mã minh

Phật Quang Đại Từ Điển

(馬鳴) Phạm: Azvaghowa. Đại thi hào Phật giáo, người ở thành Sa chỉ đa, nước Xá vệ, Trung Ấn độ, sống vào khoảng thế kỉ thứ I đến thế kỉ thứ II Tây lịch, Tổ phó pháp thứ 12 của Thiền tông Ấn độ, có quan hệ rất sâu đậm với vua Ca nị sắc ca của Vương triều Quí sương. Ngài xuất thân từ dòng dõi Bà la môn, trong 1 gia đình bác học truyền thống. Mới đầu, ngài tu tập theo pháp ngoại đạo, sau, trong 1 cuộc tranh luận với Hiếp tôn giả, do có chỗ cảm ngộ mà qui y Phật giáo. Ngài học hết Tam tạng, thông suốt nội ngoại điển, là người tiên phong trong nền văn học tiếng Phạm cổ điển, mở đầu nền văn học Văn thể (Phạm: Kàvya) đẹp đẽ, để lại danh tiếng bất hủ trong lịch sử văn học tiếng Phạm. Ngoài văn tài, ngài còn có đức hạnh cao siêu, nên được tôn xưng là Bồ tát. Hành trạng của ngài được ghi chép rõ ràng trong Mã minh bồ tát truyện do ngài Cưu ma la thập dịch và được thu vào Đại chính tạng tập 50. Ngài để lại các tác phẩm: Phật sở hành tán, Tôn đà la nan đà thi, Xá lợi phất chi sở thuyết, Đại thừa trang nghiêm kinh luận, Kim cương châm luận, Kiền trĩ Phạm tán. Ngoài ra, theo Phật giáo Tây tạng thì ngài Ma trất lí chế đa (Phạm: Màtfceỉa) nói trong Đa la na tha Phật giáo sử cũng là bồ tát Mã minh. [X. kinh Tạp bảo tạng Q.7; Mã minh bồ tát truyện; Phó pháp tạng nhân duyên truyện Q.5].