D-Từ Điển Đạo Uyển

Dã Hồ Thiền

Từ Điển Đạo Uyển

野狐禪; J: yakōzen; nghĩa là “Thiền của loài chồn hoang”;
Chỉ loại thiền của những người chưa Kiến tính mà đi lừa người, chỉ biết bắt chước làm và thuyết giảng chân lí mà chính mình chưa trực nhận. Người Trung Quốc tin rằng, chồn là một con thú được dùng để cưỡi của loài yêu tinh và chính nó cũng là con tinh, có khả năng biến thành nhân dạng để mê hoặc người.

Da-Du Ða-La

Từ Điển Đạo Uyển

耶輸多羅; S: yaśodharā; P: yasodhāra;
Vợ của Tất-đạt-đa, đức Phật lịch sử và là mẹ của La-hầu-la.

Dạ-Xoa

Từ Điển Đạo Uyển

夜叉; S: yakṣa; P: yakkha; cũng được gọi là Dược-xoa
Là một loại thần. Kinh sách có khi nhắc nhở đến loài này, gồm hai loại chính: 1. Loài thần, có nhiều năng lực gần giống như chư thiên; 2. Một loài ma quỷ hay phá các người tu hành bằng cách gây tiếng động ồn ào trong lúc họ thiền định.

Dâm

Từ Điển Đạo Uyển

淫; C: yín; J: in;
1. Không chặc chẽ, tự do, không ràng buộc; 2. Rải rác, lúng túng; 3. Quá mức, vượt quá giới hạn, vi phạm; 4. Dâm dật, gợi dục, ham muốn tình dục (婬).

Danh

Từ Điển Đạo Uyển

名; C: míng; J: myō; S: nāman; P: nāma;
1. Danh từ chỉ những tâm sở (thuộc về tâm) đối nghĩa với sắc (色; s, p: rūpa). Danh bao gồm bốn uẩn: Thụ (受; s, p: vedanā), Tưởng (想; s: saṃjñā; p: sañña), Hành (行; s: saṃskāra; p: saṅkhāra), Thức (識; s: vijñā-na; p: viññāṇa). Cùng với sắc, danh thành lập Ngũ uẩn, tạo một chúng sinh, một Hữu tình.
Danh là nhân duyên thứ tư trong Mười hai nhân duyên, bắt nguồn từ thức. Trong Ðại thừa, Danh đối nghịch với Chân như, bởi vì danh không thể bao trùm, tiết lộ hết tất cả sự thật. Từ suy luận này, quan niệm “Tất cả là không thật, là ảo ảnh” trở thành giáo lí trung tâm của Ðại thừa.
2. Danh từ, thuật ngữ. Danh xưng của vật. Nhất thiết hữu bộ xem Danh là một trong những Tâm bất tương ưng hành pháp (心不相應行法).

Danh Hiệu

Từ Điển Đạo Uyển

名號; C: mínghào; J: myōgō;
Tên gọi, đặc biệt là tước hiệu, hay là một danh hiệu đặc biệt tỏ lòng kính trọng, như thường dùng cho chư Phật và các vị đại Bồ Tát (s: nāman).

Danh Nghĩa

Từ Điển Đạo Uyển

名義; C: míngyì; J: myōgi;
Có hai nghĩa: 1. Sự diễn đạt, ngôn ngữ, lời nói; 2. Ngôn từ và ý nghĩa; biểu tượng và biểu hiện.

Danh Ngôn

Từ Điển Đạo Uyển

名言; C: míngyán; J: myōgon;
1. Những thứ làm phương tiện diễn đạt, những biểu hiện qua ngôn ngữ, lời nói (s: abhidhāyaka); 2. Danh tự diễn đạt khái niệm (s: nāman).

Danh Ngôn Chủng Tử

Từ Điển Đạo Uyển

名言種子; C: míngyán zhŏngzí; J: myōgonshū-ji;
Phần bổ sung của các chủng tử tạo tác. Chỉ những chủng tử trong A-lại-da thức (阿頼耶識; s: ālaya-vijñāna), được huân tập trực tiếp qua các biểu thị ngôn ngữ. Là nguyên nhân trực tiếp của tâm thức hiện hành và các hiện tượng vật chất trong vũ trụ.

Danh Nguyệt

Từ Điển Đạo Uyển

名月; C: míngyuè; J: myōgetsu;
Tên một vị thần trong kinh Pháp Hoa.

Danh Sắc

Từ Điển Đạo Uyển

名色; C: míngsè; J: myōshiki; S, P: nāmarūpa;
1. Khái niệm chỉ hai yếu tố quan trọng nhất của con người, gồm tinh thần và thân thể. Sắc (s, p: rūpa) là uẩn thứ nhất trong Ngũ uẩn và Danh (s, p: nāma) là bốn uẩn còn lại. Danh sắc chính là toàn bộ yếu tố cấu tạo thành còn người. Danh sắc là yếu tố thứ tư trong Mười hai nhân duyên, được sinh ra khi một Thức (s: vijñāna, yếu tố thứ ba) đi vào bụng mẹ và kết thành một cá nhân mới.
2. Thuật ngữ được dùng trong văn học Áo nghĩa thư (s: upaniṣad) cổ xưa để biểu thị các hiện tượng vật lí trong vũ trụ

Danh Thân

Từ Điển Đạo Uyển

名身; C: míng shēn; J: myōshin; S: nāma-rūpa; nāma-kāya.
Có các nghĩa sau: 1. Danh và sắc; 2. Sự tích tụ danh mục; từ nầy có nghĩa sự hiện hữu của từ có hơn một danh mục. Một trong 3 cách tạo thành ngôn cú căn bản để kiến lập các pháp. Một trong 24 Tâm bất tương ưng hành pháp. Một phần tử giả lập dựa trên sự phân biệt âm thanh.

Danh Tự

Từ Điển Đạo Uyển

名字; C: míngzì; J: myōji;
Có các nghĩa sau: 1. Danh và sắc (s: nāma-rūpa); 2. Danh hiệu, tước vị (s: nirukti, nāman); 3. Tên gọi và ngôn từ; 4. Giả danh; 5. Thuật ngữ và ngôn từ trong văn học Phật giáo.

Danh Tướng

Từ Điển Đạo Uyển

名相; C: míngxiāng; J: myōsō;
Có hai nghĩa: 1. Danh và sắc, tên gọi và hình dáng; thấy được bằng mắt và nghe được bằng tai (s: nāma-saṃsthāna); 2. Để gọi một giả danh.

Dĩ Tâm Truyền Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

以心傳心; C: yǐxīn chuánxīn; J: ishin-denshin; tức là “Lấy tâm truyền tâm”;
Một cách diễn bày của Thiền tông, chỉ sự truyền giao Phật pháp thâm thuý từ thầy sang trò trong hệ thống truyền thừa. Danh từ này xuất phát từ Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ Huệ Năng và sau này trở thành một danh từ quan trọng trong giới thiền. Lục tổ chỉ rõ rằng, cái được lưu trì trong truyền thống thiền không phải cái hiểu biết suông, vay mượn từ kinh sách, mà hơn nữa, một cách hiểu biết tường tận qua kinh nghiệm Kiến tính và người có thể dẫn môn đệ đến nơi này chính là một vị Thiền sư.

Di-Già-Ca

Từ Điển Đạo Uyển

彌伽迦; S: miśaka;
Tổ thứ 6 của Thiền tông Ấn Ðộ.

Di-Lặc

Từ Điển Đạo Uyển

彌勒; S: maitreya, P : metteyya; dịch nghĩa là Từ Thị (慈氏), cũng có tên là Vô Năng Thắng (無能勝; s, p: ajita), hoặc theo âm Hán Việt là A-dật-đa;
Một vị Ðại Bồ Tát và cũng là vị Phật thứ năm và cuối cùng sẽ xuất hiện trên trái đất. Trong Phật giáo Tây Tạng, Phật Di-lặc được thờ cúng rất rộng rãi. Cõi giáo hoá của Ngài hiện này là trời Ðâu-suất (s: tuṣita). Theo truyền thuyết, Phật Di-lặc sẽ giáng sinh trong khoảng 30.000 năm nữa.

H 21: Di-lặc Bồ Tát. Trong hình này, Ngài chưa ngồi trên toà sen, đang ở trong tư thế chuẩn bị (nói chung là nghệ thuật vùng Bắc Ấn, Hi-mã-lạp sơn ít khi trình bày Di-lặc Bồ Tát dưới dạng ngồi). Tay Ngài bắt ấn chuyển pháp luân, có nghĩa rằng, khi xuất hiện trên thế gian, Ngài sẽ quay bánh xe pháp một lần nữa để cứu độ tất cả chúng sinh.
Tranh tượng hay vẽ Ngài ngồi trên mặt đất, biểu tượng sẵn sàng đứng dậy đi giáo hoá chúng sinh. Tại Trung Quốc, Phật Di-lặc cũng hay được biểu tượng là một vị mập tròn vui vẻ, trẻ con quấn quýt xung quanh. Theo truyền thuyết thì đó chính là hình ảnh của Bố Ðại Hoà thượng, một hoá thân của Di-lặc ở thế kỉ thứ 10. Nếu năm đức Phật xuất hiện trên trái đất nói trên được xem là hoá thân của Ngũ Phật thì Phật Di-lặc được xem như hoá thân của Thành sở tác trí (xem Phật gia, Năm trí).
Có thuyết cho rằng, chính Ngài là người khởi xướng Ðại thừa Phật giáo hệ phái Duy thức. Một số học giả cho rằng, vị này chính là Mai-tre-ya-na-tha (s: maitreyanātha), thầy truyền giáo lí Duy thức cho Vô Trước (s: asaṅga). Truyền thống Phật giáo Tây Tạng cho rằng, Ngài là tác giả của năm bài Luận (s: śāstra), được gọi là Di-lặc (Từ Thị) ngũ luận: 1. Ðại thừa tối thượng (đát-đặc-la) tan-tra (s: mahāyānottaratantra); 2. Pháp pháp tính phân biệt luận (s: dharmadharmatāvibaṅga); 3. Trung biên phân biệt luận (s: madhyāntavibhāga-śāstra); 4. Hiện quán trang nghiêm luận (s: abhisamayā-laṅkāra); 5. Ðại thừa kinh trang nghiêm luận (s: mahāyānasūtralaṅkāra).

Di-Lan-đà

Từ Điển Đạo Uyển

彌蘭陀; S, P: milinda;
Di-lan-đà vấn đạo kinh

Di-Lan-đà Vấn đạo Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

彌蘭陀問道經; P: milindapañha, cũng được gọi là Na-tiên tỉ-khâu kinh;
Bộ sách quan trọng trong Thượng toạ bộ (p: theravāda) ngoài Tam tạng. Sách này ghi lại những cuộc đàm thoại giữa vua Di-lan-đà (milinda, lịch sử châu Âu viết là menandros) gốc Hi Lạp – người đã đi chinh phục Bắc Ấn từ Peshāwar đến Pat-na – và Na-tiên tỉ-khâu. Tương truyền rằng, sau những cuộc tranh luận này, vua Di-lan-đà theo đạo Phật.
Di-lan-đà vấn đạo kinh xuất hiện trong khoảng thế kỉ thứ nhất, được lưu lại bằng một bản văn hệ Pā-li và hai bản dịch chữ Hán, có lẽ được dùng để tuyên truyền Phật giáo miền Tây Bắc Ấn Ðộ. Các câu hỏi của vua Di-lan-đà xoay quanh những vấn đề căn bản của Phật pháp như Vô ngã, tái sinh, Nghiệp, và Na-tiên giải đáp những vấn đề này bằng cách sử dụng những ẩn dụ rất thú vị.

Dịch, Dị

Từ Điển Đạo Uyển

易; C: yì; J: eki, i;
1. Thay đổi, biến đổi; 2. Kinh Dịch (易經), được dùng để tiên đoán sự biến chuyển; 3. Dễ, dễ dàng. Đơn giản, giản dị.

Diêm Quan Tề An

Từ Điển Đạo Uyển

鹽官齊安; C: yōnguān qíān; J: enkan seian; ~ 750-842;
Thiền sư Trung Quốc, một môn đệ của Mã Tổ Ðạo Nhất. Sư được nhắc lại trong Công án 91 của Bích nham lục.
Sư họ Lí, quê ở Hải Môn. Khi Sư ra đời hào quang chiếu đầy nhà. Một vị tăng lạ nói: “Sứ giả dựng cờ vô thắng, xoay mặt trời Phật soi trở lại, đâu không phải người này?” Lớn lên, nghe Mã Tổ hoằng hoá ở Giang Tây, Sư tìm đến học và được Mã Ðại sư truyền tâm ấn. Sau, Sư đến trụ viện Hải Xương tại Diêm Quan Trấn Quốc ở Hàng Châu và vì vậy thời nhân gọi là hội Diêm Quan.
Có một giảng sư đến tham vấn, Sư liền hỏi: “Toạ chủ chứa chất sự nghiệp gì?” Giảng sư đáp: “Giảng kinh Hoa nghiêm.” Sư hỏi: “Có mấy thứ Pháp giới?” Giảng sư trả lời: “Nói rộng thì lớp lớp không cùng, nói lược có bốn thứ Pháp giới.” Sư liền dựng đứng Phất tử hỏi: “Cái này là Pháp giới thứ mấy?” Giảng sư suy nghĩ lựa lời đáp, Sư bảo: “Suy mà biết, nghĩ mà hiểu là kế sống nhà quỷ, ngọn đèn côi dưới trời quả nhiên mất chiếu.”
Một vị sư tên Pháp Không đến hỏi những ý nghĩa trong kinh. Sư mỗi mỗi đáp xong, bảo: “Từ khi Thiền sư lại đến giờ, Bần đạo thảy đều không được làm chủ nhân.” Pháp Không thưa: “Thỉnh Hoà thượng làm chủ nhân lại.” Sư bảo: “Ngày nay tối rồi hãy về nghỉ ngôi, đợi sáng mai hãy đến.” Sáng hôm sau, Sư bảo Sa-di mời Thiền sư Pháp Không. Pháp Không đến, Sư nhìn sa-di bảo: “Bậy! Sa-di này không hiểu việc, dạy mời Thiền sư Pháp Không, lại mời người giữ nhà đến!” Pháp Không không đáp được.
Sau, Sư không bệnh ngồi an nhiên thị tịch, được vua ban hiệu là Ngộ Không Thiền sư.

Diêm Vương

Từ Điển Đạo Uyển

閻王; S, P: yama; gọi trọn âm là Diêm-ma vương hoặc Diêm-la;
Trong huyền thoại Phật giáo, thì Diêm vương là chúa tể của Ðịa ngục (s: na-raka).
Theo truyền thuyết, Diêm vương nguyên là vua của xứ Vệ-xá-li (s: vaiśālī) Trong một trận chiến tranh đẫm máu, ông ước nguyện làm vua địa ngục và quả nhiên dược tái sinh làm Diêm vương. Diêm vương có 8 tướng quân và 80 000 binh sĩ. Mỗi ngày ba lần Diêm vương và các tướng sĩ phải chịu hình phạt bị đổ đồng sôi vào miệng cho đến khi tội ác của họ được tha thứ. Diêm vương là người phái cái già, cái chết đến cho con người, nhắc nhở họ đừng làm gì trái với đạo lí. Diêm vương có người em gái là Yami, nữ chúa cai trị nữ nhân ở địa ngục.

Diễn

Từ Điển Đạo Uyển

演; C: yăn; J: en;
1. Mở rộng; 2. Giảng nói, giảng thuyết, giảng giải; thuyết giảng chính pháp; 3. Thực hiện (công trình, buổi lễ, v.v…); 4. Thi hành, trình diễn, liên hoan nhảy múa; 5. Nghiên cứu, thực hành.

Diễn Bí

Từ Điển Đạo Uyển

演秘; C: yănmì; J: enbi;
Tên vắn tắt thông dụng thường gọi tác phẩm Thành duy thức luận diễn bí (成唯識論演秘).

Diện Bích

Từ Điển Đạo Uyển

面壁; J: menpeki; là “quay mặt nhìn tường”.
Danh từ chỉ Bồ-đề Ðạt-ma ngồi thiền đối tường chín năm tại chùa Thiếu Lâm. Vì vậy mà danh từ Diện bích trở thành đồng nghĩa với Toạ thiền. Trong tông Tào Ðộng tại Nhật, các thiền sinh thường xoay mặt vào tường ngồi thiền trong khi các vị thuộc tông Lâm Tế lại xoay mặt vào khu chính giữa của thiền đường. Trong nhiều bức tranh trình bày Bồ-đề Ðạt-ma, người ta thường vẽ Ngài xoay mặt vào một bức tường đá toạ thiền.
“Diện bích” không chỉ là yếu tố, điều kiện bên ngoài của việc tu tập thiền định – trong một ý nghĩa thâm sâu khác thì nó mô tả tâm trạng của một hành giả tham thiền. Vị này một mặt muốn tiến bước trên con đường tu tập để đạt giác ngộ, mặt khác lại bị đoạt hết những phương pháp hỗ trợ, những khái niệm về đường đi và mục đích trong khi tu thiền và vì vậy phải đứng trước một tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, không thể tiến lên một bước như đứng trước một bức tường vĩ đại. Tâm trạng này và sự tuyệt vọng phát sinh từ đây có thể là một yếu tố để thiền sinh xả bỏ tất cả những ý nghĩ, nguyện vọng, khái niệm và mục đích, hoát nhiên nhảy một bước phá vỡ bức tường nhị nguyên – phá vỡ ở đây có nghĩa là sự trực nhận rằng, bức tường này xưa nay chưa hề có.

Diễn Nghĩa

Từ Điển Đạo Uyển

演義; C: yănyì; J: engi;
Đề ra và giải thích ý nghĩa hay thực chất của vấn đề.

Diễn Sướng

Từ Điển Đạo Uyển

演暢; C: yănchàng; J: enchō;
Giảng giải rõ ràng, trình bày chi tiết, truyền dạy, truyền bá (s: niścarati).

Diễn Thuyết

Từ Điển Đạo Uyển

演説; C: yănshuō; J: enzetsu; S: deśanā
Giảng giải giáo lí, đặc biệt trước đại chúng.

Diệp Huyện Quy Tỉnh

Từ Điển Đạo Uyển

葉縣歸省; C: yèxiàn guīshěng; tk. 10-11;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Lâm Tế, môn đệ đắc pháp của Thủ Sơn Tỉnh Niệm.
Sư họ Cổ, quê ở Kí Châu xuất gia thụ giới lúc còn trẻ. Trong lúc du phương, Sư đến tham vấn Thủ Sơn. Một hôm, Thủ Sơn đưa một khúc tre lên hỏi: “Gọi là Trúc bề thì xúc phạm, chẳng gọi trúc bề thì trái, vậy gọi là cái gì?” Sư chụp trúc bề, ném xuống đất, nói: “Là cái gì?” Thủ Sơn bảo: “Mù!” Sư nhân đây triệt ngộ.
Sư cùng một vị tăng đi đường, nhân thấy một tử thi, tăng hỏi: “Xe ở đây mà trâu ở đâu?” Sư đáp: “Ngươi đã bước chân đi.” Tăng thưa: “Trâu cũng không mà đi cái gì?” Sư bảo: “Ngươi đã không trâu, tại sao đạp nát gót chân?” Tăng thưa: “Thế ấy là chính từ Diệp Huyện đến.” Sư bảo: “Chớ chạy loạn!”
Có vị tăng hỏi về Công án ›Cây tùng của Triệu Châu.‹ Sư bảo: “Ta chẳng tiếc nói với ngươi, mà ngươi có tin không?” Tăng thưa: “Lời của Hoà thượng quý trọng, con đâu dám chẳng tin.” Sư bảo: “Ngươi lại nghe giọt mưa rơi trước thềm chăng?” Vị tăng hoát nhiên có ngộ nhập, bấc giác thốt lên “Chao!” một tiếng. Sư hỏi: “Ngươi thấy đạo lí gì?” Vị tăng bèn làm bài tụng:
Thiềm đầu thuỷ đích
Phân minh lịch lịch
Ðả phá càn khôn
Ðương hạ tâm tức.
*Giọt mưa trước thềm
Rành rẽ rõ ràng
Ðập nát càn khôn
Liền đó tâm dứt.
Sư có chút bệnh, biết mình sắp tịch. Vị tăng khám bệnh đến, hỏi: “Hoà thượng Tứ đại vốn Không, bệnh từ chỗ nào đến?” Sư đáp: “Từ chỗ Xà-lê hỏi đến.” Tăng thưa: “Khi con chẳng hỏi thì sao?” Sư đáp: “Xuôi tay nằm dài trong hư không.” Tăng thốt lên “Chao!” Sư liền tịch.

Diệt

Từ Điển Đạo Uyển

滅; C: miè; J: metsu;
1. Chấm dứt, kết thúc, dừng, xoá sạch, phủ nhận, huỷ diệt. Trong Phật giáo, thường đề cập đến sự trừ diệt phiền não – do vậy, có nghĩa là Niết-bàn. Là tướng thứ tư trong Tứ tướng (四相); 2. Quan niệm vũ trụ như là thực thể hoàn toàn không (vô 無), thuyết hư vô.

Diệt đạo Uý

Từ Điển Đạo Uyển

滅道畏; C: mièdàowèi; J: metsudōi;
Nỗi sợ quy về hai chân lí Diệt đế và Đạo đế. Người mê đắm trong luân hồi trở nên sợ hãi khi đối diện với giáo pháp thanh tịnh, khi nó đặt vấn đề về khả năng tương tục của họ trong đời sống hiện tại.

Diệt đế

Từ Điển Đạo Uyển

滅諦; C: mièdì; J: metsutai;
Chân lí về sự diệt trừ khổ (s: nirodha-satya), do Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đưa ra, cho rằng mọi khổ đau rồi sẽ được trừ diệt; là 1 trong Tứ diệu đế. Còn gọi là Diệt thánh đế (滅聖諦) và Khổ diệt đế (苦滅諦).

Diệt định

Từ Điển Đạo Uyển

滅定; C: mièdìng; J: metsujō;
Cảnh giới định đạt đến sự đình chỉ hoàn toàn tâm hành. Xem Diệt tận định (滅盡定).

Diệt độ

Từ Điển Đạo Uyển

滅度; C: mièdù; J: metsudo;
1. Niết-bàn (s: nirvāṇa, parinirvāṇa); 2. Sự hoại diệt hoàn toàn mọi khổ đau thể xác và tinh thần; 3. Sự nhập diệt của Đức Phật; 4. Sự không tồn tại, sự chấm dứt.

Diệt Hỉ

Từ Điển Đạo Uyển

滅喜; S: vinītaruci; là tên dịch nghĩa, dịch ra âm Hán Việt là Tì-ni-đa Lưu-chi.
Tì-ni-đa Lưu-chi.

Diệt Tận định

Từ Điển Đạo Uyển

滅盡定; C: miè jìn dìng; J: metsujinjō; S, P: nirodha-samāpatti;
Một loại định rất sâu, trong đó mọi tâm hành đều được tiêu diệt hoàn toàn. Theo học thuyết A-tì-đạt-ma Câu-xá luận, đó là 1 trong 14 pháp tâm bất tương ưng hành, và theo giáo lí Duy thức, đó là 1 trong 24 tâm bất tương ưng hành pháp. Khi định nầy được thành thục, thì mạt-na thức cũng được chuyển hoá, và hành giả sẽ được sinh ở cõi trời Hữu đỉnh thứ tư của cõi Sắc. Do định nầy có năng lực diệt trừ sạch các tâm sở trong mạt-na thức, nên nó được xem là thiền định của bậc thánh tu tập. Do hành giả căn cơ thấp kém và hàng ngoại đạo sợ rằng tự ngã sẽ diệt mất, nên họ không dám thâm nhập rốt ráo vào định nầy. Còn được gọi là “Diệt thụ tưởng định”. Chủng tử của tâm phẫn nộ được tạo thành trên cơ sở định nầy.

Diệt Thánh đế

Từ Điển Đạo Uyển

滅聖諦; C: mièshèngdì; J: metsushōtai;
Chân lí về sự diệt trừ khổ. Diệt đế (滅諦).

Diệt Tội

Từ Điển Đạo Uyển

滅罪; C: mièzuì; J: metsuzai;
1. Chuyển hoá các chủng tử nghiệp gây tội lỗi bằng những hành vi như sám hối (懺悔), niệm Phật (念佛), trì tụng đà-la-ni (陀羅尼), v.v… 2. Người đã diệt trừ được mọi tội lỗi của mình.
Đức Phật.

Diệu Mẫu

Từ Điển Đạo Uyển

曜母; C: yàomŭ; J: yōmo;
Tên một vị nữ thần (s: grāha-mātṛkā).

Diệu Nhân

Từ Điển Đạo Uyển

妙因; 1041-1113
Nữ Thiền sư Việt Nam, thuộc phái Tì-ni-đa Lưu-chi đời thứ 17. Sư nối pháp Thiền sư Chân Không.
Sư tên Ngọc Kiều, là trưởng nữ của Phụng Loát Vương. Thuở nhỏ, Sư đã có phong cách thuần hậu, đoan trang, được vua Lí Thánh Tông nuôi trong cung. Lớn lên, vua gả cho một người họ Lê. Khi chồng sớm qua đời, Sư tự thệ thủ tiết không chịu tái giá.
Một hôm, Sư tự than: “Ta xem tất cả Pháp trong thế gian như giấc mộng, huyễn ảo, huống là các thứ phù vinh mà đáng trông cậy sao!” Sau đó, Sư đem tất cả tư trang ra bố thí và xuất gia cầu đạo. Sư đến Thiền sư Chân Không tại làng Phù Ðổng xin xuất gia Thụ giới Bồ Tát. Chân Không ban cho pháp danh Diệu Nhân và truyền yếu chỉ Thiền tông. Sau đó, Chân Không khuyên Sư đến làng Phù Ðổng, Tiên Du trụ trì chùa Hương Hải (cũng được gọi là chùa Linh Ứng). Tại đây, Sư thường dạy chúng: “Chỉ tính mình trở về nguồn, đốn tiệm liền tuỳ đó mà vào.”
Thường ngày, Sư chỉ ngồi lặng lẽ, không thích thanh sắc, ngôn ngữ. Có người thấy vậy liền hỏi: “Tất cả chúng sinh bệnh nên ta bệnh, tại sao lại kị sắc thanh?” Sư dùng kệ trong kinh Kim cương đáp: “Bằng dùng sắc thấy ta, âm điệu nhận ra ta, người ấy hành tà đạo, hẳn không thấy được ta.” Lại hỏi: “Tại sao ngồi yên?” Sư đáp: “Xưa nay không đi.” Hỏi: “Thế nào chẳng nói?” Sư đáp: “Ðạo vốn không lời.”
Năm Hội Tường Ðại Khánh thứ tư, ngày mùng 1 tháng 6, Sư có bệnh gọi chúng lại nói kệ:
生老病死。自古常然。欲求出離。解縛添纏
迷之求佛。惑之求禪。禪佛不求。枉口無言
Sinh lão bệnh tử, tự cổ thường nhiên.
Dục cầu xuất li, giải phược thiêm triền.
Mê chi cầu Phật, hoặc chi cầu Thiền.
Thiền Phật bất cầu, uổng khẩu vô ngôn.
*Sinh già bệnh chết, xưa nay lẽ thường
Muốn cầu thoát ra, mở trói thêm ràng
Mê đó tìm Phật, lầm đó cầu Thiền
Phật Thiền chẳng cầu, uổng miệng không lời.
Nói kệ xong, Sư cạo tóc, tắm rửa rồi ngồi kết già viên tịch, thọ 72 tuổi.

Diệu Pháp Liên Hoa Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

妙法蓮華經; S: saddharmapuṇḍarīka-sūtra; cũng được gọi ngắn là kinh Pháp hoa;
Một trong những bộ kinh Ðại thừa quan trọng nhất, được lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng và Việt Nam. Tông Thiên Thai lấy kinh này làm căn bản giáo pháp. Nội dung kinh này chứa đựng quan điểm chủ yếu của Ðại thừa, đó là giáo pháp về sự chuyển hoá của Phật tính và khả năng giải thoát. Kinh này do đức Phật giảng trong cuối đời Ngài, được kết tập trong khoảng năm 200 (Tây lịch).
Kinh này do Phật giảng trên đỉnh Linh Thứu cho vô số người nghe gồm có nhiều loài khác nhau. Trong kinh này, Phật chỉ rõ, tuy có nhiều cách để giác ngộ, nhưng chúng chỉ là phương tiện nhất thời và thật tế chúng chỉ là một. Các phương tiện khác nhau như Thanh văn thừa, Ðộc giác thừa hay Bồ Tát thừa thật ra chỉ khác nhau vì phải cần phù hợp vào căn cơ của hành giả. Phật chỉ tuỳ cơ duyên, sử dụng các Phương tiện (s: upāya) mà nói Ba thừa nhưng thật chất chỉ có Phật thừa (s: buddhayāna) – nó dẫn đến Giác ngộ và bao trùm cả Ðại thừa lẫn Tiểu thừa. Quan điểm này được làm sáng tỏ bằng ẩn dụ, trong đó một người cha muốn cứu những đứa con ra khỏi một cái nhà đang cháy. Vì những đứa trẻ không chịu nghe lời chạy ra khỏi nhà, người cha đành phải hứa với mỗi đứa cho một món quà tuỳ theo ý thích của chúng, đứa thì được con nai, con dê, xe trâu… để chúng chịu ra ngoài.
Kinh này còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Tín tâm (s: śraddhā) trên bước đường giải thoát. Sau khi Phật giảng tới đó thì các vị Phật và Bồ Tát tuyên bố hỗ trợ kẻ tu hành để tăng phần tín tâm. Một phẩm quan trọng của kinh này với tên Phổ môn (普門品) được dành cho Quán Thế Âm, trong đó vị Bồ Tát này nói rất rõ sự hộ trì của mình đối với người tu học kinh Pháp hoa. Phẩm Phổ môn này được Phật tử Trung Quốc và Việt Nam đặc biệt ưa thích và tụng đọc.
Trong kinh này, đức Phật không còn được xem là vị Phật lịch sử nữa mà Ngài là dạng xuất hiện của Pháp thân (s: dharmakāya; Ba thân), là thể tính đích thật của muôn loài. Mỗi chúng sinh đều xuất phát từ dạng chuyển hoá này của Phật tính và vì vậy đều có thể trở về với chân tính của mình, trở thành một vị Phật.

Diệu Tâm Tự

Từ Điển Đạo Uyển

妙心寺; J: myōshin-ji;
Một ngôi chùa danh tiếng, thuộc tông Lâm Tế tại Kinh Ðô (j: kyōto), Nhật Bản, được Thiền sư Quan Sơn Huệ Huyền (j: kanzan egen, 1277-1360) khai sáng.
Chùa này được Thiền sư Huệ Huyền – vì vâng lệnh Hoa Viên Thiên hoàng – sửa đổi từ li cung của ông mà thành. Ban đầu, chùa này chỉ là một ngôi nhà nhỏ, sụp nát, mưa chảy cả vào trong. Nơi đây, Thiền sư Huệ Huyền dẫn dắt môn đệ rất kĩ lưỡng, nghiêm khắc. Một lần nọ, Quốc sư Mộng Song Sơ Thạch (j: musō sōseki) đến viếng thăm và khi trở về, sư bảo các vị đệ tử của mình rằng “tương lai của Thiền Lâm Tế nằm tại Diệu Tâm tự.”
Dòng Lâm Tế sau chủ yếu lấy chùa này làm trung tâm mà phát triển. Ðến pháp tôn đời thứ sáu là Tuyết Giang Tông Thâm (sekkō sáshin, 1408-1486) thì chia thành 4 phái và trở thành chủ lực lớn nhất của Thiền tông Nhật Bản.

Do-Tuần

Từ Điển Đạo Uyển

由旬; S: yojana;
Ðôn vị chiều dài của Ấn Ðộ thời xưa hay được dùng trong kinh sách đạo Phật. Ðó là khoảng cách binh sĩ đi một ngày đường, khoảng 15-20 km.

Drug-Pa Kun-Leg

Từ Điển Đạo Uyển

T: drugpa kunleg [‘brug-pa kun-legs], 1455-1570, nghĩa là “Con rồng tốt bụng”;
Một trong những “Cuồng Thánh” nổi tiếng nhất Tây Tạng. Sư trước học theo dòng Drug-pa trong tông Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa), sau đó lại thích du phương tuỳ duyên giáo hoá.
Sư được xem là hiện thân của hai vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) Sa-ra-ha và Sa-va-ri-pa (s: śa-varipa). Sư có công lớn trong việc truyền Phật pháp đến nước Bhutan và nổi danh trong quần chúng vì sự “mê” gái và rượu bia. Sư để lại nhiều bài hát thổ lộ điều nhận thức chân lí trực tiếp của mình, có thể so sánh được với những bài kệ của những vị Thiền sư Trung Quốc – ví như:
Tên ta là rồng điên, Drug-pa Kun-leg
Ta không phải du tăng xin ăn, xin áo
Ta đã xuất gia hành hương
Một cuộc hành hương bất tận.
Sư là biểu tượng đặc sắc nhất của những vị Ma-ha Tất-đạt với nhiều gương mặt khác nhau, nếu không nói là nghịch nhau. Mặt nạ cuồng điên tạo điều kiện sinh sống, hoằng hoá tự do tự tại, vượt qua tất cả những luân lí trói buộc của thế gian. Và chính vì những hành động điên rồ này mà Sư đã chinh phục được nhiều người ở những tầng cấp xã hội khác, những người không thể thuyết phục được bằng những lời thuyết pháp bình thường. Sư tự hát:
Vũ sư trong dòng ảo ảnh bất diệt
Người có uy quyền, … Vị anh hùng…
Du-già sư nhỏ bé… Tiên tri
Du-già sư, người đã nếm Nhất vị
Ðó chỉ là một vài mặt nạ ta mang.
Câu chuyện sau thường được nhắc lại và qua đó người ta có thể lường được phong cách “cuồng” nhưng siêu việt của Sư:
Một ngày nọ, có một bà cụ già tay cầm một bức Thăng-ka vào một tu viện cầu mong vị viện chủ ban phép lành cho bức ảnh này – một tục lệ phổ biến tại Tây Tạng, gần giống như việc Khai nhãn một tượng Phật hoặc Bồ Tát tại Ðông, Ðông nam á. Bức tranh của bà lão trình bày vị Hộ Thần Hê-ru-ka và được cuốn tròn để dễ cầm tay. Vừa đi đến tu viện – vốn nằm trên một ngọn đồi – bà lão tự nghĩ “Viện chủ là một người tài cao đức rộng, nhưng sư đệ của ông lại là một người phiêu bồng, không bằng một phần của viện chủ.” Vừa mới phát ý nghĩ này thì Drug-pa Kun-leg xuất hiện trước mặt bà như một bóng ma, hỏi bà muốn gì và bảo rằng: “Sư huynh của ta ngồi như một lĩnh chúa với đám tuỳ tòng, ngoài sự việc này ra thì chẳng có gì đáng xem trên ấy cả.” Chần chừ giây lâu, bà lão đành phải trình bày nguyện vọng của mình và mở bức tranh cho Sư xem. Sư hỏi với một giọng ngớ ngẩn: “Bức tranh này mà Bà muốn ban phép à?” Bà thưa: “Tất nhiên là con muốn” nhưng chưa kịp nói thêm thì Sư đã vạch quần, tiểu tiện vào bức tranh và bảo: “Những người như ta thì ban phép lành cho mọi thứ tranh ảnh thế này đây.” Nói xong, Sư biến mất một cách đột ngột như lúc xuất hiện. Gặp viện chủ, bà lão trình lại sự việc trên và chỉ nhận được một tràng cười to. Viện chủ bảo bà cứ mở bức tranh ra xem và lạ thay, bức tranh lúc này đã được phủ một lớp bụi vàng óng ánh. Viện chủ tươi cười bảo: “Hê-ru-ka đã tự mình ban phép cho bức tranh, bà không cần tôi nữa đâu.”

Dự Lưu

Từ Điển Đạo Uyển

預流; S: śrotāpanna; P: sotāpanna; dịch theo âm Hán Việt là Tu-đà-hoàn;
Chỉ một người mới nhập dòng, đạt quả thứ nhất của Thánh đạo (ārya-mārga), trước đó là một bậc Tuỳ tín hành (s: śraddhānusārin) hay bậc Tuỳ pháp hành (s: dharmānusārin). Bậc dự lưu là người đã giải thoát ba Trói buộc đầu tiên là ngã kiến, nghi ngờ và giới cấm thủ (bám vào quy luật), nhưng vẫn còn Ô nhiễm (s: kleśa) dính mắc. Bậc dự lưu sẽ tái sinh nhiều nhất là bảy lần, sau đó đạt giải thoát; nếu thoát được Ái dục (s: kāma-tṛṣṇā) và sân hận thì chỉ cần tái sinh hai hay ba lần nữa.

Du-Già

Từ Điển Đạo Uyển

瑜伽; S, P: yoga; nguyên nghĩa “tự đặt mình dưới cái ách”;
Có nghĩa là phương pháp để đạt tiếp cận, thống nhất với “Tuyệt đối”, “Thượng Ðế” Vì có nhiều cách tiếp cận nên Du-già là một khái niệm rất rộng.
Ngay trong Ấn Ðộ giáo, người ta đã kể nhiều cách khác nhau phù hợp với căn cơ của mỗi hành giả. Các quan niệm đạo lí tại phương Tây, nhất là sự tiếp cận với Thượng Ðế cũng chính là Du-già, đó là Hành động vị tha du-già (karmayoga), Thương yêu (Thượng Ðế) du-già (bhaktiyoga), Trí huệ du-già (jñāna-yoga)
Tại phương Tây, ngày nay nói đến Du-già là người ta nghĩ đến Ha-ṭha du-già (tập luyện thân thể), phối hợp với phép niệm hơi thở. Phương pháp Du-già thân thể này, đối với Ấn Ðộ, chỉ là giai đoạn chuẩn bị cho một Du-già thuộc về tâm thức sau này, đó là các phép thiền quán khác nhau.
Du-già không phải phương pháp riêng tư của tư tưởng Ấn Ðộ. Tất cả mọi hoạt động, từ những phép tu huyền hoặc tại châu Á đến các buổi cầu nguyện trong nhà thờ Thiên chúa giáo đều có thể gọi là Du-già. Trong đạo Phật, thiền và các phép tu theo Tan-tra cũng được gọi là Du-già và các vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) như Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa) là Du-già sư (s: yogin).

Du-Già Hành Tông

Từ Điển Đạo Uyển

瑜伽行宗; S: yogācāra;
Một tên khác của Duy thức tông. Danh từ này được Vô Trước (s: asaṅga) sử dụng trong các tác phẩm của mình vì có lẽ Sư đặc biệt chú trọng đến việc thực hành Du-già. Danh từ Duy thức (s: vijñāptimātratā) hoặc Thức học (s: vijñānavāda) thường được Thế Thân (s: vasubandhu) sử dụng.

Du-Già Sư

Từ Điển Đạo Uyển

瑜伽師; S: yogi, yogin, sādhaka, tantrika; hoặc Du-già tăng;
Chỉ người tu tập Du-già (s: yoga), đặc biệt là những người tu tập theo các Tan-tra, danh từ dùng cho nữ giới là Du-già ni (s: yoginī).
Thật sự thì không có sự khác biệt nào giữa một Du-già sư và một Tỉ-khâu về mặt tu tập thực hiện thiền định, nhưng danh từ Du-già sư thường được dùng để chỉ những người tu tập “tự do” hơn, không Thụ giới tỉ-khâu và cũng không sống cố định trong một Tinh xá.

Du-Già Sư địa Luận

Từ Điển Đạo Uyển

瑜伽師地論; S: yogācārabhūmi-śāstra;
Tác phẩm cơ bản của Duy thức và Pháp tướng tông, tương truyền do Vô Trước (s: asaṅga) viết theo lời giáo hoá của Bồ Tát Di-lặc (s: maitreya), đức Phật tương lai. Có người cho rằng tác phẩm này của Mai-tre-ya-na-tha (s: maitreyanātha), một ứng thân của Di-lặc trong thế kỉ thứ 5. Ðây là một bộ luận tầm cỡ nhất của đạo Phật, trình bày toàn bộ giáo lí của Duy thức tông.
Ngày nay nguyên bản Phạn ngữ (sanskrit) chỉ còn một phần, nhưng toàn bộ bằng chữ Hán và chữ Tây Tạng vẫn còn được lưu giữ. Nổi danh nhất là bản dịch của Huyền Trang, bao gồm 100 quyển.
Tác phẩm này được viết bằng văn vần và chia làm 5 phần: 1. Bản địa phần (s: yogācarābhūmi): bao gồm 17 “địa”, tức là những cảnh giới thiền quán Du-già cấp bậc tu tập của một Bồ Tát (xem Thập địa) để tiến đến giác ngộ, là phần chính của luận; 2. Nhiếp quyết trạch phần (s: nirṇayasaṃgrahavini-ścayasaṃgrahaṇī): luận giải sâu xa về các địa; 3. Nhiếp thích phần (s: vivaraṇasaṃgraha), giải thích các bộ kinh làm căn bản cho luận này; 4. Nhiếp dị môn phần (s: paryāyasaṃgraha), giải thích sự sai biệt về danh nghĩa của các pháp được nêu trong các kinh đó; 5. Nhiếp sự phần (s: vastusaṃgraha), luận giải về Tam tạng.

Dục

Từ Điển Đạo Uyển

欲; C: yù; J: yoku;
1. Mong muốn, ao ước, mong mỏi; 2. Lòng tham muốn, sự thèm khát, sự đam mê. Thèm muốn. [Phật học] 1. Thường có nghĩa là “khát ái, ái dục, tham dục, ái trước” (s: tṛṣṇā, raga); 2. Theo A-tì-đạt-ma Câu-xá luận, đó là một tâm sở pháp: mong cầu ái dục, khát ái, mong muốn những đối tượng thoả mãn ái dục (s: chanda, āśaya); 3. Theo giáo lí Du-già hành tông, đó là tâm sở pháp mong mỏi đón nhận những cảm thụ mà nó thích. Thuộc nhóm Biệt cảnh, là một trong 5 nhóm thuộc Tâm bất tương ưng hành pháp; 4. Cõi Dục; 5. Tham muốn tình dục giữa nam và nữ.
Theo đạo Phật, dục là một trong những chướng ngại lớn nhất của sự tu học. Người ta phân biệt năm thứ dục dựa trên năm giác quan: sự tham ái về sắc, về thanh âm, về hương, về mùi vị, về thân thể. Dục là một trong Ba độc (Ái, tham, ham muốn), Năm chướng ngại (s: nīvaraṇa) và một trong những Ô nhiễm (s: āśrava).

Dục Bạo Lưu

Từ Điển Đạo Uyển

欲暴流; C: yùbàoliú; J: yokubōru;
Dòng chảy mãnh liệt của ái dục (s: kāma-ogha), đặc biệt theo hướng 5 trần cảnh. Là một trong Tứ bạo lưu. Tương đương nghĩa Dục lậu (欲漏).

Dục Cầu

Từ Điển Đạo Uyển

欲求; C: yùqiú; J: yokugu;
Ái dục, khát ái, khát khao ái dục. Tâm tham muốn mọi vật trong dục giới.

Dục Giới

Từ Điển Đạo Uyển

欲界; C: yùjiè; J: yokukai; S, P: kāmaloka, kāmadhātu;
Cõi Dục (s: kāma-dhātu). 1. Một trong 3 cõi Hữu, trong đó tâm thức con người là chủ thể của sự tham muốn thực phẩm, tình dục và ngủ nghỉ; 2. Trạng thái khát ái của tâm thức. Ba thế giới.

Dục Lậu

Từ Điển Đạo Uyển

欲漏; C: yùlòu; J: yokuro; S: kāmāsrava; P: kāmāsava.
Phiền não hay “lậu” trong cõi Dục. Phiền não do mê chấp vào đối tượng ái dục. Là một trong Tam lậu (三漏).

Dục Thủ

Từ Điển Đạo Uyển

欲取; C: yùqŭ; J: yokushu;
Dính mắc vào ái dục, đặc biệt là 5 trần cảnh (s: kāmopādāna). Một trong Tứ thủ (四取).

Duệ Trí

Từ Điển Đạo Uyển

叡智; C: ruìzhì; J: eichi;
Trí huệ, nhìn xa trông rộng, thông minh.

Dũng Kiện

Từ Điển Đạo Uyển

勇健; C: yǒngjiàn; J: yōken;
Có các nghĩa sau: 1. Kiên cố, hùng mạnh (s: ṛddha); 2. Tiếng Hán dịch chữ Yakṣa (Dạ-xoa 夜叉) từ tiếng Phạn; 3. Tên của một vị Tăng Nhật Bản.

Dũng Phục định

Từ Điển Đạo Uyển

勇伏定; C: yǒngfúdìng; J: yōfukujō;
Tiếng Hán dịch nghĩa từ chữ Śūrāṃgama-samādhi. Thủ-lăng-nghiêm tam-muội (首楞嚴三昧).

Dũng Thí

Từ Điển Đạo Uyển

勇施; C: yǒngshī; J: yōse;
Có hai nghĩa: 1. Tên của một vị Bồ Tát (theo kinh Pháp Hoa); 2. Tên của một vị tăng được đề cập trong kinh Tịnh nghiệp chướng (淨業障經). Vị tăng này yêu cô con gái của một nhà giàu. Khi chồng cô ta nghi ngờ muốn giết vị tăng, thì vị tăng giết ông ta trước. Tâm hối hận vì nghiệp ác nầy đã khiến vị tăng nỗ lực tu tập, đạt được Vô sinh pháp nhẫn (無生法忍).

Dược Sơn Duy Nghiễm

Từ Điển Đạo Uyển

藥山惟儼; C: yàoshān wéiyǎn; J: yakusan igen; 745-828 hoặc 750-834;
Thiền sư Trung Quốc. Môn đệ xuất sắc của Thạch Ðầu Hi Thiên và Mã Tổ Ðạo Nhất Thiền sư. Nối pháp của Sư có nhiều người, trong đó Ðạo Ngô Viên Trí, Vân Nham Ðàm Thạnh và Thuyền Tử Ðức Thành (Hoa Ðình Thuyền Tử) là ba vị được sử sách nhắc đến nhiều nhất.
Sư họ Hán, người ở Ráng Châu, Sơn Tây, xuất gia năm 17 tuổi. Sư học thông kinh luận, nghiêm trì giới luật nhưng vẫn không nắm được yếu chỉ, tự than rằng: “Bậc đại trượng phu nên xa lìa các pháp để giữ mình trong sạch, nào ai có thể tỉ mỉ làm những việc nhỏ.”
Sư đến tham vấn Thạch Ðầu Hi Thiên và hỏi: “Ba thừa mười hai phần giáo con còn hiểu sơ, đến như thường nghe phương Nam nói ›chỉ thẳng tâm người, thấy tính thành Phật‹ thật con mù tịt. Cúi mong Hoà thượng từ bi chỉ dạy.” Thạch Ðầu bảo: “Thế ấy cũng chẳng được, không thế ấy cũng chẳng được, thế ấy không thế ấy đều chẳng được, ngươi làm sao.” Sư mờ mịt không hiểu, Thạch Ðầu liền bảo: “Nhân duyên của ngươi không phải ở đây, hãy đến Mã Ðại sư.”
Sư đến Mã Tổ thưa lại câu đã trình với Thạch Ðầu. Mã Tổ bèn nói: “Ta có khi dạy y nhướng mày chớp mắt, có khi không dạy y nhướng mày chớp mắt. Có khi nhướng mày chớp mắt là phải, có khi nhướng mày chớp mắt là không phải, ngươi làm sao?” Ngay câu này Sư đạt yếu chỉ, bèn lễ bái. Mã Tổ hỏi: “Ngươi thấy đạo lí gì lễ bái?” Sư thưa: “Con ở chỗ Thạch Ðầu như con muỗi đậu trên trâu sắt.” Mã Tổ bảo: “Ngươi đã biết như thế, phải khéo gìn giữ.” Sau khi hầu Mã Tổ ba năm, Sư trở về Thạch Ðầu và được truyền Tâm ấn nơi đây.
Rời Thạch Ðầu, Sư đến Dược Sơn Lễ Châu, môn đệ theo học rất đông. Một hôm có vị tăng hỏi: “Tổ sư chưa đến nước này, nước này có ý Tổ sư chăng?” Sư đáp: “Có.” Tăng lại hỏi: “Ðã có ý Tổ sư, lại đến làm gì?” Sư lại đáp: “Bởi có, cho nên đến.”
Ðời Ðường niên hiệu Thái Hoà, năm thứ tám, tháng hai, sắp thị tịch, Sư kêu to: “Pháp đường ngã! Pháp đường ngã!” Ðại chúng đều mang cột đến chống, Sư liền khoát tay bảo: “Các ngươi không hiểu ý ta.” Nói rồi Sư từ giã chúng thị tịch, thọ 84 tuổi, 60 tuổi hạ. Vua sắc phong là Hoằng Ðạo Ðại sư.

Dược Sư Phật

Từ Điển Đạo Uyển

藥師佛; S: bhaiṣajyaguru-buddha; J: yakushi; gọi đầy đủ là Dược Sư Lưu Li Quang Phật (s: bhaiṣajyaguruvaidūrya-prabha-buddha);
Vị Phật đại diện cho sự trọn vẹn của Phật quả. Ngài ngự cõi phía đông (Tịnh độ), tranh tượng hay vẽ tay trái Ngài cầm thuốc chữa bệnh, tay mặt giữ Ấn thí nguyện.
Phật Dược Sư thường được thờ chung với Phật Thích-ca Mâu-ni và A-di-đà, trong đó Ngài đứng bên trái còn Phật A-di-đà đứng bên mặt đức Thích-ca. Trong kinh Dược Sư – hiện nay chỉ còn bản chữ Hán và chữ Tây Tạng – người ta đọc thấy 12 lời nguyện của Ngài, thệ cứu độ chúng sinh, với sự giúp đỡ của chư Phật, Bồ Tát và 12 vị Hộ Pháp và Thiên vương.

H 22: Dược Sư Phật. Trong các tranh tượng, Ngài luôn luôn được trình bày với những cây cỏ có vị thuốc (dược thảo). Trong hình này, tay phải Ngài bắt ấn thí nguyện (cho phép, s: varada-mudrā) và cầm một nhánh cây Myrobalan (s: harītakī, tên khoa học là terminalia bellerica, người Việt gọi là cây Bàng biển. Cây này cho hạt màu xám nhung với tinh dầu có tác dụng nhuận trường). Tay trái của Ngài cầm bình bát, cũng có lúc cầm một hộp linh dược.
Tại Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản và Việt Nam, Phật Dược Sư được thờ cúng rộng rãi. Các lời nguyện của Phật Dược Sư: 1. Phát hào quang chiếu sáng mọi chúng sinh; 2. Cho chúng sinh biết đến Nhất thiết trí của mình; 3. Cho chúng sinh thực hiện được ước nguyện; 4. Hướng dẫn chúng sinh đi trên đường Ðại thừa; 5. Giúp chúng sinh giữ giới hạnh; 6. Giúp chúng sinh chữa lành các thứ bệnh do sáu giác quan sinh ra; 7. Chữa bệnh thuộc về thân tâm cho mọi chúng sinh; 8. Cho phụ nữ tái sinh trở thành nam giới; 9. Tránh cho chúng sinh khỏi rơi vào tà kiến và giúp trở về chính đạo; 10. Tránh cho chúng sinh khỏi tái sinh trong thời mạt kiếp; 11. Ðem thức ăn cho người đói khát; 12. Ðem áo quần cho người rét mướt.

Dược Thạch

Từ Điển Đạo Uyển

藥石; J: yakuseki; sau cũng được gọi là Dược thực (藥食);
Danh từ được dùng chỉ bữa ăn cuối cùng trong một thiền viện, thường là buổi chiều. Tên dược thạch được dùng vì theo luật xưa, bữa ăn cuối cùng là buổi trưa và các vị Tỉ-khâu thường lấy một viên đá được hô nóng dằn lên bụng để bụng đói ban chiều khỏi sôi. Sau này, viên đá được thay bằng những thức ăn còn lại của buổi trưa và vì vậy bữa ăn này được gọi là dược thạch.

Dương Kì Phái

Từ Điển Đạo Uyển

楊岐派; C: yángqí-pài; J: yōgi-ha;
Một nhánh của Thiền tông, xuất phát từ Thiền sư Dương Kì Phương Hội. Phái này được xếp vào Ngũ gia thất tông và là nhánh quan trọng hơn của hai nhánh được phân ra sau Thiền sư Thạch Sương Sở Viên. Nhánh thứ hai là Hoàng Long phái. Rất nhiều vị Thiền sư danh tiếng xuất phát từ phái này như Vô Môn Huệ Khai, Viên Ngộ Khắc Cần… Tại Nhật, phái này vẫn tồn tại đến ngày nay.
Khi Thiền tông đang trên đường tàn lụi cuối đới Tống thì phái Dương Kì trở thành nơi thu thập của tất cả những hệ phái khác thuộc tông này. Sau khi hoà hợp với Tịnh độ tông (Thiền Tịnh hợp nhất) trong đời Minh thì Thiền tông hiểu theo dạng gốc là “Dĩ tâm truyền tâm” không còn tồn tại tại Trung Quốc.

Dương Kì Phương Hội

Từ Điển Đạo Uyển

楊岐方會; C: yángqí fānghuì; J: yōgi hōe; 992-1049;
Thiền sư Trung Quốc, Khai Tổ hệ phái Dương Kì trong tông Lâm Tế. Sư là pháp tự của Thiền sư Thạch Sương Sở Viên (Từ Minh). Môn đệ của Sư có Bạch Vân Thủ Ðoan xuất sắc nhất.
Sư họ Lĩnh quê ở Nghi Xuân Viên Châu. Thuở nhỏ tính tình nhậm lẹ, nói năng vui vẻ lí thú. Có dịp, Sư đến Cửu Phong chợt nhớ như chỗ đã từng ở, quyến luyến không thể bỏ đi và xin cạo tóc xuất gia. Sư xem kinh nghe pháp tâm mở sáng tinh thần lĩnh hội.
Sư đến tham học với Thiền sư Từ Minh. Sau một thời gian lâu, tâm Sư vẫn mù mịt. Mỗi khi đến hỏi, Từ Minh bảo: “Việc quá nhiều, hãy đi.” Lần khác Sư hỏi, Từ Minh lại đáp: “Giám tự (chức của Sư) ngày sau con cháu khắp thiên hạ, cần gì vội gấp.” Một hôm Sư rình ở con đường tắt. Từ Minh đến, Sư liền nắm lại nói: “Ông già này hôm nay phải vì tôi nói, nếu không tôi phải đánh ông.” Từ Minh trả lời: “Giám Tự biết là việc quanh co liền thôi.” Nghe câu này Sư Ðại ngộ, liền quì lạy ngay dưới bùn.
Từ Minh thượng đường, Sư bước ra hỏi: “‹Khi chim núp kêu nẩm nẩm, mây từ vào núi loạn‹, là thế nào?” Từ Minh đáp: “Ta đi trong cỏ hoang, ngươi lại vào thôn sâu.” Sư thưa: “Quan chẳng nhận kim, lại mượn một câu hỏi.” Từ Minh liền hét. Sư thưa: “Hét hay.” Từ Minh lại hét. Sư cũng hét. Từ Minh hét luôn hai tiếng, Sư lễ bái. Từ Minh nói: “Việc này là cá nhân mới hay gánh vác.” Sư phủi áo ra đi.
Sau đó Sư trở về Cửu Phong. Tăng tục lại thỉnh về trụ trì tại núi Dương Kì.
Sư hỏi một vị tăng mới đến: “Mây dày đường hẹp xe to từ đâu đến?” Tăng thưa: “Trời không bốn vách.” Sư hỏi tiếp: “Ði rách bao nhiêu đôi giày cỏ?” Tăng liền hét. Sư bảo: “Một hét hai hét sau lại làm gì?” Tăng thưa: “Xem ông Hoà thượng già vội vàng.” Sư bảo: “Cây gậy không có ở đây, thôi ngồi uống trà.”
Sư lại hỏi hai vị tăng mới đến: “Lá rụng mây dồn sớm rời nơi nào?” Tăng thưa: “Quan Âm.” Sư hỏi: “Dưới chân Quan Âm một câu làm sao nói?” Tăng thưa: “Vừa đến thấy nhau xong.” Sư hỏi: “Việc thấy nhau là thế nào?” Tăng không đáp được. Sư bảo: “Thượng toạ thứ hai đáp thế Thượng toạ thứ nhất xem!” Vị tăng thứ hai cũng không đáp được. Sư bảo: “Cả hai đều độn hết.”
Niên hiệu Khánh Lịch năm thứ sáu (1046), Sư dời đến núi Vân Cái Ðàm Châu và đem Lâm Tế chính mạch truyền cho sư Bạch Vân Thủ Ðoan. Ðến niên hiệu Hoàng Hựu cải nguyên Sư thị tịch, thọ 57 tuổi.

Duy Phật Dữ Phật

Từ Điển Đạo Uyển

唯佛與佛; C: wéifóyŭfó; J: yuibutsuyobutsu;
Không ai ngoài chư Phật. Cảnh giới giác ngộ tối hậu theo giáo lí Đại thừa, chỉ có chư Phật mới chứng biết được. Hàng Tiểu thừa và phàm phu không thể nào biết đến cảnh giới nầy được.

Duy Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

唯心; S: cittamātra; T: sems tsam;
Duy thức

Duy Tâm Quyết

Từ Điển Đạo Uyển

唯心訣; C: wéixīn jué; J: yuishin ketsu;
Vĩnh Minh Trí giác Thiền sư duy tâm quyết (永明智覺禪師唯心訣).

Duy Thức

Từ Điển Đạo Uyển

唯識; C: wéishì; J: yuishiki; S: vijñāptimātratā; E: mind only; đồng nghĩa với danh từ Duy tâm (唯心; s: cittamātra);
Nghĩa là chỉ có thức, các pháp đều từ Thức mà sinh ra, không có gì nằm ngoài thức; danh từ này đồng nghĩa với Duy tâm (cittamātra, cittamātratā). Giáo lí chủ trương tất cả mọi sự hiện hữu đều do tâm, và do vậy, không một hiện tượng nào tồn tại ngoài tâm. Duy thức là một tư tưởng chủ đạo của Du-già hành phái (瑜伽行派, s: yogācāra). Các học giả Duy thức giải thích quy luật và sự liên kết của các giác quan nhờ vào thức ẩn tàng A-lại-da (阿頼耶識, s: ālaya-vijñāna) và từ tập hợp của năm giác quan trước (tiền ngũ thức). Chúng hoạt động, tạo nên chủng tử (種子) tương ưng với chúng, theo quy luật thông thường như hạt giống phát triển thành cây. Mỗi chúng sinh đều có chỗ chứa những cảm nhận và những chúng sinh giống nhau sẽ tạo ra những nghiệp thức giống nhau phát xuất từ tàng thức vào cùng một thời gian như nhau. Giáo lí Duy thức quy gọn các hiện tượng trong 100 pháp (法; s: dharma) thành 5 nhóm: sắc pháp, tâm pháp, tâm sở pháp, tâm bất tương ưng hành pháp và vô vi pháp. Theo tông Duy thức, thế giới bên ngoài sẽ tạo nên khi tàng thức huân tập bởi “chủng tử”, hay là kết quả của các việc làm tốt xấu trong quá khứ. Một đóng góp quan trọng khác của các nhà tư tưởng Duy thức là ba tính chất ảo, giả tạm, và hiện thực của các hiện tượng. Xem chi tiết ở Tam tính (三性).
Nền tảng của giáo lí Duy thức được phát triển bởi Di-lặc (彌勒) và hai anh em Thế Thân Vô Trước, trong những luận giải như Câu-xá luận (倶舎論, s: abhidharma-kośa-bhāṣya), Duy thức tam thập tụng (唯識三十頌, s: triṃśikā vijñaptimātratāsiddhiḥ), Nhiếp đại thừa luận (攝大乘論, s: mahāyā-nasaṃgraha), Du-già sư địa luận (瑜伽師地論, s: yogācārabhūmi-śāstra). Giáo lí Duy thức cũng được trình bày rõ trong kinh Giải thâm mật (s: saṃdhinirmocana-sūtra) và kinh Thắng Man (s: śrīmālā-sūtra). Nhiếp đại thừa luận ghi: “Các (đối tượng của) thức ấy đều do (ý) thức tạo nên vì vốn (ngoài tâm) không có cảnh trần nào cả. Chúng chỉ như mộng”. (如此衆識唯識以無塵等故譬如夢等).

Duy Thức Bách Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

唯識百法; C: wéishì băifă; J: yuishikihyaku-hō;
Một trăm pháp chính do tông Duy thức đề xướng.

Duy Thức Luận

Từ Điển Đạo Uyển

唯識論; C: wéishì lùn; J:;
1. Tên gọi tác phẩm của Bát-nhã Lưu-chi (般若流支) dịch Duy thức nhị thập luận của Thế Thân, 1 quyển, Duy thức nhị thập luận (唯識二十論); 2. Chỉ Thành Duy thức luận (成唯識論).

Duy Thức Ngũ Trùng

Từ Điển Đạo Uyển

唯識五重; C: wéishì wŭzhòng; J: yuishiki gojū;
Ngũ trùng Duy thức (五重唯識).

Duy Thức Nhị Thập Luận

Từ Điển Đạo Uyển

唯識二十論; C: wéishì èrshí lùn; J:;
Của Thế Thân, Huyền Trang dịch năm 661. Cũng có bản dịch của Bát-nhã Lưu-chi (s: prajñāruci) với tên Duy thức luận (唯識論) và bản dịch của Chân Đế (s: paramārtha) với nhan đề Đại thừa Duy thức luận (大乘唯識論). Đây là một tác phẩm Duy thức quan trọng mang tính triết học nhất của Thế Thân, nhằm bác bỏ thuyết thực hữu của ngoại đạo và của các trường phái Tiền-Đại thừa. Hamilton đã dịch luận giải của Huyền Trang và luận giải (Thuật kí 述記) của Khuy Cơ. Những bản dịch khác không dựa vào tiếng Hán còn có bản của Anacker (1984) and Kochumuttom (1982).

Duy Thức Nhị Thập Luận Thuật Kí

Từ Điển Đạo Uyển

唯識二十論述記; C: wéishì èrshílùn shùjì; J: yuishiki nijūron jukki;
Tác phẩm của Khuy Cơ, 2 quyển. Luận giải về Duy thức nhị thập luận (唯識二十論) của Huyền Trang.

Duy Thức Tam Thập Luận

Từ Điển Đạo Uyển

唯識三十論; C: wéishì sānshí lùn; J: yuishiki sanjū ron;
Của Thế Thân. Huyền Trang dịch năm 648 tại chùa Hoằng Phúc. Đây là văn bản gốc để viết luận giải Thành duy thức luận (成唯識論). Nhan đề bằng tiếng Hán được dịch sang tiếng Phạn là Triṃśikā-vijñaptimātra-śāstra. Đây là một tác phẩm căn bản của tông Duy thức vùng Đông nam á, vì nó khế hợp chính xác với hầu hết giáo lí cơ bản như sự trình bày về hữu vi pháp từ quan niệm a-lại-da thức, và giảng giải vọng tưởng được trừ diệt như thế nào khi giác ngộ. Lusthaus phiên dịch (2000). Các bản dịch khác có thể đọc qua tác phẩm của Anacker (1984) và Kochumuttom (1982).

Duy Thức Tam Thập Luận Tụng

Từ Điển Đạo Uyển

唯識三十論頌; C: wéishì sānshí lùnsòng; J: yuishiki sanjū ronshō; S: triṃśikā yijñapti-mātratāsiddhiḥ
1 quyển, Huyền Trang dịch. Là tác phẩm tiêu biểu của Thế Thân, luận giải quan trọng nhất để lập thành giáo lí của Du-già hành tông, từ đó những nguyên tắc quan trọng từ trước đến nay đã được giải thích bởi Di-lặc và Vô Trước được giải thích lại tinh tế theo lập trường của thức chuyển biến (識轉變; s: vijñāna-pariñāma) trong 30 bài kệ ngắn. Do Thế Thân viên tịch mà không trứ tác luận giải về các bài kệ nầy, hàng môn đệ học giả kế tục bận rộn với việc tranh luận với nhau về luận giải nầy đến mức làm phát sinh nhiều trường phái Duy thức. Trong số các luận giải nầy, tác phẩm của Hộ Pháp được xem là chính thống. Luận giải nầy cấu thành nội dung chính của Thành duy thức luận, được Huyền Trang dích sang tiếng Hán nhan đề Thành Duy thức luận (成唯識論), trở nên một bản văn chủ yếu lập thành Pháp tướng tông Trung Hoa.

Duy Thức Tam Thập Tụng

Từ Điển Đạo Uyển

唯識三十頌; C: wéishì sānshí sòng; J: yuishiki sanjū shō;
Duy thức tam thập luận tụng (唯識三十論頌).

Duy Thức Tông

Từ Điển Đạo Uyển

唯識宗; S: vijñaptimātravāda, yogācāra, citta-mātravāda;
Tên gọi tại Ðông, Ðông Nam Á của một trường phái Phật giáo. Tại Ấn Ðộ và Tây Tạng, tông này được gọi là Thức tông, Thức học (vijñānavāda), hoặc Du-già hành tông (s: yogācāra), tại Tây Tạng, người ta cũng gọi là Duy tâm tông (唯心宗; s: cittamā-trin). Ðây là một trong hai trường phái chính của Phật giáo Ðại thừa do hai Ðại sư Vô Trước (無著; s: asaṅga) và người em là Thế Thân (世親; s: vasubandhu) sáng lập. Tương truyền rằng, chính Ứng thân (Ba thân) Bồ Tát Di-lặc (彌勒; s: maitreya) khởi xướng trường phái này ở thế kỉ thứ 4 sau Công nguyên.
Quan điểm trung tâm của trường phái này là – như tên đã nói – tất cả mọi hiện tượng con người cảm nhận được đều là “duy thức” (vi-jñāptimātratā), chỉ là thức (tâm); mọi hiện tượng đều là cảm nhận của thức, không có đối tượng độc lập, ngoài thức đang cảm nhận thì không có gì có thật. Như thế, “thế giới” bên ngoài thuần tuý chỉ là thức vì khách quan không có thật và chủ quan cũng không có thật nốt. Sự cảm nhận chỉ là quá trình của một tưởng tượng, một ảnh ảo của một khách quan bị tưởng lầm là có thật. Quá trình này được giải thích bằng khái niệm A-lại-da thức (阿賴耶識; s: ālayavijñāna). Ngoài những quan điểm trên, khái niệm Ba thân Phật (三身; s: trikāya) cũng được Duy thức tông giải thích trọn vẹn. Ðại diện xuất sắc của Duy thức tông, ngoài các nhà sáng lập nói trên, là An Huệ (安慧; s: sthiramati), Hộ Pháp (護法; s: dharmapāla) – hai luận sư đã tạo thêm hai nhánh khác nhau trong Duy thức tông – và Trần-na (陳那; s: dignā-ga), Pháp Xứng (法稱; s: dharmakīrti, xem Mười đại luận sư).
Tên Phạn ngữ (sanskrit) khác của Duy thức tông là Du-già hành tông (yogācāra), vì lí do là đệ tử phái này rất chú trọng việc hành trì Du-già (s: yoga), quán tưởng thiền định để phát huy hạnh nguyện của một Bồ Tát.
Thế giới bên ngoài được Duy thức tông giải thích như sau: A-lại-da thức, vốn chứa tất cả các chủng tử của quá khứ, mang sẵn những mầm, chủng tử (s: bīja) và các mầm đó sản sinh các hiện tượng tâm thức. Các chủng tử đó chín muồi theo tác động của Nghiệp (s: karma), chúng tác động qua lại lẫn nhau làm con người thấy một ảnh ảo mà cho nó là có thật. A-lại-da thức được so sánh với một dòng nước chảy, luôn luôn mới mẻ và liên tục, tiếp tục sinh hoạt động sau khi chết và sự liên tục của nó chính là cơ sở của sự tái sinh. Những cảm nhận của con người, vì bị “ô nhiễm” nên chúng sinh ra một ấn tượng về cái “ta”. Ấn tượng về cái “ta” là sai lầm, vì thật ra chỉ có “sự cảm nhận” chứ không có “người cảm nhận”. Và cũng vì vô minh mà cho rằng có tự ngã nên con người bám víu vào đó để chịu Khổ. Duy thức tông dựa vào thuyết dưới đây – được gọi là thuyết Tam tự tính (s: trisvabhāva) – để giải thích sự cảm nhận, nhận thức ngoại cảnh.
Tam tự tính là:
1. Biến kế sở chấp tính (遍計所執性; s: pari-kalpita-svabhāva), còn được gọi là huyễn giác (幻覺) hay thác giác (錯覺): Tất cả những hiện hữu đều là kết quả của trí tưởng tượng (huyễn giác), do chấp trước, cho rằng sự vật trước mắt là có thật, là độc lập;
2. Y tha khởi tính (依他起性; s: paratantra-sva-bhāva), nghĩa là dựa vào cái khác mà sinh ra: Tất cả pháp hữu vi đều do Nhân duyên mà phát sinh, lệ thuộc vào nhau, không có tự tính (s: asva-bhāva);
3. Viên thành thật tính (圓成實性; s: pariniṣpan-na): Tâm vốn thanh tịnh, là Chân như (s: tathatā), Như Lai tạng (s: tathāgata-garbha), là tính Không (s: śūnyatā).
Phương cách giải thoát của Duy thức tông dựa vào con đường của Phật giáo nguyên thuỷ, gồm có bốn mức độ (hoặc năm, trong hệ thống năm cấp thì 1 và 2 bằng cấp 1 ở đây, xem thêm Ngũ đạo), đòi hỏi hành giả hành trì các Ba-la-mật-đa (s: pāramitā; Lục độ) và Ðịnh (s: samādhi):
1. Gia hạnh (s: prayoga): Hành giả (Bồ Tát) nhận ra rằng không có gì ngoài Tâm;
2. Kiến (s: darśana): Hành giả dựa trên giáo pháp đích thật, đạt Như thật tri kiến, bước vào Thập địa (s: bhmi). Hành giả thống nhất khách quan chủ quan là một. Trong giai đoạn này, hành giả loại trừ Phiền não (s: kleśa).
3. Tu tập (s: bhāvanā): Hành giả tu tập và vượt qua Bồ Tát thập địa;
4. Thánh quả: Hành giả diệt tận phiền não, chấm dứt Luân hồi. Vị Bồ Tát đã chứng đạt Pháp thân (s: dharmakāya).
Duy thức tông phát triển mạnh nhất trong thế kỉ thứ 6 sau Công nguyên. Một trong những trung tâm quan trọng của Duy thức tông là Ðại học Na-lan-đà (s: nālandā) ở Bắc Ấn Ðộ. Nơi đó, Hộ Pháp đã chủ trương một quan điểm duy thức tuyệt đối. Song song với Na-lan-đà cũng có một trung tâm khác không kém quan trọng tại Va-la-bi (valabhī), được một Ðại luận sư khác của Duy thức tông là Ðức Huệ (s: guṇamati) sáng lập. Ðại diện xuất sắc nhất của trường phái Duy thức này là An Huệ (s: sthiramati), một môn đệ của Ðức Huệ. Khác với Hộ Pháp, An Huệ có cái nhìn tương đối hơn về duy thức, bắt cầu nối giữa quan điểm “Thật tướng” của Long Thụ (s: nāgārjuna) và quan niệm “Nhất thiết duy tâm tạo.” Sư dung hoà triết lí của Duy thức tông và tư tưởng thật tính của Trung quán tông. Trần-na (s: dignāga) và Pháp Xứng (s: dhar-makīrti) kết hợp quan điểm Duy thức và Kinh lượng bộ (s: sautrāntika) để sinh ra một nhánh của Duy thức là Nhân minh học (因明學; s: hetuvi-dyā), cách tranh luận bằng logic.
Duy thức tông bị Trung quán tông (s: mādhya-mika) phản bác mãnh liệt. Họ cho rằng Duy thức tông đã đưa vai trò của Thức lên quá cao, cho nó một tính chất trường tồn, đứng sau mọi hiện tượng (xem thêm Pháp tướng tông).
Sáu bộ kinh căn bản của Duy thức tông: 1. Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm (buddhā-vataṃsaka-mahāvaipulya-sūtra); 2. Giải thâm mật (saṅdhinirmocana-sūtra); 3. Như Lai xuất hiện công đức, không có bản Hán văn; 4. Ðại thừa a-tì-đạt-ma (mahāyānābhidharma-sūtra), được nhắc đến trong Nhiếp đại thừa luận, Du-già sư địa luận nhưng không có bản Hán văn, có lẽ đã thất truyền; 5. Nhập Lăng-già (laṅkāvatāra-sūtra); 6. Hậu nghiêm kinh (ghaṇavyūha), chưa được dịch ra Hán văn;
Mười một bộ luận: 1. Du-già sư địa luận (yogācā-rabhūmi-śāstra), Vô Trước soạn, Huyền Trang dịch ra Hán ngữ, 100 quyển. Ðây là bộ luận chính của Duy thức học; 2. Ðại thừa bách pháp minh môn luận (mahāyānaśatadharma-vidyādvāra-śāstra), Thế Thân soạn, Huyền Trang dịch, 1 quyển; 3. Ðại thừa ngũ uẩn luận (skandhaka-prakaraṇa), Thế Thân soạn, Huyền Trang dịch, 1 quyển; 4. Hiển dương thánh giáo luận (ārya-śāsana-prakaraṇa-śāstra), Vô Trước soạn, Huyền Trang dịch, 20 quyển; 5. Nhiếp đại thừa luận (mahāyāna-saṃ-graha), có ba bản Hán dịch: 1. Phật-đà Phiến-đa (buddhaśānta) dịch, 2 quyển; 2. Chân Ðế (pa-ramārtha) dịch, 3 quyển; 3. Huyền Trang dịch, 3 quyển; 6. Ðại thừa a-tì-đạt-ma (tạp) tập luận (abhi-dharma-samuccaya), Vô Trước soạn, Sư Tử Giác (siṃhabodhi) thích, An Huệ (sthiramati) tập, Huyền Trang dịch, 16 quyển; 7. Biện trung biên luận (ma-dhyāntavibhāga-śāstra), Di-lặc thuyết, Huyền Trang dịch, 3 quyển; 8. Nhị thập duy thức tụng (viṃśika-vijñāptimātratā-kārikā), có ba bản dịch: 1. Duy thức luận, Bát-nhã Lưu-chi (prajñāruci) dịch, 1 quyển; 2. Ðại thừa duy thức luận, Chân Ðế dịch, 1 quyển; 3. Duy thức nhị thập tụng, Huyền Trang dịch, 1 quyển; 9. Duy thức tam thập tụng (s: triṃśatika-vijñāptimātratā-kārikā), Thế Thân soạn, Huyền Trang dịch, 1 quyển; 10. Ðại thừa kinh trang nghiêm luận (mahāyānasūtralaṅkāra-śāstra), Vô Trước soạn, Ba-la-phả Mật-đa (prabhākāramitra) dịch, 13 quyển; 11. Phân biệt du-già luận (?), Di-lặc thuyết, chưa có bản Hán văn;

Duy-Ma-Cật

Từ Điển Đạo Uyển

維摩詰; S: vimalakīrti; tên gọi đầy đủ là Duy-ma-la-cật, dịch nghĩa là Vô Cấu Xứng (無垢稱; cựu dịch là Tịnh Danh; 淨名);
Nhân vật chính trong Duy-ma-cật sở thuyết kinh.

Duy-Ma-Cật Sở Thuyết Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

維摩詰所說經; S: vimalakīrtinirdeśa-sūtra; thường được gọi tắt là Duy-ma-cật kinh hoặc Duy-ma kinh.
Một tác phẩm quan trọng của Ðại thừa, có ảnh hưởng lớn đến nền Phật giáo tại Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản.
Kinh này xuất hiện khoảng thế kỉ thứ 2 sau Công nguyên. Ngày nay người ta không còn nguyên bản Phạn ngữ (sanskrit) mà chỉ còn bản chữ Hán và Tạng. Có nhiều bản dịch mà trong đó ba bản thường được nhắc đến nhiều nhất: 1. Phật thuyết Duy-ma-cật kinh (佛說維摩詰經) của Chi Khiêm thời Tam quốc dịch (223-253), 2 quyển; 2. Duy-ma-cật sở thuyết kinh, bản dịch quan trọng nhất ra chữ Hán của Cưu-ma-la-thập (406), 3 quyển; 3. Thuyết Vô Cấu Xứng kinh (說無垢稱經) của Huyền Trang (650), 6 quyển. Ngoài ra còn có bản Tạng ngữ dưới tên ḥphas-pa dri-ma-med-par-grags-pas bstan-pa shes-bya-ba theg-pa chen-poḥi mdo, dịch trở ngược sang Phạn ngữ là ārya-vimalakīrti-nirdeśa-nāma-mahāyāna-sūtra, có thể dịch là Ðại thừa thánh vô cấu xứng sở thuyết kinh. Bản này được xem là giống nguyên bản Phạn ngữ thất truyền nhất.
Kinh này mang tên của Duy-ma-cật (s: vima-lakīrti), một Cư sĩ giàu có, sống cuộc đời thế tục nhưng vẫn đi trên con đường Bồ Tát. Nhờ kinh này mà người ta có thể xem cư sĩ và tăng sĩ có một mục đích như nhau trên đường tiến đến giác ngộ. Quan niệm trọng yếu của kinh này là tính Không (s: śūnyatā) của tất cả các pháp. Trong tính Không này thì cả Hữu lẫn Vô đều được hợp nhất. Bất nhị (不二) là nền tảng của giáo lí trong kinh này thế nhưng – Bất nhị rất khó diễn bày. Ba mươi hai vị Bồ Tát (phẩm thứ 9) đều không trình bày nổi. Ngay cả Văn-thù Sư-lị (s: mañjuśrī) – hiện thân của trí huệ siêu việt – cũng không giải thích nổi bởi vì ngôn ngữ không thể diễn bày Pháp môn bất nhị này. Chỉ có Duy-ma-cật giải bày bằng sự im lặng – một sự im lặng sấm sét (默如雷; mặc như lôi). Im lặng ở đây không phải là không hiểu, không diễn bày mà chính là ngôn ngữ tuyệt đỉnh, ngôn ngữ duy nhất có thể trình bày cái Bất khả tư nghị. Hành động của các Thánh nhân đền xuất phát từ pháp môn bất nhị này.
Kinh này minh hoạ cách sống của người Phật tử để nhắm đến giải thoát và cách áp dụng tri kiến về tính không trong cuộc sống hàng ngày, rất được hâm mộ trong Thiền tông.
Khung cảnh của kinh này thuật lại chuyện của Duy-ma-cật, một trưởng giả giàu có đang mắc bệnh tại nhà. Bệnh của ông được hiểu như một thiện xảo Phương tiện (善巧方便; s: upāyakauśalya) để dạy người. Phật cử nhiều đại đệ tử đi đến nhà ông hỏi thăm nhưng tất cả đều cáo từ. Cách hiểu sai lầm của họ về giáo lí đã được Duy-ma-cật chỉnh lại và vì thế họ hỗ thẹn, không dám thay mặt Phật đến hỏi thăm. Giáo lí của kinh này được trình bày rõ nhất trong phẩm thứ ba. Bài dạy cho Xá-lị-phất ngay đầu phẩm đã đưa ngay lập trường của Thiền Ðại thừa, đặc biệt là Thiền như Thiền tông chủ trương. Trong kinh, Tôn giả Xá-lị-phất thưa với Phật:
“Bạch đức Thế tôn, con không đủ sức thăm bệnh trưởng giả ấy. Tại sao? Vì con nhớ ngày trước con ngồi yên trong rừng, dưới gốc cây. Khi ấy trưởng giả Duy-ma-cật đến thưa rằng: ›Dạ, kính bạch Tôn giả Xá-lị-phất, bất tất ngồi như vầy mới là ngồi yên. Ngồi yên là ở trong ba cõi (Ba thế giới) mà vẫn không hiện hành thân ý mới là ngồi yên, không xuất Diệt tận định mà vẫn hiện hành những cử động khuôn phép mới là ngồi yên, không bỏ Phật pháp mà vẫn hiện hành mọi sự của người thường mới là ngồi yên, tâm không hướng nội cũng không hướng ngoại mới là ngồi yên, không động mọi thứ kiến chấp mà vẫn tu hành ba mươi bảy giác phần (Bồ-đề phần) mới là ngồi yên, không dứt phiền não mà vẫn vẫn nhập Niết-bàn mới là ngồi yên. Ngồi được như vậy thì Phật Ấn khả…” (bản dịch của Thích Trí Quang).
Trong phẩm thứ năm, khi được Văn-thù hỏi thăm vì sao bệnh và thế nào thì hết được, Duy-ma-cật nhân đây giảng rõ về đạo hạnh của một vị Bồ Tát cho tất cả cùng nghe: “Từ Si mà có Ái nên bệnh tôi sinh ra. Chúng sinh bệnh nên tôi bệnh. Chúng sinh hết bệnh thì bệnh tôi cũng hết. Tại sao? Bởi vì Bồ Tát vì chúng sinh mà vào sinh tử, có sinh tử là có bệnh. Nếu chúng sinh hết bệnh thì Bồ Tát không còn bệnh nữa. Như vị trưởng giả chỉ có đứa con một, đứa con bệnh thì cha mẹ bệnh theo, đứa con lành thì cha mẹ cũng lành. Bồ Tát cũng vậy, thương chúng sinh như con nên chúng sinh bệnh thì Bồ Tát bệnh, chúng sinh lành thì Bồ Tát lành. Ngài hỏi bệnh tôi do đâu thì thưa Ngài, bệnh Bồ Tát là do đại bi mà có.‹”
Kinh này được Phật tử tại Ðông, Ðông nam Á rất ưa chuộng và tụng đọc. Rất nhiều bài luận chú được viết về kinh này và nổi tiếng nhất là: Chú Duy-ma (注維摩) của Tăng Triệu, 10 quyển; Duy-ma kinh huyền sớ (維摩經玄疏) của Trí Khải, 6 quyển; Duy-ma kinh nghĩa sớ (維摩經義疏) của Cát Tạng.
Tại Nhật, Thánh Ðức Thái tử (聖德太子; j: shōtoku taishi, 574-662) đã viết một bài luận quan trọng về kinh này dưới tên Duy-ma kinh nghĩa sớ (維摩經義疏). Ông dùng bản dịch của Cưu-ma-la-thập và có lẽ vì vậy, bản dịch này được sử dụng nhiều hơn hết mặc dù bản chính xác nhất là của Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang.

Duyên Khởi

Từ Điển Đạo Uyển

緣起; S: pratītyasamutpāda; P: paṭiccasamup-pāda;
Mười hai nhân duyên

Đa Bảo

Từ Điển Đạo Uyển

多寶; tk. 10-11
Thiền sư Việt Nam, thuộc phái Vô Ngôn Thông đời thứ năm. Sư nối pháp Khuông Việt Thái sư. Môn đệ kế thừa xuất sắc của Sư là Ðịnh Hương Trưởng lão.
Không rõ Sư quê ở đâu, họ gì. Khi Khuông Việt khai đường giáo hoá tại chùa Khai Quốc, Sư đến tham học và được Khuông Việt khen và riêng cho vào thất chỉ dạy.
Sau khi đắc pháp, Sư chỉ ôm bình bát diêu du đây đó. Khi gặp Lí Thái Tổ lúc còn nhỏ, Sư sớm biết rằng ông sau này sẽ lên làm vua. Ðúng như lời tiên đoán của Sư, Thái Tổ lên ngôi và thường hay thỉnh Sư vào cung thưa hỏi yếu chỉ của Thiền tông. Vua cũng ra lệnh trùng tu chùa Kiến Sơ ở làng Phù Ðổng, nơi Sư trụ trì.
Không biết Sư tịch năm nào, nơi nào.

Đa-Hu-Pi-La

Từ Điển Đạo Uyển

S: dhahulipa hoặc dhaguli, dhahuri, dharuri; “Người thắt dây phồng tay”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, không rõ sống trong thế kỉ nào.
Ða-hu-li-pa người xứ Ðô-ka-ra (s: dhokara), làm nghề bện dây. Ngày nọ ông bện dây quá nhiều, tay ông phồng lên, đau nhức vô kể. Tình cờ một Du-già sư (s: yogin) đi qua, dừng lại hỏi han ông. Vị này nói ông nếu chỉ như thế mà đã than khóc thì sẽ khổ não thế nào nếu phải tái sinh trong ác đạo. Nghe xong, ông lấy làm sợ hãi, xin tu tập đạo pháp. Vị Du-già sư cho ông nhập môn, ban phúc lành rồi dạy ông quán tưởng như sau:
Trước mặt sợi dây thừng,
cùng hình ảnh chiếc dây,
cả hai – ngươi thử nghĩ,
nằm trong Không vô biên.
Sau đó gắng tinh cần,
quán tưởng không giao động,
về một thể uyên nguyên,
không hề có Tự ngã.
Người bện dây nghe lời, quán tưởng liên tục 12 năm. Ông bỗng ngộ rằng cái gọi là “dây” không có tự ngã gì cả, nó chỉ là một hiện tượng cảm thụ tương đối; và thật thể của cảm thụ này bao trùm như không gian rộng lớn thanh tịnh. Ông chứng rằng hiện tượng và khái niệm về hiện tượng chỉ là một, nó nằm trong Pháp giới (s: dharmadhātu) và ông đạt quả Ðại thủ ấn tất-địa (s: mahāmu-drāsiddhi). Ông sống thêm 700 năm nữa để giáo hoá. Bài thánh ca của ông như sau:
Không gian phi nhị nguyên,
chứa đựng đầy tri kiến,
“hai trở về thành một”
cố tìm thì không ra.
Hãy để tâm vô vi,
trong dạng định tĩnh đó,
Lạc thanh tịnh sẽ lên.

H 23: Ða-la. Trong hình này, Ða-la được trình bày với hai hoa sen, nở búp và xoè. Có sách giảng nghĩa là sen nở búp chỉ ban đêm và xoè là ban ngày và như vậy, Ða-la sẵn lòng cứu độ chúng sinh không kể ngày hay đêm.

Đa-La

Từ Điển Đạo Uyển

多羅; S: tārā; cũng được dịch nghĩa là Ðộ mẫu (度母), Duyên độ mẫu (緣度母);
Theo Phật giáo Tây Tạng, Ða-la là một hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, sinh ra từ “nước mắt” của Ngài để hỗ trợ chính pháp.
Ða-la là hiện thân dạng nữ nhân của lòng Từ bi và là một vị thần rất được Tây Tạng tôn thờ. A-đề-sa là người đầu tiên thờ nữ thần Ða-la trong thế kỉ thứ 11 và kể từ đó nữ thần này trở thành một Hộ Thần (t: yidam) của nhiều người Tây Tạng. Có đến 21 dạng Ða-la, khác nhau về màu sắc, hình dáng, trang sức, hiện ra trong dạng hiền từ hoặc dữ tợn. Màu sắc thông thường hay thấy của Ða-la là màu lục và trắng. Hai phu nhân của vua Tùng-tán Cương-bố (t: songtsen gampo) trong thế kỉ thứ 7 được xem là hiện thân của hai vị này.

Đà-La-Ni

Từ Điển Đạo Uyển

陀羅呢; S: dhāraṇī; cũng được gọi theo nghĩa là Tổng trì (總持), có nghĩa là “thâu nhiếp tất cả”;
Câu kinh ngắn mang sức mạnh siêu nhiên. Ðà-la-ni có thể là đoạn kết một bộ kinh, cũng có thể đại điện một trạng thái tâm thức để khi hành giả niệm đến, có thể đạt đến tâm thức đó. Thông thường Ðà-la-ni dài hơn Man-tra.

Đa-Ri-Ka-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: dārikapa; “Vương giả, nô lệ của kĩ nữ”;
Một Ma-ha Tất-đạt trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, đệ tử của Lu-i-pa (s: lūipa), sống trong thế kỉ thứ 9. Chuyện này thường được kể chung với chuyện Ðen-gi-pa (s: deṅgipa).
Ða-ri-ka-pa vốn là nhà vua In-đra-pa-la (s: in-drapāla) của thành Hoa Thị (s: pāṭaliputra). Lần nọ, nhà vua đi săn về thì gặp Ðạo sư Lu-i-pa, ông tỏ lòng quý trọng, muốn mời vị này về hoàng cung, nhưng Lu-i-pa từ chối. Sau đó ông quyết tâm học đạo, nhường ngôi cho con và cùng Ðen-gi-pa (s: deṅgipa) tìm Lu-i-pa. Lu-i-pa cho ông nhập dòng Ca-kra-sam-vara tantra, nhưng vì cả hai không có gì để cúng dường, họ tình nguyện dâng thân mình. Lu-i-pa đem cả hai đến xứ Bi-ra-pu-ri (s: bhirapu-rī) thành Jan-ti-pur (s: jaṅtipur) và bán ông cho nàng Ða-ri-ma (s: darima), kĩ nữ chúa của một ngôi đền tại đó. Lu-i-pa nhận tiền, cùng Ðen-gi-pa đi mất.
Ông phục vụ cho Ða-ri-ma suốt 12 năm nhưng luôn luôn tu học theo lời dạy của Ðạo sư. Ngày nọ có một khách làng chơi – cũng là một nhà vua – đến chơi đền. Trong đêm, khách ra ngoài bài tiết thì thấy trong một bụi cây có hào quang toả ra. Khách ngạc nhiên thấy tên nô lệ của Ða-ri-ma ngồi trên ngai, được 15 tiên nữ hầu hạ. Khách liền gọi Ða-ri-ma, mọi người lúc đó mới biết tên nô lệ là một thánh nhân. Ða-ri-ma tạ lỗi, xin ông nhận lời làm Du-già sư trong đền, nhưng ông từ chối; ngược lại ông nhận Ða-ri-ma và khách làm đệ tử. Ông ngồi trên không trung hát:
Tài sản của vua chúa,
kể cả lọng, voi, ngai,
nhạt mờ bên cạnh ta.
Lọng giải thoát che đầu,
ta cưỡi xe đại thừa,
ngồi trên ngai ba cõi:
niềm vui Ða-ri-ka.
Bài kệ chứng đạo của ông có những dòng sau:
Cõi Cực lạc trong ta,
vì mê vọng che khuất.
Hãy vun bồi thiện nghiệp,
và huệ giác huyền bí,
để trực nhận cõi này.
Dù cho sống trăm năm,
dù cho cố vun bồi,
thiện nghiệp và huệ giác,
mà không có Ðạo sư,
cũng không đạt Cực lạc.

Đại Bát-Niết-Bàn Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

1.大般涅槃經; S: mahāparinirvāṇa-sūtra; J: daihatsu nehangyō;
Một bộ kinh Ðại thừa viết bằng văn hệ Phạn ngữ (sanskrit), gồm nhiều tập, đã được dịch ra chữ Hán. Kinh này nói về Phật tính, là thể tính tồn tại trong tất cả chúng sinh (Hữu tình). Ngoài ra, kinh này cũng giảng các đề tài quan trọng khác của Phật giáo Ðại thừa. Trong cách phân chia của Tam tạng Trung Quốc thì kinh này được xếp vào hệ kinh Phương đẳng (s: vaipulya-sūtra). Ðừng nhầm lẫn với Ðại bát-niết-bàn kinh (p: mahā-parinibbāna-sutta), viết bằng văn hệ Pā-li, nói về những năm cuối cùng của đức Phật và lúc Ngài nhập diệt.

2.大般涅槃經; P: mahāparinibbāna-sutta;
Một bài kinh nằm trong Trường bộ kinh. Kinh này được viết bằng văn hệ Pā-li, trình bày những năm cuối cùng của đức Phật, về thời điểm nhập Niết-bàn của Ngài cũng như việc hoả thiêu xác thân và việc phân chia Xá-lị. Kinh này được nhiều tác giả tham gia ghi lại khoảng 480 trước Công nguyên. Ðừng nhầm lẫn với Ðại bát-niết-bàn kinh (mahā-parinirvāṇa-sūtra), viết bằng văn hệ Phạn ngữ (sanskrit), nói về Phật tính.

Đại Bồ-đề

Từ Điển Đạo Uyển

大菩提; S, P: mahābodhi;
Giác ngộ vô thượng, không có gì vượt qua nổi.

Đại Châu Huệ Hải

Từ Điển Đạo Uyển

大珠慧海; C: dàzhū huìhăi; J: daishū ekai; tk. 8/9;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ đắc pháp của Mã Tổ Ðạo Nhất. Sư có để lại hai bộ sách quý là Ðại Châu ngữ lục và Ðốn ngộ nhập đạo yếu môn luận.
Sư họ Châu, quê ở Kiến Châu, theo Hoà thượng Ðạo Trí chùa Ðại Vân ở Việt Châu xuất gia. Nhân có người chỉ dẫn, Sư đến yết kiến Mã Tổ.
Mã Tổ gặp Sư hỏi: “Từ đâu đến?” Sư thưa: “Từ chùa Ðại Vân ở Việt Châu đến.” Mã Tổ hỏi: “Ðến đây cầu việc gì?” Sư thưa: “Ðến cầu Phật pháp.” Mã Tổ bảo: “Kho báu nhà mình mà chẳng đoái hoài, lại bỏ nhà đi xa, tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật pháp cái gì?” Sư hỏi: “Thầy nói gì là kho báu của Huệ Hải?” Mã Tổ bảo: “Chính nay ngươi hỏi ta, là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử dụng, đâu nhờ tìm cầu bên ngoài!” Nhân câu nói này, Sư thông suốt, tự nhận bản tâm không do hiểu biết.
Sau khi ở lại hầu Mã Tổ sáu năm, Sư trở về Việt Châu phụng dưỡng bản sư. Sư ẩn dấu chỗ ngộ đạo thâm sâu của mình và soạn quyển Ðốn ngộ nhập đạo yếu môn luận. Quyển này bị một người lén đem đến trình Mã Tổ. Xem xong, Mã Tổ bảo chúng: “Ðại chúng! ở Việt Châu có Ðại Châu tròn sáng thấu suốt tự tại vô ngại!” Nghe vậy, chúng rủ nhau đến Sư tham vấn đạo và Sư từ đây mang danh hiệu Ðại Châu.
Sư bảo các vị đến tham vấn: “Thiền khách! Tôi chẳng hội Thiền, trọn không có một pháp có thể chỉ dạy người, không phiền các vị đứng lâu, hãy tự đi nghỉ.” Tuy vậy mà học chúng ngày càng đến đông, Sư tuỳ câu hỏi mà trả lời, biện tài không ngại.
Một Cư sĩ đến hỏi: “Tức tâm tức Phật, cái gì là Phật?” Sư bảo: “Ông nghi cái gì không phải là Phật chỉ ra xem?” Cư sĩ lặng thinh. Sư bảo: “Ðạt thì khắp cảnh là Phật, chẳng ngộ thì còn khác xa.”
Một vị khách hỏi: “Ba giáo Nho, Lão, Thích là giống nhau hay khác nhau?” Sư đáp: “Ðược bậc cao minh rộng lòng sử dụng thì cả ba được như nhau, còn theo kẻ hẹp lòng cố chấp, thì khác nhau ba lối. Thật ra, tất cả đều do một tính khởi dụng mà ra, nhưng vì căn cơ nhỏ hẹp mà thấy thành ba. Mê hay ngộ là do người, chứ chẳng phải vì giáo lí giống hay khác nhau.”
Một Luật sư đến hỏi: “Thầy tu có dụng công không?” Sư đáp: “Có.” Vị này hỏi: “Dụng công thế nào?” Sư đáp: “Ðói thì ăn, mệt thì ngủ.” Luật sư hỏi: “Dụng công như thế thì cũng như người thế tục sao?” Sư đáp: “Chẳng như vậy.” Vị này hỏi tiếp: “Vì sao chẳng như vậy?” Sư trả lời: “Khi ăn, họ chẳng chịu ăn mà nghĩ đến trăm thứ nhu cầu, khi ngủ họ chẳng chịu ngủ mà tính toán ngàn việc.” Luật sư nghe rồi lặng thinh.
Một Pháp sư thuộc tông Duy thức – nhưng có một quan niệm sai lệch về Duy thức, quá chấp Hữu – đến tham vấn và được Sư dùng lí Không (s: śūnyatā) tuyệt đối chỉnh lại. Ông ta hỏi: “Thiền sư dùng tâm gì tu đạo?” Sư trả lời: “Không có tâm nào để dùng, cũng chẳng có đạo nào để tu.” Pháp sư hỏi: “Nếu nói không có tâm nào để dùng, chẳng có đạo nào để tu thì sao hằng ngày vẫn hội họp khuyên kẻ khác tập thiền tu đạo?” Sư đáp: “Lão tăng chẳng có một miếng đất cắm dùi, thì chỗ nào để họp người? Lão tăng cũng chẳng miệng lưỡi thì làm sao khuyên dạy người được?” Pháp sư liền nói: “Thiền sư trước mặt còn nói dối!” Sư bảo: “Lão tăng không miệng lưỡi khuyên người, thì đâu thể nói dối!” Pháp sư nói: “Thật không hiểu nổi cách nói chuyện của Thiền sư!” Sư nói: “Lão tăng tự mình cũng chẳng hiểu!”
Không biết Sư tịch nơi nào.

Đại Chiêu

Từ Điển Đạo Uyển

大昭; T: jo-khan;
Tên của một ngôi chùa ở trung tâm La-sa (t: lhasa), do công chúa Văn Thành thiết kế và công chúa Trì Tôn (s: bhṛkuṭi, âm là Ba-lị-khố-cơ), con của một thứ phi người Nepal và vua Khí-tông Lộng-tán xây dựng đời Ðường. Chùa này có chứa một tượng Phật Thích-ca Mâu-ni bằng vàng.

Đại Chính Tân Tu đại Tạng Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

大正新修大藏經; J: taishō shinshū daizō-kyō;
Bản in hiện đại của Tam tạng (s: tripiṭaka) Trung Quốc, được một nhóm học giả người Nhật biên tập và xuất bản từ năm 1924-1934. Ðại tạng này bao gồm 3360 Kinh và những bài luận văn khác.
Phần chính của Ðại tạng này bao gồm 55 tập, trong đó 21 tập thuộc về Kinh (s: sūtra), 3 tập thuộc về Luật (s, p: vinaya), 8 tập thuộc A-tì-đạt-ma (s: abhidharma), 4 tập nói về các tông phái của Trung Quốc và Nhật, 7 tập nói về lịch sử, tiểu sử, mục lục. Ngoài 55 tập chính nêu trên còn có 30 tập với 736 tác phẩm của người Nhật và 15 tập Ðồ tượng.

Đại Chúng Bộ

Từ Điển Đạo Uyển

大眾部; S: mahāsāṅghika;
Chỉ phái “đại chúng”, phần lớn, đa số của Tăng-già; một trong hai trường phái Tiểu thừa, được tách ra trong hội nghị Kết tập lần thứ ba tại Hoa Thị thành (s: pāṭaliputra). Trong hội nghị này, nhóm Ðại chúng bộ có năm quan điểm riêng về tính chất của A-la-hán. Theo thời gian, Ðại chúng bộ lại tách ra thành Nhất thuyết bộ (s: ekavyāhārika) và Khôi sơn trụ bộ (s: gokulika). Từ Nhất thuyết bộ lại xuất phát Thuyết xuất thế bộ (s: lokottaravāda) và từ bộ phái kia lại sinh ra Ða văn bộ (s: bahuśrutīya), Thuyết giả bộ (s: prajñaptivāda) và Chế đa sơn bộ (s: cai-tika).
Quan điểm của Ðại chúng bộ được xem là tiền thân của giáo pháp Ðại thừa sau này. Người ta đã tìm thấy nơi Ðại chúng bộ quan điểm cho rằng, tất cả đều chỉ là giả danh, cái tuyệt đối cũng như tương đối, Niết-bàn hay Luân hồi, thế gian hay Xuất thế gian. Tất cả những danh tự đó không hề có một thật chất trường tồn. Thời đó, quan điểm này đã ngược hẳn giáo lí của Trưởng lão bộ (s: sthavira; p: thera-vāda).
Các vị thuộc Ðại chúng bộ xem đức Phật là con người siêu thế, với thân tâm hoàn toàn thanh tịnh. Ðó là khái niệm đầu tiên dẫn đến quan điểm “Phật siêu việt” sau này của Ðại thừa Phật Giáo. Ðại chúng bộ xem đức Phật là sống vô tận, đã đạt Nhất thiết trí, toàn năng, thể nhập đại định vĩnh cửu. Các vị này cũng tin rằng Bồ Tát có thể chủ động tái sinh vào cảnh khổ, thí dụ để xoa dịu đau khổ của chúng sinh trong địa ngục, để giảng pháp và để nuôi thiện nghiệp cho các chúng sinh đó.

Đại Cứu Kính

Từ Điển Đạo Uyển

大究竟; T: dzogchen [rdzogs-chen]; S: atiyoga; cũng gọi là Ðại viên mãn (大圓滿), Ðại thành tựu (大成就);
Giáo pháp chủ yếu của tông Ninh-mã (t: nyingmapa) trong Phật giáo Tây Tạng. Giáo pháp này được xem là Mật giáo cao nhất do đức Thích-ca Mâu-ni chân truyền. Giáo pháp này được gọi là “Ðại cứu kính” vì nó cùng tột, không cần bất cứ một phương tiện nào khác. Theo giáo pháp này, tâm thức luôn luôn thanh tịnh, hành giả chỉ cần trực nhận điều đó. Theo truyền thuyết, Ðại cứu kính được Liên Hoa Sinh (s: pad-masambhava) và Tì-ma-la Mật-đa (s: vimala-mitra) đưa vào Tây Tạng trong thế kỉ thứ 8 và sau đó được Long-chen-pa tổng kết trong thế kỉ thứ 14. Cuối cùng, tông phái này được Jig-me Ling-pa (1730-1798) kết tập và truyền đến ngày nay.
Giáo pháp Ðại cứu kính xuất phát từ Bản sơ Phật Phổ Hiền, từ Pháp thân (Ba thân) siêu việt thời gian và không gian. Pháp thân truyền trực tiếp cho Báo thân là Kim Cương Tát-đoá (s: vajrasattva), truyền đến Ứng thân là Ga-rab Dor-je (sinh năm 55 sau Công nguyên). Garab Dor-je truyền lại giáo pháp này cho đệ tử là Diệu Ðức Hữu (s: mañjuśrīmitra) với hơn 6 triệu câu kệ. Vị đệ tử này chia các câu kệ này làm 3 phần: Semde (tâm thức), Longde (hư không) và Mengagde (khai thị). Học trò của Diệu Ðức Hữu là Cát Tường Sư Tử (s: śrīsiṃha) hoàn chỉnh thêm phần khai thị và giao cho Kì-na Tu-đa-la (s: jñānasūtra) và Tì-ma-la Mật-đa (Tịnh Hữu). Sau đó Tì-ma-la Mật-đa đưa giáo pháp này qua Tây Tạng.
Một dòng khác của giáo pháp này được Liên Hoa Sinh Ðại sư phát triển hơn nữa. Sư là người được các vị Không hành nữ (s: ḍākinī) truyền pháp Ðại cứu kính. Giáo pháp này xuất phát từ nhận thức, thể của tâm thức vốn thanh tịnh, không ô nhiễm, nhưng vì con người không nhận ra điều đó nên cứ mãi trầm luân trong sinh tử. Một phương cách đột phá được vòng sinh tử này là nhận cho được tâm thức “trần trụi” “tự nhiên” là thể tính của mọi hoạt động tâm lí. Sư trình bày cánh cửa dẫn đến “Tri kiến uyên nguyên”, là sự thống nhất giữa tính Không (s: śūnyatā) và Cực quang (s: ābhāsvara; e: clear light; ánh sáng rực rỡ). Bên cạnh các cách thể nhận Không, còn có cách dựa vào ánh sáng của tri kiến uyên nguyên mà giác ngộ. Ðây chính là cơ sở của các lời khai thị trong Tử thư, một trong những luận giải quan trọng của Phật giáo Tây Tạng.
Một phép tu khác là thực hiện được sự tan rã của tứ đại đã tạo thành thân thể không để lại dấu vết (biến mất), đạt được “thân cầu vồng” (s: indracā-pakāya).

Đại Điên Bảo Thông

Từ Điển Đạo Uyển

大顛寶通; C: dàdiān bǎotōng; J: daiten hōtsū; ?-819;
Thiền sư Trung Quốc. Sư đắc pháp nơi Thạch Ðầu Hi Thiên. Trong các đệ tử nối Pháp của Sư có Thiền sư Tam Bình Nghĩa Trung hay được nhắc đến.
Sư họ Dương, người Dĩnh Châu. Ban đầu, Sư đến tham vấn Thạch Ðầu, Thạch Ðầu hỏi: “Cái gì là tâm ngươi?” Sư thưa: “Nói năng là tâm.” Nghe vậy Thạch Ðầu đuổi ra. Hơn một tuần sau, Sư lại đến hỏi: “Trước đó chẳng phải, ngoại trừ cái này, cái gì là tâm?” Thạch Ðầu bảo: “Trừ bỏ nhướng mày chớp mắt, đem tâm lại!” Sư đáp: “Không tâm có thể đem lại.” Thạch Ðầu lại hỏi: “Nguyên lai có tâm sao nói không tâm? Không tâm trọn đồng với hư vô.” Ngay câu nói này, Sư đại ngộ.
Sau, Sư từ biệt Thạch Ðầu đến Linh Sơn, Triều Châu ở ẩn. Học chúng quy tụ về vẫn khá đông. Sư thường dạy chúng: “Chỉ trừ bỏ tất cả những vọng động tưởng niệm xét lường, tức chân tâm của ngươi. Tâm này cùng trần cảnh và khi kiềm giữ lặng lẽ hoàn toàn không dính chấp. Tức tâm là Phật không đợi tu sửa…”
Có vị tăng hỏi: “Trong kia, khi người thấy nhau thì thế nào?” Sư đáp: “Trước chẳng có trong kia.” Tăng lại hỏi: “Trong kia thế nào” Sư đáp: “Chẳng hỏi câu ấy.”
Không biết Sư tịch nơi nào.

Đại Đức Tự

Từ Điển Đạo Uyển

大德寺; J: daitoku-ji;
Một ngôi chùa nổi danh thuộc tông Lâm Tế tại Nhật Bản. Chùa này được Thiền sư Tông Phong Diệu Siêu (j: shūhō myōchō) sáng lập.
Năm 1315, Thiền sư Diệu Siêu tự lập cho mình một cái am nhỏ mang tên Ðại Ðức, nằm ở hướng Tây bắc của Kinh Ðô (j: kyōto). Sau một thời gian, danh tiếng của Sư lan truyền khắp nơi và Hậu Ðề Hồ (j: go-daigo) Thiên hoàng mời Sư vào cung tham hỏi Phật pháp. Nhân dịp này, Sư được Thiên hoàng ban cho một khoảnh đất rất lớn để xây dựng một ngôi chùa to (1324). Dưới sự hướng dẫn của một vị tăng thuộc tông Thiên Thai, công trình xây dựng ngôi chùa lớn này được xúc tiến. Tháng ba năm 1327, ngôi chùa này – mang tên am cũ của Sư là Ðại Ðức – được khánh thành dưới sự hiện diện của hai Thiên hoàng, Cựu Thiên hoàng Hoa Viên (j: hanazono) và Thiên hoàng Hậu Ðề Hồ.
Ngay từ sau khi thành lập, chùa Ðại Ðức là một trung tâm văn hoá quan trọng của Nhật. Với thời gian, ngôi chùa này trở thành một công trình với nhiều chùa nhỏ xung quanh với những vị trụ trì riêng biệt. Một hệ phái thiền quan trọng cũng mang tên của ngôi chùa này, đó là Ðại Ðức tự phái (j: daitokuji-ha).

Đại Huệ Tông Cảo

Từ Điển Đạo Uyển

大慧宗杲; C: dàhuì-zōnggǎo; J: daie sōkō; 1089-1163;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc phái Dương Kì tông Lâm Tế. Sư là đệ tử giỏi nhất của Thiền sư Viên Ngộ Khắc Cần (Phật Quả). Tên của Sư hay được nhắc nhở đến cùng với việc đốt tập Công án lừng danh Bích nham lục. Sư rất đề cao việc sử dụng công án làm phương tiện giác ngộ và những cuộc tranh luận của Sư với Thiền sư Hoằng Trí Chính Giác về Khán thoại thiền (Lâm Tế) và Mặc chiếu thiền (Tào Ðộng) nêu rõ lập trường của hai tông này. Sư thường khuyến khích môn đệ tập trung tất cả năng lực vào những công án để giải, nhưng tuyệt đối không được dùng lí trí phân biệt phải trái. Từ đây công án trở thành một thành phần quan trọng trong việc tu tập của dòng Lâm Tế, được truyền đến ngày nay tại Nhật Bản.
Sư họ Hề quê ở Ninh Quốc Tuyên Châu, xuất gia năm mười ba tuổi và thụ giới cụ túc năm 17 tuổi. Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng Sư đã nghiên cứu xem rất nhiều Ngữ lục và rất thích những lời dạy của các vị tôn túc như Vân Môn, Mục Châu. Nhân lúc đọc các thiền ngữ này Sư nảy sinh lòng thắc mắc vì sao ban đầu chỉ có một vị Tổ Bồ-đề Ðạt-ma mà sau lại phát sinh ra nhiều tông phái khác nhau. Nghe lời cha mẹ khuyên, Sư cất bước du phương.
Sư tham vấn rất nhiều vị Thiền sư danh tiếng đương thời. Nhân dịp đến Thiền sư Lặc Ðàm Văn Chuẩn, Sư trổ tài hùng biện, Thiền sư Văn Chuẩn rất phục nhưng lại bảo rằng: “Ông chỉ thiếu một tiếng ›Ồ‹. Nếu chẳng được tiếng ›Ồ‹ này thì khi nói chuyện trong phòng ta thì có Thiền, khi ra khỏi thì hết, khi thức tỉnh thì có thiền, vừa nằm ngủ liền hết. Nếu như thế thì làm sao đối địch được sinh tử?” Thiền sư Văn Chuẩn khuyên Sư đến yết kiến Viên Ngộ và nghiên cứu kĩ Ðại tạng kinh.
Ðến Viên Ngộ nhập viện, Sư sớm chiều thưa thỉnh nhưng sau một năm Sư vẫn chưa sáng được việc mình. Một hôm, nhân lúc Viên Ngộ nhắc lời dạy của Vân Môn: “Tăng hỏi Vân Môn: ›Thế nào là chỗ chư Phật xuất thân?‹. Vân Môn đáp: ›Ngọn Ðông sơn đi trên nước. Nếu là Thiên Ninh thì không như thế.‹ Nếu có người hỏi ›thế nào là chỗ chư Phật xuất thân‹ chỉ nói với y rằng gió nhẹ từ phương Nam đến thì điện các sinh mát mẻ.” Sư nghe câu này hoát nhiên tỉnh ngộ, trình bày sở đắc nhưng Viên Ngộ chưa hoàn toàn công nhận. Sư tự than là “đạo lí của Viên Ngộ giống như con chó nhìn chảo mỡ nóng, liếm cũng không được mà bỏ thì không đành.” Viên Ngộ nhắc lại giai thoại của mình nơi Ngũ Tổ Pháp Diễn: “Ta hỏi ›Câu có câu không như bìm nương cây, là thế nào?‹ Ngũ Tổ bảo: ›Tả cũng tả chẳng thành, vẽ cũng vẽ chẳng được.‹ Ta lại hỏi: ›Chợt gặp cây ngã bìm khô thì thế nào?‹ Ngũ Tổ bảo: ›Theo nhau lại vậy.‹” Sư nhân nghe đây triệt ngộ và sau khi được Viên Ngộ trắc nghiệm, Sư được Ấn khả. Viên Ngộ khen: “Cảo chẳng phải một đời hai đời làm Thiện tri thức lại.”
Sau Sư trụ trì ở Kính Sơn phủ Lâm An, môn đệ tấp nập có đến cả ngàn người. Cách giáo hoá của Sư như vũ bão, có thể gọi là tiêu biểu cho tông Lâm Tế hệ phái Dương Kì sau này.
Một vị tăng vừa vào cửa, Sư bảo: “Chẳng phải, đi ra!” Vị tăng liền ra, Sư bảo: “Không lường đại nhân, bị trong ngữ mạch chuyển.”
Kế một vị tăng vào, Sư bảo: “Chẳng phải, đi ra!” Vị tăng đến gần, Sư bảo: “Ðã nói với ông chẳng phải, lại đến gần tìm cái gì!” và đánh đuổi ra.
Lại một vị tăng vào nói: “Hai vị tăng vừa rồi không hiểu ý Hoà thượng.” Sư liền cúi đầu “Hư!” một tiếng. Vị tăng này mù mịt không biết thế nào, Sư liền đánh đuổi ra và nói: “Lại là ông hiểu ý Lão tăng!”
Lại một vị tăng vào. Sư hỏi: “Vừa rồi có hai vị Thượng toạ một người biết nắm chẳng biết buông, một người biết buông mà chẳng biết nắm, ông lại biện được chăng?” Tăng thưa: “Tất cả lĩnh thụ rồi.” Sư bảo: “Sau khi lĩnh thụ rồi có tin tức tốt nào khác chăng?” Vị tăng vỗ tay một cái liền ra. Sư bảo: “Sau ba mươi năm ngộ đi vậy.”
Vì Sư giáo hoá quan Thị Lang Trương Cửu Thành, bị Tần Cối gán tội là bè đảng với họ Trương nên bị đày ra Hành Châu mười năm, phải cổi pháp phục. Ðược tám năm, vua đặc ân tha cho, năm sau trả lại pháp phục. Sau, Sư được chiếu về trụ lại Kính Sơn. Niên hiệu Long Hưng năm đầu (1163) ngày mùng mười tháng tám, Sư theo lời thỉnh của thị giả viết kệ:
Sinh cũng chỉ thế ấy
Tử cũng chỉ thế ấy
Viết kệ cùng không kệ
Có gì là quan trọng.
Viết xong, Sư ném bút thị tịch, thọ 75 tuổi, 58 tuổi hạ.

Đại Mai Pháp Thường

Từ Điển Đạo Uyển

大梅法常; C: dàméi fǎcháng; J: daibai hōjō; 752-839;
Thiền sư Trung Quốc. Pháp tự của Mã Tổ Ðạo Nhất Thiền sư và thầy của Hàng Châu Thiên Long.
Sư họ Trịnh, quê ở Tương Dương. Sư đã nghiên cứu học hỏi triết lí Phật pháp hơn 30 năm trước khi đến tham vấn Mã Tổ. Sư hỏi Tổ: “Thế nào là Phật?” Tổ đáp: “Tức tâm là Phật.” Nhân đây Sư đại ngộ.
Sau khi được truyền tâm ấn, Sư đến núi Ðại Mai kết cỏ làm am, ẩn túc trong rừng mai suốt 30 năm. Mã Tổ nghe Sư ở núi bèn sai một vị tăng đến thăm dò. Tăng đến hỏi Sư: “Hoà thượng gặp Mã Tổ đã được cái gì, về ở núi này?” Sư đáp: “Mã Tổ nói với tôi: Tức tâm là Phật, tôi bèn đến ở núi này.” Tăng lại nói: “Gần đây Mã Tổ lại nói: Phi tâm phi Phật.” Sư đáp: “Ông già mê hoặc người chưa có ngày xong, mặc ông phi tâm phi Phật, tôi chỉ biết tức tâm là Phật.” Vị Tăng trở về thuật lại cho Mã Tổ. Tổ nói: “Ðại chúng! Trái mai đã chín!”
Một hôm Sư gọi chúng đến bảo: “Ðến không thể kềm, đi không thể tìm.” Nghe tiếng chuột kêu Sư lại nói: “Tức vật này không phải vật khác, các ngươi phải khéo gìn giữ, nay ta đi đây.” Nói xong Sư tịch, thọ 88 tuổi.

Đại Nghi đoàn

Từ Điển Đạo Uyển

大疑團; J: dai-gidan; nghĩa là “Một khối nghi lớn”;
Một trong ba điều kiện cần thiết để Giác ngộ theo Thiền tông. Hai điều kiện khác là Ðại phấn chí (j: dai-funshi) và Ðại tín căn (dai-shinkon).
Ðại nghi đoàn ở đây không phải là cái nghi ngờ xao dao, hồ nghi, nghi ngờ nơi Phật pháp mà là một trạng thái kinh ngạc, tự phân tích, tự hỏi tâm trạng của chính mình. Thiền sư hiện đại người Nhật là Bạch Vân An Cốc (j: hakuun yasutani) viết như sau về Ðại nghi đoàn:
“Cái quan trọng ở đây không phải là một cái nghi ngờ bình thường, quý vị nên lưu ý! Cái nghi ở đây là cả một khối nghi lớn, một khối nghi xuất phát từ Ðại tín căn. Khối nghi này bắt buộc chúng ta tự hỏi ở chính mình rằng, tại sao thế giới hiện hữu dường như quá không hoàn hảo, đầy ưu sầu khổ não trong khi lòng tin thâm sâu của chúng ta lại bảo rằng, sự thật thì không phải như vậy. Ðó chính là một khối nghi lớn không để chúng ta yên tâm – tương tự như trường hợp chúng ta tự biết mình đều là những triệu phú, nhưng không biết vì lí do gì mà cứ sống trong cảnh cơ hàn, không một xu nào trong túi. Trong trường hợp này thì cường độ của Ðại nghi đoàn tương ưng với Ðại tín căn.”

Đại Ngộ Triệt để

Từ Điển Đạo Uyển

大悟徹底; J: daigo-tettei; nghĩa là “cái ngộ lớn đến tận đáy”;
Chỉ sự giác ngộ thâm sâu, được dùng để phân biệt với những kinh nghiệm Kiến tính (見性; j: kenshō) ban sơ, mặc dù bản tính của cả hai vốn chỉ là một.
Những thành phần chính của Ðại ngộ triệt để: chứng ngộ được sự trống rỗng, tính Không (s: śūnyatā; j: kū) của vạn vật; sự tiêu huỷ của tất cả những khái niệm nhị nguyên; sự trực nhận rằng: toàn thể vũ trụ và bản thể chính là một không hai, Sắc tức là Không; sự đoạn diệt của khái niệm “Ta” (Ngã).

Đại Nhật Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

大日經; S: mahāvairocana-sūtra;
Kinh Ðại thừa, một bộ kinh căn bản của Mật tông Trung Quốc và Chân ngôn tông Nhật Bản. Kinh này do Thiện Vô Uý (s: śubhaka-rasiṃha) – một trong ba Ðại sư của giáo pháp Mật tông – dịch ta tiếng Hán, năm 725. Kinh Ðại Nhật chứa phần lớn giáo pháp căn bản của Tan-tra.

Đại Nhật Năng Nhẫn

Từ Điển Đạo Uyển

大日能忍; J: dainichi nōnin; tk. 12-13;
Thiền sư Nhật Bản, là người khai sáng Nhật Bản Ðạt-ma tông (j: nihon darumashū). Dòng thiền của Sư tồn tại không lâu vì sau này, phần lớn các môn đệ chính đều gia nhập tông Tào Ðộng (j: sōtō) của Thiền sư Ðạo Nguyên Hi Huyền (j: dōgen kigen). Người kế thừa Sư là Giác Yển (j: kakuan).
Sư tu tập thiền không có sự hướng dẫn của thầy nhưng vẫn tự mình chứng ngộ. Vì không ai ấn chứng nên Sư không được chấp nhận. Thế nên, Sư viết một bức thư nhờ hai vị đệ tử sang Trung Quốc tìm thầy ấn chứng. Ðệ tử của Sư đến yết kiến Thiền sư Phật Chiếu Ðức Quang (j: busshō tokkō, 1121-1203), thuộc tông Lâm Tế và được vị này thừa nhận, ấn khả.

Đại Nhật Phật

Từ Điển Đạo Uyển

大日佛; S: mahāvairocana hoặc vairocana; cũng được dịch âm là Tì-lô-giá-na;
Một trong Ngũ Phật, hiện thân của Pháp giới. Khoảng thế kỉ thứ 10, trong giáo pháp Ðại thừa người ta nói thêm về quan điểm “Phật chuyển hoá siêu việt” và các vị Bồ Tát chuyển hoá liên hệ. Ðại Nhật Phật là vị Phật đầu tiên được xem là chuyển hoá từ Pháp thân. Tại Nhật, Phật Ðại Nhật hay được ví như mặt trời và bốn vị Phật còn lại như các hành tinh quay xung quanh (Phật gia).

H 24: Ðại Nhật Phật. Trong hình này Phật Ðại Nhật được diễn tả với Ấn tối thượng Bồ-đề. Ngón trỏ của tay phải được các ngón tay trái bao quanh, biểu hiện sự tuyệt đối trong tương đối, nhất thể trong vạn vật. Hai con thú hộ vệ Ngài là sư tử, và dấu hiệu của Ngài, mặt trời chói loà (ở đây được vẽ nằm trên đĩa) cũng được trình bày dưới toạ đài.

Đại Phấn Chí

Từ Điển Đạo Uyển

大憤志; J: dai-funshi; [chữ 憤 đọc âm “Phấn”, không đọc “Phẫn”];
Một trong ba điều kiện cần thiết để giác ngộ theo Thiền tông Nhật Bản. Hai diều kiện khác là Ðại nghi đoàn (j: dai-gidan) và Ðại tín căn (dai-shinkon).
Ðại phấn chí là ý chí dũng cảm bất khuất phục, đầy năng lực để tìm được câu giải đáp cho Ðại nghi đoàn. Bạch Vân An Cốc (j: hakuun yasutani) – một Thiền sư hiện đại người Nhật – viết như sau về Ðại phấn chí:
“Tất cả chúng ta đều có niềm tin lớn nơi Phật pháp rằng, tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tính. Vì thế mà chúng ta quyết định tìm được chân lí này để trực nhận được nó.”

Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

大方廣佛華嚴經; S: buddhāvataṃsaka-ma-hāvaipulya-sūtra; J: daihō kōbutsu kegonkyō; thường được gọi tắt là Hoa nghiêm kinh (s: ava-taṃsakasūtra hoặc gaṇḍavyūha);
Kinh Ðại thừa cơ bản của Hoa nghiêm tông. Kinh nhấn mạnh đến tính “vô ngại” của mọi hiện tượng và chủ trương rằng, Tâm con người chính là vũ trụ và đồng thể với tâm Phật. Quan điểm này của Ðại thừa hay được Thiền tông nhấn mạnh và vì thế, kinh này cũng thường được tông này nhắc nhở.
Kinh Hoa nghiêm thuộc về những bộ kinh hệ Phương đẳng, là một bộ kinh gồm 81 quyển mà phần dài nhất là phẩm Hoa nghiêm (s: gaṇḍavyūha). Một phần quan trọng độc lập khác là Thập địa (s: daśabhūmika). Ngày nay người ta chỉ còn tìm thấy kinh Hoa nghiêm trong dạng chữ Hán và chữ Tây Tạng, phần chữ Hán được dịch trong thế kỉ thứ 5.
Giáo pháp trong kinh này không phải do Phật Thích-ca trực tiếp truyền dạy – trong hội này Ngài nói rất ít – mà là phát biểu của các dạng xuất hiện của Pháp thân (Ba thân). Sự im lặng của đức Thích-ca biểu hiện tính Không và sự truyền dạy giáo pháp được hiểu là một dạng của Chân như, xuất hiện cho con người hiểu được. Tương truyền kinh này rất khó hiểu, chỉ các Ðại Bồ Tát mới lĩnh hội được.
Bộ kinh này được dịch ra Hán văn dưới ba dạng, bộ 40 quyển của Bát-nhã (s: prajñā), bộ 60 quyển của Giác Hiền (cũng gọi là Phật-đà Bạt-đà-la; s: buddhabhadra), và bộ 80 quyển của Thật-xoa Nan-đà (s: śikṣānanda).
Phẩm Hoa nghiêm – chữ Phạn là Gaṇḍa-vyūha – tương đương với bộ 40 quyển của Pháp sư Bát-nhã nên cũng được gọi là Tứ thập hoa nghiêm. Gaṇḍavyūha thường được xem là toàn bộ Hoa nghiêm kinh (s: avataṃsaka hoặc buddhāvataṃ-saka) bởi vì bộ kinh Ðại thừa mang biệt danh Gaṇḍavyūha được xem như là 9 bộ kinh cốt yếu ở Ne-pal. Tại Trung Quốc và Tây Tạng, phẩm Gaṇḍavyūha được gọi là phẩm “Nhập Pháp giới” (入法界; s: dharmadhātupraveṣa). Như vậy, bộ Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh bao gồm cả Gaṇḍavyūha.
Ðây là phẩm dài nhất và quan trọng nhất của bộ kinh, được đức Thích-ca thuyết tại Xá-vệ (s: śrāvastī), tả cảnh Thiện Tài đồng tử (s: sudhana) đi tìm đạo dưới sự hướng dẫn của Văn-thù Sư-lị (s: mañjuśrī). Thiện tài đồng tử tham vấn 53 vị Thánh nhân, kể cả Di-lặc (s: maitreya), đức Phật tương lai. Cuối cùng Thiện Tài gặp được Phổ Hiền (s: samantabhadra), được vị này giáo hoá và đạt Bồ-đề. Ðoạn cuối của phẩm này trình bày mười đại nguyện của Phổ Hiền, là cơ sở của một đời sống Bồ Tát. Phẩm này trở thành giáo lí căn bản của Hoa nghiêm tông.
Hai bài kệ quan trọng của kinh Hoa nghiêm là (Thích Duy Lực dịch):
1. Nếu người muốn biết rõ
Tất cả Phật tam thế
Phải quán tính Pháp giới
Tất cả do tâm tạo.
2. Nếu người muốn biết cảnh giới Phật
Ý căn thanh tịnh như hư không
Xa lìa vọng tưởng và chấp thủ
Khiến tâm khắp nơi đều vô ngại
Ðại phương quảng viên giác tu-đa-la liễu nghĩa kinh 大方廣圓覺修多羅了義經; S: mahāvai-pulya-pūrṇa-buddhasūtra-prasannārtha-sūtra; tên gọi đầy đủ của Viên giác kinh;
Viên giác kinh

Đại Quang Minh Tạng

Từ Điển Đạo Uyển

大光明藏; J: daikōmyō-zō;
1. Một cách diễn bày của Thiền tông chỉ cái Tâm vốn thanh tịnh (Tự tính thanh tịnh tâm), Phật tính sẵn có của mỗi chúng sinh, chỉ được trực nhận qua kinh nghiệm Giác ngộ, Kiến tính;
2. Tên của am của Thiền sư Thiên Ðồng Như Tịnh nằm trên Thiên Ðồng sơn. Như Tịnh là thầy truyền pháp của Thiền sư Ðạo Nguyên Hi Huyền, Tổ của dòng Tào Ðộng Nhật Bản.

Đại Sĩ

Từ Điển Đạo Uyển

大士
Cách dịch nghĩa của danh hiệu Bồ Tát

Đại Sử

Từ Điển Đạo Uyển

大史; P: mahāvaṃsa;
Một sử kí về lịch sử Tích Lan, được xem là tác phẩm của Cao tăng Ma-ha Na-ma (p: ma-hānāma, tk. 6). Ðại sử có ghi lại những bài thuật về đời sống từ thời đức Phật giáo hoá, thời gian Tích Lan bị lệ thuộc đến thế kỉ thứ 4.
Tiểu sử (p: cūlavaṃsa) là phần phụ bản của Ðại sử, được biên soạn dưới nhiều tác giả. Hai bộ sử này là những tác phẩm quan trọng cho việc nghiên cứu Phật giáo nguyên thuỷ và Phật giáo ở Tích Lan.

Đại Sự

Từ Điển Đạo Uyển

大事; S, P: mahāvastu;
Một tác phẩm thuộc Tiểu thừa của →Thuyết xuất thế bộ (s: lokottaravāda) nói về các tiền kiếp xa xưa của đức Phật →Thích-ca. Tác phẩm này cũng nói đến bước đường tu học của một vị Bồ Tát (→Thập địa) và vì vậy người ta xem tác phẩm này là một gạch nối giữa Tiểu thừa và Ðại thừa.

Đại Tạng

Từ Điển Đạo Uyển

大藏
Danh từ chỉ tất cả những kinh sách, luận giải về đạo Phật trong và ngoài Tam tạng. Ðại tạng đầy đủ và bao gồm nhất hiện nay của Phật giáo Bắc truyền là Ðại tạng Trung Quốc và Tây Tạng (Cam-châu-nhĩ/Ðan-châu-nhĩ). Ðầy đủ nhất của Phật giáo Nam truyền là Ðại tạng của Thượng toạ bộ của Tích Lan, được ghi lại bằng văn hệ Pā-li (Ðại chính tân tu đại tạng kinh).

Đại Tập Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

大集經; S: mahāsaṃnipāta-sūtra;
Một trong những kinh Phương đẳng của Phật giáo Ðại thừa, thuộc Tam tạng của Trung Quốc. Bộ kinh này xuất phát từ thứ kỉ thứ 6 sau Công nguyên, nội dung không đồng đều và nói nhiều về tính Không. Kinh này chịu nhiều ảnh hưởng của Tan-tra và chứa nhiều Ðà-la-ni và Man-tra.

Đại Thế Chí

Từ Điển Đạo Uyển

大勢至; S: mahāsthāmaprāpta;
Một vị Bồ Tát quan trọng của Phật giáo Ðại thừa, là vị dạy dỗ cho con người “biết mình cần được giải thoát”. Tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, Ðại Thế Chí hay được vẽ tạc bên mặt của Quán Thế Âm, bên cạnh đức Phật A-di-đà, đại diện cho trí huệ của Ngài. Tranh tượng hay trình bày một ngôi chùa trên đỉnh đầu của Ðại Thế Chí.

Đại Thủ ấn

Từ Điển Đạo Uyển

大手印; S: mahāmudrā;
Một trong những giáo pháp tối thượng của Kim cương thừa (s: vajrayāna), được truyền dạy trong tông phái Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa) của Tây Tạng. Trong tiếng Tây Tạng, Ðại thủ ấn được hiểu là tâm ấn của sự chứng ngộ được tính Không (s: śūnyatā), của việc giải thoát khỏi Luân hồi (s: saṃsāra) và sự thông hiểu rằng, hai mặt đó không hề rời nhau.
Giáo pháp này xem Bản sơ Phật Phổ Hiền (s: sa-mantabhadra) – hiện thân của Pháp thân (s: dhar-makāya; Ba thân) – là người đã truyền Ðại thủ ấn cho vị Ma-ha Tất-đạt (mahāsiddha) Tai-lô-pa (s: tilopa). Tai-lô-pa tiếp tục truyền cho Na-rô-pa (t: nāropa). Mã-nhĩ-ba (t: marpa) được chân truyền giáo pháp này và mang về Tây Tạng chỉ dạy cho Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa). Phép tu Ðại thủ ấn bắt đầu bằng tu Chỉ (s: śamatha) và lấy đó làm căn bản để biến chuyển mọi kinh nghiệm thành sự trực ngộ tính Không. Có người xem Ðại thủ ấn như “Thiền” Tây Tạng. Ngoài phép tu thông thường, người ta còn lưu truyền phép tu “đặc biệt” của Na-rô-pa với tên Na-rô lục pháp (Sáu giáo pháp của Na-rô-pa; t: nāro chodrug).
Truyền thống Tây Tạng xem xét phép Ðại thủ ấn dưới ba khía cạnh: kiến (s: darśana), tu (s: bhā-vanā) và hành (s: caryā).
1. Kiến được định nghĩa là tri kiến nhận ra rằng thể tính đích thật của tâm là sự thống nhất giữa Không và Ánh sáng. Mỗi hiện tượng đều mang dấu ấn đặc biệt này.
2. Mục đích quan trọng nhất của tu tập thiền định là trực nhận thể tính của tâm thức, một sự trực nhận rất tự nhiên không cần sự cố gắng nào. Có hai cách để chuẩn bị phép thiền đó: a) bốn phép tu quán chiếu sự quý báu khi có được thân người, luật vô thường, Nghiệp báo và tính bất toàn của luân hồi; b) bốn phép tu đặc biệt gồm những Nghi quỹ (s: sādhana) với những phương pháp thanh lọc Thân, khẩu, ý.
3. Hành là hành động, ứng dụng sau khi đã kinh nghiệm trực tiếp Ðại thủ ấn, dẫn đến một tâm thức tự tại, siêu việt các quy ước thông thường, dẫn đến các tác phong kì lạ của các bậc “Cuồng thánh.”
Cát-mã-ba Lãng-tuấn Ða-kiệt (t: rangjung dorje; 1284-1339) viết như sau về Ðại thủ ấn:
“Ðiều gì phải thanh lọc: là tâm, tự tâm là tính Không, là Ánh sáng; Ai thanh lọc: đó là phép tu kim cương của Ðại thủ ấn; Cái gì được lọc bỏ: Vô minh hiện tiền đang lừa dối con người.
Mong thay quả vị thanh tịnh, Pháp thân diệu dụng sẽ được thực hiện! Ðó là kiến giải đối trị vô minh, là phép tu đích thật, đó là sự dẫn đến hành động vô thượng. Mong thay tín tâm nơi ba điều đó luôn luôn hiện diện.”

Đại Thủ ấn Tất-địa

Từ Điển Đạo Uyển

大手印悉地; S: mahāmudrāsiddhi;
Thánh quả của phép tu tập Ðại thủ ấn (s: mahāmudrā), Tất-địa (s: siddhi) cao quý nhất, đồng nghĩa với Kiến tính, ngộ đạo.

Đại Thừa

Từ Điển Đạo Uyển

大乘; S: mahāyāna; dịch âm Hán Việt là Ma-ha-diễn-na, Ma-ha-diễn, tức là “cỗ xe lớn”;
Một trong hai trường phái lớn của đạo Phật, phái kia là Tiểu thừa, “cỗ xe nhỏ” (s: hīna-yāna). Xuất hiện trong thế kỉ thứ nhất trước Công nguyên, phái này tự nhận là cỗ xe lớn, nhờ dựa trên tính đa dạng của giáo pháp để mở đường cho một số lớn chúng sinh có thể giác ngộ.
Cả hai, Tiểu thừa và Ðại thừa đều bắt nguồn từ Ðức Phật Thích-ca Mâu-ni, nhưng khác nhau nơi sự quan tâm về thực hành giáo pháp. Nếu Tiểu thừa quan tâm đến sự giác ngộ của chính mình thì đại biểu của Ðại thừa mong muốn được giải thoát để cứu độ chúng sinh. Hình tượng tiêu biểu của Ðại thừa là Bồ Tát (s: bodhisattva) mà đặc tính vượt trội là lòng Bi (s, p: karuṇā).
Ðại thừa xuất phát (phần lớn) từ hai nhánh của Tiểu thừa là Ðại chúng bộ (s: mahāsāṅg-hika) và Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda), lấy từ đó những yếu tố căn bản của giáo pháp mình: từ Ðại chúng bộ, Ðại thừa xem Phật là hoá thân của một thật thể, lấy hình ảnh xả thân của các vị Bồ Tát và quan điểm tính Không (s: śūnya). Từ Nhất thiết hữu bộ, Ðại thừa thừa nhận quan điểm Ba thân (s: trikāya).
Ngược lại với quan điểm nguyên thuỷ, Ðại thừa không quá nhấn mạnh đến đời sống xuất gia, cho rằng Cư sĩ tại gia cũng có thể đạt Niết-bàn với sự tế độ của chư Phật và chư Bồ Tát. Trong quan điểm Ðại thừa, Niết-bàn không phải chỉ là giải thoát khỏi Luân hồi – mà hơn thế nữa, hành giả giác ngộ về Chân tâm và an trụ trong đó. Mỗi chúng sinh đều mang Phật tính (s: buddhatā) và nhận ra điều đó là điều tuyệt đối quan trọng.
Ðại thừa lại được chia ra nhiều bộ phái khác nhau, xuất phát từ Ấn Ðộ và truyền qua Tây Tạng, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Tại Ấn Ðộ, Ðại thừa đã chia ra Trung quán tông (s: mādh-yamika) do Long Thụ (s: nāgārjuna) đề xuất và Duy thức tông (s: vijñānavāda, yogācāra) do Vô Trước (s: asaṅga) và Thế Thân (vasubandhu) sáng lập. Song song với Tan-tra (Mật tông) của Ấn Ðộ giáo, đạo Phật cũng sản sinh ra một trường phái là Kim cương thừa (s: vajrayāna), rất thịnh hành tại Tây Tạng. Thuộc về Ðại thừa tại Trung Quốc và Nhật Bản, người ta có thể kể đến Thiền tông, Hoa nghiêm tông, Thiên Thai tông, Tịnh độ tông. Giáo lí căn bản của Ðại thừa được chứa đựng trong những bộ Kinh (s: sūtra) và Luận (s: śāstra) với nhiều luận văn hết sức sâu sắc.

Đại Thừa Khởi Tín Luận

Từ Điển Đạo Uyển

大乘起信論; S: mahāyānaśraddhotpāda-śās-tra; J: daijō kishinron;
Một tác phẩm Ðại thừa xuất hiện trong thế kỉ 5-6, tương truyền do Mã Minh (s: aśva-ghoṣa) soạn. Mã Minh lại sống trong thế kỉ thứ 1-2 nên điều này vẫn còn là một nghi vấn. Nguyên bản chữ Phạn cũng như bản dịch Tạng ngữ không còn. Hiện nay người ta chỉ còn bản chữ Hán của năm 557, được các học giả sau này xem là một tác phẩm Phật giáo Trung Quốc thuần tuý.
Tác phẩm này là bộ luận về Ðại thừa và được xem là căn bản nhập môn của giáo lí này. Ðó là một tác phẩm trong số các kinh sách hiếm hoi được Thiền tông coi trọng. Luận này được chia làm 5 chương: 1. Lí do luận này ra đời: để giúp chúng sinh thoát khổ, truyền bá chính pháp, hỗ trợ người tu hành, làm tăng trưởng tín tâm của kẻ sơ căn, chỉ phương pháp đối trị tà kiến, dạy cách thiền định đúng đắn, chỉ ích lợi của niệm A-di-đà, chỉ cách tu tập thiền định; 2. Giảng giải các khái niệm quan trọng nhất của Ðại thừa; 3. Trình bày giáo pháp Ðại thừa: về ba tính chất của tâm, về giác ngộ và phi giác ngộ, về vô minh, đối trị tà kiến và các thành kiến khác, chỉ phương pháp đúng đắn đưa đến giác ngộ, Phúc đức và hạnh nghiệp của Bồ Tát; 4. Phép tu theo Ðại thừa: Phát triển tín tâm bằng hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, trí huệ và phương pháp Chỉ-Quán; 5. Ích lợi của phép tu Ðại thừa.

Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận

Từ Điển Đạo Uyển

大乘經莊嚴論; S: mahāyānasūtralaṅkāra-śāstra;
Một tác phẩm của Ðại sư Vô Trước gồm 13 quyển. Tương truyền rằng, Sư mỗi đêm nhập định, lên cung trời Ðâu-suất được Di-lặc Bồ Tát giảng giải đạo lí (Mai-tre-ya-na-tha [s: maitreyanātha]). Trở về cõi này, Sư viết lại những bộ luận. Ðây là một trong năm bộ luận lớn mà Sư được đức Di-lặc truyền cho.

Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

大乘無量壽莊嚴經; S: aparimitāyur-sūtra; cũng có tên là Lạc hữu trang nghiêm kinh (s: su-khāvatī-vyūha);
Một trong ba bộ kinh căn bản của Tịnh độ tông. Bản dịch ngắn của kinh này chính là A-di-đà kinh. Kinh này được dịch tới 12 lần ra tiếng Hán từ năm 147 đến năm 713 dưới nhiều tên khác nhau, mô tả đời sống và lời nguyện của Phật A-di-đà cũng như thế giới Cực lạc của Ngài.
Kinh này bắt đầu bằng một bài giảng của đức Phật Thích-ca cho A-nan-đà, trong đó đức Phật kể về một tỉ-khâu tên Pháp Tạng (s: dharmākara). Tỉ-khâu này – lúc chưa thành Phật – đã nêu lên 48 thệ nguyện nếu thành Phật sẽ thực hiện, đó là xây dựng lên một Tịnh độ để tiếp dẫn những ai muốn thác sinh về đó. Các lời nguyện quan trọng nhất của Phật A-di-đà là:
(1) Trong Tịnh độ không còn thác sinh ác đạo; (2) Trong Tịnh độ không còn thân nữ; tất cả phụ nữ sinh trong cõi Tịnh độ lúc lâm chung trước đó đều đã biến thành nam; (3) Thân chúng sinh trong Tịnh độ đều bằng vàng ròng, có Ba mươi hai tướng tốt; (4) Chúng sinh trong Tịnh độ chứng Túc mệnh thông (s: purbbanivāsānusmṛti-abhijñā); (5)/(6) Chúng sinh trong Tịnh độ chứng Thiên nhãn thông (s: divyacakṣur-abhijñā)/ Thiên nhĩ thông (s: divya-śrotam-abhijñā); (7) Chúng sinh trong Tịnh độ chứng Thần túc thông (s: ṛddhividdhi-abhijñā); (8) Chúng sinh trong Tịnh độ chứng Tha tâm thông (s: cetahvaryyāya- abhijñā); (17) Chúng sinh trong mười phương thế giới chỉ cần nghe danh hiệu A-di-đà là phát tâm Bồ-đề.
Ðối với Tịnh độ tông thì các lời nguyện sau đây quan trọng hơn cả:
(18) Chúng sinh trong khắp mười phương thế giới chỉ cần nghe đến tên ta là đã khởi niệm đạt quả vô thượng. Lúc họ chết mà nhớ nghĩ đến ta, ta sẽ hiện đến cùng quyến thuộc xung quanh để giúp họ khỏi sợ hãi; (19) Chúng sinh trong vô lượng thế giới chỉ cần nghe đến tên ta, muốn tái sinh trong Tịnh độ của ta để trau dồi thiện nghiệp thì họ phải được toại nguyện; (24) Chúng sinh đã thác sinh vào Tịnh độ của ta chỉ còn tái sinh một lần nữa là sẽ nhập Niết-bàn, không thể bị đoạ được nữa.

Đại Tín Căn

Từ Điển Đạo Uyển

大信根; J: dai-shinkon;
Một niềm tin căn bản lớn; một trong ba điều kiện cần thiết để giác ngộ theo Thiền tông Nhật Bản. Hai điều kiện khác là Ðại phấn chí (j: dai-funshi) và Ðại nghi đoàn (j: dai-gidan).
Trong tác phẩm Nhập thiền môn tu tập, Thiền sư Bạch Vân An Cốc (j: hakuun yasutani) viết như sau về Ðại tín căn: “Ðại tín căn có nghĩa là niềm tin sâu thẳm, vững chắc như một khối đá, như một cổ thụ vĩ đại. Ðó là một niềm tin không vướng mắc vào mê tín dị đoan, những hiện tượng siêu nhiên vượt khỏi tầm tay của con người.
Nhiều người cho rằng đạo Phật là một tôn giáo duy lí hoặc tôn giáo chỉ thuần tuý đặt nền tảng trên lí trí của con người. Tuy nhiên, đạo Phật là một tôn giáo (e: religion) – chính bởi vì yếu tố niềm tin nằm ở trong đó, và nếu không có niềm tin này thì đạo Phật chỉ còn là một hệ thống triết lí thuần đơn như những hệ thống triết lí khác. Với sự Giác ngộ của Phật-đà – đạt được với sự cố gắng tột cùng –, đạo Phật đã hoàn tất bước đầu. Ðại tín căn của chúng ta chính là niềm tin nơi Phật quả, kinh ngiệm giác ngộ mà Phật đã trình bày trong kinh sách. Các bài thuyết pháp của Phật không vượt ngoài những nội dung chính, đó là nhân tâm cũng như tất cả các pháp hiện hữu đều thanh tịnh từ ban đầu; rõ ràng hơn: hoàn hảo. Không có một niềm tin vững chắc nơi Phật pháp thì không ai có thể tiến xa trên đường tu học.”

Đại Trí độ Luận

Từ Điển Đạo Uyển

大智度論; S: mahāprajñāpāramitā-śāstra;
Một tác phẩm luận giải của Long Thụ về bộ kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa (s: prajñā-pāramitā-sūtra). Bộ luận này là một trong những bộ luận căn bản tầm cỡ nhất của Phật pháp và là một trong hai bộ luận quan trọng nhất của Long Thụ song song với luận Trung quán (s: madhyamaka-śāstra).
Luận này bao gồm 100 quyển, 90 phẩm, được Tam Tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập (s: kumārajīva) dịch sang Hán ngữ năm 402. Luận này giảng giải nhiều vấn đề như học thuyết, tư tưởng, truyền thuyết và đặc biệt dẫn dụng rất nhiều kinh sách.

Đại Triệt Tông Linh

Từ Điển Đạo Uyển

大徹宗令; J: daisetsu sōrei; 1333-1408;
Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Tào Ðộng, một trong năm vị đại đệ tử của Thiền sư Nga Sơn Thiều Thạc (j: gasan jōseki, 1275-1365).
Sư khai sáng nhiều Thiền viện như Diệu Ứng Giáo tự (j: myō’ ōkyō-ji) tại Mino, Lập Xuyên tự (j: rissen-ji) tại Etchū.

Đại Tử

Từ Điển Đạo Uyển

大死; J: daishi; là “Cái chết lớn”;
Một dụng ngữ của Thiền tông, chỉ cái chết lớn của Ngã, yếu tố chính của “một sự tái sinh lớn” mới. Con đường dẫn từ “cái chết lớn” này đến một cuộc sống mới đầy an lạc chính là con đường của Toạ thiền (j: zazen). Các Thiền gia thường sử dụng câu sau: “Các ngươi phải một lần chết trên toạ cụ” và cái chết này chính là cái chết của ảo tưởng ngã, cái chết của quan niệm cho rằng ngã là có thật.

Đại Tùy Pháp Chân

Từ Điển Đạo Uyển

大隋法真; C: dàsuí fǎzhēn; J: daizui hōshin; tk. 9.;
Thiền sư Trung Quốc. Sư đạt yếu chỉ nơi Trường Khánh Ðại An, một môn đệ của Bách Trượng Hoài Hải Thiền sư. Công án 29 trong Bích nham lục có nhắc đến Sư.
Trước khi đến Ðại An, Sư đã tham vấn Ðộng Sơn Lương Giới, Quy Sơn Linh Hựu và nhiều Thiền sư khác. Sau khi đại ngộ, Sư ẩn cư tại núi Ðại Tuỳ, 10 năm không xuống núi. Tương truyền Sư cất am trong một bọng cây lớn. Dần dần học giả đến đông, Sư bắt đầu giáo hoá.

Đại Vân Tổ Nhạc Nguyên Ðiền

Từ Điển Đạo Uyển

大雲祖嶽原田; J: daiun sōgaku harada, 1870-1961;
Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế, một trong những Thiền sư quan trọng nhất của Nhật Bản hiện đại.
Sư vào chùa tu học năm lên bảy và ban đầu tu tập theo tông Tào Ðộng. Sau, Sư đến tu tập tại một Thiền viện khác theo quy tắc của tông Lâm Tế. Năm lên 40, Sư được cử làm thị giả cho Ðộc Trạm Lão sư (j: dokutan rōshi), vị trụ trì Nam Thiền tự (j: nanzen-ji) và cũng là một trong những vị Thiền sư danh tiếng nhất thời đó.
Sau khi được Ðộc Trạm Ấn khả, Sư được mời đến trụ trì Pháp Tâm tự (j: hosshin-ji) tại tỉnh Obama và dưới sự quản lí của Sư, Thiền viện này trở thành một trung tâm tu học quan trọng của Thiền tông tại Nhật.
Các bài thuyết pháp của Sư cho những người mới nhập môn tu học thiền đạo được môn đệ chính của Sư là Bạch Vân An Cốc (j: hakuun yasutani) phổ biến rộng rãi tại phương Tây.

Đại Vực Long

Từ Điển Đạo Uyển

大域龍; S: (mahā-) dignāga, diṅnāga; tên dịch nghĩa, thường được gọi theo âm là Trần-na.
Trần-na

Đại Xả

Từ Điển Đạo Uyển

大捨; 1120-1180
Thiền sư Việt Nam, thuộc phái Vô Ngôn Thông đời thứ 10, đắc pháp nơi Thiền sư Ðạo Huệ.
Sư họ Hứa, quê ở phường Ðông Tác (nay thuộc huyện Hoàng Long, Hà Ðông), xuất gia theo học với Thiền sư Ðạo Huệ từ nhỏ. Sau khi được Ðạo Huệ Ấn khả, Sư đi đây đó hoằng hoá và tương truyền rằng, Sư chuyên trì tụng kinh Hoa nghiêm và niệm chú của Bồ Tát Phổ Hiền.
Một hôm, vua Lí Anh Tông triệu vua Sư vào cung hỏi: “Trẫm bị phiền muộn, Sư có thuật gì trị chăng?” Sư đáp: “Pháp Mười hai nhân duyên là căn bản tiếp nối sinh tử, cần lấy nó để trị, nó thật là phương thuốc hay vậy.” Vua hỏi: “Ý chỉ nó thế nào?” Sư đáp: “Vô minh là nhân duyên của hành cho đến lo buồn khổ não. Muốn cầu quả Bích-chi Phật nên nói mười hai nhân duyên. Ðem trị trong thân này thì không còn phiền não.” Vua hỏi: “Thế thì trẫm phải tĩnh tâm tu tập?” Sư đáp: “Khi ngăn chặn yên tịnh được nghiệp thức, tức là lóng trong phiền não thì không còn pháp nào khác đáng tu tập cả. Xưa kia vua Lương Vũ Ðế thường đem vấn đề này hỏi Thiền sư Bảo Chí, Bảo Chí cũng đáp như thế. Hôm nay trộm vì bệ hạ đưa ra điều tương tự ấy.”
Ngày mồng 2 tháng 5, niên hiệu Trinh Phù thứ 5, Sư gọi đệ tử dặn dò truyền kệ:
四蛇同篋本來空。五蘊山高亦不宗
真性靈明無罣礙。涅槃生死任遮籠
石馬齒狂獰。食苗日月鳴
塗中人共過。焉上人不行
Tứ xà đồng khiếp bản lai không
Ngũ uẩn sơn cao diệc bất tông
Chân tính linh minh vô quải ngại
Niết-bàn sinh tử nhậm già long
Thạch mã xỉ cuồng nanh
Thực miêu nhật nguyệt minh
Ðồ trung nhân cộng quá
Yên thượng nhân bất hành.
*Bốn rắn chung rương trước giờ không
Núi cao năm uẩn đâu chủ ông
Chân tính sáng ngời không chướng ngại
Niết-bàn sinh tử mặc che lồng
Ngựa đá nhe răng cuồng
Ăn mạ ngày tháng kêu
Ðường cái người đồng qua
Trên mây không kẻ đến.
Nói kệ xong đến canh năm Sư thị tịch, thọ 61 tuổi.

Đam Nguyên Ứng Chân

Từ Điển Đạo Uyển

耽源應真; C: dānyuán yìngzhēn; J: tangen ō-shin; 8/9. tk.;
Thiền sư Trung Quốc. Sư là môn đệ của Quốc sư Nam Dương Huệ Trung và được Quốc sư truyền cho cách sử dụng 97 viên tướng, có thể hiểu là một hệ thống truyền pháp bí mật siêu việt chỉ dành cho những người hạng thượng căn. Sư truyền lại hệ thống này cho Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, Tổ thứ hai của tông Quy Ngưỡng và từ đây hệ thống 97 viên tướng trở nên một thành phần giảng dạy của các Thiền sư trong tông này.

Đàn

Từ Điển Đạo Uyển

檀; C: tán; J: tan, dan;
1. Cây chiên đàn; 2. Phiên âm chữ dāna trong tiếng Phạn và Pāli, có nghĩa là “ban tặng” hay “dâng biếu”. Hán dịch nghĩa là bố thí (布施).

Đãn

Từ Điển Đạo Uyển

但; C: dàn; J: tan;
Chỉ, đơn thuần, bất cứ khi nào. Nhưng mà, hãy còn, chỉ là, (s: kevala, mātra).

Đàn Ba-La-Mật

Từ Điển Đạo Uyển

檀波羅蜜; C: tán pōluó mì; J: dan haramitsu; S: dāna-pāramitā.
Bố thí ba-la-mật. Một trong Lục ba-la-mật (六波羅蜜) của Đại thừa.

Đan Hà Thiên Nhiên

Từ Điển Đạo Uyển

丹霞天然; C: dānxiá tiānrán; J: tanka tennen; 739-824;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Thiền sư Thạch Ðầu Hi Thiên và Mã Tổ Ðạo Nhất và cũng là thầy của Thiền sư Thuý Vi Vô Học. Sư là nhân vật chính trong Công án 76 của Bích nham lục.
Như Thiền sư Viên Ngộ Phật Quả thuật lại trong Bích nham lục, Sư trước học Nho đi vào Trường An ứng thi làm quan. Trên đường đi Sư gặp một thiền khách, ông ta hỏi: “Nhân giả đi đâu?” Sư đáp: “Ði thi làm quan.” Ông khách lại nói: “Thi làm quan đâu có bằng thi làm Phật.” Sư hỏi: “Thi làm Phật phải đến chỗ nào?” Ông khách đáp: “Hiện nay ở Giang Tây có Mã Ðại sư ra đời, là trường thi làm Phật, nhân giả nên đến đó.” Sư bỏ thi, tìm đến Giang Tây ra mắt Mã Tổ. Mã Tổ lại khuyên Sư đến Thạch Ðầu Hi Thiên.
Ðến Thạch Ðầu, Sư luân phiên làm bếp ba năm (Ðiển toạ). Một hôm Thạch Ðầu bảo chúng: “Ngày mai cắt cỏ ở dưới điện Phật.” Sáng hôm sau, đại chúng mỗi người cầm liềm cầm cuốc đến trước chùa làm cỏ. Chỉ riêng Sư lấy thau múc nước gội đầu, đến quì gối trước Hoà thượng. Thạch Ðầu thấy thế cười liền cạo tóc cho Sư. Cạo xong Thạch Ðầu lại vì Sư nói Giới (s: śīla), Sư bịt tai ra đi.
Trở lại Giang Tây yết kiến Mã Ðại sư, chưa lễ ra mắt, Sư đi thẳng vào tăng đường trèo lên cổ tượng Văn-thù ngồi. Ðại chúng kinh ngạc chạy báo cho Mã Tổ hay. Tổ đích thân vào tăng đường trông thấy bèn nói: “Con ta, Thiên Nhiên!” Sư bèn bước xuống lễ bái, thưa: “Cảm tạ thầy ban cho pháp hiệu.” Mã Tổ hỏi: “Từ đâu đến?” Sư thưa: “Từ Thạch Ðầu đến.” Tổ hỏi: “Ðường Thạch Ðầu trơn, ngươi có té chăng?” Sư đáp: “Nếu có trợt té thì chẳng đến đây.”
Sau khi từ biệt Mã Tổ, Sư vẫn tiếp tục du phương. Ðến chùa Huê Lâm, gặp lúc trời lạnh, Sư bèn lấy tượng Phật gỗ đốt để sưởi, viện chủ trông thấy quở: “Sao đốt tượng Phật của tôi?” Sư lấy gậy bới tro nói: “Tôi đốt tìm Xá-lị.” Viên chủ bảo: “Phật gỗ làm gì có Xá-lị?” Sư nói: “Ðã không có Xá-lị thì thỉnh thêm hai vị nữa đốt.” Viện chủ nghe câu này tất cả kiến chấp đều tan vỡ.
Niên hiệu Trường Khánh năm thứ tư (824) ngày hai mươi ba tháng sáu Sư gọi đệ tử bảo: “Lấy nước nóng tắm, ta sắp đi đây.” Tắm xong, Sư đội mũ mang giày cầm trượng, duỗi một chân chưa đến đất liền tịch. Vua sắc phong là Trí Thông Thiền sư.

Đan Hà Tử Thuần

Từ Điển Đạo Uyển

丹霞子淳; C: dānxiá zǐchún; J: tanka shijun; ?-1119;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Tào Ðộng đời thứ chín. Sư nối pháp Thiền sư Phù Dung Ðạo Khải. Môn đệ của Sư có hai vị xuất sắc nhất là Chân Yết Thanh Liễu và Hoằng Trí Chính Giác.
Sư họ Cổ, quê ở Kiếm Châu, khoảng 20 tuổi xuất gia. Nơi Phù Dung, Sư được triệt ngộ. Sau Sư đến trụ núi Ðan Hà tại Ðặng Châu.
Sư dạy chúng: “Dừng dừng đúng ngọ còn thiếu nửa, lặng lặng canh ba vẫn chửa tròn, sáu cửa chẳng từng biết hơi ấm, lại qua thường ở trước trăng trong.”
Có vị tăng hỏi: “Ngưu Ðầu (Thiền sư Pháp Dung) khi chưa thấy Tứ tổ thế nào?” Sư đáp: “Cúc vàng vừa nở ong đua hút.” Tăng hỏi: “Sau khi thấy thế nào?” Sư đáp: “Mầm khô hoa rụng rõ không nương.”
Ðến khoảng niên hiệu Tuyên Hoà (1119-1121) vào mùa xuân, Sư viên tịch, tháp được xây ở phía Nam Hồng Sơn.

Đãn Không

Từ Điển Đạo Uyển

但空; C: dànkōng; J: tankū;
“Chỉ là Không.” Đối lại là Bất đãn không (不但空). Cách hiểu không trọn vẹn của Đại thừa Phật giáo trong lí giải về Tính không. Là kiến chấp, chỉ hiểu về “không”, mà không biết về lí “Bất không”. Bất đãn không

Đàn Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

壇經; J: dangyō;
Tên gọi ngắn của Lục tổ đại sư Pháp bảo đàn kinh.

Đàn-đà

Từ Điển Đạo Uyển

檀陀; C: tántuó; J: danda;
Phiên âm từ chữ dānapati trong tiếng Phạn. Đàn-nã (檀拏).

Đàn-đồ

Từ Điển Đạo Uyển

檀荼; C: tántú; J: danda;
Phiên âm từ chữ daṇḍa trong tiếng Phạn và Pali. Đàn-nã (檀拏).

Đãn-đồ

Từ Điển Đạo Uyển

但荼; C: dàntú; J: danda.
Phiên âm từ chữ daṇḍa trong tiếng Phạn và Pa-li. Đàn-noa (檀拏).

Đàn-Na

Từ Điển Đạo Uyển

檀那; C: tánnà; J: danna;
Người hộ trì chùa viện Phật giáo; người quyên cúng, cư sĩ.

Đàn-Nã

Từ Điển Đạo Uyển

檀拏; C: tánná; J: tanna;
Phiên âm từ chữ daṇḍa trong tiếng Phạn – là cây gậy do thần Yama nắm giữ với huy hiệu biểu trưng trên đầu gậy như là cái đầu người. Các Phiên âm khác là Đàn-đồ (檀荼), Đàn đà (檀陀), Đãn-đồ (但荼), Đan-đà (單馱), Đan-nã (單拏), Na-nã (娜拏), Nan-nã (難拏), Đàn-nã-tràng (檀拏幢), Đàn-nã bạng (檀拏棓). Dịch nghĩa: Trượng (杖), Bảo trượng (寶杖), Sách trượng (策杖), Bổng bạng (棒棓), Nhân đầu tràng (人頭幢), Nhân đầu bổng (人頭棒), Khô lâu trượng (骷髏杖).

Đàn-Việt

Từ Điển Đạo Uyển

檀越; C: tán yuè; J: dan’otsu;
Phiên âm từ chữ dānapati trong tiếng Phạn. 1. Người cúng dường (thí chủ), người làm việc thiện; 2. Tín đồ, người thường cúng dường phẩm vật cho các chùa.

Đặng Ẩn Phong

Từ Điển Đạo Uyển

鄧隱峰; C: dèng yǐnfēng; J: to impo; ?-?; cũng được gọi là Ngũ Ðài Ẩn Phong (五臺隱峰; c: wǔtái yǐnfēng);
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của hai vị Thiền sư Thạch Ðầu Hi Thiên và Mã Tổ Ðạo Nhất. Sư có những hành động rất quái dị, dùng lí trí phân biệt không hội nổi.
Sư họ Ðặng, quê ở Thượng Vũ, Phúc Kiến. Trước, Sư đến tham vấn Mã Tổ nhưng chưa ngộ, Sư lại đến Thạch Ðầu đôi ba phen vẫn không thấy đạo. Sau đến Mã Tổ nghe một câu nắm được yếu chỉ. Một hôm Sư đẩy xe đất, Mã Tổ ngồi duỗi chân trên đường. Sư thưa: “Xin thầy rút chân.” Mã Tổ bảo: “Ðã duỗi thì không rút, đã tiến thì không lui.” Sư đáp: “Cũng vậy, đã tới không bao giờ lui.” và đẩy xe cán chân Mã Tổ. Sau đó Mã Tổ đến pháp đường, tay cầm búa, nói: “Ông nào hồi nãy đẩy xe cán cẳng lão tăng bước ra đây mau.” Sư liền bước thẳng ra ngửa cổ lên đón nhát búa. Mã Tổ im lặng đặt búa xuống.
Sư đến Nam Tuyền Phổ Nguyện, thấy chúng tăng đang tham vấn. Nam Tuyền chỉ tịnh bình bảo: “Bình đồng là cảnh, trong bình có nước, chẳng được động đến cảnh, đem nước đến cho Lão tăng.” Sư bèn nắm tịnh bình đem đến trước mặt Nam Tuyền đổ nước. Nam Tuyền bèn thôi.
Trước khi tịch Sư hỏi chúng: “Tôi thường thấy các vị Tiền bối khi tịch hoặc ngồi, hoặc nằm, có vị nào đứng tịch chăng?” Chúng thưa: “Có.” Sư hỏi: “Có vị nào lộn ngược tịch chăng?” Chúng thưa: “Chưa từng thấy.” Sư bèn lộn ngược mà tịch.

đảo

Từ Điển Đạo Uyển

倒; C: dào; J: tō, dō;
1. Lộn ngược, lầm lạc, hư hỏng, xoay ngược, trái ngược, sai lầm. Đồng nghĩa Điên đảo (s: viparyāsa, viparyaya, paryasta, viparita); 2. Nhưng mà, tuy nhiên.

đạo

Từ Điển Đạo Uyển

道; C: dào; J: dō; nguyên nghĩa là “Con đường”;
Một biểu thị quan trọng của Ðạo giáo, một giáo phái vốn bắt nguồn từ chữ Ðạo này. Ðạo được nêu ra và trình bày cặn kẽ trong hai quyển sách trứ danh của triết học Trung Quốc: Ðạo đức kinh của Lão Tử và Trang Tử nam hoa chân kinh của Trang Tử.
Mặc dù theo nguyên nghĩa thì Ðạo là con đường đi, nhưng Ðạo cũng được hiểu là “giáo lí”, “chân lí.” Danh từ này được sử dụng rất sớm theo ý nghĩa “nhân đạo”, con đường mà nhân loại phải đi, nên đi. Các triết gia theo Nho giáo đều hiểu Ðạo dưới nghĩa này. Trong Ðạo đức kinh, từ này lần đầu tiên mang một đặc tính siêu nhiên, là cái thâu nhiếp tất cả, là cơ sở của vạn vật hiện hữu, là nguyên lí tuyệt đối. Ðạo là sự thật duy nhất, là nơi xuất phát của thế giới hiện hữu. “Sự thật cuối cùng” này được Lão Tử – vì không thể tìm được một tên tương ưng – tạm gọi là Ðạo:
道可道非常道。名可名非常名
Ðạo khả đạo – phi thường đạo
Danh khả danh – phi thường danh
*Ðạo mà ta có thể gọi được không phải là đạo thường còn; cái Danh mà ta có thể gọi được không phải là Danh thường còn.
Ðạo là “Mẹ nhiệm mầu” (玄牝; huyền tẫn) của vạn vật, là nguồn gốc của tất cả hiện hữu (ÐÐK VI). Nhưng Ðạo cũng là nơi vạn vật quy tụ. Ðây là một nguyên lí cố định. Theo Ðạo giáo thì tỉnh thức, Giác ngộ chính là trực chứng được sự trở về Ðạo của vạn vật. Trong chương thứ 14 của Ðạo đức kinh, Ðạo cũng được mô tả là không thể xem bằng mắt, nghe bằng tai …, là hình trạng của cái không hình trạng (Nguyễn Duy Cần dịch):
Xem mà không thấy, nên tên gọi là “Di” (夷); Lóng mà không nghe, nên tên gọi là “Hi” (希); Bắt mà không nắm bắt được, nên gọi là “Vi” (微); Ba cái ấy không thể phân ra được, vì nó hỗn hợp làm Một. Trên nó thì không sáng, dưới nó thì không tối. Dài dằng dặc mà không có tên, rồi lại trở về chỗ không có. Ấy gọi là cái hình trạng không hình trạng, cái hình trạng của cái không có vật…. Giữ cái đạo xưa để mà trị cái có của hiện nay. Biết được cái đầu mối của xưa, ấy gọi là nắm được giềng mối của Ðạo.
Ðạo hiện hành một cách tự nhiên, hành động của Ðạo được diễn tả bằng “vô vi”, là không làm nhưng cũng vì thế mà không có một việc gì bị bỏ qua (Bất hành nhi hành). Trong thế giới hiện hữu này thì người ta có thể suy ra được cái “thể” (體) của Ðạo qua cái “dụng” (用), cái “lực” (力) của nó, được gọi là Ðức (德).
Ðạt được sự thống nhất với Ðạo là mục đích tối cao của các Ðạo gia. Trí hiểu biết thông thường không đủ để tiếp cận được Ðạo; hành giả phải tự trở thành một đơn vị với Ðạo, phải đạt được sự giản đơn, sự trống rỗng diệu dụng của Ðạo. “Ðắc Ðạo” chỉ có thể là một bước nhảy vượt qua mọi kinh nghiệm nhận thức thông thường, là một sự trực nhận siêu phàm.
Trong thời kì Phật giáo được truyền qua Trung Quốc lần đầu, các Cao tăng tại đây chưa tìm được những thuật ngữ tương ưng nên thường sử dụng thuật ngữ của Ðạo giáo để trình bày Phật pháp và Ðạo được xem là đồng nghĩa với Phật pháp, là con đường đưa chúng sinh đến Niết-bàn.
Tại Nhật, chữ Ðạo thường được hiểu là việc kế thừa đức Phật trên con đường tu tập đạt Niết-bàn, giải thoát và Thiền tông tại đây cũng hiểu chữ Ðạo dưới nghĩa này. Nương theo ý nghĩa này, người cũng gọi tất cả những phương pháp tu tập, thực hành thấm nhuần vị Thiền là Ðạo, như Kiếm đạo (劍道; j: kendō), Trà đạo (荼道; j: chadō), Hoa đạo …
Dần dần, chữ Ðạo được tín đồ của tất cả các tôn giáo tại Ðông, Ðông nam á hiểu như là chân lí tuyệt đối, là “nguyên lí cuối cùng” của vũ trụ. “Ðắc Ðạo”, “Ðạt Ðạo” là những danh từ đồng nghĩa với Giải thoát, chứng Niết-bàn, Giác ngộ của Phật giáo.

Đạo An

Từ Điển Đạo Uyển

道安; C: dàoān; 312-385;
Cao tăng Trung Quốc. Công lớn của Sư là nối kết hai cách tu học Phật giáo: Thiền (s: dhyāna) và Trí huệ (s: prajñā). Sư là người sáng lập một tông phái lấy kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa làm cơ sở. Ngoài ra Sư cũng là là người tổng kết kinh điển thành thư mục, đề nghị các tăng sĩ xuất gia nên mang họ Thích (s: śākya), và soạn ra những nguyên lí sống chung dựa trên Luật tạng. Sư cũng là người đề xuất việc thờ phụng Di-lặc Bồ Tát. Sư được xem là người sáng lập và đề cao việc tu tập thiền định trong đạo Phật – thậm chí có người xem Sư là Tổ sư đích thật của Thiền tông Trung Quốc.
Ðạo An được sinh tại Bắc Trung Quốc trong một Nho gia, nhập Tăng-già từ lúc 12 tuổi. Dưới sự hướng dẫn của Phật Ðồ Trừng, một Cao tăng Ấn Ðộ, Sư học kinh sách Bát-nhã về phép tu Thiền và đã viết luận giải rất sớm. Sư thành lập một tông phái với quan niệm rằng, không có gì thật sự đứng sau mọi hiện tượng. Con người có thể đắc đạo nếu để tâm thức lưu lại trong thể “không thật sự” đó. Sư có công trong việc sắp xếp cách thờ cúng, cách trình bày kinh điển, các cách khác trong đời sống hàng ngày của tăng ni. Sư đề xuất việc thờ Di-lặc bằng cách đứng trước tượng Di-lặc cầu xin được tái sinh về cõi Ðâu-suất, nơi giáo hoá hiện nay của Ngài.

đảo Bản

Từ Điển Đạo Uyển

倒本; C: dàoběn; J: tōhon;
Sai lầm về phần quan trọng nhất của vấn đề, Căn bản vô minh (theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Đáo Bỉ Ngạn

Từ Điển Đạo Uyển

到彼岸; C: dàobǐàn; J: tōhigan;
Hán dịch nghĩa chữ Phạn pāramitā, nghĩa là đạt đến bờ bên kia. Dịch âm là Ba-la-mật (波羅蜜). Hoàn tất, hoàn hảo.

Đạo Can Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

稻稈經; S: śālistamba-sūtra; “Ðạo can” có nghĩa là cọng lúa, cây lúa non mới nẩy mầm.
Một bộ kinh Ðại thừa, thuật lại việc Bồ Tát Di-lặc ứng đáp Xá-lị-phất, giải thích thuyết Nhân duyên sinh qua ví dụ lúa sinh từ hạt mầm, từ mầm sinh lá… Kinh này thường được nêu ra làm dẫn chứng trong những bài luận giải Tây Tạng.
Kinh này có nhiều bản dịch: Chi Khiêm dịch thời Tam quốc dưới tên Liễu bản sinh tử kinh, Bất Không Kim Cương dịch đời Ðường dưới tên Từ Thị Bồ Tát sở thuyết đại thừa duyên sinh đạo can dụ kinh, Thí Hộ dịch đời Bắc Tống là Ðại thừa xá-lê sa-đảm-ma kinh.

đảo Chấp

Từ Điển Đạo Uyển

倒執; C: dàozhí; J: tōshū;
Cố chấp sai lầm (theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Đạo Chiêu

Từ Điển Đạo Uyển

道昭; J: dōshō; 629-700;
Tổ thứ nhất của Pháp tướng tông (j: hossū-shū) tại Nhật Bản. Sư đến Trung Quốc học với Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang và cũng có mối liên hệ với Nam phương Thiền tông. Trở về Nhật, Sư lập một thiền viện ở phía Ðông nam chùa Nguyên Hưng, một ngôi chùa của Pháp tướng tông Nhật Bản và thu thập rất nhiều kinh, luận. Sư dốc sức cho sự nghiệp công ích xã hội, đặt thuyền bắc cầu ở bến sông, đào giếng cạnh đường, chu du khắp Nhật Bản giáo hoá quần chúng.

đảo đẳng Lưu

Từ Điển Đạo Uyển

倒等流; C: dàoděngliú; J: tōdōru;
Sai lầm khi gây nên nghiệp tham dục (theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Đáo đầu

Từ Điển Đạo Uyển

到頭; C: dàotóu; J: tōtō;
1. Sau tất cả, tuỳ cơ, cuối cùng, sau cùng; 2. Tốt nhất, hay nhất.

Đạo Hạnh

Từ Điển Đạo Uyển

道行; ?-1115
Thiền sư Việt Nam, thuộc phái thiền Tì-ni-đa Lưu-chi đời thứ 12, kế thừa Thiền sư Sùng Phạm.
Sư tên tục là Từ Lộ, con của Viên tăng quan Ðô Án Từ Vinh, quê tại làng Yên Lãng. Sư tính tình hào hiệp, chí cao, ban ngày thì chơi cờ thổi sáo nhưng ban đêm cần cù đọc sách. Sau Sư đi thi đỗ Tăng quan.
Nhân khi cha của Sư là Từ Vinh bị người dùng bùa chú ám hại, Sư quyết tâm tu học huyền thuật để rửa hận cho cha. Sau khi trả thù xong, duyên nợ đã rửa sạch, Sư phát tâm cầu giải thoát và chu du đây đó tầm đạo.
Ban đầu, Sư đến Thiền sư Kiều Trí Huyền ở Thái Bình tham học nhưng không có sở đắc. Ðến Thiền sư Sùng Phạm tại chùa Pháp Vân, Sư hỏi: “Thế nào là chân tâm?” Sùng Phạm đáp: “Cái gì chẳng phải chân tâm?” Sư nhân đây tỉnh ngộ, hỏi thêm: “Làm sao gìn giữ?” Sùng Phạm bảo: “Ðói ăn khát uống.”
Rời Sùng Phạm, Sư đến chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích trụ trì hoằng hoá chúng. Một vị tăng hỏi: “Ði đứng ngồi nằm (Hành trụ toạ ngọa) cả thảy đều là Phật tâm, thế nào là Phật tâm?” Sư trả lời bằng kệ:
作有塵沙有。爲空一切空
有空如水月。勿著有空空
Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thuỷ nguyệt
Vật trước hữu không không
*Có thì muôn sự có
Không thì tất cả không
Có, không trăng đáy nước
Ðừng mắc có cùng không.
Sư lại bảo:
日月在巖頭。人人盡失朱
富人有駒子。步行不騎駒
Nhật nguyệt tại nham đầu
Nhân nhân tận thất chu
Phú nhân hữu câu tử
Bộ hành bất kị câu
*Nhật nguyệt tại non đầu
người người tự mất châu
Kẻ giàu sẵn ngựa mạnh
Bộ hành chẳng ngồi xe.
Sắp tịch, Sư gọi đệ tử đến dạy: “Túc nhân của ta chưa hết phải còn sinh lại thế gian này tạm làm vị quốc vương. Sau khi mệnh chung ta lại lên cõi trời Tam thập tam làm Thiên chủ. Nếu thấy thân ta bị hư hoại thì ta mới thật vào Niết-bàn, chẳng trụ trong vòng sinh diệt này nữa.” Sư nói kệ phó chúc:
秋來不報雁來歸。冷笑人間暫發悲
爲報門人休戀著。古師幾度作今師
Thu lai bất báo nhạn lai quy
Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi
Vị báo môn nhân hưu luyến trước
Cổ sư kỉ độ tác kim sư.
*Thu về chẳng hẹn nhạn cùng bay
Cười lạt người đời luống xót vay
Thôi! Hỡi môn đồ đừng lưu luyến
Thầy xưa mấy lượt hoá thầy nay.
Nói xong, Sư an nhiên thị tịch. Nhục thân Sư mãi sau này vẫn còn.

Đạo Huệ

Từ Điển Đạo Uyển

道慧; ?-1173
Thiền sư Việt Nam, thuộc phái thiền Vô Ngôn Thông đời thứ 9, nối pháp Thiền sư Thông Biện. Sư có nhiều đệ tử ngộ yếu chỉ thiền như Ðại Xả, Tịnh Không, Tín Học, Trường Nguyên, Tĩnh Lực, Trí Bảo và Minh Trí.
Sư họ Âu, quê ở Chân Hộ, làng Như Nguyệt, xuất gia tu học với Quốc sư Thông Biện tại chùa Phổ Minh năm 25 tuổi. Nơi đây, Sư ngộ được huyền chỉ của Thiền.
Sau, Sư đến chùa Quang Minh núi Thiên Phúc trong huyện Tiên Du trụ trì. Ðạo hạnh của Sư vang xa và cảm hoá được cả thú rừng. Niên hiệu Ðại Ðịnh thứ 20 (1161), Hoàng Cô Thuỵ Minh mắc bệnh, vua sai sứ thỉnh Sư vào xem bệnh. Sư vừa đến cửa ngoài thì Hoàng Cô lành bệnh. Vua Lí Anh Tông rất mừng mời Sư ở lại chùa Báo Thiên hoằng pháp. Học chúng và đạo hữu khắp nơi đua nhau đến yết kiến. Sư vì vậy không trở về núi mà ở lại khai đường giáo hoá.
Ðến niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 10 (1173), ngày mồng 1 tháng 8, Sư có chút bệnh tự than rằng: “Loạn li lan rộng, ái chừ, từ đó mà đến.” Sư nói kệ:
地水火風識。原來一切空
如雲還聚散。佛日照無窮
色身與妙體。不合不分離
若人要甄別。爐中花一枝
Ðịa thuỷ hoả phong thức
Nguyên lai nhất thiết không
Như vân hoàn tụ tán
Phật nhật chiếu vô cùng
Sắc thân dữ diệu thể
Bất hiệp bất phân li
Nhược nhân yếu chân biệt
Lô trung hoa nhất chi
*Ðất nước lửa gió thức
Nguyên lai thảy đều không
Như mây lại tan họp
Phật nhật chiếu không cùng
Sắc thân cùng diệu thể
Chẳng họp chẳng chia lìa
Nếu người cần phân biệt
Trong lò một cành hoa.
Ðến canh ba, Sư im lặng thị tịch.

đảo Kiến

Từ Điển Đạo Uyển

倒見; S: viparyāsa; P: vipallāsa;
Chỉ kiến giải điên đảo, ngược ngạo về sự lí, ví dụ như cho Vô ngã là Ngã, cho Khổ là vui, cho Vô thường là trường tồn… Ðối nghĩa của đảo kiến là Như thật tri kiến.

Đạo Lâm

Từ Điển Đạo Uyển

道林; ?-1203
Thiền sư Việt Nam, thuộc phái Tì-ni-đa Lưu-chi đời thứ 16, nối pháp của Thiền sư Pháp Dung. Môn đệ đắc pháp còn được nhắc đến của Sư là Tịnh Thiền.
Sư họ Tăng, quê ở Cửu Cao, Chu Diên, thuở nhỏ đã mộ cửa Phật, ý chí cao cả. Sư xuất gia theo học với Thiền sư Pháp Dung và được vị này truyền tâm ấn.
Sau, Sư trụ trì chùa Long Vân, làng Siêu Thoại, Long Phúc. Nơi đây, Sư tuỳ duyên giáo hoá, xiển dương tông môn.
Niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu thứ hai, năm Quý Hợi, khoảng tháng năm, Sư ngồi kết già viên tịch.

Đáo Ngạn

Từ Điển Đạo Uyển

到岸; C: dàoàn; J: tōgan;
Đáo bỉ ngạn (到彼岸).

Đạo Ngô Viên Trí

Từ Điển Đạo Uyển

道吾圓智; C: dàowú yuánzhi; J: dōgo enchi; 768/69-835;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm, bạn đồng học với Thuyền Tử Ðức Thành và Vân Nham Ðàm Thạnh. Môn đệ xuất sắc của Sư là Thạch Sương Khánh Chư. Tắc 55. và 89 trong Bích nham lục nhắc đến Sư.
Sư họ Trương, quê ở Hải Hôn, Dự Chương. Lúc nhỏ, Sư theo Hoà thượng Bàn xuất gia. Sau Sư đến tham vấn Dược Sơn và được ấn khả.
Một hôm Dược Sơn hỏi Sư: “Ngươi đi đâu về?” Sư thưa: “Ði dạo núi về.” Dược Sơn bảo: “Chẳng rời thất này, đem gì về, nói mau!” Sư thưa: “Trên núi chim con đầu tựa tuyết, đáy khe cá lội lo chẳng cùng.”
Vân Nham Ðàm Thạnh hỏi Sư: “Bồ Tát Ðại Bi (Quán Thế Âm) dùng tay mắt nhiều lắm để làm gì?” Sư nói: “Như người giữa đêm vói tay lại sau mò chiếc gối.” Vân Nham nói: “Tôi hiểu.” Sư hỏi: “Ông hiểu thế nào?” Vân Nham: “Toàn thân là tay mắt.” Sư nói: “Nói đến tột cùng chỉ nói được tám phần.” Vân Nham hỏi lại: “Sư huynh thế nào?” Sư đáp: “Khắp thân là tay mắt” (Bích nham lục, 89).
Sư mắc bệnh, tăng chúng đến thăm hỏi. Sư bảo: “Có nhận chẳng đến, các ngươi có biết nó chăng?” Ðại chúng buồn thảm. Sư bảo: “Ta sẽ đi bên Tây, lí không rời bên Ðông.” Mùng mười tháng chín niên hiệu Thái Hoà năm thứ chín đời Ðường, Sư quy tịch. Vua sắc ban là Tu Nhất Ðại sư.

Đạo Nguyên Hi Huyền

Từ Điển Đạo Uyển

道元希玄; J: dōgen kigen; 1200-1253, cũng được gọi là Vĩnh Bình Ðạo Nguyên (j: eihei dō-gen) vì Sư có công khai sáng Vĩnh Bình tự;
Một trong những Thiền sư quan trọng nhất của Nhật Bản, người đưa dòng Thiền Tào Ðộng (j: sōtō) qua đây. Sư được Phật tử của tất cả các tông thờ phụng như một Ðại Bồ Tát.
Sư thường bị hiểu lầm là một triết gia với quan điểm “thâm sâu và quái dị nhất” Nhưng những gì Sư viết không xuất phát từ những suy luận về thật tại mà từ sự trực chứng thật tại đó.
Năm 1233 Sư sang Trung Quốc và được Trường Ông Như Tịnh Thiền sư ở Thiên Ðồng sơn, Minh Châu hướng dẫn đạt diệu tâm của dòng Tào Ðộng. Năm 1227 trở lại Nhật, Sư sống 10 năm ở Kinh Ðô (j: kyōto). Nhằm tránh ảnh hưởng của triều đình Nhật, Sư rút về sống viễn li trên núi. Tác phẩm chính và nổi tiếng nhất của Sư là Chính pháp nhãn tạng (j: shōbōgenzō) – được xem là một kiệt tác của Thiền tông Nhật Bản. Theo quan điểm của dòng Tào Ðộng, Ðạo Nguyên cho rằng phép im lặng Toạ thiền (Mặc chiếu thiền) rất quan trọng. Mặt khác Sư cũng không hề từ chối phép tham quán Công án được truyền dạy trong dòng Lâm Tế (j: rinzai). Bản thân Sư cũng góp nhặt khoảng 300 công án Thiền, luận giải cho từng công án đó trong tác phẩm Niêm bình tam bách tắc (j: nempyo sambyaku-soku). Các tác phẩm khác của Sư – khác với Chính pháp nhãn tạng – chỉ mang tính chất nhập môn. Môn đệ kế thừa Sư là Cô Vân Hoài Trang (j: koun ejō).
Sư sinh ra trong một gia đình quý phái, thời thơ ấu đã chứng tỏ có một đầu óc xuất sắc. Lên bốn Sư đã đọc thơ Ðường và lên chín đã đọc được một bài luận về A-tì-đạt-ma. Cha mẹ mất sớm làm Sư ngộ lẽ vô thường và trở thành tăng sĩ. Mới đầu, Sư học giáo pháp của Thiên Thai tông. Năm mười lăm tuổi, Sư bị câu hỏi sau đây dày vị: “Nếu quả thật, như kinh dạy, thể tính của ta đã là Bồ-đề, thì sao Chư Phật còn phải tu học để giác ngộ?” Sư tìm học với Minh Am Vinh Tây Thiền sư, là người đã đưa dòng Thiền Lâm Tế từ Trung Quốc qua Nhật Bản. Vinh Tây trả lời câu hỏi của Sư: “Chư Phật không ai biết mình có Phật tính, chỉ có súc sinh mới biết mình có Phật tính.” Sư nghe đây có tỉnh và sau đó học đạo với Vinh Tây, nhưng quá trình tu học này không kéo dài được lâu vì Vinh Tây tịch ngay trong năm đó.
Dù đã tiến xa, Sư vẫn khắc khoải và cuối cùng cất bước lên đường sang Trung Quốc bằng đường biển, một chuyến đi đầy hiểm nguy thời đó. Sư tham vấn nhiều Thiền sư, học hỏi nhiều phép tu nhưng cuối cùng, tại chùa Thiên Ðồng, Sư mới đại ngộ qua câu nói của Thiên Ðồng Như Tịnh: “Ngươi hãy xả bỏ thân tâm.”
Hai năm sau ngày đại ngộ, Sư mới trở về Nhật và thành lập dòng Tào Ðộng ở đây. Trong buổi lễ khánh thành thiền viện đầu tiên tại Nhật – Hưng Thánh Pháp Lâm tự (j: kōshōhárin-ji) – Sư thượng đường với những câu sau: “Ta chẳng tu học tại nhiều thiền viện. Nhưng khi ta yết kiến Ðại sư Như Tịnh thì ta thông hiểu tường tận, trực nhận rằng: lỗ mũi đứng thẳng và hai con mắt nằm ngang. Từ bấy giờ ta chẳng còn bị ai lừa bịp. Với hai bàn tay trắng ta trở về cố hương và vì vậy ta chẳng có chút gì có thể gọi là Phật pháp cả. Ta sống theo nhịp điệu của thời gian: buổi sáng mặt trời mọc ở hướng Ðông và buổi tối trăng lặn ở phía Tây. Mây tan núi hiện, sau cơn mưa thì núi có vẻ thấp hơn bình thường – là thế nào?… Hễ bốn năm thì có một năm nhuận, gà gáy buổi sáng.” Sư đứng im một lúc rồi bước xuống.
Năm 1243, Sư rời Hưng Thánh tự và đến vùng Ichizen để một năm sau đó thành lập Vĩnh Bình tự. Năm 1253, Sư viên tịch.
Các tác phẩm quan trọng của Sư còn được lưu lại: 1. Phổ khuyến toạ thiền nghi (fukanzanzengi), 2. Học đạo dụng tâm tập (gakudōyōjinshū), 3. Ðiển toạ giáo huấn (tenzōkyōkun), 4. Vĩnh Bình quảng lục (eihei kōroku), cũng được gọi là Ðạo Nguyên Hoà thượng quảng lục (dōgen ōshō kōroku), 5. Chính pháp nhãn tạng tuỳ văn kí (shōbōgenzō-zuimonki), 6. Chính pháp nhãn tạng tam bách tắc (shōbōgenzō-sambyakusoku), 7. Chính pháp nhãn tạng (shōbōgenzō), 95 quyển.

đạo Phật

Từ Điển Đạo Uyển

Là con đường Phật hướng dẫn đến Niết-bàn, một cách gọi khác của Phật pháp, Phật giáo.

Đạo Sinh

Từ Điển Đạo Uyển

道生; C: dàoshēng; 355-434;
Cao tăng và là người thành lập Niết-bàn tông của Phật giáo Trung Quốc. Sư là người cùng Cưu-ma-la-thập dịch kinh Diệu pháp liên hoa (s: saddharmapuṇḍarīka-sūtra) và Duy-ma-cật sở thuyết (s: vimalakīrtinirdeśa-sūtra). Ðạo Sinh có nhiều quan điểm cách mạng so với thời bấy giờ, góp công rất lớn thúc đẩy sự phát triển của nền Phật giáo Trung Quốc. Sư quan niệm rằng, bất cứ ai cũng có Phật tính, bất cứ ai cũng có thể thành Phật tức khắc. Sư có công tổng hợp hai bộ kinh Ðại bát-niết-bàn và Bát-nhã ba-la-mật-đa. Ngày nay các tác phẩm của Sư đã thất lạc, người ta chỉ tìm thấy quan điểm của Sư rải rác trong các bộ luận.
Ðạo Sinh là người có biệt tài, lúc gia nhập Tăng-già Sư đã là một người tinh thông đạo pháp. Từ năm 397 đến 401 Sư tu học tại Lư Sơn, một trung tâm Phật giáo quan trọng thời đó. Năm 405 Sư về Trường An, cùng với Cưu-ma-la-thập soạn kinh sách. Vì những quan điểm mới, Sư bị loại ra khỏi Tăng-già. Ðó là những quan điểm phù hợp với Ðại bát-niết-bàn kinh (s: mahāparinirvāṇa-sūtra) – nhưng kinh này lúc đó chưa được dịch ra Hán văn. Sau khi kinh này dịch xong, thuyết của Sư được phục hồi.
Sư cho rằng, ngay cả Nhất-xiển-đề cũng có Phật tính và có thể đạt Phật quả, đó là quan điểm Ðại thừa, tất cả mọi chúng sinh, không chừa ai, đều có Phật tính, chỉ vì bị vô minh che phủ. Ðạt giác ngộ chính là trực nhận được Phật tính đó và tất nhiên – hành giả phải qua nhiều bước đường chuẩn bị. Sư quan niệm rằng giác ngộ là giác ngộ tức khắc (đốn ngộ), là tình trạng hợp nhất với Chân như. Vì vậy giác ngộ không thể là một quá trình từ từ. Khi giác ngộ thì Luân hồi hay Niết-bàn không khác và Chân như của chư Phật không khác với thế giới hiện hữu. Ðối với Ðạo Sinh thì Phật tính trong Ðại bát-niết-bàn kinh và tính Không trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa chỉ là một: cả hai đều vô tướng, vô tính. Phật tính và tính Không chính là Niết-bàn, là trạng thái không còn phân biệt giữa chủ thể và khách thể. Ðối với Sư, không có một Tịnh độ ngoài thế giới này vì chư Phật không hề rời chúng ta, luôn luôn ở trong ta.
Cuối đời, Sư lại sống trên núi Lư Sơn. Một ngày trong năm 434 Sư giảng pháp. Khi sắp rời toà giảng, Sư giô gậy trúc lên cao, ngồi mà nhập Niết-bàn.

đảo Sử

Từ Điển Đạo Uyển

島史; P: dīpavaṃsa;
Một bộ sử kí được lưu lại bằng văn hệ Pā-li, xuất hiện thế kỉ thứ 4 ở Tích Lan. Tác giả của bộ này không rõ. Bộ sử này ghi lại những bài thuật về thời đức Phật Thích-ca còn giáo hoá, sự thuộc địa hoá của Tích Lan đến thời cai trị của vua Ma-ha Tu-na (p: mahāsena) giữa thế kỉ thứ 4. Ðây là những tài liệu rất quý giá cho sự nghiên cứu Phật giáo trong khoảng thời gian này.

Đạo Sư

Từ Điển Đạo Uyển

導師; S: guru; T: lama; cũng có khi được dịch theo âm Hán Việt là Cổ-lỗ, nghĩa là Sư phụ, vị thầy dạy đạo. Theo một ý nghĩa riêng biệt – như trong trường hợp của các vị Ma-ha Tất-đạt – thì người ta nên dịch chữ “guru” là Chân sư (真師), nếu hiểu chữ “Chân sư” ở đây đồng nghĩa với một vị thầy có đầy đủ những khả năng, thích hợp cho những môn đệ khác nhau, có thể nói là tuỳ cơ ứng biến, tuỳ chứng phát dược.
Là vị thầy dạy Ðạo. Truyền thống của Ấn Ðộ giáo phân biệt bốn vị Ðạo sư:
1. Cha mẹ, là người sinh thành thân thể, hiến tặng đời sống và giúp làm quen với các vấn đề trong cuộc đời; Thầy giáo dạy các môn học của thế gian, hướng dẫn nghề nghiệp;
2. Ðạo sư giúp tìm ra con đường đạo, tiến đến giải thoát;
3. “Ðạo sư vũ trụ” (s: avatāra, dịch sát nghĩa là “Ðấng Giáng thế”) là bậc giác ngộ, là hiện thân của sự Giác ngộ, của Chân như.
Về Ðạo sư người ta thường đặt hai câu hỏi là: 1. Trên con đường tu học giác ngộ, liệu có thật cần một Ðạo sư hay không; 2. Ðối với một Ðạo sư, hành giả phải tuân lời đến mức nào. Về câu hỏi thứ nhất, các Ðạo sư Ấn Ðộ hay dùng một thí dụ giản đơn: một người khách lạ tìm đường trong một thành phố. Người đó có hai cách, một là cứ lần lượt xem từng con đường, thế nào rồi cũng tìm ra, nhưng mất thì giờ và nếu không may, có thể con đường cuối cùng chính là con đường mình kiếm. Cách thứ hai là hỏi một người sống trong thành phố đó, người đó sẽ chỉ cách đi ngắn nhất đến đó. Ðạo sư được xem là người sống tại “địa phương” của các phương pháp tu học. Mặt khác, trong kinh sách thường nói, một khi hành giả tiến tới một mức nhất định thì nội tâm sẽ biến thành Ðạo sư, dẫn đường cho mình. Vì vậy trong kinh có dùng chữ Phạn antaryāmin, nghĩa là “người hướng đạo nội tại.” Nói về sự nghe lời Ðạo sư thì quan niệm chung cho thấy rằng không bao giờ một Ðạo sư chân thật lại ép chế học trò. Ngược lại học trò phải có một mối liên hệ thân thiết và tin tưởng nơi Ðạo sư thì các vị đó mới có thể giúp đỡ được. Người Ðạo sư vĩ đại nhất chính là đức Phật thì lại khuyên mọi đệ tử nên nghe rồi tự mình trắc nghiệm các chân lí, không nên nhắm mắt tin vào ai, kể cả vào lời nói của Ngài (xem thêm A-xà-lê).

đạo Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

道心; C: dàoxīn; J: dōshin; nghĩa là “tâm hướng về Ðạo”;
1. Chỉ tâm đầy nguyện vọng và quyết định thực hiện Bồ-đề; 2. Một Sa-di trong một thiền viện (xem thêm dưới Vân thuỷ; j: unsui).

đảo Thể

Từ Điển Đạo Uyển

倒體; C: dàotǐ; J: tōtai;
Sai lầm trong quan niệm về thân (hoặc bản ngã). Sai lầm khi tin vao sự hiện hữu của bản ngã trên cơ sở tự tướng. Tương đương với Tát-ca-da kiến (薩迦耶見; theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Đạo Tín

Từ Điển Đạo Uyển

道信; C: dàoxìn; J: dōshin; 580-651;
Tổ thứ tư của Thiền tông Trung Quốc. Dưới pháp môn của Sư, Thiền được chia thành hai nhánh, đó là nhánh Ngưu Ðầu thiền do Pháp Dung thành lập và nhánh thứ hai là Thiền tông do Ngũ tổ Hoằng Nhẫn nối tiếp. Các sử gia sau này không xếp Ngưu Ðầu thiền vào Thiền chính tông của Trung Quốc.
Sư Ðại ngộ sau khi tham vấn nơi Tam tổ Tăng Xán. Gặp Tổ, Sư quì lạy cầu cứu: “Xin Hoà thượng chỉ dạy con pháp môn giải thoát” Tổ bảo: “Ai trói ngươi?” Sư đáp: “Chẳng thấy ai.” Tổ bảo: “Sao ngươi lại tìm giải thoát?” Nghe câu này, Sư đạt yếu chỉ. Tổ khuyên Sư hướng dẫn môn đệ tham thiền theo kinh Nhập Lăng-già.
Học giả đến Sư rất đông. Từ đây Thiền tông bắt đầu tiến lên giai đoạn mới, tăng sĩ không còn nay đây mai đó khất thực mà tu học định cư tại các thiền viện. Ngoài ra, sự nghiên cứu học hỏi kinh sách không còn giữ giá trị tuyệt đối nữa mà thay vào đó là sự ứng dụng. Thực hành Phật pháp được coi trọng hơn hết và đó cũng là một trong những đặc điểm cơ bản đưa Thiền tông lên cao trong đời Ðường.

Đạo Tuyên

Từ Điển Đạo Uyển

道宣; C: dàoxuān; J: dōsen;
1. Vị Khai tổ (596-667) của Luật tông Trung Quốc, cũng được gọi là Nam Sơn Luật sư, Nam Sơn Ðại sư. Sư xuất gia năm 16 tuổi, nghiêm túc tu hành trì giới. Nhân lúc Pháp sư Huyền Trang từ Ấn Ðộ trở về, Sư phụng chiếu sung vào ban phiên dịch kinh. Vì có công truyền bá giới luật nên Sư được các vị sau này tôn là Sơ tổ của Luật tông Trung Quốc. Tác phẩm quan trọng nhất của Sư còn được lưu lại có lẽ là bộ Tục cao tăng truyện, một bộ truyện gồm 30 quyển, ghi lại nhiều tiểu sử của các Cao tăng từ đầu thế kỉ thứ 6 đến năm 645. Sư tịch ngày 3 tháng 10 năm Càn Phong thứ 2 đời Ðường, thọ 72 tuổi. Vua sắc thuỵ là Trừng Chiếu, tháp hiệu Tịnh Quang. Vì ở lâu tại Chung Nam sơn nên Sư cũng được biết dưới tên Nam Sơn Ðại sư, Luật sư.
2. Luật sư Trung Quốc (702-760), sang Nhật Bản năm 732 truyền bá giáo pháp của Luật tông (j: ritsu-shū), Hoa nghiêm tông (j: kegon-shū) và Bắc phương Thiền tông. Sư là môn đệ đời thứ ba của Thiền sư Thần Tú.

Đạt-Bảo Cáp-Giải

Từ Điển Đạo Uyển

達保哈解; T: dvags-po lha-rje; 1079-1153, là tên dịch theo âm Hán Việt, cũng được biết dưới tên Gam-pô-pa (t: sgam-po-pa);
Một trong những Ðại sư của dòng Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa) tại Tây Tạng. Năm 26 tuổi, sau khi vợ mất, Sư trở thành tăng sĩ và theo học giáo pháp của phái Cam-đan (t: kadampa). Trong quá trình tu học, Sư được gặp Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa), một đạo sư tiếng tăm lừng lẫy và được Mật-lặc Nhật-ba truyền cho pháp môn Ðại thủ ấn (s: mahāmu-drā).
Sau khi xuất gia – được thúc đẩy bởi sự bất lực trước cái chết của vợ và con trong một cơn dịch, mặc dù là một y sĩ – Ðạt-bảo Cáp-giải được hướng dẫn vào giáo lí của dòng Cam-đan, một dòng được A-đề-sa (s: atīśa) Ðại sư sáng lập. Sư chăm chỉ tu tập, giữ giới luật nghiêm túc. Nhưng lí luận khô khan của tông này không dẹp hết những hồ nghi và vì vậy Sư quyết định xuống áo cà sa và trở thành một du sĩ tham đạo.
Một ngày kia, Sư nằm mộng thấy linh ảnh của một vị tăng sĩ màu xanh, tóc tai rối bù. Trong ảnh đó, vị tăng sĩ nhìn Sư cười, mắt sáng long lanh và nhổ nước bọt vào mặt Sư. Không bao lâu sau đó, Sư bắt đầu du phương – là một điều mà các vị Lạt-ma thỉnh thoảng vẫn làm. Trên đường đi, Sư bị lạc vào một vùng hẻo lánh của Hi-mã-lạp sơn và quả nhiên gặp một người có màu da xanh, trông rất ốm yếu và người đó không là ai khác hơn là Mật-lặc-nhật-ba. Mật-lặc-nhật-ba nhếch mép cười khi thấy Sư ngần ngừ bước vào. Không nói gì cả, ông đưa cho Sư một cái sọ người đựng đầy Chang (một loại bia) và ép uống hết – theo cách của Mật giáo bày tỏ phép tâm truyền tâm giữa thầy với trò. Sư từ chối không uống vì giới luật không cho phép. Mật-lặc-nhật-ba cười lớn – giống như trong linh ảnh đã hiện và nói ngay rằng, học theo một vị Phật đang hiện tiền tốt hơn bám giữ vào một giới luật hẹp hòi. Ông chế ngạo cách tu hành theo khuôn khổ, không có tính cách quảng đại của dòng Cam-đan. Ðối với ông, cách tu luyện như thế không giúp được một người thượng căn ham học. Ngay tại chỗ, Sư uống cạn một hơi, nhìn thẳng vào mắt Mật-lặc-nhật-ba và nhận ra rằng, linh ảnh đã biến thành sự thật: vị tăng sĩ giác ngộ này xem như đã nhổ nước bọt vào mặt ông và đã trao truyền năng lực cho kẻ thông thái nhưng chưa thật sự thức tỉnh đó. Cũng trong phút đó, Mật-lặc-nhật-ba biết đã tìm ra truyền nhân của mình. Sau đó, Sư ở lại với thầy tu tập thiền định và nghe giảng pháp.
Một ngày kia, Mật-lặc-nhật-ba báo cho Sư hay rằng đã tới lúc phải rời thầy ra đi. Tới ngày từ giã thầy và xa thầy mãi mãi, Sư quì dưới chân Mật-lặc-nhật-ba, để cho vị đạo sư để hai chân lên đầu mình và nhận một luồng chân khí để nhờ đó đạt được tâm thức đại viên kính trí của Phật. Sau buổi lễ này, Sư xin thầy cho một lời nhắn nhủ cuối cùng. Mật-lặc-nhật-ba nhún vai và nói: “Ngồi thiền thì ngươi còn phải ngồi nhiều và thường xuyên, còn học thì tuyệt đối không còn gì để học nữa.” Sau đó, Mật-lặc-nhật-ba không nói gì nữa. Sư xuống núi, vừa đi qua khỏi một con suối thì nghe phía sau Mật-lặc-nhật-ba kêu réo: “Ta còn một lời dạy cuối cùng” tiếng kêu lẫn trong tiếng suối reo, “Và lời này thật sự là bí mật và thâm sâu, chỉ dành chỉ dạy cho các bậc xuất sắc nhất trong giới thượng căn.” Sư yên lặng nín thở quay đầu lại, tim đập thình thình. Mật-lặc-nhật-ba bèn quay lưng, vén váy lên và cho Sư thấy mông đít trần truồng đã đóng thành sẹo sau nhiều nằm ngồi trên đá thiền định. “Lời dạy cuối cùng của ta đây, hãy nhớ!” Mật-lặc-nhật-ba kêu to.
Ðúng như lời tiên đoán của Mật-lặc-nhật-ba, mặc dù tu tập mười ba tháng với thầy nhưng sau ba năm tu tập, Toạ thiền cực khổ kế tiếp Sư mới chứng ngộ yếu chỉ Ðại thủ ấn.
Sau khi Mật-lặc Nhật-ba nhập diệt, Sư thành lập tông Ca-nhĩ-cư (đúng hơn: môn đệ của Sư). Sư soạn bộ Bồ-đề đạo thứ đệ tuỳ phá tông trang nghiêm (Bồ-đề đạo thứ đệ) và tác phẩm này đã hợp nhất hai trường phái Ca-nhĩ-cư và Cam-đan “như hai dòng nước hoà vào nhau.”

Đạt-Lại Lạt-Ma

Từ Điển Đạo Uyển

達賴喇嘛; T: dalai lama [da lai bla ma]; nghĩa là “Ðạo sư với trí huệ như biển cả”;
Danh hiệu do nhà vua Mông Cổ Altan Khan phong cho phương trượng của trường phái Cách-lỗ (t: gelugpa, Hoàng giáo) năm 1578. Kể từ 1617, Ðạt-lại Lạt-ma thứ 5 trở thành người lĩnh đạo chính trị và tinh thần của Tây tạng. Kể từ đây, người ta xem Ðạt-lại Lạt-ma là hiện thân của Quán Thế Âm và Ban-thiền Lạt-ma là người phụ chính. Mỗi một Ðạt-lại Lạt-ma được xem là tái sinh của vị Lạt-ma trước. Ðạt-lại Lạt-ma thứ 6 là vị có trình độ học thuật rất cao thâm và cũng là một nhà thơ. Vị Ðạt-lại Lạt-ma hiện nay là vị thứ 14, sống lưu vong tại Ấn Ðộ từ 1959 đến nay. Sư là người lãnh giải Nobel Hoà bình, đồng thời là người đại diện Phật giáo xuất sắc nhất hiện nay trên thế giới. Các tác phẩm Sư viết trình bày Phật giáo Tây Tạng và Phật pháp nói chung là những quyển sách mà mỗi người Phật tử phải nghiên cứu kĩ.
Danh sách các vị Ðạt-lại Lạt-ma: 1. Ðạt-lại Lạt-ma Căn-đôn Châu-ba (t: gendun drub, 1391-1475); 2. Ðạt-lại Lạt-ma Căn-đôn Gia-mục-thố (gendun gyatso, 1475-1542); 3. Ðạt-lại Lạt-ma Toả-lãng Gia-mục-thố (sonam gyatso, 1543-1588); 4. Ðạt-lại Lạt-ma Vinh-đan Gia-mục-thố (yonten gyatso, 1589-1617); 5. Ðạt-lại Lạt-ma La-bốc-tạng Gia-mục-thố (losang gyatso, 1617-1682); 6. Ðạt-lại Lạt-ma Thương-ưng Gia-mục-thố (jamyang gyatso, 1683-1706); 7. Ðạt-lại Lạt-ma Cách-tang Gia-mục-thố (kelsang gyatso, 1708-1757); 8. Ðạt-lại Lạt-ma Khương-bạch Gia-mục-thố (jampel gyatso, 1758-1804); 9. Ðạt-lại Lạt-ma Long-đa Gia-mục-thố (lungtog gyatso, 1806-1815); 10. Ðạt-lại Lạt-ma Sở-xưng Gia-mục-thố (tsultrim gyatso, 1816-1837); 11. Ðạt-lại Lạt-ma Khải-châu Gia-mục-thố (kedrub gyatso, 1638-1856); 12. Ðạt-lại Lạt-ma Xưng-lặc Gia-mục-thố (trinle gyatso, 1856-1875); 13. Ðạt-lại Lạt-ma Thổ-đan Gia-mục-thố (tubten gyatso, 1876-1933); 14. Ðạt-lại Lạt-ma Ðăng-châu Gia-mục-thố (tenzin gyatso, 1933-).

Đạt-Ma

Từ Điển Đạo Uyển

達摩; S: dharma; P: dhamma;
Danh từ dịch âm, nghĩa là: 1. Pháp; 2. Tên gọi ngắn của Bồ-đề Ðạt-ma

Đạt-Ma Tông

Từ Điển Đạo Uyển

達摩宗; J: daruma-shū; gọi đủ là Bồ-đề Ðạt-ma tông;
Một tên gọi khác của Thiền tông.

Đạt-Ma-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: dharmapa hoặc dhamapa, damapa; “Kẻ tu học triền miên”;
Một trong 84 vị Ma-ha Tất-đạt Ấn Ðộ, được xem như sống đầu thế kỉ thứ 11.
Ðạt-ma-pa là người dòng Bà-la-môn, siêng năng học hỏi, nhưng ông thiếu khả năng phân tích và thiền định nên không tiến bộ gì cả. Ngoài ra ông còn có thêm tính hay quên. Ngày nọ ông gặp một vị Du-già sư (s: yogin), thú nhận yếu kém của mình và cầu xin giúp đỡ. Vị Du-già sư truyền bí mật cho ông bằng bài kệ nói về cái nhất thể trong mọi hiện tượng:
Ví như người thợ rèn,
đốt cháy mọi kim loại,
rèn thành thỏi duy nhất.
Hãy hoà mọi hiểu biết,
vào Tâm thức mênh mông.
Vị Du-già sư đã dạy cho ông thoát khỏi loại tri kiến của nhà học giả, tức là biết rất nhiều nhưng không hiểu cái biết đó từ đâu mà ra. Nhờ tri kiến này, Ðạt-ma-pa chứng rằng, nguồn gốc tất cả hiểu biết của mình chính là tự tính của tâm thức. Ông đạt được sức mạnh và chứng ngộ được Ðại thủ ấn tất-địa (s: mahāmudrāsiddhi) giúp vô số người tìm đường giải thoát. Bài ca chứng đạo của Ðạt-ma-pa như sau:
Tâm trí người trí thức,
bị óc quen phân tích,
bị tư duy nhị nguyên,
đầu độc quá nặng nề.
Phép lành của Ðạo sư,
biểu hiện bằng lời nói,
chữa căn bịnh phát xuất,
từ cái nhìn lầm lạc.

Đạt-Ma-Pa / Gạt-Ba-Ri

Từ Điển Đạo Uyển

S: dharmapa/gharbari; “Nhà bác học hối cải”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ. Có hai vị Tất-đạt đều mang tên là Ðạt-ma-pa, một vị được ghi số 36, vị này có số 48. Có lẽ vị này là Ðạt-ma-pa/Gạt-ba-ri và sống cuối thế kỉ thứ 9.
Ðạt-ma-pa là một học giả tại Bồ-đề Na-già (s: bo-dhinagar), suốt ngày đọc sách, nhưng ít tu tập. Ðến lúc già và gần như mù ông mới hối tiếc thì một vị Không hành nữ (s: ḍākinī) hiện ra chỉ dạy diệu pháp:
Hãy tưởng tượng ra rằng,
mọi hiện tượng thế gian,
như bình đất đựng đèn;
mọi tư duy đầu óc,
như dầu để thắp đèn;
mọi cảm thụ trên đời,
như sợi bấc nhúng dầu;
mọi tri kiến phải trái,
như ngọn đèn đang cháy.
Châm dầu của khái niệm,
vào bình của chứng thật,
thắp bấc cháy tri kiến,
nhìn viên ngọc tâm thức.
Sau năm năm thiền định, ông chuyển hoá được khái niệm thông thường thành sự tỉnh giác thanh tịnh, thân thể già cỗi của ông trở thành thân một đứa trẻ tám tuổi. Ông đáp lại sự ngạc nhiên của mọi người bằng các câu kệ:
Khi nguyên nhân sắc trắng,
thì kết quả không đen.
Với đầu óc sáng sủa,
chỉ cần tinh tiến tu.

đâu

Từ Điển Đạo Uyển

兜; C: dōu; J: to, tō;
Có các nghĩa sau: 1. Cái mũ sắt, hình trang trí đầu chương mục; 2. Cái nón, cái mũ; 3. Bối rối, lúng túng; 4. Dùng để phiên âm “tu” ngoại ngữ.

Đầu Tử Ðại Ðồng

Từ Điển Đạo Uyển

投子大同; C: tóuzǐ dàtóng; J: tōsu daidō; 819-914;
Thiền sư Trung Quốc, đắc pháp nơi Thuý Vi Vô Học. Sư được nhắc lại trong Công án 41, 79, 80 và 91 của Bích nham lục.
Sư họ Lưu, quê ở Hoài Ninh, Thư Châu. Thuở nhỏ, Sư xuất gia với Thiền sư Mãn ở Bảo Ðường. Sư xem kinh Hoa nghiêm bỗng dưng có tỉnh và sau đó đến pháp hội của Thiền sư Vô Học. Một hôm, Sư hỏi Thuý Vi: “Thầy làm sao chỉ mật ý của Tổ sư từ phương Tây sang?” Thuý Vi yên lặng giây lát. Sư nói: “Thỉnh Thầy vì con nói!” Thuý Vi bảo: “Ngươi muốn ta đổ một gáo nước bẩn thứ hai lên đầu ư?” Sư nhân đây Ðại ngộ, quì làm lễ rồi lui. Sau nhiều năm du phương và đọ sức với các vị Thiền sư khác, Sư dừng chân tại núi Ðầu Tử lập một cái am tên là Tịch Trụ. Thiền sư Triệu Châu Tòng Thẩm có đến đây và sau khi tin này lan ra, học chúng đua nhau đến.
Sư bảo chúng: “Các ngươi đến đây nghĩ tìm ngôn ngữ hay đẹp, góp lời văn vẻ, trong miệng quý có nói ra. Lão già này khí lực yếu kém, môi lưỡi chậm lụt. Nếu các ngươi hỏi ta, ta tuỳ câu hỏi mà đáp. Ðối đáp không có gì huyền diệu có thể kịp cùng ngươi, cũng không dính gì đến tai ngươi. Trọn không nói hướng thượng hướng hạ, có Phật có Pháp, có phàm có thánh. Trong chỗ các ngươi bị trói buộc, biến hiện ngàn thứ, thảy đều khiến các ngươi sinh hiểu rồi tự mang gánh lấy, sau này tự làm tự chịu. Trong ấy không có gì cho các ngươi, chẳng dám lừa dối các ngươi, không ngoài, không trong, có thể nói được na ná. Các ngươi lại biết chăng?”
Có vị tăng hỏi Triệu Châu: “Trẻ con mới sinh có đủ sáu Thức chăng?” Triệu Châu trả lời: “Trên dòng nước chảy xiết, đá bóng.” Vị tăng này đến hỏi Sư: “Trên dòng nước chảy xiết, đá bóng, nghĩa là sao?” Sư đáp: “Niệm niệm chẳng tạm dừng.” (Bích nham lục 80).
Một vị tăng hỏi Sư: “Tất cả tiếng đều là tiếng Phật phải chăng?” Sư đáp: “Phải.” Tăng thưa: “Hoà thượng chớ cho tiếng hạ phong, tiếng khua bát.” Sư liền đánh. Tăng lại hỏi: “Lời thô tiếng tế đều là đệ nhất nghĩa phải chăng?” Sư đáp: “Phải.” Tăng thưa: “Gọi Hoà thượng là con lừa được chăng?” Sư liền đánh (Bích nham lục 79).
Sư trụ ở Ðầu Tử hơn ba mươi năm, khách đến học hỏi đầy thất. Sư dùng biện tài tuỳ cơ ứng đáp, giặc nghe còn phải gác đao kiếm hàng phục giải tán
Thời Ngũ Ðại, niên hiệu Càn Hoá năm thứ tư, Sư có chút bệnh. Chúng muốn rước thầy thuốc, Sư cản nói: “Ðộng tác của Tứ đại chủng hợp tan là phép thường, các ngươi chớ lo, ta tự giữ lấy.” Nói xong Sư an nhiên ngồi kết già thị tịch, thọ 96 tuổi. Vua ban hiệu là Từ Tế Ðại sư, tháp hiệu Chân Tịch.

Đầu Tử Nghĩa Thanh

Từ Điển Đạo Uyển

頭子義青; C: tóuzǐ yìqīng; J: tōsu gisei; ?-1083;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Tào Ðộng, môn đệ đắc pháp của Thiền sư Phù Sơn Pháp Viễn (Thánh Nham Viên Giám, thuộc tông Lâm Tế) nhưng lại được xem là người nối pháp Thiền sư Thái Dương Cảnh Huyền. Môn đệ xuất sắc của Sư là Phù Dung Ðạo Khải.
Sư họ Lí, quê ở Thanh Ðỗ, xuất gia tại chùa Diệu Tướng. Học luận Bách pháp chẳng bao lâu, Sư tự than: “Con đường ba a-tăng-kì xa xôi, tự giam hãm nào có ích gì!” và du phương, tham vấn các vị Thiền sư.
Sư đến hội Thánh Nham của Thiền sư Phù Sơn Pháp Viễn (Viên Giám, Thiền sư thuộc tông Lâm Tế, nối pháp Diệp Huyện Quy Tỉnh). Ðêm trước khi Sư đến, Thiền sư Viễn đã nằm mộng thấy có nuôi một con chim ưng sắc xanh, cho đấy là một điềm lành và sáng hôm sau, Sư đến yết kiến. Thiền sư Viễn cho Sư lấy câu “Ngoại đạo hỏi Phật: Chẳng hỏi có lời, chẳng hỏi không lời.” Sư khán thoại đầu này qua ba năm, một hôm, Viễn hỏi: “Ngươi ghi được thoại đầu chăng? Thử nêu ra xem!” Sư suy nghĩ đáp lại liền bị Viễn bụm miệng, hoát nhiên có ngộ nhập. Viễn bảo Sư: “Ngươi diệu ngộ huyền cơ chăng?” Sư thưa: “Nếu có cũng phải mửa bỏ.” Thị giả đứng cạnh thấy vậy nói: “Hoa Nghiêm Thanh ngày nay như bệnh được ra mồ hôi.” Sư ngó lại bảo: “Ngậm lấy miệng chó! Nếu còn lải nhải lăng xăng, ta buồn nôn.”
Sau đó ba năm, Sư được Viễn đem tông chỉ của tông Tào Ðộng giao phó. Sau khi trao giày và y của Thái Dương Cảnh Huyền cho Sư, Pháp Viễn dặn dò: “Ngươi thay ta nối dòng tông Tào Ðộng không nên ở đây lâu, phải khéo hộ trì” và khuyên đến Thiền sư Viên Thông Pháp Tú – một vị thuộc Vân Môn tông – nương tựa.
Ðến Viên Thông, Sư không thưa hỏi gì, chỉ ăn xong rồi ngủ. Thị giả thấy vậy liền trình cho Viên Thông hay. Viên Thông thấy vậy bảo Sư: “Trong đây tôi không có cơm dư cho Thượng toạ.” Sư thưa: “Vậy Hoà thượng dạy tôi phải làm gì?” Viên thông bảo: “Sao chẳng tham thiền?” Sư bảo: “Món ăn ngon không cần đối với người bụng no.” Viên Thông lại bảo: “Tại sao có nhiều người không chấp nhận Thượng toạ?” Sư thưa: “Ðợi họ chấp nhận để làm gì?” Viên Thông hỏi: “Thượng toạ gặp ai rồi đến đây?” Sư thưa: “Phù Sơn.” Viên Thông bèn nói: “Lạ! Ðược cái gì mà lười biếng?” rồi cười, trở về phương trượng.
Sư ban đầu trụ tại Bạch Vân, sau dời đến Ðầu Tử. Sư thượng đường dạy: “Nếu luận việc này như loan phụng bay giữa hư không chẳng để dấu vết, như con linh dương treo sừng ai tìm được dấu chân. Rồng vàng chẳng giữ đầm lạnh, thỏ ngọc đâu gá bóng trăng. Nếu lập chủ khách thì phải ngoài cõi Uy Âm lay đầu, hỏi đáp nói bày vẫn là bên lề huyền lộ đề xướng. Nếu hay như thế vẫn còn ở giữa đường. Nếu đứng nhìn sững chẳng nhọc nhìn thấy nhau.”
Ngày mùng bốn tháng năm, năm thứ sáu niên hiệu Nguyên Phong, Sư tắm rửa từ biệt chúng và viết kệ:
兩處住持。無可助道。珍重諸人。不須尋討
Lưỡng xứ trụ trì, vô khả trợ đạo
Trân trọng chư nhân, bất tu tầm thảo.
*Trụ trì hai nơi, không thể trợ đạo
Trân trọng các ngươi, chẳng cần tìm kiếm.
Viết xong, Sư ném bút thị tịch.

Đầu-đà

Từ Điển Đạo Uyển

頭陀; S, P: dhūta, dhutaṅga; nguyên nghĩa là “rũ sạch”;
Phương tiện tu khổ hạnh được Phật Thích-ca cho phép. Phép tu này giúp hành giả giảm tối đa những nhu cầu, tăng triển ý chí và rũ sạch những Ô nhiễm.
Ðại sư Phật Âm kể 13 hạnh đầu-đà trong Thanh tịnh đạo:
1. Mặc y phục rách vá (phấn tảo y, p: pamsukūlika-aṅga); 2. Mặc y phục ba phần (p: tecivarika-aṅga); 3. Khất thực để sống (p: piṇḍātika-aṅga); 4. Không bỏ nhà nào (thứ đệ khất; p: sapadānacārika-aṅga); 5. Ăn một lần trong ngày (nhất toạ thực; p: ekāsa-nika-aṅga); 6. Ăn chỉ một phần (p: pattapiṇḍika-aṅga); 7. Không ăn tàn thực (không ăn giữa bữa; p: khalupacchābhattika-aṅga); 8. Ở rừng (lâm cư, p: araññika-aṅga); 9. Ở gốc cây (p: rukkhamūlika-aṅga); 10. Ở giữa trời (p: abbhokāsika-aṅga); 11. Ở nghĩa địa (p: sosānika-aṅga); 12. Ngủ đâu cũng được (p: yathāsanthatika-aṅga); 13. Ngồi không nằm (p: nesajjika-aṅga).
Tương truyền vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia đã tu theo hạnh đầu-đà và vì vậy, Sư cũng mang danh hiệu Trúc Lâm Ðầu-đà.

Đâu-Suất

Từ Điển Đạo Uyển

兜率; C: dōushuò; J: tosotsu; S: tuṣita.
Tịnh độ của Bồ Tát Di-lặc (s: maitreya). Đâu-suất thiên (兜率天).

Đâu-Suất Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

兜率; C: dōushuò tiān; J: tosotsuten; S: tuṣita; dịch nghĩa là Hỉ Túc (喜足; vui vẻ và no đủ);
Tầng trời thứ tư trong 6 tầng trời của cõi Dục (Lục dục thiên 六欲兲). Tuṣita nguyên nghĩa là “hài lòng, thoả mãn”. Cõi trời nầy là nơi dành cho “Đức Phật tương lai” sẽ ra đời giáo hoá, tu tập và chuẩn bị để thị hiện vào thế gian phàm trần. Phật Thích-ca Mâu-ni đã trú ở đây trước khi thị hiện đản sinh vào thế gian, và Phật Di-lặc đang trụ nơi đây chờ bổ xứ. Cuộc đời ở cõi Đâu-suất dài 4.000 năm, một ngày một đêm ở đó bằng 400 năm ở thế gian.
Nhiều Phật tử Trung Quốc và Việt Nam mong cầu được tái sinh vào cung Ðâu-suất để nghe Bồ Tát Di-lặc thuyết pháp. Người ta cho rằng muốn được tái sinh vào cõi này, Phật tử cần quy y với Bồ Tát Di-lặc và niệm danh hiệu của Ngài.

Đâu-Suất Tòng Duyệt

Từ Điển Đạo Uyển

兜率從悅; C: dōushuài cóngyuè; J: tosotsu jūetsu; 1044-1091;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Lâm Tế, người nối pháp Thiền sư Bảo Phong Khắc Văn.
Sư họ Hùng, quê ở Cám Châu. Buổi đầu làm Thủ chúng ở Ðạo Ngô. Một lần đến yết kiến Hoà thượng Trí ở Vân Cái. Trí đàm luận với Sư chẳng bao lâu thấy chỗ yếu bèn cười bảo: “Xem Thủ toạ khí chất phi phàm, tại sao thốt ra những lời như kẻ say?” Sư đỏ mặt xuất mồ hôi, cầu xin chỉ dạy. Hoà thượng Trí khuyên Sư đến Hoà thượng Văn ở Ðộng Sơn. Sư đến đây, được Ấn khả nhưng vẫn chưa hết hồ nghi. Nhân dịp gặp Thiền sư Thanh Tố (người đã từng hầu hạ Thạch Sương Sở Viên Thiền sư) Sư mới triệt ngộ.
Sau Sư thường dùng ba câu hỏi để nghiệm học giả: 1. Lặn lội đi tham vấn chỉ mong thấy tính, chính nay Thượng toạ thấy tính chỗ nào? 2. Biết được tự tính mới thoát sinh tử, khi chết rồi làm sao thoát? 3. Thoát được sinh tử liền biết chỗ đi, Tứ đại phân li nhằm chỗ nào đi?
Niên hiệu Nguyên Hựu thứ sáu vào mùa đông, Sư tắm gội xong, họp chúng nói kệ:
*Bốn mươi tám năm
Thánh phàm giết sạch
Chẳng phải anh hùng
Long An đường trơn
Nói xong Sư ngồi yên thị tịch, thọ 48 tuổi. Vua sắc phong Chân Tịnh Thiền sư.

Đệ Nhất Nghĩa đế

Từ Điển Đạo Uyển

第一義諦; S: paramārtha-satya; cũng được gọi là Thánh đế đệ nhất nghĩa, Chân đế, Chân lí cao nhất, Chân lí tuyệt đối;
Các thiền sinh thời xưa thường đặt câu hỏi “Thế nào là chân lí tuyệt đối” (“Như hà thị Thánh đế đệ nhất nghĩa?”; 如何是聖諦第一義) nơi chư vị Thiền sư và các câu trả lời của các vị cũng rất thú vị.

Đế Tâm Ðỗ Thuận

Từ Điển Đạo Uyển

帝心杜順; 557-640, còn được gọi là Pháp Thuận (法順);
Sơ tổ của Hoa nghiêm tông. Sau khi Sư bắt đầu giảng pháp, môn đệ của Ðịa luận tông sát nhập và thành hình tông Hoa nghiêm.
Thời trẻ tuổi, Sư gia nhập quân đội, nhưng sau đó sớm đi tu năm 18 tuổi. Sư bắt đầu tu tập thiền định và chuyên tu học Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh (s: buddhāvataṃsaka-sūtra). Sư là người đầu tiên lập thuyết Thập huyền môn (mười cửa bí mật), trình bày cơ sở của Hoa nghiêm, về sau được Hiền Thủ Pháp Tạng bổ túc. Hiền Thủ được xem là tổ đích thật của Hoa nghiêm tông.
Người ta kể lại rằng Sư có nhiều phép lạ và được gọi là Bồ Tát Ðôn Hoàng. Sư được nhà vua tặng danh hiệu Ðế Tâm Tôn giả và phụng dưỡng rất hậu.

đề Xướng

Từ Điển Đạo Uyển

提唱; J: teishō;
Có thể hiểu là sự trình bày kinh nghiệm Thiền, một vấn đề thiền của một vị Thiền sư, Lão sư trong một chu kì Tiếp tâm (j: sesshin). Trong một buổi đề xướng, Lão sư trình bày một Công án hoặc một vấn đề, một đoạn văn nào đó quan trọng trong thiền ngữ. Không nên hiểu đề xướng này là một buổi giảng nghĩa, bình luận thông thường vì trong buổi này, chẳng ai được giảng nghĩa, chỉ dạy và cũng chẳng có một sự hiểu biết nào được truyền trao. Cách thuyết trình của một Lão sư không liên hệ gì đến phương diện tri thức thông thường; nó chính là một biểu hiện của mức độ chứng ngộ trực tiếp chủ đề đang được trình bày của chính vị Lão sư này và vì thế có thể gây ấn tượng đến tận đáy lòng của thính giả.

Đề-Bà

Từ Điển Đạo Uyển

提婆; S, P: deva;
Có hai nghĩa: 1. Ðề-bà này tức tức là “Ðơn nhãn Ðề-bà”, tên đầy đủ là Ca-na Ðề-bà (s: kāṇadeva); tên dịch nghĩa là Thánh Thiên; 2. Tên dịch âm của chư Thiên.

Đề-Bà Ðạt-đa

Từ Điển Đạo Uyển

提婆達多; S, P: devadatta;
Em họ của Phật Thích-ca, đã vào Tăng-già sau khi nghe một bài giảng của Phật và trở thành một thành viên quan trọng. Tám năm trước khi Phật nhập diệt, Ðề-bà Ðạt-đa trở thành Tăng thống và âm mưu giết Phật nhưng không thành. Ông là người gây chia rẽ lớn trong Tăng-già tại Vệ-xá-li (s: vaiśālī).
Ông cùng với vua A-xà-thế tổ chức ba lần giết hại: lần đầu với một nhóm cướp, nhưng nhóm đó được Phật cảm hoá và bỏ ý định sát hại. Lần thứ hai, họ âm mưu xô một tảng đá, nhưng tảng đá dừng lại trước chân Phât. Lần thứ ba, họ cho một con voi điên dẫm Phật nhưng khi đối diện Phật, con voi này voi trở nên hiền lành. Ðề-bà Ðạt-đa chủ trương một phép tu tuyệt đối khổ hạnh và kéo theo 500 tỉ khâu ra khỏi Tăng-già. Trước khi chết, Ðề-ba Ðạt-đa xin quy y Phật. Theo truyền thuyết, ông chịu khổ rất lâu trong Ðịa ngục.

Đề-đa-Ca

Từ Điển Đạo Uyển

提多迦; S: dhītika;
Tổ thứ 5 của Thiền tông Ấn Ðộ.

Đen-Gi-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: ḍeṅgipa, ḍiṅgi, ḍiṅga, ṭeṅki, ṭaṅki, dheṅki, dha-ki; “Bà-la-môn làm nô lệ cho kĩ nữ”;
Một Ma-ha Tất-đạt trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, môn đệ của Lu-i-pa (s: lūipa), sống giữa thế kỉ thứ 9. Ông là đại thần của nhà vua Nhân-đà Ba-la (s: in-drapāla), với pháp danh Ða-ri-ka-pa (s: dārikapa) tại thành Hoa Thị (s: pāṭaliputra). Ông cùng nhà vua bỏ vương triều đến xin làm đệ tử của Lu-i-pa. Lu-i-pa đồng ý với điều kiện cả hai đều phải trở thành nô lệ. Lu-i-pa bán vua Nhân-đà Ba-la (s: in-drapāla) cho một kĩ viện tại Orissa, về sau vị này trở thành Ma-ha Tất-đạt Ða-ri-ka-pa. Còn Ðen-gi-pa thì được bán cho một nàng kĩ nữ làm chủ tiệm rượu. Ông làm những công việc hạ tiện nhất của một người nô lệ, hàng ngày phải giã gạo, vì vậy mang tên là Ðen-gi-pa (người giã gạo). Ông tự thuật đời mình như sau:
Ta là Ðen-gi-pa,
Du-già sư Vệ-đà,
đã chứng đạt đại định,
trong lúc đang giã gạo.
Giã gạo với cái chày,
phép Du-già của ta.
Ta hốt gạo vương vãi,
giã với lời khai thị,
của thầy dạy cho ta.
Chẳng quan tâm người khác,
giã gạo sao cho trắng;
Giã tội bằng đức hạnh,
rồi bằng trí kim cương,
gạo là mặt trời, trăng.
Cối giã là tính Không,
“Cho”, “Nhận” đã thành một.
Tư tưởng, ví như sữa,
được thần chú HŪṂ giã,
Ðại lạc trở thành bơ.
Vị nó là Bất nhị.
Bà-la-môn kiêu mạn,
bây giờ đã nhẫn nhục,
nó phải được bán đi,
để giảm lòng kiêu hãnh.
Ðen-gi-pa được bán,
cho một nàng kĩ nữ!
Sau 12 năm tu tập, ông đạt thánh quả Ðại thủ ấn tất-địa (s: mahāmudrāsiddhi). Bà chủ tiệm rượu tình cờ thấy người ông đầy hào quang sáng loà vội sụp lạy xin tha lỗi. Cũng như Nhân-đà Ba-la, ông được Lu-i-pa dạy cho phép từ bỏ lòng kiêu mạn của giai cấp thượng lưu bằng cách sống đời nô lệ. Bài ca ngộ đạo của ông như sau:
Niềm vui giải thoát ví,
như con ngựa, thớt voi,
như biển cả rộng khắp.
Chứng đạo như con khỉ,
như một đứa trẻ thơ,
như chữ viết trên nước;
Nhất thể ví dòng sông,
như mặt trời, liều thuốc;
Ðạt mục đích ví như,
sợi tóc được gút lại,
như con mắt duy nhất,
như cái bánh xe tròn.
Những biểu tượng các hình ảnh chứng đạo của Ðen-gi-pa cần hiểu như sau: Sự giải thoát ví như con ngựa là sự tự do hoang tàng, ví như thớt voi là sức mạnh và sự bất động, ví như biển cả là sự bao trùm toàn thể. Sự chứng thật ví như con khỉ là con vật thấy gì lấy ngay, như đứa trẻ là người bất phân biệt, như chữ viết trên nước là điều hiện lên rồi mất ngay. Cái nhất thể như dòng sông là biểu tượng sự liên tục biến đổi, như mặt trời là nguồn sáng tự nó, như liều thuốc chữa bệnh thế gian. Ðạt mục đích như sợi tóc gút lại, đó là biểu tượng của hành trì liên tục, con mắt duy nhất là cách nhìn phi nhị nguyên, như bánh xe tám nhánh là sống theo Bát chính đạo, sống thật tại vượt thời gian.

Đi-Li-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: dhilipa hoặc delipa, teli, telopa. tailopa, bha-lipa, tailopada; “Thương gia biết thưởng thức”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, không rõ sống trong thế kỉ nào.
Ông là người buôn dầu và trở nên vô cùng giàu có, sống một cuộc đời vương giả. Ngày nọ, Pháp sư Bà-ha-na (s: bhahana) đến thăm ông, chỉ cho ông thấy cuộc đời Vô thường và ông bắt đầu quan tâm đến đạo pháp. Lần khác vị này nhìn ông ép mè lấy dầu, nhân thế chỉ dạy:
Xem thân là hạt mè,
ép thành trí tư duy,
đổ vào bình Tự tính.
Làm một sợi bấc đèn,
từ giao phối Sắc-Không,
thắp lên bằng tri kiến,
và tỉnh giác thanh tịnh.
Ðèn chiếu phá vô minh,
an trú trong Ðại lạc,
Ðó là vui giải thoát.
Sau chín năm thiền định ông đạt thánh quả. Chứng đạo ca của ông như sau:
Tự tính của riêng ta,
chính là Phật – không khác.
Tự tính mọi thật tại,
chính là Phật – không khác.
Nhờ phép truyền năng lực,
của phép Sa-ha-ja,
của tiên thiên tuyệt đối,
ta đạt cõi vô sinh.

địa

Từ Điển Đạo Uyển

地; C: dì; J: chi, ji;
Có các nghĩa sau: 1. Đất, quả đất, mặt đất (đặc biệt phản nghĩa với Trời); 2. Một xứ, quốc gia, lãnh thổ; 3. Một địa phương, cảnh tượng, vị trí, địa thế, tư thế; 4. Một trong Thập địa (十地, s: daśabhūmi), công hạnh tu hành của Bồ Tát; 5. Thần đất.

Địa Ngục

Từ Điển Đạo Uyển

地獄; C: dìyù; J: jigoku;
Theo nghĩa đen là tù ngục trong lòng đất, nơi đó tội nhân phải chịu mọi loại tra tấn do kết quả của mọi việc ác đã làm trong tiền kiếp (như phá giới). Từ gốc trong thuật ngữ Ấn Độ là naraka và niraya (Phạn và Pāli), dịch sang tiếng Hán là Nại-lạc (奈落), Na-lạc (那落) và Nê-lê (泥黎). Được xem là một trong 3 đường ác (Tam ác đạo 三惡道, Tam ác thú 三惡趣), hoặc là 1 trong Ngũ thú (五趣), Lục đạo (六道), hay Thập giới (十界). Kinh điển đề cập đến nhiều loại và tên các địa ngục, trong đó, nổi tiếng nhất là Bát nhiệt địa ngục (八熱地獄, hoặc Bát đại địa ngục 八大地獄) và Bát hàn địa ngục (八寒地獄), kéo dài từ địa ngục Đẳng hoạt (等活, s: saṃjīva) đến Địa ngục A-tì (阿鼻, s: avīci), là toàn phần của Căn bản địa ngục (根本地獄). Còn có địa ngục nhỏ hơn, kế tiếp hoặc sát bên cạnh. Tầng thứ ba địa ngục gọi là những địa ngục biệt lập (Cô địa ngục 孤地獄) ở trong núi, sa mạc ở bên trên mặt đất. Sự tạo thành và tương quan giữa các địa ngục được giải thích chi tiết trong những kinh luận như A-tì-đạt-ma Câu-xá luận. Như người ta nghĩ, giáo lí chung về địa ngục được phát triển qua một thời gian dài, can cứ vào nhiều nguồn và ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ. Mọi cuốn Từ điển Phật học đều có ghi đề mục nầy, bao gồm nhiều chi tiết về danh mục và thuộc tính của từng địa ngục.

Địa Tạng

Từ Điển Đạo Uyển

地藏; S: kṣitigarbha; C: dìcáng;
1. Một vị Bồ Tát chuyên cứu độ sinh linh trong Ðịa ngục và trẻ con yểu tử. Có khi Ðịa Tạng cũng là người được xem là chuyên cứu giúp lữ hành phương xa. Ðó là vị Bồ Tát duy nhất được diễn tả với bạch hào (lông trắng xoáy nằm giữa hai mắt, s: ūrṇā) trên trán, một trong ba mươi hai tướng tốt của một vị Phật. Ðịa Tạng hay cầm Như ý châu (s: cin-tāmaṇi) và Tích trượng có sáu vòng, biểu hiện của sự cứu độ chúng sinh của Ngài trong Lục đạo (sáu đường tái sinh).

H 25: Ðịa Tạng Bồ Tát
Tại Trung Quốc và các nước Ðông nam Á, Ðịa Tạng được xem là một trong bốn vị Ðại Bồ Tát (ba vị khác là Quán Thế Âm, Văn-thù Sư-lị và Phổ Hiền) chuyên cứu độ những người bị sa vào địa ngục. Trú xứ của Ngài là Cửu Hoa sơn (Tứ đại danh sơn) và tương truyền rằng, Ngài đã thật sự hiện thân tại đây vào đời Ðường dưới dạng một hoàng tử xứ Triều Tiên. Sau khi chết, nhục thân của vị hoàng tử này không tan rữa và người ta đã xây dựng một ngôi tháp để thờ vị này, một bảo tháp mà ngày nay vẫn còn.
Trước đây vô lượng kiếp, Ðịa Tạng là một Bà-la-môn và đã thệ nguyện trước một vị Phật thời đó là Ngài sẽ quyết tâm tu luyện đạt Phật quả, nhưng sẽ khước từ Phật quả này nếu Ngài chưa cứu độ tất cả chúng sinh thoát khỏi Luân hồi. Trong một tiền kiếp, Ngài là một cô bé với một bà mẹ thường hay sát sinh để kiếm sống. Sau khi mẹ qua đời, cô bé này ngồi thiền mãi cho đến khi nghe một giọng nói, khuyên cô nên niệm danh đức Phật. Sau đó, cô nhập định, xuống ngay đến cửa địa ngục. Nơi đây, cô được cho biết rằng, chính vì công phu thiền định và niệm Phật mà cô đã cứu mẹ thoát khỏi địa ngục.
Nhờ thần thông, Ðịa Tạng Bồ Tát có thể biến hoá thành nhiều dạng để cứu chúng sinh trong lục độ. Trong một buổi lễ long trọng, thường là ngày thứ 100 sau khi chết, các thân nhân thường thắp hương làm lễ cầu xin Ngài hướng dẫn người chết đến cõi Cực lạc của Phật A-di-đà (s: amitābha). Sau đó, một trong những thân nhân sẽ niệm một câu thần chú để gọi người chết trở về nghe chính pháp. Lễ này được chấm dứt với sự niệm danh Phật A-di-đà và Bồ Tát Ðịa Tạng một lần nữa.
2. Ðịa Tạng cũng là một danh hiệu khác của Thiền sư La-hán Quế Sâm vì trước khi dời về viện La-hán, Sư trụ trì thiền viện Ðịa Tạng.

Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

地蔵菩薩本願經; C: dìzàng púsà běnyuàn jīng; J: jizō bosatsu hongan kyō;
2 quyển, Thật-xoa Nan-đà (實叉難陀, s: śiksānanda) dịch.

Địa Tạng Thập Luân Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

地藏十輪經; C: dìzàng shílún jīng; J: chizō jūrin kyō; S: daśa-cakra-kṣitigarbha-sūtra;
10 quyển. Huyền Trang dịch năm 651-652. Theo Nakamura, kinh nầy được kết tập do một tăng sĩ nói tiếng gốc Iran. Tên gọi đầy đủ là Đại thừa đại tập Địa Tạng thập luân kinh (大乘大集地藏十輪經). Bản dịch khác nhan đề Đại phương quảng thập luân kinh (大方廣十輪經).

Địa Trì Luận

Từ Điển Đạo Uyển

地持論; C: dìchílùn; J: jijiron;
Gọi đủ là Bồ Tát địa trì luận (菩薩地持經).

Địa-Bà-đạt-đa

Từ Điển Đạo Uyển

地婆達多; C: dìpódáduō; J: chibadatta; S: devadatta;
Đề-bà-đạt-đa (提婆達多).

Điển Toạ

Từ Điển Đạo Uyển

典座; J: tenzo;
Người lo việc ẩm thực trong một Thiền viện. Công việc này là một trong những công việc đòi hỏi trách nhiệm nhiều nhất và vì vậy chỉ được truyền trao cho những vị tăng có tuổi, đã có nhiều kinh nghiệm.
Nhiều vị Thiền sư danh tiếng đã đảm nhận chức vụ này như Quy Sơn Linh Hựu, Tuyết Phong Nghĩa Tồn, Ðan Hà Thiên Nhiên v.v… Cách làm việc của một Ðiển toạ khác với một đầu bếp bình thường ở chỗ tư tưởng. Ðiển toạ xem công việc của mình là cúng dường Tam bảo và cơ hội để luyện tâm. Nếu Ðiển toạ lo nấu thức ăn ngon, tiết kiệm, không phí của, thận trọng trong từng hành động, thì công việc này chính là Thiền trong mọi hành động hằng ngày.
Chính vị Thiền sư danh tiếng của Nhật là Ðạo Nguyên Hi Huyền cũng đã rõ được tầm quan trọng của một vị Ðiển toạ trong một Thiền viện và chính Sư cũng đã được một vị dạy thế nào là “Thiền” trong Thiền tông. Khi vừa đặt chân sang đất Trung Quốc du học thì Sư đã có dịp yết kiến một cao tăng – dưới dạng một vị Ðiển toạ tại núi A-dục vương. Sư đang ngồi trên thuyền thì vị Ðiển toạ đến mua nấm và dọ hỏi cách nấu nấm này ra sao. Ông từ chối lời mời ở lại đêm của Sư vì lí do phải trở về lo nấu ăn cho tăng chúng và và nói thêm rằng, chính việc làm đầy trách nhiệm này là thiền trong hoạt động. Sư ngạc nhiên hỏi vì sao ông không chú tâm đến toạ thiền và quán Công án trong lúc tuổi đã cao. Vị Ðiển toạ chỉ mỉm cười và nói: “Ông bạn từ phương xa của tôi! Ông không biết biện đạo (j: bendō) mà cũng chẳng thông hiểu văn tự! (j; monji).” Lời nói này đã khắc sâu vào lòng Sư và sau này Sư cũng có viết một tác phẩm quan trọng với tên Ðiển toạ giáo huấn (典座教訓; j: ten-zokyōkun) để khuyên răn đệ tử đảm nhận chức vụ này trong thiền viện.

Điều

Từ Điển Đạo Uyển

條; C: tiáo; J: jō;
1. Nhánh nhỏ, cành cây non; 2. Sợi, chuỗi, gân, tĩnh mạch; 3. Thớ, dệt; 4. Đường kẻ, vật dài và mỏng; 5. Lí do, đề tài, luận lí, tình huống.

Điều điều

Từ Điển Đạo Uyển

條條; C: tiáo tiáo; J: jōjō;
Từng chút, từng miếng, từng phần, mỗi điều khoản.

Điều Lí

Từ Điển Đạo Uyển

條理; C: tiáolǐ; J: jōri;
Lí lẽ, lí luận. Dòng mạch của cuộc tranh luận; đề tài. Dòng, tuyến.

Đình Chỉ

Từ Điển Đạo Uyển

停止; C: tíngzhǐ; J: chōji;
Có các nghĩa sau: 1. Dừng lại, nghỉ lại, ở lại; 2. Cấm, hạn chế, giới hạn.

Đồng

Từ Điển Đạo Uyển

同; C: tóng; J: dō;
Có các nghĩa sau: 1. Giống nhau, một, đồng nhất; 2. Làm cho đồng nhất; làm thành một; đặt cùng với nhau; 3. Ở giữa, gom lại với nhau; 4. Trở thành một phần của toàn thể.

Động

Từ Điển Đạo Uyển

動; C: dòng; J: dō;
Có các nghĩa sau: 1. Sự hoạt động, sự chuyển động, sự vận động (s: cestā). Hành động. Hoạt động; 2. Rung động, rung, lay động, rùng mình, rung lên (s: kampita); 3. Sự nhận thức, sự nhận biết, sự suy nghĩ, sự suy xét; 4. Tính chuyển động hay độ loãng có thể thấy được nơi gió. Phẩm chất đặc biệt của Phong đại (風大). Tính chất cơ bản của gió.

Động Chuyển

Từ Điển Đạo Uyển

動轉; C: dòngzhuăn; J: dōten;
Sự chuyển động và thay đổi (sự biến đổi).

Động Diêu (dao)

Từ Điển Đạo Uyển

動搖; C: dòngyáo; J: dōyō;
Có hai nghĩa: 1. Chuyển động, lay động, rùng mình, rung lên; 2. Sự do dự, không quả quyết.

Đồng Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

同教; C: tóngjiāo; J: dōkyō;
Nghĩa rộng của Nhất thừa. Giáo lí của “Đồng giáo” có liên quan đến giáo lí “Tam thừa”. Trên quan điểm nầy, tất cả giáo lí và hiện hữu đều được dung hàm trong giáo lí Nhất thừa. Đây là giáo lí của Hoa Nghiêm tông.

Đồng Giáo Nhất Thừa

Từ Điển Đạo Uyển

同教一乘; C: tóngjiāo yīshèng; J: dōkyōichijō;
Giáo lí “nhất như” của Nhất thừa. Trong giáo lí Hoa Nghiêm, đây là Viên giáo, là giáo lí cho rằng Nhất thừa và Tam thừa là đồng nhất.

Đồng Lí Sơn

Từ Điển Đạo Uyển

桐裡山; C: tónglǐshān; J: tōrisan; K: tong-nisan
Được Huệ Triệt (慧徹, k: hyech’ŏl) khai sáng. Là một trong 9 tông phái (cửu sơn 九山) Phật giáo thiền Hàn Quốc.

Đông Phúc Tự

Từ Điển Đạo Uyển

東福寺; C: dōngfúsì; J: tōfukuji;
Ngôi chùa chính, chi nhánh Đông Phúc tự thuộc dòng thiền Lâm Tế tại Kinh Đô. Còn được gọi là Enichi-zan. Việc kiến trúc được hoàn thành năm 1236 với Viên Nhĩ Biện Viên (圓爾辨圓, j: enni bennen) được công nhận là vị tăng khai sáng. Vào lúc đó, Đông Phúc tự có 53 ngôi chùa chi nhánh, nhưng rồi giảm xuống chỉ còn 25 ngôi sau thời Minh Trị phục hưng.

Đông Phương Tối Thắng đăng Vương đà-La-Ni Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

東方最勝燈王陀羅尼經; C: dōngfāng zuìshèng dēngwáng tuóluóní jīng; j: tōhō saishō tōō daranikyō; S: agrapradīpa-dhāraṇī-vidyārā-ja; T: rig sngags kyi rgyal po sgron ma mchog gi gzungs;
Có 6 bản dịch tiếng Hán hiện đang lưu hành:
1. An trạch đà-la-ni chú kinh (安宅陀羅尼呪經), 1 quyển, dịch giả vô danh;
2. Trì cú thần chú kinh (持句神呪經), 1 quyển; Chi Khiêm (支謙) dịch;
3. Đà-lân-ni-bát kinh (陀隣尼鉢經, s: dhāraṇīpasūtra), 1 quyển, Trúc Đàm Vô Sấm (竺曇無讖) dịch.
4. Đông phương tối thắng đăng vương đà-la-ni kinh (東方最勝燈王陀羅尼經), 1 quyển, Xà-na-quật-đa (闍那崛多, s: jñānagupta) dịch.
5. Đông phương tối thắng đăng vương Như Lai kinh (東方最勝燈王如來經), 1 quyển; Xà-na-quật-đa (闍那崛多, s: jñānagupta) dịch.
6. Thánh tối thượng thắng minh Như Lai đà-la-ni kinh (聖最上燈明如來陀羅尼經), 1 quyển; Thí Hộ (施護, s: dānapāla) dịch.

Đông Phương Tối Thắng đăng Vương Như Lai Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

東方最勝燈王如來經; C: dōngfāng zuì-shèng dēngwáng rúlái jīng; j: tōhō saishō tōō nyorai kyō;
1 quyển. Đông phương tối thắng đăng vương đà-la-ni kinh (東方最勝燈王陀羅尼經).

Đồng Quy

Từ Điển Đạo Uyển

同歸; C: tóngguī; J: dōki;
Quy hướng vào cùng một mục đích.

Đồng Sinh

Từ Điển Đạo Uyển

同生; C: tóngshēng; J: dōshō;
Sinh cùng thời với nhau.

Động Sơn Lương Giới Thiền Sư Ngữ Lục

Từ Điển Đạo Uyển

洞山良价禪師語録; C: dòngshān liángjiè chánshī yŭlù; J: dōsan ryōkai zenshi goroku;
Tên gọi tắt của Thuỵ Châu Động Sơn Lương Giới Thiền sư ngữ lục (瑞州洞山良价禪師語録). Ðộng Sơn Lương Giới.

Đồng Sự

Từ Điển Đạo Uyển

同事; C: tóngshì; J: dōji;
1. Chung sức, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau; 2. Tham gia cùng công việc của chúng sinh để cứu độ họ.

Đồng Tham

Từ Điển Đạo Uyển

同參; C: tóngcān; J: dōsan;
Huynh đệ cùng tu tập chung một thầy hay chung một tu viện. Bạn đồng tu.

Đông Thắng Thân Châu

Từ Điển Đạo Uyển

東勝身洲; C: dōngshèngshēnzhōu; j: tōshōshinshū; S: pūrva-videhaḥ.
Một trong Tứ đại châu (四大洲) theo vũ trụ quan thần thoại Ấn Độ, nằm về phía Đông của núi Tu-di.

Đồng Tính Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

同性經; C: tóngxìng jīng; J: dōshōkyō;
Tên gọi đầy đủ là Đại thừa đồng tính kinh (大乘同性經), 2 quyển, Xà-na Da-xá (闍那耶舎) dịch. Được Nguyên Hiểu (元曉) trích dẫn cho giáo lí Phật thân trong luận giải Đại Thừa khởi tín luận của sư.

Động Tức

Từ Điển Đạo Uyển

動息; C: dòngxí; J: tōsoku;
Tiếng Hán dịch chữ samaṇa từ tiếng Pali và chữ śramaṇa từ tiếng Phạn. Xem Sa-môn (沙門).

Đồng Xứ Tương Vi

Từ Điển Đạo Uyển

同處相違; C: tóngchùxiāngwéi; J: dōshosōi;
Mâu thuẫn khi xuất hiện đồng thời (của sự đối lập). Một trong 6 loại nguyên nhân mâu thuẫn đề xuất trong Du-già sư địa luận. Mâu thuẫn phát sinh từ sự hiện hữu đồng thời của các cặp đối lập như tối và sáng, khổ và vui… (theo Du-già luận 瑜伽論).

Đường

Từ Điển Đạo Uyển

堂; C: táng; J: dō;
Có các nghĩa sau: 1. Đại sảnh, phòng tiếp khách, phòng họp; 2. Phòng khánh tiết, toá án; 3. Đáng tôn kính, trang nghiêm; 4. Một nơi thoáng rộng trên đồi; 5. Sự phồn thịnh, xuất sắc.

Đường đại Tiến Phúc Tự Cố Tự Chủ Phiên Kinh Đại đức Pháp Tạng Hoà Thượng Truyện.

Từ Điển Đạo Uyển

唐大薦福寺故寺主翻經大徳法藏和尚傳; C: táng dàjiànfúsì gùsìzhŭ fānjīng dàdé fă-zàng héshàng zhuàn; J: tō daisenfukuji kojishu honkyō daitoku hōzō ōshō den;
1 quyển, của Thôi Trí Viễn (崔致遠, k: ch’oe chiwŏn).

Ðịa Luận Tông

Từ Điển Đạo Uyển

地論宗; C: dìlùn-zōng; J: jiron shū;
Một trong nhứng tông phái sớm nhất của Phật giáo Trung Hoa, căn cứ vào luận giải về Thập địa kinh luận (十地經論, s: daśabhūmika-śāstra) của Thế Thân, và cũng căn cứ vào luận giải chương 1 trong kinh Hoa Nghiêm. Lặc-na-ma-đề (勒那摩提, s: ratnamati) và Bồ-đề Lưu-chi (菩提流支, s: bodhiruci) mang Thập địa kinh luận bản chép tay dịch sang tiếng Hán vào thời Bắc Nguỵ. Địa luận tông chủ yếu căn cứ vào triết học Du-già hành phái, đặc biệt là giáo lí về A-lại-da thức. Nhánh phía Bắc của tông nầy với đại biểu là Đạo Sủng (道寵), đệ tử của Bồ-đề Lưu-chi đưa ra luận điểm tạng thức không thực có, và Phật tính đạt được trước hết khi thành Phật, thế nên nó không phải là bẩm sinh. Nhánh phía Nam, đại biểu là Huệ Quang, đệ tử của Lặc-na-ma-đề, cho rằng A-lại-da thức là thật có và đồng nhất với Phật tính. Tông Hoa Nghiêm được xem là phát triển từ nhánh phía Nam, còn Pháp tướng tông tiếp thu tinh thần nhánh phía Bắc.

Ðiều Hỉ Quốc

Từ Điển Đạo Uyển

調喜國; S: abhirati;
Ðông phương Tịnh độ của Phật Bất Ðộng (s: akṣobhya).

Ðịnh

Từ Điển Đạo Uyển

定; S, P: samādhi; J: zammai, dịch theo âm là Tam-ma-địa;
Trạng thái chú tâm lên một đối tượng duy nhất bằng sự lắng lọc từ từ của tâm. Ðịnh là một dạng tâm thức, trong đó không còn tính nhị nguyên, trong đó chủ thể biến thành một với khách thể, lúc đó chỉ còn một “kinh nghiệm tâm thức” là có thật. Khả năng đạt định là một trong những điều kiện tiên quyết để tu tập Thiền (s: dhyāna).
Người ta phân biệt ba dạng định xuất thế, dẫn đến chứng ngộ tính Không, Vô ngã và đạt Niết-bàn. Các dạng khác của định, dù sâu lắng thế nào đi nữa vẫn được xem là thế tục.

Ðịnh Hương

Từ Điển Đạo Uyển

定香; ?-1051
Thiền sư Việt Nam, thuộc phái Vô Ngôn Thông đời thứ 6. Sư đắc pháp nơi Thiền sư Ða Bảo và truyền lại cho những vị như Viên Chiếu, Bảo Tính, Minh Tâm và Cứu Chỉ.
Sư họ Lữ, quê ở Chu Minh, xuất gia theo học với Thiền sư Ða Bảo và là vị đệ tử xuất sắc nhất trong chúng. Một hôm, Sư hỏi Ða Bảo: “Làm sao thấy được chân tâm?” Bảo đáp: “Là ngươi tự nhọc.” Sư hoát nhiên tỉnh ngộ, thưa: “Tất cả đều như vậy, đâu phải riêng con?” Bảo hỏi lại: “Ngươi hội chưa?” Sư thưa: “Ðệ tử hội rồi đồng chưa hội.” Bảo khuyên: “Cần phải gìn giữ cái ấy.” Sư bịt tai xoay lưng đứng, Ða Bảo dạy: “Ngươi về sau lại giống một kẻ điếc để tiếp người.”
Sau 24 năm tu học với Ða Bảo, Sư được thỉnh về trụ trì chùa Cảm Ứng ở Tiêu Sơn, phủ Thiên Ðức. Nhiều người đến đây tham học và Sư cũng rất có công trong việc hoằng hoá.
Ngày mồng 3 tháng 3 năm Canh Dần, niên hiệu Sùng Hưng Thái Bảo thứ ba đời Lí Thái Tông, Sư gọi chúng lại từ biệt và viết kệ phó chúc:
本來無處所。處所是真宗
真宗如是幻。幻有即空空
Bản lai vô xứ sở
Xứ sở thị chân tông
Chân tông như thị huyễn
Huyễn hữu tức không không.
*Xưa nay không xứ sở
Xứ sở là chân tông
Chân tông như thế huyễn
Huyễn có là không không.
Truyền kệ xong, Sư im lặng viên tịch.

Ðịnh Không

Từ Điển Đạo Uyển

定空; 730-808
Thiền sư Việt Nam, thuộc dòng Thiền Tì-ni-đa Lưu-chi đời thứ 8. Không biết Sư nối pháp của vị nào. Môn đệ đắc pháp của Sư là Thiền sư Thông Thiện.
Sư họ Nguyễn, quê ở làng Cổ Pháp (cũ là Diên Uẩn). Sư xuất thân từ một gia đình danh giá và vì những hành động hợp pháp tắc nên những người trong làng đều quý trọng, gọi là Trưởng lão. Lúc tuổi đã lớn, nhân nghe một buổi thuyết pháp mà Sư phát tâm xuất gia tu học.
Nhân vì một điềm linh ứng báo trước nên Sư đổi tên làng thành Cổ Pháp. Sau đó, Sư còn đến trụ trì chùa Thiền Chúng ở làng Dịch Bảng, phủ Thiên Ðức (nay là làng Ðình Bảng, phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh).
Sắp viên tịch, Sư gọi Thông Thiện đến phó chúc: “Ta muốn mở rộng làng xã nhưng ở khoảng giữa e gặp hoạ nạn, ắt có người khác đến phá hoại đất đai của chúng ta. Sau khi ta tịch, ngươi khéo gìn giữ pháp của ta. Khi nào gặp người họ Ðinh sẽ truyền thì nguyện của ta sẽ được toại vậy.” Nói xong, Sư viên tịch, thọ 79 tuổi. Thông Thiện xây tháp ở phía Tây chùa Lục Tổ để thờ Sư.
Người họ Ðinh kế thừa Thông Thiện sau này chính là Trưởng lão La Quý An.

Ðịnh Lực

Từ Điển Đạo Uyển

定力; S: samādhibala; J: jōriki;
Một trong Năm lực. Lực này xuất phát từ Nhất tâm và được phát triển qua các phép Thiền định. Ðịnh lực giúp hành giả tuỳ cơ ứng biến, làm đâu đúng đó mà không cần phải suy nghĩ đắn đo.
Thiền sư Bạch Vân An Cốc (j: hakuun yasutani) dạy rằng: “Ðịnh lực vượt qua các kết quả của sự tập trung đơn giản. Ðịnh lực là một năng lực diệu kì, một lần đã được đánh thức, giúp chúng ta hành động, phản ứng đúng lúc, thích hợp với những điều kiện, trường hợp không tiên đoán trước. Ai phát triển được định lực thì không còn là nô lệ của sự ham muốn vọng tưởng và cũng không còn là nạn nhân của thế giới xung quanh… Mặc dù nhiều năng lực huyền diệu có thể xuất phát từ định lực nhưng chúng không thể giúp chúng ta tận diệt tất cả những ảo ảnh bao quanh. Giác ngộ phải là bước tiếp đến.”
Vì định lực có thể tạo phép thần thông “vô bổ” và thu hút nhiều người nên Thiền sư Thạch Ðầu Hi Thiên nhấn mạnh: “Việc tu tập để thành Tổ, thành Phật đứng hàng đầu trong tông này chứ không phải chỉ tụng kinh niệm Phật và sử dụng định lực.”

Ðịnh Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

定心; J: jōshin;
Tâm đã đạt được Ðịnh (s: samādhi).

Ðịnh Thượng Toạ

Từ Điển Đạo Uyển

定上座; C: dìng shàngzuò; J: jō jōza, tk. 9;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Lâm Tế Nghĩa Huyền. Sư nổi danh với cách dạy thần tốc, mãnh liệt như vũ bão. Thiền sư Viên Ngộ có nhắc lại cách dạy của Sư trong Bích nham lục, Công án 32.
Sư người miền Bắc, đến học với Lâm Tế và đắc pháp nơi đây. Một hôm, Sư đi trên đường gặp ba vị Thiền sư Nham Ðầu Toàn Hoát, Tuyết Phong Nghĩa Tồn và Khâm Sơn Văn Thuý. Ba vị này hỏi Sư về cách dạy môn đệ của Lâm Tế. Sư thuật lại câu chuyện sau:
“Lâm Tế dạy chúng: ›Trên khối thịt đỏ có một chân nhân không ngôi vị thường từ diện môn các ông ra vào, người chưa chứng cứ hãy xem!‹ Có vị tăng ra hỏi: ›Thế nào là chân nhân không ngôi vị?‹ Lâm Tế liền nắm đứng bảo: ›Nói! Nói!‹ Vị tăng suy nghĩ. Lâm Tế liền xô ra, nói: ›Chân nhân không ngôi vị là cái gì? Cục cứt khô!‹ Liền trở về phương trượng.”
Nham Ðầu nghe sợ le lưỡi. Khâm Sơn nói: “Sao chẳng nói phi chân nhân không ngôi vị?” Sư nắm đứng bảo: “Chân nhân không ngôi vị cùng phi chân nhân không ngôi vị cách nhau nhiều ít, nói mau! Nói mau!” Khâm Sơn không biết đáp sao, mặt mày tái mét. Nham Ðầu, Tuyết Phong đến lễ bái xin lỗi: “Vị tăng này mới học không biết phải quấy, xin Thượng toạ từ bi tha thứ.” Sư bảo: “Nếu chẳng phải hai thầy già này xin, sẽ giết con quỷ đái dưới sàng này.”

Ðinh Tiên Hoàng

Từ Điển Đạo Uyển

丁先皇
Nhà vua Việt Nam thế kỉ thứ 10 đã ủng hộ đạo Phật. Ông là người phong chức tăng thống cho Ngô Chân Lưu, thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, phong hiệu là Khuông Việt Thái sư. Ðinh Tiên Hoàng nhìn nhận đạo Phật là tư tưởng chủ đạo trị nước.

Ðỗ Thuận

Từ Điển Đạo Uyển

杜順; C: dùshùn; j: dojun; 557-640
Ðế Tâm Ðỗ Thuận

Ðô-Bi-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: dhobīpa hoặc dhombhipa, dhombipa; “Thợ giặt minh triết”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ.
Ðô-bi-pa là con một người thợ giặt. Ngày nọ hai cha con đang giặt áo thì có một Du-già sư (s: yogin) đi qua. Vì không có gì cúng dường, gia đình thợ giặt xin giặt áo cho ông ta. Vị này từ chối và nói có phép bí truyền, giặt một lần là trắng mãi mãi. Người con xin truyền phép đó và được vị Du-già sư cho nhập dòng Cha-kra sam-va-ra-tan-tra. Vị Du-già sư khai thị ông bằng những lời:
Ngọn lửa thủ ấn là,
nước rửa sạch cho Thân,
Âm thanh chân ngôn là,
nước rửa sạch cho Khẩu,
Giao phối của nhị nguyên,
rửa ô nhiễm cho ý.
Sau mười hai năm tu tập, người thợ giặt đạt thánh quả. Sau đó áo quần vào tay ông đều tự nhiên sạch sẽ. Ông sống thêm một trăm năm nữa để giáo hoá. Kệ ngộ đạo của ông như sau:
Ta chuyên nghề tẩy rửa,
trắng sao được rửa than.
Giáo pháp của Ðạo sư:
người thợ giặt quý nhất,
vì nó chỉ Tự tính,
trống rỗng không ô nhiễm.

Ðô-Ka-Ri-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: dhokaripa; “Khất sĩ với bình bát”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, không rõ sống thời đại nào.
Ông là kẻ ăn xin ở Hoa Thị thành (s: pāṭaliputra), không có gì hơn ngoài bình bát, trong đó ông để mọi thứ xin được. Lần nọ ông không xin được gì, bình bát trống rỗng. Thấy một vị Du-già sư đi qua, ông hối tiếc là không có gì để cúng dường. Thế nhưng vị này cho ông nhập môn Hô Kim cương tan-tra (s: hevajra-tantra), Quán đỉnh cho ông và dạy:
Hãy nghe, Ðô-ca-ri,
hãy đặt mọi dạng hình,
trong bình bát Không gian,
và xem chúng là một.
Ðô-ka-ri-pa thiền quán như vậy, chỉ ba năm sau ông đạt thánh quả Ðại thủ ấn tất-địa (s: mahā-mudrāsiddhi). Sau đó ông vẫn tiếp tục mang bình bát đi rong. Nếu có ai hỏi, ông trả lời:
Bình bát của tính Không,
ta đặt vào trong đó,
mọi bố thí khất thực,
đó chính là Ðại lạc.
Ðô-ca-ri ham muốn,
Ðại lạc của tính Không,
hiểu chưa, hỡi các người?
Chứng đạo ca của ông như sau:
Trong không vô biên xứ,
(Tự tính của bình bát),
ta đặt mọi tri kiến,
(tự tính của mọi sự).
Không, Tri kiến là Một,
Du-già sư hạnh phúc,
đã đạt bờ chứng thật.
Đồ sức hương man 塗飾香鬘; C: túshìxiāngmán; J: zushoku kō-man;
Tự trang điểm mình bằng châu báu và hương thơm, giới tăng sĩ Phật giáo, là một điều không được làm, là 1 trong 10 giới cấm.

Ðọa Xứ

Từ Điển Đạo Uyển

墮處; S, P: apāya;
Bốn đường tái sinh đau khổ trong Vòng sinh tử. Ðó là Ðịa ngục (s: nakara), Ngạ quỷ (s: preṭa), súc sinh và A-tu-la (s: asura). A-tu-la đôi khi được kể vào loài hạnh phúc hơn loài người, có khi lại không được một số tông phái Tiểu thừa nhắc tới.

Ðoạn Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

斷教; T: chod [gcod]; S: uccheda; cũng được gọi là Hi giải giáo (希解教);
Tên của một phương pháp tu tập rất độc đáo, là nhánh thứ hai của một tông trong Phật giáo Tây Tạng do Pha-đam-pa (t: pha-dampa sangye, ?-1117) sáng lập song song với nhánh “giảm” (t: shijed, nghĩa là giảm bớt). Giáo lí này xuất phát từ kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa (s: prajñāpāramitā) ra nhưng được bổ sung thêm bằng những nghi lễ cúng hiến, gọi thần, hồn (e: shamanism) của những dân tộc thiểu số.
Nội dung chính của việc tu luyện trong Ðoạn giáo – như tên này đã nói – là cắt đứt đoạn lậu hoặc, Ngã kiến. Ðể thực hành điều này, hành giả phải đưa thân cúng hiến cho ma quỷ ở nghĩa địa và nơi đốt xác. Nữ đệ tử quan trọng nhất của Pha-đam-pa là Ma-chig Lab-dron-me (1055-1145), người đã truyền phép tu luyện này sang những tông khác ở Tây Tạng.
Pha-đam-pa được xem là người từ Nam Ấn Ðộ đến truyền Mật pháp bởi vì nước da của ông có nét xanh. Ông là người cùng thời với Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa) và đến Tây Tạng 5 lần để giáo hoá. Lí thuyết căn bản của Ðoạn giáo dựa theo những kinh và luận nói về Bát-nhã ba-la-mật-đa. Theo thuyết này thì tất cả những vật hiện hữu đều tự tâm mà phát sinh, không thật; những sự lo sợ, tưởng tượng,… chỉ là kết quả của tư duy bất chính. Ðể chấm dứt trạng thái này, Ðoạn giáo đưa ra một phương pháp thiền rất độc đáo. Phương pháp này bao gồm hai phần: 1. Hành giả chấp nhận là ma quỷ có thật và chủ ý mời gọi chúng đến và 2. Nhận thức rằng, chúng chỉ là những gì tự tâm phát sinh, không có tự tính (Không). Ðể đạt được kết quả cao nhất, hành giả phải ra những nơi vắng vẻ hoang dã như những nơi đốt xác vì những nơi này dễ gây ra những cảm giác sợ hãi và ma quỷ cũng hay “lộng hành.” Nơi đây, Du-già sư ngồi thiền với một cái trống và kèn được làm bằng xương ống khuyển.
Ðiểm bí hiểm của phương pháp này nằm trong sự thực hành trực tiếp, như Pha-đam-ba một lần nói với cô đệ tử: “Con hãy đi tới chỗ thiêu xác, hãy lên núi tu luyện. Hãy quên những bài học lí thuyết và trở thành một Du-già-ni (s: yoginī) lang thang học hỏi!” Phép tu luyện theo Ðoạn giáo vẫn được lưu truyền rộng rãi ở Tây Tạng trong tông Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa) và Ninh-mã (t: nyingmapa) cho đến ngày nay.

Ðộc Giác Phật

Từ Điển Đạo Uyển

獨覺佛; S: pratyekabuddha; P: paccekabuddha; dịch theo âm là Bích-chi-ca Phật-đà hoặc Bích-chi Phật, cũng được gọi là Duyên Giác Phật;
Một vị Phật đạt giác ngộ nhờ tri kiến Mười hai nhân duyên, là người đạt được Phật quả do tự mình chứng ngộ. Người ta cho rằng vị Ðộc giác Phật không đạt được các năng lực như Nhất thiết trí (s: sarvajñatā) hay Mười lực (s: daśabala) của một vị Tam-miệu Tam-phật-đà (Chính đẳng giác; s: samyak-saṃ-buddha). Ðộc giác Phật được xem như bậc Thánh ở quả vị khoảng giữa A-la-hán và Phật. Có khi Ðộc giác Phật là danh hiệu chỉ người đạt giác ngộ trong thời không có vị Phật nào xuất hiện trên trái đất và giác ngộ nhờ đã đạt tri kiến mười hai nhân duyên trong các đời sống trước. Ðộc giác thừa là một trong Ba thừa (cỗ xe) để đạt Niết-bàn.

Ðộc Giác Thừa

Từ Điển Đạo Uyển

獨覺乘; S: pratyekabuddha-yāna; còn gọi là Duyên giác thừa;
Tên chung của các phương pháp tu tập đắc quả Ðộc giác Phật.

Ðộc Tham

Từ Điển Đạo Uyển

獨參; J: dokusan, có thể hiểu là “một mình đến tham vấn vị thầy”;
Cuộc gặp riêng của người tham thiền với vị thầy trong thất của thầy. Ðộc tham là một trong những yếu tố tối trọng trong việc tu thiền; nó tạo điều kiện để thiền sinh có thể trình bày những vấn đề liên hệ đến việc tu tập, để có thể trình bày sở đắc và trắc nghiệm mức độ thông đạt đạo của mình.
Nhiều Công án với nội dung là một cuộc vấn đáp phản ánh phương pháp độc tham thời xưa. Truyền thống độc tham bắt nguồn từ buổi “truyền tâm bí mật nằm ngoài giáo pháp” cho Ma-ha Ca-diếp (s: mahākāśyapa) của Phật Thích-ca trên đỉnh Linh Thứu (Niêm hoa vi tiếu), được lưu truyền trong “Phật tâm tông” – một tên khác của Thiền tông – cho đến ngày nay. Trước đây thì độc tham được ứng dụng trong tất cả những hệ phái của Thiền tông nhưng trong thời nay, phương pháp này hầu như không còn tồn tại trong tông Tào Ðộng (s: sōtō-shū) tại Nhật mà chỉ được thực hành trong tông Lâm Tế (s: rinzai-shū).
Vì nhiều lí do mà buổi độc tham phải được giữ bí mật: 1. Buổi này đòi hỏi một tâm trạng cởi mở và thành thật tuyệt đối của thiền sinh trước mặt một vị Lão sư (j: rōshi) – một điều kiện khó thực hiện được trước mặt nhiều người khác; 2. Trong buổi này, thiền sinh trình bày mức độ ngộ nhập công án đang được tham quán. Nếu thiền sinh khác nghe được câu “giải đáp” này thì nó có thể là một chướng ngại cho họ trên đường tìm câu trả lời của chính mình; 3. Một buổi dạy riêng của vị thầy lúc nào cũng được thực hiện theo quy tắc “tuỳ cơ ứng biến” và vì thế lúc nào cũng thích hợp cho chính thiền sinh đang độc tham. Vị thầy có thể phản ứng khác biệt đối với những câu trả lời giống nhau của các thiền sinh – một yếu tố có thể làm các thiền sinh sơ cơ tán loạn.
Trong một hệ thống truyền thừa chính phái thì chỉ có người nào đã được Ấn khả, đã được chính thức công nhận là Pháp tự (j: hassu) mới được chủ trì buổi độc tham.

Ðộc Tử Bộ

Từ Điển Đạo Uyển

犢子部; S: vātsīputrīya; còn được gọi là Trụ tử bộ (s: pudgalavāda);
Bộ phái Phật giáo, tách ra từ Trưởng lão bộ (s: sthavira) trong năm 240 trước Công nguyên. Ðó là bộ phái dám đi xa nhất so với các nguyên lí kinh điển thịnh hành trong Thượng toạ bộ.
Người sáng lập của phái này là Ðộc Tử (s: vātsīputra), vốn theo đạo Bà-la-môn, cho rằng đàng sau mỗi con người có một cá nhân, một Bổ-đặc-già-la (補特伽羅; s: pudgala; p: puggala), không giống cũng không khác với Ngũ uẩn. Con người đó là kẻ đi tái sinh, là kẻ chịu tất cả các nghiệp báo, thậm chí là kẻ tiếp tục hiện diện trong Niết-bàn. Trong thời đại bấy giờ Ðộc Tử bộ là một trong những bộ phái lớn, nhưng quan điểm của bộ phái này bị các tông phái chống đối vì họ cho rằng “Bổ-đặc-già-la” của Ðộc tử chẳng qua chỉ là biến dạng của một tự Ngã (s: ātman), là quan niệm mà đã bị đức Phật phủ nhận.

Ðôm-Bi-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: ḍombipa hoặc ḍombi; nghĩa là “Chúa của dòng du ca,” cũng có biệt danh là “Người cưỡi cọp”;
Một Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ. Ông sống trong thế kỉ 9, được xem là đệ tử của Vi-ru-pa (s: virūpa). Vi-ru-pa hướng dẫn ông vào những huyền bí của Hô Kim cương tan-tra (s: hevajratantra) và những vị Hộ Thần.
Là nhà vua nước Ma-kiệt-đà (s: magadha), ông lấy một cô gái thuộc dòng du ca (ḍombi), một dòng hạ tiện. Bị chê cười, ông bỏ ngôi báu, cùng nàng vào rừng, tu tập Tan-tra. Về sau khi nước Ma-kiệt-đà bị đói kém, triều đình mời ông trị vì. Ông trở về, cỡi cọp, thi triển thần thông và dạy Phật pháp. Người ta cho rằng ông là tác giả của tám tập sách và nhiều bài ca. Nghi quỹ (s: sādhana) của ông là sự chuyển hoá năng lực nhục tính thành sự Giác ngộ thanh tịnh. Bài kệ chứng đạo của ông có những dòng như sau:
Viên đá bậc hiền nhân,
biến chì thành vàng ròng.
Trong lòng Viên ngọc quý,
đam mê thành tỉnh giác.

Ðôn Hoàng

Từ Điển Đạo Uyển

敦煌; C: dūnhuáng;
Thành phố thuộc tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc, có rất nhiều hang động nổi tiếng, được xem là vùng hang động chứa nhiều di tích Phật giáo lớn nhất thế giới. Những động cổ nhất được xây dựng từ thế kỉ thứ 5. Ngày nay, người ta tìm thấy 492 động, nằm trên 5 vùng cao thấp khác nhau, dài khoảng 1km. Hang động chứa toàn tranh tạc trên tường, với một diện tích tranh khoảng 45000m², và khoảng 2400 tượng. Ðặc biệt trong động số 16, người ta đã khám phá hàng ngàn kinh, luận, được cuốn tròn. Ðó là những tư liệu vô giá của công trình nghiên cứu đạo Phật trong vùng Trung Á và Trung Quốc ngày nay.
Các tranh tường thường minh hoạ các kinh, các vị Phật hay cuộc đời thường. Các bức tranh trước thế kỉ thứ 6 trình bày cuộc đời của Phật Thích-ca. Kể từ đời Ðường, người ta trình bày các thế giới Cực lạc. Các tranh tượng khác phần lớn diễn tả Di-lặc, minh hoạ các kinh Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm, Diệu pháp liên hoa, Duy-ma-cật sở thuyết. Các vị Phật, Bồ Tát được tạc tượng nhiều nhất là Quán Thế Âm, Ðịa Tạng, La-hán cũng như một số thiên nhân khác.
Năm 1900, một nông dân vô tình khám phá ra động Mạc Kao, động này dẫn đến động số 16. Trong động số 16 người ta tìm thấy 40.000 văn bản (kinh sách, tài liệu, tranh tượng, kể cả các đề tài thuộc về đạo Lão, đạo Khổng) cũng như nhiều pháp khí mà tăng ni ngày xưa đã cất dấu khi bị ngoại xâm. Người nông dân nọ không biết giá trị các thứ đó, đã bán đi một phần lớn. Năm 1907, đoàn khảo cổ đầu tiên của phương Tây do Sir Aurel Stein dẫn đầu đã mua đi 150 bức hoạ trên lụa, 500 tranh vẽ và 6500 cuộn bản kinh. Năm 1908, một nhà Ấn Ðộ học là Paul Pelliot đem từ Ðôn Hoàng 6000 cuộn kinh về nước. Sau đó là người Anh và người Nhật. Ngày nay phần lớn các di sản văn hoá đó đều nằm trong các viện bảo tàng phương Tây.
Các hang động có chính diện hình vuông hay chữ nhật. Các hang xây thời Ðông Tấn (thế kỉ 4-5) thường đơn giản, chỉ có các tượng Phật. Các hang thời đại sau thường có nhiều phòng. Phần lớn các tượng được đặt trên đế hay dựa vào vách đá. Các hang đưới thời nhà Tống được xây dựng công phu nhất, gồm các trình bày tiền thân đức Phật hay các cảnh của Tịnh độ.
Các hình ảnh tranh tượng khắc hoạ trong thời Ðông Tấn còn mang nhiều ảnh hưởng của Ấn Ðộ với mũi cao, áo mỏng. Sau đó các hình tượng của huyền thoại Trung Quốc cũng được đưa vào tranh. Ðến thời nhà Tuỳ (581-618), bên cạnh tượng Phật và Bồ Tát, lần đầu tiên tượng của A-nan-đà được trình bày và cũng trong thời gian này, ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Quốc bắt đầu chiếm ưu thế.
Trong đời Ðường, các hình tượng sống động và gần gũi hơn, nhất là trang phục của các tượng được trình bày rất kĩ. Trong thời kì này, nhiều tượng Phật vĩ đại ra đời, tượng lớn nhất cao hơn 33 m. Các tranh trên tường minh hoạ các cảnh trong kinh, các Bồ Tát thường là các vị đang được truyền bá rộng rãi thời bấy giờ.

Ðốn Ngộ

Từ Điển Đạo Uyển

頓悟; J: tongo;
Nghĩa là ngộ bất thình lình, ngay bây giờ, ngược với Tiệm ngộ. Phép tu Ðốn ngộ được Nam tông thiền chủ trương đề xướng (Huệ Năng).

Ðốn Ngộ Nhập đạo Yếu Môn Luận

Từ Điển Đạo Uyển

頓悟入道要門論; J: tongo nyūdō yōmon-ron;
Một tác phẩm quan trọng của Thiền tông, được Thiền sư Ðại Châu Huệ Hải biên soạn.

Ðộng Sơn Lương Giới

Từ Điển Đạo Uyển

洞山良价; C: dòngshān liángjiè; J: tōzan ryō-kai; 807-869;
Thiền sư Trung Quốc, Pháp tự của Thiền sư Vân Nham Ðàm Thạnh. Cùng với môn đệ là Tào Sơn Bản Tịch, Sư sáng khai tông Tào Ðộng, một dòng Thiền được lưu truyền đến ngày nay. Sư quyền khai ngũ vị để giáo hoá học đồ, đời sau gọi là Ðộng Sơn ngũ vị.
Sư họ Du quê ở Cối Kê. Thuở nhỏ theo thầy tụng Ma-ha bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh đến câu: “Vô nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý”, Sư lấy tay rờ mặt hỏi thầy: “Con có mắt, tai, mũi, lưỡi sao kinh nói không?” Thầy thấy lạ và giới thiệu Sư đến núi Ngũ Duệ yết kiến Thiền sư Linh Mặc (trước học đắc nơi Mã Tổ, đại ngộ nơi Thạch Ðầu). Năm 21 tuổi, Sư đến Tung Sơn thụ giới cụ túc. Sao đó Sư du phương, yết kiến Nam Tuyền Phổ Nguyện. Gặp ngày kị trai Mã Tổ, Nam Tuyền hỏi chúng: “Cúng trai Mã Tổ, vậy Mã Tổ có đến hay chăng?” Tất cả chúng không đáp được, Sư bước ra thưa: “Ðợi có bạn liền đến.” Nam Tuyền khen: “Chú nhỏ này tuy là hậu sinh rất dễ giũa gọt.” Sư thưa: “Hoà thượng chớ ếm kẻ lành thành đứa giặc.”
Sư đến Quy Sơn Linh Hựu. Quy Sơn lại chỉ đến Vân Nham. Ðến đây Sư hỏi: “Vô tình thuyết pháp, người nào được nghe?” Vân Nham bảo: “Vô tình thuyết pháp, vô tình được nghe.” Sư hỏi: “Hoà thượng nghe chăng?” Vân Nham bảo: “Ta nếu nghe, ngươi đâu thể được nghe ta thuyết pháp.” Sư thưa: “Con vì sao chẳng nghe?” Vân Nham dựng phất tử, hỏi: “Lại nghe chăng?” Sư thưa: “Chẳng nghe.” Vân Nham bảo: “Ta thuyết pháp mà ngươi còn chẳng nghe, huống là vô tình thuyết pháp.” Sư hỏi: “Vô tình thuyết pháp gồm những kinh điển gì?” Vân Nham bảo: “Ðâu không thấy kinh A-di-đà nói: nước, chim, cây rừng thảy đều niệm Phật, niệm pháp?” Ngay câu này Sư có tỉnh, thuật bài kệ:
也大奇!也大奇!
無情說法不思議
若將耳聽終難會
眼處聞時方得知
Dã đại kì, Dã đại kì
Vô tình thuyết pháp bất tư nghì
Nhược tương nhĩ thính chung nan hội
Nhãn xứ văn thì phương đắc tri.
Cũng rất kì! Cũng rất kì!
Vô tình thuyết pháp chẳng nghĩ nghì
Nếu lấy tai nghe trọn khó hội
Phải đem mắt thấy mới liễu tri.
Sắp rời Vân Nham, Sư hỏi: “Sau khi Hoà thượng trăm tuổi, chợt có người hỏi ›tả được hình dáng của thầy chăng?‹ con phải đáp làm sao?” Vân Nham lặng thinh hồi lâu, bảo: “Chỉ cái ấy.” Sư trầm ngâm giây lâu, Vân Nham bảo: “Xà-lê Lương Giới thừa đương việc lớn phải xét kĩ.” Sư vẫn còn hồ nghi. Sau, Sư nhân qua suối nhìn thấy bóng, đại ngộ ý chỉ, liền làm bài kệ:
切忌從他覓。迢迢與我疏
我今獨自往。處處得逢渠
渠今正是我。我今不是渠
應修甚麼會。方得契如如
Thiết kị tòng tha mịch
Thiều thiều dữ ngã sơ
Ngã kim độc tự vãng
Xứ xứ đắc phùng cừ
Cừ kim chính thị ngã
Ngã kim bất thị cừ
Ưng tu thậm ma hội
Phương đắc khế như như.
*Rất kị tìm nơi khác
Xa xôi bỏ lãng ta
Ta nay riêng tự đến
Chỗ chỗ đều gặp va
Va nay chính là ta
Ta nay chẳng phải Va
Phải nên như thế hội
Mới mong hợp như như.
Sư thượng đường dạy chúng: “Lại có người không đền đáp bốn ân ba cõi chăng?” Chúng đều không đáp, Sư lại bảo: “Nếu chẳng thể nhận ý này, làm sao vượt khỏi hoạn trước sau. Hẳn phải tâm tâm chẳng chạm vật, bước bước không chỗ nơi, thường không gián đoạn mới được tương ưng. Cần phải nỗ lực, chớ nhàn rỗi qua ngày!”
Một vị tăng hỏi Sư: “Khi lạnh nóng đến làm sao né tránh?” Sư đáp: “Sao chẳng nhằm chỗ không lạnh nóng đi?” Tăng hỏi: “Thế nào là chỗ không lạnh nóng?” Sư đáp: “Khi lạnh lạnh chết Xà-lê, khi nóng nóng chết Xà-lê.”
Sắp tịch, Sư sai cạo tóc tắm gội xong, đắp y bảo chúng đánh chuông, giã từ chúng ngồi yên mà tịch. Ðại chúng khóc lóc mãi không dứt. Sư chợt mở mắt bảo: “Người xuất gia tâm chẳng dính mắc nơi vật, là tu hành chân chính. Sống nhọc thích chết, thương xót có lợi ích gì?” Sư bảo chủ sự sắm trai ngu si để cúng dường. Chúng vẫn luyến mến quá, kéo dài đến ngày thứ bảy. Thụ trai cùng chúng xong, Sư bảo: “Tăng-già không việc, sắp đến giờ ra đi, chớ làm ồn náo.” Nói xong Sư vào trượng thất ngồi yên mà tịch. Bấy giờ là tháng ba năm thứ mười, niên hiệu Hàm Thông đời Ðường. Sư thọ 63 tuổi, 42 tuổi hạ. Vua sắc phong là Ngộ Bản Thiền sư.

Ðộng Sơn Ngũ Vị

Từ Điển Đạo Uyển

洞山五位; J: tōzan (ryōkai) go-i; còn được gọi là Ngũ vị quân thần;
Năm địa vị của giác ngộ, được Thiền sư Ðộng Sơn Lương Giới và môn đệ là Tào Sơn Bản Tịch phân tích nêu rõ.
Biểu thị Chính (正) ở đây có nghĩa là Thể, tính Không (空), Lí (理). Thiên (偏) chỉ cho Dụng (用), Sắc (色), Sự (事). Ngũ vị được nêu rõ như sau:
1. Chính trung Thiên (正中偏): có nghĩa là cái Dụng nằm trong Lí. Trong cấp nhận thức này, thế giới Hữu vi nắm phần trên nhưng được nhận diện là xuất phát từ Chân như, tính Không. Người tu mới nhận được dụng đủ nơi thể. Bài kệ tụng của Sư:
正中偏
三更初夜月明前
莫怪相逢不相識
隱隱猶懷舊日嫌
Chính trung thiên
Tam canh sơ dạ nguyệt minh tiền
Mạc quái tương phùng bất tương thức
Ẩn ẩn du hoài cựu nhật hiềm.
*Chính trung thiên
Ðêm tối canh ba trăng rọi hiên
Lạ chi cùng gặp chẳng cùng biết
Ẩn ẩn vẫn còn ôm hận phiền
2. Thiên trung Chính (偏中正): có nghĩa là Lí nằm trong Dụng. Trong vị này, sự bất phân nổi bật, thế giới hiện hữu ít được để ý đến. Người tu hành nhận được Lí đủ nơi Sự, nhận được Thể sẵn trong Dụng, liễu đạt được lí các pháp đều không, chỉ một Chân như bình đẳng. Bài tụng:
偏中正
失曉老婆逢古鏡
分明覿面別無真
休更迷頭猶認影.
Thiên trung chính
Thất hiểu lão bà phùng cổ cảnh
Phân minh địch diện biệt vô chân
Hưu cánh mê đầu do nhận ảnh.
*Thiên trung chính
Mất sáng lão bà tìm cổ kính
Rõ ràng đối diện đâu riêng chân
Thôi chớ quên đầu theo nhận bóng.
3. Chính trung lai (正中來): nghĩa là từ trung tâm giữa Thiên và Chính đến. Các pháp hữu vi như Lí tuỳ duyên, như tính duyên khởi. Nơi đây cảm giác về thân, tâm đều được bỏ qua một bên, cả hai đều biến mất. Người tu nơi đây như Lí tu Sự, như tính khởi hành, tương đương với Bồ Tát từ sơ địa đến thất địa (Thập địa) tu hành còn dụng công. Bài tụng:
正中來
無中有路隔塵埃
但能不觸當今諱
也勝前朝斷舌才
Chính trung lai
Vô trung hữu lộ cách trần ai
Ðản năng bất xúc đương kim huý
Dã thắng tiền triều đoạn thiệt tài.
*Chính trung lai
Ðường cái trong không cách trần ai
Chỉ hay chẳng chạm ngày nay kị
Ðã thắng tiền triều cắt lưỡi tài.
4. Thiên trung chí (偏中至): bước vào giữa Thiên và Chính. Nơi đây người tu cảm nhận được sự độc nhất vô nhị của mỗi Pháp. Ngay cả tính Không cũng đã biến mất trong pháp này. Sử dụng toàn hợp nơi thể người tu trọn ngày tu mà lìa niệm tu, trọn đêm dụng mà chẳng thấy dụng công. Tương đương với hàng Bồ Tát từ bát địa đến thập địa. Tụng:
偏中至
兩刃交鋒不須避
好手猶如火裡蓮
宛然自有沖天志
Thiên trung chí
Lưỡng nhẫn giao phong bất tu tị
Hảo thủ du như hoả lí liên
Uyển nhiên tự hữu xung thiên chí.
*Thiên trung chí
Hai kiếm đua nhau cần gì tránh
Tay khéo vẫn như lò lửa sen
Nguyên vẹn nơi mình xung thiên chí.
5. Kiêm trung đáo (兼中到): Ðã đến đích, đến trung tâm của hai thái cực Thiên và Chính. Thể Dụng đồng đến, Sự và Lí cùng hành. Tức là vị quân thần hiệp (vua tôi hiệp). Ðây là Phật quả tối thượng. Bài tụng:
兼中到
不落有無誰敢和
人人盡欲出常流
折合還歸炭裡坐.
Kiêm trung đáo
Bất lạc hữu vô thuỳ cảm hoà
Nhân nhân tận dục xuất thường lưu
Chiết hiệp hoàn quy khôi lí toạ.
*Chẳng rơi Không, có ai dám hoà
Người người trọn muốn vượt dòng thường
Tan hiệp trở về ngồi trong tro
Tào Sơn Bản Tịch Thiền sư giải: “Chính vị tức xưa nay Không giới, xưa nay không vật. Thiên vị là sắc giới có muôn hình tượng. Chính trung thiên: bỏ Lí theo Sự. Thiên trung chính: bỏ Sự về Lí. Kiêm trung đáo: thần ứng hợp các duyên, không rơi vào các cõi, chẳng phải nhiễm, tịnh, chính, thiên. Cho nên nói ›Ðại đạo hư huyền, chân tông vô trước.‹ Các bậc tiên đức suy một vị này tối diệu tối huyền, phải biện minh cho thấu triệt. Quân là Chính vị, Thân là Thiên vị, Thần hướng Quân là Thiên trung Chính, Quân thị Thần là Chính trung Thiên, Quân Thần đạo hiệp là Kiêm trung đáo.”
Tương truyền rằng, Ðộng Sơn được thầy là Vân Nham Ðàm Thạnh chân truyền thuyết Ngũ vị và truyền lại cho Tào Sơn, người đã phát triển và hoàn chỉnh công thức này. Ngũ vị được xem là công thức biện chứng tuyệt hảo nhất của Thiền tông Trung Quốc. Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc (j: hakuin ekaku) bảo rằng “Ngũ vị là nguyên lí chính của Phật giáo và con đường tu tập tối trọng của Thiền tông.”
Thuyết Ngũ vị của Thiền sư Ðộng Sơn tương ưng với Tứ pháp giới của Hoa nghiêm tông, được Pháp sư Thanh Lương Trừng Quán (737-838) đề xướng. 1. và 2. của Ngũ vị tương ưng với Sự pháp giới, 3. tương ưng với Lí pháp giới, 4. tương ưng với Lí sự vô ngại pháp giới và 5. tương ưng với Sự sự vô ngại pháp giới.
Ngũ vị của tông Tào Ðộng sau cũng được tông Lâm Tế hấp thụ. Thiền sư Phần Dương Thiện Chiêu có lẽ là người đầu tiên sử dụng thuyết này và những bài kệ thuyết giảng của sư được ghi lại trong tập thứ 2 của Phần Dương lục (3 tập), được Thiền sư Thạch Sương Sở Viên biên tập. Phần Dương lục cũng là tập Công án quan trọng đầu tiên của Thiền tông Trung Quốc.

Ðộng Sơn Thủ Sơ

Từ Điển Đạo Uyển

洞山守初; C: dòngshān shǒushū; J: tōzan shu-sho; 910-990;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Vân Môn Văn Yển. Trước khi gặp Vân Môn, Sư đã hành cước hơn 2000 km từ quê ở Tây Bắc Trung Quốc đến Quảng Ðông. Ðây là sự chứng minh lòng tham thiền học đạo tuyệt đối của Sư và các vị mộ đạo đời đó nói chung.
Nguyên do đại ngộ của Sư được truyền lại trong Vô môn quan, Công án 15:
Vân Môn hỏi Sư: “Mới từ đâu đến?” Sư thưa: “Tra Ðộ.” Vân Môn lại hỏi: “Hạ An cư ở đâu?” Sư đáp: “Chùa Báo Từ ở Hồ Nam.” Vân Môn hỏi tiếp: “Rời chùa hôm nào?” Sư đáp: “Hai mươi lăm tháng tám.” Vân Môn bảo: “Tha cho ông ba hèo.” Sáng hôm sau, Sư đến hỏi Vân Môn: “Hôm qua đội ơn thầy tha ba hèo, không biết lỗi của con ở đâu?” Vân Môn nói: “Ðồ vô dụng, thế mà dám khoe là đã qua những pháp hội ở Giang Tây, Hồ Nam! (chỉ Mã Tổ, Thạch Ðầu).” Nhân câu này của Vân Môn, Sư đại ngộ, bèn thưa: “Con ngày khác đến chỗ không có hơi người, dựng một chiếc am, chẳng chứa một hạt gạo, chẳng trồng một cọng rau, thường tiếp đãi thiện tri thức mười phương qua lại, trọn vì họ nhổ đinh tháo chốt, lột chiếc mũ thịt mỡ, cởi chiếc áo hôi thối, khiến mọi người sạch sẽ thung dung, làm một người vô sự.” Vân Môn bảo: “Thân bằng cây liễu mà mở được cái miệng to thế.” Sư liền lễ bái rồi đi.
Sư dạy chúng: “Lời không dính việc, nói chẳng hợp cơ, nương lời thì mất, kẹt câu là mê. Nơi đây, trong bốn câu nói thấy được rõ ràng. Làm một nạp tăng (chỉ Thiền sư) khoáng đạt, nhân một cây đòn tay, một miếng ngói, một bữa cháo, bữa cơm cũng có thể vì người làm thiện tri thức. Nơi đây, nếu chẳng rõ sẽ trở thành kẻ bướng bỉnh.”
Ðời nhà Tống niên hiệu Thuần Hoá năm đầu tháng bảy, Sư ngồi yên thị tịch.

Ðu-Khan-đi

Từ Điển Đạo Uyển

S: dukhaṅdi hoặc dokhaṅdi, debanta, dhosanti, dvakanti, khaṅdipa; “Người nhặt vải rách”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, không biết đệ tử của ai và sống trong thời nào.
Ông là người ăn xin, chuyên lượm giẻ rách để may áo. Ngày nọ có vị Du-già sư thương hại ông, dạy cho phép thiền định, nhưng không sao ông tập trung được, vì đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến chuyện may vá. Vị Du-già sư dạy ông quán Không vô biên xứ, nói rằng trong Thật tại không có may lẫn vá. Nhờ thế mà ông tập trung quán tưởng và sau 12 năm, ông đạt thánh quả Ðại thủ ấn tất-địa. Bài kệ chứng đạo của ông như sau:
Hợp nhất được sinh diệt,
với Thật tại cuối cùng,
Trong Thiền Ðại thủ ấn,
đạt được giới thanh tịnh
rốt ráo Ba thân Phật.

Ðức Huệ

Từ Điển Đạo Uyển

德慧; S: guṇamati;
Một Ðại luận sư của Duy thức học (s: yo-gācāra, vijñānavāda), thầy của An Huệ (s: sthiramati).

Ðức Sơn Tuyên Giám

Từ Điển Đạo Uyển

德山宣鑒; C: déshān xuānjiàn; J: tokusan sen-kan; 782-865;
Thiền sư Trung Quốc, một trong những Thiền sư lỗi lạc nhất đời Ðường. Sư có 9 môn đệ được Ấn khả, trong đó hai vị Nham Ðầu Toàn Hoát và Tuyết Phong Nghĩa Tồn đứng hàng đầu. Sư nối pháp Long Ðàm Sùng Tín, thuộc dòng Thanh Nguyên Hành Tư và Thạch Ðầu Hi Thiên. Nhân duyên ngộ đạo của Sư là một trong những câu chuyện thường được nhắc lại nhất trong giới Thiền. Sư nổi danh về việc sử dụng cây gậy để giáo hoá (đập) thiền sinh, từ đó mà sinh ra danh từ Bổng hát, chỉ cây gậy (bổng) ngang dọc của Sư và tiếng hét (Hát) vọng vang của Lâm Tế.
Những lời dạy của Sư rất lạ lùng, khó hiểu, chỉ có bậc thượng căn mới có thể hội đôi phần. Những câu nói của Sư, nghe phớt qua người thường có thể gọi là “mắng Phật mạ Tổ” nhưng nếu thấu hiểu thì cao siêu vô cùng. Sư không muốn đi quanh co, rườm rà mà nhiệt tình hướng dẫn môn đệ mau chóng ngộ được chân lí Bất nhị, nơi mọi ngôn từ trở thành vô dụng. Cũng từ tâm hồn cao siêu nhiệt tình của Sư mà xuất phát từ dòng Thiền này một Tuyết Phong Nghĩa Tồn, một Vân Môn Văn Yển, một Pháp Nhãn Văn Ích và vô số những ngôi sao sáng trong Thiền tông sau này.
Sư họ Chu, quê ở Kiến Nam, Giản Châu, xuất gia lúc 20 tuổi. Sư thông Luật tạng và các kinh, luận. Vì thường giảng Kim cương bát-nhã ba-la-mật-đa kinh nên thời nhân gọi Sư là Chu Kim Cương. Nghe Nam phương Thiền tông thịnh hành Sư bất bình nói: “Kẻ xuất gia muôn kiếp học uy nghi của Phật, vạn kiếp học tế hạnh của Phật. Những kẻ ma ở phương Nam dám nói ›Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật.‹ Ta phải ruồng tận hang ổ của chúng, diệt hết đống ma quái để đền ân Phật.” Sư bèn khăn gói lên đường, mang theo bộ Thanh Long sớ sao tới Lễ Châu. Trên đường, Sư gặp một người đàn bà bán bánh rán, bảo bà lấy ít bánh ăn điểm tâm. Bà chỉ gánh của Sư hỏi: “Gói này là gì.” Sư trả lời: “Thanh Long sớ sao.” Bà nói: “Tôi có một câu hỏi, nếu thầy đáp được, tôi xin cúng dường bánh điểm tâm. Bằng đáp không được, mời thầy đi nơi khác.” Sư ưng chịu, bà liền hỏi: “Trong kinh Kim cương có nói ›Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc.‹ Vậy thầy muốn điểm tâm nào?” Sư lặng thinh, không đáp được. Người đàn bà liền chỉ Sư đến tham vấn Thiền sư Long Ðàm Sùng Tín.
Vừa tới cửa Long Ðàm, Sư liền nói: “Nghe danh Long Ðàm đã lâu, nay đến đây, đầm (潭; Ðàm) cũng chẳng thấy, rồng (龍; Long) cũng chẳng hiện.” Long Ðàm bước ra, nói: “Ngươi đã tới Long Ðàm rồi.” Sư không đáp được, liền dừng lại đây. Một đêm, Sư đứng hầu. Long Ðàm bảo: “Ðêm khuya sao chẳng xuống?” Sư kính chào bước ra, lại trở vào thưa: “Bên ngoài tối đen.” Long Ðàm thắp đèn đưa Sư. Sư toan tiếp lấy, Long Ðàm liền thổi tắt. Sư bỗng nhiên đại ngộ, tất cả kiến chấp đều tan vỡ, quì xuống lễ bái. Long Ðàm hỏi: “Ngươi thấy gì?” Sư thưa: “Từ nay về sau chẳng còn nghi lời nói chư Hoà thượng trong thiên hạ.” Hôm sau Long Ðàm thượng đường bảo chúng: “Trong chúng đây có một gã răng như kiếm bén, miệng tợ chậu máu, đánh một gậy chẳng ngó lại, khi khác y lên ngọn núi cao vút dựng lập đạo của ta.” Sư đem bộ sớ sao ra chất đống nổi lửa đốt và nói: “Tột cùng các biện luận siêu huyền như một sợi lông ném trong hư không; hết sạch các trọng yếu trong đời như một giọt nước rơi vào hồ lớn.” Sư lễ từ Long Ðàm du phương.
Ðến Quy Sơn Linh Hựu, Sư vào pháp đường từ phía Tây đi qua phía Ðông, lại từ Ðông sang Tây, hỏi: “Có chăng? Có chăng?” Quy Sơn ngồi lặng im không ngó tới. Sư nói: “Không, không.” liền đi thẳng ra cửa tự nói: “Tuy nhiên như thế cũng chẳng đặng thô xuất.” Sư bèn đầy đủ uy nghi đi trở vào. Vừa bước qua cửa, Sư đưa toạ cụ lên gọi: “Hoà thượng!” Quy Sơn toan nắm Phất tử, Sư liền hét, phủi áo ra đi. Quy Sơn sau nói: “Gã ấy về sau lên tận ngọn núi cao, cất am cỏ ở, để rồi quở Phật mắng Tổ.”
Sư dạy chúng: “Nơi mình vô sự thì chớ vọng cầu, vọng cầu mà được thì chẳng phải được. Các ông chỉ vô sự nơi tâm, vô tâm nơi sự thì hư mà linh, không mà diệu. Nếu có nói gốc ngọn chừng đầu mảy lông đều là tự dối. Còn có mảy may nghĩ nhớ là nghiệp nhân tam đồ. Bất chợt sinh tình (vọng khởi) là muôn kiếp bị khóa kín. Danh thánh hiệu phàm trọn là tiếng rỗng, tướng đặc biệt hình xấu xa đều là sắc huyễn. Các ông muốn cầu đó mà không bị luỵ sao? Và các ông chán đó, lại thành bệnh lớn. Cả hai đều vô ích…
Nhân giả! nói tu hành như thế, các ông đâu chẳng nghe nói Lão Hồ (ông già Ấn Ðộ, chỉ Phật) trải ba A-tăng-kì kiếp tu hành mà nay còn đâu? Sau 80 năm chết mất, cùng các ông có khác gì?…
Các ông chớ cuồng! Khuyên các ông không gì hơn thôi hết đi, vô sự đi. Tâm vừa khởi một niệm tức là quyến thuộc nhà ma, là kẻ tục phá giới.”
Sư có bệnh, tăng hỏi: “Lại có cái chẳng bệnh chăng?” Sư đáp: “Có.” Tăng hỏi: “Thế nào là cái chẳng bệnh?” Sư bảo: “Ôi da! Ôi da!” Sư lại bảo chúng: “Chụp không tìm tiếng luống nhọc tâm thần các ngươi. Mộng tỉnh, tỉnh rồi trọn không có việc gì.” Nói xong Sư ngồi yên lặng viên tịch, nhằm đời Ðường, niên hiệu Hàm Thông năm thứ sáu, ngày mùng ba tháng chạp năm Ất Dậu. Vua sắc phong Kiến Tính Ðại sư.

KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN SANH

Lần 2648 - Phật Lịch: 2568

Đản sinh Ngài con gửi trọn niềm tin

Thắp nén hương lòng cầu chúng sinh thoát khổ

Nguyện người người thuyền từ bi tế độ

Sống bình an - giác ngộ độ trầm luân.

Xin nhấn vào đây để xem nội dung.

 

 

 

Thanks for signing up. You must confirm your email address before we can send you. Please check your email and follow the instructions.
Chúng tôi tôn trọng sự riêng tư của bạn. Thông tin của bạn được an toàn và sẽ không bao giờ được chia sẻ.
Nam mô A Di Đà Phật!
×
×