là kiến trúc bằng gỗ xưa nhất hiện còn ở Trung quốc. Có lẽ chùa này là tự viện nhỏ nhất ở Ngũ đài, vuông vức mỗi bề 5,8 mét, vì thế mới thoát khỏi pháp nạn Hội xương. Trong chùa thờ 17 pho tượng bằng đất nhiều màu sắc như: Thích ca Như lai, Văn thù, Phổ hiền, Quan âm, Kim cương lực sĩ, v.v… Tuy chùa đã được trùng tu vào niên hiệu Nguyên hựu năm đầu (1086) đời vua Triết tông nhà Tống, nhưng nói chung toàn bộ ngôi chùa vẫn còn giữ được phong cách kiến trúc và nghệ thuật đời Đường. II. Nam Thiền Tự. Chùa ở thành phố Kinh đô (Kyoto), khu Thượng kinh, Nhật bản, là Đại bản sơn của phái Nam thiền tự thuộc tông Lâm tế. Chùa này vốn là Thiền lâm tự li cung của Thiên hoàng Qui sơn, vào năm Chính ứng thứ 4 (1291) mới được đổi làm tự viện. Trong cuộc biến loạn Ứng nhân, chùa đã hoàn toàn bị thiêu hủy. Nhưng nhờ sự hộ trì của 2 họ Phong thần và Đức xuyên, chùa được kiến thiết lại. Sau lại bị trận đại hỏa hoạn tàn phá. Vào năm Khoan vĩnh thứ 5 (1628), ông Đằng đường Cao hổ cúng dường kinh phí xây dựng lại theo kiến trúc Thiền tông. Chùa có thờ tượng Phật Thích ca và 16 vị La hán màu sắc tươi sáng. Trong chùa gồm các kiến trúc như: Kim địa viện, Nam Thiền viện, Qui vân viện, Thích tùng viện, Chân thừa viện, Nam dương viện, Từ thị viện, Thiên thụ am v.v…