X-Từ Điển Đạo Uyển

Xả

Từ Điển Đạo Uyển

捨; S: upekṣā; P: upekkhā;
Là xả bỏ, một trong những đức hạnh quan trọng trong đạo Phật. Xả có nội dung: 1. Tình trạng không vui không buồn, độc lập với vui buồn; 2. Tâm thức vững chắc, nằm ngoài mọi phân biệt. Trong kinh sách đạo Phật, người ta hay hiểu nghĩa thứ hai nói trên. Xả là một trong Bảy giác chi (s: bo-dhyaṅga; p: bojjhaṅga) và Bốn phạm trú (s, p: brahma-vihāra).

Xà-Dạ-đa

Từ Điển Đạo Uyển

闍夜多; S: śayata;
Tổ thứ 20 của Thiền tông Ấn Ðộ.

Xá-Lị

Từ Điển Đạo Uyển

舍利; S: śarīra;
Chỉ chung những gì còn sót lại sau khi thiêu thân Phật Thích-ca hoặc các bậc đắc đạo, thường được thờ trong các Tháp hay chùa chiền.
Người ta cho rằng, tục thờ Xá-lị có lẽ bắt đầu với Phật Thích-ca. Tro của Ngài được chia ra nhiều phần cho các bộ tộc và lần đó có sự tranh chấp về vấn đề này. Danh từ Xá-lị cũng được dùng để chỉ Kinh (s: sūtra), Ðà-la-ni (s: dhāraṇī) hay tranh tượng đức Phật, mang tính chất thiêng liêng. Tục thờ cúng Xá-lị được lưu truyền trong dân chúng, người ta tin rằng nhờ vậy mà trừ được rủi ro.
Người ta đã tìm thấy Xá-lị của Phật Thích-ca tại quê hương của Ngài là Ca-tì-la-vệ (s: kapilavastu) và Vệ-xá-li (s: vaiśālī). Một răng của Phật được thờ tại Candy (Tích Lan), tóc của Ngài được thờ tại Miến Ðiện. Người ta cho rằng bình khất thực của Ngài ngày nay vẫn còn: theo Ðại sử (p: mahāvaṃsa) của Tích Lan thì bình này được vua A-dục cho mang qua Tích Lan, sau thời Marco Polo thì vua Tích Lan Kublai Khan cho mang bình qua Trung Quốc.

Xá-Lị-Phất

Từ Điển Đạo Uyển

舍利弗; hoặc Xá-lị tử; S: śāriputra; P: sāriput-ta;
Một trong Mười đại đệ tử của Phật. Xá-lị-phất xuất thân từ một gia đình Bà-la-môn. Sau khi đức Phật giác ngộ, Xá-lị-phất cùng bạn thân là Mục-kiền-liên (s: mahāmau-dgalyāyana; p: mahāmoggallāna) gia nhập Tăng-già và mang danh hiệu là “Trí huệ đệ nhất”. Tôn giả mất vài tháng trước ngày Phật nhập diệt. Trong nhiều chùa, người ta thấy tranh tượng của Xá-lị-phất và Mục-kiền-liên tả hữu bên cạnh đức Phật.
Xá-lị-phất là một người đầy nghi ngờ trước khi gia nhập Tăng-già. Theo kinh sách, Tôn giả trở thành đệ tử của Phật sau khi gặp Tỉ-khâu A-thuyết-thị (assaji). Thấy gương mặt sáng ngời trang nghiêm, phong độ nhàn nhã của A-thuyết-thị, Tôn giả liền hỏi ông ta tin tưởng nơi ai. A-thuyết-thị trả lời bằng bốn câu kệ, được gọi là Duyên khởi kệ:
若法因緣生,法亦因緣滅
是生滅因緣,佛大沙門說
Nhược pháp nhân duyên sinh
Pháp diệc nhân duyên diệt
Thị sinh diệt nhân duyên
Phật Ðại sa-môn thuyết.
*Các pháp nhân duyên sinh
Cũng theo nhân duyên diệt
Nhân duyên sinh diệt này
Phật Ðại sa-môn thuyết.
Nghe xong, Xá-lị-phất liền trực nhận ngay về lí “Có sinh thì có diệt” thuật lại cho bạn là Mục-kiền-liên rồi hai người xin Phật cho gia nhập Tăng-già, trở thành đệ tử.

Xá-Vệ

Từ Điển Đạo Uyển

舍衛; S: śrāvāsti; P: sāvatthi;
Thủ đô của nước Kiêu-tát-la (s: kośala; p: kosala). Nơi đây trưởng giả Cấp Cô Ðộc đã cúng dường Kì viên (s, p: jetavana) cho Phật. Phật trú tại Xá-vệ 25 mùa mưa, 19 mùa tại Kì viên và 6 mùa tại vườn trái cây (p: pubā-rāma), một nơi an trú được Ưu-bà-di tên Vi-sākhā cúng dường.

Xú Uế

Từ Điển Đạo Uyển

朽穢; C: xiǔhuì; j: kue;
Thối rữa, ô uế, bẩn thỉu.

Xu Yếu

Từ Điển Đạo Uyển

樞要; C: shū yào; J: sūyō;
1. Điểm then chốt; điểm sinh động; điểm quan trọng; 2. Luận giải với dụng ý làm sáng tỏ yếu điểm của kinh văn, như Thành Duy thức luận xu yếu (成唯識論樞要) của Khuy Cơ.

Xuất

Từ Điển Đạo Uyển

出; C: chū; J: shuchi;
Có các nghĩa sau: 1. Lộ ra, hiện ra, xuất hiện, trình hiện (s: abhipravartate, pravartate; t: skye ḥgyur); 2. Sinh ra từ bào thai; 3. Vượt quá, vượt hơn.

Xuất định

Từ Điển Đạo Uyển

出定; C: chūdìng; J: shuchijō;
Ra khỏi trạng thái tập trung tâm ý trong thiền định (s: vyutthāna).

Xuất Gia

Từ Điển Đạo Uyển

出家; C: chūjiā; J: shukke; S: pravraiyā; P: pabbajjā;
Rời bỏ gia đình và từ bỏ mọi quan hệ xã hội, đó là bước đầu tiên của một Tỉ-khâu Tiểu thừa, là người phải xa lánh thế gian để đạt thánh đạo. Tỉ-khâu phải cạo râu tóc, mang y vàng và bắt đầu giai đoạn làm Sa-di (s: śrā-maṇera).
Kinh sách nói về đời sống xuất gia như sau: “›Ðời sống tại gia đầy trở ngại, là nơi thiếu thanh tịnh, sống xuất gia thì nhẹ như khí trời. Khó khăn thay sống tại gia mà giữ được một đời không uế nhiễm. Còn nếu ta, cạo râu tóc, đắp y vàng, bước vào cuộc sống không nhà cửa thì sao?‹. Người đó nghĩ như thế, một thời gian sau, bỏ tài sản lớn, tài sản nhỏ, bỏ quyến thuộc lớn, quyến thuộc nhỏ, cạo râu tóc, đắp y vàng, bỏ nhà ra đi, bước vào cuộc sống không nhà.”

Xuất Hiện

Từ Điển Đạo Uyển

出現; C: chūxiàn; J: shutsugen;
Sự đến, sự ra đời. Sự thị hiện nơi thế gian (s: utpāda).

Xuất Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

出經; C: chūjīng; J: shutsukyō;
Tên gọi tắt của Kim Cương Trí sở dịch chi Kim Cương đỉnh du-già trung lược xuất niệm tụng kinh (金剛智所譯之金剛頂瑜伽中略出念誦經).

Xuất Quán

Từ Điển Đạo Uyển

出觀; C: chūguān; J: shukkan;
Ra khỏi cảnh giới thiền định, khi hành giả muốn giáo hoá người khác. Như Xuất định (出定), phản nghĩa với Nhập quán (入觀, theo luận Kim Cương tam-muội 金剛三昧論).

Xuất Sinh Nhất Thiết Như Lai Pháp Nhãn Biến Chiếu Đại Lực Minh Vương Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

出生一切如來法眼遍照大力明王經; C: chūshēng yīqiè rúlái fǎyăn biànzhào dàlì míngwáng jīng; J: shusshō issai nyorai hōgen henjō dairiki myōō kyō; S: mahābala.
Kinh; 2 quyển. Tên gọi tắt là: Tịch trừ chư ác kinh (辟除諸惡經), và Biến Chiếu Đại Lực Minh Vương kinh (遍照大力明王經), Thí Hộ (s: dānapāla) dịch.

Xuất Sinh Vô Biên Môn đà-La-Ni Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

出生無邊門陀羅尼經; C: chūshēng wúbiān mén tuóluóní jīng; J: shusshō muhen mon dara-nikyō; S: anantamukha-dhāraṇī; t: [‘phags pa] sgo mtha’ yas pas bsgrub pa shes bya ba’i gzungs.
Các tên khác là anantamukhanirhāra-dhā-raṇī và anantamukhasādhakanāma-dhāraṇī. Tương truyền kinh nầy được biên tập bởi đức Phật lịch sử tại thành Tì-xá-li (s: vaiśālī) 3 tháng trước khi ngài nhập Niết-bàn. Những ai trì tụng Đà-la-ni nầy có thể vượt thoát mọi chướng ngại và được chư Phật hộ niệm; những ai thâm nhập được nghĩa Đà-la-ni thì nhanh chóng được giác ngộ, vì sự hành trì Đà-la-ni dựa vào ý niệm vô sở đắc (s: anupalaṃbha 無所得). Để cho Đà-la-ni có được hiệu nghiệm, hành giả phải từ bỏ thế tục, sống đạo hạnh và thông hiểu ý nghĩa 8 chủng tự (種字; s: akṣarabīja: pa, la, ba, ja, ka, dha, śa, kṣa). Sự hiện diện của pháp tu như thế trong kinh văn tương đối sớm cho biết ảnh hưởng mạnh mẽ của sự phát triển Mật tông Phật giáo. Trong 8 bản dịch tiếng Hán, bản của Bất Không (不空; s: amoghavajra) có uy tín nhất đối với Chân ngôn tông (眞言宗). Các bản dịch được sắp xếp thứ tự theo lịch sử như sau:
1. Vô lượng môn vi mật trì kinh (無量門微密持經), 1 quyển, Chi Khiêm (支謙) dịch. Điểm khác thường là bản kinh nầy đã dịch 8 chủng tự hơn là chuyển âm chúng thành chữ Hán, có nghĩa là, chọn những chữ Hán tương đương để biểu thị cho nghĩa của những mẫu tự mà chủng tự sử dụng, và đó không phải đơn thuần là việc phiên âm; 2. Xuất sinh vô lượng môn trì kinh (出生無量門持經) 1 quyển, Phật-đà Bạt-đà-la dịch (佛陀跋陀羅; s: buddhabhadra) vào thế kỉ thứ 5; 3. A-nan-đà mục-khiếp-ni-kha-li-đà kinh (阿難陀目怯尼呵離陀經; s: anantamukha-nirhāra-dhāraṇī), 1 quyển, Cầu-na Bạt-đà-la (求那跋陀羅; s: guṇabhadra) dịch; 4. Vô lượng môn bạt quỷ đà-la-ni kinh (無量門破魔陀羅尼經), 1 quyển, Công Đức Trực (功德直) và Huyền Sướng (玄暢) dịch; 5. A-nan-đà mục-khiếp ni-kha-li đà-lân-ni kinh (阿難陀目怯尼呵離陀隣尼經; s: anan-tamukhanirhāra-dhāraṇī), 1 quyển, Phật-đà Phiến-đa (佛陀扇多; s: buddhaśānta) dịch; 6. Xá-lợi-phất đà-la-ni kinh (舍利弗陀羅尼經), 1 quyển, Tăng-già Bà-la (僧伽婆羅; s: saṅghavarman) dịch; 7. Nhất hướng xuất sinh Bồ Tát kinh (一向出生菩薩經), 1 quyển, Xà-na Quật-đa (闍那崛多; s: jñānagupta) dịch; 8. Xuất sinh vô biên môn đà-la-ni kinh (出生無邊門陀羅尼經), 1 quyển, Trí Nghiêm (智嚴) dịch; 9. Xuất sinh vô biên môn đà-la-ni kinh (出生無邊門陀羅尼經), 1 quyển, Bất Không dịch. Bản dịch nầy là nền tảng của tập Xuất sinh vô biên môn kinh nghi quỹ (出生無邊門經儀軌) được Bất Không soạn.
Để nghiên cứu thêm từ nguồn gốc tiếng Hán, Khotanese, Phạn, và tiếng Tây Tạng, có trích dẫn Anantamukhanirhāradhāraṇīṭīkā của Jñānagarbha, xin xem tác phẩm của Inagaki (1987); về bản dịch sang tiếng Nhật của luận giải này, xem Horiuchi (1967) Horiuchi (1968) và Horiuchi (1969).

Xuất Sinh Vô Lượng Môn Trì Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

出生無量門持經; C: chūshēng wúliángmén chí jīng; J: shusshō muryōmon ji kyō;
Tên gọi khác của kinh Xuất sinh vô biên môn đà-la-ni kinh (出生無邊門陀羅尼經).

Xuất Tam Tạng Kí Tập

Từ Điển Đạo Uyển

出三藏記集; C: chū sānzàng jìjí; J: shutsu sanzō kishū;
Sách; được Tăng Hựu (僧祐) biên soạn vào khoảng năm 515. Sư hoàn chỉnh bản mục lục ngay trước khi viên tịch. Sư đã sưu tập một danh sách đồ sộ dựa vào những tài liệu có được trong thời đại của sư (nay đã thất lạc) song song với công trình nghiên cứu của mình. Thêm vào mục lục của rất nhiều kinh văn, tập này còn bao gồm những tiểu luận giới thiệu việc phiên dịch kinh điển và tiểu sử của các dịch giả tiền bối, và như vậy, làm cho công trình nầy hoàn chỉnh và đáng tin cậy nhất trong các tác phẩm được đề cập trước thời đó. Mục lục của Tăng Hựu có ghi cả dạng kinh đáng ngờ và kinh nguỵ tạo, mà không có một phân định rõ ràng giữa hai loại ấy.

Xuất Thế

Từ Điển Đạo Uyển

出世; C: chū shì; J: shusse; S: lokottara; P: lokuttara; nghĩa là “vượt lên trên thế gian”;
1. Chỉ đặc tính của tất cả những gì nhằm giải thoát khỏi ràng buộc thế gian và hướng đến Niết-bàn (s: nirvāṇa; p: nibbāna). Ví dụ như Thánh đạo (s: ārya-mārga; p: ariya-magga) là đạo xuất thế, trong đó có đạo và Thánh quả Dự lưu (s: śrotāpanna; p: sotā-panna), Nhất lai (s: sakṛḍāgāmin; p: sakaḍā-gāmin), Bất hoàn (s, p: anāgāmin), A-la-hán (s: arhat; p: arahant) và Niết-bàn.
Trong Ðại thừa, đức Phật được xem là con người xuất thế, thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, thọ mệnh vô lượng, đã đạt Nhất thiết trí.
2. Từ bỏ cuộc sống thế tục để tu tập Phật pháp;
3. Đức Phật hay Bồ Tát thị hiện ở thế gian để cứu độ chúng sinh (s: utpāda);
4. Sự đề cử một vị Thiền sư đảm nhiệm việc trú trì một tu viện.

Xuất Thế Gian đạo

Từ Điển Đạo Uyển

出世間道; C: chūshìjiāndào; J: shusse-kendō;
Đạo xuất thế đưa đến giác ngộ. Đạo giác ngộ được hành trì để tăng trưởng đạo tâm: đó là Kiến đạo (見道), Tu đạo (修道) và Cứu cánh đạo (究竟道).

Xuất Thế Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

出世法; C: chūshì fǎ; J: shussehō;
Các pháp siêu việt thế gian. Các pháp của thế giới giác ngộ, như Lục độ, Tứ diệu đế, Niết-bàn…

Xuất Trần

Từ Điển Đạo Uyển

出塵; C: chūchén; J: shutsujin;
Lìa xa ô nhiễm của thế giới phàm trần. Tự nguyện sống đời xuất gia, nhập viện.

Xúc

Từ Điển Đạo Uyển

觸; S: sparśa; P: phassa;
Chỉ sự tiếp xúc giữa các giác quan (Lục căn) và các đối tượng của chúng (trần) với sự hiện diện của Thức (s: vijñāna; p: viññāṇa). Xúc sẽ sinh ra Thụ (s, p: vedanā). Xúc chỉ là tiếp cận chớp nhoáng giữa giác quan và đối tượng, chưa có phân biệt tốt xấu. Có sáu loại Xúc: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Xúc là một hoạt động tâm lí (Ngũ uẩn) và là yếu tố thứ sáu trong Mười hai nhân duyên.

Xung

Từ Điển Đạo Uyển

冲 (沖); C: chōng; J: chū;
Có các nghĩa sau: 1. Sự hài hoà, tính ân cần, vui lòng; 2. Sâu, thăm thẳm; 3. Không, trống không; 4. Xông tới, va chạm; 5. Toả ra, truyền đi; 6. Bay vút lên, đi lầm đường.

Xướng

Từ Điển Đạo Uyển

唱; C: chàng; J: shō;
Có các nghĩa sau: 1. Gọi, kêu lên; 2. Tán dương, ca tụng, thán phục, khen ngợi (s: parikīrtayati); 3. Ca hát (ca 歌); 4. Hướng dẫn, chỉ dẫn (đạo 導); 5. Giảng giải (thuyết 説).

KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN SANH

Lần 2648 - Phật Lịch: 2568

Đản sinh Ngài con gửi trọn niềm tin

Thắp nén hương lòng cầu chúng sinh thoát khổ

Nguyện người người thuyền từ bi tế độ

Sống bình an - giác ngộ độ trầm luân.

Xin nhấn vào đây để xem nội dung.

 

 

 

Thanks for signing up. You must confirm your email address before we can send you. Please check your email and follow the instructions.
Chúng tôi tôn trọng sự riêng tư của bạn. Thông tin của bạn được an toàn và sẽ không bao giờ được chia sẻ.
Nam mô A Di Đà Phật!
×
×