cửu chủng đại thiền

Phật Quang Đại Từ Điển

(九種大禪) Chín loại thiền Đại thừa. Chín thứ thiền định riêng của hàng Bồ tát tu tập, không giống với thiền của ngoại đạo và Nhị thừa. Gọi tắt: Cửu thiền. Khi so sánh các thiền định, Pháp hoa huyền nghĩa quyển 4 cho rằng chín loại thiền Đại thừa giống như vị đề hồ, là thượng thượng thiền xuất thế gian. Chín loại thiền đó là: 1. Tự tính thiền: quán xét tự tính của tâm, hết thảy các pháp không một pháp nào không do tâm, tâm nhiếp muôn vật như hạt châu như ý. Hoặc trụ nơi chỉ thì nhiếp tâm không tán loạn – hoặc trụ nơi quán thì phân biệt rõ ràng – hoặc chỉ quán đều tu thì định tuệ bình đẳng. 2. Nhất thiết thiền: Thiền có khả năng đạt được hết thảy công đức tự tu và giáo hóa người khác. Thiền này có hai: Thế gian và Xuất thế gian. Hai loại thiền này mỗi loại lại có ba thứ: a. Hiện pháp lạc trụ thiền: xa lìa hết thảy vọng tưởng, thân tâm dứt bặt, là vắng lặng bậc nhất. b. Xuất sinh tam muội công đức thiền: sinh ra các thứ tam muội bao nhiếp vô lượng vô biên thập lực chủng tính chẳng thể nghĩ bàn, vào hết thảy công đức thắng diệu vô ngại tuệ, vô tránh nguyện trí. c. Lợi ích chúng sinh thiền: bố thí chúng sinh để trừ các nỗi khổ, biết rõ lúc nào nên nói pháp, biết ơn để trả ơn và giúp chúng sinh giải thoát khỏi sự sợ hãi lo âu. 3. Nan thiền: thiền định khó tu. Thiền này có ba thứ: a. Đệ nhất nan thiền: tu tập thiền định thắng diệu lâu ngày, tâm được tự tại trong các tam muội, nhưng vì thương xót chúng sinh muốn cho họ được thành thục, nên bỏ cái vui của đệ nhất thiền mà sinh vào cõi Dục. b. Đệ nhị nan thiền: nương vào thiền định mà sinh ra vô lượng vô biên tam muội sâu xa không thể nghĩ bàn. c. Đệ tam nan thiền: nhờ nơi thiền định mà được vô thượng bồ đề. 4. Nhất thiết môn thiền: tất cả thiền định đều từ môn này mà ra, có bốn thứ: a. Hữu giác, hữu quán thiền (thiền có giác có quán): định Sơ thiền thuộc cõi Sắc. b. Hỉ câu thiền: định Nhị thiền thuộc cõi Sắc. c. Lạc câu thiền: định Tam thiền thuộc cõi Sắc. d. Xả câu thiền: định Tứ thiền thuộc cõi Sắc, không có thiện ác, yêu ghét nên gọi Xả câu (đều bỏ). 5. Thiện nhân thiền: hàm nhiếp hết thảy thiện pháp, là thiền định do chúng sinh đại thiện căn tu tập. Có năm thứ: Bất vị trước, Từ tâm câu, Bi tâm câu, Hỉ tâm câu, Xả tâm câu. 6. Nhất thiết hành thiền: bao nhiếp hết thảy hành pháp Đại thừa, có 13 thứ: a. Thiện thiền. b. Vô kí hóa hóa thiền. c. Chỉ phần thiền. d. Quán phần thiền. e. Tự tha lợi thiền. f. Chính niệm thiền. g. Xuất sinh thần thông lực. h. Danh duyên thiền. i. Nghĩa duyên thiền. j. Chỉ tướng duyên thiền. k. Cử tướng duyên thiền. l. Xả tướng duyên thiền. m. Hiện pháp lạc trụ đệ nhất nghĩa thiền. 7. Trừ phiền não thiền: tu thiền định này có thể trừ diệt các thứ khổ não của chúng sinh. Có tám loại: a. Chú thuật sở y thiền: Bồ tát vào định trừ các khổ nạn độc hại, sương giá, mưa đá. b. Trừ bệnh thiền: trừ được các bệnh do bốn đại phát sinh. c. Vân vũ thiền: rưới mưa cam lộ tiêu trừ các nạn hạn hán, đói khát. d. Đẳng độ thiền: cứu nạn sợ hãi của hết thảy người và phi nhân ở trên đất và dưới nước. e. Nhiêu ích thiền: đem thức ăn uống cho các chúng sinh đói khát ở nơi đồng không mông quạnh. f. Điều phục thiền: dùng tài vật điều phục chúng sinh. g. Khai giác thiền: thức tỉnh các chúng sinh còn mê muội. h. Đẳng tác thiền: khiến cho những việc làm của chúng sinh đều được thành tựu. 8. Thử thế tha thế lạc thiền: tu thiền định này có thể khiến cho chúng sinh được yên vui ở đời hiện tại và đời vị lai. Có chín loại:a. Thiền dùng thần túc biến hiện để điều phục chúng sinh. b. Thiền tùy lời nói thị hiện để điều phục chúng sinh. c. Thiền dạy răn biến hiện để điều phục chúng sinh. d. Thiền hiện bày ra đường ác để giác ngộ chúng sinh làm ác. e. Thiền dùng tài biện luận làm lợi ích cho chúng sinh đã mất biện tài. f. Thiền dùng chính niệm làm lợi ích cho chúng sinh đã mất chính niệm. g. Thiền tạo luận chân chính vi diệu ca ngợi Ma đắc lặc già (tạng Luận) làm cho chính pháp ở đời lâu dài. h. Thiền dùng nghĩa kĩ thuật thế gian để làm lợi ích hóa độ chúng sinh. i. Thiền phóng ra ánh sáng để tạm dứt đường ác. 9. Thanh tịnh tịnh thiền: nương vào thiền định này thì tất cả các phiền não hoặc nghiệp đều dứt hết, chứng được quả đại bồ đề thanh tịnh. Chữ Tịnh được lập lại là tiêu biểu cho tướng thanh tịnh cũng không thể được. Thiền này có 10: a. Thiền thế gian trong sạch không tham đắm không nhiễm ô. b. Thiền xuất thế gian trong sạch. c. Thiền phương tiện trong sạch. d. Thiền được căn bản trong sạch. e. Thiền căn bản trong sạch tiến lên hơn nữa. f. Thiền trong sạch an trụ dấy sinh sức trong sạch. g. Thiền trong sạch xả rồi lại vào sức trong sạch. h. Thiền trong sạch tạo ra sức thần thông trong sạch. i. Thiền trong sạch lìa hết thảy kiến chấp. j. Thiền trong sạch dứt hết phiền não trí chướng. [ X. kinh Bồ tát địa trì Q.6 phẩm Phương tiện xứ thiền – Pháp giới thứ đệ sơ môn Q.hạ phần trên].