Ki-La Ki-La-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: kilakilapa; “Người mồm to bị đuổi”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, không biết sống trong thế kỉ nào.
Ông thuộc giai cấp thấp kém trong thành Bhi-ra-li-ra, là người không nói lời dịu dàng, hay khích bác gây sự. Ðiều này xuất phát từ khẩu Nghiệp của các đời trước. Người ta ai cũng ghét ông và vì thế ông rút về sống trên một bãi thiêu xác. Nơi đó ông gặp một Du-già sư và vị này sẵn lòng chỉ cho ông một Nghi quỹ (s: sādhana) để tu tập. Ông được đưa vào những yếu chỉ bí mật của Bí mật tập hội (s: guhya-samāja-tantra) và được dạy phép quán tưởng như sau:
Lời mình hay lời người,
tất cả là âm thanh;
hãy tinh tiến quán tưởng,
mọi âm không hề khác.
Rồi hãy quán thêm rằng,
lời mình từ tính Không,
mênh mông như bầu trời,
đến như ngàn tiếng sấm,
rồi rơi xuống như hoa.
Nhờ chuyên tâm quán tưởng, ông không còn thấy âm thanh của người khác đối với mình hằn học nữa. Rồi ông mất luôn âm thanh của tiếng nói mình trong khoảng bao la bất tận của tính Không. Tất cả mọi hiện tượng và thanh âm hiện lên đối với ông dưới dạng Ðại thủ ấn và ông đạt giải thoát. Kệ ngộ đạo của ông như sau:
Trong bầu trời Pháp giới,
sức diệu dụng thanh tịnh,
biến ra ngàn tiếng sấm.
Toàn thế giới hiện tượng,
trước hư vọng giả dối,
nay trở thành Tỉnh giác:
Tâm thức đạt  Ba thân