mục lục

Phật Quang Đại Từ Điển

(目錄) Loại sách chuyên liệt kê tên, số quyển, tác giả, soạn giả, dịch giả và niên đại sáng tác, soạn thuật, phiên dịch của các kinh sách. Về những bản mục lục liên quan đến những kinh điển Phật giáo thì có: 1. Dịch Kinh Mục Lục: Tức mục lục của những kinh Phật được dịch ra Hán văn, có ghi thời đại, tên, đồng thời thêm lược truyện của dịch giả. Như Cổ kim dịch kinh đồ kỉ của ngài Tĩnh mại đời Đường; Soạn xuất kinh luật luận lục trong Xuất tam tạng kí tập của ngài Tăng hựu đời Lương thuộc Nam triều; Tổng quát quần kinh lục trong Khai nguyên thích giáo lục của ngài Trí thăng đời Đường v.v… 2. Nhập TạngLục: Mục lục của những kinh sách chính thức được đưa vào Đại tạng kinh. Như Nhập tạng lục trong Lịch đại Tam bảo kỉ của cư sĩ Phí trường phòng đời Tùy, Nhập tạng lục của Khai nguyên thích giáo lục. 3. Phân Loại Mục Lục: Mục lục liệt kê những kinh điển được phân loại theo 1 tiêu chuẩn nhất định. Như Chúng kinh mục lục của ngài Pháp kinh đời Tùy, Đông vực truyền đăng mục lục của ngài Vĩnh siêu, Chư A xà lê chân ngôn Mật giáo bộ loại tổng lục (Bát gia bí lục) của ngài An nhiên v.v… 4. Sở Tàng Mục Lục:Mục lục của những kinh điển được tàng trữ ở 1 nơi nào đó. Như Đại đường Đông kinh Đại kính ái tự nhất thiết kinh luận mục (Chúng kinh mục lục) của ngài Tĩnh thái đời Đường, Tỉ duệ sơn Sơn môn tạng bản mục lục (tạng Thiên hải) và Kiến nhân tự Lưỡng túc viện tàng thư mục lục ở Nhật bản v.v… 5. San Kinh Mục Lục: Mục lục của tất cả các kinh được ấn hành từ đời Bắc Tống trở về sau. Như Tư khê Viên giác thiền viện tân điêu Đại tạng kinh mục lục ở Hồ châu; Bạch vân tông Nam sơn Đại phổ ninh tự Đại tạng kinh mục lục; Đại tạng mục lục (tạng Cao li), Đại minh tam tạng Thánh giáo Bắc tạng mục lục, Vũ châu Giang hộ Đông duệ sơn Khoan vĩnh tự Nhất thiết kinh tân san ấn hành mục lục ở Nhật bản. Đại tạng kinh Tây tạng cũng có San kinh mục lục. 6. Khám Đồng Mục Lục: Mục lục so sánh những điểm dị đồng giữa các mục lục hoặc kinh sách khác nhau đã được thu tập. Như Chí nguyên Pháp bảo khám đồng tổng lục do các ngài Khánh cát tường biên soạn vào đời Nguyên, là mục lục tạng kinh so sánh đối chiếu những chỗ dị đồng giữa tạng kinh Hán dịch và tạng kinh Tạng dịch; Duyên sơn Tam Đại tạng kinh mục lục, do ngài Tùy thiên, người Nhật, thuộc tông Tịnh độ, biên soạn, là mục lục tạng kinh so sánh những điểm dị đồng giữa 3 bản Đại tạng: Tống, Nguyên, Cao li. 7. Giải Đề Mục Lục: Mục lục nói rõ về tiêu đề, tác giả, soạn giả, dịch giả và nội dung các kinh sách. Như Đại tạng kinh cương mục chỉ yếu lục của ngài Duy bạch đời Tống, Đại tạng Thánh giáo pháp bảo tiêu mục của các ông Vương cổ v.v… đời Tống, Duyệt tạng tri tân của ngài Trí húc đời Minh v.v… 8. Thỉnh Lai Mục Lục: Mục lục thu chép những kinh điển chủ yếu của Phật giáo được thỉnh từ Trung quốc về Nhật bản. Như Tương lai Thai châu lục của ngài Truyền giáo đại sư (Tối trừng); Ngự thỉnh lai mục lục của ngài Không hải; Nhập đường tân cầu Thánh giáo mục lục của ngài Viên nhân; Thư tả thỉnh lai pháp môn mục lục của ngài Tông duệ v.v… 9. Tùng Thư Mục Lục: Mục lục của những sách vở được sưu tập nhắm 1 mục tiêu nào đó. Như Tân biên chư tông giáo tạng tổng lục của ngài Nghĩa thiên người Cao li, là mục lục ghi chép những kinh sách Phật được thu tập ngoài Đại tạng kinh Cao li; Hoa nghiêm tông chương sớ tinh Nhân minh lục của ngài Viên siêu, ghi chép các sách vở của tông Hoa nghiêm theo sắc lệnh nhà vua. 10.Trứ Tác Mục Lục: Mục lục ghi chép các trứ tác của cá nhân. Như Truyền giáo Đại sư soạn tập lục của ngài Khả thấu; Giới đàn viện Quốc sư Ngưng nhiên soạn tập.11. Truyền Thụ Mục Lục: Mục lục truyền pháp của Mật giáo. Như Trung viện lưu truyền thụ mục lục. 12. Thánh Giáo Mục Lục: Mục lục ghi chép tất cả sách vở của 1 dòng phái nào đó (hoặc chính thống) mà Mật giáo lấy làm mẫu mực. Như Tam muội lưu Thánh giáo mục lục; Truyền pháp viện phương tinh Quảng trạch thông dụng Thánh giáo mục lục v.v… (xt. Đại Tạng Kinh Mục Lục).