LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Thư trả lời cư sĩ Nhậm Huệ Nghiêm

Ông gởi thư đến cho biết đã học Mật, rất an ủi. Cần biết rằng: Học Mật thì trừ thân – khẩu – ý trì chú, Tam Mật[1] tương ứng ra, phải quán tưởng chuẩn xác thì mới có tương ứng. Nhưng với địa vị “thành Phật ngay nơi thân này”, sợ chẳng dễ gì đạt được đâu! Phật pháp rộng lớn, nhiều môn phương tiện. Một pháp Niệm Phật biết dễ hành khó. Nếu có thể nhất tâm bất loạn thì cũng là pháp môn vô thượng! Thích hợp khắp ba căn, đới nghiệp vãng sanh. Đối với Sách Tịnh Độ Thập Yếu và Một Lá Thư Trả Lời Khắp ông đã nhận được trước kia, hễ rảnh rỗi hãy nên xem đi xem lại sẽ hiểu rõ ràng sự dễ – khó giữa Phật lực và tự lực. Một pháp Niệm Phật càng nên chuyên tâm chẳng hai. Nếu học này học nọ, dẫu có đọc nhuyễn nhừ Tam Tạng mười hai bộ kinh, vẫn chẳng liên quan gì với sanh tử! Khuyên túc hạ hãy nhất tâm niệm Phật thì hay hơn. Nếu chẳng nghe lời Quang thì từ nay về sau đừng nên gởi thư tới nữa! (Ngày mồng Ba tháng Chạp năm Dân Quốc 26 – 1937)

***

[1] Tam Mật (Trīni guhyāni) gồm Thân Mật (Kāya-guhya), Khẩu Mật (Vāg-guhya) và Ý Mật (Mano-guhya). Có hai cách giải thích ba khái niệm này:

1) Theo Hiển Giáo (như trong các phẩm Thập Mật, Kim Cang Lực Sĩ Hội của kinh Đại Bảo Tích), do chẳng thể dùng phàm tình để suy lường tam nghiệp Thân – Khẩu – Ý của Phật, nên gọi là Tam Mật. Đại Trí Độ Luận giải thích cặn kẽ hơn: Mỗi chúng sanh thấy sắc thân của Phật khác biệt, các thứ đại thần biến đều chẳng thể nghĩ bàn nên gọi là Thân Mật. Đức Phật thuyết pháp chỉ một câu mà tùy căn tánh người nghe sẽ vang xa một dặm, mười dặm cho đến trăm ngàn vạn dặm. Đức Phật nói một pháp mà tùy theo căn cơ của người nghe sẽ lãnh ngộ thành vô lượng vô biên nghĩa lý chẳng thể nghĩ bàn; đó là Khẩu Mật. Đức Phật thường nhập Định, những gì Phật quán sát tư duy đều chẳng thể nghĩ bàn nên gọi là Ý Mật.

2) Theo quan điểm Mật giáo, nhìn về phía đức Phật thì trong ba thứ Thể, Tướng, Dụng, nếu xét về Dụng thì Dụng của đức Phật chẳng thể nghĩ bàn, vượt khỏi mọi suy lường của phàm tình nên gọi là Tam Mật. Chúng sanh cũng có Dụng lớn lao như vậy, chỉ vì tam nghiệp chưa khế hợp tam nghiệp của chư Phật nên không chứng được ba khía cạnh của Dụng ấy, nhưng trong chân tâm vẫn ẩn tàng sẵn Tam Mật của chư Phật. Do vậy, khi hành trì, hành giả đã dùng ấn khế, tư thế, pháp khí v.v… nhằm hợp nhất với Bổn Tôn (vị tôn thánh nói ra bài chú hành giả đang thọ trì) ấy là Thân Mật. Không những khi đang trì chú mà trong mọi thời mọi lúc hành vi đều phải khế hợp với Bổn Tôn nên gọi là Thân Mật. Miệng tụng niệm Chân Ngôn cho đến hết thảy lời lẽ đều xứng hợp Bổn Tôn nên gọi là Khẩu Mật. Trong tâm chuyên quán tưởng chủng tự của Chân Ngôn và hình tượng Bổn Tôn, tâm hợp nhất với Bổn Tôn nên gọi là Ý Mật.