TRUY MÔN CẢNH HUẤN

SỐ 2023

QUYỂN 06

Đời Minh, Như Cẩn tục tập.

 

VĂN QUY KÍNH CỦA THIỀN SƯ TỪ GIÁC TÔNG TRÁCH Ở CHÙA TRƯỜNG LƯ

Ôi! Đôi cành quế rũ che bóng mát, một đóa hoa nở tỏa hương thơm. Từ đó lập ra tùng lâm, chỗ quan trọng vốn vì Tăng chúng. Cho nên, vì chỉ bày cho Tăng chúng nên có Trưởng lão, vì tiêu biểu nghi tắc cho chúng Tăng nên đặt ra chức thủ tọa, vì gánh vác công việc cho Tăng chúng nên đặt ra chức Giám viện, vì điều hòa công việc của Tăng chúng nên đặt ra chức Duy-na, vì cúng dường vật dụng cho Tăng chúng nên đặt ra chức Điển tọa, vì chúng Tăng mà xuất ra nạp vào nên đặt ra chức Khố đầu, vì chúng Tăng mà làm công việc nên đặt ra chức Trực tuế, vì chúng Tăng mà coi giữ bút mực nên đặt ra chức Thư trạng, vì chúng Tăng mà giữ gìn chánh giáo nên đặt chức Tạng chủ, vì chúng Tăng mà tiếp rước đàn-việt nên đặt chức Tri khách, vì chúng Tăng mà thưa mời công việc nên đặt ra chức Thị giả, vì chúng Tăng mà coi giữ y bát nên đặt chức Liêu chủ, vì chúng Tăng mà cung cấp thuốc men nên đặt ra chức Đường chủ, vì chúng Tăng mà coi về nước nôi nên đặt ra chức Dục chủ Thủy đầu, vì chúng Tăng mà coi việc ngừa lạnh nên đặt ra chức Thán đầu Lô đầu, vì chúng Tăng mà coi về việc khất thực nên đặt ra chức Nhai phường Hóa chủ, vì chúng Tăng mà giữ làm việc nhọc nên đặt ra chức Viên đầu, vì chúng Tăng mà giúp đỡ sai bảo nên đặt ra chức Tịnh nhân. Nhờ vậy mà nhân duyên hành đạo mười phần trọn đủ, vật dụng nuôi thân trăm vẻ sẵn đủ, muôn việc không lo, một lòng vì đạo. Là địa vị tôn quý trong thế gian sống thanh nhàn vượt ngoài trần lụy, thật đáng vị vô vi thanh tịnh, chỉ có chúng Tăng mới là tối thắng. Nghĩ lại công Đức của nhiều người, đâu không biết ân, báo ân. Cho nên sớm tham chiều thỉnh chẳng bỏ phí tấc bóng là để báo ân bậc Trưởng lão. Tôn ti có thứ lớp đi đứng khoan thai, là để báo ân vị Thủ tọa. Ngoài noi pháp lệnh, trông giữ khuôn phép, là để báo ân vị Giám viện. Sáu hòa cùng nhóm, như nước sữa hòa nhau, là để báo ân vị Duy na. Vì thành tựu đạo nghiệp mới nhận cơm này là để báo ân vị Điển tọa. Yên ở chốn tăng phòng, tiếc giữ đồ vật, là để báo ân vị Trực tuế. Vật dụng của Thường trụ mảy may không xâm phạm là để báo ân vị Khố dầu, tay không cầm bút mực, gấp rút tu trì như cứu lửa cháy đầu, là để báo ân vị Thư trạng. Sáng tỏ song cửa, sạch sẽ bàn đọc sách, đọc kinh xưa để soi rọi tâm mình, là để báo ân vị Tạng chủ. Ẩn che dấu vết không theo việc đã qua, là để báo ân vị Tri khách. Ở thì nhất định luôn có mặt, mời thì nhất định đến trước là để báo ân vị Thị giả. Một bình, một bát ở với đại chúng, tâm vững như tòa núi, là để báo ân vị Liêu chủ. Thà tâm chịu bệnh khổ, cháo thuốc tùy nghi, là để báo ân vị Đường chủ. Tắm gội giữ im lặng, không mê mờ nhân của nước là để báo ân vị Dục chủ, Thủy đầu. Nín lời khoanh tay, lui mình nhường người, là để báo ân vị Thán đầu, Lô đầu. Xét nghĩ đức hạnh mình đầy vơi mà nhận cúng, là để báo ân vị Nhai phường Hóa chủ. Tính công nhiều ít lường của thí chủ đem đến, là để báo ân vị Viên đầu – Ma đầu – Trang chủ. Rót nước, đem thẻ, nhận biết xấu hổ, là để báo ân vị Tịnh đầu, khoan dung là để dễ theo, giản dị để dễ việc, là để báo ân người Tịnh nhân. Vì thế chốn tùng lâm đạo nghiệp ngày càng đổi mới. Người căn khí bậc Thượng thì một đời làm xong, người căn cơ bậc Trung thì ngày càng nuôi lớn mầm Thánh, còn những người chưa tỏ được nguồn tâm thì trong từng giờ cũng chẳng luống bỏ, như thế mới thật là ngôi Tăng bảo, mới là ruộng phước tốt của thế gian. Gần thì là rường bến cho đời mạt pháp, rốt ráo được cực quả rốt ráo nhị nghiêm. Nếu tùng lâm bất trị, bánh xe pháp chẳng thường xoay đó là do vị Trưởng lão chẳng vì Tăng chúng. Độ lượng dung tích chẳng rộng, tấm lòng thương chúng chẳng đầy, là do vị Giám viện chẳng bảo hộ Tăng chúng. Người tu hành thì bất an, người làm rối thì chẳng đi, đó là vị Duy na không làm đẹp lòng chúng. Sáu vị chẳng tinh sạch, ba đức không giúp đủ, là do vị Điển tọa không có lòng phụng sự đại chúng. Phòng liêu chẳng sửa sang, đồ vật không đầy đủ là do vị Trực Tuế không có lòng làm an vui đại chúng. Chứa nhóm thường trụ, giảm khắc Tăng chúng là do vị Khố đầu chẳng có lòng săn sóc chúng. Thư trạng chẳng khéo léo, văn tự bị hư rách là do vị Thư trạng chẳng sửa sang cho chúng. Bàn ghế chẳng sạch, ồn ào chẳng dứt là do vị Tạng chủ không có lòng tiếp đãi chúng. Lễ mạc chẳng cung kính, tôn ti mất thứ tự là do vị Thị giả chẳng vâng mệnh đại chúng. Đập dũ (gấp xếp) chẳng siêng chăm, giữ gìn không cẩn thận là do vị Liêu chủ không biết cư xử với chúng. Không rảnh rỗi giúp hầu, làm não loạn người bệnh, là do vị Đường chủ không có lòng thương xót chúng. Nước nóng chẳng đủ dùng, lạnh nóng mất oai nghi, là do vị Dục thủ – Thủy đầu không quan tâm đến việc tắm gội của chúng Tăng. Trước không dự bị, khiến mọi người bị động niệm, là do vị Lô đầu, Thán đầu không quan tâm đến việc hơ sưởi của đại chúng. Xét của chẳng công tâm, bày sức chẳng hết lòng là do vị Nhai phường hóa chủ không thật lòng cung cấp cho chúng. Đất có để nhiều hoa lợi, mà người không có trộm công lao là do vị Viên đầu, Ma đầu, Trang chủ không có lòng thay thế chúng. Lười biếng trừ bỏ, các duyên chẳng đủ là do vị Tịnh đầu không có lòng hầu hạ đại chúng. Điều ngăn cấm chẳng dừng, điều sai bảo chẳng đi là do Tịnh nhân không có tâm thuận theo đại chúng.

Còn như Tăng chúng mà coi thường sư trưởng, khinh mạn pháp môn, chấp chặt cá tính, chạy theo duyên trần, không phải là việc làm để báo ân vị Trưởng lão. Ngồi nằm lật đật, tới lui trái phép, chẳng phải là việc làm để báo ân vị Thủ tọa. Tâm ý khinh thường luật pháp của nhà vua, chẳng đoái hoài đến khuôn phép của tùng lâm, thì chẳng phải là việc làm để báo ân vị Giám viện. Trên dưới chằng hòa thuận, công kích đấu tranh nhau, thì chẳng phải là việc làm để báo ân vị Duy na. Ham hố thức ăn ngon, chê bai thức ăn dở, thì chẳng phải là việc làm để báo ân vị Điển tọa. Cư xử và thọ dụng không biết nghĩ đến người dùng sau thì chẳng phải là việc làm để báo ân vị Trực tuế. Tham nhiều lợi dưỡng, không tiếc của thường trụ, thì chẳng phải là việc làm để báo ân vị Khố đầu. Chuộng giữ bút nghiên, rong ruổi văn chướng, thì chẳng phải là việc làm để báo ân vị Thư trạng. Lười bỏ văn kinh, tìm xem ngoại điển, thì chẳng phải là việc làm để báo ân vị Tạng chủ. Với theo kẻ tục, giao kết người sang, chẳng phải là việc làm để báo ân vị Trí khách. Sót quên lời mời thỉnh khiến Tăng chúng chờ lâu, chẳng phải là việc làm để báo ân vị Thị giả. Vì lợi ích cho mình mà làm phương hại người khác, biếng nhác làm việc, che giấu lợi dưỡng, dối bảo là người khác trộm cắp, chẳng phải là việc làm để báo ân vị Liêu chủ. Nhiều hành động tức giận, thiếu cử chỉ hoan hỷ, không thuận theo với duyên bệnh, chẳng phải là việc làm để báo ân vị Đường chủ. Tắm gội khua bồn chậu có tiếng, dùng nước không dè xẻn, chẳng phải là việc làm để báo ân vị Dục chủ, Thủy đầu. Chỉ nghĩ lợi ích cho bản thân được ấm áp, làm trở ngại mọi người, chẳng phải là việc làm để báo ân vị Lô đầu, Ma đầu, Trang chủ. Khạc nhổ lên tường vách, bừa bãi khắp nơi, chẳng phải là việc làm để báo ân vị Tịnh đầu. Chuyên chuộng vẻ uy nghiêm bên ngoài, hoàn toàn không khéo dạy dỗ, chẳng phải là việc làm để báo ân vị Tịnh nhân.

Bởi do, gió cuốn ngàn vòng mà có chỗ chưa khắp hết. Vì vậy, chỉ cần biết bỏ điều dở, theo điều hay, cùng nhau làm tròn nhiệm vụ của người xuất gia là quý rồi! Điều mong mỏi là ở trong hang sư tử phải trở thành sư tử, nương trong vườn chiên-đàn phải trở nên chiên-đàn, khiến cho đời này dù cách sau năm trăm năm đi nữa cũng được thấy lại pháp hội Linh sơn như thuở nào. Thế thì, pháp môn hưng thịnh hay suy vong đều do ở tăng đồ. Tăng-già là ruộng phước quy kính nên phải tôn trọng. Hễ ngôi Tam bảo được tôn trọng thì Phật pháp cũng được tôn trọng, bằng ngược lại Tăng bảo bị khinh rẻ thì Phật pháp sẽ bị khinh rẻ. Cho nên trong thiền môn giữ gìn đã nghiêm túc, thì ngoài đàn tín lòng bảo hộ phải kính cẩn. Nếu vị chủ nhân do việc cơm cháo một khi cảm hóa được nhà vua cúng dường hay vị chấp sự trong tùng lâm tình cờ được đảm nhận quyền tước, thì vị ấy cũng thường phải đem lòng kính ngưỡng bạn cùng tu, chứ không nên càn quấy, tự cậy mình là cao quý rồi sinh tâm bắt nạt Tăng chúng. Nếu hống hách, ngạo mạn đem việc tư trả cho việc công, thì hãy nhớ cho rằng, trên đời này muôn việc đều vô thường, đâu thể còn mãi. Lỡ một mai sa cơ, thất thế, đành phải về nương với chúng Tăng thì chừng đó còn mặt mũi nào mà nhìn lại nhau. Nhân quả không bao giờ sai chạy, e khó mà quanh lánh được! Phải biết Tăng-già là hàng Phật tử, phải được ứng cúng bình đẳng, không có riêng khác. Vì địa vị của Tăng-già được cõi trời, cõi người thảy đều cung kính. Cho nên hai thời cơm cháo, lẽ ra phải tinh thành đầy đủ, bốn thứ cần dùng cúng dường đừng để thiếu hụt.

Hai ngàn năm di ấm của Đức Thế Tôn, vẫn còn che chở cho con cháu muôn đời, một phần nhỏ công đức của tướng ánh sáng sợi lông trắng, cũng đủ để thọ dụng không cùng. Vì vậy, chỉ cần phụng sự chúng

Tăng chứ không nên lo lắng thiếu hụt. Tăng-già bất cứ là Phàm hay Thánh, đều chung nhóm họp mười phương. Đã nói là của Chiêu-Đề, thì mọi người đều có phần, đâu nên sinh tâm phân biệt, khinh chán khách tăng. Chỉ cần nghỉ qua liêu ba hôm trở lên thì có quyền trở lại, trụ xứ ấy phải đem hết lễ mà giúp đỡ vật cần dùng. Người ở tạm trước nhà tăng, nghỉ ngơi qua bữa thì trụ xứ cũng phải có tâm bình đẳng mà cúng dường vật dụng. Tục khách còn trông nom tiếp đãi, Tăng-già đâu nỡ chẳng biết rước mời. Nếu không có lòng nhỏ hẹp, thì tự có phước báo vô cùng. Trong chùa sống hòa hợp, trên dưới cùng một lòng, sinh hoạt qua lại với nhau lỡ có điều gì tốt đẹp hay xấu dở thì phải thay nhau mà che giấu để xây dựng. Điều dở xấu trong nhà, đừng để người ngoài nghe biết. Dù vậy, đối với vấn đề mặc dù không bị tổn thương đến danh dự nhưng

rốt ráo cũng sẽ giảm đi số đàn-việt chiêm ngưỡng! Ví như trùng trong thân sư tử, tự ăn thịt sư tử, chứ chẳng phải do ngoại đạo, thiên ma phá hoại được. Nếu muốn cho Tông phong đạo pháp không suy đồi, mặt trời Phật pháp thường sáng tỏ, hưng thịnh, chốn Tổ được rực rỡ, giúp đỡ Hoàng triều được Phật hóa, thì xin hãy lấy văn này làm gương soi rùa nghiệm!

BÀI CHÂM QUY DẠY CHÚNG CỦA THIỀN SƯ TỪ THỤ

(bản ở chùa Thọ vô lượng so với văn này có chỗ hơi khác, nhưng ý chính thì đồng)

Trong tùng lâm, những nghi thức hành trì như khi thăng đường, niệm tụng, đọc kinh, tiểu tham phải đánh hiệu kiền-chùy nhóm hợp, đại chúng đến trước. Dù là hàng Thượng sĩ du phương cũng phải giữ gìn phép tắc bên mình, đâu nên có những cử chỉ chống trái biếng lười đến đỗi phải bị người khác kiểm điểm. Lỡ một lần có thể thứ, chứ phạm nữa thì đâu được thông qua! Nếu người nào không nghĩ đến chân phong của Tổ Bách Trượng, thì chắc chắn sẽ được nếm sự quở trách của Ngài Đầu Tử. Khi bảng chỉ tịnh vừa treo, mọi người phải giữ yên lặng. Dù là lúc chưa treo bảng đi nữa, cũng đâu được phép cười nói tự do ồn ào. Đức Phật xưa có dạy: phải giữ cửa miệng như khéo giữ miệng mình. Trong mười hai giờ phải luôn luôn nín lặng, nếu không thu nhiếp ba nghiệp trong phạm vi giới luật thì muôn điều họa hại sẽ sinh ra lúc nào mà ta cũng không hay biết. Phải khéo làm quen với phong thái của ngài Lỗ tổ, im miệng treo trên vách. Trong thư phòng của mình, trên bàn phải thường giữ cho sạch sẽ, chỉ nên để tráp hương văn kinh, sách thiền cốt sắp đặt sao cho ngay thẳng. Không nên bày để những văn tự thế tục, còn các thứ cần dùng như thuốc men, lò hương, v.v… thì nên cất gọn dưới gầm bàn. Những việc như tụng kinh to át tiếng người khác, nhóm họp nhiều người nói cười ầm ỉ, đứng ngồi không nghiêm trang, dựa vào bàn vách khinh dễ đại chúng, luống chiếm phần bàn, phơi đồ che ánh sáng nơi song cửa, đều là những hành động trái với luật nghi, trong tùng lâm đâu có phép như thế. Lúc nào cũng phải đoan chính thân tâm, lặng lẽ mà mở tìm, xét kỹ lời Phật dạy, cho khế hợp nơi lòng dạ, mới không luống uổng thời gian lúc mở kinh xem và mới hiểu được Thánh ý khi xem kinh. Thường ngày các bạn đạo ngồi gần rất kỵ việc dụm đầu kề tai nói chuyện tạp. Khách khứa thăm nhau, theo lễ không tránh khỏi, thì khi trà nước vừa xong, câu chuyện cũng nên tạm dứt, đưa nhau rời khỏi phòng liêu, không nên ở lâu trong chúng. Nếu là bạn đạo quen xưa, thì nên đưa nhau ra dưới rừng bên suối, đừng để mọi người bị dao động mất chánh niệm, đều là việc tăng sĩ không được làm, nên ngoặc xuôi nét bút bỏ đi. Trong giờ thọ trai phải tuyệt đối yên lặng, sau bữa cơm trở về liêu, mới được cùng nhau bày tỏ lời thăm hỏi, cho biết thứ bậc Thượng, Trung, Hạ tọa, phải giữ lễ cung kính làm đầu. Nếu không như thế chính là hành động khinh người mạn mình. Sau giờ tham học có mở lồng lấy thức ăn, phải thưa qua vị Tri liêu biết. Lúc ra mở sáo phải chú ý đỡ tay sau. Lên giường ngồi thiền không được để thòng áo xuống đất. Cử động, kinh hành phải cất bước từ từ, khiến người động niệm ma chướng dễ sinh, động miệng chảy vàng nhà mình có vui gì. Những việc giặt y, may vá phải để sau giờ thọ trai, việc không gấp rút thì đừng để cho đạo nghiệp bị quýnh quáng. Không nên dùng nước nóng giặt y, rửa mặt. Đứng trên cao mà sửa giầy, gắn đơn, lén nấu ăn riêng, cất giấu thức ăn. Trên ông trúc phải biết chỉ để vắt đồ sạch mà thôi! Dùng bàn ủi phải xem lúc rảnh hay bận. Nếu để riêng một nơi, e cản trở lúc đại chúng cần dùng. Bậc Thánh xưa cũng có lúc vá áo ngăn lạnh nhưng may vá rồi thì thôi, chứ đâu suốt ngày cứ giữ việc may vá. Việc nấu nướng châm trà lúc tiểu tham cũng là thịnh lễ của tùng lâm, cho nên phải đợi đại chúng nhóm họp xong, mới được ngồi xuống. Muốn thu dọn bát đĩa phải đợi mọi người lui hết. Lén giấu trà vụn, sẽ bị kẻ bàng quan chê cười. Xá người một tay là phép tắc gì? Có lý do không đến họp phải bạch với vị Tri liêu. Dù là lúc Tiểu tham ngồi uống trà, cũng thường phải có mặt không được lẫn tránh. Người mới đến tùng lâm khi vào liêu, phải giữ tâm nhún nhường. Chưa am tường phép tắc, nên thưa hỏi bậc kỳ túc. Phép tắc mỗi địa phương đều vì người mà đặt ra. Những việc như để đồ chiếm chỗ, không cần phải làm vội, khoản đãi cho tử tế, tự nhiên được yên ổn dễ dàng. Vào liêu nấu thức ăn, vốn là vì mọi người, tâm ý phải chí thành và trà nước phải uống chung. Làm xong việc phải để lại chỗ cũ. Rót dùng hết nước nóng trong bình thì phải châm thêm. Lúc đi dạo ngoài sông núi, nếu có bàn luận điều gì thì thường giữ theo giới luật, mở miệng như giương cung, thốt lời như tên bắn. Việc phải quấy, phẩm chất của người khác bàn nói chuyện tiền bạc, cơm gạo, quở gió mắng mưa, thì hãy coi chừng tai vách mạch rừng, pháp luật chẳng có phân biệt thân sơ. Bỗng chốc miệng hố gặp hại, lúc đó mới thấy đầu nhọn nhô hẳn ra. Hễ gặp lúc Trà-tỳ các vong tăng, dù gặp trời nóng hay mưa đều nên đến dự. Phải sinh tâm thương xót, cùng vận tâm từ hộ niệm, vì sợ người sống kia suông chết uổng, miệng trì kinh chú, vai gánh củi khô chứ đâu nên điên rồ buông tiếng nói cười. Y bát của người mất nếu có cổ xướng chia đều vốn vì dẹp bỏ lòng tham của mọi người. Thế mà người đời sau không hiểu lại sinh lòng tham tiếc trộm so đo tốt xấu lén chọn lựa mới cũ. Xấu thì xướng giá chia đều, tốt thì cất lại phần mình, như kẻ thường dân buôn bán, không biết trách lại mình, còn chê khen mắc rẻ, khiến kẻ thức giả bàng quan phải mắc cỡ đến hổ ngươi. Nếu là bậc Hảo môn Thượng sĩ hoặc Thiền viện cao tăng có nhận mua đi nữa cũng chỉ vì người mất mà kết duyên đó thôi. Như thế mới không bị người sống chê cười. Sinh hoạt trong tăng đoàn phải khéo mềm mỏng hòa thuận, trên dưới dễ xem. Còn ngã mạn cống cao thì Thánh hiền không giúp. Ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh trong mười hai thời mỗi hành động đều thấy rõ. Xuyên thẳng qua điện đường, đâu chẳng là kẻ dày mặt. Xông xáo trong điện thờ, e chuốc lấy phước mỏng. Áo vá để mặc vào nhà xí, dép cỏ đi dạo núi rừng đều không bước lên chốn pháp đường đi quanh chỗ bậc kỳ túc. Canh năm dậy rửa mặt là vốn vì việc tu hành. Khạc nhổ kéo bồn chậu ầm ỉ đại chúng. Trong nhà tối động niệm, tự mình mê muội mà không biết. Ngày qua tháng lại, mặt võ mình gầy. Tắm nước nóng phải biết tiết kiệm, thẻ dùng trong nhà xí cũng đừng lấy. Làm phước tuy nhiều, chẳng bằng lánh tội. Khạc nhổ nơi phòng nhà, gãi đầu trên bàn đọc sách, trái với Thánh hiền, tự ý làm theo ý mình. Hằng giờ luôn xem xét, mỗi bước phải đề phòng, mau phải quên bỏ thân tâm, liền đẹp tỏ lòng dạ. Mười ngày coi liêu thay nhau cung dưỡng (nuôi nấng). Thức khuya dậy sớm cốt phải tinh thành, khổ nhục, lao tâm, trước người sau mình. Y bát của đại chúng rất phải giữ gìn, một việc không chu toàn, mọi người sẽ động niệm. Nấu trà, quét đất, thay nước, đốt ngang, đừng bảo nước lạnh đổ vào bình nóng, khỏi thấy chúng Tăng phiền não. Thủ tọa trong liêu, công việc cốt phải nhu hòa. Trước phải làm theo khuôn phép, chừng mực tự mình ổn định. Đúng giờ lên lớp học (pháp tòa), lựa lời ngắn gọn mà thưa bàn. Nếu có một việc không chu toàn, thì mọi người sẽ chê bai. Dạo núi xem nước ra vào có lúc. Hễ gặp đạo nhân có tánh xấu thì phải khéo dùng lời khuyên dụ, nếu chẳng nghe theo thì nên thưa trình với thầy Trụ trì. Biết giữ điều lành ngăn điều dữ, gìn lòng tịnh tín của đàn na. Khi cạo tóc, lúc hơ lò, theo lẽ phải nhún nhường, khiêm tốn.

Những phép tắc trên đây đã trình bày rõ hết, phải vui lòng nghe theo. Hằng ngày, trong mỗi giờ đều nên lưu tâm để ý. Mỗi cử chỉ đều phải khéo léo, không thể hơn ba lần gọi không quay đầu thì nhóm họp có ích gì. Huống chi lòng trần khó quét, tánh nước dễ trôi. Người căn khí bậc trung phải được lòng người trên, kẻ dưới. Ngài Khắc Tân bút chiến pháp Thiền không thắng, từng bị phạt phải đền cơm cho đại chúng. Ông Văn Viễn tranh thiền thắng bại phải nộp hai cái bánh bột báng đã treo trong tùng lâm, kẻ hậu học phải vâng theo. Tiên sư tôi chẳng nói hai thiền phái, chỉ muốn phạt mười sáu lạng dầu.

Bài tụng rằng:

Rùa đen rút cổ khi gặp đốt cỏ ngải

Ngàn xưa khiến người cười mãi không thôi

Kính khuyên đời sau phải mở rộng tầm mắt

Chớ để bị phạt một cân dầu.

LỜI GIA HUẤN CỦA HÒA THƯỢNG TIẾU ÔNG

Ngày cũng thế đêm thì cũng thế

Khi ngủ nên sau, dậy nên trước

Dọn giường gấp chăn lúc đánh thức

Đi đứng xoay trở phải khoan thai.

Cháo sáng ăn xong chớ đùa giỡn

Rửa mặt súc miệng dùng ít nước

Khi đầu ngứa gãi thì phải tắm

Khăn tay khô sạch chẳng hại nhau.

Vắng lặng thân tâm khi mở bát

Gắp trước bằng đũa, ăn bằng thìa

Khăn ăn thu dọn phải chờ sau

Hai bên kính lễ đừng cho thiếu

Cháo xong kính lễ uống trà sau cơm

Phóng tham, dược thạch chớ ồn ào

Ra nhà vào cửa hợp khuôn phép

Như thấy tùng lâm có vị tác giả

Tòa cao đầu cửa bảng đinh đang

Là Thiền hòa nào dám vào nhà

Với phạt trăm tiền có thể được

Treo cao trên bảng rất khó chịu

Khi vào nhà thăng đường niệm tụng

Làm theo khuôn phép, đủ oai nghi

Gần đây có bọn không hổ thẹn

Mặc áo dài cánh tay áo nhỏ.

Cởi áo mang giầy phải chỉnh tề

Đóng cửa phải chậm buông thẻ xuống

Thầm trì lời chú búng ngón tay

Thùng sạch phải dùng tay mặt xách.

Vào tắm mặc áo phải cung kính

Cần nước nóng, đánh bảng khoan thai

Đồ dơ không để bên chậu tắm

Hai chân sao lại để trong thùng

Lễ bái, trì kinh đuổi ma ngủ

Không nên lấy đây mà khoe khoang

Một mai lòi ra mắt mẹ sinh

Dùng thuốc mới biết bệnh càng nhiều

Nón đội khăn lưng khách Vân Thủy

Tìm thầy chớ sợ nhọc phải siêng

Pháp môn đạm bạc, phải giữ gìn

Chớ học thói thường quân chữa lửa.

LỜI TIỂU THAM CỦA THIỀN SƯ TỬ TÂM NGỘ TÂN Ở CHÙA HOÀNG LONG

Tiểu tham Nghĩa là lời dạy trong nhà. Sao gọi là lời dạy trong nhà? Ví như một gia đình có năm ba người con, đứa lớn hôm nay làm việc gì, đứa nhỏ hôm nay làm việc gì, đúng hay sai? Đến chiều trở về, cha mẹ sẽ xét đoán lại từng việc. Trong tùng lâm cũng giống như thế, hôm nay chúng Tăng làm việc gì, đúng hay sai? Vị trụ trì sẽ nhóm chúng lại xử đoán từng việc. Nhìn lại thời nay, tùng lâm ngày càng suy tàn, trình độ các tăng sĩ thua sút kém đến đỗi không thể nói được! Có một bọn người xưng là trụ trì mà học hành dốt nát. Viết thư từ, gởi tin tức, rong ruổi khắp nơi để tìm chùa ở. Khi tìm được chùa rồi thì họ lựa ngày lựa giờ để nhập tự. Lại tự xưng là Trưởng lão, trong phương trượng thì tự tại, thọ hưởng vui sướng, những bọn người này thật đáng gọi là cặn bã của địa ngục! Ngày nay trong tùng lâm nếu có bàn luận đến việc tham thiền thì thật khó mà tìm được người am hiểu. Ta nhìn thấy ngươi ví như thấy bọn họ ở trong đó, tâm thì sân hận, miệng thì lầm bầm, thế mà nói là hiểu thiền, hiểu đạo. Còn lúc vào trong phương trượng thì mồm miệng lẹ làng, có nắm được vài câu chuyển ngữ thì liền bung ra, đạo lý đâu phải như thế! Lại có một bọn người trình độ rất kém, vừa hiểu được ngoan không liền nói đạo chỉ là việc này. Lại có một bọn người nói là thấy được ánh sáng trong hư không. Lại có một bọn người nói có không đều sai. Thật quá sai lầm, dù có tìm cách cứu vớt họ, cũng không được. Những bọn người này chỉ biết lo cho bản thân họ được an vui mà thôi. Đừng bảo rằng một mai họ bị bệnh đưa vào nhà Diên Thọ mà họ không như con cua bị bỏ vào nồi nước sôi, tay chân quờ quạng. Nói thấy thần thấy quỷ, rồi chạy rong khắp nơi để tìm thầy chạy thuốc, bói lành, bói dữ, hỏi tốt hỏi xấu. Ngươi há không biết Đức Phật Như Lai của chúng ta là bậc Y Vương trong ba cõi, là vị cha lành của bốn loài, có khả năng trị lành tất cả tâm bệnh của chúng sinh. Chỉ vì người không chịu tin, lại hướng ra bên ngoài mà tìm cầu, nên mới bị bọn tà ma yêu mị xâm nhập tâm người. Có được mớ kiến giải như thế, mà muốn biết được tâm người hay sao? Ví như vầng mặt trời giữa ban ngày, khắp thiên hạ đều sáng tỏ, mà trong kia lại có một chỗ bị tối tăm. Nếu đã đạt đến địa vị liễu ngộ, thì đâu còn có gì là quẻ lành quẻ dữ, điều phải điều quấy, chuyện tốt chuyện xấu, có khả năng vượt lên trên chuyện phải quấy mà ngồi nằm tự tại. Cho đến phòng dâm quán rượu, hang hổ cung ma đều là chỗ hành đạo tốt cho chúng ta an thân lập mạng. Chỉ vì từ vô lượng kiếp đến nay con người bị nghiệp thức ngăn che dầy đặc, trong tâm gàn gàn dở dở, rịt rịt ràng ràng, không có lòng tin nên bị vòng tình ái thế gian trói buộc. Được thân người thì điên đảo lộn xộn. Người Quảng Nam thì giúp đỡ người Quảng Nam, người Hoài Nam thì giúp đỡ người Hoài Nam, người Hà Bắc thì giúp đỡ người Hà Bắc, người Hồ Nam thì giúp đỡ người Hồ Nam, người Phúc Kiến thì giúp đỡ người Phúc Kiến, tăng Tứ Xuyên thì giúp đỡ tăng Tứ Xuyên, tăng Triết Giang thì giúp đỡ tăng Triết Giang. Họ nói vị trụ trì chùa là người cùng quê tôi thì tôi giúp đỡ ông ta. Nhưng lỡ một mai có một điều gì lo không làm tròn cho họ, thì họ lại sinh ra chuyện phải quấy. Nói về chỗ thân tình ấy thật là khổ lắm! Những kẻ đi vân du như thế là che giấu cái vẻ giết người, họ khác gì cái dao cùn để giết người! Nếu là bọn người ấy thì nên vạch một vạch cho đứt hẳn, ngõ hầu còn có được ít nhiều điều thong thả tự do. Còn nếu vạch không đứt thì e rằng chỗ chỗ sẽ bị tình thân ái trói buộc. Hễ thích mầu sắc thì bị mầu sắc trói buộc, thích chùa chiền thì bị chùa chiền trói buộc, thích tiếng tăm thì bị tiếng tăm trói buộc, thích lợi lộc thì bị lợi lộc trói buộc, thích thân xác thì bị thân xác trói buộc, sao người không lui lại một bước mà nghĩ lường xem. Cái đãy da hôi thối này của ngươi có chỗ nào là tốt đẹp đâu? Lúc đó chỉ vì người khởi ra một niệm tâm luyến ái, liền chui vào thai mẹ nhận lấy tinh huyết của cha mẹ lúc giao cấu mà thành ra một hòn máu đặc. Khi người mẹ ăn đồ nóng thì cảm giác như ở địa ngục vạc dầu sôi. Khi mẹ ăn đồ lạnh thì cảm giác như ở trong địa ngục băng giá. Đến khi từ trong thai mẹ trồi ra thì phải chịu bao sự lạnh, nóng, đói, no, bệnh khổ, nung nấu ép ngặt mãi đến ngày hôm nay. Chỉ vì ngươi không thể quán chiếu trở lại, nên mới có những chuyện phải quấy, sinh diệt như thế. Hễ đây sống thì kia chết, kia chết thì đây sống. Sống sống chết chết, chết chết sống sống, trôi giạt theo nghiệp thức mà chịu quả báo không lúc nào thôi dứt. Gần đây, lại có một bọn chủ chùa gom được một số tiền liền mua độ điệp, cạo râu tóc, mặc ca sa y Phật. Tư cách của họ chủ tớ không phân, lúa đậu cũng không biệt, những kẻ này trà trộn trong giáo pháp, chỉ phá hoại giáo pháp của ta mà thôi. Một mặt họ chỉ lo trau chuốt tấm thân nhơ nhớp này, suốt ngày cứ thoa lưng vỗ đùi, càn huyền rồi nghĩa muốn làm ra vẻ người lớn, người lớn mà không làm được gì cả! Muốn làm được người lớn thì phải lùi lại, bước chẳng trước mặt hay sau lưng, môi chìu lưỡi nịnh, ghét tốt nói xấu. Nói chỗ này ăn uống đầy đủ, chỗ kia phòng liêu yên ổn, trong đạo pháp không dùng những người như thế.

Này các Thượng tọa, thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Thân này chẳng ngay đời này độ, còn đợi đời nào mới độ thân này? Người và mọi người muốn tham thiền chăng? Nếu muốn thì phải mau buông xuống, buông xuống cái gì? Buông xuống bốn đại năm uẩn này, và buông hết những nghiệp thức từ vô thỉ đến nay. Ngay gót chân của mình mà suy cho cùng, xem cho kỹ, đó là đạo lý gì? Suy đi nghĩ lại đến một ngày nào đó mà bất chợt hoa lòng nở tỏ, soi sáng khắp các cõi mười phương, lúc đó mới đáng gọi là được ở trong lòng, nắm ở trong tay. Liền có thể biến mặt đất thành chất vàng ròng, khuấy sông dài thành vị tô lạc. Như thế há không vui xướng một đời sao? Đâu phải chỉ dòm trên sách mà đọc câu, đọc kệ, tìm đạo, tìm thiền. Vì đạo này thiền vốn ở trong sách, dù có học hết ba tạng kinh điển, cùng sách vở của trăm nhà, cũng chỉ ở trong phạm vi ngôn ngữ suông mà thôi. Đến lúc sắp chết đều không dùng được gì cả. Người xưa, khi tỏ ngộ rồi mới cầu vị minh sư xét năng lực mình, để gạn bỏ đi sỏi đá, cho rặt một thứ chân thật. Cầm cân định lạng, giống như việc mở cửa hàng tạp hóa, chẳng thứ nào không có. Người đến mua cam thảo thì lấy cam thảo cho người, người đến mua hoàng liên thì lấy hoàng liên cho người, chứ không nên mua hoàng liên lại đem cam thảo cho người. Lại như người có một khối vàng cho vào lửa để nung nấu, nung tới nung lui cho được thuần thục rồi mới để lên kềm chày mà chạm ra bình, trâm, mâm, vòng. Bình nặng mấy lạng, mâm nặng mấy lạng, mỗi thứ cân lượng rõ ràng. Sau đó mới đem bình, mâm, trâm, vòng này nhồi lại thành một khối vàng, như vậy mới gọi là pháp môn một vị bình đẳng. Nếu không như thế thì đều là chân như ngu ngơ, Phật tánh mơ hồ, thì ông là gì? Ông còn tin gì? Vừa rồi, Sơn tăng đáp lời vị tăng nọ về bốn đạo chuyển ngữ: Trong chết có sống, trong sống có chết, trong chết sợ chết, trong sống sợ sống, dùng bốn chuyển ngữ này nghiệm xét hết các nạp tăng trong thiên hạ, hãy nói nạp tăng trong thiên hạ lấy gì để nghiệm xét. Giây lâu nói: Đại thể lại người gân xương tốt, chẳng phải hồng phấn cũng phong lưu (ngữ lục).

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10