mật đặc la giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(密特羅教) Mithraism Tông giáo của nước Ba tư (Iran) thời xưa, là 1 trong những tông giáo được lưu truyền bí mật trong thời Đế quốc La mã, thuộc hệ thống Thiên giáo. Theo Thánh điển A phàm sĩ tháp (Zend Avesta) thì vị chủ thần của tông giáo này là thần cách trọng yếu trực thuộc Mã triết đạt (Ahura Mazda). Chủ thần ấy chính là Mật đặc la (Mithra), vì thế nên gọi là Mật đặc la giáo. Ma ni giáo bắt nguồn từ tông giáo này. Mật đặc la vốn là 1 trong những vị thần linh của Ba tư và Ấn độ thời thượng cổ, bắt đầu vào khoảng 2.000 năm trước Tây lịch, có thể thấy trong Lê câu phệ đà. Sau khi Thiên giáo nổi lên thì Mật đặc la không thấy nói đến nữa. Nhưng sau lại thấy được lưu hành ở vùng Mesopotamia rồi từ đó truyền sang phương Tây. Vào khoảng thế kỉ thứ III trước Tây lịch, ở Ba tư và Ấn độ, Mật đặc la được tin thờ như là vị thần chúa tể của thiên không, rồi dần dần được coi là thần Thái dương, thần Ánh sáng, thần làm cho muôn vật tốt tươi và rất được sùng bái. Đối chiếu với Mật đa la (Phạm:Mitra) trong thần thoại Phệ đà, ta thấy Ấn độ và Ba tư có chung 1 thần Thái dương. Đây là đề tài rất thú vị cho những môn Tỉ giảo ngôn ngữ học, Tỉ giảo thần thoại học Ấn Âu v.v…Căn cứ vào nội dung giáo nghĩa và tín ngưỡng mà nhận xét, có thể nói tông giáo này trực thuộc hệ thống Thiên giáo. Do đề xướng thuyết bình đẳng, ăn bánh thánh, nên mọi tín đồ đều được phúc âm như nhau mà đạt đến cảnh giới sống lại. Thế giới hiện thực đấu tranh nhị nguyên thiện và ác, cũng do sự giáng lâm của thần Mật đặc la mà có thuyết Người thiện chết được sống lại, kẻ ác chết bị tiêu diệt. Năm 67 trước Tây lịch, tín ngưỡng Mật đặc la được truyền vào La mã, đến thời Đế quốc La mã hưng thịnh, vì Mật đặc la là chủ thần nên tín ngưỡng Mật đặc la trở thành tông giáo Mật đặc la. Đến thế kỉ II Tây lịch, tông giáo này dựa vào thế lực mạnh mẽ của Đế quốc La mã mà truyền bá ở châu Âu và có xu thế phát triển thành tông giáo thế giới. Nhưng về sau, do sự nổi lên của Cơ đốc giáo nên vào khoảng thế kỉ IV, Mật đặc la giáo suy vi và tín đồ của tông giáo này hoặc cải tín theo Cơ đốc giáo, hoặc theo Ma ni giáo.