Thư trả lời thầy Tu Tịnh
Hết thảy pháp môn đều cậy vào tự lực để liễu sanh tử; pháp môn Niệm Phật cậy vào Phật lực để liễu sanh tử. Cậy vào tự lực để liễu sanh tử chẳng phải là chuyện có thể thực hiện xong trong một hai đời. Bậc chứng Sơ Quả còn phải bảy lần sanh trong cõi trời và nhân gian, mới chứng Tứ Quả. Tứ Quả là liễu sanh tử! Người chưa chứng Sơ Quả thăng trầm bất định. Kẻ đời này tu hành rất khá, đời sau tạo nghiệp lớn lao, trong trăm kẻ có đến hơn chín mươi người. Bậc chứng Sơ Quả, dẫu dùng oai lực bức bách họ tạo nghiệp, họ thà chịu xả mạng, chẳng chịu tạo những ác nghiệp giết, trộm, dâm v.v… Nếu không xuất gia, cũng sẽ cưới vợ. Nếu buộc họ tà dâm, họ thà chết chẳng làm! Vị ấy tuy chưa liễu sanh tử, quyết định chẳng bị đọa xuống, còn kẻ chưa chứng Sơ Quả thì không chắc! Dẫu một đời, hai đời chẳng tạo nghiệp, chắc chắn khó thể vĩnh viễn không tạo nghiệp. Vì thế biết: Cậy vào tự lực đoạn Hoặc chứng Chân khó khăn như lên trời vậy!
Người niệm Phật ắt phải sanh lòng tin chân thật, phát nguyện thiết tha, quyết định cầu Phật gia bị trong đời hiện tại, đến lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Lúc bình thường niệm Phật, phải [thành khẩn] như làm đám tang cho cha mẹ, [phải tích cực] như cứu đầu cháy; lại phải đem pháp môn này tùy phần tùy sức nói với hết thảy mọi người; lại còn đối với mọi chuyện đều phải trọn hết bổn phận của chính mình để được mãn nguyện.
Muốn xem kinh, trước hết hãy nên đọc Tịnh Độ Ngũ Kinh. Muốn đọc những sách nông cạn, gần gũi thì hãy đọc Ấn Quang Văn Sao, Ấn Quang Gia Ngôn Lục. Lại muốn đọc những sách thiết yếu, hết sức thâm diệu, vừa dễ lãnh hội thì hãy nên đọc Tịnh Độ Thập Yếu. Muốn biết sự tích vãng sanh xưa nay, hãy đọc Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Hiện thời chẳng thể gởi sách, hãy nên mượn xem từ chỗ của cư sĩ Tạ Huệ Lâm ở số ba mươi hai phố Đông Châu cửa Bắc [thành phố] Thành Đô, các kinh sách ấy ông ta đều có, nhưng không thể tặng cho người khác. Hơn mười năm trước đây, Quang gởi mấy chục gói kinh sách các thứ cho Trùng Khánh Phật Học Xã, chắc họ hãy còn. Hãy hỏi các ông Vương Hiểu Tây, Thư Thứ Phạm, Vương Thích Quân v.v… thuộc Phật Học Xã, có lẽ họ sẽ có sách để tặng cho ông; nếu không, thì mượn xem. Ở chỗ ông Tưởng Đặc Sanh tại ngõ Tam Nguyên Cung ở huyện Tam Đài chắc cũng còn, nếu còn, sẽ gởi cho ông. Gởi sách cho Tứ Xuyên, chỉ có Trùng Khánh Phật Học Xã là được gởi nhiều nhất, kế đó là ông Tưởng Đặc Sanh. Ở chỗ ông Tạ Huệ Lâm bất quá [chỉ có thể] cho ông mượn đọc, chứ chẳng thể tặng cho người khác được!
Pháp môn Niệm Phật thực hiện dễ thành công cao, dùng sức ít được hiệu quả nhanh chóng; đi, đứng, nằm, ngồi, trong hết thảy mọi lúc, hết thảy chỗ, đều có thể niệm. Nếu áo mũ tề chỉnh, tay và mặt sạch sẽ, niệm ra tiếng hoặc niệm thầm đều được. Nếu ngủ nghỉ và áo mũ chẳng chỉnh tề, còn chưa rửa ráy, súc miệng, hay đến chỗ bất tịnh, hoặc lúc đại tiểu tiện, đều phải niệm thầm, đừng niệm ra tiếng. Dù ngủ cũng chẳng nên lõa lồ, hãy nên mặc quần áo, trong tâm thường giữ lòng kính sợ, chớ nên phóng túng.
Muốn thâu nhiếp vọng niệm thì điều thiết yếu bậc nhất là phải giữ lòng cung kính, thường [nghĩ] như thân đang đối trước đức Phật, chẳng dám dấy lên những thứ suy tưởng khác. Điều thiết yếu thứ hai là từng câu, từng chữ trong tâm phải niệm cho rõ ràng, rành rẽ, nơi miệng niệm cho rõ ràng, rành rẽ thì vọng tưởng sẽ dần dần tiêu diệt. Dẫu niệm thầm cũng phải nghe, bởi tâm vừa dấy niệm liền có tiếng. Tai chính mình nghe tiếng trong tâm của chính mình, đương nhiên rõ ràng, rành rẽ.
Trong kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ Tát nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa, đấy là bậc nhất”, chú trọng ở nơi nghe. Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Tâm là ý căn, miệng là thiệt căn, nghe chính là nhĩ căn. Tâm niệm, miệng niệm, tai nghe. Hễ ba căn này được nhiếp rồi thì mắt cũng chẳng thể ngó Đông ngóng Tây, mũi cũng chẳng thể ngửi khí vị khác, thân cũng chẳng dám buông lung, giải đãi, vì thế gọi là “nhiếp trọn sáu căn”. Nhiếp trọn sáu căn để niệm sẽ tự không có vọng niệm ô tạp, nên gọi là “tịnh niệm”. Tịnh niệm ắt phải thường thường tiếp nối chẳng đoạn, vì thế gọi là “tịnh niệm tiếp nối”. Nếu tịnh niệm tiếp nối, lâu ngày chầy tháng sẽ đắc Niệm Phật tam-muội. Cách “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” này là diệu pháp bậc nhất để đắc tam-muội. Vì thế nói: “Đắc Tam Ma Địa, đấy là bậc nhất”. Tam Ma Địa chính là tên khác của tam-muội. Niệm như thế, chắc chắn sẽ có ngày được “tịnh niệm thường tồn tại, vọng niệm hoàn toàn không còn!”
Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ, đã từng cự tuyệt hết thảy thư từ. Thương lòng thành của ông nên giảng cho ông về cách nhiếp tâm và biện pháp thỉnh kinh sách, nhưng kinh sách đã lâu sợ rằng chẳng còn nữa, dẫu mượn chẳng được cũng có lợi ích. Nếu mượn được, hãy hành theo đó thì vãng sanh sẽ là điều chắc chắn đạt được!