ly xa tì

Phật Quang Đại Từ Điển

(離車毘) Phạm,Pàli:Licchavi, Lecchavi. Cũng gọi Li xa, Lật chiếp bà, Li xa tử, Lợi xa, Lê xương, Tùy xá lợi, Luật xa, Li xiết, Lí gia, Lật sa. Hán dịch: Bạc bì, Đồng bì, Tiên tộc vương, Biên địa chủ. Chủng tộc Sát đế lợi ở thành Tì xá li (Phạm:Vaizàli) thuộc Trung Ấn độ, là 1 bộ phận của chủng tộc Bạt kì (Phạm:Vfji). Cứ theo Thiện kiến luật tì bà sa quyển 10, thủa xưa, phu nhân của nước Ba la nại sinh ra 1 bọc thịt, lấy làm xấu hổ vì nó khác thường nên cho người ném xuống sông. Bọc thịt ấy được 1 đạo sĩ vớt lên đem về để ở 1 chỗ, nửa tháng sau, bọc thịt tự nhiên chia làm 2 phần, nửa tháng sau nữa 1 phần biến thành con trai, 1 phần biến thành con gái, nhờ sức từ bi của đại sĩ, nên từ đầu ngón tay của ông tự nhiên chảy ra sữa để nuôi 2 đứa bé, khi chúng bú sữa này thì bụng của chúng trở nên trong suốt từ trong đến ngoài, đạo sĩ bèn đặt tên cho chúng là Li xa tử (nghĩa là da mỏng). Khi đến 16 tuổi, 2 đứa trẻ sống bằng nghề chăn bò, làm nhà ở chung, kết hôn với nhau, tôn đứa trai làm vua, bé gái là phu nhân. Về sau họ sinh ra nhiều vương tử và vì 3 lần xây nhà rộng thêm nên gọi là Tì xá li (nghĩa là rộng rãi trang nghiêm). Theo kinh Trường a hàm quyển 4, sau khi đức Phật vào Niết bàn, dân chúng Li xa cũng được chia 1 phần xá lợi Phật, xây tháp cúng dường. Có thuyết cho rằng chủng tộc này vốn đồng chủng với người Tây tạng, khi đức Phật còn tại thế, họ theo chế độ Cộng hòa, nước mạnh dân giầu, sánh ngang với nước Ma kiệt đà ở phía nam, về sau thế nước mỗi ngày một suy dần. Mãi đến khi ông Chiên đà la cấp đa (Phạm: Candragupta), người sáng lập Vương triều Khổng tước, kết hôn với các cô gái thuộc chủng tộc này từ đó thế lực của họ lại dần dần lớn mạnh trở lại. [X. kinh Sư tử trong Trung a hàm Q.4; kinh Đại pháp cổ Q.hạ; kinh Bát nê hoàn Q.hạ; phẩm Tựa kinh Thuyết vô cấu xưng; luật Tứ phần Q.42; luận Đại trí độ Q.18; Đại đường tây vực kí Q.7; Tuệ lâm âm nghĩa Q.5, 29].