LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm
Thư trả lời cư sĩ Tiền Hiểu Trẫm
(đính kèm thư gởi đến)
Con có những điều nghi vấn, xin thầy trả lời:
1) [Trong nghi thức] Du Già Diệm Khẩu có đoạn: “Tội tánh bổn không do tâm tạo. Tâm nhược diệt thời, tội diệc vong. Tâm vong, tội diệt lưỡng câu không. Thử tắc thị danh chân sám hối” (Tội tánh vốn không, do tâm tạo. Khi tâm diệt rồi, tội cũng tiêu. Tâm mất, tội diệt đều không cả. Đấy được gọi là chân sám hối). Trong những trước tác khác cũng có dẫn đoạn này (nhưng câu chữ hơi khác). Chẳng biết [những câu này] vốn phát xuất từ kinh nào, quyển nào?
2) Con thường thấy bài kệ tán Phật “thập phương tam thế Phật, A Di Đà đệ nhất” gồm một trăm lẻ tám chữ của Đại Từ Bồ Tát. Bài kệ ấy xuất phát từ sách nào, quyển mấy?
3) Theo quyển hai của sách Kính Trung Kính Hựu Kính[1], trích dẫn tác phẩm Tịnh Độ Hoặc Vấn của pháp sư Thiên Như, [trong Tịnh Độ Hoặc Vấn có] dẫn câu kinh: “Thọ trì danh hiệu Phật được mười thứ lợi ích thù thắng”, chẳng biết sách Tịnh Độ Hoặc Vấn đã dẫn từ chương nào trong kinh nào?
4) Niệm Phật có mười thứ lợi ích thù thắng như trên đây đã nói, thờ phụng, niệm tụng [kinh và danh hiệu] Địa Tạng Bồ Tát có hai mươi tám thứ lợi ích như trong Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh đã nói. Chẳng biết thờ phụng, niệm tụng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát có lợi ích giống như những kinh văn vừa được nêu trên đây hay không, thầy có từng thấy kinh nào, quyển mấy, kinh văn như thế hay không? (Ngoại trừ phần kệ trong quyển thứ mười sáu của Lục Thập Hoa Nghiêm và kinh Đại Bi Đà La Ni)
Thưa cư sĩ Hiểu Trẫm! Ông đã có công phu rảnh rỗi để tìm tòi những chuyện chẳng cấp bách này.
1) Đã biết bài kệ sám hối trong [khoa nghi] Du Già Thí Thực là thù thắng nhiệm mầu, hãy y theo đó để sám hối ngõ hầu có thể được lợi ích lớn lao, cần gì phải hỏi bài kệ ấy phát xuất từ kinh nào? Tất cả những bài kệ trong khoa Thí Thực đều là trích dẫn kinh hoặc những câu văn đã thành khuôn phép, nhưng người chuyên y theo chuyện ấy (tức chuyện thí thực) để làm đã chiếm quá nửa! Nếu bảo bài kệ ấy chẳng phát xuất từ kinh, há chẳng thấy nó được coi trọng trong cõi đời ư? Dẫu bảo là bài kệ ấy phát xuất từ khoa Du Già Thí Thực thì cũng có gì là không được mà cứ phải hỏi đi hỏi lại người khác mãi! Ông đúng là hậu duệ của “kẻ hỏi cầu”[2], chỉ biết hỏi cầu đến nỗi lầm lẫn chẳng hưởng đại lợi ích thù thắng, uổng công sanh lòng áo não, có ích gì đâu?
2) Bài kệ phát nguyện của Đại Từ Bồ Tát cực hay, nhưng xưa nay chưa hề chú giải rõ ràng. Ngài là người thời nào, làm sao riêng chúng tôi biết được? (Long Thư Tịnh Độ Văn, Vân Thê Chư Kinh Nhật Tụng đều chưa nêu rõ).
3) Mười thứ lợi ích thù thắng đã từng được đại sư Vân Thê nêu ra ở cuối bộ Vãng Sanh Tập[3], nhưng cũng không nói phát xuất từ kinh nào. Thật ra lợi ích thù thắng vô cùng, nào phải chỉ có mười thứ! Nếu nói cặn kẽ, ắt sẽ vô lượng vô biên lần vô lượng vô biên lợi ích. Đây chẳng qua nêu đại lược một hai thứ để người ta sanh lòng tin đó thôi!
4) Ông đúng là người si nói chuyện dại. Ông đã từng đọc phẩm Phổ Môn hay chưa? Nếu có chúng sanh nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát liền được lìa dục. Sân hận, ngu si cũng thế. Tam Độc (Tham – Sân – Si) đã diệt, Tam Học (Giới – Định – Huệ) viên minh, lợi ích ấy há hạn cuộc trong số lượng ư? Do hai mươi tám điều lợi ích của ngài Địa Tạng mà ông nghi đức Quán Âm, chẳng biết hai mươi tám điều ấy là đối với tâm lượng của phàm phu mà nói. Còn đối với đức Quán Âm, hễ trọn trần sát cảm liền khắp trần sát ứng, nếu [đem sánh ví hai mươi tám điều lợi ích ấy] với hai mươi tám hạt bụi trong số những vi trần của tam thiên đại thiên thế giới thì vẫn chẳng thể diễn tả hết được! Vì sao vậy? Do Bồ Tát không tâm không cảnh, Ngài lấy tâm, lấy cảnh của chúng sanh làm tâm làm cảnh [của chính mình].
Vì thế, nơi phần nói về điều chẳng thể nghĩ bàn thứ tư [của đức Quán Âm] trong chương Quán Âm Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm, kinh dạy: “Ta đắc Phật tâm, chứng đến rốt ráo. Có thể dùng đủ mọi thứ trân bảo để cúng dường mười phương Như Lai kiêm thêm mười phương pháp giới lục đạo chúng sanh, cầu vợ được vợ (Cầu người vợ hiền lương, trí huệ, Bồ Tát gia bị liền được người vợ hiền lương, trí huệ. Chớ nên hiểu lầm “Bồ Tát liền ban cho vợ!” Cầu con cũng thế), cầu con được con, cầu tam-muội đắc tam-muội, cầu trường thọ được trường thọ. Như thế cho đến cầu đại Niết Bàn đắc đại Niết Bàn”. Đại Niết Bàn chính là Phật quả rốt ráo mà Ngài còn khiến cho chúng sanh đạt được, huống là tất cả những phước lạc thế gian xuất thế gian của hết thảy trời người và quả chứng trong tam thừa ư?
Ông đọc kinh mà không có con mắt chọn pháp; do hai mươi tám điều [lợi ích] của ngài Địa Tạng mà ngờ đức Quán Âm! Không phải là người khác chẳng thể đáp được, mà là người ta khinh ông chẳng đáng cho họ đáp đó thôi! Quang sợ ông tưởng đó là bản lãnh của chính mình, thường tìm những người chẳng chú ý đến chuyện ấy để hỏi người ta hòng tự khoe khoang, nhưng chẳng biết là đã tự khinh! Từ đấy sanh lòng đại ngã mạn, cho là ta có thể bắt bí được hết thảy mọi người, ắt sau này chắc phải có ngày bị ma dựa phát cuồng! Sao không dùng tâm tư ấy để nhất tâm niệm Phật ngõ hầu tâm tương ứng Phật, sống làm đệ tử chân thật của Phật, mất làm bạn lành chốn Liên Trì?
Ông hãy buông cuồng tâm xuống, đọc lá thư tôi gởi cho cư sĩ Cố Hiển Vi trong Văn Sao ắt sẽ được lợi ích, gốc bệnh sẽ hết sạch. Lá thư ấy thật ra là để nói với bạn ông Cố là Phan Thừa Ngạc, chứ chưa từng gặp gỡ ông ta. Ông Cố xin Quang trị bệnh tà chấp cho ông Phan. Vì vậy, tôi chẳng kỵ húy, nói thẳng thừng không úp mở. Ông Phan đọc xong, liền quy y pháp sư Đế Nhàn, từ đầu đến cuối chẳng dám gởi thư cho Quang. Đức Quán Âm do đắc Phật tâm nên ứng trọn khắp tâm của hết thảy thánh – phàm thế gian lẫn xuất thế gian, khiến cho ai nấy đều được mãn nguyện, há có thể nói được số lượng ư? Địa Tạng và Quán Âm đều là cổ Phật thị hiện. Những điều được nêu trong kinh là muốn cho kẻ phàm phu sanh lòng chánh tín. Nếu nói rộng thì ai nấy sẽ khó thể lãnh hội được. Ông khéo hiểu oai thần, công đức của Địa Tạng và Quán Âm, sẽ đáng gọi là “người có trí huệ sáng suốt”. Nếu không, sẽ theo lối mòn của kẻ si, rốt cuộc không có cách chi thoát được. Xin hãy sáng suốt soi xét!
***
[1] Kính Trung Kính Hựu Kính (Đường tắt nhất trong các đường tắt của mọi con đường tắt) là một tác phẩm của Trương Sư Thành viết vào đầu đời Thanh với nội dung đoạn nghi về Tịnh Độ, chỉ rõ pháp môn Tịnh Độ là pháp thích hợp cho khắp ba căn, cũng như những pháp tắc chủ yếu để tu hành Tịnh nghiệp. Sách được chia thành mười ba môn (như Tỉnh Mê môn, Dị Hành môn, Biện Ma môn…), trích dẫn rất nhiều những khai thị của các vị cổ đức về Tịnh Độ.
Trương Sư Thành (?-1830) tự Lan Chử, người huyện Quy An, tỉnh Chiết Giang, đỗ thủ khoa Cử Nhân trong khoa ân thí khi Càn Long tuần du Giang Nam năm 1784, đậu Tiến Sĩ năm 1790, được bổ làm Thứ Cát Sĩ trong Hàn Lâm Viện, từng làm đến tổng đốc Mân Chiết và Tuần Phủ Giang Tô. Có công dẹp hải tặc vùng Phước Kiến và Đài Loan, cai trị rất công minh, nghiêm chánh.
[2] “Hỏi cầu” (vấn kiều) là một từ ngữ trong nhà Phật chỉ những lời chỉ phí công vô ích. Điển tích này xuất phát từ Đại Phương Đẳng Đà La Ni Kinh quyển 3: Trong quá khứ, đức Phật là một vị tỳ-kheo hết sức bần cùng, muốn sang chỗ đang mở hội đại bố thí để xin ít đồ đạc, đi giữa đường chợt nẩy sanh mọi câu hỏi ngu dại, như “cầu do đâu mà có, do ai dựng nên” v.v… nẩy sanh bảy ngàn tám trăm câu hỏi, đến nỗi khi tới chỗ mở hội đã trễ giờ, tất cả những vật cần dùng đã được phát sạch chẳng còn gì, rốt cuộc phải quay về tay không!
[3] Vãng Sanh Tập (ba quyển) là tác phẩm do ngài Vân Thê Châu Hoằng soạn vào đời Minh, ghi chép chuyện vãng sanh của hành giả Tịnh Độ Ấn Độ và Trung Hoa, được chia thành chín phần: Sa-môn (từ ngài Huệ Viễn đời Tấn đến ngài Bảo Châu đời Minh), vua, quan, xử sĩ, ni sư, phụ nữ, ác nhân, súc sanh, chư thánh đồng quy. Trong phần Chư Thánh Đồng Quy đã trích dẫn những đoạn kinh từ Quán Kinh và Vô Lượng Thọ Kinh, cũng như những chuyện cảm ứng do tu Tịnh nghiệp. Cuối phần này nêu ra mười thứ công đức của niệm Phật.