đại bát niết bàn kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(大般涅槃經) Phạm:Mahà-parinirvàịa-sùtra. I. Đại Ban Niết Bàn Kinh. Gồm 40 quyển, do ngài Đàm vô sấm dịch vào đời Bắc Lương. Cũng gọi Đại niết bàn kinh, Niết bàn kinh, Đại kinh. Thu vào Đại chính tạng tập 12. Nội dung kinh này giảng nói về giáo nghĩa Như lai thành Phật, chúng sinh đều có tính Phật, Xiển đề thành Phật v.v… gồm có 13 phẩm. 1. Phẩm Thọ mệnh. 2. Phẩm Kim cương thân. 3. Phẩm Danh tự công đức. 4. Phẩm Như lai tính. 5. Phẩm Nhất thiết đại chúng sở vấn. 6. Phẩm Hiện bệnh. 7. Phẩm Thánh hạnh. 8. Phẩm Phạm hạnh. 9. Phẩm Anh nhi hạnh. 10. Phẩm Quang minh biến chiếu cao quí đức vương bồ tát. 11. Phẩm Sư tử hống bồ tát. 12. Phẩm Ca diếp bồ tát. 13. Phẩm Kiều trần như. Kinh này lấy kinh A hàm, kinh Pháp cú làm đầu, đồng thời, có viện dẫn các kinh: Thủ lăng nghiêm, Cù sư la, Ma ha bát nhã ba la mật, Pháp hoa, Thành kinh, Tạp hoa v.v… nhưng chịu ảnh hưởng kinh Bát nhã nhiều hơn cả. Kinh này do ngài Đàm vô sấm dịch tại Cô tang vào năm Huyền thủy thứ 10 đời Bắc Lương theo lời thỉnh cầu của Hà tây vương là Thư cừ Mông tốn. Cứ theo Đại đường tây vực cầu pháp cao tăng truyện quyển thượng truyện Hội ninh và bản dịch Tây tạng (phần cuối) ghi chép, thì bản tiếng Phạm của kinh này gồm 25.000 bài kệ. Có hai loại bản dịch Tây tạng và cả hai đều đề tựa là: Đại bát niết bàn kinh (Tạng: Yoṅs-su mya-ṅan-las-ḥdus-pa chen-poḥi mdo). Một bản dịch thẳng từ tiếng Phạm, tương đương với 5 phẩm của phần đầu kinh này, còn một bản thì dịch lại từ bản Hán dịch, tương đương với kinh này và kinh Đại bát niết bàn hậu phần. Sau khi kinh này được dịch ra và truyền xuống miền Nam (đất nhà Tống), các sư Tuệ nghiêm, Tuệ quán và cư sĩ Tạ linh vận đối chiếu với kinh Nê hoàn (6 quyển) do ngài Pháp hiển dịch, thêm vào một số phẩm, rồi sửa lại mà thành 25 phẩm 36 quyển (thu vào Đại chính tạng tập 12) mà xưa nay thường gọi là Nam bản Niết bàn kinh (kinh Niết bàn bản Nam). Đối lại, bản dịch của ngài Đàm vô sấm thì được gọi là Bắc bản Niết bàn kinh. Ngoài ra, năm 1871, một học giả người Anh tên S. Beal đã dịch quyển 12 và quyển 39 của kinh này ra tiếng Anh và xuất bản. Kinh này có rất nhiều sách chú giải, quan trọng hơn cả thì có: Niết bàn luận 1 quyển (ngài Đạt ma bồ đề dịch vào đời Nguyên Ngụy), Niết bàn kinh bản hữu kim vô kệ luận 1 quyển (ngài Chân đế dịch vào đời Trần), Đại bát niết bàn kinh tập giải 71 quyển(nhóm các sư Bảo lượng thu tập vào đời Lương), Niết bàn kinh nghĩa kí 10 quyển (ngài Tuệ viễn soạn vào đời Tùy), Niết bàn kinh huyền nghĩa 2 quyển (Quán đính), Niết bàn kinh sớ 33 quyển (Quán đính), Niết bàn kinh du ý 1 quyển(Cát tạng), Niết bàn kinh sớ15 quyển(Pháp bảo đời Đường), Niết bàn kinh tông yếu 1 quyển (Nguyên hiểu, người Tân la) v.v… [X. Lương cao tăng truyện Q.7 truyện Tuệ nghiêm; Xuất tam tạng kí tập Q.8; Q.15; Pháp kinh lục Q.1; Đại đường nội điển lục Q.3; Duyệt tạng tri tân Q.25]. II. Đại Ban Niết Bàn Kinh. Gồm 3 quyển, do ngài Pháp hiển dịch vào đời Đông Tấn. Cũng gọi Phương đẳng Nê hoàn kinh, thu vào Đại chính tạng tập 1. Nội dung tường thuật tình hình trước và sau khi đức Phật nhập diệt, là kinh Niết bàn của Tiểu thừa, kinh này thiếu phần nói về Phật thân thường trụ, Chúng sinh đều có tính Phật, Xiển đề thành Phật v.v… Ngoài ra, kinh này còn có ba bản dịch khác: 1. Kinh Phật ban nê hoàn 2 quyển, do ngài Bạch pháp tổ dịch vào đời Tây Tấn. 2. Kinh Ban nê hoàn 2 quyển, được dịch vào đời Đông Tấn (không rõ dịch giả). 3. Kinh Du hành 3 quyển trong Trường a hàm, do các ngài Phật đà da xá và Trúc Phật niệm dịch vào đời Diêu Tần. Ngoài ra gần đây còn có kinh Đại ban niết bàn do Ba trụ dịch từ kinh văn Pàli Nam truyền. [X. Khai nguyên thích giáo lục Q.30; Xuất tam tạng kí tập Q.2; Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục Q.6; Pháp kinh lục Q.3]. (xt. Đại Thừa Niết Bàn Kinh).