ẤN ĐỘ PHẬT GIÁO MĨ THUẬT

Phật Quang Đại Từ Điển

(印度佛教美術) Khi đức Thế tôn còn tại thế, vua Ưu điền đã dùng gỗ chiên đàn để tạc tượng Phật, nhưng đây chỉ nghe truyền thế thôi. Còn hiện nay đã tìm đào được bình đựng Xá lợi ở Nibạcnhĩ (Népal), trên có ghi dòng họ Thích ca phụng thờ, là mĩ thuật phẩm có nhiều giá trị, nhưng những di phẩm mĩ thuật Phật giáo nổi tiếng và xưa nhất thì phải kể đến những cột đá trên đầu cột có chạm các con thú do vua A dục kiến tạo vào thế kỉ thứ ba trước Tây lịch. Những di vật thế kỉ thứ nhất sau Tây lịch đến thời đại các Vương triều Huân ca, Án đạt la thì có tháp hoặc lan can của tháp. Sơn kì (Sànchì), Ba hách đặc (Bharhut, Bharrhut), Bồ đề già gia (Buddhagayà), thời đại này, cây bồ đề, bánh xe pháp, lốt chân, tháp v.v… đều là biểu trưng của Phật, nhưng chưa trực tiếp biểu hiện hình tượng của Phật. Ngoài các biểu trưng kể trên ra, đề tài phần nhiều là sự tích bản sinh (tiền thân) của đức Phật và Phật truyện. Thế kỉ thứ hai (tức thời đại vua Ca nị sắc ca), biểu hiện mĩ thuật Phật giáo Kiện đà la (Candhàra), (còn gọi là mĩ thuật Hi lạp Phật giáo) vùng tây bắc Ấn độ bột phát, phần nhiều lấy tượng Phật, Bồ tát và tranh vẽ truyện Phật làm đề tài, độ cao của bộ phận bát úp trên ngọn tháp cũng tăng thêm. Về sau không lâu, tại Mạt nâu la (Phạm: athurà) ở trung Ấn độ, và A ma la bà đề (Phạm:Amaràvatì) ở nam Ấn độ, mĩ thuật điêu khắc tượng Phật cũng thịnh hành, tây Ấn độ thì có các hang viện ở Na tây khắc (Nàsik), Ca lợi (Kàrle) v.v…

Từ thế kỉ thứ tư đến nửa trước của thế kỉ thứ bảy, thời đại lấy Vương triều Cấp đa (Phạm:Gupta) làm trung tâm, những di vật ở thời kì này gồm có điện Phật ở Bồ đề già da và tháp Đạt mật khắc (Dhamekh) ở vườn Lộc dã (Phạm: Mfgadàva), di tích tịnh xá Kì viên (Phạm,Pāli:Jeta-vana), di tích tịnh xá Na lan đà (Phạm: Nàlanda). Ngoài các tượng chạm trổ của Phật ra, chỉ thấy di phẩm tượng của bồ tát Quan âm, Di lặc, Kim cương thủ, kĩ thuật gần hoàn toàn, hình thức cũng dần dần ổn định. Hang viện thì có các hang ở A chiên đa (Ajantà, khai sáng trước Tây lịch), Y la lạp (Ellora), Ba cách hách (Bàgh), Cam hách thụy (Kàịheri) v.v…, trong đó, một bộ phận tranh vẽ trên vách vẫn còn. Mĩ thuật thời kì này đối với nghệ thuật Trung quốc đời Đường và mĩ thuật Trảo oa (Java) đều có ảnh hưởng. Từ thế kỉ thứ tám đến đầu thế kỉ thứ mười, thời đại lấy Vương triều Ba la làm trung tâm, thì mĩ thuật ật giáo hưng khởi, có di tích Na lan đà và các tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay, Văn thù, Đa la của Mật giáo, ngoài ra, các kinh sách chuyên môn như kinh Tạo tượng lượng độ, Tạo tượng pháp v.v… cũng xuất hiện. Về sau, Phật giáo bị hoại diệt, mĩ thuật Phật giáo cũng theo đó mà suy vong. [X. Hugo Munsterberg: Art of India and Southeast Asia, 1970; Owen C. Kail: Buddhist Cave Temples of India, 1975; David L. Snellgrove: The Image of the Buddha, 1978].