N-Từ Điển Đạo Uyển

Na-Lan-đà

Từ Điển Đạo Uyển

那爛陀; S: nālandā;
Viện Phật học danh tiếng của Ấn Ðộ, được vua Thước-ca-la Dật-đa (s: śakrāditya) thành lập trong thế kỉ thứ hai, một nhà vua nước Ma-kiệt-đà. Dần dần Na-lan-đà trở thành nơi của các luận sư nổi tiếng của Trung quán tông và Duy thức tông giảng dạy. Các vị này đều lần lượt làm viện trưởng. Na-lan-đà lúc đông nhất có đến mười ngàn học viên. Các khách phương xa như Huyền Trang, Pháp Hiển, Nghĩa Tịnh đều ghé nơi đây tu học. Na-lan-đà là nơi giáo hoá của đạo Phật, hưng thịnh được 1000 năm. Tại Tây Tạng, một học viện cũng được đặt tên là Na-lan-đà và được xây dựng năm 1351.
Theo Huyền Trang và Nghĩa Tịnh thì trong thời cực thịnh có đến 10 000 tăng sĩ học tại Na-lan-đà. Các vị đó học giáo pháp Tiểu thừa, Ðại thừa, Nhân minh học, toán học, y khoa. Những vị giảng sư danh tiếng đã từng dạy đây là Long Thụ (s: nāgārjuna), Hộ Pháp (s: dharmapāla), Trần-na (s: dignāga), Giới Hiền (s: śīlabhadra), Huyền Trang, An Huệ (sthiramati) giảng dạy. Tương truyền Na-lan-đà bị tín đồ của Hồi giáo phá huỷ trong thế kỉ 12, 13.

Na-Li-Na-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: nalinapa; “Hoàng tử tự lực cánh sinh”;
Một trong 84 vị Tất-đạt (s: siddha) Ấn Ðộ, không rõ sống trong thời đại nào.
Ông là một hoàng tử nhưng sống trong sự nghèo nàn ở Hoa Thị thành (s: pāṭaliputra). Lần nọ ông gặp một vị Du-già sư, xin vị đó chỉ cho con đường thoát khỏi Sinh tử. Vị đó cho ông vào Man-đa-la của Bí mật tập hội (s: guhyasamāja), dạy “quán chính thân mình” như sau:
Quán trên đỉnh đầu mình,
là âm HAṂ sắc trắng,
của Ðại lạc tuyệt đối.
Quán nơi lỗ rốn mình,
là âm BAṂ sắc đỏ,
nó như ngọn lửa cháy,
và hồ tan với HAṂ.
Rồi dần dần cả bốn
mức Lạc sẽ dâng trào:
một là thứ Lạc thụ,
sau đó đến Ðại lạc,
ba là Lạc xả bỏ,
cuối: Lạc uyên nguyên.
Thế mà rời Sinh tử,
đạt Ðại lạc thuần tuý,
của đạo vị giải thoát.
Na-li-na-pa thiền quán như thế và bốn mức Ðại lạc xuất phát từ bốn trung tâm trong người dâng lên, giải thoát ảo giác của Sinh tử, như hoa sen nở trên bùn mà không lấm mùi bùn. Sau chín năm thiền định, ông đạt thánh quả Ðại thủ ấn tất-địa. Chứng đạo ca của ông như sau:
Trên đỉnh đầu của đoá
hoa sen mọc trong bùn,
đã có mầm Lạc thụ.
Nơi cổ họng: Ðại lạc,
Nơi tim: Lạc xả bỏ,
Lỗ rốn: Lạc uyên nguyên.
Ðó là chứng vô thượng.

Na-Rô Lục Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

T: nāro chodrug [nāro chos-drug]; cũng được gọi là Na-lạc du-già tốc đạo; “Sáu giáo pháp của Na-rô-pa (t: nāropa);
một loạt giáo pháp Tây Tạng thuộc Kim cương thừa, xuất phát từ các vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) do Ðại sư Na-rô-pa truyền dạy. Na-rô-pa lại được Tai-lô-pa (tilopa) chân truyền. Na-rô-pa truyền lại cho Mã-nhĩ-ba (t: marpa), người đưa giáo pháp này qua Tây tạng trong thế kỉ 11. Song song với Ðại thủ ấn (s: mahāmudrā), Na-rô lục pháp là phương pháp thiền định quan trọng nhất của trường phái Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa).
Sáu giáo pháp này gồm có:
1. Tạo Nội nhiệt (t: tumo; s: caṇḍa, caṇḍalī);
2. Quán huyễn thân (t: gyulu [sGyu lus]; s: mayākāyā, mahādeha), thấy thân này là giả tạo. Trong Kim cương thừa, huyễn thân này là một thân thanh nhẹ, cao hơn thân do Ngũ uẩn tạo thành, nhưng luôn luôn hiện diện trong đó. Quán huyễn thân cũng được hiểu là một phép tu Tan-tra nhằm thanh lọc thân thể thông thường để đạt Phật quả;
3. Quán giấc mộng (t: milam [rMi lam]; s: svapna-darśana). Theo cách tu này, giấc mộng cũng là một phương tiện để phát triển tâm thức. Một mặt, hành giả chủ động tạo tác giấc mộng của mình, mặt khác hành giả xem cuộc sống bình thường cũng chỉ là một giấc mộng;
4. Quán Cực quang (t: osel [‘od-gsal]; s: ā-bhāsvara). Cực quang ở đây có nhiều nghĩa: 1. Ánh sáng của tâm thức sáng rực mà hành giả cần quán thấy bên cạnh tính Không (s: śūnyatā). Phép quán này là mục đích quan trọng nhất của giáo pháp Tan-tra (Ðại thủ ấn; s: mahāmudrā; Ðại cứu kính), 2. Phép quán, trong đó ánh sáng vô lượng của tâm thức tự chói rực, “như ngọn đèn vừa tự chiếu sáng mình vừa chiếu sáng các vật chung quanh” (theo Giuseppe Tucci);
5. Quán thân Trung hữu (t: bardo; s: an-tarābhava);
6. Chuyển thức (t: phowa; s: saṃkrānti); là phép tu trong lúc Cận tử, chuyển hoá tâm thức mình vào một Tịnh độ, thí dụ cõi của Phật A-di-đà. Hành giả Tây Tạng theo phép tu này đã tập luyện và chuẩn bị trong lúc còn sống, phần lớn họ đọc tụng một số thần chú và thiền theo các Nghi quỹ (s: sādhana). Tại phương Tây phép tu này được giáo phái Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa) phổ biến.
Các phép tu này có nhiều điểm giống với các phép được mô tả trong Tử thư (t: bardo thodol). Người ta còn nhắc rằng Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa) là người rất giỏi phép sử dụng nội nhiệt.
Na-rô lục pháp này xuất phát từ nhiều Tan-tra khác nhau và được các vị Ðạo sư khác nhau truyền lại. Theo một tác phẩm của Tai-lô-pa thì phép quán huyễn thân và cực quang là do Long Thụ (Long Thụ theo truyền thống Ma-ha Tất-đạt) khởi truyền. Phép nội nhiệt được xem là từ Cha-ya-pa (car-yapa), phép quán giấc mộng từ La-va-pa (lavapa), phép quán thân trung hữu và chuyển thức từ Pu-ka Tất-địa (pukasiddhi) khởi phát.
Hành giả chuyên trách tu tập sáu phép này dựa trên cách tận dụng thân xác vi tế của mình, sẽ đạt nhiều Thần thông (xem Tất-địa). Ðó là cách đưa thân vào trong các tầng phát triển của tâm và theo truyền thuyết Tây Tạng, năng lượng trong thân được vận dụng dưới ba dạng như sau: luồng năng lượng (t: lung) tác động lên các bộ phận trong thân thể, đạo quản năng lượng (tsa) là các kênh dẫn năng lượng luân lưu và cuối cùng là tiềm năng lượng (thig-le) là gốc chứa hệ thống năng lượng đó. Với các phép tu của Na-rô lục pháp mà những năng lượng này được kích động, được dùng như phương tiện đạt giác ngộ. Mục đích của tất cả những phép tu đó là thống nhất tính Không (s: śūnyatā) và các thụ tưởng của hành giả. Mật-lặc Nhật-ba có bài kệ “sáu hỉ lạc” sau đây về kinh nghiệm giác ngộ này:
Lửa của nội nhiệt tràn đầy khắp người – Hỉ lạc! Chân khí tràn ngập trong ba luồng năng lượng – Hỉ lạc! Luồng từ tâm giác ngộ chảy xuống – Hỉ lạc! Dưới gốc cũng tràn đầy năng lượng – Hỉ lạc! Ở giữa, âm dương hoà hợp – Hỉ lạc! Tràn đầy niềm vui thanh tịnh của thân – Hỉ lạc!

Na-Rô-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

T: nāropa; S: nāḍapāda, nāroṭapa, yaśbhadra; 1016-1100 hay 956-1040, mệnh danh là “Kẻ vô uý”;
Một vị Ðại sư Ấn Ðộ theo truyền thống Tan-tra của 84 vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha). Người truyền Mật giáo cho Sư là Tai-lô-pa (s: tilopa), một những Ma-ha Tất-đạt danh tiếng nhất.
Na-rô-pa được xem là người truyền những giáo pháp Ðại thủ ấn và vì vậy phép tu này được gọi là Na-rô lục pháp, “sáu giáo pháp của Na-rô-pa” (nāro chodrug), được Mã-nhĩ-ba (t: marpa) truyền qua Tây tạng và ngày nay vẫn là một giáo pháp quan trọng của tông phái Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa). Na-rô-pa đã từng giữ trách nhiệm quan trọng tại viện Phật học Na-lan-đà và sau mới trở thành đệ tử của Tai-lô-pa. Sư sống cùng thời với A-đề-sa.
Sư sinh ra trong một gia đình bán rượu, nhưng lại đi làm nghề đốn củi. Lúc nghe về một vị Du-già sư (yogin) tên Tai-lô-pa (tilopa), Sư liền xin theo học và phục vụ thầy suốt 12 năm không hề than vãn, mặc dù bị thầy đối xử tàn tệ. Lần nọ, Sư chịu phạm tội ăn trộm chỉ để làm vừa lòng thầy. Sau thời gian thử thách này, Tai-lô-pa mới chịu giáo hoá, gọi Sư là “Ðứa con uy tín và trì chí.” Chỉ sáu tháng sau, Sư đắc quả Ðại thủ ấn tất-địa (mahāmudrāsiddhi). Lời dạy cuối cùng của Tai-lô-pa cho Sư là “Không tưởng tượng, không suy ngẫm, không thiền, không tác động, giữ yên tịnh, không bám vào bất cứ đối tượng nào.”

H 44: Na-rô-pa (nāropa)
Na-rô-pa có nhiều môn đệ trở thành những vị Tất-đạt, trong đó có Mã-nhĩ-ba (t: marpa) là người nổi tiếng nhất. Sư cũng có lần giữ một chức giảng dạy trong viện Phật học Siêu Giới (s: vikramaśīla).
Thánh đạo ca của Na-rô-pa có những dòng sau:
Như đội quân đại đế,
chiếm trọn toàn lãnh thổ,
đất liền và biển cả.
Tu sĩ nào biết vị,
của niềm vui tự tại
của tự tính bẩm sinh,
kẻ đó thắng Luân hồi
và thanh tịnh lên ngôi

Na-Tiên

Từ Điển Đạo Uyển

那先; S, P: nāgasena; tk. 1, dịch nghĩa là Long Quân;
Cao tăng Phật giáo người Ấn Ðộ. Cuộc nói chuyện của Sư với vua Di-lan-đà về các câu hỏi hóc búa của giáo pháp đạo Phật đã được ghi lại trong tác phẩm Di-lan-đà vấn đạo (p: milindapañha).
Tương truyền rằng, Sư sinh trong một gia đình Bà la môn và năm 15 tuổi đã gia nhập Tăng-già Phật giáo. Sư học giáo pháp ở nhiều nơi, kể cả tại thủ đô Hoa Thị thành (s: pāṭaliputra) và đạt quả A-la-hán. Sử sách ghi rằng, Sư có trí nhớ phi thường, chỉ cần đọc qua một lần đã thuộc Luận tạng (s: abhi-dharma-piṭaka).

Nãi Chí Quảng Thuyết

Từ Điển Đạo Uyển

乃至廣説; C: năizhì guăngshuō; J: naishi kō-setsu;
Và vân vân…, và vân vân… Thường ở vị trí cuối cùng của một đoạn trích dẫn.

Năm Chướng Ngại

Từ Điển Đạo Uyển

S, P: nīvaraṇa; năm triền cái, ngũ chướng;
Năm tính chất của tâm làm tâm thức trì trệ, không đạt được Ðịnh (s, p: samādhi). Ðó là: 1. Tham (s: abhidyā), 2. Sân hận (s: pra-dośa), 3. Buồn ngủ, mệt mỏi (s: middha, styā-na), 4. Hối tiếc khó chịu (s: kaukrītya, anu-ddhatya), 5. Nghi ngờ (s: vicikitsā). Hành giả cần trừ năm uế nhiễm này mới đạt được Tứ thiền đầu tiên trong tám giai đoạn thiền định (Tứ thiền bát định).

Nam Dương Huệ Trung

Từ Điển Đạo Uyển

南陽慧忠; C: nányáng huìzhōng; J: nanyo e-chū; 675 (?)-775 (772), còn được gọi là Huệ Trung Quốc sư, Trung Quốc sư;
Thiền sư Trung Quốc, một trong những môn đệ xuất sắc nhất, đạt yếu chỉ của Lục tổ Huệ Năng. Sư là vị Thiền sư đầu tiên được ban danh hiệu Quốc sư.
Sư họ Nhiễm, quê ở Chư Kị, Việt Châu. Từ nhỏ, Sư đã có phong cách xuất trần, dáng vẻ đoan trang, da trắng như tuyết. Tương truyền Sư từ nhỏ đến năm 16 tuổi không hề bước qua chiếc cầu ở trước nhà. Một hôm, thấy một vị Thiền sư đi ngang qua, Sư bỗng chạy ra xin xuất gia học đạo. Vị này nhận ra tài năng của Sư liền chỉ đến Lục tổ. Dưới sự hướng dẫn của Lục tổ, Sư đạt tâm ấn và Lục tổ có lời tiên đoán rằng, Sư sẽ là một vị “Phật đứng hiên ngang một mình giữa trời.”
Sau, Sư về cốc Ðảng Tử trên núi Bạch Nhai, Nam Dương. Nơi đây, Sư ẩn cư tu tập 40 năm không hề xuống núi, vì vậy đạo hạnh của Sư vang lừng khắp nơi. Năm 761, vua Ðường Túc Tông thỉnh Sư về kinh đô và tôn làm thầy (lúc này Sư khoảng 85 tuổi). Trong thời gian khoảng 16 năm, Sư tuỳ cơ thuyết pháp, ứng biến cao siêu. Những lời Vấn đáp sau đây nêu rõ phong cách hoằng hoá uy nghiêm của Sư và những quan niệm trung tâm của Thiền tông nói chung.
Một vị tăng đến hỏi Sư: “Thế nào là giải thoát?” Sư đáp: “Các pháp không đến nhau, ngay đó là giải thoát.” Tăng hỏi tiếp: “Thế nào đoạn được?” Sư bảo: “Ðã nói với ngươi các pháp không đến nhau, có cái gì để đoạn!”
Một vị khác hỏi: “Làm thế nào thành Phật?” Sư đáp: “Phật và chúng sinh đồng thời dẹp đi, ngay đó thành Phật!” Hỏi: “Làm thế nào được tương ưng?” Sư: “Không nghĩ thiện ác tự thấy Phật tính.” Hỏi: “Làm sao chứng được Pháp thân?” Sư: “Vượt qua cảnh giới Tì-lô.” (tức cảnh giới Ðại Nhật Phật, tượng trưng cho Pháp thân, Ba thân). Hỏi: “Pháp thân thanh tịnh làm thế nào đạt được?” Sư: “Không chấp Phật để cầu.” Hỏi: “Thế nào là Phật?” Sư: “Tâm tức là Phật.” Hỏi: “Tâm có phiền não chăng?”
Sư: “Tính phiền não tự lìa.” Hỏi: “Không cần phải đoạn trừ sao?” Sư: “Ðoạn phiền não tức gọi Nhị thừa. Phiền não không sinh gọi Ðại Niết-bàn.” Hỏi: “Ngồi thiền quán tịnh là làm gì?” Sư: “Chẳng Cấu chẳng tịnh đâu cần khởi tâm quán tướng tịnh.” Hỏi: “Thiền sư thấy mười phương hư không là Pháp thân chăng?” Sư: “Thấy tâm tưởng nhận, đó là cách thấy điên đảo.” Hỏi: “Tâm tức là Phật, có phải tu vạn hạnh chăng?” Sư: “Chư thánh đều đủ trang nghiêm, đâu có bác không nhân quả.”
Sư ngừng lại đây, bảo: “Nay tôi trả lời các câu hỏi của ông cùng kiếp cũng không hết, nói nhiều cách đạo càng xa. Cho nên nói: ›Thuyết pháp có sở đắc, đó là dã can kêu, thuyết pháp không sở đắc, đó là sư tử hống.‹”
Sư biết duyên sắp đoạn, từ giã vua trở về núi. Ngày mùng chín tháng chạp năm Ðại Lịch thứ 10, Sư nằm nghiêng bên phải nhập Niết-bàn, đệ tử xây tháp cạnh cốc thờ. Vua ban hiệu là Ðại Chứng Thiền sư. Môn đệ của Sư có Thiền sư Ðam Nguyên Ứng Chân và các vị vua Ðường.

Năm Giới

Từ Điển Đạo Uyển

S: pañcaśīla; P: pañcasīla; Hán Việt: Ngũ giới (五戒);
Năm giới, là một trong những tụ tịnh giới nhỏ nhất mà hàng cư sĩ Phật tử phải thực hành. Đó là: 1. Bất sát sinh (不殺生), không được sát sinh; 2. Bất thâu đạo (不偸盗), không trộm cắp; 3. Bất tà dâm (不邪婬); 4. Bất vọng ngữ (不妄語), không được nói xằng bậy; 5. Bất ẩm tửu (不飲酒), không uống rượu.

Năm Loại Mắt

Từ Điển Đạo Uyển

S: pañcacakṣuṃṣi; Hán Việt: Ngũ nhãn (五眼)
Bao gồm: 1. Nhục nhãn (肉眼; s: mā-ṃsacakṣus), là con mắt thịt, con mắt của một phàm phu; 2. Thiên nhãn (天眼; s: divyacakṣus), con mắt của chư Thiên, có thể nhìn thấy được những hiện tượng siêu nhiên, quá khứ, vị lai, địa ngục …; 3. Pháp nhãn (法眼; s: dharmacakṣus), là con mắt pháp, thấy được sự đa dạng của các pháp hiện hữu; 4. Huệ nhãn (慧眼; s: prajñācakṣus), là con mắt trí huệ, nhìn thấu suốt được tính Không (s: śūnyatā) của các pháp; 5. Phật nhãn (佛眼; s: buddhacakṣus), là con mắt của một bậc giác ngộ, nhìn thấu suốt thể tính của vạn sự.

Năm Lực

Từ Điển Đạo Uyển

S, P: pañca-bala; Hán Việt: Ngũ lực (五力);
Năm sức mạnh tinh thần hay năm khả năng xuất phát từ năm Căn (s, p: indriya) và giúp đạt giác ngộ. Năm lực đó là:
1. Tín lực (信力; s: śraddhābala), là tâm loại bỏ các loại tin tưởng sai lầm;
2. Tinh tiến lực (精進力; s: vīryabala) là năng lực tu trì Bốn tinh tiến (s: saṃyak-pra-hanani, cũng được gọi là chính cần) để diệt trừ bất thiện pháp;
3. Niệm lực (念力; s: smṛtibala), sức mạnh do tu trì Bốn niệm xứ (s: smṛtyupasṭhāna) đem lại;
4. Ðịnh lực (定力; s: samādhibala), sức mạnh do Thiền định (s: dhyāna) mang lại nhằm loại bỏ mọi tham ái;
5. Huệ lực (慧力; s: prajñābala) là sức mạnh nhờ phát khởi tri kiến Tứ diệu đế.
Năm lực là một phần của 37 giác chi (yếu tố giác ngộ, Bồ-đề phần; s: bodhipākṣika-dharma).

Nam Nhạc Hoài Nhượng

Từ Điển Đạo Uyển

南嶽懷讓; C: nányuè huáiràng; J: nangaku ejō; 677-744;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ được truyền tâm ấn của Lục tổ Huệ Năng và là một trong hai ngọn lửa thiền chiếu sáng rực rỡ đời Ðường (ngọn đuốc thứ hai là Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư). Môn đệ lừng danh nối dòng của Sư là Mã Tổ Ðạo Nhất.
Sư họ Ðỗ, quê ở Kim Châu, xuất gia năm 15 tuổi. Sư ban đầu chăm chỉ học Luật giữ Giới, nhưng không hài lòng với kết quả, tự nhủ: “Phàm người xuất gia phải vì pháp Vô vi, trên trời và nhân gian không gì hơn được.” Sau, vì lời khuyên của nhiều đạo hữu, Sư đến yết kiến Lục tổ.
Ðến Tào Khê, Tổ Huệ Năng hỏi: “Ở đâu đến?” Sư thưa: “Ở Tung Sơn đến.” Tổ hỏi: “Vật gì đến?” Sư trả lời không được bèn ở lại. Sau tám năm, Sư chợt tỉnh, đến trình Tổ câu trả lời sau: “Nói là một vật là không đúng.” Tổ hỏi: “Lại có thể đạt được chăng?” Sư đáp: “Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được.” Tổ bèn nói: “Chính cái không nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư Phật, ngươi đã như thế, ta cũng như thế. Tổ Bát-nhã Ða-la ở Tây Thiên có lời sấm rằng: ›Dưới chân ngươi sẽ xuất hiện con ngựa tơ đạp chết người trong thiên hạ‹. Ứng tại tâm ngươi chẳng cần nói sớm.” Sư nhân đây hội ý, ở lại hầu Tổ 15 năm.
Sau khi từ giã Tổ, Sư đến núi Hoành Nhạc trụ trì chùa Bát-nhã. Nơi đây, Sư gặp một Sa-môn ngày ngày ngồi thiền. Sư nhìn biết là thượng căn, đến hỏi: “Ðại đức ngồi thiền làm gì?” Vị này trả lời: “Ðể làm Phật.” Sau đó, Sư lấy một viên gạch, đến trước am của vị này mài liên tục. Sa-môn thấy lạ hỏi Sư: “Thầy mài gạch để làm gì?” Sư đáp: “Mài để làm gương.” Vị này nói: “Mài gạch đâu có thể thành gương được?” Sư bảo: “Ngồi thiền cũng không thể thành Phật được” Sa-môn hỏi: “Vậy làm thế nào mới phải?” Sư hỏi vặn lại: “Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, phải đánh trâu hay đánh xe?” Vị Sa-môn lặng thinh, Sư nói tiếp: “Ngươi học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không tướng nhất định, đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả. Ngươi nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi chẳng đạt ý kia.”
Vị Sa-môn này chẳng ai khác hơn là Giang Tây Pháp chủ Mã Tổ Ðạo Nhất sau này. Nghe được chân ngôn như vậy, Ðạo Nhất liền quì xuống lễ bái, hỏi: “Dụng tâm thế nào mới hợp với vô tướng tam-muội.” Sư đáp: “Ngươi học pháp môn tâm địa như gieo giống, ta nói pháp yếu như mưa móc, nếu duyên ngươi hợp sẽ thấy đạo này.” Ðạo Nhất hỏi: “Ðạo không có sắc tướng làm sao thấy?” Sư bảo: “Con mắt pháp tâm địa hay thấy được đạo.” Ðạo Nhất hỏi tiếp: “Có thành hoại chăng?” Sư đáp: “Nếu thấy cái thành hoại, tụ tán mà nghĩ là thấy Ðạo thì không thể thấy Ðạo.” Sư làm bài kệ:
心地函諸種。遇澤即皆萌
三昧花無相。何壞復何成
Tâm địa chứa các giống
Gặp ướt liền nảy mầm
Hoa tam-muội không tướng
Thì sao có hoại thành?
Thiền sư Ðạo Nhất nghe đây như được mở mắt, ở lại hầu hạ Sư 10 năm. Trong tất cả môn đệ, chỉ có Ðạo Nhất được truyền pháp ấn.
Ngày mười một tháng tám đời Ðường, niên hiệu Thiên Bảo năm thứ ba, Sư thị tịch tại Hoành Nhạc, thọ 67 tuổi. Vua sắc phong là Ðại Huệ Thiền sư.
Những lời dạy của Sư nói trên có thể gây sự hiểu lầm. Vì sao “ngồi thiền không thể thành Phật được” trong khi đức Phật Thích-ca đạt Vô thượng bồ-đề sau khi ngồi thiền định và tất cả các vị Thiền sư chú trọng đến thiền hơn tất cả các tông phái khác? Cái mà Sư chỉ trích nơi Thiền sư Ðạo Nhất không phải là tác phong ngồi thiền, mà là cái tâm trạng đứng sau hành động đó. Cái ranh giới giữa “ta”, một người ngồi thiền để thành Phật và “thiền” – ở đây đồng nghĩa với Phật – phải được huỷ bỏ, tâm phải trống rỗng không còn câu chấp, ham muốn, đó là yếu chỉ mà Sư muốn truyền cho Ðạo Nhất Thiền sư tại đây. Ngay đức Phật Thích-ca cũng đã nói rõ trong Tương ưng bộ kinh (I, I): “Không buông xuôi (appathittam), không muốn đạt (anāyūham), ta đã vượt qua sóng bão…. Lúc buông xuôi, ta chìm đắm, lúc muốn đạt giác ngộ, ta bị bão táp gió lay. Không buông xuôi và vô nguyện, ta vượt qua sóng bão.”

Nam Phố Thiệu Minh

Từ Điển Đạo Uyển

南浦紹明; J: nampo jōmyō; 1235-1309;
Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế dòng Dương Kì. Sư lúc đầu học pháp nơi Lan Khê Ðạo Long nhưng sau đích thân sang Trung Quốc tham học với Thiền sư Hư Ðường Trí Ngu (c: xūtáng zhìyú) và được Ấn khả. Trong dòng Thiền của Sư có nhiều vị nổi danh như Nhất Hưu Tông Thuần (j: ikkyū sōjun) và Bạch Ẩn Huệ Hạc (j: hakuin ekaku). Sư được Nhật hoàng ban hiệu Ðại Ứng Quốc sư (j: daiō kokushi).
Khác với các vị tiền nhân đưa Thiền tông sang Nhật như Minh Am Vinh Tây (j: myōan eisai), Viên Nhĩ Biện Viên (j: enni ben’en), Sư không hoà nhập Thiền tông với những giáo lí của các tông khác như Thiên Thai, Chân ngôn. Môn đệ danh tiếng nhất của Sư là Diệu Siêu Tông Phong (j: myōchō shūhō, cũng được gọi là Ðại Ðăng Quốc sư; daitō ko-kushi).
Mặc dù đã nổi danh lúc còn hoằng hoá nhưng vai trò thật sự quan trọng của Sư cho Thiền Lâm Tế tại Nhật chính là hệ thống truyền thừa vô song với các môn đệ lừng danh. Qua đó, người ta có thể xem Sư là vị Tổ chính của Thiền Lâm Tế tại Nhật (xem biểu đồ cuối sách) vì hầu hết tất cả những vị Thiền sư danh tiếng của tông Lâm Tế của Nhật sau này đều xuất phát từ hệ phái của Sư với tên gọi là Ứng-Ðăng-Quan phái (j: ō-tō-kan-ha) – viết tắt từ ba danh hiệu Ðại Ứng (ō) Quốc sư, Ðại Ðăng (tō) Quốc sư và Quan (kan) Sơn Huệ Huyền. Với sự hoằng hoá của Sư, giai đoạn du nhập của Thiền tông từ Trung Quốc sang Nhật đã kết thúc.

Nam Tháp Quang Dũng

Từ Điển Đạo Uyển

南塔光涌; C: nántǎ guǎngyǒng; J: nantō kōyū; tk. 9;
Thiền sư Trung Quốc, nối pháp Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, Tổ thứ hai dòng Quy Ngưỡng. Ðạt yếu chỉ của Sư có Thiền sư Ba Tiêu Huệ Thanh.
Sư họ Chương, quê ở Phong Thành, Dự Chương. Lúc Sư ra đời, hào quang soi sáng khắp nhà, ngựa trong chuồng sợ hãi, vì vậy Sư được đặt tên là Quang Dũng. Sư xuất gia theo Ngưỡng Sơn từ nhỏ. Một thời gian Sư đến miền Bắc yết kiến Lâm Tế, rồi lại trở về hầu thầy. Ngưỡng Sơn hỏi: “Ngươi đến làm gì?” Sư thưa: “Làm lễ ra mắt Hoà thượng.” Ngưỡng Sơn hỏi: “Thấy Hoà thượng chăng?” Sư thưa: “Dạ thấy.” Ngưỡng Sơn bảo: “Hoà thượng sao giống như lừa?” Sư đáp: “Con thấy Hoà thượng cũng chẳng giống Phật.” Ngưỡng Sơn hỏi tiếp: “Nếu chẳng giống Phật thì giống cái gì?” Sư thưa: “Nếu có chỗ giống thì cùng lừa đâu khác.” Ngưỡng Sơn kinh ngạc nói: “Phàm thánh cả hai đều quên, tình hết, thể hiện bày, ta lấy đây nghiệm xét ngươi, hai mươi năm không ngờ vực. Ngươi nên gìn giữ đó.” Ngưỡng Sơn hay chỉ Sư nói với người: “Ðây là nhục thân Phật.”
Sư sau trụ ở Ngưỡng Sơn, tháp phía Nam. Một vị Tăng hỏi Sư: “Thế nào là diệu dụng một câu?” Sư đáp: “Nước đến thành hồ.” Tăng lại hỏi: “Chân Phật chỗ nào?” Sư đáp: “Nói ra không tướng, cũng không tại nơi khác.”
Không rõ Sư tịch nơi nào, năm nào.

Năm Tỉ-Khâu

Từ Điển Đạo Uyển

Hán Việt: Ngũ tỉ-khâu (五比丘);
Là năm vị Sa-môn (s: śramaṇa) được nghe Phật thuyết pháp đầu tiên tại Lộc uyển. Năm vị Sa-môn này trở thành năm vị đệ tử đầu tiên gia nhập Tăng-già của đức Phật. Năm vị này là: A-nhã Kiều-trần-như (s: ājñāta kauṇḍinya; p: koṇḍañña), Bà-sa-ba (s: bāṣpa; p: vappa), Bạt-đề (s: bhadriya; p: bhaddiya), Ma-ha Na-ma (s, p: mahānāma) và Át-bệ hoặc A-thuyết-thị (s: aśvajit; p: assaji).

Năm Tội Lớn

Từ Điển Đạo Uyển

S: pañcanantaryakarmāṇi; Hán Việt: Ngũ nghịch (五逆), Ngũ vô gián nghiệp (五無間業);
Năm trọng tội bị đoạ Ðịa ngục (s: naraka): 1. Giết cha (sát phu 殺父; s: pitṛghāta); 2. Giết mẹ (sát mẫu 殺母; s: mātṛghāta); 3. Giết một vị A-la-hán (sát A-la-hán 殺阿羅漢; s: arhadvadha); 4. Làm tổn thương đổ máu Phật (xuất Phật thân huyết 出佛身血; s: tathāgatasyāntike duṣṭacittarudhirotpada-na) và 5. Chia rẽ Tăng-già (Phá hoà hợp tăng 破和合僧; s: saṅghabheda).

Nam Tông Thiền

Từ Điển Đạo Uyển

南宗禪; C: nánzōng-chán; J: nanshū-zen;
Thiền tông do Lục tổ Huệ Năng sáng lập sau Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Bắc tông thiền được Thần Tú Thiền sư khai sáng nhưng sau vài đời tàn rụi. Vì chia ra hai phái như vậy nên người ta thường gọi “Nam Năng, Bắc Tú” (南能北秀).

Năm Trí

Từ Điển Đạo Uyển

S: pañcajñāna; Hán Việt: Ngũ trí (五智);
Năm loại trí được trình bày theo Mật giáo. Năm trí này miêu tả tất cả những khía cạnh của Tuyệt đối, của Chân như (s: tathatā) mà con người có thể thực hiện được khi đã chuyển hoá thân tâm. Thân tâm gọi cụ thể ở đây là năm nhóm, Ngũ uẩn với năm cấu uế, phiền não (s: pañcakleśa) phụ thuộc là tham dục (s: rāga), sân (s: dveṣa), si (s: moha, hoặc vô minh, s: avidyā), mạn (s: māna) và ganh ghét (s: īrṣyā). Năm trí bao gồm:
1. Pháp giới (thể tính) trí (法界 [體性] 智; dhamadhātu-jñāna): trí siêu việt của Pháp giới (dharmadhātu), trí tột cùng. Căn cơ của trí này là Sắc uẩn (rūpaskandha) cùng với Vô minh (avidyā), và thuộc về Thân (kāya) trong ba động cơ tạo nghiệp là Thân, khẩu, ý (citta-vāk-kāya). Trong Man-đa-la thì Pháp giới trí thuộc về Ðại Nhật Phật (vairocana), nằm ở trung tâm.
2. Ðại viên kính trí (大圓鏡智; ādarśa-jñā-na): trí như một tấm gương lớn, trí giúp người nhìn vạn vật với một tâm thức Vô ngã (anātman), không muốn chiếm đoạt, phân biệt đúng sai, chấp nhận vạn vật với mỗi sắc thể riêng của nó. Trí này được ví như một tấm gương vì một hạt bụi nó cũng không bỏ qua nhưng nếu hạt bụi này bay đi, gương không lưu lại dấu vết gì. Nguồn gốc của trí này là Thức uẩn (vijñānaskandha) cùng với tâm trạng Sân hận (dveṣa), thuộc về ý (citta) trong ba cửa tạo nghiệp. Trong Man-đa-la thì trí này thuộc về Phật Bất Ðộng (akṣobhya), nằm ở phương Ðông.
3. Bình đẳng tính trí (平等性智; s: samatā-jñāna): trí giúp con người thấy rõ sự bình đẳng giữa mình và chúng sinh. Tinh thần Từ bi (maitrī-karuṇā) của đạo Phật cũng xuất phát từ trí này chứ không phải xuất phát từ ý nghĩ “tội nghiệp, đáng thương” – cách nhìn của một người “trên cơ” nhìn xuống. Người Phật tử phát triển Bồ-đề tâm, phát triển lòng từ bi vì đã nhận ra chính mình trong tất cả hoàn cảnh, tất cả chúng sinh. Nguồn gốc của trí này là Thụ uẩn (ve-danāskandha) cùng với tâm trạng Kiêu mạn (māna). Trong Man-đa-la thì trí này thuộc về Phật Bảo Sinh (ratnasambhava), vị trí ở phương Nam.
4. Diệu quan sát trí (妙觀察智; pratyave-kṣaṇa-jñāna): trí giúp người ta biến chuyển khả năng phân biệt, thị phi bằng trí thức bình thường thành trí huệ siêu việt (Bát-nhã), tuỳ cơ ứng biến, làm việc đúng thời điểm và địa điểm, không cần “dụng công.” Nguồn gốc của trí này là Tưởng uẩn (saṃjñā-skandha) cùng với tâm trạng Tham dục (rāga). Trong Man-đa-la thì trí này thuộc về Phật A-di-đà (amitābha), giáo chủ phương Tây.
5. Thành sở tác trí (成所作智; kṛtyānuṣ-ṭhāna-jñāna), cũng được gọi là Thành sự trí (成事智): trí giúp người hoàn thành tất cả mọi việc mà không tạo Nghiệp (karma), đó là hành động Vô vi, xuất phát từ một tâm đã chứng ngộ được Vô ngã của chính bản thân và các Pháp Hữu vi. Nguồn gốc của trí này là Hành uẩn (saṃskāraskandha) cùng với tâm trạng ganh ghét (Hán dịch là “tật” 嫉; s: īrṣyā). Trong Man-đa-la thì trí này thuộc về Phật Bất Không Thành Tựu (amoghasiddhi), giáo chủ phương Bắc.
Cách trình bày như trên thuộc về truyền thống của Kim cương thừa (vajrayāna) Tây Tạng. Truyền thống Mật giáo tại Ấn Ðộ theo Bí mật tập hội tan-tra (guhyasamāja-tantra) thì có những điểm khác, cụ thể là: Bất Ðộng Như Lai trụ trì ở trung tâm Man-đa-la với những thuộc tính là Thức (vijñāna), Sân (dveṣa), Tâm (trong ba ải tạo nghiệp) và Pháp giới thể tính trí. Ðại Nhật Như Lai trụ trì ở hướng Ðông với thuộc tính Sắc (rūpa) trong ngũ uẩn, Vô minh (avidyā), Thân trong ba ải và Ðại viên kính trí. Trong Duy thức tông (vijñānavāda) hoặc Pháp tướng tông (Hiển giáo) người ta chỉ phân biệt bốn loại trí, không nhắc đến Pháp giới trí (xem thêm dưới Pháp tướng tông).

Nam Tuyền Phổ Nguyện

Từ Điển Đạo Uyển

南泉普願; C: nánquán pǔyuàn; J: nansen fu-gan; 738-835;
Thiền sư Trung Quốc, một trong những môn đệ lừng danh của Mã Tổ Ðạo Nhất Thiền sư và là thầy của một học trò không kém uy dũng là Triệu Châu Tòng Thẩm. Ngoài Triệu Châu ra, Sư còn 17 đệ tử nối pháp nhưng không ai vượt qua pháp lực của hai vị Triệu Châu và Trường Sa Cảnh Sầm. Sư được nhắc đến nhiều trong các tập công án như Bích nham lục (công án 28, 31, 40, 63,64) và Vô môn quan (14, 19, 27, 34).
Sư họ Vương, quê ở Tân Trịnh, Trịnh Châu, xuất gia từ nhỏ. Trước khi đến tham vấn Mã Tổ, mong đạt được yếu chỉ “giáo ngoại biệt truyền”, Sư đã học kĩ giáo lí của Pháp tướng, Tam luận và Hoa nghiêm tông. Ðến Mã Tổ, Sư bỗng dưng đại ngộ, “được cá quên nơm”.
Một hôm, Sư bưng cháo cho chúng, Mã Tổ hỏi: “Trong thùng này, thông là cái gì?” Sư đáp: “Ông già nên ngậm miệng, nói năng làm gì?” Mã Tổ nghe vậy bèn thôi.
Rời Mã Tổ, Sư đến núi Nam Tuyền cất am ở ẩn, hơn 30 năm không xuống núi. Sau đó, một vị quan lên thỉnh Sư xuống dạy pháp và từ đây, học giả bốn phương đua nhau đến. Những lời dạy hùng dũng, có lúc lại “ngược”, mâu thuẫn với lời của những vị Thiền sư khác của Sư được nhiều người trong giới thiền hâm mộ và lấy đó làm Thoại đầu.
Sư thượng đường: “Các ngươi, Lão tăng lúc mười tuổi đã biết kế sống, có ai biết kế sống ra trình, sẽ cùng người ấy thương lượng, người ấy mới đáng ở núi.” Sư lặng thinh giây lâu nói: “Vô sự! Trân trọng! Mỗi người đều tu hành.” Ðại chúng vẫn ngồi yên, Sư bảo: “Huynh đệ người thời nay gánh Phật để trên vai mà đi, nghe Lão tăng nói ›Tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo‹ bèn hội họp suy nghĩ. Lão tăng không có chỗ để các ngươi suy nghĩ. Nếu các ngươi trói hư không lấy gậy đập được, Lão tăng sẽ cho suy nghĩ.”
Có vị tăng hỏi Sư: “Trong hư không có một hạt châu là sao lấy được?” Sư bảo: “Chặt tre làm thang bắc trong hư không lấy.” Tăng hỏi: “Trong hư không làm sao bắc thang?” Sư hỏi lại: “Ngươi nghĩ thế nào lấy?”
Sư sắp tịch, một vị tăng hỏi: “Sau khi Hoà thượng trăm tuổi đi về chỗ nào?” Sư bảo: “Làm con trâu dưới núi.” Tăng hỏi: “Con theo Hoà thượng được chăng?” Sư đáp: “Nếu ngươi muốn theo ta phải ngậm theo một bó cỏ.” Niên hiệu Thái Hoà thứ tám, ngày rằm tháng hai, Sư có chút bệnh bảo chúng: “Sao che đèn huyễn lâu vậy, chớ bảo ta có đi lại!” Nói xong, Sư viên tịch, thọ 87 tuổi. Những lời dạy của Sư được ghi lại trong Trịnh Châu Nam Tuyền Phổ Nguyện Thiền sư quảng lục.

Nam Viện Huệ Ngung

Từ Điển Đạo Uyển

南院慧顒; C: nányuàn huìyóng; J: nanin egyō; ?-930, cũng được gọi là Bảo Ứng Huệ Ngung;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Lâm Tế đời thứ ba, nối pháp Thiền sư Hưng Hoá Tồn Tưởng. Môn đệ của Sư có Phong Huyệt Diên Chiểu nổi bật nhất và chính sự huấn luyện môn đệ “khó dạy” này mà Sư nổi danh đến đời sau.
Sư hỏi một vị tăng mới đến: “Vừa nơi nào đến?” Tăng thưa: “Vừa rời Nhượng Châu” Sư hỏi: “Ðến làm gì?” Tăng thưa: “Ðến lễ bái Hoà thượng.” Sư bảo: “Dường như lão Ngung Bảo Ứng chẳng ở đây.” Tăng liền hét, Sư bảo: “Ðã nói với ông chẳng có ở đây, lại hét cái gì?” Tăng lại hét, Sư liền đánh. Vị tăng quì xuống lễ bái, Sư bảo: “Gậy này bản phận ngươi đánh ta, mà ta lại đánh ngươi, ba gậy năm gậy cốt lời này.”

Năng-đề Ca-Diếp

Từ Điển Đạo Uyển

曩提迦葉; C: năngtí jiāshě; J: nōdai kashō;
Là một trong những phiên âm tên của Nadī-Kāśyapa; Na-đề Ca-diếp (那提迦葉).

Nẵng-Nga

Từ Điển Đạo Uyển

曩誐; C: năngé; J: nōga; S: nāga;
Một loại rồng. Một trong 8 loại thiện thần hộ pháp xuất hiện trong kinh luận Đại thừa. Xem Long (龍).

Nê đoàn

Từ Điển Đạo Uyển

泥團; C: nítuán; J: nidan;
Bùn; lớp bùn dày (s: mrt-pinda).

Nê-Hoàn

Từ Điển Đạo Uyển

泥洹; C: ní huan; J: naion;
Phiên âm chữ nirvāṇa từ tiếng Phạn. Là sự chấm dứt mọi phiền não. Thường phiên âm là Niết-bàn (涅槃).

Nê-Lê

Từ Điển Đạo Uyển

泥黎; C: nílí; J: nairi;
Phiên âm chữ niraya từ tiếng Phạn, có nghĩa là nơi tối tăm cực khổ hay là nơi chịu cực hình để chuộc tội, thường dịch sang tiếng Hán là Địa ngục (地獄).

Ngã

Từ Điển Đạo Uyển

我; S: ātman; P: atta;
Tức là cái “ta” thể tính trường tồn, không bị ảnh hưởng của tụ tán, sinh tử. Ðạo Phật không công nhận sự hiện diện của ngã. Trong toàn bộ mọi hiện tượng tâm lí và vật lí không có một chủ thể gì được gọi là độc lập, thường còn (Vô ngã, Ngũ uẩn).
Theo đạo Phật, ý nghĩ cho rằng có “ta”, có “người” – những đơn vị độc lập không phụ thuộc vào nhau – chính là Vô minh, Si mê. Sự nhận thức là có “ta” tự khởi lên bởi vì con người thường bị tri thức mê hoặc – tri thức ở đây là thức thứ sáu, khả năng suy nghĩ phân biệt – cho rằng thế giới nhị nguyên vốn có sẵn và từ đó phát sinh ra sự suy nghĩ và hành động theo quan niệm rằng, “ta” và người, vật bên ngoài hoàn toàn là những đơn vị độc lập. Dần dần, ý nghĩ “ta” khắc sâu vào Tâm và những ý nghĩ khác như “ta yêu cái này, ta ghét cái nọ; cái này của ta, cái này của ngươi” bắt đầu nẩy nở. Những ý nghĩ nêu trên lại có ảnh hưởng trở lại với ý nghĩ “ta” và vì vậy, cái “ta” này cai trị tâm linh của con người. Nó sẵn sàng tấn công tất cả những gì mà nó cảm thấy bị đe dọa, tham khát những gì giúp nó gia tăng quyền lực. Thù hận, tham khát và xa rời chân tính là những tai hại phát sinh từ đó và chúng trực tiếp đưa con người đến bể Khổ.
Trong Thiền tông, người ta sử dụng phương pháp Toạ thiền (j: zazen) để phá vỡ cái vòng lẩn quẩn nêu trên. Trong quá trình tu tập dưới sự hướng dẫn của một vị Lão sư (j: rōshi), người ta có thể dần dần vượt khỏi sự khống chế của cái “Ngã”, tiêu diệt “Ngã” hay đúng hơn, vượt khỏi cái “ý nghĩ sai lầm là có tự ngã” bởi vì nhìn theo khía cạnh tuyệt đối thì người ta không thể tiêu diệt một cái gì không có thật, chưa hề có thật như cái “Ngã”.

Ngạ Quỷ

Từ Điển Đạo Uyển

餓鬼; S: preṭa; P: peta;
Là quỷ đói, một trong ba đường tái sinh xấu (Lục đạo). Ngạ quỷ là hạng chúng sinh được xem như hạnh phúc hơn Ðịa ngục (s: naraka) nhưng đau khổ hơn A-tu-la (s: āsura). Người ta cho rằng các yếu tố tái sinh thành quỷ đói là keo kiệt, ganh tị và tham lam. Loài chúng sinh này được biểu diễn bằng cái bụng rất lớn và cái miệng rất nhỏ.

Nga Sơn Thiều Thạc

Từ Điển Đạo Uyển

峨山韶碩; J: gasan jōseki; 1275-1365;
Thiền sư Nhật Bản lỗi lạc thứ ba của tông Tào Ðộng (j: sōtō-shū) sau hai vị Ðạo Nguyên Hi Huyền (j: dōgen kigen) và Oánh Sơn Thiệu Cẩn (j: keizan jōkin). Sư nối Pháp Thiền sư Oánh Sơn Thiệu Cẩn.
Sư sinh trong một gia đình tại Noto, sớm xuất gia (1290) tu học giáo lí của Thiên Thai tông trên núi Tỉ Duệ. Một cuộc gặp gỡ với Thiền sư Oánh Sơn đã thay đổi quan niệm tu học của Sư và từ đây, Sư tôn Oánh Sơn làm thầy và chú tâm vào việc Toạ thiền và quán Công án. Dưới sự hướng dẫn của Oánh Sơn, Sư ngộ đạo và được Ấn khả.
Sư trụ trì Tổng Trì tự (sōji-ji) – với một cuộc gián đoạn ngắn và trong thời gian này Sư trụ trì Vĩnh Quang tự (yōkō-ji) – gần 40 năm liền và đã đưa danh tiếng của ngôi chùa này lên đến tuyệt đỉnh. Sư rất chú trọng đến việc thuyết pháp, hoằng hoá quần chúng, nhất là những người thuộc những tầng cấp thấp của xã hội và cố gắng gieo vào tâm của các vị đệ tử tư tưởng của một vị Bồ Tát, quên mình, vì người, một tư tưởng mà Thiền sư Oánh Sơn Thiệu Cẩn đã phát huy trong tông Tào Ðộng.
Sư cũng là người đầu tiên đưa thuyết Ngũ vị quân thần của Thiền sư Ðộng Sơn Lương Giới (Ðộng Sơn ngũ vị) vào chương trình giảng dạy của tông Tào Ðộng tại Nhật. Sư có rất nhiều đệ tử nhưng nổi danh nhất là năm vị, đó là: 1. Thái Nguyên Tông Chân (太源宗眞; taigen sōshin, ?-1370), 2. Thông Huyễn Tịch Linh (通幻寂靈; j: tsūgen ja-kurei, 1322-1391), 3. Vô Ðoan Tổ Hoàn (無端祖環; j; mutan sokan, ?-1387), 4. Ðại Triệt Tông Linh (大徹宗令; j: daisetsu sōrei, 1333-1408), 5. Thật Phong Lương Tú (實峯良秀; j: jippō ryōshū, 1318-1405). Với sự nghiệp hoằng hoá của năm vị này, tông Tào Ðộng được truyền bá khắp nước Nhật.

Ngân Sơn

Từ Điển Đạo Uyển

銀山; S: kailāsa, kailāś, rajatādṛ;
Tên của một ngọn núi ở dãy Hi-mã-lạp sơn, được xem là trú xứ của thần Thấp-bà (s: śi-va). Ấn Ðộ giáo xem núi này là thiêng liêng nhất. Phật giáo cũng xem Ngân sơn là thánh địa. Trên một cao nguyên khoảng 4600m, ngọn núi này bỗng vọt lên trên 7000m. Từ ngọn núi này xuất phát bốn con sông quan trọng của châu Á là Brahmaputra, Indus, Sutlej và Karnali.
Hai tác giả về Phật giáo danh tiếng của phương Tây là Lạt-ma Gô-vin-đa và W. Y. Evans-Wentz đều đã chiêm bái Ngân sơn. Cảm hứng về ngọn núi này, Gô-vin-đa viết trong quyển The Way of the White Clouds: “Có những ngọn núi chỉ là núi và có những ngọn núi lại có một nhân cách riêng. Nhân cách một ngọn núi không phải chỉ vì hình dạng kì lạ của nó mà có… Nhân cách nói chung là một uy lực, tác động lên người khác mà chủ thể của nó không hề muốn hay không hề biết. Uy lực này nằm trong sự liên tục, sự nhất quán, sự hoà hợp của tính cách con người. Nếu chúng lại là nhân cách của một ngọn núi thì ngọn núi xuất hiện như một tập hợp của uy lực toàn vũ trụ và chúng ta xem đó là một ngọn núi thiêng.”
Evans-Wentz tả như sau: “Cảm giác nhìn ngắm ngọn núi thật vô cùng kì diệu làm người hành hương quên hết lo âu và sợ hãi. Ai có thể mô tả được sự vô lượng vô biên của không gian? Ai có thể mô tả một cảnh vật, cảnh vật đó là hiện thân của cái vô cùng, biết thở theo nhịp của cái vô cùng? Với hồ nước trong xanh, thảo nguyên xanh thẳm bát ngát và các ngọn đồi vàng rực bao quanh, hiện lên một dãy núi tuyết và ở giữa là ngọn núi với đỉnh cao trắng xóa, được người Tây Tạng gọi là ›Bảo ngọc đầy tuyết trắng.‹” (Cuchamana and the Secret Mountains, Stanford University 1981).

Ngạnh Sáp

Từ Điển Đạo Uyển

梗澁; C: gěngsè; J: kyōjū;
Cay đắng, khó khăn, khắc nghiệt.

Ngẫu Hài

Từ Điển Đạo Uyển

偶諧; C: ǒuxié; J: gukai;
Xứng hợp nhau; phù hợp với nhau; cùng tán thành. Phối hợp, liên hợp, liên kết, hợp nhất, kết hợp (結合).

Nghi

Từ Điển Đạo Uyển

儀; C: yí; J: gi;
Có các nghĩa sau: 1. Luật lệ, mẫu mực, kiểu mẫu; 2. Nghi thức, công chuyện, tình thế, vấn đề; 3. Phong cách, tư thái; 4.Tặng phẩm, tư thế; 5. Vật dụng, công cụ; 6. Phong thái hoàn mĩ.

Nghi

Từ Điển Đạo Uyển

疑; S: vicikitsā; P: vicikicā;
Một thuật ngữ quan trọng, chỉ sự tâm lí nghi ngại, nghi ngờ, là một trong Năm chướng ngại (s: pañca-nīvaraṇa) và một trong ba Trói buộc (s: saṃyojana) của hành giả trên Thánh đạo (s: āryamārga). Theo đạo Phật, nghi được xem là thái độ “không muốn hiểu”, được biểu hiện bằng sự dao động, bằng sự lãnh đạm, bằng sự thiếu nhiệt thành. Còn lòng nghi ngờ lành mạnh hiểu như một thái độ thận trọng, không vội tin những gì người khác hay kinh sách, hay chính Phật nói mà phải tìm hiểu thử nghiệm thì lại là một đức hạnh mà chính Phật cũng khuyên nên có. Cần phân biệt cái nghi ở đây với Ðại nghi đoàn, khối nghi lớn cần phải có trong việc tu tập theo Thiền tông.

Nghi Quỹ

Từ Điển Đạo Uyển

儀軌; C: yíguǐ; J: giki; S: sādhana hoặc tantra;
Luật tắc, luật lệ, mẫu mực, quy phạm, tín ngưỡng truyền thống. Thường được dùng trong Kim cương thừa để chỉ những bài chú về những phép tu thiền định đặc biệt. Những bài này thường thường trình bày các vị Hộ Thần (s: iṣṭadevatā, sādhita; t: yidam), như một thật thể mà hành giả có thể tiếp cận được, và cách thực hiện linh ảnh các vị đó. Trong Phật giáo Tây Tạng, đây là phương pháp tu học phổ biến, nhưng luôn luôn cần sự hướng dẫn của một vị Ðạo sư (guru). Mỗi hành giả sẽ được truyền tâm bằng một câu Man-tra liên quan đến một vị thần hỗ trợ.
Phần thực hiện Nghi quỹ bao gồm 3 phần: Chuẩn bị, phần chính và phần chấm dứt. Phần chuẩn bị thường là Quy y tam bảo và phát triển Bồ-đề tâm. Phần chính thường gồm có giai đoạn bắt đầu, giai đoạn tạo linh ảnh của một vị Hộ Thần và giai đoạn xóa tan linh ảnh. Ðó là lúc mà hành giả trực nhận Chân như, tính Không. Giai đoạn chấm dứt thường gồm có các lời chúc hay hồi hướng. Ðối với Phật giáo Tây Tạng thì việc thiết tưởng linh ảnh, Hộ Thần không hề có tính huyền hoặc hay cầu xin một đấng nào bên ngoài. Ðó là những phương pháp để tự đồng hoá với một nguyên lí năng lượng ở nơi chính mình. Các vị Phật trong hệ thống Ngũ Phật là những hình ảnh cơ bản nhất của các linh ảnh đó.

Nghĩa Không

Từ Điển Đạo Uyển

義空; C: yìkōng; J: gikū; tk. 9;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc dòng Mã Tổ Ðạo Nhất Thiền sư. Sư là Thiền sư đầu tiên đến Nhật Bản nhưng không có môn đệ nào xuất sắc ở đây. Vì vậy, sau vài năm Sư trở về Trung Quốc, không Ấn chứng cho ai. Cho đến thế kỉ 12/13, không có Thiền sư nào đến Nhật giáo hoá.

Nghĩa Tịnh

Từ Điển Đạo Uyển

義淨; C: yìjìng; 635-713;
Cao tăng Trung Quốc, một trong những dịch giả quan trọng nhất, dịch kinh sách từ Phạn ngữ (sanskrit) ra Hán văn và cũng là người đi tham bái các thánh tích Phật giáo. Năm 671, Sư đi bằng đường biển qua Ấn Ðộ và lưu lại đó hơn 20 năm. Tại Viện Phật học Na-lan-đà, Sư tham cứu giáo lí của Phật giáo Tiểu thừa cũng như Ðại thừa và bắt đầu công trình dịch thuật từ Phạn ngữ sang Hán văn. Năm 695, Sư trở về Trung Quốc, mang theo khoảng 400 kinh, luận. Cùng hợp tác với Thật-xoa Nan-đà (s: śikṣānanda), Sư dịch kinh Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm (s: buddhāvataṃsaka-sūtra) và Luật tạng. Tổng cộng, Sư đã dịch 56 tác phẩm với 230 tập. Ngoài một tập du kí Ấn Ðộ, Sư còn ghi lại tiểu sử của 56 vị tăng đã đi tham bái đất Phật bằng đường biển. Trong các vị này có 4 vị là người Việt Nam (Giao Chỉ).

Nghiệp

Từ Điển Đạo Uyển

業; S: karma; P: kamma; C: yè; J: gō;
1. Hành vi, hành động, hoạt động (s: karman, karma); 2. Hành vi của con người; cách cư xử, tư cách, bao gồm 3 hành vi thuộc ý, miệng, và thân; 3. Dấu tích, kết quả lưu lại từ 3 hành vi của nghiệp; năng lực vận hành tiềm tàng – nhân duyên tạo thành từ những hành vi mà cuối cùng sẽ tạo ra các kết quả khác; 4. Hành vi xấu ác, tai hại. mê muội; 5. Hạnh thanh tịnh (s: anubhāva); 6. Nỗ lực, tinh tấn, phấn đấu (s: vyāyama).
Khái niệm nghiệp rất quan trọngỉtong đạo Phật, dùng chỉ quy luật chung nhất về nguyên nhân và kết quả. Theo đạo Phật, mỗi tác động (nghiệp) – dưới một điều kiện nhất định – sẽ tạo thành một quả (s, p: phala). Một khi quả đó chín, nó sẽ rơi trở lại người tạo ra nó. Muốn thành quả, một nghiệp phải là tốt (Thiện; s: kuśala) hay xấu (Bất thiện; s: akuśala) và là một hành động cố ý. Vì sự cố ý đó, một nghiệp để lại một dấu vết nơi tâm thức của người tạo nghiệp và tâm thức đó sẽ hướng theo những sự tạo tác của chính mình. Thời gian để một quả chín muồi có thể kéo dài rất lâu và chính nó tác động lên sự tái sinh và làm loài hữu tình, trong đó có con người, cứ lưu mãi trong Luân hồi (s, p: saṃsāra).
Một nghiệp được gây ra hoặc bằng một hành động thuộc thân, thuộc tâm hay ngôn ngữ. Như thế khi người ta có ý làm cái gì thì đã tạo nghiệp, không nhất thiết việc làm đó có xảy ra hay không. Chính tư tưởng đã tạo tác nghiệp. Một hành động sẽ không gây nghiệp nếu nó được thực hiện mà không xuất phát từ tham, sân, si. Một nghiệp tốt có thể mang lại kết quả tốt trong một sự tái sinh. Tạo nghiệp tốt không có nghĩa là chấm dứt tái sinh. Muốn thoát khỏi luân hồi, con người phải từ bỏ nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu. Cần phải hiểu nghiệp và nghiệp lực không đồng nghĩa với thuyết cho rằng mọi sự đều được quyết định sẵn (thuyết định mệnh). Nghiệp làm con người tái sinh trong một cuộc đời, một hoàn cảnh nhất định, nhưng hành động con người trong cuộc đời đó vẫn có sự tự do. Nghiệp sinh ra hoàn cảnh, sự phản ứng đối với hoàn cảnh này lại nằm trong tay con người.

Nghiệp Cảm

Từ Điển Đạo Uyển

業感; C: yègăn; J: gōkan;
Trải qua, tự mình nhận chịu cảm giác khổ vui, là kết quả của những hành vi thiện hoặc ác mà mình đã tạo từ trước.

Nghiệp Chướng

Từ Điển Đạo Uyển

業障; C: yèzhàng; J: gōshō; S: karma-āvarana.
1. “Chướng ngại của nghiệp”. Sự chướng ngại của nghiệp xấu ác; 2. Chướng ngại gây ra do kết quả của hành vi xấu ác.

Nghiệp Dụng

Từ Điển Đạo Uyển

業用; C: yèyòng; J: gōyō;
Chức năng, hoạt dụng, hoạt động của nghiệp (s: kriyā).

Nghiệp Nhân

Từ Điển Đạo Uyển

業因; C: yèyīn; J: gōin;
Hành vi thiện hay ác là nguyên nhân cho kết quả tốt hay xấu.

Nghiệp Nhiễm ô

Từ Điển Đạo Uyển

業染汚; C: yèrănwū; J: gōzenma;
Sụ nhiễm ô của nghiệp (s: karma-saṃkleśa).

Nghiệp Thức

Từ Điển Đạo Uyển

業識; C: yèshì; J: gōshiki;
“Sự hoạt dụng của thức”; với nghĩa là thông qua tác dụng của vô minh mà tâm kẻ phàm phu bắt đầu bị phiền trược hay được thức tỉnh. Vì vô minh nên không biết được rằng chân như của các pháp vốn bình đẳng và thuần một vị, nên mới sinh khởi ý thức si mê sai lầm nầy. Đại khái tương đương với nghĩa của Chuyển thức (轉識)

Nghiệp Trí

Từ Điển Đạo Uyển

業智; C: yè zhì; J: gōchi;
1. Nghiệp và trí huệ; hành vi và tri thức; 2. Trí được tạo bằng nghiệp (nhiễm ô).

Nghiệp Tướng

Từ Điển Đạo Uyển

業相; C: yèxiāng; J: gōsō; S: karma-añjana
Sự biểu hiện của nghiệp. 1. Theo luận Đại thừa khởi tín, là một trong Tam tướng (Vô minh nghiệp tướng, Năng kiến tướng, và Cảnh giới tướng). Chỉ sự tỉnh thức của tâm thanh tịnh tuỳ vào căn bản vô minh; 3. Đặc tính của nghiệp.

Ngô

Từ Điển Đạo Uyển

呉; C: wú; J: go;
1. Tên một triều đại thời cổ Trung Hoa: a. Thời Xuân Thu, Ngô là vương quốc hùng mạnh bị vương triều Yüeh đánh bại; b. Đông Ngô, phần lớn lãnh thổ phía Đông của thời Tam Quốc (CE 229-280), tương đương tỉnh Chiết Giang; 2. Hò hét, ồn ào, nói oang oang; 3. Cách phát âm của người Nhật dành cho những Hán tự vốn được đọc theo cách phát âm Ngô, không đọc theo âm Hán. Nhiều thuật ngữ Phật học dùng cách phát âm nầy.

Ngộ

Từ Điển Đạo Uyển

悟; C: wù; J: satori (悟り);
Một thuật ngữ của Thiền tông, được dùng để chỉ sự “nhận thức”, “trực nhận”, “thấu hiểu xuyên suốt.” “Nhận thức” ở đây không phải là sự hiểu biết thông thường hoặc nhận thức theo các hệ thống triết lí mà chính là sự trực nhận chân lí không có sự phân biệt giữa “Người nhận thức” và “Vật được nhận thức” (Nhân vật bất nhị 人物不二). Một danh từ khác đồng nghĩa với ngộ là Kiến tính (j: ken-shō). Biểu thị Ðại ngộ triệt để cũng thường được sử dụng để chỉ sự Giác ngộ tột cùng, viên mãn.
Danh từ Ngộ được thông dụng khi Thiền tông bắt đầu hưng thịnh. Trước đó, các Cao tăng hay dùng chữ Bồ-đề (菩提), cách phiên âm chữ Bodhi của Phạn ngữ hoặc cách dịch nghĩa của nó là Giác, Giác ngộ (覺悟) hơn. Có lẽ các vị Thiền sư muốn thống nhất hoá tư tưởng “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”, chủ trương đem danh từ Ngộ vào pháp ngữ.
Nếu nghiên cứu kĩ cách sử dụng danh từ Ngộ và Giác (Bồ-đề) trong các kinh luận, thiền ngữ Trung Quốc, người ta có thể thấy được một sự khác biệt tinh tế trong cách sử dụng. Ngộ thường được dùng để chỉ cái kinh nghiệm thức tỉnh trong ý nghĩa ngay thức thì của nó trong khi Giác được dùng với nghĩa “Ngộ thường trực”. Người đã có kinh nghiệm Ngộ cần phải tu tập thêm để đạt đến mức toàn vẹn của Giác.
Trong thời gian Thiền tông phát triển tại Nhật, các vị Thiền sư tại đây lại phân biệt giữa hai danh từ Ngộ (j: satori) và Kiến tính (見性; j: kenshō) và sự khác biệt giữa hai danh từ này cũng giống như trường hợp giữa Giác và Ngộ. Trong những khóa thực hành thiền căn bản, các vị Lão sư (j: rōshi) thường dùng danh từ Kiến tính để chỉ những kinh nghiệm ngộ đạo ban sơ của thiền sinh, rất ít khi dùng chữ Ngộ.

Ngộ Ấn

Từ Điển Đạo Uyển

悟印; 1019-1088
Thiền sư Việt Nam thuộc phái Vô Ngôn Thông đời thứ 8, nối pháp Thiền sư Quảng Trí.
Sư tên Ðàm Khí, quê ở Tư lí làng Kim Bài. Năm lên mười, Sư được dạy chữ Hán và Phạn, học vấn ngày càng tiến. Năm 19 tuổi, Sư xuất gia thụ giới cụ túc, chuyên học hai bộ kinh Viên giác và Pháp hoa. Sư được Thiền sư Quảng Trí ở chùa Quán Ðỉnh truyền tâm ấn. Sau, Sư đi vào Ninh Sơn phủ Thiên Ứng kết cỏ làm am tu học, lấy hiệu là Ngộ Ấn.
Một vị tăng đến hỏi: “Thế nào là Phật, Pháp và Thiền?” Sư đáp: “Ðấng Pháp vương vô thượng, ở thân là Phật, ở miệng là Pháp, ở tâm là Thiền. Tuy có ba thứ, kì thật là một. Ví như nước ba con sông, tuỳ chỗ đặt tên tuy chẳng đồng, mà tính nước không khác.”
Niên hiệu Quảng Hựu thứ 4, ngày 14 tháng 6, Sư biết mình sắp thị tịch bèn gọi chúng nói kệ:
妙性虛無不可攀。虛無心悟得何難
玉焚山上色常潤。蓮發爐中濕未乾
Diệu tính hư vô bất khả phan
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
Liên phát lô trung thấp vị càn.
*Diệu tính rỗng không chẳng thể vin
Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin
Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy
Lò lửa hoa sen nở thật xinh.
Nói xong, Sư vui vẻ thị tịch.

Ngộ Tích

Từ Điển Đạo Uyển

悟跡; J: goseki;
Là dấu vết của sự ngộ nhập, của kinh nghiệm Kiến tính; theo Thiền tông thì sự chứng ngộ thâm sâu không để lại một dấu vết gì. Người nào có những hành động mà những người xung quanh có thể nhận ra được là đã có chút tỉnh, có ngộ nhập thì vị này được gọi là có “ngộ tích” và các Thiền gia chính tông cũng không ngần ngại gì với sự quả quyết rằng, người đó “mang hơi hám của sự giác ngộ.” Chỉ khi nào “hơi hám” này hoàn toàn biến mất và người này sống thật tự nhiên với cái đã chứng ngộ được và cũng không tự biết mình đã chứng ngộ mà cũng không đề cao việc này – lúc đó người này mới được Thiền tông thừa nhận là đã chứng ngộ.
Quốc sư Nam Dương Huệ Trung một lần thử một vị tăng – vị này mang danh hiệu Tam Tạng (thông cả ba tạng kinh điển) và tự xưng là có tha tâm thông (Lục thông) – nghĩa là đọc được ý nghĩ của người. Sư hỏi vị này: “Ông thử nói, hiện giờ Lão tăng ở chỗ nào?” Tăng thưa: “Hoà thượng là thầy của một nước, sao lại đến Tây Xuyên xem đò đưa?” Sư im lặng giây lâu, hỏi tiếp: “Ông hãy nói, hiện giờ Lão tăng ở chỗ nào?” Tăng thưa: “Hoà thượng là thầy của một nước, sao lại đến cầu Thiên Tân xem khỉ đùa giỡn?” Sư im lặng giây lâu, lại hỏi: “Ông hãy nói, hiện giờ Lão tăng ở chỗ nào?” Tăng mờ mịt không biết nói gì. Sư liền quát: “Dã hồ tinh! Tha tâm thông ở chỗ nào!”
Thiền sư Vân Cư Ðạo Ưng lúc còn ở với thầy là Ðộng Sơn Lương Giới có thiên thần dâng cơm cúng dường, vì vậy mà Sư không đến trai đường. Nghe chuyện này, Ðộng Sơn bảo sư: “Ta bảo ông là kẻ vẫn còn kiến giải. Ông hãy đến đây buổi chiều.” Chiều, Sư đến. Ðộng Sơn gọi Sư: “Am chủ Ưng!” Sư ứng thinh: “Dạ!” Ðộng Sơn bảo: “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác là cái gì?” Sư trở về am ngồi lặng lẽ, thiên thần tìm mãi không thấy, trải ba ngày như thế mới thôi cúng dường.

Ngoại đạo Lục Sư

Từ Điển Đạo Uyển

外道六師; S: ṣaṭśāstārā;
Là sáu vị giáo chủ với sáu giáo thuyết khác nhau, thịnh hành lúc Phật còn tại thế. Sáu vị này là:
1. Phú-lan-na Ca-diếp (s: pūraṇa kāśyapa; p: pūraṇa kassapa), chủ trương luận thuyết Vô đạo đức, dạy đệ tử rằng, không có một sự thật nào tuyệt đối mà con người có thể tìm được, phủ nhận luật nhân quả;
2. Mạt-già-lê Câu-xá-lê tử (s: maskarī go-śālīputra; p: makkhali gosāla) chủ trương thuyết Tự nhiên thuộc Túc mệnh luận, cho rằng mệnh của con người không tuỳ thuộc vào nghiệp quả, không liên can gì đến những hành động đang làm;
3. San-xà-dạ Tì-la-chi tử (s: sañjayī vairatī-putra; p: sañjaya belaṭṭhiputta) theo thuyết Hoài nghi, không thừa nhận tính chính xác của cái hiểu biết phổ biến. Ông chủ trương thuyết “Không thể biết đến được” (Bất khả tri), cho rằng giáo pháp và tu hành không cần thiết trong việc chứng đạt chân lí.
4. A-kì-đa Sí-xá-khâm-bà-la (s: ajita keśa-kambala, p: ajita kesakambala) theo thuyết Duy vật, Khoái lạc, cho rằng sự kham nhận khổ ải nhất định đưa đến khoái lạc;
5. Ca-la-cưu-đà Ca-chiên-diên (s: karakuda katyāyana, p: pakudha kaccāyana) theo Cảm giác luận thuộc Vô nhân luận, cho rằng địa, thuỷ, hoả, phong, khổ, lạc, linh hồn là những yếu tố độc lập. Ông chỉ chấp nhận chân lí tuyệt đối ở một mức độ nào đó;
6. Ni-kiền-đà Nhã-đề tử (s: nirgrantha jñāti-putra; p: nigaṇṭha nātaputta) sáng lập Kì-na giáo. Ông cho rằng, khổ lạc được tạo ra từ đời trước, không thể tu mà diệt được mà phải chịu đền trả đời này.

Ngột Am Phổ Ninh

Từ Điển Đạo Uyển

兀菴普寧; C: wūān pǔníng; J: gottan funei; 1197-1276;
Thiền sư Trung Quốc thuộc tông Lâm Tế hệ phái Dương Kì. Sư nối pháp Thiền sư Vô Chuẩn Sư Phạm.
Sư được Thiền sư Lan Khê Ðạo Long khuyến khích sang Nhật năm 1260. Trước tiên, Sư đến Kinh Ðô (kyōto) và một thời gian trụ trì chùa Kiến Trường (kenchōji) theo lời mời của Tướng quân Bắc Ðiều Thời Lại (shōgun hōjō tokiyori). Sư cũng hướng dẫn vị Tướng quân này trên con đường tu thiền và vị này sau cũng được Sư Ấn khả. Sau, Sư trở về Trung Quốc và tịch tại đây.

Ngột Ngột

Từ Điển Đạo Uyển

兀兀; C: wùwù; J: gotsugotsu;
Kiên định, không dao động, không lay chuyển. Nỗ lực làm một việc.

Ngũ ác Kiến

Từ Điển Đạo Uyển

五惡見; C: wǔèjiàn; J: goakuken;
Xem Ngũ kiến (五見; s: pañca-dṛṣṭi).

Ngũ ấm

Từ Điển Đạo Uyển

五陰; C: wǔyīn; J: goon; S: pañcaskandha; P: pañcakhandha;
Năm nhóm, năm tập hợp mà Đức Phật dạy, gọi chúng như là những nhân tố hợp thành những gì được chúng ta gọi là “chúng sinh”. Ngũ ấm là tiếng Hán cựu dịch từ chữ pañca-skandḥāh tiếng Phạn. Sau nầy dịch là Ngũ uẩn (五蘊).

Ngũ ấm Thạnh Khổ

Từ Điển Đạo Uyển

五陰盛苦; C: wǔyīnshèngkǔ; J: goonjōku;
Khổ do năm uẩn. Cảm giác bất an từ sự kiện là sự hiện hữu của con người không nằm bên ngoài hợp thể ngũ uẩn. Đây là một trong “Tứ khổ Bát khổ” (四苦八苦) do Phật Thích-ca Mâu-ni dạy trong Tứ đế (四諦).

Ngũ ẩn

Từ Điển Đạo Uyển

五隱; C: wǔyǐn; J: goon;
Ngũ ấm (五陰), Ngũ uẩn.

Ngũ Bách Kết Tập

Từ Điển Đạo Uyển

五百結集; C: wǔbăi jiéjí; J: gohyaku ketsujū;
Lần kết tập kinh điển với 500 vị A-la-hán. Xem Đệ nhất kết tập (第一結集).

Ngũ Bách La-Hán

Từ Điển Đạo Uyển

五百羅漢; C: wǔbăi luóhàn; J: gohyaku rakan;
Có hai nghĩa: 1. 500 vị A-la-hán với Ma-ha Ca-diếp (摩訶迦葉; s: mahākāśyapa) làm thượng thủ để kết tập kinh điển lần thứ nhất ngay sau khi đức Phật nhập niết-bàn; 2. 500 vị A-la-hán do Hiếp Tôn giả (脅尊者; s: pārśva) làm thượng thủ để kết tập Tì-bà-sa luận (毘婆沙論; s: vibhāṣā-śāstra) trong hội nghị kết tập kinh điển lần thứ 4 dưới sự bảo trợ của vua Ka-nị-sắc-ca (迦膩色迦王; s: kaniṣka).

Ngũ Bách Tập Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

五百集法; C: wǔbăi jífǎ; J: gohyaku shūhō;
Hội nghị kết tập kinh điển gồm 500 vị A-la-hán. Xem Đệ nhất kết tập (第一結集).

Ngũ Bộ đại Luận

Từ Điển Đạo Uyển

五部大論; C: wǔbù dàlùn; J: gobudairon;
“Năm bộ luận lớn của Đại thừa” do Bồ Tát Di-lặc trứ tác.

Ngũ Bộ Tâm Quán

Từ Điển Đạo Uyển

五部心觀; C: wǔbù xīnguān; J: gobu shinkan;
Tên gọi đầy đủ là Lí-đa tăng-bá-la ngũ bộ tâm quán (悝多僧蘖囉五部心觀), được trình bày ở Trung Hoa theo chỉ dẫn của sư Thiện Vô Uý (善無畏; s: śubhakarasiṃha). Gồm những bức hoạ miêu tả hình ảnh các vị thần, các thủ ấn, và biểu tượng của Kim Cương giới mạn-đồ-la (金剛界曼荼羅; s: vajradhātu-mahāmaṇḍala), với những lời thần chú và chú thích hoàn toàn bằng tiếng Phạn. Một bản sao tác phẩm nầy do Pháp Toàn (法全) truyền lại cho Viên Trân (圓珍; j: enchin) năm 885 sau CN. Để nghiên cứu thêm, xin xem tác phẩm của Śaśibala (1986).

Ngũ Cái

Từ Điển Đạo Uyển

五蓋; C: wǔgài; J: gogai;
Chữ Cái cũng được viết là 盖, “Năm loại ngăn che (trí huệ)”. Năm loại phiền não chướng ngại chân tâm: đó là tham dục (貪欲), sân khuể (瞋恚), hôn trầm (沈), điệu hối (掉悔), nghi (疑).

Ngũ Căn

Từ Điển Đạo Uyển

五根; C: wǔgēn; J: gokon; S: pañca-indriya.
I. Năm căn, năm giác quan. Đó là Nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, vị căn, và xúc căn. Trong giáo lí Duy thức, chúng được xem như là một phần của A-lại-da thức.
II. Năm căn lành: 1. Tín căn (信根); 2. Tinh (tiến) căn (精根); 3.Niệm căn (念根); 4. Định căn (定根); 5. Huệ căn (慧根). Năm căn lành nầy được xếp vào trong 37 phẩm trợ đạo.

Ngũ Cảnh

Từ Điển Đạo Uyển

五境; C: wǔjìng; J: gokyō; S: pañca-visaya.
Năm đối cảnh. Theo giải thích của Du-già hành phái, đây là 5 yếu tố để cho Ngũ căn tiếp xúc. Đó là: đối tượng của mắt (sắc 色; s: rūpa); đối tượng của tai (thanh 聲; s: śabda), đối tượng của mũi (hương 香; s: gandha), đối tượng của lưỡi (vị 味 s: rasa), đối tượng của thân (xúc 觸; s: sprastavya:). Đối tượng của 5 giác quan. Sự sắp xếp nầy chủ yếu được phát triển trong Câu-xá luận (倶舎論). Theo giáo lí của Pháp tướng tông, Ngũ cảnh được xem như là những khía cạnh của Ngũ thức. Xem thêm Ngũ trần (五塵).

Ngũ Chi Tác Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

五支作法; C: wǔzhī zuòfǎ; J: goshisahō;
Phương pháp lập luận gồm 5 phần, gồm: 1. Tông (宗; s: pratijñā): tiền đề; 2. Nhân (因; s: hetu): lí do; 3. Dụ (喩; s: udāharana): thí dụ dẫn chứng; 4. Hợp (合; s: upanaya): sự quy nạp; 5. Kết (結; s: nigamana): kết luận. Pháp nầy đã được các nhà Cổ nhân minh học trước Trần-na (陣那; s: dignāga) sử dụng.

Ngũ Chúng

Từ Điển Đạo Uyển

五衆; C: wǔzhòng; J: goshū;
Có các nghĩa sau: 1. Từ Hán cổ (Cưu-ma-la-thập, s: kumārajīva) để dịch từ “Ngũ uẩn” (theo kinh Pháp Hoa); 2. Năm chúng đệ tử của Đức Phật: Tỉ-khâu (比丘; s: bhikṣu, p: bhikkhu), Tỉ-khâu-ni (比丘尼; s: bhikṣuṇī, p: bhikkhunī), Thức-xoa-ma-na (式叉摩那; s: śikṣamāṇā, p: sikkhamānā), Sa-di (沙彌; s: śrāmaṇera, p: sāmaṇera), và Sa-di-ni (沙彌尼; s: śrāmaṇerikā, p: sāmaṇerī). Trong Năm chúng nầy, Tỉ-khâu và Tỉ-khâu-ni thụ nhận Cụ túc giới, Thức-xoa-ma-na thụ nhận Sáu pháp (Lục pháp 六法; sau khi thụ giới Sa-di), Sa-di và Sa-di-ni thụ nhận mười giới (Thập giới 十戒; theo Đại trí độ luận quyển thứ 10 大智度論卷十; Tứ Phần luật hành sự sao tư trì kí, phần 1, quyển 1 四分律行事鈔資持記卷中一之一).

Ngũ Chủng Thô Trọng

Từ Điển Đạo Uyển

五種麤 (麁) 重; C: wǔzhǒng cūzhòng; J: goshu sojū;
Năm ý nghĩa thô trọc, nặng nề, yếu đuối và khúc mắc của phiền não, đó là: 1. Hiện trọng tướng (現重相); 2. Cương cường tướng (剛強相); 3. Chướng ngại tướng (障碍相); 4. Khiếp liệt tướng (怯劣相); 5. Vô năng lực tự tại tướng (無能力自在相; theo Du-già luận 瑜伽論).

Ngũ Chướng

Từ Điển Đạo Uyển

五障; C: wǔzhàng; J: goshō; S: pañca-avara-ṇāni.
Có các nghĩa sau: 1. Năm loại chướng ngại: Phiền não chướng (煩惱障), Nghiệp chướng (業障), Sinh chướng (生障), Pháp chướng (法障), Sở tri chướng (所知障); 2. Năm loại chướng ngại đối với phụ nữ: Không thể sinh trong cõi trời Phạm thiên, không thể sinh trong cõi trời Đế thích, không thể sinh làm Ma vương, không thể sinh làm Chuyển luân thánh vương, không thể làm Phật; 3. Năm loại chướng ngại: Lừa dối (khi 欺), lười biếng (đãi 怠), nóng nảy (sân 瞋), giận (hận 恨), thù (oán 怨).

Ngũ Dục

Từ Điển Đạo Uyển

五欲; C: wǔyù; J: goyoku;
Có ba nghĩa sau: 1. Sự khao khát từ 5 giác quan. Năm loại ham muốn phát sinh từ sự tiếp xúc của các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý với cảnh trần. Là sự ham muốn thường tình của người đời; 2. Nói đến 5 đối tượng trong ý nghĩa chính nó là nguyên nhân của những tham dục nầy; 3. Năm loại tham dục: tài sản (tài), nữ sắc (sắc), ăn uống (thực), tiếng khen (danh), ngủ nghỉ (thùy).

Ngũ đạo

Từ Điển Đạo Uyển

五道; C: wǔdào; J: godō;
Có hai nghĩa:
1. Chỉ năm đường tái sinh của Hữu tình, đó là Lục đạo loại trừ A-tu-la ra, bao gồm: Địa ngục (地獄), Ngạ quỷ (餓鬼), Súc sinh (畜生), Nhân gian (人間), và Thiên thượng (天上). Cũng viết là Ngũ thú (五趣; s: gati-pañcaka).
2. Ngũ đạo (s: pañca-mārga), cũng được gọi là Duy thức tu đạo ngũ vị; song song với Thập địa là con đường tu học của một vị Bồ Tát với năm giai đoạn, được Ðại sư Vô Trước (asaṅga) đề xướng: 1. Tư lương đạo (資糧道; saṃbhāra-mārga), tức là tích trữ lương Phật đạo, trì Giới, Nhiếp căn, tu tập Chỉ, Quán; 2. Gia hạnh đạo (加行道; prayoga-mārga), ở đây có nghĩa là chuẩn bị, tu tập như trên để những thiện căn vững chắc, trở thành thiện căn bản (kuśalamūla); 3. Kiến đạo (見道; darśana-mārga), cũng được gọi là Thông đạt đạo; 4. Tu tập đạo (修習道; bhāvanā-mārga), thực hành 37 Bồ-đề phần; 5. Vô học đạo (無學道; aśaikṣa-mārga), có nghĩa là đến bờ bên kia, không còn gì để học, cũng được gọi là Cứu kính đạo (究竟道; niṣṭhāmārga), tức là đạo tột cùng, đạo tuyệt đối đoạn hoặc, chứng ngộ chân lí;
Các phép tu hành của mỗi giai đoạn trên được trình bày khác nhau trong Thanh văn thừa (s: śrāvakayāna), Ðộc giác thừa (prat-yekabuddhayāna) và Bồ Tát thừa (bo-dhisattvayāna). Trong Bồ Tát thừa thì Kiến đạo mới là bước đầu của Bồ Tát thập địa. Mặc dù có mang tên là Duy thức tu đạo ngũ vị nhưng ngũ đạo được áp dụng trong tất cả các tông phái Phật giáo Ðại thừa. Tại Tây Tạng, Ngũ đạo được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm mang tên Bồ-đề đạo thứ đệ (t: lamrim).

Ngũ độn Sử

Từ Điển Đạo Uyển

五鈍使; C: wǔdùnshǐ; J: godonshi;
Năm loại phiền não ảnh hưởng đến người tu tập sơ cơ, đó là: Dục (欲), sân (瞋), si (癡), mạn (慢), nghi (疑). Đây là năm loại đầu trong Thập sử (十使), năm loại sau là Ngũ lợi sử (五利使).

Ngũ Ðài Sơn

Từ Điển Đạo Uyển

五臺山; C: wǔtái-shān; J: godaizan;
Một trong Tứ đại danh sơn của Trung Quốc, nằm ở tỉnh Sơn Tây. Ngũ Ðài sơn là một trong những danh thắng được xem là thiêng liêng nhất của Trung Quốc, là mục đích của nhiều người đi hành hương. Núi này được xem là trú xứ của Bồ Tát Văn-thù Sư-lị (s: mañjuśrī) và cũng là một trung tâm quan trọng của nền Phật giáo Mông Cổ. (Về chi tiết chuyện nầy, xin xem Trung Quốc Phật Giáo Sử Từ Điển 中国仏教史辞典, trang 112.2 của Kamata). Những tu viện đầu tiên ở đây được kiến lập trong thế kỉ 4-5; trong thế kỉ thứ 6 đã có hơn 200 và trong số đó, 57 vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ngôi chùa chính được xây dựng vào khoảng từ năm 471-500, còn được gọi là Thanh Lương sơn (清涼山).
Niềm tin rằng, Ngũ Ðài sơn là trú xứ của Bồ Tát Văn-thù cũng được phổ biến tại Ấn Ðộ và Nepal, vốn bắt nguồn từ một đoạn văn trong kinh Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm. Ðoạn kinh này bảo rằng, đức Văn-thù xuất hiện ở một xứ nằm hướng Ðông bắc và giáo hoá nơi đây. Người ta cũng tìm thấy nhiều đoạn văn tương tự trong những bài kinh khác.
Ngũ Đài Sơn (k: odaesan) là một trong những sơn tự lớn của Phật giáo Hàn Quốc, toạ lạc ở Kangwǒndo.

Ngũ Gia Giải

Từ Điển Đạo Uyển

五家解; C: wǔjiā jiě; K: ogahae; J: gokekai.
Tên gọi tắt của bản Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật kinh ngũ gia giải thuyết nghị (金剛般若波羅蜜經五家解説誼; k: kǔmgang panyaparamilgyǒng o ka hae sǒrǔi).
Ngũ gia giải thuyết nghị 五家解説誼; C: wǔjiā jiě shuōyí; K: ogahae sǒrǔi; J: goke kaisetsugi.
Tên gọi tắt của bản Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật kinh ngũ gia giải thuyết nghị (金剛般若波羅蜜經五家解説誼; k: kǔmgang panyaparamilgyǒng o ka hae sǒrǔi)

Ngũ Gia Thất Tông

Từ Điển Đạo Uyển

五家七宗; J: goke-shishishū;
Năm nhà và bảy tông của Thiền tông Trung Quốc. Ngũ gia gồm có:
1. Quy Ngưỡng tông, do hai Thiền sư khai lập là Quy Sơn Linh Hựu (771-853) và môn đệ Ngưỡng Sơn Huệ Tịch Thiền sư (807-883 hoặc 813/814-890/891);
2. Lâm Tế tông, do Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-866) khai sáng;
3. Tào Ðộng tông, do hai Thiền sư khai sáng, đó là Ðộng Sơn Lương Giới (807-869) và Tào Sơn Bản Tịch (840-901);
4. Vân Môn tông, được Thiền sư Vân Môn Văn Yển (864-949), môn đệ của Tuyết Phong Nghĩa Tồn Thiền sư thành lập;
5. Pháp Nhãn tông, do Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích (885-958) thành lập (trước đó tông này cũng được gọi là Huyền Sa tông, gọi theo tên của Thiền sư Huyền Sa Sư Bị, thầy của Thiền sư La-hán Quế Sâm, sư phụ của Ðại Pháp Nhãn);
Nếu kể cả hai nhánh của Lâm Tế tông được thành lập sau Thiền sư Thạch Sương Sở Viên (Từ Minh) thì có tất cả là bảy tông:
6. Dương Kì phái, được Thiền sư Dương Kì Phương Hội (992-1049) thành lập;
7. Hoàng Long phái, được Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam (1002-1069) sáng lập.

Ngũ Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

五教; C: wǔ jiāo; J: gokyō;
Năm loại giáo pháp. Theo nội dung, phương thức và thời gian truyền bá, giáo lí trong các kinh điển Phật giáo được chia thành 5 loại. Sự phân loại nầy thường theo nội dung (giáo hoá căn cơ) sâu cạn của kinh. Cách phân loại của tông Hoa Nghiêm và Thiên Thai là phổ biến hơn cả. Nhưng vào trước thời kì phán giáo (thời kì Trung Hoa phân chia Nam-Bắc triều), đã có một số phân loại. Đó là:
A. Năm giáo pháp theo đề xuất của sư Tự Quỹ (自軌): 1. Giáo lí Duyên khởi (như Nhất thiết hữu bộ…); 2. Giáo lí Giả danh (như Thành thật luận…); 3. Giáo lí tính không (kinh Bát-nhã), 4. Giáo lí Diệu hữu (kinh Niết-bàn); 5. Giáo lí Chân tế (Thật tại Tối thượng, kinh Hoa Nghiêm).
B. Năm giáo pháp theo sư Huệ Quán (慧觀) và Pháp Vân (法雲): 1. Giáo lí về Hữu (kinh A-hàm); 2. Giáo lí về Tính không (kinh hệ Bát-nhã); 3. Giáo lí về khen ngợi pháp Bồ Tát, phê phán pháp Thanh văn (ức dương giáo, Bao biếm ức dương giáo, kinh Duy-ma-cật); 4. Đồng quy giáo (kinh Pháp Hoa); 5. Thường Trụ giáo (kinh Niết-bàn).
C. Theo giáo lí của tông Hoa Nghiêm do sư Pháp Tạng (法藏) chủ trương, 5 giáo pháp gồm: 1. Tiểu thừa giáo (小乘教); 2. Đại thừa thuỷ giáo (大乘始教), là giáo lí cơ sở của Đại thừa, đó là giáo lí của tông Pháp tướng và tông Tam luận; 3. Đại thừa chung giáo (大乘終教): là giáo lí thời kì cuối của Đại thừa, khẳng định mọi chúng sinh đều có Phật tính; 4. Đại thừa đốn giáo (大乘頓教); 5. Đại thừa viên giáo (大乘圓教), là giáo lí hoàn chỉnh nhất của Đại thừa, còn gọi là giáo lí Hoa Nghiêm.

Ngũ Giáo Cửu Sơn

Từ Điển Đạo Uyển

五教九山; C: wǔjiāo jiǔshān; J: gokyōkyūsan; K: ogyo kusan.
Năm giáo pháp và Chín tông phái (Cửu sơn). Mô tả tình hình sinh hoạt của Tăng-già Phật giáo từ cuối triều đại Tân La cho đến gần hết thời kì Cao Li (k: koryǒ). Những giáo pháp và tông phái nầy được hợp nhất lại trong thời kì Triều Tiên (朝鮮; k: chosǒn) thành hai tông phái Giáo (教; k: kyo) và Thiền (禪; k: sǒn).

Ngũ Giáo Lưỡng Tông

Từ Điển Đạo Uyển

五教兩宗; C: wǔjiāo liǎngzōng; J: gokyō ryōshū; K: ogyo yangjong.
Năm giáo phái và hai Thiền phái. Đề cập đến tình hình phân định các tông phái Phật giáo ở Hàn Quốc vào thời kì Cao Li (k: koryǒ), sau sự phân phái Ngũ giáo cửu sơn. Hai Thiền phái trong thời điểm nầy là Thiên Thai (k: ch’ǒnt’ae) và Thiền (k: sǒn).

Ngũ Giới

Từ Điển Đạo Uyển

五戒; C: wǔjiè; J: gokai; S: pañca-śīla; P: pañca-sīla;
Năm giới.

Ngũ Hạnh

Từ Điển Đạo Uyển

五行; C: wǔxíng; J: gogyō;
Có các nghĩa sau:
I. Năm pháp tu của Phật giáo Đại thừa được dạy trong Đại thừa khởi tín luận, đó là năm loại đầu trong Lục độ: Bố thí (布施), Trì giới (持戒), Nhẫn nhục (忍辱), Tinh tiến (精進), và Chỉ quán (止観);
II. Năm công hạnh của hàng Bồ Tát được dạy trong kinh Niết-bàn: 1. Thánh hạnh (聖行): chỉ Bồ Tát tu tam học (Giới, Định, Huệ); 2. Phạm hạnh (梵行): tu tập tâm từ bi để cứu giúp chúng sinh; 3. Thiên hạnh (天行): Phát nguyện tu tập vì lợi ích cho người khác; 4. Anh nhi hạnh (嬰兒行): Thể hiện thiện tâm để cứu độ hàng Trời, Người và Tiểu thừa; 5. Bệnh hạnh (病行): thị hiện có các bệnh khổ như chúng sinh để cứu giúp họ;
III. Ngũ hành: Năm thành tố tạo nên vũ trụ theo tư tưởng Trung Hoa cổ đại: Mộc, Hoả, Thổ, Kim, và Thuỷ. Được thấy đầu tiên trong chương Hồng phạm (洪範) của Thư kinh (書經);
VI. Ngũ Thường trong Nho giáo: Nhân (仁), Nghĩa (義), Lễ (禮), Trí (智), Tín (信). (Theo Tuân Tử, Phi thập nhị tử 荀子・非十二子)

Ngũ Không

Từ Điển Đạo Uyển

五空; C: wǔkōng; J: gokū;
Năm loại tính Không (được đề cập trong kinh Kim Cương tam-muội (金剛三昧經; s: vajrasamādhi-sūtra): Tam giới không, Lục thú không, Pháp tướng không, Danh sắc không, Nghĩa thức không.

Ngũ Kiến

Từ Điển Đạo Uyển

五見; C: wǔjiàn; J: goken; S: pañca-dṛṣṭi.
Năm nhận thức sai lầm. “Ngũ kiến” (五見) còn được gọi là Ngũ ác kiến (五惡見) và Ác kiến (惡見). Đó là:
1. Ngã kiến (我見): quan niệm chấp trước về tự thể tồn tại riêng biệt của bản ngã, đi đôi với quan niệm thực có bản ngã sở hữu mọi thứ trong vũ trụ. Còn gọi là Thân kiến (身見), Hữu thân kiến (有身見; s: satkāya-dṛṣṭi); 2. Biên kiến (邊見; s: antaparigraha-dṛṣṭi): quan niệm chấp trước về một bên, hoặc là thường kiến (e: eternalism), hoặc là đoạn kiến (e: nihilism); 3. Tà kiến (邪見; s: mithyā-dṛṣṭi): Không có kiến giải chân chính về mối tương quan nhân quả; 4. Kiến thủ kiến (見取見; s: dṛṣṭi-parāmarśa-dṛṣṭi): Kiến chấp cho một quan niệm sai lầm rồi áp đặt trên những quan niệm khác; 5. Giới cấm thủ kiến (戒禁取見; śīla-vrataparāmarśa-dṛṣṭi): Quan niệm chấp trước sai lầm về tu khổ hạnh, giới luật và thệ nguyền của ngoại đạo có thể dẫn đến chân lí.
Bốn kiến giải đầu loại trừ kiến giả cuối cùng được gọi là Tứ kiến (四見).

Ngũ Lợi Sử

Từ Điển Đạo Uyển

五利使; C: wǔlìshǐ; J: gorishi;
Năm loại phiền não (do mê lầm về lí) mà những người tu tập lâu năm thường gặp: thân kiến (身見), biên kiến (邊見), tà kiến (邪見), kiến thủ kiến (見取見), giới cấm thủ kiến (戒禁取見). Cũng còn gọi là Ngũ kiến (五見). Đây là năm loại sau cùng trong Thập sử (十使). Năm loại đầu gọi là Ngũ độn sử (五鈍使).

Ngũ Luân Cửu Tự Minh Bí Mật Thích

Từ Điển Đạo Uyển

五輪九字明祕密釋; C: wǔlún jiǔzì míng mìmì shì; J: gorin kuji myō himitsu shaku;
Luận giải về năm luân xa và chín chủng tự bí mật do Giác Tông (覺鑁; j: kakuban) biên soạn. Trình bày về nhiều loại thiền định bí mật, các pháp quán tưởng để hợp nhất sự thăng hoa. Năm luân xa trong thân thể tương quan với Ngũ tạng (五藏) trong lí thuyết đạo Lão (giải thích bằng hình minh hoạ), và chín chủng tự chân ngôn của Phật A-di-đà, hrīḥ a mṛ ta te se ha ra hūṃ, tương ứng với mạn-đồ-la của 8 vị Đại Bồ Tát chung quanh Phật A-di-đà. Xin xem bản dịch tiếng Anh của Pruden (1979).

Ngũ Lực

Từ Điển Đạo Uyển

五力; C: wǔlì; J: goriki; S: pañca-balani.
Năm lực đạt được do tu tập “Năm thiện pháp căn bản” (Ngũ thiện căn 五善根): 1. Tín lực (信力); 2. Tinh tiến lực (精進力); 3. Niệm lực (念力); 4. Định lực (定力); 5. Huệ lực (慧力).

Ngữ Lục

Từ Điển Đạo Uyển

語錄; J: goroku;
Danh từ được dùng để chỉ những lời dạy, bài viết của những vị Thiền sư. Các tác phẩm này thường được mang tên của chư vị và được gắn thêm danh từ “ngữ lục” này phía sau.

Ngũ Minh

Từ Điển Đạo Uyển

五明; S: pañcavidyā;
Là năm nghành học truyền thống tại Ấn Ðộ, nhằm trau dồi trí huệ nhận thức các hiện tượng tập tục. Năm khoa này vẫn còn được giảng dạy tại những ngôi chùa lớn tại Tây Tạng (Tông-khách-ba), bao gồm cụ thể:
1. Y phương minh (醫方明; s: cikitsāvidyā): là y học, dược học; 2. Công xảo minh (工巧明; s: śilavidyā): nghiên cứu công nghệ, nghệ thuật, kĩ thuật, khoa học; 3. Nhân minh (因明; s: hetuvidyā): cách gọi Luận lí học theo đạo Phật; 4. Thanh minh (聲明; s: śabdavidyā): khoa nghiên cứu ngôn ngữ, văn phạm, có thể hiểu là ngôn ngữ học; 5. Nội minh (内明; s: adhyātmavidyā): là nghiên cứu tôn giáo mình, tìm hiểu ý nghĩa của kinh sách thuộc nội điển.

Ngũ Nghịch

Từ Điển Đạo Uyển

五逆; C: wǔnì; J: gogyaku; S: pañcanantarya-karmāṇi;
Năm tội lớn

Ngũ Nhãn

Từ Điển Đạo Uyển

五眼; C: wǔyăn; J: gogen; S: pañcacakṣuṃṣi;
Năm loại mắt

Ngũ Nhẫn

Từ Điển Đạo Uyển

五忍; C: wǔrěn; J: gonin;
Năm loại nhẫn nhục được ghi trong Nhân vương kinh (仁王經): 1. Phục nhẫn (伏忍); 2. Tín nhẫn (信忍); 3. Thuận nhẫn (順忍); 4. Vô sinh nhẫn (無生忍); 5. Tịch diệt nhẫn (寂滅忍).

Ngũ Phần Luật

Từ Điển Đạo Uyển

五分律; C: wǔfēn lǜ; J: gobunritsu;
Bộ giới luật gồm 5 quyển của Hoá Địa bộ (còn gọi là Di-sa-tắc bộ; s: mahīśāsaka).

Ngũ Phần Pháp Thân

Từ Điển Đạo Uyển

五分法身; C: wǔfēn fǎshēn; J: gobun hōshin;
Năm phần pháp thân chứng đạt được hoặc trong quả vị Vô học (無學位); hoặc trong quả vị Phật. Ý nghĩa của thuật ngữ nầy là thể tính bao hàm trong giới (戒), định (定), huệ (慧), giải thoát (解脱), và giải thoát tri kiến (解脱知見; theo kinh Niết-bàn 涅槃經)

Ngũ Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

五法; C: wǔfǎ; J: gohō;
Năm pháp, ngũ sự. Thường đề cập đến 5 pháp, năm phạm trù, giới luật, giáo pháp, v.v… được nói đến trong kinh văn từ trước hay sau nầy, thế nên có nhiều nghĩa khác nhau. Các thuật ngữ đặc biệt thường dùng là:
I. Ngũ uẩn (五蘊, theo Câu-xá luận 倶舎論); II. Ngũ trí (theo Duy thức tông): 1. Chân như (眞如); 2. Đại viên kính trí (大圓鏡智); 3. Bình đẳng tính trí (平等性智); 4. Diệu quan sát trí (妙觀察智); 5. Thành sở tác trí (成所作智).
III. Năm phạm trù về danh và tướng được giải thích trong kinh Lăng-già (楞伽經; s: lankāvatāra-sūtra): 1. Tướng (相); 2. Danh (名); 3. Vọng tưởng (妄想); 4. Chính trí (正智); 5. Như như (如如; s: bhūta-tathatā).
IV. Viết tắt của Ngũ vị thất thập ngũ pháp (五位七十五法).
V. Năm thức (五識).

Ngũ Pháp Tạng

Từ Điển Đạo Uyển

五法藏; C: wǔfǎzàng; J: gohōzō;
Năm phạm trù về các cấu trúc cơ bản của các pháp (s: pañca-dharma-kośāḥ). Theo Thành thật luận (成實論; s: satyasiddhi-sastra) Ngũ pháp tạng gồm: Quá khứ tạng (過去藏; s: atīta-kośa); Hiện tại tạng (現在藏; s: pratyutpanna-kośa); Vị lai tạng (未來藏; s: anāgata-kośa); Vô vi tạng (無為藏; s: asaṃskṛta-kośa); và Bất khả thuyết tạng (不可説藏; s: anabhilāpya-kośa). Ba tạng trước được gọi là Hữu vi tụ, Tạng thứ tư gọi là Vô vi tụ, Tạng thứ 5 gọi là Phi nhị tụ, chẳng phải hữu vi chẳng phải vô vi.

Ngũ Phật

Từ Điển Đạo Uyển

五佛; C: wǔfó; J: gobutsu; S: pañca-buddha;
I. Năm vị Phật theo Mật giáo, trong Kim cương giới mạn-đồ-la (金剛界曼荼羅; s: vajradhātumaṇḍala) và Thai tạng giới mạn-đồ-la (胎藏界曼荼羅; s: garbhadhātu-maṇḍalas). Trong cả hai đồ hình mạn-đồ-la, 4 Đức Phật ngự ở 4 phương, còn Phật Đại Nhật Như Lai (Tì-lô Giá-na 毘盧遮那; s: mahāvairocana) trụ tại trung tâm. Trong Kim cương mạn-đồ-la, 5 vị Phật là: 1. Tì-lô Giá-na (毘盧遮那; s: mahāvairocana; 2. A-súc (阿閦; s: akṣobhya); 3. Bảo Sinh (寶生; s: ratnasaṃbhava); 4. A-di-đà (阿彌陀; s: amitābha); 5. Bất Không Thành Tựu (不空成就; s: amoghasiddhi). Trong Thai tạng giới mạn-đồ-la, còn gọi là Thai tạng giới ngũ Phật (胎藏界五佛), 5 vị Phật là: 1. Tì-lô Giá-na (毘盧遮那); 2. Đức Phật Bảo Tràng (寶幢; s: ratnaketu); 3. Khai Phu Hoa Vương (開敷華王; s: saṃkusumitarāja); 4. Vô Lượng Thọ (無量壽; s: amitāyus), 5. Thiên Cổ Lôi Âm (天鼓雷音; s: divyadundubhi-meganirghoṣa). Xem thêm Ngũ Trí Như Lai để biết thêm giải thích về từng loại trí tuệ biểu hiện qua mỗi vị Phật nầy.
II. 1. Phật trong 10 phương; 2. Phật quá khứ; 3. Phật vị lai; 4. Phật hiện tại; 5 Phật Thích-ca Mâu-ni.

Ngũ Phong Thường Quán

Từ Điển Đạo Uyển

五峰常觀; C: wǔfēng chángguàn; J: gohō jō-kan; tk 8/9;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ đắc pháp của Bách Trượng Hoài Hải. Sư được nhắc lại trong Bích nham lục, Công án 70 và 71.

Ngũ Quả

Từ Điển Đạo Uyển

五果; C: wǔguǒ; J: goka;
Có hai nghĩa: 1. Sự tinh giản mọi liên hệ nhân quả thành 5 phạm trù; 2. Thuật ngữ để gọi 5 quả vị của pháp tu Tiểu thừa.

Ngũ Sơn Thập Sát

Từ Điển Đạo Uyển

五山十剎; C: wǔshān shíshā; J: gozan jis-setsu;
Nghĩa là năm núi và mười chùa; chỉ một giáo hội bao gồm năm ngọn núi và mười chùa tại hai thành phố Hàng Châu và Minh Châu, được Tống Ninh Tông sáng lập. Ngũ sơn thập sát tại Trung Quốc được theo gương của Ngũ tinh xá thập tháp tại Ấn Ðộ mà thành lập. Thiền tông Nhật Bản cũng theo cách tổ chức này mà thành lập Ngũ sơn thập sát tại hai thành phố lớn là Kinh Ðô (kyōto) và Liêm Thương (kamakura). Ngũ sơn thập sát tại Nhật đã trở thành những trung tâm quan trọng của văn hoá và nghệ thuật tại đây (Ngũ sơn văn học). Tất cả năm núi và mười chùa tại Trung Quốc và Nhật Bản đều thuộc về tông Lâm Tế.
Danh từ “Sơn” ở đây được sử dụng như một chùa, một Thiền viện bởi vì hầu hết các thiền viện đời xưa đều được thành lập trên một ngọn núi và các vị Thiền sư trụ trì tại đây cũng thường được gọi dưới tên ngọi núi này.
Ngũ sơn tại Trung Quốc là:
1. Kính sơn tại Hàng Châu với Hưng Thánh Vạn Thọ tự; 2. A-dục vương sơn tại Ninh Ba với Mậu Phong Quảng Lợi tự; 3. Thái Bạch sơn tại Hàng Châu với Thiên Ðồng Cảnh Ðức tự; 4. Bắc sơn tại Hàng Châu với Cảnh Ðức Linh Ẩn tự; 5. Nam sơn với chùa Tịnh Từ Báo Ân Quang Hiếu.
Ngũ sơn thập sát tại Trung Quốc thì cố định, còn tại Nhật thì thay đổi theo thời đại, vương triều. Mãi đến năm 1386 thì danh sách của Ngũ sơn tại đây mới có thể được gọi là hoàn chỉnh, cố định. Ngũ sơn bao gồm (Kinh Ðô [kyōto]-Liêm Thương [kamakura]):
1. Thiên Long tự (j: tenryū-ji) – Kiến Trường tự (kenchō-ji); 2. Tướng Quốc tự (shōkoku-ji) – Viên Giác tự (engaku-ji); 3. Kiến Nhân tự (kennin-ji) – Thọ Phúc tự (jufuku-ji); 4. Ðông Phúc tự (tōfuku-ji) – Tịnh Trí tự (jōchi-ji); 5. Vạn Thọ tự (manju-ji) – Tịnh Diệu tự (jōmyō-ji).
Nam Thiền tự (nanzen-ji), một ngôi chùa lớn tại Kinh Ðô cũng có khi được đặt trên địa vị cao hơn Ngũ sơn tại đây.

Ngũ Sơn Văn Học

Từ Điển Đạo Uyển

五山文學; J: gozan bungaku;
Tên gọi chung của những tác phẩm của các vị Thiền sư Nhật Bản thuộc hệ thống Ngũ sơn tại Kinh Ðô (kyōto) trong thời Túc Lợi (ashikaga hoặc muromachi, 1338-1573). Thiền sư Trung Quốc Nhất Sơn Nhất Ninh – đến Nhật năm 1299 – và môn đệ người Nhật của sư là Tuyết Thôn Hữu Mai (雪村有梅; j: sesson yūbai) được xem là Khai tổ của của phong trào văn học này.
Các tác giả nổi danh nhất của Ngũ sơn văn học là Mộng Song Sơ Thạch (musō soseki) – không những là một Thiền sư trứ danh mà còn là một nghệ sĩ xuất chúng –, Hổ Quan Sư Luyện (虎關師鍊; j: kokan shiren, 1278-1346) – một môn đệ khác của Nhất Sơn Nhất Ninh –, Nghĩa Ðường Châu Tín (義堂周信; j: gidō shūshin, 1325-1388) và Tuyệt Hải Trung Tân (絕海中津; j: zekkai chū-shin, 1336-1405), cả hai đều là môn đệ của Mộng Song Sơ Thạch.
Các tác giả nêu trên chuyên nghiên cứu và phổ biến cách làm thơ (thi pháp) và triết lí của Tân nho giáo. Vì vậy, trong thời gian này, văn hoá, nghệ thuật và khoa học của Trung Quốc được truyền sang Nhật rất mạnh. Nhiều vị còn nổi danh trong các lĩnh vực nghệ thuật như Thư đạo (j: shōdō),… Qua những bài văn rõ ràng mạch lạc của mình – tất cả đều được viết bằng tiếng Nhật – Thiền sư Mộng Song Sơ Thạch đã góp công rất nhiều trong việc phổ biến Thiền học tại Nhật.

Ngũ Sự Tì-Bà-Sa Luận

Từ Điển Đạo Uyển

五事毘婆沙論; C: wǔshì pípóshā lùn; J: goji bibasha ron; S: pañca-vastuka-vibhāṣa; E: five phenomena vibhāṣa treatise.
Được Pháp Cứu (法救; dharmatrāta) soạn; gồm 2 quyển. Ngài Huyền Trang dịch vào năm 663. Đây là một luận A-tì-đạt-ma về 5 loại cấu trúc cơ bản của pháp giới: sắc (色; s: rūpa), tâm (心; s: citta), tâm sở (心所; s: caittas), bất tương ưng (不相應), và vô vi (無爲).

Ngũ Tạng

Từ Điển Đạo Uyển

五臟; C: wǔzàng; J: gōzō;
Năm thứ nội tạng: tim, phổi, gan, thận, dạ dày. Còn gọi là Ngũ nội (五内).

Ngũ Thần Thông

Từ Điển Đạo Uyển

五神通; C: wǔ shéntōng; J: goshintsū;
Năm năng lực thần thông của đức Phật: Có thể đi lại bất kì nơi nào tùy ý (Thần túc thông); Có thể thấy được suốt khắp (Thiên nhãn thông); Có thể nghe được mọi chuyện (Thiên nhĩ thông); Có thể thấu rõ ý nghĩ trong tâm người khác (Tha tâm thông); Có thể biết rõ những kiếp trước (Túc mệnh thông).

Ngũ Thể

Từ Điển Đạo Uyển

五體; C: wǔtǐ; J: gotai;
Có các nghĩa sau: 1. Năm chi phần thân thể: Hai đầu gối, hai khuỷu tay, và đầu; 2. Toàn thân thể.

Ngũ Thể đầu địa

Từ Điển Đạo Uyển

五體投地; C: wǔtǐ tóudì; J: gotaitōji; S: pañca-mandala-namaskāra.
Cách lễ lạy với năm phần thân thể gồm hai đầu gối, hai khuỷu tay, và đầu chạm sát đất. “Gieo năm vóc sát đất.” Phủ phục toàn thân thể sát đất để thể hiện lòng cung kính.

Ngũ Thời

Từ Điển Đạo Uyển

五時; C: wǔshí; J: goji;
Năm thời thuyết giáo. Sự phân chia các giai đoạn Phật Thích-ca Mâu-ni tùy căn cơ mà dùng nhiều phương thức giảng dạy giáo pháp cho chúng sinh, từ khi ngài thành đạo cho đến khi nhập niết-bàn. Mặc dù có nhiều lí thuyết khác nhau về sự sắp xếp nầy, tất cả đều xuất phát từ căn nguyên giải thích của sư Huệ Quán (慧觀) vào thế kỉ thứ 5.
A. Huệ Quán chủ trương phân chia giáo pháp thành Đốn giáo và Tiệm giáo; lại phân chia Tiệm giáo thành 5 thời: 1. Tam thừa biệt giáo: (như kinh A-hàm, v.v…); 2. Tam thừa thông giáo (như kinh Bát-nhã; s: prajñāpāramitā-sūtra, v.v…); 3. Ức dương giáo (như kinh Duy-ma-cật, v.v…); 4. Đồng quy giáo (kinh Hoa Nghiêm, v.v…); 5. Thường Trụ giáo (kinh Niết-bàn,v.v…). Đây là cách phân loại giáo pháp của Niết-bàn tông.
B. Theo giáo lí tông Hoa Nghiêm của Lưu Cầu (劉虬), Đốn giáo và Tiệm giáo trong kinh Hoa Nghiêm được chia thành 5 giáo pháp sau: 1. Nhân Thiên giáo; 2. Hữu tướng giáo (kinh A-hàm và những kinh công nhận các pháp có tự thể riêng biệt); 3. Vô tướng giáo (giáo lí Bát-nhã Ba-la-mật-đa, v.v…, phủ nhận các pháp tồn tại với tự thể riêng biệt); 4. Đồng quy giáo (như kinh Pháp Hoa, v.v…); 5. Thường trụ giáo (kinh Niết-bàn, v.v…).
C. Trí Khải có thay đổi chút ít so với phán giáo của Lưu Cầu. Theo giáo lí tông Thiên Thai, năm thời giáo là: 1. Thời kì Hoa Nghiêm: sau khi đức Phật thành đạo, ngài giảng kinh Hoa Nghiêm trong vòng 21 ngày cho hàng Bồ Tát. Đây là giáo pháp dành cho hàng căn cơ lanh lợi, theo giáo pháp nầy, các hàng Bồ Tát như thế có thể trực ngộ nhanh chóng lí chân như.
2. Thời kì Lộc Uyển: Sau khi đức Phật giảng kinh Hoa Nghiêm, những người có căn cơ thấp không thể hiểu nổi; thế nên ngài chuyển sang giáo pháp phương tiện nầy để hướng dẫn cho chúng sinh được lợi lạc. Nên đức Phật nói pháp cho hàng cho háng căn cơ thấp tại vườn Lộc Uyển gần thành Ba-la-nại. Thời kì này là 12 năm, kinh điển khai triển trong thời kì nầy là kinh A-hàm, nên giáo pháp thời nầy được gọi là thời A-hàm; 3. Thời Phương đẳng (s: vaipulya, sơ khởi Đại thừa). Vì căn cơ chúng sinh thời đó đang đắm chấp vào giáo lí Tiểu thừa nên bây giờ đức Phật giảng pháp Đại thừa như kinh Duy-ma-cật, kinh Kim Quang Minh, và kinh Thắng Man, truyền bá rộng rãi Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo và Viên giáo. Giáo pháp nầy nhằm đưa chúng sinh từ đắm chấp Tiểu thừa sang Đại thừa. Thời kì nầy kéo dài 8 năm; 4. Thời Bát-nhã: Thời kì nầy Đức Phật giảng kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa suốt 22 năm để giác ngộ cho chúng sinh về lí Tính không; 5. Thời Pháp Hoa, Niết-bàn: Đức Phật nói rõ mục tiêu tối hậu của giáo lí Tiểu thừa và Đại thừa đều là giải thoát như nhau. Nên giáo pháp nầy còn gọi là Nhất thừa giáo, khẳng định sự hiện hữu của Phật tính trong mỗi chúng sinh.

Ngũ Thời Bát Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

五時八教; C: wǔshí bājiāo;
Hệ thống giáo pháp theo giải thích của Trí Khải. Thứ tự thời gian Đức Phật giảng pháp được chia thành 5 thời kì (Ngũ giáo). Phương pháp Đức Phật dùng để giáo hoá cũng được phân thành 4 loại (giáo hoá nghi), và nội dung của giáo pháp được chia thành 4 phạm trù (giáo hoá pháp).
A. Bốn giáo hoá nghi là: 1. Đốn giáo: giáo lí chỉ dạy chúng sinh giác ngộ ngay Phật tính nơi chính mình; 2. Tiệm giáo: giáo lí dẫn đắt chúng sinh giác ngộ qua nhận thức từ cạn đến sâu; 3. Bí mật giáo: giáo lí chúng sinh được truyền thụ bí mật tương ứng với căn cơ riêng mình mà người khác không hay biết; 4. Bất định giáo: dành cho chúng sinh tuy cùng nghe kinh trong một pháp hội, nhưng tùy theo căn tính riêng mỗi người màcó sự thể nhập giáo pháp khác nhau. Thêm nữa, giáo pháp “phi đốn phi tiệm, phi mật phi hiển” còn được gọi là giáo pháp “Pháp Hoa và Niết-bàn.”
B. Bốn giáo hoá pháp: 1. Giáo pháp Tiểu thừa hay Tam tạng giáo; 2. Thông giáo: Đây là giáo lí Đại thừa gồm các kinh Phương đẳng, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, Pháp Hoa và Niết-bàn, dành cho hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ Tát; 3. Biệt giáo: đây là giáo lí dành riêng cho hàng Bồ Tát. Hành giả tu tập theo giáo pháp nầy biết rõ có sự nhấn mạnh vào lí Trung đạo để thể hội lí Tính không và tự thể của các pháp. Giáo lí của tông Hoa Nghiêm thuộc dạng nầy; 4. Viên giáo: Chủ trương giác và mê không khác nhau trong thể tính. Viên giáo siêu việt và viên dung tất cả các pháp, đây chính là giáo pháp giác ngộ chân thật của Đức Phật. Viên giáo thật sự bao gồm tất các giáo pháp khác, được kinh Pháp Hoa xiển dương một cách trọn vẹn nhất.

Ngũ Thông

Từ Điển Đạo Uyển

五通; C: wǔtōng; J: gotsū;
Năm năng lực siêu nhiên: 1. Thần cảnh trí chứng thông (神境智證通), cũng gọi là Thần cảnh thông (神境通), Thần túc thông (神足通), Thân như ý thông (身如意通), Như ý thông (如意通); 2. Thiên nhãn trí chứng tông (天眼智證通), cũng gọi là Thiên nhãn trí thông (天眼智通), Thiên nhãn thông (天眼通); 3. Thiên nhĩ trí chứng thông (天耳智證通), còn gọi Thiên nhĩ trí thông (天耳智通), Thiên nhĩ thông (天耳通); 4. Tha tâm trí chứng thông (他心智證通), hoặc Tha tâm trí thông (他心智通), Tri tha tâm thông (知他心通), Tha tâm thông (他心通); 5. Túc trú tuỳ niệm trí chứng thông (宿住隨念智證通), cũng gọi là Túc trú trí thông (宿住智通), Thức túc mệnh thông (識宿命通), Túc mệnh thông (宿命通; theo Phật Quang Đại từ điển)

Ngũ Thú

Từ Điển Đạo Uyển

五趣; C: wǔqù; J: goshu; S: gati-pañcaka.
Năm cõi loài hữu tình sinh đến sau khi chết: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, Người, Trời. Cũng được gọi là Ngũ đạo (五道).

Ngũ Thụ

Từ Điển Đạo Uyển

五受; C: wǔshòu; J: goju;
Năm cảm giác, năm cảm thụ: Ưu thụ (優受), hỉ thụ (喜受), khổ thụ (苦受), lạc thụ (樂受) và xả thụ (捨受, cảm thụ thân tâm không vui, không khổ, thoát khỏi tất cả những cảm thụ nêu bên trên).

Ngũ Thủ Uẩn

Từ Điển Đạo Uyển

五取蘊; C: wǔqǔyùn; J: goshuun; S: pañca-upādāna.
Xem năm thứ uẩn mà như một cái gì đó rồi chấp trước nó một cách lầm lạc. Ngũ uẩn (五蘊).

Ngũ Thừa

Từ Điển Đạo Uyển

五乘; C: wǔshèng; J: gojō;
Có hai nghĩa: 1. Năm pháp môn tu tập đưa đến những quả báo khác nhau tùy theo mỗi thừa; 2. Theo Hiển chính luận (顯正論; k: hyǒn chǒng non), 5 thừa là: Bồ Tát thừa, Bích-chi Phật thừa, A-la-hán thừa, Nhân thừa, Thiên thừa.

Ngũ Thức

Từ Điển Đạo Uyển

五識; C: wǔshì; J: goshiki;
Có các nghĩa sau:
I. Năm thức phát sinh do 5 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, với 5 đối tượng của chúng là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, phát sinh các thức là: Nhãn thức (眼識), Nhĩ thức (耳識), Tỉ thức (鼻識), Thiệt thức (舌識), Thân thức (身識). Do các thức nầy được xem là 5 thức đầu trong 6 thức, nên chúng thường được gọi là Tiền ngũ thức (前五識) trong Hán ngữ. Theo giáo lí Du-già hành tông, đây là 5 thức đầu tiên trong Bát thức (八識). Trong Tam giới, chúng sinh ở cõi Dục có đủ 6 thức, ở cảnh giới Đệ nhất thiền của cõi Sắc thì không còn Nhĩ thức và Thiệt thức, khi đến cảnh giới Đệ nhị thiền thiên trở lên thì chỉ còn thức (phân biệt) thứ sáu (theo Câu-xá-luận 倶舎論).
II. Năm thức đề cập trong luận Đại thừa khởi tín: 1. Nghiệp thức (業識): phát khởi khi tâm chưa giác ngộ do vô minh; 2. Chuyển thức (轉識): Nghiệp thức trải qua một sự chuyển biến thành thức năng kiến; 3. Hiện thức (現識): Căn cứ vào sự chuyển biến của Nghiệp thức mà thế giới khách quan được biểu hiện; 4. Trí thức (智識): Thức tạo ra những phân biệt sai lầm căn cứ vào sự nhận biết đối tượng trong thế giới khách quan; 5. Tương tục thức (相續識): y cứ vào sự phân biệt sai lầm, các tư tưởng đau khổ, vui thích tương tục không dứt, nên tương tục trong luân hồi.

Ngũ Tỉ-Khâu

Từ Điển Đạo Uyển

五比丘; C: wǔbǐqiū; J: gohiku;
Năm vị Tỉ-khâu ban đầu cùng thực hành pháp tu khổ hạnh với Thích-ca Mâu-ni, sau đó là những người đầu tiên thụ nhận giáo pháp của Đức Phật trong lần chuyển pháp luân đầu tiên (Sơ chuyển pháp luân 初轉法輪), sau đó trở thành những đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Năm vị này là: Kiêu-trần-như (憍陳如; s: kauṇḍinya), Át-bệ (額鞞; s: aśvajit), Bạt-đề (跋提; s: bhadrika), Thập Lực Ca-diếp (十力迦葉; s: daśabala-kāś-yapa), và Ma-nam Câu-lợi (摩男倶利; s: mahānāman).

Ngũ Tính

Từ Điển Đạo Uyển

五性; C: wǔxìng; J: goshō; S: pañca-gotrāṇi.
Năm tính. Xem Ngũ tính các biệt (五性各別).

Ngũ Tình

Từ Điển Đạo Uyển

五情; C: wǔqíng; J: gojō;
Năm loại tình thức tham luyến, sinh khởi khi tiếp xúc với 5 đối tượng của giác quan: sắc, thanh, hương, vị xúc (theo kinh Pháp Hoa 法華經).

Ngũ Tính Các Biệt

Từ Điển Đạo Uyển

五性各別; C: wǔxìng gěbié; J: goshō kakubetsu;
Năm tính khác nhau. Giáo lí của Du-già hành phái (瑜伽行派) phân chia căn tính bản hữu của chúng sinh thành 5 loại, đó là: 1. Định tính Thanh Văn; 2. Định tính Duyên Giác; 3. Định tính Bồ Tát; 4. Bất định tính; 5. Vô chủng tính (Nhất-xiển-đề 一闡提; s: icchantika). Giáo lí nầy là một trong những điểm tranh luận của các tông phái bản xứ tại Đông Nam Á, như Hoa Nghiêm có nhiều điểm bất đồng với Du-già hành tông.

Ngũ Tịnh Cư Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

五淨居天; C: wǔjìngjū tiān; J: gojōgoten;
Một trong những cõi trời theo trong thần thoại Phật giáo Ấn Độ. Tên 5 cõi trời thuộc Đệ tứ thiền. Đó là: 1. Vô phiền; 2. Vô nhiệt; 3. Thiện kiến; 4. Thiện hiện; 5. Sắc cứu cánh. Các bậc Thánh đã chứng quả vị Bất lai được sinh ở cõi trời nầy.

Ngũ Tổ Pháp Diễn

Từ Điển Đạo Uyển

五祖法演; C: wǔzǔ fǎyǎn; J: goso hōen; ~ 1024-1104;
Thiền sư Trung Quốc tông Lâm Tế, dòng Dương Kì. Sư nối pháp của Bạch Vân Thủ Ðoan. Các môn đệ có tiếng của Sư là Viên Ngộ Khắc Cần (Phật Quả), Thanh Viễn Phật Nhãn, Huệ Cần Phật Giám và Khai Phúc Ðạo Ninh.
Sư họ Ðặng, quê ở Miên Châu, xuất gia năm 35 tuổi. Sau khi thụ giới cụ túc, Sư chuyên học pháp môn Duy thức. Những thuyết này không giải đáp những thắc mắc nên Sư xuống miền Nam tham vấn các vị Thiền sư. Cuối cùng đến hội Bạch Vân và nơi đây, Sư được Ấn chứng.
Công án của Sư sau đây thường được nhắc lại: “Giữa đường gặp người đạt đạo, chớ nói hay im mà đối đãi. Thử hỏi đối đãi ra làm sao?”

Ngũ Trần

Từ Điển Đạo Uyển

五塵; C: wǔchén; J: gojin;
Đối tượng của 5 giác quan: màu sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm và xúc chạm. Gọi là “trần” vì nó làm ô nhiễm 5 thức. Xem thêm Ngũ cảnh (五境).

Ngũ Trí Như Lai

Từ Điển Đạo Uyển

五智如來; C: wǔzhì rúlái; J: gochi nyorai;
Năm vị Phật hiện thân của 5 dạng trí huệ khác nhau: 1. Đại Nhật Như Lai (s: ma-hāvairocana), hiện thân cho trí tuệ viên mãn từ thể tính của pháp giới (Pháp giới thể tính trí 法界體性智); 2. A-súc Như Lai (s: akṣobhya), hiện thân của Đại viên kính trí (大圓鏡智); 3. Bảo Sinh Như Lai (s: ratna-saṃbhāva), hiện thân của Bình đẳng tính trí (平等性智); 4. A-di-đà Như Lai (s: amitābha), hiện thân của Diệu quan sát trí (妙觀察智); 5. Bất Không Thành Tựu Như Lai hay Thích-ca Mâu-ni Như Lai hiện thân của Thành sở tác trí (成所作智). Xem thêm Ngũ Phật (五佛).

Ngũ Trọc

Từ Điển Đạo Uyển

五濁; C: wǔzhuó; J: gotaku; S: pañcakaṣāya; cũng đọc là Ngũ trược;
Danh từ Hán Việt dùng để chỉ những thứ nhơ bẩn cặn đục (Hán: trọc) dấy lên trong một Kiếp suy giảm. Ngũ trọc bao gồm:
1. Kiếp trọc (劫濁; s: kalpakaṣāya): nhiều căn bệnh dấy lên, nạn đói hoành hành, chiến tranh mọi nơi…; 2. Kiến trọc (見濁; s: dṛṣṭikaṣāya): tà kiến thịnh hành; 3. Phiền não trọc (煩惱濁; s: kleśakaṣāya): chúng sinh có nhiều tham dục, tâm thần phiền loạn; 4. Chúng sinh trọc (眾生濁; s: sattva-kaṣāya): chúng sinh không tuân theo luân lí, không sợ quả báo…; 5. Mệnh trọc (命濁; s: āyuskaṣāya): thọ mệnh của con người ngắn dần.

Ngũ Trùng Duy Thức

Từ Điển Đạo Uyển

五重唯識; C: wǔzhòng wéishì; J: gojū yuishiki;
Năm cấp độ lĩnh hội nguyên lí Duy thức. Đo là năm sự phân loại theo trình độ thể nhập giáo lí Duy thức từ cạn đến sâu. Đo là: 1. Khiển hư tồn thật thức (遣虚存實識); 2. Xả lạm lưu thuần thức (捨濫留純識); 3. Nhiếp mạt quy bản thức (攝末歸本識); 4. Ẩn liệt hiển thắng thức (隱劣顯勝識); 5. Khiển tướng chứng tính thức (遣相證性識). Đây là giáo lí Ngũ trùng duy thức do sư Khuy Cơ (窺基) trình bày trong Đại thừa pháp viên nghĩa lâm chương (大乘法圓義林章). Trong tác phẩm nầy, khi phân chia giữa nhận thức chủ quan và thế giới khách quan thì 100 pháp thuộc về thế giới khách quan, trong khi Ngũ trùng duy thức được xem như là thể tính của nhận thức chủ quan.

Ngũ Tự Chú Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

五字咒法; C: wǔzì zhòufǎ; J: goji juhō;
Tên viết tắt của Kim Cương đỉnh kinh Du-già Văn-thù Sư-lợi Bồ Tát pháp nhất phẩm (金剛頂經瑜伽文殊師利菩薩法一品).

Ngũ Uẩn

Từ Điển Đạo Uyển

五蘊; C: wǔyùn; J: goun; S: pañca-skandha; P: pañca-khandha; cũng gọi là Ngũ ấm (五陰), năm nhóm;
Năm (pañca) nhóm (skandha) tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, toàn bộ thân tâm. Ngoài ngũ uẩn đó ra không có gì gọi là cái “ta.”
Ngũ uẩn là: 1. Sắc (色; s, p: rūpa), chỉ thân và sáu giác quan (Lục căn); 2. Thụ (受; s, p: vedanā), tức là cảm giác; 3. Tưởng (想; s: saṃjñā; p: saññā); 4. Hành (行; s: saṃskāra; p: saṅkhāra); 5. Thức (識; s: vijñāna; p: viññāṇa).
Ngũ uẩn cũng được gọi là năm ràng buộc vì chỉ có Phật hay A-la-hán mới không bị dính mắc nơi chúng. Ðặc tính chung của chúng là Vô thường, Vô ngã và Khổ. Kinh Ma-ha bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh nhấn mạnh đến tính Không của ngũ uẩn (xem Năm trí).
Sắc do Tứ đại chủng (s, p: mahābhūta) tạo thành, đó là bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa. Sắc tạo nên các giác quan và đối tượng của các giác quan. Thụ là toàn bộ các cảm giác, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính. Tưởng là nhận biết các cảm giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị…, kể cả nhận biết ý thức đang hiện diện. Hành là những hoạt động tâm lí sau khi có tưởng, ví dụ chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh giác… Thức bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: ý thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Tính chất khổ và vô thường của năm uẩn là một trong những quan điểm quan trọng nhất của Phật giáo. Khổ xuất phát từ sự bấp bênh, không chắc thật của các uẩn đó; và con người được thành tạo từ năm uẩn đó không gì khác hơn là một sự giả hợp, không có một cái “ta” thật sự đứng đằng sau con người đó (Vô ngã). Tri kiến về tính vô ngã của ngũ uẩn là một tri kiến rất quan trọng, nó có thể đưa đến giải thoát. Ðại sư người Ðức Ni-a-na Ti-lo-ka (nya-nātiloka) trình bày như sau về tầm quan trọng đó: “Ðời sống của mỗi chúng ta thật chất chỉ là một chuỗi hiện tượng thân tâm, một chuỗi hiện tượng đã hoạt động vô lượng kiếp trước khi ta sinh ra và sẽ còn tiếp tục vô tận sau khi ta chết đi. Ngũ uẩn này, dù riêng lẽ từng uẩn hay hợp chung lại, chúng không hề tạo thành một cái gì gọi là cái ta. Ngoài chúng ra, không còn cái gì được gọi là một thể của cái ta độc lập với chúng, để ta tạm gọi nó là cái ta. Lòng tin có một cái ta, có một nhân cách độc lập chỉ là một ảo tưởng.” Joseph Goldstein cũng viết: “Cái mà chúng ta gọi là cái ta chỉ là ngũ uẩn đang hiện hành vô chủ.”

Ngũ Vị

Từ Điển Đạo Uyển

五位; C: wǔwèi; J: go-i;
Năm phẩm loại. Năm giai vị. Có các nghĩa sau: 1. Theo Du-già hành phái (瑜伽行派; e: yogācāra school), quá trình tu đạo được chia thành 5 bậc. Năm giai vị nầy được liệt kê trong luận tạng của Tiểu thừa và Đại thừa. Chúng chủ yếu được giải thích trong A-tì-đạt-ma câu-xá luận (s: abhidharmakośa-bhāṣya) và Duy thức tam thập tụng – cả hai đều là trứ tác của Thế Thân (世親; s: vasu-bandhu). I. Theo trường phái Duy thức, Ngũ vị bao gồm: Tư lương vị (資糧位), Gia hạnh vị (加行位), Thông đạt vị (通達位), Tu tập vị (修習位) và Cứu cánh vị (究竟位). Theo luận Câu-xá thì Ngũ vị bao gồm: Tư lương vị (資糧位), Gia hạnh vị (加行位), Kiến đạo vị (見道位), Tu đạo vị (修道位) và Vô học vị (無學位); II. Theo kinh Kim cương tam-muội (金剛三昧經; s: vajrasamādhi-sūtra), Ngũ vị là: Tín vị (信位), Tư vị (思位), Tu vị (修位), Hạnh vị (行位), và Xả vị (捨位).

Ngũ Vị Thiền

Từ Điển Đạo Uyển

五味禪
Chỉ năm phương pháp tu thiền, do Thiền sư Khuê Phong Tông Mật phân chia ra trong tác phẩm Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự (禪源諸詮集都序):
1. Phàm phu thiền (凡夫禪; j: bompu-zen): Cách thiền của phàm phu, những người không theo đạo mà chỉ muốn thân thể, tâm trạng được khoẻ mạnh.
2. Ngoại đạo thiền (外道禪; gedō-zen): Chỉ những phương pháp thiền nằm ngoài Phật giáo.
3. Nhị thừa thiền (二乘禪) hay Tiểu thừa thiền (小乘禪; shōjō-zen): Thiền theo những phương pháp được nêu ra trong kinh sách Phật giáo Nam truyền. Cách thiền này dẫn đến Diệt tận định, và nếu hành giả ở trong trạng thái này khi chết thì không tái sinh nữa, thoát khỏi Luân hồi (saṃsāra).
4. Ðại thừa thiền (大乘禪; daijō-zen): Mục đích chính ở đây là Kiến tính (見性; ken-shō), Giác ngộ. Kinh nghiệm giác ngộ cho thấy rằng, ta chính là vạn vật mà vạn vật không khác ta và từ kinh nghiệm này, những hành động hằng ngày sẽ là những hành động cứu độ tất cả chúng sinh.
5. Tối thượng thừa thiền (最上乘禪; saijō-jō-zen): Trong dạng thiền này, đường đi và mục đích trở thành một. Thiền không phải là một phương pháp để đạt giác ngộ nữa mà trở thành một sự biểu hiện trực tiếp của Phật tính (j: busshō). Kinh sách viết rằng, đây là cách thiền của các chư Phật và là cách thiền tuyệt đỉnh (vô thượng, tối thượng, không còn cách nào hơn được) trong Phật pháp.
Quan niệm thường gặp như Ðại thừa thiền là Thiền của tông Lâm Tế và Tối thượng thừa thiền là Thiền của tông Tào Ðộng không đúng lắm bởi vì hai dạng Thiền trên bổ sung lẫn nhau mặc dù người ta chú trọng đến kinh nghiệm Kiến tính trực tiếp và phương pháp dẫn đến kinh nghiệm này hơn trong tông Lâm Tế; còn trong tông Tào Ðộng thì phương pháp Chỉ quản đả toạ (只管打坐; j: shikantaza) được xếp ở hàng đầu.
Ngũ vị thiền của sư Tông Mật phản ánh quan niệm truyền thống của Phật giáo, nhưng nhìn theo thời nay – trong thời đại mà Thiền được truyền bá khắp nơi trên hoàn cầu, vượt qua giới hạn của các nền văn hoá Phật giáo – quan niệm này không còn đúng lắm và cần được đính chính lại. Ví dụ như một người theo Thiên chúa giáo hoặc Hồi giáo vẫn có thể thực hiện Tiểu thừa, Ðại thừa hoặc Tối thượng thừa thiền mặc dù theo hệ thống ngũ vị thì tất cả những loại thiền nằm ngoài Thiền tông đều phải được gọi là “Ngoại đạo thiền.” Ngũ vị thiền như vậy đặc biệt có giá trị trong phạm vi lí thuyết của Thiền tông Phật giáo, trong khi nhìn từ khía cạnh tuyệt đối, so sánh với những kinh nghiệm của các Thánh nhân của tất cả truyền thống tôn giáo trên thế giới thì nó chẳng có giá trị là bao.

Ngũ Vị Vô Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

五位無心; C: wǔwèi wúxīn; J: goi mushin;
Theo giáo lí của Du-già hành tông, có 5 trường hợp mà ý thức (意識; s: mano-vijñāna) không hiện hữu: 1. Ngủ say (Cực trọng thùy miên 極重睡眠; s: acittaka); 2. Hôn mê, ngất xỉu (Cực trọng muộn tuyệt 極重悶絶; s: mūrcchā); 3. Vô tưởng định (無想定; s: asaṃjñi-samāpatti); 4. Sinh trong Vô tưởng thiên (無想天; s: āsaṃjñika); 5. Trong Diệt tận định (滅盡定; s: nirodha-samāpatti; theo Thành duy thức luận 成唯識論)

Ngưng

Từ Điển Đạo Uyển

凝; C: níng; J: gyō;
Có hai nghĩa: 1. Đông lại, đóng băng, làm cho cứng; 2. Chăm chú vào, tập trung vào.

Ngưng Nhiên

Từ Điển Đạo Uyển

凝然; C: níngrán; J: gyōnen;
Có các nghĩa sau:
1. Vững chắc, kiên định, yên tĩnh, không thay đổi, bất động;
2. Ngưng Nhiên (1240-1321), Cao tăng tông Hoa Nghiêm Nhật Bản, là tác giả đã biên soạn nhiều bản tóm tắt tiểu sử quan trọng của các vị Tổ sư các tông phái Phật giáo Trung Hoa. Họ của sư là Fujiwara và sư xuất thân từ quận Y dư (伊予; j: iyo) thuộc vùng Shikoku. Năm 18 tuổi, sư xuất gia với Đại sư Viên Chiếu (圓照; j: enshō) ở Giới Đàn viện (戒檀院; j: kaidan-in) (một chi phái của Đông Đại tự 東大寺; j: tōdaiji). Sư thụ giới năm 20 tuổi. Sư tham học giới luật với các vị Huyền Chứng (證玄; j: shōgen) và Tịnh Nhân (淨因; j: jōin), thụ pháp Mật giáo với Thánh Thủ (聖守; j: shōshu). Mặc dù sư xuất thân từ tông Hoa Nghiêm, nhưng sư cũng nghiên cứu giáo lí Duy thức, Tam luận, Tịnh độ, Thiền, Nho giáo, Lão giáo và các triết gia (Trung Hoa) thời Chiến Quốc. Năm 1276, sư giảng kinh Hoa Nghiêm tại Đại Phật đường, Đông Đại tự. Sau khi Viên Chiếu (圓照; j: enshō) tịch, sư kế vị thầy mình trú trì Giới Đàn viện (戒檀院), tiếp tục giảng kinh Hoa Nghiêm và giảng dạy giới luật (戒律). Năm 1313 sư đến Tōshōdaiji (cũng thuộc Nại Lương, Nara), ở đó 5 năm trước khi trở về lại Giới Đàn viện. Ngoài việc thuyết giảng, sư còn biên soạn các bài nghiên cứu về giáo lí các tông Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Chân ngôn, Tam luận, Pháp tướng, Câu-xá, Thành thật, Luật và Tịnh độ, cũng như nghiên cứu lịch sử, Thần đạo và âm nhạc. Sư biên soạn tổng cộng hơn 1200 quyển. Sư viên tịch tại Giới đàn viện năm 82 tuổi. Những tác phẩm nổi tiếng của sư gồm Bát tông cương yếu (八宗綱要), Tam Quốc Phật Pháp truyền thông lục khởi (三國佛法傳通縁起) và Tịnh độ nguyên lưu chương (淨土源流章).

Ngưỡng Sơn

Từ Điển Đạo Uyển

仰山; C: yăngshān; J: gyōsan;
Chỉ Thiền sư Huệ Tịch (慧寂), Ngưỡng Sơn Huệ Tịch (仰山慧寂).

Ngưỡng Sơn Huệ Tịch

Từ Điển Đạo Uyển

仰山慧寂; C: yǎngshān huìjì; J: kyōzan ejaku; 807-883;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ lừng danh của Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu và cùng thầy khai sáng tông Quy Ngưỡng. Trí huệ và kinh nghiệm giác ngộ thâm sâu của Sư nổi danh trong thiền giới thời đó nên Sư cũng có biệt danh là “Tiểu Thích-ca.” Môn đệ hàng đầu của Sư là Nam Tháp Quang Dũng, Vô Trước Văn Hỉ và Tây Tháp Quang Mục.
Trước tuổi 20, Sư yết kiến và trau dồi kinh nghiệm với nhiều ngôi sao sáng trong Thiền tông và đã mang danh là một thiền sinh xuất sắc. Dưới sự hướng dẫn của Quy Sơn, Sư đạt yếu chỉ thiền.
Sư họ Diệp, quê ở Hoài Hoá, Thiều Châu. Sư muốn xuất gia nhưng cha mẹ không cho, bèn chặt hai ngón tay, thệ nguyện cầu chính pháp để đáp ân nghĩa. Cha mẹ đành cho phép. Chưa thụ giới cụ túc, Sư đã đi du phương.
Ðến Thiền sư Thạch Sương Tính Không, nghe một vị tăng hỏi Tính Không: “Thế nào là ý Tổ sư từ phương Tây sang?” Tính Không liền đáp: “Như người trong giếng sâu ngàn thước, người này chẳng nhờ một tấc giây mà ra được, người này trả lời được.” Câu trả lời này cứ quấn mãi tâm Sư. Ðến Thiền sư Ðam Nguyên Ứng Chân, Sư hỏi: “Thế nào là người trong giếng ra được?” Ðam Nguyên liền đáp: “Ðồ ngốc! Ai ở trong giếng?” Sư chưa rõ việc nhưng vẫn được Ðam Nguyên truyền cho cách sử dụng 97 viên tướng để hoằng hoá, một phương pháp quan trọng để hướng dẫn môn đệ sau này trong tông Quy Ngưỡng.
Ðến Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu, Quy Sơn hỏi: “Ngươi là Sa-di có chủ hay không chủ?” Sư thưa: “Có chủ.” Quy Sơn lại hỏi: “Chủ ở chỗ nào?” Sư từ bên Ðông sang bên Tây đứng, Quy Sơn biết môn đệ hảo hạng. Sư trình lại câu hỏi “Thế nào ra khỏi giếng ngàn thước không cần giây.” Quy Sơn hét: “Huệ Tịch!” Sư ứng: “Dạ.” Quy Sơn bảo: “Ra rồi!” Nhân đây, Sư đại ngộ, lại hỏi: “Thế nào là chỗ trụ của chư Phật?” Quy Sơn bảo: “Dùng cái diệu tư (nghĩ nhớ) mà không tư, xoay cái tư tinh anh sáng suốt vô cùng. Tư hết, trở về nguồn, nơi tính tướng thường trụ, sự lí không hai, Chân Phật như như.” Sư trút sạch hồ nghi nơi đây, ở lại hầu hạ Quy Sơn.
Sư đến phiên chăn trâu sườn núi, thấy một vị tăng lên núi không bao lâu trở xuống, Nghe Sư hỏi vì sao, vị tăng thuật lại: “Hoà thượng hỏi tôi tên gì, tôi thưa Quy Chân, Hoà thượng hỏi Quy Chân ở đâu, tôi đáp không được.” Sư bảo vị tăng, nếu Quy Sơn hỏi như vậy nữa thì trả lời “Quy Chân ở trong mắt, trong tai, trong mũi.” Vị tăng lại lên núi ra mắt Quy Sơn. Quy Sơn hỏi lại như trước, vị tăng trả lời như Sư đã dạy và bị Quy Sơn quở: “Kẻ nói suông vô ích, đây là lời của thiện tri thức đứng đầu 500 người!”
Sư và thầy đồng tình đồng ý như hai cha con nên người đời cũng nói rằng “Hai cha con hát bằng một miệng.” Sư học hỏi nơi Quy Sơn 15 năm, trước về Vương Mãn, sau về Ngưỡng Sơn trụ trì, người người đua nhau đến học.
Sư thượng đường dạy chúng: “Hết thảy các ngươi, mỗi người tự hồi quang phản quán, chớ ghi ngôn ngữ của ta. Các ngươi từ kiếp vô thuỷ đến giờ trái sáng hợp tối, gốc vọng tưởng quá sâu khó nhổ mau được. Do đó giả lập phương tiện dẹp thức thô của các ngươi, như đem lá vàng dỗ con nít khóc, có cái gì là phải? Như các người bán hàng hoá cùng vàng lập phố bán. Bán hàng hoá chỉ nghĩ thích hợp với người mua. Vì thế, nói ›Thạch Ðầu là phố chân kim, chỗ ta là phố tạp hoá.‹ Có người đến tìm phẩn chuột ta cũng bết phẩn chuột cho, kẻ khác đến cầu chân kim ta cũng trao cho… Tìm hỏi thì có trao đổi, chẳng tìm hỏi thì không ta. Nếu nói bên thân Thiền tông cần một người làm bạn cũng không, huống là có năm bảy trăm chúng. Nếu ta nói Ðông nói Tây, ắt giành nhau lượm lặt, như đem nắm tay không để lừa gạt con nít, trọn không có thật. Nay ta nói rõ các ngươi, việc bên cạnh thánh, chớ đem tâm nghĩ tính, chỉ nhằm vào biển tính của chính mình mà tu hành như thật…”
Sư trước ở Ngưỡng Sơn, sau dời về Quan Âm chỉ dạy tăng chúng. Sắp tịch, Sư làm bài kệ:
一二二三子,平目復仰視
兩口一無舌,即是吾宗旨
Nhất nhị nhị tam tử
Bình mục phục ngưỡng thị
Lưỡng khẩu nhất vô thiệt
Tức thị ngô tông chỉ.
Một hai hai ba con
Mắt thường lại ngước xem
Hai miệng một không lưỡi
Ðây là tông chỉ ta.
Nói xong, Sư ngồi hai tay bó gối viên tịch, thọ 77 tuổi. Vua phong danh hiệu Trí Thông Thiền sư. Những lời khuyên dạy của Sư được ghi trong Viên Châu Ngưỡng Sơn Huệ Tịch Thiền sư ngữ lục.

Ngưu Ðầu Thiền

Từ Điển Đạo Uyển

牛頭禪; C: níutóu-chán; J: gozu-zen;
Một dòng thiền nhỏ tại Trung Quốc, không được xếp vào Ngũ gia thất tông. Khai tổ dòng này là Thiền sư Pháp Dung ở Ngưu Ðầu sơn, một môn đệ của Tứ tổ Ðạo Tín. Nhánh Thiền này được Truyền Giáo Ðại sư (j: dengyō daishi) Tối Trừng (saichō) truyền sang Nhật, cũng là người thành lập Thiên Thai tông (j: tendai-shū) tại đây. Dòng này tàn lụi chỉ sau vài thế hệ.

Nguỵ Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

僞經; C: wèijīng; J: gikyō;
“Kinh giả mạo,” một trong hai loại kinh nguỵ tạo chính ở Đông Á, rất đáng ngờ vì nó giống như kinh văn xuất phát từ Ấn Độ.

Nguyên

Từ Điển Đạo Uyển

源; C: yuán; J: gen;
1. Suối nguồn, giếng phun; 2. Khởi nguyên, nguồn, nguyên do.

Nguyên Hiểu

Từ Điển Đạo Uyển

元曉; C: yuánxiao; J: gangyō; K: wǒnhyo, 617-686.
Một trong những nhà lĩnh đạo tư tưởng, tác gia và luận sư của Phật giáo Hàn Quốc. Sư sống vào cuối thời Tam Quốc và đầu thời đại Tân La thống nhất. Sư đóng một vai trò năng động trong sự thâu hoá sâu rộng trào lưu Phật giáo du nhập vào bán đảo Cao Li đương thời. Sư rất tâm đắc và ảnh hưởng tư tưởng Như Lai tạng (如來藏; s: tathāgatagarbha), Duy thức và Hoa Nghiêm (華嚴; k: hwaǒm). Tuy nhiên, với công trình nghiên cứu rộng rãi của sư qua các luận giải và chuyên luận, sư đã dung nhiếp toàn bộ giáo lí đạo Phật được lưu truyền ở Cao Li, gồm các Tông phái như Tịnh độ, Niết-bàn, Tam luận, và Thiên Thai (Pháp Hoa tông). Sư viết hầu như toàn bộ các luận giải về những bộ kinh quan trọng của Đại thừa, tổng cộng hơn 80 tác phẩm với hơn 200 quyển. Trong số những tác phẩm nổi tiếng mà sư đã trứ tác là Luận giải về Đại thừa khởi tín luận (大乘起信論), Luận giải về kinh Niết-bàn, Luận giải về kinh Kim Cương tam-muội. Các tác phẩm nầy được các học giả thượng thủ Phật học Trung Hoa và Nhật Bản tôn trọng nhất, đáp ứng cho sự duy trì Đại thừa khởi tín luận như là tác phẩm quan trọng nhất trong truyền thống Phật giáo Hàn Quốc.
Trong thời gian đầu, Nguyên Hiểu trải qua cuộc đời mình như là một Tăng sĩ, nhưng sau khi giác ngộ được lí Duy thức, Sư rời khỏi Tăng đoàn và chuyển sang truyền bá Phật pháp dưới hình tướng của một cư sĩ. Vì khía cạnh độc đáo này của Sư, nên Sư kết thúc cuộc đời mình khi trở thành một vị anh dùng dân tộc nổi tiếng Cao Li. Sư là đồng sự và là bạn của Nghĩa Tương (義湘; k: ǔisang), một vị Tăng người Tân La có thế lực thuộc tông Hoa Nghiêm (k: hwaǒm). Kết quả quan trọng của sự hợp tác nầy là việc sáng lập tông Hoa Nghiêm như là một dòng pháp có ưu thế trên bán đảo Triều Tiên. 23 tác phẩm hiện còn lưu hành của Nguyên Hiểu nay đang được tiến hành dịch sang tiếng Anh trong chương trình hợp tác giữa Đại học Dongguk và SUNY tại Stony Brook.

Nguyện Học

Từ Điển Đạo Uyển

願學; ?-1174
Thiền sư Việt Nam thuộc phái Vô Ngôn Thông đời thứ 10, kế thừa Thiền sư Viên Trí.
Sư họ Nguyễn, quê ở làng Phù Cầm. Lớn lên, Sư đến tham vấn Thiền sư Viên Trí ở chùa Mật Nghiêm và ngộ đạo nơi đây.
Sư đạt nhiều thần thông như trị bệnh, cầu mưa… Vua Lí Anh Tông kính phục, để Sư ra vào cung tự do. Sau, Sư viện cớ già bệnh về trụ trì chùa Quảng Báo ở làng Chân Hộ, Như Nguyệt. Học chúng đến rất đông, không dưới 100 người.
Niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo thứ 8, Sư gọi chúng lại phó chúc, nói kệ rồi viên tịch.

Nguyên Thiều

Từ Điển Đạo Uyển

元韶; 1648-1728, còn được gọi là Siêu Bạch Hoán Bích;
Thiền sư Trung Quốc thuộc tông Lâm Tế, đời pháp thứ 33. Sư là người đầu tiên truyền tông phong Lâm Tế sang miền Trung Việt Nam.
Sư xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Báo Tư, thụ giáo với Hoà thượng Bản Quả Khoáng Viên. Năm 1677, Sư theo thuyền đi từ Trung Quốc đến phủ Quý Ninh (Quy Nhơn) lập chùa Thập Tháp Di Ðà để dạy chúng. Sau đó, Sư lại ra Thuận Hoá lập chùa Hà Trung rồi lên Xuân Kinh lập chùa Quốc Ân và tháp Phổ Ðồng.
Sau, vì Cao tăng giáo hoá chúng hiếm hoi (có lẽ vì Thiền sư Hương Hải đã ra miền Bắc cùng với khoảng 50 đệ tử) nên Sư phụng mệnh sang Trung Quốc mời các danh tăng và thỉnh pháp khí. Sư về Quảng Ðông và mời được các vị nổi danh thời đó như Thạch Liêm, Hưng Liên Quả Hoằng, Giác Phong…
Ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân, niên hiệu Bảo Thái thứ 9 (1728), Sư có chút bệnh bèn gọi chúng lại phó chúc và nói kệ:
寂寂鏡無影。明明珠不容
堂堂物非物。蓼蓼空勿空
Tịch tịch kính vô ảnh
Minh minh châu bất dung
Ðường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không.
*Lẳng lặng gương không ảnh
Sáng sáng ngọc không hình
Rõ ràng vật không vật
Vắng lặng không chẳng không.
Nói xong, Sư ngồi yên viên tịch, thọ 81 tuổi. Ðồ chúng lập tháp ở chùa Kim Cang để thờ.* Một tháp khác cũng được lập tại Thuận Hoá. Chúa Nguyễn ban hiệu là Hạnh Ðoan Thiền Sư.
*Theo nguồn tài liệu của sử gia Nguyễn Hiền Ðức thì Sư ẩn vào Nam, có lẽ vì lí do chính trị thời đó, đến Ðồng Nai lập chùa Kim Cang hoằng hoá. Nhờ vậy mà Phật giáo Nam bộ bắt đầu hưng thịnh và lan rộng khắp nơi. Hệ thống truyền thừa còn tồn tại đến ngày nay. Tuy vậy, nguồn tài liệu này vẫn chưa được chính thức thừa nhận vì còn chứa nhiều điểm mâu thuẫn.

Nguyên Thủ

Từ Điển Đạo Uyển

元首; C: yuánshǒu; J: genshu;
Người đứng đầu, người lĩnh đạo, thủ lĩnh, nhà cai trị, quốc chủ, tối cao, thứ nhất, đầu tiên.

Nguyệt Am Tông Quang

Từ Điển Đạo Uyển

月菴宗光; J: gettan sōkō; 1326-1389;
Thiền sư Nhật Bản thuộc tông Lâm Tế, dòng Nam Phố Thiệu Minh (nampo jōmyō), hệ phái Diệu Tâm tự (myōshin-ji).
Sư sống cùng thời với Thiền sư Bạt Ðội Ðắc Thắng (bassui tokushō), sớm xuất gia và tham học với nhiều vị Thiền sư Nhật danh tiếng đương thời như Cổ Tiên Ấn Nguyên (kosen ingen), Mộng Song Sơ Thạch (musō soseki) và Cô Phong Giác Minh (kohō kakumō). Nơi Thiền sư Ðại Trùng Tông Sầm (大蟲宗岑; daichū sáshin), Sư triệt ngộ. Sau một thời gian dài chu du đây đó, Sư khai sáng thiền viện Ðại Minh (daimyō-ji) tại Tajima, tỉnh Hyōgo và bắt đầu cuộc đời giáo hoá vinh quang của mình.
Pháp ngữ của Sư được các môn đệ biên tập và lưu lại đến ngày nay và trong số đó có rất nhiều bài thuyết pháp dành cho giới Cư sĩ. Sư giữ quan niệm rằng, cư sĩ cũng có thể tu tập thiền với những kết quả khả quan và nếu họ tu tập với tất cả tấm lòng thì có thể vượt qua cả những vị tăng ni vì trong thời của Sư, rất nhiều vị xuất gia tu hành chỉ chú trọng đến việc học suông. Sư được xem là một tấm gương sáng, là một vị Thiền sư sống với quần chúng, sống vì quần chúng ngoài tăng đoàn. Ví dụ như Sư chẳng ngần ngại gì khi thuyết pháp cho một nữ Cư sĩ, vốn theo đuổi thực hành những nghi lễ rườm rà, ôm ấp nhiều khái niệm về thiên đường, địa ngục, cõi Phật… Chẳng đi quanh co, Sư giảng ngay về Tâm và Phật tính cho vị nữ cư sĩ này: “Tâm này chính là Phật. Tâm này từ vô thuỷ vô minh đến giờ chưa từng vướng mắc Phiền não. Nếu phiền não chẳng có thì cũng chẳng có pháp nào được chứng đắc khi đạt đạo. Và nếu như Giác ngộ cũng như phiền não không thật có thì tâm này chẳng bao giờ liên quan gì đến sinh tử Luân hồi… Chẳng có Vô minh để vượt qua, chẳng có vọng niệm nào phải đoạn diệt. Vì không có thiện ác nên thiên đường địa ngục cũng không tìm đâu ra. Vì phải cũng như trái đều không có nên cũng chẳng có Tịnh độ cũng như trần cảnh.”

Nguyệt đăng Tam-Muội Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

月燈三昧經; C: yuèdēng sānmèi jīng; J: gattō zammai kyō; S: samādhirāja-sūtra; t: chos thams cad kyi rang bzhin mnyam pa nyid rnam par spros pa ting nge ‘dzin gyi rgyal pa;
Kinh dạy cho Candrapradita Kumāra về pháp thiền đinh thù thắng nhất, trong đó giang giải rằng hành giả nếu đem hết công phu quán chiếu thâm sâu với tâm hoà hợp thì có thể đạt được giác ngộ. Trong 3 bản dịch tiếng Hán (tất cả đề cùng tên), chỉ có bản của Na-liên-đề Da-xá (s: narendrayaśas) là hoàn chỉnh, mặc dù bản nầy dường như hơi có rút ngắn lại hơn là dựa vào bản tiếng Phạn và bản tiếng Tây Tạng.
1. (Với tên khác) Nhập ư đại bi đại phương đẳng đại tập thuyết kinh (入於大悲大方等大集説經), Na-liên-đề Da-xá (那連提耶舍, s: narendrayaśas) dịch năm 557.
2. (Với tên khác) Đãi huệ tam muội kinh (逮慧三昧經), Tiên Công (先公) dịch; 1 quyển. Môt bản dịch khác của bản 6 quyển của Na-liên-đề Da-xá (s: narendrayaśas).
3. (Với tên khác) Văn-thù-sư-lợi Bồ Tát thập sự hạnh kinh (文殊師利菩薩十事行經), 1 quyển. Gồm phần trích từ quyển thứ 7 trong bản dịch của Na-liên-đề Da-xá. Về bản tiếng Anh của chương 8, xin xem Regamey (1938).

Nguyệt Quang

Từ Điển Đạo Uyển

月光; C: yuèguāng; J: gakkō;
Danh hiệu của một vị Bồ Tát.

Nguyệt Quang đồng Tử Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

月光童子經; C: yuèguāngtóngzǐjīng; J: gakkō-dōshikyō;
1 quyển. Theo truyền thống, thường gán cho Pháp Hộ (s: dharmapāla), nhưng theo những học giả hiện đại thì đó là một kinh văn nguỵ tác.

Nguyệt Tạng Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

月藏經; C: yuèzàng jīng; J: getsuzōkyō;
Xem Đại tập Nguyệt tạng kinh (大集月藏經).

Nguyệt Xứng

Từ Điển Đạo Uyển

月稱; S: candrakīrti; tk. 6/7;
Ðược xem là Luận sư quan trọng nhất trong tông Trung quán sau Long Thụ. Sư quê ở Nam Ấn, xuất gia từ lúc nhỏ tuổi. Nhân lúc đọc trứ tác của Long Thụ, Sư bỗng hiểu ý. Sau, Sư trở thành viện trưởng của Na-lan-đà và viết nhiều bài luận chú về các tác phẩm của Long Thụ. Các tác phẩm quan trọng của Sư là Minh cú luận (明句論; nguyên bản Phạn ngữ), Nhập trung quán luận (入中觀論). Tương truyền rằng, trong một cuộc hành trình truyền Pháp về hướng Nam, Sư đã giáo hoá rất nhiều người. Sư sống rất thọ, nhưng chắc chắn là không thọ đến 300 (!) tuổi như sử sách Tây Tạng thuật lại.
Các tác phẩm còn lưu lại của Sư (trích): 1. Minh cú luận (s: prasannapadā), gọi đủ là Trung quán minh cú luận (s: madhyamakavṛtti-prasannapadā), tác phẩm chú giải Trung quán luận (madhyamaka-śāstra) của Long Thụ (nāgārjuna) duy nhất bằng nguyên văn Phạn ngữ (sanskrit), bản Tạng ngữ cũng còn; 2. Nhập trung quán luận (madh-yamakāvatāra), chỉ còn bản Tạng ngữ; 3. Nhập trung luận thích (madhyamakāvatāra-bhāṣya), chỉ còn bản Tạng ngữ; 4. Nhân duyên tâm luận thích (pratītya-samutpāda-hṛdaya-vṛtti), một tác phẩm chú giải Nhân duyên tâm luận tụng (pratītyasamut-pāda-hṛdaya-kārikā), được xem là của Long Thụ, chỉ còn bản Tạng ngữ; 5. Thất thập không tính luận thích (śūnyatā-saptativṛtti), chú giải Thất thập không tính luận (śūnyatā-saptati) của Long Thụ. Long Thụ (và Parahita) cũng có soạn một tác phẩm dưới tên này. Chỉ còn bản Tạng ngữ; 6. Lục thập tụng như lí luận thích (yukti-ṣaṣṭhikā-vṛtti), luận giải Lục thập tụng như lí luận (yukti-ṣaṣṭhikā), một tác phẩm được xem là của Long Thụ, chỉ còn bản Tạng ngữ; 7. Bồ Tát du-già hành tứ bách luận thích (bo-dhisattvayogācāra-catuḥśataka-ṭīkā), chú thích bộ Tứ bách luận (catuḥśataka) của Thánh Thiên (āryadeva), chỉ còn bản Tạng ngữ; 8. Trung quán luận tụng (madhyamaka-śāstra-stuti).

Nhậm (nhiệm)

Từ Điển Đạo Uyển

任; C: rèn; J: nin;
Có các nghĩa sau: 1. Từ chức, giao lại; 2. Đảm nhận một công việc hoặc vai trò; 3. Nhường vị trí của mình cho một người khác. Đảm nhận một vai trò và trách nhiệm trong đời sống. “Sự đảm đương”; 4. Gọi tắt của từ Nhậm vận (任運), nghĩa là sự việc được phát khởi một cách ngẫu nhiên, không do bởi sự tạo tác của tâm thức phân biệt hiện tại (theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Nhậm Bệnh

Từ Điển Đạo Uyển

任病; C: rènbìng; J: ninbyō;
Bệnh “để mặc”. Một trong 10 kiến chấp sai lầm được trình bày trong chương thứ 10 của kinh Viên Giác.

Nham Ðầu Toàn Hoát

Từ Điển Đạo Uyển

巖頭全豁; C: yántóu quánhuò; J: gantō zenkatsu; 828-887;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ xuất sắc của Ðức Sơn Tuyên Giám Thiền sư. Thiền sư Thuỵ Nham Sư Ngạn là người nối pháp của Sư.
Sư họ Kha, quê ở Tuyền Châu, xuất gia lúc còn nhỏ tuổi. Sau, Sư du phương, kết bạn cùng Tuyết Phong Nghĩa Tồn và Khâm Sơn Văn Thuý Thiền sư (Sư và Tuyết Phong trở thành hai môn đệ hàng đầu của Ðức Sơn, Khâm Sơn sau đến Ðộng Sơn Lương Giới thụ pháp). Nơi Ðức Sơn, Sư ngộ yếu chỉ thiền. Cùng với Tuyết Phong, Sư đến từ giã Ðức Sơn, Ðức Sơn hỏi: “Ði về đâu?” Sư thưa: “Tạm từ Hoà thượng hạ sơn.” Ðức Sơn hỏi: “Con về sau làm gì?” Sư thưa: “Chẳng quên” Ðức Sơn lại hỏi: “Con nương vào đâu nói lời này?” Sư thưa: “Ðâu chẳng nghe: ›Trí vượt hơn thầy mới kham truyền trao, trí ngang bằng thầy, kém thầy nửa đức.‹” Ðức Sơn bảo: “Ðúng thế! Ðúng thế! Phải khéo hộ trì.” Sau khi rời Ðức Sơn, Sư đến núi Ngọa Long Ðộng Ðình cất am. Học giả đến học tấp nập.
Có một vị tăng mới đến, Sư hỏi: “Từ đâu đến?” Tăng thưa: “Từ Tây Kinh đến.” Sư hỏi: “Sau trận giặc Hoàng Sào lại lượm được kiếm chăng?” Tăng thưa: “Lượm được.” Sư đưa cổ ra làm thế nhận chặt, tăng nói: “Ðầu thầy rơi.” Sư cười to.
Sư dạy chúng: “Phàm việc trong đại tổng cương tông phải biết cú. Nếu chẳng biết cú khó hội được câu nói. Cái gì là cú? Khi trăm việc chẳng suy nghĩ, gọi là chính cú, cũng gọi là cư đỉnh (ở trên đỉnh), là được trụ, là rõ ràng, là tỉnh tỉnh, là chắc thật, là khi Phật chưa sinh, là đắc địa… Phá tất cả thị phi sẽ được tự do tự tại với những gì còn đối đãi. Nếu nhìn chẳng thấu liền bị người đâm đui mắt…”
Sau này có người hỏi Phật, hỏi pháp, đạo, thiền, Sư đều “Hư!” lên một tiếng. Sư thường bảo chúng: “Khi Lão già này đi sẽ rống lên một tiếng.”
Ðời Ðường, niên hiệu Quang Khải, giặc cướp lộng hành, chúng tăng đều lánh đi nơi khác. Sư vẫn an nhiên ở lại. Giặc cướp đến, thấy không có gì lấy được, tức giận đâm Sư. Sư không đổi thần sắc, chỉ rống lên một tiếng xa mười dặm rồi tịch. Tiếng rống của Sư nổi danh trong lịch sử của Thiền tông, và đã gây thắc mắc cho nhiều thiền sinh đời sau (Bạch Ẩn Huệ Hạc).

Nhậm Trì

Từ Điển Đạo Uyển

任持; C: rénchí; J: ninji; S: ādhāna, dhāraṇa, dhṛti.
Giữ gìn, duy trì, bảo tồn, hộ trì.

Nhậm Vận

Từ Điển Đạo Uyển

任運; C: rènyùn; J: nin’un;
Có các nghĩa sau: 1. Cam chịu số phận; 2. Tự nhiên, vốn đã như vậy. Hiện hữu một cách tự nhiên. (Pháp nhĩ 法爾). Không gắng sức, không dụng công; 3. Bẩm sinh, sinh ra đã…; cùng nương với nhau mà sinh khởi, đồng nghĩa với Câu (倶).

Nhậm Vận Khởi

Từ Điển Đạo Uyển

任運起; C: rényùnqǐ; J: ninunki;
Sinh khởi trên cơ sở tự tính; (phiền não) vốn đã sinh khởi; phiền não câu sinh. Câu sinh khởi (倶生起, theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Nhậm Vận Phiền Não

Từ Điển Đạo Uyển

任運煩惱; C: rényùnfánnăo; J: nin’un bonnō;
Đồng nghĩa với: 1. Câu sinh phiền não. Phiền não có sẵn, có từ đời sống trước, khác hẳn với phiền não mới phát sinh do tâm phân biệt hiện hành. Phiền não nầy phát sinh đồng thời với thức thứ bảy (mạt-na thức, theo Nhị chướng nghĩa 二障義); 2. Không nhất thiết phân biệt như trong mục 1, nhưng đặc biệt được định nghĩa như là Ngã với ba thứ kiến chấp của nó, Tát-cada kiến (薩迦耶見), Ngã mạn (我慢), và Ngã ái (我愛). Được nói là Câu sinh phiền não được giải trừ ở giai vị Tu đạo (修道, vì quá vi tế, không thể giải trừ ở giai vị Kiến đạo 見道; theo Du-già luận).

Nhậm Vận Sở Khởi

Từ Điển Đạo Uyển

任運所起; C: rényùn suǒqǐ; J: ninnun sho-ki;
Sự việc được phát sinh một cách tự nhiên (ngẫu nhiên, bẩm sinh). Đồng nghĩa với Câu sinh khởi (倶生起).

Nhân

Từ Điển Đạo Uyển

人; C: rén; J: nin, jin;
Người, loài người. Tha nhân. Theo thuật ngữ Phật học, có hai nghĩa: 1. Loài người, chúng sinh, loài hữu tình trong Dục giới, do gieo nhân trong quá khứ mà được thân người hiện tại. Là một trong sáu nơi (Lục đạo 六道) mà chúng sinh sẽ sinh về sau khi chết; 2. Ngã, bản ngã. Cá nhân như một hữu thể; linh hồn. Chấp vào sự hiện hữu của cá nhân mình (ngã chấp).

Nhân

Từ Điển Đạo Uyển

仁; C: rén; J: jin;
Có các nghĩa sau: 1. Lòng tốt, lòng từ, nhân đức, nhân đạo, lòng tốt bẩm sinh của con người; 2. Đạo lí cơ bản để làm người; 3. Đức tính mà mọi người tốt đều nhắm đến; 4. Người có đức hạnh tốt; 5. Tâm thể của con người; [Thuật ngữ Phật học] 6. “Ngài”, tiếng xưng hô kính trọng với những người có địa vị cỡ ngang mình, hoặc cao hơn một chút.

Nhẫn

Từ Điển Đạo Uyển

忍; S: kṣānti; P: khanti;
Một trong mười hạnh Ba-la-mật-đa (Lục độ). Nhẫn nhục có nghĩa kiên trì chịu đựng sự căm ghét hay phỉ báng của kẻ khác, chịu sự khổ ải mà không mất đạo tâm tinh tiến.

Nhân Chấp

Từ Điển Đạo Uyển

人執; C: rénzhí; J: ninshū;
Chấp vào bản ngã; chấp vào sự hiện hữu như một con người. Thuật ngữ thường đề cập là Ngã chấp (我執). Nhân ngã chấp (人我執; theo Du-già luận 瑜伽論).

Nhân Dân

Từ Điển Đạo Uyển

人民; C: rénmín; J: ninmin; S: manuṣya; P: ma-nussā.
Loài người nói chung. Hàng phàm phu (s: manuṣya; p: manussā; theo kinh Pháp Hoa).

Nhân Duyên

Từ Điển Đạo Uyển

因緣; S: hetuprātyaya; J: innen;
Nghĩa là cái lí do chính (nhân; s: hetu) và các điều kiện phụ trợ giúp (duyên; s: prātyaya); danh từ này được sử dụng trong các trường phái Phật giáo để làm sáng tỏ luật Nhân quả, Nghiệp (s: karma).

Nhân đạo

Từ Điển Đạo Uyển

人道; C: réndào; J: nindō;
Cõi giới được tái sinh làm người. Một trong sáu cõi chúng sinh đi đầu thai (s: mānuṣya-gati). Xem Nhân gian (人間), Lục đạo (六道).

Nhân đầu Tràng

Từ Điển Đạo Uyển

人頭幢; C: réntóuchuáng; J: nintōtō;
Dịch chữ daṇḍa từ tiếng Phạn (sanskrit) và Pa-li. Đàn-noa (檀拏).

Nhân Giả

Từ Điển Đạo Uyển

仁者; C: rénzhě; J: jinsha;
“Ngài”, tiếng xưng hô kính trọng với những người có địa vị ngang hoặc hơn mình một chút.

Nhân Gian

Từ Điển Đạo Uyển

人間; C: rénjiān; J: ningen;
Có các nghĩa: 1. Người, loài người; 2. Nơi loài người sinh sống, thế gian; 3. Loài người (s: manuṣya, manuṣa), phiên âm là Mạt-nô-sa (末奴沙), Ma-nô-xà (摩奴闍)… và còn được dịch là Nhân gian giới (人間界), Nhân giới (人界), Nhân thú (人趣), Nhân đạo (人道) và Thế gian (世間). Một trong 6 nơi (Lục đạo 六道), năm đường (Ngũ thú 五趣), hoặc mười cõi (Thập giới 十界) mà loài hữu tình thụ sinh; 4. Ở ngay trong thế giới loài người.

Nhân Gian Giới

Từ Điển Đạo Uyển

人間界; C: rénjiānjiè; J: ningenkai;
Cõi con người sinh sống. Nhân giới (人界).

Nhân Giới

Từ Điển Đạo Uyển

人界; C: rénjiè; J: ninkai;
Nơi loài người sinh sống, là một trong mười giới (Thập giới 十界).

Nhân Không

Từ Điển Đạo Uyển

人空; C: rénkōng; J: ningū;
Không có một ngã tính hiện hữu riêng biệt, thường hằng; cũng thường được gọi là Ngã không (我空) và Nhân vô ngã (人無我). Trong Phật giáo Đại thừa, điều nầy được nhận thấy trước tiên, nhưng không là một cấp bậc nhìn nhận tính không một cách rốt ráo, mới mức độ kế tiếp là Pháp không (法空). (Theo Phật tính luận 佛性論)

Nhân Không Quán

Từ Điển Đạo Uyển

人空觀; C: rénkōngguān; J: ningūkan;
Pháp quán sát về không có một ngã tính hiện hữu thường hằng, nhất định; hay là chúng sinh có một ngã tính. Pháp quán nầy là sơ khởi, sâu hơn là pháp quán các pháp không tồn tại trên cở sở tự tính (Pháp không quán 法空觀).

Nhân Ngã

Từ Điển Đạo Uyển

人我; C: rénwǒ; J: ninga;
1. Quan niệm (sai lầm về) bản ngã, nghĩa là quan niệm có một cá nhân hiện hữu, một bản ngã tồn tại riêng biệt; 2. Theo triết học của phái Số luận (s: sāṃkhya), đó là ý niệm về một linh hồn (phi vật chất).

Nhân Ngã Chấp

Từ Điển Đạo Uyển

人我執; C: rénwǒzhí; J: ningashū;
Tin rằng có sự hiện hữu của một bản ngã, hay của cá nhân, còn gọi là Nhân ngã kiến (人我見). Đây là một kiến chấp rất nặng, nhưng cũng còn được xem là ít vi tế hơn Pháp ngã chấp (法我執).

Nhân Ngã Kiến

Từ Điển Đạo Uyển

人我見; C: rénwǒjiàn; J: ningaken;
Có hai nghĩa sau: 1. Quan niệm cố chấp có một bản ngã hiện hữu riêng biệt, đó là một kiến chấp sai lầm. Thường sánh đôi với từ Pháp ngã kiến (法我見), kiến chấp sai lầm vi tế hơn về các pháp; 2. Chấp vào cảm nhận chủ quan.

Nhân Phi Nhân

Từ Điển Đạo Uyển

人非人; C: rénfēirén; J: ninhinin;
“Người mà cũng không phải người.” Có hai nghĩa: 1. Một từ đề cập tổng quát đến tám loại quỷ thần; 2. Đặc biệt đề cập đến loài Khẩn-na-la (緊那羅; s: kiṃnara).

Nhân Quả

Từ Điển Đạo Uyển

因果; J: inga;
Là “nguyên nhân và kết quả”; trong Thiền tông – một tông phái với một cơ sở siêu thời gian và không gian, đặc biệt chú trọng đến kinh nghiệm trực nhận – người ta thường sử dụng câu “Nhân quả nhất như” (因果一如; j: inga ichinyo), nghĩa là nhân quả là một (Nghiệp).

Nhân Sư Tử

Từ Điển Đạo Uyển

人師子; C: rénshīzǐ; J: ninshishi;
“Sư tử trong loài người”, một trong những danh hiệu của đức Phật, ví đức tính thẳng thắn, dũng mãnh của Ngài như tính can đảm của loài sư tử.

Nhân Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

人天; C: réntiān; J: ninden;
“Người và Trời”. Hai trong năm (hoặc sáu) nơi mà loài hữu tình tái sinh. Được sinh vào trong hai cõi giới nầy thường được xem là có được quả báo do tạo những “nghiệp lành”; khác với tạo “nghiệp ác”, sẽ có quả báo sinh vào những cõi thấp kém hơn; hoặc là khi đã chuyển hoá toàn bộ nghiệp chướng, sẽ có quả báo sinh vào cảnh giới bậc Thánh (A-la-hán, Duyên Giác, Phật…).

Nhân Thiên Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

人天教; C: réntiān jiāo; J: ninden kyō;
Giáo lí dành cho loài người và trời, giáo pháp đầu tiên trong Năm giáo pháp (Ngũ giáo) do Thiền sư Tông Mật (宗密) sắp xếp. Đó là những giáo lí căn bản về quả báo, để khuyến khích con người có thú hướng sinh về cõi người vã cõi trời.

Nhân Thiên Nhãn Mục

Từ Điển Đạo Uyển

人天眼目; C: réntiān yănmù; J: ninden gan-moku;
Tác phẩm gồm 6 quyển của Trí Chiêu (智昭).

Nhân Thú

Từ Điển Đạo Uyển

人趣; C: rénqù; J: ninshu;
Cõi người, nhân gian (人間), nơi thụ sinh làm người (s: manuṣya-gata). một cõi trong lục đạo, lục thú.

Nhân Vô Ngã

Từ Điển Đạo Uyển

人無我; C: rén wúwǒ; J: ninmuga; S: pudgala-nairātmya, anātman;
Sự hiện hữu của con người là hợp thể của Ngũ uẩn, nên không có một chủ thể nào là thường hằng.

Nhân Vương Bát-Nhã Ba-La-Mật Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

仁王般若波羅蜜經; C: rénwáng bōruò bōluómì jīng; J: ninō hanyaharamitsukyō;
Tên gọi đầy đủ trong Đại Chính tân tu đại tạng là Phật thuyết nhân vương bát-nhã ba-la-mật kinh (佛説仁王般若波羅蜜經); thường được gọi tắt là Nhân vương kinh (仁王經), 2 quyển, được Cưu-ma-la-thập (鳩摩羅什; s: kumārajīva) dịch sang Hán văn.

Nhân Vương Bát-Nhã Kinh Sớ

Từ Điển Đạo Uyển

仁王般若經疏; C: rénwáng bānruòjīng shū; J: jinou hannyakyō so;
Gồm 6 quyển, được Cát Tạng (吉蔵) biên soạn.

Nhân Vương Hộ Quốc Bát-Nhã Ba-La-Mật Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

仁王護國般若波羅蜜經; C: rénwáng hùguó bānruò bōluómì jīng; J: ninnō gokoku hannya haramitsu kyō;
Kinh, gồm 2 quyển, được Bất Không (不空) dịch. Là một bộ kinh trí huệ về một vị vua nhân đức hộ trì cho đất nước mình. Có lẽ xuất xứ biên soạn kinh là ở Đông Nam Á. Nội dung kinh gồm có những giải thích về Thập tam không (十三空), Thập tứ nhẫn (十四忍), Nhị đế (二諦).

Nhân Vương Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

仁王經; C: rénwáng jīng; J: ninōgyō;
1. Tên gọi tắt của Nhân vương bát-nhã Ba-la-mật kinh (仁王般若波羅蜜經), được Cưu-ma La-thập (鳩摩羅什; s: kumārajīva) dịch; 2. Tên gọi tắt của Nhân vương hộ quốc bát-nhã ba-la-mật kinh (仁王護國般若波羅蜜經), được Bất Không (不空) dịch.

Nhập A-Tì-đạt-Ma Luận

Từ Điển Đạo Uyển

入阿毘達磨論; C: rù āpídámó lùn; J: nyū abidatsuma ron; S: abhidharma-āvatārapraka-raṇa;
2 quyển; của Tắc-kiến Đà-la (塞建陀羅; s: skandhila); Huyền Trang dịch năm 658. Luận giải được cho là bản giới thiệu về Câu-xá luận (倶舍論; s: abhidharmakośa-bhāṣya), đặc biệt tập trung vào khuôn khổ cấu trúc của 75 pháp (七十五法). Theo Nakamura, những đoạn trong bản được tìm thấy tại Tocharian và bản Tây Tạng cho biết Huyền Trang đã dịch chưa hoàn chỉnh luận nầy. Đã có bản dịch Pháp văn của Van Velthem căn cứ vào bản tiếng Hán và Tây Tạng.

Nhập Bồ-đề Hành Luận

Từ Điển Đạo Uyển

入菩提行論; S: bodhicaryāvatāra; cũng thường được gọi ngắn là Bồ-đề hành luận hoặc Nhập Bồ Tát hạnh luận (s: bodhisattvacaryāva-tāra);
Một tác phẩm của Tịch Thiên (s: śāntideva) rất được coi trọng trong Phật giáo Tây Tạng. Tác phẩm này nêu lên những nét tiêu biểu nhất của Ðại thừa. Bộ sách này được chia thành mười chương và đặc biệt chương thứ 9 nói về lập trường của Trung quán tông (cũng được gọi là Không tông; s: śūnyatāvāda). Văn tự của tác phẩm này rất dễ tiếp thu và có sức truyền cảm sâu đậm mặc dù nó bao hàm rất nhiều lí thuyết khó diễn bày. Có lẽ vì vậy nên Nhập bồ-đề hành luận được lưu truyền và tụng niệm hằng ngày ở Tây Tạng, Mông Cổ, Miến Ðiện, Nepāl. Ðạt-lại Lạt-ma thứ 14 cũng rất nhiều lần diễn thuyết và bình luận tác phẩm này trong những dịp sang châu Âu, Mĩ.
Tịch Thiên miêu tả rất rõ ràng nếp sống của một Bồ Tát, từ lúc phát Bồ-đề tâm thực hành Lục độ cho đến khi đạt trí huệ Bát-nhã. Ðặc biệt là Sư rất đề cao việc phát Bồ-đề tâm, cứu độ tất cả chúng sinh (ba trong mười chương đầu). Ðiều đó cho thấy, Sư không chủ ý viết một quyển sách lí thuyết khô khan. Nhập bồ-đề hành luận là một bài hướng dẫn hành động cụ thể mà ai cũng có thể thực hiện được.

Nhập Diệt

Từ Điển Đạo Uyển

入滅; C: rùmiè; J: nyūmetsu;
Có hai nghĩa: 1. Thể nhập vào cõi vắng lặng, sự tịch diệt hoàn toàn thân tâm trong cảnh giới trí huệ tột cùng. Cũng như Nhập tịch (入寂; s: parinirvṛta); 2. Sự tịch diệt của một vị cao tăng Phật giáo.

Nhập đại Thừa Luận

Từ Điển Đạo Uyển

入大乘論; C: rù dàshéng lùn; J: nyū daijō ron;
Luận; gồm 2 quyển; do Kiên Ý (堅意) soạn; Đạo Thái (道泰) cùng nhiều vị khác soạn dịch.

Nhập Lăng-Già Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

入楞伽經; C: rù lèngqié jīng; J: nyū ryōga kyō; S: laṅkāvatāra-sūtra;
Một bộ kinh Ðại thừa, đặc biệt nhấn mạnh đến tính giác ngộ nội tại, qua đó mọi hiện tượng nhị nguyên đều biến mất, đạt tâm vô phân biệt. Ðó là tâm thức đã chứng được Như Lai tạng (s: tathāgata-garbha) vốn hằng có trong mọi loài. Kinh này chỉ rõ văn tự không đóng vai trò quan trọng gì trong việc trao truyền giáo pháp.
Kinh này có ba bản dịch Hán ngữ: 1. Bản dịch của Cầu-na Bạt-đà-la (s: guṇabhadra) dưới tên Lăng-già A-bạt-đa-la bảo kinh (楞伽阿跋佗羅寶經) 4 quyển; 2. Bản của Bồ-đề Lưu-chi (s: bodhiruci) với tên Nhập Lăng-già kinh (入楞伽經), 10 quyển; 3. Ðại thừa nhập Lăng-già kinh (大乘入楞伽經) của Thật-xoa Nan-đà (śikṣānanda), 7 quyển.
Những thuyết trong kinh này rất gần với quan điểm của Thiền tông. Cùng với kinh Kim cương bát-nhã ba-la-mật-đa và Ðại thừa khởi tín luận (s: mahāyānaśraddhotpāda-śāstra), kinh Nhập Lăng-già là một trong những bộ kinh Ðại thừa có ảnh hưởng lớn đến Thiền tông Trung Quốc. Người ta cho rằng bộ kinh này do Bồ-đề Ðạt-ma (bodhi-dharma), Sơ tổ thiền Trung Quốc chính tay truyền cho Nhị tổ Huệ Khả. Ngay cả giáo pháp tiệm ngộ (giác ngộ từng bậc) của Thần Tú cũng bắt nguồn từ kinh Nhập Lăng-già này.
Kinh bao gồm 9 chương văn xuôi trộn lẫn với các câu kệ và một chương chỉ toàn văn vần. Kinh này lần đầu được dịch ra Hán văn trong thế kỉ thứ 5. Kinh Nhập Lăng-già được Phật thuyết tại Tích Lan, theo lời mời của một nhà vua xứ này, trong đó Phật trả lời những câu hỏi của Bồ Tát Ðại Huệ (mahāmati). Giáo pháp trong kinh này là nền tảng của Duy thức tông (s: yogācāra, vijñānavāda).

Nhập Lăng-Già Tâm Huyền Nghĩa

Từ Điển Đạo Uyển

入楞伽心玄義; C: rùlèngqiéxīn xuányì; J: nyūryōgashin gengi;
Luận giải về kinh Lăng-già (s: laṅkāvatāra-sūtra) của Pháp Tạng (法藏), 1 quyển.

Nhập Quán

Từ Điển Đạo Uyển

入觀; C: rùguān; J: nyūkan;
An trú trong thiền định. Ngược với Xuất quán (出觀, theo Kim Cương tam-muội luận 金剛三昧論).

Nhập Thai

Từ Điển Đạo Uyển

入胎; C: rùtāi; J: nyūtai;
Vào thai mẹ (s: garbha-avakrānti). Nhập thai tướng (入胎相).

Nhập Thai Tướng

Từ Điển Đạo Uyển

入胎相; C: rùtāixiāng; J: nyūtaisō;
Một trong 8 giai đoạn (Bát tướng 八相) của cuộc đời Phật Thích-ca Mâu-ni. Ngài từ cung trời Đâu-suất nhập vào thai mẹ là Hoàng hậu Ma-da (s: māya). Cũng gọi là Thác thai (托胎).

Nhập Tịch

Từ Điển Đạo Uyển

入寂; C: rùjí; J: nyūjaku;
Thể nhập vào cõi vắng lặng, niết-bàn (涅槃). Có hai nghĩa: 1. Mục đích tu tập của hàng Nhị thừa, rốt ráo là thân tâm tịch diệt không còn dấu vết; 2. Sự tịch diệt của một vị cao tăng đồng nghĩa với Nhập diệt (入滅).

Nhập Trú

Từ Điển Đạo Uyển

入住; C: rùzhù; J: nyūjū;
Có hai nghĩa: 1. Thể nhập vào và an trụ; giai vị Nhập trú (theo Câu-xá luận 倶舎論); 2. Thể nhập giai vị Thập trú (theo kinh Hoa Nghiêm).

Nhất

Từ Điển Đạo Uyển

一; C: yī; J: ichi;
1. Một, số một, đơn độc (s: eka; t: gcig); 2. Một người nào đó, một vật nào đó (s: ekatya); 3. Giống nhau; số ít, một người, một loại (s: ekadhya).

Nhất âm Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

一音教; C: yīyīnjiāo; J: ittonkyō;
Còn gọi là: Nhất viên giáo (一圓教). Giáo lí của chư Phật là nhất như. Tư tưởng nầy do Bồ-đề Lưu-chi (菩提流支; s: bodhiruci) lập ra khi sư đến Trường An vào khoảng 502 sau CN. Sở dĩ có nhiều giáo lí như Tiểu thừa-Đại thừa, Không-Hữu là do căn cơ và tính tình của chúng sinh.

Nhật Bản Ðạt-Ma Tông

Từ Điển Đạo Uyển

日本達磨宗; J: nihon (nippon) daruma-shū;
Một trường phái thiền nhỏ của Nhật Bản được Thiền sư Ðại Nhật Năng Nhẫn (j: dai-nichi nōnin) sáng lập. Tông này được thành lập dựa vào tông Lâm Tế của Trung Quốc và nổi danh là một tông với phương pháp tu tập chân chính.
Tông này không tồn tại được bao lâu vì sau khi thiền đường của họ bị thiêu huỷ (1928) sau một sự tranh chấp với các vị tăng chùa Hưng Phúc (kōfukuji) và sau khi Thiền sư Cô Vân Hoài Trang (j: koun ejō) đến Ðạo Nguyên Hi Huyền (dōgen kigen) tham học. Một thời gian sau, các vị đệ tử quan trọng của Giác Yển (kakuan) – vị kế thừa thứ hai của tông này – như Triệt Thông Nghĩa Giới (tettsū gikai), Nghĩa Diễn (義演; gi’en), Hàn Nham Nghĩa Doãn (寒巖義尹; kangan gi’-in),… đều đến gia nhập dòng thiền Tào Ðộng của Ðạo Nguyên.
Tông này chủ trương “Kiến tính thành phật” (見性成佛; kenshō jōbutsu) và “Kiến tính linh tri” (見性靈知; kenshō reichi), rất chú tâm đến hai bộ kinh Viên giác (engakkyō) và Thủ-lăng-nghiêm (shuryōgongyō). Thiền sư Giác Yển thường trích những phần trong hai bộ kinh này làm tài liệu giảng dạy. Một đặc điểm của tông này nữa là sự tu tập thiền thuần tuý, tránh không pha trộn với những khuynh hướng tu tập thịnh hành khác thời bấy giờ như niệm danh Phật A-di-đà, thực hành các nghi lễ theo Chân ngôn tông (shingon-shū). Tuy vậy, họ cũng không tránh được các ảnh hưởng của các tông giáo khác biệt này và chính sự pha trộn giáo lí của Thiền sư Triệt Thông Nghĩa Giới (tettsū gikai) sau này tại Vĩnh Bình tự (eihei-ji) – Thiền Tào Ðộng của Ðạo Nguyên và Mật giáo – là nguyên do chính của sự chia rẽ của tông Tào Ðộng thế hệ thứ ba sau này.

Nhất Biến

Từ Điển Đạo Uyển

一遍; C: yībiàn; J: ippen;
Thiền sư Nhật Bản, được xem là vị tổ của Thời tông (時宗), một phái của Tịnh độ Phật giáo, có chùa chính là Du Hành tự ở Fujisawa.
Nhất Biến sinh ra trong thời đại quận công Ehime và được học tập rất sớm với với một đệ tử của Pháp Nhiên. Sư xuất gia rồi hoàn tục một lần, nhưng sau đó thay đổi ý định. Sau khi hành hương đến Thiện Quang tự (善光寺; j: zenkōji) ở quận Nagano, sư đến một ngôi chùa hẻo lánh ở Ehime, thực hành pháp tu rất nghiêm mật, cuối cùng, Sư đạt được sự an trú toàn vẹn nơi Phật A-di-đà. Qua kinh nghiệm của mình, Sư trở nên rất tự tin cho rằng với bất kì tầng bực thiết tha tu tập của bất cứ căn cơ nào của chúng sinh, dù nam hay nữ, họ đều có thể được vãng sinh ở Tịnh độ, dù chỉ bằng công đức trì niệm một danh hiệu đức Phật A-di-đà. Sau đó, sư đi khắp nơi trong nước, phát cho mọi người những tờ giấy ghi chép lời chỉ dạy căn bản cho pháp tu Tịnh độ. Có đến hàng ngàn người hành trì theo sự khuyến giáo của sư. Khi biết mình sắp viên tịch vào năm 51 tuổi, sư đốt tất cả nhưng gì sư đã trước tác, nên nay chẳng còn tác phẩm nào của sư lưu hành.

Nhất Bút Tam Lễ

Từ Điển Đạo Uyển

一筆三禮; C: yībǐ sānlǐ; J: ippitsu sanrai;
Nhất đao tam lễ (一刀三禮).

Nhất Cá Bán Cá

Từ Điển Đạo Uyển

一個半個; C: yīgě bàngě; J: ichigohango;
Một thành phần rất nhỏ; rất ít.

Nhất Chỉ Tiểu Tiêu Tức

Từ Điển Đạo Uyển

一紙小消息; C: yīzhǐ xiǎoxiāoxí; J: isshi koshōsoku;
Một lá thư riêng của Pháp Nhiên gởi cho một đệ tử của mình ở Kuroda, được lưu lại trong tông môn Tịnh độ, được dùng cho đến ngày nay để chỉ dạy cho những hành giả trong tông môn này. Ngược với bài viết Nhất Mai khởi thỉnh văn (一枚起請文; j: ichimai kishomon), thư này bày tỏ lòng nhiệt thành từ kinh nghiệm cá nhân của Pháp Nhiên về hiệu nghiệm của pháp tu Niệm Phật (念佛; j: nembutsu). Cả hai bản văn Nhất chỉ tiểu tiêu tức và Nhất mai khởi thỉnh văn đều được chư tăng ngày nay sử dụng trong công phu hằng ngày.

Nhất Cú Tri Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

一句知教; tk. 16-17
Thiền sư Trung Quốc thuộc tông Tào Ðộng pháp hệ thứ 35. Sư đắc pháp nơi Thiền sư Tịnh Chu ở An Kiết. Một trong những đệ tử đắc pháp của Sư là Thiền sư Thông Giác, người Việt Nam. Với Thông Giác, Thiền Tào Ðộng được truyền sang miền Bắc Việt Nam lần đầu tiên.
Trong thời du phương, Sư có dịp yết kiến Thiền sư Tịnh Chu và đắc pháp nơi đây.
Sau, Sư từ biệt thầy về núi Phụng Hoàng, Hồ Châu giáo hoá. Nơi đây, Sư khai đường dạy chúng. Học giả bốn phương quy tụ về đây rất đông.
Sắp tịch, Sư truyền pháp cho đệ tử Thông Giác và bài kệ:
春色色草茸茸
萬宇枝條開切切。一莖楊發產重重
水浸月圓澄海底。山頭日出露巖峰
Xuân sắc sắc, thảo nhung nhung
Vạn vũ chi điều khai thiết thiết
Nhất hành dương phát sản trùng trùng
Thuỷ tẩm nguyệt viên trừng hải để
Sơn đầu nhật xuất lộ nham phong.
*Xuân sặc sỡ, cỏ như nhung
Khắp chốn ngàn cây bông trổ gấp
Một cành dương liễu nẩy trùng trùng
Trăng chìm đáy biển nước sóng lặng
Ðỉnh núi nhật lên bày chót cao.
Nói kệ xong, Sư từ giã chúng ngồi yên mà hoá.

Nhất Cửu

Từ Điển Đạo Uyển

一九; C: yījiǔ; J: ichikū;
Một cách gọi xưng danh Phật A-di-đà của tông Chân Ngôn.

Nhất Dị

Từ Điển Đạo Uyển

一異; C: yīyì; J: ichi-i;
Một và nhiều; đồng nhất và dị biệt.

Nhất đại

Từ Điển Đạo Uyển

一代; C: yīdài; J: ichidai;
Nghĩa là một thời đại, có liên hệ đến bậc giáo chủ của thời đại này là Phật Thích-ca Nâu-ni.

Nhất đại Tam đoạn

Từ Điển Đạo Uyển

一代三段; C: yīdài sānduàn; J: ichidai-sandan;
Chỉ ba thời đoạn giáo hoá của đức Phật, được hiểu là thời gian đầu, những pháp hội chính và thời gian trước khi ngài nhập Niết-bàn.

Nhất đại Tạng Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

一大藏教; C: yīdàcángjiāo; J: ichidaizōkyō;
Toàn bộ giáo lí nhà Phật được chứa trong Ðại tạng, trong Tam tạng.
Thiền sư Viên Ngộ Khắc Cần trình bày như sau trong Bích Nham lục, lời thuỳ thị của Công án thứ hai: Ngay cả chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai — chư vị cũng chỉ tự biết. Các vị Tổ sư từ đời này sang đời khác — họ cũng không thể trình bày toàn vẹn. Nhất đại tạng giáo và những bài chú giải cũng không thể nào diễn bày hết tất cả. Và cũng có nạp tăng tự cho mình có mắt sáng — họ không biết tự cứu như thế nào (設使三世諸佛只可自知,暦代祖師全提不起,一大藏教詮注不及,明眼衲僧自救不了).

Nhất đạo Nghĩa

Từ Điển Đạo Uyển

一道義; C: yīdàoyì; J: ichidougi;
Luận nói về giáo lí Nhất thừa của Nguyên Hiểu (元曉; k: wǒnhyo).

Nhất đao Tam Lễ

Từ Điển Đạo Uyển

一刀三禮; C: yīdāo sānlǐ; J: ittō sanrai;
Nghĩa là một nhát đao hạ xuống thực hiện ba lễ. Khi tạc hình tượng Phật, đều phải đảnh lễ Tam bảo ba lần trước khi thực hiện mỗi nét chạm khắc. Tương tự cũng có thành ngữ Nhất bút tam lễ (一筆三禮) và Nhất tự tam tạng (一字三蔵) biểu thị cùng một quy tắc cho giới hoạ sĩ và văn sĩ.

Nhất Hạnh

Từ Điển Đạo Uyển

一行; 683-727; cũng được gọi là Nhất Hạnh Thiền sư.
Cao tăng đời Ðường, được xem là trong tám vị Tổ chủ trương Phó thụ bát tổ (傅授八祖) của tông Chân Ngôn.
Sau khi cha mẹ mất một cách đột ngột, sư đầu tiên làm quen với Ðạo giáo. Sau đó, sư đến vị Tổ thứ bảy của Bắc tông thiền là Phổ Tịch (普寂; 631-739) tu học Thiền, rồi đến học Luật nơi Huệ Chân (惠眞; 673-751), một đệ tử của Hoằng Cảnh (弘景). Thêm vào đó, trong khoảng thời gian lưu lại ở dãy Thiên Thai, sư nghiên cứu Toán học, Thiên văn học cũng như cách bói toán theo Ðạo gia, một biệt tài trứ danh của sư sau này. Năm 716, sư trở thành môn đệ của Thiện Vô Uý (善無畏), sau đó được mời vào cung của Huyền Tống. Sư cũng được Kim Cương Trí (金剛智) hướng dẫn vào những kĩ thuật tu học của Mật giáo sau cuộc hội ngộ lần thứ nhất vào năm 720. Tác phẩm lớn nhất của sư, một bài sớ vĩ đại về kinh Ðại Nhật với tên Ðại Nhật kinh sớ được hoàn tất vào năm 725. Sư cũng được xem là người phát minh ra đồng hồ chạy bằng dây thép xoắn.

Nhất Hạnh Tam-Muội

Từ Điển Đạo Uyển

一行三昧; C: yīxíng sānmèi; J: ichigyō zanmai; S: ekavyūha-samādhi.
Chuyên một công phu tu tập chính định. Chính định viên mãn hợp nhất thân tâm trong mọi công hạnh (theo Văn-thù Sư-lợi thuyết Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh 文殊師利説摩訶般若波羅蜜經, Khởi tín luận 起信論).

Nhất Hoá

Từ Điển Đạo Uyển

一化; C: yī huà; J: ichike;
Chỉ một cuộc đời hoằng hoá của đức Phật, của các vị Tổ sư.

Nhất Hồi Chu

Từ Điển Đạo Uyển

一回周; C: yīhuízhōu; J: ikkaishū;
Ngày giỗ đầu tiên sau khi mất. Còn gọi là Nhất hồi kị (一回忌).

Nhất Hồi Kị

Từ Điển Đạo Uyển

一回忌; C: yīhuíjì; J: ikkaiki;
Ngày giỗ đầu tiên sau khi mất. Còn gọi là Nhất hồi chu (一回周).

Nhất Hướng

Từ Điển Đạo Uyển

一向; C: yīxiàng; J: ikkō;
1. Nhiệt tình, chỉ nhắm tới một mục đích, không mong mỏi điều gì khác ngoài mục đích đang dự tính. Tha thiết, nhiệt thành; 2. Hoàn toàn, toàn vẹn, đầy đủ (s: eka-aṃsa); 3. Triệt để, cho đến mức có thể được; 4. Chỉ riêng về một hướng, chỉ có, chỉ là.

Nhất Hướng Xuất Sinh Bồ Tát Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

一向出生菩薩經; C: yīxiàng chūshēng púsà jīng; J: ikkō shusshō bosatsu kyō;
Tên gọi khác của bản Xuất sinh vô biên môn đà-la-ni kinh (出生無邊門陀羅尼經).

Nhất Hưu Tông Thuần

Từ Điển Đạo Uyển

一休宗純; J: ikkyū sōjun; 1394-1481;
Thiền sư Nhật Bản thuộc tông Lâm Tế (j: rinzai), hệ phái Ðại Ðức tự (j: daitokuji-ha). Sư là một trong những Thiền sư danh tiếng nhất của Thiền tông Nhật Bản. Với phong điệu của một “Cuồng Thánh”, Sư đả phá những phong cách tệ mạt trong những thiền viện lớn mà Sư cho rằng đang trên đường tàn lụi. Cách sống và giáo hoá của Sư vượt trên tất cả những tục lệ và vì vậy có rất nhiều tích nói về Sư, phần đúng, phần huyền hoặc.
Tương truyền Sư là con của một cung phi, bị Nhật hoàng hất hủi khi mang thai Sư. Lên năm tuổi, Sư được mẹ gửi vào một ngôi chùa gần nhà. Năm lên mười ba, Sư đến Kiến Nhân tự (kennin-ji) nhưng chỉ khoảng bốn năm sau đó, Sư rời chùa này vì không hài lòng với phong cách sinh hoạt quá phàm tục của những vị tăng tại đây. Sư đến tham học với Khiêm Ông (gen’ō) – một vị tăng độc cư tu tập – và cũng có chút sở đắc nơi đây nhưng không bao lâu, Khiêm Ông tịch và Sư lại phải lên đường cầu đạo.
Chỉ một năm sau, Sư tìm được vị chân sư của mình là Hoa Tẩu Tông Ðàm (華叟宗曇; kesō sōdon, 1352-1428), vị trụ trì của Ðại Ðức tự. Hoa Tẩu không ở tại chùa Ðại Ðức mà lại ngụ tại một am gần đó để tránh sự náo nhiệt, phong cách quá nhập thế của một Thiền viện thời đó. Sư lưu lại đây chín năm và và kiên nhẫn chịu đựng phương pháp tu tập rốt ráo của Hoa Tẩu. Nhân khi tham Công án thứ 15 của tập Vô môn quan – với tên Ðộng Sơn (Thủ Sơ) ba hèo (Ðộng Sơn tam đốn) – Sư có ngộ nhập. Không bao lâu sau, trong khi toạ thiền trên một chiếc thuyền, Sư nhân nghe một con quạ kêu to bỗng nhiên ngộ đạo. Sư bèn trình Hoa Tẩu và được vị này Ấn khả. Sư không nhận ấn chứng này và có thuyết bảo rằng, Sư xé bỏ bản ấn chứng này ngay sau khi nhận. Sư tự tin rằng, kinh nghiệm giác ngộ của ai chỉ có người ấy biết và không ai có thẩm quyền quyết định được cái thật hoặc giả của kinh nghiệm giác ngộ của Sư. Với những hành động này, Sư đảo ngược truyền thống ấn chứng của Thiền tông và chính Sư cũng không ấn chứng cho ai trong cả cuộc đời hoằng hoá của mình. Mặc dù vậy, Sư ở lại hầu cho đến lúc Hoa Tẩu viên tịch (1428).
Trong suốt một thời gian khoảng 30 năm, Sư không dừng chân nơi nào, chỉ chu du tuỳ duyên hoằng hoá nơi quần chúng. Sư tiếp xúc với mọi tầng cấp của xã hội Nhật thời bấy giờ như quan tước, võ sĩ, văn hào, nghệ sĩ… và cả kĩ nữ, và Sư đặc biệt đề cao tính tình chất phác của họ. Con đường hoằng hoá quần chúng của Sư đi xa, cũng có nhiều người cho rằng đi quá xa so với giáo lí của nhà Phật. Sư không để ý gì đến Giới luật, ăn thịt cá, mê rượu, gái. Một mặt Sư chê bai, than trách về tư cách đạo đức giả, gian trá của các vị tăng tại những Thiền viện lớn bấy giờ, mặt khác Sư lại rất chú tâm đến việc phổ biến Phật pháp trong quần chúng và các hành động “phá giới” của Sư nêu trên đều có thể xem là trùng hợp với việc thực hành Phật pháp của phần lớn của Phật tử nằm ngoài Tăng-già thời bấy giờ. Sư viết: “Thời xưa, mọi người có tín tâm đều vào cửa chùa, nhưng ngày nay tất cả đều rời chùa. Nếu nhìn kĩ thì người ta sẽ thấy rằng, các phường chủ không biết gì – không tham thiền, chẳng quán công án mà chỉ chú tâm đến vật chất, trang trí bồ đoàn. Họ rất tự hào về ca-sa của họ nhưng mặc dù họ mang ca-sa, họ cũng chỉ là phàm phu thay áo. Dù họ mang ca-sa, ca-sa cũng trở thành dây xích, gậy sắt trói buộc, hành hạ thân họ.”
Sư chỉ trích mạnh mẽ sự tôn thờ và ham muốn thác sinh nơi Cực lạc Tịnh độ của Phật tử. Sư dạy: “Nếu ai thanh lọc tâm địa và Kiến tính, người ấy chẳng còn muốn tái sinh cõi Phật, chẳng còn sợ địa ngục, chẳng còn phiền não phải đoạn, chẳng còn phân biệt thiện ác; người ấy đã đạt tự do tự tại trong sinh tử luân hồi, muốn tái sinh vào nơi nào cũng được – chỉ khi tâm người ấy mong cầu.” Vì thế mà Sư chế nhạo tất cả những phong tục có tính cách mê tín dị đoan như đốt đèn, cầu cúng, dâng lễ vật cho người chết và tụng kinh cầu siêu cầu an.
Sư tự gọi mình là “Cuồng Vân” (狂雲; kyōun) và rất nhiều câu chuyện thú vị về việc tuỳ cơ hoằng hoá và nhạo đời của Sư được lưu truyền. Một lần nọ, Sư khất thực tại một nhà giàu sang với quần áo rách rưới dơ bẩn và chỉ nhận được nửa xu. Sau đó, Sư thay y phục, mặc ca-sa tía đến khất thực và được mời ngay vào nhà dùng cơm cùng với gia đình. Sư liền cởi áo tía ra, đặt nó vào ngay chỗ ngồi ăn và bảo rằng: “Bữa ăn thịnh trọng ngày hôm nay không phải dành cho ta mà là áo ca-sa tía này.”
Tính tình chân chính, phong cách tự do, bất lệ thuộc của Sư chính là nguyên do vì sao Sư rất được quần chúng mộ đạo yêu thích. Sư là một trong những vị Thiền sư nổi danh nhất thời trung cổ của Nhật Bản. Năm 1456, Sư nhận lời trụ trì Diệu Tâm tự (myōshinji) và sống tại một am gần đó. Từ đây, Sư được các vị tăng dần dần chấp nhận, tôn kính, ngay cả những vị mà ngày xưa Sư chỉ trích thậm tệ. Vào những năm cuối đời, Sư được cử trụ trì Ðại Ðức tự (daitoku-ji). Không bao lâu sau – vào năm 1481 – Sư viên tịch, thọ 87 tuổi.

Nhất Khoả Minh Châu

Từ Điển Đạo Uyển

一顆明珠; C: yīkē míngzhū; J: ikkamyōju;
Viên ngọc báu sáng ngời. Một tiểu luận của Đạo Nguyên Hi Huyền, lập trên cơ sở lời trần thuật của sư Huyền Sa Sư Bị: “Mười phương thế giới đều là hạt minh châu.” Luận giải nầy là một chương trong tác phẩm Chính pháp nhãn tạng (正法眼藏; j: shōbōgenzō).

Nhất Lai

Từ Điển Đạo Uyển

一來; C: yīlái; J: ichirai; S: sakṛḍāgāmin; P: sakaḍāgāmin; phiên âm Hán Việt là là Tư-đà-hàm (斯陀含);
Chỉ các bậc thánh đã đạt được quả giai đoạn hai của Thánh đạo (s: ārya-mārga). Các vị đó đã đoạn diệt gần hết ba gốc Bất thiện (s: akuśala) là Ba độc tham, sân và si, chỉ còn sinh lại một lần nữa trước khi đạt Niết-bàn.
Thánh quả Nhất lai là một trong Tứ quả (p: cātvariphalani) trên con đường tu tập trở thành một bậc A-la-hán. Thánh quả này được chia làm hai thành phần: 1. Nhất lai hướng (一來向), nghĩa là người vừa bước nhập quả vị và 2. Nhất lai quả (一來果), người đã thành tựu quả vị này. Hành giả chứng đắc quả vị nầy là đã chuyển hoá toàn triệt sáu loại đầu tiên trong chín loại phiền não (Cửu chủng phiền não 九種煩惱); hành giả ấy sẽ tái sinh một lần nữa trong cõi trời hay cõi người, rồi sau đó chứng nhập Niết-bàn. Cũng được gọi là Đệ nhị quả.

Nhất Lai Hướng

Từ Điển Đạo Uyển

一來向; C: yīláixiàng; J: ichiraikō;
Hành giả đang thể nhập vào quả vị Nhất lai.

Nhất Lai Quả

Từ Điển Đạo Uyển

一來果; C: yīláiguǒ; J: ichiraika; S: sakṛ-dāgāmi-phala.
Hành giả đã hoàn thành viên mãn quả vị Nhất lai. Nhất lai.

Nhật Liên

Từ Điển Đạo Uyển

日蓮; C: rìlián J: nichiren; 1222-1282;
Cao tăng Nhật Bản, Khai tổ tông Nhật Liên. Theo quan niệm của Sư, biểu hiện cao quý tuyệt đỉnh của Phật pháp chính là Diệu pháp liên hoa kinh và chỉ bộ kinh này mới có thể cứu độ chúng sinh. Sư còn cho rằng, tinh hoa của Phật giáo đã trọn vẹn cô đọng lại trong tên của kinh này và vì vậy, phương pháp tu hành chính của tông này là niệm câu “Nam-mô diệu pháp liên hoa kinh” (j: namu myōhō reng-kyō).
Nhật Liên là người chỉ trích mọi trường phái khác của Phật giáo, muốn đưa Nhật Liên tông làm quốc giáo. Sư chỉ trích cả chính quyền đương thời và cuối cùng bị lên án tử hình nhưng được cứu thoát trong một trường hợp lạ lùng, sau đó bị lưu đày trên một hòn đảo. Nhật Liên trở về Liêm Thương (kama-kura) năm 1274 và tám năm sau thì mất.
Sư là con một ngư phủ nghèo tại miền Nam nước Nhật, xuất gia thụ giới năm 15 tuổi tại chùa Thanh Trừng ở quê. Trên đường tìm đạo, Sư đến Liêm Thương (kamakura) và sau đó lên núi Tỉ Duệ (hieizan), trung tâm của Thiên Thai tông Nhật Bản. Sư nhận thấy Thiên Thai tông với giáo pháp theo Diệu pháp liên hoa kinh rất gần với tư tưởng của mình. Năm 1253, Sư trở về chùa cũ vì thấy kinh Diệu pháp liên hoa không còn đóng vai trò quan trọng nữa trong Thiên Thai tông. Sư tự lập ra môn phái mới và cho rằng chỉ có Diệu pháp liên hoa mới cứu độ con người, là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát. Quan điểm của Sư rất cực đoan, cho rằng chỉ cần tụng đọc tên bộ kinh này là đủ. Vì thế mà Sư bị trục xuất ra khỏi chùa. Sau đó Sư truyền bá giáo pháp của mình ngay ngoài đường ngoài chợ và công kích mãnh liệt các tông phái khác. Sư tuyên truyền rằng Tịnh độ tông (jōdō-shū) chỉ dẫn người ta xuống địa ngục, Pháp Nhiên (hōnen, người sáng lập Tịnh độ tông) là “kẻ thù của chư Phật”, chịu trách nhiệm về tình trạng lụn bại tại Nhật. Thiền tông (zen-shū) chỉ là tông phái của ma quỷ, Chân ngôn tông (shingon-shū) là sự khánh kiệt và Luật tông (ritsu-shū) là sự phản bội. Sư cho rằng, muốn cứu nước Nhật cần thống nhất các môn phái dưới giáo pháp của kinh Diệu pháp liên hoa. Cuối cùng Sư bị lưu đày trên đảo Tá Ðộ (sado). Nơi đây, Sư viết một số tác phẩm và tự xem mình là tái sinh của hai vị Bồ Tát có trách nhiệm cứu quốc và truyền bá kinh Diệu pháp liên hoa. Sư coi trọng đại nguyện phải truyền bá giáo pháp này trong thời mạt pháp và chịu đựng mọi gian khổ.
Tác phẩm chính của sư gồm Quán tâm bản tôn sao (觀心本尊抄, j: kanjin honzon shō), Tuyển thời sao (撰時抄, j: senji shō), và Thủ hộ quốc gia luận (守護國家論, j: shugo kokka ron).

Nhật Liên Tông

Từ Điển Đạo Uyển

日蓮宗; C: rìliánzōng; J: nichiren-shū;
Một tông phái Phật giáo Nhật Bản, lấy tên của vị tổ sáng lập là Nhật Liên. Giáo pháp của tông phái này đặt nền tảng trên bộ Diệu pháp liên hoa kinh và danh hiệu phải niệm hàng ngày chính là tên của bộ kinh đó. Tông này có tính chất quốc gia cực đoan, muốn xây dựng một nền Phật giáo Nhật Bản rồi bành trướng ra ngoài. Qua thế kỉ 20, một khuynh hướng của Nhật Liên tông mới (Nhật liên chân tông, j: nichiren-shō-shū) ra đời với Nikko, xem Nhật Liên là “đức Phật thời mạt pháp” Nhật Liên tông có nhiều ảnh hưởng đến các tôn giáo quần chúng tại Nhật.
Giáo lí chủ yếu của tông nầy là Ngũ thời phán giáo và Tam đại bí pháp (三大祕法). Thứ nhất là Man-đa-la do Nhật Liên sáng tạo, trình bày giáo pháp Diệu pháp liên hoa. Ở giữa Man-đa-la này là hình một ngôi chùa, ngôi chùa tượng trưng cho Như Lai (s: tathāgata). Ngôi chùa này cũng diễn tả năm âm của tên kinh Diệu pháp liên hoa. Chung quanh tên này người ta thấy tên các vị Bồ Tát hoặc thiên nhân bảo hộ kinh. Di bảo thứ hai chỉ là đơn thuần tên kinh Diệu pháp liên hoa. Tụng đọc danh hiệu kinh này, hành giả sẽ thanh lọc Thân, khẩu, ý và thay thế luôn cho việc quy y Tam bảo. Di bảo thứ ba là một Khai đàn. Khai đàn mới đầu chỉ là một bục dùng để mở lễ truyền pháp quán đỉnh trong thiền viện nhưng được Nhật Liên đưa lên thành vật tượng trưng. Bản thân nước Nhật cũng là một Khai đàn. Quan điểm này cuối cùng tượng trưng cho đầu óc quốc gia cực đoan của giáo phái.

Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật

Từ Điển Đạo Uyển

日月燈明佛; C: rìyuèdēngmíng fó; J: nichigatsutōmyō butsu;
Đức Phật có hào quang sáng chói của mặt trời, mặt trăng và đèn (s: candra-sūrya-pradīpa-buddha). Đức Phật được đề cập trong kinh Pháp Hoa, vị Phật thường giảng thuyết cùng một bài pháp vô lượng kiếp trong quá khứ.

Nhất Nhiên

Từ Điển Đạo Uyển

一然; C: yīrán; J: ichinen; K: iryǒn (1206-1289);
Một vị cao tăng Hàn Quốc vào thời Cao Li (k: koryǒ). Là nhà văn sáng tác sung sức nhất, nổi tiêng với tác phẩm Tam quốc di sự (三國遺事; k: samguk yusa), là một tập hợp những sự kiện và giai thoại làm nền tảng khoa giáo cho việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo Hàn Quốc.

Nhất Như

Từ Điển Đạo Uyển

一如; C: yīrú; J: ichinyo;
Là cái “Một”, “Không hai”; 1. Sự vô phân biệt giữa cái này cái nọ; 2. Nguyên tắc căn bản của tất cả những hiện hữu, đồng nghĩa với Chân như (眞如), Pháp tính (法性), Thật tướng (實相); 3. Lúc nào cũng như thế.

Nhất Niệm

Từ Điển Đạo Uyển

一念; C: yīniàn; J: ichinen;
Một ý nghĩ, một ý niệm, một khoảnh khắc của một ý nghĩ.

Nhất Niệm Bất Sinh

Từ Điển Đạo Uyển

一念不生; J: ichinen-fushō;
Có nghĩa là “một ý nghĩ cũng không phát sinh ra”; theo Thiền tông thì khi tâm thức của một người bình thường không sản sinh ra một ý niệm vô minh nào thì chính ngay lúc ấy người này là Phật. Nhất niệm bất sinh được dùng để chỉ một trạng thái thoát khỏi mọi khái niệm, vô minh, cảm giác – một trạng thái chỉ có thể thực hiện được bằng cách Toạ thiền (j: zazen) và trạng thái này cũng chính là toạ thiền trong dạng thuần tuý nhất.

Nhất Niệm Vạn Niên

Từ Điển Đạo Uyển

一念萬年; J: ichinen-mannen;
Nghĩa là khoảnh khắc của một khái niệm bằng mười ngàn năm và ngược lại; biểu đạt này được dùng để miêu tả kinh nghiệm của các vị Thánh nhân của tất cả các thời đại, các nền văn hoá. Thành ngữ này muốn diễn tả rằng, đối với các bậc giác ngộ thì thời gian không có thật – theo quan niệm thông thường. Dưới cái nhìn của các vị này thì một khoảnh khắc của một niệm, một nhận thức, một Sát-na chính là vĩnh cửu (chữ vạn trong tiếng Hán được dùng để chỉ một con số rất lớn, vô lượng). Biểu thị “Nhất niệm vạn niên” được tìm thấy trong bản Tín tâm minh của Tam tổ Tăng Xán.

Nhất Phần

Từ Điển Đạo Uyển

一分; C: yīfēn; J: ichibun;
Một phần, từng phần, cục bộ, không hoàn chỉnh. Phản nghĩa với toàn phần, cụ phần (具分).

Nhất Phần Bồ Tát

Từ Điển Đạo Uyển

一分菩薩; C: yīfēn púsà; J: ichibun bosat-su;
Chỉ một vị Bồ Tát chỉ thụ nhận và thực hành một phần giới bản (theo Bồ Tát Anh Lạc bản nguyện kinh 菩薩瓔珞本業經).

Nhất Phần Gia

Từ Điển Đạo Uyển

一分家; C: yīfēnjiā; J: ichibunke;
Một nhánh của Duy thức tông do An Huệ (安慧; s: sthiramati) đề xướng. Sư chủ trương – đối nghịch với giáo thuyết cho rằng thức có ba hoặc bốn phần –, thức chỉ có một phần. Luận điểm nầy được tranh cãi nhiều trong trường phái của Hộ Pháp (護法; s: dharmapāla). Họ cho rằng nầy cho rằng thức có bốn phần (四分).

Nhất Pháp Giới

Từ Điển Đạo Uyển

一法界; C: yīfǎjiè; J: ichihokkai;
Chỉ một pháp giới; riêng một pháp giới. Chỉ một, độc nhất, tuyệt đối một pháp giới hiện hữu. Nơi duy nhất bao gồm và lưu xuất tất cả các pháp (theo Khởi tín luận 起信論).

Nhất Pháp Trung đạo

Từ Điển Đạo Uyển

一法中道; C: yīfǎ zhōngdào; J: ippōchūdō;
Trong giáo lí Duy thức, chỉ quan niệm rằng mỗi một tính trong Tam tính (三性), tự nó đã chứa sẵn đầy đủ ý nghĩa Trung đạo. Nghĩa là, theo tính “biến kế sở chấp” thì “nhân hữu” – con người thì hiện hữu –, và “pháp không” pháp giới không hiện hữu. Ý nghĩa Trung đạo ở đây là “nhân không pháp không.”

Nhất Phương

Từ Điển Đạo Uyển

一方; C: yīfāng; J: ippō;
1. Một bên, một mặt; 2. Phía bên kia, phần bên kia; 3. Trong lúc ấy; 4. Rất, lắm.

Nhất Sơn Nhất Ninh

Từ Điển Đạo Uyển

一山一寧; C: yīshān yīníng; J: issan ichinei; 1247-1317;
Thiền sư Trung Quốc thuộc tông Lâm Tế. Sau khi nhà Tống bị Mông Cổ lật đổ, Sư được Nguyên Thành Tông cử đến Nhật Bản để nối lại mối quan hệ – vốn bị gián đoạn từ khi Mông Cổ cố gắng xâm lấn nhiều lần. Sư vừa đặt chân lên đất Nhật (1299) liền bị nghi là gián điệp, bị bắt giam. Sau khi được tha, Sư được cử trụ trì Kiến Trường tự (kenchō-ji), năm 1302 trụ trì Viên Giác tự (engaku-ji) và năm 1312, Thiên hoàng Hậu Ðề Hồ (go-daigo) cử Sư làm Phương trượng chùa Nam Thiền (nanzen-ji) tại Kinh Ðô (kyōto).
Sư nổi danh không chỉ là một Thiền sư mà còn là một nghệ sĩ xuất trần, một hoạ sĩ tinh thông Thư pháp (Thư đạo; j: shōdō).
Cùng với môn đệ người Nhật là Tuyết Thôn Hữu Mai (sesson yūbai, 1290-1346), Sư được xem là vị Khai tổ của phong trào văn hoá Ngũ sơn (Ngũ sơn văn học). Thiền sư Mộng Song Sơ Thạch (musō soseki) – cũng một thời gian tu học với Sư – là người đã góp phần lớn trong việc giúp đỡ các Thiền viện tại Kinh Ðô trở thành những trung tâm của văn hoá, nghệ thuật và khoa học với sắc thái Trung Quốc rõ rệt.

Nhất Sư ấn Chứng

Từ Điển Đạo Uyển

一師印證; J: isshi-injō; nghĩa là “sự ấn khả chứng minh của một vị thầy”;
Chỉ sự tu tập của một thiền sinh dưới sự hướng dẫn của một vị thầy duy nhất. Sự cần thiết của nhất sư ấn chứng được Thiền tông – nhất là tông Tào Ðộng (j: sōtō-shū) – tại Nhật Bản đề cao từ khoảng thế kỉ 17 để chống lại khuynh hướng chạy tới chạy lui qua nhiều vị thầy của các thiền sinh thời bấy giờ.
Việc tu học trong Thiền tông dưới một vị thầy khác với cái học nơi thế tục ở một điểm: nơi đây thiền sinh không được học suông (tri) rồi truyền cái học suông này cho người khác mà còn phải thực hiện cái chân lí đã được học qua lí thuyết ngay ở chính mình, cứ như người khát nước uống nước (hành). Chỉ khi nào tri và hành hợp nhất thì thiền sinh mới có thể hi vọng một ngày nào đó sẽ Kiến tính (kenshō) ngộ đạo. Vì lí do này mà niềm tin và sự tu tập nơi một vị thầy – trong một tông phái tự gọi là Phật tâm tông và chủ trương việc Dĩ tâm truyền tâm – được xem là tối trọng. Mà cũng có khi một vị thầy nhìn nhận ra khả năng cao tột của một thiền sinh mới đến – nhưng thấy cơ duyên của thiền sinh này không hợp nơi mình thì vị này cũng gửi thiền sinh này đi nơi khác. Việc gửi các môn đệ đi học qua lại nhau của hai vị Mã Tổ Ðạo Nhất và Thạch Ðầu Hi Thiên là những ví dụ hay nhất của phương pháp giảng dạy này.
Vì trong Thiền tông không có bản quy định, thước đo cụ thể cho việc ấn chứng nên các Lão sư (j: rōshi) chỉ có thể hướng dẫn và ấn chứng cho một đệ tử theo khả năng, trình độ đã đạt của mình và một sự hướng dẫn gần gũi trực tiếp. Một khi sự hướng dẫn của một vị thầy bị gián đoạn thì vị thầy sau không thể tiếp nối việc này một cách hoàn hảo. Thiền sinh vì vậy phải có niềm tin vững chắc nơi vị thầy – sau khi đã tìm được vị thích hợp – và chỉ học với vị này mà thôi. Sau khi thiền sinh đã đạt mức độ giác ngộ của vị thầy thì có thể Hành cước đây đó để trau dồi kinh nghiệm qua những cuộc Vấn đáp (j: mondō), cũng thường được gọi là Pháp chiến (j: hossen) với các vị Thiền sư khác.

Nhất Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

一心; C: yīxīn; J: ishin; P: ekāgattā; S: svacitta-mātra, eka-agra, eka-citta, dhyāna.
Tâm. 1. Là nền tảng căn bản nhất. Là chân như của mọi hiện hữu. “Nhất” nghĩa thông thường là đồng nhất với tuyệt đối. ›Tâm‹ có nghĩa là ›chắc thật‹. Cũng vậy, nhất tâm là căn bản của toàn thể hữu tình. Là thực tại tuyệt đối căn bản của mọi hịên tượng trong vũ trụ. Đây là tư tưởng trung tâm của Đại thừa khởi tín luận (起信論), trong đó, Nhất tâm được xem là đồng nhất với Pháp thân (法身; s: dharmakāya) và Pháp giới (法界; s: dharmadhātu); 1. Hợp nhất tâm, do vậy, nên gọi ›hợp nhất tinh thần‹ hay là sự tập trung tâm ý. Tâm an trú vào đức Phật A-di-đà khi quán tưởng đến ngài; 3. Tập trung toàn tâm toàn ý một cách nhiệt thành, không để cho tán loạn.

Nhất Tam-Muội

Từ Điển Đạo Uyển

一三昧; C: yīsānmèi; J: ichisanmai;
Tâm an trú vào cảnh giới nhất như, tâm đạt định; viết tắt của Nhất hạnh tam-muội (一行三昧)

Nhất Thân

Từ Điển Đạo Uyển

一身; C: yīshēn; J: isshin;
1. Một thân, một người; 2. Chỉ một đời; đời nầy (theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Nhất Thật Viên Tông

Từ Điển Đạo Uyển

一實圓宗; C: yīshíyuánzōng; J: ichijitsu-enshū;
Tên gọi khác của tông Thiên Thai (天台宗).

Nhất Thể

Từ Điển Đạo Uyển

一體; J: ittai;
Chỉ kinh nghiệm “là một” với vũ trụ khi chứng ngộ chân lí. Tất cả những hiện tượng, tất cả các pháp chẳng khác Nhất thể, đều quy về Nhất thể.

Nhất Thiền

Từ Điển Đạo Uyển

一禪; C: yīchán; J: ichizen; K: ilsǒn (1533-1608);
Nguyên là Thiền sư Hàn Quốc, thời đại Triều Tiên (朝鮮; k: chosǒn), là một trong bốn vị đệ tử thượng thủ của Hưu Tĩnh (休靜; k: hyujǒng).

Nhất Thiết

Từ Điển Đạo Uyển

一切; C: yīqiē; J: issai;
Toàn thể, tất cả. Cũng được dịch ý ra chữ Hán là: phổ (普), biến (遍), cụ (具).
Nhất thiết bí mật tối thượng danh nghĩa đại giáo vương nghi quỹ 一切祕密最上名義大教王儀軌; C: yīqiè mìmì zuìshàng míngyì dàjiàowáng yíguǐ; J: issai himitsu saijō myōgi daikyō ō giki;
Hai quyển, gọi tắt là Bí mật danh nghi quỹ (祕密名儀軌), Thí Hộ (施護; s: dānapāla) dịch vào năm 1009 sau C.N. Là bản kế tục có tính chất luận giải (s: akhyānatantra) của Chân thật nhiếp kinh (眞實攝經; s: tattvasaṃgraha).
Phần lớn nghi quỹ nầy luận giải về ý nghĩa của các ý niệm tương ưng của Du-già (Tứ ấn, các tiến trình của Định…) và tên gọi của 37 vị Thánh trong kinh Chân thật nhiếp. Đó là một cuộc luận chiến liên tục chống lại đạo đức quy ước và việc thực hành các lễ nghi được xem là vô ích trong việc tu tập giải thoát. Thay vì vậy, nghi quỹ nầy nhấn mạnh toàn triệt vào các phương pháp quán sát bản tâm, như sự nhận ra tham, sân, si chẳng khác gì hơn là Như Lai – như là tiền đề cho giáo lí căn bản của Mật giáo sau nầy, đặc biệt là giáo lí trong Bí mật tập hội (祕密集會; s: guhyasamāja). Theo chiều hướng này, một đoạn văn được trích dẫn rất thường, có vẻ như tán thành việc thực hiện những chuyện đồi bại như giết hại, nói dối, trộm cắp và dâm dục. Bản dịch của Thí Hộ đã làm khó hiểu đoạn văn nầy – những đoạn khác thì hoàn toàn tối nghĩa –, cũng như lược bỏ nhiều thuật ngữ đề cập đến giới tính trong kinh văn Du-già (chẳng hạn dùng chữ Tướng giả 相者 để thay cho linga; dùng chữ Phá giả 破者 để thay cho bhaga. Tuy nhiên, cũng đáng chú ý khi Ratnākaraśānti giữ thái độ trung hoà dối với những thuật ngữ nầy trong luận giải của mình mang tên Śrīsarvarahasyanibaṃdho-rahaḥpradīpo-nāma; chẳng hạn sư viết: người ta nên giết chết ý tưởng về chúng sinh. Thay vì bản dịch tiếng Anh, chỉ có luận giải bằng tiếng Ấn Độ, cùng với toàn kinh văn tiếng Tây Tạng. (Xin xem Thần bí tư tưởng luận tập của Wayman, Alex: The Sarvarahasyatantra, Acta Indologica 神秘思想論集; về tác phẩm nghiên cứu trước đây của Nhật Bản từ bản dịch tiếng Tây Tạng, xem Mai Vĩ Tường Vân 栂尾祥雲; j: toganō shoūn: Issai himitsusaijō myōgi kyō no kenkyū 一切祕密最上名義經の研究, Studies in the Sarvarahasya-nāma-tantrarāja).

Nhất Thiết Chủng Trí

Từ Điển Đạo Uyển

一切種智; C: yīqiē zhǒngzhì; J: ichisetsu-shuchi; S: sarva-ākāra-jña-tā, sarvajña-jñā-na.
1. Trí hiểu biết rộng khắp, trí huệ bao trùm khắp tất cả; trí huệ nhận biết sự khác biệt giữa từng hiện tượng trong pháp giới; 2. Trí huệ nhận biết tất cả mọi hiện tượng; như Nhất thiết trí (一切智); 3. Huệ giác viên mãn của chư Phật (佛智).

Nhất Thiết Công đức Trang Nghiêm Vương Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

一切功德莊嚴王經; C: yīqiè gōngdé zhuāngyánwáng jīng; J: issai kudoku shōgonnō kyō; S: sarvadharmaguṇavyūharāja-sūtra; T: chos thams cad kyi yon tan bkod pa’i rgyal po
Kinh, 1 quyển, Nghĩa Tịnh (義淨) dịch.

Nhất Thiết Duy Tâm Tạo

Từ Điển Đạo Uyển

一切唯心造
Nghĩa là “tất cả đều được tâm tạo”, không có gì nằm ngoài tâm, tất cả đều là sự chuyển biến của thức (thức biến); Duy thức tông, Pháp tướng tông.

Nhất Thiết Hạnh (hành)

Từ Điển Đạo Uyển

一切行; C: yīqiēxíng; J: issaigyō;
Tất cả các sự tạo tác, các hoạt động (của thân, khẩu, ý). Tất cả mọi những hiện tượng. Tất cả các sự chức năng (theo Du-già luận 瑜伽論).

Nhất Thiết Hữu

Từ Điển Đạo Uyển

一切有; C: yīqiè yǒu; J: issai-u;
1. Tất cả những gì hiện hữu; 2. Một quan điểm của Nhất thiết hữu bộ, cho rằng tất cả đều có.

Nhất Thiết Hữu Bộ

Từ Điển Đạo Uyển

一切有部; S: sarvāstivāda; còn gọi là Căn bản nhất thiết hữu bộ (根本一切有部; s: mūlasar-vāstivāda) hoặc Thuyết nhất thiết hữu bộ (說一切有部)
Bộ phái cho rằng mọi sự đều có (Nhất thiết hữu; s: “sarvam asti”). Là một nhánh của Tiểu thừa, tách ra từ Trưởng lão bộ (s: sthavira) dưới thời vua A-dục. Giáo phái này quan niệm là tất cả, hiện tại, quá khứ, vị lai đều hiện hữu đồng thời. Tông phái này hoạt động mạnh tại Kaschmir và Càn-đà-la (gandhāra). Quan điểm của bộ này được xem như nằm giữa Tiểu thừa và Ðại thừa. Nhất thiết hữu bộ có kinh điển riêng viết bằng văn hệ Phạn ngữ (sanskrit), ngày nay chỉ còn bản dịch chữ Hán và Tây Tạng.
Tác phẩm quan trọng nhất của bộ này là A-tì-đạt-ma câu-xá luận (s: abhidharmakośa) của Thế Thân, Ðại tì-bà-sa luận (s: mahāvibhāṣā), một bộ luận được biên soạn trong lần Kết tập tại Kaschmir dưới sự chủ trì của Thế Hữu (vasumitra). Ðại tì-bà-sa luận trình bày quan điểm chính thức của Nhất thiết hữu bộ và là tác phẩm được hoàn tất cuối cùng trong bảy tác phẩm của Luận tạng (s: abhi-dharma-piṭaka). Một số tác phẩm khác cần được nhắc tới là A-tì-đàm tâm luận (abhidharma-hṛdaya), là bộ luận trung tâm của A-tì-đạt-ma với mười chương. Tì-bà-sa luận của Ca-chiên-diên tử cũng viết tổng quát về giáo lí bộ này. Tác phẩm Thế gian giả thiết (s: lokaprajñapti) trình bày quan điểm về sự hình thành thế giới đáng lưu ý. Các quan điểm về giới luật được trình bày trong Tì-nại-da Tì-bà-sa (vinayavibhāṣā).
Giáo pháp của Nhất thiết hữu bộ có tính đa nguyên, xuất phát từ sự phủ nhận cái ngã, một tính chất cá nhân hoặc linh hồn và thừa nhận những đơn vị luân chuyển theo thời gian, được gọi là pháp. Bộ này cho rằng có 75 pháp, và cho đó là những đơn vị cuối cùng, không thể chia cắt (tương tự khái niệm “nguyên tử” của Âu Châu thời thượng cổ) đều hiện hữu đồng thời. Chỉ các pháp này là “có thật.” Họ phân biệt các pháp tuỳ thuộc, Hữu vi (s: saṃskṛta) và các pháp độc lập, Vô vi (s: asaṃskṛta).
Các pháp độc lập là Hư không (s: ākāśa), Niết-bàn vô trụ (s: apratiṣṭhita-nirvāṇa) và Niết-bàn thường trụ (s: pratiṣṭhita-nirvāṇa).
Các pháp hữu vi được chia làm bốn nhóm: Sắc pháp (s: rūpadharma), Tâm (Thức) pháp (s: citta, vijñāna), các hoạt động của những Tâm sở hữu pháp (s: cetasikadharma) và Tâm bất tương ưng hành pháp (s: cittaviprayuktasaṃskāra) – các pháp không thuộc tâm không thuộc vật như già, chết, Vô thường…
Các pháp hữu vi này – theo quan điểm của Nhất thiết hữu bộ – không phải từ đâu sinh ra mà luôn luôn đã có, chỉ đổi từ trạng thái tiềm tàng qua hiện hữu. Vì quan điểm này mà Nhất thiết hữu bộ có tên “Nhất thiết hữu”, nghĩa là quá khứ vị lai đều được chứa trong một “pháp” duy nhất. Trong Nhất thiết hữu bộ, người ta cũng khám phá vài yếu tố nguyên thuỷ của Ðại thừa, như quan điểm Ba thân (s: trikāya) và niềm tin nơi Bồ Tát Di-lặc, đức Phật tương lai.

Nhất Thiết Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

一切經; C: yīqiējīng; J: issaikyō;
Toàn bộ kinh điển của Phật giáo, bao gồm tất cả các Kinh, Luật và Luận.

Nhất Thiết Lưu Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

一切流經; C: yīqiēliú jīng; J: issairu kyō;
Nhất thiết lưu nhiếp thủ nhân kinh (一切流攝守因經).

Nhất Thiết Lưu Nhiếp Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

一切流攝經; C: yīqiēliú shè jīng; J: issairu shō kyō;
Nhất thiết lưu nhiếp thủ nhân kinh (一切流攝守因經).

Nhất Thiết Nhân Trung Tôn

Từ Điển Đạo Uyển

一切人中尊; C: yīqiē rénzhōng zūn; J: issai ninchū son;
Người được tôn kính nhất trong nhân gian. Chỉ một vị Phật, nhưng đặc biệt là Phật Tì-lô-giá-na (毘盧遮那; Đại Nhật Phật. Theo Đại Phương Quảng Phật hoa nghiêm kinh 大方廣佛華嚴經).

Nhất Thiết Nhất Tâm Thức

Từ Điển Đạo Uyển

一切一心識; C: yīqiē yīxīnshì; J: issai isshinshiki;
Tất cả các pháp đều chỉ biến hiện từ tâm thức (theo Thích Ma-ha-diễn luận 釋摩訶衍論).

Nhất Thiết Như Lai

Từ Điển Đạo Uyển

一切如來; C: yīqiē rúlái; J: issai nyorai;
Tất cả các Đức Như Lai, tất cả chư Phật.

Nhất Thiết Như Lai Bảo

Từ Điển Đạo Uyển

一切如來寶; C: yīqiē rúlái băo; J: issai nyorai hō;
Bảo châu như ý của tất cả chư Phật, đặc biệt là của một vị Phật trong Man-đa-la Thai tạng giới, Ngài cầm hoa sen trên tay trái và viên bảo châu như ý trong tay phải.

Nhất Thiết Như Lai Chư Pháp Bản Tính Mãn Tịnh Liên Hoa Tam-Muội

Từ Điển Đạo Uyển

一切如來諸法本性滿淨蓮華三昧; C: yīqiē rúlái zhūfǎ běnxìng mănjìng liánhuā sānmèi; J: issai nyorai shohō honshō manjō renge sanmai;
Một loại Liên hoa tam-muội (蓮華三昧) của Đức Phật Tì-lô-giá-na mà từ trong đó, Đức Phật A-di-đà hoá sinh. Đây là một loại thiền định của Như Lai, quán sát bản tính của tất cả chúng sinh đều thanh tịnh như hoa sen.

Nhất Thiết Như Lai định

Từ Điển Đạo Uyển

一切如來定; C: yīqiē rúláidìng; J: issai-nyoraijō;
Trạng thái Định của tất cả các vị Như Lai. Bậc định cao nhất trong 108 cấp bậc định được các Bồ Tát tu tập, còn gọi là Đại không tam-muội (大空三昧; s: śūnyasamādhi) và Kim cương tam-muội (金剛三昧; s: vajrasamādhi). Cảnh giới vi diệu của thiền định, chứng đắc được nhờ thấu đạt nguyên lí tất cả các pháp đều có Phật tính.

Nhất Thiết Như Lai Kim Cương Thệ Giới

Từ Điển Đạo Uyển

一切如來金剛誓誡; C: yīqiē rúlái jīngāng shìjiè; J: issai nyorai kongō seikai;
Lời thệ nguyện kiên cố của các đức Như Lai, như tiếng gầm của loài sư tử, tuyên bố rằng tất cả các loài hữu tình đều sẽ được thành Phật.

Nhất Thiết Như Lai Nhãn Sắc Như Minh Chiếu Tam-Ma-địa

Từ Điển Đạo Uyển

一切如來眼色如明照三摩地; C: yīqiē rúlái yănsè rúmíng zhào sānmódì; J: issai nyorai genshiki nyomyō shō sanmaji;
Một dạng định của Phật Đại Nhật, trong đó ánh sáng từ mắt của ngài phóng ra từng luồng hào quang. Do công đức của định nầy, Phật Đại Nhật chính thức tuyên thuyết “chân ngữ” thâu nhiếp hết tất cả các nguyên lí và tu tập các công hạnh (theo Du-kì kinh 瑜祇經).

Nhất Thiết Như Lai Tâm Bí Mật Toàn Thân Xá-Lợi Bảo Khiếp ấn đà-La-Ni Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

一切如來心祕密全身舍利寶篋印陀羅尼經; C: yīqiè rúláixīn mìmì quánshēn shèlì băoqièyìn tuóluóní jīng; J: issai nyorai shin himitsu zenshin shari hōkyōin darani kyō; S: sarva-tathāgata-dhiṣṭhānahṛdayaguhya-dhātu-karaṇḍamudrā-dhāraṇī; T: de bshin gshegs pa thams cad kyi byin gyi rlabs sems can la gzigs sin sangs rgyas kyi shing gi bkod pa tun tu ston pa; Gọi tắt là Bảo khiếp ấn đà-la-ni kinh (寶篋印陀羅尼經; s: karaṇḍamudrā-dhāraṇī).
Một bộ kinh thuộc Mật giáo. Có hai bản dịch tiếng Hán: 1. Bất Không (不空; s: amoghavajra) dịch 1 quyển với tên Nhất thiết Như Lai tâm bí mật toàn thân xá-lợi bảo khiếp ấn đà-la-ni kinh (一切如來心祕密全身舍利寶篋印陀羅尼經); 2. Thí Hộ (施護; s: dānapāla) dịch, 1 quyển với tên Nhất thiết Như Lai chính pháp bí mật khiếp ấn tâm đà-la-ni kinh (一切如來正法祕密篋印心陀羅尼經).

Nhất Thiết Như Lai Trí ấn

Từ Điển Đạo Uyển

一切如來智印; C: yīqiē rúlái zhì yìn; J: issai nyorai chi in; S: sarvatathāgata-jñāna-mudrā.
Là dấu hiệu biểu tượng cho trí huệ của chư Phật trong Mật tông Phật giáo, là một hình tam giác trên hoa sen trong đồ hình man-đa-la Thai tạng giới (theo Đại Nhật kinh 大日經). Cũng có nghĩa như Nhất thiết Phật tâm ấn (一切佛心印).

Nhất Thiết Phật Hội

Từ Điển Đạo Uyển

一切佛會; C: yīqiē fóhuì; J: issai butsue;
Pháp hội của tất cả những vị Phật. Thuật ngữ để gọi hai Man-đa-la Thai tạng giới (胎臓界; s: garbhadhātu-maṇḍala) và Kim Cương giới (金剛界; s: vajradhātu-maṇḍala; theo Thập địa kinh luận 十地經論).

Nhất Thiết Phật Tâm ấn

Từ Điển Đạo Uyển

一切佛心印; C: yīqiē fóxīn yìn; J: issai busshin’in;
Dấu hiệu ở trên ngực của Đức Phật, đặc biệt là trên ngực (s: trikoṇa) của Đức Phật Tì-lô-giá-na; dấu hiệu biểu trưng cho trí huệ của chư Phật; đó là một ngọn lửa hình tam giác hướng xuống dưới, biểu tượng cho năng lực hàng phục mọi cám dỗ; còn gọi là Nhất thiết Như Lai trí ấn (一切如來智印) và Nhất thiết biến trí ấn (一切偏智印), dấu hiệu biểu tượng cho huệ giác.

Nhất Thiết Thế Tôn Tối Tôn đặc Thân

Từ Điển Đạo Uyển

一切世尊最尊特身; C: yīqiē shìzūn zuìzūn tèshēn; J: issai seison saison tokushin;
Người đáng được tôn kính nhất trong những người được thế gian tôn kính. Một danh hiệu của Phật Tì-lô-giá-na (毘盧遮那; Đại Nhật Phật, theo Đại Nhật kinh 大日經).

Nhất Thiết Thiên Trí ấn

Từ Điển Đạo Uyển

一切偏智印; C: yīqiē piānzhì yìn; J: issai henchi in;
Dấu hiệu biểu tượng cho Nhất thiết trí. Cũng có nghĩa như Nhất thiết Phật tâm ấn (一切佛心印).

Nhất Thiết Trí

Từ Điển Đạo Uyển

一切智; C: yīqiè zhì; J: issaichi; S: sarvajñatā, sarvākārajñatā;
Trí toàn vẹn, “hiểu biết tất cả”; chỉ trí huệ của một vị Phật, là điểm quan trọng, tiêu biểu nhất của một bậc Chính đẳng chính giác.
Theo quan điểm Tiểu thừa thì Nhất thiết trí được hiểu là mọi hiểu biết đưa đến giải thoát. Còn Ðại thừa cho rằng Nhất thiết trí là trí huệ hiểu biết tất cả các Pháp và thể tính thật sự của nó là Không. Trí này hay được xem là đồng nghĩa với Bát-nhã (s: prajñā). Còn gọi là Phật trí (佛智, theo Pháp Hoa kinh 法華經).

Nhất Thiết Trí địa

Từ Điển Đạo Uyển

一切智地; C: yīqiēzhì dì; J: issaichi ji; S: sarvajña-bhūmi.
Cảnh giới của sự thông đạt vạn pháp (theo kinh Pháp Hoa 法華經)

Nhất Thiết Trí Huệ

Từ Điển Đạo Uyển

一切智慧; C: yīqiēzhìhuì; J: issaichie;
Nhất thiết trí (theo kinh Pháp Hoa 法華經).

Nhất Thiết Trí Tạng

Từ Điển Đạo Uyển

一切智藏; C: yīqiē zhì zàng; J: issai chi zō;
Kho tàng chứa đựng tất cả trí huệ, bản tâm của chư Phật (theo Hoa Nghiêm kinh 華嚴經).

Nhất Thiết Tức Nhất

Từ Điển Đạo Uyển

一切即一; C: yīqiē jíyī; J: issai sokuichi;
Tất cả các pháp đều bao hàm trong Một. Tư tưởng của tông Hoa nghiêm, cho rằng thể tính của các pháp bao dung, tương nhiếp lẫn nhau. Xem Nhất tức nhất thiết (一即一切, theo Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh sớ 大方廣佛華嚴經疏).

Nhất Thố Mao Trần

Từ Điển Đạo Uyển

一兎毛塵; C: yītùmáochén; J: ichitomōjin;
Một nguyên tử của hạt bụi trên đầu sợi lông thỏ. Là đơn vị đo lường, bằng một phần 22.588.608.000 Do-tuần (s: yojana; theo luận Câu-xá 倶舎論).

Nhất Thời

Từ Điển Đạo Uyển

一時; C: yīshí; J: ichiji; S: ekaṃ-samayam.
1. “Một lần nọ”, “Thời ấy”, thường được dùng trong đoạn mở đầu kinh văn do đức Phật thuyết, không nhất thiết đề cập đến một thời gian cụ thể nào; 2. Cùng một lúc.

Nhất Thừa

Từ Điển Đạo Uyển

一乘; C: yīshèng; J: ichijō; S: ekayāna;
Là “Cỗ xe duy nhất” đưa chúng sinh đến Giác ngộ, thành Phật; danh từ này bao hàm hai ý nghĩa. Với cái nhìn tương đối thì danh từ Nhất thừa chính là Phật thừa (佛乘; s: buddhayāna), Bồ Tát thừa (菩薩乘; s: bodhisattvayāna) hoặc Ðại thừa (大乘; s: mahāyāna), được dùng đối ngược với Tiểu thừa (s: hīnayāna) hoặc Ðộc giác thừa (s: pratyekabuddhayāna). Với ý nghĩa tuyệt đối, Nhất thừa bao gồm cả ba cỗ xe (s: triyāna), bao gồm giáo lí có tính chất tạm thời của chúng và chuyển hoá chúng.
Sau sự xuất hiện của khái niệm Nhất thừa, không còn giáo pháp nào của Phật pháp trước đó có thể tồn tại được vì giáo pháp tối thượng đã là nội dung của Nhất thừa. Khái niệm Nhất thừa được đề xướng trong kinh Diệu pháp liên hoa, trong kinh được Phật cho là cao siêu nhất.
Theo giải thích của Khuy Cơ (窺基), giáo lí Nhất thừa của Pháp tướng tông (法相宗) có hai bậc, Nhiếp nhập đại thừa (攝入大乗) và Xuất sinh đại thừa (出生大乗). Nhiếp nhập đại thừa là phương tiện tiếp dẫn người có căn tính bất định (不定性) đến với Nhất thừa, vì thức thể của mỗi chúng sinh khó có khả năng nhận ra Phật tính, cho nên giáo lí nầy khó tương ưng toàn diện với ý nghĩa Nhất thừa. Nhưng vì tất cả đương cơ trong pháp hội kinh Pháp hoa (法華經) đều có khả năng thành Phật, nên giáo lí nầy trở nên rất chân xác và thiết thức trong trường hợp đó. Xuất sinh Đại thừa có nghĩa là tất cả các pháp môn của Phật đều chỉ “xuất sinh” từ giáo lí Đại thừa. Khuy Cơ cho rằng đây là giáo lí trong kinh Thắng-man (勝鬘經; s: śrīmālā-sūtra) và kinh Niết-bàn (涅槃經; s: nirvāṇa-sūtra). Theo Hoa Nghiêm tông (華嚴宗) và Thiên Thai tông (天台宗) thì có sự phân biệt giữa Nhất Phật thừa nầy với Bồ tát thừa trong hệ thống Tam thừa.

Nhất Thừa Bồ Tát

Từ Điển Đạo Uyển

一乘菩薩; C: yīshèng púsà; J: ichijō bo-satsu;
Là vị Bồ Tát đã nhận thức được chân lí Nhất thừa.

Nhất Thừa Gia

Từ Điển Đạo Uyển

一乘家; C: yīshèngjiā; J: ichijōke;
Các trường phái và học giả Phật giáo xiển dương giáo lí Nhất thừa như: Hoa Nghiêm tông, Thiên Thai tông, Thiền tông, v.v…

Nhất Thừa Hiển Tính Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

一乘顯性教; C: yīshèng xiǎnxìng jiāo; J: ichijō kenshō kyō;
Giáo lí Nhất thừa nhằm hiển bày bản tính. Một trong 5 dạng giáo lí Phật pháp do Khuê Phong Tông Mật phân loại (Nguyên nhân luận 原人論).

Nhất Thuyết Bộ

Từ Điển Đạo Uyển

一說部; S: ekavyāvahārika;
Bộ phái Phật giáo xuất phát từ Ðại chúng bộ. Văn-thù vấn kinh (s: mañjuśrīparivarta) gọi là “Chấp nhất ngữ ngôn bộ”, còn Tông luân luận của Khuy Cơ viết rằng, bộ này quan niệm rằng “Thế pháp, xuất thế pháp đều không thật, chỉ là danh.”

Nhất Triêu

Từ Điển Đạo Uyển

一朝; C: yī zhāo; J: itchō;
Qua một đêm, trong một ngày. Chỉ một khoảng thời gian rất ngắn.

Nhất Trượng Lục Tượng

Từ Điển Đạo Uyển

一丈六像; C: yīzhàngliù xiàng; J: ichijōroku zō;
Hình dáng cao một trượng sáu của Đức Phật, chiều cao của hoá thân Phật. Trượng lục (丈六).

Nhất Tự Bất Thuyết

Từ Điển Đạo Uyển

一字不說; J: ichiji-fusetsu;
Nghĩa là “một chữ cũng chưa hề thuyết”; một danh từ thường được dùng trong Thiền tông để nhấn mạnh rằng Phật và các vị Tổ chưa bao giờ đá động đến Chân lí tuyệt đối trong những bài thuyết pháp của chư vị bởi vì cái tuyệt đối này không thể nào diễn bày được (Bất khả thuyết). Vì thế nên đức Phật ban đầu không muốn rời Giác Thành (bodhga-yā), không muốn trở về thế tục để giáo hoá chúng sinh. Nhưng, vì quá thương chúng sinh đang trôi nổi trong Vòng sinh tử nên Ngài quyết định rời chỗ toạ thiền đi hoằng hoá. Nói theo các vị Thiền sư là “để rơi mình vào cỏ mà nói chuyện” (落草譚; lạc thảo đàm) – tức là rời tâm thức sung sướng an lạc tuyệt đối để bước vào tâm thức của một phàm phu để chỉ đường chúng sinh đến bờ Giác ngộ.
Vì lí do trên mà Thiền tông quan niệm rằng, tất cả những bài Kinh (s: sūtra) của đức Phật và Ngữ lục của chư vị Thiền sư đều chỉ là “Ngón tay chỉ mặt trăng – nhưng không phải chính là mặt trăng.” Chân lí tuyệt đối chỉ có thể – nếu có thể! – được “truyền” bằng một phương pháp bí mặt, siêu việt mà Thiền tông gọi là “Dĩ tâm truyền tâm.”
Thiền tông tự nêu tông chỉ của mình là “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật” – thay vì dựa vào lời của Phật thuyết trong các kinh sách, bởi vì ngôn ngữ trên giấy mỗi người đều hiểu một cách riêng biệt – tuỳ theo trình độ và khả năng của người đang xem nó. Thiền tông không quan niệm rằng, tất cả kinh sách đều vô dụng, nhưng chúng không thể biểu lộ hết tất cả. Chúng thật sự vô dụng trong việc miêu tả cái tuyệt đối, Chân như.

Nhất Tự đỉnh Luân Vương Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

一字頂輪王經; C: yīzìdǐng lúnwáng jīng; J: ichijichō rin’ō kyō;
Bồ-đề trường sở thuyết nhất tự đỉnh luân vương kinh (菩提場所説一字頂輪王經).

Nhất Tự Kì đặc Phật đỉnh Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

一字奇特佛頂經; C: yīzì qítè fódǐng jīng; J: ichiji kidoku bucchō kyō; S: uṣṇīṣacakravarti-tantra.
Kinh, 3 quyển, Bất Không (不空) dịch.

Nhất Tự Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

一字經; C: yīzì jīng; J: ichijikyō;
Kinh, xem Nhất tự Phật đỉnh luân vương kinh (一字佛頂輪王經).

Nhất Tự Quan

Từ Điển Đạo Uyển

一字關; J: ichiji-kan;
Tức là “ải của một chữ”; một chữ bao hàm tất cả ý nghĩa giảng dạy. Danh từ này thường dùng cho những Thoại đầu một chữ. Nổi danh về cách sử dụng nhất tự quan để dạy môn đệ là Thiền sư Vân Môn Văn Yển.
Nhất tự quan nổi tiếng nhất là “Vô” của Thiền sư Triệu Châu Tòng Thẩm (Vô môn quan, công án thứ nhất), “Quan” của Vân Môn (Bích nham lục, Công án 8).

Nhất Tự Tâm Chú Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

一字心呪經; C: yīzì xīnzhòu jīng; J: ichiji shinju kyō;
Đại đà-la-ni mạt pháp trung nhất tự tâm chú kinh (大陀羅尼末法中一字心呪經).

Nhất Tướng

Từ Điển Đạo Uyển

一相; C: yīxiāng; J: issō; S: eka-lakṣaṇa.
“Nhất thể”; tính chất không thay đổi, đồng dạng. Tuyệt đối bình đẳng, không phân biệt cũng chẳng đối lập. Thể của Chân như.

Nhất Vãng

Từ Điển Đạo Uyển

一往; C: yīwăng; J: ichiō;
1. Duy nhất, chỉ, chỉ là; 2. Thông thường, tóm tắt, đại thể (theo Nhị chướng nghĩa 二障義); 3. Một lần, một vòng.

Nhất Vị

Từ Điển Đạo Uyển

一味; C: yīwèi; J: ichimi; S: eka-rasa.
“Chỉ có một (mùi) vị duy nhất,” sự đồng nhất của tất cả những hiện hữu. Thuật ngữ này xuất xứ từ ẩn dụ đại dương, tất cả các biển chỉ có một vị mặn duy nhất.

Nhất Vị Uẩn

Từ Điển Đạo Uyển

一味蘊; C: yī wèi yùn; J: ichimiun; S: eka-rasa-skandha.
Một nguyên tắc được Nhất thiết hữu bộ thiết thuyết, xem như là chủ thể trải qua những biến chuyển, là cái được tái sinh, là tâm thức vi tế nhất bắt đầu từ vô thuỷ vô minh.

Nhất-Xiển-đề

Từ Điển Đạo Uyển

一闡提; C: yīchăntí; J: issendai; S: icchantika.
Dịch âm từ tiếng Phạn “icchantika”; cũng được dịch ý là “Đoạn thiện căn” (斷善根), là người phá bỏ mọi căn lành của mình, hoặc Tín bất cụ túc (信不具足), là người không có đủ niềm tin vào Phật pháp. Người đã tiệt đoạn những căn lành và vì vậy, khó được cứu độ. Dù họ có tu tập tinh cần đến mức nào, họ cung không thể nào đạt giải thoát.
Thuật ngữ “icchan” nguyên đề cập đến người thường có tâm trạng ham muốn dục lạc. Ở Ấn Độ, từ nầy đề cập đến những người theo chủ nghĩa hưởng lạc hoặc là những kẻ ham muốn đời sống thế tục. Trong Phật pháp, từ nầy nói đến những người thiếu những nhân duyên tu tập căn bản để thành Phật. Giáo lí này do Du-già hành tông chủ trương. Các tông phái Phật giáo khác như Thiên Thai, Hoa Nghiêm phản bác thuyết này, cho rằng tất cả mọi chúng sinh đều có thể thành Phật. Thuyết nầy trở thành đầu mối của những cuộc tranh luận trong giới Phật học Á Đông sau này, được thảo luận rất kĩ trong tác phẩm Phật tính luận (佛性論).

Nhị

Từ Điển Đạo Uyển

二; C: èr; J: ni;
Có hai nghĩa: 1. Hai, thứ hai; 2. Nhị nguyên; sự phân hai; “ta và người”.

Nhị Báo

Từ Điển Đạo Uyển

二報; C: èrbào; J: nihō;
Có hai nghĩa: 1. Hai dạng nghiệp báo: Chính báo (正報, nghiệp báo trực tiếp) và Y báo (衣報, không trực tiếp, tuỳ theo điều kiện xung quanh); 2. Tổng báo (總報) và Biệt báo (別報).

Nhị Chân Như

Từ Điển Đạo Uyển

二眞如; C: èr zhēnrú; J: ni shinnyo;
Hai loại Chân như (s: tathatā): 1. Theo giáo lí Du-già hành tông thì đó là An lập chân như (安立眞如), được biểu hiện qua ngôn ngữ văn tự và Phi an lập chân như (非安立眞如), siêu việt mọi phân biệt đối đãi. Dạng thứ nhất tương quan với sự chứng ngộ của hàng Nhị thừa (二乘); dạng thứ hai tương quan với sự chứng ngộ của hàng Bồ Tát; 2. Theo Đại thừa khởi tín luận, Vô cấu, Siêu việt chân như, và Chân như là cội nguồn của mọi hiện tượng.

Nhị Chủng Duyên Sinh

Từ Điển Đạo Uyển

二種縁生; C: èrzhǒngyuànshēng; J: nishu enshō;
Hai loại duyên sinh được trình bày trong Nhiếp Đại thừa luận (攝大乘論), đó là Biệt tự tính (別自性) duyên sinh và Phân biệt ái phi ái (分別愛非愛) duyên sinh.

Nhị Chủng Nhẫn Nhục

Từ Điển Đạo Uyển

二種忍辱; C: èrzhǒng rěnrù; J: nishunin-niku;
Hai loại nhẫn nhục: 1. Chịu đựng những khắc nghiệt từ thiên nhiên như nóng, lạnh, tuyết, mưa, v.v…2. Nhẫn chịu những sự bức hại, lăng nhục do con người gây ra.

Nhị Chủng Sinh Tử

Từ Điển Đạo Uyển

二種生死; C: èrzhǒng shēngsǐ; J: nishu-shōji;
“Hai dạng luân hồi”: Phần đoạn sinh tử (分段生死; hạng phàm phu chưa giác ngộ phải trải qua) và Biến dịch sinh tử (變易生死; những người đã giác ngộ thị hiện).

Nhị Chướng

Từ Điển Đạo Uyển

二障; C: èrzhàng; J: nishō;
I. Hai loại chướng ngại Phân biệt chướng (分別障) và Câu sinh chướng (倶生障) theo giáo lí của Duy thức tông; II. Phiền não chướng (煩惱障), là chướng ngại đầu tiên trong 7 chuyển thức (轉識), có thể được trừ diệt qua pháp tu tiệm thứ của hàng Thanh văn và Bích-chi Phật; Sở tri chướng (所知障), là loại phiền não vi tế nhất xuất phát từ căn bản thức (A-lại-da thức 阿頼耶識) chỉ có thể được chuyển hoá bởi Bồ Tát đã trực chứng Tính không (s: āvaraṇa-dvaya). Theo kinh Viên Giác, hai loại nầy được gọi là Sự chướng (事障) và Lí chướng (理障), tương ứng với các tên gọi đã nêu trên. Xem thêm Nhị chướng nghĩa (二障義) để biết chi tiết về các loại chướng ngại nầy.

Nhị Chướng Nghĩa

Từ Điển Đạo Uyển

二障義; C: èrzhàng yì; J: nishōgi; K: ijang’ǔi
Giáo lí về hai loại chướng ngại. Một luận giải chi tiết đề cập nhiều lí thuyết khác nhau về giáo lí hai chướng ngại của Du-già hành phái (瑜伽行派) của Nguyên Hiểu (元曉; k: wǒnhyo). Luận giải nầy khảo sát và so sánh những giải thích khác nhau về hai thứ chướng ngại được trình bày trong các kinh văn của Du-già hành tông, nổi tiếng nhất là Du-già sư địa luận (瑜伽師地論; s: yogācārabhūmi-śāstra), kinh Giải thâm mật (解深密經; s: saṃdhinirmocana-sūtra), Đối pháp luận (對法論; s: mahāyānābhi-dharma-samuccaya-vyākhyā), kinh Thắng Man (勝鬘經; s: śrīmālādevī-simhanāda-sūtra), và Hiển dương luận (顯揚論; s: prakaranāryavāca-śāstra). Đầu tiên, Nguyên Hiểu định nghĩa những đặc điểm của các loại chướng ngại rất sâu rộng theo thuật ngữ của Hiển giáo lẫn Mật giáo. Sau đó, sư giải thích cách giải trừ chúng theo thuật ngữ của nhiều bản kinh văn khác nhau của Du-già hành tông, cách chuyển hoá phiền não đã được thủ đắc bởi nhiều tầng lớp hành giả khác nhau. Vì thế nên luận văn này là một tài liệu giáo khoa thích hợp nhất để tìm hiểu các ý niệm về phiền não, nhiễm ô trong Phật học và những chướng ngại cho tiến trình giải thoát gây ra bởi tâm phân biệt của con người.

Nhị Chuyển

Từ Điển Đạo Uyển

二轉; C: èrzhuăn; J: niten;
Hai sự chuyển hoá. Chuyển phiền não chướng (煩惱障) và Sở tri chướng (所知障) thành Đại giác ngộ và Niết-bàn.

Nhị Diệt

Từ Điển Đạo Uyển

二滅; C: èrmiè; J: nimetsu;
Hai pháp tịch diệt, đó là: 1. Trạch diệt (pháp tịch diệt nhờ vào công phu giản trạch qua thiền định); 2. Phi trạch diệt (pháp tịch diệt tùy thuận thể tính thanh tịnh của chân như, không nhờ công phu giản trạch qua thiền định).

Nhị Duyên

Từ Điển Đạo Uyển

二縁; C: èryuàn; J: nien;
Hai loại duyên: Nội duyên (内縁) và Ngoại duyên (外縁).

Nhị đế

Từ Điển Đạo Uyển

二諦; C: èrdì; J: nitai;
›Sự thật hai mặt‹. Sự thật tuyệt đối và sự thật quy ước. Sự thật tuyệt đối, Thắng nghĩa đế (勝義諦), là cái nhìn về thật tại qua thân chứng của người đã giác ngộ. Vì sự thật nầy siêu việt ý niệm nhị nguyên nên không thể diễn đạt chính xác qua cơ cấu ngôn ngữ được. Còn sự thật quy ước, là chân lí tương đối, Thế tục đế (世俗諦), là thật tại được diễn đạt bởi người chưa giác ngộ, và được biểu hiện đễ dàng qua cơ cấu ngôn ngữ nhị nguyên.

Nhị đức

Từ Điển Đạo Uyển

二德; C: èrdé; J: nitoku;
Hai đức hạnh. Có ba nghĩa: 1. Trí (智) và Đoạn (斷) đức của hàng A-la-hán; 2. Trí đức và Bi đức; 3. Tính đức và Tu đức.

Nhị Hạnh

Từ Điển Đạo Uyển

二行; C: èrxíng; J: nigyō;
Có các nghĩa: 1. Kiến hành (見行) và Ái hành (愛行); 2. Hai loại hiện hành Phiền não chướng (煩惱障) và Sở tri chướng (所知障); 3. Chính hạnh (正行) và Tạp hạnh (雜行); 4. Ngã hạnh (我行) và Ngã sở nghiệp (我所業).

Nhị Hoặc

Từ Điển Đạo Uyển

二惑; C: èrhuò; J: niwaku;
Hai thứ phiền não: 1. Kiến tu hoặc (見修惑): Kiến hoặc được đoạn trừ ở giai vị Kiến đạo và Tu hoặc được đoạn trừ ở giai vị Tu đạo; 2. Hai loại phiền não lớn và nhỏ (Đại tiểu nhị hoặc 大小二惑).

Nhị Huệ

Từ Điển Đạo Uyển

二慧 (惠); C: èrhuì; J: nie;
Hai loại trí tuệ, Văn tư 聞思.

Nhị Không

Từ Điển Đạo Uyển

二空; C: èrkōng; J: nikū;
Hai loại tính không. Có nhiều thuyết: 1. Các yếu tố cấu thành sự hiện hữu (pháp) cũng như chủ thể nhận thức về hiện hữu ấy (ngã) đều là không. 2. Người biết và vật được nhận biết đều không; 3. Đãn không và Bất đãn không; 4. Tính không và Tướng không.

Nhị Kiến

Từ Điển Đạo Uyển

二見; C: èrjiàn; J: niken;
Hai quan niệm, hai kiến giải. Có nhiều nghĩa: 1. Thường kiến (常見) và Đoạn kiến (斷見), còn được gọi là Hữu kiến (有見) và Vô kiến (無見); 2. Tỉ lượng (比量) và Hiện lượng (現量); 3. Thân kiến (身見) và Biên kiến (邊見), gồm hai loại đầu trong Thập hoặc (十惑).

Nhị Lợi Hạnh

Từ Điển Đạo Uyển

二利行; C: èrlì xíng; J: nirigyō;
Pháp tu đạt đến hai lợi ích: Tự lợi và lợi tha (自利利他).

Nhị Ngã Kiến

Từ Điển Đạo Uyển

二我見; C: èrwǒ jiàn; J: nigaken;
Hai quan niệm về Tự ngã. Tin rằng có sự hiện hữu của cái ta chủ thể (ngã 我) và khách thể (pháp 法).

Nhị Nghiệp

Từ Điển Đạo Uyển

二業; C: èryè; J: nigō;
Hai loại nghiệp báo: 1. Mãn nghiệp (滿業) và Dẫn nghiệp (引業); 2. Thiện nghiệp (引業) và Ác nghiệp (惡業).

Nhị Ngộ

Từ Điển Đạo Uyển

二悟; C: èrwù; J: nigo;
Hai dạng giác ngộ: Đốn ngộ (頓悟) và Tiệm ngộ (漸悟).

Nhị Nhập

Từ Điển Đạo Uyển

二入; C: èrrù; J: ninyū;
Hai lối thể nhập đạo giác ngộ xuất xứ từ giáo pháp của Bồ-đề Đạt-ma và trong kinh Kim Cương tam-muội (s: 金剛三昧經; s: vajrasamādhi-sūtra), đó là Lí nhập (理入) và Hạnh nhập (行入), gồm có 4 hạnh.

Nhị Phàm Phu

Từ Điển Đạo Uyển

二凡夫; C: èrfánfū; J: nibonbu;
Hai loại phàm phu: 1. Nội phàm (内凡): người đã đạt được phần nào sự chứng ngộ chân lí đạo Phật. 2. Ngoại phàm (外凡): những người đang còn bị vướng mắc trong vô minh (theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Nhị Phiền Não

Từ Điển Đạo Uyển

二煩惱; C: èr fánnăo; J: nibonnō;
Hai dạng phiền não. Theo kinh Thắng Man (勝鬘經; s: śrīmālā-sūtra) thì đây là Trú (住) phiền não và Khởi (起) phiền não. Có 4 Trú phiền não và có vô số Khởi phiền não.

Nhị Phọc

Từ Điển Đạo Uyển

二縛; C: èrfú; J: nibaku;
Hai loại ràng buộc: Tương ưng phọc và Sở duyên phọc. Từ điển Phật Quang còn liệt kê ba cặp khác của Nhị phọc (theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Nhị Quả

Từ Điển Đạo Uyển

二果; C: èrguǒ; J: nika;
Có hai nghĩa: 1. Nhất lai, quả vị thứ hai trong bốn quả vị (Tứ quả 四果) của Tiểu thừa; 2. Hai quả vị đầu trong bốn quả vị của Tiểu thừa: Dự lưu (預流) và Nhất lai (一來).

Nhị Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

二心; C: èr xīn; J: nishin;
Có ba nghĩa sau: 1. Hai dạng tâm: Chân tâm (tâm không phân biệt) và Vọng tâm (tâm phân biệt); 2. Định tâm và tán tâm; 3. Tâm luôn luôn nghi ngờ.

Nhị Tế

Từ Điển Đạo Uyển

二際; C: èrjì; J: nisai;
Hai dạng hiện hữu; hai dạng hiện thật; hai thái cực. Quan niệm phân đôi về phương thức hiện hữu của vạn vật, như quan niệm vạn vật tồn tại (hữu) hay không tồn tại (vô). Thuật ngữ được dùng liên quan đế́n hai thật thể nầy là Niết-bàn (涅槃; s: nirvāṇa) và luân hồi sinh tử (生死; s: saṃsāra), các ý niệm nầy được phân biệt thành hai trong Phật giáo Tiểu thừa, nhưng Phật giáo Đại thừa xem là một (theo Hoa Nghiêm kinh 華嚴經).

Nhị Thập Bát Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

二十八天; C: èrshíbā tiān; J: nijūhatten;
Hai mươi tám tầng trời. Sáu tầng trời cõi Dục (Lục dục thiên 六欲天), mười tám tầng trời cõi Sắc (Sắc giới 色界), và bốn cõi trời Vô sắc (Vô sắc giới 無色界).

Nhị Thập Duy Thức Luận

Từ Điển Đạo Uyển

二十唯識論; C: èrshí wéishì lùn; J: nijūyuishikiron; S: vimśatikā-śāstra;
Hai mươi luận tụng về Duy thức do Thế Thân (世親; s: vasubandhu) trứ tác, Huyền Trang (玄奘) và Chân Đế (眞諦; c: paramārtha) dịch sang Hán văn. Nội dung gồm hai mươi bài kệ bảo vệ giáo thuyết của Du-già hành tông đối với các sự phê phán. Còn được gọi là Duy thức nhị thập luận (唯識二十論).

Nhị Thập Ngũ Hữu

Từ Điển Đạo Uyển

二十五有; C: èrshíwǔ yǒu; J: nijūgōu;
1. Hai mươi lăm cõi hiện hữu của chúng sinh. Đó là sự phân chia ba cõi chúng sinh đang luân hồi thành hai mươi lăm thành phần. Trong cõi Dục có 14 cách hiện hữu, trong cõi Sắc có 7, trong cõi Vô Sắc có 4. Hai mươi lăm cõi hiện hữu này được sắp xếp thành: Tứ ác đạo (四惡道), Tứ châu (四洲), Lục dục thiên (六欲天), Tứ thiền thiên (四禪天), Ngũ tịnh cư thiên (五淨居天), và Tứ không xứ thiên (四空處天); 2. Cũng là thuật ngữ thường được chỉ cho “Tam giới” (三界) hoặc là “tất cả chúng sinh”.

Nhị Thập Nhất Chủng Lễ Tán Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

二十一種禮讃經; C: èrshíyīzhǒng lǐzàn jīng; J: nijūisshu raisan kyō;
Tên gọi tắt của Thánh giáo độ Phật mẫu nhị thập nhất chủng lễ tán kinh (聖救度佛母二十一種禮讃經).

Nhị Thập Nhị Căn

Từ Điển Đạo Uyển

二十二根; C: èrshíèrgēn; J: nijūnikon;
Hai mươi hai căn (pháp tăng thượng đặc biệt về sự tướng). Gồm 6 căn: mắt (nhãn 眼), tai (nhĩ 耳), mũi (tĩ 鼻), lưỡi (thiệt 舌), thân (身), ý (意); 3 căn nam (男), nữ (女) và mệnh (命); 5 thọ căn: hỉ (喜), khổ (苦), lạc (樂), ưu (憂), và xả (捨); 5 thiện căn: tín (信), cần (勤), niệm (念), định (定), và huệ (慧); 3 vô lậu căn là: vị tri đương tri căn (未知當知), dĩ tri căn (已知) và cụ tri căn (具知).

Nhị Thập Nhị Chủng Ngu Si

Từ Điển Đạo Uyển

二十二種愚癡; C: èrshíèrzhǒng yúchī; J: nijūnishu guchi;
Hai mươi hai thứ ngu si phải được chuyển hoá ở hai giai vị Bồ Tát thập nhất địa (十一地; gồm Bồ Tát thập địa và Phật địa). Thêm vào mỗi một cặp nầy là tiến trình diễn biến và phiền não thô trọng (麁重) dính mắc với nhau: 1. Chấp trước bổ-đặc-già-la cập pháp ngu si (執著補特伽羅及法愚癡) và Ác thú tạp nhiễm ngu si (惡趣雜染愚癡); 2. Vi tế ngộ phạm ngu si (微細誤犯愚癡) và Chủng chủng nghiệp thú ngu si (種種業趣愚癡); 3. Dục tham ngu si (欲貪愚癡) và Viên mãn văn trì đà-la-ni ngu si (圓滿聞持陀羅尼愚癡); 4. Đẳng chí ái ngu si (等至愛愚癡) và Pháp ái ngu si (法愛愚癡); 5. Nhất hướng tác ý khí bội sinh tử ngu si (一向作意棄背生死愚癡) và Nhất hướng tác ý thú hướng niết-bàn ngu si (一向作意趣向涅槃愚癡); 6. Hiện tiền quán sát chư hành lưu chuyển ngu si (者現前觀察諸行流轉愚癡) và Tướng đa hiện hành ngu si (相多現行愚癡); 7. Vi tế tướng hiện hành ngu si (微細相現行愚癡) và Nhất hướng vô tướng tác ý phương tiện ngu si (一向無相作意方便愚癡); 8. Ư vô tướng tác công dụng ngu si (於無相作功用愚癡) và Ư tướng tự tại ngu si (於相自在愚癡); 9. Ư vô lượng thuyết pháp vô lượng pháp cú văn tự hậu hậu huệ biện đà-la-ni tự tại ngu si (於無量説法無量法句文字後後慧辯陀羅尼自在愚癡) và Biện tài tự tại ngu si (辯才自在愚癡); 10. Đại thần thông ngu si (大神通愚癡) và Ngộ nhập vi tế bí mật ngu si (悟入微細祕密愚癡); 11. Ư nhất thiết sở tri cảnh giới cực vi tế trước ngu si (於一切所知境界極微細著愚癡) và Cực vi tế ngu si (極微細愚癡).

Nhị Thập Nhị Ngu

Từ Điển Đạo Uyển

二十二愚; C: èrshíèr yú; J: nijūni gu;
Nhị thập nhị chủng ngu si (二十二種愚癡).

Nhị Thập Nhị Ngu Si

Từ Điển Đạo Uyển

二十二愚癡; C: èrshíèr yúchī; J: nijūni guchi;
Nhị thập nhị chủng ngu si (二十二種愚癡).

Nhị Thừa (thặng)

Từ Điển Đạo Uyển

二乘; C: èrshèng; J: nijō;
Chỉ Thanh Văn (聲聞; s: śrāvaka) và Bích-chi Phật (辟支佛; s: pratyekabuddha). Hai pháp tu nầy thường được giới thiệu trong kinh văn Đại thừa, trong đó, hai thừa nầy bị xem nhẹ như là một đại biểu được gọi là truyền thống “Tiểu thừa” (小乘; s: hīnayāna), với hệ thống giáo lí tương phản với lí tưởng thực hành Bồ Tát đạo. Họ được xem như những người tu tập theo tinh thần chỉ mong đạt đến sự chứng ngộ với quả vị A-la-hán chứ không thể thành Phật. Có nghĩa là họ có khả năng cắt đứt vô lượng phiền não phát sinh bởi ba món độc (Tam độc 三毒; e: three poisons). Nhưng họ không thể tiến xa hơn nữa trên con đường tu đạo theo lí tưởng của hàng Bồ Tát vì họ thiếu sự phát huy lòng Từ bi (慈悲), thương yêu chúng sinh cũng như thiếu sự liễu ngộ về Tính không của các pháp. Một trong các bản kinh văn Đại thừa đầu tiên trình bày chi tiết về sự khác nhau trong pháp tu tập của hàng Nhị thừa và Bồ Tát là kinh Thắng Man (勝鬘經; s: śrīmālā-sūtra).

Nhị Thức

Từ Điển Đạo Uyển

二識; C: èrshì; J: nishiki;
Có hai nghĩa: I. Hai loại thức theo Đại thừa khởi tín luận: 1. A-lại-da thức (阿頼耶識), được diễn tả như là sự chứa đựng cả Như Lai tạng và vô minh bao gồm tất cả chủng tử của các pháp; 2. Phân biệt sự thức (分別事識, còn được gọi là Ý thức 意識) nương A-lại-da thức mà sinh khởi, và nhận biết, phân biệt sáu cảnh; II. Chỉ hai thức căn bản là Mạt-na thức (末那識) và A-lại-da thức (阿頼耶識).

Nhị Tông

Từ Điển Đạo Uyển

二宗; C: èrzōng; J: nishū;
Hai tông phái Phật giáo. Lưỡng tông (兩宗).

Nhị Trí

Từ Điển Đạo Uyển

二智; C: èrzhì; J: nichi;
Hai dạng trí huệ: 1. Tận trí (盡智, trí huệ diệt tất cả phiền não) và Vô sinh trí (無生智); 2. Căn bản trí (根本智) và Hậu đắc trí (後得智), cũng gọi là Như lí trí (如理智) và Như lượng trí (如量智); 3. Quyền trí (權智) và Thật trí (實智).

Nhị Tử

Từ Điển Đạo Uyển

二死; C: èrsǐ; J: nishi;
Hai dạng chết: Chết vì phần đoạn sinh tử trong vòng luân hồi và cái chết mầu nhiệm (còn gọi là thị tịch) của người chứng ngộ.

Nhị Tư Lương

Từ Điển Đạo Uyển

二資糧 (粮); C: èrzīliáng; J: nishiryō;
Hai loại lương thực thiết yếu cho con đường đến giác ngộ, phải được tích tập sớm qua các công hạnh Phúc đức (福徳) và Trí huệ (智慧). Còn được gọi tắt là Phúc trí (福智).

Nhị Vô Kí

Từ Điển Đạo Uyển

二無記; C: èr wújì; J: ni muki;
Hai dạng hành vi đạo đức trung tính làm trở ngại đến tiến trình giải thoát: Hữu phú vô kí (有覆無記) và Vô phú vô kí (無覆無記).

Nhị Y

Từ Điển Đạo Uyển

二依; C: èryī; J: nie;
Hai dạng cấu nhiễm: 1. Dạng cấu nhiễm tiềm ẩn trong thân như máu, tinh dịch, đờm dãi…; 2. Dạng cấu nhiễm xuất hiện trên thân như da bị phỏng, phồng rộp, bị thối… (theo Du-già luận 瑜伽論).

Nhị Y Xứ

Từ Điển Đạo Uyển

二依處; C: èryīchù; J: niesho;
Hai phương diện để y cứ được đề cập trong Du-già sư địa luận (s: yogācārabhūmi-śāstra): 1. Nhận thức đúng đắn về chân lí bao trùm pháp giới; 2. Sự hiểu biết và niềm tin vào năng lực tinh thần của một hữu thể (s: pudgala; theo Du-già luận 瑜伽論)

Nhiễm

Từ Điển Đạo Uyển

染; C: răn; J: zen;
1. Nhuộm (áo quần, v.v…); bị nhuộm hay biến màu; 2. Thuốc nhuộm, mực, màu; 3. Bị ảnh hưởng tâm lí hoặc về thể chất bởi một việc gì đó; 4. Học tập, trở thành thói quen; [Phật học] 1. Bị phiền não, bị nhiễm ô, bị tiêm nhiễm (s: saṃkleśa); 2. Bất tịnh, không trong sạch, sự ô uế, vọng tâm; 3. Tham lam, ham muốn (s: rāga); mê mờ.

Nhiễm ái

Từ Điển Đạo Uyển

染愛; C: rănài; J: zen’ai;
Ái dục nhiễm ô; chấp trước nhiễm ô.

Nhiễm Não

Từ Điển Đạo Uyển

染惱; C: rănnăo; J: nennō;
Làm ô nhiễm, làm vẩn đục, phiền não.

Nhiễm ô

Từ Điển Đạo Uyển

染汚; C: rănwū; J: zenma;
1. Dơ bẩn, hư hỏng. Làm dơ áo quần,v.v… Bẩn thỉu, thô bỉ, ô uế. Làm tâm thanh tịnh bị nhiễm ô bởi phiền não (s: saṃkleśa); 2. Giấu diếm, dối gạt, bao phủ bên ngoài bởi sự ô trọc.

Nhiễm Phẩm

Từ Điển Đạo Uyển

染品; C: rănpǐn; J: zenbon;
Hạng bị ô nhiễm, ngược với hạng thanh tịnh (thanh tịnh phẩm 清淨品).

Nhiễm Số

Từ Điển Đạo Uyển

染數; C: rănshŭ; J: zenshu;
Thói quen nhiễm ô. Tập khí ô nhiễm.

Nhiễm Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

染心; C: rănxīn; J: zenshin;
1. Vọng tâm, tâm bị nhiễm ô (s: kliṣṭa-citta); 2. Tâm thế gian, tâm thế tục; 7. Thức thứ 7.

Nhiễm Tịnh

Từ Điển Đạo Uyển

染淨; C: rănjìng; J: zenjō;
Dơ bẩn (s: kleśa) và trong sạch (s: saṃkleśa-vyavadāna)

Nhiễm Tướng

Từ Điển Đạo Uyển

染相; C: rănxiāng; J: zensō;
Tướng trạng ô nhiễm (s: saṃkleśa-lakṣaṇa).

Nhiên Ðăng Phật

Từ Điển Đạo Uyển

然燈佛; S, P: dīpaṅkara;
Vị cổ Phật từng sống cách thời đại chúng ta vô lượng kiếp. Ðức Phật này là vị đầu tiên của 24 vị Phật trước đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni. Tương truyền dưới thời Nhiên Ðăng Phật thì đức Thích-ca là một nhà sư khổ hạnh tên là Thiện Huệ (s: sumedha). Với thiên nhãn thông, Nhiên Ðăng Phật nhận ra Thiện Huệ sẽ thành Phật dưới tên Cồ-đàm (gautama) và thụ kí cho Thiện Huệ. Phật Nhiên Ðăng được xem là vị Phật quan trọng nhất trong các vị trước Thích-ca. Ngài là vị đại diện cho Phật quá khứ tương tự như trường hợp Di-lặc được xem là đại diện cho Phật vị lai. Tại Trung Quốc và Việt Nam, người ta thờ “Tam thế Phật” là thờ ba vị này.
Theo truyền thuyết, thân Phật Nhiên Ðăng cao “80 trượng”, giáo hoá 84.000 vị A-la-hán, Ngài sống 100.000 năm. Tháp đựng xá-lị Phật Nhiên Ðăng cao 36 do-tuần (s: yojana  15-20km).

Nhiếp Căn

Từ Điển Đạo Uyển

攝根; S, P: indriyasaṃvara; nghĩa là phòng hộ các giác quan;
Phương pháp tu tập quán sát sự vật một cách khách quan và tránh những ý nghĩ bâng quơ, không cho tâm thức lạc lõng trong những cảm giác như yêu thích, ghét bỏ, sân hận… khi tiếp xúc với một pháp nào đó bằng những căn môn (giác quan). Nhiếp căn là yếu tố quan trọng để đạt Ðịnh (s, p: samādhi), cần phải được thực hành trong đời sống hàng ngày, đó là một quy định của Giới (s: śīla).
Phép nhiếp căn được mô tả như sau: “Vị tỉ khâu khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân chạm xúc, ý khởi pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Vị ấy để tâm không cho các yếu tố bất thiện tác dụng lên mắt, vị ấy đạt được nhiếp căn nhãn thức, tỉ thức, thiệt thức, v.v… Tập được nhiếp phục các căn, vị ấy cảm nhận được hỉ lạc thanh tịnh.”

Nho

Từ Điển Đạo Uyển

儒; C: rú; J: ju;
Có các nghĩa sau: 1. Học giả, giới trí thức (Nho sĩ); 2. Yếu, mềm; 3. Người theo đạo Khổng, Nho giáo.

Nho Quả

Từ Điển Đạo Uyển

儒果; C: rúguǒ; J: juka;
Cao tăng thời Bắc Nguỵ, thành viên của Địa luận tông (地論宗) phái Bắc. Sư là đệ tử của Đạo Sủng (道寵).

Nho Thích Chất Nghi Luận

Từ Điển Đạo Uyển

儒釋質疑論; C: rúshì zhíyí lùn; J: jushaku shitsugi ron; K: yusǒk chirǔi ron.
Tác phẩm biện giải được viết vào trước thời kì Triều Tiên (朝鮮; k: chosǒn), trong đó tác giả vô danh đã công kích Phật giáo từ quan điểm của Tân Nho giáo dựa trên quan điểm bất đồng về triết học của Tam giáo (三教). Một số sử gia gán tác phẩm nầy cho Kỉ Hoà (己和), vì ông ta được biết dã soạn một vài tác phẩm tương tự rất gần với thời gian tác phẩm nầy xuầt hiện, nhưng do vì văn phong có nhiều điểm khác nhau giữa tác phẩm của Kỉ Hoà và tác phẩm nầy nên giả thuyết kia vẫn còn mong manh.

Nhữ

Từ Điển Đạo Uyển

汝; C: rŭ; J: nyo;
1. Anh, mày. Từ để xưng hô của người lớn đối với kẻ nhỏ hày đồng vai vế (s: mārsa); 2. Tên một con sông ở Trung Hoa.

Nhữ đẳng

Từ Điển Đạo Uyển

汝等; C: rǔděng; J: nyotō; S: mārsa
Các anh, chúng mày.

Như Hiện Nguyệt Quang

Từ Điển Đạo Uyển

如現月光; ?-1765
Thiền sư Việt Nam thuộc tông Lâm Tế truyền sang miền Bắc, pháp hệ thứ 37. Sư nối pháp Thiền sư Chân Nguyên và truyền lại cho đệ tử là Tính Tĩnh.
Sư sinh ở làng Ðường Hào, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, xuất gia năm 16 tuổi tại chùa Long Ðộng trên núi Yên Tử. Nơi đây, Sư chuyên cần tu học dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Chân Nguyên. Khi Chân Nguyên tịch, Sư được truyền y bát của phái Trúc Lâm Yên Tử, kế thừa thầy chăm sóc các ngôi chùa Long Ðộng, Quỳnh Lâm và Nguyệt Quang.
Năm 1748, Sư được vua Lê Hiến Tông phong chức Tăng thống và năm 1757 hiệu Tăng Thống Thuần Giác Hoà Thượng. Sư sống rất đạm bạc, ăn mặc rất sơ sài nhưng các vị đại thần đều quý trọng. Tương truyền rằng, Sư có hơn 60 vị đệ tử anh tài mà Thiền sư Tính Tĩnh là vị được truyền y bát Trúc Lâm, thay thế Sư chăm lo các ngôi chùa nêu trên.
Ngày mùng 6 tháng 9 năm Ất Dậu, Sư gọi chúng lại từ biệt rồi tịch. Môn đệ xây tháp thờ tại chùa Nguyệt Quang. Chùa này bây giờ nằm ở phường Ðông Khê, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.

Như Lai

Từ Điển Đạo Uyển

如來; S, P: tathāgata;
Là “Người đã đến như thế”; danh hiệu chỉ một vị đã đến bậc giác ngộ cao nhất, bậc Chính đẳng chính giác. Như Lai là một trong mười danh hiệu của một vị Phật. Theo ý nghĩa nguyên thuỷ thì danh từ Như Lai không phải là một “danh hiệu.” Phật Thích-ca Cồ-đàm sử dụng danh từ này để tránh sử dụng chữ “ta”, “tôi” trong lúc giảng dạy, thuyết Pháp và đây cũng là một phong cách biểu lộ sự khiêm tốn của Ngài.
Với sự phát triển của Phật giáo theo thời gian, ý nghĩa của danh từ Như Lai đã biến đổi. Trong Ðại thừa, Như Lai chỉ Ứng thân (s: nirmāṇakāya, Ba thân) của Phật. Ðó là con người toàn hảo, có thể xuất hiện dưới mọi dạng khác nhau, có Mười lực (s: daśabala) của một vị Phật. Như Lai cũng biểu hiện cụ thể của Chân như, thể tính của vũ trụ, được xem là sứ giả trực tiếp của Chân như, là gạch nối giữa hiện tượng và bản thể. Trong nhiều trường hợp, Như Lai được xem là đồng nghĩa với Trí huệ (s: prajñā) và tính Không (s: śūnyatā).

Như Lai Tạng

Từ Điển Đạo Uyển

如來藏; S: tathāgata-garbha;
Nghĩa là cái gốc, nơi xuất xứ của Như Lai; quan điểm Ðại thừa, chỉ mỗi chúng sinh đều chứa Pháp thân (s: dharmakāya, Ba thân) trong thân mình, chứa khả năng thành Phật, khả năng Giác ngộ. Trong các kinh Ðại thừa, Như Lai tạng đồng nghĩa với Phật tính, Pháp giới, Chân như.

Nhu Nhuyến

Từ Điển Đạo Uyển

柔軟; C: róuruăn; J: nyūnan;
Linh động, mềm dẻo, hoà nhã, dịu dàng, ôn hoà (s: mṛdu).

Nhu Nhuyến âm

Từ Điển Đạo Uyển

柔軟音; C: róuruănyīn; J: nyūnan’on;
Âm thanh lời nói dịu dàng, hoà ái của Đức Phật, là một trong tám loại âm thanh lời nói của ngài.

Như Thật Tri Kiến

Từ Điển Đạo Uyển

如實知見; S: yathābhūtaṃ-jñānadarśana; P: yathābhūta-ñāṇadassana; tức là “Nhìn nhận vạn vật như chúng đích thật là”;
Mục đích tối thượng của đạo Phật và là điểm khác nhau giữa một phàm phu và một bậc Giác ngộ. Trong khi bậc giác ngộ đã đạt Như thật tri kiến thì những người còn u mê cứ quanh quẩn mãi trong cái tranh cãi, vướng mắc vào những Ðảo kiến, phân biệt, thị phi, cho tất cả những hiện tượng xung quanh là thật, là trường tồn, là có tự Ngã. Ðó chính là yếu tố trói buộc chúng sinh vào Luân hồi.

Như Trừng Lân Giác

Từ Điển Đạo Uyển

如澄麟角; 1696-1733
Thiền sư Việt Nam thuộc tông Lâm Tế truyền sang Ðàng ngoài, pháp hệ thứ 37. Sư kế thừa Thiền sư Chân Nguyên, sau thành lập một nhánh thiền gọi là Liên Phái.
Sư tên Trịnh Thập, con của Phổ Quang Vương. Lớn lên, Sư được vua Lê Hi Tông gả công chúa thứ tư cho. Một hôm, Sư sai quân đào đất làm ao nuôi cá bỗng dưng tìm thấy một cọng sen lớn. Sư cho đó là điềm lành liền đổi nhà thành chùa, đặt tên là Liên Tông, viện tên là Li Cấu. Sư cũng dâng sớ xin vua được phép xả tục xuất gia. Vua nhận lời và ngay khi được phép, Sư đến Thiền sư Chân Nguyên Chính Giác tại chùa Long Ðộng.
Chân Nguyên gặp Sư hỏi: “Duyên xưa gặp gỡ, vì sao đến chậm vậy?” Sư thưa: “Thầy trò hội hiệp thời tiết đến thì gặp.” Chân Nguyên bảo: “Trùng hưng Phật Tổ sau này là trông cậy ở ngươi.”
Từ đây, Sư ngày ngày ngiên cứu, thông suốt Tam tạng. Sư được Chân Nguyên truyền giới và Tâm ấn. Sau đó, Sư trở về trụ trì tại chùa Liên Tông. Ðồ chúng nghe tin đến học rất đông, do đó mà phái thiền Liên Tông hoặc Liên Phái được thành lập.
Một hôm, Sư bảo chúng: “Giờ quy tịch của ta sắp đến. Ta được pháp nơi Hoà thượng Chân Nguyên, sẽ trao lại cho các ngươi. Hãy nghe kệ đây:
本從無本。從無爲來
還從無爲去。我本無來去
死生何曾累
Bản tòng vô bản, tòng vô vi lai
Hoàn tòng vô vi khứ, ngã bản vô lai khứ
Tử sinh hà tằng luỵ.
*Vốn từ không gốc
Từ không mà đến
Lại từ không mà đi
Ta vốn không đến đi
Tử sinh làm gì luỵ.”
Sư bảo: “Thân khổ Tứ đại này đâu thể giữ lâu.” Nói xong, Sư ngồi yên thị tịch, nhằm niên hiệu Long Ðức thứ 2, thọ 37 tuổi.

Như ý Châu

Từ Điển Đạo Uyển

如意珠; S: cintāmaṇi;
1. Ngọc như ý, được xem là thuộc tính của các vị Phật và Bồ Tát (Ðịa Tạng, Quán Thế Âm, Bảo Sinh Phật);
2. Ngọc cũng tượng trưng cho tâm thức tự tại.

Như ý Túc

Từ Điển Đạo Uyển

如意足; S: ṛddhipāda; P: iddhipāda; hoặc Thần túc, thường được gọi là Tứ như ý túc (四如意足; s: catvāra ṛddhipādāḥ), Tứ thần túc;
Chỉ những nẻo đường dẫn đến Thần thông (Lục thông). Như ý túc bao gồm: 1. Dục (chanda), nghĩa là tập trung vào ý chí mạnh mẽ; 2. Tinh tiến (s: vīrya), tập trung vào nghị lực; 3. Tâm (citta), chú tâm; 4. Trạch pháp (s: mīmāṃsā), chú tâm vào sự tra tầm.

Nhuận

Từ Điển Đạo Uyển

潤; C: rùn; J: jun, nyun;
1. Thấm nước, làm cho đất màu mỡ, làm phong phú, làm ích lợi, trang nghiêm; 2. Sáng ngời, xuất sắc; 3. [Phật học] Tính chất kết dính, sự kết dính (s: sneha). Ứơt, thấm nước; 3. Trạng thái lỏng, dễ biến đổi (s: seka); 4. Đem sự an lạc đến cho chúng sinh.

Nhuận Sinh

Từ Điển Đạo Uyển

潤生; C: rùnshēng; J: nyunjō;
Sự nuôi dưỡng hay “tưới tẩm” các nhiễm ô. Nuôi dưỡng các phiền não.

Nhương Tướng Kim Cương đà-La-Ni Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

壤相金剛陀羅尼經; C: răngxiàng jīngāng tuóluóníjīng; J: esō kongō daranikyō; S: vajravidāraṇa-dhāraṇī; T: rdo rje rnam par ‘joms pa shes bya ba’i gzungs
1 quyển. Sa-la-ba (沙羅巴, t: zhwa lu pa) dịch. Bản phiên âm Phạn phù hợp với bản dịch tiếng Tây Tạng và Phạn. Các bản dịch khác là Kim cương tồi toái đà-la-ni (金剛摧碎陀羅尼).

Ni-A-Na Ti-Lô-Ka

Từ Điển Đạo Uyển

P: nyanātiloka; nghĩa là Tam thế trí giả, “Trí giả thông ba thời”, 1878-1957;
Cao tăng người Ðức kiêm dịch giả lừng danh. Sư tên thật là Walter Florus Gueth, sinh trưởng trong một gia đình Thiên chúa giáo, học ngành âm nhạc và trở thành một tay chơi đàn violon xuất sắc. Trong một chuyến viếng thăm Tích Lan, Sư bỗng mộ đạo Phật và sau đó đến Miến Ðiện gia nhập giáo hội. Sư là một trong những học giả quan trọng nhất trong lĩnh vực kinh sách văn hệ Pā-li, đã dịch các tác phẩm sau đây sang Ðức và Anh ngữ: Di-lan-đà vấn đạo (p: milindapañha, 1919-1924), Tăng-nhất bộ kinh (aṅguttara-nikāya, 1922), Thanh tịnh đạo (visuddhi-magga, 1952). Những bản dịch của Sư rất hay và chính xác, đặc biệt là tác phẩm Thanh tịnh đạo của Ðại sư Phật Âm (p: buddhagosa). Ngoài ra, Sư cũng biên soạn nhiều sách giáo khoa và một quyển từ điển đạo Phật.

Niệm

Từ Điển Đạo Uyển

念; S: smṛti; P: sati; nghĩa là “nhớ, nghĩ”;
Trong đạo Phật, niệm chỉ sự chú tâm hay tỉnh giác. Ðó là lúc hành giả chú tâm lên các hoạt động của thân thể và tư duy. Ðó chính là chính niệm, yếu tố thứ bảy của Bát chính đạo, một trong Bảy giác chi (s: bodhyaṅga) và một trong Năm lực (s: pañcabala). Tâm thức đó được gọi là “đúng đắn” vì nó giúp hành giả giác ngộ. Nhờ chính niệm, người ta phát khởi tri kiến về vô thường, vô ngã và khổ của sự vật. Niệm là phép tu căn bản trong Bốn niệm xứ (s: smṛtyupasthāna; p: satipaṭṭhāna).

Niêm Hoa Vi Tiếu

Từ Điển Đạo Uyển

拈花微笑; J: nenge-mishō; nghĩa là “cầm hoa mỉm cười”;
Một câu nói thường được dùng trong Thiền tông để chỉ việc truyền pháp nằm ngoài ngôn ngữ của Phật Thích-ca Mâu-ni cho Tổ thứ nhất là Ma-ha Ca-diếp (s: mahākāśyapa). Cách “Dĩ tâm truyền tâm” này là sự bắt đầu của “Giáo ngoại biệt truyền”, một danh hiệu mà chư vị Thiền sư tự đặt cho trường phái của mình.
Câu chuyện Niêm hoa vi tiếu trên được thuật lại trong một bộ Kinh với tên Ðại phạm thiên vương vấn Phật quyết nghi kinh (j: daibontennō-mombutsu-ketsugi-kyō). Tương truyền rằng, Phạm thiên vương (s: brahmā) một hôm viếng thăm một hội thuyết pháp của đức Phật trên đỉnh Linh Thứu. Ông cúng dâng đức Phật một cành hoa (có thuyết nói là hoa Sen, một thuyết khác là hoa Ưu-đàm) và thỉnh Phật vì chúng thuyết Pháp. Thay vì thuyết pháp thì Phật chỉ cầm một nhành hoa, se giữa những ngón tay và im lặng mỉm cười. Chẳng ai trong chúng hiểu được thâm ý ngoài Ma-ha Ca-diếp với một nụ cười trả lời. Theo Vô môn quan, Công án thứ 6 – một cách trình bày ngắn gọn của sự kiện này – thì Phật bảo rằng: “Ta có Chính pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng không tướng, vi diệu pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, nay trao lại cho Ma-ha Ca-diếp.”
Ma-ha Ca-diếp vì vậy mà được xem là Tổ thứ nhất của Thiền tông.

Niệm Phật

Từ Điển Đạo Uyển

念佛; J: nembutsu;
Là tụng niệm danh hiệu Phật; trong một nghĩa hẹp thì Niệm Phật là phương pháp tu tập chính của tông Tịnh độ và Phật ở đây chính là Phật A-di-đà. Nếu ai niệm danh hiệu Phật A-di-đà với tất cả niềm tin và hi vọng thì có thể thác sinh vào cõi Cực lạc của Ngài.
Sau đây là một vài cách niệm Phật, Bồ Tát thường gặp:
南無阿彌陀佛。Nam-mô A-di-đà Phật; Nhật ngữ: Namu Amida Butsu; Phạn ngữ: Namu Ami-tābha Buddha;
南無本師釋迦牟尼佛。 Nam-mô Bản sư Thích-ca Mâu-ni Phật; Phạn ngữ: Namu Upādh-yāya Śākyamuni Buddha;
南無大悲觀世音菩薩。 Nam-mô Ðại bi Quán Thế Âm Bồ Tát; Namu Mahākaruṇā Avaloki-teśvara Bodhisattva.

Niết

Từ Điển Đạo Uyển

涅; C: niè; J: ne;
Phiên âm chữ nir từ tiếng Phạn. Xem mục từ kế tiếp.

Niết-Bàn

Từ Điển Đạo Uyển

涅槃; S: nirvāṇa; P: nibbāna; C: nièpán; J: nehan; dịch nghĩa là Diệt (滅), Diệt tận (滅盡), Diệt độ (滅度), Tịch diệt (寂滅), Bất sinh (不生), Viên tịch (圓寂), Giải thoát (解脫), Vô vi (無爲), An lạc (安樂);
Tiếng phiên âm tương đương với chữ nibban thuộc hệ ngôn ngữ Ấn âu thông dụng; 1. Tình trạng ngọn lửa phiền não; đã bị dập tắt; 2. Là động từ, có nghĩa là nhập niết-bàn; 3. Vô vi.
Niết-bàn mục đích tu hành của mọi trường phái Phật giáo. Trong đạo Phật nguyên thuỷ, Niết-bàn được xem là đoạn triệt Luân hồi (saṃsāra) và đi vào một thể tồn tại khác. Ðó là sự tận diệt gốc rễ của ba nghiệp Bất thiện (s: akuśala) là tham, sân và si. Ðồng thời Niết-bàn có nghĩa là không còn chịu sự tác động của Nghiệp (s: karma), không còn chịu quy luật nhân duyên, Vô vi (s: asaṃkṛta), đặc tính của nó là thiếu vắng sự sinh, thành, hoại, diệt.
Với sự xuất hiện của Ðại thừa (s: mahāyā-na), người ta có một quan điểm mở rộng của Niết-bàn dựa trên khái niệm Bồ Tát (s: bo-dhisattva) và trên tính nhất thể của vạn vật. Niết-bàn được xem là sự thống nhất với cái Nhất thể tuyệt đối (sự bình đẳng của chúng sinh; s: sattvasamatā) đó, sự thống nhất của luân hồi với “dạng chuyển hoá” của nó. Ở đây Niết-bàn được xem như sự lưu trú trong tính tuyệt đối, sự an lạc khi thấy mình cùng một thể với tuyệt đối, khi thấy mình giải thoát khỏi mọi ảo giác, mọi biến tướng, mọi tham ái.
Nhiều người hiểu Niết-bàn chỉ là một cõi hư vô tịch diệt. Ngay Phật giáo nguyên thuỷ đã bác bỏ quan niệm đó. Trong nhiều kinh sách, người ta mô tả Niết-bàn như một “ngọn lửa đã tắt”: Phật giáo quan niệm ngọn lửa tắt không có nghĩa là nó hoại diệt, nó đi vào Hư không (s: ākāśa), trở thành vô hình, thì như thế, Niết-bàn không phải là sự hoại diệt, đó là tình trạng đi vào một sự tồn tại khác. Như lửa phát sinh từ hư không và trở về với hư không, thì Niết-bàn là một tình trạng của tâm thức trở về với một cõi xứ không chịu sự sinh diệt. Ðó là một tình trạng không có một vị trí địa lí, mà là một dạng siêu việt, Xuất thế (出世; s: lokottara) và chỉ có những hành giả đã đạt mới biết được. Vì vậy, trong đạo Phật nguyên thuỷ, Niết-bàn hầu như được hiểu xa cách thế gian, giải thoát khỏi phiền não.
Trong một số kinh sách khác, Niết-bàn được hiểu là sự “an lạc” nhưng phần lớn được hiểu là sự giải thoát khỏi cái Khổ (s: duḥkha). Vì không có ngôn ngữ để diễn tả Niết-bàn, đó là phạm vi nằm ngoài ngôn ngữ và lí luận, nên có nhiều người hiểu Niết-bàn theo quan niệm hư vô. Cách thế dễ tiếp cận nhất về Niết-bàn là hiểu sự tồn tại là một tình trạng đầy dẫy khổ đau và Niết-bàn là dạng tồn tại thiếu vắng sự khổ đau đó. Ðối với hành giả Phật giáo thì định nghĩa liệu Niết-bàn là một dạng tồn tại thật sự hay chỉ là cõi tịch diệt không hề quan trọng. Vì lí do này mà Phật Thích-ca từ chối mọi mô tả về Niết-bàn.
Trong Tiểu thừa (s: hīnayāna), người ta phân biệt hai loại Niết-bàn:
1. Hữu dư niết-bàn (有餘涅槃; s: sopadhi-śeṣa-nirvāṇa; p: savupadisesa-nibbāna): Niết-bàn còn tàn dư, Niết-bàn trước khi tịch diệt. Niết-bàn này là trạng thái của các bậc thánh nhân đã dứt bỏ mọi Phiền não, không còn tái sinh. Các vị này còn sống trên đời nên vẫn còn Ngũ uẩn, còn có nhân trạng nên gọi “hữu dư”. Trong Hữu dư niết-bàn hành giả còn khổ vì còn chịu nghiệp cũ. Có lúc hành giả thoát được cái khổ đó một cách tạm thời trong một số tình trạng thiền định nhất định. Từ quan điểm Hữu dư Niết-bàn này của Tiểu thừa mà phát sinh khái niệm Niết-bàn vô trụ (s: apratiṣṭhita-nirvāṇa) của Ðại thừa.
2. Vô dư niết-bàn (無餘涅槃; s: nirupadhi-śeṣa-nirvāṇa; p: anupadisesa-nibbāna): là Niết-bàn không còn Ngũ uẩn (s: pañca-skan-dha), Mười hai xứ (s, p: āyatana), mười tám Giới (s, p: dhātu) và các Căn (indriya). Niết-bàn vô dư đến với một vị A-la-hán sau khi chết, không còn tái sinh. Loại Niết-bàn này cũng được gọi là Niết-bàn toàn phần hay Bát-niết-bàn (般涅槃; s: parinirvāṇa).
Ngay trong Tiểu thừa thì quan điểm của mỗi phái cũng khác nhau. Nhất thiết hữu bộ (s: sar-vāstivāda) luận về Niết-bàn với khái niệm khả quan, cho rằng Niết-bàn là thể không sinh thành hoạt diệt, có thể dần dần đạt đến bằng cách loại trừ khổ. Cứ diệt một loại khổ thì đạt được một cảnh giới của Niết-bàn. Vì thế mà có nhiều loại Niết-bàn và hầu như Niết-bàn là một cảnh giới cụ thể. Ðối với Kinh lượng bộ (sautrāntika) thì Niết-bàn chỉ là dạng chấm dứt khổ, nhưng không phải là một cảnh giới vĩnh hằng. Ðộc Tử bộ (s: vātsīputrīya) cho rằng có một cá nhân (s: pudgala) thường còn, hiểu Niết-bàn là cõi mà cá nhân đó tiếp tục tồn tại. Ðối với Ðại chúng bộ (s: mahāsāṅghika) – được xem là tiền thân của phái Ðại thừa – thì khái niệm Niết-bàn vô dư không còn quan trọng nữa. Từ đây các bộ phái sau bắt đầu phát triển và sử dụng danh từ Vô trụ niết-bàn (s: apratiṣṭhita-nirvāṇa). Ðó là trạng thái Niết-bàn của các vị Phật đã thoát khỏi ràng buộc của thế gian nhưng chưa muốn hoàn toàn tịch diệt.
Trong Ðại thừa, người ta nhấn mạnh đến tính chất Bồ Tát nhiều hơn và vì thế khái niệm Niết-bàn không được đề cao nhưng vẫn là mục đích cao nhất trên đường giải thoát. Không có tông phái Ðại thừa nào xem Bồ Tát là mức cuối cùng của Phật đạo; đối với Bồ Tát, việc “nhập Niết-bàn” chỉ được “hoãn lại” sau khi toàn thể chúng sinh đều được giải thoát. Theo quan điểm Ðại thừa, Niết-bàn là sự thống nhất với cái tuyệt đối, không phải chỉ mỗi một cá nhân mà với mọi hiện tượng và vì vậy, Ðại thừa không thấy sự khác biệt giữa Niết-bàn và sinh tử. Ở đây, người ta phân biệt hai loại Niết-bàn: Vô trụ niết-bàn (s: apratiṣṭhitanirvāṇa) và Thường trụ niết-bàn (s: pratiṣṭhita-nirvāṇa; “thường trụ” ở đây với ý nghĩa cố định, bất động).
Trong các phái Ðại thừa, quan niệm về Niết-bàn cũng khác nhau: phái Trung quán (s: mādhyamika) cho rằng, Niết-bàn nằm trong tính Không (s: śūn-yatā), đó là sự “chấm dứt cái thiên hình vạn trạng”, cái chấm dứt đó là sự vắng bóng của mọi ràng buộc thế gian. Niết-bàn là sự thống nhất với Chân như (s: tathatā) không diễn tả được, là cái luôn luôn hiện hữu, nhưng không được nhận biết. Niết-bàn và sinh tử không hề khác nhau, đứng trên phương diện lí tính tuyệt đối mà nói. Chính cái Thức vô minh của chúng ta ngăn cản không cho nhận ra cái lí tính tuyệt đối đó.
Duy thức tông cũng cho rằng Niết-bàn và luân hồi không khác, mọi hiện tượng đều không tồn tại, không thật có. Ðối với tông này thì Niết-bàn xuất hiện khi mọi phân biệt chấm dứt. Duy thức tông cho rằng có hai dạng Niết-bàn: Niết-bàn của A-la-hán, đó là người khi chết chỉ còn Chân như tuyệt đối là tồn tại. Ðó là người “đã yên nghỉ.” Dạng Niết-bàn đó tuy nhiên không ưu việt bằng Niết-bàn của Phật, là dạng chủ động “dập tắt ngọn lửa đời sống” nhưng cũng chủ động ban phát lòng từ bi. Ðây là dạng thống nhất của Chân như với mọi chúng sinh, trong đó mỗi cá nhân vẫn còn tồn tại trong nghĩa quy ước.
Trong Thiền tông, Niết-bàn cũng không hề tách rời với thế giới này mà chính là sự trực ngộ được thể tính của Tâm, là thể tính của con người, thể tính của Phật. Thực hiện Niết-bàn phải thông qua trí huệ và vì vậy, có khi Niết-bàn được xem là đồng nghĩa với Trí huệ Bát-nhã. Niết-bàn và Trí huệ chỉ là hai mặt của một cái duy nhất. Niết-bàn là trạng thái của một người đã đạt trí huệ Bát-nhã, đã đạt tri kiến về Tâm và ngược lại Bát-nhã là trí huệ của một người đã thực hiện Niết-bàn.

Niết-Bàn đường

Từ Điển Đạo Uyển

涅槃堂; J: nehandō;
Tên gọi của nhà dưỡng bệnh trong một Thiền viện. Những tên gọi khác của Niết-bàn đường là An Lạc đường (j: anrakudō) hoặc Diên Thọ đường (j: enjudō).

Niết-Bàn Hội

Từ Điển Đạo Uyển

涅槃會; C: nièpán huì; J: nehan’e;
Pháp hội cử hành vào ngày 15 tháng 2, ngày Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nhập niết-bàn. Pháp hội nầy có ở các quốc gia Phật giáo Á Đông.

Niết-Bàn Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

涅槃經; C: nièpán jīng; J: nehangyō;
Một trong các kinh văn chính của Phật giáo Đại thừa Á Đông, có 3 bản dịch:
1. Đại bát Niết-bàn kinh (大般涅槃經; s: mahāparinirvāna-sūtra); 40 quyển, do Đàm Vô Sấm dịch vào thời Bắc Lương.
2. Cùng nhan đề trên; gồm 36 cuốn; Huệ Nghiêm (慧嚴; s: jñānabhadra) và Hui-ning dịch vào đời Tống.
3. Phật thuyết Đại bát Niết-bàn kinh (佛説大般泥洹經), 6 quyển; Phật-đà-bạt-đà-la (s: buddhabhadra) và Pháp Hiển (法顯) dịch vào đời Tây Tấn năm 416-418.
Kinh nầy được cho là bài pháp cuối cùng của Đức Phật trước khi ngài nhập niết-bàn, nhấn mạnh rằng tất cả các loài hữu tình đều có Phật tính; và tất cả chúng sinh, kể cả Nhất-xiển-đề, đều sẽ thành Phật. Bản kinh đầu tiên có lẽ đã được truyền bá dần vào lúc Đàm Vô Sấm dịch xong, do vì bản kinh mà Pháp Hiển mang về Trung Hoa chỉ là một phần của bộ 6 quyển, trong khi bản dịch sau nầy của Đàm Vô Sấm (s: dharmakṣema) lên đến 40 quyển. Mãi về sau, Huệ Quán (慧觀), Huệ Nghiễm (慧嚴; 363-443); Tạ Linh Vận (謝靈運, 385-433) và một số người khác vào đời Lưu Tống (420-479), đã hợp nhất và cải thiện bản dịch của Phật-đà-bạt-đà-la và Pháp Hiển thành bản dịch riêng gồm 36 quyển. Bản dịch nầy gọi là Nam bản Đại bát Niết-bàn kinh, và bản của Đàm Vô Sấm dịch được gọi là Bắc bản.

Niết-Bàn Tịch Tĩnh

Từ Điển Đạo Uyển

涅槃寂靜; C: nièpán jíjìng; J: nehan jakujō;
Niết-bàn là hoàn toàn vắng lặng (s: śāntaṃ nirvāṇam). Là một trong Tam pháp ấn trong giáo lí Phật pháp.

Niết-Bàn Tông

Từ Điển Đạo Uyển

涅槃宗; C: nièpán zōng; J: nehanshū;
Một trong 13 tông phái Phật giáo Trung Hoa. Tông nầy, tập trung vào giáo lí trong kinh Niết-bàn, tán thành những học thuyết như sự thường tại của Pháp thân, và sự hiện hữu của Phật tính trong toàn thể chúng sinh. Khi bản Bắc của kinh Niết-bàn lưu truyền đến Hồ Nam, thì Đạo Sinh (道生), người bị phê phán do học thuyết báo trước Nhất-xiển-đề có Phật tính, mới được minh oan. Việc nghiên cứu kinh nầy trở nên thịnh hành, bản Bắc của kinh Niết-bàn được lưu truyền đến ngày nay. Huệ Quán đưa ra phán giáo Ngũ thời đốn tiệm (頓漸五時), cho rằng nội dung kinh Niết-bàn phản ánh trọn vẹn ý chỉ của Đức Phật nhất. Đỉnh cao của việc truyền bá kinh Niết-bàn là vào thời đại Nam Bắc triều (439-589). Sau thời nhà Tuỳ, nhiều luận giải về kinh nầy được viết do những cao tăng như Huệ Viễn (慧遠), Cát Tạng (吉蔵), Quán Đỉnh (灌頂), nhưng nó bắt đầu bị lu mờ dần như là một tồn tại riêng lẻ khi có sự ra đời của Nhiếp luận tông (攝論宗) và Thiên Thai tông (天台宗). Hoàn toàn biến mất vào thời nhà Đường, đặc biệt sau sự ra đời của Tam luận tông (三論宗), Pháp tướng tông (法相宗), và Hoa Nghiêm tông (華嚴宗), nhưng học thuyết căn bản của nó vẫn có ảnh hưởng sâu sắc đến những tông phái kế thừa. Tông Niết-bàn còn được truyền bá sang Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi nó có ảnh hưởng rất đáng kể.
Như các trường phái khác của Phật giáo Trung Quốc, Niết-bàn tông cũng chia nhiều “thời giáo”, các thời kì giáo hoá của Phật. Kinh Ðại bát-niết-bàn được xem là giáo lí sau cùng của đức Phật.

Niết-Bàn Tông Yếu

Từ Điển Đạo Uyển

涅槃宗要; C: nièpán zōngyào; J: nehan shūyō;
Tác phẩm của Nguyên Hiểu (元曉), iảng giải nội dung kinh Niết-bàn, qua phương diện Niết-bàn và Phật tính, cũng như thảo luận về phần yếu chỉ của kinh nầy.

Niệt-Gu-Na-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: nirguṇapa; “Kẻ vô dụng giác ngộ”;
Một trong 84 vị Tất-đạt (siddha) Ấn Ðộ, có lẽ là đệ tử của Kan-ha-pa (s: kāṇhapa), sống trong thế kỉ thứ 10.
Niệt-gu-na-pa sinh trong một gia đình thuộc giai cấp thấp kém tại Pu-va-đê-sa (s: pūrvadeśa). Khi ông sinh ra cha mẹ rất vui mừng, nhưng chẳng bao lâu gia đình rất thất vọng vì ông là người ngớ ngẩn, không làm được gì cả. Ngày nọ, buồn quá, ông kiếm chỗ vắng vẻ ngoài chơi và tình cờ có một Du-già sư đi qua.Vị này khuyên ông tu tập, nhưng ông chỉ chịu thực hiện nếu phép tu này cho phép ông vừa nằm vừa tu! Thế mà vị Du-già sư vui lòng cho ông nhập môn và dạy phép quán Sắc với Không không hề rời nhau:
Người biết, vật được biết,
cả hai đều hư vọng.
Kẻ không biết điều này,
chỉ chuốc lấy khổ đau,
đáng thương thay cho họ.
Thế nhưng ngay khổ đau,
lại cũng chẳng có thật.
Khi tâm thức trở thành,
nguồn ánh sáng thanh tịnh.
Khi hiện tượng, tính Không,
không bao giờ lìa tách,
thì ngươi đạt tự tại,
vào xóm chợ thị thành,
như thánh nhân điên khùng.
Niệt-gu-na-pa nghe lời khai thị, lên đường khất thực, tu tập quán tưởng đến khi ông nhận thấy nhất thể của Sắc và Không chỉ là ánh sáng và đạt thánh quả. Mọi người hỏi ông là ai, ông nhìn thẳng vào mắt họ và khóc vì thương xót, họ nhìn thấy lòng từ bi trong mắt ông và cũng khóc theo. Còn những kẻ có căn cơ được ông nhận làm đệ tử. Thành đạo ca của ông như sau:
Lời dạy của Ðạo sư,
chỉ thẳng vào Trung đạo.
Lời dạy của Ðạo sư,
làm yên lành cảm thụ,
đang vùng vẫy trong tâm,
làm yên lành tư tưởng,
đang chồng chéo lẫn nhau.
Phép quán tưởng thiền định,
làm dịu mọi mâu thuẫn,
ta trở nên tỉnh giác,
hoá giải chúng dễ dàng.

Ninh-Mã Phái

Từ Điển Đạo Uyển

T: nyingmapa [rñyiṅg-ma-pa]; cũng được gọi là Cựu phái vì được sáng lập từ lần đầu Phật giáo truyền qua Tây Tạng, hoặc Hồng giáo, vì các tu sĩ phái này thường mang y phục màu hồng (hoặc mũ màu hồng);
Một trong bốn tông phái chính của Phật giáo Tây Tạng. Tông này thống nhất truyền thống của Ðại sư Liên Hoa Sinh (padmasambhava) và của các cao tăng Tì-ma-la Mật-đa (hoặc Tịnh Hữu; s: vimalamitra), Biến Chiếu (s: vairocana) từ Ấn Ðộ truyền qua trong thế kỉ thứ 8. Từ thế kỉ 15 trở đi, giáo lí của tông này được xắp xếp theo hệ thống nhưng không được thu nhận vào Ðại tạng (Cam-châu-nhĩ/Ðan-châu-nhĩ) của Tây Tạng. Giáo pháp này lấy Ðại cứu kính (t: dzogchen) làm cơ sở và dựa trên luận giải của Long-chen-pa.
Phái Ninh-mã nguyên thuỷ gồm có cả tăng sĩ lẫn cư sĩ và giữ được truyền thống của mình qua thời kì Phật giáo bị Lãng-đạt-ma (t: langdarma) bức hại (836-842). Qua thế kỉ thứ 11, phái này bắt đầu phát triển và trong nội bộ chia làm ba dòng chính: dòng “lịch sử”, dòng “trực tiếp” và dòng “kiến chứng.”
Dòng lịch sử hay tuyên giáo (t: kama) dựa trên hiển giáo xuất phát Phổ Hiền, trong đó có các giáo pháp quan trọng của Ba thừa chỉ được tìm thấy trong dòng Ninh-mã như Ma-ha du-già (s: mahāyoga), A-nậu du-già (anuyoga) và A-tì du-già (atiyoga).
Dòng trực tiếp hay Ter-ma dựa trên các bí lục do Liên Hoa Sinh truyền lại. Ví dụ như Tử thư (t: bardo thodol) là một tác phẩm Terma.
Dòng kiến chứng dựa trên sư tiếp xúc trực tiếp với Báo thân của các vị Ðạo sư (đã nhập diệt) trong lúc nhập định, theo lời khai thị của các vị đó để tuyên giáo các giáo pháp cụ thể trong những thời kì nhất định. Qua cách truyền giáo này mà Long-chen-pa được xem là trực tiếp nhận những lời khai thị của Liên Hoa Sinh.

Nội Căn

Từ Điển Đạo Uyển

内根; C: nèigēn; J: naikon;
Cảnh giới bên trong, cảnh giới của tâm.

Nội Lục Xứ

Từ Điển Đạo Uyển

内六處; C: nèiliùchù; J: nairokusho;
Sáu chỗ bên trong, đó là 6 giác quan (căn) và thức (theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Nội Nhiệt

Từ Điển Đạo Uyển

內熱; hay Nội hoả; T: tumo [gtum-mo]; S: caṇḍa, caṇḍalī;
Một trong sáu phép tu của Na-rô-pa (t: nāropa), được gọi là Na-rô lục pháp (t: nāro chodrug) tại Tây Tạng. Nhờ kiểm soát hơi thở, chú tâm vào các Trung khu (s: cakra) và tập trung vào linh ảnh của một số âm ngữ như RAṂ hoặc RAṂ (Man-tra), hành giả có thể nâng thân nhiệt lên tới mức hầu như “ngồi trong lửa.”
Phương pháp này thật ra xuất phát từ Du-già (yoga) Ấn Ðộ nhưng được phổ biến mạnh tại Tây Tạng vì, một phần nhằm đạt giác ngộ, phần khác nhằm chống lạnh.

Nội Phàm

Từ Điển Đạo Uyển

内凡; C: nèifán; J: naibon;
Giai vị cao của hàng đệ tử phàm (chưa xuất gia); ngược lại, người bên ngoài chưa ngộ chính lí gọi là Ngoại phàm (外凡). Theo Tiểu thừa, giai vị nầy được gọi là Tứ thiện căn vị (四善根位). Đại thừa gọi là Tam hiền vị (三賢位).

Ô

Từ Điển Đạo Uyển

汚; C: wū; J: o;
1. Nhuốm bẩn, làm dơ, làm ô uế, làm hư hỏng; 2. Bị nhuốm bẩn, bị dơ, bị hư hỏng; 3. Sự dơ bẩn, điều ô trọc, sự ô nhiễm; 4. Sự nhục nhã, sự hổ thẹn, ô danh; 5. Kém cỏi, hạ tiện, tầm thường.

KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN SANH

Lần 2648 - Phật Lịch: 2568

Đản sinh Ngài con gửi trọn niềm tin

Thắp nén hương lòng cầu chúng sinh thoát khổ

Nguyện người người thuyền từ bi tế độ

Sống bình an - giác ngộ độ trầm luân.

Xin nhấn vào đây để xem nội dung.

 

 

 

Thanks for signing up. You must confirm your email address before we can send you. Please check your email and follow the instructions.
Chúng tôi tôn trọng sự riêng tư của bạn. Thông tin của bạn được an toàn và sẽ không bao giờ được chia sẻ.
Nam mô A Di Đà Phật!
×
×