cát tạng

Phật Quang Đại Từ Điển

(吉藏) (549-623) Vị tăng đời Tùy, người Kim lăng, họ An, tên Thế. Tổ tiên là người nước An tức (tộc Hồ), sau dời đến Kim lăng, vì thế còn gọi là An cát tạng, Hồ cát tạng. Lúc ba, bốn tuổi, sư theo thân phụ đến yết kiến ngài Chân đế, Chân đế đặt tên cho sư là Cát tạng. Về sau, thân phụ xuất gia, pháp hiệu là Đạo lượng. Sư thường theo thân phụ đến chùa Hưng hoàng nghe ngài Pháp lãng giảng Tam luận, lúc bảy tuổi (có thuyết nói mười ba tuổi) theo ngài Pháp lãng xuống tóc xuất gia. Pháp lãng là người kế thừa hệ thống giáo học Tam luận của ngài Cưu ma la thập, cho nên sư chuyên học tập ba bộ Trung luận, Bách luận và Thập nhị môn luận. Mười chín tuổi, sư bắt đầu giảng kinh, tiếng tăm truyền rộng, hai mươi mốt tuổi thụ giới Cụ túc, thanh danh nổi như cồn. Niên hiệu Khai hoàng (581) đời Tùy, sư được ba mươi hai tuổi, gặp lúc ngài Pháp lãng thị tịch, sư bèn đông du đến chùa Gia tường ở huyện Cối kê tỉnh Triết giang, chuyên tâm giảng diễn và viết sách, những người đến hỏi đạo tới hơn nghìn, giảng trường rất thịnh – lại các bộ sách chú sớ Tam luận, cũng phần nhiều được hoàn thành tại ngôi chùa này, bởi vậy, đời sau gọi sư là Gia tường đại sư. Ngoài việc tập đại thành tông Tam luận ra, sư còn tinh thông các kinh Đại thừa như Pháp hoa, Niết bàn v.v…… Tháng 8 năm Khai hoàng 17, sư viết thư thỉnh cầu Đại sư Trí khải tuyên giảng kinh Pháp hoa. Năm Đại nghiệp thứ 2 (606, có thuyết nói năm Nhân thọ thứ 2 hoặc Khai hoàng năm cuối), Dạng đế nhà Tùy xuống chiếu chỉ mở bốn đạo tràng, sư vâng mệnh vua ở đạo tràng Tuệ nhật tại Dương châu tỉnh Giang tô, cứ theo truyền thuyết thì sư đã hoàn thành tác phẩm Tam luận huyền nghĩa vào thời gian này – sau dời đến ở chùa Nhật nghiêm tại Trường an, chấn hưng đạo pháp miền Trung nguyên. Ngoài ra, sư đi các nơi giảng kinh nhằm mở rộng tông Tam luận, cho nên đời gọi sư là tổ tái hưng tông Tam luận. Sư đã từng biện luận với Tam quốc luận sư Tăng xán nổi tiếng đương thời, sư ứng đối thao thao như dòng nước, đôi bên cật vấn qua lại đến hơn bốn mươi lần, cuối cùng sư đã dành phần thắng, thanh danh lừng lẫy một thời. Từ đầu năm Đại nghiệp đến cuối đời Tùy, sư chép hơn hai nghìn bộ kinh Pháp hoa, và tạo hai mươi lăm pho tượng, chí thành lễ sám, ngồi đối diện tượng bồ tát Phổ hiền mà quán lý thực tướng. Niên hiệu Vũ đức năm đầu (618) đời Đường, Cao tổ chọn mười bậc đại đức ở Trường an để thống lĩnh chúng tăng, sư là một trong số đó. Ngoài ra, đáp lời thỉnh cầu của hai chùa Thực tế và Định thủy, sư kiêm cả việc trông nom hai chùa ấy. Sau dời về ở chùa Diên hưng. Tháng 5 năm Vũ đức thứ 6, lúc mệnh chung, sư tắm rửa sạch sẽ, thắp hương niệm Phật, viết Tử bất bố luận (luận chết chẳng sợ) rồi nhập tịch, thọ bảy mươi lăm tuổi. Sắc ban an táng tại núi Nam sơn, phía bắc chùa Chí tướng. Bình sinh, sư giảng Tam luận hơn một trăm lượt, kinh Pháp hoa hơn ba trăm lượt, kinh Đại phẩm, kinh Hoa nghiêm, kinh Duy ma, luận Đại trí độ v.v…… mỗi bộ vài mươi lượt. Học trò tuấn tú rất nhiều, nổi tiếng hơn cả thì có Tuệ lãng, Tuệ quán và Trí khải. Trước tác của sư thì thật là phong phú: Trung quán luận sớ, Thập nhị môn luận sớ, Bách luận sớ, Tam luận huyền nghĩa, Đại thừa huyền nghĩa, Pháp hoa huyền luận, Pháp hoa nghĩa sớ v.v…… cùng các sách chú thích và lược luận, như Pháp hoa, Niết bàn, Thắng man, Đại phẩm, Kim quang minh, Duy ma, Nhân vương, Vô lượng thọ v.v… [X. Tục cao tăng truyện Q.11 – Phật tổ thống kỷ Q.10 – Thích thị kê cổ lược Q.2 – Tam đại bộ bổ chú Q.1 – Tịnh danh huyền luận lược thuật Q.1 – Trung luận sớ kí Q.1].