Phật Quang Đại Từ Điển

A HÀM

Phạm,Pàli: Àgama. Cũng gọi A cấp ma, A già ma, A hàm mộ, A hàm. Dịch ý là Pháp qui, Pháp bản, Pháp tạng, Giáo pháp, Giáo phần, Chủng chủng thuyết, Vô tỉ pháp, Truyền giáo, Tịnh giáo, Thú vô, Giáo, Truyền, Qui, Lai, Tạng. Gần đây, các học giả lại giải thích nghĩa A hàm là Lai trước, Thú qui, Tri thức, Thánh ngôn, Thánh huấn tập, Kinh điển v.v… Tức chỉ cho những giáo thuyết được truyền thừa, hoặc các Thánh điểndo những giáo thuyết tập thành. A hàm thông thường chỉ bốn bộ A hàm hoặc năm bộ A hàm Thánh điển của Phật giáo nguyên thủy. Các bộ luận giải thích về A hàm gồm có: luận Du già sư địa quyển 85, Dị bộ tông luân luận thuật kí, Thành duy thức luận thuật kí quyển 4 phần đầu, Câu xá luận quang kí quyển 28, Huyền ứng âm nghĩa quyển 23, quyển 25, Du già luận kí quyển 6 thượng, Tuệ lâm âm nghĩa quyển 18, quyển 26, quyển 51, Hi lân âm nghĩa quyển 8, Viên giác kinh đại sớ sao quyển 4 phần trên, v.v… Những luận nêu trên đều giải thích A hàm làgiáo pháp được truyền thừa. Thiện kiến luật tì bà sa quyển 2 thì cho A hàm là nghĩa dung chứa, tụ tập.

Nhưng  đây có thể là chỉ cho tiếng Pàli nikàya có nghĩa tập hội hoặc toản tập, chứ không phải giải thíchàgama. Pháp hoa luận sớ quyển trung có nêu ra thuyết của ngài Đạo an đời Đông Tấn, giải rằng: A hàm là thú vô, vì tất cả pháp đều qui về phápKhông rốt ráo. Trong bài Tựa kinh A hàm, ngài Tăng triệu giải thích A hàm là pháp qui. Có thể nói, tất cả sự giải thích trên đây đều không đúng với ý chính của chữ A hàm. Bởi vì A hàm là giáo pháp được truyền thừa, sau khi đức Phật nhập diệt mới lần lượt được kết tập, thành nội dung của tạng Tu đa la (Phạm: Sùtrànta-piỉaka, tạng kinh) trong ba tạng, chia làm bốn A hàm hoặc năm A hàm.

Trong đây, bốn A hàm tức là: Trung a hàm, Trường a hàm, Tăng nhất a hàm, Tạp a hàm (hoặc Tương ứng) mà kinh Bát nê hoàn quyển hạ, Hữu bộ tì nại da tạp sự quyển 39, luận Đại trí độ quyển 2, luận Du già sư địa quyển 85, Soạn tập tam tạng và Tạp tạng truyện v.v… đã đề cập đến. Kinh Tăng nhất a hàm quyển 1 phẩm Tựa, kinh Đại bát niết bàn, bản Bắc, quyển 13, kinh Đại thừa đại tập địa tạng thập luận quyển 2 v.v… cũng có ghi tên của bốn A hàm. Về năm A hàm, thì Thiện kiến luật tì bà sa quyển 1, Đại a la hán nan đề mật đa la sở thuyết pháp trụ kí v.v… ghi là: Trường a hàm, Trung a hàm, Tăng thuật đa (Tương ứng), Ương quật đa la (Tăng nhất) và Khuất đà ca (Tạp loại). Luật Ngũ phần quyển 30, luật Ma ha tăng kì quyển 32, luật Tứ phần quyển 54, luận Phân biệt công đức quyển 1 trung, v.v… gọi Khuất đà ca a hàm trong năm A hàm là Tạp tạng. Năm A hàm này tương đương với năm bộ kinh (paĩcanikàya) trong kinh Phật bằng tiếngPàli. Theo Tì nại da tiểu phẩm (Vinaya cùơavagga), Nhất thiết thiện kiến (Samanta-pàsàdikà I) và bài Tựa của Trường bộ kinh chú (Sumaígala-vilàsinì), thì năm bộ kinh là: Dìgha-nikàya, Majjhima-nikàya, Saô-yutta-nikàya, Aíguttara-nikàya và Khuddaka-nikàya, tương đương với năm bộ A hàm: Trường, Trung, Tương ứng, Tăng chi và Tiểu bộ kinh hiện nay. Về sự truyền thừa A hàm, thì bài tựa Trường bộ kinh chú cho biết: sau đại hội kết tập lần thứ nhất, Trường bộ kinh do hệ thống A nan, Trung bộ kinh do hệ thống Xá lợi phất, Tương ứng bộ do hệ thống Đại ca diếp, Tăng chi bộ do hệ thống A na luật lần lượt truyền thừa. Theo luận Dị bộ tông luân, luận Câu xá quyển 29, Nhiếp đại thừa luận thích quyển 2 của ngài Vô tính, luận Thành duy thức quyển 3 v.v… thì A hàm do các bộ phái truyền thừa tựa hồ không giống nhau.

Theo Pháp hoa kinh huyền tán quyển 1 phần đầu của ngài Khuy cơ, Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương quyển 4 phần cuối, Hoa nghiêm kinh sớ sao huyền đàm quyển 8 của ngài Trừng quán, thì bốn bộ A hàm và luật Ma ha tăng kì đều do Đại chúng bộ truyền. Còn Câu xá luận kê cổ quyển thượng của ngài Pháp chàng, thì cho Trung a hàm và Tạp a hàm là do Tát bà đa bộ truyền, Tăng nhất a hàm do Đại chúng bộ truyền, Trường a hàm do Hóa địa bộ truyền, Biệt dịch tạp a hàm do Ẩm quang bộ truyền. Nhưng thuyết này cũng chưa chắc đã đúng. Tóm lại, A hàm là do các bộ phái đều tự truyền thừa riêng, nhưng sau khi kinh điển Đại thừa phát đạt, so với A hàm, mới cho A hàm là tên gọi khác của kinh điển Tiểu thừa.

Lại theo luận Đại trí độ quyển 33, quyển 49, quyển 100, thì tên gọi A hàm cũng chung cho cả Đại thừa, cho nên trong kinh Đại ban nê hoàn quyển 6 mới có từ ngữ “Phương đẳng a hàm”. Phương đẳng a hàm tức là chỉ kinh điển Đại thừa. [X. Du già luận kí Q.22 thượng; Huyền ứng âm nghĩa Q.24; Hi lân âm nghĩa Q.8; Phiên phạm ngữ Q.1; Xuất tam tạng kí tập Q.9; Dị bộ tông luân luận thuật kí phát nhẫn Q.thượng; Nguyên thủy Phật giáo thánh điển chi tập thành đệ nhị chương đệ tam tiết, đệ tứ tiết, đệ thất chương (Ấn thuận)]. (xt. A Hàm Kinh).