đối trị

Phật Quang Đại Từ Điển

(對治) Phạm: Pratipakwa. Nguyên ý là phủ định, ngăn dứt. Trong Phật giáo, chỉ cho việc dùng đạo để đoạn trừ phiền não, trong đó, đạo là Năng đối trị, phiền não là Sở đối trị. Cứ theo luận Câu xá quyển 21, muốn dứt trừ phiền não Tu sở đoạn thì phải có 4 loại đạo đối trị mà, theo thứ tự, có thể phối hợp với bốn đạo; Gia hành đạo, Vô gián đạo, Giải thoát đạo và Thắng tiến đạo. Đó là: 1. Yếm hoạn đối trị, cũng gọi Yếm hoại đối trị: Trước hết, là nhàm chán nỗi khổ sinh tử và sự tích tập các phiền não hoặc nghiệp ở cõi Dục. 2. Đoạn đối trị: Kế đến, quán xét lí Tứ đếKhổ, Tập, Diệt, Đạo để đoạn trừ phiền não. 3. Trì đối trị: Tiếp theo, giữ gìn trạch diệt đã đạt được (dùng sức giản trạch của chân trí mà đoạn trừ phiền não), không để cho mất. 4. Viễn phần đối trị: Sau đó, lại quán xét lí Tứ đế để xa lìa các phiền não đã bị đoạn trừ. Trong bốn Tất đàn nói trong luận Đại trí độ quyển 1, thì Đối trị tất đàn trình bày rõ: Quán bất tịnh để đối trị tham dục, quán từ bi để đối trị sân khuể, quán nhân duyên để đối trị ngu si. Thập địa kinh luận quyển 4 nêu bốn loại Li (lìa), loại thứ 2 là Đối trị li, tức dùng các thiện pháp từ bi, bố thí v.v… để đối trị các ác pháp giết hại, trộm cướp v.v… Còn Đối trị trợ khai trong Thập thừa quán pháp nói trong Ma ha chỉ quán quyển 5 phần trên, thì dùng Trợ đạo để đối trị chướng đạo. Ngoài ra, về thứ tự trước sau của các loại đối trị, cũng như mối quan hệ tương ứng giữa Đạo năng đoạn và Hoặc sở đoạn, thì các kinh luận nói có khác nhau, mà Đại thừa, Tiểu thừa cũng có những thuyết bất đồng, nhưng đại để thì không ngoài ý nghĩa chủ yếu là dùng trí vô lậu để đối trị phiền não. [X. luận Đại tì bà sa Q.181; phẩm Biện tu đối trị trong luận Biện trung biên Q.trung; luận Đại thừa khởi tín; Đại thừa trang nghiêm kinh luận Q.4; Thập địa kinh luận Q.1; Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.1 phần dưới]. (xt. Tứ Chủng Đối Trị).