Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 67
Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày: 24 tháng 06 năm 2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội- HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “ Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”. Hôm nay chúng ta học tiếp về “duyên khởi thập nghĩa” đoạn thứ hai:

2- Hổ biến tương tư nghĩa. Hổ biến tương tư giả, vị chư pháp sở khởi, cánh hổ châu biến, tương ưng tư trợ, phương thành duyên khởi dã. Như nhất duyên biến ứng đa duyên, thử nhất tắc cụ đa, nhất nhược bất đa, nhất tắc ứng bất biến, bất thành duyên khởi. Đương tri thử pháp giới trung, nhất duyên cụ đa, pháp pháp giai nhĩ, vô bất hổ biến tương tư”. Chúng ta xem đến đoạn này.

Ở trước chúng ta học qua “ Chư duyên các dị”. Bây giờ học tiếp “hổ biến tương tư”, tức nói rõ về sự sanh khởi của các pháp trong vũ trụ. Kinh Hoa Nghiêm nói là vô lượng nhân duyên và đã được quy nạp thành mười loại lớn, để tiện trong việc dạy học. Trước đây chúng ta đã học qua hai lần Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán. Ba đoạn ở trước của Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán nói về những chân tướng sự thật của vũ trụ, vạn vật, sinh mạng, thậm chí nói đến cái “ta” từ đâu đến? Tại sao sanh khởi? Vì sao lại sanh khởi? Nói về chân tướng sự thật này. Trong Hoàn Nguyên Quán nói về cương lĩnh, và nói về điều này rất tường tận.

“Hổ biến tương tư” : Trong Hoàn Nguyên Quán đưa ra ví dụ là nhất trần. Một vi trần chu biến pháp giới, một vi trần xuất sanh vô tận. Quý vị thư nghĩ xem, đây có phải là vô lượng nhân duyên không? Một vi trần hàm dung không hữu. Ba câu này nói về duyên khởi một cách rốt ráo tận cùng. Một vi trần cũng vậy mà tất cả vi trần cũng như vậy.

Hổ biến: hổ tương chu biến. Các nhà khoa học lượng tử ngày nay cho ta biết, mỗi tiểu quang tử trong lượng tử quần đều có hiện tượng dao động. Giới khoa học đem hiện tượng này ví dụ như một đài phóng xạ, như ti vi, như đài phóng xạ mạng Internet. Cần phải biết khi nói đến chân tướng thì mỗi tiểu quang tử là một đài phóng xạ, mỗi tiểu quang tử đều là một đài tiếp thu. Tốc độ nó phát đi rất nhanh, lập tức liền toả khắp pháp giới. Trên thực tế mà nói hoạt động của tiểu quang tử siêu việt cả thời gian lẫn không gian, nó không giới hạn chỉ trong thời gian và không gian, sự dao động yếu ớt trải khắp pháp giới như vậy, đó là hổ biến.

Tương tư nghĩa là gì? là xuất sanh vô tận. Vì sao? Vì tất cả những hiện tượng trong pháp giới đều là tổ hợp của những lượng tử quần này. Đây là giúp đỡ lẫn nhau, thành tựu thập pháp giới y chánh trang nghiêm. Cho nên các nhà khoa học đã dùng một hình dung từ, hình dung một cách rất rõ ràng. Ông ta nói hình như lượng tử quần trong vũ trụ, bên dưới của nó giống như một tầng lưới rất lớn vậy, một tầng lưới rất lớn, hổ tương thông đạt, hổ tương liên kết với nhau. Cho nên bất cứ một chút chấn động nhỏ nào, tất nhiên toàn bộ mãng lưới lập tức biết được. “Hổ biến tương tư”  thực sự giống như một tấm lưới lớn vậy.

Cho nên câu dưới nói: “Chư pháp sở khởi, cánh hổ chu biến, tương ưng tư trợ”.

Ai ở đó chỉ huy? Những tiểu quang tử này nghe lời của ai? Sự sanh khởi của nó, xuất hiện của nó trong khoa học gọi là năng lượng. Có nguyên nhân không? Nó không có nguyên nhân. Khi nào bắt đầu? nó không có bắt đầu. Trong Phật pháp nói “ở ngay đây”. Cách nói này là chân tướng_ chân tướng sự thật. Không gian và thời gian đều từ phân biệt chấp trước của chúng ta mà có. Tất cả hiện tượng sanh khởi, trong niệm đầu tiên không có phân biệt, không có chấp trước. Duy trì được niệm này, là duy trì ở nơi nhất chân pháp giới, là ở thật báo trang nghiêm độ của Chư Phật Như Lai. Thực tế mà nói thì cũng chính là mỗi chúng ta, chính là thật báo trang nghiêm độ của tất cả chúng sanh. Vì thật báo trang nghiêm độ nó giống nhau, cùng chung một đạo lý. Trong đó có người, cây cỏ hoa lá, cũng có sơn hà đại địa. Vì sao lại có loại tình trạng này? Các nhà lượng tử học giúp đỡ chúng ta rất nhiều. Họ phát hiện tất cả vật chất đều là những lượng tử quần, do tần suất chấn động sai khác mà sản sanh. Tần suất chấn động chậm một chút thì biến thành đá, thành khoáng vật, sơn hà đại địa, còn tần suất biến động nhanh hơn, thì biến thành thực vật cây cỏ hoa lá và nhanh hơn nữa thì biến thành động vật.

Ở trong nhất chân pháp giới, chỉ có người không có các động vật khác. Vì sao vậy? Vì động vật là súc sanh. Súc sanh là do ngu si chiêu cảm ra. Người ở trong nhất chân pháp giới giác mà không mê, nên nó không có đường súc sanh. Chúng ta nói chỉ có cõi trời cõi người, trong lục đạo chỉ có cõi trời cõi người, bốn cõi khác đều không có. Như Cực Lạc Thế Giới có cõi trời cõi người. Còn cõi Thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai có cõi trời cõi người chăng? Không có. Vì người ở trong cõi Thật báo đều minh tâm kiến tánh. Minh tâm kiến tánh là Bồ Tát, không phải phổ thông Bồ Tát mà là Pháp Thân Bồ Tát. Cho nên ở trong đó chẳng những không có nhân thiên, đến cả dục giới thiên, sắc giới thiên đều không có, cũng không có pháp giới Tứ thánh.

Tứ thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật. Thập pháp giới nó không có. Nó trên cả thập pháp giới. Cho nên thế giới Tây Phương Cực Lạc vô cùng đặc thù, phiền não chưa đoạn cũng có thể vãng sanh, sanh vào cõi Thánh phàm đồng cư của Phật A Di Đà, đây là một thí dụ rất đặc biệt, thực sự tìm không thấy ở các thế giới khác. Cho nên chúng ta nói Tây Phương Cực lạc có cõi trời cõi người, không có A Tu la đạo, không có tam ác đạo. Mặc dù mang theo nghiệp tập đi đến Tây Phương Cực lạc. Đối với Thế Giới Cực Lạc không có duyên, không có duyên, thì những chúng sanh trong đường bất thiện sẽ không xuất hiện.

Duyên khởi, nó không có duyên này. Trong Kinh Phật dạy: Duyên chủ yếu của cõi A Tu la là gì? là  cống cao ngã mạn. Niệm Phật vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, có tập khí cống cao ngã mạn, có chủng tử trong A lại da, nhưng trong thế giới đó không có cơ duyên để ta khởi cống cao ngã mạn. Tham là đường ác quỷ, sân nhuế là đường địa ngục, ngu si là đường súc sanh. Ở Thế Giới Cực Lạc duyên của tham sân si đều đoạn rồi, mặc dù có tập khí, tập khí là chủng tử nghiệp tập trong A lại da, không có duyên nó sẽ không hiện hành. Thế giới Cực Lạc này vô cùng thù thắng. Tham với tham tương cảm, sân với sân tương ưng. Thế giới Cực Lạc không có vật gì dẫn khởi quí vị phiền não. Chư Phật Như Lai thị hiện ở các thế giới khác, sau khi chúng ta hiểu rõ cần phải giác ngộ phải học tập. Chúng ta không có cách nào để thay đổi thế giới này, thì cũng nên thay đổi chính mình.

Các vị Tổ sư thường nói: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”. Câu này ý nói ta không có năng lực thay đổi người khác, nhưng ta có năng lực thay đổi chính mình. Tự mình thật sự đã thay đổi rồi thì có ảnh hưởng người khác không? Có ảnh hưởng. Vì sao? Vì hổ biến tương tư. Làm gì có chuyện không ảnh hưởng. Ảnh hưởng dường như không có cảm ứng. Không có cảm ứng là vì chúng ta nghiệp chướng sâu nặng. Ý niệm, tự tánh biến hiện vật chất, vật chất chính là tự tánh, cho nên năng lượng của nó rất lớn, chỉ động một tí là chu biến pháp giới, năng lượng của nó lớn như vậy đó. Như vậy chúng ta có thể nghĩ Chư Phật Bồ tát trong mười phương pháp giới có bao nhiêu? Năng lượng các ngài phát ra thông tin ta đều nhận được. Khi nhận được không có cảm ứng là vì nghiệp chướng của chúng ta, điều này trước đây, Chương Gia Đại Sư nói với tôi.

Chướng ngại là gì? Chướng ngại này gọi là nghiệp chướng. Trong Phật pháp nói có hai loại. Nghiệp chướng rất nhiều nhưng có hai loại lớn. Một là phiền não, hai là sở chấp. Hai loại nghiệp chướng này ngăn trở chúng ta không có cách nào cảm nhận được thông tin. Vậy phải làm sao? Phổ Hiền thập nguyện dạy chúng ta sám trừ nghiệp chướng. Nếu có thể sám trừ nghiệp chướng, thì thông tin của mười phương Chư Phật Bồ tát, chúng ta có thể cảm ứng được, cảm ứng bất khả tư nghị.

Quý vị thử nghĩ xem, xã hội chúng ta bây giờ, các nhà khoa học họ rất thông minh, nên đã nghiên cứu và phát minh ra các khoa học kỹ thuật cao. Như mạng lưới truyền thông hiện nay của chúng ta, vệ tinh đài truyền hình không phải chính là nói hổ biến tương tư sao? Không phải là đạo lý này sao?

Sự thông minh của giới Khoa học có thể đem phương thức truyền tin này dùng phương pháp khoa học kỹ thuật có thể làm đến “hổ biến tương tư”. Chư Phật, Chư Bồ Tát minh tâm kiến tánh, thì sao các ngài làm không được. Cho nên chúng ta càng nghĩ càng có niềm tin, càng nghĩ càng khẳng định là không sai. Chúng ta tin rồi, hiểu rồi, khẳng định rồi thì tiếp theo nên sám trừ nghiệp chướng, khiến bản năng của ta trở về với chánh đạo.

Trong Kinh điển Đại Thừa, Đức Phật thời thời khắc khắc khuyến khích chúng ta buông bỏ chấp trước, chánh giác hiện tiền. Được như vậy mới bắt đầu có năng lực tiếp nhận một bộ phận thông tin. Thông tin này đến từ bốn phương tám hướng. Không những hiện tiền mà thông tin của quá khứ vị lai toàn bộ đều có thể nhận được. Trong Kinh Đức Phật nói: “Thụ cùng tam tế, hoành biến thập phương”. Cho nên nếu quí vị hỏi tại sao có năng lực lớn lao như vậy? Bởi vũ trụ là nhất thể. Điều này ở trước chúng ta đã học qua, nó là nhất thể, nên mới có sức mạnh lớn như vậy. Khả năng này trong tự tánh vốn nó đã đầy đủ. Phàm phu nghiệp chướng nặng, không thể hiện được mà thôi.

Đức Phật dạy tất cả chúng ta đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai. Tuy nói có ba sự việc, nhưng ba sự việc này bao quát hết toàn thể vũ trụ. Đại thừa giáo thường nói tánh tướng, lý sự, nhân quả đều bao hàm trong đó. Đức Phật không dạy chúng ta ngoài những điều này, Ngài chỉ dạy trở về tự tánh mà thôi. Trở về tự tánh là như Đức Phật vậy, không có một tí sai biệt nào. Tất cả chúng sanh với tất cả Chư Phật Như Lai là một chẳng phải hai. Chúng sanh mê hoặc điên đảo, nên phân biệt mình với người, đố kỵ, chướng ngại. Còn người giác ngộ không có. Người giác ngộ chỉ có một ý niệm là giúp đỡ chúng sanh chưa giác ngộ mau chóng giác ngộ. Đây là tánh đức, pháp cũng như vậy. Điều này nói rõ thêm những gì Hoàn Nguyên Quán đã nói, hiện tượng sanh khởi của tất cả các pháp là xuất sanh vô tận. Đây mới thành duyên khởi.

Câu dưới nói rõ “Như nhất duyên biến ứng đa duyên, thử nhất tắc cụ đa”. Trong một có nhiều, nó hổ tương nhau như một tấm lưới vậy, một ô lưới là đầy đủ tất cả các ô lưới. Tất cả trong ô lưới thành tựu một ô lưới này, “nhất tức thi đa, đa tức thị nhất, nhất đa bất nhị”. Cho nên “nhất nhược bất đa”, khi đã cảm ứng thì bất biến, bất biến nên “bất thành duyên khởi”.

Các nhà Lượng tử lực học nói với chúng ta_Căn cứ vào nghiên cứu phát hiện của họ, mỗi lạp tử nhỏ đều nên tôn trọng. Vì sao? Vì duyên khởi cần nương vào nó mà hổ biến tương tư, thiếu một cái cũng không được. Như trên thân của chúng ta, kết cấu của thân thể này. Bên ngoài có ngũ quan, bên trong thì có lục phủ ngũ tạng, thiếu một cái đều không được, đây là nói lớn để quí vị dễ hiểu, thiếu một cái cũng không được. Quá vi diệu!

Nguồn gốc vốn là một cái tế bào, tại sao lại lớn thành như vậy? Ai thao túng ở đó? Ai chủ tể ở đó? Điều này nói không được. Còn các tôn giáo nước ngoài thì nói là thần tạo. Vậy chúng ta hỏi nữa Thần do ai tạo? Trong Phật Pháp không nói Thần tạo, mà nói tự tánh bổn lai đều đầy đủ. Quí vị xem trí tuệ đức tướng, đây là đức tướng. Trí tuệ là tinh thần, đức tướng ở trong vật chất. Một tiểu quang tử tổ chức lại thành một thân người. Thân người này dùng quang tử để tính, số chữ này là lấy đơn vị triệu để đếm. Tổng cộng có bao nhiêu ức triệu mới tổ hợp thành thân người. Trừ chúng ta ra, còn tất cả vật chất đều không ngoại lệ, đó chính là vật này hợp thành. Giới Khoa học nói tổ chức hợp thành không giống nhau, là tần suất chấn động không tương đồng, có nhanh có chậm, và như vậy đã hình thành hiện tượng vật chất bất đồng, cũng là tần suất chấn động không đồng nhau, hiện tượng tinh thần không giống nhau, hiện tượng vật chất không giống nhau, chúng ta không dễ phát hiện. Nhưng hiện tượng tinh thần có thể phát hiện. Như chấn động khi chúng ta vui, khi nổi giận. Cái này sai biệt rất lớn, chúng ta cảm nhận được một cách rất rõ ràng. Khi nổi giận toàn thân nóng lên, còn khi bị giật mình thì toàn thân phát lạnh, rất dễ phát giác. Đây chính là tần suất chấn động không giống nhau.

Cho nên hiện tượng tinh thần và hiện tượng vật chất toàn là hiện tượng dao động, đến cuối cùng đều trở về dao động. Trong nhất duyên nhất định không thể thiếu chúng, gọi là “pháp pháp giai nhĩ”, bất cứ pháp nào cũng đều như vậy. Cho nên bất cứ pháp nào nó đều là bình đẳng, bất cứ pháp nào đều rất quan trọng, không có cái nào là không quan trọng.

Ở trong tất cả pháp, bất cứ hạt cơ bản nào đều quan trọng. Toàn bộ biến pháp giới, hư không giới, nhất định không thiếu nó được. Hạt cơ bản này có thể ở trên thân người, cũng có thể ở trên thân thực vật, cũng có thể ở trong khoáng vật. Nó là động chứ không phải tịnh, nó có thể ở trong quá khứ, vị lai. Nó siêu việt thời gian lẫn không gian. Hoạt động vượt qua thời gian và không gian. Khi xuất hiện ta biết được đó là huyễn tướng, khi nó tiêu diệt thì trở về  tự tánh. Như trong kinh Đức Phật dùng nước biển làm ví dụ. Tự tánh giống đại hải. Những hiện tượng này giống như nước biển nổi bong bóng vậy. Bong bóng có sanh có diệt. Khi sanh khởi nó từ nước biển ra, khi diệt thì trở về với biển lớn. Cho nên Đức Phật nói hiện tượng này gọi là bất sanh bất diệt. Trên thực tế Đức Phật dùng bong bóng và nước biển để ví dụ. Kỳ thực nó chính là tiểu quang tử mà các nhà lượng tử học nói. Tiểu quang tử sanh diệt tốc độ rất nhanh. Nó sanh như thế nào? Nó từ tánh sanh. Thể chính là tự tánh. Nhất niệm tự tánh động, liền xuất hiện thứ này. Khi động dập tắt, thì hiện tượng này không còn nữa, tốc độ rất nhanh.

Tại sao chúng ta có thể nhìn thấy? Chúng ta nhìn thấy là tướng tích luỹ liên tục, tướng tích lũy liên tục sanh ra hiện tượng này, không có cái nào là không hổ biến tương tư.

Trong kinh nói: “Tri dĩ nhất cố chúng, tri dĩ chúng cố nhất”. Hai câu này trong kinh Phật đã nói.

Tri là gì? tri tức là giác. Bất tri chính là mê. Nếu thật minh bạch thì giác ngộ. “Nhất tức thi đa, đa tức thị nhất, nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất”. Vì biến pháp giới, hư không giới là chúng ta nói mười pháp giới y chánh trang nghiêm, sẽ dễ dàng lãnh hội hơn. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm chính là “Nhất”_một. “Nhất” trong Phật pháp nói là vi trần, nó “hổ biến tương tư” mà thành. Lượng tử lực học ngày nay gọi là lượng tử. Đơn vị của lượng tử chính là tiểu quang tử. “Nhất” tuyệt đối không có “nhị”, nó hoàn toàn tương đồng. Nên biết, bất kể tổ hợp hiện tượng vật chất gì, nó hoàn toàn bình đẳng, không có sai biệt.

Chư Phật, Bồ tát với phàm phu sai biệt, chính là giác và mê không giống nhau. Phật dạy chúng ta giác ngộ. Chúng ta vốn là giác ngộ, nhưng hiện tại đang mê, làm sao để quay đầu? là phải nhìn thấu suốt và buông bỏ. Nên ở đoạn sau trong Hoàn Nguyên Quán dạy chúng ta “ngũ chỉ lục quán”. Chỉ là buông bỏ, quán là nhìn thấu tất cả. Nhìn thấu là hiểu rõ chân tướng sự thật. Thực sự hiểu rõ rồi, bất luận trước mắt là hiện tượng gì, ta cũng không khởi tâm động niệm, tự tánh bổn định. Tình trạng này trong Kinh Bát Nhã nói là “Bát Nhã vô tri”. Trạng thái này gọi là “căn bản trí”. Bát Nhã vô tri là căn bản trí. Khi khởi tác dụng thì vô sở bất tri, điều này lại khai thị cho chúng ta rất nhiều.

Chúng ta cầu trí huệ từ đâu? Từ trong thiền định. Trước cầu vô tri, Lão Tử biết Ngài dạy chúng ta trước cầu vô vi, sau đó mới có thể vô sở bất vi, tác dụng của nó rất lớn. Năng lượng đó thực sự lớn đến biến pháp giới, hư không giới. Bát nhã vô tri khi khởi tác dụng thì vô sở bất tri. Cho nên bình thường tâm cần phải thanh tịnh, một niệm cũng không sanh. Khi cảnh giới hiện tiền, không có gì mà ta không biết. Như vậy mới có thể chuyển cảnh giới, gọi là cảnh tuỳ tâm chuyển. đạo lý là như vậy.

3- Câu tồn vô ngại nghĩa. Câu tồn vô ngại giả,  vị phàm thị nhất duyên, yếu cụ tiền chi nhị nghĩa, phương thành duyên khởi vô ngại dã.

Đó chính là “chư duyên các dị, hổ biến tương tư”.  Ngày nay chúng ta nói về Lục hòa kính. Đạo lý này chúng ta phải hiểu “chư duyên các dị”. Người đồng phát tâm tu Lục hòa kính rất đông, mà mỗi người đều không giống nhau, nhưng chúng ta cần phải “hổ biến tương tư”, thì sự việc mới có thể làm một cách viên mãn. Cho nên mới gọi là “câu tồn vô ngại”. Đây mới có thể “phương thành duyên khởi vô ngại”.

Dưới đây là giải thích rằng: “Nhiên tất do các dị, phương đắc đãi duyên, tất do biến ứng, phương tự cụ đức”.

Đức ở đây là tánh đức. Chắc chắn là do các loại duyên khác nhau. Trong Phật Pháp nói vô lượng nhân duyên, thông thường quy nạp thành bốn loại lớn: Thân nhân duyên, Sở duyên duyên, Vô gián duyên và Tăng thượng duyên. Trong mỗi duyên đều có rất nhiều loại. Thân nhân duyên cũng có rất nhiều loại, nhưng cần phải nói đến căn bản, đó chính là tự tánh_đây là một loại. Cũng giống như gốc rễ của cây vậy, nhưng gốc rễ cây sẽ trưởng thành thân cây và cành cây, trên cành lại mọc lên nhánh cây, trên nhánh có lá, có hoa, có quả. Tất cả đều không rời căn bản này. Căn bản là tự tánh.

Nhìn từ tự tánh, vạn pháp là bình đẳng. Từ trong cái biến hoá tầng tầng lớp lớp của nó mà nói, thì tướng đều là hư vọng. Vì sao tướng là hư vọng? vì tướng có sanh diệt, tướng có biến hoá, bất luận là hình tướng như thế nào. Nhưng đạo lý này tất cả đều đầy đủ, không có ngoại lệ, mà còn là “tương tư”. Tương tư tức là hổ tương ảnh hưởng. Ý niệm của tinh thần, phản ứng của hiện tượng vật chất. Khoa học gia nói là vướng víu thì trong Phật pháp gọi là cảm ứng. Đối phương có cảm, chúng ta liền có ứng. Chúng ta có cảm, đối phương có ứng. Hai bên đều có cảm ứng, danh từ khoa học gọi là “vướng víu”, giống như vướng víu không dứt vậy, đây chính là hổ tương cảm ứng.

Cảm ứng cũng có mặt chánh, mặt phụ. Mặt chánh là tuỳ thuận tánh đức, còn mặt phụ là tương phản tánh đức. Bất luận là mặt chánh hay mặt phụ, không kể là vô tình hay cố ý. Tóm lại mà nói, mỗi niệm của ta đều đang phát xạ, và niệm niệm cũng đang tiếp thu, như vậy ta mới có thể “đới duyên”. Duyên tụ duyên tán. Khi duyên tụ thì thành hình, khi duyên tán thì biến mất. Từ lâu các nhà khoa học đã nói như vậy. Vật chất bất diệt, tinh thần bất diệt. Đây đều là chân tướng sự thật. Và đây cũng là “pháp vô định pháp” mà chúng ta học trước đây.

Nếu có sự nhất định, nó sẽ không có biến động. Nhưng nó không phải nhất định, chỉ cần gặp duyên nó sẽ biến hoá, đúng là xuất sanh vô tận. Tất cả pháp không cái nào chẳng như vậy. Trong cảm ứng hiển thị đầy đủ cái đức của nó. Đức là gì? đức là hỗ trợ, cho nên “ tự nhất đa nhất tự tại vô ngại”, “tự nhất đa nhất” ở sau có chú giải, cái gì gọi là “tự nhất đa nhất”? Họ đưa ra một ví dụ “vị như thập số trung”, một đến mười, nhất là chính mình “tự nhất”, đằng sau là nhị, tam, tứ, ngũ cho đến cửu, gọi là “đa nhất”. “Tự nhất đa nhất, tự tại vô ngại”. Dùng giáo đoàn của chúng ta làm ví dụ là dễ hiểu nhất. Một ban có 10 người, 10 người này là một đoàn thể nhỏ. Đối với chính tôi mà nói là “tự nhất”, còn chín người khác là “đa nhất”. “Tự nhất vô nhất, tự tại vô ngại”. Tự nhất tự tại, đoàn thể chúng ta cũng tự tại.

Trong kinh dạy: “Chư pháp vô sở y, đản tùng hoà hợp khởi”. Tất cả pháp đều có hiện tượng này, tất cả pháp không chỗ nương đều từ hoà hợp. Tức là chúng duyên hoà hợp mà hiện tướng hiện khởi. Hiện tướng là duyên tụ, tướng không có nữa thì duyên tan. Làm gì có hiện tướng này? Hiện tướng là giả, duyên tụ duyên tán. Từ chỗ này ta mới nhìn ra tướng không có thật_tướng là giả. Tụ hay tán cũng là duyên. Có duyên thì tướng tụ, không có duyên thì nó tán. Cho nên vô lượng nhân duyên thành tựu Y chánh trang nghiêm của mười pháp giới.

4- Dị thể tướng nhập nghĩa. Dị thể tướng nhập giả, vị chư pháp dị thể, đệ tướng thiệp nhập dã.

Loại này không những là hiện tượng tinh thần vô cùng rõ rệt. Hiện tượng vật chất cũng không ngoại lệ.

“Cái chư pháp lực dụng, đệ tướng y trì, phương thành duyên khởi, như nhất trì đa, tắc đa nhập nhất nội, như đa trì nhất, tắc nhất nhập đa nội dã”. Tất cả là nói về duyên khởi.

Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, những hiện tượng này toàn bộ đều trong cuộc sống hàng ngày. Khi ta nhìn sắc nghe âm thanh, tinh thần khởi tác dụng là thọ tưởng hành và thức. Chúng ta nhìn thấy rồi, chúng ta tiếp nhận rồi. Tiếp nhận có hồi ứng_phản ứng, hồi ứng là tinh thần tình cảm của chúng ta. Hợp với ý mình thì tâm sanh hoan hỷ, thậm chí có ý niệm khống chế mãnh liệt, khởi sanh ý niệm chiếm lấy. Thực tế đây là phiền não. Còn không thích thì bài xích. Đây là phương diện tinh thần.

Còn phương diện vật chất, thì như chúng ta uống ly nước. Nước với chúng ta khác nhau, chúng ta uống vào, những vật chất này là “tướng nhập”. Nó đi vào trong thân thể của chúng ta, cho nên ăn uống ngủ nghỉ, thực sự là dị thể tướng nhập với tất cả vật chất . Đây đều là thành tựu duyên khởi. Thành tựu cái gì? thành tựu thân mạng này của chúng ta, trưởng thành của sinh mạng là từng sát na. Nếu cắt đứt mọi ăn uống, giới khoa học nói thân mạng của một người, đại khái chỉ cần bảy ngày là không còn nữa. Ta cần phải dựa vào những vật chất bên ngoài để duy trì mạng sống. Trong duy trì này có vật chất có tinh thần. Cho nên sinh hoạt vật chất và sinh hoạt tinh thần, duy trì sức khoẻ và thọ mạng của chính mình. Thậm chí tình cảm và ý niệm của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Những thứ này tất cả đều bao gồm trong “dị thể tướng nhập”. Chúng ta có cho người khác không? Có, giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta cũng cho người khác,  thực sự là tướng nhập. “Chư pháp lực dụng, đệ tướng y trì”, các pháp này là mười pháp giới y chánh trang nghiêm, hai bên hổ tương để duyên nương tựa. Không phải vật giống nhau cũng có thể tồn tại độc lập. Tìm không cái gì độc lập tồn tại.

Nói cách khác, tất cả pháp trong thế xuất thế gian, ta không thể nói cái nào hữu dụng, cái nào vô dụng. Không có đạo lý này. Chỉ cần có một pháp, nó nhất định có chỗ dùng. Vì bản thân chúng ta nhận thức không rõ ràng. Có một vài thứ ta cho rằng nó vô dụng, nên muốn xoá bỏ. Nhưng sau khi diệt trừ vấn đề lại xuất hiện. Vì không biết duyên khởi của toàn bộ vũ trụ là thăng bằng, cũng chính là sự thăng bằng của địa cầu sinh thái người thời nay nói. Tại sao? Vì nó là “hổ vi y duyên”, thiếu một cái cũng không được, thiếu một cái là có vấn đề, liền sanh ra biến hoá. Nhiều thêm một cái cũng sanh ra biến hoá. Duy trì thăng bằng là sinh hoạt lành mạnh nhất, sinh lý của con người cũng như vậy. Thể chất của mỗi người không giống nhau_dị thể, chư duyên các dị. Thích ứng của mỗi người không tương đồng. Chúng ta nói tập quán ẩm thực, tập quán sinh hoạt của mỗi người đều không tương đồng, điều này không thể miễn cưỡng. Thể chất không giống nhau, có người ăn nhiều, có người ăn ít một chút. Nếu có thể thích ứng với với tình trạng thân thể của mình, thì đó là lành mạnh nhất. Cho nên ta không thể ham muốn nhiều, ham muốn nhiều đối với cơ thể không tốt.

Ta tham ăn, thích ăn, điều này không được. Ăn quá nhiều sẽ sinh ra bệnh. Làm sao phải khống chế tốt, ăn không nhiều không ít. Như vậy mới có thể bảo vệ trạng thái sức khoẻ tốt nhất. Cho nên ở đây Đức Phật nói cho chúng ta nguyên tắc này, để trong sinh hoạt hằng ngày ta vận dụng như thế nào cho linh hoạt, mới thật sự có lợi ích đối với chúng ta.

5- Dị thể tướng tức nghĩa. Vị chư pháp dị thể, cánh hổ tương vọng, toàn thể hình đoạt dã”. Có nghĩa là gì? bên dưới sẽ nói.  “Nhiên cụ hữu thể vô thể, phương thành duyên khởi, nhược nhất duyên hữu thể, năng khởi chư duyên, tức thị nhất duyên. Nhược nhất duyên vô thể, sở khởi chi duyên, tức thị chư duyên. Nhất duyên hữu thể, vô thể ký nhĩ, chư duyên hữu thể, vô thể diệc nhiên. Kinh vân: nhất tức thi đa, đa tức thi nhất”. Điều này ở sau có tiểu chú giải. “Toàn thể hình đoạt” là nói “hữu vô chi thể, cánh hổ hình tỷ dữ đoạt” là nói ý này.

       “Hữu vô” là nói hiện tượng vật chất. Thông thường chúng ta nói “không” và “hữu”, nhưng ở đây nói “hữu” và “vô”. “Vô” cũng có nghĩa là “không”. Trong cảnh giới của Hoa nghiêm không hữu bất nhị, không hữu nhất như. Dị thể tương tức này, đằng sau còn có tương nhập. Tương tức nghĩa là không hữu làm sao có thể nói rằng, không tức là hữu, hữu tức là không? Ý này rất thâm sâu.

 “Nhược nhất duyên hữu thể, năng khởi chư duyên”. Duyên này là một pháp, nhân duyên của một pháp. Nhân duyên của pháp này hữu thể, năng khởi chư duyên, đây là nhất duyên. Nếu nhất duyên này là vô thể, thì duyên nó khởi là chư duyên, đó chính là nhiều duyên. Trong đây có nhất duyên và đa duyên.

Chúng ta quan sát từ bốn duyên của đức Phật, thì Thân nhân duyên có thể chăng? Thân nhân duyên nói chung là nghiệp tập chủng tử của A lại da. Cái này nhìn không thấy, vì nó không phải là vật chất. Trong A lại da bao hàm nghiệp tập chủng tử, vô lượng vô biên. Chẳng những tự mình trong quá khứ hiện tại tạo nên, bất luận là vô tình hay cố ý, A lại da đều ghi dấu lại. Đây là Thân nhân duyên gặp duyên khởi hiện hành, chủng tử rất nhiều không có hiện tướng. Điều này ở đây nói là thuộc vô. “Nhược nhất duyên vô thể”. Nó gặp được duyên gì? chủng tử nào bị nó dẫn phát ra liền khởi hiện hành. Đây là nói mười pháp giới:

Nhân pháp giới.  Vì sao quí vị đến nhân gian? là do duyên trong quá khứ đã giữ ngũ giới thập thiện. Đây là Thân nhân duyên đến pháp giới người.

Ngũ giới, trung phẩm thập thiện là nghiệp duyên của cõi người. Thượng phẩm thập thiện là nghiệp nhân của cõi trời. Quá khứ không tu thập thiện thì không thể được thân người, là nhân của quá khứ tu thập thiện sẽ đến được nhân gian. Đây gọi là thân nhân duyên.

Có Thân nhân duyên còn phải có Sở duyên duyên. Sở duyên duyên cũng là phiền não tập khí. Nói phiền não tập khí nó có ý, tức là ta nói đến ý thức. Trong ý thức thích con đường này. Nó ở trong trung ấm không quên con đường này, niệm niệm nghĩ đến con đường này, tâm tưởng sự thành. Ý niệm chủ tể tất cả. Ý niệm là nhân tố quan trọng nhất trong sự lựa chọn của ta. Cho nên niệm Phật rất quan trọng, niệm niệm của ta đều là A Di Đà Phật, ta sẽ chọn A Di Đà Phật, cái này rất quan trọng. Nếu mỗi niệm đều ham muốn hưởng thọ ngũ dục lục trần là đi đến đường Ngạ quỷ. Tham tâm là Ngạ quỷ, Sân nhuế là địa ngục. Nhất định không thể có sân nhuế. Khi gặp bất cứ khổ nạn gì cũng không khởi tâm oán hận. Người khác hại tôi như thế nào, cũng không có tâm oán hận, cũng không có tâm báo thù. Đây là thành tựu chính mình, đề cao chính mình. Nếu sai một niệm thì đi đến ác đạo.

Nếu ta gây bất lợi cho người khác ba phần, thì bất lợi cho mình ít nhất bảy phần. Hôm nay chúng ta nói về duyên khởi pháp, điều này quan trọng hơn tất cả. Trong cuộc sống hằng ngày phải cẩn thận hết sức. Chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp không thoát ly luân hồi được, chính là chưa buông bỏ những tập khí này, nên mới tuỳ nghiệp lưu chuyển. Đây là sai.

Có nghiệp nhân của nhân đạo, đối với nhân gian vẫn còn lưu luyến. Nhân gian lưu luyến là gì? Thân tình là thứ nhất_nợ thân tình. Ngoài ra chúng ta thường nói là độc ác. Thích thì báo ân, oán hận thì phải báo thù, nghiệp nhân nó đến như vậy đó.

Cái này đều nói đến nhất duyên và đa duyên. Ta xem ở trong này, đa duyên, rộng khắp, có nhất duyên. Nhất duyên tìm được mục tiêu rồi_nhất duyên hữu thể. “Năng khởi chư duyên, tức thị nhất duyên”, ví như đến nhân gian đi đầu thai, đây là nhất duyên hữu thể. Ý niệm chủ yếu chính là A lại da. Thần thức đi đầu thai, có thân là có thể khởi chư duyên_đây là nhất duyên. Còn duyên vô thể, duyên sở khởi nó vô cùng rộng rãi. Chúng ta cũng dùng tập khí chủng tử bao hàm trong A lại da. Duyên nào khởi hiện hành trước thì đó là sức mạnh của duyên. Duyên này là Sở duyên duyên.

Còn Vô gián duyên là kiên trì không thay đổi. Nếu ý niệm chuyển biến lập tức khởi biến hoá. Ý niệm không thay đổi thì nhất định hình thành, nhất định là kết quả. Như vậy mới hiểu được trong Kinh dạy chúng ta, toàn thể vũ trụ là vô lượng nhân duyên, không cách nào tính toán được. Vô lượng nhân duyên này cần phải biết đó là cái động đầu tiên, nhất niệm bất giác. Nhất niệm bất giác này ở trong tự tánh, biến thành A lại da. Do A lại da biến hiện thế giới, biến hiện chính mình. Mình là chánh báo, vũ trụ là y báo. Ngoài tự thân ra tất cả đều là y báo. Trong y báo có y báo của người và việc, có môi trường của người và việc, môi trường vật chất, môi trường tự nhiên. Người không học Phật sẽ chẳng biết, không hiểu được chân tướng sự thật. Có phân biệt, có chấp trước, rất phiền phức. Nhưng sau khi học Phật biết được phân biệt chấp trước là sai lầm. Buông xả phân biệt chấp trước, cảnh giới được nâng cao. Không nâng cao cảnh giới được là do phân biệt chấp trước của ta buông chưa được.

Ngày nay chúng ta hiểu rồi, thật sự minh bạch rồi, nhất định phải buông bỏ. Không buông bỏ thì ai thiệt thòi? Chính mình thiệt thòi. Tự mình vĩnh viễn không thể thoát ly luân hồi lục đạo. Gặp môi trường này, đối với người tu mà nói là môi trường tốt. Vì sao? Tai nạn trước mắt quá quy mô, ta mới biết khổ, mới thật sự muốn thoát ly. Nếu hoàn cảnh là xã hội an định, thế giới thái bình, thì ta không muốn rời bỏ. Cảm thấy nhân gian thật không tệ. Phật A Di Đà tiếp dẫn cũng không muốn đi. Cái tốt đẹp của Thế giới ta hưởng thụ rồi, còn thế giới Cực lạc chỉ nghe mà không nhìn thấy, nên tâm nguyện không kiên cố. Vì vậy đối với người tu hành chân chánh mà nói, môi trường không có tốt xấu, không có nhất định. Chỉ xem ý niệm của mình, cách nhìn của mình như thế nào. Nếu cảnh giác được, thì thế giới này thật không nên ở. Đây không phải là tăng thượng duyên tốt sao? Nó có thể giúp ta giác ngộ, giúp ta một đời thành tựu.

Trước đây tôi có nói hai câu nói, người trên thế gian này ai cũng là người tốt, mọi việc đều việc tốt. Người huỷ báng ta, sỉ nhục ta, trở ngại ta, hãm hại ta đều là người tốt, làm gì có người xấu? bất luận họ có ý niệm gì? làm những việc gì? Nếu chúng ta giác ngộ rồi, tất cả đều nhận được ân huệ. Cho nên làm người cần phải luôn sống trong thế giới cảm ân, như vậy đối với chính mình rất tốt, nên nhất định phải dùng trí tuệ đi quan sát, không thể dùng tình cảm vì tình cảm rất phiền phức_ dùng trí tuệ, không dùng tình cảm.

Trong Kinh có câu nói rất hay“Nhất tức thị đa, đa tức thị nhất”, đây là câu mà trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật thường nói, có nghĩa là tướng tức. Nhất đa là nhất thể, sau cùng là tương tức.

  1. Thể dụng song dung nghĩa. Thể dụng song dung giả, vị hội tiền dị thể tương nhập tương tức. Tương nhập ở dưới còn một câu, “nhị chủng giai dung thông dã”. Bên dưới có giải thích “cái chư pháp thể dụng, giao thiệp vô ngại, phương thành duyên khởi. Dĩ thể vô bất dụng, cố cử thể toàn thị dụng. Dĩ dụng vô bất thể, cố cử dụng toàn thị thể.

Đây là nói tất cả pháp, tất cả pháp có thể có dụng, không thể nói có thể không có dụng, hoặc là có dụng không có thể, điều này không thể. Thể dụng nhất định phải song dung. Đây chính là dị thể tương nhập mà ở trước đề cập. Còn ở sau nói đồng thể là tương nhập, “dị thể tương tức, đồng thể tương nhập”. Đây là hai loại thể và dụng dung thông. “Chư pháp thể dụng, giao thiệp vô ngại”  mới thành duyên khởi.

Có thể có dụng, không thể không dụng, có thể không nói là không có dụng, nên cử thể toàn bộ tác dụng. Đứng về mặt cơ bản mà nói, tự tánh là thể. Trong triết học nói là bản thể. Từ thể khởi dụng chính là mười pháp giới y chánh trang nghiêm, đây là tác dụng của nó, là nói sự duyên khởi của toàn bộ vũ trụ. Chúng ta thu nhỏ lại để xem, xem cái thân hiện tại của chúng ta. Thân này là thể. Chúng ta đến thế gian này đương nhiên có tác dụng. Tác dụng gì? Trong kinh Phật nói rất hay, con người đến thế gian này để làm gì? Đức Phật nói một câu: “nhân sinh thù nghiệp”. Con người đến để làm gì? đến để trả nghiệp báo. Trong quá khứ làm thiện tích đức thì đến thế gian để hưởng phước, còn quá khứ làm việc bất thiện thì đến để nhận tội. Đức Phật đã giải thích như vậy. Cái thể này của chúng ta là khởi tác dụng như vậy. Nhưng những tác dụng và ý niệm biến hoá, nó khởi tác dụng bất đồng.

Nếu cuộc sống này của ta, không nhận được giáo huấn của Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, thì đúng là“nhân sinh thù nghiệp”, khi ta hưởng phước hoặc thọ tội, trong đó ta lại đang tạo nghiệp. Nên nghiệp và báo mãi mãi đeo bám không dứt. Nếu ta tạo nghiệp, thì đời sau lại phải thọ báo. Đời đời kiếp kiếp là nguyên nhân gì? Tức là nghiệp nhân nghiệp báo đang tuần hoàn. Ta cần phải thật sự  nhìn việc này cho rõ ràng thấu đáo, thì sẽ biết Đức Phật hình dung lục đạo là gì? là khổ hải_khổ hải vô biên. Đức Thế Tôn khuyên chúng ta quay đầu là bờ. Vậy tại sao không quay đầu? Không quay đầu là mê, quay đầu là giác ngộ. Cho nên dụng không giống nhau là do gặp duyên không giống nhau. Quí vị nghĩ xem cái duyên này quan trọng biết bao nhiêu.

Duyên có thiện duyên ác duyên, cũng là do quá khứ kết tập. Vậy nên bất luận cuộc đời này gặp thiện duyên hay ác duyên. Tóm lại mà nói đó đều là duyên. Tự mình phải dùng trí tuệ để xử lý. Có trí tuệ, thì có thể chuyển biến tất cả duyên thành pháp duyên. Điều này đối với chính mình có lợi ích rất lớn. Ngày xưa chư vị cổ đức thường nói thế duyên, duyên của thế gian này nặng nhất chính là tình chấp, rất khó đoạn, rất khó giải trừ. Không có chân thật trí tuệ thì làm chẳng được, mà chân thật trí huệ ở trong hoàn cảnh hiện tại này, nhưng vô cùng khó gặp. Muốn găp được một thiện trí thức tốt thật không dễ.

Trước đây tôi ở tại Đài Trung, Thầy Lý thường nói với tôi, một học sinh tốt muốn tìm một Thầy giáo tốt không dễ dàng, có thể gặp mà không thể cầu. Nhưng Thầy giáo tốt muốn tìm học trò tốt để truyền pháp của họ lại càng không dễ chút nào. Tìm ở đâu? Từ việc này khiến ta nghĩ đến ở thế giới, bất đồng quốc gia địa phương, thật sự có người truyền đạo pháp, rất khó! Đi đâu để tìm? Cho nên rất nhiều người thành tựu đạo nghiệp mà không tìm được người truyền thừa. Vậy phải làm sao? Họ viết thành sách, đem những gì mình biết dùng văn tự ghi lại truyền cho người đời sau. Xem người đời sau có duyên đọc được sách này của họ không? Từ trước đã dùng phương pháp này, bây giờ khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều thêm vài phương pháp. Bây giờ có thể thu âm, quay phim. So với trước đây thì nhiều phương pháp hơn. Nhưng sau khi thiên tai đến rồi, sợ khoa học kỹ thuật mất đi, nếu không có điện chẳng phải tiêu tùng rồi sao? Thu âm và ti vi đều không thể khởi tác dụng. Cho nên sách vẫn là đáng tin cậy hơn. Đó là lý do vì sao người Trung Quốc coi trọng sách. Còn nữa sợ đại thiên tai, tương lai sách không có phải làm sao? Họ khắc lên trên đá. Kinh khắc trên đá của Phòng Sơn Trung Quốc, không phải duyên khởi từ đây sao? Đem Đại tạng Kinh khắc lên trên đá. Bây giờ chúng ta cũng biết, nếu ở đó phát sanh động đất, cũng có thể làm nó huỷ diệt. Dụng tâm của người xưa, chúng ta không thể không bội phục, không thể không cảm ân. Động cơ của họ, dụng tâm của họ quá tốt, thật là thuần tịnh thuần thiện.

Phòng Sơn Thạch Kinh thực sự có giá trị, so với Đại Tạng Kinh ngày nay, còn nhiều hơn đại tạng kinh thời nay nữa. Nhiều hơn chứ không thiếu, thật sự là vô cùng hoàn chỉnh. Tôi đi tham quan qua. Những điển tích này, người xưa đã dụng tâm như vậy. Ta thử nghĩ xem, họ đã dùng cách gì để bảo tồn chúng, mới không đến nổi bị hủy diệt, thiên tai gì cũng không huỷ được? Tôi nói với quý vị là chỉ có in ấn ra, số lượng in có thể in một ngàn cuốn, đưa đến thư viện các quốc gia trên toàn thế giới cất giữ. Nên bất cứ thiên tai  nào, nó cũng không huỷ tiêu toàn bộ, nhất định cũng có vài cuốn lưu lại. Cách bảo tồn này mới thật sự bảo tồn được. Một bộ khắc trên đá cũng không tin tưởng được. Chỉ cần một trận động đất không phải là mất hết sao? Nên ta thông cảm với dụng tâm của người xưa.

Ngày nay có loại kỹ thuật này, dùng ấn loát tinh xảo, có thể in hai ba ngàn cuốn. Phân chia đưa đến toàn thế giới thì có thể bảo tồn. Vậy hữu thể_ở đây nói thể và dụng, “cử thể toàn thị dụng”. Là nói tất cả pháp, bất cứ pháp nào, có thể, nhất định có dụng. Dụng không rời thể, thể không rời dụng. “Hổ bất tương ngại, giao triệt viên dung”. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, đương nhiên quan trọng nhất là trong đời này, dùng thân này như thế nào, để dùng toàn bộ sanh mạng của chúng ta? Khi đến ta không biết là nó tuỳ nghiệp lưu chuyển mà đến, cũng như Đức Phật giảng vậy, là trả nghiệp mà đến.

Chúng ta rất may mắn, trong đời này có thể gặp được Thánh hiền chỉ dạy. Đây là phước báo thật sự. Thánh hiền dạy bảo hy hữu khó gặp. Gặp được Thánh hiền chỉ dạy thì nên học tập cho tốt, học rồi phải đem xiển dương rộng rãi. Chúng ta phải dùng tinh lực và thời gian của đời này phụng hiến cho chánh pháp cửu trú. Phụng hiến cho tục Phật huệ mạng. Việc này có ý nghĩa có giá trị, không đến một cách vô ích.

Thứ nhất, là báo ân đức của cổ Thánh tiên Hiền. Tục Phật huệ mạng, làm người truyền thừa  chánh pháp.

Thứ hai là phổ lợi chúng sanh, con người đến thế gian hạnh phúc chân thật, hạnh phúc lớn nhất là gì? Chính là tiếp thọ giáo dục của Thánh Hiền. Chư vị tổ sư biết rằng, mấy ngàn năm nay tổ tông dạy bảo chúng ta, không những là “kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”. Nhân loại đang hoạt động trong xã hội này, không kể là lớn hay nhỏ, chẳng ai là không lấy việc dạy học làm số một. Nên hai chữ “Tông Giáo” này gọi là đại học vấn. Tại sao lại dùng cách này để dịch tông giáo của ngoại quốc? Dùng hai chữ này mà gọi là Tông Giáo!

Trong thời cổ, chỉ có trong đạo Phật mới nói đến Tông Giáo. Tại sao đạo Phật lại nói đến Tông giáo? Trong đạo Phật nói Tông môn giáo môn. Tông môn đơn thuần chỉ thiền tông. Thiền tông gọi là tông môn. Ngoài Thiền tông ra, chín tông giáo khác gọi là giáo môn. Cho nên chỉ đạo Phật xưng là tông giáo, không liên quan gì đến tôn giáo hiện nay. Điều này quý vị cần phải biết. Tại sao lại phân ra hai hệ thống? Hai loại phương pháp dạy học không giống nhau.

“Giáo môn” ngày nay gọi là giáo dục chính quy, là do cạn mà sâu, học tập đúng lề đúng lối. Giống như giáo dục thời nay, có tiểu học, trung học, đại học, nghiên cứu sở. Giáo môn là dùng phương pháp học này, từ từ nâng cao lên. Tông môn giống như một số ít thiên tài vậy. Đây là lớp học đặc biệt, họ không cần trải qua nhiều thứ lớp như vậy. Nói cách khác họ không cần có tiểu học, trung học, đại học, không có. Họ chỉ có Nghiên cứu sở, chính là lớp học này. Đốn ngộ đốn chứng, người như vậy quá ít rồi. Thật sự, vài trăm năm cũng có thể mới gặp được một hai người như vậy. Đây không phải là giáo dục phổ thông, mà gọi là Tông môn giáo môn.

Hai chữ Tông giáo này nếu dùng cách nói của người xưa. Tông có nghĩa là gì? Tông có ba nghĩa: Chủ yếu, trọng yếu, tôn sùng. Xứng đáng để người sùng kính, tôn trọng, Giáo là giáo dục là dạy học. Hai chữ này kết hợp lại có nghĩa là gì? Là giáo dục chủ yếu, dạy học quan trọng, tôn sùng giáo hoá, gọi đó là Tông giáo. Ý nghĩa này hay quá, nói lên rằng một người trong thế gian, không thể không học.

Tông giáo, trong hai chữ này không có mê tín. Nó không liên quan đến mê tín. Nó là phá mê khai ngộ, quả là ly khổ đắc lạc. Những điều này chư đại Thánh hiền đều biết. Nhân sinh tại thế sao lại có nhiều khổ nạn như vậy? Bởi ta mê, không hiểu được chân tướng sự thật. Nói cách khác, ta đối với tất cả pháp trong thế và xuất thế gian, đã nhìn sai, nghĩ sai.  Do đó ta nói sai và làm cũng sai. Sai rồi đương nhiên là có quả báo bất thiện, phải chịu khổ chịu nạn. Làm sao mới có thể ly khổ đắc lạc? Giác ngộ là được. Sau khi giác ngộ đối với tất cả các pháp ta đã nhìn thấy rõ ràng, đã suy nghĩ minh bạch. Nên khi khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác đều là chính xác. Tiêu chuẩn này trong Phật pháp nói chính là tự tánh.

Trong  “Hoàn Nguyên Quán” nói tứ tịnh đức, đó là tánh đức của tự tánh. Quốc Sư Hiền Thủ có nói bốn điều: “Tuỳ duyên diệu dụng, oai nghi hữu tắc, nhu hoà chất trực, đại chúng sanh khổ”. “Đại chúng sanh khổ” này có thể dùng trong xã hội hiện tại, mọi người rất quen thuộc một câu nói, đó chính là toàn tâm toàn lực phục vụ cho nhân dân. Trong Phật pháp đổi nhân dân thành chúng sanh_phạm vi của nó lớn hơn. Không chỉ là đối với người, mà phục vụ đối với tất cả chúng sanh. Đây là ai? Là Chư Phật, Chư Bồ Tát. Triển khai Tứ tịnh đức thì trong Phật pháp chính là giới luật. Văn hoá truyền thống xưa là luân thường đạo đức: Ngũ luân, Ngũ thường, Tứ duy, bát đức_đây là giáo dục. Người xưa dùng cái này trị Thiên hạ. Trị thiên hạ bắt đầu trị từ đâu? Bắt đầu từ ý niệm _ đây là trí tuệ chân thật.

Chu Hy biên tập “Tứ Thư”, là cuốn sách mà thời xưa ai cũng phải đọc. Trong “Đại Học” đã nói hết nhưng điều này. Bắt đầu học từ đâu? Từ cách vật. Cách vật nghĩa là gì? “Vật” là vật dục, là dục vọng. “Cách” là hạn chế nó, không thể buông thả dục vọng. Phải tiết chế nó, phải khống chế nó. Dục vọng phải khống chế ở một phạm vi nhất định, không thể vượt qua. Vượt qua thì tệ hại liền sanh. Đó không phải là lạc, đó là khổ. Dục vọng càng thấp càng tốt.

Chư đại Thánh hiền cổ kim trong ngoài, đối với sinh hoạt vật chất chỉ yêu cầu ăn đủ no, mặc đủ ấm, có một ngôi nhà nhỏ ở thoải mái là đủ rồi, ngoài ra không cần gì nữa. Họ có thể sống vô cùng tự tại.

Thứ hai là “trí tri”. Dùng Phật pháp để nói thì “cách vật” là phá phiền não chướng. “Trí tri” là phá sở tri chướng. Thật sự giống như lời Thang Ân Tỷ đã nói, Phật pháp làm phong phú nền văn hoá truyền thống xưa. Dùng Phật pháp để giải thích, nếu trừ bỏ hai chướng này, Bồ đề tâm không phải đã hiện tiền rồi sao? Nên ở dưới là hai câu: thành ý, chánh tâm. Ý thành, tâm chánh là tu thân rồi. Tu thân sau đó tề gia, tề gia sau đó trị quốc, trị quốc sau đó bình thiên hạ. Người xưa học cái gì? Đây toàn đều là giáo dục, một nền giáo dục viên mãn. Từ giáo dục căn bản bắt đầu cho đến cả một đời người, thật là sống đến già thì học đến già. Điều này nói lên chúng ta sanh vào nơi này là nhân duyên tốt đấy. Có thể tiếp nhận được sự chỉ dạy của Thánh hiền, có được cơ duyên này.

Hai ngàn năm trước, Phật Pháp truyền đến Trung Quốc, người Trung Quốc hoàn toàn tiếp nhận. Vì sao? Vì Phật Pháp với truyền thống Trung Quốc đồng một cái gốc. Chúng ta nói duyên khởi “tương tức tương nhập”. Đồng một nguồn gốc là sao? Là hiếu thân, tôn sư. Tịnh Nghiệp Tam Phước câu thứ nhất: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Đây là căn bản_gốc của giáo dục . Đây cũng chính là cái gốc của Phật pháp, nó hoàn toàn tương đồng. Gốc tương đồng, thì cành lá hoa quả đều có thể tương tức tương nhập. Cho nên trên toàn thế giới, giữa các dân tộc khác nhau, chỉ có người xưa hiểu được giáo dục. Có thể làm, có phương pháp,  thành tựu hiệu quả.

Mấy ngàn năm nay, quốc gia này, khu vực này, trị an lâu dài. Là giáo dục tạo thành. Ngày nay vấn đề xuất hiện rồi làm sao giải quyết? Chỉ cần đem việc dạy học làm cho tốt, vấn đề liền được giải quyết. Tại sao? Vì giáo dục là dạy người. Mọi người là người tốt, mọi việc đều là việc hay. Quan trọng nhất là con người, cần phải dạy con người cho tốt. Chế độ là thứ hai, không phải quan trọng, quan trọng là dạy tốt con người. Con người cần phải có chánh tri kiến. Mục đích dạy học của người xưa là Thánh hiền. Cho nên từ trước dạy học, đọc sách. Vì sao phải đọc sách? Đọc sách chí tại Thánh hiền. Mục đích của họ, phương hướng của họ là theo Thánh nhân nhìn thẳng, theo Thánh nhân học tập.

Dạy học trong Phật Pháp là dạy ta thành Phật, thành Bồ Tát. Phật là Thánh nhân, Bồ tát là Hiền nhân. Danh tướng của Ấn Độ và danh tướng của Trung Quốc không giống nhau. Hai cái này ý nghĩa tương đồng. Nên chúng ta đọc đến “thể dụng song dung, chư pháp thể dụng, giao thiệp vô ngại”. Ta thấy những câu này, “dụng” ngay hiện tiền, đặc biệt nói về chư pháp. trên thế giới thời nay nói văn hoá đa nguyên. Vì sao? Vì tin tức phát triển, giao thông phương tiện nhanh nhẹn, địa cầu biến thành một nhà, quan hệ vô cùng mật thiết. Trên thế giới, chỗ nào có vấn đề, chúng ta đều sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta không thể chỉ lo cho quốc gia mình cho tốt, chỉ quan tâm khu vực của mình cho tốt mà thôi, không được. Chúng ta muốn toàn thế giới đều tốt. Trên địa cầu tất cả cư dân đều hạnh phúc, chúng ta mới hạnh phúc thật sự. Thật là nhổ sợi lông mà động toàn thân. Chúng ta với địa cầu là một sinh mạng thể cộng đồng. Ta cần phải thể hội như vậy.

Có thể làm được như vậy hay không? Đáp án là khẳng định, có thể làm được. Mọi người đều có suy nghĩ này. Đặc biệt trên địa cầu hiện nay thiên tai quá nhiều.

Lần này chúng tôi phỏng vấn Giáo Hoàng Phạm Đế Cương. Là chủ giáo ở đây. Chúng tôi gặp mười mấy người, mọi người đều có suy nghĩ như vậy, cần hợp tác, cần học tập qua lại, cùng nhau liên thủ để giáo hoá chúng sanh. Dạy cái gì? dạy luân lý, dạy đạo đức, dạy nhân quả. Ba loại giáo dục này là phổ biến thế gian, phổ cập trên toàn thế giới. Như vậy thiên tai mới có thể hoá giải. Địa cầu mới có thể phục hồi  bình thường. Hóa giải chủng chủng thiên tai. Ngày nay những hiện tượng thiên tai khác thường xuất hiện quá nhiều, rất không bình thường mà trong quá khứ chưa từng nghe qua. Trong lịch sử không có ghi lại. Bây giờ những thiên tai đều đã xuất hiện. Các nhà khoa học nói, trên địa cầu tai dịch xuất hiện, nguyên nhân thật sự là những người cư trú trên địa cầu này, ý niệm của họ có vấn đề, không như bình thường. Theo duyên khởi này mà nói thì tất cả vạn pháp của toàn thế giới, đều có quan hệ hổ tương mật thiết. Đúng như điều thường nói là nhổ sợi lông mà động toàn thân. Chỉ có cải chánh ý niệm. Đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ, vấn đề mới thực sự được giải quyết. Trở về với tự tánh, trở về với sự giáo huấn của Tổ tông xưa. Hồi phục lại cái luân thường đạo đức, thì xã hội này cứu được rồi.

Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây thôi.

HẾT TẬP 67