Bất Tư Thiện Bất Tư ác

Từ Điển Đạo Uyển

不思善。不思惡; J: fushizen-fushiaku;

Một cách diễn tả của Thiền tông, chỉ sự chuyển hoá cách nhìn phân biệt
theo lối nhị nguyên như “thiện” “ác” yêu, ghét… Bất tư thiện bất tư ác
là một tâm trạng chỉ có thể đạt được khi chứng ngộ được “vạn vật bình
đẳng,” hành giả đã Kiến tính, ngộ đạo.

Câu “Bất tư thiện, bất tư ác” xuất phát từ một câu chuyện rất nổi tiếng
của Thiền tông, được lưu lại trong tập Vô môn quan, Công án thứ 23. Sau
khi Huệ Năng – Tổ thứ sáu của Thiền tông tại Trung Quốc – được truyền y
bát, được chính thức công nhận là kế thừa Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, Sư bị những
người thân cận của Thần Tú đuổi theo với ý định đoạt lại y bát. Trong
phần đầu của Vô môn quan, sự kiện này được viết lại như sau (Bản dịch
của Trần Tuấn Mẫn):

“Lục tổ bị Thượng toạ Huệ Minh đuổi theo đến núi Ðại Dữu Lĩnh. Tổ thấy
Huệ Minh đến liền quẳng y bát lên tảng đá mà nói: ›Áo này vốn để làm
tin, há tranh đoạt được ư? Ông cứ việc lấy đi!‹. Huệ Minh toan lấy áo
lên, thấy nặng trịch như núi, tần ngần run sợ nói: ›Tôi đến cầu pháp,
chẳng phải vì áo, xin hành giả khai thị cho.‹ Tổ nói: ›Bất tư thiện, bất
tư ác, ngay lúc ấy thì mặt mũi xưa nay của Thượng toạ Huệ Minh là gì?‹.
Huệ Minh liền ngộ, khắp mình đẫm mồ hôi.”