Thư trả lời cư sĩ Trần Huệ Tân

(năm Dân Quốc 22 – 1933)

Công khóa tu trì hãy tùy cơ mà lập, càng đơn giản càng hay. Nếu đều là những người tu lâu thì chẳng ngại gì y theo Thiền Môn Nhật Tụng mà niệm. Nếu nhiều kẻ sơ tâm thì bất luận sáng hay tối đều có thể niệm kinh A Di Đà, chú Vãng Sanh, rồi niệm Phật. Sáng tối đều như vậy, trong ban ngày niệm như vậy cũng được. Nếu không niệm kinh chú thì có thể bắt đầu bằng kệ tán Phật cũng được. Phải biết: Tất cả công khóa đều lấy niệm Phật làm chủ, kinh chú là khách! Biết nghĩa này rồi, lại phải căn cứ theo khả năng của thành viên trong Cư Sĩ Lâm để lượng định sao cho thích nghi, chứ Quang làm sao có thể định riêng một chương trình để mọi người đều dựa theo được? Tùng lâm trong thiên hạ đều chiếu theo Thiền Môn Nhật Tụng, nhưng chùa Tây Phương thuộc xã Từ Khê, [thành phố] Văn Khê, sáng tối đều niệm kinh Di Đà; do vậy, chớ nên luận định một cách chấp trước!

Điều không thể chỉ có chút ít mà phải [hết sức] khuếch trương chính là tông chỉ gồm ba món Tín – Nguyện – Hạnh. Nếu dùng cách tham cứu của nhà Thiền “người niệm Phật là ai?” thì chính là tham Thiền cầu khai ngộ, hoàn toàn đánh mất tông chỉ Tịnh Tông. Điều này quan hệ lớn nhất, quan trọng nhất. Con người thường hay mạo danh Thiền Tịnh Song Tu, nhưng tận lực chú trọng tham cứu sẽ đạt được lợi ích hữu hạn (niệm đến chỗ cùng cực cũng sẽ khai ngộ), đánh mất lợi ích vô cùng, vì chẳng chú trọng tín nguyện cầu sanh sẽ chẳng thể cảm ứng đạo giao cùng Phật. Dẫu có đích thân thấy được “người niệm Phật là ai” cũng khó được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương, vì không có cái tâm tín nguyện cầu sanh! Lại chưa đoạn Phiền Hoặc nên chẳng thể cậy vào tự lực để liễu sanh thoát tử. Kẻ ưa ăn nói lớn lối đều do chẳng biết nghĩa này. Pháp môn Tịnh Độ vượt trỗi hết thảy các pháp môn ở chỗ cậy vào Phật lực; những pháp môn khác đều cậy vào tự lực. Tự lực há có thể sánh cùng Phật lực mà luận ư? Đấy chính là một mấu chốt quan trọng nhất trong pháp môn Tịnh Độ!