K-Từ Điển Đạo Uyển

Ka-La-Lã

Từ Điển Đạo Uyển

柯羅邏; C: kēluóluó; J: karara; S: kalala.
Giai đoạn đầu trong 5 thời kì con người được thụ thai.

Ka-La-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: kālapa; “Người bảnh trai cuồng điên”;
Một trong 84 vị Tất-đạt (s: siddha) của Ấn Ðộ, sống khoảng cuối thế kỉ thứ 12 và thuộc dòng truyền thừa của Thời luân tan-tra (kālacakra-tantra).
Ka-la-pa là một người bảnh trai nổi tiếng, đi đâu ai cũng nhìn ngắm ông. Ðiều này làm phiền đến mức ông rút lui sống trên một bãi thiêu xác. Sau đó nhờ một vị Du-già sư (s: yogin) khai thị hướng dẫn vào một Nghi quỹ (s: sādhana), ông chuyên tâm thiền định và đạt thánh quả. Qua quá trình tu tập, ông nhận ra sự nhất thể, thấy sự khác biệt giữa mình và người chỉ là một sự nhầm lẫn. Ông trở lại thân thiện với mọi người – quá mức thân thiện đến nỗi người đời gọi ông là “cuồng.” Ông thi triển thần thông và khuyên dạy mọi người như sau:
Nguyên nhân mọi âu lo,
xuất phát từ nhầm lẫn:
mỗi người một ốc đảo,
đơn độc và cách biệt.
Nếu bạn muốn thoát khổ,
quán tâm thức hoạt động,
như một đoàn thiên nhân,
biến mất trong âm “A”
như một chiếc cầu vồng,
biến mất trong bầu trời.
Sinh, Tử và Già, Chết,
không còn gì uy lực,
với tên cuồng này nữa.
Hành động tràn qua y,
là niềm vui thanh tịnh.
Chứng thật và rốt ráo,
là niềm vui thanh tịnh.
Thiền quán vô lậu trí,
là niềm vui thanh tịnh.
Ðạt đích không mong cầu,
là niềm vui thanh tịnh.
Bài thánh ca của ông có những dòng:
Những con người thế gian,
sống cuộc đời lầm lạc,
họ gọi ta là cuồng.
Ta biết cách chữa trị,
căn bệnh lầm lạc đó,
là cam lộ thiêng liêng
giáo lí bậc Ðạo sư.

Ka-Na Ðề-Bà

Từ Điển Đạo Uyển

S: kāṇadeva; “Ðơn nhãn Ðề-bà”;
Một tên khác của Thánh Thiên, Tổ thứ 15 của Thiền tông Ấn Ðộ.

Ka-Na Kha-La

Từ Điển Đạo Uyển

S: kanakhalā;
Một Du-già ni tất-đạt (s: yoginī siddhā) trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, có lẽ sống trong thế kỉ thứ 9.
Ka-na Kha-la là cô em gái của Mê-kha-la (s: me-khalā), xem chuyện kể chung với chị.
Bài ca ngộ đạo của Ka-na Kha-la như sau:
Ta đã tu Nhẫn nhục,
một phép tu bất hoại,
hạnh nguyện như kim cương.
Cưỡi trên dòng tâm thức,
rồi thi triển quyền năng,
trên xác thân con người.

Ka-Pa-La-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: kapālapa hoặc kapa; “Người đeo sọ người”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, có lẽ sống trong thế kỉ thứ 8, 9.
Ông là người làm thuê tại Rā-ja-pu-rī, có vợ năm con. Ngày nọ, vợ ông chẳng may chết sớm. Ông vừa mang vợ ra chỗ thiêu xác thì nghe tin năm đứa con mình cũng chết luôn. Ông trở về mang xác con để bên cạnh vợ, ngồi khóc thảm thiết. Ðúng lúc đó thì Ðạo sư Kan-ha-pa (s: kāṇhapa hoặc kṛṣṇācārya) đi ngang. Kan-ha-pa giảng cho ông đời sống vô thường và khuyên ông tu tập một Nghi quỹ (s: sādhana). Ka-pa-la-pa thú nhận ông bị sự sợ hãi cái chết xâm chiếm, xin Kan-ha-pa dạy cho phép đối trị cái sợ này. Kan-ha-pa cho phép ông vào Man-đa-la của Hô kim cương tan-tra và dạy phép thiền định. Vị này còn đưa cho ông sáu miếng xương đẽo từ tay chân của con ông, sọ người vợ được biến thành bình bát. Ông quán tưởng, xem sọ là tác nhân và tính Không là quả. Sau chín năm thiền định, ông đạt được sự giao phối của hai thứ thiền định đó và đọc bài kệ:
Ta, người mang sọ người,
đã chứng thật Tự tính,
mọi sự và sọ người.
Không còn ngần ngại nữa,
mọi hoạt động của ta.
Sau khi chứng ngộ, ông sống thêm 500 năm nữa để giáo hoá. Bài ca tán Chân như của ông như sau:
Thể tính phi nhị nguyên,
nguồn gốc mọi hiện tượng,
cũng là xương và sọ,
cũng là Ngã giả dối.
Tất cả những điều đó,
chẳng phải tìm mà ra.

Kam-Ba-La

Từ Điển Đạo Uyển

S: kambala; “Du-già sư với áo choàng đen”;
Một Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, có lẽ sống trong khoảng cuối thế kỉ thứ 8.
Ông là thái tử nước Kaṅ-ka-ra-ma, lúc phụ vương mất, lên nối ngôi cha. Thế nhưng mẹ ông khuyên ông nên bỏ ngôi báu thụ giới đi tu, ông nghe lời. Bà mẹ vẫn chưa vừa lòng, khuyên ông nên bỏ tu viện, ông nghe lời, trở thành một Du-già sư (s: yogin) lang thang khất thực. Bà mẹ thật ra là một Không hành nữ (s: ḍākinī), muốn thử lòng tuyệt đối vâng lời của ông để đưa vào phép luyện Tan-tra. Sau khi ông trở thành Du-già sư, người mẹ hiện ra, cho ông nhập môn tu luyện Cha-kra-sam-va-ra-tan-tra. Ông tu luyện 12 năm liên tục và đạt thánh quả Ðại thủ ấn tất-địa. Nghe lời vị Không hành nữ, ông tiếp tục du hoá. Ngày nọ, có một nhóm phù thuỷ muốn phá ông, họ lấy cắp và nuốt chửng chiếc áo choàng đen của ông. Ông thi triển thần thông biến phù thuỷ thành cừu cái và cạo đầu chúng. Lúc được hiện lại nguyên hình, nhóm phù thuỷ nghe lời, ủng hộ Phật pháp và nhả lại các mảnh áo cho ông. Ông vá chiếc áo lại, nhưng bây giờ nó ngắn hơn trước một chút. Ông được mệnh danh là “Du-già sư với áo choàng đen.” Chứng đạo ca của ông như sau:
Ðại dương sâu thăm thẳm,
chất chứa đầy ngọc quý,
phồn vinh thay, Long Vương.
Từ vô thuỷ, tất cả
là ánh sáng, âm thanh
của Pháp thân thường tại.
Quý thay, Du-già sư,
kẻ nhận thức Thật tại!

Kam-Pa-Ri-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: kamparipa hoặc karmāri, karmāra; “Thợ rèn”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, sống trong khoảng cuối thế kỉ thứ 11.
Kam-pa-ri-pa sinh tại Hoa Thị thành (s: pāṭali-putra). Ông sống bằng nghề thợ rèn. Ngày nọ có một Du-già sư đến khất thực, Kam-pa-ri-pa mừng rỡ vì không ngờ vị này khất thực nơi nhà mình. Cùng vợ, ông tiếp đãi trọng hậu và được vị này khai thị, dạy cho ông quán tưởng về ba dòng năng lực tâm lí: “Hãy quán ống bệ, than và lửa trong tâm ngươi. Ống bệ là năng lực, ống khói là cảm thụ, tâm thức là lửa, khái niệm là than, miếng sắt là ba độc. Hãy dùng nó mà đánh tan Ba độc và miếng sắt sẽ trở thành Ðại lạc của Pháp thân bất nhị. Hãy biến quán tưởng thành hành động hàng ngày:
Hai tay thổi ống bệ,
bên mặt và bên trái,
quạt lửa than nóng lên,
mà đốt cháy khái niệm,
nằm trô trên ống khói.
Thổi lên ngọn lửa hồng,
của tri kiến, tỉnh giác,
đốt chảy tan miếng sắt,
của ba độc, năm tham,
đạt Pháp thân bất hoại.”
Ông nghe nghe lời và sau sáu năm thiền định, ông đạt Ðại thủ ấn tất-địa. Sau đó sản phẩm rèn của ông không làm mà tự xuất hiện. Bài chứng đạo ca của ông có những dòng sau:
Trên ống khói thân ta,
là than đen khái niệm,
Thổi ống bệ trái, mặt,
đốt lên ngọn lửa trí.
Miếng sắt của ba độc,
bị chảy thành như nước,
lấy pháp thân làm búa.
Kam-ba-ri giác ngộ!

Kan-Ha-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: kāṇhapa hoặc kṛṣṇācārya; “Thành tựu giả kiêu mạn”;
Một Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, được xem sống trong đầu thế kỉ thứ 8.
Kan-ha-pa là đệ tử của Ja-lan-đa-ra (s: jālandhara). Sau mười hai năm tu luyện, ông cho mình đã đạt đạo và đem đệ tử đi đấu phép với ma quân. Lúc đi trên nước, ông tự đắc nghĩ mình đã hơn thầy, vừa nghĩ tới đó ông mất hết thần thông và chìm xuống nước. Ja-lan-đa-ra lại hiện ra cứu ông và gửi ông cho một đệ tử thợ dệt nhờ giáo hoá. Thế nhưng đệ tử thợ dệt cũng không chữa nổi tính kiêu mạn của ông. Trên đường đi ông lại đấu phép với một cô bé trẻ tuổi, thua cuộc và sau đó lòng tự phụ mới tiêu tan, ông đạt Tất-địa và được bước vào cõi của các Không hành nữ (s: ḍākinī). Kệ tụng của ông như sau:
Xe không thể chạy được,
nếu không có bánh xe,
Hành bố thí phạm hạnh,
mà không có Ðạo sư,
chẳng đạt được Tất-địa.
Như con chim giang cánh,
với khả năng sẵn có,
nó bay vút lên cao.
Ðã nghe lời giáo hoá,
của Ðạo sư nghiệp định,
Du-già sư hài lòng.

Kan-Ka-Na

Từ Điển Đạo Uyển

S: kaṅkaṇa; “Tất-đạt vương”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, sống trong khoảng thế kỉ thứ 11.
Ông là nhà vua xứ Viṣ-ṇu-na-gar, đời sống sung mãn không thiếu thứ gì. Ngày nọ, có một Du-già sư (s: yogin) đến khất thực và nhân dịp này khuyên ông: “Vua và Quốc vương là hai danh từ rỗng, chức vị bây giờ của ông là vô nghĩa. Tất cả chúng sinh đều phải chịu đựng khổ cực, kiếp này sang kiếp khác, một vòng xoay bất tận. Ngay cả sự hạnh phúc hiện tại của chư thiên cũng là khổ khi họ nghe là sắp phải chết. Rồi kiếp sau ông sẽ thế nào? Hãy quên đi những thú vui tạm thời, ngắn ngủi như sương sớm mai và hãy tu luyện một Nghi quỹ.”
Nghe như thế, ông liền hỏi có cách nào tu tập mà không phải mặc áo quần rách rưới, không phải đi khất thực. Vị Du-già sư khuyên ông nên tránh lòng kiêu mạn đó, đồng thời chỉ cho ông phép tu đặc biệt, quán ánh sáng vàng ngọc đeo trên tay mình chính là tâm thức thanh tịnh:
Quán ánh ngọc trên tay:
Tự tính trong tâm thành.
Quán màu sắc áo quần,
của lụa là, cung điện,
nó là hình ảnh hiện,
trong viên ngọc quý này.
Thế nhưng – tự tính ngọc,
không hề từng lay động.
Từ thiên hình vạn trạng,
của sum la hiện tượng,
sinh ra vô số lượng,
tư tưởng trong tâm mình.
Tâm thức lại chỉ là,
viên ngọc biết chiếu rọi.
Nhà vua nghe lời và chỉ sáu tháng sau, ông đạt Tất-địa. Người đời đặt tên ông là Kan-ka-na (kaṅkaṇa), có nghĩa “vòng ngọc” vì nhờ vòng ngọc đó mà ông chứng ngộ được. Ông sống đến 500 tuổi và giáo hoá cho vô số người. Ông dạy họ như sau:
Chứng ngộ được tính tâm,
đó là vua không khác.
Khi báo thân hiển hiện,
đó là vương quốc mình.
Vua sống trong vương quốc,
đó là lễ đăng quang.
Các ngươi muốn làm vua?
Hãy tu tập phép này.
Thánh ca của Kan-ka-na có những dòng:
Chứng ngộ: ngọc như ý,
chiếu tri kiến cao tột,
có sức mạnh diệu kì,
thành tựu mọi ước nguyện.
Ai đã nếm thử nó,
kẻ chứng đạt hoàn toàn.

Kan-Ka-Ri-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: kaṅkāripa hoặc kaṅkali; “Người góa vợ ưu sầu”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ.
Ông là một sống người bình thường, rất yêu vợ. Ðến khi người vợ mất thì ông không thiết đến gì nữa, đau khổ gần như muốn chết. Một Du-già sư thấy vậy thương tình, đến thăm hỏi. Ông than với vị này: “Ông không thấy sao? Tôi mất người vợ yêu quý và cuộc đời của tôi như thế cũng chấm dứt. Tôi đau khổ như bị ai lấy cả hai tròng mắt ngay lúc này, không có ai trên đời khổ như tôi.” Vị Du-già sư nghe vậy khuyên ông: “Tất cả những gì được sinh ra đều phải chết, hợp rồi phải tan. Tất cả những hiện hữu trong Luân hồi đều là Khổ. Khổ là đặc tính của Vòng sinh tử. Tại sao ông lại buồn? Tại sao ông còn giữ cái thây này, một vật không khác gì tro đất? Tại sao ông không tu học Phật pháp để diệt khổ?”
Nghe những lời khai thị này ông mừng quá, cầu xin chỉ dạy. Vị Du-già sư khuyên ông quán hình ảnh vợ mình là một Không hành nữ (s: ḍākinī), không bằng xương thịt tạo thành mà là sự nhất thể của Ðại lạc và tính Không. Sau sáu năm quán niệm, ông đạt tri kiến tuyệt đối – Ðại thủ ấn tất-địa.
Chứng đạo kệ của ông như sau:
Không hành nữ, nữ hoàng,
chủ nhân của chính ta.
Tự tính thanh tịnh đã,
biến ra thành sắc thể,
Không gian trống rỗng đã
biến thành vật khả tri,
Ta không hề rời xa,
nhưng không phải của “Ta.”
Không thể diễn bày được,
không thể nào so sánh.

Kan-Ta-Li-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: kantalipa, kanthapa, kantapa, kaṇtālipa, ka-nālipa, kandipa; “Người may vải vụn”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, không rõ sống trong thế kỉ nào.
Ông là người vô giai cấp, sống bằng nghề vá áo, không bao giờ biết sung sướng là gì. Ngày nọ, ông vô ý đâm kim vào tay chảy máu. Buồn rầu về số phận của mình, ông tìm một nơi vắng vẻ suy tư. Một Không hành nữ (s: ḍākinī), hiện hình thành một người đàn bà, hỏi thăm ông. Ông thành thật kể lể đời sống mình và vị nữ thần cho hay rằng, nếu không thoát khỏi Vòng sinh tử thì kiếp này hay kiếp sau ông cũng chịu khổ như kim chích. Ông cầu xin được truyền một Nghi quỹ để theo đó tu tập. Nữ thần cho ông nhập môn Hô kim cương tan-tra (s: hevajra-tantra), Quán đỉnh và dạy ông quán Bốn tâm vô lượng (Bốn phạm trú). Ông cố gắng tu tập nhưng tâm luôn trở lại nghề may của mình. Nữ thần bèn dạy ông cách biến tư duy thành phương pháp tu:
Vải vụn ví không gian,
Kim nhọn ví tỉnh giác,
Sợi chỉ ví lòng Từ,
may vá áo quần lại,
mặc cho loài hữu tình,
của thế gian ba cõi.
Nhờ phép thiền quán này mà Kan-ta-li-pa ngộ được tính Không của những yếu tố tạo ra thế giới hiện tượng và lòng Từ bi, thương xót tất cả những loài hữu tình dâng lên trong lòng ông. Ông chứng ngộ rằng, Từ bi và Không là một và đạt Ðại thủ ấn tất-địa. Chứng đạo ca của ông như sau:
Ta gom may ba cõi,
kim ta là Ðạo sư,
sợi chỉ là lòng Từ,
hãy nhìn chiếc áo quý,
của Du-già sư này!

Kệ

Từ Điển Đạo Uyển

偈; C: jié; J: ge, kei, ketsu; S, P: gāthā; gọi đầy đủ là kệ-đà, cũng được gọi là kệ tụng, tụng;
1. Là những bài ca, bài thơ chứng đạo của những Tỉ-khâu, những Thiền sư, những Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha), thố lộ cảm giác sung sướng, nhẹ nhàng khi đã vượt qua ải trần lao, đã hoàn thành những công việc mà con người phải làm. Trong những tập công án như Bích nham lục và Vô môn quan, những bài kệ của những vị biên soạn chính là cái tinh hoa, là cái then cửa để thiền sinh có thể mở được những công án khó chinh phục. Những bài kệ này có thể xem là tuyệt đỉnh của nền văn học Trung Quốc nói chung – không chỉ giới hạn trong thiền đạo. Kệ tụng sau đây của Thiền sư Vô Môn Huệ Khai ghi lại trong tác phẩm Vô môn quan, công án 19, cho hậu thế nếm vị của tịch tịnh (Trần Tuấn Mẫn dịch):
春有百花秋有月。夏有涼風冬有雪
若無閑事挂心頭。便是人間好時節
Xuân hữu bách hoa, thu hữu nguyệt
Hạ hữu lương phong, đông hữu tuyết
Nhược vô nhàn sự quải tâm đầu
Tiện thị nhân gian hảo thời tiết.
*Xuân có trăm hoa, thu có trăng
Hạ về gió mát, tuyết đông giăng
Ví lòng thanh thản không lo nghĩ
Ấy buổi êm đềm chốn thế gian.
2. Nhanh chóng, vội vã;
3. Dũng cảm, hùng dũng.

Kệ Tụng

Từ Điển Đạo Uyển

偈頌; C: jié sòng; J: geju;
Có các nghĩa sau: 1. Bài kệ tán thán công đức của đức Phật. Thể thơ trong Kinh văn, khác với thể văn xuôi (trường hàng); 2. Trong luận giải kinh Viên Giác, sư Tông Mật đề ra 4 loại kệ tụng: a. A-nậu-đô-bà tụng (阿耨都婆頌): không kể văn trường hàng ở trước, bài kệ gồm 12 âm tiết; b. Già-đà tụng (伽陀頌), còn gọi là Phúng tụng (諷頌) và Trực tụng (直頌), giảng giải giáo pháp bằng thơ mà không cần phải lặp lại văn trường hàng trong đoạn trước; c. Kì-dạ tụng (祇夜頌): còn gọi là Ứng tụng (應頌); d. Tập thí tụng (集施頌): ngắn gọn với ý nghĩa nhiều nhất chỉ gồm trong vài chữ. Một trong 12 thể loại trong kinh điển Phật giáo (Thập nhị bộ kinh 十二部經).

Kết Già Phu Toạ

Từ Điển Đạo Uyển

結跏趺坐; S: padmāsana; J: kekka-fusa; cũng được gọi là Liên hoa toạ (蓮花坐);
Tại Ðông, Ðông nam á, Kết già phu toạ được xem là cách ngồi thích hợp nhất để Toạ thiền. Phật và các vị Bồ Tát thường được trình bày dưới dạng Kết già phu toạ trong tranh tượng.
Theo thế ngồi này, hai chân chéo nhau, chân phải nằm trên bắp vế trái, chân trái nằm trên bắp vế phải. Lưng đứng thẳng và hai bàn tay nằm chồng ngửa lên nhau trên gót chân. Khác với phần lớn các tông phái khác, trong Thiền tông, người ta thường đặt bàn tay trái (tĩnh, thế bị động) nằm trên bàn tay phải (động, thế chủ động), một biểu hiện của quan niệm “dĩ tĩnh chế động” của trường phái này.

Kết Sử

Từ Điển Đạo Uyển

結使; S, P: saṃyojana;
Trói buộc, Cái triền

Kết Tập

Từ Điển Đạo Uyển

結集; S, P: saṅgīti;
Có bốn lần kết tập trong lịch sử phát triển đạo Phật. Lần kết tập thứ nhất được tổ chức tại Vương xá (s: rājagṛha) ngay sau khi Phật diệt độ. Lần kết tập thứ hai được tổ chức tại Vệ-xá-li (s: vaiśālī), khoảng 100 năm sau Vương xá, tức là khoảng năm 386 trước Công nguyên. Lần thứ ba được tổ chức tại Hoa Thị thành (s: pāṭaliputra), ngày nay là Pat-na, trong thế kỉ thứ hai sau ngày Phật nhập Niết-bàn. Lần kết tập này không được Thượng toạ bộ (p: theravāda) công nhận. Thượng toạ bộ theo truyền thống riêng và xem lần kết tập thứ ba này được thực hiện qua trường phái Pāli trong thời gian A-dục vương (s: aśoka) trị vì. Lần kết tập thứ tư được tổ chức tại Kashmir, ý kiến về lần này cũng khác nhau. Có người cho rằng đó là lần kết tập toàn thể do vua Ca-nị-sắc-ca (s: ka-niṣka) tổ chức, có người cho rằng đó chỉ là kết tập của phái Nhất thiết hữu (s: sarvās-tivāda).
Mục đích các lần kết tập là giải quyết các ý kiến, quan niệm bất đồng trong tăng hội, thuyết minh các vấn đề và xác lập các kinh sách cơ bản.
Kết tập lần thứ nhất: Lần kết tập này được tường thuật trong Luật tạng (s, p: vinaya-piṭaka). Ðại hội này do Ma-ha Ca-diếp (s: mahākāśyapa) triệu tập, là người nhận thấy sau khi Phật diệt độ có nhiều khuynh hướng thoái hoá trong Tăng-già. Có 500 Tỉ-khâu – tất cả đều là A-la-hán – tham dự đại hội, khoảng năm 408 trước Công nguyên. Hội này được tổ chức tại Vương xá. Ca-diếp yêu cầu Ưu-ba-li (s, p: upāli) trình bày về giới luật và A-nan-đà (ānanda) về giáo pháp. Dựa trên trình bày của hai vị đó mà Luật tạng và Kinh tạng thành hình. Sau đó, các bản kinh được đại hội nhất trí được tụng đọc.
Tương truyền trong lần kết tập này, A-nan-đà bị Ca-diếp phê bình nặng nề vì lúc bắt đầu đại hội, Tôn giả vẫn chưa đạt quả A-la-hán và chính trong thời gian đó (đêm trước buổi kết tập), A-nan-đà đạt thánh quả này. Trong đại hội, A-nan-đà cũng bị chê trách là “quên” hỏi Phật một cách chính xác vài chuyện trước khi Ngài nhập Niết-bàn. Một điểm khác mà A-nan-đà cũng bị chê trách là thái độ đồng tình khi Phật cho phép lập ni đoàn. Tuy nhiên, A-nan-đà bị chê trách nhất là đã không xin Phật trì hoãn việc nhập Niết-bàn. Ngày nay nhiều học giả phân vân không biết kết tập lần thứ nhất đúng như đã lưu truyền hay không, nhưng nhiều người đều nhất trí việc thống nhất kinh bản đã xảy ra rất sớm.
Kết tập lần thứ hai: lần này được tài liệu ghi rõ hơn lần thứ nhất nhiều và xem như một sự thật lịch sử. Lí do kết tập trong khoảng năm 386 trước Công nguyên là vì những khác biệt về giới luật. Lần đó, các tỉ-khâu ở Vệ-xá-li đã đi ngược giới luật, nhận vàng bạc cúng dường của Phật tử. Ðồng thời, một đệ tử của A-nan-đà là Da-xá (s: yaśa) chê trách các vị này phạm giới luật như ăn không đúng thời, rượu chè… Da-xá vì vậy mà bị trục xuất khỏi Tăng-già. Vị này cầu cứu các vị tăng khác. Cuối cùng một đại hội với 700 tỉ-khâu được triệu tập, bầu một hội đồng gồm mỗi vùng Ðông Tây bốn vị, lên án các vị tăng phạm luật ở Vệ-xá-li. Các vị tăng này cũng nhận lỗi. Biên bản đại hội này đã được ghi lại trong Luật tạng, bằng văn hệ Pā-li cũng như Phạn ngữ (sanskrit). Về sau, một số vị trưởng lão theo truyền thống Tích Lan cho rằng lần kết tập này đã dẫn đến sự chia rẽ giữa Trưởng lão bộ (s: sthavira) và Ðại chúng bộ (s: mahāsāṅghika). Các vị này cho rằng các tăng sĩ Vệ-xá-li đã thực hiện một kết tập khác để thành lập Ðại chúng bộ.
Kết tập lần thứ ba: Trong Luật tạng không có tài liệu về lần kết tập này. Các biên bản về lần kết tập này khác nhau nhiều, nhưng phần lớn nguồn tài liệu cho rằng, lí do lần kết tập này là bàn bạc về tính chất một A-la-hán. Một tỉ-khâu tại Hoa Thị thành (s: pāṭaliputra) tên là Ðại Thiên (s, p: mahādeva) nêu lên năm điểm: 1. Dư sở dụ: A-la-hán còn có thể bị tham Ái chi phối bởi vì còn nhục thân, vấn đề sinh lí chưa đoạn nên khi thuỵ miên còn có thể lậu hoặc; 2. Vô tri: A-la-hán chưa hoàn toàn thoát khỏi Vô minh; 3. Do dự: A-la-hán chưa đoạn diệt nghi ngờ; 4. Tha linh nhập: A-la-hán còn cần trợ lực bên ngoài mới biết mình đạt Bồ-đề; 5. Ðạo nhân thanh cố khởi (Ðạo nương vào âm thanh mà sinh): A-la-hán cần những thanh âm đặc biệt để đạt Ðịnh, và ngộ chân lí.
Năm thuyết này của Ðại Thiên đã chia Tăng-già ra làm hai phái. Lần kết tập này có mục đích giảng hoà hai bên, nhưng cuối cùng chỉ còn xác nhận sự phân cực đó. Nhóm tăng sĩ ủng hộ lập trường của Ðại Thiên thuộc đa số và tự nhận mình là “Ðại chúng bộ”, trong lúc đó nhóm trưởng lão, đạo cao đức trọng, tự xác nhận mình là “Trưởng lão” (s: sthavira; p: theravāda). Trường phái Pā-li của Tích Lan (śrī laṅkā) không thừa nhận lần kết tập thứ ba này. Ðối với họ, kết tập lần thứ ba là đại hội của trường phái Pā-li tại Hoa Thị thành dưới thời vua A-dục, khoảng năm 244 trước Công nguyên. Nguyên nhân kết tập lần này lại cũng là sự tranh cãi ai là tu sĩ Phật giáo “đích thật”, ai chỉ là mạo danh để hưởng quyền lợi của Tăng-già. Theo lệnh của vua A-dục, một vị cao tăng tên Mục-kiền-liên Tử-đế-tu (p: moggaliputta tissa) triệu tập đại hội và mỗi vị tỉ-khâu đều được “phỏng vấn”. Vị nào không đạt yêu cầu, đáp ứng mâu thuẫn với những quan niệm chính mình, đều bị trục xuất ra khỏi Tăng-già. Trong tác phẩm Luận sử (p: kathāvatthu), Mục-kiền-liên Tử-đế-tu phản đối những quan niệm Sư cho là ngoại đạo, không thể dung hoà được lần này. Trong lần kết tập này, toàn bộ kinh sách đều được sử dụng và lần này trở thành cơ sở thành lập của Thượng toạ bộ (p: theravāda).
Kết tập lần thứ tư: Có lẽ cũng chỉ là một đại hội của Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda) chứ không phải của toàn thể giáo hội. Lần này đại hội được triệu tập dưới thời vua Ca-nị-sắc-ca, nhằm mục đích luận giảng lại A-tì-đạt-ma (s: abhidharma), trong đó người ta thấy những quan điểm phóng khoáng hơn. Theo nhiều tư liệu thì lần này có khoảng 500 vị A-la-hán và nhiều Bồ Tát tham dự. Trong đại hội này, Thế Hữu (s: vasumitra) đóng một vai trò quan trọng với một tác phẩm mang tên Dị bộ tông luân luận (s: samayabheda-vyūhacakra-śāstra) nói về các bộ phái thời kì này. Về sau Nhất thiết hữu bộ có ảnh hưởng lớn nên lần kết tập này cũng được sự thừa nhận chung.

Khả

Từ Điển Đạo Uyển

可; C: kĕ; J: ka;
Có các nghĩa sau: 1. Có thể, có lẽ, có khả năng. Biểu hiện của trạng thái tiềm năng (s: sakya); 2. Tốt, đẹp. Ổn đáng.

Khả đắc

Từ Điển Đạo Uyển

可得; C: kĕdé; J: katoku; S: upalabhyante; T: dmigs pa, yod pa.
Có thể đạt được, có thể được, có thể hiểu được, có thể lĩnh hội được.

Khả Tri

Từ Điển Đạo Uyển

可知; C: kĕzhī; J: kachi;
Hiển nhiên, rõ rệt; có thể thấy; có thể biết, đáng được biết.

Khả ý

Từ Điển Đạo Uyển

可意; C: kĕyì; J: kai; S: manojñā; T: yid du ḥoṅ ba;
Có các nghĩa sau: 1. Hài lòng, hấp dẫn, dễ chịu (s: manojñā; t: yid du ḥoṅ ba); 2. Điều đáng yêu (manāpa); 3. Mang lại, ban phát niềm vui; 4. Niềm vui, sự vui mừng, hạnh phúc.

Khắc

Từ Điển Đạo Uyển

克; C: kè; J: koku;
Có các nghĩa sau: 1. Có thể, có khả năng, thích đáng; 2. Khắc phục, cải tiến; 3. Ấn định (thời gian).

Khải

Từ Điển Đạo Uyển

啓; C: qǐ; J: kei;
Dạy, làm sáng tỏ, khai ngộ, soi sáng, giảng giải.

Khải Bạch

Từ Điển Đạo Uyển

啓白; C: qǐbái; J: keibyaku;
Lời thưa thỉnh đến chư Phật hay Bồ Tát.

Khai Nhãn

Từ Điển Đạo Uyển

開眼; J: kaigen;
Nghĩa là mở mắt; được dùng trong hai trường hợp:
1. Ðược dùng chỉ sự chạm mắt với cái tuyệt đối, Chân như, Phật tính lần đầu. Người lĩnh hội được đại ý Phật pháp thường được gọi là có Pháp nhãn (xem thêm Năm loại mắt);
2. Chỉ lễ an vị một tượng Phật. Người ta nói rằng, bức tượng hay hình của Phật chỉ “sống” khi có đủ hai con mắt. Trong buổi lễ khai nhãn, vị tăng trụ trì gắn mắt (tượng trưng) và nhấn mạnh sự tôn kính Phật tính vô tướng của mình được biểu hiện qua bức tượng này.

Khai Sơn

Từ Điển Đạo Uyển

開山; J: kaisan;
Danh từ chỉ người khai sơn lập chùa. Người lập một trường phái riêng biệt được gọi là Khai sơn tổ sư.

Khai, Thị, Ngộ, Nhập

Từ Điển Đạo Uyển

開示悟入
tức là mở mắt (khai), hướng dẫn cho thấy (thị), thấy rồi thầm hiểu (ngộ) ý chỉ, ngộ rồi thì bước vào (nhập) Thánh đạo.

Kham Năng

Từ Điển Đạo Uyển

堪能; C: kānnéng; J: kannō;
Kĩ năng, tinh thông, tính linh hoạt, khả năng thích nghi (s: karmanya); thường dùng với từ gần đồng nghĩa Điều nhu (調柔). Khó đạt được loại khả năng nầy khi bị trói buộc bởi những phiền não thô trọng (麁重).

Khâm Sơn Văn Thuý

Từ Điển Đạo Uyển

欽山文邃; C: qīnshān wénsuì; J: kinzan bun-sui;
Thiền sư Trung Quốc, đệ tử của Ðộng Sơn Lương Giới.
Sư xuất gia lúc còn nhỏ và lúc đầu là bạn đồng hành với Tuyết Phong Nghĩa Tồn và Nham Ðầu Toàn Hoát. Cả ba đều đến Ðức Sơn tham thiền. Trong khi Nham Ðầu và Tuyết Phong trở thành hai vị môn đệ xuất sắc của Ðức Sơn thì Sư lại không chịu nổi cách dạy cực kì nghiêm khắc tại đây. Cảnh Ðức truyền đăng lục có ghi lại rằng có lần Ðức Sơn đánh Sư đến nỗi sinh bệnh. Sau Sư đến Ðộng Sơn và đốn ngộ nơi đây. Tương truyền rằng, Sư đến trụ trì Khâm sơn lúc mới 27 tuổi.
Bích nham lục có ghi lại cách hoằng hoá của Sư trong Công án 56. Một vị Thiền khách tên Cự Lương đến hỏi: “Khi một mũi tên phá ba cổng thì thế nào?” Sư bảo: “Dẫn ông chủ của ba cổng ra xem?” Lương Toại đáp: “Thế ấy thì biết lỗi, ắt cãi.” Sư bảo: “Lại đợi khi nào?” Lương nói: “Tên tốt bắn chẳng đến đích.” và ra đi. Sư liền gọi: “Xà-lê lại đây!” Họ Lương xoay đầu, Sư nắm đứng nói: “Mội mũi tên phá ba cổng hãy gác lại, thử vì Khâm Sơn bắn tên xem!” Họ Lương suy nghĩ, Sư liền đánh bảy gậy và nói: “Hãy cho gã này nghi ba mươi năm.”

Khán Thoại Thiền

Từ Điển Đạo Uyển

看話禪; C: kànhuà-chán; J: kanna-zen;
Danh từ này được Thiền sư Ðại Huệ Tông Cảo nêu ra và sử dụng lần đầu. Khán thoại thiền là phương pháp quán Công án, xem công án là phương tiện quan trọng nhất để đắc đạo. Công án đã được sử dụng từ giữa thế kỉ thứ 10, nhưng chỉ thật sự hưng thịnh khi tập Bích nham lục của Thiền sư Viên Ngộ ra đời. Thiền sư Ðại Huệ rất đề cao vai trò quan trọng của công án và từ đây, quán công án trở thành phương pháp tu tập chính trong dòng thiền Lâm Tế.

Khang Tăng Hội

Từ Điển Đạo Uyển

康僧會; ~ tk. 3
Cao tăng Việt Nam. Sư sinh tại Giao Chỉ, cha mẹ mất lúc lên mười, thông giỏi chữ Pā-li và chữ Hán, là người sáng tác các tác phẩm Phật giáo đầu tiên của Việt Nam như Lục độ yếu mục, Nê-hoàn phạm bối, chú giải sách An-ban thủ ý. Sư được xem là người khởi nguyên Thiền tông Việt Nam. Cuối đời, Sư đi Nam Kinh (Trung Quốc) và mất tại đây năm 280.

Khánh Hỉ

Từ Điển Đạo Uyển

慶喜; 1066-1142
Thiền sư Việt nam, thuộc phái Tì-ni-đa Lưu-chi đời thứ 14. Sư nối pháp Thiền sư Bản Tịch và truyền lại cho Thiền sư Pháp Dung.
Sư họ Nguyễn, quê ở Cổ Giao, Long Biên, thuở nhỏ đã không thích ăn thịt cá. Lớn lên, Sư xuất gia tu học với Thiền sư Bản Tịch tại chùa Chúc Thánh.
Một hôm, trên đường đến nhà đàn việt thụ trai, Sư hỏi: “Thế nào là ý chính của Tổ sư – mà nghe dân gia bị đồng cốt làm mê hoặc?” Bản Tịch đáp: “Lời nói ấy đâu không không phải đồng cốt giáng thần?” Sư bảo: “Hoà thượng chớ chuyên nói đùa.” Bản Tịch đáp: “Ta không từng có mảy may nói đùa.” Sư nghe không hội, bèn từ biệt thầy ra đi.
Ðến chùa Vạn Tuế gặp Thiền sư Biện Tài, Biện Tài hỏi: “Ngươi từ đâu đến?” Sư thưa: “Con từ Bản Tịch đến.” Biện Tài bảo: “Thầy ấy cũng là Thiện tri thức của một phương, đã từng nói với ngươi câu gì?” Sư liền thuật lại chuyện cũ, Biện Tài bảo: “Ôi! Tịch sư vì ngươi đã nói tột rồi, chớ huỷ báng Bản sư không tốt.” Sư dừng lại suy nghĩ, Biện Tài bảo: “Ðâu không nghe nói: Khi đạt khắp cảnh đầy đủ, chẳng ngộ hằng trái xa.” Sư nghe vậy bỗng nhiên đốn ngộ, trở về Bản Tịch và được ấn khả.
Vua Lí Thần Tông mời Sư vào kinh, Sư ứng đối xứng hợp ý chỉ nên vua rất phục, phong chức Tăng lục, sau lại phong Tăng thống.
Ðệ tử Pháp Dung hỏi: “Liễu đạt sắc không, sắc là phàm hay là thánh?” Sư liền đọc bài kệ sau:
勞生休問色兼空。學道無過訪祖宗
天外覓心難定體。人間植桂豈成叢
乾坤盡是毛頭上。日月包含芥子中
大用現前拳在手。誰知凡聖與西東
Lao sinh hưu vấn sắc kiêm không
Học đạo vô quá phỏng Tổ tông
Thiên ngoại mích tâm nan định thể
Nhân gian thực quế khởi thành tùng
Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung
Ðại dụng hiện tiền quyền tại thủ
Thuỳ tri phàm thánh dữ Tây Ðông?
*Uổng công thôi hỏi sắc cùng không
Học đạo gì hơn phỏng Tổ tông
Ngoài trời tìm tâm thật khó thấy
Thế gian trồng quế đâu thành tùng
Ðầu lông trùm cả càn khôn thảy
Hạt cải bao gồm nhật nguyệt trong
Ðại dụng hiện tiền tay nắm vững
Ai phân phàm thánh với Tây, Ðông.
Ngày 27 tháng giêng, niên hiệu Ðại Ðịnh năm thứ 3, Sư có chút bệnh rồi tịch, thọ 76 tuổi.

Khát

Từ Điển Đạo Uyển

渇; C: kĕ; J: katsu; S: tarsa.
Khát nước, thèm muốn, thèm khát

Khất

Từ Điển Đạo Uyển

乞; C: qǐ; J: kotsu;
Cầu, xin. Cầu xin của bố thí.

Khát Ngưỡng

Từ Điển Đạo Uyển

渇仰; C: kĕyăng; J: katsugō;
Mong mỏi, trông mong, khao khát (s: tṛṣṭa). Sự ngưỡng mộ.

Khất Sĩ

Từ Điển Đạo Uyển

乞士
danh từ chỉ các vị Xuất gia học đạo, lang thang khất thực hằng ngày, dùng chung cho Phật đạo và ngoại đạo. Tại Ấn Ðộ, người ta thường dùng ba danh từ chỉ một người Khất sĩ, đó là Anāgārika (Vô gia cư), Bhikṣu (Tỉ-khâu), và Śramaṇa (Sa-môn, Du tăng). Ba từ này đều có thể hiểu là Khất sĩ, được dùng chung cho Phật đạo và ngoại đạo.

Khất Thực

Từ Điển Đạo Uyển

乞食; C: qǐshí; J: kotsujiki;
Cầu xin thực phẩm. Tiếng Hán còn gọi là Thác bát (托鉢). Tăng ni tự nuôi sống mình bằng cách khất thực từ nhà của cư sĩ. Có nhiều luật liên quan đến việc khất thực được ghi trong Luật tạng, như hạn định thời gian khất thực chỉ được đến khi đúng ngọ (12 giờ trưa) và chỉ khất thực trong giới hạn những nhu cầu căn bản để duy trì mệnh sống (s: pinda-cārika, bhaikṣya, pinda).

Khát-Ga-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: khaḍgapa; “Kiếm sĩ” còn được mệnh danh là “Kẻ trộm vô uý”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, được xem sống trong khoảng đầu thế kỉ thứ 10.
Ông thuộc giới nông dân, nhưng lúc lớn lên sống bằng trộm cắp. Lần nọ, ăn trộm không được, ông buồn rầu trở về bãi đốt xác thì gặp một vị Du-già sư tên Cát-pa-ti (s: carpaṭi), ông hỏi: “Có phép lạ nào giúp ta ăn trộm mà không bị khám phá.” Vị Du-già sư nghe hỏi như thế bèn chỉ cách: “Trong thành nọ có một bảo tháp, trong đó có một tượng Quán Thế Âm. Ngươi hãy đến đó đi vòng quanh tượng liên tục ba tuần, sau đó sẽ có một con rắn xuất hiện và hãy nắm bắt lấy đầu của con rắn này.” Làm đúng như lời, ông bắt được con rắn nhưng ngay sau đó, con rắn biến thành lưỡi kiếm trí huệ. Chỉ một thời gian ngắn sau, ông đạt quả Tất-địa (s: siddhi). Kệ chứng đạo của ông như sau:
Nếu không có khí giới,
dù chống chọi bao nhiêu,
chiến sĩ luôn bại trận.
Mang theo thanh bảo kiếm,
“Lòng tỉnh giác bất tử”
thắng kẻ thù “Ba cõi”
lòng ta đầy an lạc!

Khẩu Quyết

Từ Điển Đạo Uyển

口訣 (決); C: kŏujué; J: kuketsu;
Sự truyền miệng tinh yếu giáo pháp từ thầy cho đệ tử. Còn gọi Khẩu quyết (口決).

Khẩu Truyền

Từ Điển Đạo Uyển

口傳; C: kŏuchuán; J: kuden;
Giáo pháp truyền miệng, khác biệt với giáo pháp lưu truyền bằng kinh điển, Sự mật truyền, khác với công truyền. Còn gọi là Khẩu quyết (口訣).

Khê Lam Thập Diệp Tập

Từ Điển Đạo Uyển

溪嵐拾葉集; C: xīlán shíyè jí; J: keiran shūyō shū;
113 quyển, tuyển tập của phái Thai Mật Phật giáo Nhật Bản, được cao tăng học giả Quang Tông (光宗, j: kōshū) biên soạn vào giữa năm 1311 và 1348. Bao gồm hơn 300 tập, ấn bản trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh dựa vào sự phục hồi tập nầy bắt đầu vào năm 1968. Để nghiên cứu nội dung, xin xem Grapard (1998).

Khí

Từ Điển Đạo Uyển

棄; C: qì; J: ki;
1. Liệng bỏ, buông ra, thả ra; bỏ lại; quên đi, bỏ qua. Quăng bỏ, từ bỏ (s: vihāya, apana-yati). Dừng hẳn.

Khí

Từ Điển Đạo Uyển

氣; C: qì; J: ki;
1. Không khí, gió; 2. Hơi thở (s: vāta); 3. Năng lực vô hình của sự sống, có phần tương đương với prāṇa của Ấn Độ, là năng lực vật chất của vũ trụ.

Khí Hiềm

Từ Điển Đạo Uyển

棄嫌; C: qìxián; J: kiken;
Trừ bỏ nghi ngờ; từ bỏ lòng căm ghét.

Khiếm

Từ Điển Đạo Uyển

欠; C: qiàn; J: ketsu;
1. Không hoàn toàn; thiếu, vắng. Thất lạc; 2. Vết thương hay thương tích; 3. Ngáp, cử chỉ ngáp (s: vijrmbhita). Thường viết 缺.

Khiết

Từ Điển Đạo Uyển

潔; C: jié; J: ketsu;
1. Thanh tịnh, trong sạch, tinh khiết; 2. Đạo đức chính trực, uy nghi.

Khổ

Từ Điển Đạo Uyển

苦; S: duḥkha; P: dukkha;
Khái niệm quan trọng của Phật giáo, là cơ sở của Tứ diệu đế. Khổ là một trong Ba tính của sự vật.
Không phải chỉ là những cảm thụ khó chịu mới là Khổ; Khổ dùng để chỉ tất cả mọi hiện tượng vật chất và tâm thức, xuất phát từ Ngũ uẩn, chịu dưới quy luật của sự thay đổi và biến hoại. Như thế tất cả những điều an lạc đang có cũng là khổ vì chúng sẽ hoại diệt. Khổ xuất phát từ Ái (s: tṛṣṇā) và con đường thoát khổ là Bát chính đạo.
Chân lí thứ nhất của Tứ diệu đế nói về tính chất của khổ như sau: “Sinh là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; lo lắng, than thở, buồn rầu, tuyệt vọng là khổ; không đạt gì mình ưa thích là khổ; nói tóm lại: mọi thứ dính líu đến Ngũ uẩn là khổ.”

Khoáng

Từ Điển Đạo Uyển

曠; C: kuàng; J: kō;
1. Rất trong sáng và rõ ràng; 2. Hoang vu, trống không; 3. Bỏ hoang, bỏ quên; 4. Rộng mở, mênh mông, bao la, trống không, để trống; 5. Xa xăm, rộng dài; 6. Vô ưu, không bận tâm lo nghĩ.

Khoáng Kiếp

Từ Điển Đạo Uyển

曠劫; C: kuàng jié; J: kōgō;
Một thời gian dài. Từ xưa nay.

Khôi Sơn Trụ Bộ

Từ Điển Đạo Uyển

灰山住部; S: gokulika;
Một bộ phái Phật giáo xuất phát từ Ðại chúng bộ (xem biểu đồ của các bộ phái cuối sách).

Không Hải

Từ Điển Đạo Uyển

空海; J: kūkai; 774-835, còn được gọi là Hoằng Pháp Ðại sư (j: kōbō daishi);
Cao tăng Nhật Bản, người sáng lập Chân ngôn tông (j: shingon) – dạng Mật tông tại Nhật. Sư tu học Mật tông tại Trung Quốc và về Nhật mở đạo trường tại núi Cao Dã (j: kō-ya), về sau trở thành trung tâm của Chân ngôn tông. Năm 17 tuổi, Sư đã viết luận về Nho, Lão và Phật giáo và tác phẩm Thập trụ tâm luận – Sư biên soạn bộ này dưới lệnh của Thiên hoàng – nói rõ đạo lí cơ bản của Chân ngôn tông.
Sư cũng mở trường dạy nghệ thuật và khoa học, chấp nhận mọi người theo học, dạy các môn học thế gian và siêu thế gian, kể cả đạo lí của Khổng Tử và Lão Tử. Sư cũng nổi danh trong các ngành khác như hội hoạ, điêu khắc và kĩ thuật.
Sư rất quan tâm đến việc học Phạn ngữ vì cho rằng chỉ với ngôn ngữ này, ý nghĩa của những Man-tra và Ðà-la-ni mới thể hiện trọn vẹn. Sư và các môn đệ cũng là những người đầu tiên kết hợp truyền thống Thần đạo (j: shintō) với Phật giáo và đưa các vị Tổ của Thần đạo lên hàng Bồ Tát.
Sư sinh trưởng trong một gia đình quý tộc. Năm 791, Sư vào một trường dạy Nho và cũng trong năm này, mới 17 tuổi, Sư viết Tam giáo chỉ quy, một bài luận về ba học thuyết thời bấy giờ là Phật, Khổng và Lão giáo. So sánh với đạo Phật, Sư nêu ra những giới hạn của Khổng, Lão. Theo Sư thì đạo Phật đã dung chứa những yếu tố của Khổng, Lão. Tác phẩm Thập trụ tâm luận (Mười bậc trên đường học đạo) của Sư được xem là quan trọng nhất, vượt xa năm tác phẩm Phật giáo khác cùng được trình cho nhà vua thời bấy giờ. Tác phẩm này bao gồm mười chương, trình bày mười cấp phát triển một ý thức giác ngộ. Sư là người đầu tiên tại Nhật dùng phương pháp so sánh một học thuyết với học thuyết khác để làm sáng tỏ một quan điểm. Mười bậc trên đường học đạo theo Thập trụ tâm luận của Sư gồm có:
Cấp 1 là thế giới như của súc sinh, thế giới không kiểm soát được tham dục, thế giới không hề có ý thức Giác ngộ;
Cấp 2 là Khổng giáo, là nơi thực hiện các đức hạnh thế gian, nhưng không quan tâm đến ý thức giác ngộ;
Cấp 3 là Lão giáo, mà các tín đồ tin tưởng nơi một tầng trời đầy hoan lạc bằng cách tu tập thiền định;
Cấp 4 là cấp của Thanh văn thừa của Tiểu thừa, tin vào tính Vô ngã vì cái ngã chỉ do Ngũ uẩn tạo thành;
Cấp 5 là cấp Ðộc giác Phật, là người đạt tri kiến về Mười hai nhân duyên, về sự vô thường, vô ngã và là người đã chấm dứt sự phát sinh của Nghiệp;
Cấp 6 là cấp của tông Pháp tướng (j: hossū-shū);
Cấp 7 là cấp của Tam luận tông, cấp 8 là cấp của Thiên Thai tông, cấp 9 là cấp của Hoa nghiêm tông và cấp 10 là Chân ngôn tông. Sư cho rằng chín cấp trước đều do “bệnh của tư tưởng” mà thành, chỉ có cấp 10 mới chứa đựng chân lí đích thật.

Không Hành Nữ

Từ Điển Đạo Uyển

空行女; S: ḍākinī; T: khadroma;
Theo quan điểm dân gian Ấn Ðộ, Không hành nữ là các nữ thần trong thiên giới. Ðặc biệt trong Kim cương thừa, Không hành nữ được xem là gốc của sự cảm hứng và trong các tranh tượng, chư vị được vẽ như các nữ thần loã thể đáng sợ.

H 32: Kim cương không hành nữ (s: vajra-ḍākinī), đang ở tư thế đứng vòng cung (s: cāpasthāna). Trong Phật gia thì vị này thuộc về Ðiều hỉ quốc của Phật Bất Ðộng và thường được trình bày với tay cầm Kim cương chử và bình. Thỉnh thoảng bình được thay thế bằng một sọ người.
Trong Phật giáo Tây Tạng, nhiều tu sĩ xem Không hành nữ là thần bảo hộ, là người giải phóng năng lực của người tu tập và hoà nhập vào năng lực của chính mình. Danh hiệu Không hành nữ có nghĩa là vị nữ thần di chuyển trên bình diện thật tại cao nhất – theo tiếng Tây Tạng Kha-dro-ma, kha: không gian, dro: chuyển dịch, ma: nữ giới. Sự loã thể tượng trưng cho sự thật không bị che đậy.

Không Lộ

Từ Điển Đạo Uyển

空露; ?-1119
Thiền sư Việt Nam, thuộc đời thứ 9 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông.
Sư sinh năm nào không rõ, chỉ biết là tịch năm 1119. Ông cha theo nghề chài lưới, đến đời Sư mới bỏ nghề, xuất gia theo Phật. Khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065), đời Lí Thánh Tông, Sư xuất gia với Thiền sư Hà Trạch, kết bạn với Thiền sư Giác Hải và Ðạo Hạnh. Sư có khuynh hướng tu Mật giáo, tương truyền rằng Sư có phép lạ như bay trong không trung, đi trên mặt nước, hàng phục cọp beo.
Ngày 3 tháng 6 năm Hội Trường Ðại Khánh thứ 10 (1119), đời Lí Nhân Tông, Sư viên tịch, môn đồ thu xá lợi thờ tại chùa Nghiêm Quang. Chùa Nghiêm Quang được đổi tên là Thần Quang (1167) nguyên ở hữu ngạn sông Hồng đã bị bão lụt huỷ hoại. Năm 1630 dân dựng lại chùa ở tả ngạn sông Hồng, nay thuộc xã Vũ Nghĩa, tỉnh Thái Bình, được gọi là chùa Keo dưới.
Sư có để bài kệ Ngôn Hoài và bài thơ Ngư Nhàn sau:
Thơ Ngư Nhàn:
萬里青江萬里天。一村桑柘一村煙
漁翁睡著無人喚。過午醒來雪滿船
Vạn lí thanh giang, vạn lí thiên.
Nhất thôn tang giá, nhất thôn yên.
Ngư ông thuỳ trước vô nhân hoán,
Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền.
*Muôn dặm sông dài, muôn dặm trời,
Một làn dâu giá, một làn hơi.
Ông chài mê ngủ không người gọi,
Tỉnh giấc quá trưa tuyết đầy thuyền.
Kệ Ngôn Hoài (Ngô Tất Tố dịch):
擇得龍蛇地可居。野情終日樂無餘
有時直上孤峰頂。長嘯一聲寒太虛
Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
*Lựa nơi rồng rắn đất ưa người
Cả buổi tình quê những mảng vui
Có lúc thẳng lên lầu núi thẳm
Một hơi sáo miệng lạnh bầu trời.
Có sách cho rằng sư Không Lộ là Nguyễn Minh Không, nhưng theo Thiền sư Việt Nam của Thích Thanh Từ thì hai vị hoàn toàn khác nhau. Nguyễn Minh Không sinh năm 1076, mất năm 1141, là người trị bệnh hoá hổ cho Lí Thần Tông.

Không, Không Tính

Từ Điển Đạo Uyển

空,空性; S: śūnya (tính từ), śūnyatā (danh từ); nghĩa là “trống rỗng”, “rỗng tuếch”;
Khái niệm trung tâm của đạo Phật, quan trọng nhất và cũng trừu tượng nhất. Trong thời đạo Phật nguyên thuỷ, kinh điển đã nhắc rằng, mọi sự vật là giả hợp, Hữu vi (s: saṃskṛta), trống rỗng (s: śūnya), Vô thường (s: anitya), Vô ngã (s: anātman) và Khổ (s: duḥkha).
Trong Tiểu thừa, tính Không nhằm nói về thể tính của con người và được sử dụng như một tính từ (s: śūnya). Ðại thừa đi thêm một bước nữa, sử dụng Không như một danh từ (s: śūnyatā), xem Không là vạn sự, vạn sự là Không, tức mọi hiện tượng thân tâm đều không hề có tự tính (s: svabhāva). Mọi pháp đều chỉ là những dạng trình hiện (呈現; e: appearance; g: erscheinung), chúng xuất phát từ tính Không, là không. Tính Không vừa chứa tất cả mọi hiện tượng, vừa xuyên suốt các trình tự phát triển sự vật. Tuy thế, người ta cần phải tránh quan điểm hư vô (e: nihilism) dễ có khi luận về tính Không như vừa kể trên. Phải hiểu là sự vật không phải là không có, chúng có, nhưng chỉ là những dạng xuất hiện, là những trình hiện của một thể tính. Kể cả tư tưởng cũng là trình hiện của thể tính đó nên không thể dùng tư tưởng để tiếp cận ngược lại nó. Vì vậy tiếp cận tính Không là nội dung của các phép tu học, nhất là Thiền tông. Tính Không được Ðại thừa cho là thể tính tuyệt đối, tối thượng, không bị hạn lượng của nhị nguyên. Vì tính chất trừu tượng và chỉ nhờ trực ngộ mà thấy nên tính Không luôn luôn là đối tượng tranh luận trong các tông phái Phật giáo xưa nay.
Ðại thừa dùng ẩn dụ sau đây để minh hoạ sự khác biệt trong quan điểm của Tiểu thừa và Ðại thừa về tính Không: Tiểu thừa xem sự vật như một cái thùng trống rỗng, Ðại thừa phủ nhận luôn sự hiện hữu của cái thùng đó, chủ trương một quan điểm vô ngã tuyệt đối.
Trong bộ kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, tính Không được xem là cái chung nhất của tất cả mọi hiện tượng mâu thuẫn lẫn nhau; kinh này cho rằng Sắc và Không không hề khác nhau (Ma-ha bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh).
Trung quán tông thì cho mọi sự vật đều trống rỗng, chúng chỉ dựa lên nhau mà có (Mười hai nhân duyên). Thể tính của toàn thế giới là Không, nó là “cái tĩnh lặng của thiên hình vạn trạng”. Tính Không là thể tính của mọi khái niệm, kể cả khái niệm “tính không” bao trùm ngôn ngữ. Vì vậy không thể dùng ngôn ngữ, dùng khái niệm nói về Không. Trung quán tông cho rằng, Tính Không có ba chức năng: nguồn gốc của tất cả mọi sinh thành của chúng sinh, của sự hoại diệt của chúng, đồng thời tạo cho chúng điều kiện thoát khỏi Luân hồi. Một khi con người dùng trí Bát-nhã kiến ngộ được Không là con người đạt Niết-bàn.
Ðối với Duy thức tông (s: yogācāra, vijñānavāda) thì mọi sự đều trống rỗng vì chúng chỉ xuất phát từ Tâm (s: citta). Trong trường phái này thì Tâm và tính Không là một.
Tại Tây Tạng, quan điểm tính Không cũng đóng một vai trò quan trọng trong khi truyền giáo lí Trung quán qua xứ này. Luận sư Ấn Ðộ Liên Hoa Giới (s: kamalaśīla) và Hoà thượng Ðại Thừa, đại diện của Thiền tông Trung Quốc tranh cluận nhau, liệu con đường giác ngộ chân lí phải qua từng cấp bậc (Tiệm ngộ) hay chỉ là một trực nhận bất ngờ (Ðốn ngộ). Cuối cùng, tại Tây Tạng, người ta chấp nhận con đường “từng cấp” và vì thế kể từ khoảng thế kỉ 11, người ta bắt đầu thiết lập nhiều phép tu và quan niệm triết học về tính Không, còn được ghi lại trong những tác phẩm gọi chung là Tất-đàn-đa (s: siddhānta). Tất cả mọi trường phái của Trung quán đều lấy quan điểm “hai chân lí” của Long Thụ làm gốc:
Chân lí quy ước (s: saṃvṛti-satya), có giá trị trong đời sống bình thường, có giá trị cho các hiện tượng do Mười hai nhân duyên tạo nên, nhưng thật ra chúng không tồn tại thật sự;
Chân lí tuyệt đối (s: paramārthasatya), là tính Không, là thể “nằm ngoài tồn tại hay không tồn tại”, là thể không thể nghĩ bàn – chỉ có thể thông đạt được qua sự trực nhận.
Tất cả các điểm khác nhau giữa các phái thuộc Trung quán là hiểu thế nào về hai chân lí đó và làm sao mà tiếp cận, trực ngộ được tính Không. Các phép tu của Phật giáo Tây Tạng dần dần không chỉ tự giới hạn nơi những quan điểm triết học mà còn đi sâu vào các phép Tan-tra để tiếp cận tính Không. Ðặc biệt là phép tu Ðại thủ ấn (s: mahāmudrā) và Ðại cứu kính (s: atiyoga; t: dzogchen) chỉ rõ cho hành giả cách thể nhập kinh nghiệm về tính Không.
Với thời gian, người ta có thể nhận ra một điểm khác biệt giữa Trung quán tông nguyên thuỷ và các giáo pháp Trung quán của Tây Tạng: nếu Trung quán chỉ nói tới tính Không bằng cách phủ nhận cái “đang là” thì các giáo phái này xem tính Không là một cái gì đó có tính chất khẳng định (e: positive) có thể nắm bắt được, tính Không này mang một tính chất “rộng mở”, có một mối liên hệ với Cực quang (s: ābhāsvara, ánh sáng rực rỡ, Na-rô lục pháp).

Khúc

Từ Điển Đạo Uyển

曲; C: qŭ; J: koku, goku, kyoku;
1. Uốn cong, bị cong, vênh, khúc cong; 2. Làm cong, làm hư hỏng, bóp méo, làm xoắn; 3. Một đoạn đường cong; 4. Sai, trái; 5. Kĩ lưỡng, chính xác; 6. Một bài hát; 7. Dạy dỗ; thầy giáo.

Khúc Thành

Từ Điển Đạo Uyển

曲成; C: qŭ chéng; J: kyokusei;
1. Hoàn chỉnh toàn bộ không một chút sơ suất; 2. Đưa sự việc đến chỗ hoàn mãn bằng cách lợi dụng sự biến chuyển theo hoàn cảnh (Kinh Dịch).

Khúc Thuyết

Từ Điển Đạo Uyển

曲説; C: qŭ shuō; J: kyokusetsu;
Quan niệm sai lệch. Khuynh hướng hay lí lẽ thiên lệch. Lời tuyên bố một chiều.

Khúc Xỉ

Từ Điển Đạo Uyển

曲齒; C: qŭchĭ; J: kyōshi; S: kūṭadantī
Một trong 10 vị La-sát nữ hộ pháp trong kinh Pháp Hoa. Thập La-sát nữ (十羅刹女).

Khuê Phong Tông Mật

Từ Điển Đạo Uyển

圭峰宗密; C: guīfēng zōngmì; J: keihō shū-mitsu; 780-841;
Thiền sư Trung Quốc dòng Hà Trạch Thần Hội và cũng là Tổ thứ 5 của Hoa nghiêm tông. Sư tìm cách phối hợp giáo lí của Hoa nghiêm tông và cách thực hành của các vị Thiền sư. Sư luận giải giáo lí của Hiền Thủ Pháp Tạng – Tổ thứ ba của Hoa nghiêm tông – bằng ngôn ngữ dễ hiểu hơn. Hoa nghiêm nguyên nhân luận của Sư là một trong những tác phẩm tiêu chuẩn mà những vị tăng ở Nhật Bản phải học qua.
Sư họ Hà, quê ở Quả Châu, lúc đầu quy y ở Toại Châu nơi Thiền sư Viên. Nhân dịp đọc kinh Viên Giác, Sư bỗng ngộ yếu chỉ. Sau khi đọc Hoa nghiêm sớ, Sư đến yết kiến Pháp sư Thanh Lương Trừng Quán và sau trở thành Tổ thứ năm của Hoa nghiêm tông. Danh tiếng của Sư lan tràn khắp nơi và vua Ðường Văn Tông ban cho Sư áo ca-sa tía (tử y). Ngày 6 tháng giêng năm Hội Xương, Sư ngồi thị tịch. Vua sắc phong là Ðịnh Huệ.
Một tác phẩm nổi tiếng khác của Sư là Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự cũng thường được nhắc đến, trong đó Sư phân chia Thiền thành năm thể loại, được gọi chung là Ngũ vị thiền.

Khuông Việt

Từ Điển Đạo Uyển

匡越; 933-1011
Thiền sư Việt Nam, thuộc dòng Vô Ngôn Thông đời thứ 4, đắc pháp nơi Thiền sư Vân Phong. Kế thừa Sư là Thiền sư Ða Bảo.
Sư tên tục là Ngô Chân Lưu, quê ở làng Cát Lợi quận Thường Lạc. Thuở nhỏ Sư theo nghiệp nhà Nho nhưng lớn lên lại tu học Phật pháp. Sư thụ giáo nơi Thiền sư Vân Phong tại chùa Khai Quốc và triệt ngộ yếu chỉ Thiền nơi đây.
Danh Sư vang khắp tùng lâm, được vua Ðinh Tiên Hoàng mời vào cung hỏi đạo. Sư ứng đối rành rẽ, vua rất phục, ban cho chức Tăng thống. Ðến đời vua Lê Ðại Hành, Sư càng được kính trọng. Bao nhiêu việc về binh, nước, vua đều mời Sư vào cung tham vấn.
Sắp tịch, gọi Ða Bảo lại nói kệ:
木中原有火。有火火還生
若謂木無火。鑽遂何由萌
Mộc trung nguyên hữu hoả
Hữu hoả, hoả hoàn sinh
Nhược vị mộc vô hoả
Toản toại hà do manh.
*Trong cây sẵn có lửa
Có lửa, lửa lại sinh
Nếu bảo cây không lửa
Cọ xát làm gì sinh.
Ðọc xong, Sư ngồi Kết già thị tịch, thọ 79 tuổi.

Khuy Cơ

Từ Điển Đạo Uyển

窺基; C: kuījī; 632-682;
Cao tăng Phật giáo Trung Quốc, đệ tử của Huyền Trang và cùng Huyền Trang sáng lập Pháp tướng tông.
Khuy Cơ đi tu từ năm 17 tuổi, năm 25 tuổi đã dịch kinh sách và tham gia dịch Thành duy thức luận (s: vijñaptimātratā-siddhi), một tác phẩm căn bản của Pháp tướng tông. Sư cũng viết một bài luận về tác phẩm này và hệ thống hoá mạch lạc giáo lí của thầy mình.

Khuyến

Từ Điển Đạo Uyển

勸; C: quàn; J: kan;
Có các nghĩa sau: 1. Ủng hộ, thuyết phục, khuyến khích; 2. Khuyên nhủ, giáo hoá; 3. Sự giúp sức, sự tiến bộ, sự tăng trưởng (s: samādāpayati).

Khuyến Lệnh

Từ Điển Đạo Uyển

勸令; C: quànlìng; J: kenryō;
Dạy dỗ và khuyến khích; thúc đẩy, ủng hộ.

Khuyến Trì

Từ Điển Đạo Uyển

勸持; C: quànchí; J: kanji;
Ủng hộ và gìn giữ, tôn trọng, hành trì theo lời dạy trong một bộ kinh. Thuật ngữ nầy thường thấy ở phần kết thúc của một bộ kinh (theo Pháp hoa kinh 法華經).

Từ Điển Đạo Uyển

既; C: jì; J: ki, ke;
1. Từ khi, khi; đã rồi, trước đây, thực ra, rồi, chẳng còn… nữa; 2. Dùng hết, xong.

Kí Dĩ

Từ Điển Đạo Uyển

既已; C: jìyĭ; J: kii;
1. Trước đây đã rồi, thực ra, rồi, chẳng còn… nữa; 2. Dùng hết, xong.

Kĩ Nhi

Từ Điển Đạo Uyển

伎兒; C: jìér; J: gini;
Ca sĩ, con hát, nữ ca sĩ (s: nata).

Kí Thành

Từ Điển Đạo Uyển

既成; C: jì chéng; J: kijō;
Khi đã hoàn thành.

Kì Viên

Từ Điển Đạo Uyển

祇園; S, P: jetavana;
Ðạo trường tại Xá-vệ (s: śrāvastī), do Cấp Cô Ðộc (s, p: anāthapiṇḍika), một thương nhân giàu có, tặng cho Phật Thích-ca. Ðây cũng là nơi Ngài lưu trú 19 mùa mưa. Ngôi chùa cổ nhất của Trung Quốc là Bạch Mã tự cũng được xây theo kiểu đạo trường này

Ki-La Ki-La-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: kilakilapa; “Người mồm to bị đuổi”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, không biết sống trong thế kỉ nào.
Ông thuộc giai cấp thấp kém trong thành Bhi-ra-li-ra, là người không nói lời dịu dàng, hay khích bác gây sự. Ðiều này xuất phát từ khẩu Nghiệp của các đời trước. Người ta ai cũng ghét ông và vì thế ông rút về sống trên một bãi thiêu xác. Nơi đó ông gặp một Du-già sư và vị này sẵn lòng chỉ cho ông một Nghi quỹ (s: sādhana) để tu tập. Ông được đưa vào những yếu chỉ bí mật của Bí mật tập hội (s: guhya-samāja-tantra) và được dạy phép quán tưởng như sau:
Lời mình hay lời người,
tất cả là âm thanh;
hãy tinh tiến quán tưởng,
mọi âm không hề khác.
Rồi hãy quán thêm rằng,
lời mình từ tính Không,
mênh mông như bầu trời,
đến như ngàn tiếng sấm,
rồi rơi xuống như hoa.
Nhờ chuyên tâm quán tưởng, ông không còn thấy âm thanh của người khác đối với mình hằn học nữa. Rồi ông mất luôn âm thanh của tiếng nói mình trong khoảng bao la bất tận của tính Không. Tất cả mọi hiện tượng và thanh âm hiện lên đối với ông dưới dạng Ðại thủ ấn và ông đạt giải thoát. Kệ ngộ đạo của ông như sau:
Trong bầu trời Pháp giới,
sức diệu dụng thanh tịnh,
biến ra ngàn tiếng sấm.
Toàn thế giới hiện tượng,
trước hư vọng giả dối,
nay trở thành Tỉnh giác:
Tâm thức đạt  Ba thân

Ki-Ra Pa-La-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: kirapālapa; “Người chinh phục hối hận”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, không rõ sống trong thế kỉ nào. Có sách cho rằng ông là đệ tử của Lu-i-pa (s: lūipa). Ðời sống ông có vẻ giống cuộc đời vua A-dục.
Ông là nhà vua trị vì vương quốc Gra-ha-ra. Ông cho quân đi chiếm đánh và cướp bóc các nước lân bang, thế nhưng ông không hề biết nỗi khổ của chiến tranh. Ngày nọ trong cuộc chiến với một nước gần đó, thấy tận mắt chiến tranh, ông tỏ lòng hối hận. Ông đem phân phát của cải cho dân nghèo và xin tu tập với một vị Du-già sư.
Vị Du-già sư dạy ông Quy y tam bảo, thụ giới Bồ Tát và trau dồi bốn tâm vô lượng (Bốn phạm trú). Ông tinh tiến xin học tập một pháp mà chỉ trong đời này đạt Phật quả. Vị Du-già sư bèn hướng dẫn ông vào Cha-kra sam-va-ra tan-tra, truyền lực và dạy ông phép thiền tạo tác và thiền thành tựu. Vì ông còn vướng đến chuyện chiến chinh, Du-già sư dạy ông như sau:
Chúng sinh trong ba cõi,
ví như đội binh mã.
Trong thức vô biên xứ,
sinh vô số anh hùng,
thống nhất chúng làm một,
đánh tan quân giặc cướp.
Ca khúc ca khải hoàn,
trên đỉnh cao của Tâm.
Cần phải quán như vậy.
Sau mười hai năm, nhà vua đắc đạo, đạt thánh quả Ðại thủ ấn tất-địa. Ngày nọ, các nàng hoàng hậu và quần thần thấy hào quang chiếu rực, họ biết ông đã thành tựu viên mãn và cúng lạy ông. Ông khuyên:
Hãy ham muốn mang lại,
cho tất cả hữu tình,
cả bốn vô lượng tâm.
Hãy giận dữ chống lại,
mỗi một tên ma quỷ,
quấy rối trong tâm thức.
Ông sống thêm 700 năm nữa để giáo hoá. Bài ca chứng đạo của ông như sau:
Lúc nào còn vô minh,
ta còn bị trói buộc,
trong cái Ta và Người.
Lúc chớp nhoáng chứng ngộ,
mọi tư tưởng gãy đổ,
khi đó “Phật” cũng là,
danh từ vô ý nghĩa.
Khi chứng được tâm thức,
trong khoảng không vắng lặng,
thì Thật tại trở thành,
bất định, vô cấu trúc.

Kiềm Chùy

Từ Điển Đạo Uyển

鉗鎚; J: kentsui; nghĩa là “Kềm và chày táng”;
Một cách diễn tả phương pháp giáo hoá “thô bạo” của các vị Thiền sư, như dùng gậy, tát vào mặt, vặn mũi, hét (Hát) được thuật lại trong các Ngữ lục, Công án.
Mặc dù nhìn qua thì thấy thô bạo, quái gở nhưng nó chính là biểu hiện của lòng từ bi vô lượng của các vị Thiền sư. Các vị dùng phương pháp kiềm chùy để giúp đệ tử phá bỏ tất cả những thành kiến, đánh thức tất cả những năng lượng tiềm tàng trong đệ tử và tiến xa như có thể trên con đường tu tập, chứng ngộ chân lí. Ðối nghịch với Kiềm chùy thiền là Lão bà thiền.

Kiêm đái (đới)

Từ Điển Đạo Uyển

兼帶; C: jiāndài; J: kentai;
Dùng một việc cho hai hay nhiều mục đích.

Kiếm đạo

Từ Điển Đạo Uyển

劍道; J: kendō;
Nghệ thuật đánh kiếm của Nhật Bản với cả hai tay. Thời trung cổ, nhiều kiếm sĩ Nhật thường tham thiền để đạt được sự bình tĩnh tuỳ cơ ứng biến và ngược lại, nhiều Thiền sư Nhật cũng là kiếm sĩ tuyệt luân.
Trạch Am Tông Bành, một vị Thiền sư danh tiếng người Nhật viết rất hay về kiếm đạo trong một bài luận. Sư so sánh tâm trạng của một thiền tăng và một kiếm sĩ như sau: “Nếu hiểu Kiếm đúng đắn thì không phải chỉ Thiền, mà quy luật của thiên địa cũng như tất cả những quy luật của vũ trụ đều là Kiếm đạo; và ngược lại – nhìn theo Thiền thì không chỉ Kiếm đạo, mà là tất cả vạn vật đều là những làn sóng trên biển Thiền. Nói rõ ràng hơn: Sự hợp nhất của Kiếm và Thiền tương ưng một cấp bậc mà trên đó Thiền và Kiếm đều chẳng có nhưng chúng ta lại chẳng tìm được một vật không phải Thiền, không phải Kiếm.”

Kiểm điểm

Từ Điển Đạo Uyển

檢點; C: jiăndiăn; J: kenten;
Xem xét trình độ thâm nhập Phật pháp của một người.

Kiếm Hạ Phân Thân

Từ Điển Đạo Uyển

劍下分身; C: jiànxiàfēnshēn; J: kengebun-shin;
Phân thân thành hai phần với một nhát kiếm. Một ẩn dụ chỉ một câu nói của một vị Thiền sư với khả năng cắt đứt vô minh, khai ngộ đệ tử.

Kiên

Từ Điển Đạo Uyển

堅; C: jiān; J: ken; S: kathina
Có các nghĩa sau: 1. Cứng, mạnh, rắn, chắc, không linh động; 2. Sự cứng rắn có thể thấy được nơi tảng đá. Phẩm chất đặc biệt của địa đại; 3. Nhất định, kiên quyết. Duy trì; 4. Tôi luyện, củng cố, tăng cường; 5. Áo giáp; 6. Nặng.

Kiến

Từ Điển Đạo Uyển

見; S: dṛṣṭi hoặc darśana; P: diṭṭhi hoặc dassa-na;
Nghĩa là “thấy” nhưng được sử dụng nhiều cách khác nhau như sau:
a) Kiến dịch từ chữ Dṛṣṭi ngoài nghĩa “thấy” ra cũng có nghĩa là quan niệm, kiến giải; nếu danh từ Dṛṣṭi đứng một mình thì phần lớn được hiểu là “tà kiến” quan niệm sai lầm. Người ta phân biệt nhiều loại tà kiến và chia chúng ra nhiều nhóm khác nhau theo hệ số như 2, 3, 4, 5, 7, 10 và 16 kiến, trong đó hệ thống Nhị kiến, Tam kiến, Tứ kiến và Thất kiến quan trọng hơn hết:
Nhị kiến: 1. Hữu kiến, cho tất cả là có thật và 2. Vô kiến, tà kiến thiên về không, hư vô.
Tam kiến: 1. Cho rằng sự việc xảy ra không có nguyên nhân, 2. Cho rằng đời sống tuyệt đối vô ích và 3. Vô kiến, tin tưởng vào một quan điểm hư vô.
Tứ kiến: 1. Nhất, nghĩa là chỉ có một, tất cả đều như nhau; 2. Dị, tất cả đều khác nhau, không cái nào giống cái nào; 3. Thường kiến, cho rằng tất cả đều thường còn, vĩnh viễn; 4. Ðoạn kiến, không thường còn.
Thất kiến: 1. Ngã kiến, tin có một tự Ngã (s: ātman); 2. Phủ nhận quy luật nhân quả (Nghiệp; s: karma); 3. Thường kiến, tin nơi sự trường tồn bất biến; 4. Ðoạn kiến, tin vào sự huỷ diệt; 5. Giới cấm thủ kiến, bám giữ nơi Giới luật; 6. Quả đạo kiến, nhận lầm một ác nghiệp là một thiện nghiệp; 7. Nghi kiến, nghi ngờ về các chân lí do Phật tuyên giảng.
b) Kiến dịch từ chữ darśana và được dùng chung với một danh từ khác như Kiến đạo (s: darśana-mārga)…; chỉ cách nhìn dựa trên lí luận minh triết, có khả năng loại bỏ Ái, đoạn được Nghi hoặc. Nhờ chính kiến mà hành giả có thể hiểu được Tứ diệu đế, từ bậc Tuỳ pháp hành (s: dharmānusārin) hoặc Tuỳ tín hành (s: śraddhānusārin) trở thành một bậc Dự lưu (s: śrotāpanna).

Kiên Chấp

Từ Điển Đạo Uyển

堅執; C: jiānzhí; J: kenshū;
Chấp cứng, chấp chặc.

Kiên Cố

Từ Điển Đạo Uyển

堅固; C: jiāngù; J: kengo;
Có các nghĩa sau: 1. Vững chắc, kiên định; 2. Có một khuynh hướng cố hữu về tính vĩnh cửu (s: anitya-asāra-saṃjñā); 3. Tồn tại cụ thể (s: dhrdha-sāra); 4. Không giảm bớt, không lui sụt, không tái phạm; 5. Dứt khoát.

Kiến Nhân Tự

Từ Điển Đạo Uyển

建仁寺; J: kennin-ji;
Một ngôi chùa lớn của tông Lâm Tế tại Nhật, nơi Thiền sư Minh Am Vinh Tây (j: myōan eisai) được cử làm vị trụ trì đầu tiên năm 1202. Trên khu vực của chùa này người ta còn tìm thấy những di tích của những tông phái Phật giáo khác trong thời gian thành lập chùa này tại Kinh Ðô (kyōto). Nhiều vị trụ trì chùa này có quan hệ với Thiên Thai tông (j: tendai) và Chân ngôn tông (j: shingon) và phương pháp giáo hoá, hướng dẫn môn đệ tu tập của những vị này đều bị ảnh hưởng qua sự liên hệ này. Chùa Kiến Nhân được xếp vào Ngũ sơn của Kinh Ðô.

Kiên Thật Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

堅實心; C: jiānshíxīn; J: kenjitsushin;
Tâm chân thật mà tất cả chúng sinh đều vốn có. Chân tâm; tâm như chính từ chân tánh. Một trong bốn dạng tâm.

Kiến Tính

Từ Điển Đạo Uyển

見性; C: jiànxìng; J: kenshō;
Tức là trực nhận thấy tính; một danh từ chỉ sự trực nhận thấy chân lí. Như tất cả ngôn ngữ thì danh từ này cũng không chính xác và có thể tạo sự hiểu lầm vì kinh nghiệm kiến tính không có tính nhị nguyên, không có người nhìn (kiến) và không có “tính” được nhìn (xem cuộc đối thoại của Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác với Lục tổ Huệ Năng).
Kiến tính đồng nghĩa với Giác ngộ và cũng được sử dụng như nhau. Nhưng thông thường, danh từ Giác ngộ được dùng để chỉ sự giác ngộ của một vị Phật, vị Tổ và kiến tính để chỉ các kinh nghiệm nếm vị giác ngộ ban đầu, cần được tu tập rèn luyện thêm.

Kiến Trường Tự

Từ Điển Đạo Uyển

建長寺; J: kenchō-ji;
Một ngôi chùa thuộc tông Lâm Tế (j: rinzai) tại Nhật Bản. Vị trụ trì đầu tiên của chùa này là Lan Khê Ðạo Long, một vị Thiền sư Trung Quốc sang Nhật hoằng hoá. Chùa này nằm tại Liêm Thương (j: kamakura), được xếp vào Ngũ sơn của nơi này. Kiến Trường tự là một trong những nơi mà Thiền Lâm Tế còn được truyền bá một cách thuần tuý theo truyền thống.

Kiến-Chí

Từ Điển Đạo Uyển

S: sāñcī;
Một thành phố Trung Ấn. Giữa thế kỉ thứ 3 trước và thế kỉ 1 sau Công nguyên, người ta xây dựng nhiều thánh tích Phật giáo nơi đây. Tất cả các dạng Bảo tháp sau này đều xuất phát từ đây.

Kiện-đạt-Phọc

Từ Điển Đạo Uyển

健達縛; C: jiàndáfú; J: kendatsuba;
Phiên âm từ Gandharva trong tiếng Phạn (sanskrit). Xem Càn-thát-bà (乾闥婆).

Kiếp

Từ Điển Đạo Uyển

劫 (刧); C: jié; J: kō; S: kalpa; P: kappa; dịch trọn âm là Kiếp-ba (劫波);
Một khái niệm Phật giáo nhằm chỉ một thời gian rất dài. Một thời kiếp được biểu diễn như sau: cứ trăm năm có người dùng một tấm khăn lụa chùi một khối đá lập phương mỗi bề một dặm (1,6 km = 1dặm), thì lúc khối đá mòn hết, đó là một kiếp. Mỗi kiếp có bốn giai đoạn sinh, thành, hoại, diệt của các thế giới. Trong giai đoạn sinh thành của thế giới, sinh vật bắt đầu sinh sôi nẩy nở. Trong giai đoạn hai, các thiên thể (mặt trời, mặt trăng) được sinh ra, sinh vật phát triển và bắt đầu có dạng đời sống xã hội. Trong giai đoạn hoại diệt, các yếu tố lửa, nước và gió phá huỷ toàn bộ thế giới.
Bốn giai đoạn nói trên hình thành một đại kiếp (s: mahākalpa), mỗi đại kiếp gồm 20 tiểu kiếp hợp lại. Mỗi tiểu kiếp lại được chia ra thành những thời kì sắt, đồng, bạc, vàng. Trong thời gian một tiểu kiếp thành hình, thọ mệnh của con người cứ kéo dài thêm, cứ mỗi trăm năm thêm một tuổi, cho đến lúc con người thọ 84000 năm. Thân thể con người cũng cao lớn đến 8400 bộ. Trong giai đoạn hoại diệt của một tiểu kiếp, đó là giai đoạn của chiến tranh, bệnh dịch, thiếu ăn lan tràn, thì thọ mệnh con người ngắn dần, chỉ còn 10 năm. Thân người lúc đó chỉ còn một bộ.

Kiếp Cụ

Từ Điển Đạo Uyển

劫具; C: jiéjù; J: kōgu;
Kiếp-ba-bà (劫波婆).

Kiếp Hải

Từ Điển Đạo Uyển

劫海; C: jiéhăi; J: kōkai;
Một “biển kiếp”, số lượng kiếp rất nhiều.

Kiếp Hoả

Từ Điển Đạo Uyển

劫火; C: jiéhuǒ; J: kōka;
Tai hoạ lớn vào thời kì cuối cùng, thiêu cháy sạch toàn vũ trụ. Mọi sinh vật ở phía dưới cõi Sơ thiền (初禪天) đều bị tiêu huỷ (s: yuga-anta-agni).

Kiếp Khôi

Từ Điển Đạo Uyển

劫灰; C: jiéhuī; J: kōkai;
Tro còn lại sau Kiếp hoả (劫火).

Kiếp Tận

Từ Điển Đạo Uyển

劫盡; C: jiéjìn; J: kōjin;
Tận cùng của kiếp nầy. Sự hoại diệt của chu kì thế giới hiện tại (s: kalpa-anta, yuga-anta).

Kiếp Tận Hoả

Từ Điển Đạo Uyển

劫盡火; C: jiéjìnhuǒ; J: kōjinka;
Tai hoạ lớn vào thời kì cuối cùng, thiêu cháy sạch toàn vũ trụ. Như Kiếp hoả (劫火).

Kiếp Trọc

Từ Điển Đạo Uyển

劫濁; C: jiézhuó; J: kōjaku;
Thời kì hỗn loạn; thời kì vẫn đục. Một trong Ngũ trọc (五濁, theo Du-già luận 瑜伽論).

Kiếp-Phỉ-Na

Từ Điển Đạo Uyển

劫庀那; C: jiépǐnà; J: kōhina; S: kapphiṇa.
Một trong những môn đệ trực tiếp của Phật Thích-ca Mâu-ni. Kiếp-tân-na (劫賓那).

Kiếp-Tân-Na

Từ Điển Đạo Uyển

劫賓那; C: jiébīnnà; J: kōhinna; S: kapphi-ṇa.
Một trong những Đại đệ tử của Phật Thích-ca Mâu-ni, nổi tiếng là nhà chiêm tinh (theo kinh Pháp Hoa 法華經).

Kiếp-Tỉ-Na

Từ Điển Đạo Uyển

劫譬那; C: jiépìnà; J: kōhina; S: kapphiṇa.
Một trong các đệ tử chính của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Kiếp-tân-na (劫賓那).

Kiêu-Tát-La

Từ Điển Đạo Uyển

憍薩羅; S: kośala; P: kosala; hoặc Câu-tát-la, cách dịch theo âm Hán Việt;
Vương quốc Ấn Ðộ trong thời Phật Thích-ca. Kiêu-tát-la là vương quốc có thế lực nhất tại Bắc Ấn Ðộ cho đến thế kỉ thứ 3 thì bị nước Ma-kiệt-đà (magadha) xâm chiếm. Ðức Phật hay đến Xá-vệ (s: śrāvastī), kinh đô của Kiêu-tát-la, lưu trú tại Kì viên (jetavana)

Kim Cương

Từ Điển Đạo Uyển

金剛; S: vajra; T: dorje (rDo-rje); cũng gọi là Kim cương chử (金剛杵), Kim cương chùy (金剛鎚);
Trong Ấn Ðộ giáo, Kim cương có nghĩa là “sấm sét”, một vũ khí của Ðế Thích (s: indra). Trong đạo Phật, Kim cương không phải là một vũ khí mà là biểu tượng của sự bất hoại. Ðó là biểu tượng của Chân như, của tính Không (s: śūnyatā), của thể tính hằng tồn tại của hiện tượng. Như Kim cương, tính Không không thể bị huỷ hoại vì chưa hề sinh thành. Tính Không cũng trong sáng rực rỡ thanh tịnh như Kim cương, mặc dù tính Không là gốc của thiên hình vạn trạng hiện tượng.

H 33: Kim cương chử
Tính Không là gốc mọi vật nhưng không phải là một “vật”, như Thiền tông hay nói. Mọi hiện tượng đều khác nhau, nhưng chúng là Không, tính Không với chúng tương đồng, không hề khác. Ðó là một kiến giải không thông qua suy luận mà “hiểu” được, chỉ được trực nhận trong một trạng thái giác ngộ.
Tại Tây Tạng Kim cương (chử) được viết là Dor-je (rDo-rje), là “chúa tể loài đá”, là biểu tượng “dương tính” của đạo giác ngộ, là khía cạnh Phương tiện (s: upāya). Ngược lại, chuông đồng (t: drilbu) là biểu tượng của “âm tính” và là khía cạnh trí Bát-nhã. Hai mặt này biểu tượng tính nhị nguyên của toàn thể thế giới hiện tượng. Tính nhị nguyên này sẽ tự hoại diệt trong thiền định.
Một trong năm Phật gia có thuộc tính cơ bản là tính bất hoại của Dor-je. Vị thầy nắm vững và truyền dạy các phương tiện của Kim cương thừa được gọi là Kim cương đạo sư (t: dorje lopon).

H 34: Kim cương phổ chử (金剛普杵; s: viśvava-jra)
Một pháp khí có tính chất gần giống với Kim cương, cũng có tính thiêng liêng của kim khí là truỷ thủ (Phur-bu). Truỷ thủ thường dùng để đối trị ma quỷ (tượng trưng cho sự giận giữ) và được Liên Hoa Sinh (s: padmasambhava) sử dụng khi giáo hoá Tây Tạng.
Tâm thức huyền bí của chư Phật, của trí huệ vô thượng, được tượng trưng bằng tính kiên cố vĩnh viễn, bằng ánh sáng rực rỡ và sự trống rỗng, của tự tính Kim cương bất hoại, như hư không. Thật diệu kì, nhìn được tận mặt của Chân như.

Kim Cương Bát-Nhã Ba-La-Mật-đa Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

金剛般若波羅密多經; S: vajracchedikā-prajñāpāramitā-sūtra; dịch đủ là Kim cương năng đoạn bát-nhã ba-la-mật-đa kinh;
Một bài Kinh quan trọng của bộ kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, được lưu truyền rộng rãi vùng Ðông Á. Kinh chỉ rõ, mọi hiện tượng thân tâm không phải là thể của thật tại, chúng chỉ là biểu hiện của tâm. Hành giả phải quán chiếu hoạt động của tâm thức và hiểu rằng tâm vốn “trống rỗng, vô ngã, tịch tịnh”. Kinh được gọi là “Kim cương” vì nó “sắc bén như kim cương, cắt sạch (能斷; năng đoạn) mọi khái niệm và đưa hành giả đến bờ Giác ngộ”. Tương truyền rằng, Lục tổ Huệ Năng nhân nghe người tụng kinh này mà giác ngộ.

Kim Cương Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

金剛經
Tên gọi tắt của Kim cương bát-nhã ba-la-mật-đa kinh.

Kim Cương Tát-đoá

Từ Điển Đạo Uyển

金剛薩埵; S: vajrasattva;
Tên của một vị Bồ Tát. Trong Kim cương thừa, đây là hiện thân của nguyên lí và khả năng lọc sạch thân tâm. Ðó là khả năng loại trừ ô nhiễm và biếng nhác trên đường tu học. Người ta xem Kim cương Tát-đoá là một dạng của Báo thân (Ba thân). Trong tranh tượng, Kim cương Tát-đoá được vẽ màu trắng, tượng trưng cho sự hoà nhập của Ngũ phật vào thân này. Tay mặt của Kim cương Tát-đoá cầm Kim cương chử, tay trái dựa trên một chuông đồng, tượng trưng lòng từ bi. Kim cương Tát-đoá có Man-tra dài trên 100 âm được các trường phái Tây Tạng tụng đọc nhằm thanh lọc thân tâm.

H 35: Kim cương Tát-đoá với Ấn “tay làm dấu vajrahūṃ” (s: vajrahūṃkāra-mudrā). Tay bắt chéo trước ngực là biểu hiện của Ðại lạc (mahāsukha) khi vượt qua giới nhị nguyên.

Kim Cương Thừa

Từ Điển Đạo Uyển

金剛乘; S: vajrayāna;
Một trường phái Phật giáo xuất hiện trong khoảng thế kỉ thứ 5,6 tại Bắc Ấn Ðộ. Kim cương thừa bắt nguồn từ Ðại thừa (s: mahāyāna) và được truyền qua Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản (riêng bộ Vô thượng du-già không được truyền sang Trung Quốc và Nhật).
Xuất phát từ Phật giáo Ðại thừa, nhưng trường phái này lấy thêm những phương pháp tu học huyền bí, có tính chất bí truyền. Thường thường các phái này được hướng dẫn bằng một vị Ðạo sư, kinh sách của họ trình bày nhiều phép tu luyện được gọi là Tan-tra. Kim cương thừa hay sử dụng Man-tra và có ảnh hưởng mạnh nhất tại Tây Tạng. Vì hay sử dụng Man-tra, Phật giáo Tây Tạng cũng gọi Kim cương thừa là Chân ngôn thừa (s: man-trayāna).
Giáo pháp của Kim cương thừa mang tính chất Mật giáo, bao gồm các yếu tố của phép Du-già và các tôn giáo thiên nhiên của Ấn Ðộ trộn lẫn với tư tưởng Phật giáo. Quan trọng nhất là ảnh hưởng từ Tây Bắc Ấn Ðộ với nhiều biểu tượng về Cực quang (s: ābhāsvara, ánh sáng rực rỡ) cũng như ảnh hưởng của Bắc Ấn về việc tôn thờ giới tính.
Trong thời gian đầu, giáo pháp này chỉ được khẩu truyền, và đến giữa thế kỉ thứ 6 và thứ 10 mới được hệ thống hoá và kết tập hoàn chỉnh. Các tác phẩm quan trọng nhất của Kim cương thừa là Bí mật tập hội (s: guhyasamājatantra) và Thời luân tan-tra (s: kālacakratantra) cũng sinh ra trong thời gian này. Các kinh sách quan trọng nhất của Kim cương thừa được gồm trong các Tan-tra cũng như các bài thánh đạo ca của các vị Tất-đạt (s: siddha), là các bài diễn tả kinh nghiệm của phép tu Ðại thủ ấn (s: mahāmudrā).
Lúc Kim cương thừa truyền qua Tây Tạng thì cũng là lúc giáo pháp này đã có một chỗ đứng vững chắc trong Phật giáo nói chung. Muốn lĩnh hội Kim cương thừa, hành giả phải có một kiến giải sâu xa về giáo pháp của bộ kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, giáo pháp theo cách luận giải của Long Thụ (s: nāgārjuna) và Vô Trước (s: asaṅga). Vì vậy Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng được gọi là “Nhân thừa” (因乘) và Kim cương thừa được gọi là “Quả thừa” (果乘). Trong Kim cương thừa, có một yếu tố quan trọng khác là vai trò của một vị Ðạo sư, vị này Quán đỉnh và truyền lực, hướng dẫn đệ tử thiền quán, chú tâm vào một Nghi quỹ (s: sādhana) nhất định. Trong các phép này, sử dụng Man-tra, quán Man-đa-la và và bắt Ấn là những phương tiện quan trọng. Trong Kim cương thừa, Kim cương chử (s: vajra; t: dorje) biểu hiện sự giác ngộ, đạt được sự nhất thể của vũ trụ, vượt lên mọi nhị nguyên thông thường.

Kim Quang Minh Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

金光明經; S: suvarṇaprabhāsa-sūtra;
Kim quang minh tối thắng vương kinh

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

金光明最勝王經; S: suvarṇaprabhāsotta-ma-rāja-sūtra; cũng được gọi tắt là Kim quang minh kinh;
Tên của một bộ kinh Ðại thừa. Kinh này đóng một vai trò quan trọng tại Nhật vì nói đến một số quan điểm chính trị của đạo Phật, được giới quý tộc tại đó coi trọng.
Kinh này bắt đầu với sự giảng nghĩa về tính chất của một vị Phật, một vị không chỉ tồn tại, xuất hiện dưới nhân dạng mà cũng là sự biểu hiện của nguyên lí vũ trụ. Phật ở trong mỗi chúng sinh và tất cả chúng sinh đều thụ hưởng, cảm nhận được lòng từ bi vô biên của Phật. Ngoài ra kinh này cũng dạy rằng, cánh cửa của các cõi Phật luôn luôn mở rộng tiếp độ chúng sinh bởi vì mỗi chúng sinh đều là Phật. Phương cách để đạt được mục đích trên chính là sám hối và hành động vị tha; một câu chuyện quan trọng được kể lại trong kinh này là việc một đức Phật thời xa xưa hiến thân mình cho một con sư tử đói.
Một điểm quan trọng của kinh này là trí Bát-nhã (s: prajñā), một loại trí biết phân biệt thiện ác: Mỗi người, từ vua chúa đến thường dân đều phải theo ánh sáng của nội tâm này.
Khía cạnh chính trị được nêu ra rõ nhất trong phẩm nói về luật pháp và trong đó, kinh này nói rằng, chính quyền và tôn giáo được thống nhất bằng Phật pháp. Tất cả những luật pháp của nhân thế đều nên có mục đích cao nhất là thái bình. Một vương tử cũng phải bị trừng phạt nếu ông ta vi phạm pháp luật; nhưng nếu ông ấy cai trị liêm chính, tuân hành nghiêm chỉnh pháp luật thì tạo rất nhiều thiện nghiệp, công đức vô biên. Ðất nước nào phổ biến và tuân theo những lời dạy trong kinh này được các Thiên vương và chư Thiên (s: deva) hộ vệ.
Trong thời Nại Lương (nara, tk. 8), kinh này được phổ biến rộng tại Nhật, đặc biệt rất được các nhà cầm quyền bấy giờ quý trọng – quý trọng đến mức độ chư vị muốn lập một vương quốc theo gương kinh này dạy.

Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

經; S: sūtra; P: sutta; còn gọi là Khế kinh, dịch theo âm là Tu-đa-la;
Tên gọi của các bài giảng của đức Phật, nằm trong tạng thứ hai của Tam tạng (s: tripiṭaka). Tất cả các bộ kinh được gộp chung trong Kinh tạng (s: sūtra-piṭaka).

H 36: Một tập kinh được viết trên lá bối. Hai mặt của tập kinh được ép lại bằng hai tấm gỗ – thường được trang trí rất đẹp – và hai sợi chỉ luồn qua. Các chữ của kinh được viết gắn lên những đường gân song song của lá dừa, vì vậy phía trên đầu của một hàng chữ luôn luôn là một đường thẳng (xem Ma-ha bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh, nguyên bản Phạn ngữ).
Ngày nay, kinh được dịch ra nhiều tiếng trên thế giới, kể cả những tiếng Tây phương. Mới đầu kinh được ghi lại bằng tiếng Pā-li hay Phạn, dần dần được dịch ra chữ Hán và Tây Tạng và các ngôn ngữ khác. Kinh ghi lại những gì chính đức Phật giảng dạy. Khởi đầu bộ kinh ta hay nghe câu “Tôi nghe như vầy…” (如是我聞; Như thị ngã văn). Câu này tương truyền xuất phát từ A-nan-đà, một đệ tử của Phật. A-nan-đà là người có trí nhớ phi thường, đã thuật lại những lời Phật nói trong buổi Kết tập lần thứ nhất ngay sau khi Phật diệt độ. Sau câu này, thường thường kinh kể lại buổi nói chuyện đó gồm có người tham dự, nơi chốn, thời gian. Sau đó là những lời khai thị của Phật, có khi là những cuộc đối thoại sinh động. Thường thường lối hành văn của kinh giản đơn, dễ hiểu, có tính giáo khoa. Kinh hay lấy những thí dụ và so sánh, ẩn dụ. Có khi kinh nhắc lại quá đầy đủ các yếu tố trong bài giảng làm người đọc thấy rất trùng điệp. Mỗi một kinh là một bài riêng biệt, xử lí một vấn đề riêng biệt. Các kinh Tiểu thừa được viết bằng văn hệ Pā-li, trong Bộ kinh (p: nikāya). Các bộ này trong văn hệ chữ Phạn (sanskrit) có tên là A-hàm (s: āgama). Kinh Ðại thừa được viết bằng văn hệ chữ Phạn, nhưng ngày nay phần lớn cũng đã thất lạc, chỉ còn bản dịch bằng chữ Hán hoặc Tây Tạng. Các kinh Ðại thừa có thể được xem là phát khởi giữa thế kỉ thứ nhất và thứ sáu. Các kinh này cũng bắt đầu bằng câu “Tôi nghe như vầy…” và ghi rõ danh xưng, nơi chốn thời gian.
Trong “rừng” kinh sách Phật giáo người ta có thể phân biệt hai hướng sau đây:
1. Kinh dựa trên Tín tâm (s: śraddhā), nói về thế giới quan Phật giáo, quan niệm Bồ Tát cũng như nhấn mạnh lên lòng thành tâm của người nghe. Hướng này có lẽ xuất xứ từ Bắc Ấn. Trong những bộ kinh này, ta thấy rất nhiều điều huyền bí, cách mô tả trùng trùng điệp điệp. Kinh nhắc lại các vị Phật và Bồ Tát thi triển nhiều thần thông, qua vô lượng thế giới, không gian và thời gian. Các vị Phật và Bồ Tát được biến thành các Báo thân (Ba thân) đầy quyền năng. Khuynh hướng này xuất phát từ Ðại thừa, vừa muốn đáp ứng tinh thần tín ngưỡng của Phật tử, vừa phù hợp với giáo pháp căn bản của mình là tính Không (s: śūnyatā), cho rằng mọi biến hiện trong thế gian chẳng qua chỉ là huyễn giác. Qua đó thì các thần thông cũng như toàn bộ thế giới hiện tượng chỉ là Ảo ảnh.
2. Kinh có tính triết học, lí luận dựa trên quan điểm chính của Ðại thừa là tính Không. Xuất xứ các kinh này có lẽ từ miền Ðông của Trung Ấn. Các loại kinh này được nhiều luận sư giảng giải khác nhau và vì vậy mà xuất phát nhiều trường phái khác nhau.
Các kinh độc lập quan trọng của Ðại thừa là: Diệu pháp liên hoa (s: saddharmapuṇḍarīka), Nhập Lăng-già (s: laṅkāvatāra), Phổ diệu (hay Thần thông du hí; s: lalitavistara), Chính định vương (s: samādhirāja), Ðại thừa vô lượng thọ trang nghiêm (s: sukhāvatī-vyūha), Hiền kiếp (s: bhadrakalpika), Phạm võng (s: brahmajāla), Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm (s: buddhāvataṃsaka), Thắng Man (s: śrīmālādevī), A-di-đà (s: amitābha), Quán vô lượng thọ (s: amitāyurdhyāna), Duy-ma-cật sở thuyết (s: vimalakīrti-nirdeśa), Thủ-lăng-nghiêm tam-muội (s: śūraṅgama).

Kinh Hành

Từ Điển Đạo Uyển

經行; J: kinhin;
Ði qua lại để dãn gân cốt sau một buổi Toạ thiền. Trong tông Lâm Tế (j: rinzai) ở Nhật, các thiền sinh đi nhanh, dáng điệu mạnh bạo. Trong tông Tào Ðộng (j: sōtō) thì người ta đi rất chậm.

Kinh Lượng Bộ

Từ Điển Đạo Uyển

經量部; S: sautrāntika;
Một nhánh của Tiểu thừa xuất phát từ Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda) khoảng 150 năm trước Công nguyên. Như tên gọi cho thấy (sautrāntika xuất phát từ sūtrānta, có nghĩa là Kinh phần, chỉ Kinh tạng của Tam tạng), bộ này chỉ đặt nền tảng trên Kinh tạng (s: sūtra-piṭaka) và phản bác Luận tạng (s: abhidharmapiṭaka) cũng như quan điểm “Nhất thiết hữu” (tất cả đều hiện hữu, đều có) của Nhất thiết hữu bộ.
Kinh lượng bộ cho rằng có một thức tinh vi hơn thức thông thường, từ đó đời sống con người sinh ra và chính thức đó sẽ tái sinh. So sánh với Ðộc Tử bộ (s: vatsīputrīya) – là bộ phái cho rằng có một tự ngã thật sự, sống kiếp này qua kiếp khác – thì Kinh lượng bộ cho rằng, chỉ có thức là luân chuyển trong Vòng sinh tử và với cái chết thì bốn uẩn còn lại (Ngũ uẩn; s: pañcaskandha) chìm lắng trong thức đó. Quan điểm về sự tồn tại của thức này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành Duy thức tông (s: vijñānavāda, yogācāra).
Kinh lượng bộ còn cho rằng, mỗi một hiện tượng thật sự chỉ hiện hữu trong một khoảnh khắc cực nhỏ – được gọi là Sát-na (s: kṣaṇa) – và mỗi quá trình chỉ là tiếp nối những khoảnh khắc đó, mỗi quá trình thông qua thời gian chỉ là Ảo ảnh. Kinh lượng bộ xem Niết-bàn (s: nirvāṇa) là sản phẩm của sự phủ nhận (e: negation) của tư duy, là sự tịch diệt.

Kinh Tạng

Từ Điển Đạo Uyển

經藏; S: sūtra-piṭaka; P: sutta-piṭaka;
Tạng thứ hai của Tam tạng (s: tripiṭaka). Kinh tạng chứa tất cả những bài giảng do chính Phật Thích-ca thuyết. Kinh tạng viết bằng văn hệ Phạn ngữ gồm có bốn A-hàm, bằng văn hệ Pā-li của Thượng toạ bộ có năm bộ, Bộ kinh.

Kính Thanh Ðạo Phó

Từ Điển Đạo Uyển

鏡清道怤; C: jìngqīng dàofù; J: kyōsei dōfu; 863-937;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ nối pháp của Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn. Sư có 5 Pháp tự và Bích nham lục có nhắc đến Sư trong các Công án 16, 23 và 46.

Kô-Ki-Li-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: kokilipa; “Thẩm mĩ gia tự phụ”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, không rõ sống trong thế kỉ nào.
Ông là vua của nước Cham-bạt-na (s: campārṇa), sống xa hoa trong cung điện. Ngày nọ, lúc ông đang vui chơi thì một Du-già sư (yogin) đến xin khất thực. Ông cho vào và hỏi với giọng tự hào là đời sống ai có giá trị hơn. Vị Du-già sư liền bảo rằng, trẻ con mới cho rằng vua sướng, nhưng đối với bậc hiền nhân thì đời sống của vua là độc dược. Sau khi nghe vị này giáo hoá, nhà vua xin quy y, truyền ngôi cho con và xin được theo học. Vị này truyền cho ông năng lực của Cha-kra sam-va-ra tan-tra và dạy phép quán tưởng. Biết vua hay ngắm trời mây, lưu luyến tiếng chim Kô-ki-la (s: kokilā) và vườn xoài trong cung điện, Du-già sư nói:
Mây đen kéo đầy trời,
mưa tưới nuôi cây cối.
Tai ham mê tiếng hót,
tâm chạy theo khái niệm.
Thụ tưởng đầy chất độc,
sẽ kéo theo tức thì.
Ðó là đạo người điên.
Từ Tự tính của Tâm,
trống rỗng tựa không gian,
vang lên Âm và Không,
hai thứ không hề lìa.
Tâm dấy lên lạc thụ,
như mây kéo vô tận,
mây đó biến thành mưa,
tưới Tự tính sáng rực.
Rồi Năm trí kết thành,
chỉ đợi ngày hái quả.
Ðó là đạo người trí.
Nhà vua nghe lời giáo hoá và quán tưởng thiền định. Chỉ sáu tháng sau, ông đạt thánh quả. Người đời gọi ông là Kô-ki-li-pa, tên của loài chim mà ông dùng tiếng chim để quán tưởng. Bài kệ chứng đạo của ông như sau:
Không làm: lời khai thị,
Không dính: chứng thật đó.
Không trụ: phép thiền định
Không chứng: đích cao cả.

Kô-Ta-Li-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: koṭālipa; “Ðạo sư nhà nông”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, đệ tử của San-ti-pa (s: śāntipa), sống khoảng cuối thế kỉ thứ 11.
Kô-ta-li-pa là một nông phu. Lần nọ, lúc cuốc đất trên sườn núi thì gặp San-ti-pa trên đường từ Tích Lan (s: śrī laṅkā) về lại Ấn Ðộ. San-ti-pa khuyên ông lúc cày cuốc đất đai đừng quên “cày cuốc tâm thức với tri kiến sáng rực”, bởi vì:
Hạnh phúc hay đau khổ,
đều do tâm tạo tác.
Cày bừa miếng đất tâm,
bằng lời khai thị này.
Ngươi cày suốt cả đời,
miếng đất sỏi đá này.
Thế nhưng không bao giờ,
biết Tự tính, Ðại lạc.
Kô-ta-li-pa nghe lời, tu tập thiền định suốt 12 năm và đạt thánh quả Ðại thủ ấn tất-địa. Chứng đạo ca của ông có những dòng sau:
Khổ đau hay vui sướng,
đều sinh trưởng trong tâm.
Hãy nghe lời Ðạo sư,
cày xới lên Tự tính.
Trên sườn núi cát sỏi,
dù con người minh triết,
cũng không chứng được gì,
không bao giờ giải thoát.
Chỉ khi chứng được tâm,
Sáu thức thành dòng thác,
Dâng tràn đầy Ðại lạc.
Tất cả mọi ngôn từ,
đều chỉ gây sợ hãi.
Vì thế hãy hoà tan,
trong quán tưởng thiền định,
trong thanh tịnh hoàn toàn.

Ku-Chi-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: kucipa; “Du-già sư mang bướu”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, đệ tử của Long Thụ (Ma-ha Tất-đạt). Huyền sử nói rằng ông sống 700 năm.
Ông là nông dân, bị mọc một cục bướu nơi cổ rất đau nhức. Ông rút lui độc cư và gặp Long Thụ. Ông cầu khẩn xin Long Thụ chỉ cách đối trị cục bướu thì Long Thụ cho ông nhập môn Bí mật tập hội tan-tra (s: guhyasamāja-tantra), khuyên ông nên quán niệm về cục bướu ngày càng lớn. Ðó là phép quán niệm để chứng sức mạnh của tư duy. Quả nhiên cục bướu chóng lớn, càng thêm đau nhức. Ông đau khổ báo cho Long Thụ biết, lần này vị Ðạo sư chỉ ông quán niệm cục bướu ngày càng nhỏ. Cục bướu nhỏ đi thật và biến mất. Long Thụ kết luận:
Ðau đớn hay hoan lạc,
do chấp nhận, chối bỏ.
Bỏ những cực đoan đó!
Vì chúng đâu khác nhau.
Hãy chứng thật tính Không,
trong tất cả tình huống.
Ku-chi-pa quán lời thầy và chứng thánh quả Tất-địa. Chứng đạo ca của ông có những dòng sau:
Sa-ha-ja tuyệt đối,
sẽ sinh ra đau đớn,
Du-già sư lo sợ,
nhanh chóng và kích động
như mắt một thớt voi.
Nếu sợ hãi tan biến,
Du-già sư nhập định,
tự tại trước tham cầu.
Dưới lời dạy trong sáng,
ta mất hai thái cực,
của chấp nhận chối từ,
và thật tại mong manh,
đã biến thành tối hậu.
Với nhận thức tối hậu,
ta chứng đạt Thật tại.

Kuk-Ku-Ri-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: kukkuripa; “Du-già sư nuôi chó”;
Một Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, là thầy dạy của Mã-nhĩ-ba (t: marpa), sống đầu thế kỉ thứ 11. Một nữ đệ tử ngộ đạo của ông cũng được nhắc đến, đó là Ma-ni Ba-đra.
Ông là người theo đạo Bà-la-môn nhưng sau trở thành một Khất sĩ. Ngày nọ ông bắt gặp một con chó đói gần chết. Ông mang về nuôi dưỡng. Sau 12 năm tu tập, ông đạt Tất-địa. Nhờ thần thông, ông viếng thăm cõi trời Tam thập tam (Ba thế giới) và được các vị thiên nhân chiêu đãi nồng hậu. Thế nhưng ông không quên con chó. Về lại động, ông vừa rờ đến con chó thì nó biến thành một vị Không hành nữ (s: ḍākinī) và nói:
Lành thay, thật lành thay!
Ngươi chứng tỏ giá trị!
Ngươi vượt qua cám dỗ.
Ngươi trở về sẽ được,
nhận năng lực tối thượng.
Quyền lực của thiên nhân,
đó chỉ là mê vọng,
vì họ còn cái Ngã,
và hoan lạc sẽ dứt,
chúng chỉ là hữu hạn.
Không hành nữ của ngươi,
cho tri kiến tối thượng,
và an lạc vô nhiễm,
không có chút tì vết.

H 37: Kuk-ku-ri-pa (kukkuripa) vì chúng sinh trở về luân hồi
Sau đó Không hành nữ truyền cho ông tri kiến tối thượng. Người đời gọi ông là Kúc-ku-ri-pa, “Du-già sư nuôi chó.” Chứng đạo ca của ông như sau:
Thật hết sức vô ích,
khi cầu khẩn đức Phật.
Chỗ có sự theo đuổi,
nơi đó không có Phật.
Chỉ chứng thật phép lành,
của Ðạo sư đích thật,
nơi đó Phật hiện tiền.
Nhưng liệu ai thấy được?

Kum-Ba-Ri-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: kumbharipa; “Thợ gốm”;
Một Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, không rõ sống lúc nào.
Ông là thợ gốm sống tại thành Jô-ma-na Sư-ri (s: jomanaśrī). Ông nhàm chán công việc hàng ngày, chỉ mong có dịp thay đổi. Ngày nọ có vị Du-già sư khất thực đi ngang, ông bèn cúng dường và kể lại sự tình. Vị này giảng cho ông nghe về tính chất Vô thường của cuộc đời, sau đó cho ông nhập môn và dạy cho ông phép quán tưởng:
Sứ của mọi đam mê,
và tất cả vọng tưởng,
làm bằng đất vô minh.
Trên tấm đĩa quay tròn,
tham lam và dục vọng,
trở thành sáu chủng loại,
làm bằng đất sét đó.
Hãy đốt chúng tiêu rụi,
trong tri giác thuần tịnh.
Người thợ gốm hiểu ý nghĩa lời khai thị này và chỉ sau sáu tháng quán tưởng, mọi ô nhiễm trong tâm biến mất. Sau đó ông chỉ cần ngồi thiền định mà đĩa tự quay tròn và vật dụng từ đất sét tự hiện thành hình. Người đời gọi ông là Du-già sư làm đồ sứ. Bài ca chứng đạo của ông như sau:
Thói quen như đĩa quay,
sản sinh hiện tượng sống;
Lửa tri kiến thuần tịnh,
đốt cháy mọi nhiễm ô.