Đàm Loan

An Lạc Tịnh Độ Nghĩa
Luận Sơ Lược Về Ý Nghĩa Tịnh Độ An Lạc
Lược Luận An Lạc Tịnh Độ Nghĩa

LƯỢC LUẬN AN LẠC TỊNH ĐỘ NGHĨA

SỐ 1957

Thích Đàm Loan soạn

Hỏi: Cõi Tịnh độ an lạc được nhiếp vào cõi nào ở trong ba cõi?

Đáp: Như Thích Luận nói: Như cõi Tịnh độ này, chẳng phải nhiếp thuộc trong ba cõi. Vì sao? Vì Tịnh độ vô dục, nên chẳng phải Dục giới, vì có địa cư nên chẳng phải Sắc giới; và vì quả có hình sắc cho nên chẳng phải Vô sắc giới. Kinh dạy rằng: Khi xưa Đức Phật A-di-đà tu hành Bồ-tát đạo, làm Tỳ-kheo tên Pháp Tạng ở đời Đức Phật Tự Tại Vương thỉnh hỏi bản hạnh của chư Phật ở cõi Tịnh độ. Lúc đó, đức Tự Tại Vương vì Bồ-tát mà nói về bản hạnh của hai trăm mười ức cõi nước của chư Phật, hàng thiên nhân thiện ác, cõi nước đẹp, xấu thảy đều hiện ra. Lúc bấy giờ Pháp Tạng Bồ-tát liền ở trước Đức Phật, phát nguyện rộng lớn chọn lấy cõi nước của chư Phật. Ở vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, như lời phát nguyện hành Ba-la-mật. Vạn điều lành đều được viên mãn, thành Vô thượng đạo. Do biệt nghiệp mà chứng đắc chứ chẳng phải thuộc ba cõi vậy.

Hỏi: Cõi nước An lạc có bao nhiêu thứ trang nghiêm mà gọi là Tịnh độ?

Đáp: Nếu nương vào kinh, căn cứ vào nghĩa, thì bốn mươi tám lời nguyện của Bồ-tát Pháp Tạng, tức là những việc kia tìm đọc có thể biết được, không cần chép lại. Nếu nương vào luận Vô Lượng Thọ, thì dùng hai thứ thanh tịnh thâu nhiếp hai mươi chín thứ trang nghiêm thành tựu. Hai thứ thanh tịnh ấy là Khí thế gian thanh tịnh và Chúng sinh thế gian thanh tịnh.

– Khí thế gian thanh tịnh gồm có mười bảy thứ trang nghiêm thành tựu:

  1. Tướng quốc độ, thù thắng hơn ba cõi.
  2. Quốc độ kia rộng lớn, lượng như hư không, không có bờ bến.
  3. Chánh đạo đại Từ bi của Bồ-tát sinh khởi thiện căn xuất thế gian.
  4. Hào quang thanh tịnh viên mãn trang nghiêm.
  5. Đầy đủ tánh trân bảo đệ nhất, vượt hẳn các vật báu kỳ diệu.
  6. Thanh tịnh sáng suốt thường chiếu khắp thế gian.
  7. Các vật báu ở quốc độ kia mềm mại, chạm vào sinh tâm ưa thích, phát sinh sự an lạc thù thắng.
  8. Ngàn vạn loại hoa quý trang nghiêm ao hồ, các thứ cung điện lầu gác, hàng cây bằng báu, ánh sáng màu sắc xen lẫn, chiếu sáng khắp thế giới. Vô lượng lưới báu giăng đầy hư không, bốn phía treo linh thường rung tiếng pháp âm.
  9. Ở trong hư không, tự nhiên thường có mùi thơm của mưa trời, hoa trời và nhạc trời, trang nghiêm xông khắp mọi nơi.
  10. Hào quang trí tuệ của Đức Phật, chiếu cùng khắp trừ hết những tối tăm.
  11. Tiếng Phạm âm khai ngộ vang khắp mười phương.
  12. Đức Phật A-di-đà là đấng Pháp vương vô thượng dùng thiện lực giữ gìn.
  13. Từ hoa Như Lai thanh tịnh hóa sinh.
  14. Ưa thích vị Phật pháp, lấy thiền định làm thức ăn.
  15. Vĩnh viễn xa lìa các khổ của thân tâm, thọ vui không gián đoạn.
  16. Cho đến không nghe cả tên hàng Nhị thừa, người nữ và người thiếu căn.
  17. Chúng sinh có sở thích an lạc thì tùy tâm xứng ý đều được đầy đủ. Như vậy mười bảy thứ ấy được gọi là khí thế gian thanh tịnh.

– Chúng sinh thế gian thanh tịnh có mười hai thứ trang nghiêm thành tựu:

  1. Một là, vô lượng đại trân bảo vương vi diệu, đài hoa dùng làm tòa Phật.
  2. Vô lượng tướng hảo, vô lượng hào quang trang nghiêm thân Phật.
  3. Đức Phật vô lượng biện tài ứng cơ thuyết pháp, đầy đủ thanh tịnh, khiến người ưa nghe, người nghe ắt hiểu ngộ, lời nói không hư dối.
  4. Chân như trí tuệ của Đức Phật như hư không, chiếu rõ tổng tướng và biệt tướng của các pháp, tâm không phân biệt.
  5. Chúng nhân thiên bất động, rộng lớn trang nghiêm, ví như núi Tu-di chiếu khắp bốn biển lớn, đầy đủ tướng pháp vương.
  6. Thành tựu vô thượng không còn ai sánh kịp, huống chi là hơn.
  7. Làm bậc Điều ngự, thầy, bậc Trượng phu trong chúng trời người, đại chúng cung kính vây quanh, như loài sư tử vây quanh sư tử chúa vậy.
  8. Bản nguyện lực của Đức Phật trang nghiêm giữ gìn các công đức, người gặp đều được lợi ích, mau chóng được đầy đủ mọi công đức như biển. Những Bồ tát chưa chứng được tâm thanh tịnh cùng với các Bồ tát tâm đã thanh tịnh Bồ tát đã đăng ngôi Địa thì cuối cùng đều được chứng pháp thân bình đẳng tịch diệt bình đẳng.
  9. Các chúng Bồ-tát ở cõi nước An lạc thân không lay động mà biến đến mười phương ứng hóa đủ loại, như thật tu hành, thường làm Phật sự.
  10. Bồ-tát ứng hóa thân như vậy, tất cả thời không trước không sau, nhất tâm nhất niệm phóng hào quang lớn thảy đều biến đến mười phương thế giới, giáo hóa chúng sinh, tạo các phương tiện tu hành, diệt trừ khổ não cho tất cả chúng sinh.
  11. Bồ-tát bình đẳng ở trong tất cả thế giới, chiếu khắp các đại hội của chư Phật rộng lớn vô biên, không có chỗ nào thiếu sót, cúng dường cung kính tán thán công đức của Đức Phật rộng lớn vô biên không có chỗ nào thiếu sót.
  12. Bồ-tát trong mười phương tất cả thế giới, chỗ nào không có Tam bảo thì giữ gìn trang nghiêm Phật Pháp và Tăng bảo, công đức lớn như biển, biến hiện khắp khiến chúng sinh hiểu ngộ như thật tu hành. Đấng pháp vương như vậy là đã thành tựu tám thứ công đức trang nghiêm. Còn Bồ-tát như vậy là đã thành tựu bốn thứ công đức trang nghiêm, cho nên gọi là chúng sinh thế gian thanh tịnh. Cõi nước An lạc đã thành tựu đầy đủ hai mươi chín thứ công đức trang nghiêm như vậy, cho nên gọi là Tịnh độ.

Hỏi: Cõi nước An lạc có bao nhiêu phẩm bậc? Có bao nhiêu nhân duyên?

Đáp: Trong kinh Vô Lượng Thọ dạy, chỉ có ba phẩm Thượng, Trung, Hạ. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy, một phẩm phân làm Thượng, Trung, Hạ, ba lần ba là chín, hợp làm chín phẩm. Nay nương vào sự tán thán kinh Vô Lượng Thọ, căn cứ vào đó để luận về ba phẩm:

Thượng phẩm sinh có năm nhân duyên:

  1. Bỏ nhà lìa dục mà làm Sa-môn.
  2. Phát tâm Vô thượng Bồ-đề.
  3. Nhất hướng chuyên niệm Đức Phật Vô Lượng Thọ.
  4. Tu các công đức.
  5. Nguyện sinh an lạc.

Nếu đầy đủ năm nhân duyên này, thì khi sắp lâm chung Đức Phật Vô Lượng Thọ cùng các đại chúng hiện ở trước mặt, người đó liền theo Đức Phật vãng sinh về cõi An lạc, ở trong hoa sen bảy báu tự nhiên hóa sinh trú bất thoái chuyển, trí tuệ dũng mãnh, thần thông tự tại.

Trung phẩm sinh thì có bảy nhân duyên:

  1. Phát tâm vô thượng Bồ-đề.
  2. Nhất hướng chuyên niệm Đức Phật Vô Lượng Thọ.
  3. Tu thiện nhiều ít, phụng trì trai giới.
  4. Tạo lập tháp tượng.
  5. Cúng dường Sa-môn.
  6. Treo cờ thắp đèn, rải hoa, đốt hương.
  7. Đem công đức này hồi hướng nguyện sinh cõi An lạc.

Khi sắp lâm chung, Đức Phật Vô Lượng Thọ sẽ hóa hiện, hào quang tướng hảo đầy đủ như thân Phật, cùng các đại chúng hiện trước mặt người kia, liền tùy hóa Phật vãng sinh cõi An lạc, trú vị bất thoái chuyển. Công đức trí tuệ cũng được như bậc thượng phẩm.

Hạ phẩm sinh có ba nhân duyên:

  1. Giả sử không thể tạo tác các công đức thì phải phát tâm vô thượng Bồ-đề.
  2. Nhất hướng chuyên nhớ đến Phật, cho đến niệm Đức Phật Vô Lượng Thọ mười niệm.
  3. Tâm chí thành nguyện sinh cõi nước An lạc.

Khi lâm chung, mộng thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ, thì cũng được vãng sinh. Công đức trí tuệ của phẩm này cũng đồng với Trung phẩm.

Lại có một hạng vãng sinh cõi An lạc mà không được kể vào trong ba phẩm này. Nghĩa là, đem tâm nghi ngờ tu các công đức nguyện sinh cõi An lạc. Hạng này không hiểu biết Phật trí, bất tư nghì trí, trí Đại thừa rộng lớn, trí tối thắng tối thượng không có gì sánh bằng. Đối với các trí này, họ nghi hoặc không tin, nhưng tin có tội phước, nên đã tu tập thiện căn, ắt sinh nước An lạc, có cung điện bảy báu rộng từ một trăm đến năm trăm do-tuần. Mỗi mỗi ở trong đó đều được hưởng các khoái lạc như cõi trời Đao lợi. Trong năm trăm năm, thường không thấy Phật, thường không nghe kinh pháp, không thấy Bồ-tát, Thanh văn và Thánh chúng. Cõi nước An lạc đó gọi là biên địa, cũng gọi là thai sinh. “Biên địa” tức là chốn biên địa ấy trong năm trăm năm không thấy nghe Tam bảo, nghĩa đồng với nạn biên địa, hoặc cũng gọi là biên địa của cõi nước An lạc. “Thai sinh” là thí như thai người sinh, khi mới sinh, nhân pháp chưa thành, gọi là “biên” tức chỗ bị nạn, gọi là thai tức là chỗ tối tăm. Hai chữ này là mượn để so sánh thôi. Chẳng phải là biên địa trong tám nạn, chẳng phải bào thai trong thai sinh. Vì sao? Vì cõi An lạc hóa sinh, chẳng phải thật có thai sinh. Vì sau năm trăm năm lại được thấy nghe Tam bảo, cho nên biết chẳng phải là biên địa trong tám nạn.

Hỏi: Loài thai sinh kia ở trong cung điện bảy báu có được thọ hưởng vui sướng không? Nhớ nghĩ về điều gì?

Đáp: Kinh thí Dụ rằng: “Ví như con của Chuyển Luân vương đắc tội với vua cha, bị giam lỏng trong hậu cung, vàng bạc ngọc ngà cung cấp đầy đủ, tất cả không thiếu thứ gì cũng như vua. Vương tử tuy có đầy đủ những thứ tốt đẹp quý báu để hưởng lạc, nhưng tâm không thọ lạc, chỉ nghĩ ra các phương cách mong cầu thoát khỏi.” Loài thai sinh kia cũng lại như vậy, tuy ở trong cung điện bảy báu, có đầy đủ sắc, hương, vị, xúc tốt đẹp, nhưng không cho đó là vui. Vì không thấy Tam bảo, không được cúng dường, tu các thiện căn, nên cho đó là khổ. Hiểu được nguyên nhân của tội kia, họ rất hối hận, tự trách mình và mong cầu xa lìa chỗ kia thì được như ý, trở lại đồng với ba phẩm vãng sinh. Như vậy là phải đến hết năm trăm năm, họ mới biết tội mà sám hối.

Hỏi: Tâm nghi ngờ mà cũng vãng sinh cõi An lạc và được gọi là thai sinh. Tại sao lại khởi nghi?

Đáp: Trong kinh chỉ nói nghi hoặc không tin, chứ không nêu lên ý tại sao nghi. Năm câu không hiểu là chỉ dùng để đối trị câu; không hiểu Phật trí, là không tin hiểu Nhất-thiết-chủng-trí của Đức Phật. Vì không hiểu nên sinh nghi. Một câu này là tổng quát sự nghi ngờ, còn bốn câu dưới mỗi mỗi đều để đối trị chỗ nghi. Nghi có bốn thứ:

1/ Hoài nghi rằng, nếu chỉ nghĩ nhớ đến Phật A-di-đà thì không chắc được vãng sinh cõi An lạc. Vì sao vậy? Kinh dạy: “Nghiệp đạo như bàn cân, bên nào nặng thì lôi kéo trước.” Vì sao một đời hoặc một trăm năm, hoặc mười năm hoặc một tháng, thì không việc ác gì mà không tạo, thế mà chỉ niệm mười niệm liên tục, thì liền được vãng sinh, liền nhập chánh định rốt ráo, được địa vị bất thoái, cùng các khổ trong đường vĩnh viễn chấm dứt ư? Nếu vậy thì nghĩa lôi kéo trước làm sao tin được? Lại nữa, trải qua nhiều kiếp đến nay, tạo đủ các hành pháp hữu lậu, trói buộc trong ba cõi, tại sao không đoạn kiết hoặc trong ba cõi, mà lại nói dùng ít thời gian niệm Phật A-di-đà thì liền ra khỏi ba cõi? Nghĩa trói buộc của nghiệp lại muốn như thế nào? Muốn đối trị điều nghi này, cho nên nói chẳng nghĩ bàn. Trí bất tư nghì tức là trí lực của Đức Phật, có khả năng lấy ít làm nhiều, lấy nhiều làm ít, lấy gần làm xa, lấy xa làm gần, lấy khinh làm trọng, lấy trọng làm khinh, lấy dài làm ngắn, lấy ngắn làm dài. Trí của Đức Phật vô lượng vô biên như vậy nên không thể nghĩ bàn. Thí như một trăm người tiều phu dồn chứa cỏ suốt một trăm năm chất cao đến một ngàn nhận (khoảng tám ngàn thước), dùng lửa đốt nửa ngày liền cháy hết. Đâu có thể nói cỏ chứa một trăm năm thì lửa đốt nửa ngày không hết? Lại như người bị què hai chân, nhờ thuyền người khác chở, nhân có gió thổi mạnh chỉ một ngày thuyền đi đến ngàn dặm. Đâu có thể nói người què vì sao một ngày đi đến ngàn dặm? Lại như người hạ tiện nghèo khổ, được vật bằng ngọc quý, đem dâng cho chủ, người chủ vui mừng được ngọc liền trọng thưởng cho người kia. Người này chỉ trong chốc lát giàu có đầy tràn. Đâu có thể nói có người học trò trải qua mười năm học, chịu đủ mọi cực khổ cay đắng mà cuối cùng không đạt được gì? Nói sự giàu có kia không được như vậy ư? Lại như kẻ yếu sức, dùng hết sức mình leo chồm lên con lừa mà không lên nổi và nếu nương theo vua Chuyển luân đi, cỡi lên hư không bay nhảy tự nhiên, vậy có thể đem người đàn ông sức yếu đặt lên lưng lừa mà quyết nói không thể nương hư không ư? Lại như có sợi dây dài mười thước, một ngàn người đàn ông không thể cắt được, mà đứa trẻ con vung kiếm trong nháy mắt lại làm đứt hai. Đâu có thể nói sức của đứa trẻ không thể cắt đứt dây ư? Lại như con chim chạm vào trong nước, thì loài trai đều chết tiêu hết. Con tê giác chạm vào đất bùn thì người chết đều đứng dậy. Đâu có thể nói sinh mạng một khi đã chết rồi thì không thể sống lại được? Lại như con ngỗng vàng gọi Tử An. Tử An sống trở lại, vậy đâu có thể được nói thây chết dưới phần mộ ngàn năm quyết không thể sống lại được? Tất cả vạn pháp đều có sức mình sức người, nhiếp mình nhiếp người, ngàn mở vạn đóng, vô lượng vô biên, đâu có thể lấy sự hiểu có ngăn ngại mà nghi pháp kia không ngăn ngại được? Vả lại nếu cho rằng, việc ác trong một trăm năm là trọng, còn nghi niệm Phật mười niệm là khinh, nên không được vãng sinh cõi An lạc, không được nhập vào chánh định, thì việc đó không phải như vậy.

2/ Hoài nghi về trí Phật đối với người vốn không cách nhau. Vì sao vậy? Luận nói rằng, tất cả danh tự cũng từ tướng đối đãi mà sinh. Trí giác là từ bất giác mà sinh, như người mù mờ phương hướng, do nhớ lại mới sinh. Giả sử người mê muội mà không biết mê, ắt cuối cùng cũng không hiểu. Nếu có thể hiểu thì chắc hẳn hết mê, cũng có thể nói là người hiểu mê. Mê hiểu và hiểu mê cũng như bàn tay tráo trở mà thôi. Nếu cho rằng sáng tối là sai khác nhau, thì đâu còn siêu việt? Do khởi nghi này, nên đối với trí tuệ của Đức Phật mà họ sinh nghi không tin. Để đối trị cho nên nói trí Phật là không thể xưng. Trí không thể xưng tức nói trí của Đức Phật bặt dứt danh xưng tên gọi, chẳng phải hình tướng đối đãi. Vì sao? Vì pháp nếu là có thì chắc hẳn có trí hiểu biết có, pháp nếu là không lẽ ra cũng có trí hiểu biết không. Các pháp vốn lìa có và không, Đức Phật hiểu sâu xa các pháp, nên trí Phật cũng bặt dứt tướng đối đãi. Ông dẫn dụ ngộ và mê làm thí dụ thì cũng như là một thứ mê thôi, chứ không thành mê ngộ. Cũng như trong mộng mà giải mộng cho người khác. Tuy nói giải mộng mà chẳng phải là không mộng. Dùng tri kiến để hiểu Phật, thì không thể gọi là biết Phật. Vì không biết cách hiểu Phật, nên chẳng phải biết Phật. Dùng cái chẳng phải biết, chẳng phải không biết Phật, cũng chẳng phải biết Phật. Vì cái chẳng phải chẳng biết, chẳng phải chẳng không biết Phật để mà biết Phật thỉ cũng chẳng phải biết Phật. Phật trí vốn lìa bốn câu này, như nói: “Tâm hành xứ diệt, ngôn ngữ đạo đoạn.” Do vì nghĩa này nên Thích luận nói rằng: “Nếu người nào thấy Bát-nhã, thời là bị trói buộc; nếu không thấy Bátnhã thì cũng là bị trói buộc. Nếu người nào thấy Bát-nhã thời là giải thoát, nếu không thấy Bát-nhã thì cũng là giải thoát.” Trong kệ này nói, không lìa bốn câu ấy là trói buộc, lìa bốn câu ấy là giải thoát. Ông nghi trí Phật cùng với người không khác nhau, việc đó không như vậy.

3/ Hoài nghi Đức Phật không thể độ tất cả chúng sinh. Vì sao vậy? Vì đời quá khứ, có vô lượng A-tăng-kỳ hằng sa chư Phật. Hiện tại ở mười phương thế giới cũng có vô lượng vô biên A-tăng-kỳ hằng sa chư Phật. Giả sử, Đức Phật có thế độ tất cả chúng sinh, thì lẽ ra từ lâu đã không có ba cõi. Đức Phật thứ hai lẽ ra không còn vì chúng sinh mà phát tâm Bồ-đề, tu tập công đức Tịnh độ, nhiếp thọ chúng sinh. Vả lại, có Đức Phật thứ hai nhiếp thọ chúng sinh, cho đến có ba đời mười phương vô lượng chư Phật nhiếp thọ chúng sinh, thì biết rằng Đức Phật không thể độ tất cả chúng sinh. Vì người ấy khởi sự hoài nghi này, nên đối với Phật A-di-đà liền sinh ra hữu lượng tưởng. Và để đối trị nghi này, nên nói trí Đại thừa rộng lớn. Trí Đại thừa rộng lớn: Nghĩa là nói không pháp nào mà không biết, không phiền não nào mà không đoạn, không việc thiện nào mà không đầy đủ, không có chúng sinh nào mà không độ. Sở dĩ có ba đời mười phương là có năm nghĩa:

a. Giả sử không có Đức Phật thứ hai, cho đến không có A-tăng-kỳ hằng sa chư Phật, thì Đức Phật không thể độ tất cả chúng sinh. Vì có khả năng độ tất cả chúng sinh, mới có mười phương vô lượng chư Phật. Vô lượng chư Phật tức là Đức Phật quá khứ độ chúng sinh.

b. Nếu một Đức Phật độ hết tất cả chúng sinh, thì sau không lẽ lại có Đức Phật? Vì sao vậy? Nếu không có nghĩa giác tha, thì nương vào nghĩa nào mà nói có ba đời chư Phật? Do nương nghĩa giác tha nên nói mỗi Đức Phật đều độ tất cả chúng sinh.

c. Đức Phật sau năng độ, cũng như Đức Phật trước năng độ. Vì sao vậy? Do vì có Đức Phật trước nên có Đức Phật sau. Thí như Đế vương có tướng nối dõi, vua sau có khả năng nối dõi vua trước.

d. Phật tuy có khả năng độ tất cả chúng sinh, nhưng cốt yếu cần phải có nhân duyên. Nếu chúng sinh cùng với Đức Phật trước không có nhân duyên, thì phải đợi Đức Phật sau. Chúng sinh vô duyên như vậy cần phải trải qua trăm ngàn vạn Đức Phật mà còn không nghe không thấy, đó chẳng phải vì Phật lực yếu kém. Ví như ánh sáng của mặt trăng và mặt trời chiếu khắp bốn châu thiên hạ, phá tan mọi tối tăm, nhưng vì người mù không thấy chứ không phải mặt trời không sáng. Như sấm chớp làm động đất, mà do người điếc không nghe, chứ chẳng phải âm thanh không lớn. Nếu hiểu rõ được lý của các duyên thì gọi là Phật hoặc chí nguyện mạnh mà lý trái với các duyên thì chẳng phải là chánh giác. Vì vậy, cho nên chúng sinh có vô lượng, thì Đức Phật cũng vô lượng. Dẫn chứng Đức Phật tuyệt nhiên không có duyên hay vô duyên, vì sao không độ hết tất cả chúng sinh, thì đó chẳng phải là theo lý mà nói.

e. Chúng sinh nếu hết ở thế gian thì liền đọa vào “Hữu biên”. Do nghĩa này tức là có vô lượng chư Phật độ tất cả chúng sinh.

Hỏi: Nếu chúng sinh không thể cùng tận, thì thế gian phải rơi vào “Vô biên”. Vì rơi vào vô biên nên Phật không thể thật độ tất cả chúng sinh?

Đáp: Thế gian chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên, ở đây cũng bặt dứt bốn câu. Đức Phật khiến chúng sinh lìa bốn câu này, nên gọi là độ chúng sinh, mà thật sự chẳng phải độ, chẳng phải không độ, chẳng phải hết, chẳng phải không hết. Thí như người nằm mộng thấy mình qua sông lớn gặp nạn sóng dữ, người kia sợ hãi kêu vang thấu bên ngoài, người bên ngoài gọi thức dậy vẫn thản nhiên không lo buồn, tức đó chỉ vì mộng qua sông chứ không phải qua sông thật.

Hỏi: Nói độ cùng với không độ đều rơi vào biên kiến, vậy vì sao

chỉ nói độ tất cả chúng sinh là trí rộng lớn của Đại thừa, mà không nói không độ chúng sinh là trí rộng lớn của Đại thừa?

Đáp: Chúng sinh đều nhàm chán khổ mà cầu an lạc, sợ trói buộc mà cầu giải thoát. Nghe độ thì đều quy hướng, nghe không độ thì không biết do đâu mà không độ, bèn nói rằng Phật không có lòng Từ bi lớn nên không quy hướng, vì không quy hướng nên họ cứ mộng mị lâu dài không thể dừng nghỉ. Vì những người này nên phần nhiều Phật nói độ mà không nói là không độ. Lại nữa, trong kinh Vô Hành nói, Đức Phật vốn không đắc Phật đạo, cũng không độ chúng sinh. Vì phàm phu nên gượng ép phân biệt nói Phật độ chúng sinh. Nói độ chúng sinh là nghĩa của đối trị tất đàn, nói không độ chúng sinh là đệ nhất nghĩa tất đàn. Hai câu nói này mỗi mỗi đều có nguyên nhân, không chống trái lẫn nhau.

Hỏi: Như người mộng dứt há không phải là độ ư? Nếu tất cả chúng sinh đều hết mộng, thì thế gian lại không hết sao?

Đáp: Nói thế gian là mộng, nếu mộng hết thì không còn người nằm mộng. Nếu không có người nằm mộng thì cũng không nói người được độ. Như vậy phải biết, thế gian tức là xuất thế gian, và dù có độ vô lượng chúng sinh nhưng không rơi vào điên đảo.

4/ Hoài nghi Đức Phật không chứng đắc Nhất-thiết-chủng-trí. Vì sao vậy? Vì nếu có thể biết tất cả các pháp thì các pháp rơi vào hữu biên. Nếu không biết thì chẳng phải Nhất-thiết-chủng-trí. Để đối trị sự nghi này, cho nên nói trí thù thắng tối thượng, tức là trí của phàm phu thì hư vọng, trí của Đức Phật thì như thật, hư và thật khác nhau xa lý không bình đẳng, cho nên nói là vô đẳng. Hàng Thanh văn và Bích-chi-Phật muốn có sở tri nhập định mới biết xuất định không biết. Lại nữa, khi biết cũng có hạn lượng. Đức Phật chứng đắc Tam-muội như thật, thường ở trong thiền định biết khắp, chiếu soi vạn pháp nhị cùng bất nhị, hiểu sâu các pháp chẳng có gì so sánh được, cho nên nói là vô luân. Bồ-tát từ Bát địa trở lên, tuy được báo sinh Tam-muội, công dụng không có xuất nhập, nhưng còn tập khí vi tế huân tập. Tam-muội chưa sáng suốt thanh tịnh trọn vẹn và so với Phật trí vẫn còn thấp hơn. Phật trí xét đoán đầy đủ, như pháp chiếu soi; vì pháp vô lượng nên pháp chiếu soi cũng vô lượng. Ví như cái hộp lớn nên nắp cũng lớn, do đó nói là tối thượng. Ba câu này cũng có thể xoay chuyển nương nhau mà thành. Do vì Phật trí không ai sánh bằng nên nói là vô luân. Vì vô luân nên nói là tối thắng tối thượng; vì nói là tối thượng tối thắng cho nên gọi là vô đẳng, vì vô đẳng cho nên nói là vô luân, vậy chỉ nói vô đẳng là đầy đủ, tại vì sao lại cần dùng hai câu dưới? Vì như trí của bậc Tu-đà-hoàn thì không thể sánh với A-la-hán được, chính là loại này. Từ sơ địa cho đến Thập địa này cũng như vậy. Trí tuy không bình đẳng, nhưng không có gì là không bình đẳng, vì chẳng phải tối thượng. Ông cần phải biết hữu biên là nạn, nghi Đức Phật chẳng có nhất thiết trí, việc này không thể nói như vậy được.

Hỏi: Trong hạng Hạ phẩm sinh, nói rằng chỉ cần xưng mười niệm liên tục thì được vãng sinh. Thế nào gọi là mười niệm liên tục?

Đáp: Ví như có người đi trên đường, đến chỗ trống vắng thì gặp oán tặc rút dao chặn lại muốn giết. Người kia sợ bị giết nên bỏ chạy, thấy một con sông muốn vượt qua. Nếu qua sông được thì người được an toàn. Lúc đó người ấy chỉ nghĩ đến phương tiện qua sông. Ta đến bờ sông nên mặc áo hay cởi áo mà qua? Nếu mặc áo mà qua thì sợ không qua được; còn nếu cỡi áo thì sợ không kịp. Người ấy chỉ nghĩ về điều này mà không nghĩ gì khác, tức chỉ nghĩ làm thế nào để được qua sông. Tâm chuyên một niệm, không xen lộn các niệm khác, thì gọi đó là mười niệm liên tục. Hành giả cũng như vậy, niệm Đức Phật A-di-đà cũng phải như nghĩ đến việc qua sông kia, trải qua mười niệm như thế, hoặc là niệm danh tự của Đức Phật, hoặc niệm tướng hảo của Phật, hoặc niệm hào quang của Phật, hoặc niệm thần lực của Phật, hoặc niệm công đức của Phật, hoặc niệm trí tuệ của Phật hoặc niệm bổn nguyện của Phật, đều không được xen lẫn niệm khác, tâm tâm tiếp nối nhau cho đến mười niệm, thì gọi là thập niệm tương tục. Nói tổng quát mười niệm tương tục về trước, tợ như không khó, nhưng phàm phu chúng sinh tâm như con ngựa hoang, ý thức dữ dội như vượn khỉ, bôn ba rong ruỗi trong sáu trần, không tạm dừng nghỉ. Phải chí tâm tín niệm luôn luôn niệm trước, khiến tích chứa thành tánh thiện căn kiên cố. Như Đức Phật bảo vua Tần-bà-sa-la, con người tích chứa việc lành, khi chết không có ác niệm, như cây bị nghiêng về phía Tây, thì chắc phải ngã phía tây. Ngọn gió đao một phen đến, thì trăm thứ khổ dồn hết vào thân. Nếu tập khí trước không chứa trong lòng, thì niệm nào có thể đủ. Lại nên cùng với năm, ba người đồng tâm đồng chí kết lời giao ước, nếu có người sắp lâm chung đều cùng nhau đến hộ niệm, xưng danh hiệu của Đức Phật A-di-đà, nguyện sinh cõi An lạc. Mỗi âm thanh phải nối tiếp nhau thành mười niệm. Thí như khuôn dấu sáp ong in xuống đất bùn, dấu vết tuy bị hoại nhưng văn thì đã thành. Khi mạng này đoạn, tức thời sinh về An lạc, một phen nhập Chánh Định Tụ, đâu còn gì lo lắng?