TRUY MÔN CẢNH HUẤN

SỐ 2023

QUYỂN 05

Đời Minh, Như Cẩn tục tập.

 

BÀI TỰA NÓI VỀ CHỦ KHÁCH CỦA TUYÊN LUẬT SƯ- NÚI CHUNG NAM

Ôi! Tổn mình lợi người vốn là cái nghĩa của Tăng, còn hại vật an thân, thật chẳng phải lý của trang Thích tử. Có tài thưởng thiện phạt ác, phán đoán được việc phải quấy bất bình. Nếu trước người sau mình thì mới hợp lòng từ của chư Phật, còn người chết ta sống, thì rất trái ngược hạnh tốt. Người làm chủ phải biết chuộng gìn nhân nghĩa, mới cảm được các nột tử (tăng sĩ) ở mười phương nhóm họp, còn riêng nhận nhân tình thì sẽ chuốc lấy tiếng xấu, đồn xa ngàn dặm, là khách tăng vân thủy cũng phải giữ lòng kính lễ, hễ đạo tràng nào có đạo nghĩa thì nên tìm đến ở để tiến đạo an thân: Nếu chỉ là phường vô nghĩa cường đồ mà xu hướng theo thì chỉ chuốc lấy oán cừu lầm loạn. Nay chúng ta may mắn sinh ở giữa nước, được gởi thân chốn không môn. Thoát khỏi hầm lửa muôn trượng, tháo rã lưới xiềng nghìn lớp, như người tù được ra khỏi ngục, chim nhốt được xổ lồng, chân thì dạo chơi trên nhà lát vàng chứa thiện, thân thì nương ở trên đất bảy báu không có tai ương. Trời rồng cung kính, quỷ thần tôn trọng. Không trồng dâu, không nuôi tằm mà mặc áo tốt, không làm ruộng, không cấy cày mà ăn mâm cỗ ngon. Sao phải trói buộc oán cừu, ham hố lợi danh, toan tính tìm của tiền phi lý mà cầu hư danh nhỏ nhặt, làm ngăn lấp con đường bằng phẳng của trời người. Bám víu sợi lông rùa mà đào sâu hầm lửa địa ngục. Đời này nếu hết chứa oán hận thì đời sau sẽ nhận lấy cái khổ của Ba-tra. Dù cho vàng ngọc chất chứa đầy nhà, cũng chỉ là sự buộc ràng, kéo dắt thân mình vào chốn nguy hiểm. Dù cho lụa gấm chồng chất đầy rương, cũng chỉ là cái nghiệp chủng sâu nặng, khiến cháu con tranh giành dấy loạn. Ít tìm thì bớt dụng. Nhưng khỏi được sự ép ngặt ở ruộng tâm. Biết đủ thì dứt tham, tiếng thơm sẽ lan tỏa nơi ý địa. Hoặc ở nơi phạm sát, hoặc quải dép ở nhà mây, chớ nên bàn người quấy, chỉ xét lại lỗi mình. Nếu là người có tài cao học rộng thì hãy đem ba tạng ra mà nghiền ngẫm cho tột cùng, còn người trí cạn biết nông, thì hãy đem năm thừa mà sớm hôm trì tụng. Đừng miệng thì nói lời tự thiện mà lòng dạ thì cất giấu gươm dao, ngoài mặt mủm mỉm nụ cười mà ruột gan thì ngầm chứa đao kiếm. Người nghèo chẳng thương, người già chẳng xót. Quên đi ân sâu dưỡng nuôi của cha mẹ, trái nghịch với đức dìu dắt của Thầy tổ. Người có tâm như thế, thật là làm mất lòng tin của đàn-việt ở mười phương. Kẻ chấp giả mê chân khiến cho các bậc anh hiền ở bốn biển chê bai. Cho nên tôi mới khuyên răn cặn kẽ các thầy hãy chính chắn chuyên ròng, người được nghe thì do đây mà phá nát núi cao ngã mạn, kẻ được đọc cũng nhờ đây mà lấp đầy biển cả mê mờ, đều mong đợi vâng theo tin tưởng, khắp nguyện trở lại tâm xưa. Chí nên đời sau tốt đẹp hơn đời này, chứ đừng để đời này tốt đẹp hơn đời sau. Kính khuyên đại chúng, phải mau hiểu rõ, đừng để cơn đại nạn đối đầu mà ăn năn chẳng kịp.

BÀI VĂN ĐƯA TIỄN ĐỒ ĐỆ ĐI HÀNH CƯỚC CỦA THIỀN SƯ DIỄN – CHÙA ĐÔNG SƠN

Các tăng sĩ đi hành cước phải lấy đạo tâm làm trọng, không nên nhận lãnh vật cúng dường sẵn có mà nhàn rỗi qua ngày một cách uổng phí. Phải dán hai chữ “Sinh tử” lên trên trán mình, mỗi ngày trong mười hai giờ phải vần xé da mặt ra mà tìm xét biết rõ từng phần mới được. Nếu chỉ theo bầy đuổi lũ, ầm ĩ suốt ngày, bất chợt tướng chết hiện ra, chừng ấy lão Diêm-la tính tiền cơm, thì đừng bảo sao ta chẳng nói với ngươi! Còn những người thực hành công phu thì phải xem xét từng giờ, cân nhắc từng khắc, nơi nào là chỗ dùng được và nơi nào là chỗ bị mất, nơi nào là chỗ không bị mất. Nếu công phu xem xét này được nối nhau thì chắc chắn sẽ có lúc đến nơi. Có một hạng người hành đạo, kinh lại chẳng xem, Phật cũng chẳng lạy, vừa ngồi trên bồ-đoàn là ngủ gà ngủ gật, đến lúc tỉnh dậy thì nghĩ tưởng lộn xộn, còn vừa xuống khỏi bồđoàn thì liền bàn nói nhiều chuyện với người. Nếu hành đạo như thế ấy thì dù cho đến lúc Phật Di-lặc ra đời cũng không có lúc để thực hành. Cho nên phải tinh tiến mạnh mẽ nắm lấy một chữ “Vô” rồi ngày đêm tham cứu, và phải mở to mắt ra mà nhìn thẳng vào công án đang tham cứu, chứ không nên ngồi khoác áo vô sự, cũng không nên ngồi mãi trên bồ-đoàn, mà phải hoạt động thật bình thường, mà còn e những tạp niệm lăng xăng khi dấy lên, không nên chấp chặt vào công án đang tham cứu, vì càng phấn đấu thì càng thêm rối loạn mà thôi. Có nhiều hành giả gặp trường hợp này vì không biết diệu dụng tiến thoái, cởi mở không suông, nên trở thành chứng bệnh phong cuồng, làm hư mất một đời hành đạo.

Nếu gặp trường hợp này, hành giả nên ngay chỗ khởi ra rối loạn ấy, nhè nhẹ buông xuống tất cả ý niệm, lay thân từ từ và đặt chân xuống đất đi dạo một vòng cho thư giãn tinh thần. Sau đó lại lên bồ-đoàn mở to hai mắt, nắm hai tay lại, dựng thẳng xương sống, rồi y như trước mà từ từ khởi quán. Đề khởi thoại đầu đang tham cứu, hành giả liền cảm thấy thân tâm mát mẻ, giống như một nồi nước sôi đang trào mà được dội vào một gáo nước lạnh. Nếu thực hành công phu như thế lâu ngày chầy tháng thì tự nó có lúc sẽ đến nơi. Nếu công phu chưa thực hành thì không nên sinh não, vì sợ bị ma phiền não nhập tâm, nếu cảm thấy có chỗ sở đắc, cũng không nên sinh vui mừng, vì sợ bị ma hoan hỷ dựa vào, các thứ thiền bệnh rất nhiều kể ra không hết. Nếu trong chúng ta có đạo bạn lão thành, thì hành giả phải luôn thưa hỏi, cầu xin chỉ bảo, nếu không có, thì hãy đem những lời nói của bậc Tiền bối Tổ sư dạy người làm công phu ra mà xem xét thật kỹ, phải khởi tưởng như được nhìn thấy các Ngài. Những người đời nay hướng về đạo thiền này, khó có người được chứng ngộ. Cho nên hành giả rất phải cố gắng hướng tới trước. Tôi mong người sớm đập thủng thùng sơn mà trở về, để cùng với lão tăng này ngồi gãi lưng.

Kệ rằng:

Xem luồng gạt cỏ lúc về nhà

Một niệm giữa đường khéo giữ mà!

Gần đây tùng lâm gió mùi khác

Bước đến một nơi rất tiện nghi.

THIỀN SƯ CỦNG Ở THẠCH THẤT TIỄN THỊ GIẢ KHÁNH VỀ QUÊ THĂM THẦY

Thầy ông tuổi đã già yếu, mà chùa lại ở sâu trong núi, hôm sớm không có người chăm nom hầu hạ, nếu ông không về giúp đỡ việc chùa thì lễ Pháp thầy trò cũng chưa trọn đạo, vả lại mẹ ông tuổi tác đã cao, ngoài ông ra không còn ai khác. Trông chừng gió Thu đến mà chưa thấy ông về, ngày ngày tựa cửa trông con mà lệ rơi. Thử hỏi, ông xa thầy bỏ mẹ vào núi tu hành rốt ráo định làm nên việc gì? Nếu bảo yên phận nghèo hèn vui với đạo lý thì thật khó lắm, vả lại ở chốn am thanh cũng đâu phải chuyện dễ, vì cũng phải ươm thông trồng trúc, phá núi đào đất, gánh nước bửa củi, bón tưới rau khoai, hành đạo tụng kinh, nhiếp tâm trừ ngữ cảnh, rau cơm hẩm lấp ghẻ đói, dưa nhạt cháo loãng nuôi bụng dạ. Người đời vất vả vì thân miệng, mà chúng ta cũng chưa khỏi bận rộn vì hình hài. Tâm địa của mình nếu chưa tỏ thì nghiệp thức sẽ dẫy đầy, không có chỗ nương. Bên suối dưới rừng tạm qua ngày, ta với người đều chẳng tính ở lâu. Hòa thượng Nguyệt Giang gửi thư đến nhắc ông về thăm là có ẩn ý sâu xa. Mở thư ra chưa kịp đọc là đã rùng mình, thật chẳng luống uổng âm tin nhắc người giữ tròn hiếu nghĩa. Người xưa có nói: Hiếu thảo đứng đầu trong trăm hạnh, cho dù ở đời hay ở đạo, ai chẳng như thế. Hầu thầy thờ mẹ là ruộng kính, cần gì phải nhập chúng và tham thiền. Bất chợt cái tư duy vắng lặng và cái chán ghét ồn ào tự nhiên tan mất, gậy ngắn chẳng ngại nhàn qua lại.

BUỔI TIỂU THAM KẾT CHẾ

Môn phong của Phật Tổ sắp tàn lụn, nói đến việc đó khiến người có đạo tâm muốn tan nát ruột gan. Việc nâng giữ hoàn toàn chỉ trông cậy vào con cháu của ta, nếu không tính trước thì con cháu sẽ làm hư nát mất! Nếu các thầy cứ suốt ngày lăng xăng rong ruổi khắp nơi, lo kinh doanh theo thế sự, làm cho chánh nhân bị lu mờ, khiến bụi trần bám đầy mặt mũi, thì nghiệp thức sẽ mênh mang trôi giạt, tất không có chỗ để dựa nương. Dù có mang ý quải bát ở nhà tăng, nhưng phải đợi đánh bảng kiền chùy mới chịu về chỗ ngồi, suốt ngày cứ dụm đầu trong phòng liêu bàn cãi phải quấy, đến khi xếp chân ngồi thiền thì liền ngủ gục. Đành để cho mây Si giăng bủa mịt mù, làm mờ tối bản tánh thiên chân, lửa đá giao nấu hừng hực, khiến vạc lòng sôi sục vung trào. Tạm thời lặng lẽ được an nhàn, một mặt lờ mờ rơi vào chỗ vô ký. Thanh Quy Bá Trượng chẳng chịu thực hành, sách vở ngoại đạo lại siêng năng bàn bạc. Nhân quả rõ ràng thật đáng phần cho lúc nhàn rỗi, tội phước rõ ràng mà chẳng hề lo sợ. Hoặc được ở riêng một phòng thì tự do buông lung thân miệng, ý. Hãy xem kìa, ngói che trên đầu gạch lát dưới gót, áo mặc trên thân, vị ngon trong miệng, mỗi thứ đều có ra từ lòng tin của người đàn-việt cúng dường, thế mà đạo nghiệp của ta chưa thành thì làm sao tiêu được? Suy đi nghĩ lại thì đã có mấy người biết sinh tâm hổ thẹn! Ngày nay ba việc, ngày mai bốn việc. Chỗ nhàn hoàn toàn luống bỏ ngày đêm, một mai già bệnh lại tìm nhau, Diêm Vương giục mời tin chết đến, các nghiệp ác gây ra từ trước chẳng bao giờ quên sót, ba đường sáu nẻo từ đây mà đọa lạc. Một khi bỏ mất Ca-sa rồi thi khó mà tìm lại được, còn lông, sừng, mai, vẩy thì rất dễ khoát vào. Hãy xem các bậc học đạo thuở xưa, quên hẳn nhân thế, xem thường danh lợi. Nấu cỏ rau, nướng khoai củ, một vốc cơm, một bầu nước là để trị bệnh gầy, cầu nuôi mạng sống cho qua ngày. Đá mòn thông héo rốt cuộc chẳng biết được cái gì, rửa lòng làm lụy nhiều đời. Ngoài vật thanh nhàn một vị cao, trên đời vàng ngọc đâu đáng quý, kiếp không tâm địa nở hoa Phật, gió thơm chạm vào mũi mẹ sinh. Trong trường chọn Phật thi đậu về, đất già-lam viên giác mặc tình dạo chơi. Nhân buổi tiểu tham kết chế này, bất chợt thốt ra thành lời kệ.

LỜI DẠY CỦA THIỀN SƯ CỦNG NHÂN BUỔI THƯỢNG ĐƯỜNG

Gặp năm hạn hán, tháng sáu, tháng bảy trời không đổ một giọt mưa, đất ruộng khô cằn nứt nẻ, những người nông phu phải vất vả sớm hôm, lo tát nước vào ruộng đến đỗi da lưng rám nắng, gót chân nứt nẻ đau buốt, hoa mắt đuối sức muốn ngất xỉu. Đã vậy mà thuế quan lại đến đòi đóng gấp, thuế vụ bè, thuế lụa đã đóng rồi, họ lại đòi thêm tiền lộ phí, lúc thóc nộp đã gần cạn, đến nỗi ngày ba bữa ăn cũng không đủ no!

Nghĩ lại chúng ta là người xuất gia thọ dụng của đàn-việt cúng dâng, thế mà không chịu xét nghĩ công lao khó nhọc của họ, còn nói đến việc tiến đạo tu thân cũng không có được một chút nào. Rong ruổi bên này, chơi giỡn bên kia, dăm ba người ngồi dụm đầu nói chuyện tạp, hễ mở miệng là chuyên bàn đến việc xấu dở của người, đến khi về thiền phòng vắng vẻ, thì đối với những việc trái lý dối lòng đâu không làm! Đừng nói chi đến đọa lạc vào những loài khác, đời sau này chắc chắn sẽ làm người nông phu cực khổ. Từ trước đã nói khổ như thế, đến lúc ấy khó đồng với lúc làm tăng như nay, người xưa có dạy chúng ta chỉ một câu này: Đối với chúng trời, người hãy cân nhắc lại: “Đối với ruộng Tam bảo không có đến một sọt công đức, trong núi Thiết Vi sâu thẳm đã có cái khổ trăm hình rồi”.

HÒA THƯỢNG TRUNG PHONG RĂN NHẮC HỌC TRÒ

Trong Phật pháp không có chỗ cho ông lãnh hội, trong đường sinh tử cũng không có chỗ cho ông giải thoát, nếu các ông cứ mãi rong ruổi theo trần cảnh thì báo thân này khác nào ngọn đèn trước gió, lửa chớp trên đá. Vì vậy, trong từng ý niệm phải gấp rút tu trì như việc cứu lửa cháy đầu. Tinh tấn như thế mà còn có chỗ chưa làm xong, bất chợt tin chết đã dắt đi, đành bỏ lại nhiều việc rối ren trên đời. Lúc mở mắt ra thì chóng đã bốn, năm mươi năm rồi, thế thì người bảo sẽ làm gì cho Phật pháp đây? Mặc cho người dùng trăm ngàn cái thông minh của mình, mỗi mỗi nắm lấy phép Ba Thừa, mười hai phần giáo cho đến một ngàn bảy trăm phép công án xưa cũ, cùng với sách vở của trăm nhà hiền triết ra mà chú giải từ đầu đến cuối, dẫu cho ngươi có làu thông hết như bình đựng nước không rò rỉ cũng đều là ở ngoài cửa.

Nói ra thì dường như có chỗ chứng ngộ, mà đối cảnh thì vẫn còn mê lầm. Chính vì việc này nên tôi mới nói là: không có chỗ cho ông lãnh hội, lúc đó người càng muốn tìm hiểu lại càng không hợp nhau. Ông há không thấy ta đã nói với ông điều gì sao? Mà lại định sinh ra những hiểu biết riêng. Dù cho cả muôn ngàn người chen lấn cũng không có chỗ vào được. Chỉ có một pháp tham thiền, nhưng tóm lại cũng không ngoài cái vọng niệm muốn hiểu biết kia. Chỉ có bậc Đại Tín căn mới có thể ngay nơi thân mình mà chân tham thật ngộ, và gánh vác nổi. Nhưng nếu ngươi khởi lên ý tưởng muốn gánh vác ỷ vào thói cũ mà suy nghĩ thì sẽ không liên can gì với đạo. Cho nên trong kinh Pháp Hoa chép: vì dù như thế gian, đều như Xá-lợi-phất, cùng suy chung so lường, chẳng biết được trí Phật. Như đời nay có người nhặt được vỏ trái quýt lại nhận lầm là đốm lửa, rồi từ đó họ đi đến đâu cũng khoe khoang khoác lác, chủ trương theo một đường lối riêng, bảo là: Ta đã lãnh hội Phật pháp, muốn được người khác cung kính tôn sùng. Hành động như thế có chỗ nào là dễ dàng và thích hợp đâu? Phong, tôi đã suốt ba, bốn mươi năm, ngay trong vấn đề này lúc nào cũng xoay trở không yên đối với hai chữ “Phật pháp” mà chưa được hợp nhau. Cho nên cả ngày lẫn đêm thường có tâm hổ thẹn, đâu dám lạm dụng các ngôi vị thầy người. Chỉ là một kẻ tầm thường mà được những lời khen ngợi và được của cho lắm nhiều, chẳng khác nào như bị mũi tên độc bắn vào tim, nhiều lần chối từ mà không được. Đây cũng do nghiệp duyên nhiều đời nên khiến như thế! Chính là cái gốc luống dối, chứ chẳng phải do đạo lực tự nhiên sai sử. Mỗi lần thấy các bạn đạo vì không muốn người khác làm bận, khi gặp các học trò có việc không xuôi theo ý mình thì khởi lên một chút nóng giận vô minh buông thả nghiệp thức, là tâm hạnh điên rồ độc ác. Đè nén giam hãm người đời, lại cho mình là do công án này buộc ràng vô minh, nên không hề có một việc gì dùng công án mà lãnh hội đạo niệm cả. Vả lại, ngày nay ngươi còn nắm giữ công án này thì ông biết có bao nhiêu người ở sau lưng mình không rảnh mà bịt mũi chăng? Vì vậy nơi đường sinh tử sẽ không có chỗ cho ông giải thoát. Cho nên, ông phải đem vấn đề sinh tử là việc lớn của chính ông dán vào da, nhét vào xương mà tham cứu trong từng ý niệm không cho xen hở. Từ vô lượng kiếp đến nay, trăm ngàn trò hay khéo trong một chốc đều giải quyết xong. Kết quả đó cũng chỉ do một tâm này không dừng nghỉ mà thôi. Chẳng những ngàn muôn Phật tổ đều phát lời thề trọng đại mà đến ngày nay những người đắp mặc ba y, gọi là hàng tăng sĩ thế mà vẫn ỷ vào kiến thức xưa cũ của mình! Trước mắt ông mà không phá, hễ vừa dấy động liền sinh tâm khởi niệm. Như thế đâu chẳng nuôi lớn nghiệp buộc sinh tử, đành quên mất bản chí của mình lúc mới phát tâm xuất gia. Dường như luống buông trôi cái tâm nhiệt loạn nào đó suốt muôn kiếp ngàn đời, theo bánh xe nghiệp thức, đối với lý tu như thế nào có ích gì? Ta khéo bảo cho các ông biết, chúng sinh bị buộc ràng nồng hậu, thật không có chỗ nào dành phần cho ông đâu! Nếu ông đối với mọi người không có công sức gì, chỉ khiến cho toàn thân buông xuôi tất cả ngay giữa gian nhà cỏ, lặng lẽ vắng tanh, cơm hẩm áo rách mà tự độ qua ngày, thì cũng khỏi phạm vào lúa mạ của người khác, làm kẻ không biết hổ thẹn. Cho nên nói: trong Phật pháp không có chỗ cho ông lãnh hội, đường sinh tử không có chỗ cho ông giải thoát. Lãnh hội cũng không được, giải thoát cũng không được thì nên ngay nơi các chỗ không được ấy mà chen chân vào, bất luận là hai mươi hoặc ba mươi năm, hốt nhiên ngay nơi chỗ không được ấy, chợt xuyên thấu qua, lúc đó mới chịu tin là lời nói của ta chẳng dối gạt các ngươi ông.

RĂN NHẮC SỰ NHÀN RỖI

Người đời không một ai chẳng cho sự thanh nhàn, rảnh rỗi là an vui. Vì thế, nên họ cùng nhau rảo bước mong đến mục đích ấy. Tôi đón họ lại, để hỏi về lý do đó. Họ đáp rằng: Người xưa từng cho sự vinh nhục, phải quấy là hệ lụy ở đời, vì suốt ngày phải cùng với sự vật xua đuổi nhau. Tâm chí đã mệt nhọc, thân thể lại hao mòn, cho đến bị trói buộc trong vòng tình tưởng mà không biết, ngay cả giấc ngủ cũng còn vẫn còn tiếp diễn mơ màng. Nếu họ biết lắng tâm suy nghĩ thì đời người nào có được bao lâu? Không có được một ngày an nhàn, thì dẫu giàu sang thế mấy đi nữa cũng nào có lợi ích gì!

Bởi thế, tôi buông bỏ tất cả sự đời, ý muốn vừa đi vừa ca khúc hát “tọa vong”, tự thân muốn thoát ra ngoài sự vật, hoặc có người muốn xa lánh lời dạy của cha, thầy, nhàm chán sự nhọc nhằn của thân thế. Nhìn những ước vọng nghề nghiệp mưu sinh của người đời thì nhàm chán, muốn lánh xa nó như lánh xa nước lửa. Hẳn là ý muốn vượt xa trần tục cho thỏa chí thanh nhàn, tôi bèn nói rằng: Sao ông lại vội chấp sự nhọc nhằn của hình hài mà phục dịch cho tâm lự như vậy? Nhàn rỗi thì ngồi qua ngày tháng, nào có ích chi cho lẽ sống. Vả lại, sự nhàn rỗi ấy cũng còn nằm trong vọng tình ưa chán mà thôi. Cho nên bậc Thánh có lập ra tông chỉ “Hai tướng đồng, tĩnh rõ ràng chẳng sinh”. Chính là bảo không hẳn nhàm chán sự bận rộn này mà ưa thích sự nhàn rỗi kia. Nay tôi sẽ đem câu nói này để nói thẳng với ông rằng: Nói về việc người đời muốn học đạo lý để hòa nhập thế gian, nếu họ không chịu siêng năng vất vả vì công việc, thì bất luận là ở địa vị sang hay hèn nào cũng không nhờ đâu mà thành tựu được. Tuy nhiên người đã giác ngộ thế gian là luống dối, muốn tìm xét đạo lý xuất thế của Thánh hiền, nếu không quên bỏ ăn bỏ ngủ thì không phải căn cơ lợi độn thì do đâu mà chứng đắc. Cho nên Đại sĩ Tuyết Sơn đã vất bỏ thân mạng nhiều như cát sông Hằng trải qua nhiều kiếp đến nay từng chịu các chướng nạn thử thách, ấy cũng chỉ vì Ngài muốn dạy rõ cho kẻ hậu học hiểu rằng đạo lý nhiệm mầu chẳng phải dễ dàng mà nghe được! Cho nên muốn hòa nhập thế gian thì phải tận trung với vua, hiếu kính với cha mẹ. Muốn hiểu hết đạo nghĩa trung hiếu ấy thì chẳng thể không vội vã. Còn muốn siêu xuất thế gian thì phải biết gần thầy chọn bạn, sớm tham chiều hỏi mà muốn thấu suốt đạo lý thì cũng không thể không vội vã. Đã hiểu hết đạo nghĩa trung hiếu, lại thấu suốt đạo lý thân trạch, dùng kiến thức về thể tướng thì vững vàng như núi Thái bất động, còn về tâm thức thì rộng lớn như Thái Hư vô vi, thì há một chữ Nhàn này có thể sánh được với những lời nói hằng ngày hay sao? Hoặc muốn nhập thế mà không hiểu hết đạo nghĩa Trung Hiếu, xuất thế mà không thấu suốt đạo lý thân trạch thì chỉ có một cách là siêng năng đối với sự an nhàn không phiền nhiễu làm công việc, nên không chịu nhọc nhằn dù trong giây lát. Cho nên bậc Thánh chê trách họ là những kẻ vô tâm. Người có sự hiểu biết, đâu có ai chịu cõng lên mình hai chữ “Vô tâm” này, và lại ưa nhàn rỗi ở chỗ buông thả. Nên tôi viết ra lời văn này để răn nhắc những người thích nhàn rỗi.

LỜI DẠY CHÚNG CỦA THIỀN SƯ THIÊN NHAM TRƯỜNG

Tham thiền là việc thứ nhất, giữ giới là việc thứ hai, làm phước là việc thứ ba, lễ tụng là việc thứ tư. Đã là người xuất gia thì phải hành trì bốn việc này. Không được buông lung tâm thức, không được buông thả tình ý, không được biếng nhác xác thân, không được mê mờ lý trí, phải xét kỹ (nổi) khổ vui, phải xót nghĩ trong đường sinh tử, đừng lo việc áo cơm, chớ ham hố danh lợi. Trong mỗi giờ phải rành rành sáng tỏ, trong bụng dạ phải được làu làu sạch hơn, đi đứng hợp phép tắc, động tịnh đúng theo giới luật. Thường gần gũi thiện tri thức, luôn xa bè đảng xấu. Nếu tin lời ta nói, thì việc thành Phật rất dễ. Bằng không tin lời ta nói, thì luống nhọc xuất gia mà thôi. Là kẻ trọc đầu trong bá tánh, là Tu-la nhóm họp, là mầm mống của địa ngục, là bầy đàn của loài súc sinh. Mau cởi ca-sa trả lại, mau ra khỏi cửa chùa. Hãy tự làm người tục, đừng ở chung với ta.

THIỀN SƯ THIÊN Y NGHĨA HOÀI Ở TRONG THẤT HỎI NGƯỜI HỌC ĐỀ “TỊNH ĐỘ”

Ngài nói: này các ngươi! Nếu nói bỏ cõi uế lấy cõi tịnh, chán cõi Ta-bà về cảnh Cực lạc, thì đó là sự thường tình của lấy bỏ, là vọng tưởng của chúng sinh. Còn nói không có tịnh độ thì trái lời Phật dạy. Vậy thì người tu tịnh độ phải như thế nào?

Lúc ấy, trong chúng không có một ai đáp cả. Thiền sư liền tự đáp: Sinh thì quyết định sinh, đi thì thật chẳng đi. Thiền sư lại nói: Ví như chim nhạn bay qua bầu trời, bóng nhạn in dưới đầm nước sâu. Nhạn vốn không có ý để lại dấu vết, nước chẳng có tâm lưu giữ hình bóng.

LUẬT SƯ ĐẠI TRÍ CẢNH TỈNH NHỮNG KẺ TỰ ĐÀNG CHỊU TRONG CẢNH LẦM THAN

Người có học Phật, lúc đầu họ đều nói vì vấn đề việc lớn sinh tử, nên phát tâm xuất gia. Nhưng đến khi bị thanh danh lợi dưỡng làm rung động, nghiệp duyên thế gian làm mê đắm thì việc lớn sinh tử ấy gần như bị gác lại mà không nói đến. Nếu bị người đến gõ cửa thưa hỏi về việc này, thì họ tìm lời thối thất bắt qua chuyện khác, chứ không thể tự giải quyết được. Hoặc nói việc này không nên hỏi, hoặc nói không cần biết. Hoặc nói chừng nào vua Diêm-la đến sẽ vâng giữ chứ bây giờ chẳng cần phải so tính làm chi. Hoặc nói: ta sẽ tùy chỗ mà thọ sinh, ra vào thường tự tại. Hoặc nói: với từng ấy gốc lành này ta sẽ được sinh vào nhà chẳng sang chẳng hèn, được làm thân nam là thích rồi. Hoặc nói: ta sẽ án định tinh thần để thấy rõ tướng thiện ác mà không đi theo. Hoặc nói sẽ biết trước thời gian để chuẩn bị cho cái chết. Hoặc nói lúc qua đời sẽ đoạt lấy thân trung ấm, hoặc bảo dù trăm xương có tan nát vẫn còn có một vật linh thiêng mãi. Hoặc bảo hình khí tiêu tan sẽ về nơi vắng lặng. Những lời lẽ phỏng đoán rắc rối như vậy đều không vượt qua hai thứ chấp đoạn và chấp thường của phàm phu, ngoại đạo. Đến lúc bốn đại phân tán, bệnh khổ ép ngặt, thần thức không có chủ hướng dẫn dắt sẽ theo nghiệp lực mà trôi lăn trong sáu đường, chắc chắn như thế, không còn nghi ngờ gì nữa! Dù cho họ có biết trước được ngày giờ, ngồi thoát hay đứng hóa, đạo đức ở đời có tột cùng đi nữa, cũng chưa 88 đáng lấy làm kỳ lạ! Những người này vì họ không xem kinh Thập Lục Quán, không biết tướng sinh của chính phẩm, không tin vào nguyện lực của Phật A-di-đà, cứ giữ chặt cái biến chấp của mình, nên tự đành chịu ở trong cảnh lầm than, ta há không vì họ mà thương xót hay sao?

THIỀN SƯ VĨNH MINH DIÊN THỌ RĂN NGƯỜI CHƯA CHỨNG NGỘ ĐỪNG KHINH TỊNH ĐỘ

– Có người hỏi: chỉ cần thấy tánh tỏ đạo thì thoát khỏi sinh tử, cần gì phải bận tâm niệm Phật A-di-đà cầu sinh về phương nào khác.

– Đáp: người chân thật tu hành phải tự xem xét cho kỹ lưỡng, như người uống nước nóng lạnh tự biết. Đời này gìn giữ phép tắc là để phá trừ những quan niệm mê lầm.

Này các nhân giả! Hãy nên xem lại công hạnh của mình, đã thấy tánh ngộ đạo, được Như Lai thọ ký nối tiếp ngôi vị Tổ sư và được như các Ngài Mã Minh, Long Thọ chưa? Được biện tài vô ngại, chứng tam-muội Pháp Hoa và được như Ngài Thiên Thai Trí giả chưa? Tông và thuyết đều thông, hạnh và giải gồm tu và được như Ngài Trung Quốc sư chưa? Các bậc Đại sĩ trên đây đều để lại lời dạy bảo rõ ràng, khuyên bảo kỹ càng mọi người nên cầu vãng sinh. Vì đó chính là pháp môn lợi mình lợi người, chứ đâu chịu để cho mình và người lầm lạc. Huống chi Đấng Đại Hùng luôn khen ngợi, chính lời vàng của Ngài cặn kẽ dặn dò, và mong chúng ta hãy noi theo các bậc Hiền thuở xưa, kính vâng lời Phật dạy, thì chắc chắn không có sai lầm. Theo luận Vãng Sinh chép về sự tích các bậc Cao sĩ xưa nay được vãng sinh rất nhiều, rõ ràng nhất là ta nên siêng xem để tự biết rõ. Lại cũng nên tự đo lường thời gian khi sắp qua đời, sinh tử đi hay ở, đã được tự tại chưa? Từ đời vô thỉ đến nay vì nghiệp ác chướng nặng, chắc chắn chưa được chánh niệm hiện tiền, hết một báo thân này, chắc chắn được thoát khỏi luân hồi chưa? Ba đường ác, đi trong loài khác, ra vào tự do, chắc không còn khổ não chưa? Cõi thiên thượng, chốn nhân gian, các thế giới mười phương, tùy ý nương gá, chắc không bị trệ ngại chưa? Nếu tỏ rõ tự tin sẽ đến được, thì còn điều tốt đẹp nào bằng, bằng chưa được như thế thì đừng có vội lấy một thuở cống cao tự thị mà phải chịu đắm chìm nhiều kiếp, tự mình mất lợi lành, lại toan trách ai. Than ôi! Thương thay! Than làm sao kịp.

BÀI GIẢI THÍCH VỀ BA Y CỦA TỪ VÂN TUÂN THỨC SÁM CHỦ.

Phật dạy: pháp y chỉ có ba:

  1. An-đà-hội.
  2. Uất-đa-la-tăng.
  3. Tăng-già-lê.

Ba pháp y này chắc chắn là y phục của người xuất gia, chứ chẳng phải là y phục để người tại gia đắp mặc. Luật Tăng-kỳ chép: ba y là cờ nêu của sa-môn Hiền Thánh, chẳng phải là y phục mà người thế tục đắp mặc. Luận Trí độ chép: Các Thánh đệ tử Phật trụ trong Trung đạo nên mặc ba y. Kẻ ngoại đạo thì trần truồng không hổ thẹn, người tại gia thì tham nhiều áo mặc. Kinh Tạp A-hàm chép: Người tu pháp bốn tâm vô lượng, đều cạo râu tóc, mặc ba pháp y và ra khỏi nhà thế tục. Theo đây thì biết chắc chắn chẳng phải là y phục của thế tục. Người đời nói: Trong Kinh Phạm Võng có dạy cho phép người thế tục mặc là thế nào? Đó là họ thấy kinh đó có những lời rộng kể vua tôi đạo tục đều được thọ giới nên bảo là thân đắp mặc ca-sa, v.v… nên liền cho kẻ nam, người nữ thọ giới Bồ-tát mặc y bảy điều. Nhưng xem kỹ lời văn trong kinh ấy thì chưa hẳn hoàn toàn như thế, ca-sa dịch đúng phải là Nhiễm, hoặc dịch là ngọa cụ. Nếu y cứ vào thì dịch là Nhiễm thì chỉ là lời dạy chung, hễ Tăng tục có thọ giới thì phải mặc áo nhuộm hoặc hoại sắc, vì sợ họ nhuộm cùng mầu xinh đẹp của người đương thời, trái với phép Phật dạy nên mới nói, bảo phải thân mặc áo nhuộm, đều khiến cho hoại sắc. Hoặc có nơi vì phong tục nên không thể làm hết theo lời Phật dạy. Nhưng Bồ-tát xuất gia chắc chắn phải mặc áo nhuộm mầu hoại sắc, cho nên trong kinh lại nói: Y phục của Tỳ-kheo phải khác với y phục của người thế tục, chứ không hề cho người thế tục mặc y bảy điều. Hoặc dịch là ngọa cụ là thế nào? Tổ Nam Sơn nói: đó là tên gọi chung của ba y. Kinh Phạm Võng chép: mặc ca sa chín điều, bảy điều, năm điều là ý của câu văn ấy. Nếu vậy thì nào ngăn câu nói: Ca-sa chỉ riêng cho người xuất gia. Cũng ngay văn ấy lại chép: y phục của thầy Tỳ-kheo phải khác với y phục của người thế tục. Tìm xét trong chương sớ của Tổ Thiên Thai và Tạng Pháp sư đều thích nghĩa là nhuộm hoại sắc và nói đều không cho phép người thế tục mặc ba y. Dù trong kinh Phương Đẳng có chép: cho phép người thế tục tu sám khi vào đạo tràng được mặc ba y, nhưng chỉ là xếp điệp chứ không cho khâu đột (tướng ruộng phước) Phật dạy ba y này: 1- Đơn phùng (xếp điệp); 2- Tục phục. Đại sư Kinh Khê nói: nếu khâu đột thì là y của đại tăng thọ trì, cho nên y này phải sắm riêng. Thế mà ở thế gian có người lại mượn y của người xuất gia để đắp mặc, thật là không nên. Nên biết mặc dù ba y chẳng phải là y phục riêng của người xuất gia (xuất xứ từ bộ Phụ hành ký) nhưng tin 860 lời trong kinh Phạm Võng. Nếu nói đã cho mặc thì vì sao Kinh Phương Đẳng dạy phải may xếp điệp, cho đến trong Kinh A-hàm chép Phật bảo A-nan lấy y Uất-đa-la-tăng của Ngài cho nàng Ba-tư-tra mặc, v.v… đây là tự ý Phật tạm thời ứng cơ phó cảm vậy thôi. Chứ sau khi Phật nhập diệt những kẻ hạ phàm phải y theo lời dạy nhất định mà làm. Tất cả giới luật, lúc Phật sắp Niết-bàn, đã nói lại những lời sau cùng, đó mới chính là pháp tắc đã quyết định. Còn bảo ba y cho người thế tục mặc thì kinh kia không có văn nào chép cả.

Ngoài ra còn có: vì để qua khỏi tai ách nên cho giữ một mảnh nhỏ. Còn chuyện Liên Hoa Sắc khoác chơi, kẻ thợ săn mượn mặc, hoặc nói giữ khoảng bốn tấc thì đồ ăn thức uống được dư dật, khoác lên mình một mảnh nhỏ thì quỷ La-sát không dám ăn. Đây thật là chỉ rõ công dụng của ba y, chứ không phải cho kẻ thứ dân thọ trì đắp mặc. Người xuất gia mà còn mù mờ phép trì y, phương chi người đời bận rộn nhiều việc thì sao hiểu được nghi thức kính pháp! Tổ Nam Sơn nói: Nếu thọ dùng đúng pháp thì tội lỗi không sinh, bằng nhận lãnh trái pháp là tự chuốc họa sâu xa. Một đời không có áo che thân, khi chết tự chịu lời Thánh quở, lo gì chốn đường ác không có phần. Hãy xem kỹ văn này, thà mình tự chịu lợi sâu, đâu nỡ toan trái phép, làm lầm khổ người tại gia, làm mắc lỗi luống dối nên không thể im lặng được. Phần nhiều thấy những kẻ đạo người tục đua nhau khoái cái Lạc tử. Vì lạm dụng đã quá lâu nên mới lan tràn đến đời nay.

Vả lại, ba y ngũ nạp thì Đức Phật có dạy trong hai sách chế thính, còn (hình dáng) cái Lạc tử thì xuất xứ từ văn nào? Vì dù có lấy mảnh vải rách của ba y đem làm đi nữa, thì y của thầy Tỳ-kheo cũng bị tổn hại. Lẽ ra phải nên may vá lại, cho không mất phép thọ trì. Chứ đâu có pháp nào cho mặc mảnh vải rách kia, rồi lại đặt tên khác (Lạc tử), việc làm này khác gì việc thầy Tỳ-kheo bị giặc cướp y. Hoặc nói: khi làm lụng công việc trong chùa tạm mặc cũng không ngại gì, y An đà hội là y để mặc trong chùa, thì sao lại không mặc. Còn như hàng đệ tử tại gia, nếu muốn tránh khỏi tai ách cũng không nên thường mang mảnh vải casa ấy. Vì nếu cho thường mang khoác, thì sao chẳng cho mang trọn ba y luôn mà chỉ cho một mảnh? Tổ Nam Sơn dẫn trong luật Tăng-kỳ nói: loài rồng được một mảnh ca sa mà thoát khỏi nạn chim cánh vàng ăn thịt, họ bèn nói hẳn là không thuận theo kinh giáo, thì mặc mảnh y ấy sẽ vô lực. Vì mặc ca-sa là trái với kinh giáo, còn bảo là vô lực. Huống chi đời nay sắm cái lạc tử, may nhuộm mới lạ, công nhiên làm ra. Nói về danh về thể thì hoàn toàn trái phép. Suy ra thì biết nếu đắp mặc thì sẽ mắc tội chứ không có phước báo gì cả. Nay tôi tóm lược viết ra ba điều tội lỗi vì trái lời Phật dạy, ngõ hầu khiến người đọc hiểu rõ mà tha thứ điều lỗi nhỏ, chắc chắn sẽ đổi thành tốt.

1/ Lạc Tử nói về danh và thể đều không thấy sách nào chép cả. Hai giáo chế (ngăn cấm) thính (khai cho) tất cả cũng không thấy nói. Đã thiếu năm công đức, lại lạm xen vào ba tiện. Tội lỗi trái lời Phật dạy thì họa báo chốn minh đồ chẳng phải không có.

2/ Về hai giáo Chế và Thính, chỉ có Đức Phật mới được làm, từ các hàng Bồ-tát, Thanh Văn trở xuống chỉ biết noi theo mà không được làm. Thế mà đời nay đã tự chế ra cái lạc tử, ông là Phật hay sao?

3/ Hành động này đã sa vào bọn ngoại đạo, không phải hàng ngũ của Phật, vậy Tổ Nam Sơn nói: Dùng chỉ tạp sắc mang trên y pháp làm điều bức, đó là pháp của ngoại đạo, đều phạm tội thâu-lan-già, huống chi là mang y trái phép, chẳng những trái lời Phật dạy mà cũng chẳng phải bọn ngoại đạo. Họ là người gì? Cúi xin những người học đạo ở bốn phương tu phép Đại thừa khi đọc văn phải tìm ý chứ đừng bảo thủ theo mình. Như kẻ gánh gai bỏ vàng, chẳng phải là người trí. Người biết đổi tà theo chánh đây mới chính thật là đạt chân. Nên biết Phật thừa vô thượng, hễ hiểu được thì không phân biệt là kẻ đạo người tục, phép tắc truyền trì Phật đã dạy rõ trong luật nghi. Trong hội Niết-bàn Đức Phật thường nói đến việc giữ gìn giới luật, chính là y ở văn này.

Nếu giới luật hư hoại thì chánh pháp nhờ vào ai mà truyền trì? Được sinh làm người há lại không giữ tròng con mắt của mình ư? Cắt đứt mạng mạch thường trụ, chẳng phải bọn Chiên-đà-la thì là ai? Thuở xưa, Pháp sư Tĩnh Ái gặp thời Chu Vũ Đế hành động bạo ngược với Phật pháp. Ngài tự hận mình không thể giữ gìn chánh pháp thì xuất gia làm gì, Ngài liền ngồi lên tảng đá, nhấc dao xả thịt khắp trên thân, móc ruột treo lên cây, dùng tay cầm trái tim mình mà chết.

Than ôi! Thánh hiền ngày xưa vì giữ gìn chánh pháp nên các Ngài làm như thế, chúng ta bắt chước chưa được, thì cũng phải giữ gìn giới pháp, đừng để hủy tổn gây tai họa cho mình và người.

 

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10